Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 »» 28. NGUYỄN VĂN NĂM (1941- 2016) 75 tuổi »»

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3
»» 28. NGUYỄN VĂN NĂM (1941- 2016) 75 tuổi

(Lượt xem: 926)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 - 28. NGUYỄN VĂN NĂM (1941- 2016) 75 tuổi

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ông Nguyễn Văn Năm sinh năm 1941, nguyên quán Tân Quới - Bình Minh. Song thân là cụ ông Nguyễn Văn Long và cụ bà Lại Thị Tám. Ông đứng thứ Năm trong gia đình có 10 anh em.

Khi tuổi trưởng thành, ông lập gia đình, sinh được hai người con. Chẳng bao lâu bà mất.

Sau đó ông kế phối với bà Tạ Thị Bé, sinh được 3 người con trai, 6 người con gái. Năm 1985, gia đình dời về cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long, làm ruộng rẫy để sanh nhai.

Tính tình ông rất hiền, thương người. Ai rủ làm các việc từ thiện ông đều tham gia và còn động viên bà làm theo, như cho tiền người nghèo khổ...

Trước đó gia đình ông chỉ biết đi chùa cúng dường cầu phước. Đến ngày mùng 5 tháng chạp năm 2013, thầy Giác Nhàn về địa phương này thuyết giảng Phật Pháp, người con gái Út của ông bắt đầu biết đến Pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh, và từ đó cô hướng dẫn cho gia đình niệm Phật, tụng kinh Vô Lượng Thọ nguyện sanh về Tây Phương, nhưng riêng ông chưa tin lắm, ông nói:

- Chỉ có những người tu, người ta không có sát sanh, không có làm tội thì người ta mới được vãng sanh, mới được gặp Phật. Còn ba,... ba làm nhiều tội lắm, sát sanh nhiều lắm (ông biết câu cá, bắt chuột, bắt ếch... từ 9 tuổi cho đến bốn mươi mấy tuổi, vì kiếm tiền nuôi con) làm sao mà gặp Phật được! Thôi, bây giờ ba niệm Phật, ba tụng kinh là bởi vì ba có bịnh, ba nương nhờ tiếng niệm Phật tụng kinh này để bớt bịnh, hết bịnh thôi hà!

Lúc khỏe, khi chưa đến với pháp môn niệm Phật, ông thích tụng nhiều kinh, đọc nhiều sách, nhưng rất là cố chấp, đụng đâu dính đó, chấp dữ lắm. Dần dà, ngày qua ngày nhờ thâm nhập Phật Pháp nên ông buông xả, khi buông thì buông sạch sẽ!

Ông rất thích phóng sanh, có bao nhiêu tiền là đem phóng sanh hết, hơn hai năm cuối đời ông rất siêng năng niệm Phật, tụng kinh Vô Lượng Thọ.

Ngày 23 tháng chạp năm 2013, ông lâm bệnh nặng hấp hối, gia đình nghĩ ông sẽ ra đi. Vậy mà khi cả nhà phát tâm tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho ông 3 đêm, thì ông tỉnh lại, khỏe mạnh bình thường, bệnh không còn hành hạ dằn vặt như trước, ông sống rất thoải mái và vui vẻ với con cháu, hoàn toàn không còn đi bệnh viện nữa.

Từ đó ông bắt đầu tin rằng ăn chay, phóng sanh, niệm Phật, tụng kinh sẽ làm cho mình khỏe mạnh, sống thọ với con cháu nhiều hơn (vì ông rất sợ chết). Cũng từ đó, ông bắt đầu tinh tấn niệm Phật, tụng kinh mỗi ngày 6 thời, mỗi thời khoảng một tiếng rưỡi, duy trì được 2 năm. Buổi sáng 4 giờ, ông thức dậy niệm Phật, 9 giờ thì ông tụng kinh, đến 11 giờ trưa thì ông niệm Phật, cứ thế xen kẽ nhau trọn 6 thời!

Đến còn hai tháng cuối đời, ông bị nghiệp khảo đòi ăn thức ăn mặn cho khỏe, mặc dù ông đã ăn chay trước đó 1 năm rưỡi, không ai khuyên can ông được hết, ông quả quyết: “Tao không biết chết tao đi về đâu, miễn sao thời gian còn sống tao khỏe là được rồi! Còn chết xuống muốn đi đâu thì đi!”

