Bà Đoàn Thị Nuôi sinh năm 1953, cư ngụ tại ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Song thân là cụ ông Đoàn Văn Như và cụ bà Nguyễn Thị Điệp. Bà là chị Hai trong gia đình có mười anh chị em.
Năm lên 20 tuổi bà kết hôn với ông Đoàn Trọng Nhường, người cùng bản xứ, sanh được ba trai hai gái. Gia đình bà sinh sống bằng nghề ruộng vườn.
Tính tình bà vui vẻ hoạt bát, tâm địa rộng rãi tốt lành, thương người, không câu chấp vụn vặt, dễ hòa đồng với đại chúng.
Đối nhân xử thế bà luôn từ ái khiêm nhượng, chưa hề mất lòng một ai.
Bà dạy dỗ con cháu trong nhà về hiếu hạnh, anh em phải nhường nhịn thương yêu hòa thuận với nhau... Đối với bà con cô bác lối xóm láng giềng phải biết cư xử sao cho hợp lẽ, đừng để xảy ra lỗi lầm mà làm cho mọi người buồn phiền, khinh bỉ!
Vào khoảng năm 1978 bà phát tâm ăn chay theo chồng để cầu cho cuộc sống được bình an, bớt gây tạo nghiệp sát sanh. Dần dà nhờ giao tiếp với các bạn thiện tri thức mà tâm đạo của bà lần lần phát triển, sự hiểu biết về Phật Pháp càng ngày càng sâu rộng hơn. Công khoá thường nhật của bà là hai thời lễ nguyện sớm tối đều đặn, sau thời lễ bái bà hay nằm võng tay lần chuỗi niệm Phật.
Bà cũng dạy các con sáng chiều nên cố gắng lễ bái cầu nguyện, khi rảnh rỗi phải thường thường niệm Phật để cho đời sống được bình ổn an vui.
Bởi xét thấy lợi ích của niệm Phật vô lượng vô biên, trong kinh Đức Phật tóm lại 10 điều:
1. Ngày đêm thường được tất cả các chư thiên đại lực thần tướng và hằng sa quyến thuộc ẩn hình ủng hộ.
2. Thường được 25 vị Đại Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm, và nhiều vị Bồ Tát theo thủ hộ mình.
3. Thường được Chư Phật ngày đêm hộ niệm. Đức Phật A Di Đà thường phóng ánh sáng nhiếp thọ người ấy.
4. Tất cả ác quỷ như: dạ xoa, la sát đều không thể làm hại, tất cả rồng độc, rắn độc và thuốc độc đều không thể xâm phạm.
5. Không bị những tai nạn như: nước trôi, lửa cháy, giặc oán, đao tên, gông xiềng, tù ngục, hoạnh tử.
6. Những nghiệp ác về trước lần lần tiêu diệt, những oan mạng bị mình giết nhờ công đức niệm Phật đều được giải thoát không còn theo báo thù.
7. Đêm nằm nghỉ yên ổn hoặc mơ thấy điềm lành hay thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà.
8. Tâm thường an vui, nhan sắc sáng nhuận, khí lực đầy đủ việc làm có kết quả tốt.
9. Thường được mọi người kính trọng giúp đỡ hoặc hoan hỷ lễ bái cũng như kính Phật.
10. Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được thấy Phật A Di Đà và các Thánh Chúng tay bưng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, cùng tận kiếp vị lai, hưởng thọ sự vui nhiệm mầu.
Bà là thợ nấu các món ăn chay, nên mỗi lần có người mời khi tổ chức Phật thất, hay niệm Phật định kỳ của các đạo tràng, trai tăng, lễ khánh thành tự viện, rằm lớn ở các chùa hay tịnh xá quanh vùng, hoặc các đám tiệc lễ lộc tại tư gia của bà con lối xóm… bà rất hoan hỷ làm công quả trong những dịp này.
Bà cùng chồng thường tham gia cộng tác với các đồng tu làm thuốc Nam thành phẩm biếu tặng khắp mọi nơi.
