Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Đối thoại pháp »» Tổng hợp về Vipassana »»

Đối thoại pháp
»» Tổng hợp về Vipassana

Donate

(Lượt xem: 5.525)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đối thoại pháp - Tổng hợp về Vipassana

Font chữ:


Giọng đọc: Trường Tân


Vipassana bao gồm tiền tố “vi” có nghĩa là nhiều cách khác biệt hay đặc biệt, “passana” là quan sát hay quán chiếu. Khác biệt ở đây là như thế nào? Có gì khác biệt khi nhìn bằng mắt, nghe bằng tai? Quan sát một cách khác biệt ở đây là quan sát đối với các hiện tượng thân và tâm, một quan sát quay trở vào bên trong không hướng ra bên ngoài. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn chưa phải là Vipassana hoàn toàn.
Quan sát khác biệt có nghĩa là khác với thông thường hay nói cách khác, chúng ta quan sát dưới góc nhìn của Tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Chỉ khi nào quan sát các tiến trình thân tâm dưới góc nhìn Tam tướng thì mới gọi là Vipassana thực sự.
Như vậy, giai đoạn đầu của thực hành Vipassana này là Vipassana yếu vì các đặc tính của Tam tướng chưa được bộc lộ rõ nét. Tuy nhiên, lúc ban đầu chúng ta cần phải quan sát được đối tượng đúng, tức là chỉ hướng tới ghi nhận các hiện tượng thân tâm mà thôi, xác lập Chánh Niệm và duy trì sự ghi nhận đúng trên các đối tượng này. Trên cơ sở hướng tâm đến đối tượng thì Chánh Niệm được thiết lập và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Khi định được thiết lập vững vàng, chúng ta càng quan sát sâu hơn.
Đức Phật luôn nhấn mạnh “nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm để chế ngự tham ưu ở đời” (ātāpī sampajjano satimā vineyya loke abhijjadomanassa) vì đây là một tập hợp các yếu tố rất quan trọng cần có trong sự quan sát. Nhiệt tâm là luôn thiêu đốt, đốt cháy phiền não, hay chính là biểu hiện của sự tinh tấn. Tỉnh giác là biết một cách rõ ràng, có thái độ chân chánh trong quan sát, nó là yếu tố của tuệ. Chánh Niệm là yếu tố của sự ghi nhận. Ưu chính là sân, còn ở đời là trên thân và tâm của chúng ta, không ngoài tấm thân ngũ uẩn này.
Chế ngự được tham ưu ở đời đó là một trạng thái tâm an ổn, không bị chi phối nhiều bởi ngoại cảnh. Bất kỳ khi nào tâm an ổn, định có ở đó. Như vậy chế ngự tham ưu ở đời là một sự định tâm an ổn. Khi tâm an ổn thì ta có thể thiết lập định bằng cách ghi nhận trên đối tượng chính một cách liên tục. Định còn có thể thiết lập bằng sự hiểu biết hay chính là tuệ. Do sự hiểu biết, do có thái độ chân chánh, chúng ta ghi nhận, chấp nhận, quan sát các hiện tượng, rồi chúng ta sẽ tách ra khỏi hai thái cực thích hoặc không thích. Vì khi chúng ta tiếp xúc thông qua các căn như cái nghe, cái nhìn, cái ngửi, cái nếm, các xúc chạm, bao giờ nó cũng có cái thích hay không thích xen vào làm tâm bị chi phối, xao động. Tâm an ổn khi tách khỏi các thái cực do có hiểu biết, có thái độ chân chánh và duy trì được sự quan sát miên mật.
