Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 13 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 13

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.45 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Các Duyên Sự

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ mười ba
Nhiếp tụng tổng biệt môn thứ ba:
Tam y cập y giá
Hà biên tạo tự diêm
Thức diện, thức thân cân
Tự tọa đao ưng súc.
Nhiếp tụng một trong biệt môn thứ ba:
Tam y điều diệp lượng
Sàng khước phất du trần
Hành xứ trước cù du
Chử thạch tu thính hứa.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Như Phật dạy:
- Các Bí-sô nên dùng chi phạt la (y) cắt rọc.
Các Bí-sô cắt rọc vải, điều dài điều ngắn không đều nhau nên đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Ðiều dài, điều ngắn không nên so le, nên cắt cho bằng nhau.
Họ không biết cắt bằng nhau như thế nào. Phật dạy:
- Ðiều dài điều ngắn tùy theo cỡ của nó, nên dùng miếng tre để định cỡ dài ngắn.
* Duyên xứ như trước.
Các Bí-sô làm y, cắt từng lá điều không cân đối nhau làm cho tấm y không đẹp. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Khi làm y nên cắt lá điều cân đối nhau.
Bí-sô không biết thế nào là cân đối.
Phật dạy:
- Nên dùng miếng tre để đo cỡ rộng hẹp, sau đó mới cắt.
Như lời Phật dạy nên đo cỡ lá y, các Bí-sô làm lá y quá lớn. Phật dạy:
- Không nên làm quá lớn, nhưng có ba cỡ lá điều là lớn vừa và nhỏ. Cỡ lớn rộng bốn ngón tay, hoặc bằng gang chân con quạ. Cỡ nhỏ bằng hai ngón tay hay bằng mặt ngón cái. Cở vừa là trung bình hai khoảng trên.
Các Bí-sô may y nơi đất bẩn làm y bị dơ. Phật dạy:
- Nên quét sạch đất, dùng phân bò trát láng nền, chờ khô sạch rồi may y trên đó.
Phật dạy:
- Nên làm nền, gặp nơi khó có phân bò.
Phật dạy:
- Dùng nước rưới lên đất, quét sạch rồi làm y ở trên.
* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô sắm giường chân nhọn làm nền đất bị hư. Phật dạy:
- Không được làm chân giường bén nhọn, nên cắt cho bằng.
Nhưng vẫn còn hư nền đất, Phật dạy:
- Nên dùng bọc trấu đặt dưới chân giường hoặc bó bằng vải cũ.
* Duyên xứ như trước. Có Bà-la-môn nọ ra khỏi thành, đi du ngoạn, muốn nghỉ mệt nên vào rừng Thệ Ða. Gặp giờ ăn, ông này thấy nơi dọn ăn bày biện chỗ ngồi xinh đẹp và thức ăn uống thơm ngon, nên cho là hiến có và phát tín tâm, nên cổi tấm áo của mình trải lên chổ ngồi trên, rồi đi ra khỏi cửa. Sau đó một thời gian, tấm áo bị dơ bẩn, vị tri sự đem tấm áo trải xuống chỗ ngồi dưới. Sau đó, vì có việc cần, vị Bà-la-môn kia lại vào chùa, đến nơi nhà ăn, không thấy tấm áo ở chỗ ngồi trên nữa. Lần lượt đi tìm thấy trải ở tòa dưới, ông ta suy nghĩ: "Tấm áo của ta còn mới lại là vật quý giá, vì sao nay lại dơ bẩn thế này, hãy nán lại một lúc, xem vì sao như vậy ".
Ông ta thấy vị tri sự bố trí chỗ ngồi xong, dùng tấm áo quét đất. Thấy vậy, biết rõ vì sao tấm áo bị dơ nên ông ta nói với vị tri sự:
- Ðây là việc nhỏ mà ngài không biết hay sao? Nên rưới nước trước, rồi quét cho sạch, sau đó mới trải chỗ ngồi. Vì không biết nên mới làm hư áo của tôi.
Vị tri sự xấu hổ bỏ đi. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Mỗi khi sắp dọn chỗ ngồi nơi nào, trước rưới nước, sau đó quét cho sạch, rồi mới trải tòa là đúng pháp.
Khi ấy, người tri sự trải tấm nệm trên chỗ ngồi có bụi đất làm cho dơ bẩn, bị lỗi như trước. Phật dạy:
- Trước phải quét sạch sàng tòa, sau đó mới trải tấm nệm.
Bí-sô không biết lấy gì lau quét, Phật dạy:
- Nên lấy một góc áo lau sàng tòa.
Khi ấy, người tri sự dùng áo còn tốt để quét, Phật dạy:
- Nên dùng áo cũ.
Người tri sự dùng áo cũ để lau, lâu ngày hư rách nên vứt bỏ hết. Phật dạy:
- Không nên vứt ngay, xé ra từng tua nhỏ cột trên đầu gậy làm chổi quét sàng tòa.
Dùng chổi này quá lâu, không còn xử dụng được, họ đem bỏ. Phật dạy:
- Tuy không còn dùng được, nhưng không nên vứt bỏ, nên băm nhỏ trọn với bùn và phân bò để bít lỗ cột, hoặc tô vách bị nứt, vì muốn cho phước lợi của thí chủ tăng thêm.
