Ông Lư Văn Trân sanh năm 1928, cư ngụ ấp Long Hòa, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Song thân là cụ ông Lư Văn Theo, và cụ bà Nguyễn Thị Hai. Ông là anh Hai trong gia đình có 6 anh em.
Khi tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Dương Thị Hoa, sinh được 4 người con, 1 trai 3 gái. Gia đình ông sinh sống bằng nghề làm ruộng.
Tính tình ông hiền lành chân thật, không tính toán so đo, thương yêu các loài sinh vật ngay cả chó mèo…
Theo truyền thống ông bà, ông tín hướng về Tam Bảo rất sớm, thuở thiếu niên là ông đã ăn chay mỗi tháng 4 ngày, và mỗi ngày hai thời lễ Phật.
Đối với bà con lối xóm ông chẳng hề mích lòng một ai.
Lúc đi đường gặp các ổ gà ông lấy đất lấy đá lấp lại cho bằng phẳng, gặp chà gai hay miểng chai ông lượm bỏ đi nơi khác, để cho bộ hành khỏi bị thương tích khi lỡ giẫm đạp phải. Thấy giấy có chữ ông đều nhặt đem đốt.
Hồi còn trẻ ông theo cha mẹ vào Ba Thê làm lúa mùa, khi gặp vũng cá ông đều tát cho cạn, bắt cá thả ra ngoài sông. Đa số nông dân thời bấy giờ canh tác ruộng đất đều có nuôi bò để cày bừa hoặc kéo cộ, đôi bò của người bên cạnh dở cũng thành hay; còn đôi bò của ông dù hay cũng thành ra dở, bởi ông chưa từng đánh chúng roi nào!
Năm 1954 (lúc 26 tuổi) ông ghi danh tham dự khóa huấn luyện đạo đức do Ban Hoằng Pháp nơi ngôi Tây An Cổ Tự thuộc Xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang tổ chức. Cũng từ đó ông phát tâm chay trường niệm Phật tu hành.
Có điều khác lạ với mọi người, là hễ mỗi lần tóc hơi dài đi đến thợ hớt ngắn cho mát mẻ thì đầu ông đều bị đau nhức khó chịu, cho nên ông để tóc bới giống như những ông bà đời xưa.
Đối với rượu chè, ông dứt khoát không bao giờ để cho một giọt dính vào môi, mặc tình các thanh niên đồng trang lứa chế nhạo nói khích thế nào ông cũng nhẫn chịu, họ gọi ông là Lư Thị hay Lư Bà Trân ông vẫn cười hề hà cho qua.
Ông ăn uống rất đơn giản, ai nấu gì ăn nấy chưa hề đòi hỏi kén lừa. Thông thường hằng ngày thực đơn của ông duy nhất vẫn là rau luộc chấm với nước tương. Ông ưa thích dùng cơm nhão, nhưng nếu người nhà lỡ nấu khô ông vẫn vui vẻ dùng mà không một lời càm ràm bực bội phiền trách. Còn y phục chỉ vỏn vẹn hai bộ thay đổi chứ chẳng dư thừa.
Trọn đời dường như ông chưa từng quan tâm đến tiền bạc, hai bữa cơm qua ngày là đủ rồi, mọi thứ của cải vật chất ai làm sao thì làm, ông chẳng hề bận tâm tới.
Ông thường khuyên các con cháu cố gắng tu hành, ăn hiền ở lành, bởi đời là giả tạm đầy dẫy những khổ đau, nên sớm mau mau niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Và hay nói với con cháu rằng ông rất chán cái cõi Ta bà này dữ lắm rồi, không còn lưu luyến cái gì ở đây nữa hết! Như lời khai thị:
“Sanh ra nơi cõi mê sầu,
Suốt đời có thấy ai đâu lạc nhàn.
Cánh hoa hết nở rồi tàn,
Nửa chừng sâu bọ cắn ngang là thường.
Xác thân xét lại tận tường,
Cùng hoa kia cũng một đường khác chi.
Mây trần không ngớt phủ vi,
Chúng sanh chẳng thấy những gì xa xôi.
Thế gian nay lở mai bồi,
Phật Đài luôn được an ngồi bình thân.
Cũng do lòng chẳng mê trần,
Nên không luân lạc xoay vần trong mê.
