Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Bức Thành Biên Giới »» Chương Hai. »»

Bức Thành Biên Giới
»» Chương Hai.

Donate

(Lượt xem: 1.274)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bức Thành Biên Giới - Chương Hai.

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Vinh đứng một lúc, tránh sang bên cho mọi người đi xuống thang máy bay trước, vì muốn ghi lại cái giây phút nghiêm trọng của đời mình. Không nghiêm trọng sao được, hơn tám năm xa cách bây giờ mới được trở về nhìn lại ánh nắng mặt trời, những mái nhà, những con đường quen thuộc cũ.

Sài Gòn rực rỡ nắng, Vinh muốn uống hết vào mình tất cả cả những tia nắng ấm áp ấy, những tia nắng mà người Âu Châu năm nào cũng phải lũ lượt kéo nhau đi hàng nghìn cây số để tìm ra và phải trả một giá thật đắt. Nước Việt Nam của Vinh như một thiếu nữ có đầy đủ các món hồi môn, muốn biển, muốn núi chỉ cần đi bộ một vài trăm cây số là gặp biển gặp núi.

Cách ba tiếng đồng hồ trước, khi máy bay bay qua mấy thửa ruộng ở Thái Lan, nhìn xuống những người dân cày đi theo con trâu, Vinh cảm thấy xúc động nhìn đồng hồ canh từng phút, chỉ còn hai giờ nữa là Vinh sẽ được về với quê hương thân yêu.

- Quê hương, đây là quê hương...

Vinh tự thì thầm với mình, cách xa có gần chín năm trời mà quê hương thay đổi khá nhiều, đấy là chưa hẳn đã thanh bình, rồi đây khi thanh bình trở về, khi tất cả những vết thương của chiến tranh đều được băng bó lại, da thịt liền nhau thì nước Việt Nam tha hồ mà tiến bộ.

Vinh tin chắc như thế, bao nhiêu nhà xã hội học và nhân chủng học đã không công nhận rằng dân tộc Việt Nam thông minh nhất nhì ở Á châu đó sao? Thông minh mà nếu thêm sự đoàn kết và chịu khó thì nhất định sẽ không thua ai.

Trở về sau mấy năm du học, ngày ra đi Vinh chỉ mới là một cậu học sinh nhỏ chưa có gì, nhưng bây giờ Vinh tự nhận thấy mình đã khá lớn, không kể tấm bằng cấp, vì sự thực có lắm người chuyên môn dùng bằng cấp để treo chơi chứ không làm được gì có lợi cho đất nước. Ngoài tấm bằng cấp ấy ra, Vinh đã học thêm được rất nhiều kinh nghiệm ở đời. Vinh đã biết sống, có ý thức về cuộc sống. Phải sống thế nào cho khỏi tủi thân Thượng Đế, sống thế nào cho lúc già không tiếc mà cũng không hận, đó là một thứ triết lý mà Vinh đã thâu nhặt được sau mấy năm lăn lóc ở Âu châu.

Từ đằng xa trên gác của sân bay có mấy người đưa tay vẫy, Vinh nhận ra dáng chị Thiện với hai đứa con trai đứng hai bên, chắc là thằng Hoàng và thằng Linh. Chị Thiện không thay đổi, hình như có béo hơn, còn mấy đứa cháu thì lớn vụt lên, khác hẳn với ngày Vinh ra đi, mặc dầu thằng Hoàng vẫn gửi thư và ảnh cho Vinh luôn.

Biết rằng khó sống ở Huế, gia đình chị Thiện đã dọn hết vào Nam, ở trong một tỉnh lớn ai cũng như ai, không bị chú ý như ở trong một thành phố nhỏ. Tuy các cháu chẳng ai dám gửi thư nhưng có những người đã trốn qua Pháp kể cho Vinh và các bạn nghe cái đường lối chính trị của cậu Cẩn và các tay sai. Nhà chị Thiện thuộc loại khá giả nên nếu không tìm cách dọn đi sớm, chắc thế nào cũng sẽ gặp lắm chuyện lôi thôi phiền phức.

Theo như những bức thư của thằng Minh thì hình như gia đình cũng đợi Vinh về rồi sẽ dọn cả vào Nam ở luôn, càng hay. Tuy xứ Huế thơ mộng và quyến rũ thật, nhưng khi xứ Huế đã bị một thứ sâu độc đang hoành hành thì người dân đành phải lìa bỏ, không thể nào vì mấy ngôi mộ mà phải chịu cuộc sống đàn áp khắc nghiệt.

Người dân châu Mỹ nhờ có cái tính không mọc rễ như người dân châu Âu nên nước Mỹ mới tiến nhanh như thế, có phải nước Việt Nam cũng chỉ vì mấy ngôi mộ với cái nhà thờ hương hỏa mà chậm tiến đó chăng?

Vinh nhất định sẽ cương quyết về thúc đẩy cha mẹ dọn gấp vô Nam, đâu chẳng là quê hương, tuy hay đùa gọi bằng bún bò với hủ tiếu nhưng Vinh không có óc phân chia Nam Bắc như những người khác.

Sài Gòn đang vào cuối thu, cây cỏ vừa được trải qua một mùa mưa ướt át nên xanh hơn, không cằn cỗi như vào độ nắng cháy của trời tháng giêng, tháng hai. Thời tiết mùa màng ở đây khác hẳn với Âu châu, thế mà người Pháp lúc sang đây lại cứ bắt buộc dân tộc Việt Nam phải theo chung một chương trình học tập nên kết quả thu nhặt được lắm khi không nhiều.

Độ này Âu châu đang lo chưng bày các thứ hàng dạ, len, nỉ, áo lông thỏ, lông cừu sửa soạn đón mùa lạnh, và đồng thời những gian hàng cũng sửa soạn chưng bày bán quà Giáng Sinh. Thiên hạ đang đổ xô vào chuyện mua sắm trước để được giá rẻ. Trái lại Sài Gòn vẫn mỏng manh tha thướt trong những tà áo dài, hoặc những chiếc sơ mi trần, xăn tay cho bớt nóng.

Vinh ngượng nghịu cúi nhìn bộ áo dạ thẫm màu của mình, ai trông thấy cũng biết ngay là anh chàng vừa ở một xứ lạnh về.

Chị Thiện gặp Vinh mừng tíu tít, câu thứ nhất của bà chị là bảo thằng con trai lớn dẫn cậu đi may mấy cái quần hàng nhẹ mặc cho mát.

- Xếp cất mấy bộ áo ấm này để dành đi Đà Lạt cậu ơi.

Thằng Hoàng, đang học năm thứ ba ở Văn Khoa, nghe tin Vinh về đã cúp cua đi đón, vì trong họ nó vẫn quý Vinh nhất, cho rằng chỉ mình Vinh mới biết sống. Hoàng tự hứa sau này cũng sẽ theo bước chân của người cậu họ trẻ tuổi ấy, Vinh chỉ hơn Hoàng có sáu tuổi, hai cậu cháu có thể trở thành một đôi bạn thân.

- Con gái xứ mình chừ đẹp lắm nghe cậu, không phải như hồi trước mô!

Vinh cười nói to cho cả mọi người cùng nghe:

- Hoàng liệu mà giới thiệu cho cậu đi, cậu mới về còn quê mùa lắm chưa biết chi mô, ngơ ngác như con nai vàng của Lưu Trọng Lư mà.

- Hai cậu cháu chưa chi đã nói đã nói chuyện gái.

- Con trai có chừng nớ chuyện, nếu mạ là con trai thì mạ cũng xin chạy theo đi chơi với tụi con, ngoài ra còn chi khác nữa mô!

Từ hôm nghe tin Vinh về, Hoàng đã bảo mẹ thu xếp nhà cửa để đón, nhất định mời Vinh ở với gia đình mình, nó còn viết thư về đề nghị với ông bà Hải cho Vinh ở luôn Sài Gòn trong khi chờ đợi ông bà Hải dọn nhà, chứ đừng bắt Vinh phải về Huế.

Hoàng khéo nói, khéo đưa ra những ý nghĩa về sự “hà chính”, tức là lối chính trị hà khắc của lãnh chúa miền Trung, nên ông bà Hải cũng đồng ý, không dám bắt Vinh về Huế.

Theo lời Hoàng thì con gái miền Nam bây giờ đã được “Trung, Bắc hóa” nên bớt những chiếc áo màu chói chang ngũ sắc, tứ sắc với những bông hoa to bằng cái chậu giặt máng trên người. Cái quần ngày trước của các cô gái Nam rộng thùng thình, mỗi ống cỡ hai người chui chân vô cũng còn vừa, nhưng bây giờ đã biết xén bớt. Cộng thêm với thứ nhan sắc mặn mà như muối bể có sẵn của họ nên trông rất ngoạn mục, rất dễ say mê.

- Thằng Hoàng đang chết mê chết mệt mấy cô “ri-cư” đó cậu Vinh biết không, cậu coi chừng chứ thế nào hắn cũng cù rủ cậu vô đảng của hắn.

- Mạ nói lạ, các cô “ri-cư” đẹp thì con phải mê, sau khi mạ có dâu đẹp ăn nói có duyên, có phải sướng hơn là con dắt về cho mạ một mụ dâu họ Chung, đen như cột nhà cháy, mở miệng nói câu mô chỉ muốn bịt tai để khỏi bị nghe nữa, như rứa mạ chịu răng cho được!

- Có cậu Vinh về coi bộ anh Hoàng lên râu quá mạ hí.

Thằng Linh về hùa với mẹ để chỉ trích anh, tuy trong lòng nó cũng thấy vui khi biết cậu Vinh ở bên Tây về và sẽ ở lại trong nhà cho tới khi ông Hải và bà Hải dọn vào Sài Gòn.

- Nói chi thì nói, đêm nay anh Hoàng bắt cóc cậu Vinh rồi đó, vì có dạ vũ lễ sinh nhật của một cô “ri-cư” mời cả Sài Gòn xa hoa. Cậu Vinh phải đi dự cho mọi người được ngửi cái mùi thơm Paris, để lâu quá nó phai đi hết thơm.

- Mùi Paris chắc Hoàng muốn nói mùi fromage Camembert chứ gì, dân Paris khoái thứ nớ lắm, nhất là khi nó đã chảy dài ra.

- Thôi đi cậu, về đây cậu phải nhật gia tùy tục, nhất là phải để cho Hoàng làm “gít” mới được.

Thế là mới về có một buổi mà Vinh đã hòa mình với cuộc sống của quê hương. Vinh ngạc nhiên khi thấy có những người vừa học hành xong mà nhất định không chịu về. Họ viện cớ rằng vợ họ là người Pháp, cưới lỡ rồi không thể sống được ở Việt Nam. Một số người khác thì lại thấy mình học quá cao, về nhà không có chỗ sử dụng mấy tấm bằng cấp ấy. Thế là đành cúi mình làm việc cho người ngoại quốc, từ bỏ cả giống nòi xứ sở, con cháu họ đã sinh ra chỉ nói rặt một tiếng ngoại quốc, không còn biết gì đến quê nhà. Nước bé đi cung cấp cán bộ cho nước lớn là thế, trong khi nước mình đang cần cán bộ. Để an ủi hoặc bào chữa họ có một lập luận chính trị để đưa ra, vì không đồng quan điểm với chính phủ nên họ phải ở nước ngoài. Ngay cả những chị đàn bà chuyên nấu ăn với đẻ con mà cũng dùng cái luận điệu ấy để tự bào chữa cho cái tội vong quốc của mình.

Đến bao giờ nước Việt Nam mới thoát ra được cái tình trạng u tối, nếu tất cả những thanh niên ưu tú khi ra được nước ngoài là trốn luôn không tính chuyện trở về nữa?

Sau khi ngủ trưa dậy tắm rửa xong, Vinh và Hoàng mặc quần áo đi ra phố chọn quà mang đến biếu người đẹp, bạn của Hoàng.

- Hoàng sẽ giới thiệu cậu một thiếu nữ di cư, quê ở miền Phát Diệm, “chắng như ngó cần”, cậu mà gặp cô ấy thì nhất định là cậu phải “dụng dời” tay chân.

Nghe Hoàng giả giọng Bắc để khen người thiếu nữ, Vinh bật cười hỏi lại:

- Ngó cần là cái quái quỷ chi cậu không biết?

- Cậu không biết ngó cần à, ngó cần là ngó cần đó, “chắng chẻo” lắm, nhưng thôi cậu cứ chịu khó chờ tí nữa sẽ thấy, thế nào nàng cũng đến vì người ta có họ với nhau, Hoàng không phải là văn sĩ đại tài nên không thể tả được, chỉ biết rằng Hoàng không ác và không đùa theo lối của ông ngoại đâu.

Vinh mỉm cười khi nghe Hoàng nhắc đến cha mình. Thật thế, ông Hải vẫn hay có cái lối đùa độc ác, đi đâu gặp con gái nhà ai xấu thì về khoe ầm lên là tuyệt thế giai nhân để cho mọi người đều tưởng lầm, kéo nhau đi xem mặt. Xem xong về ai cũng thất vọng và bực tức vì thấy mình bị mắc lừa, xấu hổ hơn nữa là sau đó còn bị ông Hải làm mấy câu hò để châm biếm trêu chọc.

Hai cậu cháu vừa đi vừa nói chuyện nên không thấy đường xa, lâu lắm Vinh mới gặp những cảm giác hân hoan vui như thế này, mà chính Vinh cũng không biết nó phát nguồn từ đâu. Có phải vì được trở về với quê hương, hay vì được gặp những người thân, hay tại những niềm vui trẻ trung của Hoàng đã truyền sang cho mình.

- Con đường này đẹp quá, tên chi rứa Hoàng?

- Duy Tân. Có mấy con đường ở Sài Gòn đẹp lắm, bữa mô hai cậu cháu mình đi xem kỹ một hôm, mới vô Sài Gòn một năm mà cháu được tụi bạn tôn cho cháu chức thổ công rồi đó.

- Mê nhứt là hai hàng cây, tưởng tượng nếu đường không có cây cũng như những người thiếu nữ không có tóc, buồn biết mấy...

- Đồng ý với cậu, Hoàng cũng không thích mấy cái xa lộ của Âu châu, nhìn vào ảnh coi như có gì trần truồng, không thơ mộng chi cả.

Biệt thự của bác sĩ Định ở gần ngay đường Duy Tân nên hai cậu cháu không cần lấy xe. Bác sĩ Định là cha của Thùy Nhung, cô thiếu nữ chủ nhân của buổi lễ sinh nhật hôm nay.

Gian nhà trang hoàng theo lối mới, vì đem nay có khiêu vũ nên phòng khách rộng được dẹp hết, ghế đặt ra chung quanh để dành phần giữa làm vũ trường. Có cả ban nhạc trẻ được mời đến hòa nhạc chứ không nhảy bằng đĩa hát như những buổi dạ vũ tầm thường.

