Như trên đã giảng thì cách tu hành của tứ giáo đều khác nhau. Mỗi giáo phái đều có những phương tiện (338) và chánh tu (339) khác nhau. Có hai mươi lăm loại phương tiện và mười thừa quán pháp, nếu mỗi một giáo phái đều nói cho rõ ràng đầy đủ, thì bài văn sẽ rất dài và nặng nề. Ý nghĩa [của các phương tiện và chánh tu] tuy khác nhau tùy theo các giáo phái, nhưng tên và số [các phương tiện và chánh tu] thì giống nhau, vì vậy nên ở đây gom lại nói chung cho rõ, người đọc có thể dùng ý nghĩ của mình hiểu rộng thêm ra.
A. HAI MƯƠI LĂM PHƯƠNG TIỆN:
25 phương tiện lại được chia làm năm nhóm:
a) Chuẩn bị ngũ duyên,
b) Giảm bớt ngũ dục,
c) Trừ bỏ ngũ cái,
d) Điều hòa ngũ sự,
e) Hành ngũ pháp
a) Chuẩn bị ngũ duyên, gồm có:
1) Trì giới
2) Quần áo và thực phẩm
3) Nhàn cư chỗ thanh tịnh
4) Tạm đình chỉ
5) Kết thân với thiện tri thức
1) TRÌ GIỚI THANH TỊNH
Như kinh nói rằng: Vì nhờ vào các giới luật mà sanh ra các thiền định và các trí tuệ để diệt khổ. Vì vậy chư tỳ kheo phải trì các tịnh giới. Trì giới cho người tại gia, xuất gia, Đại Thừa, Tiểu Thừa có khác nhau.
2) QUẦN ÁO VÀ THỰC PHẨM
a) Quần áo có ba loại:
1) Người tu trong núi tuyết, tìm được những gì tại chỗ đủ để che thân là được rồi, vì không đến chỗ dân gian [nên không cần chỉnh tề], nhưng miễn là có sức chịu đựng là được.
2) Như các thầy, như thầy đại Ca Diếp mặc loại áo chắp vá từ những mảnh vải cũ vải vụn (340), hay là chỉ có ba cái áo (341) mà không dự trữ thêm một cái áo nào khác.
3) Ở những nước có mùa lạnh Đức Như Lai cũng cho các tu sĩ ngoài ba cái áo có thể có tất cả những phương tiện quần áo, vật dụng …. cần thiết để sống trong vùng lạnh.
b) Về ăn uống cũng có ba loại:
1) Đối với những người thượng căn tu trong núi sâu cách biệt với thế gian, thì tìm thấy những gì ăn được trong vùng như rễ cây, rau, trái cây dại…ăn để nuôi thân.
2) Khất thực: [Người tu ở gần nơi dân cư thì đi khất thực hàng ngày].
3) Thực phẩm do chúng sinh cúng dường, hay do tu viện cung cấp.
3) NHÀN CƯ CHÔ THANH TỊNH
Không làm việc gì cả thì gọi là nhàn, chỗ không não loạn thì gọi là tịnh. Cũng như phần ăn uống và quần áo nói trên tùy nơi tu hành được chia làm ba nơi.
4) TẠM ĐÌNH CHỈ
Tạm đình chỉ những công việc mình đương làm, tạm đình chỉ những sinh hoặc mình đương sống, tạm đình chỉ những quan hệ nhân sự mình đương có, tạm đình chỉ những kỹ thuật mình đương theo đuổi v.v… [tạm đình chỉ, để lấy chút thì giờ tu hành].
5) KẾT THÂN VỚI THIỆN TRI THỨC
Kết thân với những người thiện tri thức, có ba loại thiện tri thức:
1) Ngoại hộ thiện tri thức (342),
2) Đồng hành thiện tri thức (343),
3) Giáo sư thiện tri thức.
b) GIẢM BỚT NGŨ DỤC (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc)
1) Giảm bớt sắc dục: Giảm bớt những ham mê về các vẻ đẹp của nam nữ, như mê đôi mắt đôi mày thanh tú, môi đỏ răng trắng, và những báu vật của thế gian, nào là mầu đen, vàng, đỏ, tím đủ các mầu kỳ diệu.
2) Giảm bớt thanh dục: Giảm bớt những ham mê về tiếng đàn tiếng phách, tiếng vòng tiếng kiền của các nữ trang, tiếng hát tiếng vịnh của nam nữ.
