Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm và Ta »» Chương 5: Từ tâm ra ta »»

Tâm và Ta
»» Chương 5: Từ tâm ra ta

Donate

(Lượt xem: 6.079)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm và Ta - Chương 5: Từ tâm ra ta

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ta ở đâu ra?

Đức Phật dạy vô ngã, không có ta mà chỉ có năm uẩn, danh sắc, thân tâm, trong khi đó chúng sinh đều thấy có ta, vậy cái ta ở đâu ra?

Đến đây xin mời bạn đọc trắc nghiệm thử. Bạn hãy ngồi yên và khởi suy nghĩ theo hai cách sau đây:

1/ Hãy nghĩ: Tôi đói bụng.
2/ Hãy nghĩ: đói bụng.

Bạn có thấy sự khác biệt gì không?

Đương nhiên là có: câu thứ nhất có chủ từ Tôi, và câu thứ hai nói trống không, không có Tôi. Nhưng khi đói bụng, bạn có bắt buộc phải nói theo cách thứ nhất không? Lỡ nói theo cách thứ hai thì bạn có hiểu là ai đói bụng không? Cái gì suy nghĩ và nói theo hai kiểu trên? Người thường, nếu không biết gì về ngũ uẩn hay vô ngã, sẽ nói ngay là Tôi suy nghĩ, giống y như triết gia Pháp Descartes đã nói: “Tôi suy nghĩ nên Tôi hiện hữu” (cogito ergo sum). Nhưng đọc tới đây, chắc chắn bạn biết đó là cái tâm. Chính cái tâm suy nghĩ chứ không phải Tôi hay cái Ta suy nghĩ. Khi tâm suy nghĩ theo kiểu thứ nhất thì nó chế tạo ra cái Ta. Khi suy nghĩ theo kiểu thứ hai thì tâm vẫn biết suy nghĩ và không tạo ra thêm một chủ từ nào khác đại diện cho nó. Do đó ta có thể nói theo Descartes và sửa lại như sau: “L’esprit pense, donc je suis”, nghĩa là “tâm suy nghĩ, cho nên tôi có mặt”.

Mỗi khi khởi niệm suy nghĩ, tính toán, phân biệt, lo lắng, tâm quên mất nó là chủ nên phải tạo ra một chủ từ Ta đại diện cho nó. Sự tự quên mình là chủ được gọi là bất giác vô minh. Vì bất giác vô minh, tự quên mình nên tâm lầm tạo ra cái Ta rồi bám chặt vào đó.

Tâm đi du lịch

Trong kinh Lăng Nghiêm thường nói do một niệm bất giác vô minh mà sinh ra sơn hà, đại địa, tức là do một ý niệm, ý nghĩ không tỉnh thức, không sáng suốt làm sinh ra đủ thứ pháp trần. Một niệm bất giác chính là tâm tự quên mất nó là ai, là cái gì, nên nó tạo ra một cái Ta đại diện cho nó.

Tánh của tâm là diệu minh, diệu là năng khởi, minh là năng biết. Năng khởi làm ra có, gọi là diệu hữu. Tâm luôn chiếu soi, thường biết, gọi là minh. Nhưng khởi mà chợt bất giác không biết là mình khởi, tưởng những cái hữu (pháp trần) là từ bên ngoài mà có nên gọi là vô minh. Vô minh không có nghĩa là ngu không biết gì hết, mà nghĩa là tâm chỉ còn minh mà quên diệu. Giống như một họa sĩ giỏi, vẽ ra một cô gái đẹp rồi mê cô gái trong tranh, quên mất mình là người vẽ ra tranh. Anh họa sĩ này vẫn biết thưởng thức tranh đẹp, nhưng anh bất giác vô minh. Bất giác là chợt quên, chợt mê nên những cái biết sau đó đều là vô minh, không còn đúng với thực tại nữa.

