Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Xa Hội An - Cách học giỏi - Lời cuối »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Xa Hội An - Cách học giỏi - Lời cuối

Donate

(Lượt xem: 3.582)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Xa Hội An - Cách học giỏi - Lời cuối

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Mùa hè năm 1969, tôi thực sự muốn xa ngôi chùa Viên Giác tại Hội An, nhưng lúc đó Thứ và Nhơn vẫn còn hăng say gạo bài ở Trần Quý Cáp. Đây cũng là vận mạng của tôi, nếu tôi không vào ở chùa Hưng Long tại Sài gòn, không đi học đệ nhị tại trường Trung Học Cộng Hòa, ở Vườn Chuối và học đệ nhất tại trường Trung Học Văn Học, thì tôi không có cơ hội du học tại Nhật. Lý do đơn giản là dẫu cho có tốt nghiệp tú tài một và hai ở Quảng Nam, sau đó vào Sài gòn để ghi tên học Văn Khoa hay chứng chỉ SPCN hoặc Đại Học Vạn Hạnh là cùng, làm sao có thì giờ để lo chuyện đi du học được. Cũng nhờ ở Sài Gòn từ 1969 đến 1971, tôi vừa học vừa dọ dẫm hỏi đường đi nước bước để làm sao có thể đi du học được.

Thuở ấy, thật ra, tôi muốn đi du học ở Đức, nhưng tuổi 22 sau khi đậu tú tài không phải là tuổi lý tưởng để chọn đi du học ở Đức, mà muốn đi Đức thuở ấy tuổi lý tưởng là tuổi 18, 19 và phải đỗ bình, ưu hay tối ưu mới được đi du học ở Đức. Trong khi đó tôi chỉ đỗ hạng thường, tú tài hai và vì tuổi lớn nên không thể qua ngã Nha Du Học được. Tôi có bạo gan viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi đến chùa Phật Giáo tại Frohanau ở Berlin. Họ cũng rất lịch sự trả lời lại bằng tiếng Pháp và ngầm ý nói rằng tại chùa ngân quỹ rất giới hạn, nên không thể lo cho tôi ở đó để đi học được. Thế là phải đổi chiều. Nghĩa là hướng về hướng khác.

Tôi có thưa với Hòa Thượng Bảo Lạc điều này và Thầy ấy bảo rằng sẽ giới thiệu Thầy Như Tạng đang du học tại Nhật từ năm 1968 và hiện ở Tokyo. Hai thầy ấy là bạn thân với nhau khi còn học ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm và từ đó mọi giấy tờ thủ tục xuất ngoại du học, tôi đã tiến hành một cách thông suốt. Bên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ có ông Ngô Khắc Tĩnh là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục rất cởi mở và khuyến khích cho con em đi du học khắp nơi. Ngoài ra, có ông Hoàng Đức Nhã là cố vấn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, người vừa du học Mỹ về cũng khuyến khích và hỗ trợ việc ấy, nên tôi là một trong nhiều ngàn sinh viên may mắn thuở bấy giờ.

Lúc đó tôi thọ giới Sa Di tại giới đàn ở Đà Nẵng vào năm 1967 cũng đã có trên mình chiếc y Sa Di màu vàng, như thế cũng đã đủ hãnh diện lắm rồi. Thuở ấy việc khảo hạch tại chùa Phổ Đà, Đà Nẵng và tôi có lẽ là một trong những Sa Di cồ lúc bấy giờ, vì tướng tá cao ráo trắng trẻo nên cứ bị hỏi bài liên hồi, nhưng cũng được cái may là kinh, luật, luận cái nào cũng trót lọt, nên đã đậu và thọ giới Sa Di vào năm 1967. Ôn Vu Lan lúc ấy làm Đàn Đầu Hòa Thượng và Ôn Trí Hữu làm Tuyên Luật Sư. Cả bọn trẻ chúng tôi, ai cũng sợ khảo hạch. Mặc dù bài vở trơn tru chẳng có gì đáng lo cả, nhưng khi vào đối diện với quý Ôn ngồi đó để trả bài thuộc lòng về kinh Lăng Nghiêm, Tỳ Ni, Oai Nghi, là hồn vía đã bay tận lên chín tầng mây rồi. Do đức độ tu hành của các vị Hòa Thượng, chư vị Thượng Tọa, Đại Đức mà tạo nên một bầu không khí đầy đạo đức và trang nghiêm thanh tịnh như thế, chứ thông thường chúng tôi vẫn trả bài thuộc lòng cho các Thầy, cô giáo tại các trường Trung Học với thái độ bình tĩnh đâu có sợ sệt gì. Nhiều lúc nếu tháng ấy muốn đứng cao thì phải có mẹo mới được Thầy cô gọi.

