Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy »» Chương 1: Tìm kiếm »»

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy
»» Chương 1: Tìm kiếm

Donate

(Lượt xem: 7.892)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy - Chương 1: Tìm kiếm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Hoặc nghe giọng đọc Thanh Cúc dưới đây:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự bình an và hòa hợp, vì đó là những thứ ta thiếu thốn trong đời. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và xem đó là quyền của chúng ta. Tuy hạnh phúc là mục tiêu mà chúng ta đều cố gắng tiến tới, nhưng ít khi đạt được. Trong đời, nhiều lúc chúng ta trải qua những sự không hài lòng - bấn loạn, bực tức, bất hòa, đau khổ. Ngay cả nếu như trong lúc này ta không có gì để bất mãn, tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại những lúc chúng đã làm ta đau khổ, và thấy trước được rằng một lúc nào đó chúng có thể xảy ra. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải đối diện với sự đau khổ của cái chết.

Những bất mãn của cá nhân ta không chỉ giới hạn với riêng mình. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục lan tỏa sự đau khổ của mình sang những người khác. Không khí chung quanh một người đau khổ trở nên kích động hơn, khiến cho tất cả những ai bước vào môi trường đó cũng đều cảm thấy bấn loạn và không hạnh phúc. Bằng cách này, những căng thẳng cá nhân cộng hưởng tạo nên căng thẳng xã hội.

Đây là bất ổn căn bản của cuộc đời: bản chất không mãn nguyện. Có những việc ta không muốn lại xảy ra; có những việc ta muốn lại không xảy ra. Chúng ta không biết tiến trình này do đâu và xảy ra như thế nào, cũng như mỗi chúng ta đều không biết gì về sự sinh ra và chết đi của chính mình.

Hai mươi lăm thế kỷ trước ở miền bắc Ấn Độ, một người quyết định khảo sát bất ổn này, bất ổn về khổ đau của nhân loại. Sau nhiều năm tìm kiếm và thử nghiệm nhiều phương pháp, ông đã khám phá ra một cách để đạt được tuệ giác vào bản tánh chân thật của chính mình và chứng nghiệm sự giải thoát thực sự khỏi khổ đau. Sau khi đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát, của sự dứt trừ khổ đau và xung đột, ngài dành hết quãng đời còn lại để giúp người khác thực hiện được những gìn ngài đã thực hiện, chỉ cho họ con đường giải thoát cho chính họ.

Người này là Siddhattha Gotama, là Đức Phật, “bậc giác ngộ”, chỉ nhận mình là một người bình thường. Giống như tất cả các bậc thầy vĩ đại, Ngài trở thành đề tài của những huyền thoại; nhưng dù là những câu chuyện kỳ diệu kể về tiền thân của ngài hoặc về những quyền lực siêu nhiên của Ngài, tất cả đều cho thấy Ngài không bao giờ tuyên bố mình là thần thánh hay được thần thánh hội nhập. Bất cứ phẩm tính đặc biệt nào Ngài có đều là những tính tốt của con người đã được Ngài làm cho toàn mỹ. Vì vậy, những gì Ngài đạt được đều nằm trong tầm tay của bất cứ ai làm theo như Ngài đã làm.

Đức Phật không dạy bất kỳ tôn giáo, triết lý, hay hệ thống tín điều nào. Ngài gọi những gì Ngài dạy là Dhamma, nghĩa là luật, luật của tự nhiên. Ngài không thích giáo điều hay suy diễn vô ích. Thay vì vậy, Ngài cống hiến một giải pháp thực tiễn và phổ quát cho một vấn đề phổ quát. Ngài nói: “Bây giờ cũng như trước kia, ta dạy về khổ đau và sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau.” Ngài từ chối mọi tranh luận không dẫn đến sự giải thoát khổ đau.

Ngài nhấn mạnh những điều Ngài giảng không phải do Ngài phát minh ra hay được tiết lộ cho ngài một cách huyền bí. Đó chỉ là sự thật, là thực tại mà với sự cố gắng của chính mình Ngài đã khám phá ra, giống như nhiều người trước Ngài đã làm được và nhiều người sau Ngài cũng sẽ làm được. Ngài không giữ độc quyền về sự thật.

