Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 21. Sự phát triển Phật giáo tại Đức »»

Đường Không Biên Giới
»» 21. Sự phát triển Phật giáo tại Đức

Donate

(Lượt xem: 3.159)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 21. Sự phát triển Phật giáo tại Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

1.

Trong khi tôi giúp đỡ đồng bào tại trại tỵ nạn Friedland và tại bệnh viện Gottingen về vấn đề thông dịch, nhiều báo chí cũng như Đài truyền hình Đức đã làm những bài phóng sự và thu hình khi làm việc, để sau đó đăng tải lên các báo cũng như truyền chiếu đi khắp nơi trên nước Đức.

Sau đây là những bài tường thuật của tờ báo Bild (hình ảnh) và tờ Die Welt (thế giới), xin dịch và gởi đến các độc giả xa gần, những gì đã xảy ra trong thời gian ấy.

“Bildzeitung, Hannover - ngày 5 tháng 1 năm 1979, - Một người Tăng sĩ ở đường Kestnerstr. số 37 chăm sóc cho những người tỵ nạn đến từ Việt Nam. Phòng ở biến thành ngôi chùa Phật Giáo.” Đó là dòng tiêu đề lớn mà tờ báo Bild đã chạy trên hàng đầu của trang báo.

“Thầy Thích Như Điển (28 tuổi) người mảnh khảnh trong bộ y vàng, đầu tròn cạo nhẵn, đương chắp tay quỳ trước một tượng Phật cao chừng 20 cm. Hai vị Duy Na và Duyệt Chúng đã cùng người tụng kinh, tiếng chuông tiếng mõ gõ đều theo nhịp tụng ấy. Những người Việt Nam tại tiểu bang Niedersachsen lần đầu tiên đã làm lễ cầu nguyện nơi này - Kestnerstr. số 37. Thầy là một Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên ở Đức, đến đây qua ngả Nhật Bản để lo lắng cho 1.000 người đồng hương tỵ nạn, mà ông Thủ Tướng Dr. Albrecht, tiểu bang Niedersachsen đã thâu nhận họ. Cứ mỗi chủ nhật những người Phật tử có thể đến đây để làm lễ, nhưng mỗi lần chỉ đủ chỗ cho 20 tín đồ mà thôi. Vì chùa chỉ rộng độ 20m2 và tiền thuê hằng tháng là 250 DM. Cách trang trí của chùa nghèo nàn nhưng rất nhiều màu sắc. Khăn bàn màu đỏ đậm cùng với hoa cúc vàng và hoa cẩm chướng cùng 2 dĩa gạo muối để lên trên bàn thí thực cô hồn. Mùi trầm hương thoang thoảng tỏa ngát trong phòng, nơi những người Phật tử đang quỳ gối cầu nguyện.

Thầy Như Điển lo lắng rằng 1.000 người vừa đến tỵ nạn không thể đến đây dự lễ được vì không đủ chỗ. Vì thế chúng tôi cần một chỗ rộng rãi hơn. Có hơn 70 phần trăm người tỵ nạn trên tàu Hải Hồng là Phật tử. Họ là những người đã từ lâu không được quyền tự do tín ngưỡng tại quê hương sau khi chính quyền Cộng sản cai trị tại Việt Nam.”

Tờ báo Die Welt ra ngày thứ tư - 3 tháng 1 năm 1979 viết như sau:

“Người Tăng sĩ Việt Nam từ Hannover giúp đỡ cho người đồng hương tỵ nạn tại nước Đức - Ngôi chùa trong nhà ở, 1.000 người tỵ nạn đang đứng trước cửa.”

Đó là tựa đề lớn của bài báo. Tờ Die Welt có số độc giả rất đông tại nước Đức và còn có tầm vóc quốc tế nữa, đã viết được những gì mà tôi muốn nói lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà các cơ quan công quyền Đức đã lưu tâm về vấn đề tinh thần của người Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại đây.

Tờ Die Welt viết:

“Người khách Đức (ông ký giả Wolfgang Meyer) đã hoàn toàn mới lạ trước hình ảnh của một bàn thờ 5 cấp bậc, với khăn màu đỏ, hoa cúc vàng, những dĩa gạo muối để trước một tượng Phật cao độ 20 cm, bên trên sàn nhà là chỗ ngồi cho các tín hữu tại tầng 1 của ngôi nhà số 37 đường Kestnerstr. Hannover. Quỳ gối trước tượng Phật cùng với các tín hữu là Đại Đức Thích Như Điển, người Tăng sĩ Việt Nam tại nước Đức, trong chiếc y vàng với 3 cây nhang cầm ngang trán và bắt đầu tụng kinh cầu nguyện. Hai vị Duy Na và Duyệt Chúng theo thầy tụng nhịp chuông nhịp mõ trong từng lời kinh thanh thoát. Trong một căn phòng rộng độ 20m2, nơi đó đã nhờ một số anh em sinh viên Phật tử tại Hannover góp sức lại để thuê, mỗi tháng 250 DM. Đây là ngôi chùa duy nhất của những người Phật tử từ vùng đất Mekong và hiện diện trên nước Đức.

“Mỗi trưa chủ nhật, những người Phật tử gặp nhau tại nơi đây làm lễ và sau đó dùng bữa cơm chay đạm bạc. Có một nhóm người đi lễ nói chuyện với nhau. Đó là 6 người Việt Nam trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ ở biển Nam Hải đã được tàu “Holstein” của Bremer Frachter vớt trên đường đi tỵ nạn. Họ đến Hannover ngang qua Phi Luật Tân bằng máy bay và kể từ tháng 4 năm 1975 cho đến nay, đây là lần đầu tiên họ được lễ Phật. Ông Lâm Đăng - một sinh viên tại Hannover nói: “Họ nghe rằng tại Hannover có chùa, nên họ rất vui mừng.”

“Những người tỵ nạn này đã tường thuật lại rằng ở quê hương họ, những buổi lễ công cộng không bị cấm đoán, nhưng rất khó thực hiện. Sau khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền mới đã dùng các chùa chiền và nhà thờ làm lao tù hoặc trại cải tạo. Trường hợp điển hình là ngôi chùa Bà ở Chợ Lớn. Bây giờ ở trong nước những hình ảnh khó coi như tượng Phật bị đập phá và những nơi thờ tự bị hư hại rất nhiều. Những sự hư hại này nguyên nhân là do những “tu sĩ yêu nước” của chính quyền gây ra.

“Những hành động này của Hà Nội đã chọc tức những tín đồ Phật giáo, ví dụ như trong một vài chùa hình của Hồ Chí Minh treo cao hơn tượng Phật. Một người tỵ nạn khác thêm vào rằng trong nhà thờ hình của Hồ Chí Minh cũng được treo ngang hàng với tượng Chúa.

“Một người tỵ nạn tên Sinh, trước đây là lính không quân trong chính quyền cũ và những người tỵ nạn khác vẫn còn người thân ở trong nước, sợ có sự liên lụy trả thù, nên họ không muốn cho biết tên họ. Ông Sinh tường thuật rằng ông đã bị đi học tập cải tạo 1 năm cách Sài Gòn 100 cây số về hướng bắc. Sự tra tấn rất dã man, cưỡng bách lao động từ 4 giờ sáng cho đến mặt trời lặn. Phương tiện sống sót hữu hiệu nhất là thực hiện những khẩu hiệu của Đảng đưa ra là: “Ai giác ngộ sẽ được phóng thích sớm.”

“Những người tín đồ ăn chay trong một số ngày nhất định đã sẵn sàng chọc cười kiểu chính trị khôi hài rằng: “Chính quyền mới đã xây dựng những người Phật tử trở nên đúng đắn hơn, bởi vì họ không còn ăn thịt nữa, nhưng mà thật thế, vì thịt đâu có nữa để mà ăn.” Một người tỵ nạn đã nói như vậy.

“Thầy Thích Như Điển và đệ tử của Thầy thấy rằng trong tương lai sẽ có nhiều việc làm khi 1.000 người Việt Nam đã đến tại tiểu bang Niedersachsen này. Họ nói rằng khoảng 70 phần trăm những người tỵ nạn là Phật tử, mà những người tỵ nạn này ai cũng muốn thăm chùa chúng tôi. Trong những ngày tới và những tuần tới nữa, Thầy Như Điển sẽ đến làm lễ cho những người tỵ nạn này tại trại tạm cư Friedland và những nơi khác tại vùng Harz cũng như Nordsee. “Đặc biệt những người già phải được chăm sóc về lãnh vực tinh thần.” Thầy Như Điển đã nói thế. Thầy lo lắng rằng số tín đồ sẽ tăng vọt lên trong thời gian tới và ý muốn của Thầy gởi đến các cơ quan từ thiện và chính quyền tiểu bang Niedersachsen giúp đỡ để thành lập một ngôi chùa. Để trang bị cho vấn đề đó, những người Phật tử tại Nhật sẽ gởi 1 tượng Phật cao 1m20 đến đây trong tương lai gần.”

Sau khi 2 tờ báo đã đến với mọi người dân Đức, dư luận rất thuận lợi cho người tỵ nạn cũng như cho Phật Giáo tại xứ này, để rồi một thời gian không lâu sau đó, chúng tôi đã được Dr. Geipler, người nghị sĩ già và bị mù, đang làm việc tại Bộ Nội Vụ ở Bonn trong vấn đề Văn Hóa và Tôn Giáo, đã mời chúng tôi xuống Bonn để họp.

