Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 16. Những ngôi chùa xuôi Nam »»

Đường Không Biên Giới
»» 16. Những ngôi chùa xuôi Nam

Donate

(Lượt xem: 3.224)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 16. Những ngôi chùa xuôi Nam

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Tại sao thầy đi Mỹ và Canada nhiều lần, mà các xứ Đông Nam Á Châu, nơi có nhiều người tỵ nạn khổ đau, chưa thấy thầy hoặc quý thầy khác đặt chân đến để an ủi đồng bào mình?” Tôi trả lời: “Có lẽ chưa thuận duyên, nhưng nay mai rồi thế nào cũng phải đến.”

Làm việc đạo chẳng phải là đi du lịch như những người có tiền của và dư thì giờ, mà đi đến nơi đâu là vì nơi đó cần nên người tăng sĩ mới đến, và vì đạo pháp. Lâu nay quý thầy đặc biệt chú trọng các nước Âu, Mỹ, Úc vì những nơi đó vấn đề tinh thần của người Phật tử còn nhiều khủng hoảng khi mới đặt chân đến định cư. Do đó, quý thầy có bổn phận phải giúp đỡ họ lúc ban đầu. Vả lại, Phật giáo Việt Nam mới có mặt ở Âu Mỹ hơn 10 năm nay, vấn đề tổ chức chưa được vững vàng lắm, nên tất cả quý thầy đều chú tâm hoạt động ở những nơi cần trước. Sau khi Phật giáo đã có nền móng vững chắc rồi, sẽ hướng tâm về những nơi khổ đau khác. Nói như thế không có nghĩa là lâu nay các chùa các thầy ở ngoại quốc quên những người còn ở lại quê nhà. Nơi đó có Thầy Tổ bè bạn, và làm sao quên được những người tỵ nạn khốn cùng tại các trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Phi Luật Tân v.v... Tuy ít hoặc nhiều, hoặc tặng phẩm, hoặc tịnh tài, quý chùa cũng có gởi thường xuyên về nước và các trại tỵ nạn để an ủi phần nào sự khổ cực của những người còn ở lại hoặc chưa đến được nước khác định cư.

Tục ngữ Pháp có câu “Cái gì đến sẽ đến” cũng đúng lắm. Vì có nhiều cái mình muốn đến nhanh hơn nhưng nó sẽ không bao giờ đến cả và cái mình muốn gần gũi nhất, nó lại hay buông bỏ để đi tìm một đối tượng khác. Của cải mình cho là của mình, rất quý trọng, nhưng sẽ không bao giờ giữ nó luôn bên mình được.

Cuộc đời vô thường như thế, cho nên những kẻ thương nhau thường ít khi được gần nhau. Ngược lại, những kẻ ghét nhau thường phải gặp nhau hoài. Bởi thế nên chúng ta là người Phật tử hiểu được lý đạo, không nên chối bỏ sự thật, dẫu cho có tô son trét phấn lên, trước sau nó cũng là sự thật. Chúng ta phải biết chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời mình, dầu thuận duyên hay nghịch cảnh, chúng ta không nên chối bỏ. Vì chối bỏ dầu là hạnh phúc hay đau khổ, những thứ này nó sẽ theo bám víu ta hoài. Chỉ có một cách duy nhất là biết chấp nhận khổ đau và kiên nhẫn chịu đựng trong mọi hoàn cảnh để vượt lên trên mọi thử thách của cuộc đời.

Nếu hoa sen không mọc trong bùn, có lẽ hoa sen sẽ không bao giờ có giá trị. Sở dĩ hoa sen được nhiều người quý trọng là vì nó được trưởng dưỡng và thoát lên khỏi chốn bùn nhơ nước đục. Ở đây chúng ta cũng thế. Nếu muốn được như hoa sen kia, phải chấp nhận khổ đau trong vòng tục lụy và từ đó theo pháp Phật vươn lên để được giải thoát. Đó chính là ý nghĩa của Đạo Phật vậy. Đức Phật thành đạo cũng chỉ vì thế gian này và trong thế gian này, vì ở ngoài sự khổ đau mà thành bậc Vô Thượng Y Vương thì chưa có một vị Phật hoặc Bồ Tát nào hành cái hạnh nguyện ấy cả.

Phật giáo quan niệm rằng: Cuộc đời còn đau khổ, nên Phật giáo còn hiện hữu dưới bất cứ hình thức nào để cứu khổ nhân sinh đang lặn hụp trong biển trầm luân tục lụy và phục vụ chúng sanh tức cúng dường Chư Phật, nên chỗ nào còn có chúng sanh đau khổ là nơi đó có Phật giáo hiện diện.

