Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ hai mươi tám
Tiếp theo trong tụng thứ tư trong biệt môn sáu. Chuyện Ðại Dược.
Sau khi nắm rõ việc nước, Ðại Dược thống lĩnh bốn loại binh xem xét khắp trong nước. Mỗi khi đến thành phố làng xóm, Ðại Dược đều hỏi mọi người:
- Những làng xóm này thuộc ai quản lý?
Mọi người đáp:
- Chỗ này của đại thần ... chỗ kia của đại thần ... lấy làm đất phong ấp cho riêng mình.
Nghe như vậy, Ðại Dược biết làng xóm thành phố đều thuộc về sáu đại thần, nhà vua chỉ có trong cung và sự ăn uống mà thôi.
Sau khi xem xét trở về, Ðại Dược tâu vua:
- Thành phố và thôn xóm nào là sở hữu của vua?
Vua đáp:
- Hiện nay, ta bất lực không biết làm sao đây. May mắn nhờ có chư Thiên báo trước cho ta rằng gia đình Viên Mãn trong thành Mãn Tài sẽ sinh một bé trai tên là Ðại Dược, nên lập làm đại thần khi cậu ta lớn lên, ta chỉ việc ngồi một chỗ mà ổn định được nhân dân. Vì lý do này, từ khi ngươi còn trong thai, ta đã vâng thiên mệnh cung cấp các việc. Nay đã thành nhân, thân cận với ta, ngươi nắm chức đại thần, hãy thuận theo lời báo trước của Thiên thần, thi hành rộng trí mưu phổ biến hành chính của đất nước làm cho ta là vua có uy quyền sống an ổn.
Khi ấy, Ðại Dược lạy vua, cung kính tâu:
- Ðại vương! Xin ngài đừng lo, thần sẽ hỗ trợ làm cho ngài được an lạc.
Ðại Dược sai sứ giả đến các thành phố làng xóm trong nước trực thuộc sáu đại thần, thông báo:
- Mọi người nên biết, xét ra các đại thần không tuân phép nước, sai khiến, thu thuế, bắt lao dịch gây khổ cực vô cùng, tham ác gian tà không để mọi người sinh sống. Bằng lời chân thật, ta bảo các người, nếu ai tuân lời, hưởng thụ an lạc mãi không còn khổ cực, chỉ đóng thuế theo khả năng của mình, thân thuộc vợ con không còn bị lao nhọc nữa. Các vị trong sáu đô thành hãy tự cố thủ, giả như lệnh vua và sáu đại thần đến sai khiến cũng không nghe lời. Nếu họ có đến, quý vị cũng không mở cửa mà báo rằng:
- Ðại thần Ðại Dược đến, chúng tôi sẽ tuân phục.
Khắp trong nước nghe dạy như vậy đều làm theo, không tuân theo lệnh cũ nữa.
Các đại thần kia cùng nhau tâu vua:
- Các thành phố đã tạo phản, phải làm sao đây?
Vua nói:
- Các khanh hãy thống lĩnh bốn loại binh đến từng nơi hỏi tội.
Ðến nơi, không được họ nghe theo nên các đại thần tâu vua:
- Chúng tôi bất lực, xin vua đích thân đến.
Ðược vua thân hành đến nhưng họ vẫn không phục tùng, nên đánh nhau lao nhọc, mất nhiều thời gian. Trong các thành, nhân dân tâu vua:
- Chúng tôi không có ý phản nghịch lại vua nhưng chẳng nghe theo chỉ vì sáu đại thần bạo ngược. Nếu khiến đại thần Ðại Dược đến, chúng tôi đều chiến thắng.
Ðược vua sai sứ gọi, tuân theo sắc lệnh, Ðại Dược vội đến gặp vua.
Nghe Ðại Dược đến, nhân dân trong các thành đều phục tùng, mở cửa đón vào. Ðại Dược liền bãi bỏ chính sách bạo ngược, chế định lại những phép tắc luật lệ nhẹ nhàng phù hợp luân lý trật tự làm cho không ai oán trách, đều ca ngợi việc thay đổi, vui mừng như sống lại. Ðại Dược chu cấp cho người nghèo, giúp đỡ người cô quả, thương yêu tất cả, xem như cha mẹ.
Dân chúng trong nước đều vân tập đến, Ð?i Dược hộ giá nhà vua đi đến các thành, tiếng tăm lừng lẫy đến các nước, gần xa đều tán dương. Vua đem con gái gả cho Ðại Dược. Tuy được trọng thưởng yêu mến nhưng Ðại Dược không có ý kiêu xa.
Bấy giờ, có người nghèo đến phục vụ nhà vua hy vọng cầu bổng lộc. Thấy vua không chấp thuận, ông ta lại sang cầu Ðại Dược. Vì thương tình, Ðại Dược thu nhận và giúp đỡ y phục thực phẩm đầy đủ.
Có Bà-la-môn đến cầu xin cám gạo. Ðại Dược sai người cho. Người giữ kho lơ đểnh kéo dài thời gian, chưa chịu đem cho. Sau đó, hôm nọ cùng đại thần và các quan trong triều tập họp ở một nơi, vua hỏi mọi người:
- Việc kín của mình có thể nói cho ai biết .
Người thì nói:
- Nói cho bạn bè.
- Nói cho cha mẹ.
- Nói cho vợ con.
Nhưng Ðại Dược im lặng không nói gì cả.
Vua hỏi:
- Ðại Dược, vì sao khanh không nói?
Ðáp:
- Lời nói nào có dễ dàng! Theo như thần thấy, phàm là việc kín đáo không nên nói cho bất cứ đàn ông nào huống chi phụ nữ.
Vua hỏi:
- Lẽ nào đến vậy hay sao?
Ðáp:
- Việc này đúng hay sai, vua hãy tự thí nghiệm.
Sau đó, nhà vua mất chim khổng tước. Ðại Dược bắt lấy dấu đi nơi khác và đem con khác giết ngay trước vợ và hỏi:
- Nàng có nghe vua mất chim khổng tước không?
Ðáp:
- Thiếp nghe.
Ðại Dược nói:
- Ðây là chim ấy, hãy mau thu dọn. Ta muốn ăn nó, không nên nói việc này cho người khác biết .
Nghe vậy, vợ suy nghĩ:
- Phụ vương tin tưởng người này vô cùng, nay vì sao lại giết chim để ăn. Thật là việc tồi bại, không sợ pháp luật gì cả.
Ðại Dược lại đưa cô gái thật đẹp trang sức mỹ lệ vào nhà, bảo vợ:
- Thiếu nữ này là người trong cung vua. Ta yêu mến nên đưa về, đừng truyền việc này ra.
Nghe như vậy, người vợ càng thêm phẫn nộ: "Vì sao cha ta không xem xét kỹ, xử dụng kẻ vô lại phản phúc không phải thân tộc này làm đại thần và giao cho việc nước. Tại sao đem người trong cung của vua về phòng mình, bắt chim vua yêu mến làm thịt ăn, thu nhận người khách nước ngoài, cung cấp y phục lương thực nuôi làm nghĩa sĩ?".
Người vợ đem hết sự việc này cho vua biết và tâu:
- Ðối với người kia, cha rất tin tưởng nhưng con thấy hành động ác ấy thật không gì hơn, hãy bãi chức và cho ông ấy về vườn.
Nghe tâu như vậy, trong lòng vua thay đổi khác thường, sai đao phủ bắt Ðại Dược đi hành hình theo luật pháp.
Bọn Chiên Ðà La dùng hoa đỏ tươi cột dưới cổ, đánh trống tiếng dữ dội, bọn hung ác đi theo cầm đao khủng bố như qủy sứ của diêm-ma đưa Ðại Dược đến Thi Lâm. Ðến lúc hành hình, không ai chịu giết cả. Người xem khóc lóc như thương thân mình, đều sụt sùi cầu trời khẩn Phật.
Bấy giờ, người khách ngoại quốc được Ðại Dược cấp y phục thực phẩm nói với mọi người:
- Tôi có thể giết người này.
Khi ra khỏi thành, người Bà-la-môn kia đi theo níu lấy vạt áo của Ðại Dược đòi một thăng cám. Thấy sự việc như vậy, Ðại Dược nói kệ:
Không nên thân với vua,
Khó gần gũi kẻ ác,
Nếu là việc kín đáo,
Không cho đàn bà biết.
Ta không ăn chim công,
Không dụ người trong cung,
Không có tâm dối gạt,
Mắc nợ cám của người.
Khi sắp bị hành hình, Ðại Dược nói kệ như vậy. Nghe xong, sứ giả hỏi Ðại Dược:
- Ngươi có trí tuệ hơn người, lại nói ra lời vô nghĩa.
Ðáp:
- Ðấy không phải là lời vô nghĩa, ngươi không hiểu được đâu, hãy đem lời ta đến nói lại cho vua.
Sứ giả đến nói lại cho vua nghe kệ ấy. Tuy nghe nhưng cũng không hiểu nên vua ra lệnh sứ giả gọi Ðại Dược đến và hỏi:
- Lời nói ấy có nghĩa gì?
