Tôi lại ra đi. Chiếc xe hiệu Renault màu xanh đậm đưa tôi rời Đà Nẵng. Chỉ mấy tháng nhưng Đà Nẵng đã để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm, từ trại cây Thạc Giáng đến bờ cát Cỗ Mân. Không ai biết và sẽ không bao giờ ai biết, trên những đồi cát trắng dọc bờ biển Sơn Chà, mỗi chiều tôi âm thầm ra đứng nhìn về phía biển để chờ đợi một tin vui. Tin vui đó đã không bao giờ đến. Cha tôi không trở lại. Tôi nhớ rất rõ chiếc áo sờn vai tôi mặc, chiếc chiếu rách, chiếc giường tre nơi tôi ngủ. Trên cồn cát trắng kia, hơn ba mươi năm sau, vẫn còn in dấu chân tôi như đã hằn sâu trong ký ức một đời người.
Tuyến đường Đà Nẵng-Hội An tuy ngắn, nhưng với tôi là một chuyến đi xa. Ngồi trên xe tôi lo âu suy nghĩ, nếu thầy không cho tôi ở lại, rồi tôi sẽ đi đâu? Ngoài trại gỗ trong hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, tôi không còn một nơi nào khác để trở về. Tôi nhớ đến những đứa bé tôi gặp ở chợ Vườn Hoa, chợ Cồn, rạp hát Trưng Vương, giờ này chúng đang sắp hàng nhận kem để bán, đang đánh giày, đang đi nhặt bao ny-lông ở Hòa Cầm hay đang móc túi một người lính Mỹ nào đó.
Tôi nhớ cô tôi, chỗ dựa tinh thần duy nhất tôi có trong cuộc đời này. Buổi sáng trước khi chia tay, cô dúi vào tay tôi những đồng bạc được cô gói kỹ trong chiếc khăn tay, để tôi làm lộ phí và lo chuyện học hành. Tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng với một người sống nhờ vào con, đó là cả gia tài của cô dành dụm từ nhiều năm. Làm sao cô biết được, ba mươi năm sau, những đồng bạc cô chắt chiu kia đã biến thành những hạt ngọc và rực sáng trong tâm hồn tôi tình thương dành cho những người cùng số phận.
Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng. Chị Bảy, chồng, và con gái bốn tuổi chết khi chiếc xe lam chở họ chạy qua một trái mìn cực mạnh được đặt trên đường lớn chạy từ trạm Nam Phước lên chợ Quận Duy Xuyên. Thân xác họ bị mìn xé tan nát thành hàng trăm mảnh nhỏ. Các anh họ của tôi phải đi dò tìm trong những thửa ruộng hai bên đường để nhặt từng cái đầu, từng cánh tay, từng chút thịt. Tất cả được bỏ chung trong một cái nia lớn, sau đó chôn cất trong nghĩa địa gần nhà.
Hôm tôi ra đi, cô nói cười nhiều nhưng tôi biết chỉ để tôi khỏi buồn. Cô tránh nhìn lâu vào mắt tôi và sợ đứa cháu trai 13 tuổi của cô sẽ khóc. Cô không khóc và tôi cũng thế. Tôi tập không khóc trước mặt ai. Tôi cắn răng mỗi khi có người bà con ghé đến thăm, vuốt tóc tôi và buông đôi ba lời thương xót, tội nghiệp, rồi bỏ đi. Tôi tập cười vui và xem thường nghịch cảnh. Chỉ vỏn vẹn 4 tháng trôi qua nhưng tôi đã khá quen với đói khát, rẻ khinh trong cuộc sống mỗi ngày.
Xe chạy ngược trên quốc lộ số một mang tôi về gần với quê nội Duy Xuyên hơn. Trên con đường đó, vài tháng trước một toán lính Mỹ đã dừng lại xem xét vết thương của cha tôi, lúc đó đang trên đường chở đi Đà Nẵng bằng chiếc xe lam của bác Hoàng cùng xóm. Toán lính Mỹ gọi trực thăng đến đón cha tôi. Họ cho tôi theo một đoạn đường ngắn rồi hạ xuống để tôi lại trong một căn cứ Mỹ và trực thăng tiếp tục bay. Đó là lần cuối cùng tôi thấy mặt cha tôi. Đứng một mình trên bãi cát nhìn chiếc trực thăng nhỏ dần về phía biển mang theo người thân yêu nhất của tôi và tôi thét lên như con nai tơ đang lạc mẹ giữa rừng già. Hầu hết những người quen biết đều nghĩ trực thăng mang cha tôi ra một tàu bịnh viện nổi ở ngoài khơi để chữa trị. Tôi cũng tin như thế nên từ bao nhiêu năm nay thường nhìn ra phía biển mỗi chiều.
Khác với những lần trước tôi đến đây trong những ngày đại lễ ồn ào đông đúc, hôm ấy chùa vắng lặng. Thầy Thích Long Trí ngạc nhiên khi thấy tôi bước vào chùa một mình chứ không phải với cha tôi hay các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như cách tôi thường đến trước đây. Tôi chắp tay bạch với thầy những gì đã xảy ra cho tôi từ Tết Mậu Thân và xin phép thầy ở lại. Thầy Long Trí gật đầu không một chút do dự và nói vắn tắt : “Con ở lại đây ăn học.” Nói xong thầy đi công việc. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, thật không ngờ điều tôi lo lắng nhất lại được thầy chấp nhận một cách dễ dàng như thế.
Các chú điệu chỉ cho tôi một chiếc phản bằng gỗ nhỏ có rất nhiều rệp, một chiếc chiếu nặng mùi mồ hôi của những người khách từng ghé trọ qua đêm trong chùa, một chiếc mền mỏng và chiếc mùng. Tất cả đều rất cũ. Trong chùa lúc đó đã có một số học sinh trọ học. Hai nam một nữ, anh Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức. Sau này có thêm Hoàng và Nhiêu, một người nhỏ hơn tôi mà tôi rất thương và đã chết khi đạp phải mìn trên đường về thăm mẹ. Tôi ở chung phòng phía dãy nhà Đông với hai chú điệu và anh Sáu. Phòng khá rộng, mỗi người nằm một góc. Ngoài tôi, ai cũng quen với đời sống trong chùa. Tới giờ họ tự động làm công việc của mình, kẻ đánh chuông, người quét lá, kẻ nấu ăn, người gánh nước.
