Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ ba mươi
Nội nhiếp tụng:
Cận viên tùng Bí-sô,
Bán nguyệt thỉnh giáo thọ,
Y Bí-sô tọa hạ,
Kiến quá bất ưng ngôn,
Bất sân ha, lễ thiếu,
Ý hỷ lưỡng chúng trung,
Tùy ý đối Bí-sô,
Tư danh bát tôn pháp.
- Này A Nan Ðà! Ta đã chế tám kính pháp mà Bí-sô ny không được vượt qua. Nếu Ðại Thế Chủ Kiều Ðàm Dy có thể phụng trì tám kính pháp này thì được xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô ny.
Nghe Phật thuyết về tám kính pháp xong, tôn giả A Nan Ðà đảnh lễ Phật từ giã, đến gặp Ðại Thế Chủ, nói:
- Ðại Thế Chủ nên biết, Thế Tôn đã hứa cho người nữ được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Phật, thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô ny. Nhưng Ngài chế định cho Bí-sô ny tám kính pháp không được vượt qua và phải chuyên cần tu học đến trọn đời. Tôi sẽ thuyết minh tám kính pháp của Thế Tôn chế ra, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ.
Ðại Thế Chủ thưa:
- Xin tôn giả nói ra, chúng con đang nhất tâm lắng nghe.
Tôn giả nói:
- Như Thế Tôn dạy, các Bí-sô ny phải tùy thuận theo Bí-sô cầu xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô ny. Ðây là kính pháp thứ nhất không được vượt qua, cho đến trọn đời các Bí-sô ny phải chuyên cần tu học.
Như vậy, tôn giả thuyết minh đến kính pháp cuối cùng.
Sau khi nghe tôn giả A Nan Ðà thuyết minh các kính pháp xong, Ðại Thế Chủ với thân tâm hoan hỉ đảnh lễ phụng trì, bạch với tôn giả A Nan Ðà:
- Ðại đức! Ví như cô gái thuộc gia đình quí tộc trong bốn dòng họ, tắm rửa sạch, thoa dầu thơm, chải sạch tóc móng tay, mặc y phục đẹp mới. Có người dùng hoa Chiêm bát, Ôn bát la ... kết làm vòng hoa đến trao cho cô ấy. Khi thấy đem hoa đến, cô ấy hoan hỉ nhận lấy đặt lên đỉnh đầu. Thưa đại đức! Con cũng như vậy, dùng cả thân, ngữ, ý thọ trì trên đỉnh đầu tám kính pháp của đức Như Lai.
Bấy giờ, Ðại Thế Chủ thọ tám kính pháp cùng năm trăm Thích nữ ngay khi ấy được xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô ny.
Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:
- Như lời Phật dạy, nếu Ðại Thế Chủ thọ trì tám kính pháp, chính là xuất gia, chính là viên mãn giới cụ túc, thành tựu tánh Bí-sô ny. Không biết đối với những người nữ khác thì sự việc ấy như thế nào?
Phật bảo Ô Ba Ly:
- Những người nữ khác theo trình tự cho xuất gia và thọ viên đúng pháp.
Khi nghe dạy như vậy, những người nữ không biết trình tự ấy như thế nào. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Ðại Thế Chủ dẫn đầu cùng năm trăm Thích nữ thọ pháp tôn kính, đó chính là xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô ny. Muốn thọ cận viên, những người nữ khác đều theo trình tự sau:
- Người nữ nào đến cầu xuất gia, phải đến gặp một Bí-sô ny, đích thân lễ kính. Bí-sô ny ấy cần hỏi các chướng pháp. Nếu họ không bị các chướng ngại thì được thu nhận, truyền ba quy y và năm học xứ; trước lễ tôn tượng, sau lễ vị thầy, dạy họ chắp tay thưa:
- Thân giáo sư ghi nhận cho, con là ... kể từ hôm nay cho đến trọn đời xin quy y Phật Ðà lưỡng túc trung tôn; quy y Ðạt Ma ly dục trung tôn ; quy y Tăng già chư chúng trung tôn.
Sư nói:
- Tốt.
Thưa rằng:
- Lành thay!
Tiếp theo là truyền năm học xứ. Thầy dạy họ thưa như thế này:
- Thân giáo sư ghi nhận cho, như các vị Thánh giả A-la-hán trọn đời không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu. Con tên ... kể từ hôm nay cho đến trọn đời cũng không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu như vậy.
Ðây chính là năm chi học xứ của con. Năm chi học xứ này của các vị A-la-hán, con xin luôn luôn học tập, thi hành, thọ trì (nói như vậy ba lần). Xin thân giáo sư chứng tri cho, con là Ô Ba Tư Ca quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ.
Vị thầy bảo:
- Tốt.
Trò thưa:
- Lành thay.
* Duyên xứ tại thành Thất La Phiệt, bấy giờ Thế Tôn khiến cho Ðại Thế Chủ và năm trăm Thích nữ thọ trì tám kính pháp. Ðược Phật cho phép, tức thì họ được xuất gia thọ cận viên thành Bí-sô ny tánh. Nhân đó, ny chúng tiếp tục cho người khác xuất gia thọ cận viên thành Bí-sô ny tánh. Tuần tự như vậy, họ truyền cho người khác xuất gia, làm cho ny chúng hưng thịnh.
Sau đó một thời gian, các Thượng tọa Bí-sô ny đi đến gặp Ðại Thế Chủ Kiều Ðàm Dy, thưa rằng:
- Lành thay! Xin Thánh giả biết cho, Bí-sô ny chúng con xuất gia đã lâu. Các Bí-sô trẻ tuổi khác xuất gia thọ cận viên chưa lâu, nên khiến họ cung kính theo lớn nhỏ.
Nghe họ nói như vậy, Ðại Thế Chủ Kiều Ðàm Dy bảo:
- Này các em, hãy chờ một lúc, tôi đến gặp tôn giả A Nan Ðà hỏi về việc này.
Ðại Thế Chủ Kiều Ðàm Dy liền đi đến gặp tôn giả A Nan Ðà thưa về việc trên. Nghe xong, tôn giả nói:
- Này Ðại Thế Chủ hãy chờ một lúc, tôi sẽ đến bạch Phật.
Ðến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, đứng qua một bên, tôn giả A Nan Ðà thưa:
- Bạch Thế tôn, các vị thượng tọa Bí-sô ny xuất gia đã lâu. Có các Bí-sô trẻ tuổi mới xuất gia thọ cận viên nên khiến họ y theo lớn nhỏ mà cung kính các vị kia, việc này có được không?
Phật bảo A Nan Ðà:
- Ông không nên mở miệng nói việc này. Vì sao? Nếu người nữ kia không xuất gia trong pháp luật thiện thuyết thì khi gặp Bí-sô, các trưởng giả Bà la môn có tín tâm đều mang thức ăn ngon đến cúng dường đầy đủ.
- Này A Nan Ðà, cũng có trưởng giả Bà la môn với tín tâm dùng tấm thảm mới trắng sạch trải trên đường, thưa rằng xin quý vị Sa-môn đi trên tấm này để cho chúng con được lợi ích lớn lâu dài, luôn luôn an lạc.
- Này A Nan Ðà, cũng có các trưởng giả Bà la môn với tín tâm dùng tóc trải trên đất, thưa như thế này:
- Xin quý vị Sa-môn đi trên tóc của con để cho con được lợi ích lớn lâu dài, luôn luôn an lạc.
Lại nữa, này A Nan Ðà, nếu người nữ không xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Ta thì dù cho ánh sáng của mặt trời mặt trăng cũng không che khuất được uy đức của các đệ tử Ta huống chi các loại ngoại đạo khác như thây chết.
Lại nữa, này A Nan Ðà, nếu người nữ không xuất gia, giáo pháp của Ta được thanh tịnh hoàn toàn không uế nhiễm đủ một ngàn năm. Do họ xuất gia nên chính pháp giảm còn năm trăm năm. Thế nên, này A Nan Ðà, Ta khiến Bí-sô ny thọ cận viên đến một trăm tuổi cũng cần phải tôn trọng, chắp tay, nghênh tiếp, cung kính, đảnh lễ vị Bí-sô mới thọ cận viên.