Ngài cũng không áp đặt bất cứ thẩm quyền đặc biệt nào về những điều Ngài dạy - không phải vì mọi người tin nơi Ngài, cxx không phải vì tính cách hợp lý hiển nhiên của những điều Ngài dạy. Trái lại, Ngài tuyên bố rằng sự nghi ngờ và kiểm nghiệm lại những gì ngoài tầm kinh nghiệm của mình là điều thích đáng:

“Đừng vội tin những gì nghe được, những gì được truyền lại từ những thế hệ trước, những ý kiến của đại chúng, hay những gì trong kinh điển. Đừng chấp nhận điều gì là đúng nếu chỉ do suy luận, do sự xét đoán bề ngoài, hay vì thiên vị về một quan điểm nào đó, hay vì nó có vẻ đáng tin, hay vì thầy mình đã bảo như vậy. Nhưng khi chính quý vị tự mình biết: ‘Những nguyên tắc này không tốt, đáng chê trách, bị các nhà hiền triết lên án, và nếu chấp nhận và làm theo thì chúng chỉ dẫn đến sự tai hại và đau khổ,’ lúc đó quý vị phải buông bỏ chúng. Và khi quý vị tự biết, ‘Những nguyên tắc này tốt, không có gì đáng chê trách, được các nhà hiền triết khen ngợi; và khi chấp nhận và đem áp dụng, chúng mang lại an lạc và hạnh phúc’, thì quý vị phải chấp nhận và đem ra thực hành.”

Thẩm quyền cao nhất là tự mình thể nghiệm lấy sự thật. Không nên chấp nhận điều gì chỉ do lòng tin mà thôi; chúng ta phải xem xét xem nó có hợp lý, thực tế và có ích lợi hay không. Khảo sát một giáo huấn bằng lý luận cũng không đủ để chấp nhận nó là đúng về mặt tri thức. Nếu chúng ta muốn được hưởng lợi ích từ sự thật, chúng ta phải trực tiếp thể nghiệm nó. Chỉ khi đó ta mới có thể biết được nó có thật đúng hay không. Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng những điều Ngài dạy chỉ là những gì Ngài đã thể nghiệm bằng sự hiểu biết trực tiếp, và Ngài khuyến khích người khác tự họ phát triển những hiểu biết như vậy để trở thành thẩm quyền của chính mình: “Mỗi người hãy tự biến mình thành một hòn đảo, một nơi nương tựa cho chính mình; không có nơi nương tựa nào khác. Hãy lấy sự thật làm hòn đảo của mình, lấy sự thật làm nơi nương tựa; không có nơi nương tựa nào khác.”

Nơi nương tựa chân thật duy nhất trong cuộc đời, mảnh đất vững chãi duy nhất cho ta đứng trên đó, thẩm quyền duy nhất có thể dẫn dắt và bảo vệ ta thích đáng chính là sự thật, là Dhamma, luật của tự nhiên, được thể nghiệm và kiểm chứng bởi chính ta. Vì vậy trong Giáo pháp của Ngài, Đức Phật luôn cho rằng việc trực tiếp chứng nghiệm sự thật là điều tối quan trọng. Những gì Ngài đã thể nghiệm, Ngài cố gắng giảng thật rõ để người khác có thể dùng đó làm kim chỉ nam và tự mình thể nghiệm sự thật. Ngài nói: “Giáo huấn ta trình bày không có hai mặt trong ngoài khác nhau. Ta không che giấu một điều gì cả.” Ngài không có những bí truyền dành riêng cho số ít người được chọn. Ngược lại, Ngài mong muốn định luật tự nhiên được biết đến càng đơn giản và càng rộng rãi càng tốt, để càng nhiều người được hưởng lợi ích càng tốt.

Ngài cũng không quan tâm đến việc thiết lập tôn giáo hay sùng bái cá nhân với Ngài là trung tâm điểm. Ngài chủ trương nhân cách của người giảng dạy không quan trọng bằng giáo pháp người đó dạy. Mục đích của Ngài là chỉ cách cho người khác tự giải thoát chứ không phải biến họ thành những tín đồ mù quáng. Đối với người bày tỏ sự cung kính quá đáng, Ngài nói: “Các người được lợi ích gì khi chiêm ngưỡng cái thân xác sẽ bị hủy hoại này? Người nào thấy Dhamma là thấy ta; người nào thấy ta là thấy Dhamma.”