Có một cô tên là Migasala có một ông cha và cậu, ông cha là người luôn thực hành thiền và giữ giới. Ông cậu thì sống buông thả, hưởng dục tại gia. Khi ông cha chết thì cô gái đến gặp Đức Phật hỏi xem cha mình tái sinh về đâu. Đức Phật nói rằng người cha trở thành một vị thánh Nhất Lai được tái sinh lên một cảnh trời Tusita. Một thời gian ngắn sau ông cậu chết, cô cũng đến hỏi Đức Phật và Đức Phật nói người cậu cũng là một vị thánh Nhất Lai tái sinh lên cùng cảnh trời đó. Cô gái rất ngạc nhiên vì ông cậu không có gì xứng đáng để được tái sinh lên cảnh trời đó. Ngài Ananda bạch lên Đức Phật thắc mắc của cô, Đức Phật nói rằng Migasala trí tuệ còn thấp không thể hiểu được việc này. Không thể nào đánh giá đúng được một con người mà chỉ có Đức Phật mà thôi. Đức Phật nói rằng người cha là chủ về giới, còn ông cậu là chủ về tuệ. Chính vì vậy trong Kinh Chủng Đức (Trường Bộ Kinh Sonadanda, bài Kinh số 4) có nói “Ở đâu có giới ở đó có tuệ, ở đâu có tuệ ở đó có giới”.
Như vậy chúng ta cần hiểu rằng định có được bằng việc ghi nhận đối tượng chính nếu có đà nó sẽ trở nên mạnh mẽ. Nhưng một cách khác, định cũng được xuất phát từ sự hiểu biết giúp chúng ta thấy rõ, tách rời khỏi các thái cực và tâm ngày càng trở nên an ổn. Tâm trở nên an ổn có nghĩa là nó không còn phản ứng với thích hoặc không thích nữa. Tất cả các yếu tố này nó sẽ hợp lại và có mặt trong quan sát của chúng ta.
Bài Kinh được nhắc nhiều đến nhất là Kinh Tứ Niệm Xứ trong Kinh Trung Bộ (Bài Kinh số 22) Đức Phật triển khai trên bốn đối tượng thân, thọ, tâm và pháp. Trong đó phần quán thân có đề cập rất chi tiết về hơi thở, các oai nghi chính và phụ. Có nghĩa là bất kỳ hiện tượng nào trên thân chúng ta đều có thể lấy đó để làm đối tượng quan sát.
Có thể rất nhiều tranh cãi về việc Đức Phật không dạy về phồng xẹp mà Ngài Mahasi lại triển khai về phồng xẹp. Chúng ta cần hiểu rằng phồng xẹp thuộc về quán thân mà hơi thở cũng thuộc về thân. Một trường phái khác bên Miến Điện cũng dùng hơi thở, họ thường khịt mũi rất mạnh. Ở Thái Lan, có một trường phái thực hành theo cách giơ tay lên, rồi lại hạ tay xuống và theo dõi sự chuyển động của tay.
Như vậy dù bắt đầu với đối tượng nào nhưng sau khi đã thành thục ta phải biết được cả bốn đối tượng. Nếu chỉ biết một đối tượng mà không biết các đối tượng khác không thể nói là đã thực hành Tứ Niệm Xứ được. Một đích đến nhưng có nhiều con đường đi khác nhau. Ban đầu người ta có thể đi theo các cổng và ngả đường khác nhau, sau đó các cổng và ngả đường này đều dẫn tới một con đường chung. Điều đó chứng tỏ là dù chúng ta bắt đầu với thân, thọ, tâm hay pháp thì cuối cùng đều phải ghi nhận được tất cả bốn đối tượng của Tứ Niệm Xứ.
Nhiều người quen với việc quán thân hơn do thân thì dễ ghi nhận, còn tâm thì không có hình dạng, màu sắc, nơi chốn nên khó ghi nhận nhưng không có nghĩa là chúng ta không biết được tâm. Dù quán tâm chúng ta vẫn phải ghi nhận và biết rõ ràng về thân và thọ. Ví dụ, khi ai đó nói rằng thiền viện Shwe Oo Min là trường thiền quán tâm thì cũng không hẳn chính xác. Ở đây vẫn cần phải ghi nhận được cả bốn đối tượng nhưng chú ý nhiều về tâm hơn mà thôi. Tương tự như trong khi quan sát phồng xẹp các đối tượng khác sinh khởi vẫn cần phải ghi nhận, hay biết. Quan sát phồng xẹp càng ngày sẽ càng nhận ra các trạng thái của tâm và sẽ biết cách loại trừ phiền não.
Trong một cách triển khai khác Đức Phật nói đối tượng của chúng ta là các thức sinh khởi. Khi có hình sắc tác động lên con mắt thì nhãn thức (cái nhìn) sinh khởi. Lúc này đối tượng của chúng ta chuyển sang một hình thái khác. Tùy theo căn cơ của từng người mà Đức Phật triển khai theo các cách khác nhau.

