Tâm đại bi sinh khởi một cách tự nhiên trước những chúng sinh khổ đau
trong ngục tù ảo tưởng của họ.
Kalu Rinpoche
Tâm quang minh: Con đường của Đức Phật
(Luminous Mind: The Way of the Buddha)
Maria Montenegro dịch sang Anh ngữ
Hãy tưởng tượng bạn sống suốt đời trong một gian phòng nhỏ với một cửa sổ duy nhất khóa chặt và bám đầy bụi bẩn đến nỗi không một chút ánh sáng nào có thể lọt vào. Rất có thể bạn sẽ nghĩ rằng thế giới thật là tối tăm, ảm đạm, và bên ngoài đầy những sinh linh hình thù kỳ quái, thường phóng lên khung cửa sổ những bóng đen ghê rợn khi chúng đi ngang qua căn phòng của bạn. Nhưng giả sử có một ngày, bạn hắt một chút nước lên cửa sổ, hay sau một cơn mưa bão, một ít nước mưa chảy xuống mặt kính, và bạn dùng một miếng giẻ lau hay một góc tay áo của bạn để chùi cho khô. Khi bạn làm như thế, một ít bụi bẩn trên mặt kính bị lau đi. Đột nhiên, một tia sáng nhỏ chiếu vào phòng qua chỗ tấm kính được lau. Tò mò, bạn chùi mạnh tay thêm chút nữa, và khi nhiều bụi bẩn bị chùi đi, càng có thêm nhiều ánh sáng tràn vào. Có lẽ khi ấy bạn sẽ nghĩ, thế giới này xét cho cùng cũng không quá tối tăm, ảm đạm. Có lẽ vấn đề nằm ở tấm kính cửa sổ.
Bạn đến bồn nước lấy thêm nước (và có lẽ vài miếng giẻ khác) rồi chà mãi cho đến khi nguyên tấm cửa kính không còn một chút bụi bẩn nào. Ánh sáng dễ dàng tràn vào, và có lẽ lần đầu tiên trong đời bạn nhận ra rằng tất cả những bóng dáng hình thù quái dị vẫn làm cho bạn sợ hãi mỗi khi chúng đi ngang qua đều là những con người - hoàn toàn giống như bạn! Và từ vùng sâu thẳm của sự nhận biết ấy khởi sinh một bản năng thôi thúc bạn hình thành quan hệ xã hội - thôi thúc bạn đi ra đường phố ngoài kia chỉ để tiếp xúc với mọi người.
Thật ra, bạn đã không làm thay đổi gì cả. Thế giới này cũng như ánh sáng và mọi con người vẫn luôn có đó. Bạn chỉ không thấy được tất cả vì tầm nhìn của bạn bị che chắn. Nhưng bây giờ bạn đã nhìn thấy được tất cả, và điều đó tạo ra một sự thay đổi lớn biết bao!
Theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi gọi đó là sự khởi đầu của tâm từ bi, sự thức tỉnh của một năng lực bẩm sinh giúp ta đặt mình vào vị trí người khác và hiểu được những gì họ trải nghiệm.
LÒNG BI MẪN THEO QUAN ĐIỂM SINH VẬT HỌC
Người có tâm đại bi là người nắm được
tất cả giáo pháp của đức Phật.
Kinh Tập luận
(The Sutra That Completely
Encapsulates the Dharma)
Nhóm phiên dịch Padmakara dịch sang Anh ngữ
Trên một vài phương diện, người Phật tử hiểu về tâm bi mẫn hơi khác với ý nghĩa thông thường của từ ngữ này. Đối với người Phật tử, lòng bi mẫn không chỉ đơn giản là cảm thấy tội nghiệp người khác. Tiếng Tây Tạng là nying-jay hàm nghĩa một sự hoàn toàn rộng mở tâm hồn. Có lẽ trong Anh ngữ thì từ ngữ gần nghĩa nhất để dịch chữ nying-jay là “love”, hay thương yêu - nhưng phải là một tình thương yêu không có sự tham luyến hay mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào. Người Tây Tạng hiểu tâm bi mẫn là một tình cảm tự nhiên của sự kết nối với tất cả mọi sinh thể. Những gì bạn cảm thấy, tôi cũng cảm thấy. Những gì tôi cảm thấy, bạn cũng cảm thấy. Không có gì khác biệt giữa chúng ta.