Nhân duyên đã đến, nên vào khoảng tháng giêng năm 1985, chúng tôi dự định đi thăm các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á Châu. Đến những nơi đó chúng tôi sẽ tường thuật lại sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại ngày nay, nhất là những nước mà chúng tôi đã có cơ duyên đặt chân đến, và chúng tôi sẽ mang theo một số tặng phẩm bằng hiện kim để biếu các Ban Đại Diện Phật Giáo tại các trại để phân phát cho đồng bào.

Câu chuyện về các nước Đông Nam Á Châu, có lẽ chúng tôi sẽ tường thuật với quý vị kỹ hơn trong các phần kế tiếp. Trong phần này chúng tôi muốn đưa quý vị trở về quê hương thân yêu của chúng ta để thăm các ngôi chùa xưa, Thầy Tổ cũ, để cùng nhau suy niệm, ngậm ngùi cho quê hương, tình người và Đạo Pháp.

Nhiều lúc nghĩ cảm thấy nao nao, khi đất nước của người khác mình có cơ hội lại qua, lên xuống không biết bao nhiêu lần. Trong khi đó quê cha đất tổ của mình mà đường đi lại giới hạn không thể vượt qua biên giới. Ngày còn đi học, như bao tăng sinh khác, tôi có ước nguyện là khi quê hương được thanh bình mình phải đi khắp đó đây để xem các chùa tháp, thắng cảnh, đền đài cung điện của Bắc, Trung, Nam, phải đến núi Yên Tử để xem nơi vua Trần Nhân Tôn đã tu hành và phải tìm ra nơi nào quân sư Trần Thủ Độ đã nói với vua là: “Bệ hạ ở đâu, triều đình ở đó.” Hoặc tìm ra cho được nơi Khuông Việt Thái Sư đã phò vua giúp nước hoặc Vạn Hạnh Thiền Sư đã để lại di tích gì ngoài những bài thơ bất hủ khi còn làm quân sư cho vua Lý Thái Tổ cách đây 10 thế kỷ về trước v.v...

Nghĩ thì dễ, nhưng đi chưa bao giờ đến. Đức Phật ngày xưa đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, lớn lên ở cung thành Ca Tỳ La Vệ, xuất gia hành đạo nơi Hy Mã Lạp Sơn, thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển và nhập Niết Bàn dưới hai cây Sa La Song Thọ, cách hơn 25 thế kỷ qua, hình ảnh và những di tích lịch sử của Ngài vẫn còn và được Liên Hiệp Quốc bảo trì như một quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ, Népal và thế giới. Hoặc cách đây 15 thế kỷ, hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma khi từ Thiên Trúc qua Đông Độ vẫn còn. Nhưng Vạn Hạnh Thiền Sư và Khuông Việt Thái Sư mới chỉ có 10 thế kỷ mà hình ảnh không còn, dầu cho một chút gì để lưu lại với cổ kim. Rồi những ngôi chùa, các ngôi tháp cũ đã hiển hiện khắp trời Nam, vang danh một thuở lúc Ngô Quyền lập quốc, nhưng nay còn đâu! Khiến cho những người đi tìm cái xưa để học, mà xưa không còn nữa thì chuyện đời nay căn cứ vào đâu để tiến thân phát triển. Dân tộc Nhật họ duy tân nhưng họ không mất gốc, vì gốc họ còn đó, nên những nghệ thuật văn hóa của các xứ Âu Mỹ du nhập vào cốt chỉ làm cành lá sum suê thêm thôi. Trong khi đó vì gốc của chúng ta gần như đã mất, nếu có còn cũng chỉ vá víu mà thôi, thì trách sao chính chúng ta hay con cháu chúng ta không dễ bị đồng hóa bởi những nền văn minh cơ khí của Âu Mỹ này?

Đi từ miền Trung vào Nam, qua những chặng núi đồi trùng điệp, đến Nha Trang khách thập phương có thể dừng chân nơi chùa Tỉnh Hội, nhờ các tịnh nhân đưa lên Phật Học Viện Hải Đức để viếng thăm chốn thiền môn u tịch này.

Phật Học Viện này nằm trên một ngọn đồi khá cao trông ra biển. Nơi đây các tăng sinh ngày đêm dùi mài kinh sử, không phải để nấu sử xôi kinh mà để luyện cho tâm mình có một tấm gương trí tuệ và một đức tính kiên nhẫn trong sự học hành. Người tu vì công danh và sự nghiệp đã bỏ, nhưng nếu “tu mà không học là tu mù” và những kẻ “học mà không tu là đãy sách”, nên học là một phương tiện để làm sáng tỏ cho sự tu hành vậy.