Thùy Nhung là con nhà giàu, tuy di cư nhưng không phải cái thứ di cư lênh đênh mặt bể, theo mấy con tàu của Mỹ với Pháp cho mượn, mà là thứ di cư sang trọng chuyển được hầu hết của cải đi từ trước khi quân đội của miền Bắc vào Hà Nội. Chỉ trừ có những ngôi nhà bán không ai mua mà chở máy bay thì chẳng có máy bay nào chở nổi nên mới phải để lại.

Cha mẹ giàu, chỉ có hai cô con gái nên hai cô được quý như hai viên ngọc, ngày sinh nhật nhắc đến hôm các cô ra đời mang theo bao nhiêu niềm vui cho gia đình, ngày ấy tất nhiên phải là một ngày đại lễ, các cô muốn thức gì cũng được bố mẹ sẵn sàng chiều ý ngay.

Cô chị là Thùy Nhung vừa 20 tuổi, cô em Thùy Dương mới có 18, hôm nay là lễ sinh nhật của cô Nhung, bạn của Hoàng, bạn hay người yêu cũng thế. Tuy rằng chưa chắc Hoàng có thể yêu được lâu vì đối với một viên ngọc quý thì giá cao, không phải ai cũng có thể làm chủ được. Dầu sao tuổi trẻ không hề biết lùi bước, nhất là trong mặt trận tình cảm nên cả hai đều bất chấp tất cả mọi cản trở.

Hôm nay Hoàng muốn khoe với gia đình của người yêu rằng mình cũng có cậu học ở Pháp về như ai nên nhất định bắt Vinh phải đi, mặc dầu Vinh kêu rằng mệt và buồn ngủ mà Hoàng vẫn không tha.

- Ngủ, sao lại ngủ một cách vô lý như rứa, ngày nào chết rồi tha hồ cậu ngủ, chẳng ai kêu cậu dậy nữa đâu!

- Cái thằng Hoàng lớn rồi mà ăn nói vô duyên lạ, bà ngoại nghe được thì mi liệu hồn.

Mẹ Hoàng còn thuộc lối cổ nên hay kiêng cữ, một phần cũng do ở lòng thương mà ra, khi thương người nào thì ta không thích nghĩ đến cái chết của người ấy hay những điều gì không lành có thể xảy ra cho người ấy.

Cuối cùng để chiều ý thằng cháu vui tính tràn đầy nhựa sống, tính vui nhộn của Hoàng đã lây sang cho Vinh tỉnh dậy. Vinh cũng đồng ý là đời người ngắn ngủi, ngày nào chết rồi tha hồ ngủ trong hòm, bây giờ còn sống, còn được nhìn ánh mặt trời, được nhìn những vì sao, ngủ làm chi nhiều cho phí của. Vinh bằng lòng đi với Hoàng sau khi đã uống một tách cà phê thật đậm do tay Hoàng pha cho, vì Hoàng cũng bắt chước mắc cái bệnh ghiền cà phê của cậu.

Hoàng và Vinh vừa vào đến cổng, chưa kịp bấm chuông thì trong nhà đã nghe tiếng reo mừng người ta chờ hai cậu cháu. Nghe Vinh ở Pháp về, cũng nhờ cái tin đưa ra là có một ông tiến sĩ ở Pháp về nên các cô gái đến dự lễ hôm nay có phần đông hơn mọi năm và điểm đáng chú ý nhất là cô nào cũng cố sức trang điểm thật kỹ, thật duyên dáng.

Nhung và em gái lộng lẫy trong hai chiếc áo kim tuyến màu xanh và màu hồng chạy ra đón khách tận cửa.

- Sao các anh đến muộn quá vậy, làm Nhung cứ tưởng có chuyện gì, định quay điện thoại đến hỏi thăm.

- Tại cậu Vinh kêu buồn ngủ không chịu đi, phải thuyết phục, giảng triết lý mãi mới chịu, mà trước khi đi còn hành phải pha cà phê ngon cho uống mới đi. Đã thế lại còn du dương đi bộ để cậu ấy ngắm đường xá làm quen.

Nhung nhìn trách móc làm Vinh phải xin lỗi, trong sân đã đầy những tà áo dài với những bộ quần áo thẫm màu của các cô các cậu.

- Giới thiệu với chủ nhân, đây là cậu Vinh của Hoàng vừa ở Pháp về sáng nay, còn ngáp và còn thơm mùi Paris, một thằng con trai có đi có về chứ không như những phường vong bản, lấy xứ người làm xứ mình, bỏ mặc quê hương cho voi giày ngựa xéo.

Nghe Hoàng nói lưu loát Vinh rất phục cháu, thằng bé sống ở quê nhà giao thiệp nhiều nên mới mạnh dạn như thế, trong khi Vinh sống ở nước ngoài chỉ lo cắm đầu học với thi. Đi đâu chơi cũng chỉ quanh quẩn cạnh mấy thằng bạn thân hoặc vài cô gái quen thuộc, không cần phải giữ gìn ý tứ. Vinh lúng túng chào mọi người, ngượng nhất là biết mình bị làm mục tiêu trong buổi lễ. Đó là về phần các cô, cố nhiên, chứ các cậu đến chỉ vì hai viên ngọc quý con ông bác sĩ, hy vọng được lọt vào mắt xanh của một trong hai cô, nếu được thì quả là một sự may mắn. Đời bây giờ không những người ta chỉ nhắm vợ đẹp, vợ giàu, vợ học thức mà còn nhắm thêm cái địa vị của bố vợ, hy vọng được sự nâng đỡ của bố vợ để trèo lên những nấc thang danh vọng một cách nhanh chóng.

Lễ sinh nhật của Thùy Nhung là một dịp tốt cho tất cả lớp con nhà giàu có cơ hội gặp nhau để đánh giá nhau, thêm sự hiện diện của Vinh lại càng hào hứng. Cũng có vài cậu biết rằng Nhung và Hoàng rất thân nhau nhưng thân là một chuyện mà được sự chấp thuận của gia đình lại là một chuyện khác. Ngày nào cưới rồi mới làm cho họ rút lui, chưa cưới thì vẫn còn là con cá dưới sông, anh nào có phúc anh ấy câu được, chẳng ai dại gì mà nhường lại cho ai.

Hoàng đến trao cho Nhung chiếc hộp nhỏ, bên trong có cái thánh giá bằng bạch kim với sợi dây cũng bằng một thứ bạch kim. Hoàng đã bắt mẹ mua rất đắt hai thứ ấy vì muốn rằng đấy là món quà mà Nhung sẽ phải mang luôn bên mình, kèm với món quà của Hoàng. Vinh chỉ cần mang thêm có một hộp kẹo sô cô la. Nhung vui mừng nhờ Hoàng mang cho vào cổ mình ngay để tỏ lòng cảm ơn theo lối văn minh Âu tây.

- Em sẽ đưa ra nhà thờ xin cha làm phép và sẽ giữ mãi...

- Hoàng chỉ mong có thế...

Các cô gái nhìn cái thánh giá của Nhung bằng đôi mắt thèm khát, ai cũng biết rõ giá tiền của bạch kim còn đắt hơn giá vàng. Nhung tung tăng chạy đi khoe với các bạn rồi chạy luôn vào trong nhà, chắc để khoe với mẹ, với những người bà con đến làm giúp.

Món quà tặng vốn là một thứ rất quan trọng, tùy với cái cường độ tình cảm mà cho nhau. Hoàng biết rõ như thế, biết rằng ngày sinh nhật Nhung sẽ nhận được rất nhiều quà, nếu Hoàng cũng chỉ mua một thứ gì tầm thường thì món quà của mình sẽ bị lạc trong đám rừng quà của những người khách khác. Và thời gian, thời gian sẽ làm phôi pha đi, vì thế nên chọn thứ bạch kim vừa ngạo được với thời gian, vừa nhã nhặn không gợi lòng tham như những món nữ trang bằng vàng hoặc kim cương chói lọi.

Một lần nữa Vinh phải phục thằng cháu khôn ngoan sau khi nghe Hoàng giảng giải. Vinh chịu, không biết gì cả, chẳng thế mà cô nào cũng bỏ đi lấy chồng hết.

Thấy Nhung vừa trở ra, Hoàng đến bên cạnh người bạn gái nói khẽ:

- Cậu Vinh của Hoàng dễ thương nhất, quan niệm rộng rãi, thích lắm, chúng mình phải tìm một cô bạn nào cũng tương đương như thế để giới thiệu cho cậu ấy đi.

- Hoàng có chắc rằng tim cậu ấy chưa bị một cô đầm nào đóng đô không đã, các sinh viên đi du học ở Pháp về Nhung nghi lắm, giới thiệu rồi ngộ nhỡ bên ấy có ai thì nguy.

- Không có đâu, Nhung cứ tin đi, cậu Vinh thẳng thắn không hề biết nói dối ai bao giờ. Hoàng đã hỏi rồi, từ mấy năm nay cậu ấy vẫn viết thư kể cho Hoàng nghe tất cả những mối tình của mình.

- Giới thiệu Liễu cho cậu ấy nhé.

- Liễu nào đó, Liễu học sư phạm ấy à, thôi đi, tìm cô nào thanh thanh hơn, Hoàng biết cái “gu” của cậu ấy lắm, cô Liễu không dính đâu.

- Hay là Khanh, nhưng Khanh nhiều tình cảm, Nhung sợ Khanh sẽ khổ vì cậu ấy thì chúng mình mang tội chết...

Hoàng đã nghĩ đến Khanh ngay từ đầu nhưng không muốn nói trước. Trong số bà con và bạn bè của Nhung, Hoàng vẫn công nhận là Khanh đoan trang và chịu khó nhất, không lấc cấc hoặc “văm” như các cô gái của thời đại bây giờ, loại gái chỉ để làm vui trong một đám tiệc chứ không có bề sâu, không nói được những câu chuyện triết lý thâm trầm mà lắm khi rất cần thiết, dầu chỉ là bạn bè với nhau.

- Ừ Khanh, phải đấy, nhưng cô ấy đâu rồi, sao hôm nay không đến?

- Khanh đang giúp người bếp khuấy bơ để vẽ chữ “Happy Birthday” ở sau bếp, cô ấy làm việc từ chiều đến giờ, không cho Nhung đặt chân xuống bếp.

- Ngoan quá nhỉ, thế Nhung thử vào xem xong chưa, triệu cô ấy ra chứ bắt đóng vai cô bé lọ lem mãi thì oan quá, để mấy cô khác dành mất ông hoàng tử đi thì còn gì nữa.

Nhung mỉm cười nghe Hoàng nói đùa, những kẻ sung sướng mà có lòng bao giờ cũng muốn chia cái sung sướng cho người khác chứ không ích kỷ giữ lấy riêng mình. Hoàng và Nhung đều sung sướng hôm nay và cũng đều là những kẻ có lòng.

Đợi Nhung vào nhà trong, Hoàng chạy lại ngồi cạnh Vinh nói thầm vào tai không muốn cho người bên cạnh nghe được.

- Nhung sẽ giới thiệu cho cậu một cô bé lọ lem.

- Lọ lem hay ngó cần? Hai cái khác nhau lắm đấy nhé.

- Thể chất thì ngó cần mà đức tính của cô lọ lem, như thế mới đáng quý chứ!

Vinh tưởng rằng cô ấy đang lẫn trong đám khách nên đưa mắt nhìn ra chung quanh cố tìm xem, Hoàng biết ý nhưng vẫn để cho Vinh tìm thử, xem Vinh sẽ chấm cô nào.

- Chẳng thấy cô nào có hai yếu tố đó cả, hay là tại vì cậu không có đôi mắt tinh đời. Kể ra cũng nhiều “ngó cần” ở đây nhưng ngó cần mà có thêm đức tính của cô lọ lem thì hình như không thấy.

- Đúng đấy, kể ra cậu cũng tinh mắt, con gái Bắc ăn nhiều đậu phụ với nước rau muống, dễ có cái nước da “ngó cần” lắm, nhất là các cô lại kỵ nắng Sài Gòn, không đi chơi vào buổi trưa. Nhưng Hoàng giới thiệu cô này thì nhất định cậu xỉu liền, đủ hết mọi đức tính.

- Chi mà ghê thế, Hoàng làm như cậu yếu bóng vía lắm, người ta cũng đã lắm phen sinh tử với người đẹp, có phải tù trong khám mới được phóng thích đâu mà gặp ai là nhảy bổ vào mê ngay.

- Cá với cậu đó, một chầu “Arc en ciel”, cậu mà không mê cô ngó cần ni thì Hoàng mất cậu một chầu ở đó.

- Bồ câu nhồi yến bồ câu quay, ăn no chết thôi, Hoàng dám cá không?

- Dám liền! Bồ câu nhồi yến bồ câu quay, cậu liệu mà chuẩn bị cái túi tiền, ngày mai lo gửi đơn vào Bộ xin làm việc đi đã. Hay là tốt hơn về nói mợ Hoàng cho cậu vay trước để còn bao, chứ lâu quá mất thú vị, thua cuộc phải đi ăn liền mới ngon.

Hai cậu cháu đang đùa, đánh cuộc với nhau thì Nhung ở trong nhà bước ra cùng với một cô bạn gái đi sát bên cạnh. Hoàng thúc cùi tay nhẹ vào tay Vinh để bắt Vinh phải chú ý.

- Giới thiệu với các anh đây là Mai Khanh, bạn của Nhung và cũng là chị họ của Nhung, còn đây là anh Hoàng mọi người đều biết rồi và đây là anh Vinh, cậu của Hoàng, anh Vinh vừa ở Pháp về trưa hôm nay.

Mọi người cúi đầu chào nhau, Khanh lúng túng không biết nên đưa tay ra bắt hay chỉ nên cúi đầu như lệ thường. Vinh cũng lúng túng, vừa lúng túng lại vừa buồn cười, nghĩ đến bữa ăn mà mình và Hoàng mới đánh cuộc với nhau vì cô thiếu nữ này.

Theo sự nhận xét thoáng qua, Vinh thấy Khanh không đến nỗi quá đẹp bắt Vinh phải xỉu như lời “tuyên truyền” của Hoàng, nhưng nhìn lâu Khanh có những nét thanh tú đặc biệt của một cô gái miền Bắc. Nhất là màu da ngó cần, đúng là ngó cần hơn cả các cô gái khác ở trong buổi tiệc đêm nay. Khanh giống những thiếu nữ trong tấm tranh lụa mà các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Gia Trí hay vẽ thời chưa có chiến tranh. Lối trang điểm lại là lối trang điểm của các cô gái Ý, tất cả đều nhợt nhạt, chỉ đôi mắt được đặc biệt chú trọng.

