Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 13. Từ bi: Rộng mở trái tim của tâm thức »»

Sống một đời vui
»» 13. Từ bi: Rộng mở trái tim của tâm thức

Donate

(Lượt xem: 13.888)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 13. Từ bi: Rộng mở trái tim của tâm thức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Hãy nhìn mọi người bạn gặp với một trái tim rộng mở và từ mẫn.

Bồ Tát Tịch Thiên
Nhập Bồ Tát hạnh (The Bodhicaryavatara)
Kate Crosby và Andrew Skilton dịch sang Anh ngữ

Vì tất cả chúng ta đều sống trong xã hội loài người, trên cùng một hành tinh, ta phải học biết hợp tác cùng nhau. Trong một thế giới thiếu vắng tâm từ bi, cách duy nhất để con người có thể sống chung với nhau là thông qua sự áp chế của những lực lượng bên ngoài như công an, quân đội, với luật pháp và vũ khí làm hậu thuẫn cho những lực lượng này. Nhưng nếu chúng ta biết phát triển tâm từ bi đối với nhau - một sự nhận hiểu tự nhiên rằng khi ta làm bất kỳ điều gì để được lợi ích cho chính ta thì điều ấy nhất thiết cũng phải mang lại lợi ích cho người khác và ngược lại - thì hẳn là chúng ta sẽ không cần đến luật pháp, quân đội, công an, súng ống hay bom đạn. Nói cách khác, hình thức an ninh tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể tự tạo ra cho mình là nuôi dưỡng một trái tim rộng mở.

Tôi từng nghe một số người nói rằng, nếu ai cũng tử tế, cũng từ bi thì thế giới này hẳn sẽ chán lắm. Người ta sẽ không khác gì những con cừu, đi quanh quẩn vì không có gì để làm. Nghĩ như thế thật là sai lầm hết mức. Một tâm hồn từ bi là một tâm hồn rất tinh cần. Những bất ổn trên thế giới này không cơ man nào kể xiết: hàng ngàn trẻ em chết đói mỗi ngày; nhiều người bị tàn sát trong những cuộc chiến tranh thậm chí chưa bao giờ được đăng tải trên báo chí; khí độc đang tích tụ trong bầu khí quyển, đe dọa chính sự sống còn của chúng ta. Nhưng chúng ta thậm chí không cần phải nhìn xa trông rộng đến như thế mới thấy được khổ đau. Ta có thể nhìn thấy khổ đau ngay xung quanh ta: nơi những bạn đồng nghiệp đang đau khổ vì ly dị, nơi những người thân của ta phải đối mặt với những căn bệnh thể chất hay tinh thần; nơi những bạn bè đã mất việc làm, và nơi hàng trăm con vật đang bị giết chết mỗi ngày vì không ai nhận nuôi, vì đi lạc hay bị bỏ rơi.

Nếu bạn muốn biết một tâm hồn từ bi có thể năng động đến mức nào, thì đây là một bài tập đơn giản có lẽ chỉ mất không quá 5 phút: Hãy ngồi xuống với một tờ giấy và cây bút, rồi liệt kê ra 10 vấn đề mà bạn mong muốn được giải quyết. Cho dù đó là những vấn đề trên bình diện toàn cầu hay đang xảy ra bên cạnh nhà bạn, điều đó không quan trọng. Bạn không cần nghĩ đến các giải pháp. Chỉ liệt kê ra mà thôi.

Công việc liệt kê đơn giản này sẽ làm thay đổi thái độ của bạn một cách đáng kể. Nó sẽ đánh thức tâm từ bi tự nhiên vốn có nơi bạn.

TỪ BI CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Nếu phải liệt kê ra những người mà ta không ưa… chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều điều về những khía cạnh của chính mình mà ta không dám đối diện.

Ngài Pema Chodron
Bắt đầu từ đây (Start Where You Are)

Gần đây, một đệ tử của tôi nói anh nghĩ rằng “từ bi” là một từ ngữ lạnh lùng, nghe có vẻ quá xa cách và mang tính học thuật, rất giống với một bài tập học tội nghiệp người khác trên bình diện tri thức. Anh ta hỏi, tại sao không dùng một từ ngữ đơn sơ hơn, trực tiếp hơn, như “yêu thương” chẳng hạn?

Có một vài lý do chính đáng giải thích tại sao người Phật tử dùng chữ “từ bi” thay vì một chữ đơn sơ hơn như là “yêu thương”. Từ ngữ yêu thương quá gắn liền với những phản ứng tâm lý, cảm xúc và sinh lý kết hợp với dục vọng, đến mức có nguy cơ liên kết khía cạnh rộng mở tâm hồn mà ta đang nói đến với sự củng cố cái ảo giác nhị nguyên về “ta” và “người khác”, chẳng hạn như khi nói “anh yêu em” hay “tôi thích cái đó”. Những câu như vậy có một hàm ý sự lệ thuộc vào đối tượng được yêu và một sự nhấn mạnh đến những lợi ích cá nhân trong việc “yêu” và “được yêu”. Tất nhiên là cũng có những điển hình thương yêu vượt trên lợi ích cá nhân để bao hàm ý nguyện làm lợi ích cho người khác, như tình thương cha mẹ đối với con cái. Hầu hết các bậc cha mẹ hẳn sẽ đồng ý là tình thương của họ đối với con cái có tính chất hy sinh nhiều hơn là [kỳ vọng] sự báo đáp cho bản thân.

Dù vậy, thông thường thì cụm từ “từ bi” có tác dụng như tấm bảng “dừng lại” bằng ngôn ngữ. Nó khiến ta phải dừng lại và suy nghĩ về mối quan hệ giữa ta với người khác. Theo Phật giáo, “từ” là tâm nguyện mong cho tất cả chúng sinh hữu tình - ngay cả những chúng sinh mà ta không ưa - có thể có được sự an vui tự tại mà chính ta mong muốn cho bản thân mình: một sự thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có cùng những nhu cầu và mong muốn như nhau; sự khao khát được sống một đời bình an, không sợ khổ đau hay tai ương. Ngay cả con kiến hay con gián cũng có cùng những nhu cầu và sự sợ hãi giống như loài người. Là những chúng sinh hữu tình, tất cả chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều là thân quyến của nhau. Tâm từ ngụ ý thách thức chúng ta phải phát triển nhận thức về tâm từ mẫn như trên hay tính chất “đồng hội đồng thuyền” với tất cả chúng sinh trên bình diện cảm xúc và ngay cả hành vi, chứ không duy trì nó chỉ như một khái niệm tri thức.

Tâm bi dùng năng lực này để xem mọi chúng sinh khác như chính mình, thậm chí ở mức độ còn sâu xa hơn. Ý nghĩa cơ bản của từ này là sự “đồng cảm”, một nhận thức rằng những gì bạn cảm nhận thì tôi cũng cảm nhận. Bất kỳ điều gì làm bạn tổn thương cũng làm tôi tổn thương. Bất kỳ điều gì hữu ích cho bạn cũng hữu ích cho tôi. Trong Phật giáo, tâm bi là sự đặt mình hoàn toàn vào vị trí người khác [để cảm thông] và sẵn lòng giúp đỡ họ bằng mọi cách.

Hãy xem xét điều này một cách thực tiễn. Chẳng hạn, nếu bạn nói dối với ai đó, bạn thực sự đã làm hại ai? Đó là chính bạn. Bạn đeo mang gánh nặng vì phải luôn ghi nhớ lời gian dối đã nói ra, phải che giấu mọi dấu vết, và có thể phải thêu dệt hàng loạt những lời nói dối khác để cho lời nói dối đầu tiên không bị phát giác. Hoặc giả sử bạn lấy trộm một vật gì đó trong văn phòng hay một nơi nào khác, ngay cả vật nhỏ nhặt như một cây bút. Hãy nghĩ đến tất cả những việc lớn nhỏ bạn phải làm để che giấu hành vi của mình. Nhưng bất kể bạn đã hao tổn biết bao sức lực để che giấu việc mình làm, hầu như bạn cũng không thể tránh khỏi việc sẽ bị lật tẩy. Bạn không cách nào có thể che giấu tất cả mọi chi tiết. Vì thế, cuối cùng thì tất cả những gì bạn làm trong thực tế tiêu phí đi rất nhiều thời gian và nỗ lực mà lẽ ra bạn đã có thể dùng để làm một việc gì đó có lợi hơn.

