Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.62 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Thành Duy Thức

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

6. Tâm sở thiện
Đã nói xong hai lớp tâm sở biến hành và biệt cảnh. Các đặc tính của tâm sở thiện như thế nào?
Tụng văn:
善謂信慚愧
無貪等三根
勤安不放逸
行捨及不害
Thiện gồm có: tín, tàm, quý, ba căn vô tham v.v.., cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại.
Luận nói, nó duy chỉ có mặt nơi tâm thiện nên gọi nó là tâm sở thiện. Đó là mười một thứ, gồm tín v.v..
a. Định nghĩa các tâm sở thiện
(1) Tín
Tín là gì? Tự tính của nó là tâm tịnh; đó là sự chấp nhận (nhẫn), yêu chuộng (lạc), ước muốn (dục)[161] đối với những gì có thực, có đức, có khả năng.[162] Nghiệp dụng của nó là đối trị bất tín, yêu thích điều thiện.
Nhưng, tóm tắt, có ba loại tín khác nhau. Thứ nhất, tín nơi những gì là có thực; tức tín nhẫn sâu xa nơi thực sự, thực lý của các pháp. Thứ hai, tín nơi những gì có đức; tức tín lạc sâu xa nơi đức chân tịnh của Tam bảo. Thứ ba, tín nơi những gì có năng; tức tín sâu xa rằng ta có năng lực có thể đắc, có thể thành nơi hết thảy thiện thế gian và xuất thế gian, từ đó mà khởi lên ước vọng. [163]
Do đây mà đối trị bất tín, tâm ấy yêu thích, hâm mộ (ái lạc) để chứng và tu thiện thế và xuất thế.
Nhẫn tức thắng giải; nó chính là nhân của tín. Lạc và dục, đó là dục (biệt cảnh), là quả của tín.
Nói một cách xác thực, yếu tính của tín là gì? Há không phải đã nói rằng tự tính của nó là tâm tịnh?[164] Đây là vì chưa hiểu rõ tâm tịnh nên hỏi như vậy. Nếu tịnh tức là tâm, nó hẵn không phải là tâm sở. Nếu để làm cho tâm tịnh, nó có khác gì với tàm? Pháp tịnh cùng có mặt với tâm, nạn vấn cũng vậy.
Tự tính ấy lắng trong, nó làm cho tâm tịnh; vì ưu thắng của tâm nên lập danh là tâm tịnh. Như hạt minh châu tịnh thủy làm cho nước đục thành trong.[165] Tàm các thứ tuy cũng là thiện nhưng không có đặc tính là làm lắng sạch do đây không gây lẫn lộn với tín vốn có đặc tính là làm lắng trong.
Lại nữa, các pháp ô nhiễm đều có đặc tính riêng, duy chỉ có bất tín là có bản chất làm vẩn đục. Nó làm cho tâm và tâm sở trở nên vẩn đục; như vật cực kỳ ô uế, đã tự nó ô uế mà còn làm ô uế những cái khác. Chính tín thì ngược lại, cho nên có đặc tính là làm lắng sạch.
Có thuyết nói tín có đặc tính là ái lạc.[166] Nếu thế nó phải thông với cả ba tính; thể tất phải là dục. Lại nữa, khổ và tập sẽ không phải là sở duyên của tín.[167]
Cũng có chủ trương rằng đặc tính của tín là tùy thuận.[168] Thế thì nó phải thông cả ba tính; và nó tất phải là thắng giải và dục. Vì thuận theo mà ghi dấu ấn tức là thắng giải; thuận theo mà vui thích tức là dục. Ngoài hai tính chất này, không có đặc tính nào khác của thuận.
Do vậy, nên biết, sự trừng tịnh của tâm là tín.
(2-3) Tàm- Quý
Tàm là gì? Tự tính của nó do trọng lực của bản thân hay của pháp mà sùng trọng những điều hiền thiện.[169] Nghiệp dụng của nó là đối trị vô tàm, đình chỉ và ngăn chặn hành vi xấu ác. Tức là, do tôn quý bản thân hay kính tôn quý mà sùng trọng điều hiền thiện, xấu hỗ điều lỗi lầm xấu xa; đối trị vô tàm, ngăn chặn các ác hành.
Quý là gì? Tự tính của nó là do trọng lực của thế gian mà khinh cự điều xấu xa thô bạo. Nghiệp dụng của nó là đối trị vô quý; đình chỉ và ngăn chặn hành vi xấu ác.[170] Tức là, do xem trọng sự chê trách của thế gian mà khinh cự điều xấu xa thô bạo, xấu hỗ với tội lỗi.
Xấu hỗ là đặc tính chung của cả hai. [171] Cho nên các Thánh giáo[172] giả định nói nó (sự xấu hổ) là thể.
Nếu cho rằng sự xấu hỗ[173] này là đặc tính riêng biệt của cả hai, thế thì thể của tàm và quý sẽ không khác nhau, và như vậy hai pháp này nhất định không tương ưng với nhau. Vì không phải rằng thọ, tưởng, v.v.., có ý nghĩa này.[174] Nếu do suy xét ta và người đời mà lập thành hai riêng biệt, thế thì chúng không thực hữu,[175] như vậy trái với Thánh giáo.[176] Nếu cho rằng tàm và quý là thực nhưng khởi riêng biệt, như vậy lại trái với Luận nói rằng cả mười pháp phổ biến trong tất cả thiện tâm.[177]
Sùng trọng và khinh cự, nếu là hai tính cách riêng biệt, thế thì sở duyên khác nhau, chúng không thể cùng sinh khởi. Cả hai đều sai lầm như nhau, sao liền chỉ trích thiên một phía?[178]
Ai nói hai pháp này có sở duyên khác nhau? Nếu không phải vậy, thì sao? Khi tâm thiện khởi, tùy theo nó duyên vào cảnh nào, ở đó đều có ý nghĩa sùng trọng thiện và khinh cự ác. Do vậy tàm và quý có mặt khắp trong các tâm thiện, sở duyên không khác nhau.
Há không phải rằng tôi cũng nói ý nghĩa như vây?
Ngài cho rằng tự tướng của tàm quý như nhau, thế thì bằng vào lý lẽ nào để bác bỏ nạn vấn mà tôi đã đặt ra trước đó?
Tuy nhiên, các Thánh giáo nói suy xét bản thân và suy xét người đời,[179] theo đó, pháp bản thân là tự thân, thế gian là người đời. Hoặc trong đó sự sùng thiện cự ác đối với chính mình có tăng ích và có tổn hại nên nói là ta và người.[180]
(4-5-6) Vô tham-vô sân-vô si
Tụng nói: vô tham, các thứ. “Các thứ”[181] đây chỉ vô sân và vô si. Chúng được gọi là ba gốc rễ[182] vì đặc sắc làm nảy sinh thiện và đối trị ba bất thiện căn.
Vô tham là gì? Tự tính của nó là không bị đắm dính nơi hữu và tư cụ của của hữu. [183] Nghiệp dụng của nó là đối trị tham trước.[184]
Vô sân là gì? Tự tính của nó là không có sự thù ghét đối[185] với khổ và tư cụ của khổ.[186] Nghiệp dụng của nó là đối trị sân nhuế, tạo tác thiện.
Khi thiện tâm khởi, tùy theo nó duyên vào đối tượng (cảnh) nào, thảy đều không có sự tham đắm, thù ghét đối với hữu các thứ. Đó là đối chiếu với hữu các thứ mà nêu lên, chứ không phải nhất thiết nó phải duyên đến hữu các thứ. Vì vậy, hai tâm này đều có mặt khắp trong các thiện tâm.
Vô si là gì? Tự tính của nó là thấu hiểu rõ ràng các lý và sự.[187] Nghiệp dụng của nó là đối trị ngu si, tạo tác thiện.
Có giải thích nói, vô si có tự tính là huệ. Tập luận nói, thể của nó là sự quyết trạch của do bởi báo, giáo, chứng và trí.[188] Đó là các huệ, theo thứ tự, do bẩm sinh, do bởi nghe, tư duy và tu tập,[189] chúng thảy đều là sự quyết trạch.
Nó tuy chính là huệ, nhưng để nêu rõ công năng đặc sắc về thiện phẩm của nó, như kiến trong phiền não, nên lại nói riêng.
Giải thích khác nói, vô si không phải là huệ mà có tự tính riêng biệt. Nó đối nghịch chính xác với vô minh. Như vô tham, vô sân. Vì nó được kể trong thiện căn. Luận nói, đại bi bao hàm vô sân, vô si, chứ không phải được kể trong căn.[190] Lại nữa, nếu vô si không có tự tính riêng biệt, thì nó cũng như bất hại không phải là thực vật hữu. Như vậy trái với Luận, theo đó trong mười thiện có ba là thế tục hữu, còn lại đều là thực.[191]
Thế nhưng, Tập luận[192] nói thể của nó là huệ, đó là nêu nhân quả để chỉ rõ tự tính của nó. Như nhẫn và lạc biểu hiện cho tự thể của tín. Lý tất phải như vậy.
Vì tham, sân, si, tương ưng sáu thức, chính xác thuộc nhóm phiền não, có ưu thể trong sự khởi ác, do đó lập chúng làm bất thiện căn. Đoạn trừ chúng tất do đối trị chung và riêng. Chung, là do huệ có tính chất thiện; riêng là do ba căn. Do vậy, tất phải có vô si riêng biệt.
(7) Cần
Cần tức là tinh tấn. Đó là tính dũng mãnh tích[193] cực trong sự tu tập tập các phẩm thiện và đoạn trừ ác. Nghiệp dụng của nó là đối trị tính biếng nhác và hoàn thành thiện. Dũng mãnh (dũng)[194] diễn tả tính thăng tiến, gạt bỏ các pháp nhiễm. Tích cực (hãn) diễn tả tính tinh thuần, gạt ra ngoài thiện và vô ký. Như thế, nó biểu hiện cho tinh tấn, duy chỉ bao hàm tính thiện.
Nó có năm đặc tính khác nhau: khoác khôi giáp, gia hành, không chùng xuống, không thối lui, không tự mãn.[195] Tức điều mà Kinh nói là có cần, có dũng, cứng mạnh, không bỏ gánh nặng thiện, theo thứ tự thích ứng.[196]
Năm điều sai biệt này là sơ phát tâm, tự phần thắng tiến, tự hành hành trong đó có ba phẩm riêng biệt.
Hoặc phân làm sơ phát tâm, trường kỳ tu tập, không gián đoạn tu tập, nghiêm trọng tu tập, và vô dư tu.[197]
Hoặc phân theo năm giai đoạn gồm tư lương, v.v..[198]
Vì rằng, cứu cánh đạo của Nhị thừa hâm mộ Đại bồ đề. Và vì cứu cánh đạo của Chư Phật là muốn lợi lạc cho người.[199] Hoặc phân biệt do bởi hai gia hành, vô gián, giải thoát và thắng tiến.[200]
(6) An
An tức khinh an. Đó là tính kham nhiệm,[201] xa lìa tính thô nặng, thân tâm thư thới. Nghiệp dụng của nó là đối trị hôn trầm, và chuyển y.[202]Nó dẹp qua các pháp làm chướng ngại định, khiến cho sở y chỉ[203] được chuyển đổi và trở thành trầm ổn.
(9) Bất phóng dật
Bất phóng dật, không buông lung, bao hàm tinh tấn và ba căn; đó là sự phòng hộ và tu tập đối với những thứ cần đoạn trừ và cần tu tập.[204] Nghiệp dụng của nó là đối trị phóng dật, thành mãn tất cả sự nghiệp thiện thế gian và xuất thế gian. Tức là bốn pháp này khi đối với sự thể cần đoạn và cần tu chúng có khả năng phòng hộ và tu tập, nên được gọi là bất phóng dật. Nó không có tự thể riêng biệt, vì không có đặc tính gì khác biệt với bốn pháp ấy. Và vì trong sự phòng hộ điều ác và tu tập điều thiện nó không có hoạt dụng riêng biệt ngoài bốn pháp này.
Tuy tín, tàm các thứ cũng có công năng ấy, nhưng so với bốn pháp này thì thế lực của chúng yếu kém không phải là căn và sự sách tấn phổ biến[205] nên không phải là sở y của nó.
Nạn vấn: Há không phải rằng phòng hộ và tu tập là đặc tính và hoạt dụng của nó? Giải thích: Phòng hộ và tu tập có khác gì với tinh tấn và ba căn?
Nạn vấn: Nhưng chúng phải cấn đến nó mới có tác dụng. Giải thích: Thế thì nó lại phải cần đến cái khác nữa, như vậy hóa ra vô cùng!
Nạn vấn: Cấn duy chỉ là sự thúc dục phổ biến; căn chỉ làm sở y; đâu có ṭhể nói nó có tác dụng phòng và tu?
Giải thích: Vậy, đặc tính của tác dụng phòng và tu của ngài là gì? Nếu là sự duy trì cùng khắp, thì đó là vô tham các thứ. Nếu là sự thúc dục phổ biến thì nó không khác với tinh tấn. Cho nên, đình chỉ ác, tăng tiến thiện, chính là tổng thể bốn pháp này.
Khiến cho không tán loạn, thì đó là đẳng trì (định); khiến cho đồng tiếp thu cảnh, thì nó có khác gì với xúc? Khiến cho không quên mất, đó tức là niệm. Suy tầm như vậy thì hoạt dụng của bất phóng dật nếu tách lìa vô tham các thứ thì không thể có. Cho nên bất phóng dật một cách xác định là không có tự thể riêng biệt.
(10) Hành xả
Hành xả là gì?[206] Đó là tinh tấn cũng với ba căn, khiến cho tâm bình đẳng, chính trực, an trụ vô công dụng. Nghiệp dụng của nó là đối trị trạo cử, an trụ tĩnh chỉ.[207]
Tức là, bốn pháp này khi khiến cho tâm dứt lìa chướng ngại, như trạo cử v.v.., và an trụ tĩnh chỉ, khi ấy chúng được gọi là xả, bình đẳng, chính trực, an trụ vô công dụng. Trong đó xả được phân tích những trạng thái khác nhau gồm khởi đầu, đoạn giữa và đoạn cuối.[208] Trước hết do không phóng dật mà loại trừ tạp nhiễm, sau đó với xả tâm trở thành an trụ tịch tĩnh.
Nó không có tự thể riêng biệt; như bất phóng dật không có tướng và dụng gì nếu gạt ra ngoài bốn pháp. Chính bốn pháp này đưa đến sự tịch tĩnh; cái được làm cho tịch tĩnh là tâm.
(11) Bất hại
Bất hại là gì? Đó là tính vô sân, không gây tổn não cho các hữu tình. Nghiệp dụng của nó là bi mẫn, đối trị hại.
Vô sân là nghịch đảo của sân làm dứt sinh mạng của vật. Bất hại chính xác là sự trái ngược với hại gây tổn não vật.
Theo thực tế của lý, vô sân thực sự có tự thể. Bất hại y trên nó một phần mà được giả lập. Vì để hiện lộ sự khác nhau của hai đặc tính từ và bi, và vì hai pháp này là ưu thắng trong sự làm lợi lạc hữu tình.
Có thuyết nói, bất hại không phải là vô sân; mà nó có tự thể riêng, đó là tính hiền thiện.[209]
Đặc tính của cái này là gì? Là sự không gây tổn não. Thì vô sân cũng thế, há có tính chất riêng biệt? Từ bi hiền thiện, không gây tổn não cho hữu tình, đấy chính là vô sân.
b. Các vấn đề
(1) Ý nghĩa bao hàm
Từ “và”[210] chỉ ra rằng còn những tâm sở thiện khác nữa ngoài mười một tâm này, như ưa thích (hân), chán ghét (yếm) v.v.. Nghĩa tuy có khác nên được gọi với nhiều tên khác nhau nhưng thể thì không khác, vì vậy không lập riêng.
Trong đó, ưa thích (hân)[211] là một phần sân câu hữu với dục, vì không có sự ghét bỏ đối với cảnh được ưa thích.
Không phẫn, không hận, không não, không tật đố, v.v.., cũng vậy, mỗi thứ với đối nghịch riêng biệt[212] là một phần của sân.