Do tánh diệu (năng khởi) nên sau khi bất giác vô minh, tâm không ngưng ở đó, nó khởi tiếp một niệm thứ hai, thứ ba và cứ thế liên tục bất tận. Tất cả những sự khởi niệm sau này của tâm gọi là hành. Hành là sự hoạt động của tâm nhưng đã mang tính chất vô minh. Tâm đã quên nó là chủ nên càng suy nghĩ thì nó càng tạo thêm nhiều ý niệm về cái Ta, cái Tôi. Càng khởi niệm thì tâm càng vẩn đục và bị bao phủ bởi cái ngã, giống như con tằm nhả tơ rồi tự mắc kẹt trong tơ. Do vô minh và hành, nên tâm trở thành thức. Thức ở đây tương đương với A-lại-da thức. Cái minh, tức cái biết ban đầu của tâm bây giờ bị ô nhiễm bởi cái ngã nên mỗi khi khởi niệm suy nghĩ, tính toán, mọi sự đều liên quan đến cái ngã, suy nghĩ lợi hại cho cái Ta, tính toán hơn thiệt cho cái Ta, v.v... Cái ngã (Ta) ban đầu chỉ mới ảnh hiện ngấm ngầm dưới trạng thái chủng tử, nhưng do tâm năng khởi khiến cho cái Ta kiên cố dần và muốn hiện hành (đây chính là Mạt-na thức). Dòng tâm thức mang nặng cái Ta trong đó (tức A-lại-da và Mạt-na) bắt đầu đi tìm vật chất để hiện hữu (hay hiện hình), nó tìm tới một cặp nam nữ vợ chồng, nương theo tinh cha huyết mẹ để nhập thai. Sau khi nhập thai, nó thành hình dần dần, lúc đó gọi là danh sắc, danh là tâm lý, sắc là vật lý. Tâm lý và vật lý quyện lấy nhau biến hiện ra mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, gọi là lục căn hay lục nhập. Lúc này tâm đã đi quá xa bổn tánh thanh tịnh vô tướng ban đầu, lạc vào thế giới vật chất và tưởng nó là cái thân. Sau khi đứa bé sinh ra đời thành một chúng sinh, có đầy đủ sáu căn, nó bắt đầu tiếp xúc với cảnh trần, gọi là xúc. Do lục căn tiếp xúc với lục trần nên phát sinh ra cảm thọ, dễ chịu hay khó chịu, gọi là thọ. Từ cảm thọ dễ chịu hay khó chịu sinh ra ái. Cái gì dễ chịu thì tâm ưa thích (ái), cái gì khó chịu thì tâm chán ghét (ố). Do ưa thích nên tâm suy nghĩ tìm cách đem về cho cái Ta, đây gọi là thủ (nắm giữ). Thí dụ gặp một cô gái đẹp, ăn nói có duyên, tâm thấy ưa thích, muốn tới lui làm quen để cưới cô về làm vợ, đó là thủ. Do tâm muốn thủ, muốn chiếm hữu, nắm giữ cho nên phải ra tay hành động, tạo nghiệp, thực hiện ý muốn, đó gọi là hữu, tức là nghiệp nhân. Do có nghiệp nhân nên sinh ra nghiệp lực và nghiệp quả. Nghiệp lực dẫn tâm đi tái sinh để thọ quả báo, gọi là sinh. Hễ có sinh ra thì tất nhiên phải có già chết, lão tử.

Mười hai nhân duyên (ở trên) là cuộc du lịch (hay sự đi hoang) của tâm từ lúc bất giác vô minh, tự quên mình tạo ra một cái Ta, rồi sau đó đắm đuối say mê đi vào thế giới vật chất âm thanh, sắc tướng, mùi vị của thân, đi hoài không biết đường về, hết thân này qua thân khác, hết kiếp này sang kiếp khác. Ngày nào còn vô minh, chấp ngã thì ngày đó tâm còn tiếp tục du lịch trong luân hồi sinh tử.

Mộng

Tâm bất giác khởi niệm về ngã (Ta) rồi theo đó tạo ra một cái thân cho Ta hiện hữu. Khi sống thì thân được làm bằng vật chất, tứ đại. Trong giấc ngủ, thân nằm yên bất động thì tâm tạo ra một thân khác gọi là thân trong mộng. Khi chết thì tâm tạo ra thân trung ấm. Hai loại thân trong mộng và thân trung ấm được gọi là “ý sanh thân”, tức là thân được làm bằng ý tưởng.

Tôi và mộng

Mỗi đêm đi ngủ, hầu như lúc nào tôi cũng nằm mơ, chỉ có điều là sáng thức dậy còn nhớ hay không? Những giấc mơ nào đặc biệt hay kỳ lạ thì tôi nhớ, còn không thì quên ngay. Trong những giấc mơ đều có ba phần: tôi, người, và cảnh vật. Trong giấc mơ tôi thấy rõ tôi đang đi trong rừng, bỗng nhiên có nhiều người chạy ra đánh đuổi rượt bắt. Tôi hoảng sợ bỏ chạy rồi vấp té, và những người kia ào tới túm lấy tôi. Sợ quá tôi hét lên và tỉnh dậy thấy mình đang nằm yên ổn trên giường.

Như vậy cái tôi trong mộng là ai? Cái tôi nằm trên giường là ai? Những người rượt bắt tôi trong mộng có thật hay không? Tôi có thật đang đi trong rừng không?

- Cái tôi nằm trên giường là thật, còn cái tôi trong mộng là giả, không có thật. Những người rượt bắt tôi trong mộng cũng là giả, không có thật. Và khu rừng mà tôi thấy trong mộng cũng là giả.

Nếu tất cả là giả thì tại sao trong giấc mơ tôi lại thấy rõ ràng giống như thật, và tôi hoảng sợ bỏ chạy?