Dáng người Khanh mảnh mai nhưng không thấp nhỏ như phần đông các cô gái Việt khác, khổ mặt trái soan với đôi môi hồng và đôi mắt dài cách xa nhau, thứ mắt trên mấy bức tượng phụ nữ Ai Cập thời cổ, có gì thanh thoát ẩn hiện, như một bông hoa sen trắng. Mỗi phút qua Vinh tìm thêm được ở Khanh một cái gì lưu luyến hơn, đậm đà níu kéo hơn.

Ban nhạc bắt đầu trỗi lên, các cô các cậu vui mừng đứng dậy tìm nhau, từng đôi từng đôi quay cuồng. Vinh ngạc nhiên không ngờ quê nhà tiến bộ quá thế, nhất là Hoàng tha hồ trổ tài, đủ các môn, chẳng có điệu nào ban nhạc trỗi lên mà Hoàng ngồi yên. Chỉ có Vinh và Khanh là ngồi yên không nhảy, chỉ thỉnh thoảng vỗ tay hoặc nhìn nhau khẽ mỉm cười. Lần nào cũng do Vinh nhìn trước, bắt Khanh phải cắn môi rồi cúi đầu xuống để tránh cái nhìn của Vinh.

Nhạc vừa ngừng sau một bản Valse, Hoàng rời cô bạn đi thẳng đến chỗ Vinh với Khanh, nói to cho cả Khanh cùng nghe.

- Cậu Vinh lúc nãy cá chi với Hoàng nhớ không?

- Bồ câu nhồi yến bồ câu quay, ăn no chết thôi...

Thấy Vinh và Hoàng đùa với nhau, Khanh quay sang hỏi góp chuyện. Có Hoàng đến, Khanh bớt ngượng. Khanh ngượng vì biết Vinh đang nhận xét mình. Cảm tưởng đang bị lột hết từ tinh thần đến thể chất đặt dưới ống kính hiển vi của nhà bác học làm cho Khanh ngượng và không dám nói chuyện thân mật với Vinh.

- Các anh cá gì mà sang trọng thế?

- Bí mật quân sự, phái nữ không nên biết tới.

Hoàng nói xong còn đưa ngón tay lên miệng cho tăng thêm phần bí mật, nếu Mai Khanh biết rõ chắc nàng sẽ vui thích lắm.

- Bao giờ đi, tối nay hay ngày mai cho cậu tùy thích.

- Nhưng ai nói với Hoàng rằng người ta chịu thua cuộc đâu mà đòi ăn.

- Thôi thôi cậu đừng gian dối, càng về sau phạt vạ càng to hơn, cậu tưởng Hoàng là trẻ con mới sinh ngày hôm qua đó hả?

Vinh mỉm cười vui thích, thực ra chính Vinh cũng chẳng biết rõ mình đã thua cuộc hay chưa. Lệ thường Vinh không bao giờ thấy mình bị sét đánh vì một cô gái nào. Ngay cả với Bội Ngọc ngày bé, mối tình thứ nhất, cũng phải gặp mấy lần thì cái nhan sắc mới thấm dần vào tim chứ đâu có dễ dàng như thế.

Mang ý nghĩ ấy ra nói với Hoàng nhưng Hoàng đã lên mặt sành sõi dạy đời, rút kinh nghiệm của mình ra, giảng giải bắt Vinh phải công nhận là mình mê Khanh, mình sét đánh khi thấy Khanh.

- Hoàng áp dụng phương pháp tuyên truyền của Cộng Sản phải không?

Vinh nhất định chưa chịu thua cuộc, còn cố cãi cho được mặc dầu cũng đã bắt đầu nhận thấy Hoàng nói có phần đúng, trước sự ngơ ngác của Khanh và Nhung, hai thiếu nữ không biết cậu cháu nhà ấy cãi nhau vì lý do gì mà cãi nhau mãi thế.

Có mấy người khách bạn của Nhung đến muộn, hai thiếu nữ phải đứng lên chào đón, bỏ mặc Vinh và Hoàng cho cãi nhau nốt.

- Kể ra cũng vô duyên Hoàng nhỉ, nếu thật như thế.

- Như thế là như thế nào?

- Là thua Hoàng một chầu Arc En Ciel đấy.

- Sao lại vô duyên, vô duyên thì “đối diện bất tương phùng” chứ, cậu phải cho rằng đây là hữu duyên mới đúng.

- Thôi xin ông đó, đừng có xổ chữ của Thánh hiền với tôi, ai chả biết Hoàng học Văn khoa đại học.

- Sắp ra trường, xin cậu đừng quên.

Hoàng làm bộ trịnh trọng nhắc thêm, rồi hỏi lại:

- Cậu bảo vô duyên là vô duyên làm sao đâu?

- Đi bao nhiêu nước để rồi về đây thua cuộc với Hoàng.

- “Such is life”, cậu không nghe chuyện Vi Cố hay sao, định mệnh đã buộc thì tránh răng cho khỏi, nhưng cậu có công nhận là “ngó cần” không?

- Chữ “ngó cần” nghe vật chất quá, chỉ muốn mang ra nấu canh thịt bò, chữ ấy nên dành cho những cô gái nào da trắng mà dáng điệu “văm” một tí mới đúng. Cô ni phải gọi là người lụa, toàn người như kết bằng lụa với nến. Hoàng không nhận thấy sao?

Hoàng gật gù đồng ý nhưng cho rằng hình ảnh hơi có vẻ liêu trai thần thoại, không hợp với thời đại.

- Đấy là cậu chưa có dịp nói chuyện lâu đấy nhé, phải nghe cái giọng của nàng mới ru hồn. Giọng Bắc cũng có năm bảy thứ Bắc, không phải cái loại “lăm” đồng xích “nô” từ Hà “Lội” “nên” Phủ “Ný” đâu.

Vinh phá lên cười khi nghe Hoàng uốn giọng để bắt chước cho giống người Bắc làm mọi người đều quay lại nhìn. Nhung chạy đến trách Hoàng:

- Các anh có gì vui mà giấu riêng với nhau, anh Hoàng xấu nhé, tí nữa Nhung không cho ăn bánh đâu.

- Bánh sinh nhật chắc ngon lắm cô Nhung nhỉ, thế nào cũng phải đặc biệt hơn bánh của mọi ngày.

- Bánh ngon nhưng cậu Vinh phải nhảy một bản rồi mới được ăn.

Hoàng muốn bắt Vinh phải mời Khanh nhảy cho hai người quen nhau hơn, theo ý Hoàng thì dân Paris về chắc phải nhảy giỏi lắm nhưng Vinh vội vàng cải chính ngay:

- Muốn nhảy giỏi thì phải có nhiều thì giờ đi chơi, mà đi chơi thì cuối năm thi hỏng, Hoàng tính sao?

Hoàng không đồng ý, có học phải có chơi mà ở Việt Nam nếu không cho nhảy thì chẳng còn biết môn gì để giải trí.

- Báo tin này cho cậu biết, hình như sắp có lệnh cấm cả khiêu vũ trong gia đình vì nghe bảo hại cho thuần phong mỹ tục, chúng ta không còn gì để tiêu sầu ngoài sự lò cò với nhau. Nếu cấm nhảy, cấm yêu đương thì chắc dân Việt Nam nên kéo nhau vào núi tu cả đi cho xong.

Nghe Hoàng than thở bằng một giọng chán chường, Vinh chỉ cười, mới về với quê hương tâm hồn còn ấm áp quá, Vinh chưa thấy thắc mắc đến những vấn đề ăn chơi, ngay cả đến những vấn đề chính trị hay gì gì đi nữa, mặc những lời dọa nạt của một số người trốn qua Pháp phàn nàn những điểm bất công của chính phủ, những hành động dã man đối với đảng phái đối lập.

Nhưng Vinh còn nguyên vẹn quá; tâm hồn như hộp kẹp còn có lớp giấy bóng kính dán bọc kín đáo bên ngoài, từ thuở bé đến lớn mới rời ghế nhà trường chưa đầy sáu tháng thì làm gì biết đến những kèn cựa, tranh giành thịt xôi trên sân khấu chính trị.

- Sao cậu Vinh không mời cô Khanh nhảy một bản đi?

- Dân Paris về quê mùa lắm, nhảy sợ người ta cười cho thì xấu hổ! Thà mình đừng nhảy người ta sẽ tưởng mình nhảy giỏi, phải không cô Khanh?

- Tùy đấy, nếu anh nói thật thì là phải, mà nếu anh nói để nhún mình thì không phải.

- Những người không nhảy, không đòi ăn ngon, không uống được rượu thì lúc già vào viện dưỡng lão sẽ nằm mà than thở vì tiếc cái thời xuân trẻ.

- Triết lý của Hoàng học sách nào đó?

- Hiện sinh mà cậu, thứ hiện sinh bán ở chợ Sài Gòn đó, nhưng đúng lắm chứ không phải đùa đâu nhé.

Nói xong Hoàng kéo Vinh đứng lên bắt phải mời Khanh nhảy vì theo lời Hoàng, những người này ích kỷ chỉ muốn kẻ khác ăn chơi, còn mình lo ngồi cầu kinh tức là muốn đẩy người ta xuống địa ngục còn mình lên Thiên đường, như thế là bất công, trái phép.

Nhạc cử bản blue tango, Vinh đành phải đứng lên sửa lại cà vạt cúi mời Khanh vậy, nếu không thì chẳng bao giờ được yên thân với Hoàng.

- Em nhảy tồi lắm, các anh của em mới chỉ cho mấy bản, giẫm vào chân anh tha lỗi trước nhé.

- Bao giờ Khanh cân được tạ rưỡi thì hãy lo chuẩn bị câu ấy.

Bản nhạc đánh xong hồi thứ nhất, hai người chỉ im lặng để nhận xét nhau, chẳng ai nói với ai câu nào, qua đến lúc tái hồi, Vinh mới tìm được một câu hỏi để phá tan sự im lặng:

- Khanh vào Sài Gòn lâu chưa?

- Ngay sau khi hiệp định Genève ký xong.

- Cả gia đình chứ?

- Cả gia đình, có thể gọi là hầu hết cả họ, chỉ trừ mẹ em tiếc mấy ngôi nhà không bán được nên nhất định ở lại giữ. Độ ấy chúng em vẫn hy vọng rằng chỉ đi một thời gian rồi lại quay về nhưng bây giờ mới biết rằng chắc còn lâu lắm.

- Độ mới vào chắc Khanh buồn lắm?

- Buồn chứ anh, nhiều khi chỉ nhớ cái hiu hắt của không gian thôi, thế mà cái nhớ ấy cũng ray rứt làm mình không ngủ được.

- Chắc Khanh thích văn chương?

- Cũng như tất cả mọi người thôi, Sài Gòn không có đủ bốn mùa, chỉ có mưa và nắng, nhưng chắc rồi cũng quen, em đã bắt đầu quen rồi, không bỡ ngỡ như trước nữa.

Trong tất cả câu chuyện, Vinh nhận thấy ở Khanh một đức tính chịu đựng nhẫn nhục của các bà Tú, bà Đồ người miền Bắc, có lẽ đó là đức tính chung của tất cả phụ nữ Việt Nam chân chính, vì mẹ Vinh, bà Hải, người đàn bà Huế cũng có những đức tính ấy. Ngày nào nước Việt Nam còn thì còn có những người đàn bà như thế. Loại con gái như Nam Trân hay như một số thiếu nữ lai căng khác chỉ là lớp da bên ngoài do ảnh hưởng ngoại bang. Lớp người ấy không thể nào xô ngã được cái bức thành kiên cố của quê hương, của dân tộc.

Nhạc ngừng, Vinh đưa Khanh trở lại chỗ cũ sau khi đã nghiêng mình cảm ơn rất lễ phép, thứ lễ phép mà Vinh đã tiêm nhiễm được của người con trai Âu.

Hoàng cũng vừa đưa Thùy Dương, em của Thùy Nhung trở lại chỗ cũ, thấy Vinh và Khanh đã có vẻ đậm chuyện, Hoàng đến bên Vinh hỏi lại:

- Bồ câu nhồi yến, bồ câu quay nhé, nhất định chưa?

- Đồ quỷ, đồ cô hồn đói ăn.

Rồi hai người lại cười vang. Hoàng bí mật hạ giọng:

- Tuyệt trần không cậu, tuyệt cú không cậu? Chỉ phải một điều gay cấn cho cậu nhất là Thiên Chúa Giáo.

- Thật không?

Vinh ngơ ngác không tin.

- “Nạy” chúa tôi “nòng nành” vô cùng, con đâu có “lói náo” với cậu.

Vinh cau mặt không cười mặc dầu Hoàng nói cố bắt chước người miền Bắc ở vùng quê. Đấy là một bức thành kiên cố nhất mà Vinh sẽ phải vượt qua, biết rõ ý mẹ, sự tin sùng đạo Phật của mẹ, nhất định không bao giờ mẹ bằng lòng chấp thuận một người con dâu khác đạo, dẫu cho nàng có tài cán đức hạnh đến thế nào.

Theo Vinh thì không có nhiều Trời và nhiều Thiên đường; tất cả những thứ ấy đều duy nhất chỉ do loài người đặt bày ra để dọa dẫm nhau, bắt nạt nhau, chứ chẳng Chúa nào Phật nào mà bày đặt ra sự chia rẽ như thế. Ngay cả những bài kinh dài cũng do người sau này đặt bày thêm thắt vào. Nói ra thì nhất định sẽ có những người mù quáng đứng lên phản đối, Vinh bỗng cảm thấy như một áng mây đen vừa kéo ngang trước mắt mình, hơi vô lý vì Vinh và Khanh nào đã có gì đâu.

*************
 


Chiếc bánh sinh nhật đặt trong cái mâm bạc lớn được mang ra với con dao và cái xẻng xúc bánh cũng bằng bạc, những thứ chỉ dành riêng cho mỗi năm khi trong nhà có lễ, và sinh nhật mới dùng đến nó.

Trên chiếc bánh thắp hai mươi ngọn nến, tuổi của Thùy Nhung năm nay. Âm nhạc cử bài “Bon Anniversaire”. Người bồi bàn mang ra một khay đầy cốc để uống champagne, tiếp liền sau đó là những tiếng nổ đôm đốp hòa với tiếng vỗ tay và tiếng chúc tụng.

Trước mắt Vinh chỉ có những màu sắc quay cuồng, Thùy Nhung đứng lên thổi nến cắt bánh mang đi mời khắp mọi người. Khanh và Hoàng cũng lại tiếp tay với Nhung đi tiếp khách, chỉ có Vinh vẫn ngồi yên theo dõi những ý nghĩ trong tâm tư.

