Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Bức Thành Biên Giới »» Chương Ba. »»

Bức Thành Biên Giới
»» Chương Ba.

Donate

(Lượt xem: 1.207)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bức Thành Biên Giới - Chương Ba.

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phúc lái xe vào sân, cho xe nấp dưới bóng cây vú sữa rồi ra sau hòm mở cửa khênh vào nhà một giỏ lớn toàn các thứ hoa quả trong vườn chàng đã mang từ Vĩnh Long lên.

- Quà của chị Hai gửi cho các cô đấy.

Mai Khanh đang ăn, vội vàng đứng dậy mừng anh, giúp anh mở giỏ hoa quả, gọi u già lấy mâm sắp lên, xuýt xoa rối rít vì quả nào cũng còn tươi, nhìn qua những chiếc lá xanh mướt còn dính đằng sau cuống.

- Khiếp, chị Hai xếp cẩn thận quá, chẳng có quả nào bị nát cả.

- Chuyện, người ta con gái nhà vườn mà lại. Khanh phải thấy tất cả tấm lòng ở trong đấy nhé, không có lòng đố ai xếp khéo như vậy.

Cụ Lộc cũng ngừng ăn, đến nhìn mấy quả mãng cầu chưa chín nhưng gai đã lớn gần muốn nứt ra, bên dưới có một lớp cam, rồi đến mấy quả dừa với mấy trái thơm, tất cả đều chọn toàn thứ ngon lành mập mạp nhất.

Kỳ này Phúc lên Sài Gòn để đón cha và hai em gái xuống xem mặt chị dâu. Từ mấy tháng nay Phúc xuống thầu ở Vĩnh Long, do Phúc làm quen với một gia đình người Nam. Từ quen, đến mến, đến thân, đến yêu và bây giờ tính chuyện trăm năm chẳng có là bao xa.

Lưỡng Nga, người con gái miền Nam này đã mang cho Phúc những gì mà mười lăm năm nay, từ độ bị thất vọng vì tình lần thứ nhất Phúc không hề tìm thấy bên cạnh một người đàn bà nào khác.

Nga có cửa tiệm tạp hóa, mỗi ngày Phúc đến mua hàng ở đấy, ban đầu chỉ quen nhau như chủ tiệm với khách hàng nhưng dần dần vào độ hai tháng sau, cảm tình ngày một nảy nở.

- Thầy Hai.

Nga gọi Phúc như thế sau khi hỏi thăm gia đình và biết rằng Phúc là con lớn nhất trong nhà, tiếng “Thầy Hai” do miệng Nga nói sao mà nghe dễ thương đến thế. Phúc đã sung sướng nhận cái tên mới của mình không phải do cha mẹ đặt ra ấy.

Nga không có cái nhan sắc lộng lẫy kinh hồn như một số các cô gái Nam khi họ đã đẹp, nhưng Nga có cái thứ nhan sắc mặn mòi, càng nhìn lâu càng bắt mọi người phải lưu luyến.

Nhan sắc Nga đi đôi với cái tính hồn nhiên nhưng rất đứng đắn của nàng. Nga ở với mẹ và hai em, cha chết từ ngày khởi cuộc đánh nhau, mẹ nàng phải một mình tần tảo nuôi các con. Vì thế Nga chỉ theo học đến hết ban trung học thì nghỉ ở nhà để giúp mẹ buôn bán nuôi các em. Năm nay Nga đã hai mươi chín nhưng trông chỉ độ hai mươi mốt, nhiều lắm là hai mươi hai. Có lẽ vì nụ cười rất tươi và rất chân thành với đôi mắt đen ngơ ngác cho người ta cái cảm tưởng ấy.

Nhiều thanh niên từ mấy tỉnh xa đến xin cưới nhưng Nga nhất định từ chối, chỉ vì ngày bé có một lần đi xem bói cùng mẹ, ông thầy bói bảo rằng chồng Nga phải là người tuổi Hợi từ đường bể vào mới là đúng số. Từ đó Nga lần lữa mãi, nhất định chờ cho được người tuổi Hợi, cố nhiên phải là người ở tuổi Phúc chứ nếu Hợi mà cách một giáp, nhỏ tuổi thua Nga thì sẽ bị nàng xem như em bé.

Mấy hôm đầu gặp Phúc, Nga tưởng rằng Phúc có vợ con rồi, đọc trong các sách báo miền Bắc, nghe kể những chuyện cha mẹ đi cưới vợ cho con trai ngay từ khi các cậu lên bảy lên tám để có người lo việc gia đình, Nga tin chắc rằng ít nhất tuổi Phúc cũng phải có cả đàn con với bà vợ già hơn mười lăm hai chục tuổi, do đó Nga không hề để ý, chỉ xem Phúc như trăm ngàn người khách khác.

Một hôm mẹ Nga thấy Phúc đi mua cà phê bột với sữa hộp và xà phòng rửa mặt, bà cụ hỏi thăm:

- Sao thầy Hai làm việc lâu dưới này mà không tính chuyện thuê nhà đưa cô Hai xuống đây, có phải đỡ buồn không?

Bà cụ hỏi thăm vì thấy chiều nào, sau giờ nghỉ việc, Phúc cũng đến mua các thứ cần dùng rồi ngồi lại chuyện trò hỏi thăm những thắng cảnh, thổ sản ở Vĩnh Long. Hình như Phúc muốn trốn cái giờ hoàng hôn, sợ phải sống thui thủi một mình trong gian nhà trọ.

Nghe Phúc trả lời là chưa có vợ, làm cho cả hai mẹ con Nga đều ngơ ngác chẳng biết có nên tin, vì người Nam cho rằng mấy ông Bắc kỳ là chúa khôn ngoan. Họ bảo “vợ tôi khuất núi” tức là bà ấy hiện đang ở tỉnh khác, khuất sau mấy ngọn núi chẳng hạn.

- Ủa, vậy chứ thầy Hai năm nay bao nhiêu tuổi?

- Dạ cháu tuổi Hợi, năm nay vừa đúng ba mươi tám.

Nga nghe đến hai chữ tuổi Hợi, bỗng giật mình đứng sững cả người.

- Sao thầy Hai lại tuổi Hợi?

Nga ngây thơ hỏi mà không biết rằng câu hỏi của mình rất vô lý.

- Sinh vào năm Hợi thì phải chịu tuổi Hợi chứ biết làm sao được cô!

Người con gái xấu hổ cúi mặt sau câu trả lời của Phúc, và từ đấy Phúc nhận thấy Nga đối với mình kém tự nhiên mỗi khi vào mua hàng mà không có những người khách khác hoặc mẹ hay các em ở nhà trong. Tuy vậy, lắm khi Phúc lại bắt gặp Nga đang nhìn trộm mình, thế mà Phúc có nhìn lại thì Nga vội vàng quay đi, hoặc cúi đầu cắn môi e ấp.

Cũng từ đấy Phúc không còn thấy buồn nữa, nếu ví tâm hồn người như một cái sân và những ý nghĩ buồn chán là những chiếc lá khô rụng xuống mỗi khi gió đến, thì từ hôm ấy hình như có bàn tay ai đã mang chổi đến quét giùm cái sân nhà Phúc và cái sân trở nên quang đãng sạch sẽ hẳn ra.

Phúc đâm ra yêu đời, tưởng mình như mới hai mươi tuổi, những câu “trai già khó tính”, “trai già giống con lợn già” không còn làm cho Phúc bận lòng nữa.

Phúc cũng chẳng muốn tìm hiểu lý do vì sao, mỗi chiều làm gì thì làm, có bị các người quen mời đi nhậu ở đâu rồi cũng phải lái xe ngang qua hiệu tạp hóa, nếu hiệu tạp hóa còn mở cửa thì ghé mua một vật gì mà lắm khi những vật ấy về đến nhà, Phúc không mở ra vì chẳng cần dùng đến. Lệ thường vào quãng tám giờ là hiệu đóng cửa, nhưng về sau này, lắm khi đến gần chín giờ mà Phúc thấy cửa hiệu vẫn còn mở, Nga vẫn còn lăng xăng đứng lên ngồi xuống hoặc cộng sổ sách, hoặc khâu vá quần áo cho các em.

Có những đêm hai mẹ con ngồi nói chuyện với Phúc đến gần 11 giờ mà chẳng ai thấy buồn ngủ.

Mấy tuần lễ đầu, lắm bận Phúc nói mà Nga nghe không hiểu, hoặc Nga nói gì Phúc phải hỏi lại hai ba lần, nhưng từ độ sau, mỗi bên cố gắng một tí, bớt những chữ đặc biệt địa phương thì cả hai hiểu nhau rất dễ dàng, không cần giảng giải thêm nữa.

Khi đã cảm thông nhau rồi thì đến mấy cái vạn lý trường thành cũng bị sức mạnh mầu nhiệm đến phá vỡ tung ra cả, mẹ của Nga, bà Sáu, thường hay nói chuyện với hàng xóm:

- Thầy Hai Bắc coi vậy mà hiền lắm, suốt ngày đi làm việc rồi về nhà hoặc tới đây chơi chớ chẳng có đi ăn đi nhậu gì cả.

Ngày trước, mỗi tuần vào chiều thứ bảy, Phúc lái xe về Sài Gòn thăm cha với các em một lần cho bớt cô độc, nhưng từ độ sau này có khi cả tháng Phúc không thấy sự cần thiết phải về với gia đình nữa.

Chiều thứ bảy, Phúc đến ăn cơm ở nhà Nga, tập ăn những món canh chua cá lóc hoặc cá kho, thịt kho. Đồng thời Nga cũng mua những quyển sách gia chánh dạy nấu theo lối Bắc để làm cho Phúc ăn và cả nhà ăn theo, rất là vui vẻ đầm ấm. Sáng chủ nhật, Phúc đến đón Nga với các em đi vào vườn của Nga để hái hoa quả.

Những buổi sáng đẹp trời, nhìn Nga với các em tung tăng chạy từ cây này sang gốc cây khác, Phúc cũng bắt chước vác sào chạy theo. Những lúc ấy, Phúc hoàn toàn quên tất cả quá khứ và tương lai, quên ngay cả cái tuổi tác hiện tại của mình đáng lẽ phải đạo mạo như mọi người chứ đâu có vác sào chạy ngờ ngờ đi theo mấy cô bé, chú bé như vậy.

Phúc tưởng như cả mình lẫn Nga đều chỉ mới vào tuổi mười lăm mười bảy, những quả nào nằm trên cành dễ trèo thì Nga nhanh nhẹn trèo lên hái ném xuống cho Phúc bắt, lần nào Phúc bắt cũng trúng, Nga khen rối rít:

- Thầy Hai tài quá, em chịu thầy Hai luôn!

Những buổi đi chơi như thế đã giúp cho Phúc hiểu thêm Nga được nhiều hơn và càng ngày càng mến Nga hơn, chỉ mến thôi chứ trong lòng Phúc cũng chưa thấy gì khác. Nhưng rồi mùa sầu riêng đến...

Vĩnh Long không phải là nơi thổ sản của sầu riêng, nhưng nhà nào muốn cũng có thể trồng vài cây, trong gia đình Nga mọi người đều thích ăn nên đã cố gắng trồng rất nhiều để khỏi phải mua ở ngoài. Phúc bắt đầu yêu Nga chỉ vì một quả sầu riêng đầu mùa ấy.

Lần đầu tiên, Nga bổ trái sầu riêng ra mời Phúc ăn và nhìn Phúc bằng đôi mắt lo ngại. Phúc thường kể với Nga rằng, theo người Âu mỗi đầu mùa, khi họ ăn một thứ trái nào lần thứ nhất, họ sẽ cầu xin một chuyện và lời nguyện được thực hiện.

- Đây là sầu riêng đầu mùa, nếu thầy Hai ăn được sầu riêng thì thầy Hai sẽ sống được trong Nam này mãi mãi.

Cử chỉ và giọng nói chứng tỏ sự tha thiết cầu xin của người con gái, Nga đã cầu nguyện thay Phúc. Phúc cầm múi sầu riêng bỏ vào miệng ăn ngay, mặc dầu đây là lần thứ nhất từ khi vào Nam. Ăn xong Phúc khen:

- Ngon lắm, sao Nga lại sợ tôi không ăn được? Coi chừng Nga phải nhịn phần là đằng khác ấy chứ?

- Thiệt không thầy Hai, hay thầy Hai nói giả bộ cho em vui...

- Có bao giờ Nga nghe tôi nói giả bộ chưa?

Đôi mắt Nga không ngơ ngác như lệ thường mà rơm rớm khóc vì không giấu được sự cảm động. Phúc đặt múi sầu riêng xuống bàn, kéo Nga vào lòng hôn lên đôi mắt ướt át ấy, khẽ thầm thì vào tai người con gái:

- Lời nguyện của Nga đã thành đó thấy chưa, anh sẽ ở mãi trong Nam này với Nga, Nga có muốn không?

Nga gật đầu hơi mỉm cười, nàng nhắm mắt hoàn toàn đặt hết tin tưởng vào câu nói của người đàn ông tuổi Hợi mà nàng đã chờ đợi từ hơn mười năm nay bây giờ mới đến.

Phúc kể với Nga rằng ngày mới vào đây, ngửi thấy không khí thơm mà không biết mùi thơm ấy phát từ đâu, Phúc và các em đều tưởng rằng đó là mùi đất cháy, sau này có dịp đi ngang chợ mới biết đấy là mùi sầu riêng.

- Thế mà mãi hôm nay anh mới có dịp ăn, số mạng cả Nga nhỉ.

Nga cầm tay người yêu sung sướng, nàng kể câu chuyện tuổi Hợi cho Phúc nghe, và cả hai cùng tin rằng định mệnh đã ghi sẵn cho hai cuộc đời của họ phải nối liền với nhau, không thể nào tránh được.

Tính tình Nga ngay thật và tâm hồn trong trắng hình như nhờ cuộc sống bình dị, dễ dãi của đất miền Nam. Đất đai miền Nam phì nhiêu, lúa hai mùa không phải nhọc công cày bừa vất vả như ở miền Bắc.

Nhờ cuộc sống dễ dàng, người dân không bị những sự tranh đấu làm thay đổi cái bẩm tính chất phác của trời phú cho. Chỉ những nơi nào đất đai khô cằn chật vật khó khăn, nhiều sự cạnh tranh thì con người mới đâm ra khôn ngoan lừa lọc; đất miền Nam màu mỡ tràn ngập, con người đâu có thấy cần phải vận dụng đến những sự gian trá lừa lọc làm gì.

Một hôm Phúc hỏi Nga sao không lên Sài Gòn buôn bán, Nga trả lời:

- Sài Gòn ồn ào quá, em ngủ hổng được, xe chạy suốt đêm, lúc nào cũng tưởng như sóng vỗ mà không phải là sóng thật, mình cảm thấy bị xí gạt. Mỗi lần em đi Sài Gòn về là mất mấy ký, má cũng vậy, ở đây quen rồi em hổng thích đi đâu cả.

- Nhưng Sài Gòn nhiều chỗ ăn chơi, xi-nê rạp hát mở suốt ngày, Nga còn trẻ tuổi mà không thích những thứ đó sao?

- Em đâu có ham, chen vô đám đông là em ghét rồi, sống gì mà cứ phải chạy theo thời gian như bị ai đuổi sau lưng.

Những người con gái biết đô thị mà chẳng say mê thèm khát đô thị như thế, không phải đã chứng tỏ một sự khôn ngoan, bẩm tính của thiên nhiên phú cho họ đó sao?

Từ trước đến nay Phúc vẫn là kẻ không có óc kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, chàng thường gọi sự phân chia Bắc Nam là một sự thiển cận. Xứ Việt Nam từ trước đến sau hết bị người Trung Hoa đến người Pháp cai trị, những kẻ đến cai trị muốn cho công việc được dễ dàng nên đã đặt sự phân chia ấy. Khi đã phân chia ra rồi thì tự “chúng nó” ghét lẫn nhau, mà đã ghét nhau thì không thể nào đoàn kết.

Các quan cai trị không sợ gì cho bằng sự đoàn kết của một dân tộc, “chúng nó” chia rẽ nhau thì chẳng khác gì một bó đũa được lấy ra từng chiếc, tha hồ bẻ năm bẻ ba, dễ dàng biết mấy.

Người Việt Nam lúc nói lên những lời lẽ phân chia đâu có ngờ rằng mình đã mắc mưu những kẻ thống trị. Ngày di cư vào Nam, ai lo thì lo chứ Phúc chẳng bao giờ thấy lo ngại gì cả, chàng còn hứa rằng mình sẽ vào Nam cưới vợ; nếu nhà vợ có chê mình là “cọc cạch”, “cá rô cây” thì mình sẽ ở thế nào cho họ thấy rằng “cá rô cây hay cọc cạch” cũng chỉ nói một thứ ngôn ngữ, ăn chung một thức ăn, gạo và nước mắm, nhất là nước mắm, món ăn chính của người dân Việt không tìm thấy ở một nước nào khác trên thế giới. Và trên giấy tờ cùng khai chung mấy chữ “dân Việt Nam”. Đất đai từ ải Nam Quan cho đến Cà Mau cũng là do một tổ tiên, những người nói chung một thứ tiếng Việt, ăn nước mắm ấy đã tranh đấu, đã dổ bao nhiêu xương máu mới vẽ lên được cái hình chữ S trên bản đồ ngày nay.

Phúc đã hứa và đã thực hiện đúng lời hứa của mình.

Cả nhà gọi Nga bằng chị Hai vì Nga cũng là con gái lớn nhất trong gia đình, chỉ có Phúc gọi bằng Nga, chàng cho cái tên Lưỡng Nga của nàng là đặc biệt hơn tất cả những tên khác. Về sau khi đã trở nên thân mật, Phúc còn đọc cả câu thơ dài mỗi khi gọi người con gái: “Nga nga lưỡng nga nga đâu rồi?”

Phúc thầm khen ông bố của Nga đã biết chọn tên cho con chứ không làm biếng tìm những chữ mà mọi người vẫn dùng, hoặc những thứ tên hoa lý, lài, lan, huệ, cúc v.v... dể gọi con cho giống với lối xóm và dễ nhớ.

Ngồi trên xe Phúc khoe với các em:

- Mỗi một cái tên không thôi mà nghe đã có cảm tình rồi, khi gặp chị ấy các cô sẽ đồng ý với anh và sẽ hiểu anh ngay, hiền lành và ngoan ngoãn... Con gái phải thế mới được.

Cụ Lộc lim dim mắt ngồi gật gù sau xe, mấy tháng đầu lúc nghe Phúc báo tin chàng có ý định cưới một cô gái Nam về làm vợ, cụ hơi lo ngại không biết rồi Bắc Nam có đủ sức hiểu nhau? Liệu có ăn ở với nhau được lâu dài hay là trống đánh xuôi kèn thổi ngược mà vẫn phải đóng kịch để sống cho hết cuộc đời thì khổ cả hai bên.