* Duyên xứ như trước. Một Bí-sô trẻ tuổi thường xuyên kinh hành ở một chỗ, làm cho đất nơi kinh hành bị hư lở. Có một trưởng giả vào chùa chiêm bái, đến chỗ kinh hành, suy nghĩ: "Mặt đất còn hư như thế, vậy chân của thánh giả ấy như thế nào!" Sau khi suy nghĩ, ông ta hỏi:
- Thánh giả, ai làm cho mặt đất nơi này bị hư lở vậy? Mong ngài đưa chân lên cho con được xem.
Bí-sô giở chân lên, da chân đều bị rách lủng. Thấy vậy, trưởng giả sinh thương xót, thưa:
- Thánh giả, con có tấm thảm, muốn trải trên đường kinh hành để chân Ngài không bị thương.
Ðáp:
- Trưởng giả, đức Phật chưa cho phép.
- Thánh giả, Ðức Ðại-sư của ngài có lòng từ niệm, chắc chắn cho phép việc này.
Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Nay, Ta cho phép Bí-sô tinh cần sách tấn kinh hành, được tùy ý dùng tấm thảm, không phạm.
Bí-sô đến bảo trưởng giả được phép trải thảm. Bí-sô nhận lấy, đi kinh hành quá nhiều nên làm đứt ra hai đoạn, mỗi phần một bên. Trưởng giả thấy tấm thảm bị bỏ phế, hỏi:
- Thánh giả, vì sao tấm thảm bị bỏ phế ở đây, nếu thấy chỗ hư sao không may sửa lại?
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Lành thay! Lời nói của trưởng giả thật đúng. Thấy có chỗ hư nên may lại hoặc dùng vật khác tu bổ. Nếu nó quá hư nát không thể sửa chửa được, nên dùng trộn bùn hoặc trộn phân bò trát láng nơi kinh hành, làm cho thí chủ tăng trưởng phước điền.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô bị bệnh đến gặp y sĩ bảo:
- Hiền thủ, tôi có bệnh như vậy, xin ngài điều trị.
Y sĩ đáp:
- Thánh giả! Hãy dùng thuốc như vậy sẽ bình phục.
Nhận toa thuốc xong, Bí-sô trở về trú xứ. Khi điều chế thuốc, Bí-sô cần chày đá nên đến nhà khác mượn về dùng. Ðược họ cho mượn, Bí-sô dùng nghiền thuốc xong đem trả lại. Họ đáp:
- Thánh giả! Con cúng vật này, ngài tùy ý đem về.
Ðáp:
- Ðức Phật chưa cho phép.
- Nếu vậy, Ngài hãy để dưới đất rồi đi.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nay, Ta cho phép giữ chày đá và trục. Nếu họ dâng cúng tùy ý nhận lấy.
Nhiếp tụng hai trong biệt môn ba:
Y giá tinh đăng lung
Vật sử trùng thương tổn
Nhiệt khai tam diện xá
Khả ký Nan-đà thân.
* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Các Bí-sô để bừa bải y phục có nhiều cáu bẩn, nên bị trùng muổi cắn phá hư lủng. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Không được để y phục một cách bừa bải, nên làm giá mắc y phục.
Bí-sô đục vách để mắc y phục làm vách bị hư. Phật dạy:
- Không nên đục vách. Khi xây chùa nên chừa giá gỗ, trên đặt sào mắc y phục.
Trong phòng, Bí-sô đặt sào mắc y phục, không làm trước hiên. Phật dạy:
- Trước hiên cũng làm chớ bỏ phế.
* Duyên xứ như trước. Như Phật dạy nên làm giá mắc y. Bí-sô ở Lan nhã không tìm được tre. Phật dạy:
- Nên dùng dây sắn treo ngang để mắc y.
* Duyên xứ như trước. Như Thế Tôn dạy, đêm tối nên tụng kinh. Khi họ tụng kinh, có rắn bò đến. Người nhỏ tuổi thấy vậy kinh sợ kêu lớn:
- Xương dài! Xương dài.
Các Bí-sô phàm phu đều kinh sợ, làm cho người nghe kinh bị gián đoạn. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Nên thắp đèn lên để tụng kinh.
Vào mùa hạ, Bí-sô đốt đèn làm chết trùng. Phật dạy:
- Nên làm lồng che đèn.
Bí-sô không biết làm. Phật dạy:
- Nên dùng thanh tre làm lồng, lấy vải mỏng che lại. Nếu khó tìm vật này thì dùng tấm vân mẫu để che. Nếu khó tìm vật này, thì làm bình trăm mắt.
Bí-sô không biết nên làm thế nào. Phật dạy:
- Bảo thợ gốm làm lồng che đèn bằng gốm, chung quanh xoi nhiều lỗ nhỏ.
Khó tìm thợ gốm, Phật dạy:
- Nên dùng ống bằng đất, bỏ phần đáy, xoi nhiều lỗ nhỏ chung quanh. Ðặt dĩa đèn ổn định xong, chụp ống lên trên. Nếu có trùng chui vào lỗ, nên dùng giấy lụa hay vật mỏng để che lại.