Tâm bi là sự nhìn nhận một cách thiết yếu rằng tất cả mọi người, mọi vật đều là một sự phản chiếu của tất cả mọi người, mọi vật khác. Kinh Hoa Nghiêm đã mô tả vũ trụ như một mạng lưới vô tận được hiện ra do ý muốn của vua trời Đế Thích. Ở mỗi mắt lưới trong mạng lưới vô tận này đều có đính một viên ngọc quý chói sáng với vô số mặt; mỗi mặt đều phản chiếu tất cả các mặt của hết thảy mọi viên ngọc khác trong mạng lưới. Vì chính mạng lưới này cũng như số lượng các viên ngọc quý và số mặt của mỗi viên ngọc đều là vô tận, nên số hình ảnh phản chiếu cũng là vô tận. Khi bất kỳ viên ngọc nào trong mạng lưới vô tận này có sự thay đổi theo bất cứ cách nào, thì tất cả các viên ngọc khác trong mạng lưới cũng đều thay đổi.

Câu chuyện lưới trời Đế Thích này là một sự giải thích đầy thi vị về những mối liên hệ đôi khi bí ẩn mà chúng ta quan sát thấy giữa những sự kiện có vẻ như không liên quan gì đến nhau. Một số đệ tử của tôi vừa kể lại là có rất nhiều nhà khoa học hiện đại đã từ lâu nhức đầu với vấn đề những mối liên hệ - hay những rối rắm, theo cách nói của các nhà vật lý học - giữa các hạt thật khó hiểu với đầu óc con người hay thật khó nhìn thấy với kính hiển vi. Có vẻ như những thí nghiệm với các hạt hạ nguyên tử được thực hiện từ mấy mươi năm qua đã gợi ý rằng, bất kỳ những sự vật nào đã có sự liên kết với nhau vào một thời điểm nào đó, thì sự liên kết ấy sẽ được duy trì mãi mãi.

Giống như những viên ngọc trong lưới trời Đế Thích, bất kỳ điều gì gây tác động lên một trong các hạt hạ nguyên tử nhỏ bé này cũng sẽ tự nhiên tác động lên hạt khác, bất kể là chúng cách xa nhau đến mức nào về thời gian hoặc không gian. Và bởi vì một trong các lý thuyết hiện nay của vật lý học hiện đại cho rằng tất cả vật chất đều kết nối với nhau như một điểm duy nhất vào thời điểm xảy ra “vụ nổ lớn” (big bang) đã tạo ra vũ trụ, cho nên về mặt lý thuyết thì rất có khả năng - tuy vẫn còn chưa được chứng minh - là bất kỳ điều gì tác động đến một hạt trong vũ trụ cũng tác động lên toàn thể các hạt khác.

Sự tương quan tương giao sâu sắc được nêu ra trong câu chuyện lưới trời Đế Thích cho dù hiện nay chỉ là một thí dụ tương tự với lý thuyết khoa học hiện đại, nhưng có thể một ngày nào đó rồi sẽ trở thành một thực tế khoa học. Và khả năng có thể này, đến lượt nó lại sẽ chuyển hóa toàn bộ ý tưởng nuôi dưỡng tâm từ bi từ một ý niệm tốt đẹp trở thành một vấn đề có tầm vóc làm thay đổi cả một đời người. Chỉ qua việc thay đổi cách nhìn của mình, chúng ta không những có thể chuyển hóa được những kinh nghiệm cá nhân mà còn có thể làm thay đổi cả thế giới.

TỪ TỪ MÀ ĐI

Hãy thoát khỏi mọi bám víu vào kinh nghiệm.

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ 9
Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Việc tu tập tâm từ bi phải được thực hiện một cách tuần tự, từ từ. Nếu không ta rất dễ gánh vác quá nhiều và quá sớm, một khuynh hướng như trong câu chuyện thí dụ cảnh giác sau đây mà tôi được nghe khi bắt đầu giai đoạn tu học này. Câu chuyện liên quan đến ngài Milarepa mà ai cũng xem như một trong những bậc thầy giác ngộ vĩ đại nhất Tây Tạng. Ngài thường giáo hóa chủ yếu thông qua những bài ca hay bài thơ ứng tác. Lúc sinh thời, ngài Milarepa du hành rất nhiều và một hôm, đến một thôn ấp nọ, ngài ngồi xuống ca hát. Một trong những người làng nghe được bài ca của ngài và bị cuốn hút hoàn toàn vào ý tưởng buông bỏ tất cả những gì ông vốn ưa thích để sống cuộc đời ẩn sĩ, hầu đạt đến giác ngộ càng sớm càng tốt và để cứu độ thật nhiều chúng sinh theo khả năng của mình trong những năm còn lại của đời sống.

Khi ông thưa với ngài Milarepa về quyết định ấy, ngài dịu dàng khuyên ông rằng, tốt hơn là ông nên ở lại nhà và bắt đầu thực hành tâm từ bi một cách tuần tự hơn. Nhưng người này nhất định muốn xả bỏ tất cả ngay lập tức và bỏ ngoài tai lời khuyên của ngài Milarepa. Ông vụt chạy về nhà, luống cuống phân phát tất cả những gì ông sở hữu và luôn cả căn nhà nữa. Ông xếp một, hai vật dụng cần thiết vào một chiếc khăn quàng mang theo rồi bỏ nhà lên núi, tìm một cái động và ngồi xuống thiền ngay, tuy chưa hề thực tập bao giờ và cũng chưa từng có thời gian nào học cách thiền. Ba ngày sau, người đàn ông đáng thương này đói lả, kiệt sức và lạnh cóng. Sau năm ngày nhịn đói và khổ sở, ông muốn quay về nhà nhưng quá ngượng ngùng nên không dám. Ông nghĩ: Ta đã quá huyênh hoang khi tuyên bố xả bỏ tất cả để ngồi thiền, thế mà mới 5 ngày đã trở về thì người ta sẽ nghĩ gì về ta?

Nhưng đến cuối ngày thứ 7 thì ông không thể tiếp tục chịu đựng lạnh giá và đói khát được nữa nên trở về làng. Ông ngượng ngùng đi từng nhà hàng xóm và xin lại những gì ông đã cho họ. Những người này hoàn trả lại cho ông tất cả mọi thứ. Sau khi ổn định trở lại rồi, ông tìm đến ngài Milarepa và rất khiêm cung, ông xin được học thiền quán từ vỡ lòng. Nhờ con đường tuần tự mà ngài Milarepa chỉ dạy, cuối cùng ông trở thành một thiền sư với đầy đủ trí tuệ và từ bi, làm lợi ích cho rất nhiều người.

Tất nhiên, bài học phải rút tỉa từ câu chuyện này là phải chống lại sự thôi thúc của ý muốn lao vào việc tu tập và mong đợi những kết quả tức thời. Bởi vì cái nhìn nhị nguyên phân biệt giữa “ta” và “người khác” không phải chỉ phát triển trong ngày một ngày hai, nên chúng ta không thể kỳ vọng việc khắc phục được nó ngay tức khắc. Nếu gấp gáp lao vào con đường thực hành từ bi, thì giỏi lắm ta cũng sẽ giống như người dân làng nọ đã hối hả xả bỏ tất cả tài sản của mình. Trong trường hợp xấu nhất thì bạn sẽ khởi tâm hối tiếc vì đã làm việc thiện và tự tạo cho mình một chướng ngại tâm lý phải mất nhiều năm mới vượt qua được.

