Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 17. Đi thăm đồng bào các trại tỵ nạn »»

Đường Không Biên Giới
»» 17. Đi thăm đồng bào các trại tỵ nạn

Donate

(Lượt xem: 3.099)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 17. Đi thăm đồng bào các trại tỵ nạn

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau khi từ Canada về, tôi đi Bonn để lo visa đi các nước Đông Nam Á Châu thăm đồng bào hiện còn đang ở trong các trại tỵ nạn, nhưng đến ngày lên đường vẫn có một số nước chưa kịp cấp visa. Có nhiều nước như Nhật, Phi Luật Tân cấp visa trong vòng một tiếng đồng hồ. Còn Singapore hoặc Đài Loan cần phải có người bảo lãnh. Nam Dương, Thái Lan và Mã Lai thì còn lâu hơn thế nữa.

Mang giấy thông hành của người tỵ nạn đi xin visa cảm thấy nó nao nao trong dạ, buồn vui lẫn lộn chẳng biết nói sao. Buồn cho thân phận của người Việt, vì quê hương vẫn còn đó nhưng hình như đã mất. Vui vì dầu sao chăng nữa mình vẫn còn diễm phúc đi đó đi đây, so với đồng bào còn đang bị giam nhốt trong gông cùm của Cộng sản. Khi người có phận sự cấp chiếu khán hỏi tôi quốc tịch gì, tôi trả lời: “Tôi là người tỵ nạn.” Ông ta hỏi lại một lần nữa:

- “Người tỵ nạn có phải là người vô quốc tịch không?”

- “Ông muốn nghĩ sao cũng được.” Tôi trả lời.

Khi xin giấy visa các nước khác mới thấy thân phận mình bé nhỏ lạ thường. Vì quê hương mình vẫn còn đó nhưng không có đất để dung thân. Tiếng nói của mình không còn một giá trị nào để được quốc tế lưu ý. Vui thì họ cho, buồn thì họ dừng lại. Quả thật thân phận của người tỵ nạn chúng ta chẳng khác nào một quả bóng đá. Người ta để yên thì mình nằm đó. Người ta đá đi, mình lại bay chạy tứ tung.

Người cấp giấy chiếu khán ở tòa Đại Sứ Thái Lan đã đóng dấu lên passport của tôi, cho phép được vào nước Thái với lý do đi du lịch, nhưng sau khi đọc kỹ giấy tờ xin đi thăm trại tỵ nạn của tôi, ông ta đã đóng dấu hủy bỏ lên visa vừa cho, viện cớ rằng việc này phải có Bộ Nội vụ Thái xét mới có thể đi được. Thế là đành hỏng một chuyến đi. Vì ở đó có biết bao nhiêu người đang khổ sở từ vật chất đến tinh thần và cần sự hiện diện của chúng tôi, nhưng cuối cùng vẫn không đi được, tôi cầm giấy thông hành mà đớn đau vô kể. Tôi tự hỏi vì sao vậy? Nhưng câu trả lời thì có ngàn lối khác nhau.

Hồi tháng 10 năm 1984, tôi có gặp Thượng tọa Abinyana người Anh, đang ở tại Phật Học Viện Quốc Tế của Thượng Tọa Thích Đức Niệm. Ông cho tôi biết rằng có nhiều người Việt Nam ở Đức hay Pháp lâu năm, có quốc tịch hẳn hòi, nhưng khi xin đi Thái Lan vẫn gặp nhiều khó khăn, có lúc được cấp chiếu khán, nhưng cũng có lắm người bị bác đơn.

Trước khi rời Đức tôi có được visa của Singapore, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai, Nam Dương. Visa Hồng Kông vẫn trong tình trọng chờ đợi, còn Thái Lan như mới vừa trình bày trên. Có lẽ sau khi tôi về lại Đức chuyến này mới nhận được giấy phép gởi đến chùa, nhưng đã quá muộn.

Đến Singapore ngày 22 tháng 1 năm 1985, sau 20 giờ bay qua Amsterdam, Rome, Dubai, Bangkok và cuối cùng là Singapore. Nơi đây không có người thân hoặc bạn bè đi đón nên tôi phải tự làm mọi thủ tục giấy tờ, rồi một mình leo lên xe car về khách sạn.

Đường từ phi trường về khách sạn thấy hai bên những cây phượng cành lá sum suê che rợp cả lối đi. Thỉnh thoảng những loại hoa dại cùng các cây hoa trang, hoa dâm bụt ẩn hiện đó đây làm tôi nhớ Việt Nam trong muôn thuở. Thấy Singapore đẹp và sạch như Thụy Sĩ ở Âu Châu. Trong đầu tôi thoảng hiện một dấu hỏi thật to tướng. Tại sao Singapore có khoảng 75 phần trăm dân là Tàu, mà Tàu ở đây lại văn minh và sạch sẽ đến thế? Trong khi đó người Tàu ở Việt Nam và ngay ở tại Mỹ thuộc thành phố San Francisco cũng không khác mấy? Nghe đâu chính phủ phạt vạ những kẻ phạm pháp nên ai cũng ráng giữ cho quê hương họ sạch sẽ. Ra đường nhổ xuống đất một bãi nước bọt bị phạt 25 đô-la và liệng một cái tàn thuốc bất cứ nơi công cộng nào cũng bị phạt 50 đô-la, nếu cảnh sát bắt được. Vì thế Singapore mới đẹp như vậy.

Nhìn quê hương họ để nhớ lại quê hương mình, tuy gần nhau trong gang tấc mà xa nhau ngàn vạn dặm. Đất nước người ta đang trên đà phát triển, trong khi đó đất mẹ của mình bị bè lũ vô thần giày xéo làm cho tang thương đổ nát, càng ngày càng rách rưới nhiều hơn.