Thỉnh thoảng bà cũng cùng với các bạn đạo tham dự hộ niệm cho người lâm chung, và đi cầu nguyện tuần thất cho người đã mất. Bà cũng thường tổ chức hành hương lễ tưởng niệm Đức Phật Thầy Tây An ở núi Sam, Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang… hoặc đi cứu trợ thiên tai bão lụt ở các tỉnh miền ngoài.
Bà cũng ưa xem nghe kinh sách hoặc băng đĩa, những thứ nào bà cảm thấy đắc ý thì photocoppy hay sang in ra để chuyển tặng cho nhiều người. Đặc biệt quyển Đường Giải Thoát và Mười Điều Ơn là hai tác phẩm mà bà ưa thích nhất. Đôi khi các bạn đạo đến nhà thăm viếng rồi bàn luận chuyện Phật Pháp tu hành. Quan điểm của bà là rất thích tu tạo phước đức: “Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân; Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần.” Như lời của Cổ Đức:
“...Được lành chớ khinh cười kẻ rách,
Được sang đừng kiêu cách người hèn;
Không nên phân biệt lạ quen,
Thấy ai mắc nạn nên chen giúp giùm.
Mình được sống thì cùng người sống,
Mình được vui giúp chúng đồng vui;
Ở ăn mật thiết với người.
Sự thơm tho ấy còn mùi nào hơn.
Cuộc sống của thế trần hiện tại,
Cũng cần nên sửa cải như trên;
Giàu nghèo nâng đỡ nhau lên,
Bỏ đi cái lối sống riêng cho mình.
Ai cũng biết mở tình rộng rãi,
Nạn dân nghèo sẽ giải quyết xong;
Những điều cướp của lường công,
Không còn nghe thấy ở trong xóm làng.
Tình bác ái người càng biết rộng,
Cảnh thái bình càng chóng hiện ra;
Nếu tình bác ái còn xa,
Thái bình cảnh ấy cũng là còn lâu.
…Thấy đau ốm ân cần thăm hỏi,
Thấy nạn tai phấn khởi giúp giùm;
Ở ăn có thỉ có chung,
Ân tình xử vẹn, hiếu trung làm tròn.
…Mỗi người phải góp tay nhau lại,
Tán trợ nhau những cái nhu cầu;
Chớ nên chia áo rẽ bâu,
Phải thương nhau thể một đầu cha sanh.
...Chung sức giúp an lành cuộc sống,
Chung sức đưa ra bể luân hồi.
...Đời như giấc mộng mà thôi,
Dầu say sưa mấy rốt rồi cũng tan.
Đạo là chân độ hồn lẫn xác,
Sống có tình và thác có duyên.
Được tiêu các nghiệp đương tiền,
Và là được có đường Tiên Phật về.
Hãy tỉnh ngộ chớ mê đời tạm,
Đừng vì đời để phạm lỗi lầm,
Đạo mầu xin hãy nhứt tâm,
Sớm khuya tu luyện cho mầm Đạo khai.
Nay không được thì mai cũng được,
Hãy nhứt tâm sau trước một niềm.
Sống đời có Đạo ở tim,
Xin đừng để Đạo chìm im trong đời.
Có Đạo như có Trời ấm nóng,
Không Đạo như không bóng Thái Dương.
Cho nên Đạo chớ coi thường,
Hãy nên coi Đạo trên hơn trần đời.
Dầu sống khổ dầu thời đại khổ,
Cũng rán lo kiên cố Đạo tâm.
Sống không để sống lỗi lầm.
Lúc nào cũng sống có tâm Di Đà.
Đời chỉ dắt người ta thống khổ,
Đạo mới là giúp kẻ an vui.
Đạo siêu, đời đọa rõ mười,
Hãy nên theo Đạo, còn đời chớ theo.
Người đời vốn đã đeo lắm nợ,
Biết gỡ ra được có mấy ai.
Nếu không theo Đạo Phật khai,
Làm sao biết lối vượt ngoài trần gian.
Đạo vừa siêu vừa làm hạnh phúc,
Đời đọa còn thêm cuộc thảm sầu.
Cho nên Đạo hãy rán trau,
Lúc nào cũng đặt chí cao hơn đời.
Đạo mục đích nhắm nơi giải thoát
Nhưng phải tu tự giác, giác tha.
Vì người coi nhẹ cái ta,
Miễn cho lợi chúng dù là hy sinh.
Đạo lúc loạn như bình, vẫn thiện,
Gặp khi loàn càng tiến thiện hơn.
Cho người biết nghĩa biết nhân,
Cho người bỏ oán làm ân trong đời.
Đạo hành thiện cho người hết khổ,
Đạo vốn là khai ngộ trừ mê.
Đời còn những cảnh thảm thê,
Thì còn có Đạo không hề mất đâu.
Người biết Đạo hãy sâu tin tưởng,
Đừng chỉ trong tín ngưỡng nhứt thời.
Mạnh tâm Đạo tất thắng đời,
Thắng đời tất đạt đến nơi đạo mầu.
Người hiểu Đạo vừa cầu Phật độ,
Vừa tự lo tu sửa thân tâm.
Chính mình Đạo pháp cố chăm,
Càng soi cho kẻ khác tầm Phật môn.
Đời nếu biết chung tôn sùng Đạo,
Tất đời chia cơm áo cho nhau.
Đời ai Đạo đức cũng trau,
Thì không ai nỡ dạ nào hại ai...
...Chung giúp nhau Liên đài tiến bước,
Chung giúp nhau Tịnh Độ đồng sang.
Không còn khổ ách trần gian,
Không còn khổ nạn sáu đàng trầm luân!”
******
Vì vậy nên bà hăng hái say mê làm tất cả các công tác từ thiện xã hội. Ông chồng thường khuyên bà, là mình muốn giải thoát thì cần phải tu huệ nữa, nếu không khéo chính phước báu nó sẽ trói cột mình ở lại trong cõi luân hồi chắc hơn, thật đáng sợ. Cho nên làm lành làm phước mà phải luôn luôn hồi hướng phước lành ấy về Tây Phương, không dính ở danh lợi. Nghĩa là hăng hái lăn xả giúp đời, cứu người thật lòng từ bi thương yêu chứ không vì danh vì lợi, cho nên trong khi làm ai khen cũng không mừng, ai chê cũng không buồn, lúc nào cũng niệm Phật, lúc nào cũng nhớ Cực Lạc. Như vậy mới là người có trí tuệ! Đúng như lời dạy:
“Muốn khỏi kiếp hồng trần vĩnh viễn,
Thì lòng đừng lưu luyến thế gian;
Làm nhân làm phước muôn vàn,
Cũng đừng mong hưởng tại đàng trần ai.
Một mực nhắm Như Lai tiến tới,
Cắt đứt bao nhiêu sợi oan trần;
Tu cho khỏi trở phàm thân,
Chớ mong tu hưởng phước trần về sau.
Phước trần chỉ sang giàu danh vọng,
Nhưng cũng như giấc mộng không hơn;
Một khi thần chết đến gần,
Giàu sang danh vọng cũng quăng lại đời.
Phước một lúc tội lôi muôn thuở,
Đó thường là phước ở thế gian;
Vì khi hưởng phước giàu sang,
Bị giàu sang khiến mê man tâm hồn.
Cho nên Đức Thế Tôn đã bảo,
Tu chớ mong phước báo cõi trần;
Bao nhiêu việc đức việc nhân,
Nên nguyền hồi hướng về chân Niết Bàn.”
Đối với người niệm Phật cầu vãng sanh thì “chân Niết Bàn” ở đây là chỉ cho thế giới Tây Phương Cực Lạc!
*****
Vào khoảng năm 2000 bà ngã bệnh, thân quyến đưa bà vào Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, rồi sau đó ra Bệnh Viện Chợ Rẫy mới phát hiện bà bị bệnh tiểu đường. Khi về nhà bà chuyên dùng thuốc Nam. Được một thời gian sức khỏe tạm thời được bình phục, rồi bà vẫn tiếp tục vừa làm các công việc từ thiện và vừa lo tu trì như trước.
