Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
5. PHẨM A LAN NHÃ TỲ KHEO
Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp lại bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo a lan nhã? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo khất thực? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo chứa y phấn tảo? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ngồi dưới cội cây? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở gò mả? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở gò mả? Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở đất trống?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Ca Diếp! Gọi là Tỳ Kheo a lan nhã tức phải là người ưa chỗ a lan nhã và ở chỗ a lan nhã. Chỗ a lan nhã là chỗ không có tiếng lớn, không có tiếng chúng ồn náo, lìa cheo, nai, cọp, sói và các chim chóc, xa trộm cướp và kẻ chăn súc vật, chỗ thuận với hạnh Sa Môn. Chỗ a lan nhã như vậy nên ở trong đó tu hành.
Tỳ Kheo kia lúc muốn đến chỗ a lan nhã phải tư duy tám pháp: Một là tôi nên xả thân, hai là tôi nên xả mạng, ba là tôi nên xả lởi dưỡng, bốn là rời lìa tất cả chỗ yêu thích, năm là tôi ở trong núi chết sẽ như con nai chết, sáu là tôi ở chỗ a lan nhã sẽ thọ hạnh a lan nhã, bảy là tôi sẽ dùng pháp để tự sống, tám là tôi chẳng dùng phiền não để tự sống.
Ðây là tám pháp a lan nhã mà Tỳ Kheo phải tư duy, tư duy rồi sẽ đi đến chỗ a lan nhã.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo đến chỗ a lan nhã rồi hành pháp a lan nhã, dùng tám pháp hành từ sanh lòng thương với tất cả chúng sanh: Một là dùng từ tâm làm lợi ích, hai là dùng từ tâm an vui, ba là dùng từ tâm không sân hận, bốn là từ tâm chơn chánh, năm là từ tâm không dị diệt, sáu là từ tâm thuận tùy, bảy là từ tâm quán tất cả các pháp và tám là từ tâm tịnh như hư không. Tỳ Kheo dùng tám pháp hành nầy sanh từ tâm đối với chúng sanh.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo đến chỗ a lan nhã rồi phải tư duy như vầy: Tôi dầu đến nơi xa ở một mình không bè bạn, nếu tôi làm lành hay làm chẳng lành không người dạy răn. Rồi lại nghĩ rằng: Nơi đây có Thiên, Long, Quỉ, Thần, chư Bồ Tát, chư Phật Thế Tôn biết tôi chuyên tâm. Các Ngài sẽ chứng cho tôi, nay tôi ở tại đây tu pháp a lan nhã tâm bất thiện của tôi chẳng được tự tại phát sanh.
Rồi lại tự suy rằng: Tôi đến chỗ rất xa không bạn bè nầy, không người thân cận không có sở hữu, tôi nên cảnh giác lòng tham lòng sân lòng si, các pháp bất thiện khác cũng phải cảnh giác. Nay tôi chẳng nên chẳng khác với người thích ở chúng đông, hcẳng nên chẳng khác với người ưa gần tụ lạc. Nếu chẳng khác mà xưng a lan nhã thì là khi dối chư Thiên, Long, Quỉ, Thần. Chư Phật thấy tôi, chính tôi cũng chẳng vui vẻ. Nếu tôi hành đúng pháp a lan nhã tất chư Thiên, Long, Quỉ, Thần chẳng quở trách tôi. Chư Phật thấy tôi liền vui mừng.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo ở chỗ a lan nhã hành pháp a lan nhã nhứt tâm giữ chắc giới giải thoát, khéo hộ giới chúng, tịnh khẩu thân ý, không làm siểm khúc, tịnh nơi chánh mạng, tâm hướng đến các chánh định, pháp được nghe nên ghi nhớ, siêng chánh tư duy hướng đến ly dục tịnh diệt Niết bàn, sợ các sanh tử quán ngũ ấm như oan gia, quán tứ đại như độc xà, quán lục nhập như nhà hoang, khéo phương tiện quán mười hai nhơn duyên, lìa rời kiến đoạn chấp thường, quán không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, hiểu pháp không đạt vô tướng lần bớt sở tác mà hành vô tác, lòng thường kinh sợ đi trong tam giới thường xuyên tu hành như cứu đầu cháy, thường tinh tiến trọn không thối chuyển, quán thân thiệt tướng, nên suy nghĩ rằng: Quán pháp như vậy phải biết gốc khổ dứt tất cả tập nhơn chứng nơi diệt tận siên tu chánh đạo hành từ tâm an trụ Tứ niệm xứ, lìa pháp bất thiện vào môn thiện pháp, an trụ Tứ chánh cần nhập Tứ như ý túc, hộ tứ thiện căn tự tại nơi Ngũ lực, tỏ Bảy Bồ đề phần siên hành Bát Thánh đạo phần, thọ trì thiền định dùng huệ phân biệt các pháp tướng.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nói pháp như vậy để nghiêm sức a lan nhã. Tỳ Kheo nghiêm sức như vậy rồi an trụ núi rừng, đầu hôm cuối đêm siêng tu các công hạnh chớ nên ngủ nghỉ, thường nhớ muốn được pháp xuất thế!
