Tháng trước, đứng nhìn những người dân Ấn sùng đạo tắm gội trên sông Hằng để xóa đi những vết trần tục hôm qua và làm trong sạch đời sống mới hôm nay, tôi chợt nghĩ, nếu được như vậy thì có lẽ rất nhiều người trong đó có tôi sẽ đến sông Hằng mỗi năm để làm mới cuộc đời mình.
Thật ra không dễ dàng như thế. Quá khứ vẫn còn trong tâm tưởng. Vui buồn, vinh nhục, đúng sai, thăng trầm đã đóng lại thành những ngăn có thứ tự, có tên gọi trong ký ức. Đây là thầy cô cũ, đó là bạn bè xưa, bên kia là chia ly, bên này là hạnh ngộ. Thời gian như lớp sương phủ mỗi ngày một dày thêm trong trí nhớ, nhưng một ngày trời quang mây tạnh, ký ức lại trở về, mang niềm vui đến nhưng cũng có khi hành hạ mình.
Không biết là duyên hay nghiệp, nhưng đời tôi gắn liền với những ngôi chùa. Chùa Ba Phong ở làng Mã Châu, chùa Viên Giác ở Hội An, chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền. Ngay thành phố Boston tôi đang sống, trước nhà tôi bây giờ cũng là một thiền viện.
Tôi dọn về đây đã 11 năm. Không bao lâu sau khi ổn định chỗ ở, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà treo bảng bán.Vợ tôi nhìn tôi: “Anh đến đâu là có chùa theo đó.” Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng bên kia đường trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề, như tên chùa được khắc vào tảng đá trước cổng ra vào.
Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Những buổi sáng mùa thu trời không mưa, tôi ngồi nghe tiếng chổi vọng qua từ ngôi chùa nhỏ bên kia đường. Các thầy trong thiền viện thức dậy rất sớm. Thay vì dùng chiếc máy thổi lá như nhiều người ở xứ này, các thầy vẫn quét lá bằng chổi như những ngày còn ở Việt Nam. Thật lạ, giữa thị trấn sầm uất của phía nam thành phố Boston lại có một khoảng đất nhỏ mang trọn vẹn một khung cảnh, một nếp sống Việt Nam. Thiền viện với mái ngói cong, với tiếng chuông ngân dài hòa trong tiếng lá rơi xào xạc buổi sáng cuối thu. Một không khí êm dịu khó có thể tìm đâu trong thành phố kỹ nghệ này.
Tiếng chổi của các thầy vang vọng trong tâm hồn tôi một âm thanh quen thuộc, nhắc nhở tôi về một ngôi chùa ở Hội An, chùa Viên Giác. Vâng, cũng ngôi chùa nhỏ, cũng quét lá trong sân chùa vào mỗi sáng. Nhất là những sáng mùa thu, lá rụng đầy.
Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi. Bốn mươi năm mà như mới hôm qua. Cậu bé trong tâm hồn tôi cũng chẳng lớn hơn chút nào từ những mùa thu cũ. Ngày đó, năm giờ sáng, khi phần đông người trong chùa còn ngủ, cậu bé thức dậy bắt đầu công việc mỗi ngày của mình. Cậu bé phải quét lá sớm để bảy giờ thì đi bộ đến trường. Sân chùa rộng, nhiều khi vừa quét xong nhìn lại phía đầu sân bên kia, lá rơi đầy như trước, lại phải quét thêm lần nữa, nếu không thầy trụ trì thức dậy sẽ trách vì nghĩ là cậu bé chưa quét. Cậu bé đó chẳng ai khác mà chính là tôi.
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổiQuét lá vàng như quét nỗi cô đơnLá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tớiNhư đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.Ngày đó, nhiều buổi sáng khi quét lá xong, trời còn sớm tôi ngồi trên bệ đá trước giảng đường học bài. Nhìn những chiếc lá đang nhẹ nhàng rơi xuống, tôi nghĩ về mình và những đứa bé cùng cảnh ngộ. Số phận của chúng cũng mang nỗi cô đơn sâu thẳm và mong manh như chiếc lá đang rơi.
Thế hệ tôi là thế hệ của những chiếc lá bị cuốn đi trong mùa bão lửa. Lá rơi trên đường phố Đà Nẵng. Lá rơi dọc bến xe đò Hùng Vương. Lá rơi vào những hố rác hôi thối ở Hòa Cầm. Lá rơi bên ngoài các căn cứ lính Mỹ. Mỗi sáng, bên ngoài các hãng kem, hàng trăm chiếc lá tuổi mười hai, mười ba sắp hàng chờ nhận kem đi bán. “Trường học”, “mái ấm gia đình”, “tình thương cha mẹ”, “một bữa cơm ngon”, hình như lâu lắm rồi không ai nhắc với chúng những chữ gần như xa lạ đó nữa. Cuộc hành trình chúng tôi đi không có bóng mát. Những bàn chân nhỏ nhoi trên con đường Việt Nam đầy hố đạn.