Đến khách sạn thấy có nhiều người Nhật, người Ấn, người Âu Châu ở đấy. Người Nhật thường đi cả một đoàn và chỉ vài người biết ngoại ngữ, ngoài ra đều được hướng dẫn bằng tiếng Nhật. Có một bà Nhật đến hỏi tôi bằng tiếng Nhật không ngại ngùng, vì họ nghĩ mình là người Á Châu, có lẽ ai cũng biết tiếng Nhật. Tôi định trả lời bằng tiếng Anh như vẫn hay nói chuyện với người Singapore hoặc những người ngoại quốc khác, nhưng sợ bà bỡ ngỡ nên tôi lại trả lời bằng tiếng Nhật. Bà nghe như là một chuyện đương nhiên, cũng chẳng buồn hỏi tôi là người nước nào đến.

Trong khách sạn, ngoài đường phố, ở siêu thị đâu đâu cũng thấy có viết tiếng Nhật kèm phía dưới tiếng Anh. Vì người Nhật du lịch ở đây rất nhiều và không phải người Nhật nào cũng hiểu tiếng Anh, nên người địa phương họ làm thế.

Sáng ngày 23 tháng 1, tôi thuê một chiếc xe để tìm đến trại tỵ nạn của đồng bào mình. Trại nằm gần phi trường và từ ngoài nhìn vào thấy có vẻ đơn sơ so với những mái nhà chung quanh. Trại nằm trên đường Hawkins, số 25, nên người ta thường hay gọi là trại tỵ nạn Hawkins.

Khi vào đến trại, người gác cổng hỏi tôi giấy chứng minh thư, người ấy cầm passport vào trình cho ông trại trưởng. Sau một hồi đứng phơi nắng cảm thấy xốn xang, ông ta mới ra cổng và hỏi tôi một vài điều cần thiết. Đáng ra tôi không được vào thăm đồng bào vì chưa có giấy phép của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, nhưng sau khi hỏi mục đích và lý lịch của tôi, ông ta biết tôi có ở Nhật và ở Đức lâu năm nên vồn vã mời tôi vào trại bằng tiếng Nhật thay vì nói tiếng Anh như lối xã giao thường lệ.

Vì đến quá gấp và đi cũng quá gấp nên một số quý vị trong Ban Đại Diện của trại đã kêu gọi đồng bào trên loa phóng thanh đến phòng họp để nghe tôi nói chuyện. Chỉ trong vòng 15 phút, gian phòng đã đầy người và câu chuyện bắt đầu. Trong sự trao đổi với đồng bào, tôi nhận thấy có một số đồng bào ở các trại Mã Lai và Nam Dương đến đây để chờ chuyến bay đi ngoại quốc. Được biết trại chỉ là nơi chuyển tiếp. Người ở lâu nhất chỉ 3 đến 6 tháng là cùng, không lâu như những nơi khác. Trước khi câu chuyện chấm dứt, tôi có ủng hộ cho trại một số tiền của đồng bào Phật tử tại Đức, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Úc và Đan Mạch đóng góp. Nhưng ở đây mọi người đều đồng ý nhường số tiền ấy lại cho chùa Phật giáo tại Galang, Indonesia. Số tiền này tôi chuyển ngay vào ngày hôm sau cho Đại Đức Thích Hạnh Tuấn để trùng tu và tái thiết chùa.

Trước khi ra về, tôi đến đảnh lễ Phật trong một gian phòng chật hẹp nhưng không kém vẻ trang nghiêm thanh tịnh. Quý vị Phật tử ở trại ấy cho biết là ở đây ít nhận được kinh sách và báo chí của các chùa Việt Nam ở ngoại quốc. Do đó yêu cầu nếu có thể được, các chùa, các Hội đoàn người Việt gởi sách, báo chí v.v... đến địa chỉ: Vietnamese Refugeee Camp - 25 Hawkins Road, Singapore để bà con ở đây được nhờ.

Trước mặt phía bên trái có dựng một nơi thờ tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhưng nhang khói vắng tanh. Có nhiều người bảo, vì không có thầy trụ trì nên hóa ra như vậy. Đa số các thầy đến ở đó tạm một thời gian rồi đi định cư các nước khác, không ai lưu tâm về việc này. Bên Thiên Chúa hoặc Tin Lành có các linh mục, các soeur đến giúp đỡ người tỵ nạn và ở luôn tại các trại, nên mối đạo tình rất thắm thiết. Vì họ đã có chân đứng ở một nước thứ ba, sẽ có ngày trở lại. Còn Phật giáo vì trồng cây Bồ Đề trên băng giá nên cần phải dưỡng sinh nhiều hơn nữa. Nên quý thầy, quý cô sau khi đã định cư được ở một nước thứ ba rồi, nên về lại các nước Đông Nam Á Châu để giúp đỡ đồng bào trong các trại có lẽ có ý nghĩa nhiều hơn, như quý linh mục, quý soeur đã làm, hơn là ở những nơi mà thị phi và đố kỵ ngày càng gia tăng mãnh liệt. Ở những nơi an định, hình như đồng bào mình ít thấy cần thiết giá trị của tinh thần. Còn ở đây, trong các trại tỵ nạn, sau bao cơn thập tử nhất sanh trên biển cả, đồng bào mình có một niềm tin rất vững mạnh vào những gì thiêng liêng cao cả nhất của đời họ, ngoài giá trị vật chất. Nếu quý thầy và quý sư cô nào làm được việc hướng đạo đó, chắc bà con Phật tử ở trong các trại tỵ nạn sẽ quý trọng vô cùng.