Lòng sùng kính một người khác, dù người đó có thánh thiện đến đâu đi nữa cũng không đủ để giải thoát được ai. Không thể có sự giải thoát hay cứu rỗi mà không có kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Vì vậy, sự thật là chính yếu chứ không phải người nói ra sự thật. Chúng ta nên kính trọng bất kỳ ai giảng dạy sự thật, nhưng cách tốt nhất để bày tỏ lòng tôn kính đó là nỗ lực tự mình chứng nghiệm sự thật. Khi những vinh dự rất lớn được dành cho Ngài lúc cuối đời, Đức Phật đã nhận xét: “Đây không phải là sự tôn kính, hay lòng thành tín đúng cách đối với một đấng giác ngộ. Tốt hơn là các vị tăng ni hay nam nữ cư sĩ hãy bước đi một cách vững vàng trên con đường Dhamma từ bước đầu đến bước cuối, là những người thực hành Dhamma đúng cách, đó mới là vinh danh, kính ngưỡng bậc giác ngộ một cách tôn trọng nhất.”

Đức Phật dạy con đường mà mọi người đều có thể đi theo. Ngài gọi con đường đó là Bát Thánh Đạo, có nghĩa là thực tập tám phần tương quan mật thiết. Gọi là thánh vì những ai đi trên con đường đó sẽ trở thành người có tâm thánh thiện, thành thánh nhân, không còn đau khổ.

Đó là con đường của tuệ giác về bản chất của thực tại, con đường chứng nghiệm sự thật. Để giải quyết những bất ổn của mình, chúng ta phải nhận biết tình huống một cách đúng thật. Chúng ta nhất thiết phải học cách nhận biết vẻ ngoài hiển nhiên của thực tại, và cũng phải thâm nhập qua vẻ ngoài để nhận thức được những sự thật tinh tế hơn, rồi đến sự thật tối hậu, và cuối cùng là để chứng nghiệm sự thật giải thoát khỏi đau khổ. Bất cứ danh từ nào chúng ta chọn để gọi sự thật giải thoát này, hoặc là Niết Bàn, nibbana, “thiên đàng”, hay là gì đi nữa, đều không quan trọng. Điều quan trọng là chứng nghiệm nó.

Con đường duy nhất để chứng nghiệm sự thật một cách trực tiếp là nhìn vào bên trong, là quan sát chính mình. Cả đời ta chỉ quen nhìn ra ngoài. Chúng ta luôn luôn chú ý đến những gì xảy ra ở bên ngoài, những gì người khác đang làm. Chúng ta ít khi hay chẳng bao giờ thử tìm hiểu cấu trúc tinh thần và thể chất, những hành động và thực tế của chúng ta. Vì vậy chúng ta không biết gì về chính mình. Chúng ta không nhận biết được sự vô minh về chính mình nó tai hại như thế nào, những lực lượng bên trong bắt ta làm nô lệ cho chúng như thế nào mà chúng ta không hề hay biết.

Cái bóng tối bên trong này phải bị xóa tan đi để chúng ta có thể hiểu được sự thật. Chúng ta phải có tuệ giác vào bản chất của chính ta để hiểu được bản chất của sự hiện hữu. Do đó, con đường Đức Phật chỉ ra là con đường tự xét, tự quan sát. Ngài nói: “Trong thân xác chưa được hai mét chiều cao này có tâm và những cảm nhận của tâm, [qua đó] ta biết được về vũ trụ, nguồn gốc và sự kết thúc của vũ trụ cũng như con đường dẫn đến sự kết thúc ấy.” Toàn thể vũ trụ và những luật tự nhiên do vũ trụ vận hành đều được thể nghiệm trong chính bản thân ta. Chúng chỉ có thể được thể nghiệm trong chính ta mà thôi.