- Tất cả đều là giả nhưng khi ở trong mộng ta không thể tự biết đó là giả. Chỉ khi nào tỉnh mộng mới biết đó là giả mà thôi. Trong mộng ta vẫn có đầy đủ tình cảm, vui buồn, lo sợ như lúc tỉnh.

Tại sao tôi vừa nằm trên giường mà lại vừa thấy có tôi đang đi trong rừng? Tại sao lại có hai cái tôi như vậy? Ai xui khiến tôi biến ra cái tôi khác rồi đi lang thang trong rừng để cho người khác rượt bắt? Tại sao tôi lại làm chuyện điên rồ vậy?

- Cái tôi nằm trên giường chỉ là cái thân xác chứ không phải là tôi. Cái tôi đi trong rừng là một hình bóng, một sự phóng chiếu của tâm tạo ra giống như phim ảnh xi nê vậy. Không có ai xui khiến tôi biến ra cái tôi khác trong mộng, đó chỉ là một sự hoạt động bình thường của tâm khi “tôi” ngủ, tức là khi ngủ thì tâm nằm mơ, tạo ra những hình ảnh như thật.

Nếu vậy thì chính tâm đã tạo ra hình tôi trong giấc mộng khiến cho tôi tưởng đó là tôi thật. Tâm dám lừa cả tôi sao?

- Đúng vậy, cái tâm hay mộng và mơ không những nó lừa tôi trong giấc ngủ mà còn lừa tôi ngay trong lúc tỉnh. Vì trong lúc tỉnh tôi tưởng là tôi có thật, người và cảnh vật xung quanh có thật. Nhưng ngờ đâu, ngay lúc tôi tưởng là mình tỉnh thì đó cũng là một giấc mơ khác của tâm. Đó chẳng qua là một giấc mộng ngắn trong mộng dài.

Đời người là một giấc mộng dài, còn những giấc mộng ban đêm là những giấc mộng ngắn. Khi sống trong mộng, có ai biết là mình mộng đâu?

Cũng như giấc mộng Nam Kha. Có một anh chàng tên Lữ, lên kinh đô đi thi và bị trượt lần thứ ba. Trên đường trở về nhà, anh ghé vào quán trọ mua một bát cháo kê ăn cho ấm lòng. Trong lúc nồi kê chưa chín, Lữ nằm xuống nghỉ mệt và ngủ thiếp đi. Anh thấy mình trở lên kinh đô thi lần nữa và đậu thủ khoa. Sau đó được thăng quan tiến chức làm đến tổng trấn tỉnh Nam Kha. Rồi anh được vua trọng dụng phong làm nguyên soái và gả công chúa cho. Khi có giặc nổi loạn, vua sai Lữ đi dẹp, đánh đâu thắng đó, khiến các quan trong triều đình ganh ghét. Trong lúc Lữ đang dẹp giặc ở biên cương, họ sàm tấu dèm pha làm vua cách chức đuổi Lữ. Sống trong cảnh nghèo khổ gần 10 năm, Lữ được vua hối hận kêu về triều phong làm tể tướng. Chưa được bao lâu, vua băng hà, thái tử lên ngôi liền cách chức Lữ. Bị đuổi khỏi triều đình lần thứ nhì, lúc đó tuổi già lại rơi vào cảnh bần cùng khốn khổ sau bao nhiêu năm phục vụ cho vua làm Lữ chán nản lâm bệnh nặng. Trên giường bệnh hấp hối gần chết, Lữ sợ hãi, hốt hoảng tỉnh dậy. Lúc bấy giờ nồi cháo kê vẫn chưa chín. Suốt cuộc đời 70, 80 năm, lên voi xuống chó, làm quan làm dân, hết giàu đến nghèo, nhưng đó vẫn chỉ là một giấc mơ quá ngắn, không đủ làm chín một nồi kê.

Trang Tử hằng đêm đi ngủ nằm mơ thấy mình là bướm. Sáng thức dậy thấy mình là người. Đêm đi ngủ lại thấy mình là bướm. Cứ thế, sáng là người, đêm là bướm. Do đó ông ta tự hỏi không biết mình là bướm hay là người? Là bướm mơ thành người, hay người mơ thành bướm?

Cũng vậy tôi sinh ra mộng hay mộng sinh ra tôi? Tôi có trước hay mộng có trước? Tôi có trước rồi mới nằm mộng hay mộng có trước rồi mới sinh ra tôi? Đa số sẽ trả lời là tôi có trước rồi sau đó tôi mới nằm mộng. Vậy thì cái tôi ở trong mộng có phải do mộng sinh ra không? Nếu đúng là do mộng sinh ra thì cái tôi này có sau. Và như thế thì có tới hai cái tôi, một cái tôi nằm mộng và một cái tôi từ mộng sinh ra.

Chúng ta mải suy nghĩ quanh quẩn về tôi và mộng mà quên mất cái tâm.