Trên đường trở lại khách sạn tôi miên man suy nghĩ cho số phận của người dân mình phải bỏ nước ra đi, trong lúc Singapore đang trên đà kiến thiết, xây dựng quê hương của họ.

Hôm sau tôi lãm du thành phố, có đi thăm nhiều ngôi chùa và nhiều thắng cảnh, tình cờ gặp một Thượng Tọa người Việt Nam đã ở đây hơn 30 năm. Pháp danh của Ngài là Thích Cảnh Thanh. Thượng Tọa trụ trì chùa Long Sơn rất nổi tiếng, chùa có rất nhiều du khách ra vào, kiến trúc thật xưa như các chùa tổ tại Việt Nam. Địa chỉ của chùa là: 371 Race Cource Road, Singapore 0281. Tel. 2986563. Nếu ai có dịp đến Singapore nên ghé thăm chùa này để biết một di tích lịch sử Phật giáo Việt Nam ở xứ này.

Thượng tọa thấy tôi xá Phật và mặc áo nhật bình nên vẫy tay lại hỏi rằng có phải người Việt Nam không? Thượng Tọa mừng quýnh vì lâu lắm rồi Ngài không nói tiếng Việt nên giọng có vẻ cứng đi rất nhiều. Thay vào đó, ngài nói tiếng Tàu rất thông thạo. Tôi là người hay suy tư, nên mỗi một chuyện vui buồn, hay dở cũng đều phân tích và lý luận, do đó lại suy nghĩ: Một mai đây đàn hậu học người Việt ở hải ngoại nếu không chú trọng phần dạy tiếng Việt cho con em mình, hay ngay cả chính mình nếu không thường luyện tập tiếng Việt, chắc một ngày nào đó cũng không khác gì Thượng Tọa Thích Cảnh Thanh.

Tôi rời Singapore ngày 25 tháng giêng năm 1985 để đến Phi Luật Tân. Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Singapore đã mang tôi vào vùng đất nóng sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Khi ngang qua hải phận Việt Nam, người xướng ngôn viên cho biết cách Việt Nam 20 cây số về hướng biển Nam Hải, tôi nghe như đau nhói trong tim và nóng ran trong từng thớ thịt. Trên bầu trời nhìn xuống chỉ thấy mây và nước nhưng lạnh lẽo vô song, mặc dầu ở đây đang vào mùa ấm. Ai có xa xứ lâu năm mới thấy ray rứt nỗi lòng khi gần quê hương nhưng không và chưa bao giờ được đặt chân đến. Nơi đâu và bất cứ giờ nào tôi cũng có thể đi đến được, ngoại trừ nước Việt Nam. Có nhiều người bảo tôi “Thầy lấy tựa đề Đường Không Biên Giới cũng không đúng lắm.” Tôi hỏi tại sao, họ bảo rằng: “Đã không biên giới, tại sao Việt Nam thầy không đến được?” Tôi trả lời rằng: “Tôi sẽ đến đó được chứ, nhưng với điều kiện là Việt Nam không còn Cộng sản nữa.”

Ôi quê hương, tình người và Đạo Pháp, bây giờ đã ra sao rồi, khi chung quanh mọi người đều hướng về đất mẹ?

Ở Âu Châu vào mùa đông lạnh đến âm 25-30 độ C. Trong khi đó Manila nhiệt độ là 30 độ C nên nóng quá là nóng. Thân thể tôi phải chịu một sự thay đổi chênh lệch là 60 độ C nên khó chịu vô cùng. Khi ở xứ lạnh mong cho được nóng, nhưng khi nóng quá cũng cảm thấy khó chịu. Quả thật cuộc đời con người... là những gì khó định nghĩa được.

Vừa xuống máy bay tôi đã được một số quý Phật tử Việt Nam lập nghiệp ở Phi lâu năm đến đón trong những chiếc áo dài dân tộc. Nếu họ không mặc áo dài chắc tôi chẳng biết ai đã đi đón cả. Vì người Phi, người Tàu, người Việt nhìn thấy giống nhau lắm. Sau những thủ tục giấy tờ, tôi đã gặp Soeur Pasale Trìu - một người nữ tu bên đạo Thiên Chúa rất giỏi về mọi mặt hoạt động cho người tỵ nạn cũng như ngoại giao. Có lần Linh mục Tài nói với tôi rằng: “Bà là Đại Sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Phi đó.” Tôi thấy lời nói ấy của ông Linh mục không sai sau khi tôi đã tiếp xúc với Soeur và thấy Soeur làm việc. Năm 1975, khi còn ở Nhật, tôi có nghe về sự hoạt động của Soeur tại Phi, nhưng đây là lần đầu tiên gặp Soeur trên đất khách.

Trước khi đi Phi tôi có liên lạc với Soeur và gia đình của một người Phật tử thuần thành ở Đức, hiện làm việc tại Phi, nên mới có sự đón tiếp ấy.

Trên đường phố Manila thấy người qua kẻ lại rộn rịp vô ngần. Xe hàng, xe tư nhân, xe đạp chạy vô trật tự làm tôi liên tưởng đến Sài Gòn trước 1975. Lúc ở Singapore tôi thấy gần Việt Nam bao nhiêu, khi qua Manila càng thấy giống Việt Nam hơn thế nữa.

Tôi về nhà trọ ở lại đêm 25, để chiều hôm sau, 26 tháng giêng, tháp tùng theo Soeur Pascale và một số quý vị Phật tử khác đến thăm trại Palawan, cách Manila chừng hơn một tiếng đồng hồ bay về phía Nam.