Dần dần Phúc giảng giải về sự thiển cận của những kẻ có óc kỳ thị. Phúc gọi họ là những con ngựa bị che mắt chỉ biết một lối về chuồng, sao gọi là tự do và thông minh. Thêm vào đấy nhờ có một vài đám quen biết cũng là Nam Bắc mà vẫn thuận hòa được với nhau làm cho cụ bớt lo ngại.

Nhất là từ thuở bé cụ chưa nghe con trai ca tụng một cô gái nào, thế mà bây giờ cậu cả không ngừng nhắc đến người yêu, chắc hẳn cô gái phải có gì đặc biệt lắm.

Mai Khanh hoàn toàn tán thành hôn nhân của anh, nàng sẵn sàng mở vòng tay đón nhận người đàn bà nào có thể làm cho anh mình sung sướng, để cho cuộc đời anh về già bớt cô đơn. Trái lại Mai Hương vẫn còn thắc mắc. Ngay từ đầu, nàng đã tỏ vẻ lo ngại, nàng lo có một người đàn bà khác vào nhà thì nàng sẽ bị đẩy lui khỏi tâm hồn của anh chăng?

Mai Hương đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho gia đình, tuy không tỏ ra ý gì nhưng trong thâm tâm người con gái ấy cũng muốn gia đình phải trả lại cho mình bằng cách không ai được phép đi tìm hạnh phúc ở một nơi khác. Nghĩa là cụ Lộc không có quyền chơi bời dan díu với một người đàn bà khác. Mai Khanh không có quyền lấy chồng và hai anh không có quyền lấy vợ.

Mai Hương viện hai lý lẽ để chống đối, thứ nhất là Nga không có đạo, lấy vợ không có đạo thì sau này con cái nó cũng theo mẹ, thế là dòng họ không được sự che chở của ơn trên. Thứ hai nàng là con gái miền Nam, làm sao biết những phong tục tập quán, những mùi vị bếp nước của người miền Bắc.

Người chị dâu đã trả lời cô em chồng một cách gián tiếp là nàng sẵn sàng theo đạo, học kinh rửa tội, tin tưởng tất cả những gì mà người yêu mình tin tưởng. Lý do thứ hai, Phúc bảo, từ hơn mười năm sống ở Bắc tức là quê hương xứ sở, mà có cô gái nào đã chiếm được tâm hồn Phúc đâu. Khi đã thành thật yêu thương nhau thì dẫu có khác màu da, khác tiếng nói, khác tất cả mọi thứ, người ta cũng vẫn có cách để dung hòa, để theo nhau hoặc tha thứ cho nhau. Ngày nay, Nga và chàng đã yêu nhau thì chẳng còn lý do gì cản được.

Khi thấy cả nhà đều ngả về Phúc, nhất là hai anh em Thọ và Mai Khanh lại còn giục anh nên cưới gấp cho vui nhà vui cửa, Mai Hương đành lùi bước, nhưng từ đấy nàng khép chặt tâm hồn, không phát biểu ý kiến gì nữa cả.

Mỗi lần Nga gửi hoa quả lên, nhất là sầu riêng, chỉ có ba anh em Phúc, Thọ và Mai Khanh ăn, Mai Hương không hề động đến, viện cớ này cớ khác, với quả sầu riêng thì nàng bịt mũi chạy xuống bếp trốn, đợi cả nhà ăn xong mới lên. Đến cái vỏ sầu riêng nàng cũng bắt u già phải gói kín rồi mới mang chôn đi hoặc đổ ở đống rác nào thật xa.

- Cô không ăn thì anh ăn hết vậy.

Thế là Phúc ăn trọn phần của cô em gái, chàng lại còn dùng giọng Nam để khen như chàng vẫn hay khen với Nga.

- Ngon quá xá, sau này có con gái anh sẽ đặt tên nó là Phạm thị Sầu Riêng, các cô có đồng ý không?

- Hay đấy anh Phúc, em đồng ý, nhưng có lẽ nên bỏ chữ thị đi, gọi là Phạm Lưỡng Sầu Riêng, mẹ là Lưỡng Nga Nga, con là Lưỡng Sầu Riêng, đẹp biết mấy.

Nghe Mai Khanh trả lời anh, Mai Hương gắt gỏng hỏi lại:

- Sao lại Lưỡng Sầu Riêng, một quả chưa đủ gắt um nhà lên rồi sao còn đòi những hai quả, ai chịu cho nổi, mà chữ sầu riêng nghe buồn chết đi, sầu là buồn, riêng là một mình. Sầu riêng là buồn một mình, tên đó xúi quẩy lắm.

- Chị Hương nói lạ chưa, em không tin là cái tên đó xúi quẩy, nó mang tính chất dân tộc thuần túy Việt Nam, em cho nó là đẹp nhất, hơn tất cả những cái tên khác mà chúng ta vẫn thường bị nghe.

- Tùy đấy, đẻ thêm vài đứa gọi là Lưỡng Măng Cụt, Lưỡng Mãng Cầu, Lưỡng Chôm Chôm, Lưỡng quýt, mít, xoài, ổi luôn đi, đặt đủ cả cái vườn trái cây nghe cho đã thèm.

Phúc và Mai Khanh ngơ ngác nhìn Mai Hương, không ngờ nàng lại có thể mỉa mai cay cú như vậy. Nhưng rồi cũng chẳng ai lên tiếng trách móc, biết rằng người con gái ấy cảm tình còn chất phác, cho rất nhiều nhưng đòi hỏi lại cũng rất nhiều.

Không nói ra, nhưng mọi người đều hiểu rằng vì tâm hồn Mai Hương quá trống trải, chưa một lần yêu và được ai yêu, ngày nào người con gái ấy có một hình ảnh để ấp ủ, ngày nào được làm vợ, làm mẹ thì nhất định là Mai Hương sẽ thay đổi quan niệm, không mỉa mai chua chát như thế nữa.

*********************
 

Bà Hải xuống xe, trả tiền rồi đứng đợi con Lài khênh giỏ quà theo sau, có tiếng chó sủa và một cô bé ở chạy ra đuổi chó.

- Bà Phủ có nhà không đó chị Sen?

- Dạ, bà con có nhà.

Cô bé ở nhà bà Phủ Ninh vừa đáp vừa chạy vội ra mở cửa nhà trên để đón khách.

- Chị Sen lấy cho tui mượn cái khay đi.

Buổi thăm viếng hôm nay, theo ý bà Hải chỉ là một cuộc thăm viếng xã giao, hơi có tính cách quan trọng hơn ngày thường một tí thôi, chứ chưa phải là một sự bỏ hàng rào thưa, hàng rào dày gì cả. Bà muốn đợi con về để bàn bạc rồi đi xem tuổi tác của hai đứa trước khi tính những chuyện quan trọng khác. Tuy vậy trong lòng người mẹ cũng đã chắc hết bảy phần mười rằng Vinh sẽ bằng lòng cô con gái của bà Phủ, và Đoan Trang nếu gặp lại Vinh sau này sẽ thương ngay đứa con trai quý của mình.

Từ hai năm nay bà Hải đã nhắm khắp các nơi quen biết mà chỉ thấy có cô gái này xứng đáng làm dâu nhà mình nhất. Không phải vì khó tính nhưng bà Hải còn thuộc phái cổ, sợ những cô gái quá đẹp, quá tài hoa thì sẽ không phải là những người vợ và người mẹ của con, của cháu mình chăng? Đa tài thì đa lụy, trời đã sinh ra thế, vả lại sự giao thiệp của bà cũng chỉ giới hạn, làm sao mà biết cho khắp.

Tết nay Vinh sẽ về ăn tết với gia đình, hiện giờ Vinh đang tập sự ở một phòng luật sư và đồng thời đi dạy học thêm nên rất bận, chỉ có Tết mới được nghỉ. Bà Hải cũng không muốn cho con trở về Huế ở lâu, vì xứ Huế độ này không phải như độ trước. Vị Lãnh chúa đã thống trị và những tên bộ hạ thường dùng uy quyền để áp bức, bà Hải sợ Vinh quen thói tự do ở nước ngoài, về quê nhà nếu gặp những sự gì bất công mà thốt ra những lời phê bình thì rồi có khi nguy. Một ông thầy bói cũng có dặn bà đừng nên để cho Vinh về, sợ có những sự tai bay vạ gió không lành. Miễn Vinh trở lại quê hương mà bình yên mạnh khỏe là người mẹ mừng lắm rồi. Thằng con trai đỗ đạt mà không có đầm đìa, bà Hải còn ước mong gì hơn.

Có những người mẹ khác thương con cho mình, nhưng bà Hải không thế, bà thương con vì con, nên không đòi hỏi và không bực tức. Cảm tình lên đến cái độ ấy mới thoát khỏi sự xiềng xích, làm đau khổ cho cả hai bên, người cho và người nhận.

Bà Hải và bà Phủ Ninh, mẹ của Đoan Trang quen biết nhau từ lâu, từ ngày ông Hải còn làm Quản đạo ở tỉnh K., ông Phủ Ninh làm việc dưới quyền ông Hải, sự đi lại với nhau bắt đầu từ đấy.

Bà Phủ Ninh độ ấy còn gọi là cô Nghè Ninh, nổi tiếng là khéo ăn, khéo ở, khéo làm. Mỗi khi trong đạo có lễ lạt tiệc bàn gì, thế nào cô Nghè cũng chịu khó thu xếp công việc nhà mình để vào làm giúp suốt mấy ngày từ sáng đến tối.

Đặc biệt nhất là cô Nghè Ninh không bao giờ vào làm giúp mà quên mang theo một con dao bén, một tấm thớt nhỏ và một cái khăn lau tay.

Biết rằng nhà có cỗ bao giờ cũng thiếu các thứ ấy, đây là ba vật rất quan trọng. Nếu chỉ mang cái tài khéo léo của mình đến mà thiếu dụng cụ thì khéo đến mấy cũng chỉ có giương mắt ra mà nhìn như bác thợ hồ không có cái bay, thợ mộc không có bào có đục. Cỗ bản xứ ta lại có cái lối món gì cũng phải thái mỏng, phải cắt nhỏ, phải băm vụn, thiếu tấm thớt con dao thì lấy gì mà làm?

Ngày ấy mỗi khi thấy bóng cô Nghè Ninh vào đến cửa là bà Hải yên trí, chỉ cần nói sơ qua ý mình muốn những món gì, cái gì đã làm xong, cái gì cần tiếp tục, rồi thì có thể giao cho cô Nghè, còn mình lên sửa soạn bàn ghế, xếp dọn ở nhà trên. Tính nết cô Nghè lại vui vẻ, làm quần quật suốt ngày mà luôn luôn tươi cười, không ai hề nghe một câu gắt gỏng. Như thế bảo ai mà không quý chuộng.

Ngày nay bà Phủ Ninh đã ngoài bốn mươi, gần lên đến năm mươi rồi mà lúc nào cũng diêm dúa, đầu tóc vẫn dài óng mướt, búi gọn gàng. Đối với người ăn người làm, với cả họ hàng bà con láng giềng không ai bị mất lòng, trong gia đình thuận thảo. Nhắm con gái người ta hay nhìn qua bà mẹ, căn cứ vào đấy thì Đoan Trang là một cô gái mà tất cả các bà mẹ có con trai đều có thể yên lòng đến xin cưới về làm dâu nhà mình, mẹ như thế tất nhiên con gái cũng phải như thế.

Biết nhau từ thuở nào nhưng ngày ấy chẳng ai nghĩ gì vì cả hai cô cậu còn nhỏ, nhất là hôn nhân không bao giờ nên tính trước. Độ sau này Đoan Trang lớn, mỗi lần nàng theo mẹ đến nhà hoặc có khi mang quà đến biếu, bà Hải mới bắt đầu chú ý đến cô con gái ấy.

Đoan Trang có dáng đi khoan thai, nói lên sự phong lưu sau này, không còm như bà lão phải vác bó củi nặng trên lưng, cũng không cứng ngắc như cái cột nhà có bánh xe đẩy ở dưới. Dáng đi rất cần thiết, theo ý bà Hải, chỉ nhìn cái dáng đi là có thể đoán tương lai của cô gái và của cả chồng cô sẽ ra thế nào. Mặt mày Đoan Trang phúc hậu, da trắng, tóc dài và rậm, chứng tỏ một sức khỏe dồi dào, đôi mắt đẹp nhưng không sắc sảo, lẳng lơ, tình tứ quá. Cái mũi kín đáo tức là sau này sẽ biết giữ của và sẽ nắm được của trong tay. Người nào có cái mũi vừa mỏng vừa hênh hếch lên, đi dưới trời mưa tưởng như nước mưa có thể chảy ướt vào tận bên trong thì tướng người ấy không chết non cũng nghèo hèn xơ xác. Đã hết đâu, còn cái miệng, cô nào mà khóe miệng chảy xuống thì sau này chỉ có mếu với khóc, hết khóc chồng đến khóc con suốt cả đời.

Tất cả đều xuất lộ chân tướng con người. Đoan Trang còn chăm học, sau này các con nàng sinh ra sẽ không mắc cái chứng lười biếng. Về nhà, bà Phủ còn dạy thêm công việc bếp nước, cưới loại con gái này được tức là nhà có phúc.

Bà Phủ gặp bà Hải vội hỏi thăm ngay tin tức cậu con trai, sau khi nhìn qua khay quà, không phải thứ quà trong vườn thân mật mà thứ lê táo với cam tàu mua đắt tiền ở ngoài hiệu, chứng tỏ dụng ý và sự quan trọng của cuộc viếng thăm.

- Cậu Vinh về lâu rồi mà răng không ra Huế chơi?

- Cháu phải đi làm, với lại tình thế ni ra Huế cũng không có lợi chi, nhà tui đang xin nghỉ việc để dọn vô Sài Gòn ở với cháu nhưng xin chưa được phép, thành ra Tết ni chắc cháu sẽ ra thăm.

- Cụ tài rứa chớ em mới xa cỡ một hai năm, mà về chưa được gặp thì em cũng không chịu được. Chừ chắc cậu Vinh lớn lắm.

- Ở bên Tây uống sữa tươi thay nước, ăn hoa quả thay cơm không lớn răng được, bóng cháu gởi về tụi tui nhận không ra.

Bà Hải rút trong ví lấy tấm ảnh của Vinh mới gởi về do Hoàng chụp, hai bà trầm trồ khen ngợi nhưng mỗi người theo đuổi một mục đích của mình.

Đoan Trang nhẹ nhàng mang khay trà ra đặt ở trước mặt mẹ và khách, rồi cất tiếng mời lí nhí:

- Cụ xơi nước, mạ... nước...

Thấy mái tóc cô gái xòa xuống mặt, bà Hải đưa tay ra, vuốt lên hộ khi cô gái đang cúi đặt tách nước gần mình, cử chỉ thân mật như mẹ đối với con gái, vừa vuốt tóc Trang bà vừa hỏi thăm:

- Trang năm ni thi ra chưa con?

- Dạ cuối năm ni con thi ra.

- Thôi học vừa vừa, rứa đủ lắm rồi, con gái học chi nhiều, sau chồng hắn sợ, đàn ông hay sợ thứ đàn bà học cao lắm đó.

Ba Phủ nghe nói thế vội tán thành ngay:

- Dạ em cũng nói luôn như rứa, con gái học tới cái bằng cấp tú tài đôi là đủ quá rồi, lấy chồng cần biết coi sóc nhà cửa, cần biết nuôi dạy con chớ chữ nghĩa vô đó có ích chi.

- Phải lắm, bằng cấp chữ nghĩa cho nhiều mà cơm không lành canh không ngọt thì chồng hắn cũng bỏ đi kiếm người khác.

Đoan Trang nghe mẹ mình và bà Hải nói, nàng chỉ cúi đầu mỉm cười không cãi lại tuy rằng ý kiến nàng khác hẳn. Đàn ông ngày nay không còn giống đàn ông ngày trước, vấn đề ăn uống, con cái đối với họ không quan trọng nữa. Thiếu gì các bà nội trợ đảm đang mà rồi cũng bị các ông chồng bỏ bê đi tìm đến những người khác kém hơn. Hình như người đàn ông ngày nay cần một sự hành hạ tâm hồn, họ thích đến với những sự gì làm họ quay cuồng điên đảo. Một sự tự đánh đập mình làm cho mình đau khổ tinh thần, thứ mà Trang gọi là “masochisme moral”, như thế họ mới thích thú. Nhìn ra chung quanh Trang gặp rất nhiều trường hợp ấy, do đó mà nàng thấy quan niệm ngày nay đã thay đổi.

Nhưng đấy là những ý kiến riêng của Trang, chẳng mấy khi nàng dám đưa ra, nhất là với thế hệ của mẹ, của bà Hải thì làm sao các cụ có thể hiểu nổi, nói ra các cụ sẽ cho rằng hắn học nhiều nên hắn loạn óc.

Cũng như mẹ, Đoan Trang chỉ cần nhìn cái mâm quà của bà Hải là nàng hiểu ngay ý định bà cụ đến đây với mục đích gì, và nàng cũng biết rằng mẹ mình sung sướng lắm.

Đêm hay ngày, mỗi khi cúng quảy hoặc mỗi chiều thắp hương, bà Phủ Ninh chỉ có một lời cầu xin cho con gái gặp được tấm chồng xứng đáng. Lắm khi nghe trộm được lời cầu nguyện của mẹ, Đoan Trang cảm thấy thương mẹ lạ lùng, không hiểu sao mẹ mình lại có thể đặt tin tưởng vào sự cầu xin đến thế.

Tuy nhà không giàu, Đoan Trang không thuộc loại con gái có hồi môn nhưng cũng được khá nhiều gia đình có con trai đưa tin mai mối. Đám nào bà Phủ cũng cân nhắc, rồi cuối cùng từ chối khéo đổ thừa rằng con gái còn đòi học thêm chứ chưa chịu lấy chồng mà rồi có mỗi một mình nàng nên bà không dám ép.

Sự thực không phải thế, bà Phủ Ninh khi nghe ai rấp ranh ý định hỏi con gái mình thì bà đã vội đi dò hỏi. Có đám thì bà mẹ chồng khó tính, ngủ trưa mà bắt con cháu chạy quanh nhà đuổi chim không cho hót cụ mới ngủ được.Có thứ nhạc nào êm dịu và vui tai bằng tiếng nhạc chim, người không yêu được nhạc của chim tức là nhạc của thiên nhiên thì làm sao có thể yêu được người. Mẹ khó khăn như thế thì con trai tránh sao khỏi những cái tính khó ấy, con gái bà vào làm dâu nhà ấy sao kham.