Ðáp:
- Nghĩa lý của nó rất sâu.
Hỏi:
- Ý nghĩa như thế nào?
Ðại Dược nói:
- Xin vua lắng nghe, thần nói qua ý nghĩa bài kệ.
- Không nên thân với vua nghĩa là trước đây thành phố thôn ấp trong nước đều không trực thuộc nhà vua mà chỉ có ăn uống và cung điện. Tôi dùng mưu lược dẹp bọn cường thần kia. Quốc gia an ninh, quyền lực của vua được khôi phục, cơ đồ thịnh vượng, cả nước hoan ca, kho tàng sung túc đều nhờ sức của thần. Nay muốn giết thần để đáp ân ấy nên nói là không nên thân với vua.
- Khó gần gũi kẻ ác nghĩa là trước đây có người nghèo đi tha phương làm thuê, đến gặp vua xin ăn để sống. Không được vua giúp đỡ, họ đến gặp thần. Thấy họ nghèo nàn, thần cấp cho y phục lương thực. Khi tính mạng đã an toàn, không còn nhớ chút ân nào, nay họ còn đến giết thần.
- Nếu là việc kín đáo, không nói cho đàn bà biết nghĩa là trước đây lúc lâm triều, vua bảo mọi người rằng việc kín có thể nói cho ai. Có người nói cho cha mẹ, hoặc nói cho vợ con ... như trước. Thần nói chưa tin tưởng được những người ấy, nên xem xét kỹ, vua nên tự nghiệm lấy. Thần không ăn chim khổng-tước của vua, đem con chim khác bảo vợ nấu cho ăn.
- Không xâm phạm người trong cung của vua, tạm đưa cung nhân mang anh-lạc đi nơi khác, mượn người giả làm cung nữ vào nhà. Nếu ai không tin xin gọi họ đến hỏi.
Vua gọi cung nhân đến đối chứng đúng như vậy.
- Không mắc nợ cám của người nghĩa là khi vua sai đao phủ đến sắp giết thần, người kia vội đến níu áo thần, miệng nói trả lại cho tôi một thăng cám lúa mạch, với ý tưởng không thương xót chẳng biết tùy nghi, ngày trước xin cám nay thấy sắp bị chết nên đến đòi.
Nghe ý nghĩa bài tụng, xét rõ sự việc, vua biết rõ Ðại Dược vô tội nên hoan hỷ phóng thích và tổ chức lễ long trọng bái làm trọng-thần.
Bấy giờ, Ðại Dược làm lễ tâu vua:
- Xem như vậy thì nên đem chuyện kín nói cho đàn bà nghe không! Công chúa của vua ban cho thật vô dụng với thần, xin ngài nhận lại. Thần xin tự mình tìm kiếm cô gái mà lời nói chân thật, có đức hạnh, giòng họ tương xứng, thông minh trí tuệ để cưới làm vợ.
Sau khi từ giã vua, Ðại Dược mang hình thức người Bà-la-môn tay cầm tịnh bình, mang dây kiết tường, mặc áo da nai, vẽ ba vạch trên mặt, đi về thành cũ để tìm vợ. Vào buổi chiều, trên đường gặp Ðại Dược, một Bà-la-môn hỏi:
- Ngài từ đâu đến?
Ðáp:
- Từ thành Tỳ Ðề Ê đến.
Hỏi:
- Muốn đi về đâu?
Ðáp:
- Ðến thành Mãn Tài.
Hỏi:
- Tại đây ngài có người quen nào để nghỉ lại qua đêm không?
Ðáp:
- Không có.
Người kia liền đưa Ð?i Dược về nhà, bố trí chỗ nghỉ đúng pháp. Thấy vợ người Bà-la-môn là hạng không trinh bạch nên sau đêm ấy đến sáng sớm, Ðại Dược muốn ra đi.
Bà-la-môn nói:
- Tệ xá tôi là nhà của bạn, tùy ý đến đi trú đêm không ngại gì cả.
Sau khi bắt tay nhau đồng ý, Ðại Dược từ biệt. Trên đường đi, trong ruộng lúa mạch ở trước, thấy có thiếu nữ hình dung xinh đẹp, dáng điệu như con nhà đàng hoàng, Ðại Dược có ý yêu mến, nên hỏi:
- Cô tên họ gì?
Ðáp:
- Tôi tên Tỳ Xá Khư.
Hỏi:
- Nàng con nhà ai?
Ðáp:
- Thôn trưởng này là cha thiếp.
Ðại dược suy nghĩ:
- Cô ta tuy xinh đẹp nhưng chưa biết trí tuệ ra sao vậy nên trắc nghiệm thử.
Ði xuống ruộng lúa mạch, Ðại Dược đưa cao hai tay, dùng chân đạp lúa. Tỳ Xá Khư nói:
- Ðã biết giữ tay thì chân cũng vậy.
Biết cô này có trí, Ðại Dược hỏi:
- Vòng đeo tai của cô thật khả ái, màu sắc sáng lạ thường.
Ðáp:
- Chỉ để che thân xấu, nào có đẹp gì.
Nói:
- Cô rất xinh đẹp.
Ðáp:
- Do cha mẹ sinh, không quan tâm đến dung mạo bề ngoài.
Hỏi:
- Cha đang đi đâu?
Ðáp:
- Một mình làm hai việc.
Hỏi:
- Nói vậy có nghĩa gì?
Ðáp:
- Vừa đi lấy gai ngăn đường cũ, lại làm thông đường mới.
Hỏi:
- Mẹ đang ở đâu?
Ðáp:
- Về nhà lấy giống để gieo ruộng trễ mùa.
Hỏi:
- Nàng có thể làm vợ ta không?
Ðáp:
- Việc này do cha mẹ, tôi không thể biết được.
Hỏi:
- Ði về thành Mãn Tài, đường nào bằng thẳng êm ái lại không có gai góc, nàng hãy chỉ cho để tôi đi được an ổn?
Chỉ đường xong, cô gái tự đi trước, đến chỗ bờ ao, tự trải áo ngồi xuống, nheo một mắt để xem Ð?i Dược có biết mình không.
Khoảnh khắc, đi đến bờ ao, Ðại Dược trông thấy biết ngay nên nói kệ:
Thân không mặc áo dệt bằng tơ,
Cũng chẳng phải may bằng vải nỉ,
Nheo mắt nên chỉ dẫn cho ta,
Ðường nào đi đến thành Diệu Hoa.
Nghe nói, thiếu nữ mỉm cười đáp kệ:
Ðuờng trơn nên tiến bước,
Chớ đi nẻo gồ ghề,
Trông thấy khu rừng lớn,
Gần bên, nên đi qua.
Lại thấy đất trồng lúa,
Có cây nở hoa đỏ,
Bỏ trái, đi qua phải,
Theo đường ấy mà đi.
Theo lời chỉ dẫn, Ðại Dược đến thành Diệu Hoa, cách thành không xa là nhà Tỳ Xá Khư nhưng không thấy cha mẹ cô ta. Ðại Dược hỏi thành chủ:
- Nếu được các vị gả Tỳ Xá Khư cho, tôi rất mang ân.
Nghe nói như vậy, những người ấy rất tức giận, bảo với Bà-la-môn:
- Ngươi cầu xin người, thật không biết xấu hổ. Vì sao vội vàng cầu hôn như vậy với Tỳ Xá Khư, một cô gái xinh đẹp như tiên. Hãy đi ra khỏi thành ngay, nếu trở lại sẽ cho chó ăn thịt ngươi.
Bị thất vọng, Bà-la-môn trở lại chỗ Tỳ Xá Khư. Vừa trông thấy đến, cô ta liền chào đón. Ðại Dược kể lại về sự việc vừa rồi hỏi những người kia, cơ hồ bị đánh.
Cô gái nói:
- Anh đã hành động sai rồi, thật không có mưu trí. Việc cầu hôn không thể làm như vậy.
Ðại Dược hỏi:
- Phải làm thế nào?
Ðáp:
- Trước phải làm quen, rồi thân cận, sau đó làm tiệc mời ăn các món thơm ngon, lúc ấy mới nói những điều mong muốn ra.
Sau khi nghe hướng dẫn, làm theo cho đến khi ăn uống Ðại Dược mới nói chuyện cầu hôn với Tỳ Xá Khư. Mọi người nói:
- Sẽ làm theo ý ông.
Trong khi bàn luận, cha mẹ cô ấy đến. Ðại Dược cùng chủ thành đến nhà ấy thưa với cha mẹ về việc hôn nhân.
Họ đáp:
- Các vị hãy thư thả chờ tôi suy nghĩ đã.
Mọi người nói:
- Ðừng nghĩ ngợi nữa, Bà-la-môn này trẻ tuổi tuấn tú hiểu rộng kinh thư, năm minh sáu luận đều thông đạt, kéo dài năm tháng bọn chúng khó gặp nhau, hãy mau mang sính lễ đến chẳng nên để lâu.