Chán ghét là một phần của tham câu hữu với huệ, vì đối với cảnh chán ghét mà không bị nhiễm trước.
Không xan lẩn, không kiêu, v.v.., nên biết, cũng vậy, với đối nghịch mỗi thứ là một phần của tham.
Không phú tàng, không cuống, không siểm, là một phần của vô tham và vô si, với đối nghịch mỗi thứ là một phần của tham và si.
Có ý kiến cho rằng không phú tàng duy chỉ là một phần của vô si, vì không thấy ở đâu nói phú là phần của tham.
Có ý kiến nói không mạn thuộc một phần của tín, vì đã tín với ai thì không có mạn với vị đó.
Có ý kiến nói không mạn thuộc một phần của xả, vì tâm bình đẳng thì không có cao mạn.
Có ý kiến nói không mạn thuộc một phần của tàm, vì đã sùng trọng ai thì không có mạn với vị đó.
Có ý kiến nói không nghi được hàm ngụ trong tín, vì đã tin cái gì thì không còn do dự trước cái đó.
Có ý kiến nói không nghi chính xác hàm ngụ trong thắng giải, vì với cái đã được quyết định thì không còn do dự.
Có ý kiến nói không nghi chính xác hàm ngụ trong huệ, vì có chính kiến thì không có do dự.
Có ý kiến nói thể của không tán loạn chính xác hàm ngụ trong định, vì cái cùng có mặt với chính kiến, chính tri được hàm ngụ trong huệ.
Niệm không quên lãng tức chính niệm.
Hối, miên, tầm, tư thông cả nhiễm và không nhiễm, như xúc, dục các thứ, không có đối nghịch riêng của mỗi thứ.
(2) Phế lập
Vì duyên cớ gì mà trong các thiện đối nghịch với nhiễm có cái được lập riêng, có cái thì không?
Vì có tướng và dụng riêng biệt nên được lập riêng. Những thiện còn lại thì không như vậy, cho nên không có gì đáng thắc mắc.
Lại nữa, cái nào có ưu thế đối nghịch với các pháp nhiễm có mặt khắp trong sáu thức, cái ấy được lập riêng. Mạn, v.v.., phẫn v.v.., duy chỉ có mặt cùng với ý thức.
Hại tuy cũng vậy, nhưng vì nó thường xuyên hiện khởi, gây tổn não tha nhân, và vì nó gây chướng ngại cho bi vốn là thắnh nhân của vô thượng thừa; với mục đích nhận thức rõ lỗi lầm trổi bật của nó cho nên lập đối nghịch là bất hại.
Thất niệm, tán loạn, bất chính tri, đối nghịch của chúng thuộc về biệt cảnh, nên không nói trong thiện.
(3) Số lượng
Nhiễm và tịnh đối nghịch nhau, sao tịnh lại ít hơn nhiễm?
Tịnh thì ưu thắng mà nhiễm thì kém cõi, cho nên ít mà địch lại nhiều.
Lại nữa, lý được nhận thức thì phổ quát, tuy nói nhiều mà đồng thể. Sự bị mê hoặc bởi tình thức nên hạn cuộc, tùy theo đặc tính mà phân nhiều. Vì vậy không nên thắc mắc số lượng nhiễm, tịnh không bằng nhau.
(4) Giả thực
Trong mười một pháp này, ba là giả hữu; đó là bất phóng dật, hành xả và bất hại. Ý nghĩa như đã nói trên. Tám pháp còn lại thảy đều thực hữu, vì có tướng và dụng riêng biệt. [213]
(5) Câu khởi
Có ý kiến nói trong mười một tâm sở này, bốn có mặt trong tất cả thiện tâm; đó là tinh tấn và ba căn, chúng có mặt trong mọi thiện phẩm.
Khi suy tầm sự lý mà chưa quyết định, bấy giờ tín không phát sinh. Tàm và quý đồng loại nhưng y xứ khác biệt nên một cái khởi thì cái thứ hai kia không khởi.
Phải vào thế gian đạo đoạn trừ phiền não, khi ấy mới có khinh an. [214] Bất phóng dật và xả, khi vào vô lậu đạo mới có thể khởi.
Luận nói, mười một thiện khởi trong sáu trạng thái.[215] Theo đó, trong trạng thái quyết định có tín tương ưng; khi đình chỉ nhiễn có tàm và quý cũng khởi, vì chiếu cố ta và tha nhân; trong trạng thái của thiện phẩm có tinh tấn và ba căn; khi vào thế gian đạo có khinh an khởi; khi vào vô lậu đạo có xả và bất phóng dật. Khi cứu giúp chúng sinh thì có bất hại.[216]
Có ý kiến khác nói thuyết trên đây chưa phải tận lý. Suy tầm sự lý mà chưa đạt quyết định, khi ấy tín chưa sinh, tâm ấy hẵn không phải là thiện. Như nhiễm tâm các thứ, vì không có tịnh tín.
Tàm và quý, tuy không đồng loại, không đồng sở y, nhưng đồng một đối tượng (cảnh), cả hai có mặt khắp trong các thiện tâm, như trên đã nói.
Nếu khinh an không phát sinh trong xuất thế đạo, thế thì nó không phải là giác chi vì không phải là vô lậu.
Nếu trong thế gian đạo không có xả và bất phóng dật, thế thì tâm ấy không thể là tịch tĩnh,[217] vì không thể phòng ác tu thiện, và vì không thể trấn phục trạo cử, phóng dật. Thiện tâm hữu lậu đã đủ cả bốn pháp,[218] vậy thì, như xuất thế đạo, nó tất phải có cả hai (xả và bất phóng dật).
Khi thiện tâm khởi, tất không có sự gây tổn hại vật, vì trái nghịch với sự gây tổn hại mà có bất hại.
Luận nói mười một tâm khởi trong sáu trạng thái, đó là nói y trong điều kiện nào thì thiện tâm nào tăng trưởng. Cho nên giải thích theo thuyết trên nhất định không hợp lý.
Nên nói, trong mười một thiện, tín v.v.. gồm mười loại có mặt khắp trong các thiện tâm. Khinh an không có mặt khắp, vì phải ở trong trạng thái định mới có nó; trong các trạng thái khác không có sự mềm dẻo của thân tâm. “Quyết trạch phần” nói,[219] “Mười tâm sở thiện, trong các trình độ có định hay không có định, thảy đều có mặt khắp trong các thiện tâm. Trong trình độ có định khinh an mới phát triển.”
Có ý kiến nói, gia hành của định[220] cũng được kể là trình độ định.[221] Trong trạng thái cũng có sự thư thái mờ nhạt, do vậy trong Dục giới cũng có khinh an. Nếu không như vậy, sẽ trái với điều được nói trong Bản phần địa, theo đó mười một thiện thông tất cả địa.[222]
Có ý kiến nói khinh an chỉ có trong định; do định nuôi dưỡng thân mà có sự thư thái. Luận nói, các tâm và tâm sở trong Dục giới vì khuyết khinh an nên gọi là bất định địa.[223]
Nói rằng mười một có mặt trong tất cả địa, tức là thông cả ba địa, có tâm tứ v.v..,[224] thảy đều có cả.
(6) Tương ưng sáu thức
Mười một loại này như đã nói đủ ở trên; trong thức thứ tám và thứ bảy, tùy trạng thái hoặc có hoặc không. Thức thứ sáu, trong trạng thái định, có đủ cả; nếu không phải định, chỉ khuyết khinh an.
Có ý kiến nói năm thức chỉ có mười thứ, vì tự tính của chúng vốn tán động nên không có khinh an.
Có ý kiến nói năm thức cũng có khinh an,vì thiện được dẫn khởi bởi định cúng có sự thư thái. Và vì trí thành sở tác tất có khinh an.
(7) Tương ưng năm thọ
Mười một thiện này tương ưng với thọ nào? Mười tương ưng với năm.[225] Một, trừ ưu, khổ, vì có cảm thọ bị bức bách nên không thể có thư thái.
(8) Tương ưng biệt cảnh
Chúng thảy đều có thể tương ưng với các biệt cảnh. Như tín v.v.. không chống trái dục.
(9) Ba tính.
Cả mười một duy chỉ thiện.
(10) Ba giới
Khinh an không có trong Dục giới. Ngoài ra, thông cả ba giới.
(11) Ba học
Thảy đều có mặt trong cả ba học
(12) Ba đoạn
Chúng không thuộc kiến sở đoạn. Luận Du-già nói, sáu căn gồm tín v.v.. duy thuộc tu sở đoạn chứ không phải kiến sở đoạn.[226]
Các vấn đề khác, nên theo lý mà tư duy.
7. Tâm sở phiền não
Như vậy đã nói xong các tâm sở thuộc lớp thiện. Về các tâm sở phiền não, đặc tính của chúng như thế nào?
Tụng nói:
煩惱謂貪瞋
癡慢疑惡見 //12a-b/
Phiền não gồm tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến.
Luận nói:
Sáu tự tính này, gồm tham v.v.., bao hàm các phiền não căn bản, nên chúng được gọi là phiền não.
a. Định nghĩa
(1) Tham
Tham là gì? Đó là sự đắm nhiễm nơi các hữu và tư cụ của hữu.[227] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại vô tham, làm phát sinh khổ. Tức do chi phối của ái mà thủ uẩn sinh khởi.[228]
(2) Sân
Sân là gì? Đó là sự thù ghét đối với các khổ và tư cụ của khổ.[229] Nghiệp dụng của nó là chương ngại vô sân, gây trạng thái không an ổn, là sở y cho ác hành. Vì sân tất khiến cho thân và tâm nóng bức, phát khởi các ác nghiệp, bất thiện tính.[230]
(3) Si
Si là gì? Đó là sự mê ám trong các sự và lý. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại vô si, làm sở y cho tất cả tạp nhiễm.[231]Vì, do vô minh mà khởi phiền não và tùy phiền não, nghi, tà kiến, tham. v.v.., tạo nghiệp dẫn đến pháp tạp nhiễm đời sau.[232]
(4) Mạn
Mạn là gì? Đó là tính tự thị, bốc cao mình hơn tha nhân. Tác dụng của nó là chướng ngại bất mạn, làm phát sinh khổ.[233] Nếu có mạn, thì không có tâm khiêm hạ đối với đức, và những ai có đức;[234] do đây mà sinh tử xoay vần không cùng tận, thọ các khổ.
Về mạn này, sai biệt có bảy hay chín,[235] y vào các xứ, ba phẩm, ngã, đức, mà phát sinh.[236] Tất cả đều thông cả kiến sở đoạn và tu sở đoạn. Trong Thánh vị, ngã mạn vẫn còn có thể hiện hành;[237] cho nên không có gì sai lầm khi nói mạn loại[238] do đấy mà khởi.
(5) Nghi
Nghi là gì? Đó là sự do dự nơi lý Thánh đế. Tác dụng của nó là chướng ngại bất nghi và các thiện phẩm. Nếu có do dự thì thiện không phát sinh.[239]
Có ý kiến nói nghi này có tự thể là huệ,[240] vì do dự giản trạch được nói là nghi.[241] Vì trợ ngữ tì ghép vào mạt-để có nghĩa là nghi.[242] Vì mạt-để và bát-nhã đồng nghĩa.[243]
Ý kiến khác nói, nghi này có tự thể riêng biệt. Nó khiến cho huệ không có quyết định, chứ không phải chính nó là huệ. Luận Du-già nói: “Trong sáu phiền não kiến là thế tục hữu, vì nó là một phần của huệ; còn lại là thực hữu vì chúng có tự tính riêng biệt.”[244] Nếu cho rằng nghi thuộc huệ vì từ cán mạt-để được ghép với trợ ngữ tì, thế thì thức cũng là trí vì từ cán nhã-nam được ghép với trợ ngã tì. Nhưng từ căn[245] do ảnh hưởng của trợ ngữ mà ý nghĩa bị chuyển biến. Vì vậy, thể của nghi ở đây không phải là huệ.
(6) Ác kiến
Ác kiến là gì? Đó là huệ ô nhiễm suy lường điên đảo đối lý các Thánh đế. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại thiện kiến, chiều với khổ.
Sai biệt hành tướng của kiến này có năm:
1. Tát-ca-da kiến;[246] chấp ngã và ngã ở nơi năm thủ uẩn; tác dụng của nó là làm sở y cho tất cả mọi xu hướng kiến.[247] Loại kiến này được phân tích thành hai mươi phạm trù sai biệt;[248] hoặc y trên đẳng phần phân biệt mà sinh khởi thành sáu mươi lăm phạm trù sai biệt.[249]
2. Biên chấp kiến.[250] Do kiến trên tùy theo mà chấp hoặc đoạn hoặc thường. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại xử trung, hành và xuất ly.[251] Loại kiến này có nhiều hình thái khác nhau trong các xu hướng kiến chấp. Các xu hướng được phân tích như sau: Y tiền tế, có bốn biến thường luận, một bán thường luận. Y hậu tế, có mười sáu hữu tưởng luận, tám vô tưởng luận và tám phi hữu phi vô tương luận; bảy đoạn diệt luận.[252]
3. Tà kiến. Đó là các tà chấp bài bác nhân quả, tác dụng, sự thực, và các tà chấp khác không thuộc trong bốn kiến chấp kia. Danh nghĩa của nó bao trùm rất rộng, như danh nghĩa của tăng thượng duyên. Về sự sai biệt của loại kiến này, trong các xu hướng kiến chấp, y tiền tế có hai vô nhân luận, bốn hữu biên, và ngụy biện luận.[253] Y hậu tế, có năm hiện tại niết-bàn luận.
Hoặc cho rằng đấng Tự Tại, Thế Chủ, Thích, Phạm,[254] và các vật loại khác là thường hằng, không biến dịch. Hoặc cho rằng Tự Tại, v.v.., là nhân của hết thảy sự vật. Hoặc chủ trương sai lầm các tà giải thoát. Hoặc nhầm lẫn phi đạo cho là đạo. Những quan điểm như vậy đều được bao gồm trong tà kiến.
4. Kiến thủ. Cho rằng các kiến, uẩn sở y, là tối thắng, là có thể đạt đến thanh tịnh.[255] Nghiệp dụng của nó là sở y cho hết thảy đấu tranh.
5. Giới cấm thủ. Đối với giới điều tùy thuận, thuận theo kiến chấp nào đó, và uẩn sở y, cho rằng đây là tối thắng, có thể đạt đến thanh tịnh.[256] Tác dụng của nó là làm sở y cho sự cần khổ vô ích.
Tuy nhiên, có nơi nói, quan niệm rằng đây là tối thắng, đó là kiến thủ; quan niệm rằng điều này dẫn đến thanh tịnh, đó là giới thủ. Đó là nói theo ảnh lược, hoặc theo phương diện tùy chuyển. Nếu không thế, phi diệt mà cho là diệt hay phi đạo mà cho là đạo thì làm sao có thể nói là tà kiến, chứ không phải được bao gồm trong hai thủ?
b. Các vấn đề
(1) Câu sinh và phân biệt
Trong mười loại phiền não như thế, hoặc tổng hoặc biệt, sáu thông cả câu sinh và phân biệt; chúng sinh khởi một cách tự nhiên hoặc do tư sát.
Nghi và ba kiến sau duy chỉ thuộc phân biệt, vì phải do ảnh hưởng của ác hữu và tà giáo mới có thể được dẫn sinh.
Trong biên chấp kiến, thông cả câu sinh duy chỉ quan niệm nào thuộc đoạn kiến. Tướng của thường kiến thô, phải do ảnh hưởng của ác hữu các thứ mới có thể dẫn sinh. Du-già và các luận[257] nói, loại biên chấp kiến nào thuộc câu sinh? Những gì thuộc đoạn kiến. Vị đang học hiện quán nổi lên sợ hãi như vầy: “Ta hiện nay, ta đang ở đâu?”[258] Vì vậy, cầm thú các loại khi gặp nghịch duyên thảy đều nổi lên sợ hãi rằng ta sẽ đoạn diệt mất.[259]
Có ý kiến nói, Luận ấy y theo tướng thô mà nói, lý thực thì câu sinh cũng thông cả thường kiến. Cầm thú các loại chấp ta là thương tồn, nên chúng tích cực tạo tác và tích lũy các tư cụ cho lâu dài. Cho nên, các luận như Hiển dương[260] đều nói chấp đoạn, chấp thường nơi năm thủ uẩn phát sinh do câu sinh hoặc do phân biệt.