Các kinh điển bằng chữ nho hay chữ quốc ngữ sẽ là những môn học căn bản của những tăng sinh ở chốn học đường. Ngoài giờ học đạo ra, các Tăng sinh còn có thể học thêm văn hóa, sinh ngữ ở trường bên ngoài để có thêm một số kiến thức phổ thông. Điều đó chẳng có ai cản ngăn cả, miễn sao có thì giờ để chu toàn mọi việc là được.

Bước lên vài bậc tam cấp, khách thập phương sẽ chiêm bái được tôn tượng Đức Bổn Sư lộ thiên cao vòi vọi. Đây có lẽ là một trong những bức tượng lớn nhất tại Việt Nam. Tượng ngồi trên một tòa sen, trông rất oai nghi từ mẫn. Nếu tôi đoán không lầm, tôn tượng này cao đến 7 hoặc 8 thước. Nghe đâu sau này những người vô tôn giáo muốn phá hoại nhưng không thực hiện được ý định này. Tượng làm bằng bê tông cốt sắt chắc chắn thì ít mà vì lòng kiên trì giữ đạo của chư tăng và Phật tử thì nhiều nên người Cộng sản không giật đổ được pho tượng.

Rời Nha Trang, khách thập phương có thể đi Sài Gòn bằng nhiều phương tiện khác nhau: máy bay, tàu thủy hoặc xe đò. Đến Sài Gòn, nơi phồn hoa đô hội, đủ màu đủ sắc, dưới mắt một người tu tôi không thấy là Cực Lạc của sự tu hành mà là một chốn khổ đau và gượng ép. Gượng ép vì thiền môn xưa nay vẫn ở trên núi cao, non thẳm, còn bây giờ chùa chiền, tháp tượng nơi đây đã biến thể muôn màu muôn vẻ khó định phân.

Về lịch sử của Sài Gòn Chợ Lớn, ai có đọc sách “Sài Gòn năm xưa” của ông Vương Hồng Sển thì biết rõ về danh từ cũng như những địa danh, địa vật của thành phố quê hương yêu dấu này. Riêng về chùa chiền chỉ có 2 chùa có lịch sử tiêu biểu lâu đời nhất, hơn 200 năm, qua bao cuộc phế hưng của lịch sử. Đó là chùa Giác Lâm và chùa Giác Viên ở hương lộ 14 Phú Thọ Hòa. Các chùa này có lối kiến trúc rất xưa, mái thường hạ thấp xuống, bao bọc bởi một chánh điện rộng lớn, làm cho người Phật tử đã thành kính lại tăng thêm sự thành kính hơn nữa khi lễ bái nguyện cầu. Các tượng Phật được thờ trên những bàn thờ có hình cửu phẩm liên hoa và được giữ nguyên vẹn lối chạm trổ của những thế kỷ trước. Chung quanh vườn chùa có những ngôi mộ tháp từ 1 đến 7 tầng, là nơi an dưỡng những pháp thân của chư tôn túc quá vãng. Trong khung cảnh ồn ào náo nhiệt của thành đô mà có được các ngôi chùa như Giác Viên, Giác Lâm quả là chốn thoát tục trên bao sự rộn ràng khác của thế nhân.

Chùa Cây Mai ở Chợ Lớn cũng có một lịch sử lâu đời và chùa Hưng Long ở đường Minh Mạng cũng đã kiến tạo hơn 150 năm nay, khung cảnh các chùa này thật trang nghiêm, hùng vĩ. Chánh điện chùa Hưng Long thờ Tam Thế, bên phải thờ Đức Chuẩn Đề, bên trái thờ Địa Tạng. Chùa này cũng có thờ Quan Công và Lưu Bình, Dương Lễ.

Chùa Ấn Quang, trụ sở của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở số 243 đường Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn trước đây có tên là Ứng Quang, do cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu nguyên trụ trì chùa Linh Ứng tại Ngũ Hành Sơn, Non Nước, hiến dâng cho Giáo Hội. Có lẽ Hòa Thượng lấy chữ Ứng của Linh Ứng đặt cho chùa Ứng Quang chăng? Bây giờ Hòa Thượng đã viên tịch rồi, có lẽ chỉ có Ngài mới biết được điều đó. Ngài có rất nhiều đệ tử xuất gia và tại gia, trong đó Thượng Tọa Thích Bảo Lạc là một trong những người đệ tử hàng đầu.

Tôn tượng Đức Bổn Sư thờ tại chùa Ấn Quang đúng là một tôn tượng thể hiện đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của một bậc “thiên nhân chi Đạo Sư, tứ sinh chi từ phụ”. Tầng trên dùng để thờ Phật và lễ bái, tầng dưới dùng làm văn phòng của Viện Hóa Đạo và Viện Tăng Thống.