Một đám khác không đuổi chim thì lại keo kiết bủn xỉn, cậu con trai đến ngồi xòe mười ngón tay lên đùi, bà nhìn mấy đầu móng tay thấy nó bé li ti như hai ba hạt đỗ gom lại trong bàn tay lớn của một người đàn ông. Đấy là một nét tố cáo sự đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, kinh nghiệm đã cho bà Phủ từng gặp và để ý thấy nhiều người như vậy, điều tra ra thì quả thật là thế. Con bé ở đi chợ mua nhầm cái trứng thối về bà bắt ra đổi, trứng đập rồi, không đổi được, nó phải mua cái khác đền cho bà chủ. Bủn xỉn đến mức ấy thì ai dám gả con cho.

Một đám nữa không khó tính, bủn xỉn nhưng lại đánh bạc, cả nhà từ trên xuống dưới đánh bạc. Đối với bà Phủ những người đánh bạc là những người phản Thượng Đế, cho rằng ngày quá dài, thừa thãi thì giờ mới phung phí một cách vô ý thức như thế. Nếu cho đánh bạc là một thứ giải sầu thì cái sầu mà giải được bằng cờ bạc cũng là cái sầu vứt đi, nếu tìm sự lợi lộc trong cờ bạc thì hóa ra bần tiện lắm sao, mình mời bạn mình đến nhà ngọt ngào xơn xớt mà chỉ chăm chăm định móc túi họ cho hết sao?

Đàn ông đánh bạc lại càng đáng tránh cho xa, vì sự đam mê của người đàn ông bao giờ cũng mạnh hơn, cứ thử nghiên cứu một sòng bạc thì sẽ thấy, bao nhiêu sự thật được phô bày ra, được lột trần ra, những sự thật mà bình thường họ vẫn che đậy, giấu kín không muốn cho ai biết.

Chỉ có cậu Vinh con bà Hải nếu không bị cô đầm nào bẫy mất ở bên Pháp thì sẽ là một đám tốt đẹp nhất cho con gái bà. Vừa là con nhà trâm anh thế phiệt, cha mẹ lại có tu hành phúc đức, vừa có giáo dục chứ không phải như phần đông những gia đình chỉ lo dạy con gái, còn con trai muốn ra sao thì ra. Bà Phủ không đồng ý như thế, con trai hay con gái cũng cần được uốn nắn giáo dục, nếu không thì khó mà nên người.

Gia đình ông Thượng Hải tuy ngày nay không còn được như xưa nhưng tiền bạc có mấy khi mang lại hạnh phúc. Người Trung Hoa khi nhận lời gả con gái cho ai thì điểm trước nhất là xem chàng trai có được cái đức tính cần cù siêng năng không đã. Đấy mới là yếu tố chính đưa đến sự giàu sang về sau. Vì số tiền gia tài của cha mẹ để lại, nếu mà chỉ có biết ăn chơi lười biếng, thì đến mấy sông mấy núi đi nữa cũng phải suy sụp, nhất là khi trời không muốn cho hưởng thì trời đòi lại rất nhanh.

Các cậu con trai nhà giàu lại quen thói ăn chơi, hiếm có những trường hợp đặc biệt, bố mẹ giàu mà con còn biết lo làm cho giàu thêm.

Đối với Vinh thì không thế, bà Phủ Ninh đã biết rõ từ thuở Vinh còn bé, bà vẫn âm thầm mơ đến một ngày gần được xem Vinh như con trai mình, mà nếu Đoan Trang không lấy được Vinh thì cũng cầu xin cho con gái của bà gặp được một người con trai nào tương tự như thế.

Sợ đứng lâu sẽ làm cho hai bà ngượng ngùng khó ăn khó nói, Đoan Trang nhẹ nhàng rút lui vào phòng trong. Bà Hải chăm chú theo dõi bước chân cô con gái. Hôm nay ở nhà, Trang xắn quần hơi cao hơn ngày thường nên bà mẹ chồng tương lai có thể nhìn kỹ gót chân của nàng. Gót chân nào hồng hào như được một lớp son phủ lên tức là phước tướng, sang trọng, không là mệnh phụ nhất phẩm phu nhân cũng vợ nhà tỷ phú. Trái lại những gót chân còn trẻ mà da sần sùi hoặc tái ngắt thì thế nào cũng phải chịu một cuộc đời lận đận vất vả.

Gót chân của Đoan Trang không được thắm như son nhưng không đến nỗi tái ngắt, tuy vậy cũng làm cho bà Hải thắc mắc. Để tự an ủi, bà Hải phải đưa cái câu “nhân vô thập toàn” ra, mà quả như thế, nếu tất cả mọi thứ tướng đều tốt thì hôm nay Trang phải là vợ của một vị vua chúa nào rồi.

Đợi Trang vào hẳn nhà trong bà Hải mới bắt đầu vào đề, cái đề quan trọng cho cả bao nhiêu cuộc đời.

- Thằng Vinh trước khi về xứ có viết cho tui một bức thơ nói “Con về mà không na theo mụ đầm mô về cả, mạ đừng lo”. Trước khi đi Tây hắn cũng hẹn “Con để cho mạ cái quyền kén dâu, mạ kén cô nào biết bóp chân, biết nấu cháo, biết thương mấy cây bầu cây bí, biết bỏ lư trầm cho mạ tụng kinh là được”.

- Chao ơi, con trai đời chừ mà còn được những ý nghĩ hiếu thuận như rứa là quý hóa như mấy cái núi vàng. Người ta nói có hiếu mới có tình, người không có hiếu thì không làm răng mà có tình với vợ con.

- Phải, tui cũng thấy như rứa, người ta ai cũng lo tính chuyện vợ giàu vợ đẹp, hắn không hề hỏi mấy chuyện nớ.

- Dạ... cụ thiệt có phước...

Bà Phủ thấy bà Thượng Hải ngừng ở đây, bà muốn nói thêm một câu gì để cho bà Hải có hứng mà vào đề chính, giáo đầu thế là đầy đủ lắm rồi. Thế mà bà Hải vẫn im lặng ra dáng suy nghĩ ngập ngừng, nâng tách trà lên chậm rãi uống từng ngụm, hình như sợ mình nói ra hơi sớm mà hai đứa chưa gặp lại nhau rồi có gì xảy ra làm trắc trở đi chăng? Bà Hải đổi sang chuyện khác tìm một chút thì giờ trì hoãn để lấy thêm can đảm.

- Trà thơm quá, mua mô mà ngon dữ hè?

- Dạ trà Quan Âm ướp sen đó.

- Ướp cách răng mà ngon bắt kinh đi.

- Dạ thì cũng ướp như ướp bông lài, bông cúc thường đó thôi, con Trang hắn tự giành ướp lấy, năm mô mùa sen tới hắn cũng ướp cho em uống cả năm. Lựa thứ sen còn tươi mới hái từ dưới hồ lên, bỏ tua, chỉ lấy gương với cánh, xé gương ra từng mảnh trộn chung với trà đậy thật kín. Ba ngày thay bông sen mới một lần để cho đậm hương, mà phải lấy toàn sen tươi chớ không dùng sen tàn, sen cắt rồi không có hương mà còn làm ê mùi trà vì nhụy hoa đã bị gió quạt vô không thơm tho chi nữa cả.

- Con Trang giỏi hí, đi học về mà còn lo ướp trà cho mẹ, rứa là quý lắm đó.

Bà Phủ kiêu hãnh nói thêm:

- Dạ nhờ trời hắn học chi thì học chớ về tới nhà là việc chi cũng giành làm, trồng cây cũng trồng, cho heo cho gà ăn cũng đòi cho, đi chợ nấu ăn, giao cho việc chi là làm được cả.

- Dạy con gái rứa là phải, học nhiều mà không biết làm ăn thì chồng con cũng buồn mà đứa ăn đứa ở hắn cũng không coi ra chi.

- Em cũng nghĩ như rứa...

Bà Hải dọn giọng định nói thẳng với bà Phủ để dành Trang cho Vinh, nhưng không hiểu tại sao có gì cứ như cản lời, bà lại phải quay sang câu chuyện ướp trà.

- Trà sen mà muốn cho thiệt ngon thì trong vườn phải có hồ sen, buổi chiều mùa sen nở, khi mặt trời gần lặn độ chừng bốn năm giờ, mình bơi thuyền thúng ra mở từng bông sen, lựa thứ sắp nở, bỏ trà vô giữa nhụy rồi cột chặt lại không cho nở nữa. Để qua một đêm, ngày mai chèo thuyền ra hái bông sen về pha trà uống thì tuyệt. Trà vừa hưởng thứ nắng còn lại của buổi chiều hôm qua, vừa được tắm sương suốt một đêm, ấp ủ trong mấy cánh sen. Mà cần nhứt là phải lựa thứ sen gần nở như con gái tới tuổi, đó mới là lúc hương thơm nồng nàn nhất. Bông còn non thì hương chưa chín, mà bông nở rồi thì lại phai hết hương. Như rứa trà mới thiệt ngon, nhưng đó là nói chuyện ngày trước có thì giờ rộng rãi, người ăn người làm dễ nuôi, vườn tược to lớn, chớ đời chừ khó khăn, cũng ít còn ai cầu kỳ nghĩ tới mấy chuyện nớ.

- Dạ, đời chừ cái chi cũng phải vội vàng gấp rút.

Bà Phủ lại có ý muốn thúc giục bà Hải nhập đề chính ngay đi, nhưng bà Hải vẫn cứ chần chờ.

- Mà trà ướp được như ri là đã giỏi lắm, có con gái trong nhà để hắn lo những việc cắm bình hoa, ướp gói trà, chị cũng thiệt có phước, có một đứa nên một đứa, còn đòi chi nữa.

- Dạ thì cũng nhờ trời...

- Thôi thì nói gần nói xa, chỗ chị em quen biết lâu rồi nên tui cũng không muốn cậy mai mối làm chi cho phiền phức. Tui muốn hỏi coi con Trang năm ni đã có đám mô chưa?

Bà Phủ thở phào một tiếng định trả lời ngay, nhưng như thế sợ tỏ ra vẻ như mình chờ đợi quá, bà cũng phải giả vờ nâng chén trà lên uống một ngụm cho có vẻ dềnh dàng rồi mới bắt đầu.

- Dạ cũng có mấy nơi nhưng mà hắn khó tính chê lên chê xuống hoài, hắn ưng người có học thức, có địa vị, biết hiếu thuận, con nhà tử tế, em thường nói “con mà khó tính quá thì thành ra lắm mối tối nằm không chớ chẳng chơi mô”, rứa mà hắn cũng nhất định gạt hết, đòi đi học thêm đã.

Bà Phủ cố ý nói để đề cao con gái mình thêm chút nữa, mặc dầu biết rằng trước mắt bà Hải thì Đoan Trang có giá trị lắm rồi. Con trai người ta hơ hớ mới đậu bằng Tiến sĩ bên Tây về mà người ta không nhắm hồi môn, chứng tỏ rằng con gái mình cũng có giá trị lắm đó chứ còn gì nữa.

- Trang khó tính dữ hè, thôi để chờ bữa mô thằng Vinh tui về cho hai người gặp nhau coi có chê nhau không đã.

- Dạ, được cụ thương cho như rứa thì phúc đức quá rồi, nhưng để chờ ý kiến của cậu Vinh coi ra răng...

- Phải đó, nói trước với nhau nhưng cái chi rồi cũng không qua được trời, hữu duyên thì thiên lý năng tương ngộ...

- Dạ...

Bà Phủ mừng rỡ chỉ muốn gọi con gái ra báo cái tin vui ấy ngay, nhưng ai lại làm gấp rút quá vậy, bà đành phải đợi cho bà Hải ra về. Thấy cả hai chén trà đều cạn, Bà Phủ gọi con pha thêm trà, người mẹ muốn con gái mình cũng chứng kiến cái phút quan trọng này với mình ngay.

Trang mang ấm trà ra, nhẹ nhàng châm vào hai cái tách.

- Cụ khen con ướp trà ngon đó, sướng không, con gái có chi sướng bằng được khen công ăn việc làm.

Trang cúi đầu, cắn môi mỉm cười e thẹn. Bà Hải nhìn Đoan Trang, con dâu tương lai của mình bằng đôi mắt âu yếm làm cho bà Phủ cảm động và sung sướng. Bà lẩm nhẩm cầu xin cho đừng có sự gì trở ngại, vì hôn nhân, nhất là những cuộc hôn nhân tốt đẹp thường hay xảy ra lắm chuyện trở ngại không ai ngờ được. Phải chờ đến ngày đưa dâu đi rồi, ký giấy ký tờ ở tòa đốc lý rồi thì mới có thể ăn ngon ngủ yên được.

Xe bà Hải vừa ra khỏi ngõ, bà Phủ vội vàng đi ngay vào phòng con gái báo cái tin vui ấy:

- Cụ Thượng đòi xin con cho cậu Vinh đó, con có ưng không?

Trang đỏ mặt không biết trả lời thế nào, từ trước đến giờ nàng vẫn phản đối những cuộc hôn nhân do cha mẹ dàn xếp, tức là hôn nhân không tình cảm ấy. Ngày bé, Trang vẫn hay gặp Vinh và thường bị Vinh trêu: “Lêu lêu, người mô may áo đầm cho búp bê mà lại không biết may quần”, rồi Vinh còn bảo nàng mang kéo với vải đến nhà, Vinh sẽ dạy cho mà biết cắt quần lá nem, lá chả đẹp lắm. Hoặc có khi bà Hải sai Vinh đến nhà bà Phủ thì Vinh bắt Trang đi kiếm sào chọc ổi, chọc đào cho Vinh ăn. Vinh hơn Trang những chín tuổi, bảo Vinh không xem Trang như em bé sao được. Thế mà bây giờ nếu được làm vợ Vinh, suốt đời sẽ mang tên Vinh... Trang cảm thấy hoang mang...

Bà Phủ biết rằng con gái mình sẽ bằng lòng vì không có một đám nào tốt hơn nữa.

- Để anh Vinh về đây rồi tính, hỏi trước mà tới khi anh Vinh với con gặp nhau mà không hợp ý nhau thì răng?

Trang trả lời mẹ trong nhịp tim nhảy mạnh, người mẹ không tin như thế, con gái bà thật xứng với cái tên Đoan Trang, Vinh làm sao có thể từ chối và làm sao Trang có thể không yêu lại Vinh.

****************

Vinh cầm bức thư do tự tay mẹ viết lấy, làm cho thằng con trai ngạc nhiên, linh tính báo trước một sự gì sắp xảy ra chăng? Từ gần hai mươi năm nay, bà Hải không mấy khi chịu cầm đến cán bút vì con cái đã lớn, đứa nào cũng sai được cả rồi, cần ghi chép cái gì là có thể bảo chúng nó. Bà Hải vẫn nói: “Chừ mắt càng ngày càng mờ, tay càng ngày càng run, không viết được ngay ngắn, để nhờ các con. Mình gò gẫm cả buổi vừa mất thì giờ mà chữ thì như gà bươi khó đọc.”

Thế mà hôm nay mẹ tự viết lấy thư, hẳn phải có chuyện gì quan trọng lắm chứ chẳng phải đùa.

“Vinh của mạ,

“Rứa là con học hành thành tài rồi, công ăn việc làm cũng coi như có rồi, mạ mừng lắm. Trời Phật đã nghe lời cầu xin của mạ, chừ mạ chỉ còn xin một chuyện nữa, cho con nên đôi nên lứa là mạ có thể nhắm mắt, nếu Trời Phật bắt mạ phải xa con. Trước khi đi Tây con cho mạ cái quyền tự kén dâu lấy. Con có nhớ con nói với mạ kén người mô biết tưới cây bầu cây bí, bỏ lư trầm cho mạ tụng kinh. Con về mà không có đầm theo, rứa là con vẫn giữ lời hứa, quân tử nhứt ngôn, mạ mừng lắm.

Mạ mới nhắm cho con được một người, đó là cô Đoan Trang con bà Phủ Ninh. Ngày trước, khi con ra đi hắn còn nhỏ, chừ đã lớn và đủ tư cách lắm. Mạ tin chắc là khi con gặp Trang thì con cũng sẽ không trách mạ. Tết ni con về mạ tính làm lễ coi mắt nếu con muốn.

Con ráng giữ gìn sức khỏe đừng làm việc nhiều mà ốm đi. Mạ đang làm cho con một tể thuốc để con đem theo khi trở vô Sài Gòn.

Mạ.”

Kèm với bức thư của bà Hải, còn một bức thư nhỏ của thằng Minh: “Anh Vinh ơi, mạ đi bỏ hàng rào thưa cho anh rồi, chờ anh về sẽ ăn đám hỏi. Anh mau về cưới đi không thì mất, vì cô Đoan Trang dễ thương lắm. Ngày mô mạ cũng lo tụng kinh thật nhiều để cầu nguyện cho anh.”

Cả hai bức thư làm cho Vinh thắc mắc, Vinh cảm thấy mình như bị dồn ép vô một góc tường, không biết phải đối phó cách nào với gia đình, với người con gái mà mẹ đã nhắm cho mình, với Mai Khanh.

Hình ảnh Đoan Trang hiện về, mờ nhạt ở trong tâm trí, cô gái bé lúc nào đi đâu cũng có ôm con búp bê, mái tóc cắt cũng giống theo một kiểu với con búp bê. Cô gái ấy mà sao mẹ lại muốn mình phải cưới về. Định mệnh thật là quỷ quái, chính Vinh đã giữ lời hứa với mẹ cho đến khi về xứ, nhất định không để cho cô nào giữ làm của riêng, thế mà vừa tới Sài Gòn lại bị thu mất hồn.

Từ mấy tháng nay, Vinh thả cuộc sống bềnh bồng theo giòng đời, yêu Khanh và được người con gái cũng trả lại cho một thứ tình tương đương, thế mà cả hai đều không dám thú thật với gia đình, biết trước rằng nói ra thì thế nào cũng đổ vỡ, thà cứ để yên như thế mà hy vọng.

Cả hai bên gia đình đều không bao giờ chấp thuận một người con dâu hay con rể khác đạo. Khanh kể cho Vinh nghe cuộc tình duyên của anh mình. Nếu Nga không chịu rửa tội và theo đạo thì cũng chưa chắc ở nhà đã cho cưới. May mà gia đình Nga tuy bảo rằng theo đạo Phật nhưng sự thực thì chỉ là đạo thờ ông bà, mỗi kỳ giỗ tết cũng có cúng nhưng là một thứ cúng Thổ thần, cúng ông Táo, chứ không phải loại đạo gốc, đạo nguồn như gia đình của Vinh.

Sự theo đạo của Nga vì thế chẳng có gì trở ngại, nhất là thuở bé Nga cũng từng theo học trường của mấy dì Phước và đã tỏ ra say mê, thích mặc áo trắng đi nhà thờ mỗi chủ nhật cùng với các bạn gái.

