Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 26: CHUYỂN PHÁP LUÂN
Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với chư vị Tỳ-kheo:
-Như Lai đã hoàn tất được những sự việc: Lìa bỏ sự chi phối của sinh tử, nhổ trọn gốc rễ của phiền não, rửa sạch mọi cấu uế ô nhiễm, hàng phục ma quân, chế ngự các ngoại đạo, thể nhập diệu lý thậm thâm của chư Phật nên đã đạt được tri kiến chân thật, thành tựu mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, đầy đủ tất cả pháp của Phật. Như Lai dùng ngũ nhãn thanh tịnh quan sát khắp thế gian và suy nghĩ: “Ai là người đầu tiên đủ khả năng thọ nhận giáo pháp của Ta. Người ấy căn tính phải nhiệt thành, hòa nhã, nhu nhuyến dễ điều phục, lìa mọi cấu nhiễm, tham, sân, si, lãnh hội nhanh chóng những điều ta nói ra, không phải là người chóng quên, khiến cho việc truyền dạy được dễ dàng, các giáo pháp thu đạt được thì luôn ghi nhớ lưu giữ”.
Sau khi suy nghĩ như thế, Như Lai xét thấy ngoại đạo Ô-đặc-ca, con của ông La-ma từng tu pháp định Phi tưởng phi phi tưởng xứ và đem truyền dạy cho các đệ tử của minh. Ông ấy là người thông minh, đầy đủ trí tuệ, tuy chưa dứt sạch các thứ phiền não cấu nhiễm nhưng nếu được nghe giáo pháp của Ta thì chắc chắn sẽ mau chóng tỏ ngộ, không rõ ông ta hiện nay ở đâu. Như Lai liền dùng Phật nhãn xem xét thì ông ấy đã mất được bảy ngày rồi.
Lúc đó chư Thiên cũng hiện ra đến đảnh lễ ngang chân Phật và thưa:
-Bạch Thế Tôn, vị ấy đã qua đời được bảy ngày. Khi Như Lai còn là Bồ-tát, ông ấy đã biết trước và từng nói Như Lai là Bậc Đại Trí Lực, nếu ông ấy còn sống thật xứng đáng để thọ nhận chánh pháp trước tiên.
Này các vị Tỳ-kheo, người con ông La-ma ấy chưa được nghe giáo pháp cửa Ta mà đã qua đời. Nếu còn sống ông ấy là người đầu tiên được ta thuyết giảng chánh pháp và những điều ta nói ông ta sẽ tỏ ngộ ngay.
Bấy giờ Thế Tôn lại suy nghĩ như trước: Ai là người có đầy đủ căn tính như trên để xứng đáng được nghe Phật pháp trước tiên. Như Lai nghĩ đến vị Tiên ngoại đạo A-la-la cũng là bậc thông minh trí tuệ, tuy chưa dứt sạch các phiền não cấu nhiễm nhưng nếu được nghe giáo pháp của Ta thì chắc chắn sẽ là người mau thông tỏ, không rõ ông ta hiện nay ở đâu. Thế Tôn dùng Phật nhãn xem xét thì biết vị đã mất được ba ngày rồi.
Lúc này chư Thiên cũng hiện ra hư không thưa:
-Vị tiên ấy mất đã ba ngày rồi. Lúc Như Lai còn là Bồ-tát, ông ấy đã biết trước và từng nói Như Lai là Bậc Đại Trí Lực, nếu còn sống ông ấy thật xứng đáng được thọ nhận chánh pháp.
Này các Tỳ-kheo, A-la-la cũng chưa được nghe giáo pháp của Ta mà đã qua đời. Nếu còn sống, ông ấy sẽ là người đầu tiên được Ta thuyết giảng chánh pháp và cũng lãnh hội nhanh chóng những điều Ta nói.
Rồi Như Lai suy nghĩ tiếp để tìm xem ai sẽ là người xứng đáng được nghe thuyết pháp trước tiên, liền nhớ đến năm vị Bạt-đà-la là những người đầy đủ các đức tính như đã nói trên. Lại nhớ lúc Ta còn tu khổ hạnh, các vị ấy đã hết lòng tôn trọng Ta, lo liệu đủ mọi việc vậy Ta sẽ chọn năm vị ấy làm những người đầu tiên để chuyển cỗ xe chánh pháp đi vào cõi đời, giúp cho năm vị ấy tỏ ngộ, đạt được đầy đủ các pháp lành về bố thí, trì giới, lìa mọi phiền não chướng ngại, được giải thoát ngay ở hiện tại. Ta dùng Phật nhãn xem xét thấy năm vị ấy đang tu ở vườn Lộc dã, thành Ba-la-nại.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bây giờ sau khi suy nghĩ xong, Như Lai từ nơi cây Bồ-đề đi đến thành Ba-la-nại thuộc nước Ca-thi khiến cho khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động.
Lúc đó gần thành Già-da có một vị ngoại đạo tên A-tự-bà, từ xa trông thấy Phật liền đi tới thăm hỏi rồi đứng qua một bên thưa:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, các căn của Ngài thật điềm tĩnh, oai nghi đáng kính, thân sắc ngời sáng như vàng Diêm-phù và hoa Chiêm-ba. Thưa Nhân giả, Ngài tư phạm hạnh gì, xuất gia theo vị thầy nào mà đạt được phong độ oai nghiêm đáng kính như vậy? Ngài từ đâu đến đây và nay tính đi đến chốn nào?
Đức Thế Tôn đọc bài kệ:
Ta vốn không có thầy
Thế gian ai sánh kịp
Tự mình ngộ chánh pháp
Chứng quả Vô lậu tịnh.
A-tự-bà thưa:
-Thưa Cù-đàm, Ngài tự cho mình là A-la-hán sao?
Đức Phật lại đọc bài kệ:
Ta là Vô Thượng
Đạo Sư thế gian
Hóa độ tất cả
Chính Bậc La-hán.
A-tự-bà thưa:
-Thưa Cù-đàm, Ngài tự cho mình là Bậc Giác Ngộ chăng?
Như Lai đáp:
-Ta là Bậc Tối Tôn thù thắng trong thế gian vì đã dứt trừ hết mọi phiền não và các pháp ác. Ta là Bậc Chánh Giác.
A-tự-bà hỏi:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, hiện nay Ngài tính đi đến đâu?
Như Lai đáp:
-Ta nay muốn đến vườn Lộc dã nước Ba-la-nại làm nguồn ánh sáng lớn chiếu soi cho chúng sinh mờ tối.
Thế Tôn liền đọc bài kệ:
Ta đến Ba-la-nại
Ở nơi vườn Lộc dã
Vì chúng sinh mê mờ
Giống trống pháp cam lộ
Chuyển pháp chưa từng chuyển
Là pháp luân tối thắng.
Bấy giờ A-tự-bà từ biệt Phật đi về phương Nam, còn Như Lai thì đi về hướng Bắc, ngang qua thành Già-da. Hôm sau có một vị Rồng tên Thiện Kiến ở trong thành đã thiết trai cúng dường Như Lai. Thọ trai xong, Như Lai đến thôn Lô-ê-đa-Bà-tô-đô, rồi lần lượt đi qua các thôn xóm như Đa-la, Sa-la, tại các thôn ấy Như Lai đều được các vị cư sĩ trưởng lão cúng dâng đầy đủ các món ăn cần thiết, dần dà thì đến bờ sông Hằng. Lúc đó nước sông tràn bờ chảy xiết, Như Lai muốn qua sông liền gọi người lái đò, người ấy đáp:
-Xin Ngài cho tôi tiền, tôi sẽ đưa Ngài qua sông.
Như Lai bảo:
-Ta không có tiền.
Người lái đò nói:
-Nếu Ngài không có tiền thì không thể qua sông được.
Như Lai lúc ấy bay vụt lên hư không chỉ một thoáng là sang tới bờ bên kia. Người lái đó trông thấy Phật hiện thần thông như thế thì tự trách mình:
-Ta quả là không có mắt để đưa vị Thánh qua sông.
Lòng ông ta bức rức, lo âu, buồn bực đến nỗi quỵ té trên đất hồi lâu mới tỉnh, liền tới chỗ vua Tần-bà-sa-la tâu lại mọi sự việc. Nhà vua nghe tâu bèn ra lệnh từ nay trở đi, các vị Sa-môn có qua sông thì không được lấy tiền đò.