Cha tôi và những bậc thầy khác đã nhiều lần ấn sâu sự thật này vào đầu tôi. Nếu bước trên con đường tuần tự, cuộc đời bạn có thể sẽ không thay đổi gì ngay hôm sau, tuần sau hay thậm chí cả tháng sau nữa. Nhưng khi đã trải qua một hay nhiều năm, nhìn lại bạn sẽ thấy có sự thay đổi. Bạn sẽ thấy quanh mình là những bằng hữu đầy lòng thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ. Khi có sự xung đột với người khác, lời nói và hành vi của họ sẽ không có vẻ đe dọa như xưa kia. Những khổ đau mà thỉnh thoảng bạn phải gánh chịu sẽ dễ giải quyết hơn, có một tầm vóc thực tế hơn, có khi còn giảm bớt sự nghiêm trọng hơn so với những gì mà người khác xung quanh bạn có thể đang phải trải qua.

Theo như tôi đã học thì con đường tuần tự để phát triển tâm từ bi đối với người khác được chia làm ba cấp độ, mỗi cấp độ được thực tập trong nhiều tháng - tương tự như học sinh phải học những bài toán cơ bản - trước khi tiến lên cấp độ cao hơn.

Cấp độ thứ nhất dạy ta làm thế nào để phát triển một thái độ từ bi đối với chính mình và với những chúng sinh gần gũi quanh mình.

Cấp độ thứ hai chú trọng đến việc phát triển tâm từ vô lượng và tâm bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh.

Cấp độ thứ ba dạy ta nuôi dưỡng tâm Bồ-đề.

Thật ra, tâm Bồ-đề cũng có 2 loại, hoặc hai cấp độ: tâm Bồ-đề tuyệt đối và tâm Bồ-đề tương đối. Tâm Bồ-đề tuyệt đối là sự nhìn nhận một cách tự nhiên rằng tất cả chúng sinh hữu tình, bất luận hành vi hay bề ngoài của họ như thế nào, đều vốn sẵn tính giác ngộ hoàn toàn. Thường thì phải tu tập rất nhiều mới đạt đến cấp độ hiểu biết tự nhiên như thế. Tâm Bồ-đề tương đối là sự nuôi dưỡng tâm nguyện mong cho tất cả chúng sinh đều được thoát khổ thông qua việc nhận biết bản thể chân thật của họ, và bắt tay hành động để hoàn thành tâm nguyện ấy.

CẤP ĐỘ THỨ NHẤT

Khi nghĩ đến một tử tội… hãy hình dung người ấy là mình.

Patrul Rinpoché
Lời vàng của Thầy tôi (The Words of My Perfect Teacher)
Nhóm phiên dịch Padmakara dịch sang Anh ngữ

Thiền quán về tâm từ bi có nhiều điểm tương đồng với phép thiền chỉ mà chúng ta đã đề cập. Khác biệt chính là sự lựa chọn đối tượng để hướng sự chú tâm vào và phương pháp được dùng để tạo sự chú tâm. Một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi được học trong những năm chính thức tu tập là mỗi khi tôi ngăn chặn tâm từ bi, vốn là một phẩm chất tự nhiên của tâm, thì chắc chắn tôi sẽ cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt và sợ sệt.

Chúng ta rất dễ rơi vào ý tưởng rằng mình là người duy nhất chịu khổ đau, trong khi người khác thì được miễn trừ theo một cách nào đó, như thể từ bẩm sinh họ đã sẵn có một sự hiểu biết đặc biệt về cách sống hạnh phúc, là điều mà ta chưa bao giờ có được, hoàn toàn chỉ do sự ngẫu nhiên nào đó trong vũ trụ. Khi suy nghĩ như thế, chúng ta làm cho những bất ổn của riêng mình có vẻ như lớn lao hơn so với thực tiễn.

Tôi cũng đã từng phạm lỗi khi tin vào ý tưởng như trên, giống như bất kỳ ai khác, và kết quả là tôi để mình trở nên cách biệt, vướng mắc vào một lối suy nghĩ nhị nguyên, đem “cái tôi” yếu đuối, dễ tổn thương và đầy sợ sệt của mình ra chống lại tất cả mọi người khác trên thế giới này, những người mà tôi cho là an toàn, hạnh phúc và mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Uy lực khống chế mà tôi ngu ngốc tin rằng người khác đang áp đặt lên tôi đã biến thành một mối đe dọa khủng khiếp cho sự an vui của tôi. Tôi tưởng rằng bất cứ lúc nào cũng có ai đó luôn tìm được cách phá hủy chút cảm giác an toàn và hạnh phúc mà tôi đã cố gắng đạt được.

Sau thời gian làm việc chung với người khác trong nhiều năm, tôi mới phát hiện rằng mình không phải người duy nhất có cảm giác ấy. Một phần nào đó trong bộ não bò sát cổ xưa của chúng ta luôn tức thời thẩm định xem người đứng trước mặt ta là bạn hay thù. Lối nhận thức này dần dần lan đến ngay cả những vật thể vô tình, cho đến khi tất cả mọi vật - một cái máy vi tính, một cầu chì nổ hay ánh đèn nhấp nháy trên máy trả lời điện thoại - đều có vẻ gì đó như đe dọa.

Tuy nhiên khi bắt đầu tu tập thiền quán về tâm từ bi, tôi thấy cảm giác cách biệt dần giảm đi và đồng thời cảm thấy mình ngày càng mạnh mẽ hơn. Những tình huống mà xưa kia tôi chỉ thấy toàn bất ổn, nay tôi bắt đầu thấy được giải pháp. Những tình huống mà xưa kia tôi thấy hạnh phúc của riêng tôi quan trọng hơn hạnh phúc của người khác, nay tôi bắt đầu thấy được niềm an vui của người khác chính là nền tảng cho sự an tĩnh của tâm hồn tôi.

Theo như tôi đã học thì sự phát triển tâm từ bi bắt đầu bằng cách học biết được giá trị của chính mình. Đây là một bài học rất khó, nhất là đối với những người được giáo dục trong những nền văn hóa vốn thường nhấn mạnh lên sự yếu đuối của mỗi cá nhân hơn là sức mạnh của họ. Đây không phải là một vấn đề cá biệt của các xã hội Âu Tây. Sự phát triển một khuynh hướng từ bi đối với chính mình đã thực sự cứu sống tôi trong năm đầu tiên nhập thất. Hẳn là tôi đã không bao giờ dám ra khỏi phòng nếu như không làm hòa được với bản thể chân thật của mình, nhìn sâu vào tự tâm và thấy được sức mạnh thực sự thay vì là sự yếu đuối mà tôi luôn ngỡ là ngự trị trong ấy.

Một trong những điều hữu ích cho tôi khi ngồi một mình trong phòng là nhớ đến việc tiếng Phạn dùng chữ purusha để chỉ con người, vốn mang nghĩa cơ bản là “một cái gì có sức mạnh”. Là con người nghĩa là ta có sức mạnh, cụ thể là sức mạnh để thành tựu bất cứ điều gì ta muốn. Và những gì ta muốn lại chính là sự thôi thúc cơ bản nhất về mặt sinh học, đó là được hạnh phúc và tránh khổ đau.

Vì thế, trong giai đoạn khởi đầu thì sự phát triển tâm từ bi có nghĩa là dùng chính bản thân mình làm đối tượng thiền quán. Phương pháp dễ nhất là một kiểu cải biến của “phương pháp máy quét” đã mô tả ở phần trước. Nếu bạn đang hành trì chính thức theo thời khóa, hãy cố hết sức để áp dụng thế ngồi 7 điểm. Nếu không được, chỉ cần giữ lưng thật thẳng và thư giãn, quân bình toàn thân, để tâm buông thư trong trạng thái tỉnh giác đơn thuần.