Khi ấy, mọi người đối với Ðại Dược như vậy nên cha mẹ thuận lời gả con gái cho. Thấy họ đã đồng ý, Ðại Dược dâng y phục thượng hạng cho cha mẹ và để lại lễ vật tặng Tỳ Xá Khư rồi trở về thành Tỳ Ðề Ê.
Trên đường đi về chỗ vua Trùng Hưng, Ðại Dược gặp đại hội bố thí, được một thăng bột nên gói để trong áo. Ðến nhà Bà-la-môn trước đây mình đã ngủ nhờ, Ðại Dược gõ cửa. Người vợ ra hỏi:
- Ông là ai?
Ðáp:
- Tôi là bạn của chồng bà.
- Chồng tôi không có mặt, nên không tiếp người ngoài, ông hãy đến nhà khác ngủ nhờ. Người vợ nói.
Ðại Dược suy nghĩ:
- Ðây chắc có việc gì nên không cho ta nghỉ lại đêm.
Ði một đoạn ngắn, thấy một người khác đi vào nhà ấy, Ðại Dược suy nghĩ: "Vì có người ngoài nên không cho ta vào".
Trong lúc Ðại Dược đang lưỡng lự, người chồng về đến và gọi mở cửa.
Nghe tiếng chồng gọi, người vợ thất kinh hồn vía không biết tính sao nên đem người tình dấu trong bồ lúa.
Cùng với người chồng bước vào cửa, Ðại Dược hỏi:
- Bột của tôi để nơi nào đây?
Người vợ nói:
- Ðể dưới đất.
Ðại Dược nói:
- Sợ bị chuột ăn.
Nhìn khắp các góc nhà, dưới giường, không thấy gì cả, chỉ có bồ lúa nhỏ bên cạnh, nghĩ rằng chắc hắn ở trong này, nên Ðại Dược nói:
- Ðể trong bồ lúa.
Vợ nói:
- Tài sản trong nhà tôi đều để trong ấy, nếu đặt bột vào thì các vật kia thế nào.
Chồng nói:
- Người đàn bà hung dữ này, sao không lấy đồ vật ra rồi để bột vào.
Bà ta cự lại không cho đến gần. Khi biết chồng đã quyết ý làm sao ngăn được, bà ấy rất kinh sợ không biết tính thế nào đành bảo:
- Trong bồ ẩm thấp sợ hư bột đi.
- Chị không phải lo, tôi không để hư đâu.
Ðại Dược nói xong liền lấy củi cỏ và phân bò khô đặt bốn phía bồ, muốn lấy lửa đốt lên.
Sợ tình nhân bị lửa đốt cháy nên người vợ lén sai người báo cho cha anh ta:
- Con ông gặp nạn hãy mau đến cứu.
Nghe báo, vội chạy đến, biết con đang ở trong bồ, cha nói với Ðại Dược:
- Nếu cần cái bồ, tôi xin đưa tiền mua, ngài muốn bao nhiêu?
Ðáp:
- Năm trăm tiền vàng.
Trong lúc trao đổi, lửa bốn phía bốc lên. Cha nói:
- Con ta đang chết dùng tiền làm gì.
Ông ta vội đưa tiền và chở cái bồ đi.
Sáng hôm sau, Ðại Dược chia cho chủ nhà một trăm tiền vàng, kể lại hết sự việc và bảo ông ta rằng vợ bạn có hạnh xấu, phải tự hết sức ngăn ngừa.
Sau đó, Ðại Dược viết thư kèm theo bốn trăm tiền vàng đưa cho chủ nhà đem đến thành Diệu Hoa trao cho Tỳ Xá Khư và báo với chủ thành rằng ta không phải khách đi đường mà là đại thần của vua, vì cầu hôn nên trước đây đến thành. Tỳ-xá-khư khéo bảo trọng.
Sau khi Ðại Dược đi về Tỳ Ðề Ê, Bà-la-môn cầm thư và tiền đến gặp Tỳ Xá Khư giao thư và ba trăm tiền vàng.
Nhận thư, Tỳ Xá Khư thấy ghi:
Bốn mảnh mới thành áo,
Thiếu một không thể may,
Nếu thiếu đi một cọc,
Cùm chân, thu lại được.
Sau khi đọc thư, đếm thấy chỉ có ba trăm tiền vàng, Tỳ Xá Khư liền tìm cái cùm chân ở dưới giường. Sứ giả hỏi:
- Muốn tìm gì?
Ðáp:
- Ðang có tội nhân của vương gia, phải cần cái cùm.
Sau khi tìm được cùm, Tỳ Xá Khư nói:
- Tôi chẳng biết phải xử dụng như thế nào, ngài hãy đưa chân ra để tôi làm thử xem.
Bản tính ngu độn, sứ giả ngay chân ra tra vào cùm. Ty Xá Khư liền đóng ngược lại thật chắc.
Sứ hỏi:
- Vì sao cùm ta lại?
Ðáp:
- Anh ấy gửi bốn trăm, người lấy hết một trăm.
Với suy nghĩ: "Thật là kỳ dị, cả hai đều có trí, khó dối trá việc này được". Sứ giả liền trả lại một trăm tiền vàng cho đủ số.
Thấy cha mẹ đến, Tỳ Xá Khư đem tiền trình ra và thưa:
- Người trước đây cầu hôn con, không phải là Bà-la-môn nghèo, chính là đại thần của quốc vương nước Tỳ Ðề Ê tên Ðại Dược.
Nghe nói như vậy, cha mẹ thân thuộc đều rất vui mừng: "Chúng ta có phước nên được người rễ là đệ nhất đại thần, làm gia tộc thịnh vương tất nhờ người này".
Từ đó về sau, họ cung cấp cho Tỳ Xá Khư vật tắm rửa, y phục, thức ăn, giường nằm đều là vật ngon bổ tinh xảo, làm cho nhan sắc càng xinh đẹp khả ái hơn xưa.
Nghe Ðại Dược về đến thành, vua và các quan đều vui mừng. Khi Ðại Dược vào chầu, vua hỏi:
- Này Ðại Dược, tìm được vợ không?
Ðáp:
- Ðã được.
Hỏi:
- Như thế nào?
Ðáp:
- Thiếu nữ như hoa xinh đẹp tuyệt trần, thông minh nhiều trí, tài giỏi hơn người, thật xứng đáng làm vợ của thần. Thần xin với vua đem nàng về được không?
Vua nói:
- Khanh là đại thần lại không có lỗi, cần phải tổ chức nghi lễ rực rỡ khác thường, tùy ý trang hoàng làm cho mọi người vui mừng.
Tuân lệnh vua, Ðại Dược cùng các quan Bà-la-môn cư sĩ nhân dân dùng xe, ngựa, đi bộ ... thống lĩnh bốn loại binh đi sang thành Diệu Hoa, đến nhà Tỳ Xá Khư cùng nhau tổ chức hôn lễ. Sau khi cưới, họ đưa nhau về thành Tỳ Ðề Ê sống hoan lạc.
Khi ấy, có năm trăm khách buôn ngựa ở phương Bắc đến thành Tỳ Ðê Ê. Trong thành naỳ, có năm trăm dâm nữ hình dáng xinh đẹp yểu điệu khả quan, ca múa nói năng đều siêu tuyệt. Những thương khách đến đây, đều bị họ làm cho tiêu tán hết tài sản hàng hóa. Năm trăm ca nữ này gặp năm trăm thương nhân cùng nhau vui chơi, chỉ riêng thương chủ không bị mê loạn. Ðến chỗ thương chủ, cô gái đứng đầu trong nhóm ca nữ tìm cách thân mật nhưng không được người này chìu ý nên cùng những cô khác ngày nào cũng đến nhưng ông ta vẫn kiên tâm không lay chuyển. Thấy cô ta thường đến nói cười với mình, thương chủ nói:
- Ta không có tà niệm, qua lại chỉ uổng công.
Ca nữ nói:
- Nếu ngài đổi ý, sẽ cho em vật gì?
Ðáp:
- Cho năm con ngựa thượng hạng. Nếu ta không làm lỗi, cô phải đưa cho ta năm trăm tiền vàng.
Sau khi cam kết, cô gái dùng thêm nhiều cách đến khêu gợi nhưng cũng không làm cho thương chủ đổi ý.
Những thương nhân khác nói:
- Cô ấy đẹp số một trong thành này, ngài không nên phụ lòng.
Thương chủ nói:
- Ðêm qua, ta nằm mộng thấy cùng nàng ấy giao hội vậy phiền gì gặp nhau.
Nghe như vậy, mọi người báo với ca nữ kia. Cô ta liền dẫn đến năm trăm người cầm dao đến đòi thương chủ thanh toán năm con ngựa theo lời cam kết trước đây: ông đã đổi ý, cùng ta làm việc phi pháp.
Thương chủ nói:
- Cô thật không biết xấu hổ, vu oan cho người tốt.
Họ đưa nhau đến quan tòa của nhà vua, xử đoán đến chiều vẫn chưa phân thắng bại nên hẹn nhau sáng mai cùng đến để thẩm sát.