***********

Khanh và Thùy Nhung là hai gia đình chú bác với nhau, cụ lang Lộc và bác sĩ Định là hai anh em ruột, một người theo về đông y và một người theo tây y. Không phải vì thế mà hai anh em xa cách nhau, trái lại họ thương yêu nhau, bệnh nào em chịu, không chữa được tức là tây y đầu hàng thì gửi sang đông y hoặc dịt thuốc lá hoặc uống thuốc thang. Trái lại, có những bệnh cần mổ xẻ, cần soi điện thì ông anh lại gửi qua cho em trai mình săn sóc.

Sau ngày ký kết hiệp định Genève, bà con giòng họ nhà cụ Lộc đều di cư vào Nam kẻ sau người trước, vì tất cả đều là Thiên Chúa giáo, tất cả đều không chịu sống dưới chế độ Cộng Sản.

Cụ Lộc, bố của Mai Khanh là anh cả trong họ. Cụ nổi tiếng là một ông thầy thuốc hay và một con người đạo đức nhất. Ở nơi cụ, dung hòa cái tốt của Khổng Mạnh và của Thiên Chúa giáo, suốt đời triệt để hành động theo những điều dạy bảo trong kinh sách.

Với những con bệnh nghèo, chẳng những cụ thăm mạch không lấy tiền mà thuốc cắt, cụ cũng không tính một xu kể cả những thứ đắt tiền như sâm, nhung, thục v.v...

Tất cả họ hàng lớn bé di cư, chỉ có mỗi mình cụ bà ở lại vì thương mồ mả, thương mấy ngôi nhà bỏ lại không ai coi sóc mà bán thì chẳng ai thèm trả bằng cái giá tiền xây nửa bức tường.

- Tao già chừng này, không lẽ các ông ấy còn bắt tao ra làm cái gì nữa, họ muốn lấy gì thì cứ lấy, nay mai tới rồi thế nào tao chẳng về với các cụ.

Chỉ có mỗi lý do ấy mà người mẹ nhất định ở lại chứ ngoài ra chẳng còn gì khác. Đằng nào cũng chết, thà chết ở nơi quê quán còn hơn là vào làm ma lạc lõng trong Nam.

Thế là cụ ông đành dắt các con xuống tàu, nhờ có ông Định là bác sĩ gửi gắm nên cả gia đình cụ Lộc được đối đãi tử tế, được chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng chứ không bắt chui rút xuống dưới hầm như những người di cư không có sự gửi gắm khác.

Cụ Lộc chỉ có hai con trai Phúc, Thọ và hai con gái Mai Hương và Mai Khanh, các con lớn cả không cần đến sự săn sóc của mẹ nữa, trái lại còn có thể giúp cha trong vấn đề trông coi nhà cửa, ăn uống nên cụ bà cũng yên chí không phải lo lắng gì.

Phúc và Thọ, hai cậu con trai lớn tuổi cách xa hai em gái. Phúc năm nay đã ba mươi tám, Thọ ba mươi lăm, Mai Hương ba mươi và Mai Khanh là con gái cuối lòng mới có mười chín. Mấy đứa con giữa đều không nuôi được, tuy có tài hốt thuốc với thăm bệnh của cha. Người ta vẫn bảo con ông thầy thuốc thường hay bệnh tật, quả như thế, hai vợ chồng cụ sinh những mười hai lần mà rốt cuộc chỉ còn lại có bốn đứa.

Hai thằng con trai, tuy hiếm hoi mà cụ Lộc cũng phải chiều ý để cho chúng nó lăn lóc theo cuộc kháng chiến mất mấy năm. Sau đấy cả hai đều trở về với gia đình, vì cụ Lộc là đạo gốc mà nghe nói Cộng Sản diệt tôn giáo nên cụ nhất định xin các con phải trở về.

Không phải vì sợ lệnh của cha nhưng các cậu cũng chán dần với sự hy sinh không ngừng mà đoàn thể đòi hỏi nơi mình. Nhất là ở đâu rốt cuộc cũng có những sự chia rẽ bè phái, cá lớn nuốt cá bé. Ông cán bộ lớn hút thuốc thơm, tắm xà phòng thơm, xài bút Parker, cưới vợ đẹp, vợ trẻ dẫu cho ông có già khú đế. Trong khi ấy thì ông cán bộ bé vẫn đi chân đất, hút thuốc lào, dùng bút sừng trâu, cũng chưa chắc lắm khi đã sắm nổi cái bút sừng trâu và ở đến bạc tóc cũng không kiếm ra ai chịu làm vợ, và tiền đâu mà cưới vợ, thì giờ đâu mà đi kiếm vợ.

Mấy năm đầu mọi người đều hăng hái vì cái lý tưởng kháng chiến chống Pháp, Phúc và Thọ bỏ cả học hành để gia nhập ban tiếp tế, ban tuyên truyền đi các mặt trận.

Thọ suýt chết ở Mường Xén vì quá hăng hái muốn theo các anh bộ đội đi xáp lá cà với giặc. Phúc thì không biết lây ở đâu được chứng sốt rét rừng, phải bỏ công việc xin đoàn thể về nhà bắt cha săn sóc.

Suốt hàng tháng trời, Cụ Lộc phải ngồi canh thuốc cho con không kể ngày đêm. Khỏi chứng sốt rét thì biến sang chứng mụt nhọt, trong thân mình như bị chất độc rúc rỉa vì sự ăn uống bậy bạ, bất thường.

Cụ Lộc săn sóc con đến gầy tóp cả người, chỉ vì cửa nhà còn có bốn mụn con ấy. Nếu Phúc và Thọ mà có mệnh hệ nào thì ai nối dõi tông đường, lo lắng chuyện mồ mả, ai xin lễ, rửa tội, cầu kinh. Đây là những vấn đề rất quan trọng mà chỉ những kẻ ăn hôm nay biết hôm nay mới không nghĩ ngợi quan tâm đến. Cụ Lộc là giòng trưởng, bảo cụ không lo ngại sao được.

Cụ bà thấy hai thằng con trai hành hạ cha chúng nó nhiều quá, lắm bận cáu kỉnh chẳng biết có cách nào cho bớt cáu, cụ têm một cơi trầu đầy, xong rồi cụ vừa ngồi ăn vừa chửi đổng cho đến bao giờ nhai hết cơi trầu cụ mới ngừng.

- Cha bố chúng bây, kháng chiến với chẳng kháng chiến, bây giờ chỉ hành hạ cha chúng bây chứ có mang về được cái lợi lộc gì cho nhà, cho nước đâu. Đói bỏ xừ, từ trên xuống dưới. Tây nó có bom có súng, mình chỉ có hai bàn tay với mấy cái súng ăn cắp được. Thật là châu chấu đá voi.

Phúc đang nằm trùm chăn mà nghe mẹ nói ngang một lúc, cậu trai tức mình vùng dậy trả lời lại mẹ:

- Bu nói mà bu chẳng biết nghĩ, không có kháng chiến thì làm sao đuổi được cái quân thực dân ra khỏi nước. Hiện giờ chúng ta đang ở vào giai đoạn cầm cự, tất cả mọi người phải chịu hy sinh. Ngày nào Tổng phản công, ba thằng thực dân chạy hết thì nước ta sẽ kiến thiết lại rất nhanh, lúc ấy mới là Thiên đường. Lúc ấy rồi bu mới thấy...

- Hừ, thấy cái gì, thấy ông bà tao chứ thấy cái gì, lúc ấy thì sẽ thấy bà con họ hàng nhà tao nhăn răng ra chứ còn thấy cái gì nữa.

Phúc tức lắm, chẳng lẽ lại vùng dậy kéo mẹ ra ủy ban cho họ trừng trị cái tội hay nói phản động. Muốn làm một lần nhưng nghĩ tội nghiệp cha lại thôi.

Vừa khỏi bệnh, ăn uống tẩm bổ kha khá một chút thì Phúc đã nằng nặc đòi ra đi nữa. Như thế mà bảo người mẹ không cáu sao được. Đẻ con ra không hề được nhờ cậy lấy một đồng một chữ, bao nhiêu sức lực mang đi phung phí, ăn cơm nhà vác ngà voi, đã thế mỗi lần về còn nói giọng sặc mùi chính trị. Không biết đến lễ, đến chầu đến kiệu là gì cả, lắm khi cụ có cảm tưởng là ma quỷ nó đã cám dỗ linh hồn của hai thằng con trai cụ mất rồi. Nó biến ra thành Việt Minh cộng sản để nó cám dỗ linh hồn, như thế đấy chứ còn gì nữa...

Nhưng rồi một hôm ma quỷ nó trả lại linh hồn cho hai thằng con trai của cụ, nó không cám dỗ nữa. Hôm ấy trời mưa, mưa nhiều quá ngập cả đường, cụ thấy thằng con cụ đi về mặt mày phờ phạc, râu ria đầy cằm. Từ mấy tháng nay không tin tức, thì ra cả hai cậu bị tố vì không làm tròn phận sự, vì có gia đình phản động, vì có đạo v.v... vì những gì nữa, cả hai bị đưa đi vào những chỗ rừng rú xa xôi mãi đến hôm nay mới trốn được về. Cũng có thể là còn những vấn đề gì khác hơn mới làm cho các cậu chán nản như thế nhưng chẳng ai muốn nói ra.

Từ đấy không hề bao giờ nghe các cậu đòi ra đi nữa, mỗi người như lãnh thêm của thượng đế hàng chục tuổi, chỉ còn tính chuyện làm ăn buôn bán ở nhà giúp cha mẹ.

Sau trận Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, chính Phúc và Thọ đã thúc giục họ hàng cha mẹ mình đi vào Nam trước nhất. Lúc ấy lại có những quang cảnh trái ngược với bốn năm về trước, cụ bà đòi ở lại mà các con thì năn nỉ để mời cụ đi.

Rốt cuộc cụ ông và bốn đứa con đành xuống tàu vào Nam chứ không lẽ đa số lại phục tùng thiểu số. Nhất là ngày nay Phúc và Thọ đã có nhiều kinh nghiệm về đảng với Bác, đã biết thế nào là cuộc sống đoàn thể, nếu Phúc và Thọ ở lại thì thế nào cũng có ngày lòi ra cái việc hai cậu đào ngũ vì chán nản, vì thất vọng và sẽ không ăn yên ở yên với các đồng chí.

Có những chuyến chia tay người ta ngỡ rằng ngắn ngủi, người ta xây bao nhiêu hoài vọng vào ngày gặp lại, tin tưởng ở ngày gặp lại không xa, thế mà sự xa cách đã kéo dài lê thê. Dài đến nỗi con người đâm ra quen thuộc, không còn biết đến đâu sẽ chấm dứt và không chờ đợi ngày chấm dứt nữa.

Bà cụ Lộc khi tiễn chồng con xuống tàu đã bám víu vào mấy ngôi nhà, mấy nấm mộ, mấy chục mẫu ruộng hương hỏa để tìm thêm can đảm, nhưng liệu những vật vô tri ấy có thay thế được?

Những ngôi nhà, nấm mồ và mấy thửa ruộng hương hỏa ấy làm sao mà thay thế tiếng ho buổi sáng của người chồng già xấp xỉ tuổi mình. Người chồng đã cùng với mình chia sẻ biết bao nhiêu sự vui buồn của cuộc đời suốt bốn chục năm trời ăn ở với nhau. Những tiếng ho không phải vì bệnh hoạn mà vì tuổi già, đấy cũng là cái đồng hồ báo thức mỗi khi trời chớm sáng để cụ bà dậy gọi con bé ở đong gạo nấu cháo sớm.

Những ngôi nhà, nấm mộ và mấy chục mẫu ruộng hương hỏa ấy không thể nào thay thế giọng hát của Khanh, cô con gái út. Từ thuở lên sáu, lên bảy Khanh đã được chọn để ca giọng kim nữ trong nhà thờ vì cô bé có giọng hát trong trẻo vươn lên, khác hẳn với các trẻ đồng lứa, giọng hát như những cây dương liễu ngoài bờ biển, vun vút mà thanh khiết.

Nhất là làm sao thay thế được giọng cầu nguyện chung của gia đình mỗi đêm trước giờ lên giường.

Bà cụ Lộc vì hối tiếc, vì thương chồng con nơi đất khách quê người và thương luôn sự thui thủi của mình nên càng ngày càng teo tóp lại như miếng mỡ rán bị bỏ quên lâu ngày trong góc bếp. Đã thế lại không có chút thuốc men tẩm bổ, các đồng chí còn đau ốm nhịn đói nhịn khát huống gì ai. Có những buổi chiều không biết từ nhà ai xông lên mùi thuốc bắc, rõ ràng cụ nhận ra mùi sâm, mùi thục, cụ phồng mũi cố sức hít lấy vào mình nhưng chỉ một thoáng thôi rồi cái mùi thơm tho ấy biến đâu mất. Hỏi quanh hàng xóm, chẳng ai ốm đau mà cũng chẳng ai làm gì có thuốc, sao bỗng dưng mùi thuốc lại xông đến mũi bà như thế? Không bao giờ cụ có thể tự giải thích nổi cái hiện trạng lạ lùng ấy. Ngay cả vào những đêm khuya không ngủ được, nằm nhớ chồng nhớ con thì cái mùi thuốc bắc lại quạt về. Lắm khi đang chợp ngủ, cụ nghe như có cả giọng của ông cụ từ dưới bếp vọng lên “Bà nó ơi, dậy mà uống thuốc đi!” Cụ giật mình thức giấc, đưa tay ra quờ quạng nhưng chỉ thấy cái màn rách. Cảm giác chua xót của người vợ trẻ nhớ chồng ra sao cụ chưa hề biết, vì thuở trẻ lúc nào cũng sống cạnh chồng, nhưng cái cảnh vợ già nhớ chồng cũng thê lương không kém và cụ đã biết quá rõ.

- Bà nó ơi, dậy mà uống thuốc đi!

Câu nói mới nghe qua tưởng lạnh lùng nhưng bao hàm một tình thương sâu rộng, không phải chỉ thương riêng người đàn bà ấy, mà còn chứa cả niềm thương gia đình, thương mấy đứa con, nếu mẹ chúng đau yếu hoặc có mệnh hệ nào thì sẽ phải côi cút cô đơn.

Tất cả những nhạc điệu thân yêu đó ngày nay không còn nữa, ngày nay suốt từ sáng đến chiều một mình cụ thui thủi, hôm nào cũng đợi tin may ra có người trở về, nhưng có được bao nhiêu người trở về? Và những người trở về ấy đâu có quen biết gia đình chồng mình.

Đấy là chưa nói đến những sự ép buộc chính trị mà cụ không bao giờ hay biết đến, cụ tiến chậm quá, ngày người ta kháng chiến thì cụ ngồi tiếc ngơ, tiếc ngẩn mấy ông Tây mua bán quá dễ dãi. Ngày mà mọi người như đã thiên hẳn vào cộng sản thì cụ còn ngồi hỏi thăm cuộc kháng chiến chống Pháp của các đồng chí và các anh bộ đội.

