Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Ba mươi ngày thiền quán »» Buổi tối thứ hai mươi sáu »»

Ba mươi ngày thiền quán
»» Buổi tối thứ hai mươi sáu

Donate

(Lượt xem: 5.812)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Ba mươi ngày thiền quán - Buổi tối thứ hai mươi sáu

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Thất giác chi

Đức Phật đã diễn tả rất rõ ràng con đường đi đến giải thoát. Con đường này gồm có sự phát triển của bảy tâm hành hay là bảy chi nhánh của sự giác ngộ, được gọi là Thất giác chi. Khi những tâm hành này được vun trồng, nuôi dưỡng đến mức trưởng thành, ta sẽ được giải thoát khỏi mọi sự trói buộc, khổ đau. Tất cả những phương pháp tu tập khác nhau, cũng chỉ với mục đích là phát triển một vài hay tất cả bảy chi nhánh của sự giác ngộ này.

1. Niệm:

Chi nhánh giác ngộ đầu tiên là niệm. Niệm tức là khả năng ghi nhận, ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, không để tâm rơi vào sự quên lãng. Đức Phật nói rằng không có yếu tố nào mạnh mẽ bằng niệm, vì niệm có một khả năng vun trồng những tâm thiện và làm suy giảm những tâm bất thiện. Chúng ta không cần làm một việc gì đặc biệt để diệt trừ những tâm xấu và phát huy những tâm tốt, chỉ cần có ý thức trong giây phút hiện tại. Chánh niệm tự nó là một năng lực thanh lọc.

Trong một bài pháp, đức Phật dạy rằng chính sự tu tập bốn lãnh vực quán niệm (Tứ niệm xứ) là con đường duy nhất để đi đến giải thoát. Chánh niệm, tỉnh thức, được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong những truyền thống khác nhau. Nhưng vấn đề danh xưng không quan trọng. Chính sự phát triển khả năng tỉnh thức, chánh niệm mới thật sự là con đường giải thoát.

Có bốn lãnh vực để ta áp dụng chánh niệm:

a. Lãnh vực đầu tiên là chánh niệm nơi thân: Hơi thở, cảm giác, những cử động và oai nghi khác nhau. Ý thức và cảm nhận được mọi sự thay đổi của thân thể.

b. Lãnh vực thứ hai của chánh niệm là cảm thọ, tức những tính chất dễ chịu, khó chịu hay trung hòa khởi lên trong từng giây phút của tâm. Mỗi đối tượng đều có một cảm thọ đi kèm theo. Khi những cảm thọ này trội lên, khi ta có một cảm giác dễ chịu hay khó chịu mạnh mẽ, chúng trở thành đề mục của thiền quán. Cảm thọ vô cùng quan trọng, vì chúng làm điều kiện cho sự ưa thích của ta. Vì cảm thọ dễ chịu mà ta ham muốn một sự vật gì. Vì cảm thọ khó chịu mà ta tức giận hay có ác cảm đối với một việc gì. Sự áp dụng thứ hai của chánh niệm là ghi nhận những cảm thọ này mỗi khi chúng sinh lên và diệt đi, không ưa thích những gì dễ chịu, không ghét bỏ những gì khó chịu.

c. Lãnh vực thứ ba của chánh niệm là tâm thức. Ý thức được mọi tâm hành cùng những thức tùy tùng của nó. Khi ta có một sự nóng giận, ý thức được tâm nóng giận; khi ta có một sự ái dục, ý thức được tâm ái dục đó, hay là tâm sợ hãi khi nó hiện hữu... Ý thức được tâm mình khi nó bị nhuộm màu bởi những yếu tố khác nhau mà không thương ghét, không phê phán, không đánh giá, không thêm bớt. Cái giận không phải là ta, nó chỉ là một tâm hành đang nhuộm màu tâm thức của ta trong giây phút ấy. Ngồi lại và nhìn sự đến rồi đi của chúng. Với một thái độ quan sát không chọn lựa, sẽ không còn một tâm hành nào có khả năng chi phối tâm ta. Chúng chỉ là những màn trình diễn trong một vở tuồng. Chẳng có gì đáng để ta phải hớn hở hay lo buồn. Chỉ cần duy trì chánh niệm, tỉnh thức.

d. Lãnh vực cuối cùng của chánh niệm là pháp, tức là sự nhận thức chân lý, luật tự nhiên, ba tính chất của hiện hữu và Tứ diệu đế. Thấy được khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đi đến sự chấm dứt khổ đau. Có chánh niệm về những trí tuệ này khi chúng khởi lên, đó là chánh niệm về pháp.