Thấy Ðại Dược về nhà muộn hơn thường ngày, Tỳ Xá Khư hỏi:
- Sao về muộn vậy?
Sau khi kể lại hết sự việc, Ðại Dược nói:
- Cũng chưa xử xong.
Vợ nói:
- Các vị đều thông hiểu đạo lý mà chẳng rõ việc này sao gọi có trí?
Ðại Dược hỏi:
- Chúng tôi chưa thông, nàng có thể xử không?
Vợ nói:
- Em thử xử đoán như thế này để xem trí tuệ ra sao. Trước hết, chàng tâu vua triệu các quan đến và dẫn theo năm con ngựa cùng đến bên hồ nước. Giữa mọi người, gọi ca nữ ấy đến, bảo rằng:- Thương chủ cùng cô thật có làm việc phi pháp nên giao ngựa thật đúng như trong mộng vậy hãy tùy ý dẫn bóng ngựa trong nước về đi. Nếu cô ấy nói bóng ngựa không thật nên không thể dắt đi thì bảo việc hành dục trong mộng cũng như vậy.
Nghe xong, Ðại Dược rất thán phục, ngay sáng hôm sau, tâu vua mời các quan, tập họp mọi người cùng ca nữ kia với năm con ngựa đến bên hồ nước. Ðứng trên bờ hồ, theo như kế của Tỳ Xá Khư, Ðại Dược lần lượt cật vấn cô ta.
Nghe như vậy, vua và mọi người đều thán phục, bảo Ðại Dược:
- Nếu chiều hôm qua khanh đã xử như vậy thì không phiền hôm nay lại tập họp cho phiền phức, vậy là kế của ai?
Ðáp:
- Là của Tỳ Xá Khư. Chiều qua khi về nhà, thần kể sự việc này ...
Vua quan đều thán phục, bảo rằng Tỳ Xá Khư có mưu kế trí tuệ lớn.
Danh tiếng của Tỳ Xá Khư vang khắp nơi, xa gần đều biết.
Khi ấy, phương Bắc hiến hai con ngựa cỏ, một con là mẹ, con cái kia là con, hình dáng kích cở màu lông đều hoàn toàn giống nhau, không phân biệt được con nào là mẹ hay con. Cùng quan sát, vua cùng mọi người không sao phân biệt được.
Nghe như vậy, Tỳ Xá Khư bảo:
- Lông cứng là mẹ, lông mềm là con.
Mọi người đều thán phục.
Vào lúc khác, có người biết dùng chú thuật rắn đem hai con rắn hình dáng giống như nhau, không phân biệt được đực, cái, đến chỗ vua. Mọi người chịu thua. Ðại Dược nói với Tỳ Xá Khư việc này. Nghe xong, Xá Khư cười mỉm rồi nói:
- Các vị không biết việc này, sao gọi là người trí. Những người thân cận vua hưởng bổng lộc thật uổng phí.
Ðại Dược hỏi:
- Nàng có biết không?
Ðáp:
- Biết rõ, nên dùng vật mềm mại cột vào đầu cây gậy lau trên xương sống của rắn; con nào cong lại cử động là đực, con nào vẫn nằm im là cái.
Ðại Dược làm theo sự hướng dẫn, thấy đúng như vậy. Mọi người đều khen giỏi.
Có thương nhân ở nước Nam đem đến cho vua cây gậy chiên-đàn hai đầu giống nhau không phân biệt được gốc ngọn. Ðược hỏi đến, Tỳ Xá Khư cười nói:
- Bỏ gậy ấy vào trong nước, gốc chìm xuống, ngọn nổi lên.
Thí nghiệm đúng như vậy, mọi người đều thán phục.
Vua suy nghĩ:
- Ta thử thí nghiệm các đại thần để xem ai có trí nhất.
Trên lầu, nhà vua cho dựng cây phướn cao trên đầu có đặt ngọc quý sáng rực. Ánh mặt trời phản chiếu, bóng ngọc quý hiện trong hồ nước như thật.
Vua bảo mọi người:
- Ai vào hồ lấy được trái châu, ta sẽ ban thưởng.
Mọi người vào hồ nước tìm nhưng không lấy được. Ðại Dược lại báo cho Tỳ Xá Khư.
Cười đáp:
- Hãy nhìn ngược lên trên thì tìm được chính ngọc quý.
Ðại Dược làm theo lấy được ngọc.
Vua hỏi:
- Là thượng trí của ai vậy?
Ðáp:
- Tỳ Xá Khư.
Vua liền tặng ngọc và khen ngợi.
Thấy Tỳ Xá Khư xinh đẹp hiếm có trên đời, các đại thần đều có ý luyến ái nên đem tặng châu báu mong được qua lại tư thông. Nhưng Tỳ Xá Khư vẫn không thay đổi tâm niệm.
Thấy họ mong muốn mãi, Tỳ Xá Khư bảo với Ðại Dược:
- Trong nước chàng có sự việc là thấy vợ người xinh đẹp thì muốn tư thông thật là bỉ ổi.
Ðáp:
- Ðấy là tập quán thế gian, ai cũng truyền cho nhau, nhưng người phụ nữ nào kiên trinh thì không thuận theo.
Vợ nói:
- Thiếp muốn làm nhục họ, xin chàng đừng trách.
Ðáp:
- Tùy ý.
Vợ nói:
- Chàng hãy báo bệnh, em tự lo liệu.
Tuân lời, Ðại Dược báo bệnh tránh mọi người. Các đại thần sai sứ đến hỏi Tỳ Xá Khư.
Ðáp:
- Chồng bệnh, tôi được tùy ý.
Tỳ Xá Khư liền sai thợ làm hình nhân gỗ giống như Ðại Dược đặt trên giường phủ áo mỏng lên, rồi báo mọi người:
- Chồng tôi bệnh nặng, mạng sống không còn bao, hãy tùy theo sức mình, khi yêu mến với tôi chớ để người ngoài thấy.
Làm sáu rương lớn để trong sáu phòng, khi đại thần đến, Tỳ Xá Khư bảo tạm núp trong này sợ có người biết. Khi họ vào rồi, liền khóa rương lại. Khi đã nhốt hết sáu đại thần vào rương, Tỳ Xá Khư nói với mọi người:
- Ðại Dược đã chết.
Vua cùng các quan đồng liêu đều buồn rầu khóc lóc lớn tiếng với suy nghĩ:
- Người tài giỏi như vậy lại bị chết thình lình.
Ðem sáu cái rương lớn vào chỗ vua, Tỳ Xá Khư thưa:
- Ðại vương, Ðại Dược đã qua đời, tài sản trân bảo của chàng đều để trong rương, xin ngài nhận lĩnh. (và nói hai bài kệ).
Trông thấy, vua rất bi thảm, hôm nay Ðại Dược đã chết, còn đem di vật đến.
Bấy giờ, từ cửa bên hông, Ðại Dược đi vào, trang sức anh lạc đến gặp nhà vua, mỉm cười tâu:
- Ngài rất thương yêu thần, vậy mà vừa mới chết, đã thu lấy tài sản.
Vua nói:
- Không phải ta đòi tài sản, chính do Tỳ Xá Khư đích thân mang lại và nói kệ:
Xin đại-vương biết cho,
Ðại Dược đã qua đời,
Trân bảo này của chàng,
Xin ngài xem rương quý,
Chồng thiếp không còn nữa,
Thiếp cô quả bơ vơ,
Sợ bị người ngoài gạt,
Mất vật này của vua,
Ðại Dược nói:
- Nếu vậy, ngài có thể mở rương ra xem trân bảo gì.
Sau khi mở rương, sáu đại thần đều từ trong bước ra.
Nghe vua hỏi vì sao, sáu người đáp:
Chúng thần vì tình dục,
Nên bị nữ nhân gạt,
Xin đại vương ban ân,
Không dám làm vậy nữa.
Vua nói:
- Thế gian luân hồi đều do sắc dục, đã bị nhục này lại bị lỗi nặng, các khanh hãy về đi, sau hãy tự xét mình.
Nhà vua lại than:
- Than ơi! phụ nữ mà lại có tiết tháo trinh bạch đặc biệt, mưu kế tuyệt luân xưa nay chưa từng có, làm cho đại thần phụ tướng bị nhục đến như vậy.
Nhân đó, nhà vua cấm chế việc đam mê dâm dục. Vua đã vui mừng, phong thưởng thêm tước lộc cho Tỳ Xá Khư, làm cho vang danh đến các nước khác.
Bấy giờ, nhà vua nghĩ rằng Ðại Dược có phúc nên có được người vợ tài trí như vậy, liền bảo Ðại Dược:
- Ngươi hãy tìm cho ta một phu nhân đủ tài trí làm cho chính trị trong và ngoài nước đều được an ninh, ta chỉ vòng tay sống an ổn.
Ðại Dược thưa:
- Tìm ở nơi nào?
Vua nói:
- Ta nghe ở nước Bán Giá La có một cô gái tên là Diệu Dược, xinh đẹp tuyệt thế, ý nghĩ thanh cao siêu quần, nên đến cầu hôn chắc là đạt được.