Trong xóm thấy cụ ngồi hàng giờ, mặt mày khờ khạo, ai cũng cho rằng cụ bị loạn óc rồi, họ không cần để ý đến nữa. Sự thực cụ không loạn óc, cụ vẫn tỉnh táo, nhưng chỉ buồn vì quá cô độc. Có những hôm không chịu nổi, cụ ngồi gục mặt khóc một mình, vừa khóc vừa gọi “Khanh ơi, Hương ơi, ông nó ơi!” nhưng gọi mà chẳng ai thèm trả lời. Cụ đâm ra hối tiếc tại sao mình không chịu theo chồng theo con di cư vào Nam cho xong. Sách vở nói cái gì là có cái đó, “xuất giá thì phải tòng phu” và cụ oán hận tất cả những ai đã chia đôi đất nước, đã bắt kẻ ở người đi làm cho cụ đến lúc tuổi già mà phải cô quạnh, không con không cháu. Cụ buồn, đâm ra xao lãng cả việc kinh kệ, đáng lẽ buồn thì càng phải nên đi nhà thờ cho chăm may ra sẽ vơi bớt, nhưng cụ hầu như không thiết đến một sự gì nữa, ngay cả việc ăn uống hàng ngày nếu làng xóm không hỏi vọng qua “Cụ Lang ơi, nhà cụ nấu cơm chưa?”, đến lúc ấy cụ mới giật mình đi tìm gạo nấu cơm.

*****
 


Ở trong Nam, cụ ông và gia đình tuy không bị cái nạn chính trị làm khủng hoảng tinh thần, nhưng những năm tháng đầu Nam Bắc ngỡ ngàng không thể nào tránh khỏi một vài sự va chạm. Cụ rất buồn khi nghe những câu nói dầu là chỉ nói đùa “Rau muống và giá sống không bao giờ trộn lẫn được với nhau”.

Cùng là con cháu một tổ tiên, nói chung một thứ tiếng mà sao người ta lại cứ đi chia rẽ Bắc Nam? May mắn cho cụ là số bà con bạn bè di cư cũng khá đông. Họ thường vẫn tìm gặp nhau để nói chuyện, để nhắc đến quê hương, mời mọc nhau ăn những bữa ăn đặc biệt thuần túy của quê hương như bún ốc, gỏi cá, giả cầy... do tay các bà nội trợ tự nấu lấy. Đây cũng là một sự an ủi lớn cho những kẻ cô độc, những món quen thuộc, cái mùi vị quen thuộc, nếu bảo phải từ bỏ xứ Việt mà ra sống ở ngoại quốc thì cụ chắc rằng chẳng ai dám đi. Nhờ có những sự gặp gỡ ấy nên cụ bớt nhớ nhung, chỉ trừ những khi thấy bóng dáng người đàn bà nào gầy gầy, bé nhỏ, vấn chiếc khăn nhung đen, làm nổi bật mái tóc muối tiêu thì đột nhiên cụ đâm ra bâng khuâng nhớ người vợ già đang cô độc nơi quê xa.

Cụ chưa góp đủ vốn để ra cửa hiệu nhưng vẫn có thể tiếp tục hành nghề vì tiếng lành đồn xa. Chỉ cần nói đến cụ Lang Lộc là ai cũng biết danh, không cần phải quảng cáo thêm. Công việc cũng là một liều thuốc tiêu sầu, người nào không có việc làm, để tháng ngày trôi qua một cách vô ích thì người ấy có thể tự xem mình như bị lãnh một thứ án của thượng đế, của xã hội mà không biết.

Các con, Phúc và Thọ đã xin được việc làm. Phúc đi thầu xây cất cho chính phủ, còn Thọ đi dạy học. Cụ không ngờ ngày xưa Thọ có vẻ lười biếng, thi cái tú tài phải canh mãi mới chịu học, thế mà bây giờ trở nên một ông giáo chăm chỉ biết yêu nghề, yêu lũ học trò nhóc của mình. Thọ còn nuôi cái mộng là sau này vay vốn mở riêng một ngôi trường đặc biệt như các ngôi trường ở Hòa Lan. Học trò đến đấy, đứa nào muốn làm gì thì làm, thợ mộc, chẻ củi, nấu ăn, trồng cây, khi họp lại với thầy thì giảng triết lý sống. Chương trình học để thi cử rất nhẹ... Nhưng đấy chỉ là mộng, ngày nào người Việt Nam còn ham chuộng bằng cấp để se sua với nhau thì cái trường ấy mở ra chắc chẳng có ai thèm gửi con đến. Không phải như ở Hòa Lan mà vua chúa cũng gửi con đến để xin học làm người, ăn ở ngay tại trường.

Nếu gia đình cụ Lộc làm ăn được vững chãi như thế, một phần là nhờ cái tài đảm đang tháo vát, thức khuya dậy sớm của Mai Hương, cô con gái lớn. Mai Hương đã thay mẹ lo cho cha, cho các anh và cho cô em gái còn bé vẫn tiếp tục đi học.

Ngay từ khi còn ở ngoài Bắc, cả nhà cũng đã trông cậy vào sự quán xuyến của cô gái lớn ấy, học xong cái bằng tiểu học là Mai Hương về lo công việc nhà, tập đi chợ nấu ăn trông coi giúp mẹ.

Nhờ Mai Hương mà gia đình tuy vắng bóng cụ bà nhưng không thấy thiếu thốn. Gia đình nào cũng thế, muốn làm ăn nên nổi, muốn được bình yên khỏi có những sự khủng hoảng tinh thần thì hãy đi tìm một người đàn bà. Dầu đóng vai mẹ, vợ hay chị, hay em gái, con gái gì cũng được, người đàn bà này cần phải có uy quyền và nhất là phải biết yêu mái nhà của mình chứ không phải ngồi nhà này mà chỉ lo nghĩ đến nhà khác.

Mai Hương là một thiếu nữ còn lại của phương Đông mặc dầu chiến tranh, mặc dầu những trào lưu Âu Mỹ, người con gái ấy vẫn như tảng đá vững chắc ngoài bể, sóng có vỗ mấy cũng vẫn còn đấy không hề thay đổi. Một tay Mai Hương đã xuất phát lo lắng mua bán cần kiệm, nàng lại còn biết chơi họ cùng với bà con để dành tiền làm vốn liếng riêng cho mình và cho em. Nghĩ đến tương lai, nếu có đi lấy chồng sẽ khỏi bị nhà chồng khinh khi.

Mai Hương chỉ có duyên chứ không có thứ nhan sắc lộng lẫy như nhiều cô gái khác. Tuy vậy vẫn có bao nhiêu người đến xin cưới, nhưng đám nào cũng bị nàng từ chối khéo léo, viện cớ rằng các anh chưa có vợ và Mai Khanh còn ít tuổi quá, nếu nàng bỏ đi lấy chồng thì ai lo việc gia đình.

Cả nhà cũng nghĩ như thế, một lý do nữa để cho Mai Hương từ chối vì mọi người ai cũng biết nàng đảm đang, cưới sự đảm đang thì có khác gì đi ôm về một cái núi bạc, một số vốn lớn của trời ban cho, ngồi gỡ hoài ăn không bao giờ hết. Cưới vợ giỏi thì chồng khỏi lo làm, có thất nghiệp, có bị chủ đuổi cũng chẳng sao. Ta có câu “trai khôn tìm vợ chợ đông” là thế, vào chợ thấy bà nào biết mua bán, biết mặc cả, biết chọn hàng tức thị đó là người vợ lý tưởng, cưới ngay đi chứ còn chờ gì nữa! Nhưng các gia đình đến xin cưới Mai Hương cho con trai đều là những gia đình mà cậu con học hành lỡ dở, tính nết lười biếng. Lắm cậu còn khét tiếng tiếng ăn chơi, chưa có một người nào làm ăn đàng hoàng, tư cách đứng đắn để cho cụ Lộc và con gái phải hối tiếc.

Những người đàn bà rỗi mồm không hiểu cho như thế, cứ gọi Mai Hương là gái già, gái ế. Có lần chính Mai Hương nghe được hai bà láng giềng ở sát cạnh nhà ngồi ở trong quán nói bô bô với nhau:

- Nó đảm quá thành thử bố nó với các anh em nó cứ giữ nó lại không cho lấy chồng, bây giờ một ngày một già, ai người ta còn màng đến nữa!

- Phải đợi ông lão nào góa vợ thì may ra...

Họ ác độc như thế nhưng mỗi khi gặp Mai Hương hoặc có chuyện gì cần đến nàng thì ngọt ngào xơn xớt: “Ối dào cô Hương ơi, sao mấy hôm nay cô đi đâu để chúng tôi nhớ, cả xóm nhắc cô...”

Mỗi lần như thế bắt Mai Hương phải dừng chân chào hỏi, tuy trong lòng rất bực tức nhưng không bao giờ tỏ ra ngoài.

******



Hôm nay rỗi rãi, công việc dọn dẹp trong nhà đã xong từ lâu, Phúc đi thầu mãi tận dưới tỉnh, Thọ cũng được gia đình học trò mời về tỉnh ăn giỗ, Mai Khanh đi ăn sinh nhật cô em họ từ trưa nên nhà vắng tanh. Mai Hương dọn cơm cho cha và mình ăn xong, nàng đợi u già rửa bát rồi cho u đi chơi trong xóm, còn mình thì ra sân ngồi nhìn trăng chờ em về.

Những lúc ngồi một mình như thế này, Mai Hương mới cảm thấy nhớ mẹ, nhớ quê nhà, nhớ từ cái ao cá cho đến cái sân phơi ngô, nhớ mấy gian nhà gỗ với từ cái cột, cái đòn dông, cái bể nước mưa, v.v... Tất cả những hình ảnh ấy chỉ được phép hiện về trong tâm trí người thiếu nữ khi mà mọi thứ sổ sách chợ búa họ hàng đã tính toán xong. Những cái nhớ ấy, mỗi khi trở về là y như có một sức mạnh làm cho Mai Hương không ngủ được, trằn trọc trên giường đến gần sáng.

Một cảm giác cô đơn man mác không biết từ đâu kéo đến xâm chiếm tâm trí, Mai Hương muốn có một bàn tay nào đến vỗ về mình, một giọng nói nào đến dỗ dành an ủi mình, giúp cho mình quên được những câu nói ác độc của mấy bà láng giềng mà có một hôm nào Mai Hương đã nghe.

Người ấy sẽ đến, Mai Hương tin như thế, nhưng người ấy sẽ là ai?

Tiếng cụ Lộc ho húng hắng từ trong buồng vọng ra, Mai Hương biết rằng cha còn thức. Sống chung từ thuở bé, người con gái hiểu rõ tính nết của từng người trong gia đình. Còn thức giờ này hẳn là cụ Lộc chắc phải có chuyện gì cần suy nghĩ. Mai Hương hơi thắc mắc, sao có chuyện để suy nghĩ mà cha không bảo cho mình biết.

Giọng cười nói từ ngoài cửa vọng vào với tiếng xe hãm máy và tiếng chào hỏi của em như kéo Mai Hương ra khỏi những ý nghĩ vẩn vơ. Mai Hương biết có mấy người bạn nào, đông lắm, hẳn thế, đã theo xe của chú đốc Định để đưa Mai Khanh về tận nhà. Nàng bước nhanh ra cửa đón em gái.

Những cảm giác trống trải ban nãy vừa tự do luồn lọt vào tâm hồn, được nàng vội vàng dồn ép ngay trong một góc kín. Mai Hương không muốn cho em gái biết mình buồn. Sự hy sinh của mình, Mai Hương tự cho như là một sự phải thế. Không ai bắt buộc, nhưng hình như định mệnh đã trao cho nàng cái sứ mệnh làm thiên thần gác cửa cho nhà họ Phạm này, Mai Hương muốn làm cho tròn sứ mệnh.

Từ thuở bé, mặc dầu là chị nhưng cách xa nhau nhiều tuổi, Mai Hương trông nom em rất tận tình, nên Mai Khanh vẫn quý chị như cha mẹ của mình. Từ hơn một năm nay, mỗi khi thoáng thấy chị hơi có gì buồn là y như Mai Khanh đề cập ngay đến vấn đề bỏ học ở nhà trông việc gia đình cho chị đi lấy chồng.

Có lần Mai Khanh dám nói một câu làm Mai Hương giật mình không ngờ em mình lại khôn ngoan như thế:

- Em thấy gia đình đã nhờ vả chị, gần như bóc lột chị quá nhiều, chị cần phải yêu và được yêu. Chị cần phải được sống hạnh phúc như ai...

Tuy Mai Hương cố gạt đi nhưng rồi lần nào những ý nghĩ ấy cũng trở về với Mai Khanh. Lần này em gái vừa đi chơi về gặp bạn bè vui vẻ, Mai Hương càng không muốn cho Mai Khanh biết những ý nghĩ buồn tủi thầm kín của mình.

- Tiệc có vui không? Khanh có mệt vào thay áo, rửa mặt đi đã rồi hãy ra đây kể chuyện chị nghe. Chúng ta sẽ cùng vào đọc kinh sau.

- Vui lắm chị ạ, mà em không mệt đâu, để em ngồi đây một lúc rồi hẵng vào thay áo, rửa mặt.

Khanh hân hoan đến ngồi cạnh chị, mới xa có một buổi chiều mà cô em đã cảm thấy nhớ nhà và nhớ chị, về gặp lại chị, Khanh mừng muốn kể hết tất cả một lần cho chị nghe.

- Khách đến dự chắc đông lắm nhỉ, chú thím có ra không?

- Khách đông hơn năm ngoái, các cô xinh và diện lắm cơ, diện hơn tất cả mọi năm, chú thím không ra để mặc cho tụi trẻ con với nhau, có anh Hoàng và...

Nói đến đây Khanh ngập ngừng chẳng biết có nên kể hết cho chị nghe không, một cảm giác xấu hổ ngượng ngùng như cô bé lần đầu tiên làm dáng bị mẹ bắt gặp.

- Hoàng là bạn của cô Nhung, con bà Thiện có hiệu tơ lụa ở đường gì ấy à?

- Vâng, anh Hoàng đến cùng với cậu anh ấy vừa ở Pháp về sáng hôm nay...

Định không nhắc đến Vinh nhưng chẳng hiểu tại sao Khanh lại kể ra cả như thế, sợ chị nhận biết sự thay đổi trên nét mặt, trong giọng nói của mình, Khanh ngừng lại. May quá Mai Hương không chú đến sự thay đổi của em, nàng chỉ hỏi lại hai chữ “thế à” rồi thôi. Mai Hương âu yếm đưa tay lên cài sửa lại bông hoa hồng trắng trên mái tóc em đang sắp rơi xuống.