Có nhiều phương pháp thực hành Vipassana khác nhau, mỗi phương pháp chú trọng vào một vài hay cả bốn lãnh vực vừa kể. Thực hành theo bất cứ cách nào cũng sẽ đạt mục đích là đem tâm ta đến một trạng thái sáng suốt, quân bình. Tùy theo tánh khí, kinh nghiệm và điều kiện mà những phương pháp khác nhau thích hợp cho những người khác nhau. Nhưng ta không nên chấp vào phương pháp, điều quan trọng là phải phát triển chánh niệm.

2. Trạch pháp:

Chi thứ hai của giác ngộ là trạch pháp, hay là khảo sát giáo pháp. Trạch pháp có nghĩa là tìm hiểu, khám phá, phân tách một cách sâu sắc tiến trình của thân tâm, không dùng tư tưởng, không dùng khái niệm, nhưng với một tâm thức yên lặng và an lạc, sử dụng trực giác và kinh nghiệm để trực tiếp tìm hiểu hoạt động của toàn thể tiến trình xảy ra như thế nào. Đây cũng là một tên gọi khác của trí tuệ, ánh sáng trong tâm soi sáng tất cả những việc gì đang xảy ra.

Khi trạch pháp được trau dồi, ta sẽ thấy rằng mọi hiện tượng trong tâm và thân ta luôn luôn ở trong một trạng thái chuyển động. Không có gì thường hằng, mọi vật sinh ra và diệt đi liên tục. Cả tâm thức và đối tượng của chúng cũng đến và đi không ngừng nghỉ. Không có một nơi nào để nương tựa, không có chốn nào để ẩn náu. Mọi sự luôn ở trong trạng thái chuyển biến không ngừng.

Với trạch pháp, kinh nghiệm về vô thường sẽ phối hợp, ăn sâu vào nhận thức của ta. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được trên một bình diện sâu xa hơn rằng tâm thức chỉ là một dòng chảy của các hiện tượng, tư tưởng, hình ảnh, tình cảm, tánh khí... Thân ta chỉ là một tập hợp của những sự rung động, cảm giác, không có gì bền chắc, không có gì để ta nắm giữ.

Từ những kinh nghiệm về vô thường sẽ phát sinh một trực kiến rằng không có gì trong tiến trình thân tâm này có thể đem lại hạnh phúc vĩnh cửu; không có một sự thỏa mãn nào là lâu bền. Không có gì là hoàn tất mãi mãi, vì tất cả đều sẽ tiếp tục đi qua. Điều này cũng giống như đi tìm hạnh phúc an ổn trong một bong bóng nước. Vừa khi đụng đến là nó đã vỡ tung. Sự hủy hoại có mặt trong mỗi giây phút. Một bản chất bất an.

Cùng với sự vô thường và tính chất bất an là một nhận thức về vô ngã. Không có một nơi nào trong thân và tâm mà ta có thể tìm được một thực thể thường hằng để có thể gọi đó là cái ta, là ngã. Không có ai ở sau các tiến trình hành động cả.

“Trong cái thấy chỉ có cái bị thấy; trong cái nghe chỉ có cái bị nghe; trong cảm giác chỉ có cái bị cảm giác; trong cái nghĩ chỉ có cái bị suy nghĩ.” Tất cả chỉ là một dòng chảy của tiến trình. Sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng chạm và sự suy nghĩ. Toàn thể vũ trụ chỉ bao gồm trong sáu tiến trình này. Những hiện tượng rỗng không tiếp tục trôi lăn. Không có cái tôi. Các đặc tính đó được trực nghiệm trên một bình diện thâm sâu, khi trạch pháp được phát triển. Nó là trí tuệ soi sáng tâm thức ta.