Lòng ưa nơi cõi Liên Huê,
Cho nên thân được dựa kề Đài Sen.
Chơi bùn nên mới lấm đen,
Nước trong rửa mãi đâu hoen ố mình.
Dù ai cám dỗ mặc tình,
Phận mình cứ giữ cho tinh tấn lòng.
Đường về cõi Phật chưa thông,
Nguyện chưa nguôi được tấm lòng mộ tu.
Lột cho sạch hết lớp ngu,
Để không còn một mờ lu sai lầm.
Cố công rút hết ruột tằm,
Bảo thân cho đến mọc mầm cánh bay.
Muốn về gặp Đức Như Lai,
Bao nhiêu tội lỗi thẳng tay trị trừng.
Càng làm cho nhẹ được thân.
Thì càng chóng bước đến gần Đài sen,
Những điều lòng mến dạ quen.
Nhứt thời khó bỏ rán kiêng nhiều ngày,
…Ví dù sắp chết ngày mai,
Bữa nay hối ngộ Liên đài cũng lên.
Tội do tâm nó tạo nên,
Thì là phước cũng tâm đền được ngay.
Tâm mê lạc cảnh trần ai,
Nếu như tâm giác Phật Đài được qua.
Muốn gần Đức Phật Di Đà,
Người cần phải có món quà chơn tâm.
Tây Phương chớ ngại xa xăm,
Có thuyền bát nhã đáo lâm rước về.
Cánh sen Cực Lạc tên đề,
Người đi xa mấy rán về chớ quên.
Kẻ tu đạo cả được nên,
Là do ở cái chí bền mà ra.
Giác mê bất luận trẻ già,
Chỉ người giác được hay là còn mê.
Giác tu nhứt khắc Phật về,
Mê tu muôn thuở cũng là phàm phu.
Thế nên đồng một trường tu,
Người thì phát huệ kẻ ngu suốt đời.
…Để tâm suy xét tột nơi,
Tất nhiên sẽ tự biết lời đúng sai.
…Lòng mình mình hiểu hơn ai,
Khỏi cần phải hỏi người ngoài làm chi.
Qui y mà được hành y,
Đạo nào cũng đắc, quả chi cũng thành.
Còn tu mà chẳng chịu hành,
Như trồng không tưới cội nhành héo khô.
Miệng mô lòng chẳng chịu mô,
Mô bao nhiêu cũng như hồ mắc mưa.
…Bền lòng tưởng niệm sớm trưa,
Vun bồi mầm thiện rán chừa ác nhân.
Đài sen chín phẩm có phần,
Phóng quang rực rỡ cõi trần hết vương.
Đồng hàng chư Phật mười phương,
Tiêu dao tự tại dứt đường tử sanh!”
Ông rất kính trọng những người tu hành, cho dù nhỏ tuổi thế mấy ông vẫn thủ lễ, không một chút lơ là khinh xuất.
Ông thường im lặng, vừa làm vừa lo niệm Phật, chưa từng nói chuyện thị phi xấu dở của ai; nếu có mở lời thì cũng chỉ bàn luận về Phật Pháp, đạo đức tu hành mà thôi.
Hằng ngày ông đi kiếm thuốc Nam cung ứng cho các phòng thuốc từ thiện quanh vùng, có khi theo đoàn vào tận vùng Thất Sơn với thời gian dài hạn.
Nhiều tháng năm với niềm đam mê sưu tầm dược liệu, dần dà ông bào chế một số Đông dược thành phẩm tại nhà, như các loại: thuốc tể tô hiệp, thuốc bạc hà thủy, thuốc hoàn trị nhức mỏi, mát gan, tiêu độc… để biếu tặng khắp nơi, cô con gái thứ Ba của ông sống hạnh xuất gia cùng cộng sự với cha mình.
Vào khoảng đầu thập niên 80, lần nọ cha của ông bị ho, thân quyến đưa đến bác sĩ để điều trị, thế nhưng đã đi khắp các nơi mà cuối cùng triệu chứng ho vẫn y nguyên không nhúc nhích cục cựa gì hết trơn hết trọi. Ông bèn đến trước ngôi Tam Bảo khấn nguyện, rồi giở quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ ra, căn cứ theo toa thuốc trong đó mà chọn một phương thang, rồi đi hốt đem về sắc cho cha dùng. Chẳng mấy chốc bệnh cha được khỏi hẳn. Từ đó ông nghiên cứu về cách thức chữa bệnh, ít lâu sau ông thành lập phòng thuốc Nam tại nhà để phục vụ miễn phí cho bà con xa gần.