Mẹo ấy như thế này, đứng về phương diện tâm lý khi các Thầy cô vào lớp là mở sổ điểm danh, xem xong đâu đó dò bài. Có vị thì dò từ dưới lên, có vị thì dò từ trên xuống, có vị thì dò những trò nghịch ngợm nhất lớp để có cơ hội cho zéro, có Thầy thì nhìn vẻ mặt của học trò mà kêu lên trả bài. Riêng tôi, đa phần việc học thuộc lòng không có khó, thuở ấy và ngay cả bây giờ mỗi một trang vở học trò tôi chỉ cần học từ 3 đến 5 phút là thuộc lòng cả bài học ấy và ba hay bốn chục năm sau cũng không thể quên được. Nếu tôi muốn Thầy hay cô kêu mình trong tháng ấy, mặc dù mình đã được trả bài rồi thì khi Thầy cô hỏi một vấn đề gì đó mình giả đò như là có biết nhưng không chắc chắn lắm. Do vậy mà giơ tay ngập ngừng chứ không giơ thẳng. Khi Thầy cô thấy thế thì chỉ mình liền. Như vậy là trúng tủ rồi và tháng ấy mình sẽ có điểm cao.

Đó là ở trường học. Còn đây là chốn “tuyển người làm Phật” nên chúng tôi không dám có cử chỉ như thế. Nhiều lúc chuẩn bị thật là kỹ mà chỉ được hỏi toàn là chuyện dễ và ngược lại nhiều khi lo học cái này chẳng học cái kia thì hay bị hỏi chỗ chưa học, lại chới với. Mà biển học thì vô bờ, biết đâu để học cho hết. Vả lại, cái sở học của quý Thầy quý Ôn thì lai láng như biển cả, còn mình sức học và hiểu ấy như nước cạn dưới đáy hồ, chỉ cần tát vài gàu là hết nước rồi, còn đâu dư để mà “vung tay quá trán”.

Thuở ấy Ni và Tăng thọ giới riêng. Nhưng giờ khai đạo giới tử và giờ thọ Bồ Tát Giới sau khi thọ giới Tỳ Kheo tại Phổ Đà, Tỳ Kheo Ni tại chùa Bảo Quang thì tất cả các giới tử vân tập về chánh điện Phật Học Viện Phổ Đà để thọ giới Bồ Tát chung. Riêng chúng xuất gia thọ giới Sa Di và Sa Di Ni thì khỏi. Phải chờ đến khi thọ giới Tỳ Kheo mới được thọ.

Tôi đã thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát tại giới đàn chùa Quảng Đức ở Thủ Đức, nơi Hòa Thượng Thích Quảng Liên trụ trì vào năm 1971 để sau đó sang Nhật năm 1972. Nếu năm 1971, tôi không thọ giới Tỳ Kheo tại giới đàn ở Việt Nam thì khi ra ngoại quốc có lẽ phải chờ đến giới đàn đầu tiên do cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm tổ chức vào năm 1983 tại Los Angeles mới thọ được cũng nên. Cũng may trong giới đàn Thiện Hòa ấy, tôi đã được cung thỉnh làm Tuyên Luật Sư cho giới tử. Lúc ấy, quý Thầy: Thích Minh Tâm, Thích Tín Nghĩa, Thích Thiện Trì, Thích Bảo Lạc, Thích Nguyên Đạt được tấn phong lên hàng Thượng Tọa.

Tháng 9 năm 1969 tôi chính thức y áo vào phòng Thầy xin đi vào Nam để học. Tôi nhớ không lầm là lần ấy Thầy tôi đã không cho gì cả, ngoài cái gật đầu và sau đó tôi ra Đà Nẵng xin máy bay trực thăng Tuyên Úy do Hoà Thượng Thích Hành Đạo cho đi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Vì ngày ấy đường giao thông giữa miền Trung và miền Nam hay bị đặt mìn, nên phải đi máy bay là điều bất đắc dĩ. Tôi vẫn chưa có được cái hân hạnh là ngồi trên xe lửa hoặc xe hơi để đi suốt hết một quãng đường dài trên quê hương mình từ Bắc chí Nam và hy vọng sẽ có một ngày như thế, trước khi nhắm mắt lìa đời.

Lần này, tôi chẳng buồn chẳng vui mặc dù trong túi lúc ấy chẳng có tiền, mà chỉ biết chắc một điều rằng “trời sanh voi sanh cỏ” nên đã băng bộ ra đi để vào chốn đèn xanh đèn đỏ của thị thành muôn màu muôn sắc ấy. Tôi ngoảnh mặt lại để nhìn hai cây đa nằm hai bên cổng vào lần cuối và nhìn mái chùa Viên Giác thân thương với rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ... tất cả bây giờ đã ở lại sau lưng mình và đã thành kỷ niệm.