Một trong những trợ lực bên ngoài cho sự phát triển trí tuệ là yếu tố thanh tịnh, hay là sự sạch sẽ của thân thể, quần áo, môi trường. Thí dụ như một ngọn đèn dầu. Nếu bóng đèn dơ bẩn thì ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn sẽ không được sáng tỏ. Còn nếu bóng đèn sạch sẽ, trong trẻo thì ánh sáng tỏa ra sẽ rất sáng tỏ và ta có thể nhìn thấy mọi vật dễ dàng.

3. Tinh tấn:

Chi thứ ba của giác ngộ là tinh tấn. Không có việc gì thành công mà không có cố gắng. Nếu chúng ta muốn đạt được bất cứ một điều gì, dù là tiền bạc hay tài năng, ta đều phải có nỗ lực. Những gì chúng ta đang làm nơi đây là vun trồng một lợi ích cao thượng. Ta phải biết nỗ lực, tinh tấn. Đức Phật chỉ là người chỉ đường, mỗi chúng ta phải tự mình đi. Không có ai có thể giác ngộ thay cho một kẻ khác được. Tham, sân, si hiện hữu trong tâm ta. Không có ai đưa nó vào, và không ai có thể lấy nó ra. Chúng ta phải tự thanh lọc. Mỗi người phải tự nỗ lực đi trên con đường thanh tịnh.

Tinh tấn là một yếu tố rất mãnh liệt, khi được trau dồi và phát triển nó có thể loại trừ những hôn trầm, lười biếng, dã dượi trong tâm. Khi gặp phải những khó khăn, trở ngại trên đường, nỗ lực tinh tấn sẽ nâng cao tinh thần. Đây là một trợ lực quan trọng, một phần thiết yếu của con đường đi đến sự giải thoát.

4. Hỷ:

Chi thứ tư của giác ngộ là hỷ. Hỷ có nghĩa là sự thích thú đối với một đối tượng. Nó được diễn tả như một niềm vui hớn hở. Một niềm vui thú ham thích chuyện đang xảy ra với mình. Ví dụ như có người đi lạc nhiều ngày trong sa mạc, nóng bức và mệt mỏi, dơ nhớp và đói khát. Bỗng trong thấy từ xa một hồ nước trong vắt. Tâm của người ấy lúc đó chỉ biết có hồ nước trước mặt, niềm vui sướng của anh bây giờ cũng tương tự như là chi giác ngộ hỷ lạc. Hỷ lạc là khoảng không gian thênh thang trong tâm, vì không cố chấp, bám víu hay nắm chặt vào sự vật.

Một phương cách để trau dồi yếu tố này là quán tưởng về mười sự hoàn hảo trong sự giác ngộ của đức Phật. Sự hoàn hảo trong việc bố thí. Bố thí vì muốn làm vơi đi khổ đau của mọi loài. Đức Phật không hề dừng lại để thắc mắc, người này đáng được cho, còn người kia thì không... Một sự bố thí rộng khắp. Sự hoàn hảo trong việc giữ giới, không làm hại bất cứ sinh vật nào. Buông xả. Tinh tấn. Trí tuệ. Kiên trì, luôn luôn gìn giữ. Nhẫn nhục là một đức tính rất quí trên con đường tu tập. Lòng từ bi. Sự chân thật. Đức cương quyết. Sự bình an. Những đức tánh này đem lại tính chất hoàn thiện trong sự giác ngộ của đức Phật.