Nhưng gia đình Vinh, có bao giờ bà Hải chịu nhận Khanh làm con dâu, dẫu nàng có tài hoa đức hạnh đến mấy, hoặc giả Vinh có liều gạt bỏ gia đình ra ngoài để chung sống với Khanh thì chưa chắc Khanh đã dám, vì Khanh còn gia đình của nàng. Vả lại thứ hạnh phúc xây trên sự đau khổ, xây trên nước mắt của người mẹ, liệu có bền mãi không?

Giá Vinh sinh vào một gia đình khác, như gia đình chị Thiện chẳng hạn thì chẳng thành vấn đề, đằng này Vinh là một đứa con cưng, trước khi đi và ngay cả trước ngày về xứ, còn viết thư hẹn cho mẹ cái quyền được chọn lấy con dâu, một người vừa ý mẹ. Khanh làm sao mà vừa ý mẹ?

Vinh nhớ đến ngày sinh nhật của Thùy Nhung, khi Hoàng nói cho Vinh biết rằng Khanh là Thiên Chúa giáo, Vinh đã cảm thấy có một áng mây đen đang giăng qua trước mắt, áng mây từ độ ấy không bao giờ ngừng giăng, có lẽ càng ngày lại càng quánh đặc hơn nữa.

Đang thắc mắc không biết phải làm gì, đi đâu cho bớt tù túng, thì có tiếng gõ cửa của Hoàng, Vinh mừng quá chạy vội ra đón thằng cháu đến đúng lúc, chẳng khác nào một vị bác sĩ đến khi nhà đang có người ốm.

- Cậu có gì mà không được vui? Bận áo vô đi chơi với Hoàng cho bớt ưu tư đi.

- Đi mô? Sài Gòn nhỏ tí xíu đi độ nửa giờ là hết rồi, bớt ưu tư chi được!

- Cậu nói lạ rứa, tại cậu quen ở bên Âu châu, đối với Huế nhà mình, Sài Gòn là một thế giới kỳ ảo, cậu bận áo vô mau!

- Hoàng có chắc đi lang thang ngoài đường thì sẽ vui hơn không?

- Tụi mình đi tới nhà Nhung rồi bảo Nhung đưa sang nhà Khanh.

Nghe nói đến Khanh, Vinh bằng lòng ngay tuy biết rằng đến Khanh cũng chẳng có thể nói gì được. Muốn gặp riêng Khanh, trao đổi một vài câu chuyện phải tổ chức trước cả tuần. Nhờ năm bảy người đến hẹn, rồi mời, rồi xin phép, nói dối trá hai ba vòng mới được đi chứ không phải dễ dàng, mặc dầu có Nhung và Hoàng làm tay trong. Thỉnh thoảng Nhung giả vờ kêu mệt, buồn, nhớ biển rồi xin phép cha mẹ cho tài xế lái xe để mình và em gái cùng đi. Đi hai chị em chưa đủ vui, bắt mẹ phải sang xin cho Khanh đi với. Phút cuối cùng mới gọi điện thoại cho Hoàng, làm như vì còn dư chỗ trong xe, sự thực cả hai đã xếp đặt từ trước. Chiều về nhà, còn phải cho tài xế tiền để bác tài khỏi có đi mách với cô Hương, thật là cả một tấn tuồng dằng dặc mấy màn, mấy cảnh.

Cố nhiên khi xuống đến Long Hải thì Khanh và Vinh được tách rồi, đi thả bộ xa xa trên bãi cát với nhau hoặc ngồi nói chuyện, nhìn sóng nước, nhìn mọi người nô đùa dưới bể. Cả hai đều không mấy khi dám tắm bể, sợ mất thì giờ, những phút quý báu được ngồi bên nhau.

Trước khi ra khỏi nhà, Vinh đưa cho Hoàng đọc bức thư của mẹ mình. Hoàng đọc xong vỗ bàn chan chát làm nhảy cả mấy cái bút, lọ mực.

- Thôi chết rồi, tưởng ai chứ cô Đoan Trang thì nguy lắm!

- Nguy chỗ mô?

- Cô ni đẹp người, đẹp nết, có thể kình được với cô Khanh nhà ta, chỉ tiếc là máy bay từ Paris về ngừng ở Sài Gòn chứ chẳng ngừng ở sân Phú Bài, nếu không thì mô có tới phần cô Khanh?

- Chi mà ghê rứa, ở đời còn có số mạng, bộ Hoàng tưởng gặp cô mô mình cũng nhào vô mê liền hả?

- Thiệt mà, cô ni không kể cái hậu thuẫn vững chắc là bà ngoại nằm đằng sau, mà tự cô cũng là một kiện tướng thuộc loại sâu sắc thâm trầm, không phải loại phổi bò, gối bông gòn vỗ kêu bình bịch rồi hết mô, cậu ơi!

- Bộ tưởng người ta không biết cô nớ hay răng? Ngày mình đi, cô ta nhỏ chút xíu, tới nhà ai cũng kè kè con búp bê, bị cậu phá cho luôn, có khi còn níu áo mẹ để khóc nhõng nhẽo.

- Hậu sinh khả úy mà cậu, chừ cậu gặp chắc cậu xỉu liền.

- Nói bậy nào, bỏ cô Khanh cho ai?

- Rứa mới là cay nghiệt trời già. Hoàng đâu có ngờ mà trời đất lại sinh ra lắm trò. Bà ngoại vừa cổ kính lại quá ư sùng đạo, đời mô bà ngoại chịu đón cô Khanh về làm dâu!

- Nếu bà ngoại được như mạ của Hoàng thì đỡ khổ biết mấy...

- Khỏi chê, mạ Hoàng gặp Nhung là ô-kê liền, không lôi thôi chi cả. Nếu Hoàng có ưng theo đạo để khi đám cưới được làm lễ tại nhà thờ cũng được, mà nếu Hoàng có không vô đạo thì Nhung và ông bà Đốc cũng chịu cho đám cưới ở trước cửa nhà thờ. Miễn là các con sau này thì cho chịu phép rửa tội, cả hai gia đình đều rộng rãi như rứa mới hở được, chớ ngột ngạt như Khanh với cậu thì chắc Hoàng đã bỏ nhà ra đi từ lâu. Nói rứa chớ đời còn dài, cũng chưa biết răng mà lường...

Vinh chép miệng thở dài:

- Giá bà ngoại đừng có đi bỏ hàng rào thưa cô ni gấp quá thì mình còn xin vài ba năm coi tình thế có biến chuyển. Chớ mình như bị tròng đầu vô xích, Khanh mà biết chuyện ni chắc khóc dữ lắm.

- Tìm kế hoãn binh đi cậu, còn ba tuần nữa mới tới Tết. Cậu lo viết thư thưa với bà ngoại là để chờ ngày mô cậu ra Huế đã rồi nói chuyện...

- Rồi răng nữa, nói chuyện chi đây? Chỉ còn có ba tuần...

- Rồi mình tính sau, có thể là cậu nói thiệt với cô Trang để cho cô giả bộ không thèm mình nữa.

- Bắt thêm một người phải hy sinh, nhưng rồi bà ngoại cũng lo đi kiếm đám khác chớ có khi mô chịu nhận Khanh.

- Ờ hỉ, lôi thôi chi lạ!

Hoàng cũng chưa biết tính cách nào để giúp người cậu mà Hoàng rất thương, nhất là trong câu chuyện này, đầu dây mối nhợ đều do Hoàng với Nhung cả. Hoàng hối hận đã giới thiệu và đã vô tình đưa Vinh vào những ngõ bí khó thoát. Nếu biết trước như thế chắc Hoàng chẳng bao giờ dám giới thiệu làm gì.

- Thế mới biết con người vốn vô tư, các cụ nói “nhân chi sơ tính bản thiện” là đúng lắm.

- Hoàng nói chi?

Vinh đang mặc áo nghe giọng Hoàng vội quay lại hỏi.

- Biết phức tạp như ri thì Hoàng mô có giới thiệu cho cậu.

- Hoàng nói sai, tất cả tụi mình đều biết là sẽ phức tạp, rứa mà không đứa mô chịu rút lui ngay từ đầu, vẫn nhào vô, nhưng đó là ý của định mệnh. Hoàng thử nghĩ nếu cuộc đời cứ đều đều, cậu học xong trở về để cho và ngoại kén vợ, một cô gái có đủ điều kiện vừa ý tất cả mọi người. Hai vợ chồng hạnh phúc bên nhau, đẻ ra một bầy con, đứa mô cũng xinh đẹp khôn ngoan... thì đời còn có chuyện chi để nói nữa.

- Cậu nói chắc đúng, rứa thì làm chi mà có bi hài kịch cho thiên hạ khóc, thiên hạ cười cậu hỉ.

- Hơn nữa, không biết ở đây Hoàng có hay đọc những câu chuyện cổ tích của các nước châu Âu, họ có những mẩu huyền thoại ngày xửa ngày xưa rất ngây ngô và rất dễ thương.

Rồi Vinh kể một mẩu huyền thoại nói về sự cấu tạo của vũ trụ theo tầm tưởng tượng của người dân xứ Nga cho Hoàng nghe. Ngày xưa, lúc ban đầu, vũ trụ chỉ là một khối thủy tinh cứng rắn lững lờ trong không gian. Một hôm khối thủy tinh ấy gặp phải một áp lực tự nhiên khác, nó bị nổ tung ra, rơi xuống mặt đất thành muôn nghìn mảnh vụn. Những mảnh vụn ấy biến hóa thành muôn loài trên quả đất, một số biến thành loài người và suốt đời đi tìm nhau. Khi họ yêu nhau thì đó là hai mảnh thủy tinh đã gặp nhau, xưa kia họ ở chung một chỗ sát kề nhau trong khối thủy tinh lúc ban đầu. Cũng như khi mình đập bể một cái ly mà muốn ghép lại thì phải tìm cho đúng từng mảnh với nhau mà ghép nó mới sát nhau. Có những đôi vợ chồng hoặc bè bạn sống suốt đời mà lủng củng hoài chỉ vì họ không phải là những mảnh vụn sát nhau trong khối nguyên thủy thì làm sao mà ghép được lại với nhau.

Hoàng gật gù tán thưởng câu chuyện của Vinh kể.

- Hay, cái lý thuyết ấy có thể chấp nhận được, không trách sao mà có nhiều đôi cứ lẳng nhẳng lằng nhằng suốt đời.

- Vì thế nên loài người khi đặt ra hôn nhân phải đặt thêm sự ly dị để chế ngự lại, để cứu vãn tình thế, nếu không thì đau khổ biết mấy.

Hoàng cũng đồng ý như thế, yêu nhau đến mấy đi nữa mà khi nghe nói đến cái đạo luật gia đình cấm sự ly dị cũng làm cho người ta đâm ra dè dặt.

Để cho quên bớt những ý nghĩ buồn nản, nhân câu chuyện luật gia đình, Hoàng kể cho Vinh nghe rằng cái phương pháp giữ chân hội viên mới mẻ nhất và cổ kim đông tây chưa ai làm, là bắt mấy nữ hội viên cao cấp phải chịu để cho ban nhiếp ảnh đưa xuống hầm chụp những bức ảnh khỏa thân.

- Để làm gì?

Vinh ngơ ngác hỏi.

- Nếu hội viên nào có ý phản bội tức thì tấm ảnh ấy sẽ được đưa ra để bêu diếu cho xấu hổ.

- Kể đã là một mưu thần chước quỷ khá “sadique” đấy, nhưng xét ra thì chẳng việc gì mà xấu hổ, nếu các bà từng sống ở Âu châu, có dịp đến Pampelonne hoặc đảo Levant chơi, thấy người ta theo phái thiên nhiên đi đầy đường sá ra đó thì có chi đâu mà xấu hổ.

- Hoàng cũng nghĩ như rứa, có chi mà xấu hổ, nếu bắt các bà trong khi chụp ảnh phải làm một động tác gì thì nguy hiểm hơn nhiều. Nếu chỉ có đứng hoặc nằm suông thì có thể xem như một bức ảnh chụp trộm, ảnh ghép, hoặc những bức ảnh thân mật khi người chồng thấy vợ mình có tấm thân đẹp đã cố chụp lại để sau này già còn lưu một chút làm kỷ niệm thì sao.

Câu chuyện đang từ vấn đề tôn giáo nhảy qua xã hội, theo Vinh thì chỉ cần nhích một tí cái ý thức, cái quan niệm sống của con người thì những bức ảnh khỏa thân của các nữ hội viên ấy hầu như thành vô ích. Người ta lợi dụng sự e thẹn của người đàn bà Á đông chứ ở Âu châu hiện nay, các bà các cô rất kiêu hãnh khi có được một thân hình đẹp. Lắm người xin gia nhập vào hội “thiên nhiên” không phải vì muốn tắm nắng, khí trời gì cả mà chỉ vì muốn khoe tấm thân đều đặn của mình ra. Nhà đạo diễn Vadim còn trả lời với báo chí rằng, tại sao có chuỗi hạt đẹp, tấm áo đẹp thì chịu đưa ra khoe khoang với bạn bè mà bộ đùi của vợ đẹp lại giấu đi một chỗ.

Cứ đi ra bể thấy các cô các bà nằm nhan nhản đầy ra ngoài bãi cát với hai mảnh rất nhỏ thì sao. Từ hai mảnh đến không mảnh nào có xa nhau là mấy, cũng những bà ấy mà sáng hôm qua, lúc lên xe xuống xe còn lo sợ khép đùi, khép váy cẩn thận. Theo khoa xã hội học thì thay đổi thời tiết, thay đổi khung cảnh tức thị tâm lý, tính tình con người thay đổi theo một sáng một chiều.

Những bức ảnh ấy không có cái sức mạnh ghê sợ bằng những bức ảnh của một vị vua Trung Đông mà sau ngày cách mạng trong nước, người ta đã tìm ra được trong phòng riêng của ngài. Vị vua tinh quái, chụp trộm tất cả các bà nào đã vào “dựa mạn thuyền rồng”, cố nhiên là ảnh chụp những lúc nào các bà đang thoát y, đang có những động tác đặc biệt.

Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, đó mới là đáng ngại, bao nhiêu vụ ly dị đã xảy ra vì những tấm ảnh quái ác đó.

- Thôi nghe cậu, đừng có xúi trẻ con, như thế này đã đủ lắm rồi.

Vinh cười bảo là nói cho hết vậy thôi chứ ai có định xúi trẻ...

Ra đến đường, Vinh mới nhớ mình có hứa mang cho Khanh một quyển sách bàn về các tôn giáo kim cổ trên thế giới. Từ khi quen Khanh, biết cô gái còn ngây thơ, chưa hiểu gì nhiều, Vinh thấy mình cần phải giúp đỡ chỉ dẫn trên tất cả mọi phương diện. Vinh bảo Khanh chỉ nên đọc những loại sách gì thật cần thiết, những quyển sách thật giá trị chứ đừng có bất cứ gì cũng đọc, vừa không lợi mà còn mất thì giờ. Ngay cả những quyển sách bán chạy cũng chưa chắc là những loại sách bổ ích; sự đắt hàng của một quyển sách lắm khi không phải là vì sách có một giá trị chân chính mà chỉ vì sự quảng cáo rầm rộ của nhà xuất bản hoặc vì quyển sách viết chiều theo thị hiếu của số đông, mà số đông thì bao giờ cũng lười biếng, chỉ thích những món quà dễ tiêu. Vinh không muốn cho Khanh phải rơi vào số người thừa thì giờ cần phải giết bớt đi ấy.

- Cậu có cầm bức thư tới cho Khanh đọc không?

- Hoàng nghĩ sao, có nên đưa tới không?

- Thôi đừng đưa, đọc chỉ khổ thêm chứ chẳng lợi lộc gì, nghe Nhung bảo Khanh khổ lắm vì quan niệm tôn giáo ở nhà rất chặt chẽ, và ngay với bản thân mình Khanh cũng chặt chẽ. Bỏ gì thì còn có thể bỏ, chứ không thể nào bỏ Chúa, và không có chi khổ bằng thấy mình tự mâu thuẫn với mình, phải không cậu?

- Đúng, Khanh không bao giờ có ý định bỏ đạo, cậu thì vẫn kính trọng sự tin tưởng của tất cả mọi người nên cũng cho sự ấy là phải.

- Loài người đặt ra nhiều hình thức để làm khổ nhau thêm, cậu có thấy rứa không? Nhưng nếu con người ta không chuộng cái hình thức, cái bề ngoài thì mạ Hoàng phải dẹp tiệm vì hàng lụa bán cho ai. Nếu quả thật chỉ sống với tinh thần thì phải làm theo cổ nhân, nghĩa là lột vỏ cây, tước lá dừa kết thành mảnh che thân, rứa là đủ rồi, cần gì phải sắm quần áo cho tốn kém mất thì giờ.

Hoàng và Vinh đi bộ thẳng tới nhà Nhung, u già bảo các cô đi chầu cả rồi, hôm nay là chiều chủ nhật. Hỏi thăm nghe bảo có cả cô Khanh, Vinh mừng lắm, như thế khỏi đến nhà Khanh mãi tận Phú Nhuận, vừa xa lại vừa phải gặp mấy người bà con Khanh mà Vinh rất ngại. Vinh có cảm tưởng lúc nào mình cũng bị nhìn một cách soi mói dò la.

U già còn bảo các cô đi từ lâu, giờ này chắc cũng gần xong, các cậu có đi đón thì đi ngay không lại tréo đường nhau mất công đi tìm.

Ra khỏi nhà, đợi u già đóng cửa rồi, Hoàng bắt đầu khen u già:

- Đời bây giờ mà có những nhân vật trung thành với chủ như thế là hiếm rồi đó, cậu có thấy không?

- Loại người này bị văn minh giết đi nên càng ngày càng hiếm, có lẽ đến thế hệ chúng mình thì sẽ hết, không còn u già, u trẻ gì nữa cả.

Hồi chuông nhà thờ bắt đầu đổ ngân nga lan ra khắp buổi chiều. Hoàng vội kéo Vinh đi nhanh hơn, sợ không đón kịp các cô, để các cô về mất lại phải đi tìm hết cả thì giờ.

****************
 

Mai Hương buồn rầu hơn bao giờ hết, hơn cả cái hôm phải lìa mẹ xuống tàu di cư vào Nam, hơn cả khi nghe tin anh cưới vợ và hơn cả khi thấy cô chị dâu, một người con gái xa lạ chầm chậm và tin tưởng bước vào mái nhà của mình đang ở.

Mai Hương buồn vì nàng vừa lén đọc được tập nhật ký của cô em gái, đứa em độc nhất mà nàng đã chăm sóc, đã thương yêu như một người mẹ trẻ chăm và yêu con.

