Nhận biết những tâm hành phiền não
Để nhận biết những khuynh hướng gây bất an khi chúng lén lút khởi lên trong tâm thức, chúng ta cần phải có chánh niệm và sự tỉnh giác nội tại. Một khi ta đã quyết định sẽ hành động, nói năng và suy nghĩ theo những phương cách mang đến lợi lạc, chánh niệm sẽ giúp ta không xao lãng điều đó. Sự tỉnh giác nội tại sẽ giúp ta luôn nhận biết những gì ta đang nói, đang làm hay đang suy nghĩ, và nếu nhận biết có một khuynh hướng gây bất an, nó cảnh báo ta về sự nguy hại. Truyền thống Kadampa thuộc Phật giáo Tây Tạng có lời dạy rằng:
Hãy thận trọng với tâm ý khi ở một mình.
Hãy thận trọng với lời nói khi ở chỗ đông người.
Vì cuộc sống bận rộn, ta thường không nhận biết được những gì đang diễn ra trong tâm mình. Chúng ta luôn bận bịu với những việc đi đây đi đó, làm việc này, chuẩn bị việc kia... Sau một thời gian như thế, ta cảm thấy mình không hiểu được nhiều về chính mình, vì sự chú ý của ta luôn hướng ra bên ngoài. Để điều chỉnh việc này, điều quan trọng là mỗi ngày ta phải có được một ít “thời gian tĩnh lặng” để thư giãn và sống với chính mình. Chúng ta có thể đọc văn chương bổ ích, hoặc chỉ cần ngồi yên và suy ngẫm. Xem xét lại những gì đã xảy ra mỗi ngày là điều rất tốt: ta đã làm những gì và tại sao; người khác đã nói, đã làm những gì và ta phản ứng ra sao; những suy nghĩ và cảm nhận nào của ta đã bộc lộ và không bộc lộ.
Chính thời gian tĩnh lặng này là cơ hội để chúng ta “thấu hiểu” những gì mình đã trải qua, để nhận biết về những gì ta đã suy nghĩ và cảm nhận. Ta có thể tự thấy mình đã có sự cảm thông với nỗi khó khăn của một ai đó; ta có thể nhận ra mình đã không bối rối trong một tình huống mà thông thường dễ gây bối rối. Ta sẽ thấy được sự tiến triển trong việc nuôi dưỡng những trạng thái tích cực của tâm hồn, rồi sẽ hoan hỷ, tự chúc mừng mình - tất nhiên là không hề trở nên kiêu ngạo.
Mặt khác, ta có thể nhận biết một cảm xúc khó chịu và tự hỏi: “Phải chăng lúc đó mình đã tức giận? Mình đã ganh tị? Tham luyến? Kiêu ngạo? Bảo thủ?” Trung thực với chính mình, ta sẽ sẵn sàng thừa nhận khi có những thái độ không đúng thực hoặc tai hại. Không cần thiết phải tự phê phán mình vì đã có những thái độ đó. Chỉ đơn giản là nhận biết chúng đang hiện hữu ở đó. Chúng ta là những người bình thường, nên những cảm xúc tai hại đôi khi sinh khởi là điều tự nhiên. Không lý do gì ta phải mang mặc cảm tội lỗi vì chúng, nhưng cũng không nên phớt lờ chúng đi.
Để hóa giải những cảm xúc khó chịu này, ta có thể thực hành những phương pháp đã được trình bày trong các chương trước. Chẳng hạn, ta có thể thấy được cách nhận thức của mình về một tình huống là hẹp hòi, khiến ta khởi lên sự giận dữ. Nếu xem xét thật kỹ, ta có thể vạch rõ sai lầm trong sự phóng chiếu [tư tưởng] đó. Và rồi ta sẽ cố gắng để nhìn nhận vấn đề từ một quan điểm đúng thực và nhân ái hơn. Bằng cách này, ta buông bỏ được cảm xúc không tốt vừa nói trên. Sau đó, ta có thể quyết tâm duy trì sự tỉnh giác nhiều hơn trong tương lai, để không còn hành xử và nói năng dựa trên những khuynh hướng gây bất an như thế nữa.
Trải qua một thời gian, ta sẽ nhận ra rằng trong số những khuynh hướng gây bất an luôn có một khuynh hướng xuất hiện thường xuyên nhất. Đây chính là khuynh hướng mà ta phải đặc biệt cảnh giác trong cuộc sống hằng ngày. Trong thời gian tĩnh tâm mỗi ngày, ta có thể dần dần rèn luyện bản thân theo một khuynh hướng nhận thức cởi mở và giàu tình thương hơn. Nhờ đó, những quan điểm lợi lạc sẽ khởi lên thường xuyên hơn trong ta, và ta sẽ bắt đầu nhìn nhận khác hơn về các tình huống. Và rồi, khi có những sự kiện tương tự xảy ra trong ngày, ta có nhiều khả năng hơn trong việc nhận diện được ngay những phóng chiếu tư tưởng sai lầm và những khuynh hướng cảm xúc gây bất an, trước khi chúng kịp khống chế, sai xử ta.
Bằng sự từ bỏ dần dần những khái niệm sai lầm và chuyển hóa thái độ tinh thần, ta sẽ tận hưởng nhiều hơn trong cuộc sống và làm lợi ích nhiều hơn cho người khác. Bằng cách này, cuộc sống của chúng ta trở nên rất có ý nghĩa.