Chúng ta có thể làm cho yếu tố hỷ lạc phát huy trong ta bằng cách quán tưởng về đức Phật và ý thức rằng ta cũng đang vun trồng những đức tính ấy. Trong mỗi hành động bố thí, trong mỗi sự kiên nhẫn hay chân thật và những đức khác, chúng ta đang cùng chia sẻ sự hoàn toàn của một Phật tánh. Quán tưởng về những việc làm tốt và sự tu tập của mình, sẽ đem lại niềm vui. Suy nghĩ về giáo pháp: Tứ diệu đế, vô thường, vô ngã - những chân lý cho mọi thời, mọi người. Quán tưởng về sự chân thật của giáo pháp, qua chính kinh nghiệm của mình, và tính chất tự chứng nghiệm chứ không chấp nhận mù quáng tin theo. Sự tán dương chân lý mang lại cho ta một niềm vui lớn và phát triển hỷ lạc trong tâm. Niềm hạnh phúc cao siêu vi diệu khi thực hành chân lý sẽ đem lại cho ta một tâm vô cùng thanh thản và nhẹ nhàng.

5. Khinh an:

Chi thứ năm của giác ngộ là sự nhẹ nhàng, an tĩnh. Một thí dụ về sự an tĩnh này là giống như người đi đường mệt lả dừng chân dưới một bóng cây mát mẻ. Cảm giác mát mẻ, dễ chịu của người đó giống như là yếu tố an tĩnh. Khi mọi tham dục đã không còn, tâm ta sẽ trở lại tươi mát vì không còn bị lửa sân hận, ái dục thiêu đốt.

6. Định:

Chi thứ sáu của giác ngộ là định. Định có nghĩa là khả năng tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất, giữ tâm trụ yên mà không bị xao động. Một tâm không định thì rất nông cạn, sẽ lang thang từ đối tượng này sang đối tượng khác. Định mang lại cho tâm một sức mạnh và khả năng quán chiếu. Có hai loại định. Loại thứ nhất được tập luyện bằng cách chú tâm vào một điểm, và phát triển cho đến mức nó thấm sâu vào đề mục ấy. Loại định này là căn bản cho một số thần thông. Còn loại định thứ hai, được phát triển trong thiền quán, được gọi là định nhất thời. Loại định này tập trung tâm ý vào nhiều đối tượng thay đổi khác nhau. Cũng chính loại định thứ hai này, phối hợp với những yếu tố giác ngộ khác, đưa ta đến sự giải thoát.

7. Xả:

Chi cuối cùng của giác ngộ là xả. Xả có nghĩa là một tâm không thiên lệch. Khi mọi việc suôn sẻ, không có sự hân hoan quá trớn. Khi gặp khó khăn, trở ngại, không buồn nản hay thất vọng. Xả có nghĩa là không nghiêng về bất cứ một hiện tượng nào, xem mọi sự việc đều bình đẳng như nhau. Một thí dụ về yếu tố xả là như ánh nắng chiếu xuống mặt đất. Mặt trời không hề chọn lựa chiếu soi một nơi này mà từ chối một nơi khác. Nó chiếu tỏa ánh nắng một cách bình đẳng đến mọi vật. Yếu tố xả tức là tiếp nhận mọi sự vật đều như nhau.

Một phương pháp để trau dồi yếu tố xả, nhất là trong ứng xử với kẻ khác, là nhớ rằng chúng ta chỉ là người thừa nhận những nghiệp quả của mình. Thế nên khi gặp người đang hạnh phúc, ta có thể chung vui với họ trong một tâm xả vì hiểu rằng họ đang hưởng những kết quả từ kiếp trước. Hoặc khi thấy người đang bị khổ đau, ta có thể khởi lòng từ bi, làm vơi đi nỗi khổ của họ, nhưng với một tâm không động, vì hiểu rằng đây chỉ là sự hiển bày của luật nhân quả.

Nhưng tâm xả không phải là một sự lãnh đạm, thờ ơ, mà là một sự bình đẳng của tâm. Trong thiền quán, khi tâm ta đạt đến trình độ có thể ý thức được tiến trình biến đổi một cách thật chi tiết và chính xác, yếu tố xả sẽ giữ cho mọi việc được quân bình, an tĩnh.