* Duyên xứ như trước. Vào mùa nắng gắt, Bí-sô khổ vì nóng, thân thể vàng vọt, gầy ốm yếu ớt. Khi ấy, tuy biết nhưng Thế Tôn cố hỏi Cụ thọ A Nan Ðà:
- Vì sao thân thể các Bí-sô bị vàng vọt gầy ốm yếu ớt?
Tôn giả thưa lại việc trên. Phật dạy:
- Nên làm nhà hóng mát.
Bí-sô không biết làm như thế nào. Phật dạy:
- Nên gần ngoài chùa làm nhà ba mặt. Ba mặt làm vách phên có cây chống lên, che sơ để gió lồng vào, không giống với chùa bốn mặt có vách.
Bí-sô làm vách bên trong, bên ngoài bố trí hàng cột. Phật dạy:
- Nên an trí cột ở giữa.
Họ lại không mở cửa sổ làm bên trong bị nóng. Phật dạy:
- Nên làm cửa sổ.
Khi họ làm cửa hoặc quá cao hay quá thấp. Phật dạy:
- Nên làm ngang bằng với giường.
Có nhiều chim sẻ bay vào phòng. Phật dạy:
- Nên làm song cửa ngăn chúng bay vào; bị mưa gió tạt vào, nên làm cánh cửa sổ.
Khi ăn, Bí-sô đóng cửa, làm phòng bị tối. Phật dạy:
- Khi ăn nên mở cửa. Trời nóng, Bí-sô ở trong phòng, chỉ mặc y dưới và tăng khước kỳ, tùy ý đọc tụng, thuyết pháp, làm y phục ... trong bốn uy nghi đều không phạm.
* Duyên xứ như trước. Bấy giờ, Thế Tôn đã cho Nan Ðà cạo tóc xuất gia và thọ cận viên rồi đưa đến núi Hương túy, trời 33, và địa ngục, xem xét khắp một vòng rồi trở về rừng Thệ Ða. Các Bí-sô khách chưa biết Nan Ðà. Thấy thân hình vị này màu vàng kim đủ ba mươi tướng trang nghiêm, Bí-sô già cho là đức Như Lai nên đứng dậy nghênh tiếp. Khi biết ra, Bí-sô này xấu hổ. Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Nên nhớ rõ y phục của Nan Ðà. Nếu có người như vậy, cũng nên ghi nhớ, đây là Bậc Chánh Giác, đây là người khác.
Nhiếp tụng ba trong biệt môn thứ ba:
Hà biên chế xỉ mộc
La hổ khiển xuất môn
Hợp ha, bất hợp ha
Nhị hành ưng dữ phục.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Khi ấy, các Bí-sô ở bên bờ sông Thắng Tuệ, dùng phương tiện thiện xảo sách tấn siêng năng tu tập, đoạn các phiền não chứng quả A-la-hán. Khi ấy, các Bí-sô với uy nghi đĩnh đạc, hành động đàng hoàng, làm cho mọi người rất kính tín.Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Dân chúng trong những làng xóm gần trú xứ của các Bí-sô bên cạnh sông Thắng Tuệ được nhiều lợi ích tốt đẹp.
Nghe Phật nói như vậy, cụ thọ A Nan Ðà hiểu được ý nghĩa ấy vì do làm thị giả gần gủi lâu ngày với bậc Ðại Sư, hoặc nghe lời nói, hoặc thấy hành động, đều có thể hiểu ý. Nếu Thế Tôn muốn gặp nên nói ra lời khen ngợi, Tôn giả liền hiểu và gửi lời đến báo cho các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ:
- Các Cụ thọ! Thế Tôn khen ngợi muốn gặp, các vị hãy đến đây gặp Ngài.
Nghe như vậy, các vị ấy bảo nhau:
- Ðức Thế Tôn có lời khen chúng ta,việc này cần phải gặp, chúng ta nên làm gì đây?
Một người bảo:
- Còn làm gì nữa, chúng ta nên đi, không quan sát thì biết làm việc gì, nếu không quan sát thì bậc A-la-hán cũng không dự liệu được.
Sau khi cùng bàn luận, đi là việc tốt, họ thưa với các Bí-sô:
- Quý vị nên biết, Ðại sư Thế Tôn tán thán chúng tôi, ý Ngài muốn gặp, vậy lúc này có thể đi.
Các Bí-sô nói:
- Nếu vậy, chúng tôi cùng đi.
Họ cùng nhau lên đường, đi bộ dần dần đến thành Thất La Phiệt. Các Bí-sô cựu trú ra tiếp đón thăm hỏi làm cho ngoài chùa có tiếng ồn ào. Nghe như vậy, tuy biết nhưng Thế Tôn vẫn hỏi A Nan Ðà:
- Vì sao ngoài chùa có tiếng ồn ào lớn vậy?
A Nan Ðà thưa:
- Chúng Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ cùng nhau đến, tạm thời đang ở ngoài chùa. Những vị trong chùa ra nghênh tiếp, cùng nhau thăm hỏi nên ồn ào như vậy.
Thế Tôn bảo A Nan Ðà:
- Thầy hãy đến bảo các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ nên đi nơi khác, không được ở đây.
Tuân lệnh của Phật, Tôn giả đến bảo các Bí-sô:
- Cụ thọ nên biết! Thế Tôn có lệnh các vị hãy đi nơi khác, chớ có ở đây.