3) Giảm bớt hương dục: Giảm bớt những ham mê về những hương thơm của thân thể nam nữ, của các mùi thơm của thức ăn, thức uống…
4) Giảm bớt vị dục: Giảm bớt những ham mê về mùi vị: Như các mùi vị thơm ngon của các món cao lương mỹ vị…
5) Giảm bớt cái xúc dục: Giảm bớt những ham mê về những xúc giác, như thân thể mịn màng của trai gái, khi trời lạnh thì ấm áp, khi trời nóng thì mát mẻ và tất cả những gì mà xúc giác gây sự khoái cảm.
c) TRỪ BỎ NGŨ CÁI
Trừ bỏ ngũ cái (344), đó là tham dục, sân khuể, ngủ nghỉ, hối tiết, nghi ngờ.
d) ĐIỀU HÒA NGŨ SỰ
Điều hòa ngũ sự (345) đó là điều hòa tâm tư đừng cho tâm hồn nặng nề [ như buồn ngủ ], cũng không để tâm hồn tản mạn [ khó tập trung ], điều hòa thân thể cho không chậm chạp, không hối hả. Điều hòa nhịp thở cho không khó thở, không thở quá nhanh, điều hòa giấc ngủ cho không ít quá không nhiều quá. Điều hòa ăn uống cho không đói quá, không no quá.
e) HÀNH NGŨ PHÁP
Hành ngũ pháp gồm có:
- Mong ước
- Tinh tiến
- Suy niệm
- Xảo tuệ
- Nhất tâm
1) Mong ước: Mong muốn rời khỏi tất cả những vọng tưởng làm điên đảo của thế gian, mong muốn được tất cả những môn trí tuệ của thiền định.
2) Tinh tiến: Kiên trì giữ những giới cấm và từ bỏ ngũ cái. Ngày đêm vẫn chăm chỉ tinh tiến tu hành.
3) Suy niệm: Suy ngẫm đến thế gian này là đầy lưa đảo, xấu xa, đáng khinh đáng chê. Thấy được cái trí tuệ của thiền định là đáng trọng đáng quý.
4) Xảo tuệ (346): Dùng xảo tuệ để so sánh cái khoái lạc của thế gian và cái khoái lạc của trí tuệ của thiền định, biết cái nào hơn.
5) Nhất tâm: Luôn luôn suy niệm đến trí tuệ để thấy rõ những cái hoạ, và cái ác của thế gian, biết cái công đức của trí tuệ của thiền định là đáng quý đáng kính.
Hai mươi lăm pháp này là những phương tiện để trước khi tu tập tứ giáo, cần phải có đủ, nếu không có những phương tiện này, thì thiền định trong thế gian này cũng chưa có thể có huống chi nói đến những diệu lý xuất thế. Như trước đây đã nói trong phần tổng quát về các giáo phái đã chỉ rõ tiệm giáo và đốn giáo khác nhau, phương tiện của hai giáo phái cũng khác nhau, theo giáo phái nào phải tu hành thế nào, phải tùy hoàn cảnh nhận xét tại chỗ. Sau đó xem xét đến chánh tu thập thừa quán pháp.
B) THẬP THỪA QUÁN PHÁP
Đối với tứ giáo thì tên của thập thừa quán pháp giống nhau nhưng ý nghĩa thì khác nhau. Nay lấy Viên Giáo làm thí dụ để giảng giải, các giáo phái khác cứ theo thí dụ này mà suy diễn ra.
1) QUÁN BẤT TƯ NGHỊ CẢNH
Quán bất tư nghị cảnh (347), còn gọi là quán nhất niệm tâm, đầy đủ ba ngàn tánh tướng (348), trăm giới ngàn như (349) không một thiếu sót. Chính là cảnh giới này, cảnh giới tức không, tức giả, tức trung đạo, cảnh giới không trước không sau. [Đó là bất tư nghị cảnh, pháp này bao gồm tất cả cá pháp] quảng đại viên mãn, ngang dọc tự tại, vì vậy Kinh Pháp Hoa nói rằng: Xe này cao lớn quảng đại (350) (người thượng căn thượng trí mới quán được cảnh này ).
2) CHÂN CHÁNH PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Chân chánh phát bồ đề tâm dựa vào cái diệu cảnh trên, phát tứ vô tác hoằng thệ nguyện (351), để thương người thương ta, trên cầu Phật đạo dưới giáo hóa chúng sinh. Vì vậy kinh [Pháp Hoa] nói rằng: trên xe trâu trắng to lớn lập phan và dựng lọng báu (352).