Mắt + Màu sắc => Cái nhìn (nhãn thức) sinh khởi
Tai + Âm thanh => Cái nghe (nhĩ thức) sinh khởi
Mũi + Mùi => Cái ngửi (tỷ thức) sinh khởi
Lưỡi + Vị => Cái nếm (thiệt thức) sinh khởi
Thân + Xúc => Cái xúc chạm (thân thức) sinh khởi
Ý + Pháp trần => Suy nghĩ (ý thức) sinh khởi.

Trong Kinh Đức Phật cũng nói rằng: “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng ... mũi ngửi hương ... lưỡi nếm vị ... thân cảm xúc ... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.”
Trong Kinh Malunkyaputta (Tương Ưng Bộ Kinh - S.iv.72), Đức Phật nói rằng trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, và trong cái biết chỉ là cái biết. Có một vị thực hành ngoại đạo nhưng nghĩ mình là Alahán và được một vị chư thiên trước kia là bạn đạo nói rằng ông đã lầm tưởng và hãy nhanh chóng đến gặp Đức Thế Tôn. Nhận thức được vấn đề, vị ấy đã đi một quãng đường dài để gặp và xin Đức Phật giảng giải. Đức Phật bảo vị ấy hãy về chùa đợi vì lúc đó Ngài đang đi khất thực. Lần thứ hai, lần thứ ba vị ấy lại bạch lên Đức Phật một lần nữa rằng đời vô thường và đời của vị ấy cũng vô thường, vị ấy không có thể đợi được nên xin Ngài rủ lòng thương giảng cho bài pháp ngắn để lấy đó thọ trì.
Đức Phật gọi lại và bảo vị ấy hãy chân chánh tác ý Như Lai sẽ nói đúng bốn câu. Ngay lập tức vị đó áp dụng thực hành rất miên mật và chứng đắc tầng Thánh Alahán, chỉ một lát sau vị đó bị con bò húc chết.
Bốn câu cực kỳ ngắn gọn:

“Trong cái thấy chỉ là cái thấy,
Trong cái nghe chỉ là cái nghe
Trong suy nghĩ chỉ là suy nghĩ
Trong cái biết chỉ là cái biết”