Anh Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức đều lớn tuổi hơn và học trên tôi vài lớp. Chúng tôi làm quen nhau khá dễ dàng, trao đổi nhau chuyện học hành, đời sống trong chùa. Các anh chị học ở các trường trung học trong thành phố. Tôi chưa biết sẽ học trường nào và làm sao có thể vào học được. Không giống tôi, cha mẹ họ đều còn sống. Họ ở Viên Giác để đi học, cuối tuần có khi trở về nhà riêng với người thân của họ. Tôi không có nơi về. Tôi sẽ ở đây với chùa Viên Giác, ngủ trên tấm phản bằng gỗ chiều ngang không hơn một mét và đắp bằng tấm mền vừa được tôi giặt cho bớt mùi hôi. Đêm đầu tiên ngủ trên phản gỗ, vừa lạ chỗ, vừa không quen, tôi không ngủ được, nằm nghe tiếng lá đa xào xạc, một cảm giác hoang vu, xa lạ nhưng cũng rất ấm cúng, gần gũi, thanh bình mà tôi chưa bao giờ được nghe trước đó.
Nhìn bóng đêm hun hút bên kia cổng tam quan tôi tự hỏi rồi mình sẽ đi đâu nữa. Cha tôi không dặn dò gì khác. Từ nay về sau, chọn lựa một hướng đi cho đời mình là trách nhiệm của tôi. Dù chưa biết đời mình sẽ ra sao nhưng có một điều tôi biết, Viên Giác chỉ là một sân ga trong nhiều sân ga của chuyến tàu đời. Ngày mai, ngày mốt, một năm hay mười năm nữa, rồi tôi lại sẽ ra đi. Thật vậy, cuộc đời tôi cho đến hôm nay là chuỗi dài của những điều kỳ lạ không thể nào giải thích được. Từ quan điểm của đạo Phật tôi không nghĩ những điều đó là bí ẩn thần linh hay xa xôi huyền bí gì, nhưng chỉ là những nhân duyên do nhiều nguồn kết tụ. Mầm sống trong tôi, ước mơ sâu thẳm của cha tôi, bàn tay nhân ái của nhiều người, những chông gai thử thách của thế gian, tất cả, qua nhiều năm tháng đã làm nở rộ trong tôi những cánh hoa đời có tất cả những hương vị ngọt bùi và cay đắng.
Ngày đó chùa Viên Giác rất đẹp, yên tĩnh và rộng rãi. Phía trước chùa là hai hồ nước, trong sân là một hồ sen. Chùa trồng nhiều hoa hai bên lối vào. Thầy trụ trì đã nhờ đồng bào Phật tử lấp đất để trồng rau. Con đường lát đá vào chùa có hai hàng dừa rất dễ thương. Điểm nổi bật của chùa Viên Giác là hai cây đa trên trăm tuổi mà bóng dáng đã để lại trong tâm tưởng tôi những dấu ấn chẳng bao giờ phai nhạt. Không giống những ngôi chùa Phật Giáo khác ở Hội An, chùa Viên Giác, ngoài chánh điện mang đậm nét xa xưa, cổ kính, còn có hai dãy nhà Đông, nhà Tây vừa được mới xây với kiến trúc hiện đại. Hai bên cổng tam quan là hai cây đa lớn, có thể hàng trăm tuổi, che mát cả một sân chùa rộng.
Theo bài viết của bác Lý Trường Trân, anh ruột của thầy trụ trì, cũng như theo hồi ký của chính thầy trụ trì, chùa Viên Giác do dân làng xã Cẩm Phô dựng lên. Từ năm 1951, chùa được cúng dường cho Giáo Hội Tăng Già. Tịch Chiếu Đại Sư và đệ tử của ngài là Đại Đức Thích Long Trí đến quản nhiệm ngôi chùa. Những tháng ngày đầu tiên rất khó khăn. Ngôi chùa trong nhiều năm không ai chăm sóc trở nên tiêu điều hoang vắng. Một mình thầy phải lo làm ruộng nuôi cả chùa và phải săn sóc cho Đại Sư Tịch Chiếu đang trong thời bịnh họan. Khi Ngài Tịch Chiếu Đại Sư vào Nam để tiếp nhận chùa Tây Tạng, thầy Long Trí tiếp tục trụ trì chùa. Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập vào đầu năm 1964, thầy là tăng sĩ trẻ, đóng góp tích cực và có khả năng nhất của giáo hội địa phương, và cũng vì thế mà thầy được giao nhiều trọng trách nhất. Mặc dù chùa Tỉnh Hội trên đường Hai Bà Trưng là trụ sở chính thức của Giáo Hội, nhưng vì thầy Long Trí, vừa là Phó Đại Điện Nội Vụ, kiêm Chánh Thư Ký, kiêm cả Đặc Ủy Thanh Niên của tỉnh Giáo Hội nên chùa Viên Giác trở thành trung tâm sinh hoạt chính của Phật Giáo Quảng Nam.
Trong thời gian thừa kế việc trụ trì chùa Viên Giác, thầy Long Trí đã vận động tu bổ chùa nhiều lần. Nhờ đó, chùa Viên Giác từ một ngôi chùa hoang sơ đã trở nên một trung tâm văn hóa giáo dục hiện đại. Lần tu bổ lớn nhất được thực hiện vào cuối năm 1966 với hai dãy nhà Đông và nhà Tây rất khang trang. Riêng dãy nhà Tây được xây thêm một tầng lầu để cất giữ tài liệu và kinh sách. Với lòng ưu ái đặc biệt dành cho tuổi trẻ, thầy Long Trí đã dùng căn phòng đầu tiên bên dãy nhà Đông khang trang để làm Trụ Sở Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam.
Tôi biết đến chùa Viên Giác lần đầu tiên năm lên mười tuổi nhân dịp khánh thành trụ sở Thanh Niên và Gia Đình Phật Tử Quảng Nam vào tháng 2 năm 1967. Một trong những chi tiết hấp dẫn nhất của lễ khánh thành năm đó là chương trình văn nghệ được dàn dựng quy mô do Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam phụ trách. Ban văn nghệ Gia Đình Phật Tử tỉnh quy tụ tinh hoa văn nghệ của hàng trăm gia đình Phật Tử khắp tỉnh nên tiết mục nào cũng hết sức công phu và xuất sắc.