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo khi ở chỗ nào đều thường thành đạo mà chẳng trang sức thân thể và các y phục, lượm cỏ khô trải làm chỗ ngồi, tự dùng tọa cụ của mình mà lìa vật của thường trụ Tăng và tứ phương Tăng. Ở nơi a lan nhã, với y phục, Tỳ Kheo tri túc vừa đủ che thân để hành Thánh đạo.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo khi khất thực vào thành ấp tụ lạc phải suy nghĩ như vầy: Tôi từ chỗ a lan nhã đến thành ấp tụ lạc, hoặc được vật thực hay chẳng được lòng tôi vẫn không ưu hỉ. Nếu khất chẳng được nên sanh lòng vui nhớ nghiệp báo đời trước, nay tôi nên siêng tu tập phước nghiệp. Lại nhớ Ðức Như Lai khất thực cũng chẳng luôn luôn được.
A lan nhã Tỳ Kheo vào thành khất thực phải dùng pháp trang nghiêm. Dùng pháp trang nghiêm xong rồi sau mới vào thành khất thực. Thế nào là pháp trang nghiêm? Nếu thấy sắc vừa ý chẳng nên tham trước, nếu thấy sắc chẳng vừa ý chẳng nên sanh giận ghét. Với thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng chẳng sanh tham sân như vậy, luôn nhiếp hộ các căn nhìn kỹ một tầm, điều phục tâm mình chẳng cho pháp mà mình suy niệm rời khỏi tâm, chẳng để vật thực nhiễm ô tâm mà hành khất thực, nên thứ đệ khất thực. Nơi khất thực được chẳng sanh lòng mừng, nơi khất thực chẳng được cũng chẳng sanh lòng sân. Nếu đến mười nhà hoặc quá mười nhà mà chẳng được vật thực chẳng nên sanh lòng ưu phiền mà nên nghĩ rằng các Trưởng giả, các Bà La Môn cư sĩ có nhiều duyên sự nên chẳng rảnh đem vật thực cho tôi, vả lại các người tại gia ấy chưa từng nhớ đến tôi huống là cho vật thực. Nếu có thể suy nghĩ như vậy thì Tỳ Kheo a lan nhã đi khất thực không hề kinh sợ.
Nầy đại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo đi khất thực trong thành ấp tụ lạc nếu thấy nam nữ, đồng nam đồng nữ, nhẫn đến súc sanh nên phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh phát nguyện tu hành tinh tiến cầu mong chúng sanh ai thấy tôi cho tôi vật thực đều được sanh lên cõi trời.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo đi khất thực được ngon được dở xem bốn phương mà nghĩ rằng nơi đây ai là kẻ nghèo cùng, tôi sẽ bớt phần ăn cấp cho họ. Nếu thấy kẻ nghèo cùng liền chia nửa phần ăn cấp cho, nếu không thấy thì nên nghĩ rằng: Chúng sanh mà mắt tôi không thấy, trong thức ăn nầy chỗ ngon tôi xin thí cho họ, tôi làm thí chủ, họ làm người thọ.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo khất thực được rồi mang về chỗ a lan nhã, rửa sạch tay chưn, tịnh nghi thức Sa Môn, đủ tất cả tịnh pháp, đúng pháp lấy cỏ trải chỗ ngồi rồi kiết già phu tọa mà ăn, lòng không ái trước cũng không sân hận cũng không cống cao không trược loạn. Lúc sắp ăn suy nghĩ rằng: Nay trong thân thể nầy có tám vạn hộ trùng, nó được ăn chắc sẽ an vui. Nay tôi dùng món ăn nhiếp các hộ trùng ấy, lúc tôi thành Phật sẽ dùng pháp để nhiếp chúng nó.