Biết chị không nghi ngờ gì, Mai Khanh vui vẻ kể sang chuyện khác. Nào khen chiếc bánh to hơn năm ngoái, chú bếp mách rằng chú ấy phải mua đến 60 cái trứng gà với cả chục ký bột mì. Nào áo của Nhung là thứ hàng kim tuyến mới từ bên Mỹ sang chưa có bán ở ngoài, đấy là món quà của bà Định nhờ một bà bạn vợ ông bộ trưởng gì đi Mỹ mua về hộ, vừa kịp cho Nhung mặc vào dịp sinh nhật.

- Quà sinh nhật để cả một cái bàn lớn ấy chị ạ, nhưng chắc chỉ có anh Hoàng là mang đến món quà đắt tiền nhất.

- Quà gì mà đắt tiền?

- Một cái thánh giá với sợi dây bằng platine.

- Trời ơi, cậu ấy tiền đâu mà mua?

- Anh ấy là con cưng trong gia đình, mà nhà bà Thiện cũng giàu nữa.

- Phải nhà giàu mới chơi nổi với nhau như thế.

Giọng Mai Hương thản nhiên chứ không ganh ghét, có những gia đình thiếu sự chân thật với nhau, người này ganh ghét người kia khi thấy thành công hơn, nhưng gia đình của anh em cụ Lộc thì không thế. Cụ Lộc chấp thuận sự thành công của bác sĩ Định, em trai mình, cho rằng em mình giàu cũng như mình giàu. Một người trong họ thành công là đủ rồi, vả lại sự giàu có ấy có được do ở tài và sức chứ đâu phải từ trên trời rơi xuống.

Câu chuyện quay sang sự phê bình những người khách, cô này béo, cô kia gầy đi, nhà cô nọ vừa đổi xe mới... Mai Khanh nói để có chuyện nói, để chị khỏi nghi ngờ có sự xáo trộn trong lòng mình. Sự thực nàng chỉ muốn có một người nào thật thân để cho nàng được tỉ mỉ kể tất cả những gì xảy ra trong tâm hồn, nàng muốn hỏi ý kiến người thân ấy rằng những cảm giác ấy là gì, sao lại có sự thay đổi nhanh chóng như thế? Có ai thân hơn chị, thế mà sao Mai Khanh lại ngập ngừng không dám nói hết với chị?

Biết chắc rằng không phải vì sợ chị mắng hay giận dỗi trách móc, nhưng Mai Khanh linh cảm nếu Mai Hương biết thì nàng sẽ buồn, buồn rất nhiều dẫu cho bề ngoài nàng có cố sức che đậy giấu giếm.

Hai chị em im lặng ngồi bên nhau, câu chuyện buổi tiệc sinh nhật có thể gọi là tạm kể hết nếu không đề cập đến phần chính và nhân vật chính. Mai Khanh cảm thấy có gì đang đè nén trong ngực, nàng muốn hét thật to hoặc cười thật to cho những gì đang đè nén được trào ra. Thế mà rồi chẳng hiểu có bàn tay nào đã giữ lại. Mai Khanh chỉ nói rất khẽ một câu hỏi hầu như là vô nghĩa lý.

- Mùi hoa gì thơm quá chị nhỉ?

Hỏi thế chứ Mai Khanh đã biết rồi.

- Hoa dạ hương, ở trong Nam này người ta gọi thêm một chữ nữa là dạ lý hương.

- Có người bảo hoa này có ma đấy chị ạ, ma nó ưa mùi dạ lý lắm.

- Người ta bảo thế chứ nhà mình có Chúa thì làm sao có ma được.

Muốn cho câu nói của mình thêm vững chắc, Mai Hương đưa bàn tay lên làm dấu thánh giá. Mai Khanh thấy chị làm dấu cũng bắt chước làm theo, bỗng nhiên cả hai chị em đều rùng mình.

- Thật đấy chị ạ, tụi bạn ở trong trường nó vẫn bảo thế...

- Bảo gì cơ?

- Bảo mùi hương dạ lý là mùi hương ma quái.

- Đã bảo nhà mình có Chúa thì ma quỷ nào dám vào.

Giọng Mai Hương hơi gắt, sự thực nàng cũng vẫn thường nghe và không ai xa lạ, chính là cái u già nhà này hay đẻ ra lắm chuyện dị đoan nhảm nhí rất kỳ quái. Có lần Mai Hương đã cáu lên dọa u già là nếu u sinh vào thời xưa thì u bị người ta kết tội là phù thủy và bị mang đốt đi chứ chẳng phải chơi. Mai Hương kỵ nhất là nghe ai bảo mùi hương dạ lý có ma, vì cây dạ lý do tay nàng mới trồng từ độ vào đây và nó chóng lớn, hoa thơm hầu như quanh năm, cứ cách hai tháng lại nở hoa một lần. Hoa nhiều làm trĩu cả cành. Mỗi lần hoa nở, Mai Hương hay ra ngoài sân ngồi để tận hưởng cho hết cái mùi hương kỳ diệu ấy, nếu cứ dọa có ma thì còn ai dám ngồi nữa.

Giọng ho húng hắng của cụ Lộc từ nhà trong vọng ra, nhờ thế mà câu chuyện mùi hương dạ lý được quên đi.

Khanh hỏi chị:

- Thầy còn chưa ngủ sao chị nhỉ?

- Thầy thức từ tối đến giờ, hình như thầy có chuyện gì đang lo, mỗi lần cụ lo là y như cụ không chịu ngủ và cứ ho vặt mãi. Làm thầy thuốc mà cụ không chịu uống thuốc.

- Chiều nay cũng chẳng anh nào về hở chị?

- Chưa, hình như anh Phúc có ý định cưới vợ mà cô ấy người Nam, chỗ anh Phúc xuống thầu, chắc thầy lo nghĩ vì thế.

- Em ngờ rằng thầy vừa nhận được tin gì của bu chăng, sáng nay trước khi đi học em thấy bà Nam Hưng đến nói thầm thì gì với thầy khá lâu. Mặt thầy hơi cau có, ra dáng suy nghĩ...

- Thế à, bà Nam Hưng hay đi hàng Nam Vang. Thôi đúng rồi, sáng nay chị bận đi chợ, thế mà cụ chẳng bảo gì với mình cả.

Mai Hương trách cha, theo ý nàng những chuyện gì có liên can đến mẹ, đến quê hương thì cha không có quyền giữ lấy một mình. Hai chị em ngồi trầm ngâm suy nghĩ, thấy không còn chuyện gì để nói với nhau, Mai Khanh chậm rãi đứng lên đi ra đằng sau lấy nước rửa mặt.

Múc nước đổ ra chậu rồi Khanh mới nhớ là mình chưa thay áo, sợ nước làm ướt chiếc áo mới may đặc biệt để đi ăn lễ sinh nhật của Nhung. Chiếc áo được nàng ưa thích nhất vì từ lâu lắm không may áo. Hôm nay có thì giờ đi chọn hàng lấy, mà lại gặp được thứ hàng vừa ý, với màu tím nhạt mà Khanh rất yêu. Khanh không muốn chiếc áo chóng cũ nên vội vàng vào cởi mắc lên máng đàng hoàng rồi mới ra bể nước rửa mặt.

Tấm áo cánh bằng phin mỏng chỉ che một mảnh đằng trước ngực với một mảnh đằng sau lưng, để lộ hai cánh tay tròn, trắng nõn. Khanh nhúng cả hai cánh tay vào nước, rồi lấy khăn mặt lau qua, cố để cho hơi nước ẩm mát còn lại trên da thịt. Một cảm giác mơn man dễ chịu đang tràn vào cơ thể, Khanh tưởng tượng nếu được cởi hết cả áo để xối nước lên khắp người chắc sẽ còn sung sướng hơn biết mấy.

Đằng xa, Mai Hương thấy em kề cà, nàng chỉ sợ Khanh gặp gió mà ốm thì khổ cho bố và cả mình, lại còn bỏ học nên vội giục:

- Nhanh lên không khéo cảm bây giờ đấy.

- Nước mát quá, em chỉ muốn tắm một cái.

- Ai mà tắm giờ này, không được đâu?

Mai Hương vội lên tiếng chặn ngang cái ý nghĩ ấy ngay, sợ cô em gái dại dột mà thực hành thì cản không kịp. Khanh bê thau nước đến đổ vào gốc dạ hương, vừa đổ vừa nói chuyện với cây:

- Nước mưa đấy nhé, liệu mà nở thêm hoa nữa đi.

Rồi trở lại múc từng gáo đổ vào cái chậu đất để rửa chân, bể nước chao động vì bị cái gáo dừa vục vào làm lung lay mấy vệt sao từ trên trời phản chiếu xuống. Khanh muốn đừng vào ngủ nữa, nước mát quá và tâm hồn Khanh tỉnh táo quá, sợ vào ngủ sẽ phí đi chăng. Định đưa ý kiến ra nói với chị nhưng biết trước rằng chị sẽ không bao giờ cho phép. Mai Hương rất khắt khe với giờ giấc, đêm nay như thế này là đặc biệt lắm, vì ngày mai chủ nhật nàng mới cho cô em gái thức đến bây giờ. Mai Hương chỉ sợ em thức đêm mất sức, hại nhan sắc, rồi chóng già khó lấy chồng.

- Nhanh lên chứ Khanh, nhanh mà vào không khéo lại trúng gió bây giờ.

- Gió Sài gòn hiền lắm, không sợ ốm đâu chị đừng lo.

Mai Khanh muốn nói gió đêm nay hiền lắm, nhưng lại sợ gieo ngờ vực vào cho chị, sợ chị hỏi vặn tại sao lại gió đêm nay mà không là gió những đêm trước.

- Nhanh còn đọc kinh mà đi ngủ chứ, hay chửa!

Nghe chị giục lần thứ ba, Mai Khanh vội vàng cúi bê chậu nước đi tưới mấy gốc hoa hồng rồi mới theo chị vào nhà.

********



Cụ Lộc nằm mãi đợi giấc ngủ mà giấc ngủ nhất định không chịu đến, và mỗi lần không ngủ là y như nó cứ bắt ho. Bực mình đã ho thì cho ho luôn một thể, cụ ngồi dậy châm đóm kéo mấy điếu thuốc lào để hơi thuốc làm bạn với tâm trí...

Hình như tại chiều nay cụ lỡ tay bỏ nhiều trà vào ấm nên ấm trà hơi đậm, vì thế mà trí não cứ như là được rọi đèn vào trong, sáng suốt tỉnh táo lạ lùng. Càng tỉnh càng xui cụ nhớ nhiều đến quê nhà, di cư vào Nam thế này là gần sáu năm rồi, thế là gần sáu năm cụ xa quê hương xứ sở. Sống ở đây tuy không có gì thiếu thốn, nhưng con người càng về già lại càng đâm ra nhớ quê hương.

Những đêm như đêm nay cụ cảm thấy cuộc sống hết cả nghĩa lý, tự hỏi con người sinh ra để làm gì, tranh giành nhau, đặt ra chủ nghĩa này, chủ nghĩa khác để làm gì. Một ngày nào đó, Chúa gọi về là hết cả, có những người đi học đi hành hai ba chục năm trời, đọc được hàng tấn sách, thế mà rồi mấy ai dám tự hào rằng hiểu được chân lý của cuộc sống.

Cụ Lộc có cảm tưởng mình sắp được về với Chúa. Cụ muốn dọn linh hồn làm sao cho tinh khiết, mới có gần sáu năm mà con người cụ như già thêm hai chục tuổi nữa. Cụ nghe giọng đọc kinh thầm thì của hai cô con gái ở phòng bên: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phước lạ hơn mọi người nữ.”

Người cha rất yên lòng, giá các con đọc kinh lớn hơn để cụ cũng đọc theo, chỉ có đọc kinh mới giúp cho con người khỏi suy nghĩ vẩn vơ. Đối với hai đứa con gái, cụ có thể tự hào là đã khéo nuôi khéo dạy, trong họ ngoài làng ai cũng bảo như thế. Bây giờ cụ chỉ còn cầu xin sao cho Phúc cưới được một người vợ cũng đảm đang như Mai Hương để cô em gái có thể yên tâm đi lấy chồng, mặc dầu hiện thời Mai Khanh cũng đã có thể thay thế chị được rồi.

Đêm nay cụ không ngủ được vì hai vấn đề. Thứ nhất Phúc chịu lấy vợ, nhưng cô vợ từ dưới Lục tỉnh lại là người miền Nam, đấy là một điểm làm cụ vướng mắc. Thứ hai là sáng hôm nay, bà Nam Hưng đến muốn làm mai con nhà bà Tiến Lợi cho Mai Hương.

Cậu cả con nhà con nhà bà Tiến Lợi, so với mấy đám từ trước đến nay là người khá nhất, vừa có học thức lại vừa nhanh nhẹn hoạt bát. Cậu ấy trước đã có một đời vợ nhưng vợ chết sau hai năm ăn ở với nhau.

Có lắm người rỗi miệng, đồn rằng mợ ấy chết vì giận chồng nên uống dầu gió tự tử. Ban đầu tưởng chỉ dọa chơi không ngờ lại chết thật. Điểm ấy làm cho cụ ngần ngại nhất, không có lửa thì làm sao mà có khói. Chẳng ít thì nhiều, thế nào người ta mới đồn như thế, vợ chết mới mãn tang thì đã có ý đi hỏi người khác ngay, như thế là thế nào? Con gái cụ tuy không được nhan sắc chim sa cá lặn, nhưng với cái đạo đức và hạnh kiểm thì dám thách tất cả làng trên xóm dưới đố ai bì kịp. Mai Hương đâu phải là thứ hàng thiu hàng ế mà cụ phải gả cho gấp? Đành rằng cậu ấy có danh có phận nhưng cụ vẫn ngần ngại, danh phận mà thiếu đức thì cũng chẳng ra gì.

- Giá có bu nó ở đây thì tao đâu có phải lo lắng vất vả quá vậy...

Người cha già thốt lên một lời than. Thật như thế, cái cảnh gà trống chăn con lắm khi làm ray rứt. Cụ buồn không biết than thở với ai, có ai hiểu cho đâu mà than thở.

Ngay cả đứa con gái út là Mai Khanh bây giờ cũng đã có đám này đám kia nhắm hỏi, nhưng cụ phải làm lơ đi vì không muốn cho con gái mình xao lãng sự học hành và có thể làm khổ cho Mai Hương, sợ Mai Hương sẽ buồn thân tủi phận chăng?

Hai, ba vấn đề dồn dập một lần, làm sao cụ có thể ngủ được?

