Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 8: VIẾNG ĐỀN THỜ CHƯ THIÊN
Lúc bấy giờ Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:
-Sau khi Bồ-tát sinh, hai vạn đồng nữ trong các gia đình giàu sang thuộc các tầng lớp Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Cư sĩ, Trưởng giả đều được chọn làm thể nữ cho Bồ-tát. Các bậc vương hầu đại thần cũng có hai vạn đồng nữ được chọn làm thể nữ cho Bồ-tát. Tất cả thể nữ ấy đều được sinh ra cùng một ngày với Bồ-tát. Lúc ấy các bậc kỳ lão trong dòng họ Thích cùng đi đến chỗ vua Du-đầu-đàn thưa:
-Tâu đại vương, nay đã đến lúc nên đem Thái tử đến viếng các đền thờ chư Thiên, để cầu cho muôn việc đều được an lành tốt đẹp.
Vua Du-đầu-đàn chấp thuận. Lập tức lệnh cho các ty sở lo việc sửa sang lại kinh thành; những chốn thị tứ đô hội, đường sá lớn nhỏ, nơi nào có những người mù, điếc, câm, ngọng, các căn chẳng đủ; các thứ đá sỏi rải rác dơ bẩn; những hiện tượng chẳng lành đều được dọn dẹp hoặc tập trung lại một chỗ. Vua cho gióng trống phước đức, khua khánh thiện tướng, khuyến khích đốc thúc các nơi đều phải sửa soạn trang hoàng và báo tin cho các vị Quốc vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Bà-la-môn đúng hẹn cùng tập hợp; sắp xếp vô số thể nữ, xe cộ để chuyên chở, và theo hầu; dùng các thứ bình an lành đựng đầy dầu thơm, nước thơm. Các con trai của Bà-la-môn được xếp đứng thành hàng tại các ngã tư, các con đường lớn, ca vịnh những khúc hát cầu chúc an lành; các đền thờ chư Thiên đều trang hoàng rất đẹp. Tất cả mọi việc đều được làm rất chu đáo.
Bấy giờ vua Du-đầu-đàn vào hậu cung nói với Ma-ha Ba-xà-ba-đề:
-Hôm nay chúng ta đưa Thái tử đến viếng đền thờ chư Thiên, dì cùng với các phu nhân phải lo sắp xếp chuẩn bị đầy đủ.
Ma-ha Ba-xà-ba-đề dùng các thứ y phục quý giá trang nghiêm mặc cho Bồ-tát. Bồ-tát vui thích nên mỉm cười, hỏi:
-Hôm nay sẽ đi thăm chơi ở đâu?
Di mẫu đáp:
-Vua cha cùng triều đình muốn đưa Thái tử ra thành, đến viếng đền thờ chư Thiên.
Bồ-tát liền đọc bài kệ:
Từ lúc Ta sinh ra
Cõi tam thiên chấn động
Hộ thế cùng Nhật nguyệt
Phạm Thích, chư Thiên, Rồng
Đều xuống Diêm-phù-đề
Cùng nhau tới đảnh lễ
Sao còn có trời nào
Ta sắp đến kính cáo
Ta là chủ các trời
Là Bậc trời tối thắng
Trời đã không thể sánh
Còn ai vượt hơn được?
Ví thuận theo thế tục
Nên cùng đến chốn ấy
Thấy uy thần của Ta
Tất cả đều hoan hỷ
Đó là vì biết Ta
Chủ cõi trời bậc nhất.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Dân chúng binh lính tụ hội ca ngợi chúc mừng các điều an lành như thế. Các cửa thành, đường sá lớn nhỏ, chợ búa thị tứ đều thanh tịnh.
Bấy giờ vua Du-đầu-đàn tự tay đưa Bồ-tát lên xe. Đoàn người gồm đủ các vị Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Đại Trưởng giả giàu có, Cư sĩ, Đại thần cùng các vị quốc vương, quyến thuộc tộc họ Thích trước sau lớp lớp nối nhau đi theo, đốt các thứ hương thơm, tung rải các thứ hoa đẹp đầy khắp các nẻo đường đi qua. Vô số voi ngựa, xe cộ, binh lính dân chúng đều mang các thứ cờ phướn, lọng dù quý giá, cùng với các loại trống nhạc, ca múa, hòa tấu hợp xướng vang lừng. Lại có trăm ngàn chư Thiên cùng ngự theo xe chở Bồ-tát, vô lượng trăm ngàn na-do-tha các vị Thiên tử cùng các thể nữ ở cõi trời, trụ giữa hư không tung rải các thứ thiên hoa, đàn tấu ca nhạc. Khi đoàn người cùng tùy tùng của vua Dư-đầu-đàn viếng đền thờ chư Thiên đông đảo, uy nghi như vậy đến nơi, vua cha tự tay bồng Bồ-tát đi vào Thiên miếu, vừa bước vào tới cửa đền thì các tượng chư Thiên trong đền đều đứng dậy, nghênh đón Bồ-tát rồi cung kính đảnh lễ. Lúc đó, trong chúng hội hàng trăm ngàn Thiên nhân đều vui mừng nhảy múa, hoan hỷ tột độ cùng nói:
-Lành thay, lành thay! Hết sức hy hữu.
Cùng lúc khắp cả đất nước Ca-tỳ-la hiện ra sáu cách chấn động. Các tượng chư Thiên, mỗi tượng đều hiện ra thân thật, đọc bài tụng:
Hạt cải cùng Tu-di
Vũng trâu và biển lớn
Đom đóm đối trời trăng
Đâu thể cùng một bậc
Chúng tôi như hạt cải
Cũng như vũng trâu nằm
Cũng bằng ánh đom đóm
Nên chúng tôi kính Ngài
Bồ-tát như Nhật nguyệt
Cũng như biển mênh mông
Vòi vọi như Tu-di
Chúng tôi nào dám sánh
Phước tuệ cùng uy lực
Đảnh lễ được lợi lớn
Khiến dứt trừ kiêu mạn
Gỉải thoát chứng Niết-bàn.
Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Lúc Bồ-tát thị hiện đến viếng thăm đền thờ chư Thiên, có ba vạn hai ngàn các vị Thiên tử cùng vô số chúng sinh phát tâm vô thượng Bồ-đề. Này các Tỳ-kheo, vì nhân duyên đó nên ta nhẫn chịu đến đền thờ chư Thiên. Phẩm 9: CÁC VẬT DỤNG QUÝ BÁU DÙNG TRANG SỨC
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy có vị đại thần tên ưu-đà-diên, vốn giỏi về việc xem sao tính ngày tháng, cùng với năm trăm người trong quyến thuộc, vào lúc mặt trăng rời khỏi sao Chẩn hợp với sao Giốc, đã đến vương cung tâu với vua Du-đầu-đàn:
-Xin Hoàng thượng cho làm các vật dụng quý giá để trang sức cho Thái tử.
Vua đáp:
-Phải đấy! Hãy cho thực hiện gấp việc ấy.
Năm trăm vị đại thần trong tộc họ Thích, mỗi người đều chế tạo các thứ vật dụng quý giá để dâng lên cho Thái tử gồm có nhẫn, vòng ngọc, xâu chuỗi để đeo mang nơi ngón tay, tai, cổ, ngực; để trang sức nơi đầu, dây lưng nạm ngọc, cùng các thứ hài, chuông, khánh quý giá bằng kim cương... Các vật dụng quý giá dùng để trang sức đều đã hoàn thành đầy đủ. Khi ấy sao Phất-sa thẳng hợp với mặt trăng, các vị trong tộc họ Thích mang các vật dụng ấy đến vương cung, cùng thưa với vua Du-đầu-đàn:
-Tâu đại vương, chúng tôi đã làm đủ các vật dụng dùng để trang sức cho Thái tử, nay xin được dâng lên cho Thái tử.
Nhà vua đáp:
-Các vị hãy đợi đã! Trước đây các vị cũng đã cúng dường nhiều thứ lắm rồi. Trẫm nay cũng đã sai làm cho Thái tử các vật dụng như thế.
Các vị trong tộc họ Thích lại tâu:
-Đây là ý nguyện hiến cúng của chúng tôi, đâu dám mong được Thái tử thọ nhận luôn, chỉ mong được hứa là vật dụng của mỗi người được Thái tử ngự dụng trong bảy ngày, thế cũng là mãn nguyện.
Sáng sớm hôm sau, Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng các thể nữ bồng đưa Thái tử đến vườn Vô cấu quang minh, lấy các đồ trang sức quý giá ấy trang điểm cho Thái tử. Lúc ấy có tám vạn bốn ngàn thể nữ nghinh đón hầu cận Bồ-tát; có một vạn đồng nữ chiêm ngưỡng Bồ-tát; có một vạn đồng nữ thuộc dòng họ Thích cung kính chiêm ngưỡng Bồ-tát; lại có năm ngàn vị Bà-la-môn ca ngợi Bồ-tát. Tất cả đều khởi tâm khâm phục quý trọng, vui thích không biết chán. Cùng lúc, có một vị thuộc dòng họ Thích tên Bạt-đà-la đem các thứ y phục trang quý giá nghiêm mà ông đã làm khoác lên người Bồ-tát. Đúng lúc đó từ thân Bồ-tát tỏa ra vầng hào quang làm mờ hẳn các thứ bảo vật đang mang trên người, ví như một vết mực đối với vàng Diêm-phù-đàn.
Bấy giờ trong vườn có vị thần tên Ly Cấu hiện thân đến trước vua Du-đầu-đàn cùng nhóm quyến thuộc họ Thích đọc bài kệ:
Giả sử Tam thiên giới
Vàng ròng đầy khắp nơi
Một chút Diêm phù kim
Ánh lên vàng mất sắc
Giả sử Diêm-phù kim
Đầy khắp Tam thiên giới
Hào quang Bồ-tát hiện
Sắc vàng ấy mờ hẳn
Ánh sáng thật viên mãn
Trăm phước tướng trang nghiêm
Thân Ngài thanh tịnh thế
Há chỉ đẹp bên ngoài
Nhật, nguyệt, sao, màu ngọc
Phạm thích chư Thiên sáng
Đối hào quang Bồ-tát
Mọi sắc kia đều mờ
Cảm tịnh nghiệp quá khứ
Các tướng tự nghiêm trang
Đâu đợi người trần thế
Dâng cúng vật điểm thân
Nên bỏ mọi hiến cúng
Các vật báu trang nghiêm
Lấy về tự trang điểm
Bồ-tát chẳng mong cầu
Bồ-tát chẳng đòi hỏi
Nên đem cho Xa-nặc.
Thiên thần đọc kệ xong Tức thì biến mất dạng Vua cùng với tộc họ Càng tin chuyện hy hữu Tràn ngập mừng vui, bàn Họ Thích sẽ hưng thịnh. Phẩm 10: CHỈ RÓ VỀ CÁC THỨ KINH SÁCH CHỮ NGHĨA
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Khi Bồ-tát vừa tròn bảy tuổi, Ngài đã đầy đủ cung cách uy nghi, trăm ngàn điều tốt lành. Vua cha chuẩn bị để Bồ-tát đến học đường, có tới mười ngàn đồng nam, một vạn đồng nữ vây quần cùng đi với Bồ-tát đến trường học. Một vạn cỗ xe chở các món ăn thượng vị cùng những vật phẩm quý giá. Khắp các đường phố trong kinh thành Ca-tỳ-la và các làng mạc quanh vùng đều ra mừng đón. Trăm ngàn các thứ âm nhạc đồng hòa âm cùng với hoa trời rải xuống như mưa. Lại có vô số trăm ngàn thể nữ trang phục đẹp đẽ đeo đầy các chuỗi ngọc anh lạc, hoặc ở nơi lầu gác mái hiên, hoặc ở nơi cửa ngõ đền điện chiêm ngưỡng Bồ-tát, dùng các thứ hoa đẹp từ xa tung rải lên Ngài. Lại có trăm ngàn thể nữ ở cõi trời ăn mặc trang điểm đẹp đẽ, mỗi vị cầm bình báu đựng đầy nước thơm đi trước rưới khắp con đường Bồ-tát đi. Chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la- già..., mỗi vị ở trên hư không hiện nửa thân hình tay cầm vòng hoa, các xâu chuỗi anh lạc, châu báu giăng treo khắp trên cao. Tất cả các vị trong tộc họ Thích trước sau vây quanh cùng đi với vua Du-đầu-đàn đưa Bồ-tát đến trường học.
Khi Bồ-tát vừa tới trường, thầy dạy là bác sĩ Tỳ-xa-mật-đa thấy Bồ-tát uy đức tột bậc, tự thấy mình như không đủ sức làm thầy Bồ-tát, sinh tâm vô cùng hổ thẹn, đầu óc choáng váng nên ngã lăn ra đất. Lúc ấy một vị Thiên tử ở cõi trời Đâu-suất tên Diệu Thân vội đỡ bác sĩ Tỳ-xa-mật-đa, đưa về chỗ cũ rồi bay vút lên hư không đọc bài tụng:
Tất cả học nghệ ở thế gian
Từ vô lượng kiếp đã tu tập
Vì muốn khích lệ các đồng tử
Tùy thuận thế pháp đến học đường
Lại muốn chế ngự mọi chúng sinh
Khiến nhập chân thật Đại thừa pháp
Hiểu rõ nhân duyên, thấu Tứ đế
Diệt mọi phiền não đạt thanh tịnh
Bậc Tối Tôn, chủ mọi cõi trời
Bậc thí cam lộ vượt tất cả
Mọi nẻo tâm ý của chúng sinh
Chỉ trong một niệm đều thông suốt
Các pháp tịch diệt đã tỏ ngộ
Huống chi văn tự phải học hỏi.
Lúc ấy vị Thiên tử nói kệ xong, liền dùng các thứ thiên hoa, thiên hương cúng dường Bồ-tát rồi vụt biến mất. Vua Du-đầu-đàn ra lệnh cho các đồng tử và các bảo mẫu trông coi, hầu hạ Bồ-tát, rồi vua trở lại hoàng cung. Bấy giờ Bồ-tát tay cầm thiên thư làm bằng những thẻ chiên-đàn, có xoa các thứ thiên hương và được tô điểm, nạm bằng các thứ ngọc quý ma-ni sáng rực. Bồ-tát hỏi thầy dạy:
-Sách Phạm-mị, sách Khư-lô-sắt-để, sách Bô-sa-ca-la, sách Ương-già-la, sách Ma-ha-để, sách ương-cù, sách Diệp-bán-ni, sách Sa-phú-ca, sách A-ba-lô-sa, sách Đạp-tỳ-la, sách Kế-la-na, sách Đa-ta-na, sách ức-kỳ-la, sách Tăng-kỳ, sách A-bạt-mâu, sách A-nô-lô, sách Đạt- la-đà, sách A-sách, sách Chi-na, sách Hộ-na, sách Mạt-đề-át-sát-la- mật-đát-la, sách Phất-sa, sách Đề-bà, sách Na-già, sách Dạ-xoa, sách Càn-thát-bà, sách Ma-hầu-la, sách A-tu-la, sách Ca-lâu-la, sách Khẩn-na-la, sách Mật-phú-già, sách Ma-du, sách Bạo-ma-đề-bà, sách An-đa- lực-xoa-đề-bà, sách Câu-đa-ni, sách uất-đơn-việt, sách Phất-đề, sách Ôc-khế-bà, sách Nặc-khế-ba, sách Bát-la-khế-ba, sách Bà-kiệt-la, sách Bạt-xà-la, sách Lệ-khư-bát-la-để-lệ, sách Ti-khế-ba, sách An-nô-bát-đô-đa. sách Sai-xá-tát-đa-bà, sách Kiêt-ni-na, sách Ô-sai-ba, sách Nặc-sai-ba, sách Ba-đà-lệ-khư, sách Địa-đát-la-ô-tán-địa, sách Dạ-bà- đạt-xa, sách Bạt-đà-bán-địa, sách Mạt-đề-la-hý-ni, sách Tát-bà-lũ-đa- tăng-già-ha, sách Bà-thi, sách Tì-đà-a-nô-lộ-ma, sách Ni-sư-đáp-đa, sách Hồ-lô-chi-ma, sách Đà-la-ni-nhàn-đa, sách Già-già-na-tất-lợi-kỳ- na, sách Tát-bà-ôc-sát-địa-lưỡng-sản-đà, sách Bà-kiệt-la, sách Tăng-già-ha, sách Tát-bà-ỉộ-đa-hầu-lâu-đa. Trong sáu mươi lăm bộ sách kể trên, thầy muốn dùng bộ sách nào để dạy?
Lúc ấy thầy dạy Tỳ-xa-mật-đa được nghe những bộ sách mà bản thân chưa từng nghe, lòng vô cùng hoan hỷ, tự dứt bỏ hết mọi ý tưởng tự phụ, cất tiếng đọc bài tụng:
Bậc Thắng trí thanh tịnh ít có
Đã tự thông thạo tất cả pháp
Học đường hỏi thầy về phép học
Nói ra bao sách chưa từng nghe
Vô kiến đảnh tướng thật tôn quý
Diện mạo uy nghi chưa, từng gặp
Thần lực trí tuệ khó ai hơn
Tài nghệ thật đáng giáo huấn ta
Trí còn thiển lậu ta nên học
Bao nhiêu sách vở thật chưa tường
Là Bậc Tối Thượng chủ mọi trời
Thế gian thật không ai sánh nỗi.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Lúc bấy giờ mười ngàn đồng tử cùng Bồ-tát đầu tiên học các chữ mẫu với thầy. Lúc đọc to chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên tất cả các hành là vô thường; khi đọc kéo dài chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên tinh thần tự lợi lợi tha; lúc đọc to chữ Y thì đồng thời phát ra âm thanh nói về các pháp môn căn bản rộng lớn; khi đọc kéo dài chữ Y thì đồng thời phát ra âm thanh nói về tất cả các thứ bệnh tật ở thế gian; lúc đọc cao giọng chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự phiền não loạn động của thế gian; khi đọc to chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên trí tuệ của tất cả chúng sinh trong thế gian còn thấp kém, hẹp hòi; lúc đọc to chữ Oánh thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt hết mọi thứ âu lo tội lỗi; lúc đọc to chữ Ái thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất uy nghi thù thắng; khi đọc to chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh muốn lìa bỏ dòng thác sinh tử để đạt đến giải thoát; lúc đọc to chữ Áo thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện mọi sự biến hóa lưu chuyển; lúc đọc to chữ úm thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất vô ngã, vô ngã sở của mọi vật mọi pháp; lúc đọc to chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất tịch diệt của tất cả pháp; lúc đọc cao giọng chữ Ca thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự thâm hiểu về nghiệp quả; lúc đọc to chữ Khư thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ tất cả các pháp vốn mênh mông vắng lặng như hư không; lúc đọc cao giọng chữ Già thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự thấu hiểu giáo pháp duyên khởi sâu xa; khi đọc to chữ Già thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự diệt trừ tất cả màn lưới vô minh tăm tối, mê mờ sâu dày; lúc đọc to chữ Nga thì đồng thời phát ra âm thanh bày tỏ sự dứt trừ vòng luân chuyển mười hai chi của chúng sinh; lúc đọc to chữ Giả thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự quán sát Tứ diệu đế. Lúc đọc cao giọng chữ Xa thì đồng thời phát ra âm thanh mong muốn dứt sạch mọi tham dục; lúc đọc to chữ Xã thì đồng thời phát ra âm thanh mong vượt qua biển sinh tử đạt đến bờ giải thoát; lúc đọc to chữ Xà thì đồng thời phát ra âm thanh mong hàng phục hết thảy các thứ ma quân; khi đọc to chữ Hoại thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự khai ngộ cho tất cả chúng sinh; khi đọc cao giọng chữ Trá thì đồng thời phát ra âm thanh mong được vượt thoát mãi các nẻo đường trong sáu cõi; khi đọc to chữ Đà thì đồng thời phất ra âm thanh mang tính chất đối đáp; khi đọc cao giọng chữ Trà thì đồng thời phát ra âm thanh nói về sự đoạn trừ tất cả ma oán, não loạn; khi đọc to chữ Trà thì đồng thời phát ra âm thanh nêu rõ mọi cảnh giới đều là bất tịnh; khi đọc cao giọng chữ Noa thì đồng thời phát ra âm thanh mong đoạn sạch tất cả các phiền não vi tế; khi đọc cao giọng chữ Đa thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ sự không sai khác trong chân như của tất cả pháp; khi đọc cao giọng chữ Tha thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sức mạnh của tinh thần vô úy; khi đọc cao giọng chữ Đà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện việc giữ giới nghiếm túc; khi đọc to chữ Đà thì đồng thời phát ra âm thanh mong đạt bảy món tài sản của bậc Thánh; khi đọc cao giọng chữ Nà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự thông tỏ về thân và tâm; khi đọc cao giọng chữ Ba thì thanh thể hiện sự thông tỏ về thân và tâm; khi đọc cao giọng chữ Ba thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự chứng đạt chân lý tuyệt đối; khi đọc cao giọng chữ Phả thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự chứng đắc các quả vị ngay trong hiện tại; khi đọc cao giọng chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự giải thoát mọi trói buộc; lúc đọc to chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt sạch mọi pháp hữu lậu; lúc đọc cao giọng chữ Ma thì đồng thời phát ra âm thanh bày tỏ sự tiêu diệt mọi niệm kiêu mạn; lúc đọc to chữ Dã thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự thông đạt tất cả các pháp; khi đọc to chữ La thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tâm niệm chán ghét, xa lìa sinh tử, vui thích chân lý giải thoát tuyệt đối; lúc đọc cao giọng chữ La thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện ý chí đoạn sạch cội rễ sinh tử; lúc đọc cao giọng chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện pháp môn thượng thừa tối tôn tôi thắng; lúc đọc to chữ Xả thì đồng thời phát ra âm thanh nêu bật ý nghĩa pháp môn Tam-muội chánh định, chánh tuệ; khi đọc cao giọng chữ Sa thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện việc chế ngự, điều phục sáu xứ đạt sáu loại thần thông; khi đọc to chữ Ta thì đồng thời phát ra âm thanh nêu rõ sự chứng đắc Nhất thiết trí; khi đọc to chữ Ha thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt sạch tất cả nghiệp tạo tác của phiền não; khi đọc to chữ Sai thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ văn tự không thể diễn tả, biểu hiện trọn vẹn tất cả pháp.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Khi Bồ-tát cùng với các đồng tử ở học đường cùng đọc to các mẫu tự thể hiện vô lượng trăm ngàn âm thanh của các pháp môn khiến cho ba vạn hai ngàn đồng nam, ba vạn hai ngàn đồng nữ đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đó là nhân duyên Bồ-tát thị hiện đến học đường. Phẩm 11: XEM CÔNG VIỆC NHÀ NÔNG
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Theo năm tháng dần trôi, Bồ-tát ngày càng lớn mạnh. Một hôm cùng với các trẻ em trong họ Thích ra khỏi kinh thành dạo chơi xem xét, Bồ-tát đi đến một khu đất rộng, trông thấy những người nông phu đang làm việc cực nhọc. Bồ-tát nhìn cảnh ấy xong liền khởi tâm từ bi thương xót thế gian có những cảnh khổ như vậy, bèn suy nghĩ:
-Ta nên tìm nơi nào vắng vẻ yên tịnh để có thể ngồi suy nghĩ về cách lìa bỏ sự khổ đau ấy.
Thấy gần đó có cây Diêm-phù cao lớn, cành lá um tùm xanh tươi rất đẹp, Bồ-tát liền đến dưới gốc cây ấy ngồi kiết già ngay ngắn, bắt đầu tư duy. Bồ-tát tập trung tâm ý xa rời mọi ý niệm tham dục xấu ác, nhưng vẫn còn cảm nhận và quan sát; rồi tâm Ngài từ từ xa lìa mọi ý niệm hỷ lạc đã sinh ra trước đó trụ vào Sơ thiền, tâm thuần nhất, hoàn toàn thanh tịnh dứt mọi cảm nhận của giác quan; rồi Ngài lại xa bỏ mọi hỷ lạc đã sinh ra ở Sơ thiền, trụ vào Nhị thiền; Ngài tiếp tục lìa xa mọi cảm thọ hỷ với lời dạy của các bậc Thánh, trụ tâm vào xả bỏ các ý niệm, tư tưởng, thân tâm Ngài đạt được sự an lạc trụ trong Tam thiền; cuối cùng Ngài dứt hẳn các niệm tưởng về khổ lạc, diệt hết trạng thái ưu hỷ, chẳng còn khổ lạc, tâm niệm Ngài thanh tịnh tuyệt đối trong Tứ thiền.
Lúc ấy có các vị Tiên ngoại đạo đã đạt ngũ thông, bay lên hư không từ Nam ra Bắc, khi bay đến phía trên cây Diêm-phù thì bỗng không thể vượt qua được. Họ liền tự hỏi nhau do đâu mà hôm nay không thể bay qua khỏi cây Diêm-phù này, tâm các vị Tiên-ấy càng kinh sợ, khắp thân nổi gai, bèn đọc bài kệ:
Chúng ta từng bay khắp
Núi Tu-di, Kim cang
Núi cao kiên cố thế
Qua lại đâu ngại gì
Ví như loài voi lớn
Nhẹ vượt khu rừng nhỏ
Việc ấy chẳng gì khó
Sức ta cũng như vậy
Lại cũng từng bay qua
Cung điện Rồng, Trời, Thần
Đều chẳng bị trở ngại
Thảy không hề vướng mắc.
Nay gặp thần lực ai
Chế ngự thần thông ta
Nơi rừng Diêm-phù này
Đột nhiên chẳng qua được?
Lúc ấy trong rừng cây có vị thần đọc bài kệ đáp:
Thái tử con vua Du-đầu-đàn
Ví như trăng tròn đầy trong sáng
Thân tướng như mặt trời vừa mọc
Diện mạo tợ như sen nở thắm
Đang trú dưới tàng cây Diêm-phù
Kiết già Người nhập vào diệu định
Nhiều kiếp đã từng tu thiện hạnh
Nên trừ phiền não đạt thanh lương
Chính do uy thần Bậc Đại Sĩ
Khiến người không thể vượt bay qua.
Bấy giờ các vị Tiên nghe rõ bài kệ ấy, từ xa nhìn thấy Bồ-tát hào quang rực rỡ, tướng hảo tuyệt vời nên sinh tâm ngạc nhiên cho là điều lạ lùng ít có, cùng hỏi nhau:
-Người ấy là ai mà dung mạo uy nghi đến thế? Là Đế Thích, Tứ vương, Ma vương, Long vương hay là vị thiên chủ Ma-hê-thủ-la, hay là trời Tỳ Nữu hoặc một bậc Chuyển luân thánh vương?
Liền đó các vị Tiên đọc bài kệ ca ngợi:
Thân sắc hơn hẳn Tứ hộ thế
Thích Phạm, Nhật, Nguyệt Tự tại thiên
Tướng tốt phước đức không ai bằng
Thanh tịnh lìa nhiễm hẳn là Phật.
Vị Lâm thần liền đọc bài kệ đáp các vị Tiên:
Thích Đề-hoàn Nhân và Hộ thế
Phạm vương, Tỳ-nữu cùng Tự tại
Nếu sánh uy quang với Bồ-tát
Trăm ngàn vạn phần chẳng được một.
Các vị Tiên nghe xong bài kệ liền từ trên không bay xuống đất đến trước Bồ-tát, mới thấy Bồ-tát đang nhập định thâm diệu, thân tâm chẳng động. Một vị Tiên đọc bài kệ ca ngợi:
Lửa phiền não thế gian
Ngài là ao dịu mát
Dùng các pháp tối thượng
Để diệt trừ nhiệt não.
Một vị Tiên khác đọc kệ tán thán:
Vô minh phủ thế gian
Ngài là đèn trí tuệ
Dùng tịnh pháp thù thắng
Dứt trừ mọi tối tăm.
Lại có một vị Tiên đọc kệ ca tụng:
Biển phiền não thế gian
Ngài là thuyền bè lớn
Dàng các pháp tối thượng
Đưa người lên bờ giác.
Lại có một vị Tiên khác đọc bài kệ ngợi ca:
Thế gian già bệnh khổ
Ngài là Đại y vương
Dùng các pháp vi diệu
Tế độ đạt an lạc.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc đó các vị Tiên ca ngợi Bồ-tát xong, đảnh lễ đi nhiễu quanh chỗ Bồ-tát ngồi rồi bay lên hư không rời khỏi chỗ đó.
Lúc đó, vua Du-đầu-đàn, trong một thời gian ngắn chẳng thấy Bồ-tát đâu cả, lòng lo lắng chẳng vui, bèn nói:
-Không rõ hiện giờ Thái tử đang ở đâu?
Nhà vua lập tức sai quần thần tìm kiếm khắp nơi. Một vị đại thần tìm đến cây Diêm-phù, thấy Bồ-tát đang ngồi kiết già tư duy dưới gốc cây ấy. Bóng của các cây khác đều di chuyển theo ánh mặt trời, chỉ riêng bóng cây Diêm-phù là đứng yên che mát chỗ Bồ-tát ngồi. Vị đại thần ấy thấy rõ mọi việc như thế, tâm nghĩ thật là việc ít có, vội trở về tâu với vua:
-Thái tử đang ngồi yên tĩnh nơi gốc cây Diêm-phù, bóng cây đứng yên chẳng di chuyển, các tướng tốt trông thật hết sức trang nghiêm, uy đức sáng chói hơn cả Phạm vương Đế Thích.
Vua Du-đầu-đàn nghe vị đại thần tâu như thế liền đích thân đến chỗ cây Diêm-phù, trông thấy Bồ-tát đang ngồi nhập định, tướng hảo trang nghiêm uy quang ngời chói, vua liền đọc bài kệ tán thán:
Ví như đuốc sáng trên đỉnh núi
Cũng như trăng tỏ giữa trời không
Thái tử an trú trong thiền định
Lòng trẫm yên vui chẳng ngại lo. Phẩm 12: HIỆN RÕ TÀI NGHỆ
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bồ-tát bấy giờ đã thành niên, một hôm vua cha cùng các bậc kỳ lão trưởng đức trong tộc họ Thích bàn luận. Các vị trong tộc họ tâu với vua Du-đầu-đàn:
-Thái tử hiện nay trưởng thành, rất nhiều các vị Tiên giỏi về xem tướng đều cho rằng nếu Thái tử xuất gia nhất định sẽ thành Phật; còn nếu ở nhà sẽ là bậc Chuyển luân thánh vương cai trị bốn châu trong thiên hạ, dùng mười điều thiện để dẫn dắt muôn loài, theo pháp mà trị nước, có đủ bảy món báu. Sao gọi là bảy món báu? Một là xe báu; hai là voi báu; ba là ngựa báu; bốn là châu báu; năm là nữ báu; sáu là vị tướng quân báu; bảy là quan tri khố báu. Vua ấy có đầy đủ một ngàn người con, là vị vua tài đức dũng mãnh có đủ năng lực hàng phục mọi quân thù.
Tâu đại vương, nếu muốn cho Thái tử không thể xuất gia được, ngôi vị Chuyển luân thánh vương có người kế nghiệp và các vị vua ở những miền xa xôi đều quy phục, chúng ta nên sớm lo việc hôn nhân để Thái tử sinh lòng mê đắm, ràng buộc như thế sẽ không thể xuất gia được.
Khi ấy vua Du-đầu-đàn hỏi các vị trong tộc họ:
-Cô gái nào có đủ đức hạnh để có thể làm vợ Thái tử?
Bấy giờ có đến năm trăm vị đại thần đều tâu với vua rằng con gái mình có đầy đủ đức hạnh có thể làm vợ Thái tử được. Vua Du-đầu-đàn bảo:
-Vợ của Thái tử tất nhiên là rất khó tuyển chọn, không rõ cô gái nào có thể làm cho con ta vừa ý, phải nên hỏi Thái tử xem thử Thái tử ưng thuận người con gái nào làm vợ.
Các vị trong tộc họ Thích cùng đến chỗ Bồ-tát hỏi:
-Thái tử muốn chọn ai để làm người nâng khăn sửa túi cho mình? Bồ-tát đáp:
-Sau bảy ngày, Ta sẽ nói rõ ý của Ta.
Bồ-tát suy nghĩ rồi đọc bài kệ:
Dục vọng gây nhiều tội
Là nhân của khổ sầu
Ví như rừng cây độc
Cũng như đống lủa dữ
Nay ở chốn thâm cung
Cùng thể nữ vui vầy
Nơi đây thật ràng buộc
Như sương mù vây phủ
Không bằng nhập thiền định
Độc trú chốn rừng sâu.
Bảy ngày sau, Bồ-tát khởi tâm đại Bi, suy nghĩ muôn dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh nên đọc bài kệ tụng, nói với các vị đại thần:
Hoa sen sinh ra từ bùn lầy
Không bị bùn lầy làm nhiễm ô
Vương giả đức hóa khắp muôn dân
Nên được mọi người đều quy phục
Vô lượng chúng sinh khắp thế gian.
Ta sẽ vì họ chứng đạo pháp
Cho nên thị hiện có vợ con
Chẳng bị nhiễm trước trong năm dục
Ta nay thuận theo dòng Phật xưa
Nên không thoái chuyển, mất tâm thiền
Đính hôn phải tuyển người thuận ý
Chớ chọn phàm nữ làm vợ hiền
Phải người thanh tịnh đủ tướng tốt
Chân thật ý hòa, chẳng buông lung
Ta nay xin tỏ bày sở thích
Các vị theo lời khéo kiếm tìm
Phải là người hình nghi thanh thoát
Không ỷ sắc đẹp lòng tự cao
Không kiêu, không keo, không đố kỵ
Không dua, không dối, không bệnh tật
Hiền thục, chân chất, đầy từ tâm
Yêu thương muôn loài như yêu con
Ưa thích thi ân không tội lỗi
Cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn
Dứt mọi tà tâm ngay trong mộng
Là hàng thục nữ luôn tỉnh khiết
Luôn nhớ ân thầy không cao ngạo
Giữ ý nhún nhường luôn khiêm cung
Không ham vị ngon, các lạc thú
Luôn biết hổ thẹn, tâm chẳng hại
Chưa từng quy y ngoại đạo giáo
Tâm, lời chân chánh luôn thuận hợp
Nghiệp thân miệng ý thường tịnh thanh
Hôn ám, ham ngủ đều xa lìa
Không nghĩ đến mọi điều bất thiện
Thiện hạnh luôn làm chưa từng bỏ
Thờ cha mẹ chồng như cha mẹ
Yêu mến người hầu như yêu mình
Mọi việc nội trợ đều chu toàn
Lại phải thông hiểu bao nghĩa lý
Ta muốn chọn nữ nhân như vậy
Há lại ưng chịu kẻ kém hèn.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy các vị đại thần truyền lệnh ghi chép các ý kiến của Bồ-tát đem đến trình lên nhà vua. Vua Du-đầu-đàn xem qua rồi bảo các quan:
-Các khanh hãy truyền tờ chiếu ghi chép lời Thái tử đến muốn họ trong khắp kinh thành Ca-tỳ-la, đến các tầng lớp Sát-đế-lợi, hoặc Bà-la-môn cho đến thuộc chủng tộc Tỳ-xá, Thủ-đà. Nếu có cô gái nào đầy đủ đức hạnh như vậy sẽ chọn làm vợ Thái tử.
Rồi vua đọc bài kệ:
Sát-lợi, Bà-la-môn
Tỳ-xá cùng Thủ-đà
Cô gái nào đủ đức
Nên mau về báo trẫrn
Thái tử vốn ưa thích
Trọng đạo là trước tiên
Các khanh cần xét kỹ
Không phân biệt chủng tộc.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ các vị đại thần phụng lệnh vua đi khắp kinh thành Ca-tỳ-la tìm kiếm cô gái nào có đủ đức hạnh như trên. Trong thành, có một vị đại thần tên Chấp Trượng, có một người con gái tên Da-du-đà-la, tướng mạo đoan nghiêm xinh đẹp tuyệt trần, thân hình cân đối hài hòa đằm thắm, đầy đủ dung nghi của một thiếu nữ đài các, ví như một bảo nữ. Một hôm vị cận thần của vua đến nhà đại thần Chấp Trượng, thì gặp nàng Da-du-đà-la. Da-du-đà-la ra chào và hỏi:
-Ngài đến đây có việc gì?
Vị cận thần bèn trao tờ chiếu ghi lời Thái tử cho Da-du-đà-la rồi nói bài tụng:
Thái tử con vua dòng họ Thích
Dung mạo đoan chánh thật đáng yêu
Bậc Đại nhân ba mươi hai tướng
Tám mươi vẻ đẹp đều tròn đầy
Bày tỏ trong thư về hiền phụ
Nếu được như thế sẽ sánh duyên.
Lúc đó, Da-du-đà-la xem xong, lòng rộn vui mỉm cười đáp lại vị thần:
Dung nhan đức hạnh không hề thiếu
Chỉ mong cùng Thái tử sánh đôi
Ý riêng là thế xin tâu lại
Tương hợp sẽ se duyên sắt cầm.
Sau khi biết được việc ấy, vị cận thần vội trở về tâu lên vua:
-Tâu đại vương, thần đã đi khắp kinh thành Ca-tỳ-la tìm kiếm và gặp được một hiền nữ nhan sắc đức hạnh vẹn toàn thật xứng đáng là bạn trăm năm của Thái tử.
Vua hỏi:
-Người con gái ấy là con của gia đình nào?
Vị đại thần thưa:
-Đó là ái nữ của đại thần Chấp Trượng, tên là Da-du-đà-la.
Vua Du-đầu-đàn thầm nghĩ: “Thái tử con ta tướng hảo trang nghiêm, người thế gian nào sánh được, đức hạnh cũng hoàn hảo, đâu ai dễ có đủ tư cách làm vợ Thái tử? Nàng con gái mà vị quan này nói chắc gì đã dung đức trọn vẹn? Ta sẽ cho làm các vật báu mang tên Vô ưu trao cho Thái tử, tùy ý Thái tử trao tặng vật ấy cho cô gái nào mình thích, rồi ta sẽ cho người dò xét. Nếu cô gái ấy hội đủ mọi điều tốt lành sẽ lập tức tuyển làm vợ Thái tử”. Nhà vua bèn ra lệnh tìm thầy giỏi về nghề kim hoàn làm nhiều vật báu Vô ưu, dùng bảy món báu để tô điểm. Sau đó, vua truyền đánh trống ban bố lệnh khắp kinh đô Ca-tỳ-la nếu có nàng con gái nào tự xét mình có đủ nhan sắc và đức hạnh có thể sánh duyên với Thái tử, đúng bảy ngày sau tụ họp nơi vương cung. Đến ngày hẹn, các cô gái cùng tề tựu đông đảo.
Lúc ấy Thái tử, ngự trên tòa Nhân hiền nơi đại điện với nhiều thể nữ vây quanh. Vua Du-đầu-đàn đã mật sai người quan sát, nếu Thái tử bằng lòng cô gái nào sẽ tâu liền cho đức vua.
Tất cả các mỹ nữ trong kinh thành Ca-tỳ-la lúc bấy giờ đều trang điểm, đeo các chuỗi ngọc quý thật xinh đẹp có mặt tại vương cung, lần lượt đi qua trước chỗ Thái tử ngồi. Vừa thấy uy quang của Thái tử, họ đều cúi đầu không dám ngước mặt nhìn kỹ. Thái tử dùng các vật báu Vô ưu theo thứ tự trao cho các cô gái diễu qua trước mặt mình, tất cả đều lễ tạ đội ân, đầu cúi thấp nhẹ bước. Lúc ấy nàng Da-du-đà-la cùng đoàn thị nữ vây quanh là người đến sau cùng, ngước mắt nhìn Thái tử hồi lâu, tươi tỉnh mỉm cười thưa:
-Vật báu Vô ưu không còn để trao tặng, chẳng lẽ chỉ thiếp chịu thiệt thòi như vậy sao?
Thái tử đáp:
-Ta chẳng hề có ý tư vị gì, chỉ vì nàng là người đến sau cùng nên các vật báu đã hết.
Nói xong, Thái tử liền cởi chiếc nhẫn ngọc nơi ngón tay đáng giá ngàn vàng trao cho nàng. Da-du-đà-la đón nhận chiếc nhẫn quý rồi thưa:
-Vật Thái tử ban cho sao lại quá ít như vậy? Thiếp tuy là thân phận thấp hèn nhưng đâu phải chỉ có như thế.
Thái tử nghe nói liền cởi tất cả các chuỗi ngọc anh lạc đeo trên người trao cho nàng. Da-du-đà-la thưa:
-Thiếp có diễm phúc gì mà được nhận mọi vật báu trên người của Thái tử. Thiếp xin được dâng trả các đồ trang sức quý báu đó cho Thái tử.
Nói xong, nàng liền dâng trả lại không nhận một vật gì rồi tạ từ Thái tử ra về. Bấy giờ vị quan được nhà vua giao nhiệm vụ dò xét tình ý của Thái tử trở lại trình tâu với vua Du-đầu-đàn, cho biết là Thái tử đã tỏ ra yêu thích nàng Da-du-đà-la, con gái đại thần Chấp Trượng. Vua nghe xong liền sai Quốc sư đến nhà đại thần Chấp Trượng, dặn:
-Khanh tới đó nói là ta được biết ông ấy có một ái nữ đầy đủ nhan sắc đức hạnh, xứng đáng được chọn làm vợ Thái tử, nay cho tôi đến truyền chỉ cầu hôn.
Quốc sư vâng lệnh vua, đến nhà đại thần Chấp Trượng thưa rõ mọi việc như lời vua dặn. Đại thần Chấp Trượng thưa với Quốc sư:
-Nhà tôi nhiều đời luôn theo đúng gia pháp, nếu có vị nào tài nghệ tỏ ra hơn hẳn mọi người thì xin sẵn sàng cho con gái làm kẻ nâng khăn sửa túi. Thái tử được sinh ra và lớn lên nơi thâm cung, chưa từng thi thô nhiều về văn võ sách toán, tướng số binh pháp, nói chung là mọi tài năng của bậc nam nhi, do vậy con gái tôi chưa hẳn đã ưng thuận. Theo tôi thì ta nên tổ chức cuộc thi tài cho các vị nam tử trong tộc họ Thích, vị nào đạt được bậc nhất thì tôi xin gả con ngay.
Lúc ấy Quốc sư trở về hoàng cung tâu lại mọi việc cho nhà vua nghe. Nghe xong, vua lấy làm lo buồn, thầm nghĩ: “Hay ta nên lệnh trước cho các vị trong tộc họ Thích thân cận với Thái tử để họ đến tâu với ta rằng Thái tử vốn chẳng phải là hạng dũng phu, và xin từ khước việc cầu hôn với gia đình đại thần Chấp Trượng hoặc cầu hôn nơi khác”.
Đúng lúc đó Thái tử đến chỗ vua cha, thấy thế liền thưa:
-Vì sao Phụ vương ưu sầu như vậy?
Vua chỉ lặng im, hỏi đến lần thứ ba vua mới truyền quan hầu cận ra ngoài và nói rõ mọi ý nghĩ của mình. Thái tử lúc đó vẫn tươi tỉnh mỉm cười thưa với cha:
Ở thế gian này có ai tài nghệ sánh bằng con.
Vua cha nghe thế liền vui mừng, hỏi rõ hơn:
-Vậy con có thể cùng kẻ khác thi tài đấu sức được chăng?
Hỏi đến lần thứ ba, Thái tử mới kính cẩn thưa:
-Thưa Phụ vương, Phụ vương chỉ cần xuống chiếu mời gấp những vị có đủ tài nghệ để theo dõi, con sẽ đến đó thể hiện tài nghệ của mình cho họ biết.
Vua Du-đầu-đàn liền cho người lập một trường thi tài ở bên ngoài thành Ca-tỳ-la, rồi bố cáo cho khắp nơi biết sau bảy ngày các bậc nam nhi nếu có tài nghệ liên tụ tập tới trường thi để cùng xem Thái tử biểu diễn tài năng của mình. Đến ngày thứ bảy, năm trăm vị trai trẻ của tộc họ Thích do Thái tử dẫn đầu cùng ra khỏi kinh thành đến chỗ trường thi.
Lúc này đại thần Chấp Trượng cũng cho ái nữ là nàng Da-du-đà-la trang điểm đẹp đẽ, dùng xe quý có thị tỳ theo hầu đưa nàng tới nơi trường thi kia để xem các vị nam nhi thi tài, và lập ra điều lệ là nếu có vị nam nhi nào tài nghệ tỏ rõ hơn hẳn những kẻ khác thì ông sấn sàng gả con.
Bấy giờ vua Du-đầu-đàn sai người đưa con voi trắng khỏe mạnh nhất để Thái tử cỡi. Lúc đó, người em thúc bá với Thái tử là Đề-bà-đạt-đa đi tới trước cửa thành nhìn thấy con voi lực lưỡng kia liền hỏi voi ấy được đem ra cho ai dùng, kẻ hầu đáp:
-Đại vương sai đem cho Thái tử cỡi.
Đề-bà-đạt-đa nghe nói thế, sinh lòng nhỏ nhen ganh ghét, cậy mình có sức mạnh hơn người, nên dùng một tay giữ lấy vồi voi, tay kia đấm mạnh khiến voi ngã lăn ra chết. Tiếp đó Nan-đà đi tới, vừa muốn ra khỏi cửa thành, thì nhìn thấy xác voi trắng liền hỏi ai đã giết voi như vậy. Kẻ hầu đáp:
-Đề-bà-đạt-đa giết.
Nan-đà dùng tay kéo xác voi trắng vào một bên đường, Thái tử vừa đi tới trông thấy cảnh tượng ấy liền hỏi ai đã giết voi. Kẻ hầu cận thuật lại sự việc. Thái tử than:
-Đề-bà-đạt-đa là kẻ thậm ác.
Lại hỏi ai là người chuyển xác voi qua bên đường, người hầu đáp là Nan-đà. Thái tử khen:
-Lành thay! Nan-đà.
Bấy giờ Thái tử ngồi yên trên cỗ xe báu, dùng chân trái hất mạnh xác voi trắng bay bổng lên hư không vượt bảy lớp tường thành hơn một Câu-lô-xá, xác voi mới rơi xuống tạo thành một cái hầm lớn, về sau dân chúng gọi nơi ấy là hố voi. Lúc ấy trên hư không chư Thiên đều hoan hỷ vô cùng, khen là việc chưa từng có, liền đọc bài tụng:
Bồ-tát trong xe dùng chân trái
Hất bổng voi vượt bảy lớp thành
Nhất định sẽ dùng trí lực ấy
Đưa hết muôn loài vượt tử sinh.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ, vua Du-đầu-đàn cùng với các vị trưởng lão cao đức trong tộc họ Thích, quốc sư, đại thần và vô số dân chúng tụ hội nơi trường thi tài, có năm trăm thanh niên dòng họ Thích cũng đến tham dự. Các vị trong tộc họ Thích thỉnh thầy dạy Tỳ-xà-mật-đa làm vị giám khảo cuộc thi tài, bảo ông cần xem xét kỹ trong các thanh niên họ Thích ai là người tài nghệ giỏi nhất. Tỳ-xà-mật-đa vốn biết Thái tử đã thông suốt toàn bộ sách vở, không ai có thể vượt qua Thái tử, nên ông mỉm cười hướng về phía đám thanh niên đọc bài tụng:
Tất cả văn tự
Trên trời, dưới thế
Thái tử hiểu biết
Sâu đến tận cùng
Ta và các vị
Có ai bằng ngài
Ngài đọc tên sách
Ta mới tỏ tường
Chính ta từng biết
Ngài vượt Thiên nhân.
Năm trăm vị trong tộc họ Thích liền bước ra thưa với nhà vua:
-Chúng thần đã biết trước Thái tử thông đạt mọi thứ kinh sách, lục nghệ không ai có thể bì kịp, mà đến toán thuật cũng chẳng có người nào hơn được.
Lúc ấy có vị đại thần tên Át-thuận-na rất thông thạo về toán thuật, vua Du-đầu-đàn nói với vị đại thần ấy:
-Khanh hãy quan sát trong số các thanh niên kia ai là người giỏi toán số nhất.
Bấy giờ, Thái tử đọc to các số để các đồng tử kia lần lượt tính toán. Theo tiếng đọc to của Thái tử để tính nhưng vẫn không kịp, hết người này đến người kia cho tới cả năm trăm người đều lẫn lộn hết. Lúc đó Thái tử bảo các chàng trai ấy:
-Các ngươi hãy đọc to các số, Ta sẽ tính theo.
Các chàng trai lần lượt đọc các số, Thái tử luân phiên theo đó tính không hề sai trật, đến nỗi người đọc các số cũng chẳng theo kịp. Đến khi cả năm trăm người cùng một lúc đọc to lên các số, Thái tử vẫn tính toán không chút sai lộn. Vị đại thần Át-thuận-na thấy vậy trong lòng nghĩ thật là điều ít có, liền đọc bài kệ ca ngợi Thái tử:
Lành thay Tâm trí thật thông minh
Năm trăm người vẫn không theo kịp
Nhớ xưa nhiều lần ta từng tính
Nay so Thái tử thật khó bì.
Lúc ấy các vị trong tộc họ Thích cùng tất cả trời người đồng thanh hô to:
-Lành thay, lành thay! Thái tử lại đứng đầu về môn tính toán.
Tất cả đều rời khỏi chỗ ngồi, chắp tay đảnh lễ thưa với vua Du-đầu-đàn:
-Lành thay! Tâu Đại vương, ngài đã đạt được niềm vui tột đỉnh. Thái tử hôm nay đã chứng tỏ là người trí tuệ biện tài bậc nhất.
Bấy giờ, vua Du-đầu-đàn bảo Thái tử.
-Con có thể so tài với thầy Át-thuận-na không?
Thái tử thưa.
-Thưa Phụ vương, con xin vâng lời.
Lúc ấy vị Toán sư hỏi Thái tử:
-Thái tử có biết hết tên của các số lượng ngoài một trăm câu-chi không?
Thái tử đáp:
-Tôi có thể biết được tất cả.
Át-thuận-na bảo:
-Vậy thì xin Thái tử nói rõ cho tôi biết.
Thái tử đáp:
-Một trăm câu-chi gọi là A-do-đa; một trăm A-do-đa gọi là Ni-do-đa; một trăm Ni-do-đa gọi là Canh-cát-la, một trăm Canh-cát-la gọi là Tần-bà-la, một trăm Tần-bà-la gọi là A-sô-bà; một trăm A-sô-bà gọi là Tỳ-bà-ha; một trăm Tỳ-bà-ha gọi là uất-tăng-ca; một trăm uất-tăng-ca gọi là Bà-hô-la; một trăm Bà-hô-la gọi là Ni-ca-bà-la; một trăm Ni-ca-bà-la gọi là Để-trí-bà-la; một trăm Để-trí-bà-la gọi là Ty-ba-bà-tha-bát-nhã-đế; một trăm Ty-ba-bà-tha-bát-nhã-đế gọi là Hê-suất-hề-la, một trăm Hê-suất-hề-la gọi là Ca-la-nhã; một trăm Ca-la-nhã gọi là Hê-đô-nhân-đà-lợi; một trăm Hê-đô-nhân-đà-lợi gọi là Tăng-hợp-đát-lãm-bà; một trăm Tăng-hợp-đát-lãm-bà gọi là Già-na-na-đà-trí; một trăm Già-na-na-đà-trí gọi là Ni-la-xà; một trăm Ni- la-xà gọi là Mục-đà-la-bà-la; một trăm Mục-đà-la-bà-la gọi là Tát- bà-bà-la; một trăm Tát-bà-bà-la gọi là Tỳ-tăng-dĩ-nhược-bạt-trí; một trăm Tỳ-tăng-dĩ-nhược-bạt-trí gọi là Tỳ-phù-đăng-già-ma; một trăm Tỳ-phù-đăng-già-ma gọi là Đát-la-lạc-xoa, nếu người nào hiểu rõ được số này thì có thể tính được số lượng vi trần của một núi Tu-di. Vượt qua số lương này được gọi là Độ-xà-a-già-la-ma-ni, nếu có người nào giải được số ấy thì có thể tính biết số lượng lạc-xoa số cát sông Hằng. Vượt qua số lượng ấy, có số gọi là Độ-xà-a-già-ma-ni-xá-lê, nếu có người tính được số ấy thì có thể tính được số lượng câu-chi số cát sông Hằng. Vượt qua số lượng ấy có số gọi là Bà-ha-na-bà-nhược-nhĩ-viên-trí; vượt qua số ấy thì có số gọi là Y-trá; vượt qua số ấy lại có số gọi là cổ-lô-tỷ; vượt qua sốấy lại có số gọi là cổ-trá-tỷ- na. Vượt qua số này lại có số gọi là Ta-bà-ni-xoa, nếu có người giải được số này thì có thể biết được số lượng Lạc-xoa câu-chi số cát sông Hằng. Vượt qua số lượng này lại có số gọi là A-già-la-sa-la, nếu có người giải được số này thì có thể biết được trăm Câu-chi lạc-xoa số cát sông Hằng. Vượt qua số lượng này lại có số gọi là Tùy nhập cực vi trần ba-la-ma-nao-la-xà. Đến được số lượng ấy thì tất cả chúng sinh không thể biết được nữa, chỉ trừ trí tuệ của các Bậc Như Lai cùng các bậc Bồ-tát tối hậu thân thì mới thông tỏ được.
Thầy Át-thuận-na hỏi Thái tử:
-Thái tử có thể thông tỏ được số lượng cực vi trần không?
Thái tử trả lời:
-Phàm bảy cực vi trần thì thành một A-nậu trần; bảy A-nậu trần thành một Đô-trí trần; bảy Đô-trí trần thì thành một Hữu trung nhãn sở kiến trần; bảy Hữu trung nhãn sở kiến trần thì thành một Thố mao thượng trần; bảy Thố mao thượng trần thì thành một Dương mao thượng trần; bảy Dương mao thượng trần thì thành một Ngưu mao thượng trần; bảy Ngưu mao thượng trần thì thành một Kỷ; bảy Kỷ thì thành một Giới tử; bảy Giới tử thì thành một Mạch; bảy Mạch thì thành một Chỉ tiết, mười hai Chỉ tiết thì thành một Kiệt thủ; hai Kiệt thủ thì thành một Trửu; bốn Trửu thì thành một Cung; một ngàn Cung thì thành một Câu-lô-xá; bốn Câu-lô-xá thì thành một do-tuần. Nay trong chúng hội này ai có thể tính được số lượng vi trần trong một do-tuần?
Át-thuận-na nói:
-Tôi nghe Thái tử trình bày mà đầu óc như muốn mờ mịt, huống chi là những người khác kiến thức về toán số ít ỏi. Vậy mong Thái tử vì tôi mà nói rõ trong một do-tuần có bao nhiêu vi trần?
Thái tử đáp:
-Số lượng vi trần trong một do-tuần được tính: hết thảy A-sô-bà là một Ni-do-đa; lại có ba mươi Câu-chi na-do-đa lại có sáu vạn Câu-chi; lại có ba mươi hai Câu-chi; lại có năm Lạc-xoa; lại có một vạn hai ngàn Lạc-xoa. Cứ như thế thì tính được ra số lượng vi trần trong một do-tuần. Như vậy là cõi Diêm-phù-đề ở phương Nam có bảy ngàn do-tuần; cõi Câu-da-ni ở phương Tây có tám ngàn do-tuần; cõi Phất-bà-đề ở phương Đông có chín ngàn do-tuần; cõi uất-đàn-việt ở phương Bắc có mười ngàn do-tuần. Bốn châu trong thiên hạ như thế hợp thành một thế giới; trăm ức lần bốn châu thiên hạ thành một Tam thiên đại thiên thế giới. Trong đó có trăm ức lần bốn biển lớn; trăm ức núi Tu-di; trăm ức núi Thiết vi; trăm ức cõi trời Tứ Thiên vương; trăm ức cõi trời Đao-lợi; trăm ức cõi trời Dạ-ma; trăm ức cõi trời Đâu-suất-đà, trăm ức cõi trời Hóa lạc; trăm ức cõi trời Tha hóa tự tại; trăm ức cõi trời Phạm thân; trăm ức cõi trời Phạm phụ; trăm ức cõi trời Phạm chúng; trăm ức cõi trời Thiên quang; trăm ức cõi trời Vô lượng quang; trăm ức cõi trời Biến quang; trăm ức cõi trời Vô lượng tịnh; trăm ức cõi trời Biến tịnh; trăm ức cõi trời Vô vân; trăm ức cõi trời Phước sinh; trăm ức cõi trời Quảng quả; trăm ức cõi trời Vô tưởng chúng; trăm ức cõi trời Vô phiền; trăm ức cõi trời Vô nhiệt; trăm ức cõi trời Thiện kiến; trăm ức cõi trời Thiện hiện; trăm ức cõi trời A-ca-ni-trá. Như thế gọi là Tam thiên đại thiên thế giới, ước lượng về sự rộng lớn phải đến trăm do-tuần, ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần, câu-chi do-tuần, trăm câu-chi do-tuần, Ni-do-đa do-tuần. Lần lượt như thế là số lương do-tuần có thể biết được, còn số lượng vi trần thì không có con số nào có thể tính được. Vì vậy số vi trần trong Tam thiên đại thiên thế giới cũng không thể tính đếm được nên chỉ gọi là a-tăng-kỳ mà thôi.
Khi Thái tử nói về số lượng xong, Át-thuận-na cùng với các vị trong tộc họ Thích đều hết sức vui mừng, đồng cho là việc ít có nên tất cả cùng cởi các chuỗi ngọc Anh lạc cùng các thứ y phục thượng diệu dâng lên Thái tử, hết lời tán thán:
-Lành thay, lành thay!
Riêng Át-thuận-na thì đọc bài kệ:
Câu-chi thất đát A-do-đa
Như vậy lại có Ni-do-đa
Canh tát la cùng Tỳ-bà-la
Tên số cùng cực A-sô-bà
Mà còn vượt quá số vô lượng
Tất cả Thái tử đều thông suốt
Cả tộc họ Thích nên lắng nghe
Thái tử, thế gian chẳng ai bằng
Tam thiên đại thiên các cây cỏ
Vụn ra Bậc Trí vẫn tính xong
Ta không đủ trí để so sánh
Huống chi năm trăm vị Thích nhân.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy có tới năm trăm ngàn trời, người đồng xướng lớn tiếng: Lành thay, lành thay!
Trên hư không chư Thiên đọc bài kệ ca ngợi:
Quá, hiện cùng vị lai
Bao nhiêu tâm chúng sinh
Các phẩm thượng trung hạ
Một niệm đều thông tỏ
Huống chi là toán số
Mà chẳng thấu đạt sao?
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Thái tử lần lượt chinh phục các thanh niên trong tộc họ Thích về các môn thi tài khác như nhảy cao, ném tạ, chạy nhanh..., Thái tử đều hơn tất cả họ.
Bấy giờ trên hư không chư Thiên lại đọc tiếp bài kệ:
Bồ-tát nhiều kiếp tu giới thí
Nhẫn nhục, tinh tấn, lực từ bi
Thân tâm nhẹ nhàng nên đạt được
Nhanh nhẹn chu toàn người đã biết
Chỉ thấy Đại sĩ thường ngự đố
Không hay một niệm thấu mười phương
Đi khắp cõi Phật đều thân thuộc
Chưa từng biết được chuyện khứ lai
Với nhóm Thích tử là thù thắng
Việc ấy chưa đủ là hy hữu.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy năm trăm chàng trai bắt đầu thi tài về thể lực, chia làm ba mươi hai nhóm. Nan-đà chạy thật nhanh lên phía trước dáng dũng mãnh chắc chắn. Thái tử vừa đưa tay lên chạm nhẹ vào thân Nan-đà với sức mạnh được truyền từ nội lực khiến Nan-đà ngã nhào. Đề-bà-đạt-đa vẫn luôn mang lòng ngã mạn tỏ vẻ khinh thường Thái tử, cho là sức mạnh của mình so với Thái tử không kém gì. Với thái độ tự đắc của kẻ xem mình hơn hẳn mọi người, Đề-bà-đạt-đa chạy khắp trường thi, rồi vụt lao tới muốn khóa chặt thân Thái tử.
Lúc ấy Thái tử bình tĩnh, không hề tỏ vẻ giận dữ, thản nhiên đợi đối thủ đến, dùng tay phải nhẹ nhàng tóm lấy đối thủ đưa mạnh lên cao làm tiêu tan thái độ kiêu mạn của Đề-bà-đạt-đa. Ba lần Thái tử ném bổng đối thủ lên cao nhưng với lòng từ bi nên không làm tổn thương. Sau đó Thái tử nói với toán thanh niên còn lại:
-Các ngươi có thể cùng một lượt đến đấu với Ta.
Tất cả nhóm thanh niên giận dữ, phẫn nộ đồng loạt lao tới một cách quyết liệt nhưng Thái tử chỉ vẫy nhẹ tay, tất cả đều ngã lăn ra đất. Lúc ấy chư Thiên cùng mọi người đồng xướng to:
-Lành thay, lành thay!
Chư Thiên trên hư không tung rải vô số Thiên hoa và đọc bài kệ ca ngợi:
Giả sử chúng sinh trong mười phương
Đều có sức lực như Na-diên
Trí nhân tối thượng trong một niệm
Mới vẫy nhẹ tay đã lăn nhào
Già sử núi Tu-di, Thiết vi
Đại sĩ tay xoa đã đổ nhào
Huống chi người thường trong cõi thế
Mà cùng Thái tử tranh thắng thua
Sẽ tọa Bồ-đề vì từ bi
Hàng phục ma quân toàn Dục giới
Lại dùng cam lộ độ chúng sinh
Rõ biết Bồ-tát là tối thượng.
Bấy giờ đại thần Chấp Trượng nói với các thanh niên họ Thích:
-Ta đã xem các vị thi các môn thi về văn võ. Bây giờ nên thi tài bắn cung để biết rõ kẻ hơn người kém, đích để nhắm bắn là cái trống sắt.
Nan-đà bảo cần đặt trống sắt xa hai Câu-lô-xá; Đề-bà-đạt-đa cho rằng phảo đặt trống sắt xa bốn Câu-lô-xá; Tôn-đà-la Nan-đà cho rằng có thể đặt trống sắt xa sáu Câu-lô-xá; đại thần Chấp Trượng nói có thể đặt trống sắt xa tám Câu-lô-xá; Thái tử thì bảo đem cái trống sắt đặt xa mười Câu-lô-xá cùng bảy con heo sắt và bảy cây đa-la bằng sắt cũng đặt xa hơn mười Câu-lô-xá. Tất cả lần lượt thi tài. Nan-đà bắn xa đúng hai Câu-lô-xá, tên xuyên trúng qua hai trống sắt; Đề-bà-đạt-đa bắn xa đúng bốn Câu-lô-xá, tên xuyên trúng qua bốn trống sắt; Tôn-đà-la Nan-đà bắn xa đúng sáu Câu-lô-xá, tên xuyên trúng qua sáu trống sắt; đại thần Chấp Trượng bắn xa đúng tám Câu-lô-xá, tên xuyên trúng qua tám trông sắt, đến đây là giới hạn không ai vượt qua được. Bây giờ Thái tử giương cung sắp bắn thì cả cung và dây cung đều đồng loạt bị gãy đứt. Thái tử quay mặt nhìn khắp nơi ý muốn tìm một cây cung nào tốt hơn. Vua cha lúc ấy hết sức hoan hỷ bảo Thái tử:
-Tiên vương trước đây có một cây cung để thờ tại thiên miếu, thường dùng hương hoa cúng dường. Cung ấy rất cứng mạnh, không ai có thể giương nỗi.
Thái tử xin vua cha cho người mang cung đến đây. Vua liền sai người đến thiên miếu thỉnh cung tên của tiên vương đem tới, đưa cho các thanh niên họ Thích thử trước nhưng tất cả đều không ai giương nỗi cung, sau đó mới trao cho Thái tử. Lúc đó Thái tử vẫn ngồi yên, tay trái cầm cung, ngón tay phải đặt lên dây mà giương như thể chẳng hề gắng sức. Âm thanh của tiếng dây cung giương ra vang khắp kinh thành Ca-tỳ-la khiến dân chung trong thành đều kinh hoàng, cùng hỏi nhau không biết là âm thanh gì. Bấy giờ cả trời người đều xướng to:
-Lành thay, lành thay!
Chư Thiên trên hư không đọc bài kệ ca ngợi:
Khi Bồ-tát giương cung
Thản nhiên chẳng dao động
Ý vui sẽ trọn đủ
Trừ ma thành Chánh giác.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc đó Bồ-tát thân tâm an ổn, lui tới ung dung rồi kéo mạnh dây cung nhắm bắn. Mũi tên xuyên qua tất cả trống sắt, heo sắt và cây sắt không chút sai lệch và cắm sâu xuống đất tạo thành giếng nước. Sau này mọi người gọi đó là giếng Tên bắn.
Bấy giờ trời người cùng xướng to:
-Lành thay, lành thay! Thái tử tuổi còn trẻ chưa từng học tập nhiều mà vẫn đầy đủ các thứ tài nghệ hơn người.
Chư Thiên nơi hư không đọc lời ca tụng:
Nay xem Bồ-tát bắn
Chưa đủ là hy hữu
Phật tòa sẽ an trụ
Chứng đắc đạo Bồ-đề
Thiền định dùng làm cung
Vô ngã, Không, làm tên
Quyết phá mọi lưới ma
Dứt sạch phiền não, oán.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Thái tử đã thể hiện tài năng xuất chúng của mình như thế, từ lục nghệ như lễ, nhạc, xa, ngự, thư, số cho tới mọi thứ kiến thức thông thường, tất cả đều thấu đạt. Các bộ luận nổi danh như Thiện-kê-trá luận, Ni-kiến-đồ luận, Bố-la-na luận, Y-trí-sa-ha luận, Vi-đà luận, Ni-lô-a-tha luận, Vương luận, A-tỳ-lê luận, Chư điểu thú luận, Thanh minh luận, Nhân minh luận..., toàn bộ kiến thức ở nhân gian và chư Thiên, Bồ-tát đều thông đạt hơn người.
Lúc ấy, đại thần Chấp Trượng thưa với vua Du-đầu-đàn cùng tất cả các vị thuộc tộc họ Thích có mặt trong chúng hội là ông rất vui mừng đưa ái nữ của mình là Da-du-đà-la về hoàng cung kết bạn trăm năm với Thái tử.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ Thái tử thuận theo phép tắc thế gian, sống trong cung thường có tám vạn bốn ngàn thể nữ hầu cận giúp vui, Da-du-đà-la làm chánh phi.
Lúc nàng Da-du-đà-la mới vào hoàng cung, vì không tuân theo một số nghi thức thiển cận của người phụ nữ nên cứ để đầu trần không che kín mặt khiến vua Du-đầu-đàn và Ưu-đà-di cho là chuyện lạ, còn các thể nữ trong cung thì xì xào đàm tiếu, nào là chánh phi mới vào cung đã tạo điều xấu hổ, sao lại làm việc dị thường không biết hổ thẹn, có vẻ khinh mạn coi thường những người xung quanh... Da-du-đà-la nghe xong những lời ấy, vì đám cung nữ mà nói bài tụng:
Không chút lỗi lầm
Cần gì phải che
Nằm ngồi đi đứng
Thảy đều thanh tịnh
Như ngọc Ma-ni
Đặt nơi cao quý
Ánh sáng rực rỡ
Hiện ra khắp nơi
Hoặc im hoặc nói
Không hề tư vị
Lấy các công đức
Trang nghiêm thân mình
Dù mặc áo cỏ
Hoặc đồ cũ rách
Thân thể không lụy
Càng thêm đẹp xinh
Nếu người tâm ác
Trang điểm bề ngoài
Ví như bình độc
Dùng mật bôi lên
Những kẻ như thế
Thật là đáng sợ
Ví như rắn độc
Chẳng nên tới gần
Nếu lại có người
Hiểu biết dứt ác
Gần gũi bạn lành
Diệt tội chúng sinh
Tạo dựng Tam bảo
Công thật đáng ghi
Nghiệp thân, khẩu, ý
Đều đã thanh tịnh
Các bậc Đại tiên
Rõ tâm kẻ khác
Gương sáng tự soi
Giấu che nào được.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ vua Du-đầu-đàn nghe được bài kệ, biết Da-du-đà-la là người có đầy đủ trí tuệ biện tài nên rất đẹp lòng, liền ban cho y phục thượng diệu cùng các thứ châu báu, các chuỗi Anh lạc vô giá và nói kệ khen ngợi:
Thái tử có đủ đức
Với nàng thật tương hợp
Cả hai đều thanh tịnh
Như sinh tô, đề hồ.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.239.254 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.