Cùng đến với chúng tôi có các bạn của các nước khác như Chí Lợi, Ba Lan, Nam Tư v.v... Sau phần giới thiệu, Tiến Sĩ Geipler đã nhắn nhủ với các tổ chức rằng hãy về làm một bản dự chi và một bản dự thu hằng năm về các lãnh vực hoạt động. Sau đó gởi xuống Bộ và Bộ sẽ cứu xét để giúp đỡ cho từng vấn đề một. Cùng đi với tôi lúc đó có anh Nguyễn Ngọc Tuấn và Phật tử Thị Minh Văn Công Trâm. Sau khi đi họp về, chúng tôi chần chờ mãi chưa viết bản dự chi và dự thu như ông Dr. Geipler đã khuyên. Một vài tháng sau, chúng tôi nhận thêm một lá thư nữa của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức hối thúc tại sao không làm. Thế là chúng tôi bắt tay vào việc và quả như vậy, chúng tôi đã được chính phủ giúp đỡ từ năm 1979 đến nay. Năm 1979 vì đưa đơn trễ nên chỉ được giúp đỡ với tính cách tạm thời và năm 1980 đến nay (1986) là những sự giúp đỡ có tính cách định kỳ. Xin thành thật cảm ơn những sự giúp đỡ tận tình của Bộ, đặc biệt là ông Dr. Geipler. Bây giờ ông đã về hưu (1983), chỉ còn bà Thư ký Michael là vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Trước lễ Phật Đản 2523 (1979) tổ chức tại Hannover từ ngày 4 đến 6 tháng 5 năm 1979, bà Michael có điện thoại lên Niệm Phật Đường Viên Giác gặp tôi và hối thúc rằng: “Hãy gởi gấp hồ sơ cho tôi, để sáng thứ hai có tại bàn giấy ở văn phòng tôi, nhớ gởi hỏa tốc nhé.” Chỉ chừng ấy lời nhắn nhủ thôi làm tôi cũng quýnh lên, vì chưa có kinh nghiệm với giấy tờ. Bộ Nội Vụ muốn cho tất cả những gì đang có, nhưng người nhận thì như chú tiểu mới hạ sơn hành đạo từ rừng già nên chẳng hiểu chuyện của nhân sinh thế sự là gì. Nhưng rồi kết quả vẫn tốt và mọi chuyện được diễn tiến mãi cho đến ngày nay.

Đại lễ Phật Đản năm 2523 (1979) được tổ chức tại Stadthalle Hannover trong phòng Bethoven Saal, nơi có thể chứa được khoảng từ 600 đến 800 người. Đây là lễ Phật Đản đầu tiên được tổ chức đại quy mô. Có Gia đình Phật tử Quảng Đức từ Paris sang trình diễn dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Thích Minh Tâm, với 2 xe bus gần 100 người. Ban Văn Nghệ Hội Phật tử chưa có, nên lúc đó có một số anh chị em sinh viên và đồng bào tỵ nạn tại Hannover đảm trách phần kịch và hát cùng với một số anh em Phật tử thiện chí đến từ Berlin. Thoại kịch “Lịch sử Đức Phật Thích Ca từ sơ sanh đến nhập Niết Bàn” do tôi soạn. Làm thầy tu chưa xong đã đi làm thầy tuồng. Tôi tự nghĩ thầm như vậy. Vì thầy tuồng không có nên thầy tu phải kiêm luôn. Nghĩ như vậy để tự bào chữa cho mình chứ ông thầy tu mà đi làm đạo diễn nữa thì thôi... khỏi nói. Vì đó không phải nghề của mình. Nhưng cái gì đến rồi cũng phải đến. Lúc đó bé Duy đóng vai Thái Tử đản sanh, chị Giang đóng vai Công Chúa. Bây giờ chị đang ở Úc. Chị Liên đóng vai Hoàng Hậu Ma Da, Anh Đạt đóng vai Thái Tử đã trưởng thành. Anh Giao đóng vai Đạo sĩ A Tư Đà (bây giờ anh đang ở Mỹ). Cô Thêu đóng vai Nàng Soujata dâng sữa cúng dường Phật. Đến khi thành đạo, anh Tuấn đóng vai Đức Phật. Và còn nhiều diễn viên phụ nữa mà tôi không nhớ hết vì lâu ngày, những hình ảnh ấy cũng phải nhường chỗ cho những tuồng tích khác bao phủ lên trên rồi. Ở Berlin có Lộc, sau này quy y làm đệ tử của tôi, có dẫn về một đoàn văn nghệ với những màn múa sạp và múa lụa làm cho các khán giả Việt cũng như Đức hoan hô nồng nhiệt liên hồi. Chị Thủy Berlin làm xướng ngôn viên trong giọng phát âm tiếng Đức rất hay và tiếng Việt rất đầm ấm, thỉnh thoảng cũng bị run lên không biết vì đông người hay vì mừng quá, nên tôi bảo chị phải đứng tựa vào cột một chút cho đỡ run người. Bây giờ chị đọc lại những dòng này chắc vẫn còn nhớ?

Gia đình Phật tử Quảng Đức đóng góp các bài múa Gạo trắng trăng thanh, Em đi lễ chùa v.v... Việt Võ Đạo do anh Nguyễn Tiến Hội cùng với các môn sinh trình diễn cũng đã làm cho mọi người nể phục.

Đêm văn nghệ tương đối thành công, có khoảng 400 Phật tử Việt Nam và hơn 200 quan khách Đức đến tham dự. Các báo chí tại Hannover đã tường thuật về lễ này rất nhiều. Quý vị nào muốn biết thêm, hãy xem quyển “Đời sống tinh thần của người Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại”.

Trong lễ Phật Đản năm ấy có 2 Phật tử quy y Tam Bảo. Đó là Phật tử Phạm Công Hoàng tại Bremen (lúc bấy giờ còn ở Berlin) tôi cho pháp danh Thị Thiện và sau này làm Trưởng ban Văn Nghệ của Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật tử Việt Nam tại Tây Đức nhiệm kỳ 1979-1980 và 1980-1981. Sau này Phật tử Phạm Công Hoàng làm Chủ tịch Liên vùng của Hội người Việt Tỵ nạn tại Tây Đức. Người thứ 2 là Phật tử Văn Công Trâm tôi cho pháp danh là Thị Minh. Trước đây là bạn học tôi, bây giờ là đệ tử, làm Hội Trưởng Hội Phật tử trong 2 nhiệm kỳ 1979-1980 và 1980-1981. Bây giờ cả 2 người, một là kỹ sư hàng không và một là bác sĩ.

Đệ tử của tôi cho đến bây giờ có khoảng 300 người gồm đủ mọi thành phần: sĩ, nông, công, thương đều có đủ. Có người là giáo sư đại học, tiến sĩ, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư, sinh viên, học sinh, thương gia, binh lính, văn sĩ, họa sĩ và đương nhiên ngay cả những người già cả. Người có học lẫn kẻ ít học. Đây là một sự bình đẳng trong Đạo Phật mà khi làm thầy truyền giới cho họ tôi không có quyền phân biệt giàu có, nghèo hèn, sang trọng hay trí thức v.v... như trong kinh Bồ Tát Giới đã dạy.

Ngoài ra nhân lễ này có buổi ra mắt của Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật tử Việt Nam tại Tây Đức, đánh dấu một sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam tại xứ này. Ngày xưa tôi ở lại Đức chỉ vì quý anh em sinh viên và đồng bào Phật tử yêu cầu là nên thành lập Niệm Phật Đường và tổ chức Hội Phật tử. Bây giờ nhiệm vụ ấy đã xong chỉ cần phát triển là đầy đủ.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua như thế, hết đông sang xuân, hết xuân sang hạ, rồi mùa thu đến, tôi đem lòng mình để phụng sự cho tha nhân, không phải như Thanh Tịnh: “Thu năm nay giữa lúc cây vàng rơi lá, như đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đàng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mỏng manh và gió nào vương vấn hồn tôi, hay đó chỉ là dư âm của ngày xa xưa cũ...” Thanh Tịnh hay lắm, nhưng mơ mộng quá. Tôi là người tu phải thực tế, sống cho hiện tại và chỉ cho hiện tại mà thôi. Vì trong Thiền gia có dạy rằng, hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt mà hiện tại xấu thì tương lai cũng sẽ xấu.

Sau lễ Phật Đản 2523 (1979) tổ chức thành công viên mãn, anh em sinh viên, cũng như Phật tử lo kiện toàn tổ chức để đóng góp tích cực vào các hoạt động khác cho bên trong cũng như bên ngoài Hội. Quý Thầy cũng chưa có thêm ai. Đến khoảng cuối năm 1979, sau khi đi Mỹ về, tôi nghe các anh em Phật tử tại Niệm Phật Đường nói rằng có Sư Giác Minh đã đến Đức và hiện ở tại Aachen. Tôi mừng nhiều, nhưng lại nghĩ: “Có lẽ Sư thuộc về giáo hội Du Tăng Khất Sĩ hoặc giáo hội Nguyên Thủy rồi. Nhưng không sao, cứ đi thăm Sư một chuyến sẽ biết ngọn ngành.” Thế là tôi băng bộ đi đến trại tỵ nạn tại Aachen để thăm Sư. Lần gặp gỡ đầu đã có thiện cảm ngay, có lẽ tất cả mọi người tu đều như vậy cả. Vì có cùng chung một mục đích là phụng sự cho tha nhân và quên mình vì lý tưởng, mặc dầu môn phái có khác nhau đi chăng nữa.

Sư ở trong trại, trước đây là tu viện của những nữ tu Thiên Chúa Giáo nên phòng nào cũng có một cây thánh giá. Bên cạnh đó những người Phật tử lại đặt một bàn thờ. Chính Sư cũng vậy. Căn phòng rất nhỏ chỉ đủ cho một người ở. Xây đi quẩn lại cũng chỉ thấy 4 bức tường, nhưng tôi có nói với Sư là vẫn còn rộng hơn ở Nhật. Sau những câu chuyện xã giao, Sư có ý muốn về ở chung với tôi tại Niệm Phật Đường Viên Giác. Tôi chẳng ngại gì để đón Sư cả, nhưng nơi chốn vẫn còn quá chật, nếu Sư đồng ý thì sau khi học xong Đức ngữ 9 tháng hãy về.

Sư Giác Minh có biệt tài kể chuyện rất hay, dầu cho câu chuyện đó chẳng có gì đặc biệt, nhưng qua lối diễn tả của Sư, ai cũng thích theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối. Ngoài đặc điểm ấy ra, Sư còn một tài rất nổi bật mà tôi không bằng phần ngàn của Sư. Đó là tài “hỏa đầu quân”. Ai mà được dùng những món của Sư nấu thì không bao giờ quên được. Những món chay thì chỉ có rau cải, xì dầu, bột ngọt, tàu hủ và đồ gia vị thôi, nhưng người giỏi thì khéo biến chế, còn dở như tôi chỉ biết có mỗi món xào. Vì thế ai về chùa mà thấy Sư đứng trong bếp là quý bà ra ngoài ngồi uống nước trà chứ không dám vào. Vì thứ nhất làm không vừa ý Sư, và thứ hai là không chắc gì quý bà nấu chay ngon bằng Sư. Người ta bảo có tài thì hay có tật hoặc ngược lại, có tật cũng hay có tài, nên Sư cũng hay khó tánh về chuyện trai soạn lắm. Vì thế mấy người học trò của Sư hiện ở Aachen ai cũng hơi ngán, nhưng mà phục Sư rất nhiều.