Về mặt sinh học, chúng ta được “lập trình” để ứng xử với môi trường một cách khá đơn giản, né tránh mọi đe dọa đến sự sinh tồn và nắm lấy mọi cơ hội để làm cho cuộc sống của riêng ta được hoàn thiện hơn. Lướt nhìn qua lịch sử, ta sẽ thấy ngay rằng con đường phát triển của loài người rất thường là những câu chuyện bạo tàn được viết bằng máu của những kẻ yếu kém hơn.
Nhưng dường như cũng chính kiểu lập trình sinh học đã thúc đẩy ta hướng về sự thô bạo và tàn nhẫn như thế, lại cũng mang đến cho ta những cảm xúc không những kềm chế được khuynh hướng gây hấn, mà còn thúc đẩy ta gạt sang một bên bản năng sinh tồn của mình để chăm sóc người khác.
Trong bài thuyết trình tại Hội thảo của Viện Tâm thức và Đời sống năm 2003, Giáo sư Jerome Kagan đã làm tôi bất ngờ khi ông đưa ra nhận xét lưu ý rằng, song song với khuynh hướng bạo động thì bản năng sinh tồn cũng mang lại cho chúng ta một “thiên hướng sinh lý thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong việc hướng đến tâm từ ái, bi mẫn, thương yêu và nuôi dưỡng”.
Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện kể về những người đã liều cả mạng sống trong Thế chiến thứ hai để che giấu những người Do Thái châu Âu đang bị Đức quốc xã săn lùng, về những anh hùng vô danh ngày nay đang hy sinh sự an nhàn bản thân để giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh, của đói nghèo và của sự độc tài ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Thêm vào đó, rất nhiều đệ tử người phương Tây của tôi là những bậc cha mẹ hy sinh rất nhiều thì giờ và công sức để cho con cái được chơi thể thao, học nhạc và tham gia nhiều hoạt động khác, đồng thời cũng nhẫn nại dành dụm tiền bạc cho việc học hành của con cái.
Những hy sinh ấy, trên bình diện cá nhân, dường như cho thấy một loạt nhân tố sinh lý vượt qua những sợ hãi và tham vọng cá nhân. Con người có khả năng kiến lập những xã hội và nền văn minh trong đó ít nhất cũng thừa nhận nhu cầu bảo vệ người nghèo, người yếu đuối và người cô thế. Chỉ một sự kiện đơn giản này cũng đã hỗ trợ cho kết luận của Giáo sư Kagan rằng “ý thức về đạo đức là một đặc điểm sinh lý của loài người”.
Nhận xét của Giáo sư hầu như lặp lại hoàn toàn điểm tinh yếu trong lời Phật dạy. Càng thấy biết rõ ràng đúng thật về sự vật, chúng ta càng sẵn lòng và càng có khả năng rộng mở tâm hồn hướng đến mọi chúng sinh. Khi chúng ta nhận hiểu rằng người khác đau khổ và không hạnh phúc vì họ không nhận thức được bản chất chân thật của chính mình, ta sẽ tự nhiên cảm thấy thôi thúc bởi một ý nguyện sâu sắc muốn cho họ cũng nếm được sự an bình và trong sáng mà ta vừa bắt đầu biết đến.
ĐỒNG THUẬN VỚI SỰ BẤT ĐỒNG
Hạt cay sinh quả cay,
hạt ngọt sinh quả ngọt.