Sau một thời gian ngắn để tâm buông thư trong thiền quán không đối tượng, hãy thực hiện nhanh một “bài tập rà quét”, tuần tự quan sát khắp thân thể bạn. Cùng lúc đó, một cách ôn hòa, hãy nhận biết rằng có được thân người đã là một điều quá tốt đẹp rồi, huống gì còn có một tâm thức có khả năng để nhận biết từng phần của nó. Hãy để mình nhận biết chính những sự thật hết sức cơ bản về sự hiện hữu của bạn đã là điều thực sự tuyệt diệu biết bao, và có được món quà lớn là cả thân lẫn tâm này, thật là một diễm phúc to lớn biết bao. Hãy giữ yên sự nhận biết này một lúc, rồi nhẹ nhàng khởi lên ý nghĩ này: “Giá như lúc nào tôi cũng có thể được tận hưởng cảm nhận như thế này về sự tốt đẹp cơ bản thì thật là tuyệt! Giá như lúc nào tôi cũng có thể được tận hưởng cảm giác khoan khoái này với tất cả những nhân duyên giúp tôi được hạnh phúc, an bình và tốt đẹp thì hay biết bao!”

Rồi để cho tâm an trụ, rộng mở và thư giãn. Đừng cố kéo dài phép tu tập này quá 3 phút nếu bạn đang hành trì theo thời khóa, hay quá vài giây trong những lúc thực tập ngoài thời khóa. Điều rất quan trọng là phải thực tập trong những quãng thời gian ngắn, xen vào đó là để tâm buông thư. Những quãng thời gian thực tập ngắn theo sau là sự buông thư tâm ý sẽ giúp cho sự tỉnh giác mới hình thành được ổn định, hay nói theo ngôn ngữ khoa học Âu Tây là giúp cho bộ não của bạn có cơ hội thiết lập những mô thức mới mà không bị chôn vùi trong những câu chuyện gẫu cũ rích của các nơ-ron. Nói một cách đơn giản, khi bạn dừng sự thực tập [và buông thư tâm] là lúc bạn tạo cơ hội để những hiệu quả của sự thực tập ấy tràn ngập trong tâm hồn bạn thành một dòng thác lũ của những cảm giác thiện lành.

Một khi bạn đã phần nào quen thuộc với ước muốn được hạnh phúc của chính mình, thì việc mở rộng sự tỉnh giác đó đến các chúng sinh khác xung quanh bạn - loài người, thú vật và cả côn trùng - sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Sự tu tập tâm từ bi hướng đến người khác cốt yếu là nuôi dưỡng nhận thức rằng tất cả mọi sinh vật đều muốn cảm thấy mình toàn vẹn, an toàn và hạnh phúc. Bạn không cần làm gì khác hơn là luôn ghi nhớ rằng, bất kỳ điều gì đang diễn ra trong đầu người khác cũng là điều đang diễn ra trong đầu bạn. Khi bạn nhớ đến điều này, bạn sẽ thấy rằng không có lý do gì phải sợ sệt bất kỳ con người hay sự vật nào. Lý do duy nhất làm bạn sợ sệt là khi bạn không nhận biết được rằng bất kỳ con người hay sinh vật nào mà bạn đang đối mặt cũng đều giống như bạn: một hữu tình chỉ muốn được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau.

Các bản văn Phật giáo cổ điển dạy rằng, trước hết ta nên chọn mẹ của mình làm đối tượng thiền quán, vì mẹ là người đã đối xử tốt với ta không ai sánh được. Mẹ mang ta trong bụng, đưa ta vào đời, nuôi nấng ta, dạy dỗ ta trong những năm đầu đời, thường là với sự hy sinh lớn lao của chính bản thân người. Tôi biết rằng nhiều người sống trong các nền văn hóa Tây phương không phải bao giờ cũng có được những liên hệ thương yêu trìu mến với cha mẹ. Trong trường hợp đó thì việc dùng cha hay mẹ làm đối tượng thiền quán hẳn sẽ không thực tiễn lắm. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn một đối tượng khác, thí dụ một người họ hàng đặc biệt tốt bụng, một người thầy, một người bạn thân hay một đứa bé. Một số người chọn quán niệm một con thú nuôi trong nhà. Đối tượng thiền quán thật ra không quan trọng, điều quan trọng là nhẹ nhàng chú tâm đến một người hay một vật gợi được cho bạn một cảm giác trìu mến hay ấm cúng thật sâu sắc.

Khi bạn chọn việc thiền quán tâm từ bi như một pháp hành trì chính thức, hãy bắt đầu bằng thế ngồi 7 điểm, hay ít nhất (như khi ngồi trên xe buýt hay xe lửa chẳng hạn) cũng là ngồi thẳng lưng và buông thư toàn thân một cách tự nhiên. Cũng giống như bất kỳ pháp thiền nào khác, một khi đã giữ thân an ổn rồi thì bước tiếp theo là đơn giản để cho tâm buông thư tự nhiên trong chốc lát và buông bỏ tất cả những điều bạn đang suy nghĩ. Hãy để tâm mình thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, thế thôi.

Sau khi an trụ tâm một lúc trong chánh niệm không đối tượng, nhẹ nhàng hướng ý thức của mình đến một người bạn cảm thấy dễ thương, dễ mến, dễ quan tâm nhất. Đừng ngạc nhiên nếu hình ảnh của một người hay một vật mà bạn không cố ý chọn lại hiện ra một cách mạnh mẽ hơn là đối tượng mà bạn đã chọn để quán niệm. Điều này xảy ra thường là hoàn toàn tự nhiên. Một trong các đệ tử của tôi đã bắt đầu thời khóa tu tập thiền với ý định quán niệm bà của mình, vốn rất tốt với anh ta lúc còn nhỏ, nhưng hình ảnh liên tục hiện ra trong đầu anh lại là một con thỏ anh ta nuôi lúc còn bé thơ. Đây chỉ là một điển hình về cách thức mà trí tuệ tự nhiên của tâm tự biểu lộ. Đúng vậy, anh ta đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với con thỏ, và khi cuối cùng anh đầu hàng trước những kỷ niệm này thì sự hành trì trở nên rất dễ dàng.

Có khi bạn thấy tâm thức phát sinh một cách tự nhiên hình ảnh của một kỷ niệm đẹp đã chia sẻ với ai đó, thay vì một hình ảnh trừu tượng hơn của người mà bạn đã chọn làm đối tượng thiền quán. Điều này cũng tốt. Điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm từ bi là để cho mình trải nghiệm tình cảm chân thật của sự đầm ấm, thương yêu, trìu mến.

Trong tiến trình tu tập, hãy để cái cảm giác đầm ấm, trìu mến ấy lắng sâu vào tâm, như một hạt giống được vùi trong lòng đất, và xen kẽ vào đó là việc để tâm buông thư chừng vài ba phút trong trạng thái thiền không đối tượng. Khi xen kẽ hai trạng thái này với nhau, hãy mong ước rằng đối tượng mà bạn đang quán niệm sẽ trải nghiệm được cùng một cảm giác rộng mở và đầm ấm mà bạn cảm thấy đối với họ.

Sau khi thực hành như thế một thời gian, bạn đã sẵn sàng để tiến xa hơn một chút. Hãy bắt đầu như trước, ngồi đúng tư thế và buông thư tâm trong trạng thái thiền không đối tượng một lúc, rồi hướng tâm vào đối tượng lòng từ bi của bạn. Một khi đã định tâm vào đối tượng quán niệm, có vài cách để bạn tiếp tục. Cách thứ nhất là quán tưởng đối tượng mình chọn đang ở trong một tình trạng bi thảm và đau đớn. Dĩ nhiên, nếu đối tượng ấy vốn đang chịu đau đớn, buồn khổ thì bạn chỉ cần chú tâm đến hoàn cảnh hiện tại của họ. Trong cả hai trường hợp, hình ảnh [của đối tượng mà] bạn khởi lên trong tâm sẽ làm phát sinh một cách tự nhiên tình yêu thương, đồng cảm sâu sắc, và một tâm nguyện mãnh liệt mong muốn giúp đỡ. Việc nghĩ đến một người hay vật mà bạn yêu thương đang trong hoàn cảnh khổ đau có thể làm rạn vỡ tim bạn. Nhưng một con tim rạn vỡ là một con tim mở rộng. Mỗi lần tim rạn vỡ là một cơ hội để tình thương và lòng bi mẫn ngập tràn trong lòng bạn.