Nghe như vậy, các vị ấy thu xếp y bát đi vào nhân gian. Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Những thôn xóm chỗ ở nào, có các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ trú lại, dân chúng ở chung quanh vùng ấy đều được lợi ích lớn.
Nghe như vậy, A Nan Ðà nhắn tin đến cho họ. Dù trở lại đến ba lần, các Bí-sô cũng mặc y mang bát du hành nhân gian.Khi ấy, Thế Tôn lại bảo các Bí-sô:
- Những người sống gần chỗ cư trú của các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ đều được lợi ích.
Nghe Phật tán thán họ, A Nan Ðà lại sai người đưa tin cho họ. Các Bí-sô ấy cùng nhau bàn luận:
- Các Cụ thọ! Vì sao Thế Tôn khen ngợi và muốn gặp chúng ta, nhưng nhiều lần đến gặp đều bị Ngài bảo đi nơi khác. Chắc là chúng ta nói ồn ào với nhiều người nên bị đuổi đi. Nay, chúng ta nên bảo mọi người đến im lặng.
Bấy giờ, các Bí-sô lặng lẽ mang y bát, đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên. Ðức Phật bảo cụ thọ A Nan Ðà:
- Thầy hãy tìm căn phòng nào yên tịnh, xếp đặt chỗ ngồi cho Ta và các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ.
Vâng lời Phật, xếp đặt chỗ xong, Tôn giả A Nan đến gặp Phật, thưa:
- Ðại Ðức! Con đã xếp đặt chỗ ở tại một nơi, xin Phật định liệu.
Sau khi đi đến chỗ ở của các Bí-sô bờ sông Thắng Tuệ, rửa chân ngoài cửa, Thế Tôn vào phòng và trải tòa ngồi kiết già ngay thẳng đặt niệm trước mặt. Các Bí-sô cũng rửa chân, vào phòng ngồi yên đặt niệm trước mặt. Khi ấy, Thế Tôn nhập sơ định. Các Bí-sô bên bờ sông Thắng Tuệ cũng vào sơ định. Xuất khỏi sơ định, Thế Tôn nhập vào định thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lần lượt nhập vào không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, rồi phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ cũng như vậy, nhập và xuất các định theo Thế Tôn. Thế Tôn xuất khỏi phi tưởng phi phi tưởng vào vô sở hữu định ... cho đến vào sơ định. Các Bí-sô cũng như vậy, nhập vào sơ định.
Thế Tôn suy nghĩ: "Ta vào sơ định, các Bí-sô cũng vào sơ định. Ta vào đến phi tưởng phi phi tưởng định, các Bí-sô cũng vào định này. Ta lại từ phi tưởng phi phi tưởng xuất ra cho đến về lại sơ định, các Bí-sô cũng đồng như Ta. Nay, ta nên biểu hiện tướng trạng khác để vào sơ định, không thuộc cảnh giới hoạt động của Ðộc giác, Thanh văn". Sau khi suy nghĩ như vậy, Thế Tôn nhập vào định ấy.
Sau khi bảo nhau: - Các vị nên biết! Ðại sư Thế Tôn đang trú trong định của mình, chúng ta cũng nên trú trong định của mình. Các Bí-sô liền trú trong định của mình.
Ðến sáng sớm, Thế Tôn xuất khỏi định. Ðại chúng đều tập họp. Ðức Phật trải tòa ngồi giữa đại chúng. Khi ấy, cụ thọ A Nan Ðà rời tòa đứng dậy, chỉnh y phục bày vai phải, lạy sát hai chân Phật, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
- Ðại Ðức! Thế Tôn thường khen ngợi các chúng Bí-sô ở bờ sông Thắng Tuệ, ý muốn gặp họ. Khi các Bí-sô cùng đến đây lại không được Ngài thăm hỏi gì đến cả?
Phật bảo:
- Này A Nan Ðà! Ta đã cùng nói chuyện với họ rồi, y vào thánh ngữ thánh pháp luật để an ủi họ.
A Nan Ðà bạch Phật:
- Con chưa hiểu thế nào là dùng thánh ngữ thánh pháp luật an ủi nhau.
- Này A Nan Ðà! Như Ta cùng các Bí-sô đều rửa chân ngoài cửa xong, thứ tự vào phòng an tọa, ngồi thẳng người đặt niệm trước mặt. Ta nhập sơ định, các Bí-sô bờ sông cũng vào sơ định. Ta xuất sơ định, vào nhị, tam, tứ định, rồi vào không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, rồi vào định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các Bí-sô bờ sông cũng như vậy, nhập và xuất các định theo Ta. Ta xuất khỏi định phi tưởng phi tưởng xứ, vào vô sở hữu xứ định, rồi Ta lần lượt trở lại sơ định. Các Bí-sô ấy cũng vậy, về lại sơ định. Này A Nan Ðà! Sau khi suy nghĩ: "Nay Ta nên biểu hiện tướng trạng khác để vào sơ định không thuộc cảnh giới hoạt động của Ðộc giác, Thanh văn, Ta nhập vào định ấy". Bấy giờ, các Bí-sô bờ sông nói với nhau: - "Ðại sư Thế Tôn trú nơi định của mình, vậy chúng ta cũng nên trú nơi định của mình". Này A Nan Ðà! Ðây là dùng thánh ngữ, thánh pháp luật để an ủi nhau. Ta đã an ủi họ như vậy.