Con đường này cũng là một con đường thanh lọc. Chúng ta khảo sát sự thật về bản thân mình không phải vì sự tò mò nhàn rỗi của trí óc mà là có mục đích xác định. Bằng vào sự quan sát chính bản thân mình, chúng ta lần đầu tiên ý thức được những phản ứng bị điều kiện hóa, những định kiến che mờ tâm trí khiến ta không thấy được thực tại và tạo ra đau khổ. Chúng ta nhận ra những căng thẳng tích lũy bên trong tâm làm ta dao động, đau khổ, và ta nhận ra rằng có thể loại bỏ chúng. Dần dần, ta học được cách làm sao để chúng tự mất đi, và tâm ta trở nên thanh tịnh, an bình và hạnh phúc.

Phương pháp này là một tiến trình đòi hỏi sự thực hành liên tục. Có thể có những bước tiến vượt bực bất ngờ, nhưng đó chỉ là kết quả của những nỗ lực lâu dài. Cần phải tiến hành qua từng bước một; tuy nhiên, lợi ích đến ngay trong từng bước. Chúng ta không thực hành với niềm hy vọng chỉ có được lợi ích hay sự vui thích trong tương lai, hoặc sau khi chết được lên một cõi trời mà hiện ở đây ta chỉ biết đến qua sự ước đoán. Lợi ích [của sự thực hành] phải cụ thể, sống động, dành cho chính ta, được thể nghiệm tại đây ngay vào lúc này.

Quan trọng hơn hết, đây là một giáo huấn để thực hành. Việc đơn thuần đặt niềm tin vào Đức Phật hay giáo huấn của Ngài không giúp ta thoát khỏi đau khổ, và việc nhận hiểu giáo pháp hoàn toàn qua tri thức cũng không giúp được gì. Cả hai điều này chỉ có giá trị nếu chúng gợi cảm hứng cho ta thực hành giáo pháp. Chỉ có thực hành những lời Phật dạy mới mang lại kết quả cụ thể, và làm thay đổi cuộc đời ta để tốt đẹp hơn. Đức Phật nói:

“Nếu có người tụng kinh rất nhiều mà không thực hành lời kinh, thì cũng giống như một người chăn bò chỉ đếm bò của người khác; người đó không được hưởng phần thưởng cuộc sống cho người đi tìm sự thật.

Một người khác có thể chỉ tụng đọc vài ba chữ trong kinh điển, nhưng nếu người ấy sống cuộc sống Dhamma, bước đi trên con đường từ bước đầu cho tới đích, thì người đó được hưởng phần thưởng cuộc sống cho người đi tìm sự thật.”

Con đường phải đi theo, giáo lý phải thực hành; nếu không, đó chỉ là một bài tập vô nghĩa.

Không cần phải tự gọi mình là Phật tử mới thực hành được giáo huấn này. Tên gọi không liên quan gì đến sự thực hành. Đau khổ không hề phân biệt mà là phổ biến với mọi người; bởi vậy, phương thức điều trị muốn hữu ích phải áp dụng được như nhau cho tất cả mọi người. Pháp này không dành riêng cho các nhà tu ẩn sĩ đã xa lìa đời sống thế tục. Dĩ nhiên phải cần một khoảng thời gian để học cách thực hành, nhưng sau khi đã học xong, ta phải áp dụng vào đời sống hằng ngày. Những ai đã từ bỏ gia đình và trách nhiệm thế tục để theo con đường này có cơ hội luyện tập nhiều hơn, thâm nhập giáo lý sâu xa hơn, và do đó tiến bộ nhanh hơn. Mặt khác, những người sống trong đời với nhiều trách nhiệm khác nhau, chỉ có thời gian giới hạn để thực tập. Nhưng dù là chủ gia đình hay sống không gia đình, ta vẫn phải thực hành Dhamma.

Chỉ có vận dụng Dhamma mới mang lại kết quả. Nếu đây thật sự là con đường đưa ta từ đau khổ đến bình an, thì trong khi thực hành ta phải có hạnh phúc hơn, hòa hợp hơn, và bình an hơn với chính mình. Đồng thời, mọi quan hệ của ta với người khác cũng phải trở nên bình an và hòa hợp hơn. Thay vì tăng thêm sự căng thẳng cho xã hội, chúng ta có thể đóng góp tích cực làm tăng thêm hạnh phúc và an bình cho mọi người. Muốn theo con đường, chúng ta phải sống cuộc sống của Dhamma, của sự thật, của sự thanh tịnh. Đây là phương cách đúng đắn để thực hành giáo huấn. Thực hành Dhamma đúng đắn là nghệ thuật sống vậy.