Tương tự như vậy cho cái nếm, cái xúc chạm, và suy nghĩ. Nghĩa là thông qua sáu căn, có một sự ghi nhận hay biết, trong cái biết chỉ là cái biết. Hay cũng chính là chỉ sử dụng mà thôi, làm chỉ để làm mà thôi không có cái gì xen vào, chỉ đơn thuần là như vậy.
Liên quan tới cái biết thì chúng ta có mấy cái biết? Thông thường chúng ta biết bằng gì? Có ba cái biết đó là biết bằng tưởng, bằng thức và bằng tuệ. Biết bằng tưởng giống như đứa bé thấy đồng tiền vàng thì nó chỉ biết đó là đồng tiền vàng mà không biết giá trị của nó. Biết bằng thức giống như người lớn thấy đồng tiền vàng và biết được giá trị của đồng tiền đó. Còn cái biết bằng tuệ giống như cái biết của người thợ kim hoàn, không những biết đó là đồng tiền vàng, nó có giá trị mà còn biết cả thành phần cũng như tạp chất có trong đó. Vậy người thợ kim hoàn là biết đầy đủ hơn tất cả, chúng ta cũng đang hướng tới cái biết này. Khi chúng ta thấy rõ ràng bản chất của các sự vật hiện tượng thì lúc đó mới được gọi là như thật tuệ tri – thấy như thật đúng với bản chất của hiện tượng.
Ban đầu chúng ta cần biết các yếu tố nào cần có mặt trong các quan sát của chúng ta. Đức Phật nhấn mạnh “quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm để chế ngự tham ưu ở đời, quán thọ trên thọ nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Khi các yếu tố đã hội tụ đủ thì chúng ta mới thấy các sự vật hiện tượng một cách rõ ràng hơn, không muốn thấy cũng không được. Còn chưa đủ nhân duyên dù có muốn cũng không được. Ví dụ, sư nói có hai người leo núi, có một người leo đến được lưng chừng núi và một người leo cao đến ngọn núi. Ở phía xa có túp lều, người ở trên đỉnh núi nhìn thấy được và hỏi vọng xuống hỏi người phía dưới có thấy túp lều không. Cho dù người ở lưng chừng núi có con mắt tốt như nào đi nữa thì cũng không tài nào nhìn thấy được bởi lùm cây đã che khuất. Nhưng chỉ cần anh này cứ đi lên dần đỉnh núi vượt qua các lùm cây thì không cần cố gắng cũng tự động thấy, mọi thứ đều hiện bày rõ ràng.
Cũng vậy, nếu chúng ta thấy đối tượng mờ thì đừng cố gắng để nhìn cho rõ đối tượng, khi các điều kiện hội tụ có mặt thì ta tự động thấy rõ hơn. Đối tượng mờ chúng ta biết rõ ràng rằng đối tượng mờ, quan trọng là chúng ta vẫn hay biết, ghi nhận, có sự hiểu biết rõ ràng ở đó. Việc đối tượng mờ hay rõ không quan trọng, sau khi đã ghi nhận được đối tượng, tâm sẽ có xu hướng cố để thấy đối tượng rõ hơn. Đối tượng mờ hay rõ là chuyện của nó không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Vậy nên có rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nếu chúng ta có một hiểu biết rõ ràng, đúng đắn ở trong đó. Khi chúng ta đã hiểu rõ ràng thì chuyện mờ hay rõ không còn quan trọng nữa. Như vậy, các tố chất phải luôn có ở một thiền sinh trong khi quan sát là gì? Đức Phật vẫn nói “nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm” đây cũng chính là nhiệm vụ của thiền sinh. Khi các yếu tố này có mặt đầy đủ thì nó mới có thể “chế ngự tham ưu ở đời”.
Vậy nhiệm vụ đầu tiên mà chúng ta cần có là gì? Là Chánh Niệm, nó có đặc tính là không quên đối tượng đúng. Đối tượng đúng chính là trên thân tâm chúng ta, nếu ngoài thân tâm chúng ta là không còn đúng nữa. Tiếp theo nhiệt tâm hay chính là tinh tấn, có sự cố gắng duy trì sự ghi nhận hay biết này một cách liên tục trong từng khoảnh khắc. Điều đó đồng nghĩa với việc từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ chúng ta cần có sự duy trì hay biết này. Duy trì sự liên tục này bằng cách nào? Đó chính là nhắc nhở và kiểm tra. Đa số