Đó là bảy chi nhánh của giác ngộ mà ta cần phải phát triển trên đường tu tập. Có ba chi thuộc về những yếu tố làm phấn khởi, và ba chi thuộc về những yếu tố làm an tâm. Trí tuệ, tinh tấn và hỷ lạc tạo ra sự phấn khích, khiến tâm được tỉnh thức và mẫn tiệp. An tĩnh, định và xả làm cho tâm trở nên an hòa, tĩnh lặng. Những yếu tố ấy phải hoàn toàn hòa hợp với nhau: nếu có nhiều sự phấn khích quá ta sẽ trở nên bồn chồn, còn nhiều sự an tĩnh quá ta lại dễ hôn trầm. Niệm là yếu tố vô cùng quan trọng, vì nó chẳng những hỗ trợ cho những yếu tố giác ngộ khác mà còn giữ cho chúng ở trong một trạng thái hòa hợp, quân bình.

Sự tiến hóa của tâm trong giai đoạn này có thể mang lại cho ta một niềm khích lệ và phấn khởi vô biên. Hãy tưởng tượng một tâm khi đã được phát triển đầy đủ những yếu tố niệm, trí tuệ, tinh tấn, hỷ lạc, an tĩnh, định và xả, tâm ấy sẽ chói sáng và tràn đầy hạnh phúc. Đó là những gì mà chúng ta đang tu tập ở đây. Những chi nhánh của giác ngộ không chỉ mang lại hạnh phúc trong giây phút hiện tại mà còn hướng đến Niết-bàn, đến sự giác ngộ, giải thoát.

Ngày qua ngày, đôi khi chúng ta dễ quên đi lý do vì sao mình lại ngồi đây đối diện với những sự bứt rứt, đau đớn, nhức mỏi, lo ra. Nhưng những gì đang xảy ra mà ta không nhận thấy được - một cách chắc chắn, đều đặn và tiến bộ - là sự phát triển của những chi nhánh giác ngộ này. Đây là một công trình vĩ đại, một sự tiến hóa cao tột nhất của tâm.

Hỏi: Giác ngộ đến một cách dần dần (tiệm ngộ) hay xảy ra trong chớp nhoáng (đốn ngộ)?

Đáp: Cả hai. Giác ngộ lúc nào cũng là chớp nhoáng trong ý nghĩa nó là sự trực nhận của trí tuệ. Đây không phải là chuyện mà ta có thể suy nghĩ để hiểu được. Nó phát xuất từ một tâm an tĩnh, một sự trực kiến, bất ngờ, một sự hiểu biết không thể nghĩ bàn. Nhưng trực giác ấy không phải xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tâm phải đạt đến một sự quân bình đáng kể nào đó thì sự giác ngộ chớp nhoáng này mới có thể xảy ra.

Hỏi: Khi một người có được sự hiểu biết nào đó, họ có hành động theo trí tuệ ấy không? Dường như bây giờ tôi có được một chút nào hiểu biết, nhưng tôi thấy mình không làm đúng theo nó.

Đáp: Chỉ cần bạn thật sự có chánh niệm hơn một chút là cũng đã thay đổi phần nào hành động của bạn rồi. Chánh niệm rất có hiệu lực. Một khi bạn đã thử tập ngồi nhìn những sự việc xảy ra, bạn sẽ khó có thể bị lôi cuốn vào những phản ứng như trước đây, mặc dù hoàn cảnh cũng giống hệt như vậy. Cũng giống như có một tiếng nói trong bạn: “Mình đang làm gì thế?” Một chút chánh niệm tu tập ấy sẽ trở thành một năng lực mãnh liệt. Dần dần, sự hiểu biết ấy sẽ phối hợp với hành động của ta một cách trọn vẹn hơn.

Hỏi: Tôi có một thắc mắc về sự vô thường của hạnh phúc. Tôi biết có những người yêu Thượng đế một cách mãnh liệt và dường như họ lúc nào cũng phát ra một nguồn an lạc, hạnh phúc cả.