Nầy Ðại Ca Diếp! Có lúc ăn chẳng đủ a lan nhã Tỳ Kheo nên quan niệm: Nay thân thể nhẹ nhàng có thể tu nhẫn nhục dứt các điều ác, lại ít tiểu ít đại tiện, thân thể nhẹ nhàng rồi cũng được tâm nhẹ nhàng, được ít ngủ cũng chẳng khởi dục.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu khất thực được nhiều, a lan nhã Tỳ Kheo nên quan niệm tri túc, nên giảm lấy một vắt để trên phiến đá sạch và suy nghĩ rằng: Có chim muông nào có thể ăn được tôi xin bố thí, chúng nó là kẻ thọ nhận.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ăn xong, a lan nhã Tỳ Kheo rửa bát lau chùi sạch khô, súc miệng rửa tay, cất Tăng già lê, đúng hạnh a lan nhã chẳng rời bổn sở suy gẫm pháp tướng.
Nầy Ðại Ca Diếp! Lúc hành công hạnh a lan nhã, nếu Tỳ Kheo ấy là phàm phu chưa được quả Sa Môn, có lúc hổ lang đến thì chẳng nên có lòng hãi sợ mà nên quan niệm rằng: Từ trước lúc tôi đến chỗ a lan nhã vốn đã có tâm xả bỏ thân mạng nên tôi chẳng kinh sợ, mà nên phát tâm từ bi trừ tất cả ác. Nếu hổ lang ấy giết tôi ăn thịt tôi, tôi sẽ được lợi ích lớn vì đem thân chẳng bền mà đổi thân bền. Hổ lang ấy ăn thịt tôi rồi vó sẽ được thân tâm an vui.
A lan nhã Tỳ Kheo hành pháp a lan nhã phải quan niệm xả thân mạng như vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo hành pháp a lan nhã, nếu có phi nhơn đến hiện sắc đẹp hay sắc dữ, với phi nhơn ấy Tỳ Kheo không nên sanh lòng yêu, không nên sanh lòng giận.
Nếu có chư Thiên đã từng thấy Phật đến vấn nạn, khi họ vấn nạn rồi, a lan nhã Tỳ Kheo tùy sức hiểu biết của mình mà vì họ thuyết pháp. Nếu chư Thiên hỏi thâm pháp không thể đáp được, a lan nhã Tỳ Kheo chẳng nên lòng kiêu mạn, mà nên nói rằng tôi học chẳng được nhiều, các Ngài chớ nên khinh tôi, nay tôi sẽ siêng tu học Phật pháp, nếu lúc tôi được thông Phật pháp rồi sẽ xin giải đáp tất cả. Lại nên thỉnh chư Thiên vì mình mà thuyết pháp để được lãnh thọ, và nên tạ rằng xin các Ngài chớ phiền tôi.
Lại nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo hành pháp a lan nhã khéo tu a lan nhã tưởng như cỏ cây ngói đá không có chủ không có ngã cũng không sở thuộc, thân thể nầy cũng vậy không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng không tranh tụng các pháp nầy đều từ duyên hiệp mà sanh, trong pháp nầy nếu khéo tư duy, tôi sẽ dứt được các kiến chấp, nên thường tư duy pháp không vô tướng vô tác.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo lúc tu pháp a lan nhã suy nghiệm bông trái cỏ thuốc và những rừng cây hòa hiệp thế nào? Tán diệt thế nào? Các vật ngoài ấy không chủ không ngã không sở thuộc, không tranh tụng, nó tự sanh tự diệt khôngcó ai sanh diệt. Như cỏ cây không có chủ ngã ngã sở, thân thể nầy cũng không có ngã nhơn chúng sanh thọ mạng không có tranh tụng, nó từ các duyên sanh, duyên tan thì nó diệt, trong lẽ như diệt ấy không có một pháp nào hoặc sanh hoặc diệt cả.
Pháp như trên đây, a lan nhã Tỳ Kheo đến chỗ a lan nhã phải nên tu tập.
Nầy Ðại Ca Diếp! A lan nhã Tỳ Kheo hành pháp như vậy nếu học Thanh Văn thừa thì mau chứng quả Sa Môn, nếu là người có tội chướng nên hiện đời chẳng được quả Sa Môn thì bất quá thấy một hai hoặc ba đứt Phật sẽ dứt hết tất cả lậu. Nếu là người học Bồ Tát thừa thì hiện đời được vô sanh háp nhẫn được pháp vô chướng tất thấy vị lai chư Phật mau thành Vô thượng Bồ đề".
Lúc Ðức Phật nói pháp a lan nhã, có năm trăm Tỳ Kheo dứt tất cả lậu tâm được giải thoát. 6. PHẨM TỲ KHEO KHẤT THỰC
Ðức Phật bảo Trưởng lão Ðại Ca Diếp: "Thế nào là Tỳ Kheo khất thực?
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu có Tỳ Kheo trước an trụ bổn thệ: Tôi y khất thực xuất gia, nay tôi an trụ bổn thệ:Tỳ Kheo ấy chuyên niệm có hay không dua vạy, lìa tất cả thỉnh thực, lìa tất cả sự cún dường trong Tăng chúng mà vững tự trang nghiêm. Ở trong tất cả vị, Tỳ Kheo khất thực chẳng nên quan niệm hảo vị. Với thượng diệu vị, Tỳ Kheo ấy nên khuyên nhủ lòng mình mà suy nghĩ rằng: Tôi như Chiên Ðà La, phải thanh tịnh thân tâm mà chẳng nên tịnh ăn uống. Tại sao? Vì món ngon được ăn xong sẽ thành vật dơ thúi, tôi chẳng nên cầu món ăn ngon. Tỳ Kheo ấy điều phục tâm mình rồi, hoặc vào thành ấp tụ lạc thứ đệ khât thực chẳng nên quan niệm nam tử thí cho tôi chẳng phải nữ nhơn, hay nữ nhơn thí cho tôi chẳng phải nam tử, đồng nam thí chẳng phải đồng nữ hay đồng nữ thí chẳng phải đồng nam, nên được đồ ăn tốt chẳng phải xấu, nên được đồ ăn ngon chẳng phải dở, nên cố ý thí cho chẳng phải chẳng cố ý cho, nên dễ được chẳng phải khó được, nên mau được chẳng phải chẳng mau, nên được cung kính chẳng phải chẳng kính trọng, nên được đồ ăn mới chẳng phải cũ, nên được đồ ăn của nhà giàu chẳng phải của nhà nghèo, mọi người đến tiếp rước tôi. Tất cả pháp bất thiện trên đây, Tỳ Kheo khất thực chẳng nên tư duy, phải tự trang nghiêm như vậy, đây là pháp thông thường được hành trì của Tỳ Kheo khất thực.
Lúc khất thực dù được hay không được, Tỳ Kheo ấy chớ nên sanh lòng ưu hỉ, cũng chẳng quan niệm đồ ăn tốt hay xấu. Tại sao? Vì có nhiều chúng sanh tham trước món ăn ngon, do đây mà tạo ác nghiệp rồi đọa ác đạo. Nếu là người tri túc thì nên bỏ đồ ăn tốt mà thọ món xấu, trừ lưỡi dính món ăn, trong lòng luôn tri túc, được món ăn cực xấu cũng tri túc. Người ấy nếu mạng chung sẽ sanh cõi trời hay trong loài người, sanh cõi trời rồi được ăn món ngon cõi trời.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực như vậy rời lìa mến luyến món ăn mà điều phục tâm mình, dầu cả bảy ngày phải ăn đậu ăn củ cũng chẳng sanh lòng lo phiền. Tại sao? Vì vừa đủ nuơi sống thôi. Nay tôi được ăn rồi để đủ hành đạo, vì để hành đạo mà tôi ăn vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực được phần ăn rơi vào trong bát, được món ăn đúng pháp, được lợi dưỡng đúng pháp, nên cùng Tỳ Kheo phạm hạnh ăn chung phần ăn ấy.
Tỳ Kheo khất thực có lúc phải bịnh không có người giúp việc, không thể đi khất thực, thì nên điều phục tâm mình như vầy: Tôi cô độc không bạn một thân xuất gia, chánh pháp là bạn tôi, tôi phải nhớ đến chánh pháp, nay tôi có bịnh khổ như lời Ðức Thế Tôn dạy: Tỳ Kheo phải nhớ pháp. Những pháp tôi đã được nghe tôi phải khéo suy gẫm. Thế nào là khéo suy gẫm? Quán thân đúng thiệt. Quán thân đúng thiệt rồi, nếu là người có trí huệ thành tựu nhứt tâm có thể được sơ thiền, được vui sơ thiền, hoặc một ngày đến bảy ngày dùng thiền duyệt làm món ăn tâm được hoan hỉ.
