Tuần thứ 2 tháng 3 năm 2017Có một đạo hữu tu tập theo Phật giáo Nam truyền đặt câu hỏi với tôi: “Một số thầy Nam tông nói rằng không có đức Phật A-di-đà, cũng không có Bồ Tát Quán Thế Âm, vì trong kinh điển Nam truyền (tạng Pali) không có nói đến. Họ cho rằng đó chỉ là những hình tượng huyễn hoặc, không có thật. Điều đó phải hiểu thế nào?” Trong lá thư tuần này, chúng tôi xin đề cập một vài ý tưởng có liên quan đến câu hỏi này, cũng như liên quan đến con đường tu tập thiết thực nhất của mọi người Phật tử.
Đối với câu hỏi trên, việc trả lời có hay không, đúng hay sai, đều không thực sự liên quan đến sự tu tập hành trì của người Phật tử. Hơn thế nữa, khi tất cả chúng ta đều là những người còn đang trên con đường tu tập theo lời Phật dạy, thì việc khẳng định hay phủ định vấn đề trên đều không thích hợp. Thay vì vậy, chúng ta hãy quán chiếu vấn đề ngay từ những kinh nghiệm tu tập của bản thân mình để thấy được những điều gì là cần thiết cho sự tu tập và những gì là không cần thiết, phải gạt bỏ đi. Vì thế, tôi đã hỏi người vừa nêu câu hỏi trên: “Chị tu tập theo Phật giáo Nam tông, vậy có từng thực hành phép quán từ bi hay chăng?”
- Có, tôi vẫn thường thực tập.
- Vậy khi chị quán khởi tâm từ và ban rãi đến với chúng sinh phương đông, phương tây v.v... chị có tin là sẽ có một nguồn năng lượng nào đó được truyền đến các chúng sinh ấy hay không?
- Có chứ.
- Ví như một ngày nào đó tôi gặp bệnh khổ, chị biết tin nhưng không đến thăm được, liệu chị có nghĩ đến tôi trong lúc thực hành quán tâm từ hay không? Chị có hướng tâm từ đến tôi và mong tôi mau khỏi bệnh hay chăng?
- Chắc chắn là có.
- Vậy chị có tin rằng tôi sẽ nhờ vào sự hướng tâm từ của chị, sự cầu nguyện của chị... mà được sớm khỏi bệnh hay chăng?
- Có... có chứ... Tôi tin chắc chắn là như vậy.
Tôi liền nói với chị bạn ấy: “Chị dù có lòng tin nhiệt thành, bất quá cũng chỉ vừa hướng tâm tu tập được vài mươi năm. Hoặc cho dù là người có nhân duyên tốt, được tiếp cận sớm với đạo Phật, thì bất quá cũng chỉ được chừng năm bảy mươi năm tu tập trong đời này là nhiều lắm rồi. Với công phu tu tập như thế mà chị tin là đã có thể hướng tâm từ đến với người khác, truyền cho họ năng lượng tích cực nhờ tâm từ đó... Vậy nếu có người từng tu tập nhiều đời nhiều kiếp, thậm chí là vô lượng kiếp đã qua, thì việc có được một tâm từ lớn rộng bao la, có năng lực phi thường trong việc cứu khổ ban vui cho người khác, lẽ nào lại là điều không thể có? Và nếu có những vị như thế, thì đó là Phật, đó là Bồ Tát... cho dù muốn gọi bằng danh xưng nào, cũng đâu có gì quan trọng?”
Trong kinh đức Phật từng dạy rằng: “Những điều ta biết nhiều như lá trong rừng, những gì ta dạy cho các tỳ-kheo chỉ như nắm lá trong tay mà thôi. Đó là vì, những điều nhiều như lá trong rừng kia chẳng liên quan gì đến sự tu tập giải thoát nên ta không dạy. Ta chỉ dạy cho các tỳ-kheo những điều thực sự có liên quan đến sự tu tập giải thoát.”
Không ít người trong chúng ta vẫn thường chạy theo những tri thức, biện luận nhiều “như lá trong rừng”, mà quên đi sự quý báu và giá trị thiết thực của “nắm lá trong tay”. Khi có những người Phật tử luôn tranh cãi nhau về việc cõi Phật A-di-đà có hay không, Kinh điển Đại thừa có phải do Phật thuyết hay không v.v... điều đó thường không hẳn là do họ quan tâm đến sự tu tập giải thoát, mà thường là vì sự sa đà, bị cuốn hút vào khu rừng tri thức, biện luận, đến nỗi quên đi việc họ đang sẵn có trong tay một “nắm lá giải thoát” vô cùng quý giá, mầu nhiệm.