(2) Tương ưng đồng loại
Trong mười phiền não này, cái nào tương ưng với những cái nào?
Tham nhất định không cùng khởi với sân và si. Vì hai thứ đối tượng yêu và ghét không thể chung nhau. Và vì với đối tượng không được quyết định thì không có nhiễm trước.
Tham hoặc có thể tương ưng với mạn, và kiến. Vì đối tượng được yêu, và bị lấn lướt không phải là một nên nói (tham và mạn) không cùng khởi. Nhưng đối tượng để nhiễm, và để tự thị thì có thể đồng nhất nên nói chúng có thể tương ưng. Đối tượng trong năm kiến đều là đáng yêu, nên tham tương ưng với năm kiến thì không có gì sai.
Sân với mạn và nghi hoặc có thể cùng khởi. Đối tượng để sân và đối tượng để tự thị không phải là một nên nói (sân và mạn) không tương ưng. Đối tượng bị khinh miệt và bị ghét có thể đồng nhất nên nói chúng có thể cùng khởi. Ban đầu còn do dự thì chưa có ghét nên nói (sân và nghi) không cùng khởi. Suy nghĩ lâu mà không quyết bèn nổi giận nên nói là có thể tương ưng. Nghi đối với sự thể thuận hay nghịch, tùy theo thích hợp, cũng vậy.[261]
Sân và hai thủ tất không tương ưng. Chấp đây là thù thắng, đây là đạo, thì không ghét nó.
Sân và ba kiến hoặc có thể tương ưng. Đối với uẩn có lạc mà khởi thường kiến của thân thì không có sự ghét nên nói (sân với thân và biên kiến) không tương ưng. Đối với uẩn có khổ mà khởi thường kiến của thân thì sẽ nổi ghét giận nên nói là có thể cùng khởi. Với đoạn kiến thì trái lại, trái với sân mà nói là có hay không. Tà kiến bài bác ác sự, hảo sự, theo thứ tự nói về sân, mà nói có hay không.[262]
Mạn thì có mặt nơi cảnh đã xác định, còn nghi thì không, nên mạn và nghi không tương.
Mạn và năm kiến có thể cùng khởi, vì hành tướng không mâu thuẫn lẫn nhau. Nhưng với đoạn kiến[263] thì (mạn) không cùng sinh, vì khi chấp ta sẽ đoạn diệt thì không có sự lấn lướt tự thị. Với một phần thân kiến, một phần tà kiến, cũng vậy.
Nghi là chưa thẩm quyết, trái nghịch với kiến, nên nghi và kiến không cùng khởi.
Năm kiến hoán chuyển nhau nên giữa chúng không có tương ưng với nhau. Vì trong một tâm thì không nhiều huệ cùng lúc.
Si nhất định tương ưng với chín loại còn lại. Vì các phiền não phát sinh đều do sinh.
(3) Tương ưng các thức
Mười phiền não tương ưng với nhữngthức nào?
Tàng thức hoàn toàn không có. Mạt-na có bốn. Ý thức đủ cả mười. Năm thức chỉ có ba, là tham, sân, si; vì chúng không có phân biệt. Vì mạn các thứ sinh khởi là do cân nhắc suy tính.
(4) Tương ưng các thọ
Mười phiền não tương ưng với những thọ nào?
Ba căn tham, sân, si câu sinh hay phân biệt tất cả đều có thể tương ưng với cả năm thọ. Tham khi gặp duyên trái nghịch thì sinh ưu khổ. Sân mà gặp thuận cảnh thì sinh vui sướng.
Có ý kiến nói mạn khởi bởi câu sinh hay phân biệt đều có thể tương ưng với bốn thọ trừ khổ. Khi tự thị uẩn thấp kém và khổ,[264] mạn tương ưng với ưu. Ý kiến khác nói, mạn câu sinh cũng cùng khởi với khổ; vì ý cũng có khổ thọ như đã nói trên.
Mạn và các phiền não khác thuộc phân biệt thì không có trong cõi thuần khổ, vì ở đó không có tà sư hay tà giáo các thứ. Chúng không tạo nghiệp dẫn đến ác thú, vì cần có phân biệt mới có thể phát nghiệp.[265]
Nghi và ba kiến sau có thể cùng khởi với bốn thọ. Trong Dục giới mà nghi không có khổ, v.v..,[266] nghi ấy cũng cùng khởi với hỷ thọ.
Hai thủ, nếu duyên vào kiến mà kiến này tương ưng ưu, khi ấy chúng cũng có thể tương ưng với ưu.[267]
Có ý kiến nói, hai kiến thân và biên thuộc loại câu sinh chỉ tương ưng với ba thọ hỷ, lạc, xả. Vì chúng không cùng khởi với năm thức, và chúng chỉ là vô ký. Hai kiến này nếu thuộc loại phân biệt thì cũng có thể cùng có mặt với bốn thọ. Chấp uẩn câu hữu khổ là ngã và ngã sở, khởi thường kiến, và ngã kiến ngược lại, thảy đều tương ưng với ưu.[268]
Có ý kiến nói hai kiến này nếu thuộc loại câu sinh thì cũng cùng có mặt với khổ, vì trong chỗ cực khổ, duyên vào uẩn cực khổ nên tương ưng khổ. Luận nói hết thảy phiền não câu sinh đều có thể hiện hành cùng với ba thọ. Chi tiết, như đã nói trên. Vấn đề còn lại, như đã nói trên.
Đây là y theo thực nghĩa. Còn nếu nói theo tùy chuyển, tham, mạn, bốn kiến cùng có mặt với lạc, hỷ, ưu, xả. Sân duy cùng khởi với các thọ khổ, ưu và xả. Si có thể tương ưng với cả năm thọ. Tà kiến và nghi cùng khởi với bốn thọ, trừ khổ.
Tham, si cùng khởi với lạc, thông cả bốn địa thấp;[269] bảy phiền não còn lại cùng khởi với lạc thông ba địa trừ Dục. Nghi và si độc hành, tại Dục giới, duy chỉ cùng với ưu và xả.
Cùng khởi với các thọ khác, như lý mà nhận định.
(5) Tương ưng biệt cảnh
Các phiền não này tương ưng với những biệt cảnh nào?
Tham, sân, si, mạn có thể cùng khởi với năm.
Nghi và năm kiến, mỗi thứ có thể cùng khởi với bốn. Nghi trừ thắng giải, vì không quyết định. Kiến không cùng khởi với huệ, vì nó không khác huệ.
(6) Tương ưng ba tính
Mười phiền nào này mang những tính gì?
Sân duy bất thiện, vì gây tổn hại cho mình và cho mình và cho người. Ở hai giới trên, nó thuộc vô ký, vì đã bị định trấn áp. Trong Dục giới hệ, nếu nó thuộc loại phân biệt thì duy bất thiện vì phát động ác hành; nếu thuộc loại câu sinh mà phát động ác hành thì cũng mang tính bất thiện vì gây tổn hại mình và người; ngoài ra nó thuộc vô ký, vi tế, không chướng ngại thiện, cũng không quá đáng để gây tổn hại mình và người.
Nên biết, hai kiến thân và biên thuộc loại câu sinh thuộc tính vô ký, vì không phát động ác nghiệp, tuy thường xuyên hiện khởi nhưng không chướng ngại thiện.
(7) Phân biệt giới hệ
Mười phiền não này hệ thuộc giới hệ nào?
Sân duy tại Dục giới. Còn lại thông cả ba giới.
Sịnh tại địa thấp mà chưa lìa các ô nhiễm thấp, thì phiền não thuộc các địa trên không hiện tiền. Chỉ khi đạt được căn bản định của địa đó thì các phiền não thuộc địa đó mới có thể hiện tiền.
Các hữu lậu đạo tuy không thể trấn phục loại phân biệt khởi hay loại câu sinh vi tế nhưng có thể phục trừ mê hoặc câu sinh thuộc loại thô, dần dần chứng đắc căn bản định bậc trên. Vì chúng chỉ mê sự, hoạt động hướng ngoại, và tán loạn thô động, trực tiếp chướng ngại định. Sau khi đạt được định của địa nào, các phiền não phân biệt và câu sinh thuộc địa ấy mới có thể hiện tiền.
Sinh tại địa trên, các phiền nào thuộc địa thấp hơn thuộc loại câu sinh hay phân biệt đều có thể hiện khởi. Như trung hữu sinh trong định thứ tư, do bài báng giải thoát mà sinh địa ngục.[270] Và như thân tại các địa trên khi sắp sinh xuống các địa thấp hơn bấy giờ khởi câu sinh ái ủ mầm tái sinh.[271]
Nói rằng sinh địa trên không khởi địa dưới,[272] ấy là y theo đa phần mà nói, hoặc theo phương diện tùy chuyển.
Phiền não thuộc địa thấp cũng có thể duyên lên địa trên. Các Luận như Du-già nói, tham thuộc Dục giới hệ mong cầu sinh lên địa trên, và muốn nếm vị ngọt của định cấp trên.[273] Như Luận đã nói sân nhuế và tắng tật đối với Diệt, Đạo; [274] thế thì đối với địa ly dục[275] cũng vậy.
Nếu duyên tổng thể các hành mà chấp ngã, ngã sở, đoạn, thường, mạn, thì có thể duyên lên trên.[276]
Năm còn lại[277] duyên lên trên, lý đã được công nhận.
Nhưng có nơi[278] nói tham, sân, mạn, v.v.., không duyên lên trên, đó là y theo tính chất thô mà nói, hoặc nói theo duyên cá biệt.[279]
Thực tế cho thấy thế gian không lấy pháp của địa khác làm tự ngã. Biên kiến tất y thân kiến. Phiền não địa trên có thể duyên xuống địa thấp. Luận nói, sinh lên cõi trên tự cho là mình có phẩm đức cao hơn mà lấn lướt các hữu tình cõi thấp hơn.[280] Duyên tổng thể các hành mà chấp làm ngã, ngã sở. đoạn, thường, và ái, đều có thể duyên xuống cõi thấp.[281] Nghi và ba kiến sau, theo như lý mà suy luận.
Thế nhưng, nói rằng mê hoặc cõi trên không duyên xuống cõi dưới, ấy là y theo đa phần mà nói, hoặc theo duyên cá biệt mà nói.
(8) Ba học
Mười phiền não này liên hệ với những học nào? Chúng không liên hệ học và vô học, vì bản tính duy thiện.
(9) Ba đoạn
Mười phiền não này thuộc sự đoạn trừ nào? Chúng không phải là phi sở đoạn, vì không phải là nhiễm.[282]
Những loại nào là phân biệt khởi thì duy chỉ thuộc kiến sở đoạn. Vì chúng thô nên dễ đoạn. Những gì là câu sinh, duy tu sở đoạn. Vì chúng vi tế, nên khó đoạn trừ.
Kiến sở đoạn gồm có mười, thực sự chúng được đoạn trừ đồng loạt cùng lúc, vì trong chân kiến đạo, Thánh đế được duyên tổng thể. Tuy nhiên, sự mê mờ các hành tướng của Thánh đế có tổng có biệt. Tổng[283] thì cả mười đều mê bốn đế. Khổ và tập là nhân và y xứ của chúng. Diệt và đạo là y xứ cho sự sợ hãi của chúng.[284]
Biệt, tức cá biệt mê mờ mỗi hành tướng của bốn đế mà sinh khởi.[285] Hai cái duy chỉ do mê khổ. Tám, thông cả bốn đế. Thân kiến và biên kiến chỉ khởi nơi nào là quả,[286] vì cá biệt không và phi ngã thuộc khổ đế.[287]
Tức là, nghi và ba kiến trực tiếp mê lầm khổ lý. Hai thủ chấp vào ba kiến đó, cùng giới cấm, và uẩn y xứ, mà cho rằng đây là tối thắng, đây làm thanh tịnh. Y trên kiến liên hệ bản thân, liên hệ tha nhân, và các quyến thuộc của cả hai mà khởi tham, sân, mạn.[288]
Tương ưng vô minh cùng mê chung với chín; bất cộng vô minh trực tiếp mê khổ lý.[289]
Nghi và tà kiến trực tiếp mê tập, diệt, đạo. Hai thủ và tham v.v.. chuẩn theo khổ mà suy.
Tuy nhiên, sân cung có thể trực tiếp mê diệt, đạo, vì do sợ hãi ở đó mà sinh oán ghét.[290]
Sự mê lầm Thánh đế, có trực tiếp (thân), có gián tiếp (sơ), hình thái thô phù là như vậy.
Nếu nói một cách tinh tế, tham, sân, mạn mà cùng sinh khởi với ba kiến, nghi, thì tùy theo thích ứng, cũng như chúng. [291]
Hai kiến thuộc loại câu sinh cùng với tương ưng của chúng là ái, mạn, vô minh, tuy mê lầm khổ đế, nhưng vì vi tế, rất khó đoạn trừ, nên phải vào tu đạo mới có thể đoạn.
Sân, và ái còn lại,[292] v.v.., phát sinh do sự thể cá biệt, không trái với quán Thánh đế, do đó thuộc tu sở đoạn.
(10) Duyên hữu sự vô sự
Tuy các phiền não đều có tướng phần, nhưng chất thể[293] để dựa vào hoặc có, hoặc không, gọi là phiền não duyên hữu sự, vô sự.[294]
(11) Duyên hữu lậu vô lậu
Đối tương trực tiếp của chúng tuy thảy đều là hữu lậu, nhưng do chất thể được dựa vào mà nó cũng thông cả vô lậu, gọi là phiền não duyên hữu lậu và vô lậu.[295]
(12) Duyên sự cảnh và danh cảnh
Duyên vào (đối tượng trong) bản địa của nó (mà đối tượng ấy) là tợ chất, gọi là duyên sự cảnh[296] xuất hiện do phân biệt. Duyên Diệt, Đạo đế và các địa khác, chất thể không tượng tợ[297] nên gọi là duyên danh cảnh xuất hiện do phân biệt.[298]
Các vấn đề còn lại, y theo như lý mà suy luận phân tích.
8. Tùy phiền não
Đã nói xong các đặc tính của sáu phiền não căn bản. Đặc tính của các tùy phiền não là thế nào?
Tụng văn:
隨煩惱謂忿
恨覆惱嫉慳 //12c-d/
誑諂與害憍
無慚及無愧
掉舉與惛沈
不信并懈怠 //13/
放逸及失念
散亂不正知 //14a-b/
Vì chỉ là sự sai biệt về phần vị, và vì tính đẳng lưu, nên chúng được gọi là tùy phiền não.[299]
Các tùy phiền nào gồm phẫn, hận, phú, não, tật, xam, cuống, siểm với hại, kiêu; vô tàm và vô quý; trạo cử và hôn trầm, bất tín cùng giải đãi, phóng dật và thất niệm, tán loạn, bất chính tri.
Hai mươi loại phiền não này được phân thành ba nhóm. Mười thứ, kể từ phẫn, mỗi thứ xuất hiện biết lập, được xếp vào loại tiểu phiền não. Hai thứ tiếp theo, vô tàm và vô quý, vì có mặt trong tất cả bất thiện, được xếp vào loại trung tùy phiền não. Tám còn lại, kể từ trạo cử, có mặt trong tất cả nhiễm tâm, được xếp vào loại đại tùy phiền não.[300]
a. Định danh
(1) Phẫn
Phẫn là gì? Đó là sự phát phẫn đối với cảnh hiện tiền không mang lợi ích.[301] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không phẫn nộ, khiến sử dụng dao gậy; vì kẻ ôm lòng phẫn nộ thường phát khởi thân nghiệp bạo ác.[302] Thể của nó là một phần của sân.[303] Tách rời sân, không có tướng và dụng riêng biệt của phẫn.
(2) Hận
Hận là gì? Đó là sự thắt kết oán thù do phẫn đi trước mà ôm ấp sự ác không dứt bỏ.[304] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không cừu hận, gây bức rức. Vì người kết hận thì không thể ngậm nhịn, luôn luôn bị bức rức. Thể của nó cũng là một phần của sân. Tách rời sân, không có tướng và dụng riêng biệt của hận.