Kinh Surata thỉnh vấn
(The Questions of Surata Sutra)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ
Theo như tôi đã được học, hầu hết những xung đột giữa người và người có nguyên nhân từ sự hiểu lầm động cơ của nhau. Chúng ta ai cũng có lý do của mình khi nói ra hay làm một điều gì. Vì vậy, càng để cho tâm bi mẫn dẫn dắt - nghĩa là ngừng lại một lúc và cố gắng nhìn xem người khác đến từ đâu - thì ta càng ít có nguy cơ rơi vào xung đột. Và dầu cho có nảy sinh xung đột, nếu chúng ta thở một hơi thật sâu và lắng nghe với một tấm lòng rộng mở, ta sẽ thấy mình có khả năng giải quyết xung đột đó hiệu quả hơn - chẳng hạn như, có thể làm cho gió yên sóng lặng và giải quyết những bất đồng theo cách mà ai cũng hài lòng, để cuối cùng sẽ không có ai là “người thắng” hay “kẻ bại”.
Lấy thí dụ, tôi có một người bạn Tây Tạng sống ở Ấn Độ, bên cạnh một người hàng xóm có nuôi con chó rất dữ. Nhà ở Ấn Độ có đặc điểm là sân trước có tường rất cao bao bọc, với cửa ra vào thay vì những cánh cổng. Cửa vào nhà bạn tôi rất gần cửa nhà hàng xóm, và mỗi khi bạn tôi bước ra khỏi nhà là con chó hàng xóm cứ nhảy xổ ra khỏi cửa nhà nó, vừa sủa vừa gầm gừ, xù lông, khiến cho bạn tôi rất sợ. Làm như thế dường như chưa đủ, con chó còn có thói quen đẩy cửa vào trong sân nhà bạn tôi, rồi lại sủa, lại gầm gừ, gây rắc rối kinh khủng.
Bạn tôi suy nghĩ thật lâu tìm cách trừng phạt con chó xấu tính này. Cuối cùng ông nghĩ ra một cách, mở hé cánh cửa và kê một vài món vật nặng phía trên cửa. Khi nào con chó đẩy cửa vào, các món vật nặng ấy hẳn sẽ rơi xuống và dạy cho nó một bài học đau đớn nhớ đời.
Một buổi sáng thứ bảy, sau khi dàn xong cái bẫy, bạn tôi ngồi bên cửa sổ phía trước quan sát và chờ đợi con chó vào. Đợi một lúc lâu nhưng con chó không hề vào sân nhà. Sau một hồi, bạn tôi mang kinh nhật tụng ra và bắt đầu tụng kinh, thỉnh thoảng lại rời mắt khỏi trang kinh để liếc nhìn ra sân qua khung cửa sổ. Vẫn không thấy con chó xuất hiện. Sau một lúc, bạn tôi tụng đến một đoạn văn phát nguyện rất cổ xưa, đó là đoạn về Tứ vô lượng tâm, bắt đầu bằng câu:
Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc,
Nguyện cho tất cả chúng sinh đều thoát khổ đau và không tạo nhân khổ đau.
Trong khi tụng câu này, ông chợt nhớ rằng con chó cũng là một chúng sinh, và khi cố ý đặt bẫy, ông sẽ làm cho nó đau đớn, khổ sở. Ông ta nghĩ: “Nếu tụng lời kinh này là ta đang dối trá. Có lẽ ta nên ngừng tụng kinh.”
Nhưng ông cảm thấy bất ổn vì Tứ vô lượng tâm là đoạn kinh ông vốn tụng hằng ngày. Ông bắt đầu tụng trở lại, hết sức cố gắng phát khởi từ tâm với con chó, nhưng nửa chừng ông lại nghĩ:
“Không, con chó này dữ quá! Nó làm hại ta nhiều rồi. Ta không muốn cho nó thoát khổ và được hạnh phúc.”
Suy nghĩ một lúc về vấn đề này, sau cùng ông cũng tìm được một giải pháp. Ông có thể đổi một vài chữ trong lời kinh, thế là ông tụng tiếp:
Nguyện cho một số chúng sinh được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc,
Nguyện cho một số chúng sinh được thoát khổ đau và không tạo nhân khổ đau.