Đến phi trường của thành phố đã thấy quý thầy, quý vị trong Ban Đại Diện của trại, của chùa và các em Phật tử oanh vũ đã đứng chờ, và đặc biệt có linh mục Cannet người Mỹ, nói tiếng Việt khá thông thạo.

Linh mục Cannet đưa tôi và thầy Như Định cùng một số quý vị trong Ban Đại Diện về chùa, ở đó các anh em Phật tử đã chuẩn bị sẵn sàng dưới sự hướng dẫn của thầy Nhật Trí, sắp thành 2 hàng tề chỉnh để đón rước. Ba hồi chuông trống vang lên đón rước mọi người vào chánh điện. Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, tôi có vài lời với mọi người và hẹn gặp lại trong những buổi nói chuyện tới dài lâu hơn.

Trại là một vùng hẻo lánh về phía nam thành phố, nằm gần phi trường, ở đấy hiện còn 2.000 người, đa số đã xin đi Canada, Mỹ hoặc Úc. Mái nhà lợp tranh, vách lá, dựng lên từ năm 1979 nên có nhiều nhà đã bị dột nát rất nhiều khi có mưa rơi hoặc nắng dọi. Mọi người ở đây đều được đi học tiếng Anh và trẻ em cũng được học tiếng Việt. Có giáo sư người Phi, người Tàu và người Việt dạy. Đặc biệt trại này do người Việt quản lý nên không khí có vẻ dễ chịu hơn ở Singapore nhiều. Hệ thống phát thanh của trại cũng khá hoàn hảo nên mỗi khi có việc gì đều thông báo cho toàn trại một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thông thường ở trại thức dậy từ 6 giờ sáng, sau đó nghe đọc tin tức trên đài, ăn cơm sáng, lãnh phần ăn cho cả ngày, đi học và về ăn trưa. Buổi chiều nghỉ. Có lẽ vì trời quá nắng. Tối lại đi nhận thư, cứ 2 ngày một lần phát, rồi ăn cơm tối, sau đó sinh hoạt cộng đồng. Có thể xem phim, hoặc sinh hoạt tại chùa, nhà thờ hoặc thánh thất.

Trong trại có nhiều nhà vệ sinh và giếng nước công cộng. Đồng bào mình gánh nước về nấu cơm hoặc tắm giặt ở nhà. Gạo ở Phi rất rẻ, 1 kg chừng 4 đến 6 piso. Cứ 1 USD đổi được 18 piso và 1 DM (Đức mã) đổi được gần 6 piso. Nhưng khổ một điều là ở đây nấu cơm bằng củi, không bằng dầu hoặc điện như các xứ Âu Tây, nên các bà mẹ Việt Nam khổ nhọc lắm. Vì đây là trại tỵ nạn. Thỉnh thoảng có vài hàng quán nho nhỏ bán bánh kẹo và vật dụng hằng ngày cho bà con mình trong trại. Có một vài quán cà phê nho nhỏ trông dễ thương và nam nữ vẫn thường hay tụ tập nơi đây mỗi khi hò hẹn.

Vật giá ở Phi rất rẻ so với Đức, nhưng lương ở đây lại rất thấp. Nghe nói một kỹ sư mới ra trường lương tháng chừng 600-1000 piso, tức tương đương từ 100 đến 200 DM. Một bó rau muống giá chừng 1 piso trong khi ở Đức hoặc các nước khác ở Âu Châu phải trả đến 5 USD (khoảng 90 piso).

Mới bước vào cổng trại, tôi thấy 2 bên là các nơi thờ tự rất trang nghiêm. Đầu tiên là chùa Phật giáo, chùa xây theo lối Phật giáo Khất Sĩ, vì trước đây đã được Đại Đức Thích Giác Lượng hướng dẫn xây, nay Đại Đức đang trụ trì Tịnh Xá Pháp Duyên tại San Jose, Hoa Kỳ. Đối diện với chùa là Thánh Thất Cao Đài trông vẫn còn đơn sơ lắm, nhưng kinh kệ ngày 2 buổi không vắng tiếng công phu. Sau nữa là Giáo Đường Nữ Vương Hòa Bình do Linh mục Cannet coi sóc và các Soeur người Phi phụ trách. Bên đối diện là nhà thờ Tin Lành và sau cùng là văn phòng Ban Điều Hành của Trại.

Tôi ở lại đấy từ ngày 25 cho đến 30 tháng 1 mới về lại Manila để tiếp tục đi trại tỵ nạn Bataan ở miền Bắc Manila với Linh Mục Tài. Ở Palawan để nghe tiếng tắc kè, tiếng dế kêu, chuột chạy và tiếng côn trùng rên rỉ về đêm. Nằm nghe mà nhớ quê hương trong muôn thuở. Tối ngày 26 có một buổi giảng cho đồng bào Phật tử tại chùa. Trưa ngày 28 có tổ chức Lễ Thành Đạo của Đức Phật. Hôm ấy Ban Đại Diện chùa và quý Thầy có mời các Tôn Giáo bạn và các phái đoàn đến dự lễ, dùng cơm chay. Tối ngày 29, trước khi về lại Manila tôi có nói chuyện về đời sống của đồng bào tại Châu Mỹ và Châu Âu ở sân công cộng của trại, đã được nhiều người nghe và chú ý.

Trước khi rời trại tôi có trao cho quý Thầy các chùa, Ban Đại Diện của trại một số tiền do đồng bào Phật tử khắp nơi đóng góp giúp đỡ một số đồng bào nghèo, để an ủi họ.

Ở đây ăn rau muống, nằm giường tre, tắm nước lã, nghe tiếng côn trùng, thấy nhớ thương Việt Nam vô kể, vì mọi người dầu khổ nhưng còn có hy vọng để đi định cư ở nước tự do, còn bà con mình nơi quê nhà không biết bao giờ mới thoát khỏi được gông cùm của người Cộng sản.