A Nan Ðà bạch Phật:
- Lành thay! Thưa Ðại Ðức, an ủi nhau bằng thánh ngữ, thánh pháp luật. Rất tốt! Thưa Thế Tôn, an ủi nhau bằng thánh ngữ, thánh pháp luật. Thế Tôn đã cùng với các Bí-sô bờ sông an ủi nhau bằng thánh ngữ, thánh pháp luật.
Lời nói này được phổ biến khắp nơi, mọi người nói với nhau:
- Ðức Phật cùng các Bí-sô bờ sông dùng thánh ngữ, thánh pháp luật để an ủi nhau.
Nghe sự việc như vậy, các trưởng giả, Bà-la-môn đều đến lễ bái các Bí-sô bờ sông. Các Bí-sô này thuyết giảng pháp yếu cho các trưởng giả Bà-la-môn nghe. Miệng các Bí-sô có mùi hôi. Bấy giờ, những người ở hai bên liếc tìm xem, bảo nhau:
- Mùi hôi này từ đâu bay đến đây?
Các Bí-sô nói:
- Mùi hôi này từ miệng tôi bay ra.
- Thánh giả! Chẳng lẽ hằng ngày quý ngài không đánh răng hay sao?
Ðáp:
- Không đánh.
- Vì sao vậy?
Các Bí-sô nói:
- Phật chưa cho phép.
Ðáp:
- Thánh giả! Nếu không đánh răng mà thanh tịnh hay sao?
Các Bí-sô đành im lặng chẳng biết nói gì, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Các Bà-la-môn trưởng giả kia có hành động chê trách là đúng phép . Tại nơi khác, Ta đã dạy các Bí-sô đánh răng nhưng các ngươi không biết. Vì sao? Ðánh răng có năm lợi ích. Thế nào là năm?
1- Trừ bệnh nóng vàng
2- Trừ đàm nóng
3- Miệng không hôi hám
4- Dễ ăn uống
5- Mắt sáng sạch.
Khi Phật đã chế Bí-sô dùng cây xỉa răng. Có một Bí-sô trẻ tuổi dùng cây ngắn xỉa răng ở chỗ trống. Thấy Thế Tôn đi đến, Bí-sô này rất xấu hổ, suy nghĩ: "Làm sao trước mặt Thế Tôn mà nhả cây xỉa răng ".Vì vậy, vị này liền nuốt cây xỉa răng và bị mắc trong cổ họng. Thường pháp của chư Phật là luôn luôn chánh niệm. Khi ấy, Thế Tôn đưa bàn tay trái trang nghiêm bằng vô lượng trăm ngàn công đức với chữ Vạn xoay quanh có thể trừ sợ hãi, ban cho sự an ổn, giữ lấy đầu của Bí-sô trẻ tuổi, đưa ngón tay phải vào họng vị kia, móc cây xỉa răng ra kéo theo cả máu. Thế Tôn bảo:
- Thầy làm gì vậy?
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Sau khi suy nghĩ, xỉa răng tại nơi trống trải có lỗi như vậy, Phật bảo các Bí-sô:
- Có một Bí-sô trẻ tuổi xỉa răng tại nơi trống trải gây ra lỗi lầm như vậy. Thế nên, các Bí-sô tại nơi trống trải không được xỉa răng và không được dùng cây xỉa răng ngắn. Bí-sô nào vi phạm bị tội vượt pháp.
Như lời Phật dạy, Bí-sô không được ngồi xỉa răng nơi trống trải, có Bí-sô trẻ tuổi ngồi xỉa răng trước vị lớn tuổi. Phật dạy:
- Không nên như vậy. Có ba việc nên làm chỗ khuất là đại tiện, tiểu tiện và xỉa răng. Không được dùng cây xỉa răng quá ngắn.
Bấy giờ, Lục chúng dùng cây xỉa răng quá dài, các Bí-sô thấy vậy cùng sinh cơ hiềm, bảo:
- Cụ thọ! Có phải các vị cầm gậy để giỡn hay sao?
Ðáp:
- Phật dạy đánh răng, sao gọi là giỡn? Các vị không thấy người kia do xỉa răng bằng cây ngắn mà sắp chết, nhờ Phật cứu hộ mới được sống lại. Lẽ nào vì hy vọng được lấy y bát của tôi mà các vị mong tôi chết sớm để cùng nhau làm yết ma hay sao? Nhưng cây xỉa răng dài cũng có chỗ lợi ích: 1- Dùng nhen lửa nấu cơm; 2- Dùng đánh mấy thầy nhỏ.
Nghe như vậy, các Bí-sô im lặng bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không nên dùng cây xỉa răng dài. Ai dùng cây xỉa răng dài bị tội vượt pháp.
Bí-sô không biết thế nào là cây xỉa răng dài ngắn.
Phật dạy:
- Có ba loại là dài mười ngón tay, ngắn tám ngón, vừa trung bình giữa hai loại trên.
Phật dạy:
- Nên xỉa răng ở chỗ khuất.
Có Bí-sô già bệnh suy nhược không thể đi đến chỗ khuất. Phật dạy:
- Người bệnh nên sắm bồn súc miệng.