3) KHÉO LÉO TÙY NGHI TU TẬP CHỈ QUÁN
Khéo léo tùy nghi tu tập chỉ quán, để thể hiện cái diệu lý kể trên. Chư pháp thường tịnh, tịch nhiên bất động đó là định. Tuy thường tịnh nhưng lại thường chiếu soi tất cả đó là tuệ. Vì vậy kinh [Pháp Hoa] nói rằng: Như đặt một cái gối đỏ (ở trong xe) (353)
4) PHÁ PHÁP BIẾN
Phá pháp biến (354), nghĩa là lấy tam quán để phá tam hoặc (355). Tam quán tại trong nhất niệm tâm thì có hoặc nào mà không phá được. Vì vậy kinh nói rằng: xe trâu trắng lớn chạy nhanh như gió (356).
5) BIẾT THÔNG TẮC
Biết thông tắc: Khổ, tập, thập nhị nhân duyên, lục tế (357), trần sa hoặc, vô minh đó là tắc. Đạo, diệt, diệt nhân duyên trí (358), lục độ, nhất tâm tam quán đó là thông. Nếu là thông thì ta phải bảo vệ, nếu là tắc thì ta phải phá hủy. Nhưng có khi cái phép dùng để trị tắc lại chính nó gây rắc rối, cái phép dùng để phá bế tắc này chính nó lại là cái gây bế tắc cần được phá hủy. Vì vậy mỗi giai đoạn cần được kiểm điểm, đó là biết thông tắc. Kinh Pháp Hoa nói rằng: Đó là đặt một cái gối đỏ [ở ngoài xe ] (359).
6) CÁC TRỢ ĐẠO PHẨM
Các trợ đạo phẩm. Đó là vô tác đạo phẩm (360), tùy khi thích nghi đưa vào hỗ trợ. Kinh Pháp Hoa nói rằng: Thí dụ xe trâu trắng lớn v.v… [những hành giả có căn cơ trung bình tu từ điều hai thật lòng phát bồ đề tâm cho đế điều sau các hỗ trợ đạo phẩm là đã chứng được bất tư nghị cảnh, còn người hạ căn thì phải tu thêm bốn thừa quán pháp kế tiếp ].
7) CÁC HỘ TRỢ KHAI THÔNG CỦA PHÉP ĐỐI TRỊ
Các hỗ trợ khai thông của phép đối trị.
Nếu dùng những thiện pháp chánh tu mà cũng không hiểu được Viên lý, lúc đó phải dùng đến các phép tu trợ đạo (361) để giúp đỡ. Các phép tu trợ đạo là như ngũ đình tâm và lục độ v.v… Kinh [Pháp Hoa] nói rằng: [ngoài cái xe trâu trắng lớn] còn nhiều các tùy tùng để giúp việc đi theo (từ điều thứ 7 cho đến điều thứ 10 là cho những hành giả hạ căn)
8) BIẾT THỨ TỰ CỦA CÁC CẤP VỊ
Biết thứ tự của các cấp vị. Hành giả cần biết thứ tự của các cấp vị để tránh lòng ngạo mạn đối với những người ở cấp
vị trên.
9) CẦN CÓ LÒNG AN TÂM VÀ NHẪN NẠI
Cần có long an tâm và nhân nại để đương đầu mọi thuận cảnh, nghịch cảnh, tiếp tục bước vào ngũ phẩm để tu hành, để tiến lên lục căn thanh tịnh vị.
10) DIỆT TRỪ PHÁP ÁI
Diệt trừ pháp ái (362). Đừng vì đạt được thập tín vị và các quả vị khác rồi mà tự mãn, nên tiến lên sơ trụ vị để chứng được cái lý của chân thực tướng của chư pháp. Kinh [Pháp Hoa] nói rằng: Ngồi trên xe báu này chu du tứ phương [chu du tứ thập vị] cho đến đạo trường (Diệu giác vị).
Xin kính cẩn giản lược sao lục ngũ thời bát giáo từ những kinh sách lớn (363) của giáo phái Thiên Thai. Nếu cần biết thêm những chi tiết, xin mời đọc mười cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Trong bộ sách này nói tất cả những giáo pháp và nghi thức của Đức Phật giảng dạy trong thập phương và trong tam giới, rõ ràng như thấy trong tấm gương vậy, và trong bốn cuốn Tịnh Danh Huyền Nghĩa (364) nói rõ về các giáo tướng . Từ phần sau đây (quyển hạ) (365) sẽ nói qua về nghi thức phán giáo của các môn phái.
Hết