Trưa ngày 30 tôi phải trở về, các anh em Phật tử vận động để được đi ra sân bay đưa tôi về Manila. Nhìn quanh phi trường thấy toàn màu áo lam dễ mến. Hy vọng với niềm tin và ý chí đó, lớp trẻ sẽ đứng lên gánh vác non sông và Đạo Pháp thay cho những thế hệ đàn anh đi trước.

Nhìn chung, trại tỵ nạn tại Palawan rất tốt, từ phương diện tình cảm cho đến cách sống và hy vọng với tài điều khiển của Ban Đại Diện trại sẽ giúp cho đồng bào mình có cuộc sống thoải mái hơn.

Ngày 1 tháng 2 năm 1985, người tài xế của Soeur Pascale và một vài tín hữu đưa tôi đến gặp Linh Mục Nguyễn Văn Tài tại đài phát thanh Manila thuộc Thánh bộ Vatican, truyền đi vào các nước Á Châu. Linh Mục có hướng dẫn đi thăm các nơi phát và thâu thanh cũng như các hệ thống máy móc hiện đại để phát đi những bản tin quan trọng trong ngày.

Sau đó chúng tôi đã lên đường hướng về trại tỵ nạn Bataan, nơi có nhiều người ở nhất - khoảng 12.000 người. Đường đi từ Manila đến Bataan độ chừng 200 cây số, phải vượt qua các đèo, núi và đồng bằng nên sau gần 5 tiếng đồng hồ mà chiếc xe vẫn chưa đưa chúng tôi tới đích.

Một số quý vị trong Ban Đại Diện chùa Vạn Hạnh và các anh em Gia Đình Phật tử đợi lâu quá nóng lòng giải tán. Do đó, lúc chúng tôi đến chỉ thấy tấm bảng đón rước và một vài Bác lớn tuổi cố ý đợi chờ. Ngoài ra cảnh chùa vẫn yên tịnh. Chúng tôi đã gặp thầy Minh Lực, sư cô Hạnh Thanh và một chú tiểu ở chùa. Được biết ngôi chùa Vạn Hạnh này do một vị sư người Anh khai sơn. Chùa khá đẹp, có tượng Quan Âm lộ thiên phía bên hông, có nhiều cây xoài to lớn che rợp cả một khoảng không nơi chốn núi đồi này. Chánh điện của chùa Vạn Hạnh mặc dầu là chùa tạm của đồng bào tỵ nạn, kẻ đến người đi ít người chăm sóc trực tiếp, nhưng có thể ngồi làm lễ một lần được 400 người, lớn, đẹp hơn nhiều chùa ở Hoa Kỳ.

Sau buổi cơm trưa thanh đạm ở chốn núi đồi, chúng tôi được Linh Mục Nguyễn Văn Tài hướng dẫn đi thăm các cơ quan quan trọng và cách tổ chức trong trại. Trại rất rộng, không giống như trại Palawan. Muốn đi từ khu này sang khu khác phải dùng xe, nếu đi bộ phải mất cả tiếng đồng hồ. Sau khi đi thăm các cơ quan và các khu nhà, chúng tôi có lên thăm một ngôi chùa khác mà nghe nói trước đây do Đại Đức Thích Thông Hải gầy dựng nên. Bây giờ Thầy đang ở Hawaii. Khung cảnh chùa khá đìu hiu quạnh quẻ. Ngôi chùa bây giờ có một vị Sư người Miên lớn tuổi chăm lo. Sau khi đảnh lễ Phật, chúng tôi vào đảnh lễ Ngài và hỏi một vài câu chuyện liên quan đến sự liên hệ giữa những người Việt, người Cao Miên trong trại cũng như cúng dường Tam Bảo một ít tịnh tài.

Chúng tôi rời khu trại ấy đi đến thăm các đài kỷ niệm của người Lào, người Cao Miên, người Việt. Nơi đây họ đã tạo những hình ảnh của quê hương để hướng về Tổ Quốc và ghi ơn những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, cũng như vì tự do độc lập của dân tộc mà hy sinh cho Tổ Quốc. Chúng tôi tiếp tục đến thăm ngôi nhà thờ của người Việt do một vị Linh Mục người Gia Nã Đại trông nom. Linh Mục nói khá rành tiếng Việt. Tôi đi vào trong nhà giảng đứng trước tượng Chúa, cảm thấy mình vẫn như lúc cầu nguyện trước hình tượng của chư Phật hoặc các vị Bồ Tát ở chùa. Tôi có gặp một số quý thầy người Việt sắp thụ phong linh mục và sau đó đi thăm một nơi mà ai cũng sợ, được gọi là “Monky House”(chuồng khỉ). Nơi đây nhốt những người vi phạm kỷ luật trong trại, có khoảng 20 người, và toàn là người Việt cả. Có nhiều người lẹ miệng nói: “Việt Nam mình cái gì cũng giỏi cả. Cho đến đánh lộn và gian lận cũng đứng hàng đầu.” Tôi nghe câu nói mà chợt như trong dạ xốn xang về một quê hương mà nơi đó vẫn còn nhiều khốn khổ đọa đày. Chúng tôi an ủi họ và về lại chùa dưới cơn mưa phùn rơi lả tả thấm lạnh cả bờ vai.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi đã nói chuyện với quý thầy, quý cô, trình bày một số sinh hoạt của Phật giáo hải ngoại, cúng dường một ít tịnh tài để làm phương tiện sinh hoạt cho chùa, cho quý thầy, quý cô trong khi còn chờ để đi định cư ở một nước thứ ba.