Ðại Dược đáp:
- Ðó là nước láng giềng, có thể oán thù, nên tạo phương tiện trước, sau mới đạt được.
Vua sai phụ tướng đi đến cầu hôn. Thấy sứ giả đến, vua quan nước kia cùng nhau nghị luận: "Vua nước Tỳ Ðề- Ê có nhiều binh lực, cùng ta thông gia là muốn kết thân tình. Nếu họ tự đến, việc lành hay dữ ta thi hành tùy ý".
Sau khi bàn luận, vua đồng ý, xem ngày giờ ... tốt, báo bên kia nên đến đây để tổ chức hôn lễ.
Sứ giả về tâu vua:
- Ðã cầu được vương nữ, hẹn ngày ... tổ chức lễ cưới.
Ðến ngày ấy, vua nước Bán Giá La bày tiệc thịnh soạn, cho thuốc độc vào các món ăn ngon, rồi sai sứ đến báo Tỳ Ðề Ê:
- Tiệc đã chuẩn bị xong, xin họ đến mau.
Khi sứ giả đến, Ðại Dược tâu vua:
- Chẳng nên vội vàng, nên bàn tính kỹ, việc thường xưa nay, lân quốc là kẻ thù, thường gây chiến tranh, khó thân thiện nhau.
Vua nói:
- Bình luận với ai?
Ðáp:
- Ðại vương! Xin đừng lo lắng, thần có con Anh-vũ tên là Cụ-tướng, có trí tuệ lớn hiểu rõ nhân tình. Sai nó đến thành kia thám thính rồi trở về báo lại.
Vua nói:
- Tùy ý.
Sau khi nghe dặn bảo, Anh-vũ lên tiếng vỗ cánh bay đến thành kia, đậu trên ngọn cây quan sát bốn hướng xem có thể bàn bạc với ai, giao cho ai việc thông tin qua lại. Nhưng không có con chim nào có thể cùng mưu tính được. Bay vào rừng tre, thấy có tổ chim Xá-lị, Anh-vũ liền bay đến bên tổ thăm hỏi.
Xá-lị hỏi:
- Anh từ đâu đến?
Cụ tướng đáp:
- Tôi từ chỗ vua Thất Lị ở phương Bắc đến đây. Trước đây, tôi là sứ giả giám sát vườn cưới Xá-lị làm vợ. Cô ấy trẻ đẹp hình dáng không ai bằng, siêng năng trí tuệ, hiểu rõ ngôn ngữ. Khi vừa ra ngoài, cô ấy bị diều hâu bắt đi. Vì chuyện này, tôi đau đớn như bị tên bắn vào tim, đi tìm khắp nơi, lần hồi đến đây. Tôi không có người bạn nào cả xin được lấy nàng làm vợ.
Ðáp:
- Tôi chưa từng nghe cũng chưa từng thấy chim Anh-vũ lấy Xá-lị làm vợ.
Khi ấy Cụ-tướng dùng các loại ngôn từ để khuyến dụ bằng kệ:
Ta bên vua phương Bắc,
Giữ vườn thành Thất-lị,
Xá-lị là vợ ta,
Có trí, giỏi nói năng,
Vì ra ngoài vui chơi,
Bị diều hâu bắt đi,
Ta vì tìm cô ấy,
Trôi nỗi đến nơi đây.
Xá-lị đáp:
Xá-lị vợ Anh-vũ,
Chưa từng nghe việc này,
Anh-vũ tìm Anh-vũ,
Bậc trí đều biết vậy.
Nói kệ xong, chúng lại bàn luận nhau, tâm đầu ý hợp nên Xá-lị chịu làm vợ. Sau khi đã thân mật nhau, tình cảm hai bên khó chia lìa.
Khi ấy, Cụ-tướng thấy rõ chỗ nhà vua làm các món ăn uống hảo hạng, nhiều món lắm màu đều hiếm có. Thấy vậy, nó bảo Xá-lị:
- Vì sao trong cung làm các món ăn thịnh soạn như vậy, anh có thể nếm được mùi vị ấy không?
Ðáp:
- Tuy các món ăn thượng hạng thơm ngon như vậy nhưng đều có thuốc độc.
Hỏi:
- Vì sao?
Ðáp:
- Có vua Tỳ Ðề Ê sắp đến nên làm thức ăn này để tổ chức lễ nhưng ngầm ý hại vua tôi họ.
Sau khi hỏi kỹ, biết rõ ràng, Cụ tướng nói kệ:
Họ nói vương nữ này,
Gả cho Tỳ Ðề Ê,
Tuy nghe lời đồn vậy,
Không biết thật hay hư?
Xá-lị đáp:
Vua không gả vương nữ,
Kẻ ngu chẳng tự lượng,
Dùng phương pháp thế này,
Ýù muốn tiêu diệt hết.
Biết sự việc này rồi, như đại thương chủ được kỳ trân dị bảo, Anh-vũ vui mừng bảo Xá-lị:
Anh bay về phương Bắc,
Báo vua nước Thất-lị,
Ðược vợ đẹp thông minh,
Như biết nói tiếng được.
Xá-lị bảo:
Thánh tử! Chàng bay đi,
Về thăm vua Thất-lị,
Bảy hôm, mau trở lại,
Không nên ở lâu ngày.
Bay lên không trung, chẳng bao lâu về gặp lại Ðại Dược, Anh-vũ đem hết sự việc kể lại. Ðại Dược lần lượt tâu sự việc lên vua và khuyên không nên đi nữa.
Nghe nước kia không đến, vua bên này đem bốn loại binh sang thành Tỳ Ðề Ê, vây kín bốn mặt không còn chỗ.
Vua cùng Ðại Dược bàn tính mưu kế phải làm sao đây.
Ðại Dược tâu:
- Không nên giao chiến, hãy làm kế ly gián.
Khi ấy, doanh trại bên kia có năm trăm đại thần đều nhận được nhiều trân bảo của nhà vua hối lộ. Nhận được vật quý, các đại thần đều thay đổi ý nghĩ, không nghe theo lời vua nữa.
Sau khi thi hành kế này, Ðại Dược và vua sai sứ đến báo:
- Chẳng phải chúng tôi không thể chiến đấu với vua, đã là cha vợ tất nhiên rất thân, hãy suy nghĩ kỹ giữ thân là chắc chắn, bị đưa đến chỗ chúng tôi thì không còn tự do nữa. Nếu không tin, các ngài hãy kiểm tra, chúng tôi đã cho vật ... đến đại thần ... Năm trăm người ấy đều nhận tặng vật, nên sưu tra thì rõ hư thật.
Sau khi điều tra, sự việc đúng như thật, biết nội bộ đã chia rẽ nên vào nữa đêm vua ra lệnh thu quân. Vừa về đến thành, vua ra lệnh giết hết năm trăm đại thần và đưa con của họ lên thay thế.
Ðại dược tâu vua:
- Sự việc đã như vậy, không còn khó khăn nữa, thần muốn đến cầu hôn với vương nữ, được không chưa biết, cần xem ý họ đã.
Vua nói:
- Tùy ý.
Ðem binh đến nước Bán Giá La, Ðại Dược tạm trú trong khu vườn.
Ðược vua bên ấy gọi vào thành, Ðại Dược đáp:
- Tôi không vào thành, tạm thời xin ở nơi nhà đại thần.
Vua nói:
- Tùy ý.
Khi ấy, con của các đaị thần bàn nhau rằng giết cha chúng ta đều do Ð?i Dược, không nên thả kẻ thù này đi. Họ tâu lên vua:
- Vua Tỳ Ðề Ê không có sách lược gì cả, vương nghiệp hưng thịnh đều nhờ vào công Ðại Dược. Do đó không thể xâm lược họ được. Nay hãy lưu hắn lại không cho đi đâu cả. Thần mang binh đi phá thành ấy.
Vua khen hay. Họ dẫn bốn loại binh đến vây thành Tỳ Ðề Ê.
Khi ấy, biết vua Bán Già theo đường ... đến thành Tỳ Ðề Ê, Ðại Dược còn đoán biết nơi cất giữ các trân bảo của vua cũng là chỗ vương nữ Diệu Dược đang cư trú. Ðại Dược liền đột nhập vào cung đem hết trân bảo cùng Diệu Dược, thống lĩnh binh lính theo đường khác trở về. Vua tôi gặp nhau, tập họp hết các quan trong triều, cùng nhau vui mừng vô cùng.
Bấy giờ, người của nước Bán Già đến tâu vua về việc trân bảo cùng Diệu Dược đã bị mang đi mất. Nghe tin, vua vội ra lệnh rút quân.
Bấy giờ, vua nước này tổ chức hôn lễ lớn. Khi việc hôn nhân đã xong, vua đưa Diệu Dược lên làm đại phu nhân.
Vua Bán Già sai sứ đem thư đến cho Diệu Dược, ghi:
- Ta rất ưu buồn, con không biết hay sao. Hãy kín đáo tìm hiểu ai thông báo việc dùng thuốc độc trộn vào thức ăn để hại vua kia.