Về ở Viên Giác với tôi được gần một năm rồi Sư trở lại Aachen, để rồi sau đó đi Mỹ vĩnh viễn cho đến ngày nay. Lý do tại sao Sư bỏ Đức để đi Mỹ thì ngay cả tôi hay các học trò của Sư cũng chỉ biết là ở Đức lạnh, Sư không thể hành hạnh khất sĩ được và lý do chính đáng thứ hai là tiếng Đức quá khó đối với Sư. Sư học chẳng vô chút nào. Sư vẫn thường hay than với tôi như vậy. Nên Sư đi luôn.

Sau khi ở Mỹ được gần một năm thì tai nạn lớn nhất đã đến với Sư. Đó là việc ở tù. Lý do? Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều nghi vấn về việc này, nhưng có lẽ thời gian sẽ trả lời. Còn việc luận bình chắc công lý hẳn công tâm hơn. Ngay cả chư Phật còn mắc nạn, huống gì chúng sanh. Nhưng điều căn bản là làm sao phải thoát ra khỏi nạn ấy là điều cần phải làm của người xuất gia cũng như tại gia vậy. Nguyễn Du ngày xưa đã viết trong Truyện Kiều về thân phận của nàng Kiều là “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nhưng trường hợp của Sư Giác Minh ở đây cũng có thể đổi lại là “Chữ tù liền với chữ tu một vần”.

Tôi cũng đã vào tù thăm sư một lần cùng với quý thầy Tịnh Từ, sư Giác Lượng, thầy Thiện Tường và thầy Minh Thân tại San Francisco, vào năm 1983 vừa qua. Câu chuyện còn nhiều bí ẩn, nhưng nói chỉ để cảm thương cho một nghiệp lực mà thôi, chứ chưa có phương thức nào để giải cứu cả, ngoại trừ công lý. Năm 1966 tôi cũng đã nếm mùi tù ở Việt Nam rồi, vì tranh đấu cho tự do của tôn giáo nên cũng rất thông cảm cho những tù nhân ở đây vậy. Dầu tù ở Mỹ có sung sướng hơn bao nhiêu đi chăng nữa, thân phận của người tù vẫn là thân phận của những kẻ bị lưu đày và hành hạ.

Tôi ở tù vì lý tưởng của người tu, tranh đấu cho một quê hương có tự do, dân chủ, có mọi quyền lợi của một dân tộc, có Tăng đoàn dưới sự lãnh đạo của GHPGVN Thống Nhất, nên chẳng oán hờn và không trách phận. Còn sư ở tù vì một cuộc chém giết để đoạt của, chưa biết phải trái về ai, nhưng oan này ai gỡ được? Dư luận báo chí Việt Nam tại Mỹ một thời đã xôn xao về vụ án, rồi bây giờ cũng đã đi vào quên lãng. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam chưa có tiếng nói chính thức nào, ngay cả Giáo Hội Khất Sĩ bên tông môn của Sư cũng chẳng có thông tư gì cả.

Vào tháng 9 năm 1983 nhân việc dự Đại Giới Đàn Thiện Hòa do Phật Học Viện Quốc Tế ở Sepulveda tổ chức, có họp tại chùa Phật Tổ ở Long Beach, dưới sự chủ trì của Thượng Tọa Thích Thiện Thanh, tôi cũng đã đem vấn đề này ra trình bày giữa buổi họp của chư Tăng, nhưng rồi việc cũ vẫn là việc cũ. Chắc bây giờ chẳng còn cách gì khác hơn là chờ cho công lý xét xử vậy.

Cũng trong năm 1979 có thầy Minh Thân, thầy Minh Phủ, thầy Thiện Tâm, cô Diệu Ân, cô Diệu Hạnh và cô Minh Loan đến Đức. Qua điện thoại tôi biết thầy Minh Thân ở Barntrup trong một ngôi làng hẻo lánh thuộc tiểu bang Nordrhein Westfallen gần Hamein. Quý thầy và quý cô khác thì ở trong một tu viện của Thiên Chúa Giáo biến thành trại tỵ nạn tại Munnerstadt gần Schweinfurt thuộc vùng Bắc tiểu bang Bayern. Nhân chuyến Phật sự tại Berlin, tôi và một vài Phật tử có ghé thăm quý thầy, quý cô tại Munnerstadt. Quà biếu lúc sơ ngộ chỉ là những gì khiêm tốn nhất của một người tu cho Phật pháp sau này.

Thầy Minh Thân thì tôi không đi thăm được, mặc dầu thầy ở rất gần chùa. Có lẽ vì ở gần nên chúng ta thường hay có ý ỷ lại đó chăng? Việc thường tình ở đời vẫn thế. Quả thật cuộc đời có những gì rất thường, nhưng rất khó diễn đạt nên lời.

Bây giờ thầy Minh Thân cũng đã ở Mỹ, sau khi ở Đức hơn 5 năm tại nhiều vùng trong tiểu bang Nordrhein Westfallen. Vùng cuối cùng của thầy ở là Dusseldorf. Hiện thầy đang tu niệm ở chùa Từ Quang tại San Francisco dưới sự hướng dẫn của thầy Tịnh Từ. Thầy nào đến Đức rồi cũng bỏ Đức đi cả. Không biết là nước Đức không có duyên với quý thầy hay quý thầy không có duyên với nước Đức. Điều ấy cần thời gian sẽ hiểu rõ hơn.

Sau này thầy Trí Hòa đến Đức. Vào khoảng 1981-1982, ở Đức khoảng hơn một năm, rồi thầy cũng đi Mỹ. Hiện thầy trụ trì chùa Viên Giác tại Oklahoma thuộc tiểu bang Okahoma tại Hoa Kỳ. Cả ba thầy đều là Chi Bộ Phó Nội vụ của Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Đức, rồi 3 Thầy cũng đi Mỹ luôn. Do đó bây giờ chức Chi Bộ Phó Nội vụ ở đây chẳng có thầy nào, cô nào đảm trách cả. Vì sợ rồi có ngày cũng sẽ ra đi. Ba thầy đi là 3 khoảng trống to lớn cho Phật tử tại Tây Đức, nhưng không sao cả. Người tu sĩ, chỗ nào cần thì đến, chỗ nào gọi thì đi, chẳng nệ gian lao, chẳng từ khó nhọc. Việc đạo là thế. Chỉ có một điều đáng nói là mỗi người đều có một nghiệp lực khác nhau. Dầu cho người tu cũng vậy thôi, không thể ra ngoài nhân quả của nhà Phật được. “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.” Chỉ có thế và chỉ có thế thôi.

Năm 1980 là năm đầy đủ chư Tăng Ni nhất tại Tây Đức, do đó tôi đã triệu tập về Niệm Phật Đường Viên Giác tại Kestnerstr. số 37, 3000 Hannover 1 để họp và thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và Chi Bộ đã hình thành. Thành quả ấy có được là nhờ sự cố gắng chung của quý thầy, quý cô và cũng là một niềm vui chung của các Phật tử tại đây. Riêng tôi còn vui mừng hơn nữa vì lời nguyện đã tròn. Việc xây dựng tổ chức đã tạm yên, bây giờ là vấn đề phát triển mà thôi. Dĩ nhiên quý thầy và quý cô còn quá mới mẻ ở môi trường tôn giáo cũng như văn hóa xứ này, nhưng thời gian qua rồi cũng quen dần với những sinh hoạt tại đây. Hiện tại như tất cả chúng ta đều biết, Phật giáo Việt Nam tại Tây Đức đang trên đà tiến vững mạnh.

Cũng vì nhu cầu Phật sự ngày càng lớn hơn, do đó chúng tôi mới nộp đơn xin chính phủ liên bang tài trợ cho tiền thuê nhà để làm chùa cũng như xin phương tiện để làm một nhà máy in nho nhỏ cho chùa. Đề nghị của chúng tôi đã được Bộ Nội Vụ Liên Bang chấp nhận và họ cho tiền thuê nhà mỗi tháng là 3.000 DM. Phần tìm nhà để làm chùa đã có một số anh em Phật tử lo xem báo và mách giúp, còn tôi và một vài anh em Phật tử khác lo chuyện nhà máy in.

Một ngày nọ vào cuối năm 1980, anh Lâm Đăng Châu đưa cho tôi tờ báo Hannoversche Allgemeine Zeitung có đăng quảng cáo tại đường Eichelkampstr. số 35 có cho thuê 2 cái hãng. Một nhà rộng 450 mét vuông có văn phòng, chỗ ở và trong có một cái phòng lớn rộng 250 mét vuông. Giá thuê mỗi tháng là 3.000 DM. Cái khác rộng 250 mét vuông giá mỗi tháng là 2.200 DM. Tôi mừng thầm trong bụng là Phật pháp đã xoay chiều rồi. Gọi điện thoại qua trung gian Markler để hỏi điều kiện thuê mướn và hẹn ngày đi xem nhà. Lúc đi xem thì có tôi, thầy Minh Thân và ông Markler. Vào chỗ hiện tại thấy nó dơ nhớp làm sao. Cái chánh điện bây giờ, trước đây là một hãng làm ống nước. Bụi bám đầy tường và trông vùng này như là khu vực chiến tranh hồi Đệ nhị Thế chiến còn lưu lại, chứ không sinh động như bây giờ. Thầy Minh Thân chẳng có ý kiến gì. Sau đó, Thị Minh Văn Công Trâm đến xem với tôi một lần nữa và để quyết định chọn nhà nào làm chùa. Căn nhà 2.200 DM một tháng thì quá chật không có sân rộng để đậu xe. Chỉ có căn 3.000 DM một tháng là đầy đủ tiện nghi tất cả, mặc dầu hơi cũ hơn căn kia. Thế là đi đến quyết định thuê căn nhà 3.000 DM một tháng. Điều đó cũng thỏa đáng với số tiền của chính phủ cho, nên mọi thủ tục được tiến hành.

Khoản tiền 6.000 DM (hai tháng tiền nhà) chúng tôi phải rút quỹ chùa ra để trả cho người môi giới. Xem như 6.000 DM này bị mất luôn. Chúng tôi không do dự, mặc dầu không có tiền, vì nghĩ rằng cơ hội sẽ không đến lần thứ 2. Ngoài ra còn phải trả tiền Mietsicherheit 2 tháng cho chủ nhà nữa là 6.000 DM. Vậy tổng cộng 12.000 DM chùa phải chi và số tiền này Bộ không giúp chúng ta một phần nào cả. Sau khi ký giấy giao kèo, ông chủ nhà lại là người đọc và nghiên cứu rất nhiều sách về Phật giáo, nên ông thông cảm sự nghèo khó của chúng tôi, do đó không lấy 6.000 DM tiền Mietsicherheit kia. Vậy là đỡ cho chúng tôi một gánh nặng.

Niệm Phật Đường Viên Giác được chính thức chuyển sang địa điểm hiện tại biến thành chùa Viên Giác vào ngày 8/1/1981. Dọn chùa chỉ có tôi và Phật tử Võ Xuân Khôi lo liệu. Chung quanh mình chẳng có ai cả, cảm thấy cũng tủi thân, nhưng không sao, chuyện khó phải gánh vác thì việc lớn mới dễ thành. Tôi suy nghĩ thế nên cố gắng hết mình để cùng Khôi vận chuyển nhiều lần, chở đồ đạc từ chùa cũ qua chùa mới.

Dọn về chùa mới phải lo sửa soạn để đón Tết. Tết năm đó là Tết Tân Dậu. Đúng là năm con gà nên cả Thầy lẫn trò đều chịu cực khổ. Ngày 5 tháng 2 năm 1981 là ngày đón giao thừa. Đúng 5 giờ chiều có 3 người Phật tử đến. Đó là Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp và hai mẹ con cô Yến đến lễ chùa đón giao thừa. Lễ thật bạc, nhưng lòng thật thành cho một ngôi chùa mới. Chúng tôi phải tốn nhiều công sức lắm, cho đến Lễ Phật Đản 2525 (1981) mới tạm hoàn thành.

Riêng nhà máy in, chẳng ai có kinh nghiệm gì nên chúng tôi chỉ xin mua toàn là máy cũ. Bộ Nội Vụ bảo hãy mua máy mới. Thế là Thị Minh và tôi lo chạy đi tìm. Cuối cùng rồi cũng có một nhà máy in nho nhỏ. Tất cả các thơ mời dự lễ Phật Đản, Vu Lan, báo Viên Giác cũng như một vài quyển kinh sách được gởi đến quý đạo hữu và quý Phật tử lâu nay là được in từ nhà máy in này. Chi phí tiền máy móc đều do Bộ Nội Vụ Liên Bang Tây Đức tài trợ.

Vì có duyên với chính phủ như vậy cho nên nhiều Thầy và nhiều Phật tử mới nói rằng tôi là người có phúc. Điều ấy đúng chứ không sai. Nhưng nếu đúng hơn nữa có lẽ phải nói là nhờ nhiều đời nhiều kiếp chăm lo làm việc phước thiện nên đây chỉ là kết quả mà thôi. Vì thế chúng ta cần phải tin vào nhân quả. Hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Nên và chỉ nên sống cho hiện tại, có lẽ cũng đầy đủ lắm rồi. Như Thiền sư Thiền Lão đời Lý đã nói:

“Đãn tri kim nhật nguyệt,
Thùy thức cựu xuân thu.”

(Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?)

2.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, danh từ hộ Phật có lẽ được dùng nhiều hơn, lúc các vua chúa hoặc các vị trưởng giả, hoàng thân quốc thích, Phật tử v.v... cúng dường tinh xá để có nơi Phật ở và thuyết pháp, giúp đỡ Tăng chúng để tu học v.v... Rồi khi Phật nhập Niết Bàn danh từ hộ Phật ít thấy nhắc tới mà hay gọi là hộ pháp. Nghĩa là giúp đỡ cho giáo pháp của Đức Phật được lưu truyền mãi mãi.

Các nhà vua hộ pháp như Asoka (A Dục Vương) của Ấn Độ, Thánh Đức Thái Tử của Nhật Bản, Lương Võ Đế của Trung Hoa, Lý Thái Tổ của Việt Nam đã làm cho giang sơn chói lọi ánh quang minh của đạo Từ Bi bình đẳng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân đều thấm nhuần ơn cứu độ ấy. Rồi danh từ hộ tăng cũng được nghe qua các vị thí chủ giúp quý thầy ăn học và lo sách vở thuốc men, hoặc cúng dường trai tăng dâng tứ vật dụng v.v... để chư tăng có đầy đủ tiện nghi mà tu học. Phật, Pháp, Tăng là 3 ngôi báu trong đời, nên cúng dường ủng hộ cho 3 ngôi báu này công đức thật vô lượng.

Ngày nay người ta không còn thấy từng danh từ một chỉ riêng về cách hộ trì trợ giúp Phật, Pháp và Tăng nữa mà chỉ còn dùng chung một chữ là hộ trì Tam Bảo. Hộ Trì Tam Bảo là giúp đỡ giữ gìn 3 ngôi báu kia thường còn trong thế gian này. Vì thế ngày nay các chùa đều lập ra Ban Hộ Trì Tam Bảo để gìn giữ và phát triển giáo lý của Đức Phật.

Tại Tây Đức, lần đầu tiên Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Viên Giác được thành lập từ năm 1978 và liên tục mãi cho đến ngày nay. Lúc đầu tuy còn hơi xa lạ. Vì các anh em Phật tử trẻ cảm thấy hơi “già” đi với tên gọi này. Nhưng khi đã hiểu rõ ý nghĩa của danh từ rồi thì họ rất hăng say trong việc hộ đạo và giữ đạo cũng như phát triển đạo.

Trong các bài trước chúng tôi đã đề cập đến một số quý vị đạo hữu cũng như quý Phật tử có công hộ đạo từ lúc ban đầu. Nay xin ghi thêm một số ân nhân hữu công với đạo trong thời gian tiếp theo sau đó của năm 1981-1982 và những năm sau này. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những vị hộ trì định kỳ thường xuyên từ năm này qua năm nọ. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều vị đạo hữu cũng như Phật tử ủng hộ không định kỳ trong các kỳ Đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán, rằm tháng giêng v.v... thì đã đăng tải trên các số báo Viên Giác rồi. Nhờ như thế chùa Viên Giác mới còn tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.

Đây là những vị hữu công: Đạo hữu Lê Huy Cát, ĐH Lâm Đăng Châu, ĐH Ngô Ngọc Diệp (Hannover), ĐH Nguyễn thị Tư, ĐH Nguyễn thị Đẹp, ĐH Trần thị Soan, ĐH Hồ Kim Lệ, ĐH Văn Công Trâm, ĐH Vương Đắc Mẫn (Kiel), ĐH Nguyễn thị Hạnh, ĐH Đoàn thị Thu Hạnh (Braunschweig), ĐH Phạm Công Hoàng, ĐH Lê Thanh Bình (Bremen), ĐH Nguyễn Ngọc Tuấn (Stade), ĐH Nguyễn văn Cư, ĐH Nguyễn văn Vân (Hildesheim), ĐH Lê văn Hồng (Lohram Main) ĐH Dương văn Phương (Essen), ĐH Nguyễn Thanh Tùy, ĐH Nguyễn thị Phụng (Recklinghausen), ĐH Mai Vi Phúc (Barntrup), ĐH Nguyên Lưu, ĐH Grimaldi, ĐH Lê văn Hiệp, ĐH Đoàn thị Thanh Tú, ĐH Thân Trọng Lạc, ĐH Hồ văn Nguyên, ĐH Nguyễn Danh Đàn, ĐH Lê Đình Chung, ĐH Lý Ngọc Hoa (Pháp), ĐH Nguyễn Bình Dương (Lunen), ĐH Đoàn thị Thuận (Suisse), ĐH Trương Tấn Lộc (Hannover), ĐH Lý Diệu Anh, ĐH Trương Phước Hảo, ĐH Trần Thục Nghi (Vechta), ĐH Nguyễn thị Thu Mỹ (Berlin), ĐH Tô văn Phước (München), ĐH Trần thị Lang (Paris), ĐH Đinh Kim Thanh (Weingarten), ĐH Lâm Thành (Lingen/ Ems), ĐH Diệu Niên (Hannover), ĐH Lê thị Thu Ba (Weingarten), ĐH Đăng Trinh Wallenstatter (München - Bây giờ là Ni cô Thị Nguyện ở Đài Loan), ĐH Nguyễn văn Xiếu (Barntrup), ĐH Trần Ngọc Sơn (Dörentrup), ĐH Lâm văn Hoàng (Weetzen), ĐH Đặng Ngọc Hải (Speyer), ĐH Nguyễn Trung Trực (Hannover), ĐH Từ Sánh, ĐH Lai Khánh Vân (Aachen), ĐH Lâm văn Tốt (Laatzen), ĐH Nguyễn Ngọc Châu, ĐH Nguyễn thị Thiệp, ĐH Phan thị Thìn, ĐH Trần Liễu thị Diệu Huyền, ĐH Đặng thị Linh Thảy, ĐH Phạm Đăng Anh Tuấn (Kassel), ĐH Bùi thị Thảo, ĐH Phan Ngọc Bình v.v... và có lẽ còn sót một số vị nhưng kính mong quý đạo hữu và quý Phật tử xa gần hỷ thứ cho sự sơ sót này.

Từ cuối năm 1978 đến cuối năm 1980, chúng tôi đã ra được 6 số Viên Giác bộ cũ khổ A5. Đến đầu năm 1981, vì có nhà máy in nho nhỏ của Bộ Nội Vụ giúp nên Anh Mai Vi Phúc có đề nghị với chúng tôi là nên in khổ lớn A4. Với khổ báo đó chúng ta đã có tờ báo Viên Giác bộ mới ngày hôm nay. Qua 6 năm được 36 số, định kỳ mỗi năm 6 số như chương trình chùa đã đưa ra và đã được Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức tài trợ phần lớn.

Những tờ đầu tiên của bộ mới, bài vở vẫn còn nghèo nàn. Tuy có một số bài rất có giá trị của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham sao lục, còn những phần sáng tác thì quá ít. Sau này anh Mai Vi Phúc có mời anh Hồ Trường An, anh Nguyễn Hồng Kỳ ở Pháp viết bài cho Viên Giác, nên tờ báo có một vài thay đổi. Anh Hồ Trường An có mời thêm những cây bút thật đáng giá như Bà Huyền Châu, Chị Trần Thị Diễm Thi cộng tác, nên Viên Giác lại được nhiều độc giả ái mộ hơn. Anh Hồ Trường An có một thời sáng tác rất hăng say và được rất nhiều độc giả mến mộ. Nhưng sau vì lý do sức khoẻ, anh lại ít sáng tác, do đó tờ Viên Giác cũng vắng đi sự cộng tác của anh, kéo theo những người anh mời viết. Tờ Viên Giác lại cứ thay đổi mãi. Một thời gian anh Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa viết những chuyện đồng quê không kém Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, nên cũng đã có rất nhiều người ái mộ.

Thời gian chuyển tiếp của Viên Giác là có thêm tin tức thế giới và trang thiếu nhi. Tin tức thế giới thì anh Vũ Ngọc Long đảm trách, đã làm cho nhiều người ưa thích. Vì xem truyền hình chữ được chữ mất, đọc tin tức của anh trên Viên Giác cũng đầy đủ lắm rồi. Đó là những lời khen của độc giả dành cho anh Vũ Ngọc Long.

Anh Vũ Nam viết chuyện thật khéo không khác gì Ngô Nguyên Dũng mấy. Anh Nguyễn Hòa bút hiệu Phù Vân thì viết “tiếu” chẳng ai bằng, cũng có nhiều người thích văn anh ấy lắm. Cô Lê thị Bạch Nga với Lá Thư Bắc Mỹ đã làm cho người đọc hấp thụ được nhiều về tinh thần đời cũng như đạo trong các bài viết ấy. Riêng mục “Đường Không Biên Giới” của chúng tôi thì có lẽ miễn bàn. Lời phê bình xin dành cho độc giả. Có lẽ mục này sẽ viết cho đến hết năm 1987 thì dừng. Đây là biên giới tạm, định sẽ xuất bản thành sách, sau khi đã sửa chữa những chỗ vụng về để gởi đến các độc giả xa gần làm quà lưu niệm sau đúng 10 năm Phật giáo Việt Nam đã góp mặt tại Đức.

Ngoài những bài viết định kỳ trên, có một số bài được trích đăng, hoặc bài không định kỳ cũng như thơ văn của nhiều tác giả gởi đến, làm cho tờ Viên Giác ngày càng khởi sắc nhiều hơn. Tuy chưa đáp ứng được mọi nhu cầu, vì nhu cầu của độc giả bao giờ cũng khó đáp ứng cho được trọn vẹn, kẻ thích thế này, người thích thế khác. Nhưng dù thế nào đi nữa, Viên Giác cũng chỉ là một tờ báo của Đạo, mang đạo Phật đi vào cuộc đời. Do đó có nhiều bài mang ý Đạo có thể làm cho các độc giả khó hiểu, có thể cũng chẳng xem qua, nhưng có lẽ sẽ không thiếu mặt trong tờ báo. Vì tâm lý con người là hay chuộng cái dễ chứ ít ai ưa cái khó. Nhưng đi tìm chân lý có lẽ chưa có một bậc thánh nhân nào trong thế gian này không có khó khăn, khổ hạnh mà thành công dễ dàng được. Đây cũng là điểm chính yếu mà Viên Giác thường chủ trương xưa nay.

3.

Lễ Phật Đản năm 1981 (2525) được cử hành trọng thể tại chùa mới ở đường Eichelkampstr. 35a, 3000 Hannover 81 có đông đủ chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni từ Pháp cũng như từ Đức về chứng minh Đại Lễ. Có hơn 1.000 Phật tử về tham dự lễ. Đây cũng là dịp để làm lễ an vị tôn tượng Đức Bổn Sư, một pháp bảo quý giá trước năm 1970 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã gởi qua Nhật Bản và năm 1980 chúng tôi đã về lại Nhật để thỉnh tượng qua Tây Đức. Năm 1981 lại có dịp An vị Đức Bổn Sư tại quê hương giá buốt này.

Ngày xưa có lẽ Giáo Hội cũng không nghĩ đến vấn đề đó, nhưng vì bản chất của cuộc đời là vô thường, và chuyện bãi bể nương dâu xưa nay đã minh thị điều đó. Cũng như ngày xưa Giáo Hội gởi chúng tôi du học ở ngoại quốc và mong rằng ngày học xong về lại quê hương để phục vụ cho Giáo Hội. Đó là bổn phận của người ăn cơm đàn na tín thí, xin phục vụ lại chúng sanh để đáp đền “ân sư huấn dục phụ mẫu sanh thành, đàn na thí chủ v.v...” Nhưng thời thế đổi thay, vật đổi sao dời, chúng tôi lại phiêu bạt đến đây. Không phải để làm thân lãng tử, ngày qua ngày 2 bữa đói no, mà đến đây để vì một nhân duyên Phật pháp mà hội ngộ, rồi có lẽ một ngày nào đó chúng ta lại phải chia ly. Vì lời kinh có dạy rằng :

“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi
Vô sanh vô tử vô khứ lai.”

Tạm dịch:

“Có sanh có tử có luân hồi,
Không sanh không tử, không đến không đi.”

Chuyện đến, đi, hội ngộ là chuyện thường của thế gian và cuộc đời này như Nguyễn Du cũng đã nói:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn vốn tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Tất cả chúng ta hội ngộ nơi này cũng đều do nhân duyên cả. Vì có nhân duyên nên mới gặp gỡ và cũng vì nhân duyên nên mới có sự chia ly. Trong kinh Bồ Tát Giới có dạy rằng: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta.” Vì chúng ta bị luân hồi sanh tử nhiều đời nhiều kiếp nên không biết hết đấy thôi, còn chư Phật và chư hiền thánh thì đã biết nghiệp lực của chúng ta từ trong vô lượng kiếp. Vì thế nên tạo tình thương cho nhau và đừng bao giờ gieo oán thù để rồi phải “oan oan tương báo” và cảnh Phật cứ xa hoài.

Chánh điện chùa Viên Giác trong hiện tại có chiều dài 25 thước, bề rộng 10 thước, diện tích là 250 mét vuông. Ngày mới về chùa thấy rộng thênh thang nên phải ngăn ra một phần để tiếp khách và làm nơi công cộng, 2 phần còn lại làm chánh điện để thờ Phật. Nhưng cho đến bây giờ mỗi lần có lễ thì không thể nào chen chân được. Chánh điện bây giờ chứa khoảng 400 đến 500 người, là một chánh điện tương đối lớn so vói các chùa ở ngoại quốc hiện nay, nhưng vẫn không giải quyết đủ các nhu cầu Phật sự mỗi khi lễ Phật Đản hay Vu Lan được cử hành tại đây.

Đến lễ Vu Lan năm 1981 thì an vị 2 tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Tượng cao khoảng 130 cm được thỉnh từ Đài Loan. Tượng Quán Âm cầm nhành dương liễu và tịnh bình chứa nước cam lồ để gội sạch phiền não của trần gian. Vì thế Đức Quán Thế Âm tượng trưng cho hạnh Từ Bi của Đạo Phật. Đức Đại Thế Chí cầm nhành hoa sen tượng trưng cho Trí Tuệ siêu phàm. Đây là 2 vị Bồ Tát hầu cận Đức Phật A Di Đà nơi thế giới Tây phương Cực Lạc.

Vào chùa là vào con đường Trung Đạo, đến với Phật là đến với Từ Bi và Trí Tuệ. Cho nên người Phật tử học ở Đức Phật hay các vị Bồ Tát là học cái siêu phàm đó, không nên mang tâm ô nhiễm thế gian để làm vẩn đục cửa Thiền. Kẻ nào lấy tâm đời để phụng sự đạo, kẻ ấy như lấy cái vung nhỏ úp vào nồi lớn. Kẻ nào lấy tâm đạo để phụng sự đời, kẻ ấy chính là lấy vung lớn úp trùm lên nồi nhỏ. Đó mới là người Phật tử chân chính vậy.

Năm 1981, Đại Lễ Phật Đản được cử hành trang nghiêm trọng thể từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 5 và Đại Lễ Vu Lan từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8. Ngoài ra còn có tổ chức 2 kỳ hội thảo về Phật giáo, có rất đông Phật tử Việt cũng như Đức về tham dự.

Đó là những năm đầu tiên được mở rộng trong mọi phạm vi hoạt động của chùa cũng như của Hội Phật tử nhằm giới thiệu những sinh hoạt và truyền thống văn hóa của Phật giáo cũng như của dân tộc Việt đến với người địa phương và với đồng bào Phật tử của chúng ta.

Năm ấy cũng là năm mà ông Thủ Tướng Dr. Albercht Tiểu bang Niedersachsen đã viện trợ thêm cho chùa thuê một phòng lớn của Messegelande để làm lễ Phật Đản, ngoài những giúp đỡ của Bộ Nội Vụ Liên Bang. Vì thời tiết quá xấu vào lễ Phật Đản năm 1981, do đó chỉ cử hành Đại Lễ tại đó chứ không có nhiều người ở lại Messegelande như đã dự tính.

Có một điều đặc biệt chúng tôi muốn nói ở đây là năm nào chùa cử hành lễ Phật Đản hay Vu Lan cũng đều có mưa cả, mặc dầu cố tránh mưa nên tổ chức trước hoặc sau 1 hay 2 tuần lễ so với các năm trước, nhưng vẫn bị mưa như thường. Có nhiều người nói đó là điềm lành “mưa hoa cúng dường chư Phật”. Và đó cũng là một hiện tượng chùa trên đà phát triển. Điều đó đúng hay không tùy theo mỗi người tin tưởng, nhưng riêng chúng tôi khi nhìn bầu trời u ám trong kỳ Đại Lễ là không vui rồi.

Ngày tháng trôi qua quá nhanh, như nước chảy qua cầu, như bóng câu qua cửa sổ. Do đó nếu chúng ta không biết sử dụng thì giờ để học hành, tu niệm, làm phước v.v... thì sẽ bỏ lỡ đi rất nhiều cơ hội quí báu. Vì thời gian qua rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa và hãy nhớ câu: “Chớ đợi tuổi già mới học đạo, mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh...”

Ngày 15 tháng 11 năm 1981, chúng tôi gồm những tăng ni hiện sống tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tập trung tại chùa Viên Giác, Eichelkampstr. 35a, 3000 Hannover 81 để họp và thành lập bản nội qui của Chi Bộ. Chúng tôi, thầy Trí Hòa, thầy Minh Phú, cô Diệu Ân, cô Minh Loan, cô Diệu Hạnh và cô Diệu Chương. Bản nội qui này là bản nội qui căn bản, nòng cốt cho những nhiệm kỳ sau này khi có thay đổi nhân sự, và đã được tòa án Hannover công nhận với số hiệu 4826 ngày 23 tháng 12 năm 1981.

Sau khi đã được công nhận bởi Tòa án, chúng tôi bước thêm một bước nữa là xin Bộ Tài Chánh công nhận tổ chức của chúng tôi là một tổ chức tôn giáo, từ thiện, phục vụ công ích cho đồng bào. Bộ Tài Chánh Hannover cũng đã công nhận vào ngày 13 tháng 1 năm 1982 với số hiệu 2.5.206/285071227. Đó là tất cả những gì thuộc về hành chánh mà một tổ chức cần phải có, và chúng tôi đã hoàn thành.

Bây giờ 2 cơ cấu tổ chức đã vững vàng. Đó là Hội Phật tử được thành lập năm 1979 và Chi Bộ thành lập năm 1981. Chúng tôi hoạt động song hành trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc Việt một cách cụ thể và nhịp nhàng với nhau.

Chùa chiền mới thành lập chẳng có ai trông nom săn sóc nên năm 1981, thầy Thích Minh Phú đã về với chúng tôi ở hơn một năm để chung lo Phật sự. Đạo hữu Diệu Niên Huỳnh Thị Dậu từ Braunschweig đến lễ chùa nhân ngày lễ vía Quán Thế Âm năm đó cũng đã ở lại chùa làm công quả cho đến ngày nay. Phật tử Thị Chánh Trương Tấn Lộc cũng đã chịu gian khổ lúc ban đầu với tôi rất nhiều trong cuộc sống đạm bạc thuở xa xưa ấy.

4.

Ngày xưa và ngay cả bây giờ có nhiều Phật tử nói khi vắng mặt tôi là “Thầy khó quá, quý thầy khác dễ hơn nhiều”. Mà có lẽ tôi cũng khó tính thật. Tôi không khó chuyện ở, chuyện ăn mà chuyện học hành và tu niệm. Tôi sẽ không tán đồng với những người lười biếng, ham chơi hơn ham học và tôi cũng sẵn sàng đem luận lý để dạy cho đệ tử mình khi chểnh mảng đường tu. Không những đệ tử của tôi ngán mà ngay cả quý chú, quý cô đệ tử của quý thầy khác mới xuất gia sau này cũng ngán sự nghiêm khắc của tôi.

Có nhiều người vui tánh nói: “Tại thầy hồi xưa khổ quá nên bây giờ thầy hành hạ đệ tử để bù trừ.” Không biết câu này có đúng hoàn toàn không thì tôi chưa xác nhận, nhưng có một điều tôi đã xác nhận bên trên là tôi sẽ không bao giờ dễ dãi với những người lười biếng, ham chơi, cẩu thả. Cái gì phải ra cái đó đàng hoàng.

Có người bảo: “Tại sao mấy vị thầy tu, quý ni cô, các bà soeur, quý vị linh mục v.v... ai cũng khó cả. Chẳng thấy một người nào dễ dãi.” Tôi trả lời: “Chính nhờ cái khó ấy mà họ mới tồn tại đến ngày nay, chứ nếu tự dễ dãi với chính mình và tha nhân thì có lẽ dòng đời đã cuốn trôi họ rồi.”

Ở đời cha mẹ khổ tâm với con cái như thế nào, thì trong đạo, thầy trò khổ với nhau cũng không ít. Cha mẹ muốn con cái nên người nên khuyên con điều hay lẽ phải. Thầy Tổ muốn đệ tử mình được trọn đường tu, nên phải đem giới luật Phật ra dạy răn. Nhưng nhiều lúc “giáo đa thành oán”, nghĩa là khuyên lơn dạy dỗ nhiều, đôi khi lại ra thâm thù. Đó là những người chưa hiểu đời và đạo, chứ kẻ đã hiểu rồi thì phải cảm tạ ơn kia mới đúng.

Thông thường con người ai cũng muốn tự do cả. Nhưng tự do cũng có chừng mực và theo khuôn phép vừa phải thôi. Nếu tự do đồng nghĩa với cẩu thả, lười biếng thì sự tự do ấy cũng chẳng có ý nghĩa tốt đẹp gì.

Thời gian sau đó có một số anh em sinh viên Phật tử vào chùa ở tạm một thời gian để đi học, sau khi đã được công ăn việc làm, nhà ở v.v... thì trở lại cuộc đời thế tục. Tôi không trách họ. Vì họ chỉ là những người phát nguyện ở chùa trong một giai đoạn nào đó thôi, nên nhiều lúc tôi vẫn thường nói: Ở chùa cũng giống như một màn kịch thế thôi. Khi tấm màn sân khấu buông xuống thì nhiệm vụ của ai lại trở về vị trí nấy. Chỉ có người soạn tuồng và khán giả là những người vừa ý hay khen chê mà thôi.

Ở tại Đức, cho đến năm 1982-1983 vẫn chưa có ngôi chùa hoặc Niệm Phật Đường nào khác, ngoại trừ chùa Viên Giác tại Hannover, mặc dầu tại Đức lúc bấy giờ tăng ni cũng đã gần 10 vị. Vì trong thời gian ấy quý thầy, quý cô còn đang học tiếng Đức. Có người dự tính đi Mỹ, nên sự an trú tại Tây Đức cũng chưa tính đến. Vì thế mà các cơ sở tôn giáo chưa mọc lên nhiều.

Tôi vẫn thường nói với những đệ tử và Phật tử rằng, nên kính trọng những người còn đang mặc chiếc áo nhà tu. Mặc dầu “chiếc áo không làm nên tu sĩ”, nhưng hãy kính trọng họ, vì chính mình không xả thân được như họ thì hãy kính trọng những gì mình chưa hoặc không làm được. Nhưng Phật tử nhiều khi cũng khó tính hơn nhiều người tu nữa. Trong khi họ chẳng tu hành đạo đức gì cả mà muốn bắt buộc người tu phải như thế này hay như thế nọ. Điều đó cũng hơi quá đáng.

Khi mình không có bằng cấp mà đi dạy người có bằng cấp là một điều sai lầm căn bản từ ban đầu. Một người không đạo đức, tác phong mà đi dạy luân lý cho một người đang học luân lý và có tác phong đạo đức quả là một điều nhầm lẫn. Đó chẳng qua vì cái ta vị kỷ, chấp có, chấp không còn ứ đọng trong những người ấy nên chỉ thấy được chuyện của tha nhân, chứ chuyện của mình thì mù tịt.

Năm 1982 và 1983, chùa cũng có tổ chức những Đại Lễ Phật Đản cũng như Lễ Vu Lan vô cùng trọng thể. Lễ Phật Đản được tổ chức tại Theateram Aegi, tại chùa Viên Giác và Tugendzentrum. Tại rạp hát thì có trình diễn cải lương, kịch múa, ngâm thơ, đàn, ca v.v... gồm có các nghệ sĩ nổi danh từ Paris sang như Chí Tâm, Hương Lan, Quốc Anh, Cao Thái, Minh Tâm, Tài Lương, cùng những vị trong gánh cải lương dân ca quốc nhạc Phượng Ca v.v... đã đóng góp chung với các ban văn nghệ của các Chi Hội Phật tử Việt Nam Tỵ nạn tại Hannover, Hamburg, Berlin cũng như Gia đình Phật tử Quảng Đức thuộc chùa Khánh Anh (Pháp). Rạp hát Aegi chứa khoảng 1.300 người, lúc nào cũng đầy rạp.

Tại chùa tổ chức các buổi lễ cầu an, cầu siêu, lễ Phật Đản v.v... Đây là nơi lễ bái nguyện cầu và cũng là cơ hội để các Phật tử về gặp gỡ hàn huyên với nhau nhân ngày Đại Lễ. Cơ hội này mỗi năm chỉ có một hai lần. Đường xa cách trở muôn vạn dặm, đâu có cơ hội để gặp nhau hoài?

Jugendzentrum là nơi để nấu nướng, ngủ nghỉ và cũng là nơi tổ chức văn nghệ cho lễ Vu Lan nữa.

Nấu nướng thì không ai qua tài ra quân của chị Hạnh ở Braunschweig cùng gia đình, cũng như sự góp mặt của tất cả quý Phật tử tại địa phưang Hannover. Nhiều lễ đông cả hàng ngàn người mà việc ăn ở lại từ chiều thứ sáu đến chiều chủ nhật quả là một vấn đề không nhỏ cho Ban Tổ Chức và Ban Trai Soạn cùng những Ban khác nữa. Một đầu máy dầu mạnh, nhiều mã lực đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể kéo theo một toa xe mục nát được. Ở đây thì ngược lại, đầu máy và thân tàu đều làm việc một cách nhịp nhàng không một tiếng nhỏ to hay một lời than thở, tất cả đều nằm trong ý nghĩa tự nguyện, tự giác.

Sau những buổi lễ có giờ tổng kết tình hình của Ban Tổ Chức. Nhìn thấy các anh chị em Phật tử bơ phờ cả người, nhưng miệng vẫn nở nụ cười tươi khi thấy rằng Đại Lễ đã thành công viên mãn, riêng tôi cảm thấy nghẹn lời, không biết phải dùng từ ngữ nào để cảm tạ anh em. Nào những người như Hùng, Diệp, Trâm, Tuấn, anh Nghĩa, anh Châu, anh Đức, chị Hạnh hay các đạo hữu Diệu Hằng, Diệu Niên, Minh Tôn, Thanh Hòa, Diệu Nhụy, Diệu Thái, Diệu Hiền, Viên Tuyết, gia đình Bác Quang, gia đình Bác Sáu v.v... và v.v... Có lẽ tôi sẽ không nhắc nhở hết được ra đây, vì những gì tỉ mỉ nhất tôi đã viết trong cuốn “Đời sống tinh thần của Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại Tây Đức” vào năm 1986 rồi.

Chùa càng ngày càng lớn mạnh, Phật tử càng lúc càng biết đến nhiều hơn. Những năm đầu chưa có chùa, mỗi lần Phật Đản, Vu Lan chừng 100 đến 200 người về tham dự là nhiều rồi. Bây giờ cả ngàn người về thì làm sao Ban Tổ Chức không vui. Tuy có mệt, nhưng thời gian rồi cũng qua đi.

Theo thống kê của Bộ Nội Vụ Liên Bang, cho đến nay (1987) có hơn 30.000 người Việt Nam hiện sống tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, trong đó không có sự phân chia cụ thể số lượng Phật tử, tín đồ Thiên Chúa hoặc người theo đạo thờ cúng ông bà, nhưng chúng tôi đoán chắc rằng Phật tử không dưới 20.000 người. Vì cứ mỗi năm, qua các lần lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán và các lễ hằng tháng v.v... có khoảng 8.000 người từ khắp nơi trên nước Đức về lễ chùa. Đó là một con số kỷ lục tại xứ Đức này.

5.

Khoảng năm 1983, quý thầy quý cô tại Münerstadt đã ra khỏi trại, về Rottershausen và có ý thành lập Niệm Phật Đường Khánh Hòa, có sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Thiền Định, Thượng Toạ Thích Đức Niệm và chúng tôi. Về sau Niệm Phật Đường này biến thành chùa Khánh Hòa trong hiện tại. Khánh Hòa là tên của một vị Tổ miền Nam đã có công rất nhiều trong việc phát huy nền Phật học của Phật Giáo nước nhà trong giai đoạn lịch sử 1930-1940. Sau này Khánh Hòa tại Barntrup được thành lập cũng trong chiều hướng ấy. Phát huy văn hóa Dân tộc và Đạo pháp tại xứ người cũng như tạo niềm tin cho những người còn bơ vơ lạc lõng giữa trời Tây, chùa Khánh Hòa đã ra một đặc san lấy tên là Từ Bi Âm. Đây là cơ quan ngôn luận tại Tây Đức, nhưng đó cũng là hình ảnh tờ Từ Bi Âm trong những năm chấn hưng Phật Học của Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội vào thời điểm đã nói trên.

Ngoài tờ đặc san Từ Bi Âm ra, chùa Khánh Hòa cũng cho lập Thư xã Từ Bi Âm để in và ấn tống một số kinh sách, gởi đến biếu các Phật tử xa gần. Đây cũng là một trong những công tác Phật sự mà người Phật tử tại gia hay xuất gia vẫn phải thường lưu tâm đến. Vì:

“Lễ Phật giả, kính Phật chi đức.
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân.
Khán kinh giả, minh Phật chi lý.
Tọa thiền giả, đăng Phật chi địa.”

Nghĩa là:

“Lạy Phật là kính đức của Phật.
Niệm Phật là cảm ân của Phật.
Xem kinh là hiểu rõ lý của Phật.
Ngồi thiền là vào cảnh thanh tịnh của Phật.”

Vì thế, việc in kinh ấn tống là một trong 4 phước điền kể trên, để giáo pháp của Như Lai có cơ hội triển khai nhiều hơn nữa.

Nhiều người tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, nhưng chỉ để làm cho có chuyện chứ chẳng hiểu thấu nghĩa kinh, nên chẳng được phước đức gì nhiều. Hoặc giả có nhiều người đi chùa để cầu phước,cầu tài, cầu duyên, cầu lộc, cầu sống lâu, ít thấy người nào cầu giải thoát. Giải thoát mới là điều cần thiết, chứ cầu những thứ ràng buộc ấy mà làm gì.

Năm 1982 cũng là năm Chi Bộ Phật giáo Việt Nam tại Tây Đức thiếu vắng thầy Thích Trí Hòa. Thầy Thích Trí Hòa theo lời thỉnh cầu của Hội Phật Giáo Việt Nam chùa Nam Tuyền, qua thầy Trí Tuệ và của Hội Phật Giáo tại Oklahoma nên đã nhẹ bước vân du sang Mỹ quốc, để lại sau lưng Tây Đức với tuyết trắng giá băng và một ngôn ngữ khó chẳng có nước nào bằng. Số lượng chư tăng ở đây bắt đầu thiếu hụt, vì trước đó Sư Giác Minh cũng đã đi Hoa Kỳ rồi. Hiện tượng tăng không thấy mà hiện tượng giảm lại nhiều. Do đó tôi cũng lấy làm lo, nhưng dần dà rồi cũng yên ổn cả.

Sau khi chùa Khánh Hòa được thành lập tại Rottershausen thì Đại đức Thích Minh Phú về Düsseldoerf để thành lập Niệm Phật Đường Thiện Hòa. Mặc dầu Đại đức Thích Minh Thân đã ở vùng ấy lâu năm, nhưng thầy chưa lập một cơ sở tín ngưỡng nào cho Phật tử cả, vì thầy có dự định đi Hoa Kỳ. Do đó, Đại đức Thích Minh Phú đã tiến hành mọi thủ tục hành chánh để di chuyển về đấy.

Đầu tiên Đại đức cho ra mắt Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ nạn tại Nordrhein Westfallen và sau khi thành lập Niệm Phật Đường có lập nên Ban Hộ Trì Tam Bảo để lo những Phật sự cho chùa.

Thiện Hòa là tên của một vị cao tăng Việt Nam trong hiện tại, vừa viên tịch tại Việt Nam năm 1977. Ngài là vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng, giới luật tinh nghiêm, cả giới tại gia lẫn xuất gia đều kính trọng tôn thờ.

Nhưng Niệm Phật Đường sau một thời gian hoạt động, nhiều người tới lui lễ bái nguyện cầu khá đông, do đó bị hàng xóm than phiền vì nơi đó không phải là chỗ sinh hoạt công cộng. Do đó phải dời về Mönchengladbach. Khi về đấy lại nghĩ rằng có thể yên ổn tu niệm, nhưng địa phương ấy vẫn chưa phải là nơi cố định của Đại đức trước khi quyết định cư trú vĩnh viễn.

Nếu ở Việt Nam chúng ta đã không có những nỗi khổ này rồi. Vì quê hương chúng ta là quê hương của Đạo Phật, người láng giềng của chúng ta là những người đồng ngôn ngữ, màu da, phong tục thì làm gì có chuyện khó khăn như vậy. Điều này không những chỉ có ở Đức mà hầu như khắp nơi trên thế giới người Việt Nam đều gặp phải. Không phải vì người địa phương kỳ thị chúng ta, nhưng vì mỗi dân tộc có một văn hóa, một tôn giáo riêng nên việc dung hòa để hiểu biết thông cảm với nhau không phải là điều đơn giản.

Đến cuối năm 1984, đầu 1985, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tâm đến Đức. Sau một thời gian oỏn định đời sống, Ni Sư thành lập Tịnh thất Bảo Quang ở Hamburg. Tịnh thất là một hình thức nhỏ hơn hoặc như Niệm Phật Đường. Ý Ni Sư cũng chưa muốn lập Niệm Phật Đường hay chùa, vì Ni Sư muốn yên ổn tu niệm trong thời gian đầu.

Tại Hambrug cũng gặp khó khăn như nơi thầy Minh Phú. Nhưng biết làm sao bây giờ, phải dời đi nơi đâu nữa, khi mà số tiền đóng góp định kỳ của bà con Phật tử mỗi tháng không quá 1.000 DM, nên không thể đi thuê nơi nào khác hơn được. Một căn nhà có đầy đủ tiện nghi để làm chùa như bãi đậu xe, chỗ hội họp, phòng làm lễ v.v... mỗi tháng phải trả ít nhất là 2.500 DM. Đó là một số tiền không nhỏ ở từng địa phương, khi không có sự trợ giúp của chính quyền.

Vì thế có nhiều thầy, nhiều cô không những ở Đức, mà ở khắp các nước khác đều nói rằng tôi sung sướng, tôi là người có phước. Vì chùa thì được nhà nước giúp đỡ, chung quanh chẳng có ai than phiền, mặc dầu đã sinh hoạt gần 10 năm tại xứ Đức rồi. Mỗi lần lễ Phật Đản hay Vu Lan có cả hàng mấy ngàn người về dự. Quả thật đất Hannover lành thật.

Tục ngữ Âu Châu nói rằng: “Cứ 3 lần dọn nhà thì bằng một lần cháy nhà.” Mà dọn chùa còn mệt hơn dọn nhà nữa. Vì chùa có đủ thứ đồ linh tinh lỉnh kỉnh. Chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy nản rồi. Nếu không nhờ mỗi người Phật tử giúp vào một tay thì chắc là không xong việc.

Nói đến đây tôi nhớ đến phần mình. Sau khi chùa Viên Giác mới lo xong, lại phải khệ nệ rinh từng thùng sách, kinh, kệ, tượng, mõ, chuông v.v... qua chùa mới, quả là điều chẳng đơn giản chút nào. Ngày xưa từ Nhật qua Đức tôi chỉ mang vỏn vẹn có một cái dĩa và đôi đũa. Sau 10 năm ở Đức, đồ đạc chẳng biết ở đâu ra mà nhiều đến thế. Nặng nhất có thể nói là sách. Sách bao vây tôi, bao vây phòng của tôi ở như là một chiến lũy, thành trì kiên cố nhất để bảo vệ sanh mạng tôi vậy. Đúng là tôi vẫn còn nặng nợ sách đèn. Nhưng nếu không để ý, nhiều lúc sơ hở sách đè lên người cũng có thể ngộp thở được.