Hành pháp như vậy, nếu Tỳ Kheo bịnh ấy chẳng được thiền thì nên siên tu hành an trụ trong thiện pháp có nhiều người hay biết, chư Thiên, Long, Quỉ, Thần đưa món ăn đến cho, đầy là báo lìa khổ ách vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu Tỳ Kheo khất thực gặp trời mưa lớn hoặc gió bụi nhiều chẳng đi khất thực được, bấy giờ dùng từ tâm làm món ăn để tự trang nghiêm, nơi pháp được tu nên an trụ tư duy. Nếu đến hai đêm ba đêm mà chưa được ăn thì nên nghĩ rằng: Có nhiều chúng sanh đọa vào loài ngạ quỉ, vì họ gây nghiệp ác, bị đói khổ bức thiết đến cả trăm năm không nuốt được chút nước miếng. Nay tôi an trụ trong các pháp môn, dầu thân tâm yếu kém, tôi vẫn chịu được đói khát siêng tu thánh đạo chẳng nên thối chuyển.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực chẳng nên thân cận người tại gia những nam tử, nữ nhơn, đồng nam, đồng nữ.
Nếu Tỳ Kheo khất thực bảo người tại gia lựa bỏ những vật bất tịnh, nên ngồi tại chỗ mà thuyết pháp cho họ đến lúc món ăn đã tịnh rồi lại thọ món ăn đứng dậy đi.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực chẳng nên tự hiện dua vậy. Thế nào là tự hiện dua vạy?
Nếu Tỳ Kheo vì người mà nói rằng: Nay tôi xin được món ăn xấu dở lại còn chẳng đủ cùng nhiều người ăn chung, tôi ăn ít nay tôi đói khát thân thể yếu kém. Ðây là tự hiện dua vậy, mà Tỳ Kheo khất thực phải xa lìa.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực đối với tất cả sự phải sanh tâm xả bỏ. Những món ăn rơi vào bát hoặc tốt, xấu, ngon, dở, tịnh, bất tịnh, nhiều ít, tất cả đều nên thọ lòng không ưu hỉ, thường gìn tâm thanh tịnh quán các pháp tướng, vừa đủ nuôi thân để hành thánh đạo mà thọ món ăn vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực, hoặc lúc vào thành ấp tụ lạc thứ đệ khất thực bát không trở về, thì nên nhớ Ðức Như Lai có oai đức lớn xả bỏ ngôi Chuyển Luân Vương đi xuất gia dứt tất cả pháp ác thành tất cả pháp lành, Ngài vào xóm khất thực còn có lúc bát không trở về, huống là tôi bạc phước chẳng trồng căn lành mà chẳng được bát không trở về ư! Vì lẽ ấy mà chẳng nên sanh lòng lo phiền. Tại sao? Vì chẳng trồng căn lành thì chẳng bao giờ được món ăn tốt món ăn xấu. Hoặc giả tôi chẳng được món ăn là tự có ma hay ma sai sử hay ma che ngăn các Bà La Môn cư sĩ khiến tôi khất chẳng được. Tôi nên siêng tu rời lìa tứ ma dứt tất cả phiền não. Nếu tôi siêng tu đạo pháp như vậy thì chẳng phải ma Ba Tuần hay sứ của ma mà có thể làm lưu nạn được.
Nầy Ðại Ca Diếp! Tỳ Kheo khất thực nên thọ trì thánh chủng như vậy". 7. PHẨM PHẤT TẢO Y TỲ KHEO
Ðức Phật bảo Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp: "Phấn tảo y Tỳ Kheo chứa y phấn tảo lượm vật phấn tảo, quan niệm rằng: Vì tàm quý vậy, chẳng phải vì dùng y để tự nghiêm sức vậy, vì che ngăn gió thổi nắng đốt muỗi mòng bu cắn vậy, vì an trụ Phật giáo vậy, chẳng phải vì cầu sạch tốt vậy. ở trong đống phấn tảo, Ty Kheo ấy lượm lấy vật bỏ. Lúc lấy nên sanh hai ý tưởng: Một là ý tưởng tri túc và hai là ý tưởng dễ nuôi. Còn có hai ý tưởng: một là ý tưởng không kiêu mạn và hai là ý tưởng trì thánh chủng. Còn có hai ý tưởng: một là chẳng dùng nghiêm sức thân hình và hai là khiến lòng thanh tịnh.