Ở ngay trang đầu của tập nhật ký, Mai Khanh viết: “Tôi biết trước rằng có một ngày nào đó tập nhật ký này sẽ phản bội tôi, sẽ đưa hết tâm sự thầm kín của tôi ra kể lể cho một người khác nghe. Nhưng đời có những sự biết trước mà vẫn không ai có thể tránh hay là không muốn tránh. Tôi cảm thấy cần phải viết, cần phải nói, cần phải nói ra những gì đang gào thét ở trong đầu óc, nếu không thì những sự gào thét ấy sẽ bùng nổ và tôi có thể trở nên cuồng loạn. Tâm hồn tôi là một bãi cát lún, nhìn bên ngoài, nhìn đằng xa tưởng là phẳng lặng, bình yên nhưng sự thực... Trời ơi! Sự thực...!

Lạy Đức Mẹ, xin hãy phù hộ và che chở cho con.”

Ở những trang đầu, bắt đầu là ngày sinh nhật của Thùy Nhung, ngày cô em gái gặp con người lý tưởng. Mai Khanh đã ghi lại tất cả những gì hai người đã nói với nhau, từ lúc được Vinh mời nhảy bản blue tango đến các cuộc gặp gỡ tại nhà Nhung, tại nhà Hoàng. Những lần đi Long Hải, đi Thủ Đức, đi Hố Nai, tuy lần nào cũng có người này người khác đi theo, nhưng anh chị vẫn tìm được những giờ phút dành riêng cho nhau, tách rời khỏi tất cả mọi người để tìm hiểu, để tâm sự và rồi để say mê nhau hơn.

Trong nhật ký có một đoạn Mai Khanh dám đề cập đến sự hy sinh phần hồn để cho thể xác được toại nguyện, tức là bỏ tôn giáo mình để theo người mình yêu.

- Lạy Chúa tôi, nghĩ đến thế mà dám nghĩ được thì thật là quá quắt!

Mai Hương lầm thầm nói một mình, thà nàng nghe em gái nói đến cái chết, nàng có thể nhìn em gái chết chứ Mai Hương không bao giờ cho em gái cái ý nghĩ bỏ đạo. Đúng là có ma quỷ chen vào đây chứ chẳng không. Chỉ có ma quỷ mới cám dỗ được con người, chứ người với người thì làm sao đủ sức cho Mai Khanh phải đề cập đến những chuyện hy sinh linh hồn mình như thế.

Gấp quyển nhật ký để trả lại chỗ cũ, Mai Hương nghẹn ngào chỉ muốn khóc to lên như khi người ta khóc lúc đặt hòm xuống huyệt. Thế là nàng mất thêm một người thân, một đứa em mà nàng đã yêu thương hơn tất cả. Cái cảm giác cô độc lại trở về, như thỉnh thoảng nó vẫn trở về trong tâm trí, nhưng hôm nay nó ghê rợn hơn, chính Mai Hương cũng không hiểu tại sao. Tại sao Mai Khanh không nói với mình ngay từ buổi đầu? Nếu Mai Khanh nói thì có lẽ người chị đã đủ sức để cản trở. Mai Hương còn nhớ rõ cái đêm em đi ăn sinh nhật ở nhà Thùy Nhung về khuya ấy.

Trong gia đình rồi chỉ có mỗi một mình Mai Hương là khổ, hy sinh tất cả cho mọi người thế mà cũng chẳng ai tín nhiệm đền đáp lại, có gì họ cũng giấu giếm hành động một mình; bao giờ câu chuyện đã xong xuôi cả rồi mới cho biết. Chẳng ai trả lại đúng với số cảm tình mà Mai Hương đã mang trao cho.

- Thế là Mai Khanh đã biết yêu và đã được biết thế nào là tình yêu của một người đàn ông.

Mai Hương nghẹn ngào nói lên, hơn nữa đấy là thứ tình cao rộng, thứ tình to tát ghê sợ đặc biệt chứ không phải loại tình cảm qua đường vụn vặt nhan nhản ngoài cuộc đời.

Những cảm giác đập mạnh vào người con gái sau lúc đọc tập nhật ký của em mình xong là giận, tủi, ghen, tức và tội nghiệp.

Mai Hương giận em ở chỗ đã giấu giếm mình mà lại đi tâm sự với Nhung, xem Nhung hơn chị ruột, sau cơn giận là sự tủi thân, nàng cảm thấy tủi thân khi so với em gái, sao em lại được biết một thứ tình kinh khủng ấy còn nàng thì bao nhiêu lâu chờ đợi. Những thằng con trai đến với nàng đều là loại đàn ông chỉ chực cưới vợ để sống ăn bám vào lưng vợ. Không có lấy một thằng nào ra hồn cho nàng có thể tiếc, có thể buồn, để rồi lấy cái tiếc cái buồn ấy mà làm đối tượng cho cuộc sống, làm nguồn an ủi cho sự hy sinh của mình.

Còn Mai Khanh chưa vào đời đã gặp ngay tình yêu, được nằm gối lên lòng người yêu nghe những ngón tay chàng luồn qua mái tóc vuốt ve từng sợi, được nghe giọng chàng chân thành nói đến những sự nhớ thương đợi chờ, những giấc mơ của mấy đêm trước.

Sau sự tủi thân là bực tức, trong khi mình quần quật lo làm công việc trong nhà quên cả điểm trang, quên cả cuộc sống tình cảm riêng tư, chỉ biết thức khuya dậy sớm để phụng sự nó thì nó chỉ nghĩ đến mưu chước nào đánh lừa được mình để đi gặp người yêu. Trong đầu óc nó chỉ còn mỗi một hình ảnh của người yêu, ngoài ra tất cả đều phụ, mình cố sức nấu ra nồi cơm dẻo, bát canh ngọt mấy đi nữa nó cũng cho rằng không ngon bằng cái “xăng uých” nó chia đôi với người yêu trong những lúc đi chơi với nhau. Đã thế nó lại nhường hết phần thịt cho chàng, còn nó chỉ có nhai bánh mì suông mà bảo là từ thuở bé chưa bao giờ ăn bữa nào ngon đến thế.

Nhưng những ý nghĩ buồn, tủi, giận, tức ấy được dẹp lại, người chị cảm thấy tội nghiệp cho đứa em gái mang tình yêu đi trao không đúng chỗ. Vinh là con một gia đình gốc gác đạo Phật và theo lời Khanh viết trong nhật ký thì không bao giờ mẹ Vinh chấp thuận một người con dâu khác đạo như Khanh.

- Họ nhà này cũng thế, không ai thừa con đi gả cho... chúng nó!

Mai Hương nghiến răng nói lại như để trả lời ngay với người đàn bà mẹ của Vinh đang đứng trước mặt mình mà Mai Hương tưởng tượng chắc phải đanh ác lắm.

Bước ra khỏi phòng em gái, Mai Hương buồn rầu không biết có nên đưa câu chuyện ra mách với cha và các anh không. Chỉ có cha còn ngăn cấm được, chứ các anh mỗi người mỗi ngả nói ra cũng vô ích. Anh Phúc thì Mai Hương xem như đã mất đi rồi. Từ ngày lấy vợ chỉ biết có nhà vợ, không còn nghĩ tới tình gia đình, tình anh em. Vợ mà cái thứ đạo mới theo một sáng một chiều thiếu căn bản thì cũng như không, đi vào nhà thờ lúc nào người ta hát thì mặt cứ trơ phỗng ra, người ta đứng, người ta quỳ thì vẫn cứ ngồi đờ như mới bị đóng đinh dính vào ghế, có ai nhắc bên tai mới biết đứng dậy...

Những kẻ có đạo lúc quỳ, lúc đứng, lúc cúi đầu, lúc đưa tay lên làm dấu đều có vẻ dịu dàng chân thành, cử chỉ phát ra tự trong tâm, không phải như những bức tượng gỗ, những con người máy. Mai Hương ngẫm nghĩ không biết anh của mình ăn phải bùa phải bả gì mà có thể thương được con người ấy.

Nhưng thôi, câu chuyện của anh thì cho như là xong đi, Nga chịu theo đạo thế cũng tạm được, đàn bà theo chồng là phải lắm, nhưng mang cái công thức áp dụng vào Khanh thì nghe sao xuôi. Mai Khanh đã phản bội gia đình, phản bội họ hàng, mang tình đi trao cho một người khác đạo. Mai Khanh sẽ bị trừng phạt, mà sự trừng phạt chắc phải ghê gớm lắm nếu không biết hối cải. Mai Khanh sẽ không bao giờ được về nước Chúa, uổng bao nhiêu công tu niệm cầu nguyện.

Ý nghĩ cuối cùng là Mai Hương phải làm sao cứu vớt em, bao giờ cũng trên thương xuống, nàng là chị phải làm cách nào để dìu dắt đứa em gái ra khỏi con đường trái, con đường chỉ đưa đến sự tội lỗi mà thôi.

Có cách gì để cứu vãn được, hai người yêu nhau đã gần năm tháng rồi, tuy chưa lấy gì làm muộn nhưng nếu cứ kéo dài thì sẽ nguy hại, trong nhật ký có những đoạn Mai Khanh dám đưa ra những ý nghĩ liều lĩnh, đến tìm Vinh, trao tất cả cho Vinh để rồi hai gia đình phải chịu chấp thuận khi mọi việc đã xong.

Mai Hương nảy ra ý nghĩ đi tìm cô Hiển. Cô Hiển là em gái của cụ Lang Lộc, cả gia đình chỉ có cô là hiểu Mai Hương và gần nàng nhất, ai cũng bảo hai cô cháu giống tính nhau, có lẽ vì thế mà thương nhau chăng. Cô Hiển ngoan đạo nhất trong họ, hình như khi có thai, bà nội giận ông nội mấy tháng liền, nên hay ra quỳ trước mặt Đức Mẹ. Lúc sinh cô ra, nét mặt cô phảng phất có vẻ gì giống bức tượng, ai cũng công nhận như thế.

Cô Hiển đã phản đối cuộc hôn nhân của Phúc nhưng rồi sau thấy cụ Lang anh mình giảng giải, cô mới tha thứ, một phần vì Nga chịu khó học kinh rửa tội. Cô xem đấy là một sự làm phước, vì mình đã dìu dắt được một linh hồn ra khỏi chốn u tối. Nếu sau này Nga được về nước Chúa thì dòng họ nhà mình cũng thêm phần đức độ.

Kỳ này thì Mai Hương tin chắc rằng cô Hiển sẽ phản đối, nhất là nếu Mai Hương trình bày tất cả những mối nguy hại cho cô nghe, những gì vừa đọc trong nhật ký của em gái.

Mai Hương nhất quyết cứu em ra khỏi vòng hỏa ngục, nàng định ăn cơm chiều xong sẽ sang gặp cô, nếu cần sẽ mang cả tập nhật ký đọc cho cô nghe, may ra cô sẽ sợ mà cố gắng hợp sức với mình.

Một cảm giác kỳ lạ khó chịu cứ theo ám ảnh Mai Hương từ nãy đến giờ mà Mai Hương nhất định không chịu thú nhận, đó là sự ghen tị với em khi biết rằng em có người để yêu. Vô lý thật, không còn gì vô lý hơn. Hương là chị, bao giờ nàng chẳng cầu xin cho em được hạnh phúc, nàng đã chẳng chơi họ để dành tiền cho mình với em sau này làm hồi môn lấy chồng đó sao? Nếu Vinh là người đồng đạo, xứng đáng thì nàng sẽ là người thứ nhất tán thành, giúp vào cho cuộc hôn nhân của em. Nhưng đằng này không phải thế, Mai Khanh đã đi trái lối, và bổn phận nàng là phải dìu em ra khỏi chốn hỏa ngục đang chờ.

Mai Hương nhắm mắt cố xua đuổi mọi ý nghĩ, nàng đi nhanh xuống bếp lo cắt công việc cho u già để ăn cơm xong còn sang nhà cô Hiển. Có tiếng gà gáy, Mai Hương giật mình lẩm bẩm:

- Chết thật, giờ này mà gà gáy, hay là...

Mai Hương chợt nhớ đến câu nói của u già, nàng không muốn tin rằng chuyện gì có thể xảy ra, nhưng ở dưới bếp u già đã nói to lên:

- Cô Hương ơi, gà lại gáy trái đấy nhé, mới có năm giờ...

Mai Hương muốn chạy đến bịt miệng u già, nàng có cảm tưởng như cả xóm đã nghe tiếng gà và đã nghĩ rằng gà gáy để kháo chuyện Mai Khanh, em gái của Mai Hương, con gái cụ lang Lộc. Con gà đang muốn mách cho cả xóm biết chuyện tình của hai người ấy.


**********************


Mai Khanh quỳ dưới chân tượng đức Mẹ thổn thức không biết từ bao lâu rồi. Từ độ yêu Vinh, nàng đã đốt rất nhiều đèn để cầu nguyện cho mối tình được trọn vẹn, tuy chính nàng cũng không biết làm thế nào để được trọn vẹn. Nhưng, lời cầu xin hình như không được chấp thuận, càng ngày Mai Khanh càng cảm thấy mình bị siết chặt trong cái gọng kìm quằn quại, khổ sở chưa tìm ra lối thoát. Vinh đi Huế đã mấy hôm, chàng hẹn sẽ đưa câu chuyện hai người ra thưa với mẹ nếu có hoàn cảnh thuận tiện, nếu không thì đành khất lần đợi ngày cha mẹ dọn vào Sài Gòn.

Cả Khanh và Vinh đều biết rằng câu chuyện của mình sẽ không bao giờ được hai gia đình chấp thuận, mặc dầu xét trên quan điểm con người, Khanh là một cô gái đủ điều kiện để làm vợ hiền, dâu thảo. Vinh cũng thế, trong xã hội Việt Nam hiện tại, kiếm được một người chồng như Vinh không phải dễ. Thế tại sao hai gia đình lại nhất định không chịu hiểu?

Đến người chị thân yêu nhất mà bây giờ cũng ở vào phe đối lập, suốt ngày hai chị em không nói chuyện với nhau. Sau hôm cãi nhau to tiếng, mỗi người vào phòng riêng đóng chặt cửa khóc một mình.

Mai Khanh giận chị sao lại mang nhật ký của nàng mách với cha, với cô, với họ hàng để kéo về hùa chống mình. Muốn gặp Vinh nhưng Vinh đã về Huế, mấy ngày Tết sắp đến mà buồn nặng nề, mặc dầu trong nhà vẫn sửa soạn ăn Tết đầy đủ chẳng kém gì mọi năm.

Từ cả tháng trước, Mai Hương đã lo đong nếp, đong đậu, đặt lá, lạt để sửa soạn gói bánh chưng, hùn với mấy người bà con mổ chung con lợn để kho thịt đông ăn ba ngày Tết, mặc dầu Sài Gòn nóng hừng hực nhưng đấy là những món ăn của quê hương, phong tục không thể không có. Dưa hành tự tay Mai Hương muối lấy, vì nàng khéo muối nên cả chục người bà con mang hành hoặc mang tiền đến nhờ muối hộ.

Không khí Tết vẫn sực nức mà sao nghe như có gì thê lương giả tạo. Ngày trước hai chị em tíu tít nào gọt quất, nào xăm gừng, gói bánh lớn bánh nhỏ. Bây giờ như hai người xa lạ, suốt ngày Mai Khanh ở trong phòng không ra nhà ngoài, chỉ trừ những khi cần thiết lắm. Kỵ nhất là xuống bếp gặp chị. Muốn đi học cho khuây lãng nhưng trường đóng cửa, Mai Khanh cũng không dám đến nhà Nhung sợ mọi người bảo đến tìm sự che chở, mà sự thật là thế. Chỉ có Nhung và Thùy Dương là theo cánh Mai Khanh, ông bà đốc Định cũng ngập ngừng không dám cho ý kiến sợ mất lòng cụ Lộc.

Ông Định giữ thái độ im lặng của những nhà ngoại giao khi gặp thế bí, bà Định đề nghị nếu Vinh chịu theo đạo thì nên gả, nhưng gia đình của Vinh lại không phải như gia đình của Hoàng.

Suốt ngày Mai Khanh chỉ mong chiều đến, lấy cớ đi nhà thờ để vào tìm sự yên tịnh trong ấy, dưới chân đức Mẹ. Nàng hay nhớ đến một câu nói của Vinh:

- Chỉ có một Thượng Đế, và Thượng Đế không bao giờ muốn sự chia rẽ.

Mai Khanh cũng ngờ ngợ như thế, lấy đâu ra mà có nhiều Thượng Đế với nhiều thiên đàng được.

Mai Khanh quỳ gục đầu trên cánh tay tựa vào thành ghế ở phía trước. Nàng vẫn chưa muốn trở ra, chưa muốn về nhà vội, chỉ những phút này tâm hồn mới thoải mái, bớt ray rứt.

Về nhà, mỗi một sự phải ăn cơm chung, phải nhìn mặt cha, mặt chị, là Mai Khanh đã thấy lo sợ, tuy chẳng ai nói gì. Cụ Lộc rất thương con nhưng lần này cụ không thể chấp nhận một thằng rể hoàn toàn đứng ra ngoài tôn giáo như thế. Nếu Vinh chịu theo đạo như lời đề nghị của bà Đốc thì may ra vì thương con, cụ sẽ tha thứ, nhưng gia đình Vinh cũng hệt như gia đình của Khanh. Chỉ khác nhau ở chỗ hai bức tượng thờ, một bên thờ Phật, một bên thờ Chúa. Giữa hai bức tượng ấy loài người đã xây lên một bức thành còn dày, còn vững hơn những bức thành biên giới của thời xưa để tránh tên đạn quân thù, còn chắc chắn hơn cả cái Vạn lý Trường Thành của vua nhà Tần thời xưa.

Khanh biết cha mình sẽ có thể chấp thuận với điều kiện ấy, nhưng nàng không dám mang ra nói với Vinh vì biết Vinh cũng hiểu rõ như thế. Vinh hiểu, Vinh rất yêu Khanh nhưng chẳng hề nghe Vinh đề cập đến, vì Vinh còn mẹ và rất thương mẹ.

Có một lần trong lúc đi chơi, Khanh đã từng nghe Vinh nói: “Kẻ nào còn tin được một sự gì là kẻ ấy may mắn.”

- Anh bảo như thế nghĩa là thế nào?

- Nghĩa là người còn có đức tin, còn tin được, là người may mắn.

- Thế anh không có đức tin à?

- Anh chỉ tin nơi mình, nơi đường lối ăn ở, nơi sức chịu đựng và sự cố gắng của mình.

- Anh không tin thì sự thay đổi tôn giáo đối với anh đâu phải là một chuyện quan trọng.

- Đối với anh không quan trọng nhưng đối với mẹ anh thì lại vô cùng quan trọng. Vả lại con người không bao giờ nên mang cái đầu mình đi cúi hết cửa này đến cửa khác nhiều quá.

- Anh bảo chỉ có một Thượng Đế thì sự ấy có quan hệ gì?