Tâm mê tạo ra cảnh mộng với một thân mộng rồi tưởng đó là mình và đặt tên nó là Ta. Khi tan mộng, tâm không muốn cái Ta tiêu diệt nên tâm lại tạo ra một giấc mộng khác với một thân khác để cái Ta tiếp tục hiện hữu.

Trung ấm thân

Trong mỗi kiếp sống, con người được cấu tạo bởi năm uẩn, hay năm ấm. Uẩn có nghĩa là nhóm. Ấm có nghĩa là ngăn che. Năm uẩn ngăn che làm mờ chân tâm nên còn gọi là năm ấm.

Trung ấm thân được nói đến trong kinh Niết Bàn, phẩm 23, Sư Tử Hống Bồ tát. Tiền ấm thân là thân lúc sắp chết. Khi chết, thân ngũ ấm tan rã thì liền có Trung ấm thân. Hậu ấm thân là thân khi sinh ra.

Danh từ Trung ấm thân không có trong kinh điển Nam tông nhưng xét ra Trung ấm thân cũng giống như Kiết sinh thức của A-tỳ-đàm vậy. Trung ấm thân không phải là thân vật chất tứ đại nên mắt thường không thể thấy, chỉ có thiên nhãn mới thấy được. Đức Phật nhờ có thiên nhãn nên thấy được chúng sinh chết nơi đây tái sinh nơi kia.

Khi một chúng sinh vừa chết ở đây, họ không thể tái sinh ngay lập tức ở một nơi khác mà phải trải qua một giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn chuyển tiếp này họ có một cái thân gọi là Trung ấm thân. Trung ấm thân là một loại thân ở giữa sự chết và sự tái sinh, chính thân này đi thọ sinh.

Mỗi kiếp sống là một giấc mơ dài của tâm. Hết một giấc mơ dài thì qua một giấc mơ ngắn chuyển tiếp. Sau giấc mơ chuyển tiếp thì lại đến một giấc mơ dài khác. Sau khi chết, tức là chấm dứt một giấc mơ dài, tâm tiếp tục nằm mơ một giấc mơ ngắn khoảng 49 ngày theo thời gian trên trái đất. Trong giấc mơ này tâm biến hiện ra một cảnh giới, gọi là trung ấm cảnh, và một cái thân vi tế để cái Ta tiếp tục hiện hữu, gọi là Trung ấm thân.

Bản chất của Trung ấm thân cũng giống như cái thân mà bạn thấy trong giấc mộng của mình. Ban đêm đi ngủ bạn nằm mơ thấy mình đi đây đi đó, làm cái này cái kia. Cái thân trong mộng được làm bằng gì? Được làm bằng tâm ý, nên gọi là ý sanh thân. Cái thân trong cảnh trung ấm cũng như vậy.

Muốn biết nhiều về Trung ấm thân, bạn có thể tìm đọc các sách Phật giáo Tây Tạng, như Tử thư Tây Tạng (Bardo Thodol).

Còn mộng, còn sinh

Hễ tâm chưa nhận ra tự tánh nó là ai thì còn si mê, khởi niệm và phóng chiếu hình ảnh. Nói cách khác là nó tiếp tục sinh ra những giấc mộng. Trong giấc mộng nó tạo ra một khung cảnh với một nhân vật chính và nhiều nhân vật phụ. Cảnh đó trong Duy thức học gọi là y báo, nhân vật chính gọi là chánh báo, những nhân vật phụ là chúng sinh thuộc về cảnh y báo.

Khi tâm bắt đầu mê (hay khởi mộng) thì gọi là sinh, hay khởi đầu một kiếp sống. Khi giấc mộng chấm dứt thì gọi là tử (chết), hết một kiếp. Chúng sinh mải lầm mê nên nằm mơ đều đều, thấy đủ mọi cảnh. Giấc mơ này vừa chấm dứt thì tâm lại khởi lên một giấc mơ khác, cứ thế liên tục bất tận. Tâm biến hiện ra đủ loại cảnh giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu-la, trời), và các cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới).

Trong kinh Hoa Nghiêm nói tâm như một họa sĩ khéo, vẽ ra đủ loại ngũ ấm (thân hình), trong tất cả thế gian, không gì mà tâm không tạo được. Một họa sĩ khéo, tài ba thì tốt chứ sao. Nhưng kẹt một điều (là bất giác) như đã nói ở trên, sau khi vẽ ra một ngũ ấm thì tâm tưởng đó là nhà rồi chui vào ẩn thân, hoặc tâm xem đó là áo đẹp mặc hoài không chịu cởi ra. Khi ngũ ấm tan rã thì tâm lại tạo một ngũ ấm khác để chui vào. Nếu làm nghiệp ác thì tâm tạo ra thân thú vật hay ngạ quỷ rồi chui vào đó. Nếu làm nghiệp thiện thì tâm tạo ra thân người hay chư thiên.