Nầy Ðại Ca Diếp! Phấn tảo y Tỳ Kheo lúc lượm lấy vật bỏ trong đống phấn tảo, nếu thấy có các thân hữu tri thức thì thôi không lượm lấy mà nghĩ rằng: các người nầy hoặc có thể rầy trách tôi là người dơ bẩn.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ta nói Tỳ Kheo ấy chẳng được tịnh hạnh, tại sao, vì phấn tảo y Tỳ Kheo lòng cứng như đá, ngoại vật chẳng nhập cũng chẳng động được.
Nầy Ðại Ca Diếp! Phấn tảo y Tỳ Kheo lượm lấy vật phấn tảo rồi nên giặt sạch cho hết dơ bẩn, giặt sạch rồi nhuộm kỹ, nhuộm kỹ, nhuộm xong rồi may thành Tăng già lê, khéo ráp, khéo vá khéo may, khéo thọ, thọ rồi nên mặc chớ xếp để hư.
Nầy Ðại Ca Diếp! Phấn tảo y Tỳ Kheo an trụ trong pháp quán bất tịnh mặc y phấn tảo là để ly dục vậy, tu từ tâm mặc y phấn tảo là để lìa sân khuế vậy, quán pháp thập nhị nhơn duyên mặc y phấn tảo là vì rời si vậy, chánh tư duy mặc y phấn tảo là để dứt tất cả phiền não vậy, nhiếp hộ các căn mặc y phấn tảo là vì biết rõ lục nhập vậy, chẳng dua vạy mặc y phấn tảo là để chư Thiên, Long, Quỉ, Thần vui đẹp vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Cớ chi gọi là y phấn tảo?
Ví như tử thi, mọi người chẳng tam muốn chẳng sanh lòng ngã sở lữu theo lẽ phải trừ bỏ. Cũng vậy, y phấn tảo chẳng phải ngã ngã sở, lả dễ được, chẳng phải tà mạn, chẳng cầu xin người, chẳng xem nhan sắc người, là vật vất bỏ không khác phân rác, nó cũng chẳng thuộc của ai. Vì thế nên gọi là y phấn tảo.
Nầy Ðại Ca Diếp! Y phấn tảo là pháp tràng phan, vì là Ðại tiên nhơn vâỵ, vì họ ấy do thánh nhơn vậy, vì dùng thánh chủng để an trụ vậy, vì chuyên niệm nơi thiện pháp nghie thức vậy, vì khéo hộ trì giới tụ vậy, vì hướng đến định tụ vậy, vì an trụ nơi huệ tụ vậy, vì thân dùng giải thoát tụ vậy, vì thuận với pháp do giải thoát tri kiến vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ty Kheo mặc y phấn có phước đức lớn không chỗ mong cầu không chỗ tham trước hay lìa lòng kiêu mạn hay bỏ gánh nặng.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu có Tỳ Kheo mặc y phấn tảo vì tri túc nên chư Thiên, Long, Quỉ , Thần ưa thích muốn thấy. Nếu nhập thiền định thì Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương quì chấp tay đầu mặt đảnh lễ, huống là chư tiểu Thiên khác.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu có ác Tỳ Kheo siêng cầu y phục để nghiêm sức thân hình, ngoài hiện tịnh hạnh mà trong thì đủ tham dục sân khuể. Dầu họ nghiêm sức thân hình xinh đẹp nhưng chư Thiên, Long, Quỉ , Thần chẳng đến kính lễ cúng dường. Tại sao, vì họ biết Tỳ Kheo ấy nghiêm sức thân hình đẹp mà chẳng trừ cấu uế tâm tâm số pháp, vì biết nên họ bỏ đi xa.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ông có thấy Sa Di Châu Na nhặt vật trong đống phấn tảo trong lúc đi khất thực. Ăn xong Châu Na đến ao A Nậu Ðạt để giặt. Bấy giờ bên ao có chư Thiên Thần thường ở đồng tiếp nghinh kính lễ. Chư Thiên Thần ấy đều ưa tinh khiết mà họ cầm y phấn tảo bất tịnh của Châu Na đem đi giặt cho sạch bẩn nhơ, họ còn lấy nước giặt y ấy để rửa thân họ. Chư Thiên Thần ấy biết Châu Na hay trì giới thanh tịnh nhập các thiền định có oai đức lớn nên phụng nghinh kính lễ.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ông có thấy phạm chí Tu Bạt Ðà mặc y sạch mới, khất thực xong muốn đến ao A Nậu Ðạt. Bấy giờ chư Thiên Thần thường ở bên ao, cách ao bốn phía đều năm dặm họ ra ngăn cản phạm chí ấy không cho lại gần ao, họ sợ món ăn bất tịnh và món ăn thừa làm dơ bẩn nước ao.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nay ông hiện thấy sự ấy, do Thánh nhơn chánh hạnh oai đức nên được quả báo ấy. Vật bất tịnh được Sa Di Châu Na nhặt trong đống phấn tảo m à chư Thiên đem đi giặt giúp lại mà còn lấy nước giặt ấy dùng rửa thân thể họ. Phạm chí Tu Bạt Ðà bị họ ngăn cách xa ao năm dặm không cho lại gần.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ai được nghe sự nầy chẳng siêng tu học Thánh pháp, chư Thánh nhơn ấy được chư Thiên và thế nhơn đều đến kính lễ cúng dường.