- Ấy chỉ vì có một Thượng Đế nên mới ngại, vì ở trên nhìn xuống ngài sẽ khinh, ngài khinh cái sự bất nhất của mình. Vả lại anh không muốn làm khổ mẹ anh.

Không cần Vinh nói, Khanh cũng hiểu rõ ý của Vinh và sự cương quyết của chàng. Nếu Khanh có yêu Vinh thì chính Khanh phải chịu tất cả, Vinh không đòi hỏi Khanh phải theo mình nhưng không bao giờ Vinh cho phép Khanh bắt buộc mình một sự gì.

“Anh không muốn làm khổ mẹ anh”, câu nói mỗi lần vang lại trong tai Khanh nghe như có một sự gì đang đổ vỡ.

Đấy chỉ là câu chuyện riêng của hai gia đình, ngoài ra vấn đề tôn giáo ngày nay còn liên quan đến chính trị. Khanh nghe rất nhiều những câu chuyện đàn áp bắt bớ, cậy quyền cậy thế. Người ta dùng tôn giáo để làm cái thang trèo lên con đường giàu sang danh vọng.

Khanh không tin rằng có thể xảy ra được những sự ấy, ngay cả trong sinh viên với nhau cũng có những sự phân chia. Họ họp nhau lại nói chuyện, nhưng thấy bóng Khanh đi qua thì câu chuyện ngừng bặt, làm như Khanh nghe được thì tất cả mọi người đều biết.

Sự chia rẽ càng trầm trọng bên ngoài thì bên trong gia đình của Khanh bầu không khí cũng càng căng thẳng. Mỗi khi Mai Hương đi đâu về, nghe được một tin gì thì nhắc cho cả nhà biết, cố ý làm ray rứt em gái, hình như người chị sung sướng khi thấy em bực tức mà không dám cãi lại.

Mai Khanh quỳ xuống cúi đầu làm dấu thánh giá một lần cuối khi ngoài trời chập choạng tối để rời khỏi nhà thờ, khi hồi chuông chiều trên nóc nhà thờ vừa dứt.

****************

Trang ơi, làm chi mà ở hoài trong phòng?

Nghe giọng mẹ gọi ngoài sân, Đoan Trang gấp quyển sách sau khi đã lấy cây bút chì kẹp vào trong làm dấu, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân để thở, vì suốt từ trưa nàng đã ngồi mãi trong nhà, biết rằng mẹ gọi chỉ vì thế.

Sau hôm bà Hải mang lễ đến hỏi Trang cho Vinh, người con gái cảm thấy cuộc đời mình không còn là của mình nữa. Mặc dầu đã bảo với mẹ rằng hãy đợi Vinh về xem có hợp nhau không rồi sẽ tính, nhưng cảm tình sao lại vùn vụt kéo đến quá nhanh chóng. Một trạng thái khó hiểu, giá có nhà phân tâm học nào cho Trang đặt vấn đề ấy ra xem như thế nghĩa là sao. Tại sao cảm tình lại có thể đến trước khi gặp gỡ?

Đoan Trang nhớ lại hình ảnh Vinh chín năm về trước, ngày nàng mới lên chín, thường hay bị Vinh trêu, giọng của Vinh như còn ở bên tai:

- Lêu lêu, không biết may quần cho búp bê, bắt búp bê phải mặc áo đầm, lêu lêu!

Trang tức lắm, mỗi lần như thế Trang lại lấy kéo cắt vải của cái màn ra bắt mẹ dạy may quần, bị mẹ mắng cho, Trang khóc giận Vinh cả tuần lễ “ai biểu lêu lêu người ta”.

Thế mà chỉ còn có mấy ngày nữa thì Vinh sẽ ra Huế thăm gia đình và thăm Trang, nếu có thể thì sẽ ăn hỏi trước ngày Vinh vào Nam lại.

Bà Phủ Ninh, mẹ Trang, mấy hôm nay đang lo sửa soạn nhà cửa, gọi thợ đến sơn quét, bảo rằng để ăn Tết nhưng Trang biết rằng không phải với dụng ý ấy, mẹ muốn căn nhà phải xứng với ông rể tương lai.

Trang cố gắng hình dung ra Vinh, muốn biết Vinh ngày nay thay đổi thế nào mà chịu, không sao vẽ ra được. Trang cũng không dám nhờ mẹ đi mượn ảnh về xem. Ai lại thế, xấu hổ chết, người ta biết thì sẽ cười cho: con gái chừng ấy tuổi mà đã ngựa!

Mẹ bảo theo tấm ảnh của bà Hải vừa đưa cho xem thì Vinh cao lớn lắm, to con lắm, lịch sự, đẹp trai, có duyên, con mắt lẳng giống hệt ông Hải. Thế mà Trang cũng chịu, không thể tưởng tượng ra.

Mấy hôm nay Trang thấy mẹ vui vẻ, cười nói luôn, thỉnh thoảng lại đến ôm Trang vào lòng, nhìn con rất kiêu hãnh, sau đấy bà ngước mắt lên trời như nói gì với trời, chắc là cầu xin và cảm ơn.

- Bây giờ mạ có thể chết được rồi, ngó con lấy được người chồng xứng đáng, mẹ không tin rằng cậu ấy sẽ làm cho con phải khổ...

Lần nào Trang cũng chạy lại bịt miệng mẹ không cho nói.

Sân nhà vừa được rào lại, mấy cái giậu ngả vì mùa lụt vừa qua cũng được sửa chữa, cái giàn hoa trước cửa cũng mới sơn thêm một lớp sơn màu thẫm nâu, tất cả mọi vật đều sẵn sàng chia vui với người con gái. Cả đến cái giếng nước uống đằng sau cũng được đắp vá lại những chỗ thủng bằng xi măng mới.

Nhìn quanh sân không còn chỗ nào hư hỏng nữa, nếu Vinh tinh mắt, chàng sẽ cảm thấy ngay sự quan trọng của mình đối với gia đình này. Chắc hẳn nhà Vinh cũng thế, Trang không dám đến thăm vì xấu hổ, sợ người ta chê là đi làm dâu trước, nhưng nghe mẹ bảo rằng bà Hải lo sửa soạn trang hoàng từ trong nhà ra đến ngoài sân như đón một vị hoàng tử.

Trang nóng ruột trông cho chóng hết ngày hết đêm. Chẳng dám nói ra với ai, nhưng người con gái cảm thấy đêm ngày sao mà độ này dài dặc, dài bằng hai lệ thường. Tuy vậy, cũng có một vài lúc Trang chợt lo lắng, ngộ lỡ như Vinh gặp Trang mà không vừa ý thì chàng sẽ chê thế nào. Đời có ai biết trước được những gì sẽ xảy ra, khoa học còn nói đến những luồng điện, nếu hai luồng điện không hòa nhau được thì sao? Trang chỉ sợ Vinh chê mình chứ riêng Trang thì nhất quyết dầu cho Vinh có què quặt bệnh tật đến thế nào, Trang cũng sẽ thương như những người đàn bà phải yêu chồng, người chồng mà định mệnh đã dành cho mình.

Cảm tình quả thật là kỳ lạ, chỉ có mấy câu giao hẹn đơn sơ của hai bà mẹ với nhau mà Trang thấy đời mình từ nay được xem như một bông hoa có chủ, mình đã thuộc quyền sở hữu của Vinh.


******************
 

Cái gì chờ đợi hay không chờ đợi rồi cũng đến, Vinh quả là con người lý tưởng của Trang và có lẽ của rất nhiều cô gái khác. Trang không ngờ số mình lại may mắn như thế. Mẹ bảo đôi mắt Vinh lẳng, Trang không đồng ý, chỉ thấy trong đôi mắt ấy chứa chất một nét gì mênh mông. Có những lúc Trang tự bắt gặp mình rùng mình mỗi khi thấy Vinh đang nhìn. Đôi mắt hơi giống loại mắt người Ả-rập, âm u và thăm thẳm. Vinh nhìn Trang như muốn dò xét lẫn một chút thương xót, tại sao Trang lại đọc thấy những nét ấy trong cái nhìn của Vinh?

Bà Hải và bà Phủ Ninh cố ý rủ nhau ra xem vườn hái đậu để cho Trang với Vinh ngồi nói chuyện với nhau, cái giàn đậu vừa vặn đợi Vinh về nấu chè. Bà Hải bảo Vinh hay thích ăn chè đậu ngự ngày bé, và bà Phủ nhất định để dành cho ông rể tương lai.

Suốt buổi Trang nói rất ít, Vinh cũng không thuộc loại nói nhiều, hình như Vinh hơi có vẻ lo cho thời cuộc, linh cảm sẽ có một sự gì rồi sẽ xảy đến cho nước nhà.

Vinh vẫn gọi Trang là Trang như ngày trước, nhưng không xưng anh hoặc xưng “người ta” một cách kẻ cả như thuở ấy nữa. Ngày xưa Vinh hay có cái giọng người lớn “Trang đưa vải, kéo với kim chỉ tới, người ta dạy cho mà cắt quần lá nem”.

Bây giờ trong câu chuyện Vinh xưng bằng “tôi”, Trang hỏi Vinh có nhớ những câu nói xưa không?

- Thỉnh thoảng vẫn nhớ, nhưng tôi không tưởng tượng nổi cái sức lớn của Trang, ra đường gặp chắc tôi không dám chào, hèn chi mà thằng Hoàng hắn nói hoài.

Sự thật, nơi Trang mang rất nhiều mâu thuẫn, Trang vừa người lớn lại vừa trẻ con, đêm còn ngủ với mẹ.

Vinh định nhắc lại câu nói của Hoàng nhưng rồi nghĩ thế nào, Vinh không nhắc. Thấy Trang đang đọc dở quyển Les Affinifés électives của Goethe, Vinh hỏi thăm Trang thích Goethe sao?

- Em muốn tìm những nhà văn hào mô đặc biệt, những nhà văn hào mô mà phải có những gì khác người, khác với loại văn sĩ thường tình để xem những sự khác ấy nó ở đâu ra. Em còn nhiều sách phải đọc, phải học, nếu lấy thì giờ đi đọc loại sách vớ vẩn thì nguy quá!

- Nếu muốn tìm hiểu Goethe thì Trang nên đọc thêm quyển Wilheim Meister. Quyển này khó tiêu lắm, ngay ở xứ sở nhà ông ấy cũng không mấy người nuốt trôi. Lắm khi phải đọc lại hai, ba lần một trang mới thu nhận hết ý.

- Rứa hở anh, rứa thì mai em phải đi kiếm đọc, không biết hiệu sách ở Huế có đủ không. Chỉ mỗi một điểm đó làm cho em thèm khát mấy thành phố lớn, ngoài ra thì khó rủ được em ra khỏi xứ Huế ni lắm!

Vinh mỉm cười, chàng muốn bảo rằng Trang nói dóc, lấy chồng mà gặp ông chồng muốn đi, ông bảo một tiếng là phải làm va-li ngay.

- Nếu tìm đây không có thì hôm nào vô Sài Gòn tôi sẽ gởi ra cho.

Trang ngước nhìn Vinh tỏ ý cảm ơn, thấy Trang ngoan ngoãn hiền lành mà lại chịu khó đọc sách, Vinh có cảm tưởng, hay Trang là em gái của mình? Nếu Trang là em gái của Vinh thì sẽ đúng hơn.

- Em sợ em chưa đủ sức hiểu được những tư tưởng cao siêu ở trong mấy tác phẩm lớn quá, cũng như trong Les affinifés électives chẳng hạn, tại răng đứa con của bà nớ lại giống cả hai người, cả ông đại úy, cả cô Odile?

- Như rứa Goethe mới nói là hai lần ngoại tình vì trong khi cấu tạo đứa con thì người vợ đang đau khổ với ý nghĩ rằng mai kia sẽ mất ông bạn đại úy và đồng thời ông chồng cũng đang quay cuồng với hình ảnh cô Odile.

- Em chắc là do sự tưởng tượng của nhà văn chớ nghe có vẻ khó vững quá, phản khoa học anh hỉ.

- Cũng chưa biết được...

Câu chuyện của hai người chỉ quanh quẩn trong những tác phẩm sách vở mà không hề đề cập đến hiện tại. Quả thật Vinh xem Trang như em gái mình, có phải vì tâm hồn đã bị một người khác nắm giữ hay tại biết Trang từ thuở còn nhỏ, quen đùa nghịch xem như em bé nên cái cảm tưởng Trang là em gái không thể xóa được. Câu chuyện mà Trang vừa hỏi về đứa con trong tác phẩm của Goethe làm Vinh lại mỉm cười, biết đâu Trang chẳng là kết quả của một sự ngoại tình trong tư tưởng như thế, muốn mang câu chuyện ra nói nhưng Trang còn ngây thơ, chắc không chấp nhận những câu chuyện đùa ấy và cô nàng sẽ giận. Vinh cũng nhận rằng Hoàng nói đúng, Trang có thể là một địch thủ của Khanh nhưng tiếc rằng máy bay không đỗ ở sân Phú Bài trước. Sự quỷ quái của định mệnh là cố ý tạo những mẫu giống nhau đặt trên nẻo đời để trêu ghẹo.

Ở Trang có nhiều nét của Khanh, cả tinh thần lẫn vật chất, một vài khi nếu không tự kiểm soát thì Vinh sẽ ngỡ Trang chỉ là Khanh trá hình để đùa với Vinh, thử thách mình mà thôi, khác nhau ở giọng nói, người nói giọng Bắc, kẻ nói giọng Huế. Trang lại trẻ con hơn Khanh vì lúc nào cũng được mẹ nuôi như con cu cu, luôn luôn chạy theo đằng sau.

Cả hai cô gái đều có một khổ người thanh thanh, mái tóc dài, nói đến mái tóc thì cô nào cũng đòi cắt vì nóng cổ nóng lưng, mà sự thật thì cô nào cũng tiếc, không bao giờ dám cắt.

Trang sung sướng hơn Khanh, ít cô độc hơn và quan niệm về tôn giáo cũng nhẹ hơn, không sâu đậm khắc khảm vào đầu óc như Khanh. Vinh biết rằng Trang đặt rất nhiều tin tưởng vào mình, điểm này làm cho Vinh lo ngại. Giá Trang có vẻ đanh ác, hoặc ích kỷ hợm hĩnh tầm thường như nhiều người khác thì Vinh sẽ đối phó dễ dàng hơn. Sự tin tưởng của Trang là một thứ khí giới nguyên tử làm cho Vinh không dám tiến mạnh. Lúc ra đi, Vinh có ý định sẽ nói sự thật cho Trang nghe rằng mình đã có người yêu để cho Trang khỏi hy vọng mất công và có khi làm lỡ cuộc đời, biết đâu Trang sẽ gặp người hơn mình?

Nhưng những câu nói đã được xếp đặt sẵn đã biến đâu mất hết, Vinh cảm thấy mình không đủ can đảm làm khổ một lần ba người đàn bà, mẹ của mình, Trang với bà Phủ. Vinh đành chôn vùi cái ý định nói thẳng lúc ra đi, phó mặc cho thời gian trả lời và giải quyết hộ. Cũng như trước khi đến nhà Trang, Vinh cố ý đóng kịch làm sao cho có vẻ dễ ghét, tự phụ, ác độc, thế mà khi thấy Trang thơ ngây và chân thật quá, Vinh lại không nỡ và cũng dẹp luôn vai kịch của mình.

Chỉ còn một cách là về nói với mẹ xin hoãn binh, Trang còn bé quá, để cho Trang học hành xong, đời bây giờ cái bằng cấp tú tài không đủ làm việc. Một lý do nữa thúc đẩy Vinh giữ im lặng là vì sợ mẹ buồn trong ba ngày Tết. Vinh tự hẹn sẽ nói với mẹ vào độ nghỉ hè cho Trang thi cử xong khỏi buồn, có thể lúc ấy Vinh sẽ thân với Trang hơn, sẽ tỏ cho Trang biết rằng ở giữa hai người chỉ có thể có tình anh em, và biết đâu Trang chẳng là em gái tinh thần của Vinh. Một năm qua thế nào Trang cũng sẽ khôn ngoan hơn, hiểu đời hơn, và người như Trang thì Vinh biết rằng sẽ có những quan niệm rộng rãi hơn chứ không gò bó như những cô gái khác.

Vinh đã tội nghiệp bà Phủ Ninh, tội nghiệp mẹ và tội nghiệp luôn cả Trang, đó là một điểm yếu đuối của thằng con trai suốt đời được sống trong sự nuông chiều.

Lạ nhất là Vinh có cảm tưởng đang tìm thấy ở Trang một chút hình ảnh của chính mình. Vinh tự hỏi sao cô bé còn ít tuổi mà lại có những lập luận giống mình, một thằng con trai đã gần nửa đời người. Vinh đã tinh nghịch hỏi:

- Ai dạy cho Trang mà biết những ý nghĩ già dặn quá vậy?

Trang nhìn Vinh bĩu môi:

- Đó, anh lại coi Trang như con nít, không ai dạy cho Trang cả, tại Trang thấy đời ngắn mà sự hiểu biết quá rộng nên Trang phải tìm một lối đi cho vừa mau vừa ít mất thì giờ.

- Sống ở Huế mà cũng biết chạy theo cái đồng hồ sao?

- Anh dễ ghét, Trang không nói chuyện với anh nữa, chỉ có người Sài Gòn như anh mới biết quý thì giờ hả?

- Nhất định rồi, Sài Gòn của người ta rộng rãi xa hoa, Huế buồn như trang tiểu thuyết của...

- Em không chịu anh nói xấu xứ Huế của em mô...

- Chưa chi mà đã có óc địa phương tính, rứa mà đòi làm người lớn chi? Những kẻ chỉ nhắm mắt mở mắt biết mỗi một quê hương mình là những kẻ tư tưởng táo bón, cần phải được uống thuốc xổ...

- Anh Vinh dễ ghét, em...

- Ra méc mạ phải không, mới lúc nãy nói chuyện văn hào đặc biệt mà chừ đòi ra méc mạ, mắc cỡ, rứa mà khoe mình là người lớn...

- Mà em đã méc chưa?

Cãi lại Vinh trong lòng Trang cảm thấy vui thích vì biết Vinh vẫn xem mình như em gái, tin rằng cái tình gì cũng có ngày tan biến nhưng tình anh em chắc sẽ còn mãi. Sau này Trang sẽ ở mãi cái địa vị ấy, thêm vào cái địa vị làm vợ và làm mẹ của mấy đứa con. Trang rất thích có nhiều con, nếu không sợ Vinh cười thì Trang sẽ kể lể với Vinh sự ấy. Hiện giờ thì Trang còn muốn xin Vinh cho mình học thêm để xứng đáng với Vinh hơn, sợ Vinh giỏi quá mà mình chưa biết gì nhiều thì Vinh cứ phải hạ thấp xuống để nói chuyện búp bê với mình, tội nghiệp cho Vinh.