Đứng đầu Viện Tăng Thống là Đức Tăng Thống, do Viện Tăng Thống, gồm các bậc Trưởng lão Hòa Thượng suy tôn lên. Ngôi vị này không bao giờ thay đổi, trừ phi Đức Tăng Thống viên tịch. Dưới Viện Tăng Thống là Viện Hóa Đạo. Đứng đầu Viện Hóa Đạo là một vị Viện Trưởng. Ngôi vị này do đại diện các Tỉnh Hội Phật giáo và miền bầu lên và thay đổi theo nhiệm kỳ đã ấn định. Viện Hóa Đạo được xem như lưỡng viện quốc hội của chính quyền. Vị Viện Trưởng như một vị Thủ Tướng điều hành công việc đối nội và đối ngoại cho Giáo Hội. Dưới Viện Hóa Đạo có các miền Khuông Việt, Liễu Quán, Quảng Đức, Vĩnh Nghiêm v.v... và dưới mỗi miền là có các tỉnh, quận Giáo hội và các đơn vị nhỏ nhất là xã và khuôn hội.

Hai bên chánh điện là hai dãy nhà ngang để chư tôn túc làm việc và lưu ngụ. Phía sau là nơi thờ Tổ. Bên dưới phía trái là văn phòng đặc ủy Tăng Sự và giảng đường. Bên dưới phía phải là văn phòng phát hành kinh sách và các pháp bảo của chùa. Phía sau nhà Tổ có nhà in Sen Vàng. Nơi đây in và phát hành hầu hết các sách Phật Học do Viện Hóa Đạo xuất bản. Diện tích của chùa Ấn Quang quá chật hẹp so với một cơ sở của Giáo Hội như thế, nhưng theo Giáo Hội, đó mới chỉ là cơ sở tạm. Đúng ra cơ sở chính của Giáo Hội là chùa Việt Nam Quốc Tự ở đường Trần Quốc Toản. Sau năm 1963, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất định biến khu đất này thành ngôi chùa cho cả nước, nên mới đặt là Quốc Tự, nhưng sau đó vì vấn đề nội bộ của Giáo Hội nên một bên dời về Ấn Quang và một bên dời về chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Công Lý. Trên nguyên tắc, Việt Nam Quốc Tự vẫn còn sinh hoạt, nhưng khung cảnh quá thê lương, khiến ai nhìn vào đó cũng mủi lòng. Sau này Hòa Thượng Thích Tâm Giác có cho xây tiếp tục ngôi tháp ấy, nhưng cũng chưa hoàn thành thì Hòa Thượng đã viên tịch và ngôi tháp ấy vẫn còn dang dở cho đến ngày nay.

***

Có nhiều vị Phật tử ăn chay trường hoặc ăn chay kỳ, thường ngại mỗi khi đi xa không biết có đồ ăn chay tịnh trên máy bay hay không, nên bất cứ đi đâu cũng cố tránh những ngày 14, rằm, 30, mồng một hoặc các ngày vía. Có vị kỹ lưỡng hơn, mang theo đồ chay lên máy bay để dùng. Kể ra cũng được, nhưng hơi bất tiện. Vì có những đoạn đường xa như Đức sang Úc, mất hai đêm một ngày, không thể mang đồ ăn theo được. Hoặc có nhiều người giữ giới, nên nhịn đói suốt một đoạn đường dài, chỉ xin nước uống mà thôi. Ở đây chúng tôi xin mách quý vị một cách như sau:

Trước khi khởi hành một ngày, quý vị gọi điện thoại đến hãng máy bay hoặc hãng du lịch mà quý vị đã mua vé, cho biết rằng mình ăn chay trên suốt đoạn đường bay. Họ sẽ hỏi quý vị ăn chay theo cách nào? Thông thường có ba cách. Một là theo kiểu Tàu, hai là theo kiểu Ấn Độ và ba là theo kiểu Âu Châu. Kiểu Tàu thực ra cũng giống cách ăn chay thông thường của người Việt. Kiểu Ấn Độ gồm có cơm, nho, xà lách, cà-ry. Kiểu Âu Châu toàn rau cải và trái cây. Nếu quý vị đã chọn một trong ba cách dùng chay trên, đến lúc ra cân hành lý, người ghi vé sẽ biết ngay là quý vị ăn chay, họ sẽ ghi vào máy. Khi lên máy bay sẽ có nhân viên trên máy bay mang thức ăn chay đến cho quý vị dùng. Quý vị sẽ không trả thêm bất cứ món tiền nào cả, trong tiền vé máy bay đã gồm cả tiền thức ăn uống. Ngoại trừ trường hợp quý vị gọi những loại nước đặc biệt. Có nhiều thầy, cô bên đảo mới sang Úc, đi trên máy bay không rành ngoại ngữ nên các chiêu đãi viên hỏi cái gì cũng chỉ lắc đầu và không có cái gì gật đầu cả. Họ sợ rằng nếu uống thì phải trả tiền, mà tiền đâu có khi lên đến được máy bay để đi. Hoặc sợ rằng trên máy bay không có đồ chay. Thế là đành chịu đói cho đến nước mình định cư. Đến nơi, có người bảo rằng ở đây lạnh lắm ăn chay sẽ chết. Thế là đâm ra hoang mang hốt hoảng. Thật ra, ăn chay không bị chết, dầu cho ở xứ nóng hay xứ lạnh, và ngày nay người Âu Mỹ ăn chay rất nhiều. Quý vị nếu ở Đức và Thụy Sĩ có thể tìm đến những cửa tiệm để tấm bảng “Reform Haus”, nơi đó bán toàn đồ chay và tất cả các loại đồ ăn đều làm bằng đậu nành. Thông thường mỗi thành phố lớn ở Đức có chừng 20 đến 30 cửa tiệm như vậy.