Tối hôm đó tôi đã gặp gỡ đồng bào Phật tử trong trại tại chùa Vạn Hạnh, sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi và vị linh mục trở về lại Manila để ngày mai còn phải lên đường sớm đi Đài Loan có một vài công việc Phật sự khác.

Đến Đài Loan để thấy rằng Việt Nam mình ngày trước năm 1975 cũng không bằng. Đài Loan nhỏ nhưng văn minh không kém Nhật và Singapore. Cảnh Đài Loan thật đẹp, người Đài Loan dịu hiền và cuộc sống ở Đài Loan tương đối ổn định hơn Phi Luật Tân - nơi mà lúc nào cũng phải lo lắng. Từ phi trường Trung Chánh Tưởng Giới Thạch về thành phố Đài Bắc phải vượt qua nhiều núi đồi trùng điệp, xa lộ thênh thang, khiến ai đó cũng sẽ mủi lòng khi nghĩ về quê mẹ.

Những ngày ở lại Đài Loan, chúng tôi tạm trú tại giảng đường Linh Sơn của Thượng Tọa Thích Tịnh Hạnh, vị Thầy suốt mười mấy năm trường chỉ dùng gạo lức, muối mè mà đã lấy được bằng Tiến Sĩ của trường Quốc Gia Sư Phạm Đài Loan. Thầy có nhiều uy tín đối với các giới giáo sư và học giả người Trung Quốc. Nếu bảo ở Châu Mỹ có cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã hóa độ được người Mỹ thì ở Á Châu Thượng Tọa Thích Tịnh Hạnh đã độ được cho rất nhiều người Tàu, cả tại gia lẫn xuất gia, rất thuần thành với Đạo. Tôi đến thăm vị linh mục người Bỉ nói tiếng Quan Thoại khá rành qua sự giới thiệu của ông William G. Applegate lo cho người tỵ nạn Đông Dương ở Manila thuộc cơ quan ICMC. Ông này nói rất thông thạo tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, mặc dầu ông ta là một người Mỹ.

Qua linh mục người Bỉ nói tiếng Anh trong khi đối thoại, tôi biết rằng người Việt tỵ nạn hiện ở Đài Loan trên đảo Bành Hồ, cách xa Đài Bắc độ 45 phút đường bay, có khoảng 120 người. Có chừng 80 người sẽ đi Mỹ, còn 40 người khác vẫn chưa biết tính sao. Họ không được một sự giúp đỡ nào của Liên Hiệp Quốc, nhưng chính phủ Đài Loan đã cung cấp cho họ đầy đủ mọi nhu cầu. Vì thời gian lưu lại Đài Loan quá ngắn nên tôi không đi thăm được đồng bào mình ở Bành Hồ, nhưng qua câu chuyện của linh mục Peter Mertens, tôi cũng yên tâm phần nào.

Sau đây là địa chỉ của trại, nếu các tổ chức và các đoàn thể có thư từ báo chí liên lạc, xin gởi về: Indochinese Refugee Center, 150 Chiang Mei, Paishawan, Penghu, TAIWAN 884.

Rời Đài Loan không dễ dàng như tôi tưởng là chỉ cần một số thủ tục giấy tờ như bao nơi khác, mà cần phải làm rất nhiều thủ tục như là một công dân Đài Loan hồi cư bổn quốc, mặc dầu tôi không phải là người Tàu. Do đó chuyến đi của tôi phải trễ mất một ngày.

Ngày 6 tháng 2 năm 1985, hãng hàng không Mã Lai Á đã mang tôi đến Tokyo sau hơn 3 tiếng đồng hồ bay trên trời xanh và dưới là biển cả. Tôi nôn nóng đến Tokyo vì ở đấy có nhiều người trông, lắm kẻ đợi chờ. Sau 8 năm xa hẳn Đông Kinh và sau 5 năm hơn một lần trở lại, thấy cảnh vật thay đổi khá nhiều. Tôi trở lại chùa xưa thăm vị thầy cũ. Bạn bè giờ đây mỗi người mỗi ngả, chỉ còn lại mõ chuông như không thoáng động bởi thời gian. Tôi nghe như lạnh buốt cả bờ vai, tang thương như hồn người bị giá băng bao phủ. Vào chánh điện lễ Phật để thấy mình dầu sao đi nữa vẫn nhờ hột cơm tín thí của xứ Phù Tang nên mới còn trưởng dưỡng được cho đến ngày nay. Nghe tiếng suối reo, chim kêu nơi bờ dậu thấy chẳng đổi khác gì xưa mấy. Nhưng sao lòng tôi bỗng đau đớn lạ thường, không phải khổ tâm, nhưng vui buồn lẫn lộn. Ai muốn hiểu việc này xin xem lại quyển “Giọt Mưa Đầu Hạ” để biết một nỗi lòng. Bây giờ thì chuyện gì cũng đã đi vào dĩ vãng, nhưng dĩ vãng cũng dễ làm cho con người cảm động trước sự đổi thay của vật đổi sao dời.

Ngày 8 tháng 2 tôi đến trụ sở chính của cơ quan tỵ nạn Đông Dương mà người Nhật gọi tiếng to lớn là Trung Tâm cứu nạn thế giới - Cơ quan giáo dục học, để xin phép vào thăm trại tỵ nạn và nói chuyện với đồng bào. Người Nhật cái gì cũng muốn to lớn bằng hoặc hơn các nước khác trên thế giới nên mới đặt tên như vậy. Nhưng thực ra cách tổ chức của họ không qua người Mỹ, Canada, Úc và các xứ khác tại Âu Châu.

