Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ hai mươi sáu
Tiếp theo nhiếp tụng bốn trong biệt môn sáu: Sự việc Phật hiện đại thần thông.
Thế Tôn trú ở vườn Trúc Lâm, bờ hồ Yết Lan Ðạc Ca, thành Vương Xá. Bấy giờ, quốc-vương, đại-thần, Bà-la-môn, cư-sĩ, nhân-dân thương nhân trong thành phố làng xóm đều tôn trọng cung kính cúng dường Ðại-sư Thế Tôn và chúng Bí-sô nhiều lợi dưỡng như thức ăn uống, y phục, ngọa cụ, y dược, những vật phục vụ đời sống. Nhưng các ngoại đạo chẳng được vua, quan, Bà-la-môn ... cung kính nên không được thức ăn cho đến vật phục vụ thân thể.
Ma vương Ba-tuần suy nghĩ: "Từ lâu ta rất phiền muộn vì Kiều Ðáp Ma nhưng chưa hại được vậy nên dựa vào các ngoại đạo để gây não loạn".
Khi ấy, Lục-sư Bộ Kích Noa ... chẳng phải Nhất thiết trí, kiêu mạn xưng Nhất thiết trí, đang hoạt động tại thành Vương-xá.
Ma vương Ba Tuần hóa ra hình dáng Bộ Kích Noa, đi đến gặp Mạt Yết Lị Cù Xá Lê Tử, hiện thần thông thân phóng nước lửa phun mưa sấm chớp trước vị này. Mạt- Yết Lị Cù Xá Lê Tử hỏi:
- Này Bộ Kích Noa! Ngài đã thành tựu công đức đặc biệt thù thắng như vậy à?
Ðáp:
- Tôi chứng như vậy.
Ba tuần lại lần lượt đến gặp San Thệ Di Bệ Kích Tri Tử, A-Thị Ða Kê Xá Cam Bạt La, Khước Câu Ðà Ca Ða Diễn Na, Ny Yết Lạn Ðà Thận Nhã Ðê Tử, đều hiện các thần thông thân phun ra nước lửa, phóng mưa sấm sét trước mặt họ.
Ba-tuần biến thành Mạt Yết Lị Cù Xá Lê Tử đến nơi khác hiện các thần thông thân phun ra nước lửa, phóng ra mưa sấm chớp. Họ đều hỏi:
- Mạt Yết Lị Cù Xá Lê Tử, ngài thành tựu công đức thù thắng đặc biệt như vậy à?
Ðáp:
- Tôi chứng.
Ba-tuần biến thành San Thệ Di Bệ Kích Tri Tử đi đến nơi khác cũng làm ... như trước ... cho đến đáp:
- Tôi chứng.
Ba-tuần biến thành A Thị Ða Kê Xá Cam Bạt La, cũng làm như trước ...
Ba Tuần biến thành Khước Câu Ðà Ca Ða Diễn Na, cũng làm như trước ...
Ba Tuần biến thành Ny Yết Lạn Ðà Thận Nhã Ðê Tử đi đến trước ... hiện các thần thông thân phun ra nước lửa, phóng mưa sấm sét.
Họ đều hỏi:
- Ngài đã chứng công đức thù thắng kỳ lạ như vậy à?
Ðáp:
- Tôi chứng.
Thấy sự việc như vậy, từng người đều có ý nghĩ: "Những vị kia đều có đại uy thần, sức thù thắng, chỉ riêng mình ta không có uy đức.
Vào lúc nọ, tại Xướng tụng đường, Lục-sư đều tụ tập cùng nhau bàn luận. Họ nói:
- Ngày trước chúng ta đều được quốc-vương, đại-thần, Bà-la-môn, cư-sĩ, thương-chủ ... tôn trọng lễ kính cúng dường, được nhiều lợi dưỡng như thức ăn, y phục, ngọa cụ, y dược, vật dụng cho thân thể. Hiện nay, chúng ta không còn được cung kính cúng dường như vậy nữa, thức ăn, y phục bị đoạn tuyệt trong khi đó Sa-môn Kiều Ðáp Ma được các vua chúa ... cung kính cúng dường rất đầy đủ những vật dụng cần dùng. Các vị nên biết, chúng ta nên dùng sức thần thông đạo lực gọi Sa-môn Kiều Ðáp Ma đến để đấu phép thượng nhân với chúng ta. Nếu Sa-môn Kiều Ðáp Ma hiện một thần thông, ta sẽ hiện hai. Nếu ông ta hiện hai, ta sẽ hiện ba. Nếu ông ta hiện hai, ta sẽ hiện bốn. Nếu ông ta hiện bốn, ta sẽ hiện tám. Nếu ông ta hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Nếu ông ta hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Khi Kiều Ðáp Ma hiện pháp thượng nhân, ta sẽ hiện gấp hai gấp ba lần để hơn hành động của ông ta.
Ðến gặp vua Ảnh Thắng, sau khi chú nguyện cho vua, Lục-sư thưa:
- Ðại vương nên biết, chúng tôi đủ đại thần thông, có đại trí tuệ. Sa-môn Kiều Ðáp Ma cũng tự xưng có đủ đại thần thông, có đại trí tuệ. Xin đại vương cho phép bậc trí tuệ và người trí tuệ dùng pháp thần thông thượng nhân để thi đấu nhau. Khi nào Sa-môn ấy hiện một thần thông, tôi sẽ hiện gấp hai gấp ba thần thông như vậy. Khi nào ông ấy đi đến nữa đường, chúng tôi cũng theo ông ấy đến nữa đường để cùng đấu thần thông.