Tôi thường nghĩ, nếu không có chùa Viên Giác, nếu không có tiếng chuông chùa nhẹ đưa, không có lời kinh khuya ru tuổi thơ nhiều mất mát, cuộc đời tôi, như hàng triệu chiếc lá chiến tranh khác lang thang khắp ba miền đất nước, không biết giờ này về đâu. Cám ơn Đức Phật và những lời dạy của ngài. Tình thương, bao dung và tha thứ như những giọt nước mát rót vào tâm hồn cháy bỏng của tôi thời thơ ấu.
Năm năm sau, vào một buổi sáng mùa thu, tôi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi. Hôm đó là ngày tôi lạy Phật ra đi. Lá chưa rơi nhiều nhưng tiếng xào xạc hòa trong cơn gió lớn như cùng tấu lên khúc nhạc tiễn đưa tôi. Tạm biệt chiếc đại hồng chung và những tiếng ngân dài, tạm biệt chiếc giường gỗ và bầy rệp đỏ, tạm biệt chiếc mùng ngăn muỗi nhiều chỗ vá. Không giọt nước mắt nào nhỏ xuống trong giờ chia tay người đi kẻ ở. Tôi tự tay mở cánh cửa sắt nhỏ ngăn hai thế giới và ra đi âm thầm như ngày mới đến chùa.
Nhiều khi ngồi nhớ lại mình và những đứa bé bất hạnh thời chiến tranh, tôi tự hỏi, những chiếc lá vàng trên hè phố Đà Nẵng, trên bến xe đò Nam Lộc, trong hố rác Hòa Cầm ngày xưa đã bay về đâu.
Thời gian âm thầm trôi như dòng sông bất tận. Bỗng dưng tôi thấy thương mình trong thời ở chùa Viên Giác hơn bao giờ. Bỗng dưng tôi thèm được về bên sân chùa cũ ngồi dưới ánh trăng thu để lắng nghe tiếng lá ru như tiếng mẹ vỗ về. Bỗng dưng tôi thèm được hát, bài hát của một thời hoa niên đầy nước mắt.
Tôi sẽ về. Dù bay bao xa, một ngày, chiếc lá cũng sẽ trở về chùa Viên Giác như sư phụ tôi dặn dò trong lần cuối gặp nhau năm 1981. Sư phụ tôi đã viên tịch, cây đa già thân yêu của tôi cũng đã chết nhưng tinh thần Viên Giác vẫn còn sống trong từng hơi thở, từng đoạn văn, từng bài thơ tôi viết hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.
Những người thân của tôi một thời dưới mái chùa Viên Giác ở hải ngoại không có ai ngoài Hòa Thượng Thích Như Điển.
Nhớ lại, cách đây ba năm, một buổi chiều rất nhớ Hội An, tôi chợt nảy ra một ý kiến viết chung với Hòa Thượng Như Điển một tác phẩm. Thầy viết rất nhiều sách và tôi cũng viết khá nhiều thể loại nhưng chưa có dịp viết chung một tác phẩm để kỷ niệm. Một lần gặp nhau ở Chicago trong dịp tham dự lễ khánh thành Chùa Trúc Lâm do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn trụ trì, tôi bạch với Hòa Thượng ý định đó. Thầy rất vui, đồng ý và đón nhận ý kiến với thái độ có vẻ còn nhiệt tình hơn cả tôi.
Trong nghi lễ Phật Giáo, Hòa thượng Thích Như Điển là một bậc tôn túc cao của hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh và một trong những vị lãnh đạo giáo hội, nhưng trong chỗ riêng tư thầy cho phép tôi vẫn xem thầy như người anh lớn, như những ngày tôi còn nhỏ ở Hội An. Mỗi lần điện thoại thăm nhau, thầy vẫn một giọng nhỏ nhẹ như ngày nào, hoàn toàn khác với cá tính ồn ào sôi nổi của tôi.
Chúng tôi đã sống với nhau một thời gian, tuy không dài nhưng đầy kỷ niệm. Mấy chục năm qua nhưng những năm tháng đó sẽ không bao giờ quên khi trí nhớ tôi còn làm việc. Thầy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu và hy sinh cho các thế hệ sau. Niềm vui của thầy là sự thành công của huynh đệ cùng tông môn, của các đệ tử thầy kỳ vọng. Tính của thầy nói là làm, khác với tính của tôi chuyện này cứ xen vào chuyện khác.