Cách thứ hai là nhẹ nhàng chú tâm đến đối tượng đã chọn và đồng thời tự hỏi: “Ta muốn được hạnh phúc đến mức nào? Và ta muốn né tránh khổ đau đến mức nào?” Hãy nghĩ đến hai vấn đề này càng cụ thể càng tốt. Thí dụ, nếu bạn bị buộc phải ở trong một chỗ nóng đến ngộp thở, bạn có muốn đến một chỗ mát mẻ, thoáng khí hơn không? Nếu bạn cảm giác đau đớn trong người, bạn có muốn hết đau không? Khi bạn nghĩ đến câu trả lời của mình, hãy dần dần chuyển sự chú ý đến đối tượng đã chọn và quán tưởng việc họ sẽ cảm thấy thế nào trong trường hợp ấy. Thực tập như thế không những sẽ mở rộng trái tim bạn đối với những hữu tình khác, mà đồng thời sẽ làm tan biến đi sự đồng nhất của bạn với bất kỳ nỗi khổ niềm đau nào mà bạn đang chịu đựng vào lúc đó.

Nuôi dưỡng tâm từ bi đối với những người bạn đã từng quen biết và quan tâm đến không phải là một điều quá khó, vì thậm chí cả khi bạn có muốn bóp cổ họ vì quá ngu xuẩn hay cứng đầu, thì căn bản là bạn vẫn yêu thương họ. Nhưng sẽ khó khăn hơn đôi chút nếu bạn phải nới rộng cùng một cảm giác đầm ấm và thân thuộc ấy đến với những người không quen biết, và thậm chí còn khó khăn hơn nữa đối với những người bạn thật lòng không ưa thích.

Cách đây ít lâu tôi được nghe câu chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà sống ở Trung Hoa, có lẽ vào khoảng bốn, năm mươi năm về trước. Lúc ấy họ mới cưới nhau, và khi cô dâu mới về nhà chồng, cô lập tức tranh cãi với bà mẹ chồng về những chuyện nhỏ nhặt liên quan đến việc coi sóc nhà cửa. Dần dà, họ khắc kỵ nhau đến nỗi mẹ chồng nàng dâu không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Cô con dâu xem bà mẹ chồng như một mụ phù thủy già nhiễu sự, trong khi bà mẹ chồng thì thấy cô con dâu trẻ là một con bé cao ngạo, không biết kính trọng bậc trưởng thượng.

Không có một nguyên nhân thực sự nào để họ có thể giận ghét nhau tới mức đó. Nhưng cuối cùng cô con dâu quá giận ghét đến nỗi quyết định tìm cách trừ khử bà mẹ chồng. Cô tìm gặp một thầy lang và hỏi mua thuốc độc để cho vào thức ăn của bà mẹ chồng.

Sau khi nghe cô phàn nàn than trách, ông thầy lang đồng ý bán thuốc độc cho cô. Nhưng ông cảnh cáo:

- Nếu tôi bán cho cô một loại thuốc độc cực mạnh có hiệu quả lập tức, mọi người sẽ biết ngay cô là thủ phạm đầu độc, và họ cũng sẽ tìm ra tôi là người bán thuốc cho cô. Điều đó sẽ không tốt cho cả hai chúng ta. Vì thế, tôi sẽ bán cho cô một loại thuốc độc thật nhẹ với tác dụng từ từ, để bà ta không chết ngay lập tức.

Ông cũng dặn cô là trong thời gian đầu độc bà mẹ chồng, cô phải hết sức tử tế với bà. Ông khuyên rằng:

- Hãy tươi cười khi dọn thức ăn lên cho bà. Chúc bà ăn ngon miệng, và hỏi bà có muốn thêm gì khác không, để cô đem lên. Hãy thật dịu dàng khiêm tốn, như thế sẽ không ai nghi ngờ cô sau này.

Cô con dâu đồng ý và đem thuốc độc về nhà. Ngay chiều hôm ấy, cô bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà mẹ chồng và rất lễ phép, mời bà dùng. Sau một vài ngày, trước sự lễ độ của con dâu, bà mẹ chồng bắt đầu thay đổi cách nhìn về cô con dâu. Bà nghĩ:
- Có lẽ nó không quá cao ngạo như ta tưởng. Có lẽ ta đã nghĩ sai về nó.

Dần dần, bà bắt đầu đối xử dễ chịu hơn với con dâu, khen cô nấu ăn ngon và khéo thu xếp việc nhà, thậm chí họ còn trao đổi vài câu chuyện gẫu và những chuyện khôi hài nữa.

Vì thái độ và cách cư xử của bà mẹ chồng thay đổi nên dĩ nhiên, cô con dâu cũng thay đổi theo. Vài ngày sau cô cũng bắt đầu tự nghĩ:
- Có lẽ mẹ chồng ta không xấu như ta tưởng. Thật ra bà cũng dễ thương đấy chứ!

Họ tiếp tục như thế trong khoảng một tháng, cho đến khi hai người đàn bà trở nên rất thân thiện với nhau. Họ thân nhau đến nỗi cô con dâu thôi không đầu độc mẹ chồng nữa, và cô bắt đầu lo lắng vì trước đó đã bỏ quá nhiều thuốc độc trong mọi bữa ăn nên chắc rằng thế nào bà cũng sẽ chết.

Cô vội trở lại gặp ông thầy lang và nói :
- Cháu sai rồi! Mẹ chồng của cháu thật ra là người rất dễ mến! Lẽ ra cháu không nên đầu độc bà. Xin ông giúp cháu và cho cháu một liều thuốc giải độc!

Ông thầy lang ngồi yên lặng một lúc sau khi nghe cô nói, rồi bảo:
- Tôi thật lấy làm tiếc, nhưng bây giờ thì tôi không thể giúp gì cho cô được. Tôi không có thuốc giải độc.

Nghe thế, cô con dâu hoảng hốt òa lên khóc. Cô thề sẽ kết liễu đời mình.

Ông thầy lang hỏi:
- Tại sao cô lại muốn tự sát chứ?

Cô con dâu trả lời :
- Vì cháu đã đầu độc một người tốt như thế và bây giờ bà sắp chết. Cháu phải chết để tự trừng phạt mình vì đã làm một chuyện quá khủng khiếp!

Một lần nữa, ông thầy lang ngồi yên lặng một lúc rồi bỗng khúc khích cười.

Cô con dâu hỏi:
- Đến nước này mà ông còn cười được sao?

Ông thầy lang đáp:
- Tôi cười vì cô không có gì phải lo cả. Không có thuốc giải độc, bởi vì ngay từ đầu tôi chưa từng bán thuốc độc cho cô. Tôi chỉ đưa cho cô một loại dược thảo vô hại.

Tôi thích câu chuyện này vì nó là một điển hình giản dị cho ta thấy rằng sự chuyển đổi tự nhiên của kinh nghiệm có thể xảy ra dễ dàng như thế nào. Ban đầu bà mẹ chồng và cô con dâu rất ghét nhau. Mỗi người đều thấy người kia hoàn toàn đáng ghét. Nhưng một khi họ thay đổi cách đối xử với nhau, họ bắt đầu nhìn nhau dưới một ánh sáng khác. Mỗi người đều thấy người kia vốn thật là người tốt, và cuối cùng trở nên thân thiết với nhau. Thật ra con người họ không có gì thay đổi cả. Điều duy nhất đã thay đổi là cách nhìn của họ.