Ðược thư, tìm hiểu sự việc, biết tin kín ấy do Anh-vũ của Ðại Dược báo lại, Diệu Dược sai sứ báo cho phụ vương.
Ðược tin, vua cha bí mật sai sứ báo tin:
- Do Anh-vũ xem xét sự việc về báo lại đến nỗi làm cho phân chia tan nát quốc gia ta. Hãy đưa Anh-vũ ấy đến đây.
Vương nữ nhốt Anh-vũ gửi đến phụ vương. Trông thấy Anh-vũ, vua rất phẫn nộ:
- Do con chim độc ác này làm cho nước mất, thân thuộc chia lìa, đừng bàn luận gì nữa hãy giết nó đi.
Lạy vua, Anh-vũ tâu:
- Cầu xin ngài cho tôi được chết theo phép tổ tiên. Chết như vậy, tôi sẽ không oán hận.
Vua phán:
- Hãy hành quyết theo phép của nó.
Ðồ tể hỏi:
- Phép chết ấy thế nào?
Anh vũ đáp:
- Cột dây gai nhúng dầu mỡ vào đuôi tôi rồi đốt cháy, mặc cho tôi chết.
Nghe lời, đồ tể làm như vậy rồi thả chim ra. Anh-vũ vọt lên không trung tung hoành cái đuôi lửa làm cháy hết cả vương cung. Sau đó, chim lặn xuống ao tắm rửa, rồi vỗ cánh bay về Tỳ Ðề Ê.
Ðại Dược hỏi:
- Ngươi còn sống trở về sao?
Anh-vũ kể lại đầy đủ.
Ðại Dược rất vui mừng.
Tức giận vô cùng, vua Bán Giá La lại gửi thư báo cho vương nữ biết do chim Anh-vũ đốt cháy cung điện nên phải cấp tốc trói chặt đưa sang. Thấy chim, vua rất phẫn nộ, sai đốt sạch lông và nấu nước sôi. Sau khi nhổ sạch lông, đồ tể vứt chim ra hiên và nói:
- Hãy đi đi.
Một diều hâu bay xuống tha chim đến một thần miếu. Thấy diều hâu muốn ăn mình, Anh-vũ nói:
- Ngài ăn thịt tôi chỉ được một ngày, nếu được tha cho, hằng ngày xin dâng thịt ngon hảo hạng để dùng no đủ.
Diều hâu nói:
- Ai sẽ tin ngươi?
Ðáp:
- Tôi xin thề, lại nữa tôi không còn lông cánh nên chẳng thể bay được, trong một hai ngày sẽ thấy hư thật.
Anh-vũ lại bảo:
- Tuy anh có lòng thương ban ân nhưng chưa đến đúng chỗ. Xin đưa tôi đến bên miếu thiên vương, thả nhẹ xuống đất.
Nghe lời, diều hâu đưa chim đến miếu thần. Chim đi vào miếu, ẩn trong lỗ nhỏ sau lưng thần tượng.
Khi người giữ đền đem hương hoa đến cúng dường trước tượng thần, Anh-vũ lên tiếng:
- Ngươi hãy đi báo cho vua rằng vua có hành động ác làm cho các thần đều giận, sẽ bị tai họa do ta gây ra. Nếu không cúng dường, sẽ bị tai ương không ngừng, hằng ngày hãy hiến cúng nhiều thịt sống, mè, đậu nành, đựng trong một thăng. Giữ lòng thành như vậy, ta sẽ ban ân.
Người giữ đền đem việc này đến báo cho vua biết. Vua nói:
- Nếu như vậy, tùy theo lời dạy, ta sẽ làm tất cả để tế thần.
Qua nhiều ngày tháng, Diều hâu ăn thịt còn Anh-vũ ăn mè nên lông cánh mọc trở lại có thể bay được. Khi có ý muốn bay đi, Anh-vũ bảo người giữ đền:
- Ngươi hãy đi báo với vua, từ lâu đã cúng dường cho ta, lại có một việc ngươi không được làm trái. Vua và trong cung, các quan đều phải cắt tóc rồi đến gặp ta. Ta sẽ ban cho giàu có an lạc vô cùng.
Ðược sứ giả tâu, vua liền cạo sạch râu tóc, đi đến đền thờ, lạy sát thiên thần cầu xin sám hối.
Bay lên không trung, Anh-vũ nói kệ:
Những việc gì đã làm,
Ðều phải có quả báo,
Ngươi nhổ lông của ta,
Nay, ta cạo đầu ngươi.
Nói xong, Anh-vũ vỗ cánh bay cao về đến chỗ Ðại Dược.
Ðại Dược hỏi:
- Ta lấy làm lạ vì sao ngươi ở lâu vậy.
Anh-vũ kể lại đầy đủ những việc đã trải qua. Nghe xong, rất vui mừng, Ðại Dược tâu lên cho vua biết.
Rất thán phục, vua nói:
- Ðại Dược! Khanh thật có phước nên được quyến thuộc đều thông minh. Tỳ Xá Khư trí tuệ hơn người, chim Anh-vũ trong đời khó có.
Sau đó, nhà vua suy nghĩ: "Trong các quan, ai có trí tuệ nhất".
Nhà vua giao cho mỗi đại thần một con chó để họ nuôi dưỡng trong thời gian ... như nhau, dạy làm sao cho nói được tiếng người. Sau khi đem chó về nhà mình, các quan ra sức nuôi dưỡng nhưng không có cách gì làm cho nói được tiếng người. Sau khi đem về nhà, Ðại Dược cột chó ở gần bên chỗ ngồi ăn. Khi ăn, Ðại Dược dùng những món bánh trái thơm ngon, bày la liệt ở trước. Trông thấy, nhưng chó không được cho một một miếng nào mà chỉ được cho ăn thức ăn dở đủ sống để không bị chết. Vì vậy, chó rất gầy ốm, chỉ còn xương da.
Vua ra lệnh tập họp tất cả các con chó mà đại thần đã nuôi dưỡng lại để kiểm tra xem chúng biết nói tiếng người không.
Ðến nơi, các con chó khác đều mập mạp nhưng không biết nói . Thấy con chó của Ðại Dược gầy ốm, vua hỏi:
- Chó của khanh vì sao ốm vậy?
Ðáp:
- Ðại vương! Vì thường cho ăn thức ăn như của thần.
Con chó liền nói:
- Người này nó dối. Tôi thường bị đói muốn chết đến nơi.
Ðại Dược nói:
- Chính vua đã thấy chó này hiểu tiếng người.
Vua rất vui mừng, khen ngợi thật khác mọi người.
Sau đó một thời gian, vua lại thử các đại thần ai có trí tuệ, bằng cách giao các con dê cho từng người nuôi và bảo rằng:
- Phải nuôi cho mập nhưng trong thịt chúng không được có mỡ.
Những kẻ vô trí đều nuôi dê cho mập. Nhận dê, Ðại Dược thường cho ăn uống đầy đủ làm cho nó to lớn nhưng lại làm chó sói bằng gỗ, thường xuyên đưa đến khủng bố.
Tuy dê được ăn uống đầy đủ nhưng không sinh mỡ vì sợ hãi. Sau khi giết dê, xét đúng sự thật, vua hỏi:
- Vì sao các con dê khác có mỡ, dê của khanh thì không?
Nghe được việc trên, vua khen:
- Thật là kỳ trí.
Một hôm, năm trăm người con của các đại thần cùng nhau tụ tập chơi đùa ở vườn hoa. Sau khi bàn luận đủ thứ chuyện, chúng hỏi nhau:
- Trong nhà ai có vật kỳ lạ, hoặc thấy nơi khác, hãy kể ra.
Sau khi mọi người đã kể ra, hỏi đến con của Ðại Dược:
- Trong nhà bạn có điều gì kỳ lạ?
Ðáp:
- Nhà tôi có cục đá nhờ sức thần chú hộ trì thả xuống nước thì nổi không chìm.
Mọi người nói:
- Chưa từng thấy đá nổi trên nước.
Chúng cùng cam kết, cá nhau năm trăm tiền vàng.
Con về báo cho cha:
- Con nói đá nổi và cá năm trăm tiền vàng.
Cha nói:
- Không nên đưa đá ra, hãy đem năm trăm tiền vàng giao cho họ.
Trong nhà Ðại Dược có dạy một con khỉ giỏi âm nhạc. Ðại Dược bảo con:
- Nhân lúc cùng mọi người tập họp, con hỏi rằng ai thấy có việc gì kỳ lạ. Khi mọi người nói xong, con nên bảo rằng tôi có con khỉ giỏi âm nhạc, thông thạo ca múa đàn sáo.
Mọi người bảo:
- Trước đây không có đá nổi nên bị phạt năm trăm tiền vàng, nay nếu không thật nữa thì phạt một trăm tiền. Nếu đúng sự thật, chúng ta đưa cho một trăm tiền vàng.
Ðem con khỉ đến gặp vua, con của Ðại Dược sai nó biểu diễn âm nhạc.
