Bà Đỗ Thị Điều sinh năm 1918, cư ngụ tại ấp Long Hữu, Xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Đỗ Văn Hộ, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hiến. Bà là người con thứ Năm trong gia đình có sáu anh em.
Cả quãng đời ấu thơ của bà gắn liền với bệnh tật, thay thầy đổi thuốc lắm phen trải qua nhiều năm tháng, cuối cùng gia đình hết cách, bà đành phải an phận với số mệnh bất hạnh của mình. Bệnh trạng tuy không dữ dội nguy hiểm đến tính mạng chi cho lắm, nhưng cứ đeo đẳng triền miên, mà dân gian thường hay gọi là “đau căn, đau nghiệp”!
Do thể xác bị bệnh hoạn hành hạ, nên tinh thần dễ sinh ra tư tưởng bi quan buồn chán, dễ mặc cảm với các bạn đồng trang lứa ở độ tuổi xuân thì!... Bà nghe đồn đãi rằng vùng Thất Sơn là vùng đất linh thiêng hàm chứa nhiều giai thoại huyền bí nhiệm mầu, đặc biệt là Thiên Cẩm Sơn tức là núi Ông Cấm.
Nhân duyên đưa đẩy, bà được những vị thân hữu giúp đỡ, dìu dẫn tham quan “năm non bảy núi”. Sau chuyến du sơn này số phận của cuộc đời bà dường như thay đổi hẳn, tinh thần đã có chỗ tựa, sức khỏe phục hồi dần, bà bèn phát tâm dùng chay mỗi tháng 4 ngày, sớm chiều hai thời lễ Phật, quyết chí tu hạnh giải thoát không lập gia đình, lúc này tuổi xấp xỉ hai mươi. Cũng từ đó bà gắng hết sức đi làm thuê làm mướn, hoặc mót lúa... hay gia đình có cho tiền, bà đều để dành, khi thấy đủ lộ phí là liền phát khởi cuộc hành trình dạo non. Bà xem đây là niềm vui, và nó cũng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất, đầy ý nghĩa nhất đối với chính cuộc đời mình!
Có lần cha quở trách mẹ của bà:
- Bà không la con Điều! Đi chuyến này sao lâu quá mà chưa thấy nó về... Chắc có lẽ cọp ăn thịt nó rồi!
Vào những thập niên ba mươi, bốn mươi, vùng Thất Sơn rất hoang vu tĩnh mịch, nhất là núi Cấm. Nơi đây nhiều cọp, nhưng chưa từng nghe chúng tàn hại một ai, cho nên người ta thường truyền miệng với nhau rằng cọp ở núi Cấm là “cọp tu”!
Do rất ít người tu ở, vả lại chẳng có dân thường sinh sống, vì vậy đường đi lối bước ngoằn ngèo dẫy đầy chướng ngại vật, chỉ có những con người thiên về tâm linh mới có thể vượt qua!
Thông thường từ dưới chân lên tới đỉnh núi (Vồ Bồ Hong) mất ít nhất từ năm đến bảy ngày đường, bởi cây cao bóng cả che khuất tầm nhìn, bộ hành phải chui lòn, luồn lách qua các đám dây leo khổng lồ chằng chịt dọc ngang, phần thì hành lý cồng kềnh dễ dàng vướng víu. Đôi khi đi cả buổi thậm chí cả ngày, mới phát hiện là mình đang ở vị trí kề cận mà ban sớm khởi hành!
Hôm nọ cha của bà hỏi bà rằng:
- Tại sao con đi núi hoài vậy... Trên trển có cái gì mà con đi hoài vậy?
- Tía ơi! Tía rầy con, sao cứ đi núi hoài! Tía mà lên trên đó thấy cảnh cây cối um tùm, phong cảnh thiên nhiên... tía không tu, tía cũng muốn tu nữa. Không tin nữa con dắt tía đi!
- Được rồi! Để tía đi một chuyến... coi tại sao con mê trên trển, mà đi hoài!
Thế là sau đó không bao lâu bà đã dẫn cha với người dượng thứ Bảy và một số thân thích cùng đi. Quả nhiên, mọi người đều kinh ngạc trước cảnh núi rừng thanh u hùng vĩ, hình dáng quái gỡ của những tàn cổ thụ cành lá sum suê, của những dây leo to tướng bị kéo dãn ra như sợi lò xo, xen lẫn vô số tảng đá chất chồng lên nhau trong tư thế cheo leo hết sức dị kỳ hiểm trở. Âm thanh vang dội của những tiếng chim lạ... non cao gió lộng tan sạch bao nỗi ưu phiền! Cho nên cha của bà luôn miệng trầm trồ, không ngớt lời khen ngợi.
Qua lần du hành này ông bắt đầu tìm hiểu và hướng tâm về Tam Bảo, vì từ trước đến giờ ông chưa hề biết đến Phật Pháp là gì!
******
Trải qua hơn hai mươi năm liền bà nghiễm nhiên trở thành hướng đạo dạo non đầy nhiệt tình, sẵn sàng đáp ứng cho những ai có nhu cầu hành hương Thiên Cẩm Sơn linh hiển, một trong bảy ngọn núi danh tiếng của miền Nam đất Việt!