Vấn đáp

Câu hỏi: Thầy hay viện dẫn Đức Phật, vậy có phải thầy giảng đạo Phật không?

Thiền sư S. N. Goenka: Tôi không quan tâm đến việc “thuộc về đạo nào”. Tôi giảng Dhamma như Đức Phật đã giảng. Ngài chưa bao giờ dạy bất kỳ tôn giáo hay học thuyết nào. Ngài dạy những điều mang đến lợi lạc cho con người thuộc mọi giai cấp: một nghệ thuật sống. Bất kỳ ai sống trong vô minh cũng đều có hại và bất kỳ ai phát triển trí tuệ cũng đều được tốt đẹp. Bởi vậy, ai cũng có thể thực hành pháp này và đều được lợi ích. Một tín đồ Cơ Đốc giáo sẽ trở thành một con chiên tốt, một người Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo hay một Phật tử đều trở thành tín đồ tốt của tôn giáo họ. Ta phải trở thành một người tốt, nếu không, ta chẳng bao giờ có thể là một tín đồ tốt. Điều quan trọng nhất là làm sao để trở thành người tốt.

Thầy nói đến điều kiện hóa. Có phải tập pháp môn này cũng là một kiểu điều kiện hóa tâm hồn, cho dù là điều kiện hóa tích cực?

Không đúng. Trái lại, đây là một tiến trình hóa giải điều kiện. Thay vì áp đặt bất cứ điều gì vào tâm, phương pháp này tự động loại bỏ những bất thiện để chỉ còn lại những phẩm tính thiện lành, tích cực trong tâm. Khi loại bỏ những tính xấu thì sẽ hiển lộ những phẩm tính tốt đẹp, vốn là bản chất nền tảng của một tâm thanh tịnh.

Nhưng việc ngồi yên với tư thế nào đó trong một thời gian và hướng sự chú tâm theo một cách nào đó chính là một hình thức điều kiện hóa.

Nếu quý vị thực hành nó như một trò chơi, hay một cách máy móc thì đúng là điều kiện hóa tâm. Đó là vận dụng sai Vipassana. Khi được thực hành đúng, pháp này sẽ giúp bạn tự mình trải nghiệm trực tiếp sự thật. Và từ kinh nghiệm này, sự hiểu biết được phát triển một cách tự nhiên, qua đó phá hủy mọi điều kiện trước đây.

Chỉ ngồi thiền cả ngày và quên hết chuyện đời có phải là ích kỷ hay không?

Nếu chỉ có vậy thôi thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây chỉ là một phương tiện để đưa đến một kết quả hoàn toàn không ích kỷ: Một tâm hồn lành mạnh. Khi quý vị có bệnh, quý vị vào nhà thương để phục hồi sức khỏe. Quý vị không ở đó cả đời mà chỉ đến đó khôi phục sức khỏe để tiếp tục sống. Cũng vậy quý vị tham dự khóa thiền để cho tâm được lành mạnh, nhờ vậy quý vị hành xử tốt cho chính mình và cho người khác trong đời sống hằng ngày.

Nhìn thấy sự đau khổ của người khác mà mình sống bình an, hạnh phúc thì có phải là vô tình hay không?

Nhạy cảm đối với đau khổ của người khác không có nghĩa là bản thân quý vị cũng phải buồn. Thay vì vậy, quý vị phải giữ sự bình tĩnh và quân bình để có thể hành động xoa dịu sự đau khổ của họ. Nếu quý vị cũng buồn, quý vị gia tăng sự đau khổ quanh mình, chẳng giúp được ai mà cũng chẳng giúp gì cho chính mình.

Tại sao chúng ta không sống bình an?

Vì thiếu trí tuệ. Một cuộc sống thiếu trí tuệ là một cuộc sống ảo tưởng, nó là một trạng thái dao động, đau khổ. Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là sống một cuộc sống lành mạnh, hòa hợp, tốt cho chúng ta và cho tất cả mọi người. Muốn vậy, chúng ta phải học sử dụng khả năng tự quan sát, quan sát đúng thật.

Tại sao cần phải theo khóa thiền 10 ngày để học kỹ thuật này?