Chúng tôi không quảng cáo cho các hãng du lịch hoặc các tiệm cơm chay, nhưng nhận thấy những gì giúp ích cho người Phật tử, chúng tôi xin mách giùm quý vị mà thôi. Có một hôm, chúng tôi đi thăm một vài thắng cảnh tại Đức với một người bạn Nhật. Trên tay người bạn Nhật này có cầm một quyển sách chỉ dẫn bằng tiếng Nhật, chỉ vẽ tường tận từng địa phương một của nước Đức, thành phố nào có những gì đặc biệt, thành phố nào có những gì đáng xem, cái gì nên xem và cái gì nếu có thì giờ xem cũng được, không xem cũng không sao. Đoạn đường đi từ Hemstedt đến Berlin phải trả tiền vé như thế nào, và đến địa phương Bá Linh nên ở khách sạn nào, ăn món nào cho hợp khẩu vị, và nên xem những di tích lịch sử nào v.v... Chúng tôi xem quyển sách mà cảm thấy ngỡ ngàng, vì người mình lâu nay đi du lịch hay đi đâu chỉ cốt đi cho có. Nếu tại địa phương kia có người hướng dẫn thì tốt, không cũng không sao. Lúc về lại ai có hỏi đến mình thì khoe khoang chuyện có nói không, chuyện không nói có, chẳng ai tin tưởng vào ai được. Ngay cả một bản đồ của địa phương mình đi cũng không có nữa, nói chi đến một quyển sách hướng dẫn tận tường như vậy. Có nhiều người khuyên chúng tôi nên cố gắng thực hiện những điều lợi ích đó cho đồng bào mình, nhưng đó không phải là khả năng chuyên môn của chúng tôi, nên dành thì giờ để phục vụ đồng bào ở phương diện khác. Chúng tôi chỉ giúp đỡ trong điều kiện có thể của mình. Nhiều lúc vì không có ai chỉ dẫn, nên có nhiều vị mua vé máy bay đắt gấp 2 lần giá trung bình, hoặc xin visa bị từ chối thì khó bề xin lại lần thứ hai. Ngày nay bà con mình ở khắp năm châu bốn biển, chắc có lần trong đời cũng phải viếng thăm nhau. Nếu ai đó trong chúng ta thực hiện được những điều chỉ dẫn tận tường như trên quả là một điều lợi lạc.

Tôi sinh ra từ chốn bùn dơ nước đọng, nơi quê hương xứ Quảng nghèo nàn, nơi mà “đất cày lên sỏi đá”. Nếu không có nhân duyên biết được Phật pháp, chắc rằng đâu có ngày nay. Đi đến nơi này để rồi còn đi thêm nơi khác nữa. Ngày mới xuất gia từ chỗ quê mùa rách nát, chúng tôi đến phố Hội thấy mình như từ nhà quê lên tỉnh thành. Thầy Bổn Sư bảo: “Gần đến ngày khai trường rồi, con hãy mua sách vở để đi học.” Tôi trả lời: “Bạch Thầy, đi tu rồi mà còn học nữa sao?” Bây giờ nghĩ lại cũng vui vui trong dạ, cái quan niệm đi tu của mình ngày xưa nó hồn nhiên và trong trắng như thế. Thầy tôi mỉm cười và bảo rằng: “Con hãy nghe lời ta bảo.” Rồi bất đắc dĩ tôi phải đi học, và sự học của tôi kéo dài suốt hơn 20 năm ở trường đời cũng như trường Đạo, thấy cũng chẳng thấm vào đâu mà lúc nào cũng thấy cần phải học hỏi thêm.