************



Cả gian nhà yên lặng, ngoài tiếng ngáy đều đều từ phòng bên của cụ Lộc đưa sang, hòa với tiếng chó sủa ai đi khuya từ xa vọng lại. Mai Khanh nằm đếm cả mấy nghìn con cừu rồi sao mà vẫn không ngủ lại được. Ba, bốn hôm nay ai cũng kêu là đôi mắt nàng bị quầng thâm. Cụ Lộc biết thì nhất định phải uống ít nhất là hai, ba thang thuốc có nhiều táo tàu với nhãn nhục, hai vị thuốc cụ vẫn hay kê cho con gái mình uống mỗi kỳ cô bé học thi thiếu ngủ. Mấy đêm nay không học thi, nhìn bên ngoài chẳng có gì thay đổi nhưng tâm hồn người con gái đang có một sự xáo trộn ghê gớm. Khanh tìm đủ cách mà không thể nào đuổi được cái hình ảnh người con trai xứ Huế ấy ra khỏi tâm trí mình.

Giờ phút nào Khanh cũng bị đôi mắt, nụ cười, giọng nói của Vinh ám ảnh, mặc dầu hai người chưa hề nói với nhau một câu chuyện sâu đậm, thế mà sức mạnh gì đã bắt Khanh không ngủ được. Không ngủ thì cũng không ăn được. Đêm đêm trằn trọc, giỏi lắm là chợp mắt được một hai tiếng đồng hồ, kéo dài mãi thế này không khéo sẽ là cô gái trong bài thơ “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” của Thôi Hộ.

Mai Khanh chưa có dịp gặp Nhung, không dám tới nhà vì tới mà chẳng có lý do gì thì làm sao khỏi bị người này người khác ngờ vực. Nàng mong Nhung đến nhà mình nhưng chắc Nhung cũng bận rộn nhiều sau lễ sinh nhật. Mai Khanh đành ước mong chóng đến kỳ thứ bảy này, nàng sẽ đến đòi ngủ lại rồi hôm sau đi nhà thờ Đức Bà với Nhung. Thỉnh thoảng Khanh vẫn đến ngủ lại thứ bảy như thế để sáng thức dậy sớm hai chị em cùng đi lễ với nhau. Nhà thờ Đức Bà to lớn, âm vang, bước vào như lạc đến một thế giới khác biệt, không giống với nhà thờ Thánh Minh của Khanh ở Phú Nhuận. Ở nhà thờ Đức Bà, người đi lễ toàn là những người sang trọng, ăn mặc diêm dúa, chung quanh nhà thờ đậu dọc toàn là những hiệu xe hơi đắt tiền. Nét mặt mọi người lúc quỳ dưới chân Chúa đều có vẻ dịu dàng từ thiện, không thắc mắc âu lo như những kẻ nghèo đã vào đến nhà thờ mà tâm trí chưa dứt được sự tính toán, suy nghĩ, lắm người còn không đủ thì giờ mà dự cho hết lễ, kể thật đáng thương.

Nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, Khanh mới dám cho phép mình được hưởng cái cảm giác thoải mái đó vì không muốn bỏ chị với cha đi chầu hoặc đi lễ một mình. Vả lại nhà thờ ở xóm Khanh tuy bé nhỏ nhưng có vẻ ấm cúng thân mật, ai vắng đi lễ một, hai lần là mọi người trong họ biết ngay, ai mới vào lạ mặt cũng biết ngay. Mỗi nhà thờ mang một vẻ độc đáo riêng, có đi lâu, đi nhiều mới biết.

Có tiếng gà gáy sáng, con gà trống độc nhất mà u già nằng nặc đòi nuôi, nếu thiếu nó thì trứng gà cứ vữa không nở được thành con. U già bảo thế, chẳng biết u học nó ở sách nào, nhưng Khanh cũng đồng ý nuôi để nó gáy đánh thức cả xóm mỗi sáng cho vui. Thỉnh thoảng nghe nó đập cánh gáy vào quãng bốn giờ chiều, tức thị u già sẽ hớt hơ hớt hải bảo rằng gà gáy chiều tức là trong xóm có con gái chửa hoang. Rồi u duyệt binh trong trí tất cả những cô gái nào đáng ngờ vực nhất xóm.

U làm cho cả nhà cười đau bụng, nhưng mỗi lần cười là bị u giận cho, u bảo tại các cô còn trẻ chưa biết chuyện đời, sau này lớn lên sẽ thấy. Thọ nghe kể cũng bật cười, những khi rỗi trông thấy u già, Thọ vẫn hỏi thăm xem con gà của u còn gáy nữa không?

- Có đấy cậu ạ, thời bây giờ văn minh tránh sao cho khỏi.

Thọ tinh nghịch hỏi thêm, theo ý u thì lỗi tại con gà gáy trái nên con gái chửa hoang hay tại con gái chửa hoang mà gà mới gáy trái?

- Tại các cô gái hỏng chứ cậu, hay nghe lời đường mật, gà nó biết được có chuyện gì thì nó mới gáy.

- Thế là con gà của u thiếu tế nhị và không lịch sự đấy nhé, biết chuyện của người ta mà đi kháo ầm lên cho cả xóm nghe.

U già nhất định cãi để bênh vực con gà:

- Mà nó gáy thế chứ nó có khai tên khai họ ai đâu?

- May phúc đấy chứ u, nó mà khai thì bị vào nồi nước sôi ngay, phạt cái tội hay mách lẻo!

Tiếng gà gáy làm Khanh liên tưởng đến những mẩu chuyện vui vui trong gia đình như thế. Nghe tiếng gà lần thứ hai, Khanh biết có nằm nán lại cũng không thể nào ngủ được nữa, thôi thì dậy sửa soạn rửa mặt chải đầu, tí nữa đến trường cho xong.

Khanh vừa thi đỗ tú tài phần thứ hai, định bỏ học ở nhà trông nom gia đình thay thế cho chị, nhưng cả gia đình từ cụ Lộc đến Mai Hương và hai anh đều không đồng ý. Mai Hương bảo “Tao đâu có vội lấy chồng, chưa biết chừng tao không lấy ai cả cũng nên. Ngày nào thầy về chầu Chúa thì tao sẽ xin vào giòng tu luôn, thế là khỏi vướng víu nợ nần gì với đời.”

Phúc và Thọ bảo: “Chúng tao sẽ lấy vợ để giúp đỡ trông nom cho gia đình, mầy chẳng cần phải bỏ học. Nếu chị Hương có đi lấy chồng thì sẽ có hai cô dâu thay thế.” Thọ còn muốn em gái cố giật mảnh bằng cử nhân văn chương để rồi sau này hai anh em ra mở trường dạy học, cái thứ trường mà Thọ vẫn đang cố gắng nghiên cứu, chỉ để đào tạo ra những người dân lành, sống có ích cho nước nhà mà không vụ lợi cho mình, những triết gia.

Ý định của Thọ làm cho Mai Khanh cảm thấy hứng thú, nếu hai anh em cùng ở trong một nghề thì sẽ khỏi phải xa nhau.

Nhưng từ ba hôm nay, nghĩa là từ buổi chiều thứ bảy đến ăn sinh nhật nhà Nhung đến giờ, đầu óc Khanh tán loạn không còn tha thiết đến một việc gì nữa cả. Ngoài ý muốn gặp Nhung để hỏi xem Nhung có biết gì về Vinh. Thế nào Nhung cũng phải biết, Vinh là cậu của Hoàng mà Hoàng với Nhung rất thân nhau.

Khanh muốn đến nhà Nhung ngay, hay là có phép gì để Nhung đến thăm mình thì sung sướng biết mấy. Đời chỉ đẹp khi mình đang chờ đợi chưa nói ra mà cái ấy đến với mình, chứ khi phải chạy chọt mãi cái ấy mới đến thì sự sung sướng không còn trọn vẹn nữa. Khanh thầm cầu nguyện Đức mẹ xui khiến sao cho Nhung đến nhà mình, từ ba đêm nay rồi, Khanh cầu nguyện.

Suốt mấy tiếng đồng hồ nghe thầy giảng mà tâm trí cứ để vào đâu, không hiểu thầy đã nói những gì. Môn Hán học là môn mà Khanh vẫn thích nhất vì từ thuở bé hay được cha dạy cho những lời của Khổng Mạnh, nên Hán học rất hợp với Khanh, thế mà hôm nay tất cả đều bị lọt ra ngoài tai, những lời giảng của giáo sư cũng như những câu dạy của Thánh hiền. Khanh chỉ muốn được gặp Nhung, gặp Hoàng và nếu có thể gặp lại Vinh, người con trai có cái dáng dấp quý phái, thứ quý phái pha lẫn hai nền giáo dục Âu và Á đó.

Giá trong lớp học mà Khanh có một đứa bạn gái thật thân để Khanh tâm sự hỏi xem những sự thay đổi trạng thái như thế này là vì sao, Khanh yêu chăng? Vô lý, rất vô lý, ai lại đi yêu một người mình chưa quen, chưa có một lời nói thân mật, chưa hiểu tính nết nhau. Biết đâu người ta chẳng có vợ ở nhà hoặc có vị hôn thê đang đợi, hoặc người yêu đã từng nặng lời thề thốt. Nhất là những chàng trai sống lâu năm ở Pháp, làm sao tránh khỏi sự thay đổi quan niệm về thẩm mỹ, quen nhìn mái tóc vàng với màu mắt xanh, liệu còn có thể trở lại với những nét Á đông thuần túy được nữa không?

Nghĩ đến những điều ấy, Khanh nghe như trong tâm hồn có gì đang đổ vỡ, một cảm nghĩ chán chường, thất vọng từ đâu kéo về. Người thiếu nữ bỗng lo ngại nếu đầu óc cứ tiếp tục quay cuồng với những ý nghĩ đen tối như thế này thì chắc Khanh phải bỏ học và cái mộng mở trường sẽ không bao giờ thực hiện, mảnh bằng cử nhân văn chương sẽ không bao giờ nắm được trong tay.

Cố gắng lắm Khanh mới ngồi hết mấy giờ “cua” vì bỏ dở về nửa chừng thế nào cha và chị cũng lo ngại, tưởng ốm đau rồi hỏi thăm rối cả lên làm sao Khanh có thể trả lời được.

Trưa nay ăn cơm xong, Khanh định vào phòng nằm nghỉ một chút vì đêm qua ngủ ít, nhưng trong suốt bữa ăn cụ Lộc cứ chốc chốc lại nhìn con thắc mắc, đợi Khanh đứng lên sắp ra sau đánh răng, cụ mới gọi lại hỏi:

- Sao mấy hôm nay thầy thấy con có vẻ hốc hác, có ốm đau gì không thì phải bảo để thầy chẩn mạch cắt thuốc cho...

Khanh lo sợ, vội vàng nói cho cha yên lòng rằng, chỉ hơi mất ngủ chứ chẳng ốm đau gì cả. Mai Hương cũng nói phụ một câu:

- Khanh nó ăn yếu hẳn đi, hôm nào cũng thừa cơm phần cô ấy, thầy cho thuốc bổ đi thì vừa, nếu không chắc cô ấy hết cả học hành được.

- Con vào phòng nghỉ một tí rồi thầy xem mạch cho, chắc tại lên Đại học nhiều bài nên đuối sức chứ còn gì nữa?

Người con gái ngượng ngùng trước sự săn sóc và âu yếm của người cha và chị, nhưng bây giờ Khanh cảm thấy hiểu rõ tâm trạng của những con thú vật mỗi lần có chuyện gì thường đi trốn một chỗ nằm riêng, không muốn cho ai trông thấy.

Khanh chợt nghĩ đến con mèo của mình, con mèo Khanh nhặt về nuôi từ thuở bé lúc nào cũng quấn quít bên chân, ngồi học nó cũng ngồi lên lòng, đi học về nó chạy ra đón, thế mà từ đêm có con mèo lạ đến tìm nó, đêm ấy nó gào thét làm Khanh lo sợ ngờ rằng nó ốm đau gì. Khanh còn nghi con mèo lạ đến cắn nhau với nó nên đã tìm cách đuổi đi, nhưng hình như hành động của Khanh làm cho con mèo nhà giận. Ngày mai lại nó không còn nhí nhảnh và quấn quít với Khanh như trước nữa, tuy vẫn dễ thương, gọi vẫn đến nhưng chỉ đến một tí rồi bỏ đi ngay, tìm những nơi kín đáo, hoặc mái nhà hoặc máng xối, những nơi không ai nhìn để được nằm một mình tự do suy nghĩ, chắc thế.

Chiều về, sau giờ ăn nó ăn ít hơn thường lệ, đến bữa ăn cũng không còn meo meo ầm lên như khi trước, lo ăn vội vàng để chạy đi tìm con mèo bạn. Khanh đã theo dõi từng cử chỉ và độ ấy quả thật nàng không làm sao hiểu nổi, bây giờ, mấy hôm nay thì Khanh cảm thấy đã hiểu dần và thèm khát cuộc sống vô tư của con mèo.

***********


Có tiếng xe ai đỗ ở trước nhà, Khanh ngập ngừng không biết có phải xe của anh Phúc đi thầu ở tỉnh về hay là xe của chú Đốc. Nếu xe của chú Đốc thì đúng là lời cầu nguyện của Khanh từ mấy hôm nay đã được Đức Mẹ chấp nhận. Vì chú Đốc đến là Nhung đến, hoặc Nhung đón Khanh chứ không thể nào khác nữa, chú Đốc chỉ đến thăm anh vào ngày nghỉ chứ không đến trong tuần bao giờ.

Lời cầu nguyện được chứng giám, Khanh phải vào nhà thờ đốt đèn để cảm tạ. Khanh nghe xe chẳng buồn ra sợ mừng hụt, nhưng khi nghe tiếng u già chào cô Nhung, Khanh vùng dậy khoác vội chiếc áo khoác ngắn rồi cứ thế chạy ra đón Nhung. Giọng Nhung tíu tít ngoài cổng, giọng nói sáng tươi của kẻ đang tràn ngập hạnh phúc.

- Lạy bác ạ, thưa bác có chị Khanh trong nhà không ạ?

- Có đấy, nó vừa ăn cơm xong đang nằm trong phòng.

Nhung vừa bước vào thì Khanh cũng vừa bước ra. Nhung nhìn Khanh ngạc nhiên hét lớn:

- Sao, Khanh ốm gì không mà gầy đi thế?

- Bác đang bảo để xem mạch cho nó đấy.

Cụ Lộc trả lời thay cho con gái.

- Hay xin phép cho Khanh sang bên con vài hôm đi, có gì ba con khám cho.

- Thôi cũng được, bố thầy thuốc, chú cũng thầy thuốc, sang chơi với chú thím vài hôm cho đổi không khí. Tùy nó đấy, con thử hỏi nó xem.

Nhung mừng quá chạy vội vào phòng Khanh lo dọn cặp sách, vừa chạy vừa nói vói ra vì Khanh đứng ở phòng ngoài với cụ Lộc.