* Duyên xứ như trước. Trong các chúng Bí-sô ny phát sinh những tăng sự về chúng bốn người, chúng năm người, chúng mười hai người. Họ tập hợp hết hai bộ Tăng già, sự vụ thêm nhiều ra làm trở ngại việc giáo thọ, đọc tụng, thiền quán. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Việc của hai chúng khác nhau, chỉ trừ xuất tội, thọ cận viên, và các pháp sự trong nữa tháng v.v ... cần phải cộng tác, ngoài ra đều làm riêng.
Thành Thất La Phiệt có một trưởng giả lấy vợ chưa bao lâu thì người vợ có thai. Ðủ tháng, khi mẹ vừa sinh một bé gái thì cha qua đời. Nuôi con vừa khôn lớn thì người mẹ cũng quá vãng.
Một hôm, nhân đi khuất thực, ny Thổ La Nan Ðà đến nhà ấy. Thấy cô gái, vị ny hỏi:
- Con sống với ai?
Ðáp:
- Thánh giả, con không có nơi nương cậy nên chẳng lệ thuộc ai cả.
Hỏi:
- Như vậy sao không xuất gia?
Ðáp:
- Ai cho con xuất gia?
Ny nói:
- Ta có thể giúp con, hãy đi theo ta.
Theo về đến trú xứ ny, được xuất gia nhưng sau đó vì bị phiền não lôi kéo nên cô này lại hoàn tục.
Nhân đi khuất thực, ny Thổ La Nan Ðà gặp lại cô này, hỏi:
- Thiếu nữ, con sống thế nào?
Ðáp:
- Thánh giả, không có nơi nhờ cậy, con sống rất khổ sở.
Bảo:
- Như vậy sao con không xuất gia lại?
Ðáp:
- Con đã hoàn tục ai cho con xuất gia?
Ny bảo:
- Ta cho phép.
Khi đã xuất gia, cô ta đi khuất thực. Trưởng giả Bà la môn trông thấy, cùng nhau chê bai:
- Các Thích-ca nữ khéo làm chuyện thật tốt! Có lúc xuất gia tu tập phạm hạnh, có lúc lại bỏ đạo trở lại nhiễm vào bụi trần, hành động theo tình ý, thật là việc bậy bạ.
Nghe như vậy, chư ny bạch Bí-sô ; Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Ny hoàn tục có những lỗi như vậy".
Ngài chế định từ nay về sau ny đã hoàn tục không được xuất gia lại. Trưởng giả Bà-la-môn ấy chê bai đúng vì người kia làm tổn giảm chánh pháp của Ta. Thế nên, khi Bí-sô ny xả bỏ pháp phục hoàn tục, không được xuất gia. Nếu cho họ xuất gia lại, Bổn sư bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng sáu trong biệt môn sáu:
Nhân độ Kiều Ðáp Di,
Xuất gia hữu ngũ lợi
Khả ư ngũ chúng nội,
Ha trách tự ưng tri.
* Duyên xứ như trước. Tại Bà La Ny Tư có một trưởng giả tên Cù Ðáp Ma rất giàu có, lấy vợ chưa lâu, mang hàng hóa đi đến thành Ðắc Xoa để giao dịch. Ðến nơi, ông ta vào nhà kia ở lại. Thấy ông ấy đến, trưởng giả chủ nhà ấy tên là Danh Xưng mừng rỡ chào đón mời ngồi. Nhân đó họ quen nhau rồi trở nên thân thiết.
Bấy giờ, Cù Ðáp Ma bán hàng cũ, mua hàng mới rồi trở về xứ mình.
Sau đó, vì buôn bán trưởng giả chủ nhân này đến Bà La Ny Tư và đi vào nhà Cù Ðáp Ma để nghỉ lại. Gặp bạn đến, Cù Ðáp Ma mừng rỡ ngạc nhiên reo lên chào đón nói với nhau những điều thân thiết từ lâu.
Bấy giờ trưởng giả Ðắc Xoa bảo Cù Ðáp Ma:
- Nên làm cách gì để sau khi chúng ta qua đời con cháu chúng ta cùng nhau thân ái không xa lìa?
Cù Ðáp Ma nói:
- Lành thay lời nói này, từ nay chúng ta hãy chỉ bụng kết thân, hai nhà chúng ta nếu sinh nam nữ thì kết thông gia với nhau.
Ðắc Xoa nói:
- Thật tốt, ý tôi cũng như vậy.
Bấy giờ trưởng giả Ðắc Xoa bán vật cũ mua đồ mới chở về xứ mình. Vợ ông ta có thai, đủ tháng sinh một bé trai, tròn hai mươi mốt ngày hội họp thân tộc đặt tên cho bé là Du Phương.
Ở Ba-La-Ny-Tư, Cù Ðáp Ma nghe người kia sinh con trai nên rất vui mừng, suy nghĩ: "Trưởng giả Ðắc Xoa kết thân với ta nay đã sinh nam, ta nên sinh nữ. Cậu bé kia là rể, vậy ta nên gửi y phục và anh lạc để trang sức".
Ông ta sai sứ mang đến cho Ð?c Xoa tặng vật và thư với nội dung:
- Nghe bạn sinh con trai, tôi rất vui mừng, nên gửi y phục đến, mong bạn nhận cho.
Nhận được vật và thư, trưởng giả Ðắc Xoa hồi âm. Nhận được thư, Cù Ðáp Ma ý mong cầu có con gái. Không bao lâu người vợ có thai, đủ tháng sinh một bé gái tuy hình dáng xinh đẹp nhưng gầy thua người thường. Thân tộc tập họp cùng nhau đặt tên. Mọi người bàn nhau:
- Cô này hình dáng mảnh mai, lại là con gái của Cù Ðáp Ma nên đặt tên là Cù Ðáp Ma gầy.
Nghe vị này sinh con gái, trưởng giả kia suy nghĩ: "Bạn ta sinh con gái sao ta lại điềm nhiên, nên gửi y phục anh lạc để bày tỏ sự vui mừng. Cô bé ấy là dâu mới của ta, có gì mà ngại".
Ông ta gửi thư với nội dung:
- Nghe bạn sinh con gái nên tôi rất vui, xin gửi đến y phục anh lạc để bày tỏ sự chúc mừng, mong bạn nhận cho tấm lòng gửi đến.
Sau khi xem thư, người kia báo thư lại:
- Trước đây đã hứa kết thân, nay mới toại nguyện, chờ khi chúng thành nhân sẽ tính chuyện hôn nhân.
Nhận được thư, khi con gái vừa cập kê, Cù Ðáp Ma liền dạy bảo cho có học thức.
Trưởng giả Ðắc Xoa cũng dạy bảo con trai thông thạo các nghề. Trước đây, trưởng giả có tư thông với dâm nữ nên đưa con đến để học âm thư, sách này dạy về chuyện nam nữ tư thông với nhau, những việc riêng tư bí mật trá ngụy khó biết.
Sau một thời gian dài học tập, cậu ta thưa:
- Mẹ ơi, con đã học xong, nay muốn về nhà.
Người mẹ ấy bảo:
- Con hãy học cho giỏi đã, chớ vội về nhà.
Ðáp:
- Mẹ ơi, con học đã giỏi, nhớ nhà phải về.
Bà ta lén gói bột đá đỏ trong lụa, bảo:
- Nếu con nhất quyết đi về, ta sẽ tự đập bể đầu cho chảy máu ra.
Ðáp:
- Mẹ ơi, đã khổ nhọc giữ lại, con tạm thời chưa về.
Mẹ bảo:
- Này vật bần hàn, con tự nói đã học giỏi âm thư sao lại không biết lẽ nào ta lại đập bể đầu vì con người khác. Ta dự định đem bột đỏ ướt bọc trong lụa để trên đầu rồi ép cho chảy nước xuống. Thấy vậy, mọi người cho là máu. Con thật vô trí, chưa thể nói chuyện về được.
Nghe mẹ nói như vậy, cậu ta tạm thời ở lại nhưng không bao lâu lại thưa:
- Mẹ ơi, con muốn về nhà.
Mẹ nói:
- Con nên ở lại.
Ðáp:
- Con đi thôi.