Sau mấy chục năm xa cách, chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tại đại học Harvard, nơi Thượng Tọa Hạnh Tuấn đang theo học bậc Cao Học Phật Học. Thời gian trôi qua. Thầy không còn là “Chú Điển” và tôi cũng không là “thằng Nhơn quét lá” như xưa. Những sợi tóc ngã màu trên mái tóc tôi và nhiều nếp nhăn trên vầng trán của thầy. Nhưng quá khứ vẫn còn nguyên vẹn. Quá khứ của một ngôi chùa mang nhiều duyên và nghiệp vẫn sống âm thầm trong ký ức chúng tôi. Cuộc đời chỉ là một sân ga trong hành trình sa số kiếp của mỗi con người. Đúng hay sai phân tích cho cùng chỉ là những phán xét chủ quan, giới hạn trong đời sống này. Còn bao nhiêu đời sống khác, còn bao nhiêu điều chúng ta chưa biết hết, chưa hiểu hết.
Như đã hứa với nhau, chúng tôi sẽ viết về thời chúng tôi còn xách nước, quét lá đa, làm tương chao ở chùa Viên Giác. Nếu một người cầm bút mà không viết về nơi mình lớn lên thì còn viết về nơi nào khác nữa?
Hai tháng sau, trong thời gian hoằng dương Phật pháp ở Úc, thầy viết xong phần thầy, nhưng tôi thì chưa.
Tôi quá nhiều việc phải làm và việc nào cũng có thời hạn phải hoàn thành, trong gia đình, đời sống, sáng tác, cộng đồng và xã hội. Nhưng lý do chính, những năm tháng tôi ở chùa Viên Giác là những năm tháng buồn nhất đời mình. Tôi viết được ba chương thì dừng lại. Thầy Như Điển nhắc nhở nhiều lần nhưng tôi không viết tiếp được. Viết về những ngày buồn chẳng khác nào gặm nhấm nỗi đau lần nữa. Thuở tuổi mười ba vô tư, trong trắng, chuyện buồn như nắng và mưa, đến và đi nhiều khi không để lại nhiều băn khoăn, thao thức trong tâm hồn. Bây giờ thì khác, viết lại thời khốn khó, buồn nhiều hơn vui, không phải dễ dàng. Đại sư Chagdud Tulku từng giảng “sống phải biết buông xả như người đang bơi giữa sông, dù gì đi nữa cũng phải tiếp tục bơi”. Biết thế, nhưng không phải nghĩ đúng rồi sẽ luôn làm đúng. Hành trang giúp cho ta có nhiều phương tiện để hoàn thành một chuyến đi nhưng chính hành trang đôi khi cũng là gánh nặng làm chậm bước đi của mình.
Tuy nhiên, vì đã có duyên với nhau nên trước hay sau gì cũng đến cùng điểm hẹn. Hôm nay, sau nhiều lần được thầy nhắc nhở, tôi cũng viết xong phần mình. Đây không hẳn là một hồi ký đúng với thứ tự thời gian các biến cố xảy ra theo từng năm, từng tháng và cũng không phải là tất cả, mà chỉ là những suy nghĩ còn nhớ được từ những ngày còn nhỏ ở Xuyên Châu, Duy Xuyên, cho đến Vĩnh Điện và cuối cùng là Hội An.
Nhiều chương vừa hoàn tất nhưng một số chương đã viết xong khá lâu, một số chương được chọn từ những bài viết riêng đã lưu hành trên mạng lưới Internet và cũng có thể trùng lặp trong vài tác phẩm. Dù mới hay cũ vẫn là của tôi, cùng dòng mực và cùng những giọt nước mắt đọng lại sau một hành trình bi tráng.
Mời quý vị đọc và xem đây như món quà tinh thần gởi đến độc giả nhân mùa Vu Lan năm nay.
- Trần Trung ĐạoVÀI NÉT VỀ CHÙA VIÊN GIÁCTheo một bài viết của Đại Đức Thích Như Tịnh, đương kim Trụ Trì chùa Viên Giác, chùa là một ngôi chùa làng được xây từ nhiều trăm năm trước. Dù không có một văn bản hay một tấm bia ghi khắc năm đặt viên đá đầu tiên, theo ước tính dựa vào các chạm trổ trên đá còn lại trong chùa, ít nhất cũng được xây từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Đầu tiên chùa được dân làng Cẩm Phô tạo dựng bên bờ sông Thu Bồn và đặt tên là Cẩm Lý Tự. Đến thời Thiệu Trị, khu vực đất gần chùa bị lở, chùa được thiên di về ấp Tu Lễ và đổi tên là Viên Giác Tự.
Trải qua một giai đoạn nhiều chục năm suy tàn, chùa Viên Giác được trùng tu lần đầu năm 1841 nhờ công sức của đồng bào Phật Tử, nhiều nhất từ xã Cẩm Phô. Sau nhiều năm không có thầy trụ trì, tháng Sáu năm 1949, Đại Đức Thích Long Trí được Giáo Hội Tăng Già Quảng-Nam Đà-Nẵng cử về chăm sóc chùa Viên Giác. Đại Đức chính thức nhiệm chức tự trưởng trụ trì vào năm 1951.