Từ giã Trang về, Vinh băn khoăn, chưa biết phải nói thế nào với gia đình mình, với gia đình Trang. Vinh hối hận sao ban nãy gặp Trang Vinh chẳng có thái độ nào cho dứt khoát với người con gái ấy để bây giờ khỏi thắc mắc. Nhưng Vinh quên nghĩ rằng ngoài Trang ra Vinh còn có mẹ, đâu phải chỉ mình hai đứa với nhau mà muốn tính sao thì tính.

*****************
 

Hai mẹ con chậm rãi đi bên nhau, đường không xa nên bà Hải muốn đi bộ, có thằng con trai út đi kèm bà không thấy mệt mỏi, dầu phải đi cả chục cây số mà có Vinh theo chắc người mẹ cũng dám đi.

- Răng? Con thấy mạ nói đúng không, có phải con Trang dễ thương không? Hơn mấy đứa khác từ trước tới chừ mạ biết đó, con bằng lòng chưa?

Vinh cúi đầu đi bên mẹ, nhìn những hạt bụi nhỏ bay phủ mờ cái mũi giày bóng loáng của mình, ngập ngừng chưa biết có nên thú thật với mẹ bây giờ hay không bao giờ nữa cả. Vinh không trả lời, bà Hải ngỡ rằng con có chuyện gì bất mãn, bà thắc mắc hỏi lại:

- Con thấy hắn có chi đáng chê nữa?

Vinh giật mình, câu hỏi với giọng thắc mắc của mẹ như có một sức mạnh kéo Vinh về với thực tế. Vinh hết dám suy nghĩ lâu hơn.

- Được, tính nết coi bộ cũng dễ thương nhưng còn nhỏ quá, con thấy nên để cô ta học thêm vài năm nữa, mới mười tám tuổi biết chi mà lấy chồng, về nhà nhõng nhẽo cả ngày mạ chịu chi nổi!

Bà Hải mừng rỡ nghe con nói, bà cũng không có ý định giục con phải cưới vợ làm gì cho gấp, năm nay hay qua năm sau cũng còn kịp, miễn là Vinh bằng lòng để cho bà yên trí khỏi lo. Vì con trai hay con gái sống độc thân, thế nào cũng có những sự dòm ngó cám dỗ. Bà chỉ sợ Vinh gặp phải một cô gái không có lòng, không biết thương yêu, rồi sau này cuộc đời sẽ khổ sở lận đận.

“Đời văn minh răng mà thấy nhiều sự lạ lùng quá”, đấy là một câu mà người đàn bà vẫn hay thắc mắc tự nói lên với mình khi gặp chuyện gì không hiểu nổi. Ngày xưa bà vẫn cho rằng mình đã là quá cấp tiến văn minh lắm rồi, chồng chết mà dám bước thêm bước nữa, dám yêu ông Hải. Nhưng bây giờ thì còn có bao nhiêu chuyện khác quái lạ trầm trọng hơn vẫn xảy ra mỗi ngày. Vì lo sợ nên bà mới phải đi kén vợ cho con trai, để một mình Vinh bà tin rằng con bà khó tự tìm thấy hạnh phúc.

Có Vinh về, nhà vui như những ngày đại hội, hôm nào bà Hải cũng dậy sớm hơn, lo xuống bếp làm thức ăn, từ sáng đến khuya hết dọn mâm này đến mâm khác. Tất cả những món gì mà từ thuở bé Vinh hay ăn đều thấy chất đầy mâm đầy bàn.

Ông Hải bắt Vinh ngồi hàng buổi bên mình để nói chuyện, ông có cảm tưởng vừa tìm được một người bạn ở nơi thằng con trai, Vinh giống cha hệt như ngày trẻ. Lắm khi ông Hải nhìn con, nói chuyện với con mà ngờ như đang nói chuyện với mình ở trước gương, cả tinh thần lẫn vật chất, ý nghĩ làm cho ông vui vẻ và sung sướng. Ít nhất ông cũng có thể tự hào rằng đã góp phần để lại được cho đời một tác phẩm. Nếu trong hơn ba chục năm trời làm việc với ý định xây dựng quê hương mà ngày nay chỉ còn lại như một con số không thì ông ước mong rằng con trai sẽ thay mình làm được một việc gì ích lợi hơn, danh tiếng cho dòng họ hơn chăng?

Nhận thấy cha có vẻ cởi mở, mấy lần Vinh định mang câu chuyện riêng của mình ra bàn bạc với cha, nhờ cha giải quyết hộ nhưng vẫn ngập ngừng. Cha biết thì mẹ sẽ biết, mà mẹ biết thì sẽ tan hoang ra tất cả. Thấy cha có vẻ nâng niu cuộc sống tinh thần của mẹ làm Vinh cảm động nhưng lại buồn ở chỗ rằng như thế tức là mình sẽ phải nhường bước.

- Cậu nghĩ lại, cậu với mạ hệt như hai kẻ bộ hành trong sa mạc, tất cả mọi người đều bỏ cuộc, chính mình cũng vì sợ nặng nề, yếu sức, mà phải vứt bỏ bao nhiêu hành trang. Hiện thời cậu chỉ còn có một mình mạ con là kẻ đã chứng kiến tất cả những chuyện vui buồn từ thuở mô, hình như cả từ kiếp trước...

Giọng ông Hải trầm trầm như giọng của người xưng tội biết rằng mình có nhiều tội lỗi. Ông tiếp theo:

- Nhiều khi cậu làm cho mạ con buồn, mình là đàn ông hay có những đòi hỏi ích kỷ, muốn chi là bắt phải chiều theo, không hề nghĩ đến chung quanh mình có làm ai đau khổ... Rứa mà mạ con tha thứ hết, không khi mô nghe một lần oán trách cả. Sống không còn mấy năm nữa... chừ cậu sám hối, tránh hết những chuyện có thể làm trái ý mạ con...

Lời tâm sự của cha như những nhát búa đóng chặt thêm mấy cái đinh vào trong nắp thùng gỗ, Vinh thấy mất hết can đảm. Ông Hải vô tình mà như cố ý, ông khen Vinh đã ăn ở xứng đáng với tình của mẹ dành cho và mong rằng cứ được như thế mãi.

Vinh cảm thấy nhột nhạt khi nghe cha nói những câu ấy, thằng con trai chỉ muốn gào to lên, kể hết sự thật cho cha nghe, nhưng cái phút giây can đảm ấy không đến, và chắc không bao giờ còn đến nữa.

Cả nhà giành nhau để được nói chuyện với Vinh, đi chơi với Vinh. Bà con xa gần đến thăm từ sáng tới chiều không lúc nào ngớt. Vinh đi vắng nhà, họ bằng lòng đợi cho đến lúc Vinh về. Thằng Minh và thằng Thi đêm nào cũng đòi ngủ với anh, bắt anh kể chuyện bên Tây cho chúng nghe. Hai thằng em tỏ vẻ quý cô chị dâu tương lai, khen mãi làm cho Vinh phát sốt ruột, Vinh phải hỏi:

- Cô Trang cho tụi bây ăn mấy chục gói kẹo mà tụi bây khen dữ rứa?

Cả hai đứa giận lắm, nhất dịnh cãi là không ăn hối lộ của ai cả, tại thấy cô ấy dễ thương, xứng đáng làm chị dâu.

- Răng là xứng đáng làm chị dâu, tụi bay nói anh Vinh nghe coi?

Minh và Thi tranh nhau trả lời, chúng nó lớn cả rồi, không còn bé dại như trước, như ngày Vinh sắp lìa quê hương.

- Xứng đáng làm chị dâu nghĩa là dễ thương, không đanh ác, sau ni không bắt nhốt anh mình vô buồng mà hành hạ riêng, không cho anh em người ta đi chơi với nhau.

- Rồi, đó là ý của Minh, chừ tới phiên Thi phát biểu ý kiến cho anh Vinh nghe.

- Xứng đáng làm chị dâu là không có vẻ keo kiệt, khi mô lỡ như mình có đói bụng tới chị không đuổi.

Vinh nhìn hai thằng em, kể ra chúng nó cũng đã biết xét người, chính Vinh cũng nhận thấy ở Đoan Trang có những nét rộng lượng, từ tâm. Câu chuyện nới với cha, với mẹ, với các em chỉ làm cho Vinh càng thêm thắc mắc khó xử.

Vừa qua mồng sáu Tết, Vinh vội trở vào Sài Gòn, nghỉ phép như thế đã lâu lắm rồi. Cả nhà đi tiễn, không ai buồn như ngày tiễn Vinh đi Pháp, vì Sài Gòn rất gần chứ đâu có xa xôi như xứ Pháp. Chỉ hơn có hai tiếng đồng hồ máy bay, nếu không đi máy bay thì có thể đi xe, đường bộ tha hồ nhìn được bao nhiêu phong cảnh. Vinh hẹn đến nghỉ hè, nếu gia đình không dọn vô Sài Gòn thì Vinh sẽ ra ở hai tháng. Chỉ cần một lời hẹn ấy nghe là đủ mát ruột rồi, bà Hải không mong gì hơn. Với Trang, hôm cuối cùng hai người gặp nhau, Vinh chỉ biết khuyên Trang nên cố học cho xong ban tú tài, cô gái cũng thích như thế.

Trang hoàn toàn tin tưởng vào Vinh, từ thuở bé chưa bao giờ bị một sự va chạm nào với thực tế, với những sự lọc lừa. Trang không hề nghĩ rằng mình sẽ khổ, nhất là khổ vì Vinh, người con trai mà nàng đã xem như anh từ độ bé tí, hai gia đình đi lại thân mật với nhau. Trang muốn tập thêm công việc nhà cửa để ngày nào về với Vinh, Trang sẽ xứng đáng với lòng mong đợi của bà Hải, của Vinh. Hơn nữa Trang cũng chưa muốn xa mẹ một cách vội vàng, Trang không lo sợ mất chồng, mất vị hôn phu như những cô gái khác.

Theo Vinh thì đây chỉ là một đường lối hoãn binh trong khi chờ có giải pháp khác, tránh cho mẹ sự buồn phiền ngày nào hay ngày ấy. Biết rằng như thế là hèn, là yếu đuối, nhưng Vinh chẳng còn cách nào hơn.

***************

Lần này đón Vinh có thêm hai thiếu nữ cùng với gia đình bà Thiện. Khanh gầy đi vì lo lắng. Trước Tết hai người hẹn nhau sẽ liều lĩnh tranh đấu với gia đình nhưng rốt cuộc chẳng ai tiến hơn được bước nào.

- Anh đã nói gì với mẹ chưa?

- Anh chẳng nói gì được cả, cứ để thế này mình sẽ nuôi cái ảo tưởng rằng mọi sự rồi sẽ được giải quyết êm đẹp, anh sợ cái phản ứng của mạ, nhất là trong mấy ngày Tết, đời mạ không còn lâu dài nữa.

Cố nhiên là Vinh vẫn chưa dám nói câu chuyện ở nhà định đi hỏi vợ cho mình, sợ Khanh khổ thêm, Vinh tự thấy mình càng ngày càng đâm ra sở khanh như có lần Nam Trân đã gán cho, đối với Trang không dám nói sự thật, với Khanh cũng phải giấu giếm. Liệu người ngoài có ai hiểu cho không?

- Mấy hôm không có anh, em phải đi nhà thờ mỗi ngày 2 lần.

- Đi làm chi mà nhiều quá vậy?

Câu hỏi của Vinh làm Khanh cau mày, đáng lẽ Vinh phải khen, đấy là những điểm bất đồng của hai kẻ khác đạo, một người đồng đạo sẽ có phản ứng khác. Khanh buồn buồn trả lời:

- Em muốn đi tu, có lẽ đấy cũng là một giải pháp, trong gia đình em bây giờ ngạt thở lắm. Chị Hương và cô của em nhất định phản đối tới cùng, dẫu anh có theo đạo cũng chưa chắc đã chịu.

- Khanh về bảo với chị Hương đừng khó tính lắm, tụi con trai nó nghe tiếng đồn gần xa, nó sẽ chạy trốn hết, ngồi đấy chờ hoài chẳng có thằng nào dám nộp đơn.

Câu này Vinh nói to làm cho cả Hoàng và Nhung bật cười, chỉ có Khanh là hơi bất mãn. Khanh không muốn ai nói đến sự cô độc của người chị mà dầu sao Khanh cũng vẫn thương. Ở Khanh đang có những mâu thuẫn dồn dập, chính Khanh cũng không thể nào hiểu nổi, những sự mâu thuẫn ấy đã như những ngọn roi cứ quất vào tâm hồn mà người cầm roi lại chính là Khanh.

Nhìn ra sân bay, Vinh chợt nảy ra một ý nghĩ liều lĩnh khi thấy chiếc máy bay vừa cất cánh sau khi đã nuốt hàng trăm hành khách đưa sang Hoa Kỳ. Hay là Vinh liều lĩnh đưa Khanh ra ngoại quốc sống một thời gian, trong khi ấy Trang sẽ lớn khôn hơn và có thể hiểu đời, dễ giảng giải hơn. Đối với gia đình thì đứng trước một sự đã xong chắc sức phản ứng sẽ kém dữ dội. Vinh và Khanh chậm rãi đi theo mọi người ra xe xếp hành trang. Vinh đặt ngay câu hỏi:

- Khanh có thể bỏ tất cả để ra sống ở ngoại quốc với anh không?

Khanh ngơ ngác không dám tin cái ý nghĩ táo bạo ấy, nhìn Vinh như muốn bắt chàng nhắc lại một lần nữa, tưởng rằng mình đã nghe nhầm.

- Anh bảo sao? Tại sao anh lại có thể nghĩ như thế? Chắc em không dám đâu. Chúng ta phải cưới nhau rồi mới có thể sống không tội lỗi, nếu không có phép hôn phối mà sống liều thì suốt đời chỉ có đi nhà thờ xưng tội. Hơn nữa còn thầy em, mẹ em, ở ngoài kia còn họ hàng nhà em.

Vinh cũng đoán trước là Khanh sẽ từ chối, rất yêu Vinh nhưng nàng lại có một quan niệm quá vững chắc về gia đình và hôn nhân, do giáo dục từ thuở bé. Vinh không muốn biến mình thành một thứ quỷ sa tăng để cám dỗ người con gái tinh khiết, ngoan ngoãn ấy. Nhưng đến đây thì Vinh cảm thấy mình bị bế tắc, không còn lối thoát nào nữa cả.

Sài Gòn vẫn xa hoa, vẫn ăn chơi, những buổi lễ dạ hội vẫn được tổ chức rất vĩ đại mặc dầu không khí như có thứ hơi ngạt chen lẫn vào, khó thở.

Tình hình chính trị mỗi ngày một ngột ngạt, có những sự bắt bớ mất tích một vô lý mà chẳng ai dám nói ra. Chung quanh hình như lúc nào cũng có người rình rập nghe ngóng, người ta nghi ngờ lẫn nhau, sợ hãi nhau. Cả những người bị bắt được thả ra cũng không dám tả lại những gì mình đã bị chứng kiến, những sự tra tấn giam cầm. Họ chỉ nói rằng đi làm việc ở xa, nếu sự thật khó giấu giếm thì phải ca ngợi sự khoan hồng để khỏi bị tai vạ.

Trước tình trạng nước nhà như thế, câu chuyện tình cảm riêng tư đâm ra bé nhỏ, mặc dầu vạn vật đều có những mối tương quan không thể chối cãi.

Chàng sinh viên ngây thơ dại đột sẵn sàng tin tưởng vào cuộc đời ngày mới về xứ bây giờ không còn nữa. Hình ảnh cậu Vinh ngơ ngác khi bước chân xuống sân bay đã biến mất, nhường chỗ cho một chàng trai ưu tư, khắc khoải, không phải chỉ vì tình yêu thôi, mà còn vì quê hương đất nước. Vinh cảm thấy mình như kẻ muốn đưa tay ra với lấy một cái gì không xa lắm, nhưng cả tay chân đều bị trói chặt, đành chỉ biết giương mắt nhìn bực tức mà thôi.

Sau tám năm trời sống ở ngoại quốc để rồi trở về nhìn lại quê hương, thấy quê hương có đủ tất cả mọi yếu tố để tiến rất xa, thế mà tại sao như bị những sức mạnh từ đâu đến cản trở. Những sự kiện đã xảy ra ở các nước Âu Mỹ cách đây từ một hai trăm năm trước đang chen chúc với những sự kiện khác nhuốm đầy chất văn minh nguyên tử hỗn hợp lại thành một sức mâu thuẫn kỳ lạ.

Những rạn nứt trong lòng người, những ý nghĩ phân chia Bắc Nam, tôn giáo của một nhóm người thiển cận không chịu nhìn sự ích lợi chung, đặt cá nhân lên trên quốc gia, những sự ấy nếu không được cứu vãn kịp thời thì sẽ là những nhát cuốc đào hố để chôn vùi quê hương, đưa đất nước chóng đến chỗ diệt vong nhất.

Thời thượng cổ khi trong nước có sóng gió, vua sai quan đi gặp thầy bói để hỏi thăm, mong tìm ra nguyên nhân để cứu chữa, cầu xin một sự che chở. Những sự tin tưởng chất phác nhưng đầy tính chất xây dựng ấy ngày nay cũng không còn, chỉ còn lại sự nghi kỵ, sống không có ngày mai, sống cho thỏa thích con người của mình hôm nay, còn ngoài ra ai sao thì mặc họ.

Trong nước được chia ra làm ba lớp người. Lớp thống trị thứ nhất dùng đủ mọi cách để giữ vững tài sản địa vị của mình, lớp người này như một chiếc bánh thiu nếu không muốn dùng những hình ảnh khác bẩn thỉu hơn. Chiếc bánh thiu ngày đêm đang bị lũ nhặng bao vây mong kiếm chút hơi hướng, đấy là những kẻ chuyên sống bằng hành vi xu nịnh, sẵn sàng cúi mình làm tất cả mọi hành động gì để lớp người trên được vui lòng.

Tầng lớp thứ hai là của những kẻ bị trị, uất ức mà không dám hé răng, còn một chút liêm sỉ không chịu biến thành một lũ nhặng bâu chung quanh cái bánh thiu, đành chịu cho người chà đạp, hy vọng vào những điềm linh ứng, những lời cầu nguyện gửi nhắn vào tai thần thánh nhưng chẳng biết bao giờ thần thánh chịu nghe cho.

Lớp người thứ ba tuy cũng có chức vị, tuy không đến nỗi bị bạc đãi nhưng không chấp nhận sự lợi dụng đàn áp, ngấm ngầm đau khổ, muốn tìm cách ngăn chận nhưng lại sợ cái áp lực của lớp thứ nhất với lũ nhặng bám chung quanh đang tìm đủ mọi cách để tấn công.