Mẹ bảo:
- Nếu con đi, ta sẽ nhảy xuống giếng chết.
Ðáp:
- Mẹ ơi, nếu quyết như vậy, con không về nhà.
Mẹ nói:
- Này vật ngu si, con tự nói thông hiểu âm thư nhưng lại không biết khi nào ta lại nhảy xuống giếng chết vì con người khác. Ta đã dự tính đặt dưới đáy giếng nệm cỏ dày nên khi nhảy xuống dưới, mọi người thấy vậy cho là chết. Con thật vô trí, chưa thể nói về nhà được.
Sau một thời gian ngắn, cậu ta lại thưa:
- Mẹ ơi, con muốn về nhà.
Mẹ bảo:
- Con đã ân cần ba lần xin về, nếu không chịu ở lại ta sẽ làm cháo sữa, ăn xong rồi đi.
Sau khi cháo sữa chín, đổ đầy mâm đồng, thêm vào nhiều bơ mật, trước mặt cậu ta, bà ta ăn hết, sau đó ói ra mâm, rồi ra lệnh:
- Con hãy ăn lại đi.
Ðáp:
- Mẹ ơi, thức ăn đã mữa ra, làm sao ăn lại?
Người mẹ liền khóc lóc. Nghe tiếng khóc, hàng xóm đến hỏi vì sao như vậy.
Nghe người mẹ nói, họ bảo:
- Vì người nấu cháo sao lại không ăn?
Ðáp:
- Ðây là thức ăn ói ra, làm sao ăn lại?
Ðấm ngực khóc lớn, người mẹ bảo mọi người:
- Có khi nào đem thức ăn ói ra cho người ăn không?
Mọi người áp đến ép cậu ta phải ăn. Bị áp bức, cậu ta định ăn cháo ấy. Người mẹ liền nắm tay kéo ra, vả vào mặt cậu ta nói:
- Kẻ ngu si tự bảo rằng đã hiểu rõ âm thư, con thật vô trí, tại sao chính mắt thấy thức ăn ói ra lại lấy ăn?
Nhân đó, bà ta đuổi cậu ấy về, không cho ở nữa.
Sau khi bị đuổi, con trưởng giả về nhà cũ, làm nghề chủ buôn, đưa năm trăm người mang nhiều hàng hóa đi về hướng Nam của đất nước. Với ai cậu ta cũng nói về chuyện nhàm chán nữ sắc. Tuần tự, họ đi dần đến Ba La Ny Tư.
Bấy giờ, khi đi lại buôn bán, các thương nhân đều tư thông với dâm nữ nhưng đoàn người này vì nghe lời thiện nên không đến nhà bọn chúng.
Dâm nữ bàn nhau:
- Chị em nên biết, thương khách ở phương Bắc trước đây phần nhiều đều có tư thông với chúng ta, nay đều ly dục không thèm nhìn đến.
Một cô bảo:
- Tôi nghe chủ buôn giỏi về âm thư nên rất nhàm chán xem thường phụ nữ, vì vậy những người khác đều không qua lại chúng ta nữa.
Trong nhóm, có một dâm nữ lớn tuổi hỏi mọi người:
- Hắn có phải là đàn ông không?
Ðáp:
- Ðúng là đàn ông, các căn đều đủ.
Bảo:
- Nếu con gái ta dụ hắn được thì phải được bầu làm trưởng nhóm.
Ðáp:
- Nếu được như vậy thì đưa cô ấy đứng đầu, bằng không sẽ thế nào?
Ðáp:
- Sẽ trả các cô năm trăm tiền vàng.
Mọi người đồng ý.Bà ta đến ở bên cạnh nhà chủ buôn để hàng hóa, và cũng chứa nhiều hàng hóa không thiếu gì cả. Khi gia nhân của chủ buôn có việc đến cửa hàng, bà ấy hỏi:
- Người ở đâu?
Ðáp:
- Tôi là gia nhân của chủ buôn.
Bà nói:
- Con ta cũng là chủ buôn mang hàng hóa đến phương khác, nếu không như vậy thì phải cầu xin người khác rồi. Từ nay, con đến nhà ta, cần gì cứ tùy ý lấy.
Nghe như thế, người này thường đến lấy vật đem về. Thấy vậy, chủ buôn ngạc nhiên hỏi:
- Ngươi lấy những vật lạ này ở đâu?
Gia nhân đáp:
- Cách đây không xa, có một bà già, nhà chứa nhiều hàng hóa. Bà ấy nói rằng con bà cũng là chủ buôn mang hàng hóa đi bán ở phương khác, nếu không như vậy thì đã cầu xin người khác rồi, cần gì hãy lấy tùy ý. Bà ấy cần gì sẽ xin nơi con mình.
Nghe nói, chủ buôn sinh cảm tình với bà lão, bảo gia nhân:
- Bà mẹ ấy đã cung cấp những vật dụng như vậy thì cũng như mẹ ta.
Gia nhân đến bảo với bà ấy:
- Ðối với bà, chủ buôn rất có cảm tình, xem như mẹ mình.
Bà lão nói:
- Bao giờ tôi được gặp mặt con trai?
Ðáp:
- Lành thay, con sẽ báo với chủ buôn.
Ðược gia nhân về báo lại, chủ buôn vui vẻ đồng ý và đi ngay đến cửa hàng của bà già.
Gặp nhau, hai bên vui cười đón tiếp, bà già hỏi:
- Con tên gì?
Ðáp:
- Con tên Du Phương.
Mẹ nói:
- Thương chủ, con ta cũng đồng tên với con ; vậy con khác nào con ta. Hãy tới lui với nhà ta, đừng ngại gì cả.
Ðáp:
- Như vậy lòng con không còn phân biệt.
Bà mẹ sai con gái:
- Con hãy đến gặp gỡ anh trai.
Vâng lệnh, cô gái ra ngoài thăm hỏi chủ buôn.
Khi thấy cô gái đến với dung nhan xinh đẹp hiếm có trên đời, chủ buôn sinh tâm luyến ái như bị trúng gió, ngất ngây không còn biết làm gì. Giây lâu chợt tỉnh, chủ buôn nói với mẹ:
- Thiếu nữ con nhà ai?
Ðáp:
- Này con yêu mến, đây là em con.
Hỏi:
- Ðã thuộc về ai chưa?
Ðáp:
- Chưa thuộc về ai cả.
Hỏi:
- Mẹ ơi, như vậy sao không gả cho con?
Mẹ nói:
- Muốn nó phục vụ con, nên không tính chuyện cho người khác. Nhưng có một chuyện làm cho ta lo ngại là ưa thích gần gũi nhất thời, khi chán thì vứt bỏ.
Ðáp:
- Mẹ ơi, nếu được gả cho, con quyết không ruồng bỏ.
Mẹ nói:
- Như vậy thì có bao nhiêu tài vật hãy đưa vào nhà mẹ, mới tin lòng con, lời nói không đổi.
Ðáp:
- Xin vâng.
Khi chủ buôn vận chuyển tài sản vào nhà, bà ta liền đưa hết ra ngoài theo ngõ sau.
Khi biết đã đưa hết vật, chủ buôn bảo:
- Xin chọn ngày tốt để thành thân.
Bà ta liền báo với các dâm nữ:
- Vào ngày ... các cô hãy trang sức với y phục thật xinh đẹp cùng đến nhà tôi để chung vui.
Ðến ngày cưới, chủ buôn ngạc nhiên, hỏi:
- Mẹ ơi, vì sao lễ lớn lại không có đàn ông, chỉ toàn là đàn bà?
Bà già nói dối:
- Ðàn ông chưa đến .
Có một cô gái nói vào tai chủ buôn:
- Anh không biết chúng tôi đều là dâm nữ hay sao?
Chủ buôn suy nghĩ:
- Ta bị dâm nữ lừa gạt rồi.
Sau nhiều ngày ăn ở với nhau, dâm nữ bảo chủ buôn:
- Hãy cho em tiền vàng.
Ðáp:
- Tài sản của ta đều đưa hết vào nhà em, nay lại đòi nữa, lấy đâu mà đưa.
Cô ta im lặng.
Một hôm, nhân chủ buôn say rượu ngủ mê, nên bị dâm nữ dùng dây rơm bó lại đem ném ra ngoài đường. Khi trời sáng, có người đi lại, chủ buôn mới tỉnh thức, thấy thân mình như vậy nên rất hối hận, nước mắt tuôn rơi, lại bị lửa đói thiêu đốt. Ðể tìm thức ăn, con trưởng giả đến nơi cần mướn người có sức, xin làm thuê.
Bấy giờ, trưởng giả Cù Ðáp Ma làm thêm nhà mới, cần nhiều người làm thuê, sai người đi đến vùng ngoại ô tìm người làm nên gọi đến con trưởng giả (chủ buôn). Thấy dáng điệu người này rất mềm yếu, Cù Ðáp Ma bảo sứ giả:
- Ta xem người này chưa từng làm việc, hãy tìm người khác. Nghe như vậy, người kia càng thêm buồn bã, nước mắt đầm đìa nhìn vào mặt trưởng giả.
Trưởng giả kinh ngạc hỏi:
- Ngươi là con nhà ai từ đâu đến đây, tên họ gì?
Người kia thổn thức nghẹn ngào nói:
- Cha ơi, con là người phương Bắc, ở thành Ðắc Xoa, tên là Du Phương. Con vì duyên trời nên đến đây nhưng không biết phải đến nơi nào, nay gặp khổ nạn chẳng biết sống chết lúc nào.
Thấy người kia nói như vậy, Cù Ðáp Ma sinh lòng thương xót, hỏi:
- Ngươi có biết trưởng giả Danh Xưng ở thành Ðắc Xoa không?
Ðáp:
- Cha ơi, con thật bạc phúc, người ấy là cha ruột của con.
Nghe người kia nói về cha mình, Cù Ðáp Ma biết là cựu thân nên động lòng từ ái, ôn tồn nói:
- Con hãy an tâm đừng nên buồn thảm, hãy làm rể của ta, đây là nhà của con.
Người kia liền được an ủi, không còn sầu khổ. Trưởng giả liền cung cấp y phục, vật trang sức, tắm rửa, dầu thơm, thức ăn uống, phòng ở, tất cả những vật cần dùng không thiếu thứ gì cả.
Trưởng giả lại bảo vợ:
- Bà hãy chuẩn bị đầy đủ tất cả vật trang sức, anh lạc cho con gái của chúng ta. Chàng rể đã đến, hãy tổ chức hôn lễ.
Trước thân thuộc, trưởng giả nói với Du Phương:
- Nay là ngày tốt, hãy làm đám cưới.
Du Phương đáp:
- Thưa cha, chưa thể thành thân được, đợi con tìm lại hàng hóa đã.
Trưởng giả bảo:
- Con tùy ý sử dụng tài sản trong nhà, đã không thiếu thốn, tìm thêm làm gì?
Nhưng bản ý của Du Phương là muốn đến nhà dâm nữ để báo thù riêng nên đáp:
- Thưa cha, ngày cưới vợ, con phải bày biện đầy đủ nghi lễ, lẽ nào như kẻ lưu tục tùy tiện cưới vợ.
Trưởng giả im lặng.
Khi ấy, Du Phương ra khỏi thành du ngoạn thấy có tử thi đang trôi theo dòng sông lớn. Trên bờ, chim quạ muốn ăn thịt ấy nhưng đưa mỏ không tới đành phải ngóng theo bờ sông. Chúng dùng chân kẹp đũa chà sát trên mỏ làm cho nó dài ra, mổ ăn thịt nơi tử thi. Sau khi ăn xong, chúng dùng một chiếc đũa chà lên mỏ làm cho ngắn lại như cũ. Thấy vậy, Du Phương nhặt lấy một chiếc đũa rồi trở về. Sau đó, anh ta mang năm trăm tiền vàng đến nhà dâm nữ, bảo:
- Hiền thủ! Trước đây ta không có tiền nên bị trói ném ra ngoài, nay đã có tiền hãy cùng nhau vui thú.
Thấy có tiền, cô ta liền xáp lại. Khi thuận tiện, Du Phương dùng chiếc đũa cọ vào mũi của cô ta, làm cho nó dài ra chừng mười tầm.
Bấy giờ, trong nhà kinh sợ, mời hết các thầy thuốc để chữa trị. Nhưng không ai có thể làm trở lại như cũ nên họ đều ra về.Thấy thầy thuốc bỏ về, cô gái càng kinh hoàng, cầu khuẩn với Du Phương:
- Xin Thánh tử từ bi, tha thứ cho lỗi cũ chớ nghĩ việc trả thù, chữa trị cho em.
Du Phương đáp:
- Trước hết phải thề, ta mới trị cho. Phải trả lại hết nhưng tài sản trước đây lấy của ta, rồi ta trị liệu.
Cô ta đáp:
- Nếu em làm sai sẽ đền gấp bội. Ðã nói rõ trước mọi người, em nào dám dối trá.
Sau khi được Du Phương dùng chiếc đũa cọ vào sống mũi cô ta, làm sao cho bình phục lại như cũ, cô ta đem trả lại tất cả những vật đã chiếm đoạt trước đây. Nhận lại hàng hóa, Du Phương trở về nhà để tổ chức hôn lễ lớn, mời hết thân thuộc đến cưới vợ lập gia đình.
Có căn nhà ngoài thành, Cù Ðáp Ma bảo chàng rể:
- Con hãy đem vợ đến ở đó, ta cấp hết cho con những thôn phường thuộc nơi đó.
Không bao lâu, người vợ có thai, khi sắp sinh, bảo chồng:
- Em muốn trở về nhà để nhờ mẹ trông nom.
Ðáp:
- Tùy ý .
Sau khi về nhà cha mẹ, sinh được một trai, cô ta trở lại nhà mình. Không bao lâu, cô ta có thai lần nữa. Khi sắp sinh, cũng như trước, muốn trở về nhà mẹ nên cô ta đi cùng xe với chồng và con. Giữa đường, người chồng xuống xe, đến nằm ngủ dưới một gốc cây, bị rắn độc cắn nên qua đời. Khi ấy, trong xe, người vợ sinh một bé trai. Sau khi sinh, thiếu phụ xuống xe, đến gốc cây báo với chồng:
- Em đã sinh con, anh hãy vui mừng.
Gọi mãi, không thấy nói gì, cuối cùng dùng tay lay chồng, biết đã chết, vợ gào khóc đấm ngục đau đớn thống khổ. Có một kẻ gian trộm lấy bò đi mất, chỉ còn xe không. Càng thêm đau buồn, thiếu phụ nhìn khắp bốn hướng không thấy có ai cả, đành bồng hai con đi về quê cũ. Trên đường đi, gặp phải mưa to, nước sông dâng cao không thể đi qua được. Thiếu phụ suy nghĩ: "Nếu mang cả hai con lội qua một lần thì sợ mẹ con ta không an toàn".
Thiếu phụ để đứa lớn lại, bồng đứa nhỏ lội qua, đặt trên bờ bên kia.Trong lúc thiếu phụ trở lại bồng đứa lớn, lội đến giữa dòng, trên bờ có một chó sói đến cắn lấy đứa nhỏ. Nghe tiếng bé kêu khóc, bà mẹ la to lên. Tưởng mẹ kêu sang, đứa lớn nhảy xuống dòng sông nên bị nước cuốn chết mất. Lên bờ, mẹ đuổi theo chó sói, giành lại được nhưng con đã qua đời. Sau khi khóc lóc, mẹ vừa thả xác con xuống sông lại thấy đứa lớn trôi đến. Nghĩ là con còn sống, mẹ lội xuống đưa lên nhưng thấy đã chết. Ðau đớn khóc lóc, chạy lên bờ sông, bỏ lại xác chồng và con, người mẹ lang thang một mình đi theo đồng trống, chỉ mặc một tấm y, kêu gào vang động, đấm ngục áo não không tự chủ được, khi đi khi ngồi lăn lộn trên đất.
Vì vậy, Bí-sô nên biết, khi quả báo do nghiệp trước đã chín thì tự thân phải chịu không thể tránh thoát. Trong khi ấy, cha mẹ và thân thuộc ở nhà bị sét đánh chết hết chỉ còn một nô tỳ còn sống.Thấy nô tỳ khổ sở kêu khóc chạy đến, thiếu phụ hỏi:
- Vì sao chạy nhanh như vậy?
Nô tỳ ngã lăn ra đất khóc lóc nói:
- Cả nhà đều bị sét đánh chết chỉ còn một mình con sống sót.
Nghe vậy, thiếu phụ kêu gào đau khổ không thể tự kiềm chế được, nói kệ:
Trong đời trước, ta đã
Từng làm nghiệp ác gì
Mà chồng, con, cha, mẹ
Thân thuộc chết một lần
Ta là kẻ bạc phước,
Lang thang đi một mình,
Thân tộc đều tan nát,
Mặt mũi nào muốn sống,
Thà ở trong rừng núi,
Nơi đồng trống vắng người
Không thể sống trong nhà
Ngày đêm càng ưu sầu.
Sau khi nói kệ, từ giã nô tỳ, một thân một mình thiếu phụ lang thang khắp nơi. Ðến một tụ lạc, vào nhà kia, thiếu phụ thấy một bà già đang se sợi kiếp bối nên xin ở tạm. Ðược bà mẹ cho phép, thiếu phụ đến bên cạnh cùng se sợi. Có một thợ dệt trẻ tuổi thường mua sợi của bà lão. Hôm khác, bà lão mang sợi mịn đi đến chỗ thiếu niên. Anh ta hỏi:
- Trước đây sợi thô nay sao sợi mịn đẹp?
Ðáp:
- Ðây không phải ta làm.
Hỏi:
- Ai làm vậy?
Ðáp:
- Có người khách làm được sợi mịn đẹp.
Hỏi:
- Mẹ ơi, con chỉ có một mình, không ai đỡ tay sao không cho sang đây, con sẽ cung cấp y phục thức ăn.
Ðáp:
- Ta về hỏi họ đã, ý như thế nào sẽ báo sau.
Anh ta liền thanh toán sợi với giá trị cao, bày thức ăn ngon, đưa hương hoa trang sức để bà lão đem trở về.
Thấy vậy, Cù Ðáp Ma gầy hỏi:
- Mẹ ơi, nơi nào mua sợi lại được cả tiền và hương hoa đẹp?
Ðáp:
- Này thiếu nữ, chẳng những thanh toán giá trị bằng tiền mà còn được y phục, hoa đẹp, thức ăn thơm ngon no đủ, hoan hỷ trở về.
Rất ngạc nhiên nên thiếu phụ hỏi rõ việc này, và được bà già kể lại về lòng tốt của thợ dệt. Bà ta lại nói:
- Này thiếu nữ, thợ dệt ấy chưa có vợ, nếu con chịu sống chung thì được cung cấp đầy đủ y phục thức ăn.
Ðáp:
- Mẹ ơi, đừng nói lời ấy nữa, đối với chuyện gia đình con rất chán ngán, chỉ mong sống lây lất qua ngày chứ không cầu gì hơn.
Bà già nói:
- Theo lý, đàn bà không có nơi nương tựa, thật khó được giúp đỡ, hãy tìm nơi để an thân.
Bằng cả trăm cách, bà ta thuyết phục cho cô ta cải giá. Thiếu phụ xiêu lòng nên theo sự yêu cầu của bà ấy.
Biết như vậy, thợ dệt đem lễ vật đến rước đi. Thợ dệt này tính rất độc dữ, tuy cô ta không lỗi gì cũng bị đánh khổ sở. Ði đến gặp bà lão, thiếu phụ than trách:
- Vì sao lại gả tôi cho dược xoa vậy, thường bị khổ sở, biết làm sao đây?
Ðáp:
- Thiếu nữ, con chớ lo buồn, nếu có con trai tất con được yêu mến và gia tài sản nghiệp đều thuộc về con.
Không bao lâu, cô ấy có thai. Biết như vậy, chồng không hành hạ nữa. Do đó, cô ta sinh ý khinh mạn hơi quá đáng. Thấy vậy, thợ dệt ngầm ngầm tức giận. Một hôm, sau khi cùng nhau ăn tiệc, thợ dệt say rượu về nhà gõ cửa. Ðang lúc sắp sinh, người vợ phải ngồi yên nên tuy nghe gọi cửa nhưng không làm sao đi ra xem được.Với bản tính độc dữ, lại thêm say rượu nên mối hận trong lòng thợ dệt được dịp phẫn nộ thêm. Sau khi sinh con, vợ mới ra mở cửa, bảo với chồng:
- Em vừa sinh con trai, anh hãy vui mừng.
Nghe nói như vậy, đã sẵn ý độc dữ nên chồng suy nghĩ:
- Khi nó có thai, đã khinh mạn ta, nay đã sinh con càng thêm cao ngạo, nếu không giết đi tất thành kẻ thù.
Kẻ ác này bảo vợ:
- Hãy mau nấu chảo dầu lên.
Khi thấy dầu đã sôi, hắn ta bảo vợ:
- Ngươi hãy ném đứa nhỏ vào chảo dầu đi.
Vợ van xin:
- Ðây là con anh, mới sinh chưa biết chi, nào có lỗi gì mà muốn giết đi, thật không nên!
Bị kẻ ác dùng gậy đánh trên lưng, trên đời này không thương ai bằng thân mình, người vợ không chịu đau đớn nổi nên phải bỏ con vào chảo dầu sôi. Thấy con đã chín, chồng ác bảo vợ:
- Ngươi hãy ăn thịt này đi.
Ðáp:
- Làm sao tôi ăn thịt con mình được!
Tên chồng ác càng hành hạ khổ sở. Chịu khổ không nổi, vợ đành phải ăn thịt con mình.
Như Thế Tôn dạy:
- Nhiễm dục là lỗi nhỏ,
Ngu cũng có thể trừ,
Sân si là họa lớn,
Người trí nên viễn ly.
Bấy giờ, thợ dệt hối hận đứng ngồi không yên như lửa đốt trong lòng, rất là buồn bực, phiền muộn mệt mỏi nên ngủ quên. Người vợ suy nghĩ: "Người này giết con rồi bắt ta ăn thịt, thật là Dạ xoa mang hình người, phải mau chạy trốn".
Mang theo lương thực đi đường, cô ta chạy ra ngoài thành.
Có thương khách ở phương Bắc muốn về lại nước mình, cô ta đi theo để sống qua ngày. Thấy cô ta hình dáng xinh đẹp nên chủ đoàn buôn yêu mến, hỏi:
- Thiếu nữ, cô tùy thuộc ai và đi về đâu?
Ðáp:
- Trước đây tôi có chồng nhưng bị rắn độc cắn chết, một con trẻ mới sinh bị chó sói hại chết, một đứa hai tuổi bị chết đuối, cha mẹ thân thuộc đều bị sét đánh chết. Không nơi nương tựa, tôi lang thang khắp nơi nên tạm nhờ vào đoàn buôn để sống qua ngày.
Nghĩ rằng cô này xinh đẹp thật khó tìm được nên chủ buôn nhận làm vợ. Thình lình, trên đường đi bị giặc cướp đoạt, tài sản mất hết, chủ buôn bị bỏ mạng. Thấy cô này dáng điệu đáng yêu, tướng giặc cung cấp y phục thức ăn và lấy làm vợ.
Sau đó vua phương Bắc tru diệt tướng cướp và đua cô ta về làm đại phu nhân. Không bao lâu, vua băng hà. Quần thần tổ chức nghi lễ lớn. Trong nước, theo phép chôn người chết, vua và phi hậu đều táng chung trong một lăng. Trộm muốn phá lăng nên đào xuống quan tài. Trong mộ, Cù Ðàp Di Gầy bị bụi đất rơi vào mũi nên hách xì. Nghe tiếng kêu, cho là thây ma hiện quỷ nên bọn trộm sợ hãi bỏ chạy tứ tảùn.Thấy ánh sáng chiếu xuống mộ, Cù Ðáp Di Gầy mới lần theo lỗ đào chui ra. Ðã ra ngoài rồi, hoang mang nhìn khắp nơi, ngổn ngang trăm nỗi khổ đau, không biết sống thế nào đây, lại thêm toàn thân đói khát, do đó cô ta điên cuồng không còn nhớ gì nữa, bôi bùn đất đầy người, tay chân rách nát, trần truồng cô độc lang thang ra đi, trải qua vạn dặm đến thành Thất La Phiệt.
Như Thế Tôn dạy, nghiệp báo của chúng sinh bất khả tư nghị, nghiệp đã gây ra rồi phải tự chịu, ác duyên vừa hết, thiện quả mới sanh.
Dần dần, cô ta đi về thành rừng Thệ Ða.
Khi ấy, Thế Tôn đang thuyết diệu pháp cho đại chúng vây quanh. Trông thấy Thế Tôn với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm toàn thân siêu tuyệt thế gian, hào quang tròn sáng hơn ngàn nhật quang, như núi báu chúa, cô ta nhìn quên cả mệt mõi. Nhờ chăm chú chiêm ngưỡng Phật, cô ta phục hồi bản tâm, quan sát lại thân mình rất xấu hổ nên ngồi bẹp xuống đất không dám tiến bước.
Trong tất cả mọi lúc, đức Như Lai đại sư đều thấy biết tất cả, luôn rãi lòng từ lợi ích cho hữu tình, là bậc cứu hộ đệ nhất, hùng lực vô cùng không có hai lời, luôn an trú trong định tuệ, biểu hiện ba minh, tu tập hoàn toàn tam học, điều phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt bốn bạo lưu, an định trong bốn thần túc, tất cả mọi lúc tu tập bốn nhiếp pháp, xả trừ năm cái, viễn ly năm trần, siêu việt năm đạo, sáu căn đầy đủ, viên mãn sáu độ, bố thí khắp bằng bảy thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, xa lìa tám nạn, thích tám đường chánh, vĩnh viễn đoạn trừ chín kiết, thông suốt chín định, viên mãn mười lực, tiếng vang khắp mười phương, có năng lực thù thắng tối thượng, được pháp vô úy chiến thắng ma oán, phát tiếng sấm lớn, rống lên tiếng sư tử, ngày đêm sáu thời thường dùng Phật nhãn quán sát trong thế gian ai tăng, ai giảm, ai gặp khổ nanï, ai hướng đến ác xứ, ai bị chìm trong bùn dục, ai có thể giáo hóa được, bằng phương pháp gì để cứu thoát họ, làm cho người không có thánh tài được thánh tài, dùng trí an thiện na phá mạc vô minh, làm cho người chưa có thiện căn trồng thiện căn, đã có thiện căn làm cho tăng trưởng, đặt trên đường trời người an ổn vô ngại hướng đến thành Niết bàn.
Như bài tụng:
- Giả sử đại hải triều,
Có lúc sai kỳ hạn,
Ðối với người đáng độ
Phật hóa độ đúng lúc,
Phật đối với hữu tình,
Luôn từ bi không bỏ,
Nghĩ cứu khổ nạn chúng,
Như trâu mẹ theo nghé.
Thế Tôn bảo A Nan Ðà:
- Ông ra ngoài chúng, lấy thượng y đưa cho Cù Ðáp Di Gầy vợ thương chủ mặc vào rồi dẫn vào đây nghe pháp.
Tuân lời Phật dạy, A Nan Ðà lấy thượng y đắp lên cho cô ta rồi đưa đến gặp Phật lạy sát hai chân ngồi qua một bên.
Quán sát căn tánh của cô ta, đức Như Lai đại sư tùy cơ thuyết pháp làm cho hiểu rõ lý Bốn thánh đế dùng chày trí tuệ kim cương phá tan núi hai mươi thân kiến, chứng quả dự lưu.
Sau khi chứng quả, cô ta đứng dậy, chắp tay hướng về Phật, hết sức tán thán rồi bạch:
- Thế Tôn! Xin ngài từ bi cho con được bỏ thế tục xuất gia trong pháp luật của Phật, thành Bí-sô ny tịnh tu phạm hạnh.
Thế Tôn cho phép và giao cô ta cho Ðại Thế Chủ. Ðược Ðại Thế Chủ cho xuất gia, thọ cận viên, dạy học Tỳ nại da, giáo giới đúng pháp, vị này siêng năng nhất tâm không biếng nhác, quán sát biết rõ năm nẻo luân hồi không ngừng, các hành vô thường phải bị hoại diệt, đoạn trừ mê hoặc về ba cõi, phá tan bánh xe năm nẻo, chứng quả A-la-hán, đầy đủ cả ba minh sáu thông tám giải thoát, đắc như thật tri: Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau, tâm không còn chướng ngại như tay vỗ hư không, dao cắt mùi hương, không còn thương ghét, xem vàng như đất cục, vứt bỏ hết cả danh lợi, được chư thiên Thích, Phạm đều cung kính.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Trong các Bí-sô ny đệ tử của Ta, Cù Ðáp Dy Gầy là bậc trì luật đệ nhất.
Khi nghe đức Phật ghi nhận như vậy, có các vị ny trong ny chúng đến nghe Cù Ðáp Dy Gầy thuyết pháp. Ðể làm cho các vị ny sinh tâm nhàm chán, Cù Ðáp Dy Gầy giảng thuyết về nhân duyên sự nghiệp của mình. Nghe như vậy, các vị ny đem sự việc này nói với các Bí-sô.
Một hôm, Cù Ðáp Dy Gầy đến làm lễ sát chân Phật. Thấy vậy, các Bí-sô rỉ tai nhau nói về nghiệp duyên của vị ấy.
Sau khi lễ Phật, Cù Ðáp Dy Gầy xin cáo lui.
Tuy biết rõ nhưng Thế Tôn vẫn cố hỏi A Nan Ðà:
- Các Bí-sô rỉ tai nhau nói những việc gì vậy?
Sau khi A Nan Ðà bạch lại sự việc trên, Phật bảo:
- Nghiệp báo của chúng sinh bất khả tư nghị, tất cả thế gian đều do tâm tạo tác, đều do nghiệp sinh, tồn tại theo nghiệp, tự làm nghiệp gì sẽ bị quả báo ấy.
Bấy giờ, các Bí-sô đều phân vân, thưa với Thế Tôn:
- Ðại đức Thế Tôn! Trước đây Cù Ðáp Dy Gầy đã tạo nghiệp gì mà chồng bị rắn cắn chết, một đứa con bị chó sói hại, một đứa bị chết đuối, cha mẹ thân thuộc đều bị sét đánh chết, ăn thịt con mình, loạn tâm điên đảo lang thang đi đến gặp Phật, được xuất gia thọ cận viên trong pháp luật toàn hảo, đoạn trừ các phiền não chứng quả A-la-hán, được Phật thọ ký là bậc trì luật đệ nhất trong ny chúng?
Phật dạy:
- Này các Bí-sô nên biết, do đã gây nghiệp đời trước, nay quả báo chín nên vị ny này phải chịu nhận lấy không phải do bốn đại bên ngoài ... cho đến thuyết bài kệ, như nói ở nơi khác. Này các Bí-sô hãy lắng nghe. Ngày xưa, tại tụ lạc nọ có một trưởng giả giàu với nhiều tài sản, cưới vợ đã lâu nhưng không có con nên rất lo buồn: "Ta có nhiều tài sản nhưng không người thừa kế, sau khi qua đời tất bị quan thu hết".
Nghe vợ hỏi vì sao buồn bã như vậy, ông ta nói rõ việc này. Vợ suy nghĩ: "Không biết do nghiệp chồng ta mỏng manh hay là ta vô phước nên không có con. Hay là chồng ta thay đổi tình cảm với ta mà tìm vợ khác nên chống tay lên má trước mặt ta, nói những lời buồn bã, ta nên tự làm không nên phiền ông ấy sai khiến".
Bà ta nói với chồng:
- Em có nghiệp xấu nên không thể có con trai, anh hãy cưới vợ khác để sinh trai gái.
Ðáp:
- Hiền thủ! Há em không nghe rằng nhà có hai vợ, muốn kiếm miếng nước lạnh để uống bột cũng khó. Trong nhà ấy, thường có sự tranh cãi cùng nhau gây gỗ không lúc nào ngưng.
Người vợ làm bộ tình cảm nói với chồng:
- Thánh tử! Hãy cưới vợ đi, nếu cô ta bằng tuổi em gái, em sẽ xem như em gái ; nếu bằng con gái thì chăm nom như con gái mình.
Nghe như vậy, chồng liền tìm vợ bé. Tại Tụ lạc khác có một trưởng giả. Vợ ông ta sinh được một gái hai trai. Khi cô gái lớn lên thì cha mẹ qua đời. Người kia tìm đến gặp hai người em để xin cưới chị làm vợ. Ðược sự đồng ý, ông ta tổ chức đám cưới với nghi lễ to lớn. Theo thói thường, con người có mới nới cũ, người chồng không còn nhớ vợ cũ. Trước đây về trong bụng có ác bệnh nên không thể sinh trai gái, nay bị chồng ruồng bỏ thì sinh tâm rất đố kỵ nhân đó hết bệnh nên có thai. Bà ta bảo với chồng:
- Anh hãy vui mừng, em đã có thai.
Chồng bảo:
- Hiền thủ! Nếu em sinh trai, sau khi ta qua đời, nó sẽ thừa kế ta làm chủ nhà.
Vợ nói:
- Thật như lời nói, vợ sau của chàng nếu không bỏ độc cho em xẩy thai thì có sự việc này.
Chồng nói:
- Hiền thủ! Trước đây ta đã nói với nàng, nhà có hai vợ chắc chắn gây loạn với nhau. Em đang chưa có gì mà đã nói trước lời ấy.Vợ không nói gì cả. Ðủ tháng, sau khi sinh được một con trai, bà ta suy nghĩ: "Ðứa bé này sinh ra nhờ ân trời, tất bị vợ sau gây tổn hại. Ta hãy đưa nó cho cô ta nuôi làm con".
Sau khi suy nghĩ như vậy, bà ta bảo với vợ sau:
- Này tiểu muội! Chị cho đứa bé này cho em nuôi dưỡng, đều là con chung của mình, tình cảm không khác gì.
Người vợ sau nói:
- Thật tốt.
Sau một thời gian ngắn cùng nhau nuôi dưỡng, người vợ bé sinh ác ý, suy nghĩ: "Nó không phải con ta lẽ nào kế tục cho nhà ta. Khi nó trưởng thành, mẹ làm đại phu nhân con làm chủ nhà thì ta bị làm nô bộc, việc này chắc như vậy, cần gì ta nuôi dưỡng kẻ oán thù, hãy mau giết cho sớm". Ðã có ý nghĩ ác như lửa thêm củi, ngọn lửa càng cháy mạnh, ôm lòng độc ác cũng như vậy. Bà ta dùng dầm tre nhọn đâm vào trong yết hầu đứa bé. Bị đau đớn quá, nó kêu khóc vang.
Mẹ ruột hỏi mẹ sau:
- Vì sao em bé khóc vậy?
Ðáp:
- Không biết.
Ðược người mẹ bồng bế yêu thương vỗ về, đứa bé càng la khóc lớn. Dùng ngón cái vạch miệng đứa bé, thấy có dầm tre, người mẹ kinh hoàng móc lấy ra đau đớn đến nỗi đứa bé bị qua đời. Quá đau khổ, người mẹ đấm ngực khóc than kêu gào thảm thiết.
Bà con thân cận đến hỏi lý do, bà ta nói:
- Con tôi bị mẹ kế ganh ghét dùng dầm tre đâm vào miệng nó làm cho đau đớn đến chết.
Nghe nói, bà con thân cận đều kinh hoàng tụ tập lại hỏi vì sao mẹ kế làm như vậy. Bà ta khóc lóc nói ra hết mọi việc. thân tộc gần xa đều tụ tập lại cùng nhau tức giận mẹ kế:
- Trẻ con không lỗi gì vì sao giết một cách đau khổ như vậy?
Nghe như vậy, bà ta đấm ngực thề:
- Nếu tôi có tâm đố kỵ giết chết con trẻ này, sẽ làm cho chồng tôi bị rắn độc cắn chết, một đứa con bị chó sói làm chết, một đứa bị nước cuốn chết, cha mẹ thân thuộc đều bị sét đánh chết hết ; tôi phải ăn thịt con, tâm bị điên cuồng, trần truồng đi lại không biết gì cả.
- Này các Bí-sô! Các ông nghĩ sao? Người vợ sau của trưởng giả nào phải người nào khác, nay chính là ny Cù Ðáp Di Gầy. Vì trong thời quá khứ, tâm cô ta quá độc hại, giết con của người lại còn thề độc. Do nghiệp ấy nên chồng bị rắn cắn chết, một đứa con bị chó sói hại, một đứa bị nước cuốn trôi. Cha mẹ thân thuộc bị sét đánh chết hết.
Lại nữa, này các Bí-sô, vào thời Phật Ca Diếp, Cù Ðáp Di Gầy này xuất gia trong Phật pháp làm Bí-sô ny, giữ gìn phạm hạnh đến trọn đời nhưng không chứng quả, y chỉ với một vị ny làm thân giáo sư trong giáo pháp đức Phật ấy và đã được Thế Tôn thọ ký là người trì luật số một. Khi Cù Ðáp Di lâm chung phát nguyện:
- Ta tu tập phạm hạnh đến trọn đời trong giáo pháp của đức Ca Nhiếp Ba Như Lai vô thượng chánh đẳng giác, có làm được những thiện căn. Phật Ca Diếp thọ ký cho đồng tử trong đời tương lai khi loài người sống đến một trăm tuổi sẽ thành Chánh Giác hiệu Thích Ca Mâu Ni. Ta nguyện được xuất gia trong giáo pháp đức Phật ấy, đoạn các phiền não chứng A-la-hán. Như Phật Ca Diếp Ba tuyên bố thân giáo sư của ta là người trì luật số một trong ny chúng ; ta cũng như vậy, sẽ được Phật thọ ký là bậc trì Luật số một.
Khi ấy, các Bí-sô bạch Phật:
- Trước kia, cha mẹ của người ấy đã tạo nghiệp gì mà bị sét đánh chết ; chồng tạo tội gì mà bị rắn cắn chết, hai con gây ác gì mà bị chó sói hại, nước cuốn trôi chết?
Phật bảo các Bí-sô:
- Do các nghiệp họ tự tạo đều đã thành thục, ... rộng như nói ở trước.
- Này các Bí-sô hãy lắng nghe:
- Trong hiền kiếp này khi loài người sống hai vạn tuổi, có Phật Ca Diếp Ba Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác đầy đủ mười hiệu ra đời, trú tại rừng Thi Lộc, Tiên nhân đọa xứ thành Ba La Ny Tư. trong thành này có một trưởng giả giàu có vô cùng, làm một trú xứ bên bờ sông, gần bên thành. Chư Tăng các nơi đến đây đều trú nơi này.
Bấy giờ, trưởng giả có đưa tài vật cho người trong thôn để làm ăn. Người nọ nhận tài vật đến ba lần nhưng đều làm tiêu tán hết. Do đó, trưởng giả gọi đến mắng:
- Ngươi thật không có trí tuệ, ba lần đưa cho tài vật đều làm tiêu tán hết, nếu không trả lại thì không cho ngươi về.
Ðáp:
- Trưởng giả, xin ngài dung thứ lần nữa, đưa tài vật để buôn bán. Nếu không trả lại hết thì cả vợ chồng và hai con tôi đều làm nô tỳ.
Sau khi họ làm cam kết, trưởng giả đưa tài vật. Họ lại làm cho tiêu tán nữa. Trưởng giả nhận lấy cả vợ chồng con cái đưa làm tịnh nhân của chùa nhưng ở trong thành. Hằng ngày họ qua sông đến chùa để phục vụ việc nấu cơm, vợ và hai con làm thức ăn. Có vị Bí-sô La hán làm tri sự cho Tăng. Một hôm, gặp mưa nước sông dâng cao, vợ chồng con cái đều không qua được. Vị La hán ngạc nhiên vì sao họ không sang, liền đến gặp họ, nói:
- Ðã sắp đến giờ ăn sao không đi làm, sẽ làm cho chúng tăng bị mất bữa ăn.