(3) Phú
Phú là gì? Đó là sự che dấu tội lỗi mà mình đã làm vì sợ mất lợi lộc, mất danh dự.[305] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không che dấu, hối hận. Người che dấu tội lỗi thì về sau tất hối hận, không an ổn.
Có ý kiến nói phú được bao hàm trong một phần của si.[306] Vì Luận chỉ nói nó là một phần của si.[307] Và vì không sợ khổ đương lai nên che dấu tội mình.
Ý kiến khác nói, phú này là một phần của tham và si. Vì sợ mất lợi lộc, mất danh dự nên che dấu tội lỗi.
Luận căn cứ mặt thô hiển mà nói nó là si phần; như nói trạo cử là tham phần.[308] Nhưng Luận cũng nói trạo cử có mặt khắp trong các nhiễm tâm,[309] không thể vì vậy mà chấp nó là một phần của tham.
(4) Não
Não là gì? Đó là sự giận dữ ngỗ ngược, mà đi trước là phẫn, hận, đeo đuổi bởi sự xúc phạm. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không não hại, châm chích cay nghiệt.[310] Tức là, truy đuổi ác sự đã qua, xúc chạm duyên trái nghịch hiện tại, tâm sinh ngỗ ngược, phát sinh la lối bạo trợn, bằng lời hung hiểm, dữ dằn, thô lỗ mà châm chích người.[311] Thể của nó cũng là một phần của sân. Tách rời sân, không có tướng và dụng riêng biệt của não.
(5) Tật
Tật là gì? Đố là sự ganh tị, đuổi theo danh và lợi của mình mà không khứng thấy sự tốt đẹp của người.[312] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không tật đố, bực dọc. Vì kẻ tật đố mà nghe thấy ai khác có sự tốt đẹp thì trong lòng bực dọc, không an ổn. Thể của nó cũng là một phần của sân nhuế. Tách rời sân không có tướng và dụng riêng biệt của tật.
(6) Xan
Xan là gì?[313] Sự keo kiết dấu diếm, tham đắm tài và pháp[314] mà không thể huệ xả. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không xan lận, bủn xỉn cất dấu. Kẻ xan lận đa phần hay có tâm rít róng bủn xỉn, cất dấu tài pháp mà không thể xả bỏ. Thể của nó là một phần của tham. Tách rời tham không có tướng và dụng riêng biệt của xan.
(7) Cuống
Cuống là gì?[315] Đó là sự ngụy trá với mục đích thu hoạch lợi lộc, danh dự mà giả trang đạo đức. Nghiêp dụng của nó là chướng ngại sự không khi cuống, tà mạng. Kẻ giả trang đạo đức thường nghĩ mưu chước trong lòng, đa phần hiện tướng không thật với mục đích tà mạng. Thể của nó là một phần của tham, si. Tách rời hai thứ này không có tướng dụng riêng biệt của cuống.
(8) Siểm
Siểm là gì?[316] Đó là sự cong vạy vì để dối gạt người nên làm ra dáng vẻ. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không siểm khúc, giáo hối. Vì người siểm khúc thường muốn che mắt người, uốn cong theo thời thế, giả bày phương tiện để lung lạc tình ý của người, hoặc che dấu khuyết điểm của mình, không chịu nhận sự khuyên răn của thầy bạn. Thể của nó là một phần của thâm, si. Tách rời hai thứ này không có tướng và dụng riêng biệt của siểm.
(9) Hại
Hại là gì?[317] Đó là sự gậy tổn hại, không có tâm thương xót đối với các loài hữu tình. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự bất hại, gây bức não. Vì người gây hại thướng bức não kẻ khác. Thể của nó là một phần của sân nhuế. Tách rời sân không có tướng và dụng riêng bệt của hại.
Tính chất khác nhau của sân và hại, chuẩn theo thiện mà xác định.[318]
(10) Kiêu
Kiêu là gì?[319] Đó là sự cuồng ngạo, đối với thịnh sự của mình mà hết sức mê đắm. Nghiệp dụng của nó là chượng ngại sự không kiêu, sở y cho nhiễm. Vì kẻ mê say kiêu ngạo thì làm sinh trưởng hết thảy pháp tạp nhiễm. Thể của nó là một phần của tham ái. Tách rời tham không có tướng và dụng riêng biệt của kiêu.
(11) Vô tàm
Vô tàm là gì?[320] Đó là sự khinh cự điều hiền thiện, không xét bản thân và pháp. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tàm, là sinh trưởng ác hành. Vì người không biết tự xét bản thân và pháp thì hay sùng trọng điều bạo ác, không hổ thẹn lỗi lầm xấu xa, chướng ngại tàm, và sinh trưởng các ác hành.
(12) Vô quý
Vô quý là gì? Đó là sự sùng trọng điều bạo ác, bất chấp thế gian. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại quý, sinh trưởng ác hành. Người mà bất chấp thế gian thì hay sùng trọng điều bạo ác, không xấu hổ lỗi làm sai quấy, chướng ngại quý, sinh trưởng ác hành.
Không xấu hổ về lỗi lầm sai quấy là đặc tính chúng cho cả hai, tàm và quý, vì vậy các Thánh giáo đều giả thuyết nó (sự không xấu hổ) là thể.[321]
Nếu cho rằng sự không xấu hổ là đặc tính riêng biệt của cả hai, thế thì cả hai thứ ấy không có tự thể sai biệt. Do điều này, hai pháp không thể cùng sinh khởi. Không phải rằng thọ, tưởng, có ý nghĩa này.
Nếu nói, do bản thân và tha nhân mà lập, thế thì chúng không thực hữu, như vậy trái với Thánh giáo.
Nếu cho rằng cả hai thực nhưng khởi riêng biệt, như vậy cũng lại trái với Luận, theo đó cả hai có mặt khắp trong các bất thiện tâm.
Khi tâm bất thiện khởi, tùy theo nó duyên vào cảnh nào, thảy đều có ý nghĩa khinh cự điều thiện, sùng trọng điều ác; vì vậy hai pháp này có mặt khắp trong các ác tâm. Đối tượng (sở duyên) không khác nên không có sai lầm là chúng khởi riêng biệt.
Tuy nhiên, các Thánh giáo nói không suy xét bản thân và tha nhân, pháp thuộc bản thân gọi là bản thân; thuộc thế gian gọi là tha nhân. Hoặc ở trong đó sự thiện, sùng ác, đối với bản thân có ích lợi, có tổn hại, gọi là bản thân và tha nhân.
Luận nói chúng là tham phần, v.v..,[322] là đẳng lưu của chúng,[323] không phải rằng tự tính của chúng là tham các thứ.
(13) Trạo cử
Trạo cử là gì?[324] Đó là sự không tịch tĩnh của tâm đối với cảnh. Nghiệp dụng của nó là chướng hành xả, xa-ma-tha.[325]
Có ý kiến nói, trạo cử được bao hàm trong một phần của tham. Vì Luận chỉ nói nó là tham phần. Đây là do nhớ tiếc lạc sự mà phát sinh.[326]
Ý kiến khác nói, trạo cử không chỉ được bao hàm trong tham, vì Luận nói trạo cử có mặt khắp trong các nhiễm tâm. Lại nữa, đặc tính của trạo cử là sự không tịch tĩnh, vì được nói rằng đó là đặc tính chung của các phiền não.[327] Tách rời đây ra không có tướng dụng riêng biệt của trạo cử.
Tuy y trên hết thảy phiền não mà nó được giả lập, nhưng trạng thái tham tăng, nên nói là tham phần.
Luận nói rằng nó là thế tục hữu,[328] đó là tùy theo các đặc tính của pháp khác mà nói, như thụy miên chẳng hạn.[329]
Đặc tính riêng của trạo cử là hiếu động, nó khiến cho pháp cùng sinh khởi không được tịch tĩnh. Nếu tách rời phiền não, không có đặc tính riêng biệt này; thế thì không thể nói cá biệt nó chướng ngại xa-ma-tha. Do đo, sự không tịch tĩnh không phải là đặc tính riêng biệt của nó.
(14) Hôn trầm
Hôn trầm là gì? Đó là sự không nhiệm của tâm đối với cảnh. Nghiệp vụ của nó là chướng khinh an, tì-bát-xa-na.[330]
Có ý kiến nói, hôn trầm được bao hàm trong một phần của si. Vì Luận chỉ nói nó là si phần. Và vì chậm chạp, nặng nề, là đặc tính của si.
Ý kiến khác nói, hôn trầm không chỉ được bao hàm trong si. Vì không kham nhiệm là đặc tính của hôn trầm, và tất cả phiền não đều có tính không kham nhiệm; tách rời đây ra không có đặc tính riêng biệt của hôn trầm.
Tuy y trên hết thảy phiền não mà nó được giả lập, nhưng đặc tính si tăng, do đó chỉ nói là si phần.
Có ý kiến nói, hôn trầm có tự tính riêng của nó. Tuy gọi là si phần nhưng nó là đẳng lưu của si; như bất tín chẳng hạn,[331] không phải vì vậy mà nó được bao hàm trong si. Tùy theo đặc tính của pháp khác mà nói là nó thuộc thế tục hữu; như thụy miên chẳng hạn, thực sự có thể tính riêng.
Đặc tính riêng của hôn trầm là u mê nặng nề, khiến cho pháp cùng sinh với nó trở thành không kham nhiệm.
Nếu tách rời các phiền não mà có đặc tính riêng biệt của hôn trầm, thế thì không thể nói cá biệt nó chướng ngại tì-bát-xa-na.Cho nên, tính không kham nhiệm không phải là đặc tính riêng của nó.
Nó có đặc tính khác biệt với si ở chỗ, đặc tính của si là mê ám đối với cảnh, chính xác chướng ngại vô si nhưng không phải là u mê nặng nề. Đặc tính của hôn trầm là u mê nặng nề đối với cảnh, chính xác chướng ngại khinh an, mà không phải là mê ám.
(15) Bất tín
Bất tín là gì? Đó là sự ô uế của tâm không thể chấp nhận, hâm mộ, ngưỡng vọng đối với những gì là thật, đức.[332] Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tịnh tín, là sở y cho biếng nhác. Vì người bất tín thì phần nhiều biếng nhác.
Tuy nhiên, các nhiễm pháp mỗi loại có đặc tính riêng biệt của nó, duy chỉ bất tín này là tự nó là vẩn đục chính nó lại còn làm vẩn đục cả các tâm và tâm sở khác, như vật rất nhơ đặc điểm làm nhơ nó và làm nhơ vật khác. Do đó nói tự tính của nó là sự ô uế của tâm.
Do bất tín mà không chấp nhận (bất nhẫn), không hâm mộ (bất lạc), không ngưỡng vọng (bất dục)[333] đối với những gì là thật, là đức; (đó chính là tín) chứ không có tự tính nào riêng biệt.
Nếu là tà nhẫn, tà lạc, tà dục đối với các sự thể khác, đó là nhân và quả của nó, chứ không phải là tự tính của nó.
(16) Giải đãi
Giải đãi là gì?[334] Đó là tính giải đãi trong sự tu tập thiện phẩm và đoạn trừ ác phẩm. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tinh tấn, làm tăng nhiễm. Vì giải đãi thường nuôi lớn nhiễm pháp.
Hăng hái siêng năng trong các nhiễm sự cũng gọi là giải đãi, vì nó làm thoái thất thiện pháp.
Hăng hái siêng năng trong các sự thể vô ký, vì không có tiến thoái gì trong các thiện phẩm, thì đó là dục, thắng giải, chứ không có tự tính riêng biệt nào. Như sự chấp nhận (nhẫn), hâm mộ (lạc), ngưỡng vọng (dục) trong các pháp vô ký, không phải là tịnh hay phi tịnh, nên không phải là tín, cũng không phải là bất tín.[335]
(17) Phóng dật
Phóng dật là gì?[336] Đó là tính buông trôi trong sự phòng nhiễm phẩm, tu thiện phẩm. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại bất phóng dật, làm sở y cho sự tăng trưởng ác, tổn giảm thiện. Vì do giải đãi, và tham, sân, si, nên không thể phòng nhiễm phẩm, tu tịnh phẩm; gọi chung là phóng dật, chứ không có tự thể riêng biêt.[337]
Tuy mạn và nghi cũng có khả năng này, nhưng so với bốn pháp ấy thì thế dụng của chúng yếu kém để chướng ngại ba thiện căn và pháp nỗ lực phổ biến.[338] Suy cứu đặc tính của nó, cũng như bất phóng dật.
(18) Thất niệm
Thất niệm là gì?[339] Đó là tính không thể ghi nhận rõ ràng[340] đối với các đối tượng (sở duyên). Nghiệp dụng của nó là chướng ngại chính niệm, là sở y cho tán loạn. Vì kẻ có thất niệm thường có tâm tán loạn.
Có ý kiến nói, thất niệm là một phần của niệm, vì nó là niệm tương ưng với phiền não.[341]
Ý kiến khác nói, thất niệm thuộc một phần của si; vì Du-già nói nó là si phần. Vì si khiến cho niệm bị tước mất[342] nên được gọi là thất niệm.
Ý kiến khác nói, thất niệm được bao hàm trong một phần của cả hai, do bởi hai đoạn văn trước nói một cách ảnh lược. Vì Luận cũng nói nó phổ biến khắp nhiểm tâm.
(19) Tán loạn
Tán loạn là gì?[343] Đó là sự làm cho tâm trôi nổi trong các đối tượng (sở duyên). Nghiệp dụng của nó là chướng ngại định, làm sở y cho ác huệ. Vì người tán loạn thường phát ác huệ.
Có ý kiến nói tán loạn thuộc một phần của si. Vì Du-già nói nói là si phần.
Ý kiến khác nói, tán loạn được bao hàm trong tham, sân, si.[344] Các Luận như Tập luận[345] nói nó là thành phần của ba thứ này.
Ý kiến khác nói, tán loạn có tự thể riêng. Nói nó là thành phần của ba thứ ấy,[346] đó là nói nó là đẳng lưu của chúng. Như vô tàm chẳng hạn, không phài vì vậy mà nó thuộc về cái đó.[347] Nhưng tùy theo đặc tính của pháp khác mà nói là nó thuộc thế tục hữu.
Đặc tính của tán loạn tức là sự tháo động, nó khiến cho pháp cùng sinh với nó trở thành trôi nổi. Nếu tách rời ba thứ đó mà nó không có tự thể riêng, thế thì không thể cá biệt nói nó chướng ngại tam-ma-địa.
Tác dụng của trạo cử và tán loạn có gì khác nhau? Một thứ thì khiến cho chuyển dịch giải,[348] một thứ thì khiến cho chuyển dịch duyên.[349] Tuy trong một sát-na giải và duyên không chuyển dịch, nhưng trong dòng tương tục thì có ý nghĩa chuyển dịch. Khi tâm bị ô nhiễm, do ảnh hưởng của trạo và loạn mà nó chuyển dịch giải, chuyển dịch duyên trong từng niệm niệm. Hoặc nó bị chế phục do thế lực của niệm, như vượn, khỉ bị trói thì có đình trú tạm thời. Do vậy trạo và loạn có mặt khắp trong các nhiễm tâm.
(20) Bất chính tri
Bất chính tri là gì?[350] Đó là sự nhận thức sai lầm đối với cảnh được quán sát. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại chính tri, làm sở y cho sự hủy phạm. Vì kẻ không có chính tri thương hay hủy phạm.
Có ý kiến nói, bất chính tri thuộc một phần của huệ, vì được nói nó là huệ tương ưng với phiền não.[351]
Có ý kiến nói, bất chính tri thuộc một phần của si; vì Du-già nói nó là si phần. Và vì khiến cho tri không chân chính nên gọi là bất chính tri.
Có ý kiến nói, bất chính tri thuộc một phần của cả hai, nhưng do vì hai đoạn văn dẫn trên nói một cách ảnh lược. Và vì Luận cũng nói nó phổ biến khắp trong các nhiểm tâm.
Các từ “với”, “và”, “cùng”[352] nêu rõ tùy phiền não không chỉ có hai mươi. Như Tạp sự[353] nói đến nhiều chủng loại tùy phiền não, tham, v.v..