Tôi phải cung khai lý lịch, mục đích và nội dung của buổi nói chuyện như thế nào, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ bằng lời nói, cử chỉ và viết lên giấy mà người chịu trách nhiệm còn chưa vừa ý. Họ còn cố ý gạn hỏi xem tôi vào trại có mục đích gì khác nữa không. Từ đó mới thấy rằng việc đi thăm một trại tỵ nạn không phải dễ, nhiều lúc có lòng mà không kiên nhẫn cũng hỏng hết mọi việc.

Chiều hôm đó tôi đi Fujisawa, nơi gần 10 năm về trước có lần gặp gỡ những chuyến tàu đầu tiên của những người tỵ nạn mới đến Nhật. Họ tạm trú nơi đấy và ngày nay đa số đều ở Na Uy và Hòa Lan. Tôi lại vào nhà thờ để hỏi chuyện một bà Soeur về hoàn cảnh của trại. Trại bây giờ đã đóng cửa và chỉ còn lại một số em dưới tuổi vị thành niên về ở chung với những người lớn tuổi quanh vùng Thánh địa ấy.

Quả thật ngoài duyên chùa ra, tôi có duyên rất nhiều với nhà thờ, với các linh mục và các soeur. Hồi còn đi học trường ngoài đời cũng thế, bạn của tôi toàn là Thiên Chúa Giáo hoặc các đạo khác chứ ít ai là đạo Phật. Ngay cả bây giờ mỗi lần gặp lại bạn xưa, chúng tôi hay nói về những chuyện khác hơn là đề cập đến vấn đề tôn giáo. Vì nếu đề cập đến thì được lòng người này phải mất lòng người kia, vì thế nên tôi ít hay đề cập đến.

Ngày hôm sau, dưới cơn mưa tầm tã của Đông Kinh, tôi đã lặn lội một mình đến Trung tâm tỵ nạn của đồng bào mình. Bên ngoài nhìn vào thấy nhà cửa khá đàng hoàng, sạch sẽ, nhưng sau những hàng rào kẽm gai ấy, chắc bà con mình còn có những ước muốn thầm lặng khác, có lẽ cũng là chuyện thường. Một số quý bác lớn tuổi ở đây đã đợi chờ hàng mấy mươi phút trước để đón tôi. Sau phần giới thiệu thành phần Ban Chấp Hành của trại, tôi được đưa về một hội quán khá rộng rãi để tiếp chuyện với đồng bào. Đây là một trại tập trung tất cả người của các trại tỵ nạn tại Tokyo và vác vùng lân cận, nhưng chỉ có 200 người, đa số là thanh niên. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ nói chuyện về những sinh hoạt của đồng bào mình tại các nước Châu Mỹ, Châu Âu về các vấn đề tín ngưỡng, ngôn ngữ, cuộc sống v.v... đến phần câu hỏi của đồng bào. Có nhiều câu hỏi rất thực tế và câu trả lời để giải đáp những thắc mắc của đồng bào như ai nấy vẫn hằng mong đợi. Buổi nói chuyện ấy được thâu băng cẩn thận, hình như để người Nhật biết tiếng Việt sẽ dịch lại cho văn phòng xem tôi đã nói gì.

Đồng bào ở đây chẳng được tự do gì cả. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, như các đồn lính vào thời kỳ cắm trại. Có nhiều người bảo tôi “Sao Thầy không đi thăm các trại khổ hơn mà đi Nhật để làm gì?” Nhưng sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ nói chuyện với đồng bào ở trại, tôi biết họ còn tù túng hơn là những người tỵ nạn hiện đang ở tại Palawan, Phi Luật Tân. Mặc dầu ở đây khá hơn, nhưng chưa hẳn đã là không khổ. Vì sự khổ của con người không giới hạn ở chỗ nghèo đói, bệnh tật, mà ở ngay trong các chốn phong lưu, trưởng giả của kiếp người. Do đó theo tôi nghĩ người nào cũng cần được đến thăm cả, nếu có thì giờ. Nếu được quý thầy thỉnh thoảng đi thăm đồng bào ở các nước có người tỵ nạn thì có lẽ bà con sẽ vui nhiều. Đây là địa chỉ của trại: Vietnamese Refugees Camp 3-2-1 Yashio Shinagawaku Shinagawa, Tokyo 141-JAPAN.

Rời trại cũng trong cơn mưa tầm tã ấy, tôi mua vé chuyến tàu nhanh nhất thế giới (300 km/giờ) đi Osaka và Nara. Tôi đến Nara để thăm chùa Đông Đại thuộc Tông Hoa Nghiêm và gặp vị Quản Trưởng của Tông này để trình bày một vài chuyện có liên quan về chùa Viên Giác trong tương lai tại xứ Đức. Sau đó tôi đi thăm chùa Dược Sư và chùa của Ngài Hòa Thượng Giám Chân, người Trung Quốc, đã có công rất nhiều trong việc mang Phật giáo Luật Tông truyền vào nước Nhật. Cuộc đời của Hòa Thượng đã được hãng phim Nhật Bản dựng thành phim và đã được dân chúng Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh trong 10 năm về trước.

Rời Nara để đi Fukuyama thăm một trại tỵ nạn khác. Nơi này năm 1980 tôi cũng đã có một lần thăm. Lúc bấy giờ có sư cô Thích Nữ Diệu Từ ở đó và hiện tại sư cô đang ở Sacramento, Hoa Kỳ. Không biết chính phủ Nhật họ nghĩ sao mà đem đồng bào mình vào ở những nơi đèo heo hút gió, rừng núi âm u. Cảnh vật thật đẹp, nhưng quá cách trở với thị thành và sự giao thông cũng không dễ dàng mấy.

