Khi chúng ta quan tâm đến đời sống của một ai, ta thường cầu chúc cho
người ấy luôn được cơm no, áo ấm. Và từ lâu chúng ta quen nghĩ rằng đó
là những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống của một con người. Có một điều
chúng ta quên đi không nghĩ đến, vì chúng ta thường quá dễ dàng có được,
đó là không khí ta hít thở mỗi ngày. Nhưng dường như đã đến lúc vấn đề
cần thay đổi, vì không khí trong lành chung quanh ta đang bị đe dọa, và
chúng ta phải hoàn toàn tỉnh táo mới có thể bảo vệ được bầu không khí
này cho chính chúng ta và con cháu ta mai sau.
Chỉ cần ta nhớ lại, sẽ không có gì cần phải tranh cãi về tầm quan trọng
của hơi thở. Ta có thể tạm gác một vài bữa ăn, thậm chí là nhiều bữa; ta
có thể chịu đựng rét buốt một vài ngày, thậm chí là nhiều ngày... nhưng
chúng ta hoàn toàn không có khả năng tạm ngưng hơi thở dù chỉ là trong
thời gian rất ngắn.
Hơi thở quan trọng không chỉ vì nó nuôi sống cơ thể ta bằng dưỡng khí,
cũng như thức ăn, nước uống được đưa vào cơ thể... mà còn vì nó gắn bó
chặt chẽ với nhịp điệu sinh hoạt toàn thân và tinh thần của chúng ta.
Khi ta thanh thản, bình an, hơi thở của ta nhẹ nhàng, khoan khoái. Khi
ta lo lắng, sợ sệt, hơi thở trở nên nặng nề, khó chịu. Khi ta giận dữ,
nóng nảy, hơi thở ta gấp rút, mệt nhọc... Điều rất lạ là chúng ta thường
không mấy khi lưu tâm đến mối quan hệ thực tế rất quan trọng này.
Cũng giống như nụ cười, hơi thở cũng là tặng vật quý giá tự nhiên dành
cho chúng ta. Vì thế, hơi thở là của ta, và ta cần quan tâm đúng mức đến
nó, như đã từng quan tâm đến cơm ăn, áo mặc mỗi ngày.
Khi chúng ta chú ý đến hơi thở, chúng ta sẽ thấy rằng qua hơi thở ta có
thể giữ được tâm trạng bình thản của mình. Những khi ta lo lắng, sợ hãi,
chỉ cần ta giữ hơi thở cho đều đặn trong chốc lát, ta sẽ thấy trong lòng
trở lại bình thản, tự nhiên. Những khi nóng giận, tức tối, chỉ cần giữ
hơi thở cho thanh thản, bình thường, trong chốc lát ta sẽ lấy lại được
sự an ổn trong lòng.
Hơi thở là cầu nối giữa chúng ta và cuộc sống. Hơi thở còn, chúng ta còn
tồn tại. Hơi thở dứt, cuộc sống chúng ta mất. Vì thế, khi ta chú tâm đến
hơi thở, ta ý thức rõ ràng được sự tồn tại của chính mình trong từng
khoảnh khắc của cuộc sống.
Rất thường khi chúng ta không hề chú ý đến hơi thở của mình, vì đó là
một tiến trình tự nhiên đến mức không cần quan tâm. Nhưng nếu chúng ta
bắt đầu thực tập việc chú tâm vào hơi thở, ta sẽ thấy ngay được ý nghĩa
quan trọng của việc này.
Từ lâu, những bộ môn luyện khí công đã hiểu được rất rõ tầm quan trọng
của hơi thở. Công phu luyện tập được khởi đầu từ việc luyện hơi thở để
làm phương tiện chính yếu rèn luyện các bộ phận khác của cơ thể. Người
luyện khí công đạt kết quả tốt luôn phải biết cách chú tâm vào hơi thở
và điều khiển được hơi thở theo ý muốn của mình.
Tuy chúng ta không phải ai cũng muốn rèn luyện khí công, nhưng để có thể
sống tốt, tất cả chúng ta đều nên tập thở.
Có rất nhiều hình thức đơn giản để rèn luyện hơi thở. Thật ra, tất cả
các bài thể dục mà chúng ta áp dụng đều cần thiết phải được kết hợp hài
hòa với việc luyện hơi thở thì mới có thể phát huy được hết tác dụng
tích cực của chúng.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc giữ hơi thở hoàn toàn tự nhiên và chỉ
cần chú tâm vào đó. Khi hơi thở đi vào, ta tỉnh thức nhận biết nó đang
đi vào, và ta biết ta còn đang tồn tại. Khi hơi thở đi ra, ta tỉnh thức
nhận biết nó đang đi ra, và ta biết ta vẫn còn tiếp tục được sống. Thở
vào, thở ra, chúng ta đều tỉnh thức nhận biết. Và như vậy, ta gắn bó một
cách tỉnh thức với cuộc sống, không xao lãng bất cứ một phút giây nào
trôi qua.