Bí-sô xử dụng bồn đất tùy tiện và để trong phòng, đụng vào làm nghiêng đổ nước dơ, bẩn mặt đất. Phật dạy:
- Bồn súc miệng, hình dạng như dấu chân voi.
Khi ấy, có Bí-sô tìm bồn không có. Phật dạy:
- Nên đến bên cạnh cống nước để đánh răng.
Bí-sô đánh răng xa miệng cống. Phật dạy:
- Nên gần trong phạm vi một gang vuông.
Khi Phật chế việc dùng cây xỉa răng, Bí-sô không biết nạo lưỡi nên miệng bị hôi. Phật dạy:
- Ðánh răng rồi, cần phải nạo lưỡi.
Bí-sô không biết dùng vật gì nạo lưỡi. Phật dạy:
- Nên sắm cây nạo lưỡi.
Khi Phật đã cho sắm cây nạo lưỡi, Lục chúng Bí-sô dùng vàng bạc, lưu ly, pha lê, vật quý để làm. Các Bà-la-môn trưởng giả thấy vậy hỏi:
- Thánh giả, đây là vật gì?
Ðáp:
- Hiền thủ! Thế Tôn bảo chúng tôi dùng cây nạo lưỡi.
- Lẽ nào Sa-môn Thích tử các ông còn tham dục lạc hay sao?
Lục chúng nghe nói đành im lặng.Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô được chứa bốn loại nạo lưỡi. Ðó là loại làm bằng đồng, sắt, thâu thạch, đồng đỏ.
Các Bí-sô dùng nạo lưỡi bén, làm lưỡi bị thương. Phật dạy:
- Không nên làm bén.
Bốn loại trên khó tìm, Phật dạy:
- Nên chẻ cây xỉa răng ra, uốn cong lại, dùng nạo lưỡi.
Bí-sô chẻ cây xỉa răng ra có dăm, dùng nạo lưỡi, gây vết thương. Phật dạy:
- Chẻ cây xỉa răng ra, dùng hai mảnh mài nhau, làm sạch dăm trên mặt rồi mới dùng.
Bí-sô dùng cây chà răng xong, không lên tiếng, ném trên đầu thiên thần hộ chùa làm cho họ sinh hiềm khích. Phật dạy:
- Không được im lặng ném, nên lên tiếng. Ai không lên tiếng bị tội vượt pháp.
Bí-sô chỉ lên tiếng trong việc ném cây chà răng, ngoài ra các việc đại tiểu tiện, khạc nhổ, nhổ nước ... vứt các vật khác đều không lên tiếng. Phật dạy:
- Phàm có những việc vứt bỏ như vậy đều phải lên tiếng.
Ðức Ðại sư đã chế dùng cây chà răng, Bí-sô đột nhiên đi đường, tìm khó có, nên không dám ăn.Phật dạy:
- Không nên bỏ ăn. Nếu không có cây chà răng, nên dùng tháo đậu, đất bột, phân bò khô hoà cả ba với nước súc cho sạch miệng; tuỳ ý dùng cơm chớ nghi ngại.
* Duyên khởi như trước. Cụ thọ Xá Lợi Tử có hai cầu tịch. Một tên Chuẩn Ðà, một tên La Hổ La. Vào lúc nọ, muốn du hành trong nhân gian, Tôn giả Xá Lợi Tử bảo hai đệ tử:
- Ta muốn du hành trong nhân gian theo sở thích, hai ngươi ở lại hay đi?
Chuẩn Ðà thưa:
- Ô Ba Ðà Da, con xin đi theo.
La Hổ La thưa:
- Ô Ba Ðà Da, con ở lại đây.
Xá Lợi Tử nói:
- Nếu vậy thì gửi ngươi cho ai?
Ðáp:
- Xin gửi con cho Tôn giả Ô Ðà Dy. Con sẽ y chỉ vị ấy.
- La Hổ La, vị ấy là người xấu, sợ làm việc phi pháp.
Ðáp:
- Ô Ba Ðà Da! Con phục vụ vị ấy như cha, vị ấy làm sao làm việc xấu được?
Sau khi gửi La Hổ La, Xá Lợi Phất du hành nhân gian. Sau đó chưa lâu, Ô Ðà Dy bảo La Hổ La:
- Ngươi đi làm việc như vậy như vậy ...
Ðáp:
- Không làm!
Ô Ðà Dy tức giận nói:
- Ðồ ngu si! Việc này còn chẳng làm thì chịu làm việc gì.
La Hổ La nói:
- Chẳng phải ngài là thân giáo sư và quỹ phạm sư hay sao?
Cơn giận càng tăng, Ô Ðà Dy nắm cổ La Hổ La lôi ra khỏi cửa chùa. La Hổ La đứng khóc ngoài cửa.
Khi ấy, Bí-sô ny Ðại thế chủ và năm trăm môn nhân, đến làm lễ Phật, thấy Tôn giả đứng khóc nên hỏi: - Thánh giả La Hổ La vì sao khóc vậy?
Ðáp:
- Kiều Ðáp Di ơi! Ðại đức Ô Ðà Di dùng tay kẹp cổ tôi lôi ra khỏi chùa.