Dù không phải là Tổ khai sơn của chùa, Đại Đức Thích Long Trí, tăng sĩ đầu tiên mở ra truyền thống Viên Giác đầy sinh động và truyền thừa nhiều thế hệ mang hạnh nguyện giúp đời, Ngài có thể được xem là bậc Sơ tổ của chùa Viên Giác vậy.
Từ khi Đại Đức Long Trí trụ trì, chùa Viên Giác không còn là một ngôi chùa làng vắng vẻ nữa, nhưng đã từng bước thoát ra khỏi không khí quạnh hiu của thành phố cổ Hội An để trở thành trung tâm sinh hoạt cho cả tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tự cũng không chỉ là nơi dành cho các bác, các cô đi chùa tụng kinh niệm Phật mà còn là nơi của các thế hệ trẻ sinh hoạt và vươn lên hòa nhịp với làn sóng chấn hưng Phật Giáo đang bừng dậy khắp nơi trong những năm giữa thế kỷ 20.
Từ năm mới bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm điều hành chùa Viên Giác, nhận thấy rất đông con cháu các gia đình chung quanh chùa không có dịp đến trường, Đại Đức trụ trì mở lớp học Khai Trí để các cháu có dịp học tiếng Việt. Trường kéo dài được 5 năm và giúp được khá nhiều con em các gia đình nghèo khó. Đại Đức cũng nghĩ đến việc đào tạo các trình độ Việt Ngữ bậc cao hơn nhưng chưa có điều kiện thực hiện, một phần không nhỏ cũng vì đời sống của Đại Đức và chúng điệu trong giai đoạn đó rất khó khăn.
Tuy nhiên, khi hoàn cảnh cho phép Đại Đức đã tiến hành hàng loạt các chương trình lớn.
Về vật chất, năm 1967, Đại Đức xây dựng trụ sở Thanh Niên và Gia Đình Phật Tử Quảng Nam. Trong điều kiện chiến tranh và khó khăn tài chánh lúc bấy giờ, việc hoàn tất trụ sở Thanh Niên, Giảng Đường khang trang và tu bổ dãy nhà Đông đổ nát là cả một công trình lớn. Đại Đức trụ trì cũng xây lại khu nhà tổ phía sau chùa trước đó đã bị suy sụp.
Về tinh thần, Đại Đức phát động các chương trình văn mỹ nghệ để khuyến khích tuổi trẻ dấn thân cho lý tưởng hành đạo cứu đời. Với quan niệm chấn hưng Phật Giáo bắt đầu ở tuổi trẻ, chùa Viên Giác đã sớm thành lập các đơn vị Gia Đình Phật Tử. Anh ruột của Đại Đức là ông Lý Trường Trân thành lập Gia Đình Phật Tử Chơn An. Đây là Gia Đình Phật Tử đầu tiên tại Quảng Nam. Bác Lý Trường Trân là Liên Đoàn Trưởng. Bác Nguyễn Văn Bạo là Gia Trưởng. Địa điểm sinh hoạt chính của đoàn lúc bấy giờ là chùa Pháp Bảo và chùa Viên Giác.
Trong những năm cuối thập niên 1960, chùa Viên Giác trở thành trung tâm sinh hoạt cho các đoàn thể thuộc Đặc Ủy Thanh Niên Phật Tử của toàn tỉnh Quảng Nam. Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Huynh Trưởng Cấp Tấn Tâm Đạt Nguyễn Văn Bạo đặt trụ sở tại chùa Viên Giác.
Đó cũng là thời gian tinh thần Viên Giác lan rộng khắp nơi. Đại Đức Trụ Trì khuyến khích các chùa, các tự viện trong tỉnh tổ chức Gia Đình Phật Tử. Nhiều địa phương còn có các đoàn thể thanh niên khác như Hướng Đạo Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử. Trong những năm đầu thập niên 1970, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, Đại Đức cùng với huynh trưởng Tâm Đạt Nguyễn Văn Bạo lèo lái con tàu Gia Đình Phật Tử trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Khi Huynh Trưởng Tâm Đạt tạ thế năm 1992, Hòa Thượng Thích Long Trí kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Tỉnh cho đến ngày Ngài viên tịch.
Không giống như ngày mới về nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chỉ có một mình Đại Đức, vừa làm ruộng, vừa kinh kệ, vừa hoằng dương Phật Pháp và vừa phát triển Giáo Hội Tăng Già, vào những năm cuối thập niên 1960, chùa Viên Giác chúng điệu có khoảng 40 người. Ngoài ra, chùa Viên Giác còn là nơi tạm trú của một số học sinh nghèo, trong đó có kẻ viết bài này.