Gia Đình Phật Tử Quận Duy Xuyên chúng tôi chịu trách nhiệm nhiều tiết mục chính của đêm văn nghệ trong đó có vở ca kịch Máu Nhuộm Thiền Môn được các thầy, các cấp trưởng bàn tán, đồn đãi rất nhiều ngay cả khi chưa trình diễn. Cái tựa nghe rất là cải lương mà sau này mỗi khi nhắc lại chúng tôi không thể nhịn cười, nhưng thời đó là niềm kiêu hãnh không phải chỉ của riêng tôi, của Gia đình Phật Tử Quận Duy Xuyên chúng tôi mà cả của thầy Long Trí nữa như thầy đã nhắc lại trong hồi ký của thầy. Hành trình tôi đi trong suốt mấy mươi năm dường như đều có ánh trăng soi, nhưng đêm trăng tròn đầy kỷ niệm đó mới là điểm mở đầu cho một nhân duyên kỳ diệu của tôi và chùa Viên Giác.
Tôi nhớ rất rõ từng chi tiết của đêm văn nghệ mừng lễ khánh thành trụ sở thanh niên được tổ chức rất quy mô với trọng điểm là vở kịch Máu Nhuộm Thiền Môn do ban văn nghệ Gia Đình Phật Tử Duy Xuyên chúng tôi đảm trách.
Tác giả vở ca kịch là Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nhiều, tức nghệ sĩ Thanh Châu. Anh Nhiều là một nghệ sĩ tài ba trong nhiều lãnh vực. Không giống như dân nhà quê chúng tôi, Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nhiều vốn là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau khi cưới người chị bà con của tôi, anh Nhiều dừng bước giang hồ để sống với vợ con. Anh hát được rất nhiều thể lọai và cũng là tác giả của nhiều ca kịch bản. Anh viết ca kịch bản vừa có tân nhạc vừa pha thêm nhiều màn vọng cổ để thích hợp với sở thích của đồng bào miền quê. Có một dạo anh còn là kép chính trong đoàn hát bội lớn đi lưu diễn nhiều nơi. Sau này khi anh đi Cảnh Sát Dã Chiến và mỗi khi có dịp ghé Hội An anh đều đến thăm tôi ở chùa Viên Giác, dặn dò và khuyên răn tôi nhiều điều tốt. Giống anh, tôi cũng tập hát tất cả thể loại. Anh dạy tôi hát không chỉ tân nhạc, cổ nhạc mà cả những điệu Nam Khách, Nam Ai mùi mẫn trong các đoạn hát bội. Hồi nhỏ tôi hát rất hay. Mỗi khi hát tôi phải đứng lên trên ghế để bà con thấy mặt. Sau này khi lớn lên, giống anh, tôi cũng thích nghe hát bội. Đêm nào có chương trình hát bội Đinh Bằng Phi trên đài số 9 là tôi thức để xem. Trong nhà chỉ một mình tôi thích xem hát bội.
Đoàn văn nghệ Gia Đình Phật Tử Quận Duy Xuyên diễn ở các xã nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên trình diễn ở tỉnh nên ai cũng vừa hãnh diện và vừa hồi hộp. Người lo âu hồi hộp nhất dĩ nhiên là đạo diễn kiêm sọan giả Nguyễn Đình Nhiều. Anh đến sớm trước mấy ngày để kiểm tra sân khấu, phông màn, âm thanh, ánh sáng. Sân khấu đúng tiêu chuẩn của một đoàn cải lương, được dựng phía bên trái chùa, ngay dưới tàn cây đa lớn. Tôi không cùng đi với đoàn mà đi riêng với cha tôi. Cha tôi dắt tôi đi thăm thành phố Hội An, thăm các chùa trong phố, ăn cao lầu ở quán cách chùa Viên Giác không xa. Đó là chuyến đi chơi chung xa duy nhất của hai cha con tôi trong kiếp này. Sau này, mỗi khi đi ngang qua quán ăn mà cha con tôi cùng ăn tôi thường dừng lại một chút để hoài niệm một hạnh phúc mong manh và cũng rất thiêng liêng mà tôi còn giữ được. Dòng sông chảy về đâu, nghìn trùng không ai hay biết nhưng dưới đáy sông sâu những cụm phù sa vẫn chất đầy thương nhớ.
Trong vở kịch Máu Nhuộm Thiền Môn diễn ở chùa Viên Giác năm đó, tôi đóng vai một em bé Phật tử bị một tên tướng cướp đâm trọng thương trong lúc đang chạy vào ôm lấy thầy khi thấy tên tướng cướp rút dao tính giết thầy của chú bé. Lưỡi dao, lẽ ra ghim vào tim của sư phụ chú bé đã ghim vào ngực chú. Đọan ca kịch này được tập một cách thuần thục đến nỗi khi viên tướng cướp đâm tôi một dao lút cán, cũng đúng ngay lúc tôi bấm túi mực đỏ giấu trong ngực và máu phụt ra như suối. Các động tác diễn ra nhịp nhàng và sinh động. Chiếc dao cũng được chế tạo tinh vi để khi đâm vào người lưỡi dao sẽ thụt sâu vào trong cán. Khi tôi ngã xuống sàn với chiếc chuôi dao còn lung lay trên ngực mà tên cướp còn nỡ bước tới đạp thêm vào người tôi một đạp. Hàng ngàn khán giả hét lên trong công phẩn. Có người còn lớn tiếng chửi: “Đồ cướp bất nhân, ác vừa thôi chứ.”
Thật ra, đoạn đạp lên người tôi không có trong kịch bản nhưng vì diễn xuất múa may hăng quá nên anh huynh trưởng đóng vai tướng cướp đâm xong, lỡ đà bước lên người tôi. Tôi quá đau nên rên la chẳng khác gì bị thương thật. Năm đó tôi hơn 11 tuổi nhưng cũng biết tướng cướp, do Huynh Trưởng Trang đóng, bị lỡ chân thôi, nên đành cắn răng chịu đau. Khi bị đạp lên người, tôi co rúm người và hét lên trong đau đớn đến nỗi cả tên tướng cướp cũng mặt mày xanh lét. Hàng ngàn khán giả nín thở, cả chư tôn đức tăng ni ngồi xem cũng đứng dậy. Anh Trang ở ngoài trông tướng đã dữ dằn, nay thêm bộ râu quai nón của vai tướng cướp nên trông anh thật là hung ác. Dĩ nhiên chỉ có chúng tôi mới biết mình diễn sai nhưng với hàng ngàn khán giả đó là đoạn diễn xuất thần. Tôi đau quá không đứng dậy ngay được. Bác Giao đánh đàn đành cứ tiếp tục dạo những khúc nhạc buồn để chờ. Không khí nặng nề chậm chạp trôi qua. Anh Chiếu, đóng vai thầy tôi, cúi xuống vừa đỡ tôi dậy và cũng vừa để xem tôi đau đến mức nào. Một hai phút sau, khi bớt đau tôi gắng gượng ôm lấy ngực đang còn vết dao còn rỉ máu, chống tay đứng dậy cất tiếng gọi “Thầy ơi” và hát hết bài rồi mới gục vào lòng thầy mà chết thật. Cả ngàn người vỗ tay như sấm. Anh Thanh Châu viết kịch dựa theo khả năng người đóng mà thêm bớt phần ca diễn. Tôi hát hay nên những đoạn hát mùi mẫn anh viết dài hơn để tôi hát, còn các anh đóng vai tướng cướp, vai các thầy hay vai của anh về cứu thầy trong đoạn sau, đều là kịch nhiều hơn.