Với suy nghĩ: "Ta không nên bỏ mặc con của Phật ở đây để đi chỗ khác ", Ðại thế chủ cùng môn đồ đứng quanh đó.Thứ đến có vua Thắng Quang chúa nước Kiều Tát La định vào vườn để lễ Phật, thấy La Hổ La và hỏi đáp như trước. Sau khi suy nghĩ: "Ta không nên bỏ mặc con Phật và Phật mẫu ở đây để đi nơi khác ", nhà vua cũng đứng lại đó.Ðến lượt trưởng giả Cấp Cô Ðộc cũng vào vườn để lễ Phật, thấy La Hổ La và hỏi đáp như trước. Sau khi suy nghĩ: "Ta không nên để con của Phật, Phật mẫu và nhà vua ở đây để đi nơi khác ", trưởng giả cũng đứng chung lại đó.
Bấy giờ, ngoài cửa đại chúng tập họp đông đảo nên có tiếng ồn ào. Ðã biết nhưng Ðại sư Thế Tôn vẫn hỏi Cụ thọ A Nan Ðà:
- Vì sao ngoài cửa có nhiều người tụ họp gây tiếng động ồn ào vậy?
Tôn giả đem sự việc trên trình bày đầy đủ với Phật.Phật hỏi:
- Thật có sự việc Bí-sô này đuổi Bí-sô khác ra khỏi chùa không?
Ðáp:
- Ðại Ðức! Thật có việc này!
Phật bảo A Nan Ðà:
- Bí-sô chỉ được làm chủ trong phòng của mình, không được trong phạm vi chùa đuổi Bí-sô khác ra khỏi chùa. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Khi Thế Tôn đã chế không được đuổi Bí-sô ra khỏi chùa, các Bí-sô không dám khiển trách môn nhân đệ tử. Do đó, họ khinh thường phép tắc không chịu tuân hành.Phật dạy:
- Cần phải khiển trách.
Bí-sô không biết khiển trách như thế nào. Phật dạy:
- Có năm pháp khiển trách.
1- Không nói chuyện.
2- Không dạy bảo.
3- Không thọ dụng chung.
4- Ngăn thiện sự của họ.
5- Không cho y chỉ.
- Không nói chuyện là không nói chuyện hỏi đáp với họ.
- Không dạy bảo là không kêu dạy bảo họ việc lợi và hại.
- Không thọ dụng chung là không nhận sự dâng cúng phục vụ của họ, không quan hệ về y phục, thức ăn và pháp.
- Ngăn thiện sự là không bảo họ làm những việc như tu tập thiện phẩm, thắng sự ...
- Không cho y chỉ là cắt đứt sự quan hệ về y chỉ thầy trò, không ở cùng phòng.
Như lời Phật dạy nên khiển trách, Bí-sô không xét rõ việc, đã vội khiển trách. Phật dạy:
- Không được gặp việc gì cũng được khiển trách ngay. Ai có năm pháp mới nên khiển trách họ. Năm pháp ấy là:
1- Bất tín;
2- Lười biếng;
3- Ác khẩu;
4- Không có tàm quý;
5- Thân cận kẻ xấu.
Khi ấy các Bí-sô chỉ khiển trách người đủ năm pháp trên. Ai không đủ năm pháp trên thì không bị khiển trách.
Phật dạy:
- Khi có một trong năm pháp trên, cần phải khiển trách.
Vị này khiển trách đệ tử mình, các Bí-sô khác lại bao che. Phật dạy:
- Khi ai bị Thân giáo sư hay Quỹ phạm sư khiển trách, người khác bao che với ý ly gián, đó là phương tiện phá tăng, phạm tội Tốt thổ la.
Phật dạy:
- Không được bao che.
Các Bí-sô đều không dung chứa, nhân đó khó điều phục, lại không cung kính, có người bỏ ra nước khác, có người hoàn tục. Phật dạy:
- Nên sai Bí-sô dạy họ cải hối sinh tâm cung kính.
Vị kia sai người không thiện xảo đến bên họ bảo:
- Cụ thọ! Thân giáo sư của thầy xin thầy hãy hoan hỷ.
Họ sinh kiêu mạn. Phật dạy:
- Nên sai Bí-sô thiện xảo dạy bảo họ cải hối và có tâm thành kính.
Khi vị Bổn Sư thấy họ đến sám hối, không biết chọn lựa để dạy bảo, cứ tha cho hết. Họ không tiến triển trong việc tu tập thiện pháp, lại có vị nhỏ tuổi nhân đó hoàn tục. Phật dạy:
- Có đủ năm pháp mới cho sám hối.
1- Có tín tâm;
2- Có phát ý tinh tấn;
3- Sinh cung kính;
4- Nói ra lời tốt đẹp;
5- Thân cận thiện tri thức.
Phật dạy:
- Trong năm pháp này, có nhiều hay ít cũng có thể sám hối được. Nhưng các Bí-sô, người không nên khiển trách mà khiển trách họ, bị tội vượt pháp; Người đáng khiển trách mà không khiển trách cũng bị tội vượt pháp; Người không được tha mà tha cho thì bị tội vượt pháp; Người nên tha cho lại không tha, cũng bị tội vượt pháp.
Nếu ai đối với năm pháp đen ở trên, biểu hiện ra một pháp, tâm không cung kính, nên đuổi họ ra. Nếu biết rõ họ có lòng từ, tùy thuận thì nên tha cho họ. Ai có đủ năm pháp đen thì nên đuổi ra. Ai không đuổi bị tội vượt pháp.