Sau gần 200 năm trải qua bao nhiêu phong sương tuế nguyệt, chùa Viên Giác vẫn tồn tại với thời gian và trong lòng đồng bào Hội An cũng như trong lòng dân tộc. Dưới mái cong của ngôi chùa cổ đó, những quyết định quan trọng có ảnh hưởng cho sự tồn vong của đạo pháp được thực thi, những giấc mơ nhỏ bé đã được hình thành và lớn lên. Chiếc cổng chùa bằng vôi rất dày được xây từ đầu thế kỷ 19 vẫn còn nguyên vẹn. Dù sau này, chùa có thêm một số kiến trúc mới như tháp chuông, tượng Đức Quán Thế Âm, Tháp của sư phụ, những nét chính của chùa như tâm hồn Viên Giác thủy chung vẫn không đổi khác.
Thời gian trôi trên sông đời bất tận. Kẻ đến người đi. Sư phụ đã viên tịch. Hòa Thượng Tâm Thanh đã viên tịch. Hòa Thượng Như Điển hành đạo phương xa. Kẻ viết bài này còn xa hơn nữa. Nhưng tinh thần Viên Giác vẫn bàng bạc đó đây trong mỗi chân tường, trong từng viên ngói đỏ. Những gì của quá khứ đã ngủ yên với duyên và nghiệp trên một chặng đường, những gì sẽ xảy ra không ai biết. Chỉ có hôm nay là quan trọng nhất. Giữ lại những nét đẹp của hôm qua và làm đẹp hơn cho các thế hệ tương lai, chính là tinh thần của chùa Viên Giác.
THỜI THƠ ẤU Ở DUY XUYÊN“Ai bắn viên pháo đó?” Năm 13 tuổi, trên những chiếc ghế đá bên bờ sông Hàn, bao nhiêu lần tôi đã nhìn xuống đáy sông sâu và hỏi như thế. Có lần tôi đã tính tìm về làng cũ, không phải chỉ để viếng thăm mà để tìm những mảnh pháo còn ghim đâu đó chung quanh vườn. Tôi muốn biết ai đã làm ra nó.
Làng Mã Châu của tôi là một ngôi làng nổi tiếng về nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Những ngày còn nhỏ, tôi thích đứng xem người lớn nuôi tằm. Nhìn những con tằm nhỏ li ti, bám vào những chiếc lá dâu xanh, nhả những sợi tơ trắng mong manh, cho đến khi trở thành những con nhộng cuộn tròn trong cái kén. Qua đó, tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một quá trình sinh diệt khôn cùng của vạn vật.
Cách làng tôi ba cây số về hướng đông là bản doanh của một đơn vị thuộc sư đoàn Thanh Long, quân đội Nam Hàn. Ngoại trừ các vị Tuyên úy Phật Giáo thỉnh thoảng ghé thăm những ngôi chùa gần quận lỵ, lính Nam Hàn thường đóng chặt trong căn cứ, rất ít ra ngoài và cũng không tham gia các cuộc hành quân mở đường vào mỗi buổi sáng như lính Cộng Hòa. Mỗi khi bị pháo kích, họ bắn trả lại nhiều lần hơn nên du kích cũng ngại, ít khi quấy nhiễu họ. Khi cần ra chợ, lính Nam Hàn di chuyển trong những quân xa có gắn đại liên không khác gì ra trận.
Cách làng tôi hơn một cây số về phía Bắc là quận lỵ Duy Xuyên, do một đại đội địa phương quân và các đơn vị nghĩa quân của các xã gần quận trấn giữ. Đây là khu vực an ninh nhất của quận, có ngôi trường trung học đệ nhất cấp sân rộng trồng đầy hoa phượng đỏ, có chợ quận đông đúc và vài cửa tiệm tạp hóa dọc đường từ quận lên nhà thờ Trà Kiệu. Quận Duy Xuyên còn được một căn cứ pháo binh Hòn Bằng nằm trên núi gần nhà thờ Trà Kiệu yểm trợ, đêm đêm bắn lên những trái hỏa châu soi sáng khu vực chung quanh quận lỵ.
Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ không đóng gần làng tôi nhưng trên đường hành quân thường dừng lại ở Duy Xuyên. Có lần nguyên cả tiểu đội ghé vào nhà tôi. Cha tôi ra dấu mời họ vào nhà nhưng họ từ chối, và chỉ cởi áo nằm phơi nắng ngoài sân. Bọn trẻ chúng tôi hiếu kỳ đứng chung quanh nhìn, cảm tưởng như họ đến từ một hành tinh nào xa xôi lắm. Có khi họ tập trung bọn trẻ chúng tôi lại, phân phát kẹo bánh và dạy vài câu tiếng Anh, trong lúc các bác sĩ, y tá lo khám bịnh và phát thuốc. Một thoáng suy tư chợt đến với tôi: “Những người Mỹ này từ đâu đến và tại sao họ lại đến đây?” Thế nhưng ở tuổi lên mười, những suy nghĩ như thế đến nhanh và ra đi cũng rất nhanh như tiếng trống tan trường.
