Giọng đọc: Trường Tân
Thiền sinh: Thưa Sư, xin cho con biết sự khác nhau giữa Tưởng, Thức và Tuệ ạ?
Nhà sư: Tưởng là nhớ lại cái mình đã gặp, nhớ lại cái đã biết, đã kinh nghiệm. Tưởng có chức năng là đánh dấu và lưu giữ. Chánh Niệm được ví như người gác cổng, còn Tưởng (saññā) được ví như người giữ kho. Trong kho có loại hàng gì, số lượng bao nhiêu, .... Tưởng đều ghi nhớ.
Vậy Thức thì sao? Thức (viññāṇa) thì bắt những cảnh hiện tại. Tưởng nắm giữ, bắt vào những cảnh đã qua và đã lưu giữ lại.
Trong Thanh Tịnh Đạo và các chú giải thường đưa ra ví dụ về sự khác nhau của Tưởng, Thức và Tuệ. Tưởng được ví như đứa bé, Thức được ví như người nông dân còn Tuệ giống như một người thợ kim hoàn.
Khi một đứa bé nhìn thấy đồng tiền xu nó không biết giá trị của đồng tiền này. Nó chỉ biết một cách đơn giản đồng tiền này là tròn hay vuông mà thôi. Đến lượt người nông dân, ngoài cái biết giống như đứa trẻ, anh ta cũng biết thêm về giá trị của nó và đây là đồng tiền vàng hay bạc. Tuy nhiên, người thợ kim hoàn thì không chỉ biết đây là đồng tiền, hình dáng, giá trị của nó mà anh còn biết được xuất xứ, thành phần, do nơi nào làm… biết một cách rất rõ ràng với nhiều khía cạnh chi tiết khác nhau.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Tưởng mạnh hơn Thức, không xét đến Tuệ vì Tuệ biết một cách rất trọn vẹn. Ở đây xin nói thêm, Tưởng và Tuệ là các tâm sở, còn Thức là tâm vương (nhận biết cảnh hiện tại).
Tưởng là lưu giữ, ghi nhớ những cái đã qua, đã in vết; Tưởng có thể dẫn tới những sai lầm. Chúng ta nghe và hay “cứ tưởng”, thấy miếng ván này bao nhiêu lần nhưng “cứ tưởng” nó rất vững, rồi giẫm chân vào và nó bị sập do mục nát. Do nhớ lại trước đây mình đã giẫm chân lên miếng ván này rồi, lúc đó nó còn vững và thế là “cứ tưởng” nó còn như cũ.
Chúng ta lưu những thông tin cũ lại khi gặp cảnh mới thì áp cái đã biết vào cảnh mới. Chẳng hạn gần đến giờ ăn cơm hay xả thiền nghe tiếng kẻng là ngay lập tức biết đã đến giờ. Cái biết đấy là do Tưởng, không có Tưởng thì không thể biết và không làm được gì cả. Khi học cũng vậy, ghi chép bài cũng là chức năng của Tưởng giúp ghi chép, lưu giữ lại.
Vì thế Tưởng tri dẫn đến Thức tri, từ Thức tri dẫn đến Tuệ tri, Tuệ tri dẫn đến Thắng trí, từ Thắng trí dẫn đến Liễu tri.
Tưởng chỉ có chức năng đơn thuần là nắm giữ cảnh, còn biết được đúng hay sai một cách rõ ràng là do Tuệ.
Thiền sinh: Vậy tưởng có cần thiết hay không ạ?
Nhà sư: Như đã biết, Tưởng nhận biết những gì đã đi qua. Một cảnh chúng ta chưa hề biết thì Tưởng sẽ đánh dấu, sao lưu lại, nhớ để lần sau nó chụp lên một cảnh hiện tại tương tự như vậy.
Nhiều khi Tưởng làm chúng ta thấy đúng thành sai, ví dụ như nhìn thấy người đàn ông “cứ tưởng” là người đàn bà. Do chúng ta đang sống trong thế giới của Tưởng, nếu không phân tách ra được thì trong rất nhiều trường hợp chúng ta “cứ tưởng” trong khi thực chất tất cả chúng đều đã được sao lưu trong quá khứ rồi. Cơ chế hay chính là chức năng và sự vận hành của Tưởng là chụp cảnh quá khứ và áp lên cảnh hiện tại. Chúng ta phải biết rằng một khi nó đã sao lưu thì nó sẽ chụp lên cảnh hiện tại, chỉ cần tâm bắt vào cảnh hiện tại là nó chụp lên ngay tức khắc. Tưởng tùy thuộc vào sự sao lưu của chúng ta, sự sao lưu này có thể đúng hoặc sai. Nó có chức năng nhận biết các sự vật, không có tưởng thì chúng ta không thể nào giao tiếp được trong cuộc sống này.
Đối với việc thực hành, chúng ta cần tưởng đúng. Đức Phật cũng nói đến Tăng Thượng Tưởng. Có một câu hỏi đặt ra, tưởng có trước hay trí có trước? Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn thì đọc Kinh Potthapāda (bài kinh số 09) trong Trường Bộ Kinh, đoạn nói về Tăng Thượng Tưởng như sau:
“Potthapāda bạch Đức Thế Tôn: Tưởng khởi trước, trí khởi sau hay trí khởi trước tưởng khởi sau? Hay tưởng và trí cùng khởi một lần, không trước không sau?
Này Potthapāda, Tưởng khởi trước, trí mới khởi sau, do tưởng sinh trí mới sinh, vị ấy tuệ tri do duyên tưởng trí sinh ra nơi ta. Này Potthapāda, với lời dạy này cần phải hiểu tưởng sinh trước, trí sinh sau, tưởng sinh, trí mới sinh”
Do đó từ Tưởng tri mới dẫn tới Thức tri, từ Thức tri dẫn tới Tuệ tri, từ Tuệ tri dẫn tới Thắng trí, từ Thắng trí mới dẫn tới Liễu tri.
Mỗi pháp sinh khởi đều có: đặc tính, chức năng, sự thể hiện và nhân gần. Liễu tri là hiểu rõ bốn khía cạnh này của mỗi pháp.
Tưởng có:
- Đặc tính: nhớ lại.
- Chức năng: ghi nhớ những cái đã biết, đã kinh nghiệm.
- Sự thể hiện: nắm giữ cảnh, sự nắm giữ này có thể đúng hoặc sai.
- Nhân gần: phải có cảnh tái hiện (để cho tưởng sao chụp).
Những thiền sinh ở Pa Auk khi đến giai đoạn Vipassana quán thì họ bóc tách cả danh và sắc dưới bốn khía cạnh này.
Nếu Tưởng sai biệt dẫn tới Tâm sai biệt, Tâm sai biệt dẫn tới Nghiệp sai biệt, Nghiệp sai biệt thì Quả dị thục sai biệt. Như vậy chúng ta thấy được mối liên kết của chúng và từ đó định hình tưởng cho đúng đắn.