Sự thật là mỗi người chúng ta khi đã về quy y Tam bảo thì đều sẵn có trong tay một “nắm lá giải thoát”. Đó chính là Tam quy, ngũ giới và bất kỳ pháp môn nào mà chúng ta chọn để tu tập, như niệm Phật, trì chú, ăn chay, tụng kinh v.v... Mỗi người đều có quyền lựa chọn tùy theo căn cơ của mình, không ai bắt buộc phải giống với ai. Tuy nhiên, khi chúng ta biết trân trọng giáo pháp để thực hành theo đó, thì kết quả tất yếu là ta sẽ sớm nếm được hương vị giải thoát thông qua việc bớt khổ thêm vui ngay trong đời sống.
Ngược lại, nếu thay vì nỗ lực tinh cần tu tập, chúng ta lại hướng tâm theo sự tranh biện về những vấn đề mà bản thân mình thực sự chưa chứng nghiệm, thì điều đó sẽ không mang lại ích lợi gì cả. Kinh Pháp cú dạy rằng: “Ý dẫn đầu các pháp.” Vì thế, nếu ta đem tâm ý phân biệt hơn thua để tranh cãi về một vấn đề, thì cho dù vấn đề đó có là giáo pháp thâm sâu, khi qua tâm phân biệt ấy cũng sẽ bị biến thành những “đám lá trong rừng” hoàn toàn vô bổ. Trong khi đó, chỉ cần với những giáo pháp căn bản nhất như Tam quy, Ngũ giới, nhưng nếu ta có thể đem hết tâm lực thọ trì, tinh tấn làm theo, thì đó chính là “nắm lá trong tay”, chắc chắn sẽ là bậc thang đưa ta hướng dần đến giải thoát.
Phật pháp không phải là những lý thuyết cao xa trừu tượng, mà Phật pháp của mỗi người chính là những điều thích hợp nhất với người ấy để có thể tu tập hành trì và hướng dần đến sự giải thoát khỏi khổ đau phiền não. Khi đến với đạo Phật, điều quan trọng nhất chúng ta cần là một phương thức giảm nhẹ khổ đau. Nếu không biết trân quý “nắm lá trong tay” và nỗ lực sử dụng một cách hiệu quả, chắc chắn chúng ta sẽ chết ngộp giữa “rừng lá” mà không tìm được chút hương vị giải thoát nào.
Đối với người tu tập thiền quán thì “nắm lá trong tay” chính là các phương thức thiền tập sao cho hiệu quả nhất, có công năng chuyển hóa được những tập khí tham, sân, si. Đối với người tu tập pháp môn Tịnh độ thì “nắm lá trong tay” chính là biết chú tâm vào câu niệm Phật, dứt sạch chướng duyên để tâm thức ngày càng trở nên an tịnh, đạt đến sự “nhất tâm bất loạn”. Đối với người tụng kinh, niệm Phật... cũng đều như vậy, cho đến việc giữ giới, ăn chay, làm lành, lánh dữ... cũng đều như vậy. Nếu chúng ta không biết trân quý những điều mình học hiểu được từ Phật pháp để rồi nỗ lực tu tập hành trì, thì cho dù có cất công nghiên cứu tìm hiểu Tam tạng Kinh điển, xét cho cùng cũng chẳng ích lợi gì, và do đó sẽ khiến cho bao nhiêu tri thức quý giá đều biến thành vô dụng như “lá trong rừng”.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, đừng nhìn vào “nắm lá trong tay” của người khác rồi khởi tâm phân biện, tranh luận thị phi, cho rằng những gì mình đang hiểu đang làm mới là chân lý, còn những gì người khác thực hành đều là sai lầm, tà đạo. Cách nhận thức sai lệch này sẽ hủy hoại mọi công phu tu tập của chúng ta, bởi nó khiến cho ta không bao giờ thực sự cảm nhận được ý nghĩa trong lời Phật dạy và chỉ biết chạy theo những tri kiến hý luận vô bổ mà thôi. Hãy thường xuyên tự quán xét chính mình để hiểu sâu và làm đúng theo những gì đã học được từ Phật pháp. Bằng cách đó, ta mới nhận biết ngày càng rõ hơn “nắm lá trong tay” của chính mình, nghĩa là những phương thức hữu hiệu nhất mang đến cho ta hương vị của sự giải thoát, bớt khổ thêm vui.
Kinh Duy-ma-cật dạy rằng: “Từ chỗ khởi làm mà có được niềm tin sâu vững.” (Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm.) Nếu chúng ta không thực sự khởi làm từ những gì mình học hiểu được, thì mãi mãi ta sẽ không bao giờ có được niềm tin sâu vững vào Phật pháp. Và khi thiếu niềm tin sâu vững, ta sẽ không bao giờ có đủ sức mạnh và ý chí để dấn bước trên đường dài.
Vì thế, điều cốt yếu trong sự tu tập không phải là ta chọn theo pháp môn nào, mà là ta đã thực sự nỗ lực hành trì theo đúng với những gì mình nhận hiểu được từ Phật pháp hay chưa. Không có sự thực hành tu tập, hạt giống Phật pháp sẽ không bao giờ có thể nảy mầm, và vì thế chúng ta không thể mong chờ sự đơm hoa kết trái từ những hạt giống không nảy mầm như thế.