CÁCH HỌC GIỎI

Tiện đây, tôi xin mách quý vị về cách học làm sao cho mau thuộc bài và nhớ lâu, đồng thời làm sao một lúc có khả năng nói nhiều ngoại ngữ nhưng đừng cho sai, vấp váp, hoặc giả ngôn ngữ này lộn qua ngôn ngữ kia v.v... Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân thôi. Dĩ nhiên nó càng không phải là một hình thức giáo dục tập thể cho vấn đề chuyên môn này. Khi mỗi chúng ta sinh ra trong đời này đều có những tia di truyền học khác nhau được cấu thành trong thân thể của chúng ta. Cho nên mỗi người có mỗi cách suy nghĩ, hành động và tiếp thu khác nhau và do đó không có ai trong 6 tỷ người trên quả địa cầu này có chỉ tay giống nhau, 6 tỷ người ấy đều có chỉ tay khác nhau.

Trong kinh Phật thường thí dụ việc này với câu chuyện về nước như sau. Đối với cá, nước là lẽ sống, đối với Long Vương, nước là lưu ly, là cung điện, đối với loài người nước dùng để uống và để rửa, không nhất thiết phải sống trong nước ấy mới gọi là sống, trong khi đó cá không chịu lý luận này. Vì lẽ cá chỉ biết có nước để sống, chứ đâu có biết được rằng, ngoài nước còn có không khí để cho con người sống còn nữa. Câu chuyện tôi kể sau đây nó cũng chỉ là kinh nghiệm cá nhân thôi. Nếu quý vị nào áp dụng được thì cứ làm, nếu làm không được thì cứ bảo đó là kinh nghiệm riêng của ông Thầy Như Điển mà thôi.

Học ngoại ngữ ngày xưa hay bây giờ cũng thế. Nghĩa là phải cần cái ý muốn ham học là có thể học được một ngôn ngữ rồi. Điều quan trọng là phải nắm vững văn phạm của câu văn, không nói bồi. Vì khi lãnh đạo quần chúng mà nói động từ không chia, hoặc câu văn sai văn phạm thì khó nghe lắm. Ngay cả câu văn tiếng Việt cũng thế. Có nhiều vị cứ nói vòng vo Tam Quốc, không đi vào đề tài chính. Do vậy người nghe họ nản. Một bài diễn văn hay là một bài diễn văn ngắn, gọn có nhập đề, thân bài và kết luận rõ ràng. Muốn cho bài văn hay phải chấm câu chỗ nào, chấm phẩy chỗ nào và chấm sang hàng dứt câu chỗ nào. Câu văn càng ngắn càng hay, nhưng rất khó viết. Vì lẽ người nghe họ chỉ muốn biết mình nói gì là đủ rồi.

Nói một câu văn đúng bằng tiếng Việt gồm chủ từ rồi đến động từ, tiếp theo sau là hình dung từ theo túc từ chỉ nơi chốn hay thời gian hay hoàn cảnh v.v... là đủ nghĩa. Ví dụ câu. Tôi đã đến Paris, nơi đó là kinh đô ánh sáng của Âu Châu. Một câu văn như thế rất dễ hiểu và có hai mệnh đề, một mệnh đề chánh là tôi đã đến Paris gồm có chủ từ, động từ chia ở thể quá khứ và túc từ chỉ nơi chốn là Paris. Kế đó mệnh đề phụ “nơi đó là kinh đô ánh sáng của Âu Châu”. “Nơi đó” là trạng từ. “Là” là động từ và “kinh đô ánh sáng của Âu Châu” là tính từ của hình dung từ đó. Ta đọc những bài văn xưa của Tự Lực Văn Đoàn như bài: Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh ta thấy hay. Vì câu văn đầy gợi hình và gợi cảm. Còn bây giờ đọc nhiều bài văn nghe rất tục tĩu, dị hợm, chẳng chuyên chở một nội dung gì cả. Ta thấy mất thì giờ vô ích nên gấp sách lại và tìm loại sách khác để đọc.