Lần đầu tiên chuẩn bị đi máy bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, tôi hỏi Thầy tôi: “Bạch Thầy! Chắc trên máy bay không có toilet?” Thầy tôi cười và bảo rằng: “Con nên lại phía sau để đi.” Vì tôi nghĩ rằng nếu đi toilet trên máy bay, nó sẽ bay tứ tung trong trời đất coi sao được. Cái quê mùa và cái ngỡ ngàng của tôi là như thế.

Vì sinh ra từ chốn nhà quê, quê mùa ngay từ bản chất nên mỗi lần có tiệc chay hay đãi đằng chi của Phật tử mời, tôi phải hỏi món nào dùng với món nào. Nếu không hỏi, dùng lộn món này qua món kia họ cười mình là người không sành ăn uống. Nên hỏi trước có lợi hơn là làm dáng. Tôi chẳng ngại ngùng để viết lên những lời này vì cho rằng: “Sự thật bao giờ cũng là sự thật, dầu cho ai đó có tô điểm nhiều lớp son, phấn bề ngoài, giả dối vẫn hoàn giả dối.”

Đến Sài Gòn, tôi thấy mình chới với trước cảnh phồn hoa đô hội, nơi “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Cảm thấy bơ vơ một thân một mình với chiếc đầu tròn, mảnh áo vuông và hành trang chỉ là một tấm lòng cho Đời và Đạo. Tôi gói trọn hành trang ấy mãi đến bây giờ cho đời mình, mỗi khi chuyện vui hay buồn đến bên mình và không để cho nó bị cuốn theo chiều gió.

Đi quanh quẩn Sài Gòn để tìm nơi học hành và tìm chỗ tạm dừng chân cho cuộc đời tu niệm, cảm thấy bị bẽ bàng trước cuộc sống đua chen của một người từ tỉnh mới đến thành. Tâm trạng của tôi giống với một anh chàng được kể lại trong sách Pháp văn khi còn học lớp đệ lục như sau: “Sau khi anh ta đi du lịch về nước, bà con lối xóm đến hỏi thăm anh tới tấp. Nào tháp Effel ở Paris đẹp lắm, nào Khải Hoàn Môn ngựa xe nhộn nhịp và sông Seine có lá vàng trôi bập bềnh thơ mộng phải không? Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, anh trả lời rằng: ‘Tôi đâu có thấy gì, tôi chỉ thấy đồng hồ xe taxi đang nhảy số.” Mọi người cười xòa và câu chuyện du lịch của anh ta được chấm dứt nơi đó.

Cách đây gần 30 năm, hồi đó tôi học lớp ba, có học được một bài học thuộc lòng, xin ghi ra đây để quý độc giả đọc cho vui. Nếu vị nào còn nhớ, ấy cũng là điều đáng quý. Bài học thuộc lòng nhan đề là: “Đi ngày đàng, học sàng khôn.”

“Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Kìa thế giới năm châu quanh quất,
Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu.
Sông to núi lớn cũng nhiều,
Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang.
Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng,
Trời bốn phương nam, bắc, đông, tây.
Mênh mông nước nước mây mây,
Chẳng đi sao biết non này thổ kia.”

Ngày xưa còn bé, học chỉ để mà học. Ngày nay đi khắp năm châu, thấy đủ bốn sắc dân rồi và trong khi học Phật vẫn cảm thấy, biết rằng ngoài thế giới này còn nhiều thế giới khác nữa, và ngoài loài người ra còn có các vị tiên, thánh, Phật, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v... nên đường đi và sự tu học chắc chắn không dừng lại trong năm châu bốn biển nữa mà còn tỏa rộng ra trong khắp đại thiên thế giới, khắp cõi hư không, như Đức Bổn Sư của chúng ta thường dạy.

Trên đường Bà Huyện Thanh Quan có một ngôi chùa tên là chùa Xá Lợi, có tháp chuông bảy tầng cao vút tận không trung, có chánh điện thờ Phật, sơn son thếp vàng nguy nga lộng lẫy. Chùa Xá Lợi có thư viện, phòng đọc sách, có một phòng riêng để làm tang sự cho các hương linh quá vãng. Các nam thanh nữ tú vẫn dập dìu nơi chùa trong những ngày có trường học. Lần đầu tiên mới đến thăm chùa Xá Lợi, tôi cứ ngỡ rằng chốn thành đô sao cũng có lắm thanh niên thiếu nữ ưa chuộng cửa Thiền. Nhưng hóa ra không phải họ mến mùi Thiền mà vì chùa Xá Lợi có nhiều bóng mát, lại có thư viện và gần trường nữ Trung Học Gia Long.