Nầy Ðại Ca Diếp! Vì muốn cầu Thánh đức như vậy nên mặc y phấn tảo. Tỳ Kheo mặc y phấn tảo an trụ Thánh chủng chẳng nên sanh lòng lo. Với y phấn tảo nên có ý tưởng là Phật tháp , là Thế Tôn, là xuất thế, không có ngã ngã sở. Quán tưởng như vậy rồi mặc y phấn tảo, phải điều phục tâm mình như vậy. Do tâm tịnh nên thân tịnh, chẳng phải do thân tịnh mà được tâm tịnh. Vì thế nên tịnh tâm mình chớ nghiêm sức thân, tại sao, vì do tâm tịnh mà trong Phật pháp được gọi là tịnh hạnh.
Nầy Ðại Ca Diếp! Phấn tảo y Tỳ Kheo hay học như vậy tức là học ở ta cũng học ở ông. Nếu ông hay mặc y thô xấu như vậy tức là tri túc và hành Thánh chủng hạnh.
Nầy Ðại Ca Diếp! Y tăng già lê của ông hoặc để trên giường hoặc đề tại chỗ ngồi trong khi ông mặc y Uất đa la tăng kinh hành, có ngàn vạn chư Thiên đến kính lễ y Tăng già lê của ông. Y Tăng già lê ấy là y được mặc trên thân của người huân tu giới định huệ. Nên biết y của ông còn được tôn trọng kính lễ dường ấy huống là thân của ông.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ta xả bỏ ngôi Chuyển Luân Vương đi xuất gia. Ngày trước ta đã từng mặc y mịn đẹp thượng diệu. Nay ta tri túc hành Thánh chủng hạnh vì các người khác mà xả bỏ y đẹp tốt mặc y phấn tảo nhặt trong gò mả. đương lai nếu Tỳ Kheo theo pháp này của ta thì được học theo ta.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ông vốn có kim lũ thượng y đem dưng ta, ta vì ông mà nhận y ấy chớ chẳng phải do tham, chẳng phải để nghiêm sức thân hình vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Có ác Tỳ Kheo chẳng thể học theo ta cũng chẳng học theo ông, họ tham chứa để nhiều y bát tích tụ món uống ăn cất đựng chẳng xả. Họ cũng chứa vàng bạc, lưu ly, gạo thóc, bò dê, gà heo, lừa ngựa, xe cộ đồ cày bừa, đồ dùng tại gia họ đều cầu chứa để.
Nầy Ðại Ca Diếp! Người có trí dầu tại gia mà hay tăng trưởng thiện pháp, chẳng phải kẻ ngu si xuất gia có được phần thiện pháp ấy.
Thế nào là người trí tại gia hay tăng trưởng thiện pháp?
Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu có người xuất gia lấy y quắn cổ không có hạnh Sa Môn, có nhiều duyên sự các thứ buộc ràng cầu áo cơm tốt. Họ mặc ca sa rồi người tại gia thấy liền lễ kính cúng dường cung cấp y phục, ẩm thực, đồ nằm, thuốc men, đến đi đón đưa. Nầy Ðại Ca Diếp! Người tại gia có pháp lành như vậy, người xuất gia kia không có sự ấy. Tại sao? Vì người xuất gia kia cầu nhiều vật dùng chẳng thể thí xả cho người khác vậy.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ðương lai có các Tỳ Kheo chứa nhiều y bát có nhiều vật dùng, họ được phần đông ngưởi tại gia lễ kính tôn trọng tán thán. Tại sao? Vì họ cho các Tỳ Kheo ấy thọ nhiều thí vật, hoặc có thể đem cho tôi, tôi có cần dùng các Tỳ Kheo ấy có thể luôn luôn cho tôi.