Cách làng tôi 3 cây số về phía tây nam là một nhánh rẽ của sông Thu Bồn, chảy về hướng Cửa Đại. Sông Thu đẹp tuyệt vời, bao nhiêu thơ văn đã chảy ra từ dòng sông đó. Ban ngày dòng sông trong như một dải lụa, chảy êm đềm dưới bóng tre xanh, nhưng ban đêm là khu vực hoạt động của các đơn vị du kích xã, chủ lực huyện của quân đội Mặt Trận Giải Phóng. Thỉnh thoảng, du kích từ bên kia sông bắt loa kêu gọi, nhiều khi còn nhắc đúng cả tên họ của anh em, bà con họ đang đóng ngoài quận lỵ, sớm “bỏ súng quay về với nhân dân”.
Hẳn nhiên, bên phía quận cũng lập tức đáp lại bằng những lời kêu gọi “những ai đang lầm đường lạc lối sớm trở về với chính nghĩa quốc gia”, được phát từ một giàn loa khuếch âm có công suất mạnh hơn nhiều lần. Tôi làm quen với những nhóm chữ “dân tộc”, “chính nghĩa”, “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “cộng sản”, “quốc gia” rất sớm, không phải từ những bài học lịch sử ở trường nhưng phần lớn qua những buổi phát thanh tuyên truyền của hai bên.
Trong vòng tròn có đường kính mười lăm kilomét chìm trong không khí chiến tranh thường trực đó, làng tôi nằm ngay ở giữa. Đánh nhau trực tiếp không nhiều nhưng nã pháo qua lại thì rất thường xuyên. Sau khi bắc loa chửi nhau một hồi, hai bên thường kết luận bằng dăm ba quả pháo. Nếu chẳng may một viên pháo không điều chỉnh chính xác để bắn được đến đích, sẽ dừng lại ở làng tôi, dăm ba người chết, vài người bị thương và nhiều căn nhà bị cháy. Cuộc chiến tương tàn tính bằng máu xương của bao triệu người Việt Nam đã diễn ra nhiều khi không khác gì một trò chơi trẻ con như thế đó.
Và đêm 21 tháng Giêng năm 1968, do cố tình hay sơ ý, do điều chỉnh cự ly quá dài hay quá ngắn, do nòng súng nâng quá cao hay hạ xuống quá thấp, một viên pháo đã dừng lại trên nóc nhà tôi. Trong các bên đại diện cho chiến tranh trên quê hương tôi, phải có một bên đã bắn ra viên pháo đó. Quân đội Nam Hàn bắn lên? Bên sông bắn qua? Ngoài quận bắn vào? Trên núi bắn xuống? Dù sao, viên pháo vô tri đã xuyên thủng mái nhà tranh và rơi xuống cạnh giường ngủ của cha con tôi.
Chiều trước đó, một chiều cuối năm trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, gần cuối bữa cơm đạm bạc như mọi ngày, cha tôi dừng đũa nhìn tôi và nói: “Ăn Tết xong, con xuống Viên Giác ở với thầy ăn học.” Tôi “dạ” đáp lời. Thật sự tôi không hiểu cha tôi nói như vậy có ý gì. Chiến tranh tuy đã lan rộng đến những vùng chung quanh, tiếng đại bác vọng về, màu hỏa châu soi sáng dọc bờ sông, nhưng làng tôi cho đến đêm tháng Chạp 1968 vẫn còn tương đối thanh bình. Tại sao tôi phải bỏ đi? Tại sao đang sống bình an với gia đình, tôi lại phải xuống chùa Viên Giác, mãi tận Hội An, để ăn học?
Tôi biết cha tôi là đệ tử thầy Viên Giác. Pháp danh của cha là Như Hồng. Ông rất kính trọng bổn sư và đã vài lần đưa tôi đến thỉnh an thầy. Thầy Viên Giác, như chúng tôi thường cung kính gọi, có pháp hiệu là Thích Long Trí, cũng rất thương tôi. Thầy là Đặc Ủy Thanh Niên của Tỉnh Giáo Hội và thường tổ chức các buổi văn nghệ khắp các nơi trong tỉnh. Khi còn nhỏ tôi thích hát và, so với nhiều bạn cùng đội, tôi hát khá hay. Năm mười tuổi, tôi và một số huynh trưởng Gia Đình Phật Tử xã Xuyên Châu, được thầy Long Trí chọn vào ban văn nghệ trực thuộc Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam và Đặc Ủy Thanh Niên của Tỉnh giáo hội Quảng Nam. Với các anh chị trưởng đó là một vinh dự hiếm hoi, nhưng với tôi đó lại là một niềm vui, vì tôi có dịp bước ra khỏi ốc đảo cô đơn của mình để theo thầy đi nhiều nơi trong tỉnh. Những đêm văn nghệ lửa trại thường không có sân khấu, và để mọi người thấy mặt, thầy bảo tôi đứng trên ghế mà hát.