Từ đó ông càng gắn bó thêm với cái nghề trị bệnh bằng Đông dược này, được xem là duyên số tiền định thì đúng hơn. Trọn ngày ông vừa làm vừa lo niệm Phật chẳng quan tâm đến chuyện thị phi bên ngoài. Ông tu hành âm thầm đều đặn như thế suốt năm mươi lăm năm như một ngày!
******
Mặc dù vóc dáng của ông khá khiêm nhường, nhưng quanh năm suốt tháng ông rất ít bệnh, mà mỗi lần bệnh ông đều giải quyết bằng những thang thuốc do tự tay mình bốc lấy.
Đến đầu tháng 7 năm 2009 ông thường lên cơn mệt. Cũng như mọi khi ông sao y bổn cũ, tự sắc thuốc mình hốt, nhưng lần này thuốc uống vào không linh nghiệm nữa rồi, chẳng còn hiệu quả như những lần trước. Bệnh trạng dần tăng nhiều, thân quyến bèn đưa ông vào Bệnh Viện Tim Mạch ở thành phố Long Xuyên. Qua quá trình khám và xét nghiệm, bác sĩ đã chẩn đoán là ông bị tràn dịch màng phổi. Nằm ở đây gần một tuần lễ thấy bệnh tình không khả quan chi hết nên ông đòi về, các con vâng theo ý của cha mình, bèn xin xuất viện.
Về đến nhà, các đồng tu hay tin liền tấp nập ghé thăm và đề nghị hộ niệm, gia đình đồng ý, chương trình hộ niệm được tiến hành khởi đầu vào ngày mùng 2. Suốt thời gian bệnh khổ khốn đốn nhưng chưa từng thấy ông rên than hay nhăn mặt nhíu mày. Lúc này mỗi bữa ăn ông chỉ dùng được vài muỗng cháo.
Khi đại chúng vây quanh niệm Phật ông cũng nhép môi niệm theo ở tư thế nằm ngửa, hai bàn tay thường chắp lại, hoặc xòe ra chồng lên nhau đặt giữa ngực. Có khi không thấy ông nhép môi, người nhà hoặc đồng tu đến hỏi hoặc nhắc niệm Phật thì ông gật đầu.
Hộ niệm đến hôm thứ 3 (tức là mùng 5), vào lúc 8 giờ sáng, cũng như thường lệ hằng ngày, sau khi tắm rửa thay y phục xong, ông ngồi xếp bằng trên giường trò chuyện với trưởng Ban Hộ Niệm giống y như người khỏe mạnh, không lộ chút chi có dấu hiệu của bệnh hoạn cả. Cuối cùng ông đọc phát nguyện và niệm Phật theo vị trưởng ban, âm thanh của ông lúc bấy giờ rất lớn và rất rõ ràng. Hơn nữa ngồi dậy hay nằm xuống ông đều tự lực mà không cần ai phụ giúp. Vì thấy sức khỏe của ông còn quá tốt, nên mọi người đều đinh ninh rằng ca hộ niệm này chắc chắn phải mất một khoảng thời gian tương đối khá dài lâu mới có thể bế mạc kết thúc.
Không ngờ chỉ 12 tiếng đồng hồ sau, trong âm thanh vang dội của chư đồng tu trợ niệm, ông tỉnh táo nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, không lộ một chút đau đớn hay khó khăn gì, lúc ấy đúng 8 giờ 15 phút tối, ngày mùng 5 tháng 8 năm 2009. Ông thọ 81 tuổi.
Tiếp tục hộ niệm thêm đến sáng ngày mùng 6, thăm dò thân thì thấy gương mặt ông sáng nhuần tươi đẹp, miệng như mỉm cười, các khớp xương đều mềm mại, toàn thân đều lạnh duy có đảnh đầu hãy còn ấm nóng.
(Thuật theo lời của cô Lư Thị Ánh Hồng,
con gái thứ Ba của ông)