Tên gọi tùy phiền não cũng bao hàm cả phiền não, vì chúng là đẳng lưu tính của phiền. Các pháp nhiễm ô khác, cùng là đồng loại của phiền não, nhưng chỉ được gọi là tùy phiền não, vì chúng không được kể trong phiền não.[354]
Nhưng chỉ nói có hai mươi tùy phiền não, ấy là vì, chúng không phải là phiền não mà chỉ là ô nhiễm và thuộc mặt nổi (thô).
Các pháp ô nhiễm khác ngoài đây ra, hoặc là các trạng thái của chúng, đều được bao hàm trong đây, tùy theo loại biệt mà phân tích một cách thích hợp.
b. Các vấn đề
(1) Giả và thật
Trong hai mươi tùy phiền não như vậy, mười tiểu tùy và ba đại tùy[355], xác định là giả hữu. Vô tàm, vô quý, bất tín, giải đãi, xác định là thực hữu. Vì được chứng minh bởi giáo và lý.[356] Trạo cử, hôn trầm, tán loạn, có ý kiến nói là giả, có ý kiến nói là thật; giáo và lý được dẫn chứng như đã nói trên.
(2) Câu sinh và phân biệt
Cả hai mươi đều thông cả câu sinh và phân biệt. Vì chúng tùy theo thế lực của hai phiền não[357] mà khởi.
(3) Tương ưng đồng loại
Trong hai mươi thứ, mười tiểu tùy thay thế nhau chứ nhất định không cùng khởi, vì chúng trái nghịch nhau; và vì hành tướng của chúng thô phù, mãnh liệt, mỗi thứ tự chủ động.[358]
Hai trung tùy cùng có mặt trong hết thảy tâm bất thiện. Tùy thích ứng, có thể cùng khởi với tiểu và đại tùy.
Luận nói,[359] tám đại tùy có mặt khắp trong tất cả nhiễm tâm; lần lượt chúng có thể cùng khởi với các tiểu và trung tùy.
Có chỗ nói chỉ có sáu có khắp trong các nhiễm tâm,[360] vì khi hôn trầm và trạo cử tăng thịnh thì chúng không cùng khởi.
Có chỗ nói, chỉ có năm[361] có khắp các nhiễm tâm. Vì các pháp này chỉ trái nghịch thiện pháp.
(4) Tương ưng các thức
Chúng duy chỉ ô nhiễm nên không tương ưng thức thứ tám.
Trong thức thứ bảy, chỉ có tám đại tùy. Lấy hay bỏ, tùy trường hợp như đã nói trên.
Trong thức thứ sáu, tất cả đều có thể khởi.
Mười tiểu tùy, vì là thô phù và mãnh liệt, không có trong năm thức. Trung và đại tùy tương thông,[362] có thể cùng khởi với năm thức.
(5) Tương ưng năm thọ
Do điều vừa nói,[363] trung và đại tùy tương ưng với cả năm thọ.
Có ý kiến nói, trong mười tiểu, trừ ba,[364] còn lại tương ưng với ba thọ hỷ, ưu, xả. Ba thứ siểm, cuống, kiêu cùng khởi với bốn thọ, trừ khổ.
Ý kiến khác nói, bảy cùng khởi với bốn thọ trừ; ba còn lại siểm, cuống, kiêu cùng khởi với năm thọ. Vì ý có khổ thọ như đã nói đoạn trước.
Tính cách tương ưng với các thọ, như đã nói trong đoạn về các phiền não ở trên.
Thật nghĩa là như vậy. Nếu tùy theo tính cách thô, thì phẫn, hận, não, tật, hại, cùng khởi với ưu, xả; phú, xan cùng với hỷ. Ba còn lại, thêm lạc.
Trung và đại, tùy theo tích cách thô; thật nghĩa cũng như vậy.
(6) Tương ưng biệt cảnh
Hai mươi tùy phiền não như vậy đều có thể cùng khởi với các biệt cảnh, vì không chống trái nhau.
Nhiễm niệm[365] và nhiễm huệ tuy không cùng khởi với niệm, huệ, nhưng chúng là si phần nên có thể cùng tương ưng.
Niệm có thể duyên cảnh đã từng trải quen trong hiện tại hay quá khứ. Phẫn cũng có thể duyên quá khứ sát na. Vì vậy, phẫn và niệm có thể tương ưng.
Nhiễm định khi khởi cũng làm cho tâm tháo động; cho nên tán loạn có thể tương ưng với định, không có gì sai lầm.
(7) Tương ưng căn bản
Hai trung tùy và tám đại tùy cùng khởi với mười phiền não.
Mười tiểu tùy nhất định không cùng khởi với kiến và nghi. Vì đặc tính của chúng là thô động, mà kiến và nghi thì vi tế.
Năm pháp: phẫn, hận, não, tật, hại, có thể cùng khởi với mạn và si; không cùng với tham, vì chúng là sân phần.
Xan cùng khởi với si, mạn, mà không với tham, sân, vì nó là tham phần.
Kiêu[366] chỉ cùng khởi với si. Phán đoán của nó khác với mạn, vì là tham phần.
Phú, cuống và siểm cùng khởi với tham, si, mạn; vì hành tướng không trái với tham, và là si phần.
(8) Tương ưng ba tính
Bảy tiểu,[367] hai trung duy chỉ thuộc bất thiện. Ba tiểu, tám đại, thông cả vô ký.
(9) Tương ưng ba giới
Bảy tiểu, hai trung chỉ có mặt trong Dục giới. Siểm và cuống, có trong Dục và Sắc giới. Còn lại, thông cả ba giới.
Tại địa thấp có thể khởi mười một thứ thuộc địa trên, vì đắm nhiễm định mà sinh kiêu, cuống, siểm đối với người khác.
Nếu sinh tại địa trên, có thể mười loại sau của địa dưới, vì chúng có thể cùng khởi với tà kiến câu hữu với ái.[368]
Sinh thượng giới không thể do đâu mà khởi mười tiểu tùy ở hạ giới, vì chúng không trực tiếp ủ mầm tái sinh,[369] và cũng không phải bài báng Diệt đế.[370]
Hai trung tùy, tám đại tùy, ở hạ giới cũng có thể duyên lên thượng giới; khi duyên lên thượng giới, chúng tương ưng với tham các thứ mà khởi.
Có ý kiến nói, mười tiểu tùy, hạ không duyên thượng, vì hành tướng của chúng thô, và gần, không tiếp nhận đối tượng xa với. Ý kiến khác nói tật các thứ[371] cũng có thể duyên lên thượng giới, vì tật có thể phát sinh đối với pháp thuộc giới địa cao hơn.
Tam đại tùy, và siểm, cuống ở thượng giới cũng có thể duyên xuống hạ giới; khi duyên xuống hạ giới, chúng tương với mạn mà khởi. Như Phạm Vương khởi siểm, cuống với Thích tử.[372]
Kiêu không duyên xuống dưới, vì không phải là đối tượng để tự thị.
(10) Ba học
Cả hai mươi đều không thuộc học và vô học. Vì chúng duy chỉ nhiễm; trong khi học và vô học duy chỉ tịnh.
(11) Ba đoạn
Mười loại sau thông cả kiến và tu sở đoạn, vì chúng tương ưng với hai loại phiền não[373] mà khởi.
Kiến sở đoạn, tùy theo mê lầm các hành tướng, hoặc tổng hoặc biệt, của các Thánh đế mà cùng sinh với các phiền não. Vì vậy, tùy theo sự thích ứng, chúng thông cả bốn bộ.[374] Sự mê lầm các Thánh đế trực tiếp (thân) hay gián tiếp (sơ) như được nói trong đoạn về các phiền não (căn bản).
Về mười thứ đầu, có ý kiến nói duy chỉ thuộc tu sở đoạn, vì chúng duyên vào đối tượng (cảnh) là sự thể thô hiển mà sinh khởi một cách tự nhiên. Có ý kiến khác cho rằng chúng cũng thông cả kiến và tu sở đoạn, vì chúng sinh khởi do chịu ảnh hưởng của hai loại phiền não, câu sinh và phân biệt; và vì phẫn các thứ có thể phát sinh do duyên vào kiến các thứ của người khác.[375]
Kiến sở đoạn, tùy sự thích ứng, do ảnh hưởng của phiền não mê hoặc hoặc tổng hoặc biệt,[376] đều thông cả bốn bộ.
Trong đây, có ý kiến cho rằng phẫn các thứ duyên vào phiền não (hoặc) mê lầm Thánh đế mà sinh khởi chứ không phải trực tiếp mê lầm Thánh đế,[377] vì hành tướng của chúng thô và cạn, không thể tiếp nhận đối tượng sâu xa.
Có ý kiến nói, tật các thứ cũng trực tiếp mê lầm Thánh đế; vì đối với Diệt, Đạo, mà phát sinh tật đố v.v..
(12) Hữu sự và vô sự
Mười thứ, gồm phẫn v.v.., chỉ duyên đối tượng hữu sự, phải gá vào bản chất chúng mới có thể phát sinh.
Duyên hữu lậu các thứ chuẩn theo trên mà suy.


Chú thích:
[161] Hán: thâm nhẫn, lạc, dục深忍樂欲.
[162] Samuccaya (Gokhale, 16.7): śraddhā katamā/ astivaguṇavattaśakyatveṣv abhisaṃpratyayaḥ prasādo ‘bhilāṣaḥ/ chandasanniśrayadānakarmikā/ Tín, đó là sự tín thuận, trừng tịnh, ước vọng nơi những gì là có thực, có đức, có khả năng. Tạp tập 1 (tr. 697b19): Tín, thể của nó là nhẫn khả, thanh tịnh, hy vọng, đối với những gì có thực thể, có đức, có năng. Tức là đối với những gì có thực thể mà phát sinh tin tưởng nhẫn khả; đối với những gì có đức mà phát sinh tin tưởng thanh tịnh; đối với những gì có công năng mà phát sinh tin tưởng hy vọng, rằng ta có năng lực, có thể thành.
[163] Samuccaya (Tatia, 5.10): astitve’bhisaṃpratyayākārā śraddhā/ guṇave prasādhākārā śakyatve ’bhilāṣākārā mayā prāptum niṣpādayitum/ Các biểu hiện của tín: Tin cậy nơi cái thực có, lắng đọng nơi cái có đức, ước mong nơi cái có khả năng rằng ta có thể đạt đến, có thể hoàn thành. Sthiramati: śraddhā hi trividhā pravartate/ sati vastuni guṇavaty aguṇavati vā saṃpratyayākārā/ sati guṇavati ca praśādākārā/ sati guṇavati ca prāptum utpādayituṃ vā śakye’bhilāṣākārā/ cetasaḥ prasāda iti/ Tín hoạt động với ba phương diện. Tin tưởng nơi sự thể có thực, có đức hay không có đức. Sự lắng đọng (tịnh tín) ở nơi những gì có thực, có đức.
[164] Tâm tịnh 心淨, sự lắng đọng, trừng tịnh, của tâm. Sthiramati: cetasaḥ prasāda iti/ śraddhā hi citta-kāluṣyavairodhikītyatas tatsaṃprayoge kleśopakleśamala-kāluṣyavigamāc cittaṃ śraddhām āgamya prasīdatīti cetasaḥ prasāda ucyate/ Tín, tương phản với sự vẩn đục của tâm, do đó khi tương ưng với nó thì các cáu bẩn do bởi phiền não và tùy phiền não bị dứt sạch, vì vậy tâm khi đạt đến tín thì nó lắng đọng.
[165] Từ Slt. prasāda (Pāli: pasāda) thường được hiểu là tịnh tín, do gốc động từ √sad (sadati, sīdati): ngồi xuống, chìm xuống, lắng xuống.
[166] Ái lạc 愛樂; Thuật ký: quan diểm của Thượng tọa bộ, và một số nhà Đại thừa.
[167] Thuật ký: Thánh giả tất nhiên chẳng có ái lạc gì với khổ và tập.
[168] Thuật ký: Đại chúng bộ, hoặc một số nhà Đại thừa.
[169] Sthitamati: hrīr ātmānaṃ dharmaṃ vādhipatirṃ kṛtvāvadyena lajjā/ sadbhir garhitatvād aniṣṭavipākatvāc ca pāpam evāvadyaṃ/ tenāvadyena kṛtenākṛtena vā yā cittasyāvalīnatā lajjā sā hrīḥ/ Tàm, do tôn trọng bản thân hay tôn trọng pháp mà có sự xấu hỗ về lỗi lầm của mình. Lỗi lầm là sự xấu xa bị người hiền chê trách, và do kết quả không mong muốn. Với lỗi lầm ấy, đã làm hay chưa làm, mà tâm co rút lại, xấu hỗ, gọi là tàm.
[170] Sthiramati: apatrāpyaṃ lokam adhipatiṃ kṛtvāvadyena lajjā/ loke hy etad garhitaṃ māṃ caivaṃ karmāṇāṃ viditvā garhiṣyatīty aślokādibhayād yena lajjate/ Quý, do chi phối bởi thế gian mà xấu hỗ với điều lỗi lầm. “Đây là điều bị chê trách trong đời. Nếu biết việc làm này của ta, họ sẽ chỉ trích.” Vì sợ mất tiếng vv. mà xấu hỗ.
[171] Thuật ký: giải thích thể của tàm và quý theo thuyết cổ. Tiếp theo luận sẽ nêu bốn nạn vấn để bác bỏ.
[172] Hiển dương 1 (tr. 81b26): “Tàm, thể của nó là y tự tăng thượng và pháp tăng thượng mà xấu hỗ 羞恥những lỗi lầm xấu xa”; (tr. 481b28): “Quý, y thế gian tăng thượng mà xấu hỗ 羞恥 những lỗi lầm xấu xa.”
Tập luận 1 (T 1605 tr. 664b07): “Tàm, hỗ thẹn với hình mình 自羞 về lỗi lầm xấu xa… Quý, hỗ thẹn với người khác 羞他 về lỗi lầm xấu xa.”
[173] Hán: tu sỉ 羞恥; Skt. lajjā.
[174] Thọ, tưởng, có tự thể riêng biệt nhau nên mới có thể cùng khởi, cùng tương ưng.
[175] Một vật, so cái này thì nó dài, so cái khác thì ngắn; dài và ngắn do vậy chỉ là khái niệm giả thiết.
[176] Du-già 55 (tr. 602b23): “Trong các pháp thiện ấy, những cái nào là thế tục hữu (giả hữu), những cái nào là thực vật hữu (thực hữu)? Ba thế tục hữu; đó là bất phóng dật, xả và bất hại.” Theo đó, 8 thiện còn lại, trong đó có tàm và quý, được nói là thực hữu.
[177] Du-già 59 (tr. 684a7); đoạn sau sẽ đề cập chi tiết.
[178] Giả thiết nạn vấn để giải thích.
[179] Đối chiếu tự thân phát sinh tàm; đối chiếu tha nhân phát sinh quý.
[180] Sùng thiện, vì ích lợi cho tự thân; cự ác, vì sự tổn hại do tha nhân.
[181] Hán: đẳng 等; Skt. ādi.
[182] Hán 根: căn; Skt. mūla, rễ cây.
[183] Hán: hữu hữu cụ 有有具. Hữu, chỉ ba (cái) hữu; hữu cụ, là các tư cụ, các phương tiện hỗ trợ cho hữu tồn tại. Sthiramati: lobho nāma bhave bhavopakaraṇeṣu ca yāsaktiḥ prārthanā ca/ tatpratipakṣo ‘lobho bhave bhavopakaraṇeṣu cānāsaktiḥ vaimukhyaṃ ca/ Tham là sự dính mắc và đắm đuối trong hữu và các tư cụ của hữu. Đối trị nó là vô tham, là sự dứt bỏ và không dính mắc trong hữu và các tư cụ của hữu.
[184] Sthỉamati: ayaṃ ca duścaritāpravṛttisanniśrayadānakarmakaḥ/ Nghiệp dụng của nó là cung cấp sở y mà trên đó ác hành không thể diễn tiến.
[185] Vô nhuế; Skt. adveṣa.