Chùa Xá Lợi cũng là trung tâm tranh đấu năm 1963 của Phật giáo chống lại sự bất bình đẳng giữa các tôn giáo dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh Đặc trách Văn Hóa, là một trong những người có công nhất trong việc xây dựng ngôi chùa này cùng với một số quý vị Phật tử hữu công khác.

Có những nơi đào tạo tăng tài ngay trung tâm Sài Gòn như: Phật Học Viện Giác Sanh (gần trường đua Phú Thọ), Phật Hoc Viện Huệ Nghiêm (An Dưỡng Địa Phú Lâm), Tu Viện Quảng Hương Già Lam (Gia Định). Đây là những nơi đào tạo nhân sự nòng cốt của Giáo Hội, từ cấp Sơ Đẳng đến Trung Đẳng và Cao Đẳng Phật Học.

Chùa Dược Sư, chùa Từ Nghiêm, chùa Huê Lâm là những Ni Viện to lớn nhất nhì tại Sài Gòn-Chợ Lớn để đào tạo Ni chúng trên bước đường tu học Phật pháp.

Viện Đại Học Vạn Hạnh là hiện thân của phân khoa Phật Học được thành lập từ năm 1964 tại chùa Xá Lợi và Pháp Hội. Trước năm 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh là một Đại Học Phật giáo có tầm vóc quốc tế gồm nhiều phân khoa dưới sự giám đốc và điều hành của Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu. Sau năm 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh không còn hoạt động được nữa mà biến thể thành Viện Phật Học Vạn Hạnh và dời về đường Võ Di Nguy ở Phú Nhuận.

Trên đường Lục Tỉnh đi Phú Lâm, quý vị để ý nhìn về phía tay mặt sẽ thấy một ngôi tháp bảy tầng, gọi là tháp Hòa Đồng Tôn Giáo. Khu vực ấy có một số chùa tháp của Giáo Hội Khất Sĩ, Giáo Hội Cổ Sơn Môn, Lục Hòa Tăng, Cao Đài, Hòa Hảo và các thiền đường. Đúng là hòa đồng tôn giáo. Chỉ có nước Việt Nam chúng ta là nơi có cả hai hệ phái lớn của Phật giáo Đại Thừa và Nguyên Thủy. Các nước khác trên thế giới chưa có nơi nào như vậy. Đạo Phật của các nước khác tại Á Châu tuy có biến thể, nhưng cũng chưa nơi nào có nhiều tông phái khác lạ như ở Việt Nam. Điều đó hay, dở xin để cho lịch sử phán xét, còn tin theo hay không lại tùy thuộc vào trình độ của dân chúng và tùy theo từng thời đại.

Ở Sài Gòn-Chợ Lớn có rất nhiều chùa tháp, chúng tôi chưa có cơ duyên đi thăm hết, nhưng trên đây là một số chùa tiêu biểu mà đa số đồng bào Phật tử đều biết đến. Ngoài các chùa của Phật giáo Bắc Tông ra, còn có các chùa của Nam Tông như chùa Kỳ Viên ở đường Phan Đình Phùng và các Tịnh xá của Phật giáo Khất Sĩ như Tịnh Xá Minh Đăng Quang ở Gò Vấp, Gia Định. Hoặc các chùa xưa thuộc Cổ Sơn Môn, của Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử.

Nhưng nhắc đến Sài Gòn mà quên nhắc tới chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Công Lý quả là một điều thiếu sót. Chùa Vĩnh Nghiêm do Thượng Tọa Thích Tâm Giác chủ trì việc xây cất và phát triển mọi sinh hoạt lúc Thượng Tọa còn tại thế. Chùa xây cất phỏng theo các chùa của miền Nam và phỏng theo phong cách Nhật một phần. Có thể nói đây là một lối kiến trúc tổng hợp của Bắc, Nam xứ Việt và Nhật Bản.

Xa Sài Gòn, trên đường đi Vũng Tàu quý vị gặp Tu Viện Quảng Đức, chùa Hoa Nghiêm ở Thủ Đức và xa hơn nữa sẽ gặp Đại Tòng Lâm của Phật giáo Việt Nam. Đây là cơ sở tu tập và đào tạo Tăng Ni tài đức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa đề xướng. Nghe đâu sau này tại Thủ Đức đương khởi công xây cất một Trung tâm phiên dịch kinh điển của Giáo Hội do Thượng Tọa Thích Trí Tịnh đứng đầu, nhưng đã lọt vào tay Cộng sản, nên đành để dở dang như vậy cho đến ngày nay.