chúng ta ở trong trường thiền dễ dàng Chánh Niệm hơn khi rời khỏi trường thiền. Có một vị sư hẹn giờ chuông điện thoại năm phút nhắc kiểm tra Chánh Niệm một lần. Sau ba ngày, ông không cần chế độ chuông nhắc đó, mà tâm tự động kiểm tra và hình thành một thói quen. Như vậy nó thể hiện sự tinh tấn, tinh tấn không phải là sự nỗ lực của thân mà nó là sự nỗ lực của tâm. Nỗ lực này tạo ra khả năng duy trì quan sát cả ngày, khi có Chánh Niệm chúng ta sẽ biết mình có quá cố gắng hay không, có đang sử dụng quá nhiều năng lượng hay không. Nếu có Chánh Niệm, chúng ta cũng sẽ biết được mức năng lượng cần vừa đủ cho quan sát. Chánh Niệm được kế thừa bởi những chập tâm trước đó, vì vậy mà nó mạnh dần. Nếu tiêu hao quá nhiều năng lượng cho việc cố gắng tập trung quan sát thì chúng ta chỉ thực hành được trong thời gian ngắn mà không duy trì lâu dài được, trong khi phiền não thì hoạt động liên tục không nghỉ. Nếu chỉ coi việc hành thiền là ngồi thiền thì các sinh hoạt khác sẽ có rất nhiều phiền não. Chúng ta phải duy trì liên tục đó là tinh tấn.
Tỉnh giác (sampajjañña) ở đây là tuệ. Chánh Niệm (satisampajjañña) bao gồm hai phần là “sati” và “sampajjañña”. Hai yếu tố này phải kết hợp lại với nhau, nếu chỉ có niệm (sati) không thôi thì không được gọi là Chánh Niệm sammāsati.
Sampajjañña là yếu tố của tuệ, chúng ta đang hướng tới một sự hiểu biết thì chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự hiểu biết rõ ràng, đó là mọi hiện tượng đều là các hiện tượng tự nhiên. Bất kể đối tượng nào sinh khởi trên thân và tâm của mình đều là các hiện tượng tự nhiên, không có một thực thể, một cá nhân hay người đàn ông đàn bà ở đó cả. Phải đưa sự hiểu biết này vào trong sự quan sát. Chính vì vậy mà chỉ niệm thôi thì không đủ. Điều đó có nghĩa là trong Bát Chánh Đạo yếu tố dẫn đầu là Chánh Kiến. Đây là ba nhiệm vụ mà thiền sinh phải ghi nhớ, những việc khác không còn quan trọng nữa, khi chúng ta đã làm được các yếu tố này rồi thì cái gì đến sẽ đến, mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự nhiên.
Điều đó có nghĩa là khi chúng càng thực hành nhiều thì chúng ta càng có nhiều đà quán tính để quan sát các mức năng lượng đang sử dụng. Nếu quan sát như thế này, có cần quá tập trung hay không? (im lặng một lát)
Không quá tập trung, không quá chú tâm, chỉ cần đơn giản chân chánh hướng tâm thôi là đã ghi nhận được đối tượng rồi.
Trong ví dụ tờ giấy và cây kim, nếu đặt ngang cây kim thì nó không thể nào mà chọc thủng tờ giấy được, nhưng nếu hướng cây kim đứng thẳng vuông góc với tờ giấy thì không cần quá nhiều lực thì đầu kim sẽ đâm thủng tờ giấy dễ dàng. Tương tự như vậy, chỉ cần chân chánh hướng tâm là nó đã hay biết, ghi nhận được đối tượng rồi. Khi chúng ta ngồi thiền chỉ cần hướng tâm là đã hay biết rồi, không cần phải cố gắng. Nế u hướng tâm đến tay là đã thấy xúc chạm, hướng tâm đến tai là đã tự động nghe. Cố gắng, tập chung là chúng ta sử dụng quá mức năng lượng cần thiết, nó sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi, căng thẳng.
Tóm lại dù Đức Phật triển khai rộng ra rất nhiều các cách thức khác nhau thì tựu chung lại chúng ta cần xác định đối tượng cho đúng, thái độ quan sát cho chân chánh, duy trì cho liên tục. Và khi các đối tượng hội tụ đủ thì mọi thứ sẽ sáng rõ, thấy rõ sự vật hiện tượng đúng với bản chất (như thật tuệ tri).

    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Bức Thành Biên Giới


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.158.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...