Tính tình của bà cởi mở, vui vẻ. Đời sống cá nhân thì vô cùng kiệm ước thanh bần từ miếng ăn, tấm mặc cho đến chỗ ở. Đặc biệt là tâm lượng rất rộng rãi luôn nhiệt tình tùy phần giúp đỡ mọi người dù rằng bà chẳng dư dả bao nhiêu! Đến năm 1959 bà phát tâm chay trường, lúc này bà 41 tuổi.
Khi bà đã dùng chay, có những lần bệnh rất nặng, đi khám bệnh bác sĩ khuyên nên ăn mặn cho đủ chất dinh dưỡng để kết quả điều trị mới khả quan. Bà nhất quyết:
- Bác sĩ ơi! Nếu ăn chay mà ngày hôm nay chết liền tôi cũng chịu; còn ăn mặn mà sống thêm một trăm năm nữa tôi cũng không ăn đâu!
Lúc này bà sống bằng nghề nấu các món chay, làm tương và tàu hủ để bán.
Năm 1960, cô Ba, con của người em trai Út về sống chung với bà (tức là cô Nguyễn Thị Ngoa), khi ấy cô Ba mới sáu tuổi.
Thời gian sau, khi cô Ba trưởng thành thì gánh vác hết mọi chuyện trong ngoài, bà chỉ phụ hợ những công việc lặt vặt, nên thời gian niệm Phật của bà tinh chuyên hơn. Những sách mà bà thích đọc là bộ Hiển Đạo và quyển Chú Nghĩa. Bà thường dùng Phật Pháp để khuyên nhắc con cháu, nhất là các cháu gái khi có kẻ đến dạm hỏi trầu cau, bà hay nói:
-... Bây giờ, cho dù mình làm tới vợ của vua đi chăng nữa! Cũng không bằng mấy người tu!... Thành ra, ở vậy tu đi! Sống một mình tự do rất dễ dàng hành đạo!
Như lời khuyên nhủ của chư sư, chư ni:
“Phận gái dễ nào dưỡng mẹ cha,
Thủy chung lần lượt cũng lìa nhà.
Hai đường dâu, vãi không ra khỏi,
Một bước đạo, đời phải bước qua.
Xách gói tùng phu kêu xuất giá,
Trọn đời tu Phật gọi ly gia.
Khổ vui hai nẻo cần phân rõ,
Để uổng một đời rụi cánh hoa.
******
Xuất gia, xuất giá cũng đồng đi,
Hai nẻo khác nhau mới lạ kỳ.
Lối đạo trở về nơi tịnh lạc,
Đường đời đưa đến chốn sầu bi.
Tay lần chuỗi hạt luôn tự tại,
Chân chạy áo cơm khổ ly bì.
Nữ giới hỡi ai là bậc trí,
Phu nhân há sánh với bần Ni?
******
Theo Phật, theo chồng, hai nẻo mà!
Một đàng bằng phẳng một phong ba!
Kinh kệ sớm chiều luôn thong thả,
Kinh tế quanh năm lắm bôn ba.
Ngàn đời siêu thoát nơi Tịnh Độ,
Vạn kiếp trầm luân chốn Ta Bà.
Xưa nay phận gái mười hai bến,
Theo Phật thật là bến mười ba!
******
Hoa đẹp ban mai chiều héo hon,
Sắc nước hương trời đâu mãi còn?
Hỡi nàng má thắm thôi bôi phấn,
Bớ ả môi hồng chớ phết son.
Để đáp ơn cha lai láng biển,
Hầu đền nghĩa mẹ chập chùng non.
Gom góp thời gian lo tu niệm,
Hồi hướng song thân đạo quả tròn!
******
Phận liễu bồ đào rán khắc ghi,
Chồng con danh lợi rốt được gì?
Vinh hoa lớn mấy rồi cũng chết,
Phú quý dài bao cũng phải ly!
Hồng trần quá khổ mau dừng lại,
Cực Lạc lắm vui sớm bước đi.
Quẳng gánh trần duyên chuyên niệm Phật,
Một kiếp vãng sanh hết ưu bi!
*******
Rặng cây xa khuất ánh tà dương,
Kiếp sống khác chi giấc mộng trường.
Nổi chìm hụp lặn nơi bể ái,
Lên xuống lại qua mãi sáu đường.
Khổ vạn kiếp qua. Đừng đeo nữa!
Ngục trần đã thoát. Chớ nên vương!
Sớm phủi tình đời tu Tịnh Nghiệp,
Đài Sen nâng gót thoát vô thường.”
Đầu thập niên bảy mươi bà có tham dự khóa: “Đào tạo giảng viên phổ thông giáo lý”, do ông Bùi Văn Ưởng đảm nhiệm. Sau khi hoàn mãn, bà phát tâm gia nhập vào Ban Hậu Cần cho những khóa học kế tiếp.