Thấy thế cô Út lo lắng lắm, cô viết tên ông để trên bàn thờ Phật A Di Đà, mỗi ngày hai thời cô tụng kinh niệm Phật xong thì cô hồi hướng cho ông và cầu nguyện Phật A Di Đà chuyển hóa tâm Bồ Đề cho ông, để ông tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh chứ không phải niệm Phật cầu hết bịnh, khỏe lại. Quả thật thấy biết sai lầm đã đưa chúng sanh trầm luân nơi biển khổ sinh tử vô lượng vô biên kiếp, rất đáng ghê đáng sợ, như lời khai thị của Cổ Đức:

“...Được giải thoát là điều trên hết,
Còn luân hồi phải chết chóc luôn;
Luống công bọt nước đóng khuôn,
Giả thân kết cuộc cũng hườn giả thân.
Phải tỏ ngộ đường trần mới dứt,
Được hết mê bến tục mới rời;
Mê là gốc khổ con ơi!
Còn mê thiên hạ chưa thời nào vui.
Bởi mê mới làm tôi thị dục,
Nếu ngộ đâu tùng phục lòng tà;
Dục tà đều hại người ta,
Dục là thống khổ, tà là trầm luân.
Dục thường vì xác thân khởi xướng,
Tà thường vì vọng tưởng gây ra;
Cả hai đều thứ mắt lòa,
Lợi gần thì thấy, hại xa không tường.
Gần dứt thở trên giường chưa biết,
Bảo vợ con nối tiếp đường lầm;
Vì tình mà thọ cảm tâm,
Vợ con rồi cũng lũi lầm theo luôn.
Nghiệp cha mới vừa buông con bắt,
Hết cháu rồi lại chắt nối truyền;
Cứ như thế đó lưu liên,
Gây nên một khối thảm duyên nhiều đời.
Cha mẹ chết con rơi nước mắt,
Con chết thì cháu chắt khóc ròng;
Vợ thì chan chứa vì chồng,
Chồng thì vì vợ đôi dòng lệ rơi.
Nước mắt ấy từ đời vô thỉ,
Bốn biển to đem ví không bằng;
Sanh ly tử biệt vô ngằn,
Dây oan đáng sợ nợ trần đáng ghê.
...Người đã bước chân vào cửa Phật,
Hoặc giả là có đọc giảng kinh;
Giống lành xưa đã phát sinh,
Cũng nên tiếp tục tu hành chớ buông.
Số nhơn loại hằng muôn triệu ức,
Nhưng được nghe kinh Phật ít người;
Không duyên khó gặp con ơi!
Gặp rồi lại bỏ là đời quá mê.
Kinh kệ vốn là chìa khóa ngục,
Chúng sanh là kẻ nhốt trong tù;
Xem kinh mà chẳng chịu tu,
Như chìa khóa có mà tù không ra.
Trai lạt mặc dù là khó nuốt,
Giới răn tuy là việc khó gìn;
Đó là phương pháp vãng sinh,
Nên gìn giữ trọn chớ quên ngày nào.
Trai giới ấy hàng rào ngăn tội,
Người tu hành cần phải giữ mình;
Chừng nào toàn giác toàn minh,
Tự nhiên trai giới trong mình có luôn.
Đạo chớ tưởng là đường dễ gặp,
Kinh khởi tâm muốn đọc khó thay;
Có người đọc sách liền tay,
Nhưng không hề đọc một bài kệ kinh.
Kinh kệ thấy lòng mình muốn đọc,
Đã có duyên với Phật xưa rồi;
Dịp này nếu để cho trôi,
Sẽ là khó kiếm việc hồi thiện tâm.
Trước dù đã có làm tội lỗi,
Nay thật lòng cải hối ăn năn;
Tội kia liền được tiêu tan,
Như là rừng củi lửa xăng châm vào.
Việc thành đạt lâu mau tại chí,
Cương quyết hay là chỉ lưng chừng;
Dù không tu ở tiền thân,
Mà nay cương quyết tu cần cũng nên.
Người năm trước đất quên không cấy,
Nhưng năm nay ruộng lại mở to;
Tất là được lúa đầy kho,
Kẻ làm năm trước đem so kém gì.
Lấy đây để xét suy tất biết,
Người tu đừng phân biệt trước sau;
Tu lâu mà chẳng chùi lau,
Đâu bằng kẻ mới bước vào siêng năng.
Thỏ tự ỷ mau chân nằm ngủ,
Đâu bằng rùa lụ khụ bò đi;
Niệm lia chỉ được một thì,
Thua người mỗi bữa nhớ trì ít câu.
Sự bền chí là đầu câu chuyện,
Không nhẫn kiên tu luyện khó thành;
Có hành hay chẳng chịu hành,
Chớ đừng chấp lấy cái danh bề ngoài.
Cố đi mãi đường dài rút ngắn,
Còn nghỉ luôn lộ cận hóa xa;
Nên hư bởi tại mình ra,
Chớ nên đổ lỗi rằng là tại ai.
...Khổ sinh tử đọa đày bao kiếp,
Giờ tỉnh ra đừng tiếp tục đeo.
Hồng Danh dính chặt như keo,
Khổ đau sinh tử hiểm nghèo vỡ tan.
Liên đài rực rỡ phóng quang,
An vui giải thoát thanh nhàn thiên thu!”

*****

Còn một tháng rưỡi trước khi mất, cơ thể ông suy nhược trầm trọng, cô Út chở ông đi khám ở bệnh viện Hoàn Mỹ. Cô chỉ dẫn và nói với ông:

- Ba ơi! Ráng niệm Phật để hồi hướng công đức...!

Ông cụ ngắt lời:

- Có! Có chứ! Nhưng mà... ba không muốn chết bây giờ đâu! Ba muốn sống đến 80 tuổi ba mới chịu! (bởi vì khi xưa ông sống rất cực khổ nuôi con cái, còn bây giờ nhà cửa có, con cháu đi Mỹ, tiền bạc có, ông muốn hưởng thụ, chưa muốn chết).

Có lần cô nói cho ông biết bịnh của ông Ba Hựu đã nặng lắm rồi và ông Ba đã quyết định chỉ niệm Phật cầu vãng sanh thôi chớ không cầu sống thêm nữa. Nghe xong ông nói:

-Ừ! Chú Ba sống từ xưa tới giờ... chú khỏe hơn ba nhiều lắm! Bây giờ chú đã gần 94 tuổi rồi... Mà... chú Ba bịnh như vậy thì... chú Ba đi cũng được!

Cô con gái ngạc nhiên:

- Ủa! Sao ba nói vậy? Tại sao ba nói là ba muốn sống nhiều... nhiều nữa, mà tại sao ông Ba như vầy ba nói là đi được!

Ông nhanh nhẹn đáp:

- Ừ! Thì... chú Ba cũng lớn tuổi rồi! Nhưng mà ba mới bảy mươi mấy thôi, ba chưa sống được như chú Ba, 94 tuổi!

Tính của ông khi bịnh rất là khó khăn, đòi hỏi chăm sóc giống kiểu như người giàu, có khi bắt đấm bóp suốt cả đêm. Nhiều lần cô Út khuyên ông niệm Phật cầu vãng sanh nhưng ông không chấp nhận. Thỉnh thoảng cô nhờ cô Bảy (tức con của ông Ba) đến khuyên ba của mình giùm, vì ông thích nghe cô Bảy nói chuyện lắm. Trước khi ông Ba Hựu mất 3 ngày, cô Bảy có đến thăm ông, kể cho ông nghe về sự niệm Phật tinh tấn của cha mình đến độ tóc bạc chuyển sang thành đen, ông vui mừng tin tưởng và nói:

- Thôi! Về nói với chú Ba, vài bữa nữa chú Ba vãng sanh thì... đi trước đi, rồi tui làm đệ tử chú Ba, tui đi theo sau!

Ngày ông Ba Hựu mất, người con rể vô tình nói với ông:

- Ba, ông Ba ở đằng đẳng mất rồi!

Ông im lặng một hồi lâu. Cô Út thấy vậy liền trách chồng:

- Sao anh nói chuyện đó làm chi?

Ông liền phản ứng:

- Sao vậy?

Cô con gái trả lời:

- Con sợ ba nghe, rồi... ba hốt hoảng, ba sợ!

Ông trả lời:

- Hổng sao đâu! Ba không có sợ đâu! Tới lúc thì cũng đi thôi! Phật rước thì phải đi thôi!

Sau khi dự tang lễ từ nhà ông Ba Hựu về, cô con gái ngồi dưới bên chân ông kể lại tự sự, và cất tiếng hỏi ông:

- Ba! Bây giờ ba tin chưa? Con đã thấy rồi, Ban Hộ Niệm niệm Phật cho ông Ba thoại tướng rất là đẹp, các khớp xương đều mềm mại và miệng mỉm cười... Ông Ba chắc ăn đã vãng sanh một trăm phần trăm rồi đó!

Ông vội nói:

- Chú Ba vãng sanh! Như vậy, là... chú Ba đã thành Phật rồi hay sao?

Cô con gái trả lời:

- Dạ, về làm Bồ Tát trên cõi Phật, chứ chưa phải là thành Phật, về trên trển mình tiếp tục tu thêm, thưa ba!

Cô lại hỏi ông:

- Vậy là ba tin chưa?

Ông trả lời:

- Ba tin rồi đó! Ba thấy chú Ba như vậy ba tin rồi!

Đi thiêu ông Ba Hựu xong, qua ngày sau, gần 9 giờ sáng, ông đang nằm trên ghế bố nhìn ra cửa, ông nói với bà vợ:

- Sao tự nhiên tôi thấy trong người nó khó chịu quá, bà ơi!

Bà vợ trả lời:

- Khó chịu! Vậy để chở ông đi bệnh viện nghen?

Vì mấy đợt trước ông mệt hơi hơi là ông bắt buộc đưa đi bệnh viện liền, bởi ông rất sợ chết, vậy mà bữa nay ông không chịu đi, ông nói:

- Thôi! Không đi bệnh viện nữa! Đi... sống hoài thấy cũng mệt mỏi quá hà! Bây giờ... chuyến này vãng sanh luôn!

Mấy lần trước ông cũng có nói như vậy, nhưng mà ông làm không được, khi lên cơn mệt quá ông sợ chết, cuối cùng cũng bắt các con đưa vào bệnh viện nằm, vì ở bệnh viện có bác sĩ chăm sóc ông sẽ an tâm bớt sợ chết hơn. Chàng rể nghe vậy biết ý, nên đùa ông:

- Chèn ơi! Ba nói như vậy chứ một hồi ba đòi đi liền bây giờ nè!

Tự nhiên ông cũng đang nhìn ra cửa và nói:

- Thôi đi! Cho tôi xin 6 ngày nữa đi..., cho tôi xin 6 ngày nữa... rồi tôi đi!

Bà vợ ngạc nhiên nhưng cũng đùa theo:

- Chèn ơi! Làm gì mà xin 6 ngày? Ông muốn trăn trối cái gì, muốn làm cái gì thì ông nói đi, tui làm luôn cho chứ xin 6 ngày làm gì?

Cô Út liền tiếp lời:

- Thôi ba ơi! Mùa hè năm nay là chị Tuyền (người con ở Mỹ) về rồi! Ba ráng đi! Ráng đợi chị Tuyền về chơi với ba rồi ba đi cũng được!

Chàng rể phụ họa thêm:

- Thôi đi ba ơi! Ba sống với tụi con 80 tuổi lận! Ba chưa đi bây giờ đâu!

Ông mặt vẫn nhìn chăm chăm ra cửa để nói, như đang nói với ai ngoài cửa chứ không phải nói với người trong nhà:

- Không! Tôi xin 6 ngày nữa thôi hà! Tôi... sáu ngày nữa tôi đi!

Nghe ông nói như vậy nhưng cả nhà không ai tin, vì hằng ngày ông nói chơi nhiều quá nên cho qua không để ý đến. Tối lại khoảng 12 giờ khuya, ông bị mệt, bà vợ năn nỉ đi bệnh viện ông cũng không chịu đi.

Sáng ra khoảng hơn 4 giờ sáng, cô Út sửa soạn đồ định chở ông đi bệnh viện, cô nói với ông:

- Ba ơi! Để con gọi taxi đến rồi con với anh Hùng chở ba đi bệnh viện Hoàn Mỹ nghen!

- Không! Ba không đi nữa! Ba sống như vầy đâu có sung sướng gì đâu! Bịnh hoạn tối ngày đâu có hưởng thụ được gì đâu! Giờ ba không đi nữa, ba quyết chí rồi, ba vãng sanh chứ ba không đi bệnh viện!

- Ba đừng nói chơi với con! Thôi kệ ráng đi, đặng đợi chị Tuyền về chơi với chị Tuyền nữa rồi hả tính!

Ông vẫn nói:

- Không! Bây giờ ba không chịu đi bệnh viện nữa! Ba quyết chí không đi bệnh viện nữa!

Từ giờ đó cho đến 10 giờ sáng ngày 23 ông không đi tiểu được, ông không chịu ăn sáng, cô Út năn nỉ đi mua phở mặn cho ông ăn, ông không chịu và hỏi:

- Hôm nay là ngày mấy rồi?

- Dạ, bữa nay là ngày 23 rồi, thưa ba!

- Vậy hả! Vậy sẵn bữa nay ngày chay, ba ăn chay lại luôn, ba không ăn mặn nữa!

Vì ông đã trở đũa một tháng rưỡi rồi, nên bà vợ nghe vậy liền chen vào:

- Thôi đi, ông ơi! Ông đang... không được khỏe mà ăn chay cái gì! Ăn không ngon miệng rồi mất sức nữa! Thôi ăn mặn đi! Ráng chừng nào khỏe thì ăn chay lại!

Ông không chịu và đáp:

- Không! Bữa nay tui ăn chay!

Cô Út nghe theo, liền mua hủ tiếu chay cho ông ăn, ăn được vài đũa thì ông không ăn nữa, thấy vậy cô pha sữa đem lại cho ông uống.

Đúng 10 giờ ông kêu cô Út:

- Lành ơi! Lại đây ba tính cái này!

Cô Út đi lại nhưng trong bụng nghĩ ông đã đổi ý muốn đi bệnh viện nên cô hỏi ông:

-Bây giờ ba muốn đi bệnh viện rồi, phải không?

-Không! Ba tính như vầy nè, ba không muốn làm phiền tụi con nữa, ba làm phiền tụi con nhiều lắm rồi! Thôi bây giờ con nói hết với chị em tụi con tập trung lại niệm Phật cho ba đi! Ba còn có mấy ngày nữa hà, thôi ráng lo cho ba lần cuối đi! Niệm Phật cho ba đi, một thì ba sống khỏe lại; hai thì ba vãng sanh theo chú Ba luôn!

Cô con gái hỏi lại:

- Ba quyết ý chưa?

Ông khẳng định:

- Ba quyết ý rồi!

- Ba có chắc ăn là ba niệm Phật vãng sanh luôn không?

- Ba chắc ăn rồi!

- Ba có biết niệm Phật vãng sanh là như thế nào không?

- Biết chứ! Là chết đó!

- Đúng! Là chết, là ba... bỏ má, bỏ con, bỏ nhà cửa gia đình này hết, ba ra đi một mình thôi! Ba không còn ở đây nữa!

Ông nói trong khi đang mệt mỏi:

- Ba biết mà!

Cô Út nói tiếp:

- Nếu vậy thì bây giờ tụi con lo cho ba! Nhưng mà tụi con chỉ niệm Phật để trợ duyên cho ba thôi, còn cái chính là ở nơi ba... ở tâm của ba. Ba phải tinh tấn, phải tin tưởng thật sâu chắc! Là phải tin có Phật đến rước ba, chứ ba không được nghi ngờ. Nếu còn một chút xíu nghi ngờ, thì không có tốt!

Ông gật đầu, nói:

- Ba chịu!

- Nếu Ba chịu... vậy thì, để con nhờ cô Bảy liên hệ với Ban Hộ Niệm của cô Diệu Phước, mới có đủ lực để mà giúp ba vãng sanh thôi, chứ còn tụi con không có đủ lực!

Ông thật thà hỏi:

- Nhưng mà không biết Ban Hộ Niệm của cô Diệu Phước có chịu nhận hộ niệm cho ba hay không? Tại vì chú Ba biết ăn chay trường, biết niệm Phật, biết pháp môn Tịnh độ sâu nên được người ta giúp! Còn ba... Ba không biết gì hết, cô Diệu Phước có chịu nhận hộ niệm cho ba không?

Cô Út trả lời:

- Chắc ăn là nhận! Cô Bảy đã lên tiếng rồi, cô cho biết là cô Diệu Phước chịu, nhưng nếu mà ba chịu, gia đình mình phải hoàn toàn bàn giao ba cho người ta hết!

Ông nhanh nhẹn đáp:

- Ba chịu! Con nói với mấy chị của con đi, bàn giao cho người ta hết đi! Ban Hộ Niệm sắp xếp như thế nào thì mọi người trong nhà phải làm y theo thế nấy!

- Vậy là ba chịu rồi nghen! Vậy để con đi liền!

Cô xoay sang nói với bà:

- Thôi, bây giờ má ở nhà lo cho ba đi! Để con đi lại cô Bảy một chút xíu!

Bà vợ nắm tay cô lại hỏi:

- Vậy là phải mời người ta luôn ngay bây giờ hả Lành?

Cô đáp:

- Giờ ba đã chịu rồi, mình phải mời người ta luôn má ơi!

Nghĩ đến chuyện ra đi, bà vợ tiếc nuối nghẹn ngào:

- Phải đến vậy hả Lành?

Cô nhẹ nhàng:

- Phải thôi má ơi, giờ đây con thấy ba yếu lắm rồi!

Chiều ngày 27 tháng 11, ông cụ ăn không được, đi tiểu không được, cô con gái thấy để ông ở nhà cô rất đau lòng nên nhiều lần cô năn nỉ chở ông đi bệnh viện nhưng ông nhất quyết không chịu. Cô mời bác sĩ đến nhà cũng không mời được, thấy tình hình của ông ngày càng yếu, cô Út điện thoại nhờ cô Diệu Phước khai thị trợ duyên cho ông, cô Diệu Phước thấy ông còn ngồi nói chuyện khỏe, tỉnh táo bình thường nên nghĩ ông chưa đi.

Từ đó đến 4 giờ chiều ông cụ cứ hỏi và hối Ban Hộ Niệm đến hoài. Ông cụ mệt nhiều nhưng không chịu thở oxy, không chịu phun thuốc, không chịu ăn uống gì hết, vì ông sợ dùng những thứ này thì Phật sẽ không rước ông.

Trong gia đình buông bỏ mọi việc tập trung niệm Phật xuyên suốt cho ông. Mặc dù ông thở rất mệt nhưng vẫn tha thiết niệm Phật lớn tiếng theo. Gần 6 giờ chiều ông lại hối mời Ban Hộ Niệm đến nhanh nhanh cho ông, trong khi đó họ đang trên đường từ Sài Gòn về chưa tới.

Đúng 7 giờ 15, cô Diệu Phước cùng 3 người nữa về đến nơi. Cô trưởng ban ngồi bên cạnh hỏi tên tuổi pháp danh, ông cụ đều trả lời đúng hết, rồi cô hỏi:

- Ông Năm ơi! Giờ ông chịu vãng sanh không?

Ông đáp lớn:

- Dạ, chịu!

Cô lại hỏi tiếp:

- Giờ ông vãng sanh gặp Phật ông chịu không?

Ông tha thiết:

- Dạ, chịu!

Cô cầm tấm hình đức Phật A Di Đà, chỉ cho ông nhìn, và nói:

- Ông biết Phật, ông gặp Phật nào không? Ông Năm nhìn vô đây nè! Là cái ông mặc áo màu này, có hình dáng này nè! Khi ông Năm đi có vị Phật này đến rước ông Năm đi, ông Năm chịu không?

Ông vẫn trả lời:

- Dạ, chịu!