Biển và sóng

Biển quên mình là biển, tưởng mình là sóng và gọi sóng là Ta. Khi ngọn sóng khởi lên thì biển cho đó là Ta sinh ra. Khi ngọn sóng vươn cao lên thì biển cho đó là Ta lớn lên (hay trưởng thành). Khi sóng bắt đầu đi xuống thì biển cho là Ta già đi. Khi sóng chìm xuống biển mất dạng thì biển cho là Ta chết và hoảng sợ. Biển không nhớ mình là ai, vì từ lâu nó tưởng nó là những ngọn sóng to nhỏ đủ loại. Biển tạo ra sóng, rồi tưởng nó là sóng. Sóng có sinh có diệt, nhưng biển không sinh không diệt. Tâm cũng vậy, tâm vọng động nên tạo ra ngũ uẩn rồi tưởng nó là ngũ uẩn, ngũ uẩn là mình, là Ta. Rồi từ đó tâm khổ sở lo lắng cho cái Ta (ngũ uẩn).

Bình thường tâm không khởi thì không có chuyện gì hết, giống như biển lặng. Khi tâm khởi động, sinh ra đủ loại ý nghĩ, mong muốn, ưa ghét, vui buồn thì lúc bấy giờ mọi sự vật liền xuất hiện theo luật duyên khởi. Vì thế trong nhà thiền có câu: “bình thường tâm thị đạo”, khi tâm trở về trạng thái bình thường của nó, yên lặng chiếu soi như mặt biển không sóng thì thiên hạ thái bình, đó là đạo. Còn cái tâm luôn suy nghĩ, dù suy nghĩ đúng hay sai, đó không còn là bình thường nữa mà đã hết bình thường rồi, giống như mặt biển đã dậy sóng, sóng nhỏ, sóng to, sóng thần, sóng ngầm, sóng lăn tăn, sóng đủ loại. Nhưng khổ nỗi, tâm chúng sinh đã đánh mất trạng thái yên lặng ban đầu (bổn tánh) mà chỉ quen với trạng thái lăng xăng khởi niệm (hậu tánh) và cho đó là bình thường. Chúng sinh cho cái tâm bình thường của mình là cái tâm hay suy nghĩ lăng xăng đủ chuyện.

Xem phim

Sau đây là một thí dụ khác về tâm bất giác, đó là đi xem kịch hay phim (xi nê). Trong tất cả phim hay kịch đều có ba phần: phim ảnh (hay diễn viên trên sân khấu), khán giả, và đạo diễn.

Trong vở kịch, khi gặp cảnh khổ thì diễn viên khóc lóc khổ sở y như thật mới ăn tiền. Khán giả là người ngồi xem bên ngoài, không cần phải khóc lóc rên la vì biết mình đâu phải là diễn viên trên sân khấu. Nhưng ở đây có hai trường hợp:

1. Nếu khán giả không tự chủ, quên mình là người ngồi xem mà đồng hóa mình với tài tử đang diễn kịch thì người này sẽ khóc cười theo diễn viên.

2. Nếu khán giả tự giác biết mình chỉ là người bàng quan ngồi xem thôi thì người này thoát khỏi những vui buồn của diễn viên. Nhưng người khán giả này không thể thay đổi những gì xảy ra trên sân khấu, anh ta chỉ có thể ngồi xem hoặc không xem mà thôi.

Duy có một người không những biết cảnh trên sân khấu là giả mà còn làm chủ được vở kịch, đó là người đạo diễn. Ông ta biết rõ từng diễn viên, chỉ rõ chỗ nào cần phải khóc, phải cười để làm cho khán giả cảm động, nhưng ông không hề khóc hay cười và có thể thay đổi diễn tiến của vở kịch. Ông ta là chủ hoàn toàn, chủ của vở kịch, của các diễn viên và chủ của khán giả. Tâm cũng như thế, tâm là ông chủ của mọi vở kịch đời.

Nhiều người cho rằng nếu xem phim mà không la hét, cười khóc với phim thì mất hay đi, đó là những người thích quên mình để hòa nhập vào phim, tìm cảm giác đưa tới từ bên ngoài. Ta có thể biết một cuốn phim là hay hoặc dở mà không nhất thiết phải la hét cười khóc. Từ đây có thể chia ra ba hạng người:

1. Phàm phu: những người quên mình là khán giả, lầm tưởng mình là diễn viên trong phim nên chịu ảnh hưởng cảm xúc vui buồn của phim.

2. Người tu: là người biết những hình ảnh kia chỉ là giả tạo. Lâu lâu bất giác bị hình ảnh và cảm xúc lôi cuốn thì nhớ lại (chánh niệm) trở về chỗ của mình. Nhưng hạng này không thay đổi được cuốn phim mà chỉ có thể tự chủ không để cho phim ảnh hưởng mà thôi.