Vào đầu tháng 9 tháng 2014 toàn thân bà sưng phù, bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán là biến chứng của bệnh tiểu đường. Nằm ở đây một tuần thì xuất viện. Đến ngày mùng 6 tháng 11 năm 2014 bà bị hôn mê, người nhà chuyển bà vào Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ. Qua ngày kế bà tỉnh lại nói chuyện bình thường. Nhưng ngày kế nữa bà lại tiếp tục chìm vào cơn hôn mê thật dài, trải qua liên tiếp trọn cả tuần lễ. Các con hỏi bác sĩ về bệnh tình của mẹ mình, thì được bác sĩ cho biết đây là bệnh tiểu đường đã biến chứng sang não. Thấy Tây Y thực sự đã bất lực, không còn chút hy vọng nào được phục hồi nên người thân đã xin với bác sĩ cho bà xuất viện về nhà để lo hộ niệm.
Sáng ngày 16 khi làm giấy tờ xuất viện xong thì bà đột nhiên tỉnh lại, lúc các con báo tin cho bà biết rằng sắp sửa chở về nhà để lo hộ niệm, thì thấy nét mặt của bà vô cùng hoan hỷ vui mừng.
Về đến nhà gia đình mời bà con lối xóm và chư đồng tu đến cầu nguyện cùng hộ niệm cho bà. Trải qua ba ngày, thấy bà khỏe nhiều nên ngừng cuộc trợ niệm lại. Rồi sau đó không mấy chốc thể lực của bà ngày một suy kiệt dần, giọng nói ngày một khó khăn, người nghe rất khó tiếp thu. Dù vậy trí nhớ của bà vẫn còn rất tốt, nhận biết chính xác mọi thứ.
Đến sáng ngày 26 bà bắt đầu lên cơn mệt. Tình cờ giữa trưa hôm ấy có cô Út Vân, bạn đồng tu của bà nhân đi cầu nguyện tuần thất ở gần đó, tiện dịp bèn ghé thăm. Thấy bà mệt nhiều nên cô lại gần nói với bà rằng:
-Chị Hai à! Mình đã quy y với Thầy rồi, bây giờ mình phải quy y với Đức Từ phụ A Di Đà, phát nguyện cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới an lành của Ngài, nghen chị!
Vừa nghe xong bà vui vẻ gật đầu. Cô Út liền đọc lời phát nguyện vãng sanh lớn cho bà nương để phát nguyện theo. Rồi cô nói tiếp:
-Bây giờ em niệm Phật, chị rán niệm theo tụi em nghen chị!
Bà gật đầu. Cô Út liền lớn tiếng niệm Phật cùng với một số người thân trong gia đình.
Trải qua hơn một tiếng đồng hồ, cô Út lại gần dặn dò bà:
-Đức Phật A Di Đà đang trên đường rước chị đó! Chừng nào thấy Phật đến chị mỉm cười, báo tin cho chúng em biết nghen chị!
Mặc dù rất mệt, đang thở hơi lên nhưng bà cố gắng dùng hết sức ngừng lại để lắng nghe cô dặn dò. Khi nghe đề nghị như thế bà khẽ gật đầu. Rồi bà tiếp tục niệm Phật theo mọi người.
Hơn nửa giờ sau, trong khi Phật hiệu chầm chậm ngân vang, đột nhiên bà nở một nụ cười. Bao đôi mắt đổ dồn hướng về phía bà. Độ chừng hai phút, bà lại nở một nụ cười lần thứ nhì. Giây lát sau bà lại mỉm miệng cười lần thứ ba rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, trong nỗi mừng vui cùng niềm mơ ước của bao người hiện diện đang vây quanh hộ niệm. Lúc ấy đúng 2 giờ 45 phút chiều, ngày 26 tháng 11 năm 2014. Bà thọ 61 tuổi.
*****
* Đến 4 giờ chiều, bỗng đâu một mùi hương lạ sực nức lan tỏa khắp cả gian phòng kéo dài trong khoảng ba mươi phút, chẳng ai biết là mùi hương gì.
* Đến 11 giờ khuya, mùi hương lạ lại một lần nữa xuất hiện nhưng chỉ kéo dài khoảng mười phút mà thôi!
* Qua hơn tám tiếng đồng hồ sau khi bà tắt hơi, thăm thân thì thấy các khớp xương mềm mại, gương mặt nhuận sáng hồng hào tươi vui.
(Thuật theo lời của: Đoàn Trọng Nhường, Đoàn Thị Hương, chồng và con của bà và đồng tu Út Vân)