Thế nhưng, dù thân thiết bao nhiêu đi nữa, dù gần gũi bao nhiêu với đội, với đoàn, việc xuống ở luôn với thầy ăn học như cha tôi dặn dò, là điều trong trí óc thơ ngây của tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cha tôi thì sao? Căn nhà thân yêu, ngôi trường xinh xinh và dòng sông nhỏ của tôi thì sao? Tuy thắc mắc trong lòng nhưng tôi vẫn dạ khi cha tôi dặn dò. Như một thói quen, tôi vẫn “dạ” nhiều lần trong những đêm khuya, khi cha tôi ru tôi ngủ bằng những câu chuyện buồn nhiều hơn vui của đời ông. Cha tôi không giải thích lý do tôi phải ra đi và tôi cũng chẳng hỏi gì thêm. Nhưng buổi sáng hôm sau tôi mới biết ra rằng bữa cơm tối hôm qua là bữa cơm cuối cùng của cha con tôi trong căn nhà nhỏ ở Duy Xuyên. Lời dặn dò của cha tôi trở thành lời trăn trối của ông khi một viên đại pháo rớt vào căn nhà tranh của chúng tôi.
Viên pháo nổ tung tuổi thơ tôi thành nghìn mảnh vụn, chặt đứt đi của tôi một tàn cây che mát cuối cùng, chỗ dựa thiêng liêng duy nhất mà tôi có trên thế gian này. Tôi thức dậy sau tiếng nổ với một chiếc áo rách tươm và thân hình đầy máu. Không phải máu của tôi nhưng là máu của cha tôi. Cha tôi ra đi không kịp nói với tôi thêm một lời nào khác ngoài những dặn dò trong bữa cơm chiều vừa qua. Tôi áp ngực để nghe nhịp tim, vẫn còn đập nhưng vô cùng yếu ớt của ông.
Cha tôi ra đi giữa lúc tuổi đời tôi còn quá nhỏ, câu chuyện tình giữa mẹ và cha đã vĩnh viễn dở dang. Giọng hát bội Nam Ai buồn não nuột của ông đã tắt. Ông đến một nơi, tôi không chắc là đâu nhưng có một điều tôi tin, ở đó sẽ không có chiến tranh, không bom đạn, hận thù, nghèo đói, bịnh tật, những độc dược đã tàn phá gia đình tôi, và bao nhiêu thế kỷ hủy hoại đến mức tận cùng sinh lực của đất nước tôi.
Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nghĩ về lời dặn dò của cha, tôi cảm nhận được trong đó sự kỳ diệu của tình người. Cha tôi phải ra đi nhưng đã tìm một nơi ông yên lòng nhất để gửi gắm tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giờ, mỗi sát-na mà tôi đang sống, cha tôi, qua hình ảnh một cơn gió nhẹ, một áng mây trên nền trời xanh, luôn ở gần tôi, che chở cho tôi trong những cơn hoạn nạn, vực tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Viên pháo nổ tung ở một thời gian tôi đang quá cần một mái ấm gia đình, một người cha để khuyên răn dạy dỗ, một ngôi trường để học. Viên pháo nổ tung trong lúc cánh cửa tâm hồn tôi vừa hé mở ra để đón nhận những kiến thức mới lạ, để học hỏi và suy tư tích cực về cuộc đời thay vì phải đón nhận cảnh điêu linh tang tóc.
Từ thuở chào đời, tôi đã là một đứa bé bất hạnh. Mẹ và anh chị tôi đều mất rất sớm. Trí nhớ của tôi còn quá non để giữ lại hình ảnh mẹ. Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có đến một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ. Nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn là tuyệt đối.
Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những bụi hoa vạn thọ.
Tôi không biết gì nhiều về mẹ ngoài những chuyện do cha tôi kể lại, tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, nơi cha mẹ tôi gặp nhau, tôi không biết gì nhiều về Quế Sơn, tôi không biết gì nhiều về mảnh đất miền núi cao của quê hương Quảng Nam nghèo khổ của tôi, mảnh đất đã từng chôn khúc nhau tôi. Cha tôi kể lại rằng ở đó có hàng tre, cha tôi gọi là hàng tre Nghi Hạ. Dưới bóng mát của hàng tre ấy ông và Mẹ Quảng Nam đã gặp nhau, yêu nhau và cưới nhau. Họ cùng nhau dựng lên căn nhà tranh, đúc lò ươm tơ, đóng khung dệt lụa và xây một tình yêu chân thành, mộc mạc bên nhau.
Đêm tân hôn của họ trong thời buổi tản cư không có rượu nồng, pháo đỏ, không nhẫn cưới và vắng đi cả những lời chúc tụng của cha mẹ, của bà con thân thuộc. Họ chúc nhau bằng ly nước nấu từ lá vối. Tôi chưa bao giờ được uống một ly nước vối nhưng nghe bà con nói nhà nghèo thường uống nước vối thay cho nước chè xanh, nước vối hơi chua và hơi chát. Dù sao, ở đó, trong một đêm huyền diệu của đất trời, những giọt máu của họ đã hòa vào nhau thành một, đã quyện vào nhau thành một, đã đan chặt lấy nhau, đã ôm ấp nhau để tái tạo nên tôi, tái tạo nên một kiếp con người.