3. Người tự tại (giải thoát): đó là người đạo diễn, ông không bị ảnh hưởng như khán giả mà lại có thể tùy ý thay đổi vở kịch hay phim. Ở đây tôi muốn nói đến những bậc bồ tát có đầy đủ thần thông du hý tự tại ra vào sinh tử, không còn bị hoàn cảnh chi phối.

Virus ngã

Mỗi khi tâm khởi niệm là tạo ra một lớp vọng. Kế đó trong các ý nghĩ lại mang thêm một cái vọng vi tế nữa đó là ngã (Ta), một loại virus. Tâm có vọng tưởng là nhuốm bệnh, nhưng nếu tâm nhận ra ngay đó là một vọng tưởng rồi bỏ qua thì không sao, bệnh liền hết. Nhưng nếu trong sự suy nghĩ có kèm theo cái Ta thì bệnh nặng hơn, vì con virus đã nằm trong tâm rồi.

Thí dụ:

1) Tâm khởi nghĩ: “chà sao hôm nay buồn quá”.
2) Tâm khởi nghĩ: “chà sao hôm nay ta (tôi, mình) buồn quá”.

Trong thí dụ 1) không có chủ từ, nên không biết là ai buồn hay cái gì buồn? Có thể là tâm buồn, ta buồn hay cảnh buồn, vì chủ từ không hiện rõ.

Trong thí dụ 2) có chủ từ rõ ràng, đó là Ta. Trong câu này có tới hai thứ: Ta và buồn. Tâm đã tạo ra một cái Ta và cho là cái Ta buồn. Nếu nhìn kỹ hơn thì tâm không cần phải làm như thế, nó có thể đơn giản nghĩ: “chà sao hôm nay tâm buồn quá”. Nghĩ như vậy thì bớt đi được con virus Ta và bệnh sẽ nhẹ hơn. Vì thật ra tâm không buồn mà chỉ có một “ý nghĩ buồn” vừa khởi lên trong tâm. Giống như bầu trời và mây:

Khi bầu trời trong xanh, không có mây thì người ta nói: “trời đẹp”.

Khi bầu trời bị mây che lấp thì người ta nói: “trời xấu”. Nói như vậy đa số ai cũng hiểu và đồng ý, nhưng đó không phải là một nhận thức đúng như thật. Vì thực tại chỉ có trời mây hoặc không mây. Mây là một sự thật, còn đẹp xấu là một lớp vọng của tâm thức gán cho cảnh vật. Khi trời không mây thì tâm gán vào đó một nhãn hiệu “đẹp”. Khi trời bị mây bao phủ thì tâm gán vào đó nhãn hiệu “xấu”. Tâm không còn thấy mây mà chỉ thấy những vọng tưởng xấu đẹp do nó tạo ra.

Tâm giống như bầu trời hư không, còn các ý nghĩ, ý tưởng, ý niệm như: vui, buồn, đẹp, xấu, v.v... là những cụm mây khởi lên trong tâm, chúng không phải là tâm. Cái mê lầm lớn nhất của con người là tưởng những ý nghĩ, ý tưởng, ý niệm là tâm, là mình. Giống như trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-Nan cho cái hay suy nghĩ là tâm liền bị Phật quở. Do lầm tưởng những ý nghĩ phải, trái, đẹp, xấu, ưa, ghét, v.v...là tâm, là ta, nên chúng sinh quên mất cái tâm chân thật của mình mà trôi lăn trong sinh tử.

Mọi sự vật đều phải nương vào một nền tảng để phát sinh và hiện hữu. Giống như cỏ cây, sông núi, loài vật, và con người đều nương vào mặt đất (hay trái đất) mà sống và hiện hữu. Trái đất tuy cứng nặng nhưng phải nương vào hư không mà đứng trong vũ trụ. Hư không là nền tảng cho các hành tinh hiện hữu.

Cũng vậy, các ý nghĩ, ý niệm, ý tưởng, và tâm hành khởi lên thì nương vào đâu mà khởi? Các ý niệm phát sinh và khởi lên được vì có một khoảng không gian cho chúng. Không gian ở đây chính là không gian tâm. Nếu tâm không có chỗ trống (empty) thì làm sao các ý tưởng, vọng tưởng khởi lên được? Cái khoảng không gian tâm trống rỗng thường được gọi là chân không. Chân không cũng là một bổn tánh của tâm.

Bản ngã rất khó trừ

Tâm bất giác vô minh tạo ra cái Ta rồi cho cái Ta là nó (tâm). Cái Ta (bản ngã) trở thành một ký sinh trùng của tâm và nằm ngay trong tâm nên rất khó trừ.