Điều thú vị trong những câu chuyện như thế là nó buộc ta phải thấy ra rằng, những ấn tượng ban đầu của ta về người khác có thể sai lầm hay ngộ nhận. Không có lý do gì để mang mặc cảm tội lỗi về những lầm lẫn ấy; chúng chỉ là hệ quả của vô minh. Và may thay, đức Phật đã chỉ dạy một pháp thiền quán không những giúp sửa chữa những sai lầm như thế, mà còn ngăn ngừa chúng trong tương lai. Pháp thiền quán ấy có tên là “hoán đổi ta và người”, nói một cách giản dị là hình dung chính mình ở vào vị trí của một người hoặc một vật mà ta không ưa lắm.

Mặc dù sự tu tập pháp “hoán đổi ta và người” có thể được thực hiện bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng tốt hơn hết là ta nên học những nền tảng cơ bản của nó qua việc hành trì theo thời khóa. Việc hành trì theo thời khóa có phần giống với quá trình nạp điện vào điện thoại di động. Một khi pin điện thoại đã được nạp đầy, bạn có thể sử dụng trong một thời gian dài ở nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng thì điện thoại cũng sẽ hết pin, và bạn cần phải nạp điện lần nữa. Khác biệt chính yếu giữa việc nạp điện vào pin và việc nuôi dưỡng tâm từ bi là, cuối cùng thì nhờ vào việc tu tập theo thời khóa, thói quen ứng xử đầy lòng bi mẫn với người khác sẽ tạo ra một chuỗi những kết nối giữa các nơ-ron mà tự nó sẽ tồn tại mãi mãi và không mất đi những gì đã “nạp vào”.

Như thường lệ, bước đầu tiên trong việc thiền tập theo thời khóa là ngồi đúng tư thế và để tâm thức buông thư trong một thời gian ngắn. Sau đó khởi tâm nghĩ đến một người hay vật mà bạn không thích. Đừng phê phán những gì bạn cảm nhận. Hãy để mình hoàn toàn được tự do cảm nhận. Chỉ cần buông bỏ đi những sự phê phán, phân biện là bạn sẽ có thể trải nghiệm được một mức độ mở rộng và trong sáng nhất định.

Bước tiếp theo là tự thừa nhận với chính mình rằng, bất kỳ điều gì [khó chịu] mà bạn cảm nhận - giận dữ, oán hờn, ganh tỵ hay tham ái - thì tự nó chính là nguyên do của bất kỳ sự đau khổ hay khó chịu nào mà bạn đang trải qua. Đối tượng đã khơi dậy những cảm xúc của bạn không phải là nguyên nhân gây đau khổ, mà đúng hơn chính là phản ứng tâm lý do bạn tự tạo ra đối với bất kỳ người hay sự vật nào mà bạn đang chú tâm đến.

Thí dụ, bạn có thể chú tâm đến một người đã từng nói ra với bạn những lời rất tàn nhẫn, chỉ trích hay khinh miệt, hay thậm chí nghĩ đến một người đã nói với bạn những lời hoàn toàn dối trá. Khi ấy, hãy tự mình nhận thức rằng, tất cả những gì đã xảy ra chỉ là, một người nào đó đã phát ra những âm thanh và bạn nghe được. Nếu bạn đã từng tu tập thiền quán niệm âm thanh, dẫu chỉ chút ít, khía cạnh “hoán đổi ta và người” này có thể sẽ quen thuộc đối với bạn.

Đến đây thì sẽ có 3 điều để chọn lựa.

Điều thứ nhất, cũng là điều có nhiều khả năng xảy ra nhất, là bạn để cho sự giận dữ, oán hờn hay mặc cảm tội lỗi chi phối bản thân mình.

Điều thứ hai (rất ít có khả năng xảy ra) là bạn suy nghĩ: “Lẽ ra ta nên tu tập pháp thiền quán âm thanh nhiều hơn.”

Điều thứ ba là bạn tưởng tượng chính mình như người đã nói hay thực hiện bất kỳ điều gì làm tổn thương bạn. Hãy tự hỏi mình rằng, những gì mà người kia đã nói ra hay hành động có thực sự bị thôi thúc bởi ý muốn làm bạn tổn thương, hay họ chỉ muốn làm giảm bớt nỗi khổ đau hoặc sợ hãi của chính họ?

Trong rất nhiều trường hợp, bạn đã sẵn có câu trả lời. Có thể bạn đã nghe biết được về tình trạng sức khoẻ hay quan hệ của người ấy, hoặc một mối đe dọa nào đó đối với vị trí nghề nghiệp của họ. Nhưng ngay cả khi bạn không biết được những chi tiết cụ thể về hoàn cảnh của một người, nhưng nhờ vào sự tu tập phát triển lòng bi mẫn đối với chính mình và lan rộng đến người khác, bạn sẽ biết được rằng phía sau mọi hành vi của mỗi người chỉ có mỗi một động cơ duy nhất: khao khát được an toàn hay hạnh phúc. Và nếu có ai nói hay làm điều gì gây tổn thương cho bạn, đó chỉ là vì họ không cảm thấy an toàn hay hạnh phúc. Nói cách khác, họ đang sợ hãi.

Và bạn đã biết sự sợ hãi là thế nào rồi.

Nhận biết điều này về người khác là điểm cốt lõi của phép tu “hoán đổi ta và người”.

Một phương pháp khác để hoán đổi giữa mình và người khác là chọn lựa một đối tượng “trung tính” để chú tâm vào - một người hay một con vật mà bạn không trực tiếp quen biết, nhưng đã nghe biết được phần nào về sự khổ đau của họ. Bạn có thể hướng tâm về một em bé ở nước ngoài đang chết đói hay chết khát, hoặc một con thú sập bẫy và tuyệt vọng cắn đứt chân mình để cố thoát ra.

Những chúng sinh “trung tính” này đang chịu đựng đủ mọi sự đau đớn ngoài ý muốn và không thể tự bảo vệ hay trốn thoát. Thế nhưng, nỗi khổ đau mà họ đang chịu đựng và sự khao khát mãnh liệt muốn tự giải thoát khỏi khổ đau là điều rất dễ hiểu, vì bạn cũng có cùng một niềm khao khát cơ bản đó như họ. Vì vậy, tuy không quen biết nhưng bạn vẫn nhận biết được tâm trạng của họ và cảm nghiệm được niềm đau nỗi sợ của họ như thể là của chính bạn. Tôi sẵn sàng đánh cuộc là việc mở rộng tâm từ bi theo cách này - hướng đến những người bạn không ưa thích hay không quen biết - sẽ không làm cho bạn trở thành một con cừu già lười nhác và buồn chán.

CẤP ĐỘ THỨ HAI

Nguyện cho mọi chúng sinh đều đạt được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc.

Tứ vô lượng tâm (The Four Immeasurables)

Có một pháp thiền quán đặc biệt có thể giúp phát khởi tâm từ bi vô lượng. Ở Tây Tạng, pháp tu ấy được gọi là tonglen, có thể dịch là “cho và nhận”.

Tonglen thực sự là một phép tu khá dễ dàng, chỉ đòi hỏi sự kết hợp đơn giản giữa hơi thở và sự quán tưởng. Bước đầu tiên chỉ đơn giản là nhìn nhận rằng bạn muốn được vui tránh khổ bao nhiêu thì các chúng sinh khác cũng mong ước điều đó bấy nhiêu. Không cần thiết phải hình dung ra một chúng sinh cụ thể nào, mặc dù bạn cũng có thể bắt đầu bằng một hình dung cụ thể nếu thấy là hữu ích. Tuy nhiên, cuối cùng thì pháp tu “cho và nhận” này sẽ mở rộng vượt quá những gì bạn có thể hình dung để bao trùm tất cả chúng sinh - gồm cả thú vật, côn trùng và những chúng sinh ở các cảnh giới mà bạn không biết đến hoặc không có khả năng nhìn thấy.