- Chỉ cần cặp sách thôi Khanh nhé, quần áo còn cả va li bên ấy.

Khanh rất sung sướng, trong lòng như nở đến mấy chục bông hoa nhưng còn tỏ vẻ ngập ngừng sợ chị buồn. Mai Hương thấy em ngập ngừng đã vội giục thêm, biết rằng Khanh vì mình mà không muốn đi:

- Khanh sang ở với chú thím vài hôm đi, đổi bếp xem có ăn thêm được bát cơm nào không, may ra khỏi cần uống thuốc, mấy hôm nay Khanh ăn yếu quá, chị chỉ sợ...

Tất cả mọi người đều xúm vào săn sóc và giục Khanh đi làm Khanh đâm ra xấu hổ, nếu mọi người hiểu lý do vì sao Khanh gầy xanh và bỏ ăn chắc sẽ khinh và giận lắm. Để tự bào chữa, Khanh phải đổ thừa cho thiên nhiên, sự thay đổi của Khanh cũng như sự thay đổi của con mèo, thiên nhiên bày đặt ra như thế, ngay đến con mèo có biết gì đâu mà cũng phải chịu tuân theo một quy luật ấy.

Sau khi mang quà vào cho cụ Lộc, cho Mai Hương, u già, Nhung ngồi chơi một lúc nói chuyện với bác và chị rồi mới đứng lên xin phép ra về cùng với Khanh, người bạn gái thân nhất và cũng là người bà con gần gũi nhất của Nhung.

Từ thuở bé, Khanh và Nhung chưa bao giờ cãi cọ nhau, ganh ghét nhau như lệ thường những người chị em họ với nhau. Cũng như Khanh, Nhung không có bạn gái ở trong lớp học và ngay cả ở ngoài cuộc đời. Vì bạn gái thường vẫn giống như những trang nhật ký, có thể là rất bí mật kín đáo như cái nấm mồ chôn, nhưng khi trang nhật ký bị lạc vào tay ai thì nó lập tức vanh vách khai ra tất cả. Người bạn gái khi còn là bạn, còn thương yêu thì kín đáo, nhưng khi có chuyện gì hờn giận thì cũng hệt như trang nhật ký.

Với Khanh, Nhung cảm thấy yên lòng hơn. Khanh rất ít nói và chỉ nói những gì đáng nói. Nhung còn nhận thấy ở Khanh những đức tính khoan dung đại lượng của mấy dì phước, của mấy mẹ. Vì thế Nhung khỏi lo ngại, tha hồ tâm sự, tin rằng trang nhật ký này mình chép ra nhưng rồi được xóa đi ngay.

Nhung biết là mỗi sáng không ngày nào Khanh quên đọc bài Kinh Phù Hộ, một câu mà Nhung nhớ được nhờ nghe Khanh đọc luôn là câu “Lạy xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng tôi hằng nên trọn lành theo ý Chúa.” Có lần, Nhung hỏi sao Khanh chọn bài kinh ấy mà đọc luôn, Khanh trả lời vì không tin rằng mình có thể tự hướng dẫn nếu chẳng có sự phù hộ soi sáng của Chúa. Nhung kính Khanh, cả gia đình ông Đốc nể Khanh ở những điểm ấy và bà Đốc, mẹ của Nhung, với quan niệm gần mực thì đen, bà chỉ muốn cho con gái có những người bạn như Khanh.

Vào ngồi trong xe cạnh Nhung rồi, Khanh mới nhận thấy đời có những phút sung sướng và mới hiểu rõ thế nào gọi là sung sướng. Đời của Khanh từ thuở bé đến lớn cứ đều đều trôi trong một gia đình nền nếp cổ kính đạo đức không hề thay đổi. Ngày nào cũng giống hệt ngày hôm qua, sáng dậy ăn xong đi học, trở về ăn cơm trưa rồi lại đi học nữa, tối về ăn cơm tối, học bài và đọc kinh đi ngủ.

Cuộc sống giống hệt như một đám ruộng bằng phẳng, từ xa đặt mắt vào góc nào cũng chỉ thấy có một màu không thay đổi.

Từ hôm gặp Vinh đến nay, Khanh mới biết thì ra tâm hồn có thể phát ra những thứ xúc động khác nữa.

- Nhung đến tìm Khanh có việc gì thế?

- Anh Hoàng và cậu Vinh mời chúng mình đến dự tiệc trà ở nhà anh Hoàng chiều hôm nay, tiệc trà mừng cậu Vinh ở Pháp mới về.

- Các anh ấy có vẻ con cưng quá nhỉ?

- Các anh ấy toàn là con cưng, nhưng chúng mình không phải con cưng cả đó sao. Khanh gầy mà Nhung thấy bác cả và chị Hương sợ ra mặt.

Nghe Nhung nói Khanh hơi mỉm cười, quả thật như thế. Mỗi gia đình mỗi lối cưng khác nhau, so với gia đình Nhung và gia đình Hoàng, thì Khanh cũng là một thứ con cưng, chỉ có khác ở cái hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thôi. Nhung kể nốt cho Khanh nghe rằng tối hôm qua Hoàng và Vinh đến chơi nhà mình, Hoàng đòi đến Khanh nhưng ông đốc Định cản lại, bảo giờ ấy bác Cả ngủ rồi, đừng có làm bác ấy thức giấc.

- Đến cũng được chứ có sao, chúng mình ngồi chơi ngoài sân. Mấy đêm nay hoa dạ lý nở đầy ra, thơm tới sáng, ban ngày không thể nào ngửi thấy.

- Cậu Vinh xem chừng bị “coup de foudre” Khanh rồi đấy, anh Hoàng bảo thế, về nhà cứ khen Khanh mãi.

Mặt Khanh đang trắng nõn trở nên bừng đỏ như được phủ lên một lớp phấn, tim Khanh cũng nhảy mạnh hơn. Cử chỉ lúng túng của Khanh đã bị Nhung tinh mắt nhận thấy ngay. Không cần nói nhiều hơn, Nhung cũng hiểu ngay rằng ở giữa hai người này đã có một mối liên hệ từ bao nhiêu kiếp trước. Trong một phút, Nhung biết rõ lý do vì sao mà Khanh gầy đi như thế, mới cách có mấy hôm, những cảm giác mà Khanh vừa tiếp nhận, cách đây gần một năm Nhung cũng đã tiếp nhận, ngày mới gặp Hoàng.

Bây giờ thì hầu như cả hai gia đình của Hoàng và Nhung đều chấp thuận tuy chẳng nói ra, nhưng bên nào cũng đồng ý cho tụi trẻ nó tìm hiểu nhau trước đã.

Vợ chồng bác sĩ Định cũng nhận rằng ở Hoàng có những đức tính có thể mang hạnh phúc lại cho một người đàn bà: chân thành, vui vẻ và tốt với tất cả mọi người. Tuy là khác miền, khác cả tôn giáo, nhưng bên cạnh Hoàng chẳng ai thấy ngỡ ngàng, trong nhà ngay cả bác tài, u già, chú bếp, con sen đều vui mừng mỗi khi cậu Hoàng đến chơi.

Suốt mấy tiếng đồng hồ Khanh và Nhung lo trang điểm, thử áo, chải tóc, cuối cùng Khanh chọn chiếc áo màu hồng nhạt, Nhung chọn chiếc áo tím thẫm.

- Sao Khanh không mặc áo màu rượu vang đỏ, có phải nước da trắng của Khanh sẽ nổi bật lên hơn nữa không?

- Thôi các anh cười cho, thời bây giờ Âu Tây người ta đang chuộng màu da nâu, mình da trắng quá trông quê lắm, anh Vinh anh ấy sẽ sợ...

Vừa nói xong Khanh bỗng giật mình xấu hổ, thì ra vì Vinh mà Khanh chịu mất bao nhiêu thì giờ để chọn áo, chải tóc. Đấy không phải là một sự tự tố cáo cái cảm tình của mình rồi sao?

Nhung mỉm cười đồng ý, chiều nay Nhung cũng muốn đẹp cho vui lòng Hoàng và cho mẹ Hoàng thấy cô dâu tương lai tuy người xứ Bắc nhưng nếu cần cũng có thể sẽ biến thành cô gái Huế.

Thùy Dương, cô em thứ hai của Nhung, còn ngây thơ, tim chưa bị một hình ảnh nào đến làm vướng bận. Thấy hai chị thắc mắc trong công việc trang điểm chọn áo, Dương chế giễu bảo đến nhà anh Hoàng uống một cốc nước trà ăn vài chiếc bánh mà làm như đi ăn cỗ cưới bà chúa nước Anh không bằng. Cô bé đâu biết rằng đối với Nhung và Khanh thì buổi tiệc trà chiều nay còn quan trọng bằng vạn lần đi ăn cỗ cưới bà chúa nước Anh.

Khanh và Nhung chỉ nhìn nhau mỉm cười thông cảm, Thùy Dương làm sao có thể hiểu nổi. Nhung hay bắt chước Hoàng để nói giọng Huế với những tiếng “rứa”, tiếng “mô”, tiếng “hỉ” kéo dài ra nghe rất nũng nịu và dễ thương.

- Anh Hoàng “hỉ”, anh Hoàng nói “rứa” Nhung không ưng “mô”!

Cả nhà cùng khen là Nhung nói giọng Huế nghe giống hệt và đáng yêu quá. Nhung làm cả nhà lây theo cái chữ “mô” với chữ “rứa”. Nhung dễ bắt chước được giọng Huế là nhờ những bài ca bài hò của Phạm Đình Chương: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn...”


***************

Tài xế vừa ngừng xe ở nhà bà Thiện, Hoàng vội vàng chạy ra đón, tưởng Hoàng mời đông khách nhưng chị có ba chị em Nhung, Thùy Dương và Khanh mà thôi, mục đích tuy không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu là cốt để cho Vinh với Khanh quen nhau hơn.

Bà Thiện vui vẻ bước theo sau lưng con trai hỏi thăm Nhung và trách cô sao lâu ngày không đến chơi.

- Bác mắng anh Hoàng đi, anh ấy bảo con rằng bác lúc nào cũng bận, con đến chỉ có làm mất thì giờ mà thôi.

- Thiệt không đó Hoàng?

Bà Thiện quay lại chất vấn con trai, Hoàng mỉm cười xin chịu lỗi:

- Rứa mạ không chịu nhận là khi mô mạ cũng bận bịu đó răng?

- Việc chi thì việc, thương nhau thì phải bỏ thì giờ cho nhau, con nói răng nghe lạ rứa, mình là người chớ mô có phải là máy móc.

- Thôi từ nay con không hỏi anh Hoàng nữa, con tự đến một mình con khi mô con nhớ bác.

Buổi tiệc trà hôm nay còn một mục đích thứ hai nữa là vì bà Thiện muốn xem mặt Khanh, xét đoán Khanh vào hạng người nào, vì mấy hôm nay nghe hai cậu cháu kêu ầm lên là thua cuộc với thắng cuộc. Bà Thiện muốn tự mình đánh giá xem cô gái này có thể mang hạnh phúc lại cho cậu em quý giá của mình không. Đối với người chị ấy, tuy chỉ là chị họ nhưng bà thương Vinh như thương Hoàng, bà không muốn Vinh vấp phải một cô vợ không xứng đáng, thiếu tư cách, giả trá và thiếu lòng.

Bà vẫn khuyên Vinh và Hoàng cưới vợ phải chọn tông, tránh những người nói khéo vì càng nói khéo, càng thiếu lòng dạ. Kinh nghiệm đời đã dạy cho bà như thế.

Hoàng không đồng ý với mẹ, Hoàng thường cãi lại bảo cưới vợ đẹp thì dẫu mình có đói, pha cốc nước lạnh mà uống vừa nhìn nhan sắc của vợ còn hơn là đã uống nước lạnh mà phải nhìn một người đàn bà “răng hô, miệng hốc, trán chày vồ”. Hai mẹ con không ngừng cãi nhau điểm ấy.

Mấy người khách kéo vào mua hàng bắt bà Thiện phải bỏ câu chuyện với Nhung và Khanh để ra tiếp khách. Hoàng vội mời các cô lên gác, Vinh chờ ở trên gác, anh chàng về đã mấy hôm mà vẫn chưa quen giờ giấc, ngày nào cũng ngủ và đêm thì cứ đòi ăn.

Nhà Hoàng không có vườn đất rộng như biệt thự của Nhung nhưng ở trên gác là ba cái sân thượng, mái đúc bằng, chung quanh xây tường, bên dưới lát đá hoa, buổi chiều lên đấy chơi cũng mát và dễ chịu như ngồi trong vườn. Ở dưới là cửa hàng rộng, hai căn phố ghép thành một, chung quanh toàn các thứ nhung, lụa, tơ rực rỡ đủ màu sắc. Tầng thứ hai dùng làm kho chứa hàng, một phòng sổ sách và phòng ngủ của ông bà Thiện. Tầng thứ ba là phòng khách và phòng riêng của hai anh em Hoàng với Vinh.

Buổi cơm trưa cả nhà đều ăn ở dưới để tiện việc trông hàng khi có khách vào mua, lại gần nhà bếp dễ bưng dọn. Đến buổi chiều thì phải chịu khó đưa lên sân thượng cho mát.

Hoàng thường cùng với các bạn lên sân thượng nhìn xuống đường, đấy là một trong những ưu tiên của cuộc sống, nhìn thấy người mà người không sao nhìn thấy mình nếu không muốn bị mỏi cổ.

Ba chị em Nhung, Khanh và Thùy Dương theo Hoàng lên gác, trong lòng tất cả đều hân hoan, Thùy Dương hỏi đùa Hoàng:

- Tiếc quá, anh Hoàng không có em gái, giá có em gái tha hồ được may áo mới anh Hoàng nhỉ.

- Trời sinh ra thế, nếu có em gái thì chắc phải dẹp tiệm.

Nhung hân hoan khoe với Khanh là tất cả áo Nhung mặc từ nửa năm nay đều do Hoàng chọn mẫu hàng. Bà Thiện thấy con trai có khiếu nên giao cho con cái quyền lựa chọn để làm “còm măng” ra ngoại quốc.

Một hôm có thứ hàng đẹp quá, Hoàng bắt mẹ chỉ được buôn về hai áo, một cho mẹ may và một cho Nhung mà thôi, lần ấy bà Thiện chiều con nhưng giao hẹn bận sau không chịu như thế nữa.

Lên tới gác thượng, trang trí nhờ một khu vườn nhỏ với đủ các thứ hoa cả hương lẫn sắc, mọi người đều dừng chân ngạc nhiên, thầm phục khiếu thẩm mỹ của Hoàng. Vinh đang chờ ở đấy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Lược sử Phật giáo


Em Là Vì Sao Sáng


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.63.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...