Giống như người nghiện rượu. Ban đầu không biết uống rượu, nhưng tập dần rồi thành nghiện, khi nghiện rồi thì rất khó bỏ vì nó trở thành một tánh mới của mình. Không uống rượu thì miệng khô, cổ khát, trong người bứt rứt khó chịu vô cùng. Người nghiện rượu đã quên mất cái tánh ban đầu (bổn tánh) của mình là không nghiện rượu. Cai rượu tức là tập trở về cái tánh không nghiện ban đầu.

Tướng tùy tâm sinh

Ban đầu tâm khởi vọng tạo ra cái Ta trong ý tưởng, kế đó tâm tạo ra thân để cho cái Ta nương vào hiện hữu. Chính tâm tạo ra năm uẩn, năm lớp vọng tưởng kiên cố. Thức uẩn là lớp vọng tưởng điên đảo vi tế thứ nhất, hành uẩn là lớp vọng tưởng vi tế thứ hai, tưởng uẩn là lớp vọng tưởng thứ ba, thọ uẩn là lớp vọng tưởng thứ tư, và sắc uẩn là lớp vọng tưởng kiên cố ù lì thứ năm. Do đó thân hình của ta đẹp hay xấu, cao hay thấp đều do tâm làm chủ. Sách tướng có câu “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”, tướng giàu sang hay nghèo hèn đều từ tâm phát sinh. Người có tâm tốt thì những chủng tử tốt sẽ tạo ra một thân thể đẹp đẽ. Người có tâm xấu thì những chủng tử xấu sẽ hiện hành ra một thân thể xấu xí. Nói đúng ra tướng người là do nghiệp sinh, và nghiệp là do tâm tạo nên nói tướng tùy tâm sinh. Ngay cả đời này lỡ có tướng xấu vì đời trước tạo nghiệp ác, nhưng bây giờ hiểu đạo biết tu tâm sửa tánh thì hình tướng cũng từ từ thay đổi. Trước kia là kẻ gian ác mà nay biết hồi đầu tu hành, từ từ tướng mạo trở nên đoan nghiêm, dễ mến (tướng hảo quang minh). Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp là do ngài tu hành trải qua vô lượng kiếp, tích tụ công đức, phước huệ đầy đủ, nên tâm tạo ra một thân hình trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp đẽ.

Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt, kinh thứ 135 của Trung Bộ Kinh, đức Phật nói:

Người sống lâu là do đời trước có tâm từ bi, không sát sinh, thường cứu mạng chúng sinh.

Người chết yểu là do đời trước có tâm ác độc, thường giết hại chúng sinh.

Người có thân thể khỏe mạnh là do đời trước không não hại chúng sinh, thường chăm sóc kẻ bệnh hoạn.

Người có thân thể ốm đau bệnh tật là do đời trước thường não hại, đánh đập chúng sinh.

Người có thân hình xinh đẹp là do tâm dịu hiền, nhu nhuyến, không sân hận.

Người có hình tướng xấu xí là do tâm xấu ác, sân hận, ganh tị, bất mãn, thâm độc.

Tâm, ta, phiền não

Bình thường mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta thường đổ lỗi cho người hoặc hoàn cảnh bên ngoài và không biết rằng nguyên nhân chính là tâm.

Khi tâm khởi lên cái Ta thì tức khắc sinh ra năng và sở, ta và người (nhị nguyên). Tâm tự đồng hóa với cái Ta (năng duyên), còn những gì ngoài cái Ta đều thuộc về cảnh (sở duyên), tức là người và sự vật.

Mọi phiền não đều bắt nguồn từ sự trái ý Ta. Khi Ta muốn cái này cái kia mà không được như ý thì Ta giận tức, buồn phiền, ganh tị, v.v...

Khi cái Ta khởi lên trong tâm, nó liền ngăn che bổn tánh thanh tịnh của tâm, nên gọi là sở tri chướng.

Khi cái Ta tiếp tục hiện hữu trong tâm thì nó khởi đủ loại ý niệm ích kỷ, ngã chấp, ngã kiến, ngã ái, sinh ra phiền não khổ đau làm chướng ngại sự bình an vắng lặng của tâm, nên gọi là phiền não chướng.

Vì có Ta nên mới có ái dục, nếu không có Ta thì ai yêu, ai ghét? Ai thích tình dục? Ai thích ngũ dục? Ai thích dục lạc? Ai thích ăn thịt, uống rượu?

Vì ái dục nên Ta luôn ham muốn, thèm khát, tạo nghiệp và trôi lăn trong sinh tử.

Muốn giải thoát sinh tử thì phải đi ngược dòng. Muốn diệt trừ ái dục thì phải diệt trừ cái Ta (ngã). Muốn diệt trừ cái Ta thì phải trở về tâm (hay chân tâm).