Năm 1980 em trai Út của bà được nhà nước cấp giấy phép cho mở phòng thuốc Nam từ thiện tại nhà. Bà thường xuyên góp công chặt, phơi thuốc và nấu ăn cho những người đến làm công quả sưu tầm dược liệu.
Những năm cuối đời bà chuyên niệm Phật. Bà thường ở trên gác lầu, vì trên đó mát mẻ yên tĩnh, công phu hành trì dễ nhiếp tâm hơn, chỉ xuống khi đến giờ dùng cơm hay đi vệ sinh mà thôi. Các bạn thiện tri thức thỉnh thoảng ghé thăm, khích lệ bà rán niệm Phật, bà rất hoan hỷ và thường đáp:
- Tôi bây giờ cũng rán! Chứ ở không đâu có tưởng nhớ gì nữa!... Tôi cũng quyết chí niệm Phật cầu sanh về Tây Phương!
******
Thời gian thắm thoát trôi qua, vào ngày rằm tháng bảy năm 2007 (bà 89 tuổi), khi bà đang trên gác lầu bước xuống được nửa đoạn cầu thang bỗng gọi to:
- Ngoa ơi! Sao cái chân của cô nó muốn rời cái thân rồi, đi không có được!
Cô Ba liền chạy đến dìu bà, thì ra khi đo huyết áp thì tụt xuống chỉ còn 6 “độ.” Kế đó bà bị liệt nửa thân mình và tim bị suy trầm trọng. Thân quyến đã hết lòng lo điều trị, sức khỏe được tạm ổn, nhưng từ đó về sau tay và chân bên liệt dần dần cong cứng và trở thành cố tật, mỗi lần tắm các cháu phải xúm lại khiêng bà đi. Đặc biệt từ nào tới giờ cho dù là mùa đông trời rất lạnh bà vẫn thích tắm mà không cần phải pha nước ấm gì cả!
Đến tháng 10 năm 2009, thần trí của bà vẫn còn rất minh mẫn, ký ức tốt. Có những đứa cháu rời quê hương sang Campuchia lúc mới lên ba, vậy mà nhiều năm trôi qua, khi trở về gặp lại bà vẫn gọi đúng tên trong khi cô Ba thì không tài nào nhớ nổi!
Tuy thân xác già yếu, thêm bệnh tật hoành hành nhưng bà lúc nào cũng cố gắng chuyên cần niệm Phật.
Rằm tháng 11 năm 2009, bệnh của bà chuyển nặng, ăn uống ít dần. Thân quyến đặt bàn Phật rồi mời bạn đồng tu đến cầu nguyện và chia ca luân phiên hộ niệm cho bà được ba ngày.
Sáng ngày 18 cũng như thường lệ, khoảng bảy giờ cô Ba đút bà dùng cháo, nhưng hôm nay bà cho biết rằng hiện đang mệt nên chưa muốn ăn.
Đến khoảng gần 10 giờ cô Ba mới múc chén cháo đem đến nài nỉ với bà:
- Cô ngồi dậy ăn một chút cháo đi, cho nó khỏe!
- Mệt lắm! Ăn… không được!
- Nếu cô ăn cháo không được, thì thôi cô uống một chút sữa nghen?
- Mệt lắm! Uống sữa… cũng… không được!
- Nếu cô không uống sữa, thì bây giờ uống một chút nước nghen?
- Bây giờ mệt lắm… uống nước… cũng không được!
- Nếu cô uống không được nhiều thì cô uống một, hai muỗng cà phê cũng được nữa! Bởi vì không có nước trong người thì mình sẽ nóng sốt, nó mệt nhiều thêm!
- Ừ!... Nếu… như vậy... thì uống!
Cô Ba bèn đỡ bà ngồi dậy, chuẩn bị kề muỗng cà phê nước vào miệng cho bà uống, thì bà bảo phải đỡ nằm xuống vì quá mệt. Khi vừa đỡ cho bà nằm xong thì đôi mắt của bà đứng tròng, cô Ba bèn kê miệng gần lỗ tai của bà, nói lớn :
- Phật sắp sửa đến rước cô, cô rán chí thành niệm Phật nghen! Phật sắp đến rồi... cô rán chí thành nguyện theo Phật nghen!
Bà liền gật đầu. Khi đó các cháu bà kéo đến vây quanh đồng thanh niệm Phật vang dội, được chừng 15 phút thì bà nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, không lộ một chút gì thống khổ cả. Lúc ấy là 10 giờ 20 phút, ngày 18 tháng 11 năm 2009, bà hưởng thọ 91 tuổi.
********
Qua tám tiếng đồng hồ trợ niệm sau đó thì thấy gương mặt của bà lộ nét sáng đẹp vui tươi, như người đang nằm ngủ chứ không có dáng vẻ gì của một tử thi. Các khớp xương mềm mại, toàn thân đều lạnh duy đảnh đầu còn ấm nóng. Đặc biệt là một tay một chân bên liệt ngày thường khớp đã cứng đơ cứng còng không co duỗi gì được cả, vậy mà lúc ấy co duỗi bình thường y như tay chân bên kia!
(Thuật theo lời cô Đỗ Thị Ngoa, cháu của bà)