Chúng ta không thể có một cuộc sống hạnh phúc nếu ta không xây dựng được
một gia đình hạnh phúc. Điều này thật quá đơn giản, dễ hiểu. Bởi vì phần
lớn cuộc sống của chúng ta – đa số những người bình thường – là gắn bó
với gia đình.
Điều mà có thể đôi khi chúng ta không nghĩ đến, là gia đình còn rất quan
trọng đối với chúng ta bởi vì mỗi gia đình đều có một truyền thống.
Những gì bạn có được hôm nay – tôi muốn nói đến cả tinh thần lẫn vật
chất – là một sự kế thừa tất nhiên từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên nhiều
đời... Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp của cha mẹ tất nhiên là quan trọng
nhất.
Vì thế, chúng ta không chỉ để lại cho con cái sản nghiệp mà chúng ta tạo
ra. Chúng ta còn để lại cho chúng cả những hạnh phúc hay khổ đau mà đôi
khi bản thân chúng cũng không nhận biết được.
Nếu các bậc cha mẹ luôn hằn học, đối xử thô bạo trong gia đình, con cái
của họ sẽ lớn lên trong một môi trường tiêu cực và hun đúc những sự hằn
học, thô bạo ấy trong tâm hồn chúng. Chúng sẽ trở nên những người hằn
học, thô bạo mà tự thân chúng đôi khi không dễ nhận ra.
Rất ít người biết quan tâm đến cách đối xử với con cái để tạo một gia
đình hạnh phúc. Nếu bạn là một trong số những người này, tôi xin chúc
mừng bạn.
Thường thì người ta chỉ quan tâm đến việc phải làm thế nào để vui lòng
vợ hoặc chồng mình. Cuộc sống hòa hợp giữa vợ chồng được xem là đã quá
đủ. Vai trò của con cái thường ít được chú trọng.
Điều này cũng dễ hiểu. Dưới mắt các bậc cha mẹ, con cái bao giờ cũng chỉ
là trẻ con. Mà trẻ con suy nghĩ thế nào thì có ảnh hưởng gì đến hạnh
phúc gia đình kia chứ? Người ta cho rằng chỉ cần làm tròn trách nhiệm,
quan tâm lo lắng đầy đủ cho con cái là đủ rồi. Hơn thế nữa, nếu “cảm
thấy” việc gì là tốt đẹp cho con cái, họ sẵn sàng bắt buộc chúng phải
nghe theo mà không cần quan tâm đến việc chúng có hiểu và chấp nhận hay
không.
Cách nghĩ như thế làm thương tổn rất nhiều cho hạnh phúc gia đình. Bởi
vì thật ra trẻ con vẫn có những suy nghĩ, nhận thức riêng của chúng.
Chưa nói đến việc dưới mắt của nhiều bậc cha mẹ, “trẻ con” của họ thật
ra có thể đã là những thanh niên, thiếu nữ hoặc đã vượt qua cả độ tuổi
trưởng thành.
Khi chúng ta cư xử theo cách áp chế con cái, chúng không thể phản kháng,
hoặc đôi khi có phản kháng cũng không đi đến kết quả gì. Điều đó để lại
trong tâm hồn chúng những thương tổn sâu đậm rất khó hàn gắn sau này.
Thường thì bản thân chúng ta cũng có ít nhiều những thương tổn như vậy
do cha mẹ ta tạo ra, chỉ cần suy xét kỹ ta có thể nhận ra điều ấy. Theo
cách này, những ảnh hưởng tiêu cực được truyền nối từ thế hệ này sang
thế hệ khác, và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho ta cảm thấy
một vài tính cách nào đó dường như là phổ biến trong những thành viên
của cùng một gia đình.
Để hiểu được con cái, chúng ta cần tạo ra sự cởi mở, thân mật trong sự
tiếp xúc với chúng. Từ lâu, sự nghiêm khắc với con cái vẫn được xem là
phương thức giáo dục phổ biến và mang lại hiệu quả nhất. Có lẽ điều này
cần xem xét lại. Chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của sự nghiêm khắc
trong tình huống hiện tại, nhưng về lâu dài nó làm tổn thương nặng nề
đến tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Trong số những người tôi quen biết,
có nhiều người không sao xóa bỏ được những ấn tượng không tốt về cha mẹ,
cho dù họ vẫn biết như thế là không phải.
Vì thế, để có một gia đình hạnh phúc, ta nên xem con cái như những
thành viên cần phải được quan tâm một cách thích hợp trong gia đình. Nếu
con cái đã đủ lớn, chúng cần được tham gia bàn thảo hoặc chia sẻ những
vấn đề của gia đình, cho dù quyền quyết định vẫn thuộc về cha mẹ.
Nếu được quan tâm giải thích, đôi khi trẻ con có thể làm chúng ta ngạc
nhiên vì khả năng tiếp thu và ghi nhớ của chúng. Vì thế, khi muốn trẻ
làm hoặc không làm điều gì, ta cần giải thích cho chúng hiểu hơn là bắt
buộc. Có lần, tôi thấy một đứa bé đùa nghịch bằng cách nắm hai cánh bướm
và giật ra. Tôi nói với em: “Này em, em có biết là làm như thế thì tối
nay con bướm sẽ không thể bay về nhà được nữa không? Em có biết là cha
mẹ bướm sẽ trông đợi lo lắng như thế nào không? Hãy nghĩ xem nếu tối nay
em không về nhà thì cha mẹ em sẽ trông đợi, lo lắng đến mức nào?”
Hôm sau, trong lúc trời đang đổ mưa, tôi nhìn thấy cũng em bé ấy ngồi
bên dòng nước chảy cạnh hiên nhà, cẩn thận vớt mấy con ốc sên đang bị
cuốn theo dòng nước. Dứt mưa, em mang mấy con ốc ra đặt nhẹ nhàng dưới
một bụi cây. Khi tôi hỏi vì sao em làm như thế, em bé đáp: “Con sợ là
tối nay những con ốc sên này sẽ không về nhà được với cha mẹ chúng.”
Thật cảm động và đáng ngạc nhiên biết bao!
Trẻ con không chỉ là trẻ con. Chúng là tương lai, là thế hệ nối tiếp của
chúng ta. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình phải tạo ra được sự hòa
hợp không chỉ giữa vợ chồng với nhau, mà là cả giữa cha mẹ với con cái
nữa. Nếu bạn tạo ra những khoảng cách nhất định nào đó làm cho con cái
ngần ngại không chia sẻ những khó khăn của chúng với bạn, chính là bạn
đang đe dọa đến hạnh phúc của gia đình.
Con cái cũng cần được giáo dục để biết cách tham gia vào việc xây dựng
hạnh phúc gia đình. Vì bản thân bạn có thể cũng đã là nạn nhân của những
sai lầm từ các thế hệ trước, bạn nên học biết cách cảm thông và tha thứ.
Nhờ đó, bạn sẽ không lập lại cùng những sai lầm như thế với con cái
mình. Nhưng vì bạn cũng là con người, bạn vẫn có thể mắc phải một vài
sai lầm khác. Và bạn nên dạy cho con cái cũng biết cảm thông và tha thứ
như mình. Tất cả chúng ta đều muốn có một gia đình hoàn hảo, nhưng khiếm
khuyết là bản chất tự nhiên của mỗi con người, và chúng ta không vì thế
mà đánh mất đi hạnh phúc của sự hòa hợp.