Nghi vấn

1. Nếu tất cả cảnh và người đều là mộng vậy nếu làm ác như giết người thì có tội không? Luật nhân quả còn đúng không?

- Trong cơn mộng, khi bạn thấy mình bị đánh đập chửi rủa thì bạn có đau đớn khổ sở không? Tất cả tuy là mộng, không thật có, nhưng những hành động trong đó vẫn gây ra khổ đau và sung sướng. Vì thế những hành động nào gây khổ đau cho mọi người là ác nghiệp, gây hạnh phúc cho kẻ khác là thiện nghiệp. Trong giấc mộng, bạn giúp đỡ ai thì người đó hoan hỷ cám ơn bạn, nếu bạn đánh chửi người thì bị người đánh chửi lại. Luật nhân quả vẫn đúng trong giấc mộng.

2. Con người chết đi về đâu?

- Con người gồm có thân và tâm. Chết là sự ngưng thở và tan rã của thân. Còn tâm không đi không đến. Thân chết, nhưng tâm không bao giờ chết.

Thí dụ: ban đêm ngủ nằm mộng, tôi thấy tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Sau đó khoảng 70 năm tôi chết và tái sinh ở Mỹ. Sống ở Mỹ 50 năm tôi chết và tái sinh ở Pháp. Đang sống ngon lành ở Pháp được 30 năm thì bỗng nhiên đồng hồ báo thức reng lên làm tôi tỉnh dậy. Thế là 70 năm ở Việt Nam, 50 năm ở Mỹ và 30 năm ở Pháp bỗng tan theo mây khói, không còn một chút dấu vết. Như vậy thì tôi có thật sống ở Việt Nam và chết đi qua Mỹ không? Tôi có thật sống ở Mỹ rồi chết đi qua Pháp không?

Trong giấc mơ tôi thấy rõ là tôi chết ở Việt Nam rồi sinh qua Mỹ. Sau đó chết ở Mỹ và sinh qua Pháp. Nhưng thật ra tâm không hề đi qua Việt Nam rồi đi qua Mỹ, qua Pháp. Tâm đã tạo ra những cảnh giới, quốc độ, và tạo ra một nhân vật chính để đồng hóa vào đó.

Mỗi một kiếp sống là một giấc mơ dài (đại mộng), một sự phóng chiếu của tâm (mind’s projection).

3. Tại sao tâm lại phóng chiếu?

- Vì đó là bản chất năng sinh năng khởi của tâm. Bổn tánh năng sinh vạn pháp (xem chương trước). Tam giới duy tâm. Tâm không bao giờ ngưng hoạt động. Nếu tâm ngưng hoạt động dù chỉ một giây thôi thì cả thế giới vũ trụ này đều tan biến.

Khi ngủ mê (không mơ) hay chết giấc thì đó chỉ là sự ngưng hoạt động của ý thức, chứ A-lại-da thức và Mạt-na thức vẫn hoạt động. A-lại-da thức duy trì căn thân và thế giới. Mạt-na thức duy trì bản ngã (cái Ta).

Tâm năng khởi, phóng chiếu, tạo ra những giấc đại mộng (kiếp sống) để thu tập những đức tính và kinh nghiệm sống. Tâm là chủ nhân vẽ ra vở kịch và chính nó tự biên tự diễn. Nếu trong kiếp sống này bạn là người đau khổ, hay tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn, v.v...đó là do kiếp trước tâm của bạn đã khởi lên những tư tưởng tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn, để rồi kiếp này tâm của bạn tạo ra một người (đó là bạn) để đóng vai tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn. Cũng trong kiếp sống này, nếu bạn tỉnh ngộ nhận ra mình đau khổ vì tâm vô minh, không hiểu biết, đã ngu si dại dột nuôi dưỡng những ý tưởng tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn thì bạn quyết chí thay đổi tâm mình. Khi tâm thay đổi thì con người (chánh báo) và hoàn cảnh (y báo) sẽ thay đổi, sớm thì ngay trong kiếp này, trễ thì kiếp sau.

Cứ thế trải qua bao kiếp sống, tâm tiếp tục tạo ra y báo và chánh báo, tức là tạo ra cảnh giới và một cá nhân để tu tập thăng hoa hoặc phóng túng trầm luân.

Nếu phóng túng, không hiểu đạo, không biết trở về bổn tánh thì tâm tiếp tục tạo ra những y báo khổ đau như sáu cảnh luân hồi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu-la, trời) và tạo ra thân một chúng sinh (nhục thân) để cảm thọ những khổ đau đó.

Nếu hiểu đạo, tu tập, từ bỏ tập khí chấp ngã, ích kỷ thì dần dần tâm trở thành trong sáng (thanh tịnh). Khi tâm thanh tịnh thì nó vẫn tiếp tục tạo ra một y báo thanh tịnh, đó là cảnh giới tịnh độ của chư Phật và Bồ tát, và một chánh báo thanh tịnh, đó là thân Phật hay thân Bồ tát.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.19.136 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (145 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...