Sau khi mọi việc thành công, những người kia phải thanh toán một trăm tiền vàng. Vua nói rằng ta chưa từng thấy sự việc như vậy, nên rất vui mừng ban cho nhiều vật báu và khen:
- Trí của Ðại Dược thật số một trong mọi người.
Trong thành này có một Bà-la-môn thông minh trí tuệ, học giỏi bốn minh luận, lấy vợ chưa bao lâu sinh được một gái nhan sắc xinh đẹp tên là Ô Ðàm. Bà-la-môn này tự lập thệ rằng nếu có chàng trai nào đến học với ta mà giỏi bằng ta, sẽ gả con gái xinh đẹp này cho.
Khi cô gái này vừa mới lớn, trong nước có Bà-la-môn nọ sinh được một trai hình dáng đáng ghét đủ mười tám tướng xấu. Thấy vậy, cha mẹ không vui đặt tên là Ác Tướng. Ðến tuổi vừa lớn, nhưng Ác Tướng không được cho học hành gì cả vì con xấu xí làm cha mẹ xấu hổ.
Khi lớn lên, anh này tự hận mình không biết gì nên vào thành để cầu học. Ðến gặp vị Bà-la-môn thông tuệ kia, anh này làm lễ thưa:
- Con đến cầu sự lợi ích, mong thầy thương xót.
Vị thầy đồng ý. Không bao lâu, người học trò này học thông suốt hết luận thư của thầy. Bà-la-môn suy nghĩ: "Trước đây, ta đã thề như có ai học hết hiểu biết của ta, ta sẽ gả con gái cho. Tuy anh này xấu xí nhưng ta không nên trái lời thề. Ai phụ tâm mình thì không được sinh thiên. Dầu cho ta bị mọi người cười chê nhưng ta không trái lời thề".
Vị này, bày đủ lễ đem con gái gả cho anh kia. Cô gái ấy uy nghiêm xinh đẹp đáng sợ làm cho ÁcTướng không dám đến gần. Ác Tướng suy nghĩ: "Hiện nay, ta là khách nên trong lòng còn e dè, nên đem về nhà thì hành động tùy ý".
Trông thấy Ác Tướng, Ô Ðàm không vui vẻ, suy nghĩ: "Ta đầy đủ nét đẹp còn chồng thì thô xấu, bị người cười chê, mặt mũi nào sống được".
Khi Ác Tướng đưa Ô Ðàm về quê, trên đường đi hết cả lương thực, bị đói nên đến bên hồ nước. Có một người đi đường đang hòa bột sắp uống. Ô Ðàm xin, họ cho một phần. Ác Tướng đem đến nơi khác, ăn một mình.
Ô Ðàm nói:
- Nên chia cho em một phần, tạm dùng đở đói.
Ác Tướng bảo:
- Chư tiên xưa có quy chế đàn bà không được uống bột cho nên không cho.
Sau đó, đến đồng trống, gặp phải thịt rơi, Ác Tướng ăn một mình không chia cho Ô Ðàm, và bảo:
- Vật này tiên xưa cũng không cho đàn bà ăn.
Ô Ðàm suy nghĩ: "Ta thật không phúc đức nên cha mẹ gã cho kẻ ác này, thật đáng hối hận".
Ði đến cây ô-đàm bạt-la, Ác Tướng leo lên hái trái ăn.
Vợ nói:
- Hãy hái cho em ăn với, không nên ăn một mình.
Ác Tướng liền ném trái xanh xuống, ăn trái chín.
Vợ nói:
- Hãy thả trái chín xuống.
Ðáp:
- Nếu muốn ăn trái chín, leo lên hái ăn.
Vì quá đói, người vợ leo lên cây hái trái ăn. Thấy vậy, Ác Tướng suy nghĩ: "Ta không có tướng mạo đẹp lại gặp phải người vợ thô tháo như vậy, tự leo lên cây cao hái trái để ăn. Lại nữa, tự ta cũng chưa nuôi nổi thân, ai lại nuôi thêm người vợ vô dụng này". Ðã khinh ghét như vậy, Ác Tướng liền leo xuống, lấy gai chất chung quanh cây rồi bỏ đi.
Bấy giờ, nhân ra ngoài săn bắn, vua Trung Hưng đi đến gần rừng cây ấy. Bị mất chồng, người phụ nữ kia khổ não kêu gào than khóc. Nghe tiếng kêu, vua ra lệnh:
- Ðây là rừng vắng, ai than khóc vậy.
Tìm theo tiếng khóc đến chỗ Ô Ðàm, thấy nhan sắc cô ta như tiên nữ giáng phàm nên cho là thần tiên, vua hỏi:
- Vì sao thần tiên đến nơi này?
Ô Ðàm nói kệ:
Xin đại vương biết cho,
Thiếp không phải thiên nữ,
Cũng không phải thần tiên,
Không chồng nên bị khổ.
Ðược vua sai người đưa xuống. Cô ta vui mừng vì thỏa ý bình sinh, liền lên xe cùng vua đi về cung.
Bấy giờ, đang đi trên đường, Ác Tướng bỗng hối hận:
- Ta làm việc sai rồi, vì sao vứt bỏ người vợ nhỏ nơi rừng vắng vậy, hãy trở lại đưa cô ta về nhà.
Ðến dưới cây kia, Ác Tướng không thấy Ô Ðàm. Người khác bảo:
- Nhà vua đã cho đi cùng xe, đưa vào trong cung rồi.
Nghe nói như vậy, rất buồn bã, Ác Tướng đi đến cửa cung vua nhưng không thể vào được. Nương theo người vận tải bình, anh ta đi vào trong. Thấy vợ cùng vua đang vui vẻ, tự nghĩ làm sao được nói chuyện, Ác Tướng mượn vào chuyện khác lớn tiếng nói kệ:
Nàng đang trên ghế vàng,
Mặt hoa thật xinh đẹp,
Không cùng ta vui vẻ,
Thợ giỏi cầm đao búa.
Cô ta nói kệ đáp:
Ðói khát đến bờ ao,
Theo chàng xin bột uống,
Bảo nữ không được phép,
Rất hận, đáng giống trống.
Cùng đi qua rừng vắng,
Ăn thịt không chia phần,
Nghĩ vậy, đến khổ thân,
Khi múa, phải theo nhịp.
Tự lên cây ô-đàm,
Ăn trái chín, không cho,
Nhớ đến thân tâm buồn,
Hại bà sắp đến già.
Ác Tướng nói kệ:
Nàng không nhớ đến ta,
Học rộng, nhiều tài trí,
Vì ta bị lỗi nhỏ,
Bỏ ta, mãi biệt ly.
Lên núi, tự rơi chết,
Uống độc, chịu chết thân,
Tội chết, nàng phải mang,
Trẻ giỏi cố ôm nồi.
Cô ta đáp:
Mặc ý chết đầu núi,
Hay uống độc qua đời,
Ta yêu, bị ông khinh,
Làm sao mà đánh trống?
(Trong các bài kệ này, câu thứ tư đều lấy việc trước mắt mà nói, ý muốn cho người khác không hiểu chứ không có nghĩa gì)
Khi hai người mượn vào lời khác để đối đáp nhau, vua hỏi:
- Lời của phu nhân nói có nghĩa gì, ta không hiểu, hãy nói cho nghe.
Ô Ðàm nói rõ cho vua:
- Người này là chồng thiếp do cha mẹ gả cho, có nhiều trí tuệ thông thạo bốn minh luận, nay vì mong cầu thiếp nên đến đây.
Vua nói:
- Nàng hãy im lặng, không phiền nói chuyện nhưng hiện nay ý nàng thế nào, có còn tình cũ với người ấy không?
Ðáp:
- Làm sao có việc ấy, đã làm cho người ấy hiềm khích thiếp rồi. Nhưng Bà-la-môn này biết nhiều chú thuật, không nên vội vàng gây khổ cho họ.
Vua liền đem sự việc báo cho Ðại Dược biết. Ðại Dược nói:
- Xin ngài đừng lo, thần làm cho cô ta rất yêu mến đại vương. Bà-la-môn ấy hình dáng xấu xí còn phu nhân xinh đẹp siêu quần, nên không dám thân cận.
Ðại Dược bảo Bà-la-môn:
- Ông vào cung để cầu việc gì?
Ðáp:
- Nhà vua đem vợ tôi vào cung.
Hỏi:
- Ông biết vợ không?
Ðáp:
- Tôi biết.
Ðại Dược nói:
- Ta gọi hết năm trăm cung nữ đến trước mặt, ai là vợ, ngươi được phép dẫn đi. Nếu ngươi nhầm lẫm, phải bị chém đầu.
Ðáp:
- Xin tuân lời.
Vua ra lệnh:
- Các cung nhân đều trang sức đến gặp ta.
Họ đều trang sức tập họp đến như năm trăm thiên nữ trong cung Ðế Thích, Ô Ðàm cũng xen vào đi đến chỗ nhà vua.
Ðại dược bảo Bà-la-môn:
- Biết vợ ông không?