[186] Khổ khổ cụ 苦苦具. Thuật ký: khổ, chỉ ba khổ (tính khổ, hành khổ, hoại diệt khổ); khổ cụ, tất cả những gì làm phát sinh khổ. Sthiramati: adveṣo dveṣapratipakṣatvāt sattveṣu duḥkhe duḥkhasthānīyeṣu ca dharmeṣv anāghātaḥ/ vô sân, vì là đối trị phần của sân, nó là sự không thù nghịch đối với các chúng sinh, đối với khổ, và đối với các pháp dẫn đến khổ.
[187] Sthiramati: amoho nohapratipakṣaḥ/ ayam ayathābhūtasaṃpratipattir mohaḥ/ karmaphalasatyaratneṣv ajñānaṃ/ mohapratipakṣatvād amohas teṣveva karmaphalasatyaratneṣu saṃpratipattiḥ/ Vô si là đối trị phần của si. Si là sự không lý giải chân chính như thực, không có nhận thức đối với nghiệp, quả, chân lý, (Tam) bảo. Vì là đối trị phần của si, vô si là sự lý giải chân chính nơi nghiệp, quả, chân lý, bảo.
[188] Tạp tập 1 (tr. 697b29): 無癡者 由報教證智決擇為體. Cf. Samuccaya (Gokhale, 16. 1): amohaḥ katamaḥ/ vipākato vā āgamato vādhigamato vā jñānaṃ vā pratisaṃkhyā/ Si là gì? Đó là sự tư trạch y theo dị thục (kết quả), Thánh giáo, sự chứng đắc và trí.
[189] Ba nguồn của huệ: sinh đắc huệ, văn , tư, tu sở thành huệ. Tạp tập ibid.: “Do bởi báo, giáo, chứng, trí, theo thứ tự, là do bởi bẩm sinh, do nghe, do tư duy, và do tu tập. Quyết trạch, là huệ cùng khởi với tinh tấn.”
[190] Du-già 57 (tr. 619b20): đại bi của Phật không nằm trong 22 căn, nhưng bao hàm vô sân và vô si được dẫn khởi bởi sáu căn (5 thiện căn và cụ tri căn).
[191] Đã dẫn trên, xem cht. 176.
[192] Tập luận 1 (T 1605 tr. 664b12); xem Tạp tập 1 (tr. 697b29), đã dân, cht. 188.
[193] Hán: dũng hãn 勇悍. Skt. abhyutsāha, nỗ lực một cách tích cực, hăng hái.
[194] Nguyên Skt. một từ đơn gồm thân từ (utsāha) và tiếp đầu từ (abhy-: ), nhưng Hán dịch phân thành hai từ để thành từ kép.
[195] Tạp tập 1 (tr. 697c04): 勤者 被甲方便無下無退無足心勇為體. Cf. Samuccaya (Gokhale 16, 12): vỉīryaṃ katamat/ kuśale cetaso ‘bhyutsāhaḥ sannāhe vā prayoge vālīnatve vāvyāvṛttau vāsaṃṣṭuṣṭau/ Tinh tấn, đó là sự nỗ lực tích cực của tâm, hoặc bận khôi giáp, tích cực cần hành (gia hành), hoặc không co rút, không thối lui, không tự mãn.
[196] Dẫn bởi Tạp tập 1 (tr. 697c05). Samuccaya (Tatia 5. 15) sthāmavān vīryaavān utsāhī dṛdha-parākramao’niśriptadhuraḥ kuśleu dharmeṣu oty evam ādisūtrapāni yathākramam …
[197] Cf. Câu-xá 27 (tr. 141b12): về bốn phẩm đức viên mãn nhân tu tâp của Như Laỉ: 1. Vô dư tu, tu hai tư lương là phước và trí một cách tận thiện; 2. Trường thời tu, trải qua 3 đại a-tăng-kỳ mà không mệt mỏi; 3. vô gián tu, tinh tấn dũng mãnh không hề gián đoạn trong từng sát na; 4. tôn trọng tu, cung kính sở học, không luyến tiếc bất cứ thứ gì.
[198] Năm đạo: tư lương, gia hành, kiến, tu và vô học. Sẽ được giải thích trong phần cuối Luận.
[199] Giải thích đặc tính thứ năm: vô túc, không thỏa mãn, hay không từ bỏ gánh nặng. Nhị thừa đạt đến cứu cánh đạo, nhưng chuyển hướng phát tâm cầu Đại bồ đề, nên vẫn tinh tấn với vô túc.
[200] Gia hành đạo phân làm hai: cận và viễn, cộng với sơ phát tâm và ba đạo tiếp theo, thành năm tinh tấn. Những vấn đề này sẽ được giải thích chi tiết trong phần cuối của Luận.
[201] Hán: kham nhiệm tính 堪任性; Skt. karmaṇyatā, tính mềm dẻo dễ sử dụng.
[202] Cf. Tạp tập 1 (tr. 697c09): 安者止息身心麤重身心調暢為體除遣一切障礙為業除遣一切障礙者謂由此勢力依止轉故. Samuccaya (Gokhale 16. 15): praśrabdhiḥ katamā/ kāyacittadauṣṭhulyānāṃ pratipraśrabdheḥ kāyacittakarmaṇyatā/ sarvāvaraṇaniṣkarṣaṇakarmikā/ (Tatia 5.17): sarvācaraṇaniṣkarṣaṇaṃ tadvaṣenāśrayapravṛttito draṣṭavyam/ Khinh an, đó là tính mềm dẽo (kham nhiện tính) của thân và tâm do đã đình chỉ những sự thô năng của thân và tâm. Nghiệp dụng của nó là loại trừ tất cả mọi chướng ngại; do thế lực mà mà sở y được chuyển đổi (chuyển y).
[203] Sở y chỉ 所依, tức thân làm sở y.
[204] Tạp tập 1 (tr. 697c12): 不放逸者依止正勤無貪瞋癡修諸善法於心防護諸有漏法為體成滿一切世出世福為業. Samuccaya (Gokhale 16.15): apramādaḥ katamaḥ/ savīryakān alobhādveṣāmohān niśritya yā kuślānāṃ dharmāṇāṃ bhāvavā sāsravebhyaś dharmebhyaś ca cittārakṣā/ sa ca laukikalokottara-saṃpattiparipūrṇaniṣpādanakarmakaḥ/ bất phóng dật, đó là sự tu tập các thiện pháp do y chỉ vô thâm, vô sân, vô si cùng với tinh tấn; và nó cũng là sự phòng hộ của tâm đối với các pháp hữu lậu.
[205] Căn 根, chỉ ba thiện căn; sách 策, tức sách tấn, chỉ cần hay tinh tấn. Nghiệp dụng của nó là hoàn thành phước nghiệp thế gian và xuất thế gian.
[206] Thuật ký: hành, đây chỉ hành uẩn; tức xả trong hành uẩn, không phải với xả trong thọ uẩn.
[207] Tạp tập 1 (tr. 697c17): 捨者依止正勤無貪瞋癡與雜染住相違心平等性心正直性心無功用住性為體不容雜染所依為業. Samuccaya (Gokhale 16.17): upekṣā katamā/ savīryakān alobhādveṣāmohān niśratya yā saṃkliṣṭavihāravairodhikī cittasamatā cittapraśaṭhatā cittasyānabhogāvasthitā/ saṃkleśānavakāśa-sanniśrayadānakarmikā/ Xả, đó là tính bình đẳng của tâm, tính chính trực của tâm, tính an trụ không dụng công của tâm, không làm căn cứ cho ô nhiễm, do y chỉ vô tham, vô sân, vô si cùng với tinh tấn. Nghiệp dụng của nó là làm sở y mà trên đó không có không gian cho tạp nhiễm.
[208] Khởi đầu với bình đẳng tính; đoạn giữa với chính trực tính; cuối cùng với an trụ không dụng công.
[209] Cf. Thuận chính lý 11 (tr. 391b02): “Tính hiện thiện của tâm, đem lại điều lạc, không gây tổn hại hữu tình, đó gọi là bất hại.”
[210] Giải thích từ cập 及 trong tụng văn Hán. Bản Skt. không có từ tương đương.
[211] Trong Du-già, từ hân 欣 được dịch từ các từ Skt. sau đây: hân欣= moda; khả hân可欣, hân duyệt欣悦= praiya;hân mộ欣慕, hân dục欣欲 = abhilāṣa; hân lạc (hân nhạo) 欣樂= abhinandana, modanā, rati, spṛha. Từ hân được đề cập ở đây vì là một phần của dục (chanda) và đối nghịch với yểm, nên có thể hiểu từ Skt. tương đương là abhilāṣa (hân mộ). Xem cht. 110.
[212] Đối nghịch với trong 20 tùy phiền não: phẫn, hận, não tật. Ý nghĩa các từ này, xem phần nói về các phiền não.
[213] Du-già 55, đã dẫn trên, xem chit. 176. Theo ý nghĩa này, trong Dục giới không có khinh an.
[214] Thế gian đạo, xem cht. 177, chương iv, về mạt-na.
[215] Hán: lục vị; chỉ những đièu kiện mà trong đó thiện có thể khởi. Du-già 55 (tr. 602b13): “Hỏi: Có bao nhiêu y xứ của thiện pháp? Đáp: Sáu. 1. Khi được quyết định. 2. Khi được đình chỉ. 3. Khi tác nghiệp. 4. Khi thế gian thanh tịnh. 5. Khi xuất thế thanh tịnh. 6. Khi nhiếp thọ chúng sinh.”
[216] Đại ý thuyết này nói mỗi loại thiện tâm chỉ khởi trong điều kiện riêng biệt của nó.
[217] Vì không có xả.
[218] Bốn pháp: tinh tấn và ba thiện căn, thể của bất phóng dật. Xem đoạn trên, về bất phóng dật.
[219] Du-già 69 (tr. 684a11).
[220] Định gia hành 定加行, đây chỉ gia hành cận định, chưa đạt định tâm bẩc tên; tức đang thuộc Dục giới.
[221] Hán: định địa 定地, hay đẳng dẫn địa (samāhita).
[222] Du-già 3 (tr. 291a03); đã dẫn trên, xem các cht. 40 & 142.
[223] Du-già 63 (tr. 650c28): “… Năm thức thân, khi không có khinh an được gọi là bất định địa. Các tâm, tâm sở pháp trong Dục giới khi chưa được phát thú, gọi là bất định địa…”
[224] Ba địa có định: hữu tầm hữu tứ địa, sơ thiền có đủ cả tầm và tứ; vô tầm duy tứ địa, trung gian thiền giữa sơ và nhị, chỉ có tứ mà không có tầm; vô tầm vô tứ địa, từ nhị thiền trở lên.
[225] Trừ khinh an.
[226] Du-già 57 (tr. 616b17): Trong 22 căn, sáu căn thuộc kiến sở đoạn: năm thiện căn (tín,vv.) và vị tri căn.
[227] Thuật ký: hữu, chỉ hậu hữu, tức quả dị thục của ba hữu. Hữu cụ, chỉ trung hữu, cùng với nghiệp phiền não, khí thế gian, vì là tư cụ của ba hữu.
[228] Cf, Sthiramati: tatra rāgo bhavabhogayor adhyavasānaṃ prārthanā ca/ sa punar duḥkhasaṃyojana-karmakaḥ/ duḥkham atropādānaskandhās teṣāṃ kāmarūpārūpyatṛṣṇavaśād abhinirvṛttiḥ/ Trong đây, tham là sự đắm đuối và khát khao tồn tại (hữu) và hưởng thụ. Tác dụng của nó là nói kết với khổ. Khổ, tức các thủ uẩn vốn hiện khởi do bị chi phối bởi khát ái đối với Dục, Sắc và Vô sắc.
[229] Thuật ký: khổ, chỉ ba khổ (khổ khổ, hành khổ, hoại khổ). Khổ cụ, chỉ tất cả vô hựu, và pháp hữu lậu nào mà có thể gợi lên khổ. Như bài bác pháp vô lậu mà sinh tà kiến; duyên Diệt, Đạo đế mà sinh tâm ganh ghét, đều dẫn đến khổ quả.
[230] Sthiramati: pratighaḥ sattveṣv āghātaḥ sattveṣu rūkṣcitta yenāviṣṭaḥ sattvānāṃ vadhabandhanādi-karman arthaṃ cintayati/ sa punar asparśavihāraduṣcaritasaṃniśrayadānakarmakaḥ/ Sân, đó là sự tàn hại đối với các chúng sinh, với tâm bức hại đối với các chúng sinh mà nghĩ đến hành vi hoặc giết, hoặc trói. Tác dụng của nó là làm sở y cho ác hành với trạng thái bức xúc. Trong đó, từ Skt. asparśavihāra, dịch là phi xúc trụ, hay bát an lạc trụ, hiểu là trạng thái bức xúc do tâm thù hận, bức hại.
[231] Sthiramati: moho ‘pāyeṣu sugatau nirvāṇe tatpratiṣṭhāpakeṣu hetuṣu teṣāṃ cāviparīte hetuphala-saṃbandhe yad ajñānam/ ayaṃ ca saṃkleśotpattisaṃniśrayadānakarmakaḥ/ Si, là sự mê hoặc (vô trí) đối với mối quan hệ nhân quả không điên đảo, và những nguyên nhân tác thành Niết-bàn, thiện thú, khổ thú. Tác dụng của nó là làm sở y sự sinh khởi pháp tạp nhiễm. Pháp tạp nhiễm ở đây gồm có ba phần: phiền não (kleśa), nghiệp (karma), tái sinh (janma); cái này làm nhân cho sự sinh khởi của cái sau.
[232] Thuật ký: thứ tự sinh khởi do vô minh. Trong kiến đạo, do hoài nghi Thánh đế, khởi từ kiến, rồi phát sinh tham,vv. Trong tu đạo, vô minh dẫn khởi tham, tạo nghiệp nhân thiên, vv.
[233] Shiramati: māno hi nāma sarva eva satkāyadṛṣṭisamāśrayeṇa pravarte/ sa punar cittasyonnatti-lakṣaṇaḥ/ tathā hy ātmātmīyabhāvaṃ skandheṣv adhyāropyāyam aham idaṃ mamety ātmānaṃ tena tena viśeṣenonnamayati anyebhyo ‘dhikaṃ manyate/ Mạn, chỉ cho tất cả cái gì y chỉ trên hữu thân kiến mà hoạt động. Đặc tính của nó là sự bốc cao của tâm (tâm cao cử). Nó làm trổi dậy tồn tại của ngã và ngã sở trong các uẩn, rằng cái này là ta, là của ta; bằng đặc điểm như thế này, như thế mà bốc cao tự ngã, nghĩ rằng ta hơn những người khác. Tạp tập 1 (tr. 698a03): 依止薩迦耶見心高舉為體不敬苦生所依為業不敬者。謂於師長及有德所而生憍傲苦生者謂生後有故.
[234] Hán: đức hữu đức 德有德; Skt. guruṣu guṇavatsu. Thuật ký hiểu đức là thắng đức pháp 勝德法; nhưng từ tiếng Phạn có thể hiểu là “các bậc thầy.” Tạp tập: sư trưởng và những vị có đức.
[235] Bảy mạn và chín mạn. Câu-xá 19 (tr. 101a12), 7 mạn: mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ti mạn, tà mạn. ibid. (tr. 101a21), 9 mạn: y trên thực tế ta hơn người, ta bằng người, ta kém người, trong mỗi thực tế phát sinh ba sự tự đánh giá: tăng hơn, ta bằng, ta kém.
[236] Thuật ký: ba phẩm, ba cấp thượng, trung, hạ, phát sinh bốn mạn: mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ty mạn; y trên ngã sinh một mạn: ngã mạn; y đức sinh hai: tà mạn, tăng thượng mạn. Tức y năm xứ mà phát sinh bảy mạn.
[237] Câu-xá 19 (tr. 101b17): mạn loại (mānavidhā) và ngã mạn (asmimāna) không còn hiện khởi nơi bậc Thánh, vì đã đoạn trừ hữu thân kiến (satkāyadṛṣṭi). Du-già 88 (tr. 797c16): Thánh giả tuy đã vĩnh viễn đoạn trừ hữu thân kiến, nhưng do tu tập Thánh đạo chưa tận thiện, tập khí của nó vẫn hiện hành, ngẫu nhiên xuất hiện làm sở y cho ngã mạn.
