Bà Bùi Thị Giảng sinh năm 1921. Song thân là cụ ông Bùi Văn Sên và cụ bà Trịnh Thị Triệu. Bà có tất cả 4 anh chị em, bà là con thứ Tư trong gia đình.
Khi đến tuổi hoa xuân bà kết hôn với ông Bành Văn Dúng. Sinh được 6 người con, 5 trai, 1 gái. Gia đình cư ngụ ở tổ 3, khóm 3, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Gia đình bà sanh sống bằng nghề làm ruộng, buôn bán tạp hóa phụ thêm, nhưng toàn bộ đều do chồng và các con gánh vác, còn nghề riêng của bà là thợ may và nội trợ, vả lại sức khỏe của bà chẳng mấy khả quan!
Tính tình của bà trước khi tu thì rất khó, nghiêm khắc, nhưng rất thương anh em, sống chan hòa giữa hai bên, bên chồng cũng như bên mình.
Sau khi tu tính tình bà dễ dãi, rất buông xả, bà rất ít nói chuyện, mỗi khi có ai viếng thăm bà thường nhắc lại bài kệ của Bồ Tát Long Thọ:
“Ít nói một câu chuyện,
Niệm nhiều một câu Phật.
Đánh chết được vọng niệm,
Để Pháp thân hiển lộ.”
Khi thấy các con cháu tụm năm tụm ba nói chuyện nhiều thì bà hay rầy, vì bà cho rằng nên dùng thời gian đó để chuyên tâm niệm Phật có lợi ích, hơn là vui cười trong chốc lát lại gieo nhân xấu ác cho mình, ở tương lai sẽ phải gặt hái khổ đau.
Bà đến với Tam Bảo rất sớm, các con cháu không ai nhớ rõ là năm tháng nào! Nhưng mãi đến năm 1975 bà mới phát tâm ăn chay trường, chuyên lo niệm Phật tu hành, giao phó mọi chuyện gia đình cho con cháu, bà buông bỏ trụi lủi, không hề hỏi han gì đến việc kinh tế làm ăn đắc thất, được mất của dâu con thế nào,... cho đến... cái nhà mà bà cũng không thèm quét!
Có lần bà tâm sự với thím Hai rằng:
- Hồi đó tại vì không có biết Phật Pháp sớm, chớ nếu má biết Phật Pháp sớm thì má không có lập gia đình đâu!
Bà ở chung với gia đình người con trai thứ Hai, mỗi năm bà tịnh tu 100 ngày, từ tháng 4 đến tháng 7. Trong thời gian này bà cấm túc không hề đi đâu hết (kể cả tang sự của thông gia, bà cũng không ra thất). Bà dùng ngọ và cũng tịnh khẩu, nếu có cần gì thì ghi vài chữ vào giấy.
Công khóa thường ngày của bà là ba thời lễ bái sám nguyện rồi ngồi niệm Phật, cũng có thời gian trì chú Lăng Nghiêm.
Trong phòng bà có trang trí hình Bồ Tát Quan Âm, về sau đổi lại Tây Phương Tam Thánh.
******
Có lần bà bị đau bụng khó chịu, chú Hai đưa bà đi khám bịnh ở bệnh viện Đa Khoa Long Xuyên, nằm ở đây một tuần lễ, khám không ra bịnh nên chuyển bà ra bệnh viện Chợ Rẫy. Qua quá trình khám nghiệm bác sĩ phát hiện thận có khối u, liền đề nghị bà giải phẫu, bà chấp thuận; nhưng đến khi hội chuẩn lại thì bác sĩ cho biết bệnh này không thể giải phẫu được nên cho bà ra về.
Khi về nhà, mặc dù bệnh phát tác dữ dội, tay chân run run, sụt cân trầm trọng, thân hình quá đỗi suy gầy, có thể “ra đường gió bay”; nhưng, nhờ bà ngày đêm chí thành niệm Phật, lần hồi bệnh dần dần biến mất.
Một hôm, bà kể với cô cháu nội:
- Nội bệnh nặng, nhờ nội chí tâm niệm Phật mà nội hết bệnh, khối u nó tiêu luôn, Phật Pháp rất là nhiệm mầu, bà nói với con cháu để con cháu noi theo!
Và cũng có nhiều lần đang nhập thất đột nhiên bà lâm bệnh, nhờ niệm Phật mà bệnh tật tiêu trừ ách tai bay biến, chính vì vậy niềm tin của bà đối với công đức danh hiệu Phật A Di Đà ngày một thêm sâu chắc hơn.
Do nhân duyên đó mà năm người con của bà đồng bắt chước theo gương bà đều ăn chay, sớm chiều lễ Phật. Quả thật đúng như lời khai thị của người xưa:
“...Gặp chánh Đạo rán tu thành Phật,
Đừng thối tâm để rớt lại phàm.
Thà bần cùng đức hạnh gìn kham,
Hơn phú quí lỗi đàng Đạo Nghĩa,
Tu thì đạo phải lo trau trỉa,
Đạo không hành mất nghĩa nhà tu,
Thấy những người Đạo bỏ công phu.
Cổ nhân tiếc hơn châu ngọc mất,
Được làm người được theo Đạo Phật,
Ấy là người hữu đức hữu duyên.
Nếu nhứt tâm tu niệm cần chuyên.
Kiếp này có thể lên Phật Quốc.
Há vì cái lợi danh tạm vật,
Mà để cho vĩnh kiếp trầm luân.
Mình lỗi không tự đọa riêng thân,
Mà còn khiến đọa luôn dòng dõi.
Nếu mình được nợ trần thoát khỏi,
Có thể làm mở trói tông môn.
Nỡ nào vì sung sướng cá nhân,
Không nghĩ tới Tứ Ân trọng đại.
Người ở quấy tất không khỏi hại.
Tội đến nơi mới cải muộn rồi.
Có lỗi lầm phải hối đi thôi,
Hối trước lúc Phật Trời trừng phạt.
Đợi nước ngập đến be mới tát,
Tất gởi thân cá mập cá xà.
Nhân quả cần suy nghĩ kỹ ra,
Chớ vì lợi riêng ta mà khổ.
Dù đời có lắm điều cám dỗ,
Phải chủ tâm đừng có nghe theo.
Nghe theo đời thường mắc nạn eo,
Nghe theo Đạo mới nhiều hạnh phúc.
Đã biết được con đường Đạo đức,
Nên nhứt tâm theo Phật mà thôi.
Theo Phật thì tất khỏi luân hồi,
Theo đời khó tránh nơi Lục Đạo.
Muốn sáng sủa nghe lời Phật bảo,
Muốn tối đen nghe lũ ma trêu.
Mạt hạ đời có Phật thầy kêu,
Không nghe đến thì tiêu hồn xác.
Cổ Đức muốn vạn dân giải thoát,
Mãi y theo lời Phật khuyên luôn.
Khuyên nhủ luôn như giọt nước nguồn,
Bốn mùa vẫn cứ tuôn ra mãi.
Nghe rất thương, không nghe cũng ái,
Chỉ tùy duyên giảng dạy cho tu.
Giải quyết xong các nghiệp phàm phu,
Cùng chư Phật đồng cư chín phẩm.
Nơi biển ái không còn chìm đắm,
Khổ tử sanh hết bám vào thân.
Vô minh không còn phủ thức thần,
Bổn lai tánh được chân diện mục.
Tuy còn ở phàm mà hết tục,
Thân trần nhưng tâm Phật Như Lai.
Duyên đời còn, còn ở trần ai,
Duyên đời hết thì bay về Phật.
Trên hình thức gọi là còn mất,
Nhưng thật ra đã hết tử sanh.
Sáu đường trần khó trược lòng thanh,
Thân tâm được trọn lành trọn sáng.
Tu cao cả rán tu đừng chán,
Tu chớ nên kể tháng kể năm.
Trên đường tu chung thỉ nhứt tâm,
Sống thác vẫn tu tầm tới Phật.
Chí nguyện trọn gìn không để mất,
Tất có ngày kiến Phật non Linh.
Như Huyền Trang Tam Tạng thỉnh kinh,
Dùng trí đạo thắng tình ma mị.
Nếu vì tình nặng hơn vì trí,
Thì Huyền Trang đã lụy yêu ma.
Tất còn gì gặp được Thích Ca,
Để thỉnh lấy cả ba kinh tạng.
Tu bị thử thách nhiều giai đoạn,
Thử ngoại thân thử đến nội tâm.
Tu mà không trí Đạo dễ lầm,
Trí Đạo cả quyết tâm càng thắng.
Tu khó mấy cũng luôn cố gắng,
Thì công tu chắc chắn được thành.
Việc tu là cốt ở sự hành,
Hành không đúng khó nên Đạo quả.
Đời vật chất văn minh thái quá,
Dễ làm cho lòng dạ say mê.
Không chủ tâm lạc mất đường về,
Trông gì được tới quê cảnh Phật.
Đời tạm giả nay còn mai mất,
...Kiếp con người quả thật mong manh.
Khác chi chuông treo sợi chỉ mành,
Nên khá sớm
Tìm phương giải thoát.
Nương chánh giác,
Mình và người,
Về Cực Lạc!”
*****
Vào những thập niên 80 bà tham dự xuyên suốt các đợt Phật thất định kỳ tại đạo tràng của cô Bảy Lánh ở Thốt Nốt, ít khi vắng mặt. Nơi đây vì để khích lệ cho các hành giả, nên ban tổ chức có mở những cuộc thi đua, bà cùng vài vị nữa thường hay nhận giải thủ khoa, ngồi niệm Phật với thời gian dài nhất là hơn 3 giờ đồng hồ.
Bà cũng có đi niệm Phật ở tịnh xá Ngọc Mai.
Đối với các công tác của hội từ thiện bà cũng thường đóng góp vào.
Băng đĩa bà thường xem nghe là bộ Hiển Đạo và Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ. Vì nhận thấy Phật Pháp cần nên lưu thông, đặng gieo rắc ánh sáng giác ngộ khắp tất cả mọi nơi, ngõ hầu nhân sinh thấm nhuần lợi lạc, nên bà sang in ấn tặng rất nhiều những băng đĩa cho các bà con thân quyến cùng bè bạn liên hữu gần xa!
*****
Bà ít tiếp xúc với con cháu, chỉ chuyên ở trong phòng niệm Phật, khách khứa đến nhà cũng vậy, bà cũng không ra chào hỏi, ai buồn bà cũng chịu, bà chỉ chuyên lo niệm Phật. Có lần cô cháu nội hay vô phòng hỏi bà:
- Nội ơi! Khách lại viếng thăm, chắc tại nội không ra chào người ta... nên có nhiều người trách rằng bà không có hòa đồng với mọi người!
Bà trả lời:
- Kệ, ai nói gì thì nói!
Ít nói một câu chuyện,
Niệm nhiều một câu Phật,
Đánh chết mọi vọng niệm,
Pháp thân người hiển lộ.
Ngưng một tí bà lại nói tiếp:
- Mặc tình ai gièm pha tai tiếng,
Sửa tâm lành như miếng hoa thơm,
Tới chừng hoa nở nhụy đơm,
Thì là trần thế mới hờm bẻ hoa...
Lần nọ, cô cháu nội về thăm bà, bà nói:
- Để nội chúc cho con một bài nghen:
Chúc cho con rán lo tu hành giải thoát,
Được thảnh thơi gió mát nhẹ nhàng.
Phớt qua cây ngọc lá vàng,
Tiếng kêu vi diệu như ngàn nhạc âm.
Chúc cho con thiện căn phấn chấn,
Lo tu hành tinh tấn thành công.
Tu hành chánh niệm thường lòng,
Niệm Phật, niệm Pháp tịnh lòng siêu thăng.
Đến đây nội có duyên căn,
Chúc cho con được siêu thăng Phật đài.
Đến đây chấm dứt đôi bài,
Chúc cho con được về chầu Như Lai.
*****
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 2017, vào lúc khoảng 2 giờ khuya, cô Út dẫn bà đi tiểu, tiểu xong bà tự đứng lên liền bị sụm, gia đình đưa bà lên bệnh viện chụp hình thì cho biết bị gãy xương chậu, bà chỉ nằm một chỗ, nhờ con cháu dìu đỡ, mỗi ngày có đứa cháu là bác sĩ đến chích thuốc, tuy di chuyển rất đau nhưng bà không có rên than.
Trước khi mất con cháu thay phiên hộ niệm liên tục cho bà khoảng 10 ngày, cô con dâu thứ Sáu của bà cũng tham gia trong Ban Hộ Niệm, cô này thường đưa hình đức Phật A Di Đà cho bà xem và nhắc:
- Má ráng niệm Phật về với đức Phật A Di Đà, nếu như có ông bà cha mẹ anh chị em nào đến rủ má, thì má không được đi, mà má chỉ đi với đức Phật A Di Đà thôi, đức Phật A Di Đà có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, má nhìn theo đức Phật này, má nhớ đi theo đức Phật này! Má ơi! Má có nhớ niệm Phật không?
Bà gật đầu, rồi đáp:
- Má nhớ!
Khi bà muốn cái gì thì bà nhìn hai bên hàng ghế con cháu đang ngồi, hễ bà thấy cô con dâu thứ Sáu là bà đưa cái tay lên, cô này hiểu ý, liền hỏi:
- Má ơi, như vậy là má muốn phát nguyện vãng sanh về với đức Phật A Di Đà phải không?
Bà gật đầu đồng ý và chấp tay nguyện thầm theo cô con dâu:
- Cúi xin đức Phật A Di Đà, con tên Bùi Thị Giảng, 96 tuổi, xin phát nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật!
Cô phát nguyện ba lần như vậy cho bà, rồi cô nói:
- Thôi! Bây giờ má tự niệm Phật đi, con không niệm Phật cho má đâu! Má tự niệm một mình đi!
Bà liền chấp tay xá và niệm ba lần:
- Nam Mô A Di Đà Phật.
Trước khi mất 3 - 4 ngày bà hoàn toàn bỏ ăn bỏ uống. Bà không nói chuyện nữa chỉ chuyên lo niệm Phật, con cháu có hỏi gì thì bà gật, lắc đầu hoặc ra dấu.
Ngày 14, lúc khoảng 8 giờ sáng, cô con dâu hỏi bà:
- Má ơi! Má có niệm Phật không má? Má ráng niệm Phật nghen má!
Bà liền gật đầu. Cô con dâu nói tiếp:
- Má ơi! Con niệm Phật với má nghe! Má nhớ niệm Phật nghe má! Má niệm Phật đi đặng mình phát nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mẹ con mình hội ngộ nhau trên đó nghen má! Má nhớ nghen má!
Bà trả lời:
- Ừ!
Cô con dâu thấy hơi thở của bà đã dồn lên trên ngực, không còn thở bụng nữa, nên cô cùng với người chị dâu thứ Năm ngồi hai bên niệm Phật tiếp cho bà, và điện cho mọi người biết là bà sắp ra đi. Một hồi sau, khi gia quyến hay tin liền lần lượt kéo về. Kế đó chú Ba về tới và nói cho bà hay rằng, tất cả các con cháu đã hội tụ đầy đủ rồi!
Mọi người vây quanh niệm Phật với bà chưa bao lâu thì bà nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, trong âm thanh vang rền của câu Hồng Danh Vạn Đức, lúc đó đúng 9 giờ 45 phút sáng ngày 14 tháng 5 năm 2017. Bà hưởng thượng thọ 96 tuổi.
*******
Đến 7 giờ 45 phút chiều (niệm được 10 tiếng đồng hồ) cô dâu thăm thân của bà thì thấy các khớp tay chân mềm dịu, sắc mặt, đôi môi hồng hào rất đẹp.
Đến 9 giờ tối mới nhập liệm.
Lúc còn sanh tiền bà không dặn dò gì về hậu sự cho mình như thế nào, các con muốn làm sao thì tùy. Thấy bà tu tốt nên chú Hai quyết định đem bà hỏa táng, may ra có xá lợi cho bà con đồng đạo thấy mà tu tiến thêm cho có phước.
Qua ngày sau vào lúc 11 giờ sáng, gia đình đưa bà đi hỏa táng ở lò thiêu Châu Đốc. Sau đó đem tro cốt của bà về chùa thì phát hiện có khoảng hai mươi mấy viên xá lợi nhỏ như hột tiêu, xá lợi nhỏ khoảng 40 viên, nhiều màu lấp lánh, có viên nhỏ như đầu đũa ăn màu trắng đen như pha lê, có viên nhỏ như ngón tay út màu đen như cẩm thạch, có viên nhỏ như cây chân nhang màu trắng khi để vô dĩa rượu nó chiếu lấp lánh như kim cương.
Từ đó con cháu rất tin tưởng và phát tâm noi theo tấm gương của bà lo tu hành.
(Thuật theo lời: Bành Kim Sơn,
Trần Thị Cưng - con trai, con dâu và các con cháu của bà)