Này các Tỳ-kheo, Như Lai đến thành Ba-la-nại, vào sáng sớm đắp y mang bát vô thành khất thực, trở về chỗ cũ ăn uống xong thì đi thẳng đến vườn Lộc dã. Lúc đó năm vị Bạt-đà-la từ xa trông thấy Thế Tôn liền bảo nhau:
-Sa-môn Cù-đàm buông thả tham đắm, không chịu giữ giới, muôn đoạn trừ phiền não lại chọn con đường đi thụt lùi làm mất hết công phu thiền định. Trước đây tu khổ hạnh còn chưa đạt được giác ngộ, huống gì ngày nay đã ăn uống tùy thích các món ngon vật lạ, thọ hưởng khoái lạc. Rõ ràng đó là một kẻ lười biếng, chẳng phải là Bậc Khí. Nay chúng ta gặp ông ấy chẳng cần phải cung kính, thăm hỏi, mọi công việc như sửa soạn chỗ ngồi, đem nước rửa chân hay lo chuyện ăn uống đều chẳng làm. Lúc ông ta đến gần thì cũng đừng đứng dậy, nếu ông ta muốn ngồi thì chỉ cái tòa thấp nhất cho ông ta.
Trong năm vị Bạt-đà-la chỉ có A-nhã Kiều-trần-như là không đồng ý với các vị kia. Bấy giờ Thế Tôn đến gần chỗ của năm vị Bạt-đà-la, với Phạm tướng uy nghi khiến họ tự cảm thấy bất an ví như chim bị nhốt trong lồng lại bị lửa bức bách. Các vị Tỳ-kheo nên biết, chúng sinh trong thế gian không ai trông thấy Phật mà có thể ngồi yên được.
Lúc đó, năm vị Bạt-đà-la đều làm trái với những điều mình vừa nói. Thấy Phật đến gần bất giác họ đều đứng dậy chào đón, rồi người thì lo dọn trải đồ ngồi, người thì lo đem nước cho Phật rửa chân, người thì lo tìm đồ lau chân, người nâng giữ ca-sa của Phật, tất cả đều nói là rất mừng khi gặp lại Trưởng lão Cù-đàm, mời Phật ngồi ở tòa cao nhất.
Khi Thế Tôn an tọa xong, năm vị kia ra phía trước lễ bái và vấn an rồi đứng qua một bên thưa:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, Ngài dung mạo đoan nghiêm, phong thái tịch tĩnh, thân tướng tỏa hào quang như vàng Diêm-phù và hoa Chiêm-ba, phải chăng Trưởng lão đã chứng được Thánh trí.
Đức Thế Tôn bảo năm vị ấy:
-Các vị chớ nên gọi Như Lai là Trưởng lão, điều ấy không thích hợp mà cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho các vị trong cõi sinh tử.
Lại nói:
-Ta đã chứng được pháp giải thoát. Ta đã thông tỏ con đường hướng tới giải thoát. Ta nay là Phật được Nhất thiết trí, tâm vô lậu tịch tĩnh luôn tự tại. Các vị hãy đến đây, Ta sẽ giảng dạy, trao cho các vị pháp ấy, các vị cần phải lắng nghe, lãnh hội, theo đó mà tu tập. Đối với thân hiện tại sẽ dứt sạch được mọi thứ phiền não, trí tuệ được sáng tỏ, an trụ trong cảnh giải thoát, các việc làm đưa đến thành tựu Phạm hạnh sẽ được hoàn tất, không còn phải thọ thân sau.
Đức Phật bảo năm vị Bạt-đà-la:
-Các vị lúc đầu nghi ngờ Ta nên đã nói rằng Trưởng lão Cù-đàm tham đắm lạc thú thế gian, không hề bền tâm giữ giới, muốn dứt trừ phiền não mà lại đi thụt lùi... nhưng khi Ta vừa đến gần thì mỗi vị đều tỏ ra bối rối và làm trái với những điều mình vừa bàn, như thế đủ thấy không nên gọi Như Lai là Trưởng lão.
Năm vị Bạt-đà-la đều cùng thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, chúng con nay xin được đứng trong hàng ngũ Phật pháp, làm Sa-môn.
Đức Phật nói:
-Lành thay các vị Tỳ-kheo!
Tức thì râu tóc cả năm vị đều rụng hết, vận pháp phục, trở thành năm vị Sa-môn, râu tóc như mới được cạo quá bảy ngày, oai nghi nghiêm trang như vị Tỳ-kheo trải qua trăm hạ. Năm vị Sa-môn liền đảnh lễ ngang chân Phật, sám hối những lầm lỗi từ trước, xem Như Lai là Bậc Đại Sư, sinh tâm vui mừng chiêm ngưỡng tôn quý.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đến ao nước để tắm rửa, rồi trở về chọn một chỗ tĩnh tọa và suy nghĩ: “Chư Phật thời quá khứ đã ngồi trên tòa thế nào để chuyển bánh xe chánh pháp?” Khi Đức Phật vừa khởi niệm đó, bỗng nhiên ở nơi ấy có đến ngàn tòa báu từ dưới đất vụt hiện lên. Như Lai liền rời tòa đang ngồi đứng dậy cung kính đi nhiễu quanh nhiều vòng rồi chọn tòa cao thứ tư ngồi kiết già, còn năm vị Bạt-đà-la đảnh lễ ngang chân Phật xong thì ngồi thành vòng phía trước Phật.
Này các Tỳ-kheo, bấy giờ Thế Tôn phóng luồng hào quang lớn chiếu sáng khắp Tam thiên đại thiên thế giới và từ trong màn lưới ánh sáng ấy phát ra bài tụng:
Từ cung trời Đâu-suất
Giáng sinh Lâm-tỳ-ni
Phạm Thích đều cung kính
Uy nghi Sư tử vương
Mười phương đi bảy bước
Tâm không hề nhiễm vướng
Liền dùng tiếng Phạm âm
Mà nói rõ lời này
Ta đối với tất cả
Là Tối tôn Tối thượng
Bỏ ngôi Chuyển luân vương
Vì lợi ích muôn loài
Sáu năm tu khổ hạnh
Đến ngự Bồ-đề tòa
Hàng phục các quân ma
Chóng thành đạo vô thượng
Phạm Thích cùng Thiên chúng
Thỉnh cầu chuyển pháp luân
Thương xót bao chúng sinh
Nên nhận lời khuyến thỉnh
Dùng nguyện lực kiên cố
Vườn Lộc dã hướng về
Nơi Tiên nhân bị đọa
Diễn thuyết pháp vô thượng
Pháp ấy qua bao kiếp
Tu tập và chứng được
Ai người ham thích nghe
Mau đến để lãnh hội
Thân người trời khó được
Phật ra đời khó hơn
Nghe pháp khởi lòng tín
Người ấy cũng ít có
Người tránh khỏi tám nạn
Nay được thân trời người
Gặp Phật nghe chánh pháp
Tâm tịnh tín tăng trưởng
Người trong trăm ngàn kiếp
Chánh pháp chưa từng nghe
May mắn nay được gặp
Cần phải gắng tu tập.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bài kệ được phát ra từ luồng hào quang ấy thức tỉnh tất cả chúng sinh ở các cõi trời người trong Tam thiên đại thiên thế giới hãy mau đến nghe. Đức Phật nay sắp chuyển bánh xe chánh pháp. Các trời, rồng... nghe được lời ấy đều từ nơi cung điện của mình vân tập đến chỗ Phật.
Bấy giờ Địa thần dùng thần thông khiến cho đạo tràng ấy trở nên rộng lớn đến bảy trăm do-tuần, khắp nơi đều vô cùng trang nghiêm thanh tịnh. Các vị trời thần ở giữa hư không đem vô sô" cờ phướn, dù lọng quý giá để trang trí tô điểm cho đạo tràng. Chư Thiên ở các cõi trời Dục giới và sắc giới cũng đem đến tám vạn bốn ngàn tòa Sư tử đặt nơi đạo tràng và mỗi vị đều thưa với Phật.