Đáp: Điều này có thể hiểu bằng hai cách. Thứ nhất, mọi trạng thái đều vô thường trong nhất thời; có nghĩa là, hạnh phúc không thể thường hằng trong tâm, vì tâm tự nó sinh diệt trong mỗi giây phút. Trên căn bản đó, giây phút của tâm thức, thì nó là vô thường. Không có gì là thường hằng, không có gì là bất biến. Theo cách hiểu thứ nhì, thì những người yêu Thượng đế, muốn trở về với Thượng đế, ý thức được Thượng đế qua một phương pháp thiền định. Họ có thể hưởng được một hạnh phúc lâu dài. Mặc dù nó vẫn đang trong một tiến trình thay đổi, nhưng những trạng thái ấy liên tục nhau. Vì thế, trạng thái ấy tuy dài lâu nhưng vẫn là vô thường. Khi mà điều kiện thương yêu Thượng đế vẫn còn đó, và khi mà định lực vẫn còn đầy đủ, nó sẽ sinh ra hạnh phúc, vì hạnh phúc được duy trì là nhờ có định lực. Nhưng khi có một sự mê mờ nào khởi lên trong tâm thì tâm lại trở nên mờ mịt vì những tham, sân, si. Định lực có khả năng đè nén những tâm bất thiện. Khi nào định lực còn đầy đủ, mọi việc sẽ là an vui, hạnh phúc. Nhưng khi định lực bị suy giảm, những tâm bất thiện bị dồn nén sẽ trở lại hoạt động như xưa. Bởi vậy, điều quan trọng là ta phải biết dùng trí tuệ để nhổ tận gốc rễ của khổ đau, để chúng không còn khả năng khởi lên được nữa.

Hỏi: Đức Phật là một đấng đại từ, đại bi, thế tại sao ngài không ở lại cuộc đời mà cứu giúp chúng sinh?

Đáp: Đức Phật là một hóa thân của giáo pháp. Ngài không phải là một cái gì đứng bên ngoài sự chi phối của luật tự nhiên. Đã có sinh ra thì sẽ có bệnh và có chết. Cho dù bạn có giác ngộ hay không giác ngộ, đây là một phần của luật tự nhiên. Nhưng chân lý thì bất biến, khi đã học được con đường của sự hiểu biết, chúng ta không cần phải dựa vào bất cứ ai khác, ngoại trừ chính mình.

Hỏi: Tôi để ý rằng tình thương không phải là một chi nhánh của sự giác ngộ. Nếu ta trở nên quá khô khan, lạnh lùng, điều ấy có nguy hiểm không?

Đáp: Việc quan trọng là ta phải hiểu những ý nghĩa khác nhau của tình thương. Loại thứ nhất là loại mà ta đã nói tới, tình thương có tính cách trao đổi. Chúng ta thương nhưng muốn rằng phải có một cái gì đáp lại. Loại thứ hai là lòng mong muốn mọi người đều được hạnh phúc, một tình thương vô bờ bến. Đây là một loại tình thương không có giới hạn, vô điều kiện. Nhưng nó vẫn còn sử dụng khái niệm, như là đàn ông, đàn bà, chúng sinh. Những ý niệm này không phải là những sự thật tuyệt đối. Con người thật của chúng ta chỉ là một tập hợp của những yếu tố theo nhau sinh và diệt trong từng giây phút. Có một loại tình thương thứ ba cao thượng hơn cả loại tình thương vô điều kiện. Tình thương này là một sự hoà hợp tự nhiên, phát sinh từ sự phá bỏ những biên giới tạo nên bởi ý niệm về một tự thể riêng biệt. Không có “tôi”, không có “người khác”. Tình thương này sinh ra nhờ trí tuệ, và trên bình diện này thì “tình thương” và “tánh không” đều cùng một ý nghĩa như nhau. Không hề có một ý niệm “tôi đang thương”. Hoàn toàn không bị chi phối bởi ý niệm về một cái tôi. Khi bạn đạt đến loại tình thương cao tột nhất này, thì bạn cũng sẽ biểu lộ được những loại tình thương kia. Hãy nhìn chung quanh, quan sát những vị thầy mà bạn kính phục. Các ngài cũng đầy tình thương và ánh sáng, nhưng họ không hề có ý nghĩ là phải làm như vậy. Đó là sự biểu lộ tự nhiên của giáo pháp.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 29 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giọt mồ hôi thanh thản


Dưới cội Bồ-đề


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Giải thích Kinh Địa Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.88.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...