Cha tôi kể rằng ở đó có rừng sim tím. Không biết ông có thường hái tặng mẹ khi mùa hoa sim nở? Một người có tâm hồn đầy thơ như cha tôi thế nào mà chẳng có. Thế nào ông chẳng hái một bó hoa sim cắm lên chiếc lọ bằng đất trên đường đi làm về và nhẹ nhàng đặt lên chiếc bàn bằng gỗ mít của mẹ. Thế nào ông chẳng có khi dắt mẹ đi dạo trên đồi sim trong những buổi chiều tà khi mặt trời rực đỏ dưới chân dải Trường Sơn hùng vĩ, cùng nhau thêu dệt ước mơ và niềm hy vọng ở đứa con sắp chào đời của họ.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong nỗi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình. Tôi biết băn khoăn, thắc mắc ngay từ thuở chỉ vừa lên năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó, những buổi chiều vàng bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, giằn vặt đang bắt đầu đè xuống trên đôi vai nhỏ bé của mình. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu. Phải chăng thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi?
Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.
Vài hôm sau, với vài chiếc áo cũ gói trong chiếc khăn lụa của mẹ để lại, tôi theo đoàn người lánh nạn đi về thành phố. Khi chiếc xe già nua dừng lại bên chân cầu Vĩnh Điện, nhìn rặng tre soi bóng bên sông Thu Bồn, tôi nhớ cha tôi, nhớ căn nhà thân yêu sau trận Mậu Thân chỉ còn là một đống tro tàn.
Tôi chẳng phải là nhà văn hay nhà thơ có những sáng tác đều tay nhưng tôi cũng đã tập viết để ghi lại những cảnh khổ đau chịu đựng mà tôi đã gặp trong chiến tranh và trong những ngày hòa bình khốn khổ sau 1975. Thế nhưng sẽ không bao giờ tôi có thể viết hết về cuộc sống của chính mình, một đứa bé 13 tuổi không gia đình, không cha mẹ, lạc lõng giữa một thành phố lớn.
Đà Nẵng của những ngày tôi ở đó là thành phố chiến tranh, hỗn loạn, với những doanh trại, bãi tắm được gọi bằng tiếng Mỹ, China Beach, TienSa Camp, Monkey Mountain. Đường phố đầy người chạy loạn từ Huế, từ các quận miền núi đổ về, sống lăn lóc, đói khát dọc bến xe chợ Cồn, chợ Vườn Hoa. Cách thành phố không xa là bãi rác Hòa Cầm rộng mênh mông. Nơi đó, mỗi buổi sáng, hàng trăm đứa bé ở tuổi tôi bám theo những chiếc xe đổ rác Mỹ để nhặt những miếng thịt thừa, những lon bơ bỏ dở và ngay cả từng chiếc bao ny-lông dơ dáy. Tôi may mắn hơn vì khi đêm xuống còn có một trại cây ở trên đường Hùng Vương để về ngủ, những đứa khác phải ngủ bên hè các rạp hát chợ Cồn, Trưng Vương, Lido.
Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh là những con ruồi, con nhặng chứ không phải những búp măng non của đất nước như chúng ta thường đọc trong sách vở. Chúng tôi đều thất học. Tôi chỉ mới học xong lớp bảy, tuy thế, vẫn là thằng có học nhất trong đám trẻ mồ côi. Bọn chúng tôi có đứa sống bằng nghề đánh giày trên bến xe, có đứa bán cà-rem dọc phố, và có đứa đi trộm cắp và móc túi trong chợ. Tôi sống không lâu nhưng khi nhớ lại tuổi thơ mình, tôi vẫn cảm thấy xót xa, thường tự hỏi những nhánh sông chảy ngược ngày xưa đó bây giờ đang ở đâu.
Đà Nẵng những ngày tôi ở, có những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà và từ đó đi vào cuộc chiến, tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân, tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, ok, hello, goodbye của những người lính Mỹ trắng, Mỹ đen ôm gọn trong tay những cô gái Việt Nam ốm yếu xanh xao vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng. Ở tuổi 13, tôi cũng đã biết hổ thẹn, biết xót xa tủi nhục cho số phận làm một người Việt Nam, có quê hương mà như mất quê hương. Trên những bến xe đò, hai bên hè phố, đâu đâu cũng thấy ăn mày, đâu đâu cũng có người chạy giặc, đâu đâu cũng có tật nguyền thương tích chiến tranh. Tôi thường tự hỏi, tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà không phải một nơi nào khác?
Và như thế, thời niên thiếu của tôi chìm đắm trong chiến tranh và thù hận.