Phật dạy:
- Ðuổi ra.
Bí-sô lột truồng họ rồi đuổi đi. Phật dạy:
- Không nên lột truồng đuổi đi, nếu là cầu tịch nên cho họ lưới lược nước, bình lọc và hai y trên dưới, sau đó cho họ đi. Nếu là cận viên hay sắp cận viên, nên cho họ sáu vật rồi đuổi ra khỏi chùa, không được lột truồng đuổi đi. (Sáu vật là: ba y, tọa cụ, lưới lược nước, bình đựng nước - bình có hai loại là nước sạch và nước rửa )
Nhiếp tụng bốn trong biệt môn ba.
Tạo tự an bí võng
Quảng trần tảo địa xứ
Cầu pháp thuyết nhị đồng
Nhiệt thời ưng tạo xá.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Như lời Phật dạy dùng chổ nằm dưới gốc cây, thanh tịnh dễ có được, Bí-sô y vào đây xuất gia và thọ cận viên thành Bí-sô tánh. Nếu được lợi dưỡng thêm như phòng ở, lầu gác đều được nhận dùng. Bí-sô làm chùa không làm nền bậc cấp và mái hiên. Phật dạy:
- Trước làm nền bậc cao vừa bằng đầu gối, trên kê ván dày, dựng trụ ở trên, rồi theo thứ tự lắp vì kèo, đòn dông, rui, trên lắp từng miếng ván bằng nhau, xếp gạch lên trên. Trên dùng gạch vụn trộn bùn, xây lên thật cứng, trên đắp bằng muối đá tro bùn trộn nhau. Một tầng làm như vậy, các tầng khác suy ra thì biết. Phía trước làm lan can với cây nằm ngang đính vào trụ không cho rơi ngã.
Có lúc, các Bí-sô thọ trai tại đó, chim sẻ bay đến làm rối loạn, cần đặt lưới ngăn. Họ không biết lấy gì làm lưới. Phật dạy:
- Có năm loại lưới là gai, vải thô, cỏ mang, cỏ tranh, vỏ cây đó ...
Tuy họ biết làm lưới nhưng không biết cách lắp đặt. Phật dạy:
- Bốn góc lưới đặt bốn vòng sắt nhỏ, tìm cách chống lên đừng cho mưa làm hư.
Sau đó, chim vẫn bay vào chỗ ngồi ăn ... dùng vật ngăn lại, ăn xong lấy ra. Khi Bí-sô đang ăn, có chó đến đứng mong tìm thức ăn thừa. Bí-sô không cho, chúng bị chết đói. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Khi ăn nên bớt lại một phần để thí cho súc sinh.
Khi ấy, các Bí-sô sống ở A Lan Nhã ăn, chỉ cho chó hoang chứ không cho chim quạ. Quạ nổi sân dùng tiếng quạ gọi bọn cướp:
- Bí-sô trong rừng có nhiều vàng vật báu.
Hiểu tiếng quạ nói, giặc đến gặp Bí-sô đòi vàng. Bí-sô trả lời không có nên bị giặc đánh chưởi. Bí-sô nói:
- Than ơi! Này trượng phu tại sao đánh tôi?
Ðáp:
- Ông có nhiều vàng tại sao không đưa ra?
Bí-sô nói:
- Tôi sống nơi rừng hoang, làm sao có nhiều vàng xin chớ đánh oan uổng.
Giặc nói:
- Chắc chắn ông có vàng, nếu không đưa ra, ta sẽ giết ông.
Bí-sô nói:
- Có người giận tôi nên nói dối như vậy. Chắc chắn là kẻ oán của tôi, xin nói thật cho biết.
Giặc nói:
- Vừa rồi quạ nói với ta.
Bí-sô nói:
- Vì chúng thù hận.
Hỏi:
- Vì sao?
Bí-sô kể lại sự việc trên. Giặc nói:
- Nếu thánh giả không nói rõ, chắc tôi giết oan rồi, đã biết xin thả ngài ra.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô bố thí với tâm cục bộ nên có lỗi như vậy. Do đó nên biết, khi để lại thức ăn nên cho khắp cả không dành riêng loài nào, rưới nước trên thức ăn cho ướt, bánh nên bóp nhỏ rãi trên đất, tùy ý chúng ăn, không nên ngăn lại. Ai ngăn lại, bị tội vượt pháp.
Bí-sô làm phòng gặp trời mưa, núp dưới mái hiên bị mưa ướt làm tổn hại. Phật dạy:
- Nên treo miếng che. Bí-sô không biết làm miếng che.
Phật dạy:
- Dùng tấm ván.
Họ che khắp cả làm phòng bị tối. Phật dạy:
- Không nên ngăn lại hết phải chừa chỗ sáng. Khó tìm tấm ván, Phật dạy:
- Dùng chiếu cỏ che tạm thời.
Gặp phải mưa ướt, trùng muổi sinh ra. Phật dạy:
- Chỉ dùng che trong mùa hạ mưa, lúc khác xếp cất.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ
Hết quyển mười ba hết.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Kinh Phổ Môn


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Em Là Vì Sao Sáng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.87.157 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập