Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 20. Những ngày đầu Phật giáo xứ Đức »»

Đường Không Biên Giới
»» 20. Những ngày đầu Phật giáo xứ Đức

Donate

(Lượt xem: 2.825)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 20. Những ngày đầu Phật giáo xứ Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Khi những tia nắng yếu ớt của mùa hè năm 1977 dọi chiếu vào không gian u tịch nơi vòm trời Tây Đức gần bước sang Thu. Những cây trái hoa quả đã đổi màu, cũng là mùa thu hoạch của người bản xứ. Tôi đã có lần nghe nhiều người nói về cuộc sống của các sinh viên ở các nước Âu Châu nhân mùa nghỉ hè, họ đi hái trái cây để kiếm tiền phụ vào học phí và chi dùng hằng ngày, nhưng tôi chưa có cơ hội nhìn tận mắt, đến tận nơi, nên mùa hè ấy tôi quyết định đi theo một số anh chị em sinh viên và một số kiều bào mới đến tỵ nạn tại Tây Đức để hái trái kirsche. Nhiều người gọi là trái anh đào, nhưng loại trái anh đào thực sự của Nhật Bản không ăn được, chỉ để làm kiểng thôi. Kirsche là một loại trái cây màu đỏ, khi chín ngả sang màu tím, có nhiều loại ngọt, mà cũng có lắm loại chua. Loại ngọt được bày bán khắp nơi ở các cửa tiệm rau cải. Trái chua hình như để làm mức ăn với bánh mì hoặc làm rượu hay một vài loại bánh ngọt. Loại trái cây này có khắp nơi trên nước Đức và hầu như ở Âu Châu nước nào cũng có.

Khoảng 5 giờ sáng chúng tôi đã rời ga xe lửa Kiel để đến Plön, một địa phương du lịch khá nổi tiếng về mạn bắc của nước Đức. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến vườn trái cây kirsche. Vườn rộng mênh mông, cây trái trĩu nặng trên cành, thỉnh thoảng có chen một vài chiếc lá vàng nơi những thân cây yếu ớt ấy.

Người chủ vườn giao hẹn cho bất cứ ai nếu hái xong một giỏ sẽ được 5 DM (tương đương với 2 USD lúc bấy giờ), nếu ai hái được nhiều thì được trả tiền nhiều và việc ấy phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi cá nhân trong ngày. Cứ mỗi giỏ như vậy cân nặng độ 10 kg. Nếu người nào hái giỏi, mỗi ngày có thể hái 10 giỏ, được 50 DM. Lúc bấy giờ đối với những sinh viên tăng sĩ nghèo như tôi và một số người tỵ nạn mới đặt chân nơi nước Đức, khoản tiền này có một giá trị không nhỏ. Tôi đã đi làm 3 tháng như thế, hết vườn này đến vườn khác, hết vùng này đến vùng nọ, kể cũng vui vui.

Không phải tôi mới bắt đầu đi làm trong cuộc đời của một sinh viên tăng sĩ từ năm 1977, mà cách đó năm sáu năm về trước tôi đã đi làm thuê tại Tokyo trong những ngày mưa tuyết nặng hạt rồi. Tôi biết rằng ra đi du học là chấp nhận mọi sự khó khăn cho chính bản thân mình, nên dầu gian khổ đến đâu cũng phải cố gắng. Giáo Hội thì nghèo, Phật tử hữu tâm thì cũng chỉ thời gian thôi, có ai giúp đỡ mình suốt cả cuộc đời được, nên con đường nào mình đã chọn phải cố gắng đi cho trọn lối, dù là đường đời cũng như nẻo đạo.

Viết đến đây tôi nhớ lại những năm cực khổ tại Tokyo, vừa đi làm, vừa đi học. Nhiều khi đội tuyết dầm sương khổ cực, cố gắng làm việc và học hành cho được kết quả để chính mình được vui và Thầy Tổ không hoài công mong đợi, mà cảm thấy nao nao trong dạ làm sao. Và ngày nay có nhiều thầy, nhiều sư cô đã ra trường từ Nhật, đang làm Phật sự khắp nơi tại Âu Châu, Mỹ Châu cũng như Úc Châu, đều đã trải qua những giai đoạn gian khổ ấy cả. Sau năm 1975, khi việc chuyển ngân từ Việt Nam sang ngoại quốc không còn thực hiện được nữa thì mọi sinh viên, kể cả quý thầy, quý cô cũng phải đi làm, tự lực cánh sinh để tự nuôi lấy bản thân mà học hành và tu niệm. Có ai biết được những điều kiện ấy chăng. Ngày nay quý đạo hữu và quý Phật tử khắp nơi được gần gũi quý Thầy và quý Cô đã từng gian khổ, quả là hữu duyên vậy. Ngày nay gặt được quả tốt, chúng ta nên nhớ những nhân xưa, để chia sẻ với quý thầy, quý cô khi gặp những Phật sự khó khăn ở nơi mình cư ngụ.

Đời người tu chỉ có học hành và tu niệm để trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ muôn loài. Ngoài ra chẳng có gì để họ bận tâm cả. Mặc dù vẫn phải ăn, mặc, ngủ, nghỉ như mọi người hiện sống trong thế gian này, nhưng họ không để sự khổ chi phối mà tất cả đều “tri túc”.

Những ngày cuối năm 1977, tôi đã nhiều lần viết thư về chùa cũ ở Tokyo cũng như thăm hỏi ý kiến của một vài người đi trước, xem có nên tiếp tục ở lại Đức hay về lại Nhật tiện hơn. Vị sư trụ trì người Nhật không có ý kiến rõ ràng, còn đa số khuyên tôi nên ở lại Đức. Lý do tại sao nên ở lại? Vì lúc bấy giờ ở Nhật chưa có chính sách tỵ nạn và ở Đức chưa có lãnh đạo tinh thần của Phật giáo. Nhìn hai lý do trên khiến tôi có thể chọn lựa dễ dàng. Nhưng nhìn tấm vé máy bay khứ hồi Tokyo - Hamburg và Hamburg - Tokyo có giá trị trong vòng một năm, tôi cũng muốn trở lại Tokyo, khi mà lòng mình vẫn còn muốn tiếp tục việc học ở Cao học Phật giáo. Thời gian cuối năm 1977 đến đầu 1978, tâm trạng tôi như con quốc gọi đàn, như con nhạn kêu đêm, chẳng ai hiểu mình, chẳng ai có thể quyết định giùm ngoại trừ chính mình. Những lúc như thế, tôi thường hay đến trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh, hay ngồi yên lặng thật lâu để suy niệm.

Một hôm tôi nằm mộng thấy một cảnh tượng thật lạ lùng mà chắc rằng trong đời tôi sẽ không bao giờ thấy được lần thứ hai. Tôi đang ở trong một lâu đài, chung quanh lâu đài ấy bao bọc bằng tuyết, trắng xóa cả một không gian rộng rãi, bao la. Chung quanh lâu đài không khí lạnh ngắt như điên dại và lạnh lùng trong cảnh vật của đêm đông. Nhưng lạ thay cây bồ-đề của tôi trồng trong lâu đài đó có những cành lá vươn lên và vượt ra ngoài không gian to rộng hiu quạnh lạnh lẽo của đêm đông giá buốt ấy, cành lá vẫn cứ vươn cao và không bị ngăn chặn bởi một trở lực nào cả. Trong giấc mơ tôi mừng rằng cây bồ-đề của mình trồng không bị không gian và hoàn cảnh chi phối, nên yên tâm ngủ tiếp. Sáng hôm sau thức dậy, chiêm nghiệm lại điềm chiêm bao trên, tôi thấy giả nhưng mà thực, thực nhưng mà giả. Vì cuộc đời vốn dĩ là như vậy, nên tôi vẫn cất giấu điềm chiêm bao ấy mãi trong lòng chẳng nói với ai cả. Biết đâu sẽ không thành sự thực thì sao. Còn nếu trở thành sự thực thì cũng chẳng muộn màng gì để sẽ nói ra sau này.

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh như chẳng đợi chờ ai. Một hôm tôi cùng Trâm ngồi lại bàn một vài chuyện quan trọng, là có nên ở lại Đức hay về lại Nhật để tiếp tục học hành. Chúng tôi đã trao đổi nhiều kinh nghiệm sống và kiểm điểm những việc làm trong một năm qua. Hồi trước năm 1963, Trâm là bạn học cùng trường tiểu học với tôi tại quê hương xứ Quảng. Đến 1964 tôi xuất gia học đạo, Trâm ra Đà Nẵng và Hội An để học Trung học. Năm 1968, Trâm du học sang Tây đức, năm 1972 tôi đến Nhật. Năm 1974, cả hai về lại Việt Nam thăm quê hương sau mấy năm xa cách, gặp nhau trên hè đường Lê lợi mà nhận không ra, tôi nhận lầm là một người bạn khác. Sau đó Trâm trở lại Đức, tôi trở lại Nhật để tiếp tục học hành và năm 1977 mới có cơ duyên gặp lại.

Bây giờ Trâm đã là một Bác sĩ làm việc trong một bệnh viện ở gần biên giới Hòa Lan. Tình bạn ngày xưa là như vậy.

Trâm bây giờ vừa là đệ tử của tôi mà cũng vừa là bạn học. Hai khuôn mặt, một cuộc đời. Có nhiều tấn tuồng trên thế gian này chỉ một kép mà đóng nhiều vai. Ở đây tôi cũng thế, lúc đóng vai làm thầy, lúc làm bạn. Kể cũng vui vui. Đứng trước công chúng, chúng tôi là tình nghĩa thầy trò, mà khi ngồi nói chuyện riêng, chỉ đối đãi với nhau như tình bạn. Không những chỉ có Trâm, mà những người thuở trước là bạn, là anh, là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ v.v... bây giờ rất nhiều người là đệ tử của tôi và đệ tử của ba ngôi Tam Bảo. Tôi không muốn giới thiệu từng cá nhân vào đây, nhưng vì những người này có công với đạo và liên hệ với sự tồn vong của Phật giáo xứ Đức này, nên phải nhắc lại để những người đi sau được biết.

Sau khi học xong khóa Đức ngữ tại Đại Học Kiel, tôi nhờ anh Châu tại Hannover nộp đơn vào Đại Học Giáo Dục. Đơn của tôi được chấp nhận và thế là tôi có thêm một cơ hội nữa để được ở luôn lại Đức.

Bấy giờ, việc quyết định ở lại xứ Đức đã xong nên phải lo chuẩn bị nơi ăn chốn ở. Khi về Hannover, đọc báo tìm phòng cả tháng nhưng vẫn không có kết quả, sau có người mách giúp nên đã thuê được một căn nhà 2 phòng, một nhà bếp nho nhỏ, một nhà cầu xinh xinh và một cái sân dễ mến. Giá tiền 180 DM một tháng. Với giá tiền này tôi không kham nổi, nên một số anh em sinh viên tự động đóng góp vào hằng tháng như sau:

- Thị Minh Văn Công Trâm 20 DM.
- Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp 20 DM.
- Anh Nguyễn Ngọc Tuấn và chị Nguyễn thị Thu Cúc 20 DM.
- Cô Đoàn thị Thu Hạnh 20 DM.
- Anh Lâm Đăng Châu 20 DM.
- Anh Nguyễn Tấn Đức 20 DM.

Đó là số tiền căn bản. Tổng cộng mỗi tháng là 120DM. Ngoài ra còn một số ít đóng góp bất thường. Nhưng đâu phải chỉ có trả tiền nhà, mà còn tiền ăn uống và lễ lạt nữa chứ. Do đó phải xin thêm tiền trợ cấp nhà ở của chính phủ.

Ngôi nhà đó có 5 người đến làm công quả đầu tiên là Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, Nguyễn Hữu Tình, Lê Đức Hiếu, Nguyễn Minh Hưng và anh Nguyễn Tiến Hội. Hiếu, Hưng, Hội lo quét vôi, trải thảm, Thị Chơn lo cây, ván và thiết trí bàn Phật để chuẩn bị làm lễ An Vị Phật vào ngày 2 tháng 4 năm 1978.

Nhân việc đi dự Đại Hội Công Giáo kỳ 3 tại Konigstein do Hội Sinh Viên Công Giáo tại Đức tổ chức, Thượng Tọa Thích Minh Tâm từ Pháp sang và đã ghé Niệm Phật Đường Viên Giác để làm lễ An Vị Phật. Niệm Phật Đường nhỏ bé nằm tại số 37, Kestnerstr. 3000 Hannover 1. Sở dĩ tôi chọn tên Viên Giác để đặt cho Niệm Phật Đường vì cách đó gần hai mươi năm, ngôi chùa tôi đặt chân đến đầu tiên để xuất gia học đạo do Thầy Bổn Sư tôi trụ trì là chùa Viên Giác, nên giờ đây nơi hải ngoại tôi đặt lại như vậy để nhớ ơn các bậc Thầy Tổ, tôn sư đã dày công huấn dục nên người, nhằm đền đáp phần nào ân nghĩa trong muôn một.

Trong lễ An Vị Phật hôm ấy, dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Minh Tâm còn có sự hiện diện của đạo hữu Diệu Ngọc đến từ Paris. Đạo hữu trước đây là giáo sư Pháp văn trường Trưng Vương ở Sài Gòn, nhân ngày lễ An Vị ấy đạo hữu cúng dường 2 cành hoa lan thật đẹp. Ngoài ra có gia đình đạo hữu Dương Văn Phương, đạo hữu Lê Hữu Cơ đến từ Essen, gia đình đạo hữu Nguyễn Thanh Tùy đến từ Recklinghausen, và một số anh chị em Phật tử tại Hannover cũng như những người nòng cốt vừa kể trên.

Trên bàn Phật có một tôn tượng Thích Ca thật nhỏ thỉnh từ chùa Khánh Anh về, 2 bình bông, 2 dĩa trái cây, 2 chân đèn, 1 lư nhang và 3 chén nước lạnh. Bên dưới có một chậu cá để làm lễ phóng sanh và một ít bản kinh cầu an, an vị Phật đã được photocopy ra trước đó.

Sau buổi lễ tẩy trần an vị Phật, Thượng tọa Thích Minh Tâm có ban cho một thời pháp nhan đề là “Cái khổ của người tỵ nạn”. Và cũng nhân lễ An Vị Phật ấy, Thượng Tọa đã cho tôi mượn 2.000 FF, số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Số tiền ấy mãi đến bây giờ tôi xin phép Thượng Tọa vẫn chưa hoàn trả lại, vàThượng Tọa cũng đồng ý. Không phải vì chùa Viên Giác thiếu khả năng để trả 2.000 FF (tương đương với 600 DM), nhưng tôi muốn để hoài như vậy để nhớ ơn Thượng Tọa đã giúp tôi trong lúc ngặt nghèo. Nếu trả đi ngay lúc bây giờ hay những năm về trước, ơn ấy dễ quên đi, làm sao nhớ được ơn của người khác đã giúp mình. Và tôi cũng rất cám ơn gia đình đạo hữu Dương Văn Phương và gia đình đạo hữu Nguyễn Thanh Tùy là 2 gia đình tiêu biểu trong mấy ngàn gia đình tại nước Đức đã đóng góp định kỳ liên tục trong suốt hơn 8 năm qua. Sự thành công sơ khởi của Phật giáo Việt Nam ngày nay tại nước Đức là do những bàn tay nhỏ bé đã đóng góp cho sự tồn vong chung của Đạo Pháp tại xứ này.

Sau lễ An Vị Phật, tôi vẫn tiếp tục đi học tại Đại Học Giáo Dục Hannover, ngành Tâm lý giáo dục học người lớn, và sau đó tôi làm đơn chính thức xin tỵ nạn chính trị tại nước Đức. Ngày xưa, bất cứ đồng bào tỵ nạn hay sinh viên muốn tỵ nạn tại nước Đức phải làm đơn xin tỵ nạn với những lý do chính đáng vì sao phải tỵ nạn, chứ không đơn giản như sau năm 1979 trở đi, khi quốc hội Đức đã có những đạo luật riêng cho người tỵ nạn. Có nhiều người tỵ nạn qua từ năm 1975, nhưng đến 1978 vẫn chưa có giấy tỵ nạn chính thức. Vì khi khai lý do để xin tỵ nạn không chính đáng là lý do chính trị mà là những lý do khác có liên quan đến kinh tế hoặc một vài lý do không thích hợp. Tôi đến từ một nước thứ ba, lại là thành phần sinh viên Tăng sĩ du học trước 1975, lẽ ra tôi không được tỵ nạn ở Đức, nhưng nhờ những lý do sau đây mà được ở lại Đức cho đến ngày nay.

Lý do thứ nhất là kể từ năm 1977, thành phần lãnh đạo của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hầu hết đã bị bắt. Do đó tôi không thể trở về lại Việt Nam sống chung với người Cộng sản khác chánh kiến và khác tôn giáo được.

Lý do thứ hai, vì ở Nhật từ sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, tất cả sinh viên cũng như kiều bào đều không được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Do đó tôi muốn tỵ nạn tại Đức. (Sau hội nghị tại Genève vào 20, 21 và 22 tháng 7 năm 1979 tại Thụy Sĩ, Nhật Bản mới bắt đầu chấp nhận quy chế này.) Và lý do thứ ba để tôi phải ở lại đây, vì là một Tăng sĩ, lãnh đạo tinh thần cho đồng bào Phật tử. Ở Đức chưa có chùa, chưa có người lãnh đạo, nên tôi muốn ở lại đây để giúp đỡ đồng bào. Đó là 3 lý do chính mà đơn xin tỵ nạn của tôi đệ trình lên Sở tỵ nạn trung ương tại Zirndorf, Tây Đức đã được chấp thuận.

Sau khi làm lễ An Vị Phật Niệm Phật Đường Viên Giác tại đường Kestnerstr, số 37 vào ngày 2 tháng 4 năm 1978, Phật tử tại Hannover nói riêng và nhiều vùng khác trên nước Đức đều hay biết và lần lượt về chùa khá đông. Có những buổi lễ vào ngày chủ nhật không có chỗ ngồi. Ăn uống và tiếp khách đều phải ngồi dưới đất. Lý do vì phòng chật cũng có mà phương tiện tài chánh còn eo hẹp nên chưa sắm được bàn ghế cho Phật tử ngồi phải nói là chính đáng hơn.

Một số anh em Phật tử ngồi lại với nhau để bầu một Ban Hộ Trì Tam Bảo cho Niệm Phật Đường, số nhân sự gồm có như sau:

- Anh Nguyễn Ngọc Tuấn,
- Chị Nguyễn Thị Thu Cúc,
- Anh Văn Công Trâm,
- Anh Ngô Ngọc Diệp,
- Anh Lâm Đăng Châu,
- Anh Nguyễn Tấn Đức,
- Chị Đoàn Thị Thu Hạnh.

Trong 7 người này, hầu hết là các anh chị em sinh viên du học ở Đức lâu năm và anh Tuấn được bầu làm Trưởng Ban Hộ Trì Tam Bảo, có lẽ vì anh có nhiều đạo tâm, đứng tuổi và lúc đó việc gia đình con cái đã yên ổn, nên được mọi người tín nhiệm. Sau đó Ban Hộ Trì Tam Bảo đã gởi đơn chính thức lên khai báo với Ordnungsamt Hannover vào ngày 8/8/1978 và đã được chính quyền chấp thuận cho hoạt động theo tinh thần bản nội quy vào ngày 29/8/1978. Ban Hộ trì này sau được đổi thành Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử tại Tây Đức vào ngày 20/11/1979. Nhiệm kỳ đầu và nhiệm kỳ kế tiếp do anh Văn Công Trâm làm Hội Trưởng. Hội này cũng đã được chấp nhận vào ngày 13/3/1981. Nhưng những nhiệm kỳ sau, hoạt động của Hội không chỉ nhắm vào số anh em sinh viên Phật tử mà vì nhu cầu đồng bào tỵ nạn đến Đức ngày càng đông nên anh Ngô Ngọc Diệp, Hội Trưởng lúc bấy giờ đã họp Ban Chấp Hành cũng như các Phật tử để đổi thành Hội Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Tây Đức, và cũng đã được chính quyền tại Hannover chấp thuận vào ngày 13/3/1985. Hội cũng đã được Bộ Tài Chánh Hannover công nhận là một tổ chức tôn giáo, từ thiện, không vụ lợi vào ngày 13/2/1982 cũng như của Tòa án Hannover vào ngày 17/2/1982.

Giai đoạn đầu là giai đoạn khó khăn nhất. Khó khăn về mọi vấn đề. Về tài chánh thì đã đành, nhưng còn về danh từ Phật giáo cũng như cách sinh hoạt trong chùa. Tôi phải giải thích từng danh từ và phải hướng dẫn các anh em Phật tử lúc ban đầu đi từng bước một. Mặc dầu anh em ở Việt Nam đã là Phật tử có sinh hoạt ở chùa hoặc con nhà Phật tử, nhưng vì xa quê quá lâu nên hầu như Phật tánh của một Phật tử bị lu mờ. Có nhiều anh em gặp tôi đưa tay bắt, chứ không biết chắp tay chào “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc gặp người tu mừng quá vỗ vai trông ra vẻ như bạn bè, hoặc cũng có lắm người “thưa Thầy, cho em có ý kiến...” v.v... Gọi Thầy mà xưng em, đó là nam tín đồ, chứ lỡ quý cô nữ sinh trẻ khác gọi thì sẽ dễ bị nghi ngờ. Ngay cả một tiếng xưng “con” đối với người Tăng sĩ các anh chị em này thấy vẫn còn ngượng ngùng khó nói. Và đừng nói gì lúc bấy giờ, ngay cả bây giờ có rất nhiều người Phật tử gặp quý thầy, quý cô, xưng tôi hoặc cháu hoặc em chứ chẳng chịu xưng con. Vì họ nghĩ rằng tuổi tác quý thầy, quý cô đáng con cháu hoặc em của họ, họ làm sao xưng con được. Nhưng họ chưa hiểu rằng, xưng con ở đây là con trong tinh thần của người theo đạo chứ không có nghĩa như là cha con, hay mẹ con ở nhà. Những người lớn tuổi có thể bảo là mình già hơn ông thầy kia, bà cô nọ, nhưng già tuổi đời chứ đâu có già tuổi đạo. Mặc dầu ông thầy kia trẻ, cô kia mới xuất gia, nhưng so tuổi đạo họ vẫn hơn những người già tuổi đời mà non tuổi đạo, nên xưng bằng con cũng chẳng có ngại ngùng gì cả.

Chỉ một danh từ “Ban Hộ Trì Tam Bảo” mà tôi phải giải thích như cả một bài thuyết pháp mấy anh em khác mới chịu hiểu và thực hành. Còn bao nhiêu là chuyện nữa, nhưng nếu kể hết vào đây chắc là không đủ giấy.

Sau khi sinh hoạt tại địa điểm trên chừng 2 tháng thì căn nhà bên cạnh có một phòng trống thật lớn họ cho thuê ở tầng trệt, thế là Ban Hộ Trì bàn với tôi nên thuê bên ấy để làm chánh điện, còn chỗ cũ để sinh hoạt và làm chỗ nghỉ ngơi. Thế rồi một văn thư gởi đi kêu gọi các Phật tử khắp nơi ủng hộ định kỳ hằng tháng để thuê nơi trên làm chánh điện cho Niệm Phật Đường. Giá thuê mỗi tháng là 360 DM và chỗ này chỉ cách chỗ cũ một cái sân nhỏ thôi. Thư gởi đi, lòng lại hồi hộp, không biết đồng bào Phật tử và anh em sinh viên có đáp ứng lời kêu gọi không, tôi lấy làm lo, nhưng “Có trời mà lại có ta” nên nỗ lực kêu gọi này đã được 33 vị vừa sinh viên vừa kiều bào đồng ý đóng góp hằng tháng, mỗi người ít nhất là 10 DM và nhiều nhất là 50 DM. Những vị ấy được liệt kê như sau:

Văn Công Trâm (Kiel), Nguyễn thị Đẹp (Neumunster), Nguyễn thị Tư (Kiel), Hồ Kim Lệ (Kiel), Lê Hữu Cơ, Đoàn Thị Mỹ Lộc (Koblenz), Đoàn Thị Thu Hạnh (Hannover), Lê Xuân Bình, Lê Văn Hồng, Hồng Hoàng Sơn, Trương Văn Giáo (Koblenz), Lê Thanh Bình, Ngô Ngọc Diệp, Lê Huy Cát, Nguyễn Tiến Hội, Lâm Đăng Châu, Nguyễn Ngọc Tuấn (Hannover), Long (Hildesheim), Phạm Văn Phụng (Pattensen), Ngô Tài Ba, Phạm Bé (Hòa Lan), Đinh Thị Hội (Aachen), La Thành (Herford), Nguyễn Đức Quyến (Aschaffenburg), Nguyễn Thanh Tùy (Recklinghausen), Dương Văn Phương (Essen), Phan Văn Trường (Hannover), Nguyễn thị Hạnh (Braunschwieg), Vũ Văn Hà (Pháp), Bùi Hữu Tường (Munster), Vương Đắc Mẫn (Kiel), Phạm Công Hoàng (Bremen) và Trần Văn Tường (Schweringhausen).

Trong 33 người này, có 12 anh chị em sinh viên và 21 vị là kiều bào Phật tử tỵ nạn, hoặc đi trước hay sau 1975.

Sự kêu gọi đóng góp ấy chỉ từng năm một, kể từ tháng 6 năm 1978 đến tháng 5 năm 1979, sau đó lại vận động tiếp. Số đóng góp rất liên tục và số tiền tổng cộng mỗi tháng là 600 DM. Như vậy chúng tôi đã đủ để trả tiền nhà cho 2 bên. Tiền chi tiêu trong Niệm Phật Đường do tiền cúng dường không thường xuyên của quý Phật tử gởi đến.

Sau khi lo trang hoàng chánh điện mới thì ngày lễ Vu Lan cũng sắp đến. Vu Lan năm ấy tổ chức nhằm ngày 19/8/1979 tức 16/7 âm lịch. Trong lễ, các anh em phân công như sau: Anh Tuấn lo vấn đề nghi lễ, Trâm lo tiếp khách, Diệp lo đi chợ, chị Cúc đi chợ, cô Đoàn Thị Thu Hạnh nấu nướng cùng với sự góp mặt của một số anh chị em khác tại Hannover.

Lễ diễn ra một cách trang nghiêm nơi chánh điện với sự thành kính của mọi người. Năm ấy có độ hơn 100 người về dự lễ. Ăn uống, lễ bái đều thực hiện tại Niệm Phật Đường chứ không mượn phòng ốc và cũng không có văn nghệ, vì Ban Tổ Chức không dự đoán được số người về nhiều hay ít nên chỉ làm những gì có thể được trong tầm tay mà thôi. Lễ này đối với tôi còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa, đánh dấu một sự lớn mạnh nhảy vọt. Đó là việc thâu nhận đệ tử tại gia của tôi, gồm 3 người: Phật tử Ngô Ngọc Diệp, Phật tử Nguyễn Trung Hiếu và Phật tử Đoàn Thị Thu Hạnh. Từ khi xuất gia đến khi thọ giới Sa Di, Tỳ Kheo, học hành, tu niệm, đỗ đạt, cho đến lúc bắt đầu thâu nhận đệ tử là 15 năm tổng cộng (1964-1978). Tuy 15 năm hơi dài với một cuộc đời bình thường, nhưng lại quá ngắn với con đường tu niệm. Lẽ ra tôi chưa nhận đệ tử, nhưng thấy rằng cơ duyên đã đến. Vả lại, ở Đức lúc bấy giờ không có một thầy nào khác cả, nên bổn phận của tôi là phải hướng dẫn họ vào con đường đạo một cách chơn chánh. Vì thế, tôi đã chấp nhận làm thầy truyền giới cho 3 đệ tử tại gia này. Hai người nam thuở ấy còn học ở đại học và sau này đã đậu kỹ sư. Cô Đoàn Thị Thu Hạnh thì có chồng tiến sĩ. Phật tử Ngô Ngọc Diệp tôi cho pháp danh là Thị Chơn, một người đệ tử đầu, có rất nhiều huyền thoại. Phật tử Nguyễn Trung Hiếu pháp danh Thị Ân và Phật tử Đoàn Thị Thu Hạnh pháp danh Thị Nhân. Buổi truyền giới không một quyển Giới Đàn Tăng để làm căn bản thuyết giới mà tôi chỉ y cứ vào trí nhớ của mình trong giới luật để truyền Tam quy, Ngũ giới cho 3 người này.

Phật tử Ngô Ngọc Diệp trước khi quy y, các anh em sinh viên khác chế giễu là “nếu mày quy y và bỏ rượu thì đất Hannover này sẽ sập”. Thế nhưng Hannover chẳng sập mà trái lại càng phát triển thêm nữa. Vì nơi đây đã có ngôi chùa và đã có rất nhiều người bỏ tất cả những chuyện riêng tư để phụng sự cho Đạo Pháp chứ không phải chỉ có bỏ rượu mà thôi.

Sau lễ Vu Lan, tinh thần các anh em Phật tử nhất là trong Ban Hộ Trì cảm thấy vững niềm tin và có thể tiếp tục hoạt động hăng say hơn nữa.

Chuyện thầy trò, đệ tử, sư đệ cũng vui vui, giúp người tu ở nhiều phương diện để tiến tu đạo nghiệp, mà cũng để cảm thấy rằng mình có trách nhiệm nữa. Trong kinh sách có chép rằng: “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan.” Đúng thật như vậy, chẳng sai chút nào. Người học trò tìm thầy thì dễ, nhưng thầy tìm người học trò vừa ý mình khó lắm. Vì không phải có học trò để rồi “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”, mà người đệ tử đó phải hiểu vị thầy của mình mới là người đáng quý.

Có nhiều người, ta mới gặp và sinh tâm quý mến ngay, nhưng ngược lại có những người ta không thể thích được. Vì sao vậy? Vì giữa hai người đã có những tia quang phổ thích hợp nhau. Những người mình không thích mà trái lại có kẻ khác lại thích người này. Vì hai người ấy có hai tia quang phổ có thể khả dĩ cảm thông nhau được. Ngược lại có người mình thích, nhưng kẻ khác lại không. Vì không có sự giống nhau ở hai tia quang phổ vậy. Chúng sanh như chúng ta còn mắt phàm, người tục, nên chưa có được một số tia quang phổ tổng hợp tình thương, nên mới có oán cừu nhau và sanh tử luân hồi mãi. Còn Đức Phật hay những bậc xuất thế, tia quang phổ của các Ngài chỉ có tình thương trải rộng. Vì thế Đức Phật bao giờ cũng từ bi và độ lượng viên mãn. Còn chúng ta vẫn có đó, nhưng chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp nào thôi. Vì thế ta có được bài học cho mình là nên tạo tình thương với mọi người và mọi loài nhiều hơn là tạo những oán thù. Vì lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Chỉ có lấy ân báo oán, oán kia mới liền tiêu diệt. Chúng ta tạo thêm những tia quang phổ tình thương với nhau để càng gần gũi nhau và đừng tạo nên sự tỵ hiềm nhiều hơn nữa.

Thuở bấy giờ tôi còn đi học ở Đại học giáo dục tại Hannover. Ban ngày ở trường và học bài ở thư viện, về chùa nghe điện thoại, soạn bài, ôn bài, viết lách v.v... Mỗi cuối tuần thường đi sinh hoạt với các hội đoàn khắp nơi trên nước Đức, nếu tuần đó chùa không có lễ. Mỗi sáng dậy tụng kinh có Phật tử Thị Chơn đến lễ. Thuở bấy giờ mới quy y nên cũng chưa biết Phật pháp gì nhiều, nhưng sau này nhờ gần chùa và gần các bậc thiện hữu tri thức khác nên cuộc đời của Phật tử Thị Chơn gần như thay đổi hẳn. Điều đó chẳng ai ngờ, và có lẽ chính đương sự cũng vậy. Cho nên Phật pháp nhiệm mầu là vậy.

Sau những pháp danh có chữ Thị đi đầu, lại một màn chế giễu nữa. Có người bảo: “Đi tu là mục đích biến nữ thành nam, mà khi vào chùa Thầy Như Điển đã biến tất cả nam nhân thành ra là Thị.” Điều đó chỉ để cười thôi, chứ chữ thị (是) đây không phải là chữ thị (氏) trong tên họ đàn bà, mà là như thị (如是), chơn như thị (眞如是) - nghĩa là như thế ấy, như thế đó. Chữ “thị” này được đặt theo bài kệ truyền pháp danh của Ngài Minh Hải, bắt đầu bằng chữ Minh đến hết chữ Trường:

明 實 法 全 彰

印 真 如 是 同

祝 聖 壽 天 久

祈 國 祚 地 長

Minh thật pháp toàn chương
Ấn chơn như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cữu
Kỳ quốc tộ địa trường.

Như trên đã thấy, trong đó có câu “Ấn chơn như thị đồng”, và các đời sau cứ như thế mà tuần tự đặt pháp danh cho đệ tử. Thầy tôi có pháp danh chữ Chơn đứng đầu nên cho tôi là chữ Như, đến đời tôi tiếp tục cho đệ tử chữ Thị và đời sau đó lại tiếp tục cho chữ Đồng v.v... Cứ thế và cứ thế mãi tiếp tục từ đời này sang đời khác.

Nhưng cũng vì sự khó khăn ấy nên kể từ người đệ tử thứ 100, tôi đã cho sang pháp danh bắt đầu bằng chữ Thiện. Người đệ tử thứ 100 tên Tôn Thất Quốc Thanh, pháp danh Thiện Chơn, con của ông tướng Tôn Thất Xứng hiện ở Canada. Gần 200 người sau này quy y đều mang chữ Thiện đứng đầu - nhưng gốc vẫn là chữ Thị của dòng Thiền Lâm Tế.

Ở Niệm Phật Đường vẫn sinh hoạt bình thường như thế cho đến tháng 12 năm 1978. Vào ngày 10/ 12/1978, anh em trong “Ủy Ban Tranh Đấu đòi Nhân Quyền tại Việt Nam” họp tại Hannover để bầu thành phần Ban Chấp Hành. Hôm đó tôi có đến tham dự và được biết là chính quyền Tiểu Bang Niedersachsen vừa thâu nhận 1.000 đồng bào Việt Nam trên chuyến tàu Hải Hồng và đã đến phi trường Hannover. Thế là sau cuộc họp, mọi người đều ra phi trường để đón rước. Buổi đón rước khá long trọng, có các Bộ của chính phủ Tiểu Bang ra tận phi trường. Bên đồng bào người Việt có rất nhiều Hội Đoàn tham dự.

Lúc ấy chính quyền đang cần thông dịch nên tôi bỏ học một semester để đi giúp đồng bào tại Friedland độ chừng 3 tháng. Sau đó tiếp tục anh Tuấn, chị Cúc trong Ban Hộ Trì của Niệm Phật Đường Viên Giác cũng đã dấn thân vào con đường xã hội, giúp đỡ bà con trong Tiểu bang Niedersachsen mới đến tỵ nạn ngay từ thuở khó khăn ban đầu. Mới qua Đức hơn một năm, khả năng tiếng Đức của tôi cũng chỉ tiếng được tiếng mất, nhưng tôi vẫn hy sinh những gì mình có trong lúc này, để ít ra bà con còn thấy hình dáng của một người tăng sĩ ở ngoại quốc vẫn còn nhớ đến đồng bào.

Tôi với Nguyễn Trung Hiếu, anh Hà và Kim Anh giúp đồng bào tại bệnh viện Gottingen. Ở đó gần 3 tháng trong một mùa đông giá buốt, tuyết phủ quá đầu người, ăn Tết trong buồn thảm và nhiều khi thức cả đêm để giúp người bệnh tại bệnh viện. Thuở ấy cũng đã có anh Bác Sĩ Trang đến giúp và có một vài anh chị em sinh viên tại Gottingen nữa, nhưng không thường trực như chúng tôi. Cũng nhờ đi làm “thông dịch bất đắc dĩ” để giúp đồng bào tỵ nạn Cộng sản mới đến trên chuyến tàu Hải Hồng mà sau này chính quyền Tiểu bang Niedersachsen cũng như chính quyền Liên bang Đức mới quan tâm đến đời sống tinh thần của người Phật tử Việt Nam chúng ta tại xứ này. (Chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn ở những lần tới.)

Những buổi lễ đầu năm hướng dẫn bà con lễ Phật ngay tại trại tạm cư Friedland đã là những hình ảnh mới lạ dưới mắt của báo chí và đài truyền hình Đức lúc bấy giờ. Đó cũng là một dịp để cho nhân viên của đài truyền hình II quay và chiếu lên những hình ảnh sinh hoạt của cá nhân tôi, cũng như ngôi Niệm Phật Đường Viên Giác tại đường Kestnerstr. trên màn ảnh, những gì có liên quan với người Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại Đức và để rồi chính quyền đã, đương và sẽ giúp đỡ Phật giáo Việt Nam tại Tây Đức như ngày hôm nay.

Cuộc đời cứ thăng trầm biến đổi, đường tu niệm của tôi cũng đổi thay theo năm tháng, nhưng lòng vẫn bảo lòng phải cố gắng vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách thì công phu tu luyện của mình mới kiên cường, nên tôi vẫn kiên gan trì chí với mọi thử thách từ bên trong ra hay bên ngoài đến, để rồi hôm nay đây viết lại những dòng này kính dâng lên Tam Bảo với vô vàn cảm tạ. Vì đạo Phật đã giúp cho tôi một lối đi, mà lối đi đó đã có lợi cho bao người, không kể tăng ni hay kẻ tục. Và cũng xin cám ơn tất cả những người Phật tử, hoặc đệ tử hoặc không là đệ tử của tôi, đã giúp tôi có thêm nhiều nghị lực, niềm tin và hy vọng, mới có được như ngày hôm nay.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Phật pháp ứng dụng


Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.200.16 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (241 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...