Ngoài vai chú bé Phật Tử, tôi còn đóng vai Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia, vai Mục Kiền Liên tìm mẹ trong những vở kịch Phật Giáo dành cho thiếu nhi. Vở ca kịch Máu Nhuộm Thiền Môn sau đó đã được diễn vài lần ở Đại Lộc và Duy Xuyên, dĩ nhiên không có màn đạp lên người tôi nữa.
Sáng hôm sau, khi đoàn chúng tôi lên bái biệt thầy, thầy Long Trí ôm tôi vào lòng. Chính thầy cũng không biết, vì không ai dám bạch với thầy, tối qua tôi bị đạp vào người đau gần chết. Thầy vẫn đinh ninh thằng bé con diễn xuất thật tài tình. Thầy hứa sẽ ghé Mã Châu để thăm tôi khi có dịp đi ngang.
Thầy ghé thật. Những lần sau đó mỗi khi có dịp đi Duy Xuyên thầy thường dặn các huynh trưởng đưa tôi ra để thầy thăm. Khi xe lam ba bánh đưa thầy về lại Hội An, thầy thường dắt tôi theo để thăm chùa Viên Giác. Mỗi lần như thế tôi trở về nhà với rất nhiều bánh trái.
Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, chiến tranh đã lan dần đến các quận. Quê hương tôi không còn những ngày tháng thanh bình như trước nữa. Những trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra. Tiếng súng đêm đêm đã vọng về từ phía bên kia sông Thu Bồn. Những chiếc ghe chở lụa không còn khua nước nhịp nhàng trong đêm trăng. Trong làng đã có vài thanh niên chết trận. Màu hỏa châu soi bói và đe dọa đã thay thế cho ánh trăng vàng thân thương quen thuộc. Chiến tranh cũng đã hạn chế rất nhiều sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Không còn những đêm trăng sáng quây quần bên lửa hồng. Không còn những buổi đóng trại ở lại suốt hai ba ngày đêm.
Đến cuối năm 1967 thì phần lớn của làng, trong đó có chùa Ba Phong, nơi đoàn chúng tôi sinh hoạt, đã trở thành vùng tranh chấp. Chúng tôi vẫn đi chùa nhưng phải về nhà sớm hơn. Chúng tôi vẫn cắm trại vào những ngày lễ lớn nhưng trại thường bế mạc trước khi trời tối. Ngoài anh Võ Tấn Sáu, các anh chị trưởng cũng không còn ở lại với quê hương mà mỗi người lần lượt ra đi mỗi hướng khác nhau, thậm chí còn thù nghịch lẫn nhau. Anh Nhiều, tác giả của vở ca kịch Máu Nhuộm Thiền Môn đi Cảnh Sát Dã Chiến ngoài Đà Nẵng. Anh Trang, người đóng vai tướng cướp nhập ngũ và trở thành lính Quân Cảnh cũng đóng ngoài Đà Nẵng. Anh Chiếu, vai thầy tôi, đi bộ binh. Anh Ẩn, Liên Đoàn Trưởng của tôi, vào Sài Gòn làm ăn và tiếp tục sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử quận Tân Bình. Anh Văn Bá Tuấn, thợ may, phụ trách may y phục diễn xuất cho đoàn văn nghệ và đón tôi đi tập hát mỗi cuối tuần, đi du kích xã. Chị Hương, đoàn phó ngành nữ của Gia Đình Phật Tử theo cha của chị đi về phía bên kia bỏ lại người mẹ già và những khung cửi vải. Phần lớn các anh chị theo bên kia đều đi xa, ngoại trừ anh Tuấn. Anh trốn đi du kích xã Xuyên Tây nhưng thỉnh thoảng vẫn lén về thăm mẹ.
Một buổi sáng khi nghe tin đơn vị Nghĩa Quân Xã vừa bắn hạ một tên Việt Cộng, tôi linh tính “tên Việt Cộng” đó có lẽ không ai khác hơn là anh Tuấn. Thật vậy, khi tôi đến anh đã được đem về nhà. Xác anh được đắp kín trong tấm chiếu rách còn dính máu. Những người bắn chết anh cũng chẳng phải ai xa lạ, hay kẻ thù không đội trời chung mắt xanh mũi lỏ nào mà đều từng là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, là bà con, bạn bè thân thiết của anh. Vì anh là Việt Cộng nên không được phép tổ chức ma chay và cũng chẳng ai dám đến thăm viếng hay chia buồn. Trong căn nhà nhỏ đầy bóng tối ở Xuyên Tây chỉ có mẹ anh và vài người họ hàng thân thuộc. Tôi bước lại gần gỡ tấm chiếu để nhìn mặt anh lần cuối. Tôi nhớ hôm đó tôi đã khóc thật lâu. Hình ảnh những người anh đáng kính của tôi, từ những người yêu thương nhau hơn ruột thịt trở thành thù địch tương tàn đã ghi sâu vào lòng tôi những nghịch lý mà đất nước tôi đã gánh chịu.
Tôi trở lại Viên Giác lần này không phải là một diễn viên nhỏ của đoàn văn nghệ Gia Đình Phật Tử mà ai cũng cưng chìu, nhưng là một đứa bé mồ côi cha mẹ. Khoảng đất làm sân khấu vẫn còn đó, trụ sở Thanh Niên Phật Tử vẫn còn rất mới mà tưởng chừng như đã thuộc về một quá khứ xa xăm. Tôi trở lại lần này không giống như những lần trước nữa. Con chim oanh vũ nhỏ nhoi ngày xưa đã ngưng hót. Hôm đó, tôi chỉ là một con chim non tránh bão đang đi tìm một nơi nương tựa, chẳng tha thiết gì đến chuyện văn nghệ, hát hò và cũng chẳng còn ai để ý đến tôi.
Những người thân thiết nhất của đời tôi, cha tôi, các anh chị trưởng, mới đó, đã biến mất trong khoảng không gian hiện hữu của tôi trong ngày trở lại chùa Viên Giác. Tôi cảm thấy xa lạ ngay với cả chính mình. Thầy Long Trí cũng ít khi nhắc lại vở kịch Máu Nhuộm Thiền Môn, từng là niềm vui lớn của thầy chưa đầy hai năm trước. Cuộc chiến Tết Mậu Thân đã làm thay đổi không những hoàn cảnh mà cả suy nghĩ của con người. Làng Mã Châu tơ lụa tuyệt vời bên dòng sông Thu Bồn chỉ trong vài hôm đã trở thành tro bụi. Những thôn xóm bên kia bờ sông Hội An một thời thơ mộng với những bãi dâu xanh ngát đã không còn một bóng dáng con người. Con đường lên chợ quận Duy Xuyên ngày nào tấp nập nay chỉ còn dành riêng cho những đoàn xe quân sự Mỹ, Đại Hàn di chuyển lính. Dân làng đã bỏ chạy ra Đà Nẵng, sống lây lất đầy trên đường phố.
Hai chữ quê hương không còn đủ nghĩa. Con người đã mất quê hương ngay trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngay cả tôi cũng thế. Chỉ mới mấy tháng nhưng dường như tôi đã già giặn hơn nhiều. Mười ba tuổi nhưng tôi đã bỏ rất xa cái thuở mà người đời thường gọi là tuổi hoa niên thơ mộng. Thực tế của tôi là chiếc giường tre, chiếc chổi dùng quét lá trong sân chùa, chiếc dùi đánh chuông buổi sáng và những bài kinh khuya mà phần nhiều tôi không hiểu hết.
Hôm sau, các anh Hùng và Sáu dặn tôi xuống nhà trù (nhà bếp) chào bà Chín, một bà cụ khoảng gần 60 tuổi, có một phòng ngủ riêng phía bên trong nhà bếp. Bà rất nghiêm trang, ít nói. Bà Chín là người quản trị gần như tất cả sinh hoạt trong chùa, từ chuyện tiền bạc, bếp núc, ăn uống, làm tương chao, trồng rau cải quanh chùa. Nói chung đời sống kinh tế của chùa Viên Giác đều do một tay bà đảm trách. Từ thầy Trụ Trì cho đến các thầy, các chú điệu đều nể trọng bà. Tôi tính chào bà xong sẽ đi ra phố nên đội chiếc mũ vải lính của người anh họ cho tôi trước ngày tôi rời Đà Nẵng, để che nắng. Anh họ tôi đi lính Biệt Động Quân nên chiếc mũ vải màu đen có hình con cọp rằn nhỏ thêu trên góc trái. Chiếc mũ hơi lớn và không tỉ lệ với khuôn mặt của đứa bé 13 tuổi, nên làm cho tôi mang dáng dấp bụi đời.
Khi chào bà Chín tôi quên lấy mũ xuống nên bà ta nhìn tôi khó chịu. Bà không nói gì nhưng khi tôi bước ra, nghe tiếng bà vọng lại: “Thầy dắt ở đâu một thằng du đãng về.” Tôi nghe rất rõ câu nói đó. Bà vô tình đã nhỏ một giọt muối mặn vào vết thương trong lòng tôi và làm tôi đau đớn. Tôi cắn răng để khỏi quay trở lại hỏi bà tại sao bà mắng tôi như thế. Từ đó tôi không xuống bếp nữa. Khi bữa ăn đến nếu còn chỗ trống tôi ngồi, hết chỗ trống tôi nhịn đói nhưng không xuống bếp lấy thêm chén đũa hay để tìm đồ ăn như các anh chị khác.
Thầy trụ trì rất bận. Tôi không buồn gì thầy tôi vì ngài đảm nhiệm một lúc quá nhiều trọng trách trong giáo hội nên rất ít khi ở chùa vào ban ngày. Phòng riêng của thầy bên dãy nhà tây, rất ít khi mở cửa. Có khi tôi chỉ gặp thầy một lần vào buổi sáng, cúi đầu chào trước khi thầy ra xe đi các quận. Từ hôm gặp thầy lần đầu, tôi chưa hề được thầy hỏi han gì về chuyện học hành ăn ở của tôi.
Trước mặt chùa ngày đó là vùng đất rộng, bà Chín cho trồng nhiều loại rau hai bên đường vào chùa. Mỗi sáng các chú gánh nước tưới rau và buổi chiều nhóm học sinh phải ra nhổ cỏ, tỉa các nhánh bị sâu ăn hay cắt rau cho ngày mai đem ra chợ bán. Dĩ nhiên, các anh Hùng, anh Sáu đi làm vườn tôi cũng phải đi theo. Tôi không biết làm vườn, chỉ biết ngó các anh chị làm để làm theo một cách chậm chạp. Bà Chín nhìn tôi nhíu mày, hẳn bà nghĩ là tôi lười biếng. Bà thì thầm với những người chung quanh về tôi. Tôi không nghe được bà nói gì nhưng đoán là những lời không tốt. Bà Chín là người có công nhất, trung thành tuyệt đối với thầy và tận tụy đối với chùa Viên Giác, tiếc thay ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên bà không có một chút thiện cảm nào dành cho tôi, đơn giản chỉ vì chiếc mũ. Dù ở tuổi 13, tôi cũng đủ tự ái để có thể dửng dưng trước sự khó chịu của bà. Tôi không quan tâm đến những điều bà nghĩ về tôi vì tôi biết bà không cản được bước tôi đi, mối quan tâm duy nhất của tôi là không biết học trường nào. Tôi tự nhủ với mình, tôi vào Viên Giác là để đi học chứ không phải chỉ để nhổ cỏ, bắt sâu. Nếu vào đây để làm như thế thì thà tôi đi đánh giày, bán cà-rem cây ở Đà Nẵng vui hơn.
Vài hôm sau, khi nghe trường trung học đệ nhất cấp Duy Xuyên, nơi tôi học lớp bảy trước đây, vừa dời xuống Vĩnh Điện, dạy nhờ ở trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, tôi quyết định rời chùa Viên Giác.