Nầy Ðại Ca Diếp! Ðương lai hoặc có Tỳ kheo trì giới thấy lỗi họa của đời nên siêng tu thiện pháp để lìa tất cả lậu như cứu đầu cháy. Lòng họ tri túc ít duyên sự siêng tu tự lợi lìa tất cả duyên tập xấu ác. Nhưng Tỳ Kheo nầy không có người đến chỗ họ ở, không ai thân cận, không ai lễ kính tôn trọng tán thán họ. Tại sao?Vì các người tại gia khinh tháo thiển bạc, thấy lợi hiện tại chẳng thấy lợi đời sau, họ nghĩ rằng: nơi Tỳ Kheo nầy chẳng được lợi ích đâu cần thân cận lễ kính tôn trọng tán thán. Ngoại trừ kẻ nghèo cùng ít căn lành và người có túc duyên nên lễ kính, những người nầy thân cận lễ kính tôn trọng tán thán Tỳ Kheo trì giới làm thiện tri thức.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nói như vậy rồi vừa ý hai hạng người: Một là hoặc thấy Tứ thánh đế và hai là hoặc thấy lỗi họa sanh tử. Còn có hai hạng người: một là siêng tu muốn lìa bốn ác và hai là muốn được quả Sa Môn. Còn có hai hạng người: một là chuyên niệm nghiệp báo và hai là muốn biết nghĩa các pháp tướng.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nay ta đóng bít cửa của tất cả kẻ giải đãi, đó là người chẳng biết nghiệp chẳng biết nghiệp báo, người rời lìa nghi thức lành, người chẳng thấy ác khổ đời sau dụ như kim cương, người thấy lợi hiện đời mà chẳng thấy lợi đời sau, người chẳng sanh một niệm hướng đến môn giải thoát.
Nầy Ðại Ca Diếp! Nay ta nói ác Tỳ Kheo kia chẳng nên mong cầu. Hoặc nói pháp như vậy, hoặc gặp pháp như vậy, nghe pháp như vậy rồi tự biết sờ thành chẳng hiểu thâm pháp nên phỉ báng. Họ cho rằng thâm pháp ấy chẳng phải Phật nói, là của luận sư làm, hoặc của ma nói để dạy người khác. Ác Tỳ Kheo kia tự hại như vậy cũng hại người khác. Họ tự nhiễm dơ cũng làm dơ người khác. Ác Tỳ Kheo kia chẳng thể tự lợi cũng chẳng lợi người khác".
Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! vì đại bi mà chư Phật nói Tỳ Kheo chuyên tu hành ở trong các pháp được tự tại. Ðức Như Lai ở trong kinh nầy đã rộng nói xong.
Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nghe kinh nầy rồi tin hiểu đọc tụng hướng đến pháp như thiệt, nên biết các chúng sanh ấy đã được chư Phật nhiếp thủ".
Ðức Phật bảo Ngài A Nan: "Nầy A Nan! Nếu có người thọ trì thì đã ở nơi chư Phật quá khứ gieo trồng căn lành nên nay muốn được kinh này để đọc tụng không thuộc muốn được giải thoát. Các thiện nam tử thiện nữ nhơn, hoặc người tại gia hay người xuất gia, học pháp môn nầy thì có thể dứt các lậu cũng được Niết bàn.
Tôn giả A Nan bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Kinh nầy tên là gì, tôi phải thọ trì thế nào?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy A Nan! Kinh nầy tên là Chọn Lựa Tất Cả Pháp Bửu. Cũng tên là An Trụ Thánh Chủng Nghi Thức. Cũng tên là Nhiếp Thủ Người Trì Giới. Cũng tên là Dạy Răn Người Phá Giới. Cũng tên là Bửu Lương. Cũng tên là Bửu Tụ. Cũng tên là Bửu Tạng. Cũng tên là Chư Bửu Pháp Môn".
Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp thỉnh hỏi kinh Ðại Thừa Bửu Lương xong, chúng Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy hoan hỉ phụng hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.47.177 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.