Theo những gì tôi đã học thì điều quan trọng chỉ đơn giản là luôn nhớ rằng trong vũ trụ có vô lượng vô biên chúng sinh và khởi tâm suy nghĩ rằng: “Cũng như tôi muốn được hạnh phúc, mọi chúng sinh đều muốn được hạnh phúc. Cũng như tôi muốn tránh khổ đau, mọi chúng sinh đều muốn tránh khổ đau. Tôi chỉ là một con người, trong khi chúng sinh là vô số. Hạnh phúc của vô lượng chúng sinh quan trọng hơn hạnh phúc của riêng một người.” Và khi bạn để cho những niệm tưởng này liên tục khởi lên trong tâm, bạn sẽ thực sự bắt đầu cảm thấy tự mình mong muốn mãnh liệt cho mọi người khác đều được thoát khổ.

Hãy bắt đầu bằng cách ngồi đúng tư thế và để tâm hoàn toàn buông thư trong chốc lát. Sau đó dùng hơi thở ra để gửi đến toàn thể chúng sinh hữu tình tất cả hạnh phúc của bạn và nhận lấy những khổ đau của họ. Khi bạn thở ra, hãy quán tưởng rằng tất cả hạnh phúc và lợi lạc mà bạn đạt được trong suốt cuộc đời mình đang tuôn tràn ra khỏi người bạn dưới dạng một luồng ánh sáng tinh khiết tỏa chiếu đến tất cả chúng sinh và tan hòa vào họ, thành tựu trọn vẹn tất cả các nhu cầu và xua tan tất cả mọi khổ đau của họ. Ngay khi bạn bắt đầu thở ra, hãy quán tưởng ánh sáng ấy lập tức chạm đến tất cả chúng sinh, và khi hơi thở ra của bạn vừa dứt thì ánh sáng ấy đã tan loãng vào người họ rồi. Khi bạn thở vào, tưởng tượng những nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sinh hữu tình dưới dạng một luồng ánh sáng có màu khói đen, mù mịt tràn vào mũi và tan loãng trong tim bạn.

Khi tiếp tục thực hành phép hành trì này, hãy tưởng tượng tất cả chúng sinh được giải thoát mọi khổ đau và ngập tràn hạnh phúc, khoái lạc. Sau khi thực hành như thế được một lúc, hãy để tâm buông thư. Sau đó lại bắt đầu tiến trình như cũ, luân phiên xen kẽ việc thực hành tonglen và an tĩnh tâm.

Bạn có thể ngồi thật thẳng lưng và đặt nhẹ hai nắm tay trên đùi, nếu thấy tư thế này giúp bạn dễ quán tưởng hơn. Khi thở ra, mở các ngón tay và trượt nhẹ hai bàn tay xuống về phía đầu gối đồng thời quán tưởng luồng ánh sáng đang tỏa chiếu ra đến với tất cả chúng sinh. Khi bạn thở vào, trượt nhẹ hai bàn tay về chỗ cũ, bàn tay nhẹ nắm trở lại như thể đang kéo về ánh sáng có màu khói đen là những khổ đau của người khác rồi hòa tan nó vào người bạn.

Trong vũ trụ có quá nhiều loài chúng sinh khác nhau, chúng ta thậm chí không thể quán tưởng được hết, và càng không thể cứu giúp từng sinh linh một cách trực tiếp và tức thời. Nhưng thông qua phép tu tonglen, bạn mở rộng tâm hồn đến vô lượng chúng sinh và mong muốn mọi điều tốt đẹp cho họ. Kết quả cuối cùng là tâm bạn sẽ trong sáng hơn, an tĩnh hơn, tập trung và tỉnh giác hơn và bạn phát triển được khả năng giúp đỡ người khác bằng vô lượng phương cách, trực tiếp cũng như gián tiếp.

Có một câu chuyện cổ dân gian Tây Tạng minh họa sự lợi ích của tâm từ bi phổ quát này. Có một người dân du mục ngày ngày phải băng đèo vượt núi, nhưng không có giày để mang nên luôn chịu đau đớn vì chông gai đá sỏi. Trong lúc di chuyển như thế, ông bắt đầu thu lượm da của những con thú đã chết để trải lên những con đường núi, phủ lên đá sỏi và gai góc. Nhưng mặc dầu khổ công như thế, diện tích mặt đất trải da cũng chẳng được là bao. Cuối cùng ông chợt hiểu rằng chỉ cần một vài mảnh da nhỏ để làm một đôi giày, ông có thể đi hàng trăm dặm đường mà không chút đớn đau. Chỉ cần lấy da bọc đôi chân thì cũng giống như đã trải da lên khắp nơi trên mặt đất này.

Cũng thế, nếu bạn cố gắng hóa giải từng xung đột, từng cảm xúc hay từng vọng niệm mỗi khi chúng khởi sinh, bạn sẽ giống người dân du mục kia cố trải da trên toàn trái đất. Nếu thay vào đó, bạn tu tập để phát triển một tâm thức từ mẫn và an bình, bạn có thể áp dụng cùng một giải pháp này cho tất cả mọi bất ổn trong cuộc đời bạn.

CẤP ĐỘ THỨ BA

Người nào đã đánh thức năng lực từ bi chân chính sẽ có khả năng đem thân khẩu ý của mình để phụng sự chúng sinh.

Ngài Jamgon Kongtrul
Liễu nghĩa cự (The Torch of Certainty)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ

Việc tu tập tâm Bồ-đề - tâm giác ngộ - có thể thấy như là mầu nhiệm, vì khi bạn quyết định đối xử với mọi người như thể họ đã giác ngộ viên mãn, họ sẽ có khuynh hướng phản ứng theo cách tích cực hơn, tự tin hơn và ôn hòa hơn so với cung cách thông thường của họ. Nhưng thật ra không có gì là mầu nhiệm trong quá trình này cả. Bạn chỉ đơn giản là nhìn nhận và cư xử với mọi người trên bình diện tiềm năng trọn vẹn của họ, và họ cũng đáp lại bằng cách ấy với tất cả khả năng của mình.

Như đã nói trên, có hai khía cạnh của tâm Bồ-đề: tuyệt đối và tương đối. Tâm Bồ-đề tuyệt đối là sự hiểu biết trực tiếp về bản chất của tâm. Trong tâm Bồ-đề tuyệt đối, hay tâm giác ngộ tuyệt đối, không có sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể, giữa ta và người khác; tất cả mọi chúng sinh được nhận biết một cách tự nhiên như sự hiển lộ toàn hảo của tánh Phật. Tuy nhiên, rất hiếm người có được khả năng tức thời kinh nghiệm tâm Bồ-đề tuyệt đối. Tôi thì chắc chắn là không rồi. Cũng giống như hầu hết mọi người, tôi cần phải tu tập theo con đường tuần tự của tâm Bồ-đề tương đối.

Có nhiều lý do để con đường tu tập này được gọi là “tương đối”. Trước hết, nó tương quan với tâm Bồ-đề tuyệt đối trong ý nghĩa là cả hai [con đường tu tập] đều hướng đến cùng một mục đích: sự trực nghiệm tánh Phật, hay tánh giác.

Lấy một thí dụ so sánh, tâm Bồ-đề tuyệt đối giống như tầng lầu cao nhất của một tòa nhà, trong khi tâm Bồ-đề tương đối giống như các tầng thấp hơn bên dưới. Tất cả các tầng lầu đều là các phần của cùng một tòa nhà, nhưng mỗi tầng bên dưới đều có một tương quan tương đối so với tầng cao nhất. Muốn lên đến tầng lầu cao nhất, chúng ta phải đi qua tất cả các tầng thấp hơn bên dưới.

Lý do thứ hai là, khi chúng ta thành tựu tâm Bồ-đề tuyệt đối thì không còn có sự phân biệt giữa các chúng sinh, mỗi một chúng sinh đều được xem như sự hiển lộ toàn hảo của tánh Phật. Tuy nhiên, trong khi tu tập tâm Bồ-đề tương đối chúng ta vẫn hành xử trong vòng đối đãi giữa chủ thể và khách thể, hay giữa ta và người khác.