Câu văn tiếng Nhật không khó dùng, nhưng văn phạm của Nhật không giống văn phạm Việt Nam. Nghĩa là câu văn ấy được cấu tạo bởi chủ từ, túc từ rồi mới đến động từ. Chỉ riêng động từ không, không cần trợ từ, câu ấy cũng có thể diễn tả được năm cách khác nhau như: Ăn, không ăn, muốn ăn, hãy ăn, đã ăn v.v... Như thế chỉ riêng động từ ấy đã có thể dùng cho cả hiện tại, quá khứ và vị lai. Đó là chưa kể cách dùng kính ngữ trong câu văn tiếng Nhật. Điều ấy rất khó, nhưng nếu một người ngoại quốc mà biết dùng bốn loại này thì người Nhật mới khâm phục. Điều ấy cũng giống như khi chúng ta nghe một người nào đó nói tiếng Việt không chuẩn thì ta cười, nhưng nếu ta nghe một người Nga, một người Đức, một người Anh hay một người Mỹ mà nói rằng: “Chắc là tôi không chịu được nổi vì trời hôm nay nóng quá!” Rõ ràng người ấy nói đúng văn phạm và biết cách dùng chữ. Ta phải phục. Nếu người ấy nói rằng: “Chịu tôi không nổi vì quá nóng trời” chẳng hạn, thì ta sẽ cười ngay. Vì cách sắp xếp câu văn không đúng. Bước sang câu văn tiếng Nhật, ví dụ như động từ cho là Yaru, có nghĩa là cho ai một vật gì đó từ người cao đưa xuống người thấp. Tiếp theo là ageru, nghĩa là cho một cái gì đó với kẻ ngang hàng của mình. Nếu muốn tặng một cái gì đó cho người cao hơn mình, cách thứ ba, phải nói là Sashiageru. Điều ấy có nghĩa là đồ vật ấy phải đưa lên cao hơn trán. Nếu dùng vật ấy để cúng dường, để dâng lên cho chư Phật, chư vị Bồ Tát, Vua chúa v.v… thì tất cả những danh từ đứng trong câu văn muốn nói phải dùng chữ “ngự” hay chữ “ô” và động từ chia ở thể lễ phép nhất. Ví dụ động từ “là” gọi theo tiếng Nhật là “da” nhưng khi chia ở thể lễ phép phải gọi là “de gozaimasu”.

Khi học một ngoại ngữ mà nghe hiểu người ta nói và mình nói người ta hiểu đã là khá lắm rồi. Đầu tiên mình chỉ nói cho người ta nghe thôi và khi họ hỏi lại, mình chẳng biết trả lời, hoặc trả lời sai. Điều ấy chứng tỏ rằng khả năng nghe của mình còn kém. Hãy về mở truyền hình lên và nên nghe phần tin tức hằng ngày bằng tiếng địa phương hoặc những vở kịch ngắn chẳng hạn, thì ta sẽ dễ hiểu và học được từ cách đối thoại rất nhiều. Những ngôn ngữ đối thoại ấy có thể là những câu ta đã học ở trường rồi, nhưng đã quên ít dùng đến thì nay nhờ xem truyền hình hoặc nghe radio mà ta có thể sử dụng tiếp danh từ ấy khi giao tiếp. Ở đây có một lợi thế là đa phần những xướng ngôn viên trên các đài truyền hình đều dùng ngôn ngữ tiêu chuẩn của nước đó, chứ không nói tiếng địa phương, nên ta dễ tiếp thu. Ví dụ như ở Nhật thì dùng tiếng Tokyo làm tiêu chuẩn. Ở Đức dùng tiếng vùng Hannover làm tiêu chuẩn. Ở Việt Nam có thể tiếng Hà Nội làm tiêu chuẩn v.v...

Khi phát âm sai người đối diện họ sẽ cười mình. Nếu là bạn bè hay thầy cô, giáo họ có thể sửa lại cho mình, nhưng khi đã đi ra thuyết trình cho thiên hạ nghe về một vấn đề gì đó thì mình đã là cái đích cho mọi người nhắm vào đó để học hỏi, để lấy ra một bài học kinh nghiệm chẳng hạn, thì trong trường hợp này phải rất thận trọng.

Khi người ngoại quốc nói chuyện với ta mà ta hiểu được cái cười của họ, cái lắc đầu, cái suy tư, cái trầm ngâm, cái ý không ưa v.v... thì bạn đã giỏi ngoại ngữ rồi. Hoặc giả có nhiều người khi nghe câu nói chẳng hiểu gì hết mà đã cười rồi, chứng tỏ mình còn ngơ nghếch lắm. Hoặc giả cũng có đoạn đáng vỗ tay thì không vỗ, những đoạn không đáng vỗ tay lại vỗ lớn chẳng hạn. Điều ấy chứng tỏ rằng mình không nắm vững ý chính của ngôn ngữ mình đang nghe. Trong trường hợp này, tốt hơn hết như ông bà mình vẫn thường khuyên là “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Nghĩa là giữ im lặng, không phát biểu và không biểu lộ qua hành động thì người ta sẽ không hiểu gì về mình cả. Đây là cơ hội để bạn học ngôn ngữ. Lúc về nhà phải biết rằng mình còn kém, phải nỗ lực gấp hai, gấp ba lần như thế mới được. Nếu bạn đi thuyết trình cho hãng mà chẳng thuyết phục được một khách hàng nào mua đồ của mình giới thiệu thì quả thật đã thất bại rồi. Điều quan trọng ở đây là khi bạn trình bày câu chuyện phải có tính cách thuyết phục cao, mà muốn thế thì lý luận của bạn phải giỏi. Trong trường hợp này đòi hỏi ngoại ngữ của bạn phải rõ ràng, rành mạch và dĩ nhiên là không thể có một ngôn ngữ nói tiếng bồi nào trong buổi thuyết trình của bạn.