Thấy họ đều trang sức rực rỡ phi thường, như rồng rắn bị cấm chú, Ác Tướng không nói gì được. Như mắt bị ánh mặt trời chiếu vào không mở được. Khi Bà-la-môn đang đứng nhìn sững, các cô gái đẹp đi qua hết, chỉ còn một tỳ nữ hình dáng như ngạ quỷ đi sau cùng. Ác Tưóng nắm lấy, bảo là vợ tôi.
Ðại Dược nói:
- Nếu là vợ ông, hãy tùy ý dẫn đi.
Ác tướng dẫn cô ấy đi, nói kệ:
Ðẹp nhất yêu đẹp nhất,
Người đẹp vừa yêu vừa,
Ta dáng như quỷ đói,
Yêu người giống như ta,
Từ bỏ thiên-cung này,
Ðưa nhau về nhà quỷ,
Hình sắc phải tương xứng,
Muốn khác đi không được.
Vào lúc nọ, Ðại Dược có lỗi nhỏ, vua chẳng vừa ý nên không nói đến. Vào ngự uyển, vua cùng cung nhân vui chơi suốt ngày. Khi ấy, phu nhân cởi chuỗi anh lạc bằng ngọc báu giá trị trăm ngàn lạng vàng, treo trên nhánh cây nhưng quên không lấy xuống. Chiều xuống cùng về phòng ngủ, tối đến, phu nhân mới nhớ lại.
Bấy giờ, chuỗi ngọc đã bị con khỉ lấy mang lên cây cao. Vua sai sứ giả cấp tốc đi lấy chuỗi ngọc lại nhưng không tìm được.
Có người hành khất lượm thức ăn thừa trong vườn xong, muốn đi ra. Sứ giả giữ lấy, bảo rằng không ai vào đây cả, ngươi hãy trả chuỗi ngọc lại cho ta.
Ðáp:
- Tôi là người ăn xin, không thấy chuỗi ngọc.
Sứ giả đánh khảo người ấy và đưa đến quan, giam lại.
- Ta nên tìm cách, nếu ở đây nữa chắc phải chết đói. Nghĩ như vậy nên người ấy bảo sứ giả: "Tôi lấy chuỗi ngọc đưa cho con trưởng giả ... "
Sứ giả liền bắt con trưởng giả ... giam chung một cùm với người kia. Ðến lúc ăn, con trưởng giả được ăn các món thơm ngon. Bị người hành khất theo xin thức ăn, con người trưởng giả nói:
- Ngươi làm việc này lại kéo luôn cả ta vào đây, không cho ngươi ăn.
Sau khi ăn, con trưởng giả muốn đi tiểu.
Ðáp:
- Chưa đến lúc, tôi không đi với ông được.
Người này liền dùng lời êm dịu nói:
- Hãy cùng đi với ta, sẽ làm cho ngươi an lạc.
Ðáp:
- Hãy cam kết xong, tôi sẽ nghe theo lời ngươi.
Sau khi người kia thề xong, liền cùng nhau đi tiểu.
Con trưởng giả bảo người nhà:
- Kể từ ngày mai đem đến đây hai phần ăn.
Nhờ đó, người ăn xin rất sung sướng, suy nghĩ:
"Trước đây, ta đi khắp thành phố mà không có đủ thức ăn dở để nuôi thân; nay không thiếu một món ăn ngon nào cả. Nhưng ta không thể nằm một mình, hãy khai kỹ nữ số một trong thành cũng có chia phần chuỗi ngọc với ta". Khi kỹ nữ bị bắt đến cùng nhốt chung một nơi. Người hành khất cùng cô ta tư thông, rất khoái ý, suy nghĩ: "Giả như bị nhốt đến hai mươi năm, ta cũng không cầu thoát ra". Nhưng đối với năm dục, anh ta vẫn chưa thỏa mãn, muốn nghe tiếng hát hay cho êm tai nên khai cho người ca nhạc lấy chuỗi ngọc. Tuy oan uổng nhưng người kia vẫn bị tù, người hành khất mặc tình hưởng thụ âm nhạc. Lần lượt kéo dài đến nhiều tháng, mọi người khổ cực bảo với người hành khất:
- Ngươi tha cho chúng ta, sẽ làm cho ngươi an lạc.
Người hành khất suy nghĩ: "Nếu họ ra hết, ai lại lo cho ta. Theo ta tính toán nếu không nhờ sự soi xét sáng suốt của Ðại Dược, làm sao thoát được nơi ngục tối này".
Do đó, người này liền khai có chia chuỗi ngọc cho con của Ðại Dược nên cậu ta bị bắt giam.
Ðại Dược suy nghĩ rằng con ta bị giam trong ngục tối, làm sao ta ở yên được, vào tâu vua:
- Thần tuy có tội nhưng con thần không lỗi gì. Vì sao nó bị nhốt.
Vua nói:
- Chuỗi ngọc giá trị trăm ngàn lạng vàng bị kẻ hành khất lấy đem ra ngoài phân chia nhau.
Sau khi nghe vua nói lại hết lý do, Ðại Dược tâu:
- Xin vua chớ lo, chuỗi ngọc đeo cổ quý này không ai lấy đi cả, theo kế của thần tất mong lấy lại được, xin thả hết những người kia ra.
Nghe lời, vua thả bọn kia ra hết. Vào vườn hoa, đến chỗ đã mất chuỗi ngọc, nhìn lên cây cao, thấy con khỉ nên Ðại Dược suy nghĩ: "Chuỗi ngọc kia chính là con khỉ này lấy đi nhưng phải bày cách mới lấy lại được".
Ðại Dược tâu vua:
- Làm lại như trước, các cung nhân đều trang sức đeo chuỗi ngọc đi vào vườn.
Trông thấy như vậy, con khỉ cũng mang chuỗi ngọc vào cổ.
Ðại Dược ra lệnh:
- Cung nhân hãy múa.
Thấy vậy, con khỉ múa theo.
Ðại Dược ra lệnh:
- Tất cả cúi đầu xuống.
Thấy vậy, con khỉ cũng cúi đầu xuống, chuỗi ngọc rơi xuống đất.
Nhà vua rất mừng, khen ngợi trí giỏi, tha tội, ban thêm bổng lộc.
Bấy giờ, sáu đại thần nhân khi tụ họp lại một nơi, cùng bàn luận: "Trước đây, chúng ta đều được nhà vua mến trọng, phân cho lãnh thổ đều sống an nhàn. Ngày nay do bị thu lại nên nghèo cùng, không còn chút đất nào, họ chỉ đưa ra chút kỷ thuật liền được tiến thân làm cho chúng ta mất hết bổng lộc địa vị, bị xâm phạm thành ấp, biết làm sao đây?".
Một đại thần nói:
- Sau người chúng ta cùng nhau tuyên thệ không phản bội những điều cam kết nhau, đồng tâm hiệp lực dứt tuyệt oán thù. Ðại Dược và vua đối với ta không còn hận, làm cho bổng lộc địa vị phục hồi như trước.
Sau khi bàn như vậy, sáng hôm sau cả sáu người cùng vào vườn hoa. Thấy họ cùng tụ tập một nơi, tất bàn luận việc trọng đại, Ðại Dược nói hết cho Anh-vũ nghe và bảo:
- Ngươi vào vườn hoa, xem họ tụ tập bàn luận việc gì, rồi trở lại báo cho ta biết.
Bay đến nơi, núp trong bóng cây, Anh vũ nghe họ bàn luận.
Vào vườn hoa, sáu đại thần đều đem con trai con gái của mình ra đính ước với nhau rồi nói:
- Ðã là thân thuộc rồi, không con nghi ngờ nhau nữa, đừng cho tiết lậu mưu kế ra bên ngoài, hãy nói thật với nhau.
Một người nói rằng trước đây đã từng ăn chim công của vua. Một người nói rằng ta cùng cung nhân tư thông. Những người khác đều nói ý nghĩ trong lòng ra, cùng nhau mưu sự. Sau khi bàn bạc, sáu người cùng ăn uống với nhau.
Nghe xong, Anh-vũ báo cho Ðại Dược biết. Ðại Dược vào cung báo cho vua:
- Ðại thần của vua trung lương như vậy đó, xin hãy suy xét xem sự việc thế nào.
Hỏi ra, vua biết tất cả đều đúng nên đuổi bọn họ ra tận biên giới.
Ðức Phật bảo các Bí-sô:
- Các ông chớ có phân vân, Ðại Dược ngày xưa, nay chính là Ta. Vua Trung Hưng là Xá Lị Phất. Sáu đại thần ấy là Lục sư. Ngày xưa, Ta đã đuổi bọn họ. Nay Ta là bậc tối tôn trong ba cõi, hiện đại thần thông đuổi bọn Lục sư ngoại đạo. Các Bí-sô nên thân cận thiện tri thức, nhờ bậc tri thức nên thông đạt tất cả sách vở trong ngoài, và được kết quả thành tựu thịnh đức như vậy. Các ông nên tu học như vậy. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ
Quyển thứ hai mươi tám hết
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.24.192 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.