Lý do cuối cùng là, theo lời dạy của rất nhiều vị đại sư, chẳng hạn như ngài Jamgon Kontrul trong quyển “Liễu nghĩa cự” (Ngọn đuốc xác quyết), thì sự phát triển tâm Bồ-đề tuyệt đối tùy thuộc vào sự phát triển tâm Bồ-đề tương đối.

Sự phát triển tâm Bồ-đề tương đối luôn bao hàm hai khía cạnh: phát khởi mong muốn giác ngộ (hay Bồ-đề tâm nguyện) và thực sự hành trì hướng đến giác ngộ (hay Bồ-đề tâm hành).

Trong Bồ-đề tâm nguyện, ta nuôi dưỡng sự khát khao tha thiết nâng tất cả chúng sinh lên một trình độ cho phép họ nhận thức được tánh Phật của họ. Chúng ta bắt đầu bằng ý nguyện: “Tôi muốn đạt giác ngộ viên mãn để giúp tất cả chúng sinh hữu tình cũng đạt được giác ngộ.” Bồ-đề tâm nguyện chú trọng đến phần “quả”, hay kết quả, của sự hành trì. Trong ý nghĩa này, Bồ-đề tâm nguyện giống như sự chú trọng vào mục tiêu chuyên chở tất cả mọi người đến một nơi chốn nào đó, thí dụ như London, Paris hay Washington. Trong trường hợp Bồ-đề tâm nguyện, dĩ nhiên “nơi đến” ở đây là sự giác ngộ viên mãn của tâm thức, hay tâm Bồ-đề tuyệt đối.

Bồ-đề tâm hành thường được các bản kinh luận ví như việc thực sự cất bước lên đường để đi đến một mục tiêu đã định. Bồ-đề tâm hành chú trọng đến con đường tu tập để đạt được mục tiêu của Bồ-đề tâm nguyện: Sự giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình ra khỏi mọi hình thức và nguyên nhân của khổ đau thông qua sự nhận biết được tánh Phật của họ.

Như đã nói, trong khi tu tập tâm Bồ-đề tương đối, chúng ta vẫn còn vướng mắc phần nào trong cái nhìn nhị nguyên về mọi chúng sinh khác, như thể sự hiện hữu của họ là trong tương quan tương đối với sự hiện hữu của ta. Nhưng khi chúng ta phát khởi tâm nguyện đưa chính bản thân mình cũng như tất cả chúng sinh lên đến trình độ nhận biết hoàn toàn về tánh Phật, một điều lạ lùng sẽ xảy ra: cái nhìn nhị nguyên phân biệt giữa “ta” và “người” bắt đầu tan biến dần rất chậm chạp, và chúng ta sẽ tăng trưởng trí tuệ cùng với khả năng giúp đỡ người khác cũng như chính mình.

Xét từ góc độ phương cách sống, việc nuôi dưỡng tâm Bồ-đề tương đối chắc chắn sẽ là một sự hoàn thiện trong cách ứng xử thông thường của chúng ta với người khác, tuy là cần có những cố gắng nhất định. Việc lên án những người không đồng quan điểm với ta là điều quá dễ dàng, phải không? Hầu hết chúng ta đều làm điều ấy một cách dễ dàng và không cần suy nghĩ, cũng giống như đập một con muỗi, con gián hay con ruồi. Điểm cốt yếu trong sự phát triển tâm Bồ-đề tương đối là nhận biết được rằng, về cơ bản thì ý muốn đạp chết một con bọ và sự thôi thúc lên án kẻ bất đồng ý kiến với mình cũng đều giống nhau. Đó là kiểu phản ứng “chống hoặc chạy” đã khắc sâu vào lớp não bò sát nằm trong não bộ của chúng ta, hay nói trắng ra thì đó là bản chất cá sấu của chúng ta.

Vì thế, bước đầu tiên trên con đường tu tập phát triển tâm Bồ-đề tương đối là phải quyết định: “Tôi muốn làm cá sấu hay làm người?”

Dĩ nhiên làm cá sấu cũng có những lợi điểm của nó. Cá sấu khôn lanh hơn kẻ thù và rất giỏi trong việc sinh tồn. Nhưng chúng không biết thương yêu hay thể nghiệm cảm giác được thương yêu. Chúng không có bạn hữu. Chúng không bao giờ biết đến hạnh phúc của sự nuôi dưỡng con cái. Chúng hầu như không biết thưởng thức âm nhạc hay nghệ thuật. Chúng không biết cười. Và phần đông chúng kết thúc cuộc đời dưới dạng những đôi giày [bằng da cá sấu].

Nếu bạn đã đọc đến trang này của quyển sách, có nhiều khả năng bạn không phải là cá sấu. Nhưng chắc hẳn bạn đã gặp một số người hành xử như loài cá sấu. Bước đầu tiên trong việc phát triển tâm Bồ-đề tương đối là buông bỏ sự ghét bỏ của mình đối với những kẻ mang “tính cá sấu” và nuôi dưỡng đôi chút bi mẫn đối với họ, vì họ không biết rằng họ đã bỏ lỡ đi biết bao nhiêu vẻ đẹp và sự phong phú của đời sống.

Làm được điều này rồi, thì bạn có thể dễ dàng mở rộng tâm Bồ-đề tương đối đến tất cả chúng sinh hữu tình, bao gồm cả loài cá sấu thực sự và bất kỳ sinh vật nào vốn có thể làm cho bạn bực mình, sợ hãi hay nhờm tởm. Chỉ cần dành một chút thì giờ để nghĩ đến tất cả những gì mà chúng thiếu thốn, bạn sẽ gần như tự động mở rộng tấm lòng đối với chúng.

Thật ra Bồ-đề tâm nguyện và Bồ-đề tâm hành giống như hai mặt của một đồng xu. Mặt này không thể tồn tại nếu không có mặt kia. Bồ-đề tâm nguyện là sự nuôi dưỡng ý nguyện sẵn sàng giúp đỡ không giới hạn để tất cả chúng sinh đều đạt được trạng thái hạnh phúc viên mãn và thoát khỏi mọi đớn đau khổ não. Dù bạn có thực sự giải thoát cho tất cả chúng sinh được hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là ý nguyện của bạn. Bồ-đề tâm hành là những hành động cần thiết để thực hiện ý nguyện ấy. Việc hành trì một trong hai khía cạnh của tâm Bồ-đề đều sẽ giúp củng cố khả năng tăng trưởng khía cạnh còn lại.

Có nhiều cách để tu tập Bồ-đề tâm hành: chẳng hạn như, nỗ lực hết sức để tránh những việc như trộm cắp, nói dối, nói lời vô nghĩa, hoặc chủ ý gây khổ đau bằng hành động hay lời nói; [và thực hiện những việc như] mở rộng lòng bố thí, hòa giải mọi bất hòa, nói năng từ hòa, điềm đạm thay vì đùng đùng nổi giận, và tùy hỷ với những điều tốt đẹp xảy đến cho người khác thay vì để mình chìm ngập trong sự ganh ghét, đố kỵ. Cư xử như thế là một phương tiện để mở rộng kinh nghiệm tu thiền đến mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày.

Không một tâm nguyện nào cao cả hơn và dũng mãnh hơn tâm nguyện đưa tất cả chúng sinh lên bờ giải thoát và đem đến sự an vui trọn vẹn qua sự nhận biết được chân tâm. Cho dù bạn có thành tựu được tâm nguyện này hay không, điều đó không quan trọng. Chỉ riêng tâm nguyện này thôi đã có một năng lực lớn đến mức, càng nuôi dưỡng tâm nguyện ấy, tâm thức bạn sẽ càng mạnh mẽ hơn, các phiền não sẽ giảm thiểu, bạn sẽ càng thiện xảo hơn trong việc cứu giúp người khác; và khi làm như thế, bạn sẽ tạo nhân duyên cho sự an vui hạnh phúc của chính mình.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Kinh Bi Hoa


Người chết đi về đâu


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.101.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...