Nếu quý vị có thể ở lâu hơn thì càng tốt. Tuy nhiên 10 ngày là thời gian tối thiểu để có thể nắm vững được những điểm căn bản của phương pháp này.

Tại sao phải ở trong khuôn viên của khóa thiền trong 10 ngày?

Bởi vì quý vị ở đây để thực hiện một cuộc giải phẫu tâm mình. Mỗi cuộc phẫu thuật đều phải được thực hiện ở bệnh viện, trong phòng mổ được bảo vệ vô trùng. Ở đây, trong khuôn viên khóa thiền quý vị có thể thực hiện cuộc phẫu thuật mà không bị quấy nhiễu bởi những ảnh hưởng bên ngoài. Khi khóa học chấm dứt, cuộc phẫu thuật hoàn tất, và quý vị sẵn sàng để ra đối diện với đời.

Phương pháp này có chữa lành bệnh cho thân không?

Có, đó là kết quả phụ. Nhiều chứng bệnh tâm thần tự nhiên mất đi khi những căng thẳng trong tâm được giải tỏa. Nếu tâm bị dao động, thân bệnh chắc chắn phát triển. Khi tâm trở nên thanh tịnh thì bệnh tự khắc khỏi. Nhưng nếu mục đích của quý vị chỉ để chữa bệnh thay vì để thanh lọc tâm thì quý vị chẳng đạt được gì cả. Tôi đã nhận ra rằng những người theo khóa thiền để chữa bệnh chỉ chú tâm vào bệnh của họ trong suốt khóa thiền: “Hôm nay bệnh có bớt không? Không, không khá hơn... Hôm nay bệnh có giảm đi không? Không, không giảm đi !” Họ phí cả 10 ngày như vậy. Nhưng nếu ý định chỉ là thanh lọc tâm, thì nhiều căn bệnh sẽ tự động khỏi do kết quả của thiền.

Theo thầy thì mục đích của cuộc đời là gì?

Là thoát khỏi khổ đau. Con người có khả năng tuyệt diệu để vào sâu bên trong, quan sát thực tại và thoát khỏi khổ đau. Không dùng khả năng này là phí phạm cuộc đời. Hãy dùng nó để sống một đời sống thực sự khỏe mạnh và hạnh phúc!

Thiền sư nói đến trường hợp bị chế ngự bởi tiêu cực, thế còn khi bị chế ngự bởi sự tích cực thì sao, chẳng hạn như tình yêu?

Cái mà bạn gọi là “tích cực” là bản chất thật sự của tâm. Khi tâm không còn bị điều kiện hóa thì nó luôn luôn tràn đầy tình thương - tình thương thanh tịnh - và bạn cảm thấy bình an và hạnh phúc. Nếu bạn loại bỏ tiêu cực thì còn lại tích cực, còn lại sự thanh tịnh. Hãy để cho cả thế giới tràn ngập sự tích cực này.


Bước Đi Trên Con Đường

Trong thành Savatthi ở Bắc Ấn, Đức Phật có một trung tâm lớn, nơi mọi người đến để thiền tập và nghe Ngài giảng Dhamma. Một chàng trẻ tuổi thường đến nghe giảng mỗi buổi chiều. Chàng nghe Đức Phật giảng trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ đem những giáo huấn ra thực hành.

Sau vài năm, một chiều kia chàng đến thiền viện sớm và thấy Đức Phật chỉ có một mình. Chàng lại gần Ngài và nói: “Bạch Ngài, con có một câu hỏi cứ làm con thắc mắc mãi.”

“Ồ, không nên có một nghi vấn nào trên con đường Dhamma. Hãy làm cho chúng được sáng tỏ. Câu hỏi của anh là gì?”

“Bạch Ngài, trong nhiều năm con đã đến thiền viện, con nhận thấy có một số lớn các nhà tu hành và cư sĩ quanh Ngài. Qua nhiều năm tháng họ đến với Ngài, con thấy một số vị đã đạt đến giai đoạn cuối cùng: hiển nhiên họ đã giải thoát hoàn toàn. Con cũng thấy nhiều người khác có thay đổi trong cuộc sống, mặc dầu con không thể nói họ đã được giải thoát hoàn toàn, nhưng họ tốt hơn trước đây rất nhiều. Nhưng bạch Ngài, con cũng nhận thấy một số đông người, trong đó có con, vẫn như cũ, đôi khi còn tệ hơn. Số người này không thay đổi gì cả, hoặc không hề thay đổi theo hướng tốt hơn.