Vua Ảnh Thắng đáp:
- Này Lục-sư! Ccác vị tuy sống nhưng không khác thây chết, vì sao có thể dùng pháp thượng nhân mà gọi đến Như Lai?
Nghe nói như vậy, họ đều từ giã.
Sau đó, vua ra khỏi thành để đi đến lễ kính đức Phật.
Giữa đường, thấy vua Ảnh Thắng, Lục-sư lại xin đấu thần thông như trước. Vua nói:
- Ðã hai lần đến nói, ta cũng bỏ qua, nếu đến xin nữa, sẽ đuổi các ông ra khỏi nước.
Họ im lặng bỏ đi, về đến trú xứ cùng nhau bàn luận:
- Quý vị nên biết, đối với Sa-môn vua rất kính tín, việc này không chờ đợi được. Ð?i vương Thắng Quang nước Ki?u Thiểm Tỳ tính tình trung dung không có thiên lệch, ai cũng đều nghe. Nếu Kiều Ðáp Ma đi đến thành kia, chúng ta gọi ông ta đấu sức thần thông.
Sau đó, tùy theo nhân duyên hóa độ, Thế Tôn đi khỏi thành Vương Xá đến Thất La Phiệt, trú ở vườn Cấp Cô Ðộc. Cũng đi theo sau, nghỉ ngơi xong, Lục-sư đến gặp vua Thắng Quang, chú nguyện xong, thưa:
- Xin đại vương biết cho, chúng tôi có đại thần thông, đầy đủ đại trí tuệ. Sa-môn Kiều Ðáp Ma cũng thường tự xưng có đại thần thông, đủ đại trí tuệ. Xin đại vương cho phép bậc trí tuệ so tài với người trí tuệ bằng pháp thần thông thượng nhân. Nếu Sa-môn ấy hiện một thần thông, tôi sẽ hiện hai như vậy cho đến gấp ba mươi hai lần ... như trước. Nếu khi ông ấy đi đến nữa đường, chúng tôi cũng đi đến nữa đường cùng đấu thần thông.
Vua Thắng Quang thưa với Lục-sư:
- Các ngài hãy chờ tôi bạch Phật.
Ði đến gặp Thế Tôn, lạy sát hai chân rồi ngồi qua một bên, nhà vua cung kính chắp tay thưa với Thế Tôn:
- Ngoại đạo Lục-sư muốn dùng pháp thượng nhân thần thông mời Thế Tôn cùng đấu để so đạo đức. Con cầu xin Ngài từ bi chiến thắng ngoại đạo để trời người vui mừng, làm cho người có tín tâm được hoan hỷ, người không tín tâm diệt được gốc tội ác.
Nghe thưa, Ðại sư bảo vua Thắng Quang:
- Ðại vương nên biết, Ta dạy cho các đệ tử Thanh-văn rằng này các Bí-sô không nên lai vãng đến các Sa môn, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ để hiện pháp thượng nhân thần thông ở trước họ. Ta lại dạy cho các đêï tử pháp như vầy, này các Bí-sô nếu có pháp thắng thiện cần phải che dấu, có tội lỗi xấu ác phải phát lộ là việc phải làm trước.
Bấy giờ, vua Thắng Quang ba lần cầu thỉnh, Thế Tôn đều đáp như vậy.
Phật bảo:
- Ðại vương! Phật có năm việc phải làm. Ðó là:
Một: Ðối với hữu tình chưa từng phát tâm, làm cho họ phát tâm Vô-thượng chánh-đẳng-giác.
Hai: Thọ ký cho pháp vương, quán đảnh thái tử đã trồng thiện căn từ lâu.
Ba: Làm cho cha mẹ thấy được chân-đế.
Bốn: Hiện đại thần thông nơi thành Thất La Phiệt.
Năm: Hóa độ cho chúng sinh nào mà nhờ Phật dạy thì được giải thoát.
Khi ấy, với suy nghĩ chư Phật thời quá khứ đều hiện thần thông ở đâu, Thế Tôn thấy ở thành Thất La Phiệt. Ngài lại thấy bảy ngày sau đại chúng vân tập. Sau khi biết như vậy, Phật bảo vua Thắng Quang:
- Vua hãy về đi, xem đúng thời cơ, Ta sẽ hành động.
Vua thưa:
- Sẽ vào lúc nào?
Ðáp:
- Ðợi bảy ngày sau.
Vua lạy sát chân Phật, từ giã ra về, đi đến gặp ngoại đạo, nói:
- Quý vị nên biết, sau bảy ngày nữa, Như Lai sẽ vì mọi người mà hiện đại thần thông. Các vị cần làm việc gì thì tùy ý.
Nghe nói xong, ngoại đạo bàn bạc với nhau: "Có thể Sa-môn Kiều Ðáp Ma chạy trốn hoặc tìm đồng bọn, chúng ta phải làm sao đây? Sa môn chắc chắn tìm đồng bọn, chúng ta cũng nên tìm bạn hữu".
Bấy giờ, tại thành Câu Thi Na có một ngoại đạo tên là Hiền-Thiện, già đến 120 tuổi. Những tráng sĩ trong thành này đều cung kính tôn trọng chí tâm cúng dường Thiện Hiền, cho là bậc A-la-hán.
Sau khi mưu tính, Lục-sư đến gặp Thi?n Hiền, thưa:
- Thiện Hiền! Ngài là người đồng phạm hạnh với chúng tôi.