Thấy ông cụ hơi mệt cô trưởng ban xoay sang hỏi gia đình thì biết được từ sáng đến giờ ông cụ không chịu ăn uống, không chịu dùng thuốc gì cả chỉ tinh tấn niệm Phật. Ông cũng còn tỉnh táo, đỡ ngồi lên, nằm xuống và đi tiểu vẫn còn được (ông không chịu tiểu tiện trước bàn thờ Phật, bắt con cháu dìu đi chỗ khác mới chịu). Cô trưởng ban lại đề nghị với ông:

- Thôi giờ ông Năm ơi! Ông Năm đi bệnh viện nghen!

Ông liền nạt ngang không chịu đi. Cô trưởng ban lại nói:

- Thôi, bây giờ ông Năm không chịu đi bệnh viện thì ông Năm phun thuốc, ông Năm phải uống sữa, ăn vô để cho có sức rồi mới niệm Phật!

Ông trả lời:

- Không được! Phun thuốc, uống thuốc, ăn như vậy hoài thì Phật đâu có rước!

Cô giải thích:

- Không! Ông cụ ăn uống bình thường đàng hoàng khỏe đi, rồi Phật mới rước! Phải niệm Phật đâu đó đàng hoàng thì Phật mới rước!

Nghe cô nói vậy ông đồng ý, cô đút ông ăn được ba muỗng cháo thì ông không chịu ăn nữa, cô hỏi:

- Sao vậy? Sao ông Năm không chịu ăn nữa?

Ông trả lời:

- Không! Ăn no Phật không có rước đâu!

Đến 9 giờ thì Ban Hộ Niệm đi nghỉ, gia đình thay phiên trực ông, thỉnh thoảng ông nằm đếm số (thói quen hằng ngày nếu ông không ngủ được thì ông đếm số từ 1- 100 để ngủ), cô con gái vỗ nhẹ vào má nhắc ông niệm Phật thì ông mới cất tiếng niệm Phật lớn theo, cứ thế từ 11 giờ cho đến 2 giờ khuya.

Lúc 1 giờ khuya, ông bị đau và bứt ngặt khó chịu, cô Út vừa xoa bóp, vừa niệm Phật, vừa cầu nguyện sám hối oán thân trái chủ cho ông. Đến gần 2 giờ khuya thì ông không còn đau nữa, hơi thở đứt khúc, lúc niệm lúc ngưng, nhưng ông vẫn mở mắt ráng niệm Phật ra tiếng theo mọi người, mặc dù không còn phát âm rõ nữa, hai chân ông cũng giữ im bất động không như trước đó cứ lúc lắc hoài.

Đúng 2 giờ ông nằm nhắm mắt, muốn vào trạng thái hôn mê, cô Út nhắc ông niệm Phật thì ông mới mở mắt ra, niệm Phật theo. Rồi cứ như thế ông niệm càng nhỏ và yếu dần, thấy tình hình ông sắp ra đi mọi người đồng tập trung hộ niệm cho ông.

Cô trưởng ban luôn nhắc ông:

- Ráng nghen ông Năm! Ráng nghen ông Năm! Ông cụ ráng mở mắt ra nhìn ông Phật này nè! Ông cụ chỉ đi theo Đức Phật A Di Đà, chứ không được đi theo ai hết, nghen ông cụ!

Mặc dù rất đuối, ông vẫn ráng mở mắt ra nhìn Phật và niệm Phật, ông nhép môi niệm ra tiếng theo mọi người nhưng âm thanh rất nhỏ, và lực không đủ mà bị ngắt quãng, ngưng ở khoảng giữa chữ Di và chữ Đà. Trải qua 5 phút, môi ông đang niệm vừa xong chữ Phật thì bỗng nhiên dừng lại, rồi ông an tường trút hơi thở cuối cùng, đúng như 6 ngày trước ông đã xin mọi người giúp hộ niệm cho ông! Lúc ấy là 3 giờ sáng, nhằm ngày 28 tháng 11 năm 2016. Ông hưởng thọ 75 tuổi

*******

Hộ niệm đến 4 giờ chiều thăm thoại tướng, các khớp xương rất mềm mại, toàn thân đều lạnh, duy còn hơi ấm ở đỉnh đầu, gương mặt hồng hào đẹp hơn hẳn lúc sinh tiền.

(Thuật theo lời cô Nguyễn Thị Ngọc Lành, con gái Út của ông
và một số đồng đạo)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 36 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


Vì sao tôi khổ


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.242.96.240 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...