Nghe như vậy, họ đều tức giận, cha mẹ thân quyến đều nguyền rủa:
- Kẻ ấy vô cớ gây khổ sở cho ta, vì sao không bị sét đánh chết cho rồi.
Người chồng nói:
- Trên đường đi đến đây, sao ông ta không bị rắn cắn chết cho rồi.
Một đứa con nói:
- Sao không bị chết chìm cho rồi.
Ðứa kia lại nói:
- Sao không bị chó sói hại cho rồi.
- Này các Bí-sô đừng nghĩ gì khác, tịnh nhân ngày xưa nào phải ai lạ, nay chính là hai vợ chồng; cha mẹ của họ nay là những kẻ bị sét đánh chết ; chồng là kẻ nay bị rắn cắn chết ; hai đứa con thời ấy nay bị chết trôi và chó sói hại. Trong thời quá khứ, những kẻ ấy bằng tâm độc hại nói lời thô ác về vị La hán nên chịu lấy quả báo ấy.
- Này các Bí-sô, do nhân duyên này, Ta thường tuyên bố nghiệp đen nhận quả báo đen, nghiệp trắng nhận qu? báo trắng, nghiệp tạp nhận quả báo tạp.
Các ông cần phải siêng năng tu tập nghiệp trắng, tránh xa nghiệp đen tạp.
Các Bí-sô nghe lời Phật dạy, đều rất hoan hỉ tín thọ phụng hành, đảnh lễ sát chân Phật rồi từ giã.
* Duyên xứ như trước. Bấy giờ các Thích nữ vô tội bị kẻ ngu si Ác Sinh tàn sát. Những Thích nữ quá đau khổ vì thân thuộc anh chị em và chồng đều bị tiêu diệt nên đến xin xuất gia trong giáo pháp thiện thuyết của Phật. Sau khi được xuất gia, như tiếng vang của cái linh, sự ưu sầu giảm dần, sau đó lại bị dục phiền não bùng lên không thể ngăn lại được. Như Thế Tôn dạy rắn độc lớn có năm lỗi là:
1- Nhiều tức giận.
2- Nhiều kết hận.
3- Oán thù.
4- Không biết ân.
5- Ác độc.
Người nữ cũng như vậy, sân, hận, thù, oán, không biết ân, ác độc. Sự ác độc của nguời nữ là giống nhau về nhiều tâm dục nhiễm.
Bấy giờ, các Thích nữ Bí-sô ny cùng nhau tập họp bàn luận, đi đến gặp Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên, bạch:
- Thánh giả! Phiền não do tâm dâm dục thật khó kiềm chế, thường quậy phá người nữ, làm sao ngăn cấm?
Ðáp:
- Này các chị em ơi, phải làm gì nữa, các cô còn trẻ đẹp hãy xả học xứ đi, tìm chàng trai lái buôn trẻ tuổi có nhiều tài sản cùng nhau ân ái thì phiền não do tâm dục tự nhiên không còn. Nếu còn trẻ tuổi, ta cùng đi với các cô.
Nghe như vậy, chư ny làm lễ sát chân rồi trở về, cùng nhau bàn luận:
- Này các chị em, Thánh giả Thổ La Nan Ðà nói như vậy, chúng ta sẽ làm thế nào đây?
Có người nói:
- Lời nói của Thổ La Nan Ðà rất đúng, chúng ta nên đi tìm kiếm việc ấy.
Người khác nói:
- Các chị em, người nữ được xuất gia trong giáo pháp thiện thuyết của Phật, thật khó gặp, hãy đến hỏi thánh giả Cù Ðáp Di Gầy.
Mọi người đều đồng ý rồi cùng nhau đến gặp vị ấy, đảnh lễ dưới hai chân, bạch:
- Thánh giả, tâm dục gây phiền não thật khó ngăn cấm, thường quậy phá người nữ, chúng tôi nên dùng phương pháp gì để ngăn cấm?
Ðáp:
- Này các em, chớ nói về tên dục, vì sao? Vị ngọt của nó rất ít mà nguy hiểm quá nhiều. Như Thế Tôn dạy, những người có trí, biết rõ năm lỗi của dâm dục vậy không nên làm. Năm lỗi ấy là:
1- Quan sát dục vị ngọt ít, lỗi nhiều, thường có các khổ.
2- Khi hành dục thường bị trói buộc.
3- Người làm việc dâm dục không biết nhàm chán.
4- Người vì làm việc dâm dục không việc ác nào không làm.
5- Ðối với các dục cảnh, chư Phật Thế Tôn và chúng Thanh Văn cùng các bậc hiền nhân có chánh kiến dùng vô số cánh nói về lỗi lầm của dục.
Thế nên, người trí không nên làm theo thói dục.
Lại nữa, người trí biết sự xuất gia có năm thắng lợi. Ðó là:
1- Công đức xuất gia là lợi ích riêng của ta không chung với người khác ; Vì thế người trí nên cầu xuất gia.
2- Tự biết mình là kẻ ti tiện bị người khác sai khiến; sau khi xuất gia được người khác cúng dường, lễ bái, khen ngợi; Vì thế người trí nên cầu xuất gia.
3- Sau khi bỏ thân ở cõi này, sẽ sinh lên cõi thiên, xa lìa ba nẻo ác; Vì thế người trí nên cầu xuất gia.
4- Do từ bỏ thế tục nên thoát khỏi sinh tử, sẽ được Niết Bàn an ổn vô thượng; Vì thế người trí nên cầu xuất gia.
5- Thường được chư Phật, chúng Thanh Văn và các bậc thượng nhân khen ngợi; Vì thế người trí nên cầu xuất gia.
Các em nên quan sát lợi ích ấy, dùng tâm cương quyết cắt bỏ các lưới dục, cầu công đức lớn. Các chị em ơi, muốn nghe những tội lỗi đời trước của tôi khi sống theo dục hay phiền não của đời này vì làm theo dục?
Chư ny đáp:
- Ðể việc đời trước lại, xin nói việc hiện tại.
Khi ấy, Cù Ðáp Di tuần tự nói về đời mình:
- Chỉ trong đời này, bị mất cả cha mẹ, chồng con đều bị chết hết, ăn cả thịt con mình, bị chôn sống trong mộ, điên cuồng mê loạn ...
Nghe kể như vậy, chư ny buồn sợ, dựng cả tóc gáy, chú tâm lắng nghe, nhìn sửng vào mặt Cù Ðáp Di Gầy. Khi ấy, quán sát căn tính của họ, Cù Ðáp Di Gầy tùy cơ thuyết pháp làm cho họ được khai ngộ Bốn Thánh Ðế.
Nghe pháp, họ đều chứng quả Dự lưu ... như nói đầy đủ ở trước.
Sau khi đắc quả, họ thưa với Cù Ðáp Di Gầy:
- Chỉ còn chút nữa, chúng tôi bị Thổ La Nan Ðà đẩy xuống bùn dục, trầm luân mãi trong sinh tử.
Cù Ðáp Di gầy hỏi:
- Vị ấy làm gì?
Nghe họ kể lại sự việc trên, Cù Ðáp Di Gầy nói:
- Này chị em, biết làm thế nào, vị ấy làm việc ác nên gây tổn hại Phật pháp.
Các Bí-sô ny thiểu dục cùng nhau chê bai:
- Tại sao Bí-sô ny lại bảo người khác xả học xứ để ân ái cùng người thế tục?
Các Bí-sô ny thưa với Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô ny không được dạy người khác xả học xứ, khuyên họ hoàn tục. Nếu ai khuyến khích việc ấy, phạm tội Thổ la để dã.
Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô ny la mắng Bí-sô. Vì xấu hổ nên Bí-sô im lặng. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô ny không được la mắng Bí-sô. Ai vi phạm bị tội vượt pháp. Ny không được la mắng Bí-sô, như vậy cũng không nên la mắng Bí-sô ny, chánh học nữ, cầu tịch, cầu tịch nữ. Ba chúng dưới đều phải cúi đầu nghe không được la mắng năm chúng. Ai vi phạm bị tội vượt pháp. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ NẠI DA TẠP SỰ
Quyển thứ ba mươi hết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.237.31 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.