-Bạch Thế Tôn, hãy thương xót chúng con mà ngự nơi tòa này để chuyển cỗ xe chánh pháp.
Này các Tỳ-kheo, bấy giờ các phương Đông, Tây, Nam, Bắc bốn hướng và trên dưới mười phương quốc độ, vô lượng câu-chi Bồ-tát vốn đã gieo trồng phước đức từ trước, thảy đều tụ hội đến chỗ Phật, đi nhiễu quanh theo phía phải ba vòng rồi chắp tay cung kính khuyến thỉnh Như Lai nên mau chuyển pháp luân. Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế tứ vương cùng với vô số chúng chư Thiên trong mười phương Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh theo hướng phải ba vòng rồi chắp tay hướng về Phật, khuyến thỉnh Như Lai mau chuyển bánh xe chánh pháp. Tất cả các vị trong chúng hội đồng thưa:
-Cúi xin Thế Tôn vì lợi ích an lạc cho chúng sinh, xin thương xót nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh mà tưới mưa đại pháp, dựng ngọn cờ chánh pháp, thổi loa đại pháp, cử lên tiếng trông chánh pháp.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc đó, trong chúng hội có một vị Bồ-tát tên là Chuyển Pháp, nắm giữ các bánh xe báu có đủ ngàn nan hoa xinh đẹp trang nghiêm không gì có thể so sánh được, phóng ra hàng ngàn luồng ánh sáng, lại dùng các thứ tràng hoa, chuông quý, gấm lụa vi diệu cùng vô số các thứ châu báu tô điểm thêm. Do vì nguyện lực từ trước của vị Bồ-tát ấy cảm ứng mà có được bánh xe báu đó để cúng dường chư Phật, Như Lai thời quá khứ. Chư Phật đều có bánh xe quý giá đó rồi sau mới chuyển chánh pháp.
Khi ấy vị Bồ-tát ấy dâng bánh xe báu lên Như Lai và đọc bài kệ:
Nhớ quá khứ Thê Tôn
Được Nhiên Đăng thọ ký
Sẽ thành Bậc Chánh Giác
Hiệu Thích-ca Mâu-ni
Con cũng vào thời ấy
Đã phát nguyện lớn này
Bậc Đạo Sư thành Phật
Sẽ dâng bánh xe quý
Tất cả cõi trời người
Cùng tất cả Bồ-tát
Số ấy đông vô lượng
Đều vì chuyển pháp luân
Dừng hết thần lực mình
Đem mọi vật dâng cúng
Đài báu, hoa, dù lọng
Cùng kiếp chẳng nói hết
Cõi Tam thiên đại thiên
Trời, Người, A-tu-la
Chư Long, Thần các loại
Đều một lòng khuyến thỉnh.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Vào lúc đầu hôm, Như Lai chỉ yên lặng nhập định cho đến khoảng nửa đêm Như Lai mới an ủi vỗ về đại chúng khiến họ sinh tâm hoan hỷ, sau đó gọi năm vị Bạt-đà-la mà nói:
-Các vị cần phải biết, người xuất gia tu hành gồm có hai chướng ngại cần phải vượt qua. Hai điều ấy là gì? Một là tâm tham đắm cảnh dục mà không thể lìa bỏ được, đó là hạng người thấp kém ngu si không hiểu biết, đó chẳng phải là hạnh của bậc Thánh trí, chẳng hợp với đạo lý, không phải là nhân giải thoát, nhân của lìa dục, nhân thần thông cũng không phải là nhân thành Phật, nhân của Niết-bàn. Hai là không tư duy một cách chân chánh, tự làm khổ thân mình để mong cầu xuất ly, trong quá khứ hiện tại và vị lai đều phải nhận lấy quả báo đau khổ. Này các Tỳ-kheo, các vị cần phải lìa bỏ cả hai con đường lệch lạc ấy. Ta nay sẽ vì các vị nói rõ về Trung đạo, các vị phải lắng nghe và nỗ lực tu tập.
Thế nào gọi là Trung đạo? Đó là:
-Nhận thức chân chánh (Chánh kiến).
-Tư duy chân chánh (Chánh tư duy).
-Ngôn ngữ chân chánh (Chánh ngữ).
-Hành động tạo tác chân chánh (Chánh nghiệp).
-Sinh hoạt chân chánh (Chánh mạng).
-Siêng năng tinh tấn chân chánh (Chánh tinh tấn).
-Nhớ nghĩ chân chánh (Chánh niệm).
-Thiền định chân chánh (Chánh định).
Tám pháp như thế chính là Trung đạo.
Đức Phật giảng thêm cho năm vị Tỳ-kheo:
-Có bốn chân lý tối thượng. Bốn chân lý đó là những gì? Đó là Chân lý về khổ (Khổ đế); Chân lý về nguyên nhân của khổ (Khổ tập đế); Chân lý về sự diệt khổ (Khổ diệt đế) và Chân lý về con đường tu chứng diệt sự khổ ấy (Chứng khổ diệt đạo đế).
Này các Tỳ-kheo, thế nào là Chân lý về khổ?
Đó là sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, yêu thương mà biệt ly là khổ, ghét bỏ mà gặp nhau là khổ, cầu mong mà chẳng được là khổ, năm uẩn dấy mạnh là khổ. Đó chính là Chân lý về khổ.
Thế nào là Chân lý về nguyên nhân của khổ?
Đó là ái, thủ, hữu, hỷ cùng kết hợp với tham, sự mong cầu khoái lạc tột bậc chính là nguyên nhân tạo nên khổ. Đó chính là Chân lý về nguyên nhân của khổ.
Thế nào là Chân lý về sự diệt khổ?
Đó là sự tận diệt hết thảy mọi nguyên nhân gây ra khổ tức là ái, thủ, hữu, hỷ cùng kết hợp với tham, sự mong cầu khoái lạc tột bậc. Đó chính là Chân lý về sự diệt khổ.
Thế nào là Chân lý về con đường tu chứng diệt trừ khổ?
Đó là tám con đường chân chánh giúp cho hành giả dứt khổ đạt quả vị Giải thoát, gồm từ Nhận thức hiểu biết chân chánh cho đến Thiền định chân chánh. Đó chính là Chân lý về con đường tu chứng diệt trừ khổ.
Lại nói với các Tỳ-kheo:
-Chân lý về sự khổ ấy, trước kia Ta chưa từng nghe người khác nói, chỉ do khéo tư duy thuận theo đúng sự thật nên phát sinh sự hiểu biết, nhận thức thông tỏ rộng khắp và trí tuệ sáng suốt. Này các Tỳ-kheo, các Chân lý về nguyên nhân gây nên khổ; Chân lý về sự diệt khổ và Chân lý về con đường tu chứng diệt sự khổ ấy cũng vậy. Ta cũng chưa từng được nghe người khác nói, chỉ do khéo tư duy thuận theo đúng sự thật nên phát sinh sự hiểu biết, nhận thức thông tỏ rộng khắp và trí tuệ sáng suốt.
Lại nói với các Tỳ-kheo:
-Ta đã biết rõ khổ, đã dứt sạch nguyên nhân gây nên khổ, đã chứng đắc sự diệt khổ và tu tập theo con đường diệt khổ. Bốn pháp ấy, trước kia Ta cũng chưa từng được nghe người khác nói, chỉ do khéo tư duy thuận theo đúng sự thật nên phát sinh sự hiểu biết, nhận thức thông tỏ rộng khắp và trí tuệ sáng suốt.
Lại nói với các Tỳ-kheo:
-Trước kia, khi Ta chưa tìm ra bốn chân lý tối thượng, chưa đạt được trí tuệ vô thượng, trí tuệ chân chánh chưa phát sinh. Từ khi Ta chứng đắc bốn chân lý tối thượng chánh pháp luân này rồi, tâm Ta đạt giải thoát, tuệ được giải thoát, không hề bị thoái chuyển hay mất đi và Ta đã dùng chánh trí đó để đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề. Ta đã hoàn toàn dứt khỏi sự chi phôi sinh tử, phạm hạnh đã được khẳng định, mọi việc làm đã hoàn tất, không còn bị luân hồi nữa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn phát ra tiếng Phạm âm, Phạm âm ấy do thành tựu vô lượng công đức mà có được, do trải qua vô lượng kiếp tu tập chân thật không nhờ vào thầy chỉ dạy, tự mình giác ngộ mà có được. Đức Phật phát ra âm thanh vi diệu ấy nói với Kiều-trần-như và các vị kia:
-Các hình tướng mà mắt ta nhận thấy đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng. Giống như dùng cỏ mục, đất tạp mà làm thành tường cao thì rất nguy hiểm, không chắc chắn, dễ bị sụp đổ. Các lãnh vực nhận thức của tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân tiếp xúc, ý phân biệt cũng đều như vậy. Này Kiều-trần-như, tất cả các phấp do nhân duyên sinh, không có thể tánh, lìa mọi thường đoạn, ví như hư không. Cho dù không người tạo ra hay kẻ thọ nhận, các pháp thiện ác cũng không vì thế mà bị hoại diệt, mất đi.
Này Kiều-trần-như, sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thọ tưởng, hành, thức cũng đều như thế. Chính do ái là nhân duyên như nước nhuần ngấm mà các thứ khổ tăng trưởng. Nếu đạt được Thánh đạo thấy rõ các pháp đều là không thì có thể dứt trừ hẳn mọi thứ khổ não kia.
Này Kiều-trần-như, do vọng phân biệt, không tư duy một cách chân chánh mà sinh ra vô minh, không có pháp nào khác làm nhân cho vô minh, nhưng sự phân biệt ấy cũng không bao quát hết vô minh. Lại do vô minh mà sinh các hành, nhưng vô minh ấy cũng không bao quát hết các hành. Cho đến hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu sầu khổ não. Tất cá những thứ ấy làm nguyên nhân sinh khởi thế gian này, không có pháp nào khác có thể làm nguyên nhân sinh khởi các pháp thế gian, tuy sinh ra các pháp nhưng nhân đó lại không bao quát hết các pháp.
Này Kiều-trần-như, hoàn toàn không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, hay tướng thọ mạng, lìa bỏ thân này lại nhận thấy thân khác. Dựa vào sự thật đó mà tư duy, vượt lên mọi phân biệt thì vô minh diệt. Do vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục xứ diệt, lục xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên lão tử diệt, lão tử diệt nên ưu sầu khổ não cũng diệt. Như vậy mới có thể liễu ngộ tính chất nhân duyên sinh của uẩn, giới, xứ. Ngay khi đó sẽ đắc thành quả vị Đa-đà-a-già-độ A-la- ha Tam-miệu-tam Phật-đà (Như Lai, A-la-hán, Phật Chánh Giác). Đó là pháp thậm thâm vi diêu, các hàng ngoại đạo không thể liễu ngộ được.
Sau khi Thế Tôn vì Tôn giả Kiều-trần-như chuyển bánh xe pháp lần thứ ba giảng dạy về mười hai hành tướng của các pháp, Tôn giả Kiều-trần-như và các vị kia đều tỏ ngộ các pháp nhân duyên, dứt sạch các lậu, tâm ý giải thoát, chứng quả vị A-la-hán. Ngay lúc ấy, Tam bảo đã xuất hiện ở thế gian Đức Thế Tôn là Phật bảo; Mười hai hành tướng của các pháp được Thế Tôn vừa giảng dạy là Pháp bảo; năm vị Bạt-đà-la vừa chứng quả A-la-hán là Tăng bảo. Lúc Phật chuyển bánh xe chánh pháp có sáu mươi câu-chi chư Thiên ở các cõi trời thuộc Dục giới, tám mươi câu-chi chư Thiên thuộc các cõi trời Sắc giới cùng tám vạn bốn ngàn người đều lìa bỏ mọi thứ cấu nhiễm đạt pháp nhãn thanh tịnh.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Như Lai dùng Phạm âm vi diệu để chuyển bánh xe chánh pháp, âm thanh ấy vang đến khắp mười phương cõi Phật. Chư Như Lai ở các cõi ấy đều nghe được Phạm âm của Phật lần chuyển bánh xe pháp giảng về mười hai hành tướng của các pháp, cũng thấy Đức Thế Tôn chuyển pháp luân trong tại vườn Lộc dã thành Ba-la-nại.
Lúc này mười phương chư Phật đều im lặng không thuyết pháp, các vị Bồ-tát nơi các cõi Phật đều rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy thưa: -Bạch Thế Tôn, nay vì sao Như Lai im lặng không nói pháp?
Chư Phật các cõi ấy đều nói với các vị Bồ-tát:
-Các vị nên biết, Thích-ca Như Lai trải qua vô lượng kiếp siêng năng khổ cực tích chứa công đức, tinh tấn dũng mãnh tu tập đạo Bồ-tát, vượt qua vô lượng các hạnh Bồ-tát nên hiện ở thế giới Ta-bà đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Phật ấy vì lợi ích tất cả chúng sinh nên khởi tâm đại Bi mà chuyển pháp luân, phạm âm chuyển pháp luân ấy vang khắp mười phương vô biên các cõi. Ta nay đang lắng nghe âm thanh thuyết pháp ấy, vì thế mà im lặng.
Chư Bồ-tát ở các cõi nghe Phật nói rõ nguyên nhân như vậy đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, cùng phát đại nguyện:
-Nguyện con ở đời vị lai mau chứng quả Phật-đà, đem pháp nhãn vô lậu khai ngộ cho chúng sinh cùng đạt đến giác ngộ như chư Phật.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc đến trước Phật thưa:
-Bạch Thế Tôn, vô lượng chư Đại Bồ-tát muốn được nghe Như Lai nói về công đức của sự chuyển bánh xe chánh pháp. Cúi mong Thế Tôn nói rõ về tính chất của sự chuyển pháp luân ấy.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc cùng chư Bồ-tát:
-Thiện nam tử, pháp luân thậm thâm vì không thể nắm giữ được, pháp luân khó có thể nhận thấy vì cần phải lìa bỏ nhị kiến, pháp luân khó có thể tỏ ngộ vì nó lìa tác ý cùng bất tác ý, pháp luân khó có thể lãnh hội vì không thể dùng thức để phân biệt cũng như không thể dùng trí để hiểu rõ, pháp luân rất thuần tịnh vì phải dứt trừ hai chướng ngại thì mới có thể chứng được, pháp luân rất vi diệu vì khó dùng thí dụ để so sánh, pháp luân hết sức bền chắc vì chỉ có trí tuệ kim cang mới có thể đi vào được, pháp luân không thể ngăn cản được vì nó không có bờ bến hay giới mốc, pháp luân không có mọi thứ hý luận vì lìa xa mọi thứ bám víu, đắm trước ngoại cảnh, pháp luân là không cùng tận vì nó là thường trụ Bất thoái chuyển, pháp luân vang xa khắp nơi vì nó như hư không.
Này Bồ-tát Di-lặc, pháp luân nêu rõ bản tính của tất cả các pháp là tịch tịnh, không sinh, không diệt, không có nơi chốn, chẳng thể phân biệt cũng chẳng thể không phân biệt, chỉ rõ thật tướng, đưa thẳng đến bờ giác ngộ tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tác. Thể tánh ấy thanh tịnh lìa mọi tham dục, đồng nghĩa với Chân như, Pháp tánh, thật tế không hoại không đoạn, chẳng chấp trước không vướng mắc; khéo đi vào lý duyên khởi vượt qua nhị biên cũng chẳng ở nơi khoảng giữa, không thể làm cho nghiêng ngửa, khế hợp với Vô công dụng hạnh của chư Phật, chẳng tiến chẳng thoái, không ra không vào, cũng không có sở đắc, không thể dùng ngôn từ để diễn đạt. Tánh đó tuy nhất nhưng thể nhập vào các pháp lại là Bất nhị, không thể đứng yên cứng nhắc một chỗ; quy về chân lý đệ nhất, đi vào thật tướng các pháp, pháp giới bình đẳng vượt quá mọi số lượng, vượt quá mọi khái niệm diễn tả ngôn ngữ, không thể dùng trí phân biệt để lãnh hội, không thể dùng thí dụ để so sánh, bình đẳng như hư không, không lìa đoạn thường, chẳng hoại duyên khởi, cứu cánh tịch diệt không hề biến đổi, hàng phục các thứ ma, dẹp trừ hàng ngoại đạo, vượt qua cõi sinh tử đi vào cảnh giới chư Phật. Đó là con đường tu tập của bậc Thánh trí, là chỗ chứng ngộ quả vị Bích-chi, là chôn hướng tới của các bậc Bồ-tát. Chư Phật tán thán, tất cả Như Lai đều chứng đắc vô sai biệt như thế.
Này Bồ-tát Di-lặc, thể tánh của sự việc chuyển pháp luân là như vậy. Cho nên nếu có người chuyển pháp luân như thế thì đó là Phật, là Bậc Chánh tri kiến, là Bậc Tự Nhiên Giác Ngộ, là Bậc Pháp Vương, là Bậc Đạo Sư hay Đại Đạo Sư, là Vị Thương Chủ, là Bậc Hoàn toàn tự tại, là Bậc Pháp tự tại, là Bậc Chuyển pháp, là Vị Pháp thí chủ, là Vị Đại thí chủ, là Bậc Thiện hạnh, là Bậc Viên mãn, là Bậc Ý lạc sung mãn, là Bậc Thuyết giảng chánh pháp, là Bậc tìm ra Chánh pháp, là Vị an ủi vỗ về mọi chúng sinh đau khổ, là Bậc ung dung an trụ, là Bậc dũng mãnh chiến thắng mọi chướng ngại, là Bậc tạo ra ánh sáng phá trừ mọi tăm tối mê mờ, là Vị đưa cao ngọn đèn chân lý, là Bậc đại Y vương, là Vị Lương y chữa lành bệnh cho thế gian, là Vị đã nhổ sạch mọi thứ độc nhiễm, là Bậc đạt trí tuệ dứt mọi chướng ngại, là Bậc quan sát nhận biết toàn diện thấu suốt mọi căn tính của chứng sinh, là Bậc Phổ nhãn, là Bậc Phổ hiền, là Bậc tỏa ánh sáng cùng khắp, là Bậc đoan nghiêm không đắm trước. Vì như là đại địa nên gọi là bình đẳng, như núi chúa Tu-di nên gọi là bất động, thành tựu các công đức hơn hết so với thế gian nên gọi là Bậc Tối tôn, đạt được tất cả pháp nên gọi là Bậc Vô kiến đảnh, vượt khỏi mọi thứ phiền não của thế gian nên gọi là ngọn đèn tỏa sáng, đạt được sự thâm diệu tận cùng tối thượng nên gọi là biển rộng, đầy đủ tất cả các pháp bảo Bồ-đề phần nên gọi là nơi quy tụ các vật báu không bị buộc vướng, tâm giải thoát nên gọi là vô nhiễm, thông tỏ mọi pháp nên gọi Bậc Bất thoái chuyển, vì lợi ích muôn loài chẳng hề lựa chọn nơi chốn nên gọi là như gió, thiêu đốt sạch tất cả các thứ phiền não nên gọi là như lửa, rửa sạch hết thảy các phiền não phân biệt nên gọi là như nước, nhập vào pháp giới bình đẳng, không ở giữa cũng không ở mé bờ, trí tuệ thần thông vô ngại tự tại nên gọi là như hư không; trừ hết thảy mọi chướng ngại nên gọi là an trụ trong trí vô chướng ngại, diệu dụng của nhãn giới vượt mọi giới hạn ở thế gian nên gọi là Bậc Biến nhất thiết pháp giới, thân không nhiễm ở mọi cảnh giới thế gian nên gọi là Bậc Tối thắng, là Bậc Vô lượng trí, là Bậc pháp sư ở thế gian, là Bậc chế ngự hàng phục tất cả, là Bậc Xuất thế gian, là Bậc không nhiễm thế pháp, là Bậc Tối thắng ở thế gian, là Bậc Tự tại ở thế gian, là Bậc Đại nhân ở thế gian, là Bậc nương nhờ trông cậy ở thế gian, là Bậc đạt đến bờ bên kia ở thế gian, là ngọn đèn sáng của thế gian, là Bậc Tối thượng tối tôn ở thế gian, là Bậc đem lại lợi ích cho thế gian, là Bậc tùy thuận thế gian, là Bậc thông tỏ hết mọi sự việc thế gian, là Bậc Giáo chủ ở thế gian, là Bậc úng cúng của thế gian, là Bậc Đại phước điền, là Bậc Tốì thượng, là Bậc không gì có thể so sánh được, là Bậc hơn hẳn muôn loài, là Bậc luôn chân thật, là Bậc an trụ tâm bình đẳng với tất cả pháp, là Bậc đắc đạo, là Bậc nêu rõ chánh đạo, là Bậc giảng giải chánh đạo, là Bậc đã vượt qua mọi cảnh giới ma, là Bậc có năng lực chế ngự các loài ma, là Bậc đã vượt khỏi sinh tử đạt được thanh tịnh an lạc, là Bậc đã lìa bỏ vô minh tốì tăm, là Bậc đã dứt sạch mọi nghi ngờ lầm lạc, là Bậc đã lìa mọi phiền não, là Bậc đã lìa mọi mong cầu, là Bậc đã trừ hết mọi kiến hoặc, là Bậc giải thoát, là Bậc thanh tịnh, là Bậc đã lìa bỏ tham, sân, si, là Bậc đã diệt hết mọi hữụ lậu, là Bậc đã đạt tâm trí thanh tịnh giải thoát, là Bậc Túc mạng trí, là Bậc đại Long, là Bậc mà mọi việc làm đều đã xong, là Bậc lìa bỏ mọi gánh nặng, là Bậc không màng tư lợi, là Bậc xa lìa mọi trói buộc sinh tử, là Bậc đạt chánh trí tâm thiện giải thoát, là Bậc khéo đạt được tất cả tâm tự tại giải thoát, là Bậc hoàn tất tu Thí ba-la-mật, là Bậc hoàn tất tu Giới ba-la-mật, là Bậc hoàn tất tu Nhẫn ba-la-mật, là Bậc hoàn tất tu Tinh tấn ba-la-mật, là Bậc hoàn tất tu Thiền định ba-la-mật, là Bậc hoàn tất tu Trí tuệ ba- la-mật, là Bậc thành tựu mọi đại nguyện, là Bậc an trụ tâm đại Từ, là Bậc an trụ tâm đại Bi, là Bậc an trụ tâm đại Hỷ, là Bậc an trụ tâm đại Xả, là Bộc tinh cần nhiếp hóa muôn loài, là Bậc đạt được biện tài vô ngại, là Bậc tạo được chốn nương tựa lớn lao cho thế gian, là Bậc đại Trí, là Bậc thành tựu mọi niệm, tuệ, hạnh, giác; là Bậc đạt được chánh niệm, chánh đoạn, chánh thần túc thông, ngũ căn, ngũ lực, các pháp Bồ-đề phần Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na; là Bậc vượt qua biển lớn sinh tử, là Bậc an trụ nơi bến bờ giải thoát, là Bậc an trụ cõi tịch tĩnh, là Bậc đã đến nơi an ổn, là Bậc đã đến nơi vô úy, là Bậc đã hàng phục tiêu diệt các thứ ma phiền não, là Bậc Trượng phu Sư tử, là Bậc đã dứt mọi sự sợ hãi nơi thân mình, là Bậc không còn cấu nhiễm, là Bậc thông tỏ tất cả, là Bậc đạt đủ Tam minh, là Bậc đã vượt qua bốn con sông lớn trong cõi sinh tử, nắm vững chế ngự mọi việc nên gọi là Sát-đế-lợi; xa lìa mọi tội lỗi cầu nhiễm nên gọi là Bà-la-môn; phá trừ mọi thứ vô minh nên gọi là Tỳ-kheo; vượt khỏi cám dỗ đắm trước nên gọi là Sa-môn; dứt sạch hết thảy các lậu hoặc nên gọi là thanh tịnh; có đủ mười lực nên gọi là Bậc đại lực; thân khẩu ý đều tu tập hoàn tất nên gọi là Bậc Thế Tôn; là Vị Pháp vương nên được gọi là vị vua trong các vị vua, là Bậc Chuyển thắng pháp luân, là Bậc đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, là Bậc thuyết giảng các pháp thường hằng bất biến, là Bậc nắm giữ tất cả ngôi vị trí tuệ, là Bậc thành tựu bảy pháp báu Bồ-đề, là Bậc đã đạt được tất cả mọi cảnh giới pháp bảo, là Bậc được mọi người chiêm ngưỡng tôn quý, là Bậc có năng lực điều phục những gì khó điều phục nhất, là Bậc khéo có thể thọ ký cho các vị Bồ-tát, là Bậc đã đạt đủ bảy món tịnh tài, là Bậc đã thành tựu mọi thứ an lạc, là Bậc tâm ý luôn luôn buông xả, là bậc đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, là Bậc đã được trí tuệ kim cang thù thắng, là Bậc có tầm nhìn rộng lớn trùm khắp, là Bậc nhận thức tất cả pháp không bị chướng ngại, là Bậc trí tuệ bao la được thần thông diệu dụng ỉớn lao, là Bậc hoằng dương đại pháp, là Bậc luôn được mọi loài trong thế gian quy ngưỡng tổn kính không hề biết chán, là Bậc luôn tỏa ra hào quang vô cùng thanh tịnh, là Bậc luôn gần gũi với muôn loài ở thế gian, là Bậc thấu rõ mọi căn cơ của chúng sinh, là Bậc đại Oai nghiêm, là Bậc luôn được các hàng tu học và đã tu học hoàn tất cung kính vây quanh, là Bậc ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, là Bậc đại Tràng vương, là Bậc Biến Quang Minh, là Bậc Đại Quang Phổ Chiếu, là Bậc thông tuệ trước mọi vấn nạn, là Bậc dứt sạch mọi phân biệt, là Bậc Quang Minh Biến Chiếu, là Bậc đã đạt đến cõi ánh sáng Trí tuệ ba-la-mật thâm diệu khó biết khó thấy khó giải, là Bậc đại phạm, là Bậc uy nghi tịch tĩnh, là bậc thành tựu tất cả hạnh thù thắng, là Bậc giữ đủ sắc tướng vi diệu* là Bậc được muôn người chiêm ngưỡng không nhàm chán, là Bậc các căn đều tịch tĩnh, là Bậc tư lương luôn viên mãn, là Bậc đạt được sự điều hòa dịu dàng hòa ái, là Bậc đạt được sự thù thắng tịch tĩnh, là Bậc đã điều phục trọn vẹn các căn của mình, là Bậc được xem như voi chúa đã thuần phục, là Bậc như ao nước trong lành, gồm đủ ba mươi hai tướng tốt nên gọi là Bậc dứt hẳn mọi thứ tập khí chướng ngại, gồm đủ tám mươi vẻ đẹp làm cho thân sắc thêm trang nghiêm nên gọi là sắc tướng vi diệu tối thượng, là Bậc Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ nên được tôn xưng là Bậc đạt Tứ vô úy, trọn đủ mười tám pháp bất cộng của chư Phật nên được tôn xưng là Bậc Thầy của cõi trời người. Thành tựu tất cả mọi việc nên được gọi là Bậc đã đạt được Tam nghiệp thanh tịnh, chân chánh. Thành tựu tất cả mọi hành tướng của trí tuệ thanh tịnh nên gọi là Bậc an trụ vào cồi hư không. Liễu ngộ trọn vẹn tính chất duyên khởi bình đẳng của vạn pháp nên gọi là Bậc an trụ vô tướng. Ở nơi tất cả mọi nguyện cầu đều không tham đắm nên gọi là Bậc an trụ vô nguyện. Lìa bỏ mọi ràng buộc của các cõi nên gọi là Bậc Vô công dụng hạnh. Đạt đến cảnh giới trí tuệ vô tướng, hư không tướng, pháp giới chân như nên gọi là Bậc đạt ngôn ngữ chân thật, dứt sạch mọi ngôn ngữ hư vọng dối trá. Quan sát tính chất hư huyễn của sự vật như ảo ảnh trong sa mạc, như chiêm bao, như trăng trong nước, như tiếng vang trong hang sâu, như bóng trong gương nên gọi là Bậc Xả A-lan-nhã. Đi đứng uy nghi nhằm điều phục chúng sinh nên gọi là Bậc ung dung không vướng mác lầm lỗi. Đoạn trừ mọi vô minh phiền não ái dục nên gọi là thành trì của chánh pháp. Tạo nhân Niết-bàn nên gọi là Bậc có kiến văn đều lợi ích. Vượt qua cõi Dục giới nên gọi là Bậc đã lìa khỏi cảnh bùn lầy sinh tử. Vượt qua cõi sắc giới nên gọi là Bậc đã trừ phá hết mọi bóng dáng ma quân. Vượt qua cõi Vô sắc giới nên gọi là Bậc tạo dựng cờ phướn trí tuệ. Có pháp thân, trí thân nên được gọi Bậc xuất hiện từ vô biên công đức quý giá ở thế gian. Trí tuệ như hoa tươi nở thành quả giải thoát nên được ví như đại thọ. Là Bậc không dễ gì gặp được nên gọi là hoa Ưu-đàm. Theo tâm nguyện cầu đều được viên mãn nên gọi là Bậc quý giá như ngọc Ma- ni. Mọi hành nghiệp đều thành tựu nên gọi là Bậc nơi tay chân đủ tướng tốt. Ở nơi cõi sinh tử mà phạm hạnh kiên cố giữ gìn đầy đủ không hề bị chao đảo nên gọi là Bậc nơi dưới bàn chân gồm đủ tướng quý trang nghiêm. Ở trong cõi sinh tử mà theo chánh pháp cúng dường phụng dưỡng cha mẹ, các bậc Tôn trưởng cùng các bậc úng cúng, những người không nơi nương tựa làm chỗ nương tựa cho họ, không hề giết hại sinh mạng nên gọi là Bậc có chân tay dài đầy đủ tướng quý. Ở trong cõi sinh tử nguyện không giết hại sinh mạng, diễn thuyết về công đức không giết hại sinh mạng, khuyến bảo chúng sinh không giết hại cùng cứu giúp bảo vệ mạng sống nên gọi là Bậc có tay chân mềm mại dịu dàng. Ở cõi sinh tử luôn luôn cúng dường cha mẹ, phụng thờ các bậc Tôn thượng, úng cúng, đem các thứ dầu sữa ngon quý dâng hiến, tự tay chăm sóc vui vẻ không hề biếng trễ nên được gọi là Bậc tay chân gồm đủ tướng tốt. Ở nơi cõi sinh tử luôn tu tập các hạnh bố thí, ái ngữ, lợi ích, đồng sự để nhiếp thọ chúng sinh nên gọi là Bậc có tướng tốt là dưới bàn chân bằng phẳng. Ở nơi cõi sinh tử luôn luôn tăng trưởng các pháp thù thắng nên gọi là Bậc có tướng tốt: các lông trên thân đều xoay về phía bên phải và hướng lên cao. Ở trong cõi sinh tử luôn tự tay mình quét dọn tu bổ sửa chữa cúng dường các tháp của Phật, Như Lai, được nghe nói đến pháp thân của Như Lai lòng bồi hồi xúc động cho là điều hy hữu, lại vì chúng sinh diễn thuyết chánh pháp khiến cho mọi người nghe pháp đều sinh tâm hy hữu nên gọi là Bậc có tướng tốt đầu gối thon tròn như đầu gối nai chúa. Ở trong cõi sinh tử luôn thấu đạt chánh pháp, thọ trì đọc tụng theo đó mà tu tập, tỏ ngộ tính chất thâm diệu của kinh văn là phương tiện để đưa mình và người đạt đến giải thoát, đối với lão bệnh tử khổ, bức bách chúng sinh thường diễn thuyết pháp vi diệu, làm nơi nương tựa cho họ không hề dấy tâm khinh mạn nên gọi là Bậc có tướng tốt là nam căn ẩn giấu.
Ở trong cõi sinh tử luôn cung kính các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, bcí thí y phục, làm sáng tỏ đức hạnh thanh tịnh cùng tu mười điều thiện, luôn biết hổ thẹn cũng như khuyên dạy kẻ khác bền chí tu hành nên gọi là Bậc có tướng tốt là cánh tay thon dài.
Ở trong cõi sinh tử chẳng hề đau khổ hoặc sát hại chúng sinh, ba nghiệp thân khẩu ý luôn hòa hợp với tâm từ bi nên gọi là Bậc có tướng tốt thân hình như cây Ni-câu-đà.
Ở trong cõi sinh tử công việc ăn uống luôn điều độ chừng mực, gặp người bệnh thường cho thuốc men, đối với hạng chúng sinh thấp kém luôn sinh tâm thương xót, lại thường tu bổ các đền tháp hư nát hoặc xây dựng đền tháp mới, đối với hạng chúng sinh mang nặng sợ hãi thường đem pháp vô úy bố thí nên gọi là Bậc có tướng tốt là thân thể mềm mại tươi thắm. Ở trong cõi sinh tử luôn cúng dường Cha mẹ, Sư trưởng, các bậc ứng cúng, đem sữa dầu các thứ ngon quý dâng hiến, dùng nước trong ấp áp tắm rửa, xoa các thứ hương thơm, bố thí các thứ thượng diệu như là nhà cửa, quần áo, đồ ăn uống, thuốc men khiến họ được an ổn, lại dùng nước thơm rưới khắp các tháp miếu Như Lai, dùng hương hoa cờ phướn dù lọng quý để trang hoàng các tháp Phật nên gọi là Bậc có tướng tốt thân ánh lên sắc màu vàng ròng.
Ở trong cõi sinh tử thường tu hạnh từ bi nhẫn nhục, không hề gây đau khổ hay bức hại chúng sinh, khuyên dạy chúng sinh tu theo mười thiện hạnh, dùng vàng để tạo hình tượng Như Lai cùng tạo tháp miếu, hoặc dùng chất vàng để tô vẽ hình tượng Như Lai cùng tháp miếu hoặc dùng vàng tán nhỏ sơn thếp hình tượng Phật cùng tháp miếu, hoặc đem cờ phướn dù lọng quý giá trang hoàng hình tượng Phật cùng tháp Phật thêm phần trang nghiêm, hoặc dùng y phục, đồ ăn uống bố thí ba ân cho chúng sinh nên gọi là Bậc có tướng tốt nơi mỗi lỗ chân lông trên thân hình đều sinh ra một lông mềm phát ra ánh sáng phân minh rõ rệt.
Ở trong cõi sinh tử luôn gần gũi các bậc thiện tri thức, thường hỏi về các pháp chánh tà, các pháp nên tu, các pháp nào hạng cao, hạng vừa, hạng thấp, lựa chọn bậc thiện, pháp thiện mà gắng sức tu tập và luôn quét dọn tháp miếu Phật nên gọi là Bậc trụ trong bảy nơi cao quý.
Ở trong cõi sinh tử luôn đối với cha mẹ cùng các bậc ứng cúng như Sa-môn, Bà-la-môn, những vị đáng được tôn quý kính trọng đều hết lòng cúng dường, đối với hạng chúng sinh nghèo hèn thấp kém có những ước muốn mong cầu tùy sở nguyện của họ mà cung cấp y phục, đồ ăn uống, đồ dùng nằm ngồi, thuốc thang; lại chăm lo tu bổ vườn, rừng, ao, giếng, cung câp phương tiện cho người đứng ra sửa sang... nên gọi là Bậc có tướng tốt phần trên thân hình oai nghiêm như Sư tử.
Ở trong cõi sinh tử thường luôn cúng dường cha mẹ, sư trưởng, các bậc ứng cúng, đối với hạng người thấp kém không tỏ ý khinh mạn mà lại thương xót cứu giúp, nguyện lực trong hoàn cảnh như thế luôn được giữ vững, không khi nào thoái thất nên gọi là Bậc có tướng tốt là xương mắc cá chân không lồi lên.
Ở trong cõi sinh tử thường luôn tự suy xét về các lỗi lầm của mình, không tranh chuyện hơn thua, xa lìa hẳn mọi tranh cãi gay gắt giành giật, ba nghiệp thân khẩu ý luôn được thanh tịnh nên gọi là Bậc có tướng tốt hai vai bằng phẳng đầy đặn.
Ở trong cõi sinh tử đối với bậc Sa-môn Bà-la-môn luôn sinh tâm cung kính, ngưỡng mộ, đưa đón phải phép, khéo ghi nhận những lời dạy của các vị ấy để đạt được tâm vô úy; đối với kẻ hay tranh cãi kiện cáo thường khuyên dạy họ lìa bỏ, lại khuyên dạy các ma quân cùng tất cả chúng sinh tu đạo trung hiếu, tu hạnh thiện nghiệp phát huy Phật pháp nên gọi là Bậc có tướng tốt, cằm giống cằm của Sư tử.
Ở trong cõi sinh tử thuận theo những ham muốn an lạc của chúng sinh đều đem đến đầy đủ, lại khéo dùng lời nói an ủi vỗ về khiến họ luôn được vui vẻ, nguyện lực trong hoàn cảnh ấy luôn được giữ vững, bền chắc nên gọi là Bậc có tướng tốt gồm đủ bốn mươi cái răng.
Ở trong cõi sinh tử không hề nói năng thêu dệt, xúi người tranh cãi; nếu có xảy ra những trường hợp kiện cãi gay gắt thì luôn hòa giải hai phía, đều khiến họ vui vẻ nên gọi là Bậc có tướng tốt hai hàm răng đều khít nhau.
Ở trong cõi sinh tử thường xa lìa các việc ác, tu tập những hạnh lành, thường bố thí cho chúng sinh các món như sữa bơ quần áo sạch sẽ; dùng đất sạch tốt để tô trát, sửa sang, dọn dẹp tháp Phật, lại đem các thứ hoa tươi cúng dường nơi tháp Phật. Các công đức ấy luôn được hoàn tất nên gọi là Bậc có tướng tốt hai hàm răng trắng và đều đặn đẹp đẽ.
Ở trong cõi sinh tử mọi lời nói đều khiến cho chúng sinh sinh tâm an vui hoan hỷ, luôn đem tâm bình đẳng đối xử với mọi người, không hề xoi mói lỗi lầm của người khác, thường diễn nói chánh pháp để khuyên dạy muôn loài nên được tôn xưng là Bậc đạt được tối thượng vị trong sô các vị ngon của thế gian.
Ở trong cõi sinh tử không hề gây khổ não cho chúng sinh; đối với những kẻ bị khổ bức bách thì tùy theo trường hợp mà dốc sức chữa trị, trừ diệt, lại tùy theo ý muốn của họ mà cấp cho các món ăn vật lạ, tâm không tiếc rẽ nhỏ mọn nên gọi là Bậc có tướng tốt tiếng nói thanh nhã, vang xa như âm thanh của bậc Phạm thiên.
Ở trong cõi sinh tử không hề nói dối, nói lời thô bạo hung tợn, nói lời ác khẩu, thường an trú Tứ trụ xứ là Từ, Bi, Hỷ, Xả; dùng âm thanh dịu dàng hòa nhã vì chúng sinh mà thuyết pháp khiến họ đều sinh tâm hoan hỷ tín thọ nên gọi là Bậc có tướng tốt đôi mắt màu xanh biếc.
Ở trong cõi sinh tử đối với cha mẹ, sư trưởng luôn tỏ lòng tôn kính, xem tất cả chúng sinh như con mình, nếu có kẻ tìm đến mong cầu thì lấy tâm từ bi cứu giúp, khuyên dạy chúng sinh thường quán tưởng tượng Phật cùng tháp miếu Phật nên gọi là Bậc có tướng tốt lông mi mắt như lông mi trâu chúa.
Ở trong cõi sinh tử tâm không hèn kém, ý luôn quảng đại, thường khuyên dạy chúng sinh tu theo pháp vô thượng, xa lìa mọi buồn phiền, tâm ý ung dung tự tại hiện ra nơi nụ cười, gần gũi bạn lành, luôn đem lời an ủi khuyên nhủ nên gọi là Bậc có tướng tốt lưỡi lớn và dài.
Ở trong cõi sinh tử luôn xa lìa mọi thứ ngôn ngữ lầm lỗi, thường tôn kính ca ngợi các bậc Thanh văn, Bích-chi, Bồ-tát, Như Lai cùng các vị Pháp sư, thọ trì đọc tụng sao chép kinh điển, vì mọi người mà giảng giải chỉ dạy theo pháp tu tập nên được tôn xưng là Bậc có tướng tốt có Nhục kế nơi đảnh đầu và tướng Vô kiến đảnh.
Ở trong cõi sinh tử thường cung kính lễ bái cha mẹ, các bậc Tôn túc, Sa-môn, Bà-la-môn dùng các thứ dầu thơm xoa rắc lên chân hoặc làm cho tóc thơm sạch, tất cả mọi người đến chỗ mình đều dùng tràng hoa tươi cung kính quàng lên cổ nên được tôn xưng là Bậc có tướng tốt nơi khoảng giữa hàng lông mày có chòm lông trắng mịn mọc xoay theo phía phải, luôn phát ra hào quang trong lành.
Ở trong cõi sinh tử thường hay tổ chức những hội bố thí lớn, tùy theo sở nguyện của chúng sinh mà cung cấp đầy đủ, đồng thời khuyến khích chúng sinh cũng nên tu hạnh bố thí như vậy, lại thường gần gũi với bạn lành không hề rời bỏ, lại mong cầu đạo pháp, tôn quý sư trưởng, không nề khó nhọc, tâm không biếng nhác, đối với các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai, cha mẹ, sư trưởng... thường đem cúng dường các thứ dầu thơm, hương đèn... cùng tạo ra các hình tượng Như Lai oai nghiêm đẹp đẽ, dùng các món bảo vật để trang hoàng tôn nghiêm, lại dùng các chất quý giá màu trắng để tạo nên tướng tốt bạch hào nơi khoảng giữa hai hàng lông mày của hình tượng Như Lai, lại khuyên dạy chúng sinh phát tâm vô thượng Bồ-đề khiến họ tu tập theo vô lượng hạnh lành vì vậy nên được tôn xưng là Bậc có tướng tốt đạt được uy lực chí nguyện lớn lao, là Bậc đã thành tựu sức mạnh như Na-la-diên, là Bậc đã đạt đủ nguyện lực vô úy của Như Lai, là Bậc đã thuyết pháp chân chánh không sai lạc, là Bậc đã giác ngộ vô ngôn, là Bậc đã đầy đủ nguyện lực khiến cho chúng sinh tùy theo căn tánh mỗi loài mà hiểu biết chánh pháp, là Bậc không hề mất chánh niệm, là Bậc không hề tưởng niệm sai lạc, là Bậc thông tỏ thật tâm của tất cả chúng sinh, là Bậc đạt được tâm Phi trạch diệt xả, là Bậc luôn tu tập các pháp Tam-muội, là Bậc tinh tấn không thoái chuyển, là Bậc trí tuệ không thoái chuyển, là Bậc giải thoát không thoái chuyển, là Bậc giải thoát tri kiến không thoái chuyển, là Bậc từ trí tuệ thể hiện các hành động của thân khẩu ý luôn thích hợp với trí tuệ, là Bậc đã đạt được trí tuệ quán chiếu cả quá khứ, hiện tại và vị lai không hề bị chướng ngại, là Bậc đạt được sự giải thoát vô ngại, là Bậc khéo nhập vào mọi hành động của chúng sinh, là Bậc thuyết pháp luôn thích ứng, là Bậc có đủ năng lực vượt qua tất cả mọi âm thanh hình tướng, đạt đến bờ giải thoát, là Bậc đủ khả năng đối đáp bằng tất cả các loại âm thanh khác nhau, là Bậc có âm thanh như chim Ca-lăng-tần-già, là Bậc có âm thanh như tiếng trống trời vang rền, là Bậc có âm thanh như tiếng nhạc trời, là Bậc có âm thanh như tiếng đại địa chấn động, là Bậc có âm thanh như tiếng gào thét của biển lớn, là Bậc có âm thanh như tiếng kêu của Long vương, là Bậc có âm thanh như tiếng mây vần vũ chuyển động, là Bậc đạt được từng loại âm thanh của muôn loài, là
Bậc không đắm trước, không chướng ngại khiến cho mọi người đến chiêm ngưỡng đều sinh tâm hoan hỷ, là Bậc luôn được các vị Phạm thiên, Đế Thích, Tứ Thiên vương lui tới cúng dường, là Bậc luôn được các hàng A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già chiêm ngưỡng sinh tâm hoan hỷ không hề biết chán, là Bậc luôn được chúng Thanh văn vâng theo thực hiện các lời chỉ dạy, là Bậc được các hàng Bồ-tát cung kính ca ngợi, là bậc thuyết pháp không có mong cầu, là Bậc thuyết pháp mỗi câu mỗi chữ đều đem lại lợi ích cho muôn loài, là Bậc thuyết pháp luôn khế lý khế cơ.
Này Bồ-tát Di-lặc, Ta đã nói qua về các công đức của Như Lai, nếu nói đầy đủ thì cùng kiếp cũng không thể nói hết được.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nêu lại nghĩa trên, đọc bài kệ:
Không chốn, không hý luận
Không sinh cũng không diệt
Thể tánh là không tịch
Xe pháp chuyển như thế
Chẳng ra cũng chẳng vào
Không nhân cũng không tướng
Tất cả pháp bình đẳng
Xe pháp chuyển như vậy
Như mộng huyễn ảo ảnh
Trăng trong nước, tiếng vang
Đều không có tự tánh
Xe pháp chuyển như vậy
Pháp theo nhân duyên sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Lìa xa mọi ác kiến
Xe pháp chuyển như vậy
Xa lìa vượt Hữu, Vô
Chẳng pháp chẳng phi pháp
Vốn chẳng hề sinh diệt
Xe pháp chuyển như thế
Thật tế phi thật tế
Chân như chẳng chân như
Rõ thể tánh các pháp
Xe pháp chuyển như vậy
Mắt tai mũi lưỡi thân
Cùng ý đều chẳng thật
Thể tánh bặt suy lường
Xe pháp chuyển như thế
Đem xe chánh pháp ấy
Giác ngộ bao kẻ mê
Thể tánh tất cả pháp
Ta đều đã thông tỏ
Chẳng nhờ người khác trao
Nên gọi Bậc Tự Giác
Đạt được pháp tự tại
Nên gọi Bậc Pháp Vương
Thông tỏ lý, phi lý
Nên gọi Bậc Đạo Sư
Diễn thuyết pháp thích ứng
Giáo hóa khắp muôn loài
Đưa đến thẳng Niết-bàn
Nên tôn xưng Giáo Chủ
Vì bao kẻ mê lầm
Diễn nói pháp chân thật
Đưa về bến giải thoát
Nên gọi Vô Thượng Sư
Dùng trí cùng bốn nhiếp
Nhiếp phục khắp thế gian
Vượt rừng rậm sinh tử
Nên gọi là Thương Chủ
Đối pháp không ngăn ngại
Nên xưng Pháp Tự Tại
Chuyển cỗ xe chánh pháp
Nên tôn là Pháp Vương
Bậc Thầy nắm giữ pháp
Bậc Pháp Chủ tối thượng
Cũng gọi Đại Đức Chủ
Cũng gọi Giới nguyện đủ
Cũng gọi Thí vô úy
Bậc chỉ rõ Niết-bàn
Là Bậc luôn hàng phục
Cũng là Bậc Tự Giải
Là Bậc tâm năng ngộ
Trí tuệ luôn ngời sáng
Chiếu tỏa khắp muôn nơi
Xua vô minh tăm tối
Bậc Y Vương cho đời
Diệt mọi bệnh phiền não
Nhổ sạch bao tên độc
Bậc Vô Thượng Đạo Sư
Đủ ba mươi hai tướng
Cùng tám mươi vẻ đẹp
Thân sắc đều vi diệu
Tùy thuận theọ chúng sinh
Mười lực, bốn vô úy
Mười tám pháp bất cộng
Mâu-ni Đại thừa thắng
Gồm đủ mọi công đức
Xe chánh pháp vô thượng
Công Đức Như Lai nêu
Nếu muôn nói đầy đủ
Trọn kiếp không thể hết
Trí tuệ Phật vô biên
Như hư không rộng lớn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.32.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.