Thật ra điều này không khó lắm. Nếu bạn muốn trở thành người học giỏi ngôn ngữ thì chỉ cần chăm chỉ học hành và nắm vững vấn đề là được. Ở đây không đặt thành vấn đề là thông minh hay không thông minh. Điều này thiết tưởng không cần thiết lắm. Đứng trên phương diện giáo dục mà nhìn thì mỗi cá nhân của chúng ta cần làm chủ đến 80 phần trăm mọi vấn đề. Sau đó 10 phần trăm là ta học được từ thầy bạn, 5 phần trăm thông minh và 5 phần trăm là do ngoại duyên thuận hay nghịch. Nếu thất bại, bạn đừng trách người khác hay đổ thừa cho hoàn cảnh, mà chỉ nên trách chính mình dụng công chưa hết 80 phần trăm đó, nên mình đi lạc đề. Trong khi đó chư Phật, chư vị Bồ Tát và các vị Thánh Nhân đã sử dụng tự lực của sự học, sự tu đến 100 phần trăm nên các vị thành Thánh, còn chúng ta không chịu sử dụng hết nên vẫn còn là phàm phu tục tử.

Ngôn ngữ thật ra chỉ là một sự lặp lại mà thôi. Ví dụ, bạn nói bằng tiếng Anh “Today, I go to school”, tiếng Pháp là “Aujourd’hui je vais à l’école”, tiếng Nhật là “Kyo watashi wa gakko ni Ikimasu”, tiếng Hoa là “Chintien wo chu sueso”, tiếng Đức là “Heute gehe ich in die Schule” v.v... Còn rất nhiều ngôn ngữ khác mà ta có thể học nữa, nếu ta muốn. Tuy nhiên khi nói một câu bằng ngôn ngữ nào là phải rõ ràng rành mạch, xếp cho đúng câu, đúng nghĩa và đúng văn phạm. Như thế ta nói lần thứ nhất cho đến lần thứ 20, rồi 50, rồi lần thứ 100 v.v… chắc chắn ta sẽ giỏi. Nhưng khi học xong rồi bỏ nó vào đâu? Trong óc của chúng ta có rất nhiều ngăn chứa. Nó cũng giống như một tủ lạnh có ngăn để mát, có ngăn đông đá. Điều quan trọng ở đây là bạn phải nhớ cái đồ nào để vào ngăn nào, đừng cho lộn xộn là được. Ngoài ra phải do sự tích lũy làm chủ và tính nhạy bén của bạn. Muốn thế bạn phải tập làm quen. Nghĩa là một ngôn ngữ phải học ít nhất từ 6 tháng đến một năm mới có thể giỏi được. Ở đây tôi muốn nói với những người ở độ trung bình, chứ không nói với những người giỏi hay với những người không chịu cố gắng. Học xong một ngoại ngữ bạn đừng cho nó đông đá mà hãy tìm cách thực tập ngoại ngữ ấy, nếu được hằng ngày thì càng tốt, ít lắm thì một tháng cũng phải có cơ hội nói một lần. Nếu không, bạn sẽ cứng miệng khi gặp người sử dụng ngôn ngữ ấy.

Nếu là người giỏi, họ có thể chứa trong óc đến 30 hay 40 ngăn ngoại ngữ khác nhau, mà khi rút ra để dùng chẳng bị lộn lạo gì cả. Trong trường hợp này, người ta gọi là “thiên tài” có nghĩa là cái tài giỏi ấy do trời phú. Nhưng nếu phải học chừng vài ba ngoại ngữ thì chỉ cần “nhân tài” là bạn có thể giỏi rồi, đâu cần đến thiên tài.

Các ngôn ngữ Á Châu đa phần tượng hình, như tiếng Hoa, tiếng Đại Hàn, tiếng Nhật và tiếng Việt cổ. Có nghĩa là nếu bạn không thuộc mặt chữ và ghi vào đầu óc của bạn thì bạn không thể nào nhớ và viết cũng như đọc được chữ ấy. Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Phương lại khác. Mặc dù bạn không hiểu nghĩa câu văn đó ý gì, nhưng bạn có thể đọc được. Đây là cái tiện lợi cho những ngôn ngữ dùng theo mẫu tự A, B, C. Ví dụ như tôi có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ để trao đổi với người ngoại quốc nhưng khi gặp chữ Ấn Độ, Népal, Bhutan, Tây Tạng, Lào, Cao Miên, Thái Lan, Tích Lan v.v... thì tôi cũng chịu trận như quý bạn thôi. Trong những trường hợp này dùng ngôn ngữ giao dịch thông dụng trên thế giới ngày nay là tiếng Anh thì dễ dàng nhất. Tiếng Anh tuy không phải là ngôn ngữ có nhiều người nói nhất trên thế giới như tiếng Trung Hoa, nhưng tiếng Anh là tiếng thế giới, bạn đi đâu hay ở bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này bạn cũng có thể dùng được cả. Nếu bạn chỉ biết ngoại ngữ là tiếng Hoa, khi sang Âu Châu hoặc Phi Châu mà có được một người thông dịch tiếng này qua tiếng địa phương cho bạn là điều hơi khó. Cũng như tiếng Đức và tiếng Pháp tuy là đại diện cho những nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất nhì ở Âu Châu, nhưng những ngôn ngữ này cũng chỉ dùng trong phạm vi Âu Châu thôi, còn khi qua Úc hoặc Nam Mỹ thì khó mà sử dụng đến.

Ngôn ngữ Đức là một trong những ngôn ngữ khó nhất nhì Âu Châu, gần bằng tiếng Nga vậy. Tuy nhiên, nếu bạn siêng năng, bạn cũng có thể giỏi bằng hay giỏi hơn người Đức cũng là chuyện bình thường thôi. Vì có không ít người Đức không biết văn phạm tiếng Đức là gì. Điều này cũng giống như nhiều người Việt Nam, vì chưa bao giờ được đến trường nên không thể biết. Họ là những người kém may mắn, hoặc do lười biếng đã bỏ lỡ đi cơ hội lớn về ngôn ngữ. Ngày nay, con em người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới là một đặc điểm vô cùng lợi lạc. Vì lẽ các em có đến hai nền văn hoá trong một lúc. Đó là văn hóa của quê hương cha mẹ mình và nền văn hóa thứ hai là nền văn hóa bản xứ, mà người bản xứ họ thiếu nền văn hóa thứ nhất của người Việt Nam mình.

Cách cấu tạo câu văn tiếng Đức cũng khác lạ lắm. Ví dụ như một câu nói, bình thường rất giống tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng nếu nói câu ấy có trợ động từ thì trợ động từ sẽ đứng sau chủ từ và động từ chính nằm ở cuối câu. Trong khi đó tiếng Anh và tiếng Pháp khác. Có nghĩa là trợ động từ nằm sát động từ rồi mới đến túc từ. Ví dụ câu “tôi muốn thăm Paris”. Tôi là chủ từ, muốn là trợ động từ, thăm là động từ chính và Paris là túc từ chỉ nơi chốn. Nếu nói tiếng Đức đúng cách phải nói rằng: Ich will (möchte) Paris besuchen. Ich là chủ từ, will hay möchte là trợ động từ, Paris là túc từ và besuchen là động từ chính. Nếu viết bằng tiếng Anh thì phải viết I shall visit Paris hay tiếng Pháp là Je voudrai (veux) visiter à Paris. Tiếng Pháp hơi khó hơn một chút là khi có trợ động từ đứng trước thì động từ chánh đứng phía sau phải để nguyên mẫu và túc từ chỉ nơi chốn phải có chữ “à” đứng đầu.

Học ngôn ngữ là phải để ý cách dùng và sau đó từ từ đọc sách sẽ qua đi. Khi quen dần mình tập dịch những câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, từ từ mình sẽ thuần thục. Ở đời không có ai là Thánh cả. Ai cũng bắt đầu từ chỗ phàm phu để tiến lên con đường Thánh, chứ không phải sanh ra đã là Thánh nhân rồi thì đâu có cần ở cõi Ta Bà này nữa làm gì?

Vậy quý bạn nào muốn học ngoại ngữ giỏi thì cứ bắt đầu. Điều quan trọng ở đây là sự học hỏi ấy không bao giờ có giới hạn ở tuổi tác và địa vị, nên người xưa mới nói rằng:

Học hải vô nhai cần thị ngạn
Thanh không hữu lộ, chí vi thê.

Nghĩa là:

Biển học không bờ, siêng là bến
Trời xanh có lối, chí là thang.

Quý vị chắc cũng đồng ý với tôi về điều này? Và bây giờ tôi xin cống hiến đến quý vị và các bạn cách học làm sao cho mau nhớ và càng phải nhớ được lâu nữa, thì đây là phương pháp.

Nếu học bài của trường Tiểu hay Trung Học cũng giống nhau thôi. Chỉ có bài nhiều ít tùy theo giáo sư cho mình. Ví dụ, một bài nói về lịch sử hay địa lý hoặc vạn vật, ngay cả thơ văn v.v… cũng đều có thể ứng dụng với phương pháp này được. Đầu tiên hãy ngồi thật yên lặng ở một nơi không bị chi phối, tiếp theo là đem bài ấy đọc qua một lần thật chú tâm trong một phút. Điều ấy có nghĩa là nội dung chính quý vị và các bạn đã nắm lấy rồi. Sau đó chia bài ra làm 3 đoạn. Quý vị đọc qua đoạn một một lần nữa, rồi cho từng câu, từng chữ vào đầu mình trong một phút nữa. Đoạn thứ hai cũng làm thế. Sau đó nối đoạn hai với đoạn đầu và nhắm mắt lại đọc trong đầu cũng như đọc ra thành tiếng như lúc trả bài và sau đó học đoạn ba, tiếp theo là nối đoạn ba với đoạn hai rồi đoạn một. Như vậy tổng cộng chừng 5 phút là bạn có thể học thuộc lòng xong một trang A5. Nếu bạn không tập trung tư tưởng được nhiều thì phải đọc trong nhiều lần như thế để thuộc. Tôi cam đoan với bạn là khi bạn đã cố gắng học thuộc rồi thì bạn sẽ tự tin hơn. Ví dụ như bạn không ngại khi gặp Thầy mình hỏi bài và rất hãnh diện với bạn bè, vì bạn được Thầy, cô khen và cuối tháng, cuối năm thi đậu điểm cao. Bạn nên nhớ rằng người học trò chỉ có bổn phận là học, mà đã đến trường không chịu học thì thử hỏi phải làm cái gì đây để báo ân cho ông bà cha mẹ, Thầy Tổ và đàn na tín thí bây giờ?

Khi học lên Đại Học thì không cần phải học thuộc lòng như thế, nhưng bài vở những ý chính phải nắm vững. Có thể phải tô đậm bằng mực màu lên những nơi đáng chú ý và cũng có thể cho ta biết rằng sách ấy, môn ấy, ta đã đọc qua. Thời gian trước khi thi, chỉ cần ôn lại những chỗ gạch chính là đủ. Nếu các bạn học Tiểu Học, Trung Học và Đại Học mà thực hành như tôi vừa nói thì tôi đoán chắc rằng nếu bạn không đỗ tối ưu thì cũng ưu và nếu không bình thì cũng bình thứ, chứ tuyệt nhiên không bao giờ đậu thứ và thi hỏng đâu mà sợ.

Ngày nay ở ngoại quốc học kiểu khác. Nghĩa là Thầy giáo cho học sinh, sinh viên biết tổng quát khá nhiều rồi khai triển tinh thần làm chủ ấy khi trình bày quan điểm của mình cho giáo sư nghe và giáo sư sẽ góp ý vào. Cách dạy này hay, tôi không phản đối, nhưng nếu một công thức toán học không học thuộc, một phương trình khi giải phải cần đến sách vở và tự điển thì phải nói rằng nó ngồ ngộ làm sao. Khi tôi còn học Tiểu Học và Trung Học tại Việt Nam thuở bấy giờ không có lối giáo dục như thế.

Ngày xưa nếu người học trò trả lời em không biết, hoặc không có thời giờ để xem bài, sẽ bị phạt ngay, bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ đâu có như ngày nay là cứ thật tình trả lời như thế, rồi Thầy giáo kêu người khác, mà chẳng có một lời khuyên nào với những học trò kia thì quả là một lối giáo dục hoàn toàn mới.

Đa phần ở Á Châu chúng ta chỉ học từ ông Thầy những gì ông Thầy biết là đủ.Trong khi đó cái học của Âu Mỹ là cái học khai phóng, tạo cho con người có đầu óc tự tin và tự chủ khi trình bày điều mình muốn nói. Điều ấy tạo cho học trò sau này đi vào trường đời có nhiều bản lãnh hơn, nhưng bảo đọc một bài thơ của Nietzche hay Victor Hugo chẳng hạn thì người học trò thời nay không làm được. Chỉ nhớ loáng thoáng cái gì đó rồi trình bày mà thôi. Còn ngày xưa chúng tôi phải học thuộc lòng. Tất cả đều phải học thuộc lòng. Tiếng Pháp gọi là récitation, tiếng Đức cũng nói thế nhưng viết khác rezitation – rezitieren. Cái lợi của học thuộc lòng là khi đi giảng hoặc thuyết trình, một phần để thay đổi không khí, một phần để kéo dài thời gian, một phần khác không kém phần quan trọng là lỡ mình quên đi phần chính của việc nói pháp hay thuyết trình thì mình chêm thơ vào để giải bày và trong khi đó đầu óc mình nó sẽ móc nối lại với tư tưởng trước đó mà mình đã lãng quên. Ở dưới cử toạ sẽ hầu như không để ý về sự sơ hở này của mình, mà đôi khi còn vỗ tay tán thưởng những đoạn thơ hay, ý vị nữa thì mình sẽ tự tin, lấy lại tinh thần để tiếp tục câu chuyện, nhưng đâu có ai biết rằng đó là thủ thuật của diễn giả. Thế nhưng trong trường hợp này, nếu diễn giả chẳng thuộc một bài thơ nào hay một câu chuyện ngụ ngôn, trào phúng nào cả thì phải nói rằng phần thuyết trình hôm ấy sẽ trở nên buồn tẻ lắm.

Còn một việc nữa không kém phần quan trọng trong lúc giao tế là nên nhớ gương mặt mà người mình đã gặp một vài lần rồi, nếu nhớ được tên thì rất quý. Nếu người ấy lỡ có gọi phone đến cho mình mà mình không nhận ra tiếng nói của người ấy và cũng chẳng nhớ lại tên họ, thì quả thật rất bất lợi trong việc ngoại giao vô cùng. Lẽ ra khi nghe tiếng alô đầu tiên bạn phải reo lên là bạn hay ông, bà Nguyễn Văn... gì đó đã gọi cho mình, thì đầu dây điện thoại kia họ sẽ vui lắm. Vì người bên kia đầu dây có thể ở xa với bạn lắm và đã lâu lắm rồi không gặp bạn, nhưng lúc nào bạn cũng nhớ đến họ, nên bạn mới nhớ đến tiếng nói và nhớ đến tên. Chắc chắn họ sẽ vui và những giao dịch sau đó đa phần bạn sẽ gặt hái thành công.

Có nhiều người thuộc cả hàng trăm số điện thoại và tên đường phố. Có nhiều người không chạy taxi mà Paris có bao nhiêu con đường chính họ đều nằm lòng. Hoặc giả khi nói về lịch sử, danh nhân và các cuộc cách mạng trên thế giới v.v... phải đòi hỏi bạn nói đúng ngày, giờ, năm tháng và sự kiện lịch sử chứ không thể nói u ơ là vào khoảng năm đó v.v… Ví dụ như khi nói về cách mạng Pháp là phải nói xảy ra vào ngày 14 tháng 7 năm 1789. Cách mạng Trung Hoa Dân Quốc là vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Cách mạng Việt Nam là ngày 1 tháng 11 năm 1963 v.v… Còn những phương diện khác nữa, cũng cần đòi hỏi ở bạn nhiều vấn đề tâm lý nữa mới có thể làm cho bạn thành công trọn vẹn được.



LỜI CUỐI

Năm nay là năm thứ ba, tôi lên nhập thất tại núi đồi Đa Bảo tại Sydney thuộc xứ Úc này. Đây là một thuận duyên mà bào huynh là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Phương Trượng chùa Pháp Bảo tại đây, đã dành cho Thầy trò chúng tôi cơ hội ở đây để ẩn tu và dịch Kinh, dịch sách. Nhờ thế mà sau khi đã liên lạc qua email với Trần Văn Nhơn tức Trần Trung Đạo, chúng tôi dự định xuất bản chung một cuốn sách viết về những kỷ niệm ngày xưa khi còn sống dưới bóng cây đa chùa Viên Giác và sự chở che đùm bọc của Thầy Tôi cũng như gạo cơm của đàn na tín thí. Do vậy mà tác phẩm mang tên “Dưới bóng đa chùa Viên Giác” mới được ra đời. Xin cảm tạ thâm ân tất cả của mọi người mà tôi đã mang vào vai, vào tâm và ngay cả trân quý để lên trên đầu này.

Khi viết, chắc chắn tôi là chủ từ. Do vậy, có rất nhiều phần mang tính cách chủ quan, nên không thể nào không có những chỗ sơ hở đáng trách. Nhất là phần khi nhận xét về Thầy mình hay những việc khác chắc là giác linh của Thầy không vui, nhưng con xin hoàn toàn sám hối với Thầy. Vì con không thể nói khác đi được, khi mà con đã và đang chịu ảnh hưởng của ba nền giáo dục, ba tư tưởng tự do của Việt Nam, Nhật Bản và Đức Quốc. Do vậy con xin chịu nhận phần lỗi này về mình, đã nói lên những điều không đáng nói như thế.

Cuối cùng, tác phẩm này phần tôi viết gồm 100 trang viết tay khổ A4, chỉ viết trong khoảng năm ngày là xong, nên không tránh khỏi những thiếu sót đáng tiếc. Kính mong quý độc giả niệm tình hỷ thứ cho.

Núi đồi Đa Bảo Sydney, Úc Đại Lợi
Vào chiều ngày 3 tháng 12 năm 2005
Thích Như Điển


    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.75.46 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...