Hồi còn làm chú tiểu đi học ở trường Bồ Đề tại Việt Nam, chẳng có tiền mua sách nên phải đọc ké của bạn bè. Bây giờ có sách thật nhiều nhưng chẳng có thì giờ để đọc những pho sách quý. Nào tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Việt v.v... Quả là người tu mà cũng còn ham phải không quý vị? Chắc có Phật tử lại cười tôi đấy. Có người sẽ bảo rằng: “Thầy lúc nào cũng dạy Phật tử phải tri túc, còn Thầy thì lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ cả.” Nếu nói như thế thì tội nghiệp cho tôi vậy. Vì Đức Phật có dạy rằng: “Kẻ tự cho mình là trí, ấy là kẻ ngu. Kẻ tự biết mình ngu, ấy là kẻ trí.” Còn kẻ ngu muội như chúng ta mà càng không tự biết mình ngu muội nữa, quả là chẳng thuộc về hai hạng nói trên rồi. Vì thế tôi cần phải học, học thật nhiều hơn nữa. Đó là nguyện vọng của tôi.

Chùa Viên Giác càng ngày càng phát triển, tôi càng ngày lại càng đi nhiều hơn, nên phải thành lập một Ban Hộ Trì Tam Bảo để giúp tôi những Phật sự cần thiết tại chùa khi tôi vắng mặt. Trong Ban Hộ Trì, hầu hết là những đạo hữu lớn tuổi tại Hannover như đạo hữu Diệu Hằng, đạo hữu Diệu Niên, ĐH Minh Tôn, ĐH Thanh Hòa, ĐH Viên Tuyết, ĐH Thị Tâm, ĐH Diệu Nhụy, ĐH Diệu Hiếu, gia đình Bác Sáu, gia đình ĐH Trần văn Quang, gia đình ĐH Hải, gia đình ĐH Thiện Lực, Thiện Danh, gia đình ĐH Đỗ Thuận Phát v.v... Quý đạo hữu ấy vẫn sát cánh bên chùa, đóng góp, giúp đỡ cho chùa về mọi mặt sinh hoạt Phật sự hằng tháng cũng như những Đại Lễ trong năm.

Cũng vì đi nhiều quá nên nhiều lúc tôi muốn dừng chân trong một vài tháng để nghỉ ngơi. Nhưng lý do ấy chưa đủ để tôi phải ở yên một chỗ. Nên chỉ có cách an cư kiết hạ, treo bảng cấm phòng là yên chuyện nhất. Luật này Đức Phật đã chế ra từ xưa cho chư Tăng, cứ 9 tháng hoằng hóa độ sanh, phải có 3 tháng an cư kiết hạ, nghiêm trì giới luật. Nhưng mười mấy năm ở ngoại quốc tôi chưa thực hiện được năm nào. Vì lúc nào cũng có nhu cầu Phật sự. Nên năm 1984 và 1985 tôi quyết định cấm túc an cư, không tiếp khách, không nghe điện thoại. Quả thật tôi đã được yên thân để ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách, nghiên cứu và viết lách.

Năm 1985, đạo hữu Diệu Niên và Thị Chơn phát tâm thọ Bồ Tát giới tại gia, trường trai cầu đạo giải thoát.

Mùa an cư kiết hạ năm 1985, chúng tôi đã giảng trọn bộ kinh Pháp Hoa cho 12 khóa Tu Bát Quan Trai. Tổ chức một khóa giáo lý căn bản cho các Phật tử tại gia tu học, đã đọc xong được bộ Kinh Hoa Nghiêm khoảng 4.000 trang cũng như viết được 2 quyển sách. Thời gian chỉ có 3 tháng mà kết quả lại quá nhiều, tôi không thể lường được như thế.

Do kết quả đó cho nên cuối năm 1985, quý thầy, quý cô họp tại chùa Viên Giác quyết định là năm 1986 tất cả chư Tăng trong Chi Bộ vân tập về chùa Viên Giác để kiết hạ an cư. Đây là một niềm vui lớn của chư Tăng Ni cũng như của chính tôi. Vì đây là cơ hội để gần gũi nhau tu học, sách tấn cho nhau trên bước đường đạo hạnh. Thế là mọi người đồng ý và chuẩn bị ngày về Viên Giác để an cư.

Trong mùa An Cư năm 1986 thiếu thầy Minh Thân, vì thầy đã đi Mỹ, nhưng thay vào đó có thêm sư cô Thích Nữ Như Hân vừa đến Đức trong khuôn khổ đoàn tụ gia đình, ở tại Norddeich. Một người ra đi, một người khác lại đến. Một nỗi buồn và một niềm vui. Cộng và trừ, xem như không có gì hết cả. Không biết thầy Minh Thân đi, Thầy có nhớ Tây Đức không chứ Phật tử ở đây nhiều người nhắc thầy lắm.

Ba thầy đến Đức, ba thầy đã ra đi, để lại đây một khoảng trống lớn lao, mãi cho đến nay vẫn chưa người nào có thể thay thế vào đó được.

Năm 1986 có 2 khóa giáo lý, một và hai. Có tổ chức được 13 lần thọ bát quan trai cũng như học một số kinh căn bản của người Phật tử tại gia. Cũng trong năm 1986, tôi đã đọc xong bộ kinh Đại Bát Niết Bàn.

Tinh thần tu học càng ngày càng lên, các địa phương như Berlin, Đan Mạch cũng đã tổ chức những khóa giáo lý tương tự để cho Phật tử có cơ hội trau dồi trí tuệ. Làm Phật tử mà không hiểu rõ Đạo Phật quả là một điều chẳng hay, nên tất cả mọi người đều tinh tấn. Không những chỉ người lớn tuổi mới tham gia mà hình như các lớp trẻ lại nhiều gấp đôi lớp lớn tuổi. Đó là một điều đáng mừng.

Cũng nhờ những lớp giáo lý ấy mà đã có nhiều Phật tử phát tâm xuất gia, nhiều Phật tử ăn chay trường và có những người ngày xưa lơ đễnh với chùa nhưng bây giờ thì tích cực tham gia các buổi lễ sám hối, cầu an, cầu siêu, nghe thuyết giảng v.v...

Suốt hơn mười mấy năm ở ngoại quốc, tôi chưa thấy người nào phát tâm xuất gia, nhưng bây giờ thì tôi đã thấy. Đó là một niềm vui và niềm hãnh diện không những cho riêng tôi mà cho tất cả mọi người con Phật tại xứ này.

Người xưa nói: “Tu không học là tu mù. Học không tu là đãy sách.” Nếu không hiểu đạo thì làm sao tin theo đạo? Do đó, việc học đạo để đi vào con đường đạo có thể nói là quan trọng hàng đầu. Có hiểu mới tin, có tin mới theo, sau đó mới hành trì. Đó là một chuỗi mắt xích không thể thiếu bất cứ phần nào. Nhưng học nhiều quá mà không siêng năng tinh tấn tu hành cũng sẽ bị đức Phật quở như thường. Vì nếu chỉ học không tu thì chẳng có ích lợi gì cho nhân thế cả.

Từ năm 1983 đến 1986 và 1987, các lễ lạt vẫn được tổ chức như những năm 1981 và 1982, nhưng có phần quy củ, kỹ cương hơn, có nhiều người về tham dự hơn và hoạt động của chùa cũng như của Hội Phật tử cũng mạnh mẽ hơn trước.

Trước đây, mỗi lần tổ chức như thế gặp rất nhiều khó khăn vì nhân sự điều hành chưa quen. Ngày nay mặc dầu số người tham dự đông đảo bao nhiêu đi chăng nữa, Ban Tổ Chức cũng không vội vàng lụp chụp như ban đầu.

Nhưng chúng ta không nên tự hào nói rằng đã quen việc rồi quên đi những chi tiết phụ thì cũng rất nguy hiểm. Ví dụ như người lái xe lâu ngày tự cho mình là lái vững không để ý, nhưng nếu sơ ý một chút, mình không đụng người ta thì người ta cũng có thể đụng mình. Nên việc cẩn trọng bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu cả.

Người ta chia ra từ nhỏ cho đến 12 tuổi gọi là ấu niên. Từ 12 đến 18 tuổi gọi là thiếu niên. Từ 18 đến 35 tuổi gọi là thanh niên. Từ 35 đến 50 tuổi gọi là trung niên. Từ 50 tuổi trở đi gọi là lão niên rồi. Tôi thì đang nằm trong chặng tuổi thứ tư của cuộc đời. Mới đó mà nhanh thật. Quả thời gian cũng như thủy triều, chẳng đợi chờ ai cả. Nho giáo cũng nói rằng “tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh...”, phải làm cái gì đó cho có ý nghĩa với đạo và đời, nên những năm sau này của tôi sẽ lo xây dựng chùa, đào tạo tăng ni để mong một ngày mai khi tre có tàn thì măng sẽ mọc.

Xây một ngôi chùa là khó, nhưng không khó bằng đào tạo một người tăng sĩ. Nhưng đào tạo một người Tăng không khó bằng tạo cho vị tăng kia có sự hiểu biết cả đạo lẫn đời. Nếu tăng không ra tăng, tục không ra tục thì đạo chẳng lợi mà đời cũng chẳng có ích gì. Chùa chiền, tăng sĩ, mõ chuông, kinh sách rồi cũng thay đổi theo thời gian, biến diệt theo sự tuần hoàn của thế sự. Chỉ có bản tánh giác ngộ, chân như là còn miên viễn mà thôi. Chính quyền, quốc gia, thể chế v.v... đều phải biến đổi theo luật tuần hoàn của tạo hóa. Nhưng bản tánh giác ngộ thì chẳng bao giờ bị chi phối bởi luật này. Vì đã giác ngộ, đã tự tại giải thoát rồi thì không còn bị ngăn cách bởi thời gian và không gian nữa.

Ngôi chùa mới trong năm ba năm nữa cũng sẽ hoàn thành. Nhiệm vụ của người đi trước đã đặt nền móng. Vậy còn lại là việc của người đi sau, lo phát triển, củng cố tổ chức cho được vững bền. Thật ra, khó khăn lúc nào cũng chờ đợi chúng ta. Nhưng đó chỉ là những thử thách để xem chúng ta có can đảm vượt qua được không. Nếu qua được thử thách, tức là ta đã tự chinh phục được chính mình.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Báo đáp công ơn cha mẹ


Phát tâm Bồ-đề


Gió Bấc


Hát lên lời thương yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.183.186 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...