[238] Mạn loại (mānavidhā): biểu hiện loại tợ của mạn. Du-già 17 (tr. 371a20): y trên ba mạn loại là ta hơn, ta bằng, ta kém mà tự đánh giá ta hơn hay ta kém.
[239] Sthỉamati: vicikitsā karmaphalasatyaratneṣu vimati, nhi hoặc đối với nghiệp, quả, (Thánh) đế, (Tam) bảo. Du-già 58 (tr. 622a17): y năm tương mà kiến lập: tha thế, tác dụng, nhân quả, đế, bảo.
[240] Sthiramati: prajñātaś ceyaṃ jātyantaram evoktam/ Nó được nói là một dị loại từ huệ.
[241] Thuật ký dẫn Du-già 58: do dự giản trạch nói là nghi. Nhưng không tìm thấy minh văn.
[242] Tì mạt để 毘末底, phân tích ngữ nguyên, Skt. vimati.
[243] Skt. mati và prajñā. Sthiramati: vividhā matir vimatiḥ/ syānna syād iti/ prajñātaś ceyaṃ jātyantaram evoktam/ tư duy theo nhiều dạng gọi là nghi hoặc, rằng có thể là vậy, có thể không phải là vậy. Nó được nói là dị loại từ huệ. Theo đây, từ vimati chi cho sự nghi hoặc mà ngữ nguyên là thân từ mati: tư duy, ghép với vi = vividhā, đa dạng.Thuật ký: tì (vi) có nghĩa là chủng chủng (vividhā). Du-già 8 (tr. 314a02), nó được dịch là dị giác: “Nghi (vicikitsā), là do thân cận hạng không phải thiện sĩ, nghe phi chánh pháp, không như lý tác ý; đối vớ cự thể sở tri duy bằng vào dị giác (vimati) mà phân biệt”.
[244] Du-già 55 (tr. 603a27).
[245] Hán: giới, Skt. dhātu, chỉ động từ căn, hay từ căn. Ở đây, từ căn là mạt-để (mati): huệ, ghép với trợ ngư tì, cũng như từ căn nhã-nam (jñānam: trí) được ghép với trợ ngữ tì, thành tì-nhã-nam, Skt. vijñānam, nghĩa của nó bấy giờ là thức chứ không phải trí.
[246] Tát-ca-da kiến 薩迦耶見. Skt. satkāya-dṛṣṭi: hữu thân kiến. Theo Thuật ký, Kinh bộ giải thích sat: ngụy, kāya: thân. Thân, chỉ khối tụ tập. Tụ tập tức giả hữu. Duyên tụ là thân mà khởi kiến, gọi là ngụy thân kiến偽身見. Cf. Câu-xá 19 (tr. 100a1): sat; hoại; kāya: tụ. Tì-bà-sa nói, sat: hữu. Kiến duyên hữu thân mà khởi, gọi là tát-ca-da kiến.
[247] Kiến thú; Skt. dṛṣṭigati.
[248] Hai mươi tát-ca-da kiến 薩迦耶見. Tì-bà-sa 8: y trên năm uẩn; trong mỗi uẩn, một ngã và ba ngã sở, tổng cộng thành 20. Cf. Mahāvyutpatti: ta là sắc, như chủ nhân (rūpam ātmā svāmivat); ta có sắc như có anh lạc (rūpavān ātmā alaṃkāravat); sắc là sở hữu của ta như đồng bộc của ta (ātmīyaṃ rūpam bhṛtyavat); ta ở trong sắc ở trong như khí mãnh (rūpe ātmā bhājanavat)..
[249] Tì-bà-sa 8 (tr. 36c1): Phân biệt duyên uẩn, có 65 tát-ca-da kiến. Y sắc uẩn: sắc là ta, thọ là anh lạc của ta, thọ là đồng bộc của ta, thọ là khí mãnh của ta; ba uẩn kia cũng vậy. Như vậy, trong sắc, với bốn uẩn nha là ngã sở và mỗi uẩn có ba hình thái; tổng cộng 12 cùng với một ngã sở sắc là ta; tất cả có 13. Bốn uẩn kia cũng vậy. Tự nó là ngã, bốn uẩn còn lại với 12 hành tướng là ngã sở. Tổng cộng cho cả năm uẩn, có 65 phạm trù ngã và ngã sở trong năm uẩn.
[250] Biên chấp kiến 邊執見. Skt. antagrāha-dṛṣṭi.
[251] Chướng ngại trung đạo, thực hành đạo đế, và diệt đế xuất ly.
[252] Biên chấp kiến bao gồm 47 trong 62 luận chấp, được nói trong kinh Phạm võng (Trường A-hàm, kinh số 21); Pāli, Brahmajālasutta, D. 1.
[253] Hán: bất tử kiểu loạn 不死矯亂. Trường A-hàm, kinh Phạm võng: dị vấn dị đáp 異問異答. Pl.: amarāvikkhepika: uốn lượn như lươn. Sơ giải Pāli, nó là một loại cá, do trồi lên lăn xuống, trườn đi trong nước, không thể bắt được. Một lối ngụy biện. (amarā nāma ekā macchajāti, sā ummujjananimujjanādi-vasena udake sandhāvamānāgahetuṃ na sakkāti) Có lẽ nguyên Sakt. cho Hán dịch ở đây là amara-vikṣepaka, hay amara-āvikṣepaka.
[254] Tự Tại 自在, Iśvara, Thiên Chúa. Thế Chủ 世主, Skt. Lokendra, hay Prajāpati; Thuật ký nói là Đại Tự Tại Thiên 大自在天 tức Maheśvara, có lẽ không đúng. Thích 釋 tức Thiên đế Thích; Skt. śakendra devānām. Phạm 梵 tức Phạm vương, Brahman.
[255] Kiến thủ 見取, dṛṣṭiparamarśa. Tì-bà-sa 58 (tr. 621c05): Chấp một trong 62 kiến, cho là tối thắng, tối diệu, bám chặt lấy đó mà nói rằng “Duy chỉ đây là chân thật, ngoài ra đều là hư dối; do đây mà đạt được thanh tịnh, giải thoát.”
[256] Giới cấm thủ 戒禁取, śīlavrataparāmarśa. Tì-bà-sa 58 (tr. 621c09): Đó là hoặc giới, hoặc cấm nguyện, những điều được thọ trì tùy thuận theo kiến thủ, là quyến thuộc kiến thủ, tùy pháp của kiến thủ. Ở trong các giới và cấm nguyện đó mà quan niệm sai lầm rằng đây là nhất, là tối thắng, là tối diệu; bám chặt lấy đó mà nói rằng “Duy chỉ đây là chân thật, ngoài ra đều là hư dối.”
[257].
[258] Du già 88 (tr. 797a19): Khi tu tập hiện quán Thánh đế (satyābhisamaya), do ý hướng bỗng phát sinh sợ hãi đối với Niết-bàn, nghĩ rằng “Ta sẽ không tồn tại.” Do ảnh hưởng ưu thế với tát-ca-da kiến mà khởi tà phân biệt trong các hành, cho rằng ta sẽ đoạn diệt, ta sẽ hoại diệt, ta sẽ không tồn tại. Hoặc, Du-già 86 (tr. 780b04): Khi suy tầm hành tướng của ngã, các chướng ngại cùng hiện hành một cách vi tế, do đó khởi lên ý tưởng: Ta sẽ không tồn tại chăng? … Do sự sợ hãi này mà tâm hành giả thoái chuyển, không hướng đến niết-bàn nữa. Tạp tập 4 (tr. 711a14): Biên chấp kiến nào là câu sinh? Đoạn kiến. Vị đã học hiện quán (sau khi xuất quán) khởi lên sợ hãi này: Ta nay đây, ta nay đang ở đâu?
[259] Cầm thú sợ chết tức nó có đoạn kiến, chứng minh đoạn kiến thuộc câu sinh, vì cầm thú không có phân biệt.
[260] Hiển dương 1 (tr. 482a17): “Biên chấp kiến … khởi hoặc do câu sinh hoặc do phân biệt.”
[261] Nghi đối với sự thể thuận mình có thể không nổi sân. Nghi đối với sự thể trái minh, liền nổi sân.
[262] Thuật ký: bác ác sự không tương ưng sân, vì nghỉ sẽ không có khổ. Bác hảo sự thì trái lại.
[263] Một phần biên chấp kiến.
[264] Trong các cõi khổ, như cầm thú, vẫn có tự thị ta có thân duy đó là uẩn hạ liệt và khổ.
[265] Du-già 59 (tr. 627a08): “Các phiền não có hiện hành mãnh lợi mới có thể phát nghiệp dẫn đến ác thú… Loại phiền não thuộc phân biệt mới có thể phát nghiệp này chứ không phải loại sinh khởi tự nhiên (cấu sinh).”
[266] Ở Dục giới, hành ác nghiệp mà nghi không có quả khổ bèn mừng rỡ, nên có cảm thọ hỷ. Nghi không có khổ, tập cũng vậy. Du-già 59 (tr. 628a21): “Nghi, do dẫn đạo của người khác mà do dự trong các phán đoán về lợi dưỡng, cúng dường, tán thán, thiện thúc, nghi này tương ưng với ưu. Nếu do tác động của người mà do dự trong các phán đoán về lợi dưỡng, chê bai, ác thú, bèn vui mừng; nghi này tương ưng vơi hỷ.”
[267] Du-già 59 (tr. 628a14): “Kiến thủ và giới thủ, vì chấp thủ kiến nên tùy theo kiến ấy mà chúng tương ưng thọ.”
[268] Thường kiến y trên uẩn câu hữu khổ tương ưng với ưu vì thấy khổ sẽ lâu dài; đoạn kiến y trên uẩn câu hữu với lạc cũng tương với ưu, vì lo lạc sẽ mất.
[269] Từ tam thiền xuống đến Dục giới.
[270] Tạp tập 6 (tr. 722a27): “Tỳ kheo đắc tứ thiền, khởi tăng thượng mạn, tưởng mình chứng đắc A-la-hán. Khi trung hữu của địa này sinh khởi, vị ấy do tà kiến bài báng giải thoát nên chuyển sinh trung hữu của địa ngục.” Tà kiến này khởi lên trong trung hữu ở Sắc giới đệ tứ thiền, vì tưởng mình là A-la-hán nhưng chết rồi mà không thấy niết-bàn nên sinh bài báng, tức thì chuyển thành trung hữu của địa ngục.- Đoạn này nói về tà kiến.
[271] Nhuận sinh câu sinh ái 潤生俱生愛; ái thuộc loại câu sinh dẫn đến tái sinh trong giai đoạn chín muồi. Nó là một trong 12 chi duyên khởi, sẽ được đề cập ở phần sau của Luận.- Đoạn này và tiếp theo nói về tham.
[272] Du-già 58 (tr. 623b02): “Đối với vị chưa ly dục các phiền não triền thuộc địa nào. chúng khởi lên tại bản địa đó. Với vị đã ly dục, chúng không hiện khởi… Không phải tại các địa trên mà có thể thành tựu các triền của địa thấp.” Du-già 62 (tr. 645c19): “Các pháp thuộc địa thấp không hiện tiền khi sinh lên các địa trên. Các pháp thuộc địa trên hoặc có thể hiện tiền đói với vị đã ly dục khi sinh xuống địa thấp.”
[273] Du-già 62 (tr. 645c12), nói về ái vị đẳng chí, tức định bị đắm nhiễm vị ngọt của nó … (tr. 645c20) Nếu sinh hạ địa mà khởi ái của thượng địa, với vị chưa ly dục, không có định tâm, ái ấy thuộc Dục giới hệ.
[274] Lấy Diệt, Đạo là đối tượng mà phát sinh sân; tức ở địa thấp mà duyên lên địa trên. Du-già 58 (tr. 624b11): “Đối với Diệt đế khởi tâm sợ hãi, khởi tâm tổn hại, khởi tâm sân hận; sân nhuế như vậy là do mê mờ Diệt đế.” ibid. tr. 624b29: các phiền não mê Đạo, ý nghĩa cũng như mê Diệt.
[275] Ly dục địa, chỉ các địa bên trên Dục giới.
[276] Du-già 88 (tr. 794b25): Có hai loại tạp nhiễm, tạp nhiễm bởi kiến và tạp nhiễm bởi phiền não. Kiến tạp nhiễm chỉ có thể được đoạn trừ trong xuất thế đạo. Do kiến này, đối với tự thể hòa tạp của các hành trong các địa thấp và địa trên, không xét đến tính sai biệt của chúng, lấy tổng thể mà chấp là ngã hoặc ngã sở. Do nhân duyên này, tuy sinh lên Hữu đỉnh mà vẫn còn rơi trở xuống. (Lược dẫn).- Đoạn này nói về thân kiến, biên kiến và mạn.
[277] Năm phiền não còn lại: si, nghi, tà kiến, hai thủ.
[278] Thuật ký, chỉ Tạp tập 6, Du-già 58, 59. Nhưng Tập thành biên 28 (tr. 581c9) bác dẫn chứng Du-già 58 của Thuật ký. Về dẫn chứng Tạp tập 6, xem cht. 270 trên.
[279] Lấy tự thân cá biệt làm đối tượng khởi thân kiến; kiến này không thể lấy thân cõi trên làm đối tượng. Đoạn tiếp theo giải thích các đối tượng cá biệt.
[280] Du-già 59 (tr. 629b10).
[281] Xem cht. 276.
[282] Hoặc bị đoạn trừ trong kiến đạo, hoặc trong tu đạo; thuộc một trong hai gọi là phi sở đoạn.
[283] Tổng, tức tổng tướng, đặc tính phổ quát chung cho cả bốn Thánh đế.
[284] Tạp tập 7 (tr. 726a02): Khổ, tập là nhân duyên của mười loại ohiền não, và cũng là y xứ của chúng. Chúng do mê lầm diệt và đạo nên khởi các tà hành, do đó phát sinh sợ hãi. Vì, do ảnh hưởng của phiền não mà tham đắm sinh tử, nghĩ đến pháp thanh tịnh thì có ấn tượng là xa vời nên phát sinh sợ hãi.
[285] Biệt tướng của Thánh đế. Phái Duy thức công nhận quan điểm của Hữu bộ, phân tích bốn đế thành 16 hình thái hay hành tướng.
[286] Quả, chỉ năm thủ uẩn.
[287] Bốn hành tướng của khổ đế; vô thường, khổ, không, phi ngã.
[288] Từ kiến, liên hệ tự thân là đối tượng của tham; tha thân là đối tượng của sân; so sánh tự tha và những quan hệ của chúng mà khởi mạn. Tức từ kiến mà khởi tham, sân, mạn do mê làm khổ lý.
[289] Tức hai loại si: tương ưng, cùng khởi chung với các phiền não khác; và độc hành.
[290] Xem cht.274.
[291] Như chúng: như ba kiến (thân kiến, biên kiến, tà kiến) và nghi; chúng trực tiếp duyên các đế như đã nói trên. Nếu tham, mạn cùng khởi với ba kiến và sân cùng khởi với nghi, bấy giờ chúng cũng trực tiếp duyên khổ, vv., như bốn pháp này.
[292] Dư ái, trừ ái tương ưng với hai kiến đã nói trên, tức độc hành ái.
[293] Chất 質, hay bản chất 本質, chỉ cái đối lập với ảnh tượng; như hư không hoa gọi là cái không có bản chất.
[294] Mỗi phiền não khi xuất hiện đều có tướng phần của nó tức đối tượng trực tiếp. Nếu đối tượng có chất thể, phiền não đó được gọi là hữu sự (savastuka) tức có chất thể làm cơ sở. Như thân kiến, đối tượng là tự ngã chất thể, nên nó thuộc loại vô sự (avastuka). Một phân của sân duyên đối tượng có chất thể, nó thuộc loại phiền não hữu sự. Tạp tập 5 (tr. 714c28): “Đối tượng là cảnh hữu sự, trừ kiến và mạn và các pháp tương ưng với chúng, tất cả cảnh giới sở duyên còn lại đều là đối tượng hữu sự.” Du-già 59 (tr. 627c13): “Trong các phiền não ấy, cái nào hữu sự, vô sự? Các kiến và mạn là vô sự; vì trong các hành thực sự không có ngã nhưng do phân biệt mà được xuất hiện. Tham. nhuế (sân) là hữu sự. Vô minh, nghi, thông cả hai.”
[295] Nghi, tà kiến, vô minh, và sân, mạn tương ưng vô minh có thể duyên pháp vô vi làm đối tượng; pháp vô vi có chất thể, nhưng ảnh tượng của nó là hữu lậu. Ảnh tượng này là đối tượng trực tiếp khởi sân hay tà kiến các thứ. Tạp tập 6 (tr. 723a09): “Các phiền não không thể duyên trực tiếp Diệt, Đạo làm đối tượng. Vì Diệt, Đạo chỉ được chứng nghiệm bằng trí hậu đắc và xuất thế gian. Duy chỉ y vào đây mà vọng khởi phân biệt rồi duyên vào làm đối tượng.”
[296] Duyên sự cảnh 事境 (vastuka viṣaya), duyên vào đối tượng cảnh có căn cứ thực chất. Thuật ký: sự tức thể事者體也.
[297] Diệt và Đạo là cảnh chưa được chứng; trong các địa khác là đối tượng không được thấy nghe; vì vậy chất thể và ảnh tượng không tương tợ.
[298] Danh cảnh 名境 (nāmaviśaya), đối tượng là danh ngôn, do phân biệt mà xuất hiện.
[299] Phần vị sai biệt 分位差別 (avasthāvíśeṣa), chỉ các trạng thái đăc biệt khi xuất hiện của phiền não căn bản. Đẳng lưu tính 等流 (naiṣyandika), tính chất đồng loại. Du-già 58 (tr. 623a07): “Các tùy phiền não đều là các phẩm loại của phiền não. Chẳng hạn phóng dật là phẩm loại của hết thảy phiền não. Khi đắm nhiễm ái, phần nhiều sinh phóng dật… Tham lam, xan lẩn, kiêu ngạo, trạo cử đều là phẩm loại của tham, là đẳng lưu của tham…”
[300] Du-già 58 (tr. 622b23).
[301] Phẫn 忿, Skt. krodha, thịnh nộ. Sthiramati: krodho vartamānam apakāram āgamya yaś cetasa āghātaḥ/ phẫn, đó là tâm gia hại khi hiện tiền bị xúc phạm.
[302] Sthiramati: sattvāsattvaviṣayo daṇḍadānādisaṃniśrayadānakarmaśca sa krodha ity prajñapyate/ Phẫn được quan niệm là có tác dụng làm sở y cho sự sử dụng dao gậy đối với các đối tượng là hữu tình hay phi hữu tình.
[303] Sthiramati: ayaṃ cāghātasvarūpatvāt pratighān na bhidyate/ Do bản chất gia hại nên nó không khác biệt với sân. Trong đây, āghāta (gia hại) và pratigha (sân), đều xuất xứ từ một động từ căn chung là √han: tàn hại.
[304] SthiramatiL upapāno vairānubandhaḥ, hận, đó là sự thù nghịch kéo dài.
[305] Phú 覆, Skt. mrakṣā, ngụy thiện, giả đạo đức.
[306] Sthiramati: mohāṃśikatvaṃ tu mrakṣasya pracchādanākāratvāt, phú là một phần của si, vì hành tướng của nó là che dấu.
[307] Du-già 55 (tr. 604b02): “Phú, cuống, siểm, hôn trầm, thụy miên, ố tác, đó là si phần, do đó là thế tục hữu.” Du-già 58 (tr. 623a12) : “Cuống, siểm là phẩm loại của tà kiến, là đẳng lưu của tà kiến. Phú là phẩm loại của siểm. Nên biết, nó là đẳng lưu của phâm loại đó.”
[308] Du-già 55 (tr. 604b1): “Xan, kiêu, trạo cử, là tham phần nên là thế tục hữu.”
[309] Du-già 58 (tr. 622b27): “Tùy phiền não phóng dật, trạo cử, …, khởi lên trong khắp tất cả tâm ô nhiễm.”
[310] Não 惱, Skt. pradāśa.Từ Skt Phật giáo hỗn chủng (Edgerton), Pāli: paḷāsa; khó xác định ngữ nguyên, nhưng được giả thiết là là do dāsa: thù nghịch, đối địch. Sthiramati: pradāśaś canṇḍavacodāśitā/ Não, đó là sự châm chích cay nghiệt bằng lời nói thô bạo. Câu-xá 21 (tr. 109c09) 惱謂堅執諸有罪事由此不取如理
諫悔 Skt. k. v. 50a: sāvadyavastudṛḍḍhagrāhitā pradāśo yena nyāyasaṃjñaptiṃ na gṛhyāti/ Não, đó là sự cố chấp chặt cứng tội lỗi, do đó mà không chấp nhận lời khuyên can như lý.
[311] Hiển dương 1 (tr. 482b13): “Não, được người khuyên điều sai phạm bèn phát lời thô lỗ, tâm sinh hung bạo, không nhẫn nhịn.”
[312] Tật, Skt. īrṣyā. Hiển dương 1 (tr. 482b15): “Đối với công đức, danh dự, lợi dưỡng mà người khác có, tâm sinh ghanh tị, không vui.”
[313] Xan 慳, cũng đọc là khan. Skt. mātsarya.
[314] Tài pháp 財法; tài, được hiểu là những sở hữu vật chất; pháp, sở hữu tinh thần.
[315] Cuống 誑, hay khi cuống: lường gạt. Skt. māyā, huyễn ngụy. Sthiramati: māyā paravañcanā yābhūtārthasaṃdarśanatā., huyễn ngụy (cuống), đó là sự lượng gạt người khác, hiện tướng không chân thật.
[316] Siểm 謟, hay siểm khúc, giả dối quanh co. Skt. śāṭhya.
[317] Hại 害, Skt. vihiṃsā. Sthiramati: vihiṃsā sattvaviheṭhanā/ vividhair vadhabandhanatāḍanatarjanādibhiḥ sattvānāṃ hiṃsā vihiṃsā/ Hại, đó là sự gây tổn thương cho các chúng sinh. Sự gây hại bằng nhiều cách như giết, trói, đánh đập, dọa nạt.vv. Thứ tự Hán dịch không phù hợp với thứ tự trong tụng văn Skt. và sớ giải của Sthiramati. theo đó, mada (kiêu) được kể trước vihiṃsā (hại).
[318] Sân chướng ngại từ; hại chướng ngại bi.
[319] Kiêu 憍 Skt. mada. Sthỉamati: svasaṃpattau raktasyoddharṣaś cetasaḥ paryādānaṃ/ Đam mê khoái chí về sự thành công của mình tâm sinh cuồng ngạo.
[320] Tương phản với tàm; xem giải thích về tàm ở trên.
[321] Vấn đề thảo luận ở đây cũng giống như đoạn nói về tàm quý trên. Chi khác nhau về mặt tích cực và tiêu cực. Xem Tiết 2. 6, về tâm sở thiện.
[322] Tạp tập 1 (tr. 699a24, 25): “Vô tàm,…, vô quý, thuộc tham, sân, si phần.”
[323] Bỉ đẳng lưu, Thuật ký giải là đẳng lưu của sự, dẫn Du-già 58 (tr. 623a13): “Các tùy phiền não còn lại (trong đó có vô tàm và vô quý) là phẩm loại của si, đẳng lưu của si.”
[324] Trạo cử; Skt. auddhatya. Tụng văn và Sthiramati kể hôn trầm (styāna) trước trạo cử.
[325] Sthiramati: auddhatyaṃ cittasyāvupaśamaḥ/ vyupaśamo hi śamathas tadviruddho’vyupaśamaḥ/ Trạo cử, đó là sự không an tĩnh của tâm. An tĩnh là chỉ; tương phản với nó là không an tĩnh.
[326] Hiển dương 1 (tr. 482c11): “Y trên sự tầm cầu bất chính, hoặc nghĩ nhớ những lạc thú đã từng chứng kiến, tâm sinh trở nên không yên tĩnh.”
[327] Tạp tập 6 (tr. 722c19): “Vận hành không tịch tĩnh là đặc tính của phiền não. Tính chất không tịch tĩnh là đặc tính chung của các phiền não.”
[328] Du-già 55 (tr. 604a29): Xan, kiêu, trạo cử, là tham phần, vì vậy là thế tục hữu.
[329] Du-già 55 (tr. 604b02): “… thụy miên, ố tác, là si phần, nên là thế tục hữu.” Thuật ký: thụy miên, ố tác, nói là thế tục hữu, nhưng thể của chúng là thật.
[330] Hôn trầm 惛沈; Skt. styāna. Sthiramati: styānaṃ citaasyākarmaṇyatā staimytaṃ/ Hôn trầm, đó là tính chất không hoạt động, không mềm dịu dễ dụng của tâm.
[331] Du-già 55 (tr. 604b03): bất tín, giải đãi, thuộc thật vật hữu.
[332] Bất tín 不信, Skt. aśraddhā. Tương phản với tín; xem đoạn giải thích về tín trong phần tâm sở thiện.
[333] Hán: bất nhẫn, bất lạc, bất dục, trái với nhẫn (trong thắng giải), lạc, dục (trong dục); xem đoạn trên, tâm sở thiên tín; và xem các tâm sở biệt cảnh, thắng giải và dục.
[334] Giải đãi 懈怠, Skt. kauṣīdya. Sthiramati: kauṣīdyaṃ kuśale cetaso’nabhyutsāho vīryavipakṣaḥ/ giải đãi, đó là sự không nỗ lực của tâm trong điều thiện, đối phần của tinh tấn.
[335] Thuật ký: đó chỉ là dục, thắng giải.
[336] Phóng dật 放逸, Skt. pramāda; trái với bất phóng dật, xem trong mục tâm sở thiện.
[337] Thể của phóng dật là giải đãi và tham, sân, si; đối nghịch với bất phóng dật mà thể là tinh tấn, và thiện căn.
[338] Hán: biến sách pháp 遍策法, tức tinh tấn.
[339] Thất niệm, Skt. muṣitasamṛiti.
[340] Bất minh ký不明記, xem giải thích trong niệm, tâm sở thiện.
[341] Sthiramati: muṣitā smṛtiḥ kliṣṭā smṛtiḥ/ kliṣṭeti kleśasaṃprayuktā/ Thất niệm, đó là niệm ô nhiễm; ô nhiễm tức tương ưng với phiền não. Tạp tập 1 (tr. 699b09): “Vong niệm (thất niệm), thể của nó là niệm mà tương ưng với phiền não. “
[342] Từ Skt. miṣitasmṛti (thất niệm/ vọng niệm), phần đầu do động từ căn √muṣ: cướp đoạt.
[343] Tán loạn 散亂, Skt. vikṣepa.
[344] Sthiramati: vikṣepo rāgadveṣamohāṃsikaś cetaso visāraḥ/ vividhaṃ vikṣipyate ‘nena cittam iti vikṣepaḥ/ Tán loạn, đó là sự lưu tán của tâm, là thành phần của tham, sân, si. Nó làm cho tâm bị phần tán thành đa dạng nên gọi là tán loạn.
[345] Tạp tập 1 (tr. 699b15): “Tán loán, đó là tham, san, si phần. Thể của nó là sự lưu tán của tâm.”
[346] Thuật ký: đẳng lưu của ba (thành) phần ấy.
[347] Thuật ký: Như vô tàm, vô quý, Đối pháp nói là phần của ba, nhưng Du-già cũng nói nó thực hữu.
[348] Dịch giải 易解, tâm trong mọt lúc chuyển dịch trong nhiều ý tưởng khác nhau.
[349] Dịch duyên 易緣, trong cùng một lúc tâm di chuyển trong nhiều đối tượng khác khau.
[350] Bất chính tr; Skt. asamprajanya.
[351] Sthiramati: asaṃprajanyaṃ kleśasaṃprayuktā prajñā/ Tạp tạp 1 (tr. 699b11): “Bất chính tri, thể của nó là huệ tương ưng với phiền não. Do huệ này mà khi phát khởi hành vi bởi thân, khẩu, ý một cách không chính tri, làm sở y cho sự hủy phạm (giới). Không chính tri các hành vi thân, ngữ, tâm là các sự tới, lui, không được quán sát một cách đúng đắn, do không biết rõ điều nên làm hay không nên làm nên khiến thường xuyên phạm giới.”
[352] Dữ 與, tịnh 并, và cập 及, các từ đệm trong tụng văn Hán.
[353] Theo Thuật ký, được kinh được giải thích trong Pháp uẩn túc luận, phẩm 16 “Tạp sự” (tr. 494c02) chính là kinh Tạp sự.
[354] Tạp tập 7 (tr. 724b07): “Những gì là phiền não đều là tùy phiền não. Nhưng có những tùy phiền não mà không phải là phiền não. Đó là, trừ phiền não, các tâm pháp ô nhiễm khác còn lại trong hành uẩn. Nói rõ hơn, đó là, trừ sáu phiền não gồm tham các thứ, các tâm pháp ô nhiễm khác trong hành uẩn như phẫn vv.”
[355] Ba đại tùy: thất niệm, phóng dật, bất chính tri.
[356] Du-già 55 (tr. 604a29): phẫn, hận, não, tật, hại, là sân phẫn nên đều là thế tục hữu. Xan, kiêu, trạo cử, là tham phần nên đều là thế tục hữu. Phú, cuống, siểm, hôn trầm, thụy miên, ố tác, đều là si phần nên đều là thế tục hữu. Vô tàm, vô quý, bất tín, giải đãi, là thật vật hữu. Phóng dật là giả hữu.
[357] Thế lực của hai loại phiền não thuộc kiến sở đoạn và tu sở đoạn.
[358] Du-già 58 (tr. 622c01): mười phiền não này khởi biệt lập nhau trong các tâm bất thiện.
[359] Du-già 58 (tr. 622b27).
[360] Thuật ký, dẫn Du-già 58. Hôn trầm và trạo cử, khi một mạnh một yếu thì có thể cùng khởi.
[361] Tạp tập 1 (tr. 723a28): “Hôn trầm, trạo cử, bất tín, giải đãi, phóng dật, luôn luôn cùng tương ưng trong các phẩm loại ô nhiễm.”
[362] Tương thông, thông cả bất thiện và nhiễm.
[363] Tương thông, xem cht. 362 trên.
[364] Trừ siểm, cuống và kiêu.
[365] Nhiễm niệm, tức thất niệm trong đại tùy, không cùng khởi với biệt cảnh niệm.
[366] Kiêu chỉ duyên bản thân mà khởi cao ngạo; mạn duyên ca ta và người khác. Cả hai không cùng khởi.
[367] Trừ cuống, siểm, kiêu.
[368] Mười loại sau: 2 trung tùy và 8 đại tùy. Vô tàm, vô quý cùng khởi, do tương ưng với tà kiến thuộc căn bản phiền não, phát sinh trong giai đoạn trung hữu của Sắc giới đệ tứ thiền. Xem cht. 270.
[369] Hán: nhuận sinh潤生.
[370] Xem cht. 270.
[371] Tật, xan, và kiêu.
[372] Trường A-hàm, kinh 24 “Kiên cố”. Cf. Pāli, D 11 Kevaḍḍasutta. Một tỳ kheo hỏi Phạm Thiên bố đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu? Không thể trả lời, Phạm Thiên bèn nói quanh co (siểm, cuống) với những lời kiêu mạn. Cf. Tì-bà-sa 52 (tr. 271b23).
[373] Hai loại câu sinh và phân biệt của căn bản phiền não.
[374] Phiền não được tập hợp thành năm bộ: một bộ thuộc tu sở đoạn, và bốn bộ thuộc kiên sở đoạn liên hệ với bốn Thánh đế. Cf. Câu-xá 19 (tr. 99b15).
[375] Phẫn, hận, vv., có thể phát sinh do bất mãn quan điểm của người khác.
[376] Mê lầm tổng tướng hay biệt tướng của các Thánh đế.
[377] Do mê lầm Diệt đế mà sân hay tà kiến phát sinh. Tương ưng với tà kiến hay sân mà phẫn, hận các thứ phát sinh.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Những tâm tình cô đơn


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Kinh Di giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.54.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập