Bà Huỳnh Thị Lệ sinh năm 1951, nguyên quán ở Cả Chiên, Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Song thân là cụ ông Huỳnh Hồng Châu và cụ bà Đào Thị Huê. Bà chỉ có một em trai duy nhất.
Năm lên 19 tuổi bà kết hôn với ông Lê Văn Hùng, sinh được 2 người con, 1 trai 1 gái. Gia đình bà sống bằng nghề buôn bán đồ nhựa và dụng cụ gia dụng, như: dao, kéo... tại chợ Óc Eo, định cư cách chợ vài trăm mét, số nhà 64, tổ 3, ấp Tân Vọng, Xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Tính tình bà vui vẻ hoạt bát nhưng chân thật hiền hòa.
Bà thường dạy con: “Sống ở đời mình cần phải ăn ngay ở thật, buôn bán cần phải thật thà với khách hàng, không nên gian dối.”
Đối với làng xóm bà chưa từng mích lòng một ai.
Mọi công tác từ thiện xã hội bà đều tích cực tham gia ủng hộ, tùy hỷ đóng góp bằng khả năng hiện có của mình.
Năm 2013 (lúc bà 62 tuổi), nhờ cô con gái thứ Hai của bà mang kinh sách và các băng đĩa Phật Pháp về nhà, nên những buổi trưa vắng khách bà thường xem nghe, nhất là các phẩm Thi Văn Giáo Lý và các đĩa về pháp môn Tịnh Độ, rồi bà phát tâm ăn chay mỗi tháng 4 ngày, ít lâu sau tăng lên 10 ngày. Cũng từ đó bà trở nên trầm ngâm ưu tư nhiều hơn, ít nói cười, ít hoạt bát như trước. Vả lại trong người bà có bệnh nhưng bà giấu, không muốn cho chồng con biết mà sanh thêm bao nỗi lo lắng rối ren.
Cũng từ đó bà hai thời lễ niệm, mỗi ngày bà đọc bài kệ phát nguyện vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ, bài kệ đó như sau:
Nguyện sanh Tây Phương tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhất thiết.
Ngã đẵng dữ chúng sanh,
Giai cộng thành Phật đạo.
******
Một năm sau bệnh bắt đầu hoành hành nhiều, toàn thân đau nhức dữ dội, người nhà đưa bà vào Bệnh Viện Đa Khoa Thoại Sơn, bác sĩ cho biết bà bị bệnh tiểu đường đã biến chứng qua nhiều bệnh khác rồi, và cũng khuyên bà cùng gia đình thôi hãy an phận đi!
Sau đó ít lâu, vào chiều ngày 13 tháng 4 năm 2014 bà bị hôn mê, gia đình xúm lại niệm Phật, đồng thời cũng mời đồng đạo đến niệm Phật và cầu nguyện cho bà.
Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ bà tỉnh lại, bèn nói với cô Hai:
- Con ơi! Sao nhà mình đông người ta quá?… Mà toàn là con nít không hà!
- Không được rồi! Oan gia đến đòi nợ mẹ rồi đó!
Cô Hai liền cấp tốc liên hệ mời Ban Hộ Niệm của chú Tư Xã đến nhà cầu an và cộng tu.
Trước khi tiến hành cộng tu, chú Tư trưởng ban đã nói chuyện với bà đại để như sau:
-…Chị Hai ơi! Ở cõi Ta Bà đã mang lấy xác thân tứ đại đất nước gió lửa mấy chục ký lô này, ai rồi cũng phải già, rồi cũng phải bệnh, rồi cũng phải chết hết, chứ không ai tránh khỏi! Ai cũng phải thọ nhận vô lượng những khổ đau. Muốn ăn, muốn mặc phải làm lụng vất vả lắm mới có ăn, buôn tảo bán tần, làm hết việc này việc nọ mới có ăn. Đôi khi làm lụng cực khổ, đầu tắt mặt tối mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lâm cảnh thiếu nợ thiếu nần, bị người ta mắng nhiếc, xài xể, miệt thị, khinh khi… đủ thứ; còn nơi thế giới Cực Lạc thân bằng liên hoa hóa sanh, vì vậy mà trẻ mãi không già, khỏe hoài không đau, sống hoài không chết. Khi muốn ăn thì có ăn, muốn mặc thì có mặc: “Cuộc y thực muốn chi đủ thứ; Không nhọc nhằn lo việc sanh nhai. Trí yên nhàn nhìn cảnh Phật Đài; Khỏi quả khổ mưu cầu bất đắc”, và: “Trông chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu; Về Cực Lạc mới là hết khổ!”
Điều cần biết là con người ai cũng phải chết, nhưng chết không phải là hết. Chết chỉ là chấm dứt một giai đoạn nghiệp báo của thân này để đổi một tấm thân kia, rồi từ thân kia đổi qua một thân kia nữa… Mà từ đời vô thỉ cho tới bây giờ chúng ta đã sanh ra và chết đi, thay thân đổi xác không biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng tùy thuộc nghiệp nhân lúc còn sinh tiền mà mình đã gieo: nếu không tu, hễ lo tạo ác thì khi đầu thai lại kiếp sau sẽ phải thọ quả báo nghèo khổ, đói rách, tàn tật… Còn hễ tạo thiện thì khi đầu thai lại kiếp sau sẽ hưởng phước giàu sang sung sướng. Nhưng cả hai đều mắc trong vòng sanh tử luân hồi; nếu chịu phát tâm tu, chuyên niệm Phật, khi vãng sanh Tây Phương, thì sẽ không còn luân hồi sống chết nữa, và được an hưởng mọi sự sung sướng cho đến khi mình thành Phật thôi!
Tóm lại con người sau khi chết có hai con đường để đi: Một là chết rồi theo quỷ vô thường dắt xuống Diêm Đình, mình làm phước thì hưởng phước, tạo tội thì thọ khổ: “Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác; Quỉ vô thường dắt xuống Diêm Đình. Sổ sách kia tội phước đinh ninh; Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ.”; Hai là chết rồi theo Phật A Di Đà về thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát sinh tử luân hồi, hưởng thọ vô lượng an vui, vô biên khoái lạc cho tới ngày chứng quả Vô Thượng Bồ Đề: “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc; Hưởng công niệm Phật rất yên lành.”
Sau khi phân tích hai cõi khổ vui xong, chú Tư mới hỏi bà rằng:
- Đó! Bây giờ chị muốn đi đường nào? Chị muốn sau khi chết theo quỷ vô thường dắt xuống Diêm Đình; hay là, sau khi chết đi theo Phật A Di Đà về Tây Phương thế giới? Chị cho chúng tôi biết thử coi!
Bà trả lời:
- Thôi, cho tôi theo Phật A Di Đà!
- Ừ! Theo Phật A Di Đà, vậy là quá tốt! Ai dại dột gì đi theo quỷ vô thường, phải không chị?
Nhưng, muốn theo Phật A Di Đà thì phải có điều kiện. Cũng như chị muốn đi Long Xuyên hay Sài Gòn thì chị phải có tiền. Nếu chị không có tiền mua vé xe thì ai mà cho chị lên xe đi, phải không?
Thì cũng giống y như vậy, chị muốn theo Phật A Di Đà để về Cực Lạc thì phải có điều kiện. Mà xét thấy điều kiện này chị dư sức làm được: “Nếu như ai cố chí làm lành; Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật Quốc.” Chúng tôi đi hộ niệm rất nhiều người đã được vãng sanh nhờ thực hành đúng theo hai câu kệ này. Hiện giờ chị đang nằm bệnh như vầy thì cố chí làm lành là phát nguyện chay trường. Điều này chị có dám làm không?
- Dám!
- Còn chuyên niệm Phật, là chị niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật,… chị niệm hoài tới vậy đó.
Khi chị niệm Phật rồi, thì chị phải cầu sanh Phật Quốc, tức là cầu xin Đức Phật A Di Đà rước thần thức chị về Tây Phương. Chị dám không? Dám xin Đức Phật rước không?
- Dám!
- Nếu dám thì chị cứ làm y như vậy đó nghen! Chị làm hoài cho đến ngày hết số thọ mạng, tức là chị chết thì nhất định vãng sanh. Đức Phật A Di Đà phát nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe danh hiệu tôi, hết lòng tin ưa, nếu có điều lành nào, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh về cõi nước tôi, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, tôi thề không thành Phật.” Hay Cổ Đức cũng đã cho biết: “Ví dù sắp chết ngày mai; Bữa nay hối ngộ Liên Đài cũng lên.”
Sau khi khai thị xong, Ban Hộ Niệm đã cộng tu và phát nguyện chay trường cho bà. Chồng và con gái cùng chú rể lẫn cháu ngoại, cả thảy bốn người đều phát nguyện ăn chay để hồi hướng cho bà.
Trải qua suốt 4 hôm liên tiếp thì bà qua cơn tử nạn, khỏe trở lại, lúc này bà có thể đi lại tới lui gần gần trong nhà, đến hôm thứ 9 thì chương trình hộ niệm tạm dừng. Chú Tư trưởng ban đã hướng dẫn cặn kẽ cách thức trợ niệm cho người nhà nắm vững nguyên tắc để khi bất trắc đột ngột xảy ra, trong lúc chưa liên hệ với Ban Hộ Niệm tới kịp, thì cũng có thể tự xoay xở lo liệu lấy. Và chú cũng thường xuyên ghé thăm để khuyến tấn cũng như theo dõi tình thế diễn tiến của bệnh trạng.
Con bà có thỉnh tượng Đức Phật A Di Đà đặt gần giường bà nằm để cho bà thường thường ngắm nhìn, và mở máy niệm Phật xuyên suốt cho bà niệm theo.
Một hôm chú Tư Xã và chú Tư Răn ghé thăm, sau một hồi hỏi thăm an ủi, nhắc nhở, khích lệ, chú Tư Răn mới hỏi bà:
- Bây giờ tôi đưa ra hai điều cho chị chọn nghen!
Điều thứ nhất Đức Phật sẽ độ cho chị hết bệnh luôn.
Điều thứ nhì Đức Phật A Di Đà rước chị về Tây Phương liền bây giờ.
Trong hai thứ chị chọn cái nào?
- Tôi chịu Đức Phật A Di Đà rước tôi về Tây Phương liền bây giờ!
- Ủa! Tại sao cho hết bệnh, mà chị không muốn?
- Hết bệnh rồi cũng phải già, cũng đau, cũng khổ… nữa thôi. Cho nên về Tây Phương vui sướng hơn!
Kể từ đó bà chuyên tâm niệm Phật, xâu chuỗi chẳng rời tay, chiếc máy niệm Phật được mở xuyên suốt ngày đêm. Mỗi tối mọi người trong nhà cùng cộng tu với bà vài mươi phút. Thỉnh thoảng chú Tư ghé thăm để khuyến khích nung đúc, hễ khi nhắc đến chuyện vãng sanh thì bà vô cùng hoan hỷ, gương mặt tươi cười như hoa mùa xuân. Thấy bà niệm Phật tinh tấn như thế chú mừng lắm, chú tin chắc rằng Phương Tây sẽ nở thêm một đóa sen quang minh tỏa sáng, cõi Ta Bà này bớt đi một chúng sinh trầm luân đau khổ!
Như lời khai thị của Cổ Đức:
“Kiếp thống khổ chớ yên chịu khổ,
Cảnh mê ly, đừng có mê ly.
Khôn ngoan hay kẻ ngu si,
Nên tìm con lộ vĩnh kỳ giải oan,
Hối sớm chớ sắp tàn mới hối.
Tu mau đừng gần trối mới tu;
Thân người như tử hình tù,
Phút qua là mỗi phút thu ngắn đời!
Nên cải thiện cho nguôi lửa nghiệp,
Đừng tùng gian khỏi kiếp chìm sâu;
Bởi mê nên lắm đau sầu,
Rán bừng tỉnh để hết câu khổ nàn.
…Chớ ngồi đợi việc hư đến nước,
Mới toan lo khó được toàn thây;
Gặp hùm thì cứ leo cây,
Gặp voi thì cứ chạy quay lòng vòng.
Ngồi than mãi ắt không rồi việc,
Nói không làm đến chết không nên;
Ngày giờ mau lẹ như tên,
Cũng cần tu gấp chớ nên chần chờ.
Nếu đợi đến vào lờ chúng quỉ,
Vạn sự đều hưu hỉ nan phương;
Khá tu chớ có xem thường,
Nay không liệu gấp sau đương không rồi.
…Lành mạnh cũng như hồi bịnh hoạn,
Bình tĩnh không hốt hoảng tinh thần;
Từ trong tâm đến ngoài thân,
Việc nào cũng được xét phân rõ ràng.
Nếu tất cả trong hàng thiện tín,
Giữ được lòng bình tĩnh như trên;
Cõi nào mình muốn siêu lên,
Tức là sẽ được toại nguyền chẳng không.
Tuy dễ được mà không phải dễ,
Vì phần đông những kẻ lâm chung;
Thường hay mê sảng trong lòng,
Ít ai tỉnh đến khi hồn lìa thân.
Biết sắp chết tâm trần chưa bỏ,
Vừa tiếc thương vừa sợ hoảng lên;
Càng thêm buộc cái oan khiên,
Nên càng sớm trở lại miền trần gian.
Gần dứt thở vững vàng trong trí,
Giũ sạch không nhớ nghĩ sự đời;
Chỉ còn lòng nhớ Phật thôi,
Tức thời có Phật đến nơi rước về.
Lòng đại độ tràn trề khắp chốn,
Sức thần thông rộng lớn vô biên;
Chúng sanh vừa dứt phát nguyền,
Thì là có Phật đến liền rất nhanh.
Trong nháy mắt siêu sanh Tịnh Độ,
Khỏi phải cần hành khổ dụng công;
Ấy là giũ sạch bụi hồng,
Trước giây phút trút linh hồn ra đi.