Sau khi xuống xe bus, tôi lội bộ lên đồi núi chừng sau 20 phút mới tới nơi. Nơi ấy cũng còn gọi là “quê hương của Đức Phật Di Lặc”. Đến nơi, cảnh cũ vẫn còn đây, nhưng lòng tôi lại chùng xuống khi thấy một vài em bé Việt Nam chào tôi bằng tiếng Nhật. Tôi mỉm cười và cúi đầu đáp lễ. Đến văn phòng hỏi thăm, gặp một vài nhân viên trách nhiệm. Có người đã ở Việt Nam hàng 30 năm, nói tiếng Việt rất rành, và theo ý ông ta, muốn ở lại Việt Nam nhưng Cộng sản đã đuổi tất cả người ngoại quốc về quê hương của họ. Có lẽ trừ người Nga thì phải?

Tôi cũng đã gặp anh đại diện của trại cho biết ở đây chỉ còn có 29 người kể cả lớn bé trẻ già. Mọi người đều phải đi làm bên ngoài và hằng tháng phải đóng 27.000 Yen tiền cơm cho trại. Nếu ai bịnh hoặc không có khả năng đi làm thì Hồng Thập Tự sẽ trả phần ấy. Có người đã ở đấy hơn 5 năm, nhưng chưa có nước nào nhận đi định cư. Đa số bà con mình đến Nhật đều muốn đi nước khác, thông thường là Mỹ, Canada và Úc, rất ít người ở lại Nhật, có một ít bà con mình ra định cư tại Nhật, nhưng cũng gặp một số khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán v.v... Nói như thế không có nghĩa là đồng bào đi những nước khác không gặp nhiều khó khăn, vì tình trạng chung của người tỵ nạn chúng ta là như vậy. Tôi đến thăm một anh quân nhân bịnh nặng không có khả năng đi làm, luôn tiện tặng anh một chút gọi là món quà của người đồng hương ở Tây Đức gởi đến anh, và cũng nhân dịp trại chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên Đán Ất Sửu sắp tới, nên tôi đã gởi đến vị đại diện của trại một số tịnh tài nhỏ để đồng bào chung vui trong hoàn cảnh thiếu thốn như thế này. Có nhiều vị không đủ tiền tem để gởi thư, mặc dầu đang sống trong một xã hội tư bản giàu có nhất nhì thế giới. Ai biết được cuộc đời này nếu ta không đi sâu vào trong quần chúng?

Tôi rời Fukuyama để đi đảo Tứ Quốc, đến thành phố Matsuyama thăm một vài người bạn đồng liêu thuở trước, nay đã lập gia đình có con cái và đã trụ trì một ngôi chùa khá nổi tiếng ở vùng này.

Muốn đi Tứ Quốc phải qua nhiều đèo, nhiều biển và nhiều sự cản ngăn. Nhưng lòng đã quyết nên tôi đã băng rừng vượt suối đi đến đấy thăm bạn. Mới đến chùa chưa được 3 tiếng đồng hồ đã có điện thoại từ chùa Honryùji ở Hachioji gọi xuống bảo rằng có nhà báo Mainichi Shinbum muốn phỏng vấn về chuyến đi thăm đồng bào trong các trại tỵ nạn của tôi. Tôi rất ngỡ ngàng khi nghe tin ấy, không biết lý do gì mà nhà báo biết tin nhanh thế. Sau này mới biết rằng lúc tôi ở Nara đã có người cho tin về Tokyo nên họ mới biết được cuộc hành trình này của tôi.

Về lại Tokyo ngày 13, ở lại nhà một người bạn học cùng Đại Học thuộc phân khoa giáo dục thuở trước, kể chuyện “mười lăm năm ấy bây giờ còn đâu” cho nhau nghe và nói chuyện về những người đã và đương trên con đường công danh sự nghiệp. Sáng hôm sau trở lại chùa Bổn Lập để gặp nhà báo Mainichi Shinbum và từ giã ngôi chùa cũ mà trước đây 8 năm tôi ở đó hơn 5 năm trường. Báo sẽ ra sau đó vài ngày và có lẽ tới nay, sau 2 tháng mọi người đã đọc rồi.

Tối 14 tháng 2 năm 1985, quý thầy trong Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Nhật đã gặp nhau để thăm hỏi và nhắc lại những chuyện xưa khi Chi Bộ mới thành hình từ năm 1970 và bàn những chuyện mới cho Phật sự trong tương lai thật vui vẻ.

Hôm sau tôi rời thành phố Đông Kinh ồn ào náo nhiệt để trở lại chùa xưa lo một vài công việc Phật sự cho Tết Nguyên Đán sắp tới. Trên đường về lại Đức nhìn thấy hoa thung (tsubaki) nhớ quê cha đất tổ rất nhiều và vội ghi lại những dòng này gởi đến bạn đọc khắp nơi. Mặc dầu thời gian có thay đổi đôi chút, qua 2 tháng sau bạn đọc mới đọc những dòng chữ này. Nhưng sợ để lâu quên nên ghi lại trên chuyến tàu “không biên giới” này một vài việc cần thiết để gởi đến bạn đọc.

Những người đang sống trong tự do ít quý sự tự do. Khi mất tự do rồi thì trở nên hối tiếc. Cũng như Song Đường lúc còn tại thế chẳng lo chăm sóc báo ân, đến khi cha mẹ chết đi rồi có muốn báo ân cù lao dưỡng dục cũng không thể nào thực hiện được. Vì bài học năm 1975 của chúng ta là một bài học đáng giá ngàn vàng mà mọi người cần phải suy ngẫm và tự thể nghiệm lấy cho mình thì mới mong nguyện ước sớm đạt thành.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.2.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...