Ông rất hài lòng với giải pháp của mình. Sau thời kinh và dùng bữa trưa xong, ông quên hẳn chuyện con chó, và quyết định ra ngoài đi một vòng trước khi trời tối. Trong lúc vội vàng, ông quên bẵng việc đã cài bẫy con chó và ngay khi vừa kéo cửa sân, tất cả những món vật nặng trên cánh cửa đều rơi cả xuống đầu ông.
Có thể nói, đó là một sự đánh thức thô bạo!
Thế nhưng, sự đau đớn đã làm cho bạn tôi nhận ra được một điều rất quan trọng. Khi loại trừ bất kỳ chúng sinh nào ra khỏi tiềm năng thoát khổ được vui là đồng thời ông cũng đã loại trừ chính mình. Nhận thức rằng mình đã là nạn nhân từ sự thiếu bi mẫn của chính mình, ông quyết định thay đổi chiến lược.
Hôm sau, trước khi ra ngoài đi dạo buổi sáng, bạn tôi mang theo một mẩu bánh tsampa nhỏ. Đó là một loại bánh làm bằng bột lúa mạch, muối, trà và bơ, mà người Tây Tạng thường dùng để điểm tâm. Khi ông vừa bước ra khỏi cửa, như thường lệ con chó nhảy xổ ra, vừa sủa vừa gầm gừ như mọi khi. Nhưng thay vì nguyền rủa con chó, bạn tôi chỉ vứt cho nó miếng bánh tsampa đã mang theo. Ngạc nhiên tột độ, đang sủa con chó vội ngừng để đớp lấy miếng bánh, và bắt đầu nhai, vừa tiếp tục xù lông và gầm gừ, nhưng không còn hăng hái tấn công vì đã được cho ăn.
Trò chơi nhỏ này lặp lại như thế trong nhiều ngày sau đó. Bạn tôi bước ra khỏi sân nhà, rồi con chó nhảy xổ ra, rồi ngừng sủa nửa chừng để đớp lấy miếng bánh mà bạn tôi ném cho. Sau một vài ngày, bạn tôi để ý rằng tuy vẫn gầm gừ trong lúc ăn miếng bánh tsampa, nhưng con chó đã bắt đầu vẫy đuôi. Sau một tuần lễ thì con chó không còn chồm lên sẵn sàng tấn công bạn tôi nữa, mà chạy ra mừng bạn tôi, sung sướng chờ được ăn bánh. Cuối cùng, người và vật đã thân thiết với nhau đến nỗi con chó thường lon ton lặng im chạy qua sân nhà bạn tôi và ngồi bên cạnh ông phơi nắng trong lúc ông tụng kinh hằng ngày. Bây giờ ông đã hài lòng vì có thể cầu nguyện cho hạnh phúc và sự giải thoát của tất cả chúng sinh.
Một khi ta nhận thức rằng tất cả chúng sinh - con người, thú vật, thậm chí cả côn trùng - cũng đều giống như ta, với động lực cơ bản là muốn được an ổn và tránh khỏi khổ đau, thì khi có ai làm hay nói điều gì trái ý, ta sẽ có một hiểu biết nền tảng để suy nghĩ rằng: “À, người này (hay con vật này... ) đã làm như thế bởi vì họ cũng giống như ta, cũng muốn được hạnh phúc, không muốn khổ đau. Đó là mục đích chính của họ. Họ không chủ ý muốn làm hại ta, họ chỉ làm điều mà họ nghĩ là cần thiết phải làm [để được hạnh phúc].”
Lòng bi mẫn là trí tuệ tự nhiên của trái tim. Lòng bi mẫn luôn sẵn có trong ta, đã từng như thế và cũng sẽ mãi mãi như thế. Khi lòng bi mẫn bừng dậy trong ta, ta sẽ hoàn toàn nhận hiểu được mình thực sự mạnh mẽ và an ổn biết bao!