Sáng hôm sau, khi thầy trụ trì vừa thức dậy tôi bạch với thầy tôi cần lên Vĩnh Điện học nên phải ra đi. Vĩnh Điện cách Hội An khoảng hơn mười lăm cây số nhưng với điều kiện giao thông thời đó không thể sáng đi chiều về. Thầy gật đầu. Thầy gật đầu khi tôi từ biệt ra đi cũng giống như thầy gật đầu khi tôi đến, bình thản và không thắc mắc tôi sẽ lấy gì để sống. Tôi như chiếc lá đang rơi ngoài sân chùa kia, chẳng là gì trong suy nghĩ của thầy hay của một ai ở chùa Viên Giác. Người lo lắng cho tôi trên đời này chính là tôi chứ không phải ai khác.
Chỉ trong vòng 4 tháng, tôi đã đi ba chuyến đi quan trọng, rời quê hương, rời Đà Nẵng, và rời Viên Giác. Nhưng tôi phải đi để tìm cách tiếp tục con đường học vấn. Khi bước ra khỏi cổng tam quan chùa Viên Giác tôi thầm nói với chính mình, ngày nào bà Chín còn sống tôi không trở lại ngôi chùa này nữa.
RỜI CHÙA VIÊN GIÁC ĐẾN VĨNH ĐIỆNTôi đến Vĩnh Điện sau Tết Mậu Thân. Cuộc chiến khốc liệt đã tạm lắng dịu. Vĩnh Điện là thành phố thứ ba tôi đến kể từ ngày tôi rời làng Mã Châu tơ lụa. Tôi phải đến vì trường trung học Duy Xuyên ở quê tôi vừa dời ra đó mặc dù không có ai quen. Vĩnh Điện là một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Đà Nẵng và Tam Kỳ. Thị trấn chạy dài khoảng một cây số với nhiều quán mì Quảng, tiệm ăn, quán café và cửa hàng tơ vải. Vĩnh Điện là nơi lớn lên của nhiều nhà thơ xứ Quảng nổi danh sớm và cũng qua đời rất sớm. Từ thị trấn giữa đàng đó, nhà thơ quá cố Nguyễn Nho Nhượng đã in tập thơ có cái tựa đầy định mệnh Tiếng Nói Giữa Hư Vô trước khi qua đời vào tuổi 23. Và cũng từ nơi đó, nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc đã viết những bài thơ về cái chết của anh.
Từ khi biết đọc thơ, tôi bị ám ảnh bởi những câu thơ của Nguyễn Nho Sa Mạc, tên thật là Nguyễn Nho Bửu, sinh năm 1944, đã viết như một lời trăn trối trong bài Mùa xuân 21:
Chiều cuối năm ngồi trên tầng phố cũTrời quê hương nhiều mây trắng sa mùHai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏĐã xa rồi cây trái mọc ưu tư Thân với máu xin thắp làm sương khóiGiữa thời gian tìm bóng dáng con ngườiVũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úaLửa của trời thiêu đốt tuổi hai mươiCon mắt trũng hôn vào lòng đất ấmMẹ sắp khô đời sống cũng khô cằnThiên nhiên vẫn mặt-trời-trên-cao-mọcNgười tìm chi khu vườn cũ giá băng?Tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắtỞ trên đời vừa đúng hai mươi nămMáu sẽ khô- xin tim này đừng rụngGiữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằmLũ bạn tôi đứa còng lưng nằm ngủĐứa vùng lên trong số phận lưu đàyMỗi trái tim hằn vết thương chia cắtNỗi nhục này cho con cháu mai sauTôi thì vẫn tháng ngày xa phiêu lãngGiữa lênh đênh tìm nắm một bàn tayTrời tháng giêng những ngày sầu nổi gióNhớ Sài gòn thương Hà Nội mây bay.Trong bài Sinh Nhật, một sinh nhật cuối cùng trên dương gian, anh viết như nuối tiếc cho kiếp người ngắn ngủi của mình:
Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹTa muốn đi cho trọn kiếp ngườiAnh Nguyễn Nho Sa Mạc mất năm 1964, tròn hai mươi tuổi.
Nơi nhộn nhịp nhất của thị trấn Vĩnh Điện vẫn là bến xe Vĩnh Điện, trạm dừng và chuyển xe của khách đi về nhiều ngã khác nhau. Phía trong ngã ba là nơi ở của nhà thơ và nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, tác giả của nhạc phẩm quen thuộc Ru Con Tình Cũ. Ngày đó tôi không biết anh, nhưng sau này khi lớn lên mỗi khi về lại Vĩnh Điện, tôi thường theo bạn tôi, Phan Dạ Lynh đến căn nhà tôn bên trái Ty Thông Tin để nghe anh hát. Tôi vẫn nhớ chiếc giường đơn sơ của anh đặt ở cuối căn phòng khá tối. Anh hát rất hay và có nhiều nhạc phẩm hay hơn bài Ru Con Tình Cũ nhưng lại không được biết đến nhiều.
Cầu Vĩnh Điện bắt qua nhánh sông Thu êm ả chảy về cửa Đà Nẵng. Trung học Nguyễn Duy Hiệu đẹp, được xây gần phía bên kia chân cầu hướng đi Đà Nẵng. Như hầu hết các trường trung học khác ở miền Trung, sân trường Nguyễn Duy Hiệu trồng nhiều phượng đỏ. Ngay trước cổng trường ngày đó có một cây phượng nhỏ, xinh xinh nhưng gầy yếu. Tôi để ý đến cây phượng này nhiều nhất vì cảm thấy số phận của nó có chút gì đó giống tôi, nhỏ nhoi và đứng lẻ loi ngay trên lối vào trường. Vì cô độc lẻ loi nên cây phượng nhỏ trở thành chỗ dựa lưng, chỗ chờ đợi và chỗ dựng xe của đám học trò. Nhìn tấm thân trầy trụa của cây phượng nhỏ, ngày đó tôi đã thấy cảm thương. Năm ngoái, có dịp hỏi thăm về trường cũ, tôi rất vui sau gần bốn mươi năm, cây phượng nhỏ ngày xưa vẫn còn sống và che mát cả một khoảng trống lớn trên lối vào trường.
Sau buổi học tôi thường dạo chơi trên con đường nhỏ chạy dọc bờ sông. Tôi thích đứng nhìn những rặng tre già soi bóng bên sông, những chiếc ghe chở hàng từ phía thượng nguồn sông Thu xuôi dòng về Đà Nẵng. Những hình ảnh thân thương đó đã để lại rất nhiều trong những bài thơ tôi viết sau này.
Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷChảy về đâu lai láng nước Thu BồnThuở học trò tôi hay đứng ven sôngNghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Điện.Ở trung học Nguyễn Duy Hiệu tôi gặp lại nhiều thầy cô và bạn học cùng trường sau một thời gian tản mác khắp nơi. Giáo sư hướng dẫn lớp bảy của tôi, thầy Phùng Ngọc Nhật, rất vui khi gặp tôi. Thầy Nhật khoảng ba mươi tuổi, độc thân, đeo kính cận dày. Thầy dạy Việt văn và dạy nhạc, cả hai môn tôi đều thích và học khá nên thầy có nhiều cảm tình riêng. Thầy dắt tôi vào văn phòng và xin lỗi đã không đến thăm tôi được khi nghe tin gia đình tôi gặp tai nạn. Tôi rất quý mến thầy, không phải chỉ vì thầy dạy những môn tôi thích nhưng thầy hay nói về quê hương đất nước, kể chuyện lịch sử cho chúng tôi nghe và tập chúng tôi hát những bài hát ca ngợi đất nước mình.
Như hầu hết những người cùng lứa tuổi thanh niên lớn lên trong thời chiến, chỗ dựa duy nhất của thầy là lịch sử. Bài hát đầu tiên thầy dạy chúng tôi hát là bài Những Nẻo Đường Việt Nam. Thầy hát không hay lắm nhưng trong mỗi lời ca dường như thầy gởi gắm theo tâm sự của một thanh niên lớn lên trong đất nước đang chìm vào cảnh tương tàn, nhiễu nhương, phân hóa:
Những nẻo đường Việt NamSuốt từ Cà Mau, thẳng tới Nam QuanÔi những nẻo đường Việt NamÔi những nẻo đường Việt NamNhững nẻo đường về đâuÁnh chiều chìm rơi bờ lúa nương dâuÔi những nẻo đường về đâu …Ơ ta đắp đường làng taNhắn ai đi xin chớ quên quê nhà …Buổi chiều ngày đầu tiên trong thị trấn không có một người quen với tôi là cả một vấn đề. Ăn đâu? Ở đâu? Cũng may, không phải chỉ mình tôi phải đương đầu với những khó khăn đó. Phần lớn bạn học cùng quê của tôi cũng đang lang thang đi tìm chỗ ở.
Với tôi, hoàn cảnh còn khó khăn hơn vì chẳng những tìm cho ra chỗ ở mà còn là chỗ ở không phải trả tiền thuê. Tôi không có nhiều tiền. Những đồng bạc chắt chiu của cô tôi đã gần hết. Tôi và vài người bạn, đến gần tối mới tìm ra được một căn nhà gần ngã ba Vĩnh Điện. Anh chủ nhà đi lính đóng ở Hội An và chị cũng đi theo anh. Chiều hôm đó, trước khi đi, họ cho chúng tôi ở mà không phải trả một khoản tiền nào, bù lại chúng tôi phải săn sóc, quét dọn, tưới cây trong vườn nhà anh chị. Tôi còn nhớ tên của anh là anh Xích. Tôi và ba người bạn học, một nam hai nữ, cùng sống trong căn nhà của anh Xích.
Chị Ngà, học lớp đệ tứ, tức lớp chín bây giờ, lo việc đi chợ, nấu ăn, bếp núc. Chúng tôi rất thân nhau. Chiến tranh làm chúng tôi trưởng thành rất sớm. Chị Ngà mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng rất ra vẻ một người chị cả. Chị làm hầu hết công việc trong nhà, kèm thêm cho chúng tôi học, và có khi còn giúp chúng tôi giặt giũ áo quần.
Những ngày học tạm ở trung học Nguyễn Duy Hiệu trôi qua trong vội vã. Chúng tôi chỉ học ba ngày một tuần, nhường những ngày còn lại cho trường chính. Ít ai đến thăm tôi trong những ngày tôi ở Vĩnh Điện, ngoại trừ một lần khi lớp học đang diễn ra, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai đưa đến lớp chúng tôi một cụ già, thì ra là bác ruột của tôi, anh thứ tư của cha tôi. Ông từ Sơn Chà vào tìm tôi. Bác Lễ đứng giữa lớp học nhìn tôi vừa khóc lớn vừa kể lể. Cả lớp đều biết hoàn cảnh của tôi nên không ai nói gì. Tôi đứng dậy theo bác tôi ra ngoài. Bác tôi hối hận và đau lòng khi nhìn tôi bỏ nhà con trai của bác ra đi.
Bác rất thương tôi, nhưng giống cô tôi, bác cũng chỉ ở với con trai nên cũng không làm gì được một cách cụ thể để giúp tôi. Hai bác cháu ngồi trên tam cấp trường Nguyễn Duy Hiệu tâm sự nhiều chuyện. Bác cũng không còn ở với con trai bác nhưng qua Ngã Ba Huế ở với con gái. Bác chỉ tôi chỗ bác chôn số tiền mặt ở Sơn Chà sau khi tản cư từ Duy Xuyên ra và dặn cuối tuần về để đào lấy lên. Tôi không hiểu tại sao bác không tự làm lấy mà dặn tôi phải về để đào lấy.
Dù sao, cuối tuần tôi về lại Sơn Chà ra sau vườn theo lời chỉ dẫn của bác và đào lấy lên một gói tiền được bọc kỹ trong nhiều lớp giấy nhựa. Tôi đem nguyên gói tiền khá lớn còn dính đất qua Đà Nẵng giao lại cho bác. Bác đếm lại kỹ càng và cất đi. Tôi thông cảm và thương bác Lễ, với bác vì đó là tất cả những gì bác có để lo lắng cho phần đời còn lại của chính mình.
Ở Vĩnh Điện, nhà chúng tôi ở tương đối an ninh vì chỉ cách quận lỵ Điện Bàn một đoạn đường ngắn. Tuy nhiên, mỗi khi có pháo kích vào quận hay đánh nhau phía trong cầu Câu Lâu, cách quận vài cây số, chúng tôi cũng phải xuống hầm ngủ để đề phòng đạn lạc. Có khi chúng tôi ngủ quên suốt đêm dưới hầm.
Một lần, khi trời vừa tối, một đơn vị quân Cộng Hòa, trên đường hành quân dừng lại ở Vĩnh Điện, khoảng một tiểu đội được bố trí ở trong khu vực nhà chúng tôi. Nhà trở nên chật chội, không ai ngủ được. Đám học trò chúng tôi và mấy anh lính ngồi chung quanh ngọn đèn dầu để nói chuyện. Về khuya, mọi người đều tìm chỗ ngả lưng, chỉ còn mình tôi và một người lính, anh Bửu, ngồi lại. Quê anh ở Đại Lộc. Anh em chúng tôi hỏi thăm nhau về chuyện gia đình. Anh nói nhiều về tuổi thơ vất vả của anh ở Đại Lộc, anh nói về cha anh, người cha già bị bịnh nặng đang sống nhờ vào đồng lương lính của anh mỗi tháng gởi về. Tôi cũng thành thật kể anh nghe về những bất hạnh vừa xảy ra với tôi.