“Tại sao lại như vậy, thưa Ngài? Người ta đến với Ngài, một vĩ nhân đã hoàn toàn giải thoát, một người đầy quyền năng và lòng trắc ẩn. Tại sao Ngài không dùng quyền năng và lòng trắc ẩn để giải thoát tất cả bọn họ?”

Đức Phật mỉm cười và nói: “Này anh thanh niên, anh sống ở đâu? Quê anh ở đâu?”

“Bạch Ngài, con sống ở đây, thành Savatthi, thủ phủ của Kosala.”

“Phải, nhưng vẻ mặt anh cho thấy anh không phải là người ở đây. Quê anh ở đâu?”

“Bạch Ngài, ở Rajagaha, thủ phủ của Magadha. Con đến sinh sống ở đây từ mấy năm nay rồi.”

“Thế anh có cắt đứt mọi liên lạc với Rajagaha không?”

“Bạch Ngài không. Con còn họ hàng, bạn bè, cơ sở làm ăn ở đó.”

“Vậy chắc là anh phải đi về Rajagaha luôn chứ?”

“Bạch Ngài, phải. Hằng năm con trở về Rajagaha nhiều lần.”

“Cứ đi đi lại lại nhiều lần như thế, chắc anh biết rõ con đường chứ?”

“Ồ, bạch Ngài, phải. Con biết rõ lắm. Dù cho có bịt mắt lại con cũng tìm được tới Rajagaha, vì con đã đi lại đường này nhiều lần.”

“Và bạn anh, những người biết rõ anh chắn chắn họ phải biết anh từ Rajagaha tới lập nghiệp ở đây? Họ phải biết anh thường đi Rajagaha và trở lại, và anh biết rõ đường từ đây đến Rajagaha?”

“Ồ, bạch Ngài, phải. Những người thân cận với con đều biết con hay đi Rajagaha và biết rõ đường đi.”

“Vậy chắc chắn phải có người đến hỏi anh đường đi đến Rajagaha. Anh có giấu họ không hay anh chỉ rõ cho họ đường đi?”

“Bạch Ngài, có gì mà phải giấu. Con hết lòng chỉ cho họ. Bắt đầu hãy đi về hướng Đông rồi hướng về phía Banaras, và tiếp tục đi tới Gaya, rồi Rajagaha. Con giải thích rất rõ cho họ.”

“Và tất cả những người anh chỉ đường có đều đến được Rajagaha không?”

“Làm sao có thể được thưa Ngài? Chỉ những người nào đi hết đường thì sẽ tới Rajagaha.”

“Này chàng thanh niên, đó là những gì ta muốn giảng cho anh. Mọi người tiếp tục đến với ta, biết rằng đây là một người đã đi từ đây đến Nibbana (Niết-bàn) và biết rõ đường này. Họ tới và hỏi: Đường nào tới Nibbana, tới giải thoát? Và có gì đâu để giấu giếm. Ta giảng cho họ rất rõ ràng: ‘Đây là con đường.’ Nếu có người gật đầu và nói: ‘Nói hay lắm, con đường tốt nhưng tôi không bước đi trên đó; một con đường kỳ diệu nhưng tôi không muốn nhọc mình bước đi’, làm sao người đó đến đích được?

“Ta không vác ai trên vai để đưa họ tới đích. Không ai có thể vác người khác trên vai để mang người đó tới đích. Cùng lắm, với lòng từ ái người đó có thể nói: Này, đây là con đường, và tôi đã đi trên đó như thế nào. Quý vị cũng phải luyện tập, cũng phải tự mình bước đi và sẽ tới đích. Mỗi người phải tự mình đi, tự mình bước. Người bước một bước sẽ gần đích hơn một bước. Người bước một trăm bước sẽ gần đích hơn một trăm bước. Người đã đi hết mọi bước thì đến đích cuối cùng. Quý vị phải tự mình bước đi trên con đường.”


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguồn chân lẽ thật


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Quy Sơn cảnh sách văn


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.62.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (255 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...