Chúng tôi muốn gọi sa môn Kiều Ðáp Ma cùng đấu thần thông hiện pháp thượng nhân, ngài hãy tương trợ.
Ðáp:
- Các vị thật không nên có hành động cùng đấu thần thông với Sa môn ấy.
- Vì sao?
- Vị ấy có uy đức lớn, thế lực lớn. Làm sao biết được, vì có lý do.
Hỏi:
- Lý do gì?
Ðáp:
- Khi đại Sa-môn ấy chưa xuất thế, ta nhớ có lần trú bên bờ hồ lớn Mạn Ðà Chỉ Nhĩ để tịnh tọa. Vào sáng sớm sau khi khất thực, ta đến bờ ao Vô Nhiệt im lặng thọ thực. Khi ấy thiên thần trú ở hồ này đích thân mang nước đến cung cấp cho ta. Sau khi Sa-môn Kiều Ðáp Ma xuất thế, đệ tử số một trong hàng thanh văn là Xá Lợi Phất. Cầu tịch Chuẩn Ðà đệ tử của vị ấy mang y phấn tảo đến ao Vô Nhiệt để giặt. Chư thiên bên hồ lấy y ấy giặt rồi đem lại vị kia, rất thành kính lấy nước giặt y rưới lên thân mình. Theo ta suy nghĩ, ta không bằng đệ tử của đệ tử vị ấy. Nay, các vị muốn gọi Ðại sư của họ đến đấu thần thông, thật không phải là việc tốt.
Nghe như vậy, họ bàn nhau: "Ðây cũng là bè đảng của sa môn ấy, hãy tìm vị khác cùng nhau mưu tính".
Giả dạng cung kính, từ tạ ra đi, đến nơi vắng vẻ, Lục-sư bàn nhau: "Bbiết tìm đồng bọn của chúng ta ở đâu đây?".
Một người nói:
- Thành kia có một vị chứng ngũ-thông, hãy đến đó bàn tính với họ, tất được tương trợ.
Một người nói:
- Người ấy không đủ sức hiện các thần thông nhưng tại chỗ yên tịnh ở Tuyết Sơn nơi rừng rậm, ao trong, hoa trái xum xuê, gió tùng reo vi vu, chim đẹp đua hót, có năm trăm tiên nhân sống ở đó, phần đông đã chứng đắc ngũ thông. Chúng ta nên đến đó bàn với họ.
Ðến nơi, sau khi chào hỏi, họ thưa:
- Quý vị cùng chúng tôi đồng tu phạm-hạnh. Hiện nay, chúng tôi muốn gọi Sa-môn Kiều Ðáp Ma cùng thi đấu pháp thần thông thượng nhân, quý vị có thể hỗ trợ không?
Ðáp:
- Ðấy là việc tốt. Chúng tôi xin tham dự. Khi thi đấu, nên hiện tướng trạng lạ. Thấy tướng trạng ấy chúng tôi sẽ đến tương trợ.
Cung kính vâng lời, Lục-sư từ giã.
Một hôm, vương tử Ca La em khác mẹ với vua Thắng Quang mặc y phục đàng hoàng trang sức hương thơm, vòng hoa, anh lạc, đi ngang qua cạnh cung vua bên thành. Trên lầu cao, thấy vương tử đi qua, quá yêu mến sắc đẹp Ca La nên nội nhân của vua ném vòng hoa trên người vương tử. Những người khác đều thấy, có kẻ oán ghét đem thưa với đại thần, đại thần tâu vua:
- Vương tử Ca La có giao hảo tư tình với nội nhân của vua.
Nghe tâu, vội vàng không xét kỹ, vua ra lệnh đại thần chặt tay chân vương tử. Tuân lệnh vua, họ dẫn vương tử ra chợ, khiến đồ tể chặt tay chân. Bấy giờ, thân tộc vương tử và nhân dân bu quanh thương xót kêu khóc rất đau khổ. Có ngoại đạo đi ngang qua, thân tộc vương tử thưa thỉnh:
- Vương tử Ca La bị vua nỗi giận chặt hết tay chân. Các ngài có thể dùng năng lực của lời nói thật làm cho tay chân bị chặt của vương tử bình phục như xưa không?
Nghe hỏi, ngoại đạo im lặng không đáp.
Thấy Tôn giả A Nan Ðà khất thực ngang qua đó, thân tộc ấy hỏi:
- Vương tử Ca La bị chặt tay chân, thánh giả có thể làm cho bình phục như xưa không?
Ðáp:
- Quý vị ở đây, chờ tôi bạch Phật rồi trở lại cho biết.
Nghe nói, mọi người rất hoan hỷ nói:
- Bây giờ vương tử đã được mạng sống.
Vội vàng trở về, vào rừng Thệ Ða, thu xếp bát cơm xong, A Nan Ðà đến gặp Thế Tôn thưa lại việc trên. Phật bảo A Nan Ðà:
- Ông hãy đến đó, bảo quyến thuộc sắp xếp tay chân vương tử lại như cũ, sau đó mới dùng lời nói chân thật để chú nguyện. Nên chú nguyện bằng lời chân thật thế này: "Trong các chúng sinh loài không chân, hai chân, nhiều chân, loài có sắc hay không sắc, loài có tưởng hay không tưởng hay chẳng phải không tưởng, đức Như Lai là tối thượng. Trong các pháp hoặc hữu vi hoặc vô vi, pháp vô-dục-nhiễm là tối thượng. Trong các tập thể, đại chúng, đám đông, chúng Thanh-văn của Phật là tối thượng. Trong các giới cấm tinh cần khổ hạnh, tu tập phạm hạnh, thánh-giới thanh tịnh là tối thượng. Nếu lời này là chân thật không hư dối sẽ khiến cho tay chân của vương tử Ca-La đã bị cắt bình phục như xưa".
Nghe Phật dạy xong, sau khi bạch Phật rằng: "Thế Tôn, con sẽ làm như vậy", A Nan Ðà lạy sát chân Phật, đi đến chỗ Ca La. Tôn giả bảo quyến thuộc xếp đặt tay chân vương tử lại như cũ rồi làm đúng như lời Phật dạy, dùng lời nói chân thật chú nguyện:
- Trong các chúng sinh loài không chân, hai chân ... như trên cho đến ... thánh-giới thanh tịnh là tối thượng. Nếu thánh ngôn này không hư dối thì có thể làm cho tay chân bị chặt của vương tử bình phục như xưa.
Khi Tôn giả chú nguyện xong, tay chân vương tử bình phục như cũ. Thấy sự việc như vậy, mọi người đều hớn hở reo mừng vang dậy tán thán việc hy hữu là Tôn giả A Nan Ðà thắng các ngoại đạo và đưa vương tử đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài, đứng hết qua một bên, bạch rằng:
- Ðại đức Thế Tôn! Ðây là vương tử Ca La.
Vương tử lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Thuận theo sự sai khác về căn tính sở thích của vương tử, Thế Tôn giảng dạy pháp yếu. Nghe pháp xong, vương tử chứng quả Bất-hoàn và đắc thần thông.
Nghe vương tử Ca La nhờ Tôn giả A Nan Ðà dùng năng lực thật ngữ chú nguyện nên tay chân bình phục như xưa, vua Thắng-Quang đến xin lỗi vương tử: khanh hãy tha thứ cho ta.
Ðáp:
- Xin vâng.
Vua nói:
- Ca La nên trở về nhà.
Ðáp:
- Ðại vương, tôi đã ly dục, nay ở lại đây phục vụ Như Lai không trở về nữa.
Vua nói:
- Lành thay, hành động tùy ý.
Nhà vua làm một nơi kinh hành trong rừng cho vương tử cư trú. Vì các chi thể của vương tử được nối lại từng phần nên gọi rừng này tên là rừng Từng Phần.
Vua Thắng Quang đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân, thưa:
- Thế Tôn! Nếu Ngài cho phép, con sẽ làm nhà hiện thần thông từ cửa thành đến rừng Thệ Ða.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Vua liền làm nhà tô trát đàng hoàng, dựng trăm ngàn cờ lọng rực rỡ, rưới nước thơm chiên đàn, rãi hoa quý vô giá, treo các phướng màu gió thổi rất hấp dẫn, vàng ngọc chiếu sáng, chuông báu kêu vang, đốt hương hải-ngạn khói tỏa thành lọng, như vườn Hoan Hỷ ở cõi trời Ðao Lợi, làm bảo tọa sư tử vi diệu xinh đẹp cho Phật Thế Tôn bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não trang trí bằng các loại hiếm có trên đời.
Các đệ tử ngoại đạo của Lục sư cũng tùy theo sức mình làm sáu tòa ngồi cho thầy mình. Các ngoại đạo đều hộ vệ theo, Lục-sư ngồi ở trước, sai sứ đến tâu vua: đại vương nên biết, chúng tôi đã đến, hãy gọi sa môn Kiều Ðáp Ma.
Nghe họ thông báo, vua cùng nội cung, đại thần, nhân dân khắp nơi trong thành đều đi đến nhà hiện thần thông. Vua bảo sứ giả Ma Nạp Bà:
- Ngươi đến lễ Phật và thưa lại lời của ta, thăm hỏi Thế Tôn có khỏe mạnh, sinh hoạt an ổn, sức lực bình thường không và bạch rằng các ngoại đạo đều đã tập trung, xin Phật biết để định liệu.
Vâng lệnh vua, sứ giả Ma Nạp Bà đến gặp Phật, sau khi thăm hỏi, ngồi qua một bên, bạch:
- Thế Tôn! Ðại vương Thắng Quang đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn có khỏe mạnh, sinh hoạt an ổn, sức lực bình thường không!
Phật đáp:
- Xin chúc đại vương và ngài thân thể khỏe mạnh an lạc.
Ma Nạp Bà thưa:
- Ðại vương Thắng Quang thưa rằng các ngoại đạo đều đã tập trung, xin Phật biết để định liệu.
Phật bảo Ma Nạp Bà:
- Ngài có thể đi về.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng sức thần thông gia bị Ma Nạp Bà, như vua nhạn xòe hai cánh, bay lên hư không đến nhà hiện thần thông.
Thấy đức Phật từ hư không bay đến, mọi người đều vui mừng tán thán việc chưa từng có.
Thấy việc kỳ lạ, lòng thêm kính tín, vua bảo các ngoại đạo:
- Như Lai đại sư đã hiện thần biến. Các vị hãy tuần tự hiện việc kỳ lạ.
Họ đáp:
- Ðại vương! Có vô biên đại chúng đang vân tập, giả như hiện thần thông, không biết cái nào là của Sa môn hay của chúng tôi.
Khi ấy, Vương tử Ca La dùng thần lực đi đến núi Hương Túy lấy các loại cây rừng hoa trái xum xuê kỳ lạ có chim đẹp hót vang đi theo cây, đem an trí ở phía bắc của nhà hiện thần thông.
Thấy như vậy, vua càng thán phục, bảo với ngoại đạo:
- Như Lai đại sư đã hiện thần biến, các vị cũng nên tuần tự biến hiện.
Họ đáp:
- Ðại vương! Chẳng phải trước đây chúng tôi đã nói rằng hiện nay có vô biên đại chúng vân tập, giả như hiện thần biến chẳng biết là của ai.
Tiếp theo Trưởng giả giúp người nghèo Tô Ðạt Ða dùng sức thần thông lấy cây Như Ý ở cõi trời Ba-mươi-ba đem an trí nơi mặt Bắc nhà hiện thần thông.
Thấy như vậy, vua càng hoan hỷ, bảo các ngoại đạo:
- Như Lai đại sư đã hiện thần thông, các vị hãy làm đi.
Ngoại đạo đáp:
- Mọi người quá đông, biết ai hơn thua, giữa tôi và Sa-môn không thể phân biệt được.
Khi ấy có trăm ngàn nhân dân các nước xa gần đều tập họp đến. Trên hư không có trăm ngàn ức chư thiên thích xem thần thông cũng vân tập đến.
Thế Tôn ra khỏi phòng một lúc, rửa sạch chân xong lại vào trong phòng, an tọa nhập vào định Hỏa Quang. Từ lỗ khóa phòng của Thế Tôn, lửa phun ra rực rỡ bay đến chụp lấy các nhà hiện thần thông.
Các ngoại đạo nói:
- Thần thông của Sa-môn hiện ra làm cho nhà cửa đều bị lửa thiêu đốt, hãy gọi sa môn ấy đến diệt lửa.
Nghe nói, vua im lặng không biết nói gì nên rất buồn bã.
Phu nhân Thắng Man, phu nhân Hành Vũ, đại thần Tiên Thọ, Cố-cựu, trưởng giả Cấp Cô, Mẹ Tỳ Xá Khư và những người tịnh tín khác và những người chưa tin hẳn đều rất kinh ngạc.
Trong khi đó, thấy lửa cháy lớn, ngoại đạo sư và đệ tử của họ đều rất vui mừng.
Bấy giờ, ngọn lửa cháy khắp các nhà hiện thần thông, thiêu đốt các trần cấu làm cho thanh tịnh. Quang minh rất sáng rực nhưng không làm hại gì cả, rồi tự nhiên lửa tắt, do thần lực của Phật và chư thiên.
Thấy vậy, nhà vua vui mừng như chết đi sống lại nên ra lệnh ngoại đạo:
- Như Lai đại sư đã hiện thần thông, các vị hãy hiện thần biến của mình đi.
Họ đành im lặng, cúi đầu không đáp.
Khi ấy, Thế Tôn tác ý, đạp chân phải lên Hương điện (phương Tây gọi ngôi nhà mà đức Phật ở là Kiền Ðà Câu Tri. Kiền-đà là hương, câu-tri là nhà, đây có nghĩa là hương thất, hương đài, hương điện. Không thể trực tiếp xúc phạm tôn danh của Phật nên chỉ gọi cái điện mà Ngài trú, như xứ này gọi vua là Ngọc-bệ, Bệ-hạ ... Nhưng đây gọi là Phật Ðường, Phật Ðiện, không thuận với ý nghĩa ở phương Tây.)
Bấy giờ, mặt đất chấn động sáu cách, rung nhẹ, rung vừa, rung cực mạnh; động nhẹ, động vừa, động cực mạnh. Phía Ðông nổi lên, Tây chìm xuống; Tây nổi lên Ðông chìm xuống; Bắc nổi lên Nam chìm xuống; Nam nổi lên Bắc chìm xuống; trung tâm nổi lên chung quanh chìm xuống; chung quanh nổi lên trung tâm chìm xuống. Do mặt đất chấn động nhiều cách như vậy, năm trăm tiên nhân ở núi Tuyết thấy hiện tượng lạ này đều kinh ngạc bảo nhau rằng các vị đồng phạm hạnh ấy đã hiện tướng lạ này, chúng ta nên đi.
Trong lúc họ lên đường, Thế Tôn vì sự hóa sinh của họ, nên phóng ra ánh sáng vi diệu màu hoàng kim chiếu đến các vị tiên nhân. Trong khoảng cách này đều sáng rực lên.
Các tiên nhân trông thấy Thế Tôn, với hào quang viên mãn xinh đẹp như núi báu chúa trang nghiêm, như đầy đủ cả ngàn mặt trời trong sáng, kim thân rực rỡ với 32 tướng, trang sức tự thân với 80 vẻ đẹp.
Sau khi trông thấy tướng hảo của Thế Tôn, tâm các vị tiên trở nên trong sáng lặng yên như tu tập thiền định đã lâu, như người không con được con, người nghèo được của báu, người thích làm vua được nhận lễ quán đảnh lên ngôi, cũng như người đã trồng căn lành nhiều đời lần đầu tiên thấy Phật. Gặp đức Phật, các vị tiên nhân lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên.
Thế Tôn tùy theo căn cơ khác nhau của họ, thuyết pháp thuận theo lý Tứ-đế. Họ nghe pháp xong, dùng trí tuệ như kim cương chử phá núi 20 thân kiến, chứng quả Dự-lưu. Sau khi kiến đế, họ đứng dậy chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thế Tôn! Chúng con xin được xuất gia với Phật và thọ Cận-viên thành tựu tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh với Ðại sư.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay đến đây Bí-sô, hãy tu tập phạm hạnh.
Lời nói của Phật vừa xong, râu tóc họ tự rụng như đã cạo qua bảy ngày, thân mang pháp-phục, bình-bát nơi tay, đầy đủ uy nghi như Bí-sô trăm tuổi hạ. Theo như giáo pháp đã thọ, họ tự siêng năng tinh tấn không ngừng, phá tan vòng luân hồi của năm nẻo, đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán ... nói đủ như chỗ khác ... cho đến ... là nơi cung kính tôn trọng của chư Thiên Ðế Thích.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng năm trăm Bí-sô La hán tiên nhân và các Bí-sô khác, trời rồng bát bộ vây quanh trước sau đi đến nhà hiện thần thông, an tọa trên tòa sư tử trước đại chúng.
Có Ô-Ba-Tư-Ca tên Thần Tiên Mẫu đến gặp Phật, thưa:
- Thế Tôn! Xin Ðại sư chớ làm mệt tinh thần, tự con cùng các ngoại đạo kia đấu thần thông hiện pháp thượng nhân, chiến thắng họ làm cho trời người vui mừng, làm người có tâm kính tín được hoan hỷ, người chưa tin được kết thiện duyên.
Phật bảo Thần Tiên Mẫu:
- Không làm phiền đến ý con. Tuy con có khả năng thi triển thần thông chiến thắng ngoại đạo nhưng họ sẽ nói rằng:
- Sa-môn Kiều Ðáp Ma không thể hiện thần thông, pháp thượng nhân như vậy chỉ do nữ Thanh văn biến hiện. Con hãy ngồi yên.
Khi ấy trưởng giả người nghèo Tô Ðạt Ða cùng cầu tịch Chuẩn Ðà, cầu tịch nữ Tổng Kế, Bí-sô ny Liên Hoa Sắc, lại có vô lượng vị có thần thông, đều đến trước Thế Tôn cùng nhau thưa thỉnh xin phép. Cũng đáp như trước, Phật bảo họ hãy an tọa.
Mục Kiền Liên chắp tay thưa với Phật:
- Thế Tôn! Xin Ngài đừng lo, con cùng ngoại đạo đấu thần thông, hiện pháp thượng nhân chiến thắng họ, tăng trưởng trời người.
Phật bảo Mục Liên:
- Tuy biết ông có thần lực chiến thắng được ngoại đạo nhưng họ sẽ nói rằng Sa môn Kiều Ðáp Ma không có khả năng hiện thần thông, chỉ có Thanh-văn Mục Kiền Liên có uy đức này hiện thần thông đấu cùng ta. Ông hãy ngồi yên.
Phật hỏi vua Thắng Quang:
- Ai thỉnh Như Lai cùng các ngoại đạo đấu thần thông?
Vua liền đứng dậy, bày vai áo bên phải, chắp tay hướng Phật bạch:
- Thế Tôn! Con xin thỉnh Phật cùng các ngoại đạo hiện pháp thần thông thượng nhân để chiến thắng họ làm cho trời người hoan hỷ, người kính tín tăng thêm tín tâm, người chưa tín gây nhân tín tâm, Sa môn, Bà-la-môn trời người trong tương lai đều được lợi ích, mãi mãi an lạc.
Thấy Phật im lặng nhận lời mình thỉnh cầu, nhà vua trở lại chỗ ngồi.
Bấy giờ, Thế Tôn nhập vào Thắng Tam-ma-địa, đang trên tòa bỗng nhiên biến mất rồi hiện ra trên hư không ở phương Ðông, đi đứng nằm ngồi, nhập định Hỏa Quang phóng ra nhiều loại ánh sáng màu xanh vàng đỏ trắng hồng, dưới thân phóng lửa trên thân phun nước, trên thân phóng lửa dưới thân phun lửa, hiện thần biến như vậy ở khắp các phương Ðông, Nam, Tây, Bắc. Sau khi hiện thần biến, Thế Tôn thu nhiếp trở lại ngồi nơi tòa sư tử như cũ, bảo vua:
- Thần thông này chư Phật và chúng Thanh văn đều có. Ðại vương, ai thỉnh Như Lai hiện vô thượng đại thần thông trước các ngoại đạo và chúng nhân thiên?
Vua lại rời chỗ ngồi, làm lễ như trước và thưa:
- Con xin thỉnh Thế Tôn vì các đại chúng hiện vô thượng đại thần thông để chiến thắng ngoại đạo ... như trước.
Biết Phật im lặng nhận lời, vua trở lại chỗ ngồi.
Thế Tôn lấy tay thí vô úy có tấm lưới căng chữ vạn kiết tường hình bánh xe rất đẹp, tướng hảo trang nghiêm này do vô lượng phước sinh ra, đặt trên mặt đất, khởi tâm thế tục với ý nghĩ làm sao các rồng mang hoa sen đẹp lớn như bánh xe đủ ngàn cánh, vật báu làm đài, kim cương làm nhụy đến đây.
Thường pháp của chư Phật là khi dùng tâm thế tục, cho đến côn trùng cũng biết ý Phật. Nếu khi Phật dùng tâm xuất thế thì Thanh-văn, Duyên-giác cũng không thể biết, huống chi cầm thú và các loài rồng làm sao biết được ý nghĩ của Ngài.
Biết được ý của Phật, Long vương suy nghĩ: "Vì sao Thế Tôn đặt tay xuống đất?".
Biết Phật Ðại sư muốn hiện thần biến cần loại hoa-sen này, Long vương liền mang hoa sen lớn như bánh xe đủ ngàn cánh, đài bằng vật báu, nhụy bằng kim cương, vọt lên khỏi mặt đất. Thấy vậy, Thế Tôn liền an tọa trên hoa sen này. Ngay hai bên và sau lưng đều có vô lượng hoa sen đẹp báu giống như hoa kia vọt lên. Trên mỗi hoa đều có vị hóa Phật an tọa. Bên phải và sau lưng các đức hóa Phật ngồi trên hoa sen ấy, đều có hoa sen vọt lên và vị hóa Phật an tọa ở trên, trùng trùng lớp lớp hoa sen nối nhau đến tận cõi trời Sắc Cứu Cánh. Các vị Phật ấy, thân xuất Hỏa-quang, hoặc tuôn mưa, hoặc phóng ánh sáng, hoặc thọ ký, hoặc vấn đáp, hoặc đi đứng nằm ngồi hiện bốn uy nghi. Do thần lực của Phật nên đến như trẻ con cũng thấy được hình ảnh Như Lai.
Khi Thế Tôn đã hiện thần thông, vua Thắng Quang cùng nội cung, vương tử, đại thần cùng vô số vô lượng trăm ngàn người trong thành phố xóm làng và khách ở xa cũng đều vân tập đến chiêm ngưỡng thần thông mắt chăm chú nhìn mãi. Trên không trung cũng có vô lượng trăm ngàn đại chúng thiên tử lặng yên không cử động, cùng nhau quan sát thần thông, cung kính cúng dường, lòng không nhàm chán, khắp nơi đều có tiếng trống nhạc vang rền, tiếng thổi ốc kéo dài, ca múa nhiều cách, cho đến cầm thú cũng đều vui mừng phát ra âm thanh, ngựa hí, voi rống, lạc đà gầm, bò kêu, khổng-tước, oanh-ương đều hót vang tiếng hay. Trời người đại chúng thấy thần biến của Phật đều thán phục.
Khi ấy, chư Thiên trên hư không tấu nhạc trời, tung hoa sen trời đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, rãi khắp nơi bột hương thơm chiên đàn trầm thủy cõi trời, thả xuống thiên y đẹp và vải lụa thượng hạng ở nhân gian.
Khi hiện đại thần thông như vậy xong, vì muốn điều phục giáo hóa hữu tình nên Như Lai nói kệ:
Ngươi nên cầu xuất ly,
Cần tu theo lời Phật,
Chiến thắng quân sinh tử,
Như voi phá nhà cỏ,
Ngay trong pháp luật này,
Thường sống không phóng dật,
Làm khô biển phiền não,
Xóa hết biên giới khổ.
Ngoài ra, các vị hóa Phật đồng thanh nói kệ:
Khi mặt trời chưa mọc,
Ánh đuốc sáng lập lòe,
Nhật Luân lên hư không,
Làm mất ánh sáng đuốc,
Ánh sáng Phật chưa chiếu,
Lời ngoại đạo còn lạ,
Phật Quang chiếu khắp nơi,
Chiến thắng thầy trò họ.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các ông hãy ghi nhớ thần biến này, đại thần thông đang sắp chấm dứt.
Phật nói xong, thần biến không còn nữa.
Vua Thắng-quang bảo Lục-sư:
- Ðại sư Thế Tôn đã hiện thần biến, các vị hãy hiện thần thông đi.
Ngoại đạo Bộ Kích Noa im lặng không đáp được, lấy cùi chỏ thúc vào Mạt Yết Lị Cù Xá Lê Tử. Như vậy, lần lượt thúc nhau, hết cả sáu người không ai dám ứng đối. Vua nhắc họ hiện thần thông đến ba lần nhưng Lục sư chỉ thúc nhau, im lặng rụt cổ cúi đầu như nhập vào thiền định không đáp gì cả.
Chúa đại dược xoa Kim Cương Thủ suy nghĩ: "Sáu vật ngu si này gây phiền phức cho Thế Tôn đã lâu, nên làm cho họ sửa lỗi trước, không còn gây ra nữa, đều phải bỏ đi".
Sau khi suy nghĩ, Dược-xoa liền phóng ra mưa to gió lớn thổi sập ngã một số nhà hiện thần thông. Ngoại đạo tà đồ đều ly tán, hoặc kinh sợ chạy vào hang núi, rừng cây, bụi rậm ẩn núp, hoặc chạy vào miếu thờ trời, ôm bụng buồn rầu. Chỉ riêng căn nhà hiện thần thông mà Phật đang trú thì không sao cả.
Thấy sự việc này, Thế Tôn nói kệ:
Mọi người vì lo sợ,
Thường quy y các núi,
Vườn cây, gốc đại thọ,
Ðền miếu, rừng hoang vu.
Quy y này không thắng,
Quy y này không tôn,
Không nhờ quy y này,
Mà giải thoát các khổ.
Ai quy y Phật Ðà,
Chánh-pháp và Tăng già,
Thường dùng tuệ quán sát,
Ngay trong Bốn Thánh-đế,
Biết khổ, biết khổ tập,
Biết thoát hẳn các khổ,
Biết Thánh đạo tám ngành,
Ðến Niết-bàn an ổn.
Quy y này tối thắng,
Quy y này tối tôn,
Nhờ quy y nơi này,
Chắc chắn thoát các khổ.
Bấy giờ, quán sát căn cơ khác nhau, tùy-miên bất đồng của mọi người, Thế Tôn thuyết pháp cho họ. Ðược nghe pháp rồi, vô lượng trăm ngàn đại chúng được kiến giải thù thắng, hoặc chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, A-la-hán quả, hoặc có người phát tâm Thanh-văn Bồ-đề, hoặc có người phát tâm Ðộc-giác Bồ-đề, hoặc có người phát tâm Vô-thượng bồ-đề. Những chúng sinh trong đại chúng đều chí tâm quy hướng Tam-bảo. Sau khi thuyết pháp làm cho họ được thấy pháp lợi ích hoan hỷ,Thế Tôn rời khỏi tòa ra đi.
Bấy giờ, đang ngồi chung với Bộ Kích Noa ..., những học trò của hỏi:
- Thế nào là thật?
Sinh tâm dối trá bịa đặt khéo léo, cả Lục sư cùng nhau nói rằng thế gian là thường tồn, đấy là sự thật.
Lại có người nói rằng vô thường là thật.
Lại có người nói vừa thường vừa vô thường.
Lại có người nói chẳng phải thường, chẳng phải vô thường là sự thật.
Lại có người nói hữu biên hay vô biên.
Lại có người nói vừa hữu biên vừa vô biên.
Lại có người nói chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.
Lại có người nói mạng trong thân.
Lại có người nói mạng ngoài thân.
Lại có người nói sau khi chết có ngã.
Lại có người nói sau khi chết không có ngã.
Lại có người nói sau khi chết vừa có ngã vừa không có ngã.
Lại có người nói chẳng phải có ngã chẳng phải không có ngã. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều hư vọng.
Tuy họ nói như vậy nhưng trong lòng rất xấu hổ, cúi đầu cam chịu, lửa buồn rầu đốt cháy trong tâm, muốn tìm nước uống nên đi đến ao. Trên đường, thấy họ, một hoàng-môn nói kệ:
Ông đi một mình muốn đến đâu?
Dáng như trâu thua bị gãy sừng,
Không biết diệu pháp Phật Thích Ca.
Thì như trâu hoang chạy vô định.
Nghe nói vậy, Bộ Kích Noa nói kệ đáp:
Cái chết bên ta, đi về trước,
Thân ta lê bước không còn sức,
Luân hồi các hữu thọ khổ vui,
Ta đang bỏ hết cầu nơi an.
Mặt trời sáng chói nắng nóng bức,
Thân tâm của ta đều mệt mỏi.
Ngươi hãy thật lòng chỉ cho ta,
Nơi nào có ao nước trong mát?
Nghe hỏi, Hoàng môn nói kệ đáp:
Gần đây có ao nước trong mát,
Nga vịt, hoa tươi mọc khắp nơi,
Ông vì quá ác nên mù tối,
Không thấy ao thơm nên hỏi ta.
Bộ Kích Noa nói kệ:
Này kẻ phi nam phi nữ ơi,
Sao không chỉ lối đến ao nước?
Ta đang cần tìm ao nước mát,
Mong cho thân tâm hết nóng bức.
Sau khi được Hoàng-môn chỉ đường, B? Kích Noa tìm đến ao nước, dùng vò đựng cát cột vào cổ trầm mình xuống nước mà qua đời.
Các đệ tử hỏi nhau rằng các vị có thấy Ô Ba Ðà Da của tôi không. Họ đều nói không thấy. Họ lại hỏi nhau các vị có nghe Ôâ Ba Ðà Da nói gì. Có người đáp rằng thấy nói thế gian đều thường, đây là sự thật, ngoài ra đều hư vọng ... .có người nói vô thường ... .nói vừa thường vừa vô thường ... nói chẳng phải thường chẳng phải vô thường ... có người đáp thấy nói hữu biên ... thấy nói vô biên ... thấy nói vừa hữu biên vừa vô biên ... thấy nói phi hữu biên phi vô biên ... nói đầy đủ như trước. Các đệ tử lại nói với nhau rằng quý vị nên biết những chủ thuyết này không giống nhau vậy chúng ta hãy tìm Thân-giáo-sư để hỏi sự thật.
Cùng nhau đi tìm, trên đường thấy đồng nữ đi lại, h? nói kệ hỏi:
Hiền thủ, người có thấy,
Ðại sư Bộ Kích Noa,
Thân không mặc y phục,
Ăn bốc, đứng trên đất.
Nghe hỏi, đồng nữ nói kệ đáp:
Họ là người địa ngục,
Giang tay xin của người,
Tay chân đều màu trắng,
Thấy đang chìm trong nước.
Ðệ tử nói kệ đáp:
Ngươi đừng nói như vậy,
Ấy là lời bất thiện,
Dùng pháp làm y phục,
Mâu Ny trú pháp này.
Ðồng nữ nói kệ đáp:
Trần truồng đi khắp nơi,
Sao cho đó là trí,
Khiến mọi người trông thấy,
Chẳng có ý xấu hổ.
Trơ mặt, bêu thân thể,
Lại cho đó là pháp.
Vua Tỳ Sa-môn thấy,
Dùng đao chém không tha.
Nghe nói như vậy, các đệ tử im lặng bỏ đi, đến ao nước thấy thầy họ dùng bình cát cột cổ trầm mình chết. Trong đệ tử, những người ưa thích giới nói rằng đây là sự thật, ngoài ra đều hư vọng, nên cùng nhau dùng bình cát cột cổ trầm mình chết. Số người còn lại tứ tản khắp nơi, y chỉ ở vùng xa.
Khi Phật hiện đại thần thông như vậy, trời người đại chúng đều rất hoan hỷ. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ
Quyển thứ hai mươi sáu hết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.98.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.