Cả ba lớp người như cây đèn kéo quân trung thu, chạy vòng quanh đuổi bắt nhau, chẳng ai đuổi ai ra khỏi cây đèn, và cây đèn vẫn quay không ngừng.

Vinh tự cảm thấy mình vô dụng, thuộc vào lớp người thứ ba, nhìn rõ mà chịu chết, không biết làm gì nếu không muốn tự nộp mình vào trại giam Côn Đảo. Những sự kiện bắt Vinh phải quên bớt con người của mình mặc dầu yêu Khanh, vẫn thỉnh thoảng có ý nghĩ bắt chước Phúc làm cái hành động phá bức thành biên giới đã ngăn chắn rất nhiều người một cách vô nghĩa. Nhưng làm sao phá được khi chỉ có mỗi một mình. Khanh không chịu giúp sức và sau lưng Vinh còn có những tiếng thở dài, những giọt nước mắt của người mẹ.

Những lúc này chỉ có Hoàng là người thân nhất để Vinh có thể tâm sự, tâm sự mà không sợ bị phê bình, bị chỉ trích hoặc đi khai báo với người khác.

- Tức quá Hoàng nhỉ, ở vào thế kỷ này rồi mà còn gặp những cái hàng rào tư tưởng ngăn cách...

- Ngu nhất là không phải chỉ có riêng hai gia đình, mà chính là cả cậu lẫn Khanh đều tự làm khổ lấy mình.

- Cũng có thể...

Vinh trả lời lơ lửng vì không chịu nhận hẳn phần lỗi về mình, tự cho mình là phóng khoáng, cởi mở hơn nhiều người khác.

- Còn chi nữa, cậu không chịu nhận, cậu thử nhìn lại coi, Khanh bắt cậu phải theo đạo mới được cưới, mặc dầu yêu đến xanh xao gầy còm, bỏ cả ăn cả học. Cậu thì không chịu theo đạo để cưới Khanh, bức thành này là hai người xây lên chứ chẳng có ai vô đó cả.

- Hoàng nói vô lý, nếu không có bà ngoại...

- Thôi đi cậu, bà ngoại chỉ là một trong mấy lý do mà thôi, không có bà ngoại Hoàng cũng chưa chắc cậu đã chịu theo đạo. Khanh đã có lần phàn nàn với Nhung rằng cậu bảo không đưa cái đầu đi cúi hết cửa này đến cửa khác...

- Xin lỗi đi, cậu có bao giờ đề nghị Khanh bỏ đạo của mình chưa?

Vinh không đồng ý với Hoàng. Theo Vinh thì bức tường đã xây lên từ hàng trăm năm trước, mới được bồi đắp thêm vào mấy năm sau này, chưa biết rõ là bàn tay nào thúc đẩy. Bức thành không phải do Khanh và nhất là không do Vinh.

Thấy cãi nhau mãi, nói chuyện chính trị mãi mà chẳng đi đến đâu, chẳng đưa đến một giải pháp gì mới, hai cậu cháu rủ nhau ra nhà hàng Pagode ngồi nhìn những tà áo màu tha thướt.

Về xứ từ hơn một năm rồi mà Vinh vẫn chưa hết say mê chiếc áo dài của các cô gái Việt. Lắm khi Vinh tự bắt gặp mình nhìn các cô như ngày ở Pháp hay ra mấy quán cà phê ngồi nhìn cái thiếu nữ ngoại quốc.

Cũng có những cảm giác thích thú ngạc nhiên, những cái nhìn chấm thi cho điểm, nhận xét soi mói, không phải như người vẫn nhìn những cái gì quen thuộc thường xuyên. Có những màu sắc lắm khi chói chang, khó chấp nhận trên người một cô gái Âu, thế mà lúc may vào chiếc áo dài lại thành ra nhịp nhàng vui mắt, tha thứ được cả. Vinh vẫn phàn nàn với Hoàng rằng các cô gái Á Châu ngày nay đã rời bỏ dần bộ quốc phục để mặc theo cái lối Âu, mong trình bày bộ đùi, bộ ngực xinh đẹp. Tiếc rằng lắm khi cái thân hình của các cô lại không phải sinh ra để mặc những thứ ấy, nhất là trong những buổi lễ hội. Ngoại trừ một số cô may mắn lắm mới có được tấm thân cân đối, còn thì phải nhờ đến sự dung túng che chở của chiếc áo dài và chiếc quần phủ gót, cũng như các cô gái Nhật Bản phải nhờ đến cái kimono.

- Hoàng xin không đồng ý với cậu ở điểm này. Theo Hoàng thì cô nào có bộ đùi không ống sậy, không độc bình, dáng dấp nhanh nhẹn, không ẻo lả, nghĩa là cô nào mặc được thì phải để cho người ta mặc. Chiếc áo dài Việt Nam đã đồng lõa cho sự lười biếng, khi đã giấu giếm được thì các cô sẽ thả trôi, không lo tập tành sửa chữa nữa.

Cãi nhau mãi, không ai làm thay đổi lập trường của ai, nhưng cả hai đều công nhận rằng Vinh bị cái méo mó của những kẻ sống lâu ở nước ngoài. Lúc trở về quê hương cũng cẫn còn có cảm tưởng mình là một thứ du khách, chỉ thích những gì đặc biệt thuần túy của cái xứ mình đến viếng.

****************
 

Mai Hương ngạc nhiên thấy em gái hình như mấy tuần nay có vẻ bớt buồn, ăn ngủ bình thường, không hốc hác như trước. Mai Hương nghĩ rằng chắc có sự gì đã xảy ra, hoặc là hai người này đang trù tính một chương trình ghê gớm trái với luân thường đạo lý, hoặc trái với gia đình, chứ không lý do nào mà họ có thể thay đổi nhanh chóng như thế.

Cố sức dò la nhưng chẳng biết gì hơn, Mai Hương không hiểu rằng mối tình nào cũng chia ra nhiều giai đoạn. Sau giai đoạn cuồng nhiệt ban đầu thì đến một giai đoạn trầm lặng hơn, hoặc để tìm lối thoát hoặc để hiểu nhau hơn, sửa soạn đi đến cuộc xây dựng lâu dài trong tương lai. Vinh và Mai Khanh đã thảo luận nhiều lần với nhau và cùng đồng ý nên để cho thời gian giúp thêm sức vào, và thời gian vẫn đưa đến cho người rất nhiều giải pháp hữu hiệu. Hiện giờ cả hai cùng có cảm tưởng rằng mình như một con vật đang bị trói chặt, càng vùng vẫy thì cái dây trói lại càng cứa vào da thịt làm cho đau đớn hơn.

Vinh cũng không bằng lòng khi thấy Mai Khanh đã quá hành hạ thể xác của chính mình bằng cách mỗi ngày đi nhà thờ cầu nguyện hàng giờ ở dưới sàn đá cho chai trầy đầu gối, ăn ngủ sút kém, không chịu uống thuốc tẩm bổ.

Vinh bắt buộc Khanh phải hứa với mình là đổi thái độ, nếu không Vinh sẽ giận. Khanh chiều ý người yêu và cảm thấy cuộc sống có phần dễ chịu, đỡ u uất hơn. Do đó làm cho Mai Hương, vì bản tính chất phác hay tin nhảm nhí theo u già nên đâm ra lo ngại, nàng nhất định hỏi thẳng em gái:

- Độ này cậu Hoàng đi đâu chẳng thấy lại chơi?

Nghe chị hỏi thăm Hoàng, Khanh ngước mắt nhìn lên chị hơi thắc mắc:

- Anh ấy ở nhà, chẳng đi đâu cả, chắc bận học vì sắp thi đến nơi.

- Còn cậu Vinh?

Nghe chị nhắc đến tên Vinh, Khanh hơi mỉm cười đỏ mặt không trả lời, giả vờ quay nhìn ra mấy gốc hồng vừa đơm bông định khen lấp đi, nhưng Mai Hương khôn hơn, nàng hỏi tiếp ngay:

- Bộ cậu ấy về Huế kiếm được vợ rồi sao không thấy nói gì cả?

- Ai bảo với chị thế, anh Vinh vào đây từ mồng sáu Tết.

Khanh kiêu hãnh trả lời, nàng không ngờ hôm nay bị chị tấn công như thế, đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

- Đoán thế, thấy Khanh có vẻ bình tĩnh mà cậu ấy cũng không tìm cách nhờ cô Nhung với cậu Hoàng đến thậm thọt làm chim xanh chim đỏ.

- Chẳng có ai làm chim xanh chim đỏ gì cả, chị đừng bảo thế.

Mai Hương bỗng như vừa tìm được một lời giảng giải cho bài tính của mình, nàng sẽ làm đủ mọi cách để gieo vào lòng em gái cái ý nghĩ Vinh sắp có vợ, một mặt khác sẽ làm thế nào nhắn cho bà Hải biết cuộc tình duyên lén lút của con bà đang làm khổ gia đình mình.

Tuy nghĩ lại cũng hơi tội nghiệp em gái, biết Mai Khanh sẽ buồn, sẽ khổ sở nhưng cứ để cho tình trạng này kéo dài thì chắc rồi sẽ xảy ra nhiều chuyện lôi thôi phiền phức khác. Mai Hương và cô Hiển đã bàn bạc kỹ với nhau, nếu không mở một cuộc tấn công rất mạnh thì khó mà cứu được Mai Khanh. Thà cho chịu đựng một trận rồi hết, cũng như những người bệnh mà phải dùng đến phương pháp mổ xẻ đau đớn mới chữa khỏi. Cô Hiển bàn nên gả chồng cho Khanh là xong. Mai Hương tuy không đồng ý nhưng cũng đành chịu vậy.

- Cô xem có đám nào, cô đánh tiếng hộ nhé.

- Khối, để đấy tao liệu cho!

Cô Hiển nói bằng một giọng chắc nịch, từ trước đến nay cô đã từng làm mai cho nhiều đám mà đám nào cũng ăn chắc. Mai Khanh cháu cô lại vừa xinh, vừa có học thức, trong họ đều biết tiếng, muốn gì chứ muốn chồng là có ngay.

Đừng nghĩ rằng Mai Hương ác với em gái, trái lại chính nàng cũng khổ sở rất nhiều. Biết bao nhiêu lần người chị đã phải vào nhà thờ để đốt đèn cầu nguyện. Ai đứng gần bên lắng nghe sẽ nhận thấy giọng người chị rất chân thành tha thiết: “Lạy Chúa phù hộ cho em con bớt mê muội, khỏi sa vào vòng tội lỗi.”

Chúa ở trên trời nghe lời cầu xin của cả hai chị em, cô nào cũng chân thành, cô nào cũng đau khổ, Chúa sẽ khó xử chẳng biết nên giúp bên nào.

Mai Hương đã cầu xin với tất cả tấm lòng thành khẩn của một người chị thương em, một kẻ có trách nhiệm bảo vệ gia đình mà gia đình đang gặp cơn khốn khổ. Như kẻ giữ ngôi nhà, thấy ngôi nhà bị gió bão lay dọa, tất nhiên phải lo đi tìm dây, tìm cột để chống đỡ chứ ai có thể ngồi đấy mà nhìn suông. Xin mọi người đừng trách Mai Hương.

Trông thấy em gái mỗi ngày một gầy, những ý nghĩ hờn tủi ban đầu đã hết, chỉ còn lại lòng thương chân thật mà thôi. Càng thương em gái, Mai Hương lại càng oán ghét Vinh, xem chàng như một thứ quỷ sa tăng hiện hình lên để cám dỗ em mình.

Sau đêm đến ngủ lại nhà cô Hiển để bàn bạc cẩn thận một lần nữa, Mai Hương về phòng mình nắn nót viết gửi ra Huế cho bà Hải một bức thư. Nàng đã ăn cắp được địa chỉ trong phong bì tấm thiệp của Vinh gửi vào chúc Tết Mai Khanh vừa rồi.

“Thưa bà,

Tôi đường đột viết thư này gửi bà vì không có cách nào hơn, nếu bà ở vào địa vị của tôi chắc bà cũng làm như thế. Để khỏi giáo đầu dài dòng lôi thôi, tôi xin tự giới thiệu với bà tôi là chị của Mai Khanh. Em gái tôi, từ độ gặp cậu Vinh, con trai bà, chẳng biết cậu ấy đã dùng bùa ngải bên Tây, Tàu gì mà làm nó say mê bỏ ăn bỏ ngủ. Gia đình chúng tôi là kẻ có đạo dòng từ bao nhiêu đời, không thể nào đi nhận một người khác đạo và nhà, nếu người ấy không tự nguyện xin theo đạo của chúng tôi.

Chắc bà cũng biết phép hôn phối rất là quan trọng trong đời người con gái. Xin bà hiểu nỗi đau khổ của chúng tôi từ mấy lâu nay, và xin bà nên đi cưới vợ khác cho cậu Vinh, khuyên cậu ấy hãy buông tha em gái tôi để cho nó ăn, nó học. Cậu ấy thiếu gì vợ, mong bà thông cảm giùm.

Ký tên

Người chị đau khổ.”

Mai Hương đọc lại tác phẩm của mình một lần cuối rồi nhét vội vào phong bì dán kín ngay, định chiều nay đi bỏ tận bưu điện. Nàng ngại không dám cất lâu sợ sẽ thay đổi ý kiến. Biết rằng bức thư của mình có thể gây ra rất nhiều sóng gió, nhưng Mai Hương hy vọng rằng qua cơn sóng gió này thì cuộc sống sẽ lại được bình yên như cũ.

Nàng cầu nguyện rất nhiều trước khi bỏ thư vào thùng bưu điện, về đến nhà Mai Hương suýt thú thật cái hành động của mình với em gái nhưng nàng lại không dám, biết chắc rằng Mai Khanh sẽ giận dỗi.

Cũng có thể là hai chị em rồi sẽ mất nhau suốt đời như đã xảy ra trong một vài gia đình khác mà lắm khi nguyên nhân thật bé nhỏ, nhưng rồi Mai Hương hy vọng họ nhà mình có nhiều phúc đức hơn, nhà mình có Đức Mẹ phù hộ, không thể nào giống những gia đình khác. Sau này Mai Khanh sẽ hiểu mình và sẽ công nhận hành động của mình là vì thương yêu em và chỉ muốn bảo vệ em.

*******************
 

Bà Hải đứng lặng người sau khi nghe thằng Thi đọc xong bức thư, người mẹ muốn từ chối không tin rằng con trai của mình lại có những hành động như thế. Đây chỉ là một sự vu khống để phá rối hạnh phúc nhà bà, do những kẻ ác độc chuyên ganh ghét đó thôi.

Việc trước nhất là dặn hai cậu bé Minh và Thi không được mang câu chuyện bức thư ra mách với ai, sợ đến tai bà Phủ Ninh sẽ làm khổ cho hai mẹ con Đoan Trang.

Sự thật thế nào chưa biết rõ, cũng có thể là đúng mà cũng có thể là bịa đặt hoàn toàn. Tuy tự nghĩ để an ủi như thế, nhưng trong lòng người mẹ vẫn thấy băn khoăn. Bà Hải chờ chồng về để bàn bạc xem chồng giải thích thế nào, đời thật phức tạp.

Người mẹ tin rằng con trai mình không bao giờ biết làm một sự gì ám muội. Mặc dầu xa vắng trong bảy tám năm trời, ngày về bà Hải thấy con vẫn không thay đổi, vẫn tỏ ra hiếu thuận ngoan ngoãn, vui vẻ với tất cả mọi người, chứ không kiêu kỳ hách dịch như một số người sau khi đi học xa về tự nhận thấy mình đã thành tài. Tại sao trong bức thư lại nói những lời thóa mạ tệ hại đến thế?

Nghe giọng hỏi thăm mình từ ngoài cửa như thường lệ, bà Hải vội vàng bước ra. Nhìn thấy mặt vợ không được tươi vui, ông Hải đoán ngay vừa có gì xảy tới.

- Mình có chi không vui đó?

Bà Hải lặng lẽ trao bức thư đang còn nắm trong tay cho chồng đọc, mắt ngước nhìn theo dõi từng nét thay đổi trên gương mặt của chồng. Ông Hải đọc xong hơi mỉm cười có vẻ mỉa mai:

- Đúng là giọng thơ đàn bà, “bùa ngải bên Tây, bên Tàu”. Bên Tây làm chi có bùa ngải...

- Mình nghĩ răng, có thiệt không?

- Thiệt thì cũng có thể là thiệt, nhưng đã chi mô mà cuống cuồng, hoặc là mình viết thơ hỏi hắn, hoặc là mình đi một chuyến vô Sài Gòn nhân tiện coi chỗ ăn chỗ ở của hắn ra răng rồi hãy tính, chớ tự nhiên nhận được cái thơ rồi buồn liền hả?

- Mình nói phải, chưa có chi mà tui đã tin...

Nghe chồng cho phép vào Sài Gòn thăm con, bà Hải mừng quá. Từ độ có chiến tranh đến giờ người đàn bà không hề dám rời chồng lấy một ngày, chỉ sợ ông Hải cô độc buồn rầu, nản chí, hoặc không ai lo lắng cho chu đáo bằng mình, nhất là gặp phải những hôm có chuyện bực tức xảy ra, không có mình ở đó để an ủi.

Ngày trước ông Hải có một nếp sống bận rộn khác hẳn, khách khứa bạn bè luôn luôn, sự vắng mặt của vợ không quan trọng lắm. Nhưng ngày nay chiến tranh của đất nước đã thu hẹp con người lại về với mình, một người bạn trở nên cần thiết. Với ông Hải thì ngoài vợ ra, không còn nơi nào cho tinh thần nương tựa nữa cả.

Trước kia mỗi con người có thể nhìn được tương lai của mình, nhất là loại người như ông Hải mà lối đi đã được tổ tiên, cha ông vạch sẵn, rõ ràng sáng sủa, có thể trông ra tăm tắp đến tận cùng, tức là cái nơi mình sẽ được chôn cất. Ngày nay không còn nữa, lối ấy đã bị ngăn chắn, con đường ngày nay nó ngoằn ngoèo, ông Hải tự ví mình như kẻ đang lạc lối, may mắn lắm mới nhìn rõ ngày hôm sau, chứ qua đến hôm sau nữa thì chẳng dám tính trước.

Những lời giải thích và sự có mặt của chồng làm cho người đàn bà bớt khổ sở, bà Hải cố gắng thu xếp cắt đặt công việc nhà để mau được vào Sài Gòn thăm con, nghe con giải thích với mình. Hy vọng rằng sự thật sẽ tốt đẹp và bức thư này chỉ là của một người ghen ghét với hạnh phúc nhà mình. Loài người vẫn độc ác, chẳng bao giờ mong cho người khác được sung sướng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện cổ Phật giáo


Vì sao tôi khổ


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Nguyên lý duyên khởi

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.178.241 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...