Tại Vũng Tàu có Thích Ca Phật Đài rất nổi tiếng. Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông đã khánh thành thắng tích này vào năm 1963, do Đại Đức Narada người Tích Lan đến chủ lễ cùng vói sự tham dự của chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam, Trung Hoa và Cao Miên. Nơi đây có dựng 4 cảnh động tâm khi Đức Phật còn tại thế. Ngoài ra, tại Vũng Tàu còn có nhiều chùa, nhiều cốc, nhiều am cũng khá nổi tiếng, nhưng vì chúng tôi chưa có cơ duyên đi thăm hết mọi cảnh, mọi chùa, nên chỉ ghi lại một vài điều sơ lược như trên. Ngay cả Tu Viện Chơn Không và Thường Chiếu của Thượng Tọa Thích Thanh Từ là một vị Thiền Sư nổi tiếng của Việt Nam trong hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có cơ duyên đặt chân đến. Quả là một điều đáng tiếc. Chúng tôi chỉ biết Thượng Tọa và hai nơi trên qua sách vở và những người đệ tử của Thượng Tọa kể lại.

Miền Nam rộng rãi bao la, nhưng chúng tôi mới chỉ đi qua khỏi Vĩnh Long rồi đến Cần Thơ, còn những chốn xa xôi khác chưa có dịp đặt chân đến. Năm 1974 từ Nhật trở về thăm quê với những người bạn Nhật, chúng tôi đã ghé sang Cồn Phụng để thăm ông Đạo Dừa. Lúc đó Cậu Hai đang nhập thất, nhưng nghe chúng tôi từ Nhật đến thăm, Cậu Hai cũng tiếp khách và trao đổi ý kiến gần hai tiếng đồng hồ. Kiến Trúc nơi đó pha trộn cả Âu lẫn Á, cả Phật lẫn Khổng và Thiên Chúa Giáo nên không biết gọi là lối kiến trúc gì. Tuy nhiên nó có cái gì cao thượng và trầm mặc như cuộc đời tu sĩ của Cậu Hai.

Chúng tôi đi đến Cần Thơ tá túc nơi một ngôi chùa cổ thuộc Hội Phật Học Nam Việt. Chùa ấy chỉ có một thầy một đệ tử, chẳng thấy một tịnh nhân nào giúp việc. Sáng hôm sau dậy đi công phu tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm xong theo thầy đi kinh hành nhiễu Phật. Tôi nhớ không lầm đã đi cả 108 lần quanh trước Phật điện ra đến Tổ Đường, cả thân thể đều rã rời sau một cuộc Thiền hành dài và lâu như thế. Không biết thầy trụ trì ở đây tu theo pháp môn gì, nhưng trông thầy có vẻ đoan nghiêm đạo mạo, giới luật uy nghi lắm. Bên cạnh chùa có một ngôi chùa Miên của Phật Giáo Nam Tông rất đồ sộ. Lúc đó chúng tôi định vào thăm, nhưng sợ không nói được tiếng Miên nên lại thôi.

***

Nếu ai đó có lần đi bằng Shinkansen (tàu cao tốc) từ Tokyo qua Kyoto. Trên đường đi quý vị dõi mắt nhìn theo hai bên đường hoặc triền núi, nơi nào có nhô lên một nóc chùa là nơi đó có làng mạc được mọc lên chung quanh. Quê hương Việt Nam chúng ta có lẽ cũng thế, nơi nào có chùa tháp là nơi đó có dân chúng sinh hoạt, làm ăn buôn bán hội hè. Đúng là “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ Tông”. Và nếu ai đã bỏ quê hương ra đi rồi sẽ không bao giờ quên những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính (1919-1966) như sau:

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.”

Bây giờ chúng ta đã bỏ nước ra đi thật sự, bỏ chùa xưa Thầy cũ, bỏ cả tiếng chuông ngân và đêm trăng rằm của quê hương miền duyên hải. Thầy Tổ đã xa, quê hương ngút ngàn trong tâm tưởng, còn gì nữa đâu khi vọng về cố quốc, có thầy đã ra đi, có người còn ở lại. Có kẻ đã vào tù ra tội chẳng biết bao phen nhưng vẫn sống chết vì lý tưởng, hy sinh cho Đời và cho Đạo. “Nếu có chết là chết cho cái chết của chân lý, chứ không chết vì bạo lực này kém thua bao lực khác.”

Đốt nén hương lòng xin gởi về quê hương Việt Nam yêu dấu trong nghìn trùng xa cách. Xin nguyện cầu chư Phật, chư Thiên Thần Hộ Pháp từ bi gia hộ cho đất nước Việt Nam của chúng con sớm thoát khỏi cảnh đọa đày trong gông cùm của người Cộng sản. Cầu nguyện cho người còn được an lạc, kẻ thác được siêu thăng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Cẩm nang phóng sinh


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.253.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...