Thông thường, khi chúng ta mới bắt đầu chú tâm vào hơi thở, chỉ một lúc
sau hơi thở sẽ dần dần trở nên nhanh hơn, dồn dập hơn. Nhưng vì ta đang
chú tâm, nên ta dễ dàng nhận ra ngay sự thay đổi không cố ý này. Điều
này cũng dễ hiểu. Khi chúng ta chưa quen với sự tập trung chú ý, đầu óc
chúng ta sẽ thấy hơi căng thẳng một chút trong giai đoạn khởi đầu. Và
chính sự căng thẳng nhẹ đã làm cho hơi thở ta trở nên dồn dập hơn đôi
chút. Bình thản, chúng ta điều hòa nhịp thở trở lại như bình thường, và
tiếp tục chú tâm vào hơi thở. Chỉ cần qua vài ba lần, chúng ta sẽ thấy
quen thuộc và không còn thấy có gì khó khăn nữa. Mỗi lần luyện tập có
thể kéo dài tùy thích và tùy thuộc vào thời gian thuận tiện mà ta có thể
dành ra trong ngày. Tuy nhiên, điều tốt nhất là nên sắp xếp bố trí thời
gian sao cho đều đặn trong mỗi ngày.
Khi đã quen với việc tập thở, chúng ta nên duy trì và phát triển ngày
càng thường xuyên hơn. Chúng ta sẽ bắt đầu có thể tập thở trong khi đi
đường, lái xe, hoặc ngồi trên xe buýt. Chúng ta cũng có thể tập thở vào
những quãng nghỉ giữa giờ trong ngày lao động hoặc những lúc tạm dừng
công việc. Mỗi lần tập thở là ta tự nhắc nhở mình và quay về được với
đời sống thực tiễn trong hiện tại. Lâu dần, hơi thở ta sẽ trở nên nhẹ
nhàng, hiền hòa, và tâm hồn ta cũng theo đó trở nên ngày càng thanh
thản, êm dịu hơn.
Ta cũng nên dành một ít thời gian cho việc luyện tập thở sâu. Điều này
là cần thiết, vì nó giúp làm tăng thêm dung tích buồng phổi của chúng
ta, nhất là với các bạn trẻ còn đang ở độ tuổi phát triển. Thông thường,
chúng ta rất ít khi thở đầy buồng phổi của mình, và kéo dài qua nhiều
ngày như vậy, ta tự tạo cho mình một thói quen cảm thấy rất khó thở thật
sâu. Mỗi ngày nếu chúng ta dành ra ít phút để luyện tập thở sâu, ta sẽ
khôi phục lại được khả năng hoạt động tốt hơn của buồng phổi, và điều đó
rất có lợi cho sức khỏe.
Khi chúng ta có luyện tập hơi thở, mỗi việc làm của chúng ta sẽ dần dần
tự nhiên gắn bó với nhịp điệu hơi thở. Người có luyện tập hơi thở, khi
làm bất cứ việc gì cũng đều có sự nhịp nhàng và có sức chịu đựng bền bỉ
hơn. Các vận động viên thể thao đều luôn biết cách phải kết hợp hơi thở
như thế nào trong khi luyện tập cũng như thi đấu.
Sự chú ý vào hơi thở cũng giúp chúng ta gắn liền tâm ý với mọi hoạt động
của cơ thể. Chúng ta không bị cuốn hút vào sự xao lãng mà luôn luôn tỉnh
táo nhận thức rõ từng giây phút trôi qua trong cuộc sống.
Môi trường quanh ta cũng là điều quan trọng trong việc thực hành luyện
tập hơi thở. Nếu bạn sống ở miền quê, bạn có cơ may được hít thở không
khí trong lành nhiều hơn. Tôi nói nhiều hơn, vì ngay cả miền quê giờ đây
cũng đã có ít nhiều ô nhiễm. Người ta phun thuốc trừ sâu và nhiều hóa
chất khác bừa bãi khắp nơi; các trại chăn nuôi không đảm bảo điều kiện
vệ sinh môi trường; và một số nhà máy cũng đang dần mọc lên ở các vùng
quê... Có vẻ như con người giờ đây thật khó mà tìm được một nơi có không
khí hoàn toàn trong lành...
Còn đối với cư dân thành phố, việc hít thở không khí trong lành giờ đây
đã trở thành một điều gần như là thuộc về sự hưởng thụ xa xỉ. Bởi vì bạn
phải lái xe hàng trăm cây số mới có thể làm được điều đó. Còn thứ không
khí bình thường mà mọi người chen nhau hít thở hàng ngày là thứ không
khí mà chỉ những phòng thí nghiệm khá tối tân may ra mới có thể cho
chúng ta biết rõ được trong đó có những gì.
Đã đến lúc các nhà quản lý môi trường, và cả bản thân mỗi chúng ta nữa,
cần phải làm một điều gì đó để cứu vãn tình thế, để con cháu chúng ta
còn có cơ may được sống trong những thành phố có đủ không khí trong
lành...
Và có lẽ để nhắc nhở cho nhau về điều này, chúng ta cũng nên thay đổi
lời chúc tụng vẫn dành cho nhau từ xưa nay. Hãy nói: “Mong sao cho gia
đình bạn luôn có được cơm no, áo ấm và không khí trong lành.”