Khi ngồi kể chuyện đời mình, chính tôi cũng ngạc nhiên trong thời gian chỉ vài tháng nhưng không biết bao nhiêu điều đã xảy ra cho tôi từ ngày rời Mã Châu, ra Đà Nẵng, sang Sơn Chà, vào Hội An và đêm hôm đó là thị trấn Vĩnh Điện. Tôi đã đi một chặng khá xa và có thể sẽ còn đi xa nữa. Bên ngọn đèn dầu không đủ sáng để soi rõ mặt nhau, chúng tôi ngồi kể chuyện buồn đau trong nước mắt. Tôi kể với anh như nhiều lần đã kể với dòng sông Thu Bồn bao dung chảy ngang qua cầu Vĩnh Điện. Và anh cũng thế, anh cũng nói với tôi như đã từng tâm sự với vì sao nhỏ xa xôi trong những phiên gác đêm khuya trên đồn vắng. Tôi cắn răng để khỏi khóc òa lên trong đêm tối. Nước mắt của người lính trẻ và đứa bé mồ côi mười ba tuổi đã nhỏ trên quê hương bất hạnh của họ. Đêm đó anh Bửu và tôi đều không ngủ.
Gần sáng, người lính gác đêm vào gọi anh và đơn vị ra đi. Trước khi đi anh đặt tay lên vai tôi, dặn dò chuyện học hành và trao tôi một gói giấy nhỏ, trong đó là một phần tiền lương lính của anh. Không nói nhưng trong lòng anh và tôi đều biết sẽ khó có ngày gặp lại nhau. Số tiền anh cho tôi đã tiêu dùng hết từ lâu nhưng giọt nước mắt anh nhỏ xuống trong đêm gặp gỡ ở Vĩnh Điện vẫn đọng lại trong tâm hồn tôi hôm nay và cho đến ngày nào tôi còn sống trên đời này. Giọt nước mắt của anh là nhựa nguyên cho cây đời tôi xanh lá. Tình thương của anh giúp tôi đứng dậy được mỗi khi tôi quỵ xuống trước những khó khăn. Nhân cách và lòng hiếu thảo của anh là chiếc gương đạo đức để tôi soi rọi lương tâm mình mỗi ngày. Gần bốn mươi năm sau, tôi vẫn đi trên con đường tình thương anh đã đắp. Tôi nghĩ về anh Bửu rất nhiều và rất mong gặp lại anh dù biết là rất khó. Ngoại trừ tên anh và câu chuyện vừa kể, tôi không biết gì nhiều hơn. Tôi cầu mong anh đọc được những dòng này vì tôi tin rằng nếu đọc anh sẽ nhớ ra tôi ngay.
Chúng tôi ở nhà anh Xích được vài tháng thì anh chị trở về, có nghĩa là chúng tôi lại phải dọn đi. Sau một ngày hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được một nơi ở khác nhưng khá xa với trường Nguyễn Duy Hiệu. Nơi chúng tôi, ngã ba Điện Bình, không được an ninh như nơi ở trước. Ban đêm du kích thường hay về qua xóm. Có đêm tôi đang nằm ngủ mấy anh du kích kéo chiếu lên khám xét. Tôi giả vờ ngủ ngon. Thấy tôi còn nhỏ họ đắp chiếu lại và ra đi. Nhà trong xóm ngã ba Điện Bình toàn là người già và bọn học trò đệ nhất cấp như chúng tôi. Hầu hết thanh niên đều ra Vĩnh Điện ngủ khi trời tối, đi lính hay ra Đà Nẵng làm ăn. Bà chủ nhà dặn dò tôi rất kỹ những câu trả lời về tuổi tác, từ đâu tới, làm gì vì bà cũng ngại chúng tôi sẽ bị họ bắt đem theo. Bọn tôi hiểu nên mỗi khi nghe tiếng chân bước vào nhà giữa khuya, tôi thường co chân lên một chút để cho người ngắn hơn.
Anh Hai, con của cô tôi lái xe đò, tuyến đường Tam Kỳ-Đà Nẵng. Cuối tuần tôi ra quốc lộ đứng chờ xe anh để theo xe về Đà Nằng thăm cô. Đời sống của cô và gia đình vẫn thế, chật vật trong căn nhà nhỏ. Đà Nẵng vẫn là thành phố xô bồ đông đúc mặc dù một số lớn dân lánh nạn Mậu Thân đã trở về nguyên quán. Mỗi lần tôi về như thế cô tôi lại cho tôi một ít tiền. Anh Hai con của cô tôi thỉnh thoảng cũng giúp đỡ tôi. Vĩnh Điện cũng là nơi tôi đã tập viết những bài thơ đầu tiên của mình. Bài đầu tiên là bài thơ tôi viết về làng tơ lụa Mã Châu, dù chỉ cách nơi tôi ở vài chục cây số nhưng trong nỗi nhớ thầm đã xa như nghìn trùng:
Tôi viết bài thơ gởi về đất MãThuở dại khờ vụng dại trên môiThuở mẹ ru tôi tiếng hát vào đờiĐể tôi lớn trong tháng ngày ươm mộng.Tôi trở lại Vĩnh Điện để học xong năm học. Ngày cuối cùng của niên khóa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai thông báo sang năm trường sẽ dời xuống Hội An. Tôi từ biệt Vĩnh Điện, thị trấn giữ lại của tôi những kỷ niệm không quên với anh Bửu. Biết bao giờ sẽ được gặp lại nhau, và dù mai mốt tôi có về chăng nữa, bốn mươi năm, Vĩnh Điện thân yêu biết có còn nhận ra thằng bé học trò bơ vơ năm xưa:
Có còn nhận ra tôi khôngHỡi bè bạn anh emAi còn sống và ai đã chếtAi ở lại lao đao, ai phương trời biền biệtGiờ chia tay sao chẳng hẹn quay vềCó còn nhận ra tôi khôngHỡi ghế đá công viênNhững mái lá che tôi thời mưa nắngTừ nơi đấy trong đêm dài yên lặngTôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.