Phát tâm Phật thì qui cõi Phật,
Phát tâm phàm thì rớt cõi phàm;
Phật phàm do chỗ phát tâm,
Tâm nào cõi nấy không lầm một ai.
Chúng sanh muốn sớm ngày giải thoát,
Thì phải nên sớm phát Phật tâm;
Trồng lâu thì rễ ăn thâm,
Đời dù lay lắc khó làm trốc nghiêng.
Biết lo trước là yên vững nhứt,
Để muộn rồi chạy chọt uổng công;
Trong khi muốn lội qua sông,
Những đồ mang gánh lòng thòng bỏ đi.
…Cố gắng bỏ những gì hung ác,
Cố gắng hành cho đạt thiện lương.
Nguyền sanh Tịnh Độ Tây Phương,
Sen mầu ắt tỏa ngát hương nhiệm mầu!”
******
Sáng ngày mùng 7, vào lúc 4 giờ cô Hai cùng với chồng chuẩn bị đến tiệm để lo bán hàng như mọi khi. Bà đang ngồi trên giường, thòng đôi chân xuống đất, bảo cô rằng:
- Con pha cho má một ly cà phê, đi con!
- Má ơi! Mình bệnh đừng nên uống cà phê. Cà phê nó nóng dữ lắm!
- Hổm nay lâu lắm rồi. Sao má nghe hơi thèm!
Cô bèn lui cui lo đun nước, nhưng chưa kịp bắt nước lên bếp, thì nghe bà nói:
- Sao má mệt quá, hà! Ba, bốn cái quạt máy sao nó không có mát. Thôi con lấy quạt giấy cho má đi con!
Cô Hai trong lòng cảm thấy chấn động, bước nhanh đến gần bà, vừa giật cái mùng xuống cho tượng Phật đặt trên đầu tủ lộ ra để bà hướng mắt nhìn, vừa khuyên bà:
- Thôi! Má niệm Phật, má kêu ông Phật A Di Đà rước má đi!
Bà cất tiếng niệm lớn, tới câu Phật hiệu lần thứ 6 thì bà nhờ đỡ nằm xuống. Khi vừa nằm xuống, đồng thời bà cũng nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, lúc ấy đúng 4 giờ 30 phút sáng, nhằm ngày mùng 7 tháng 5 năm 2014. Bà hưởng thọ 63 tuổi.
Gia đình liền liên hệ với Ban Hộ Niệm, nửa giờ sau các đồng tu kéo đến niệm Phật suốt tám tiếng đồng hồ.
Mọi người thay ca nhau trợ niệm, mỗi ca là bốn vị. Khoảng 12 giờ trưa, đang nhiếp tâm niệm Phật, bỗng nhiên bà Sáu nhìn thấy phía trên thi thể người mất có khối ánh sáng hình tròn chiếu ra ba sắc, thời gian tương đối khá lâu, trong lòng bà cứ đinh ninh ngỡ là do ánh sáng của đèn màu tỏa ra, nhưng khi tìm hiểu kỹ lại thì không có bóng đèn nào cả. Đồng thời lúc ấy liên hữu Hoàng thấy trên trần nhà một luồng ánh sáng màu trắng như ngọn đèn pin rọi từ trên rọi xuống thân xác đang nằm bất động, khi đưa mắt ngước nhìn lên thì không phát hiện được gì. Nhưng khép mắt lại tiếp tục niệm Phật chưa dứt câu thì ánh sáng đó lại hực lên thêm một lần nữa.
Tám giờ sau khi mất, thăm thân thì thấy gương mặt bà trở nên cực kỳ xinh đẹp, da mặt trắng, môi hồng như thoa son, khác biệt rất rõ so với hồi còn sanh tiền, các khớp xương đều mềm mại, toàn thân lạnh duy chỉ có đảnh đầu ấm nóng.
(Thuật theo lời cô Trần Thị Phượng,
con gái của bà và đồng đạo Tư Xã)
Một liên hữu cảm kích kính tặng cô mấy dòng thơ:
Cô Hai tu ngắn mặc dầu,
Nhưng luôn tha thiết nguyện cầu vãng sanh.
Chán thân bệnh khổ nhơ tanh,
Ngày đêm một mực chí thành thoát ly.
Ta Bà tạm bợ vui chi,
Cô Hai, cô chẳng mê gì trần dương.
Một lòng mong ước Tây Phương,
Quyết tâm mạnh mẽ phi thường vô song.
Nên cô đã xả cõi hồng,
Thẳng sang Cực Lạc thoát vòng tử sinh.
Nhờ Ban Hộ Niệm nhiệt tình,
Nhờ toàn gia quyến hết mình trợ duyên.
Ai người con thảo cháu hiền,
Xem gương mà rán thề nguyền làm theo.
Để bao khổ ách khỏi đeo!