Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Bấy giờ Ðức Thế Tôn ở giữa đại chúng khen Thương Chủ Thiên Tử: "Lành thay lành thay! Như lời ông nói. Nầy Thiên Tử! Ông nghe thần biến của Văn Thù Sư Lợi nói mà có thể biết rõ thì không còn kinh sợ các thần biến khác. Tại sao? Vì sự đại kinh bố của tất cả thế gian là trong ý tưởng thường mà nói vô thường, trong ý tưởng lạc mà nói khổ, trong ý tưởng ngã mà nói vô ngã, trong ý tưởng tịnh mà nói bất tịnh, trong ý tưởng có mà nói không có, trong các kiến chấp mà nói rỗng không, trong ý tưởng tịch tĩnh mà nói vô tướng, trong ba cõi mà nói vô nguyện, nơi ngã ngã sở mà nói không chấp trước. Nếu ở trong đây mà không kinh sợ thì gọi là an trụ chánh điều phục. Tại sao, vì nếu sanh kinh sợ thì ở nơi pháp ấy chẳng thọ trì được. Đó là chấp trước nơi ngã và ngã sở, nếu không chấp trước thì vô sở trụ,
nếu vô sở trụ thì vô sở động, nếu vô sở động thì vô lai khứ, nếu vô lai khứ thì vô sở thọ, nếu vô sở thọ thì vô sở thủ, nếu vô sở thủ thì vô điên đảo, nếu vô điên đảo thì vô tà kiến, nếu vô tà kiến thì vô chánh tín, nếu vô chánh tín thì vô chánh kiến, nếu vô chánh kiến thì vô chánh định, nếu vô chánh định thì vô loạn tâm, nếu vô loạn tâm thì vô trụ xứ, nếu vô trụ xứ thì vô kiến lập, nếu vô kiến lập thì vô thức tướng, nếu vô thức tướng thì vô tư duy, nếu vô tư duy thì vô sở đắc, nếu vô sở đắc thì vô phan duyên, nếu vô phan duyên thì vô phân biệt, nếu vô phân biệt thì chẳng thấy tự tha, vì chẳng thấy tự tha thì không tương tục, vì không tương tục thì không nhiệt não, vì không nhiệt não thì không phiền não nhơn, vì không phiền não nhơn thì được thấy quang minh, vì được thấy quang minh nên được trí huệ, vì được trí huệ nên được quảng đại tâm, vì được quảng đại tâm nên ma không được dịp, vì xô dẹp ma nên không chướng ngại, vì không chướng ngại thì là hiện tiền được tất cả Phật pháp.
Như vậy, nầy Thiên Tử! Nơi tất cả pháp vô sanh vô tác mà khai thị diễn thuyết thì gọi là tuyên nói đại thần biến".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Như chỗ tôi được hỏi, có phải Ngài đều dùng bí mật thuyết chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nầy Tôn giả! Tất cả các pháp văn tự nhóm họp giả danh an lập. Văn tự vô tận tùy theo chỗ ưa thích mà tuyên nói, các pháp vô tánh tùy theo chỗ đáng nên hiểu.
- Nầy Tôn giả! Tất cả pháp tự tánh ly không tích tập không sở kiến, chỉ tùy theo chỗ ưa thích rồi như chỗ đáng nên mà tuyên thuyết, nhưng tất cả pháp không từ đâu đến cũng không chỗ đi, chẳng tại phương chẳng rời phương, không hợp không tan. Nếu dùng văn tự tuyên nói, tất cả Phật pháp tất cả chúng sanh pháp chẳng từ thân phát xuất chẳng từ tâm phát xuất, từ nhơn duyên sanh. Như văn tự ấy không có tích tập, tâm và tâm sở pháp cũng không tích tập. Như tâm tâm sở không tích tập, tất cả phiền não chướng ngại cũng không tích tập. Nếu phiền não chướng ngại không tích tập, trí huệ cũng không tích tập. Bởi thế nên phiền não và trí huệ đều xả ly cả hai, vì phiền não và trí huệ đều vô sở trụ vậy. Đây gọi là tuyên nói đại thần biến.
Thương Chủ Thiên Tử bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Những gì là Bồ Tát trí?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nầy Thiên Tử! Khổ trí là Bồ Tát trí vì chẳng chán các uẩn. Tập trí là Bồ Tát trí vì chứa họp căn lành. Diệt trí là Bồ Tát trí vì thị hiện có sanh. Đạo trí là Bồ Tát trí vì rời lìa ác đạo. Nhơn trí là Bồ Tát trí vì chỗ làm chẳng hư hoại. Duyên trí là Bồ Tát trí vì dứt sanh tử. Phật trí là Bồ Tát trí vì khiến chứng nhập. Duyên sanh trí là Bồ Tát trí vì không chấp trước. Uẩn trí là Bồ Tát trí vì trừ uẩn ma. Giới trí là Bồ Tát trí vì pháp giới bình đẳng. Xứ trí là Bồ Tát trí vì khéo quán không tụ. Thí trí là Bồ Tát trí vì không phi thời. Giới trí là Bồ Tát trí vì nhiếp các kẻ phá giới. Nhẫn trí là Bồ Tát trí vì thủ hộ chúng sanh. Tinh tấn trí là Bồ Tát trí vì làm nghiệp lành. Thiền định trí là Bồ Tát trí vì chẳng rời định tâm. Trí tuệ trí là Bồ Tát trí vì biết rõ các pháp. Phương tiện trí là Bồ Tát trí vì thành thục chúng sanh. Từ trí là Bồ Tát trí vì cứu vớt các cõi. Bi trí là Bồ Tát trí vì không mỏi mệt. Hỉ trí là Bồ Tát trí vì vui ưa chánh pháp. Xả trí là Bồ Tát trí vì thành tựu Phật pháp. Quán sát trí là Bồ Tát trí vì an trụ niệm xứ. Chánh cần trí là Bồ Tát trí vì thuận bình đẳng. Thần túc trí là Bồ Tát trí vì không tác dụng. Tín căn lực trí là Bồ Tát trí vì rời tất cả chấp trước. Tinh tấn căn lực trí là Bồ Tát trí vì xô phá tất cả phiền não. Niệm căn lực trí là Bồ Tát trí vì chẳng mất chánh niệm. Định căn lực trí là Bồ Tát trí vì tất cả pháp bình đẳng. Huệ căn lực trí là Bồ Tát trí vì biết các căn tánh. Bồ Ðề phần trí là Bồ Tát trí vì tự nhiên giác ngộ. Thánh đạo trí là Bồ Tát trí vì cứu vớt các ác đạo. Tận trí là Bồ Tát trí vì thiện căn vô tận. Vô sanh trí là Bồ Tát trí vì được vô sanh nhẫn. Niệm Phật trí là Bồ Tát trí vì thành tựu nhân Phật. Niệm Pháp trí là Bồ Tát trí vì chuyển pháp luân. Niệm Tăng trí là Bồ Tát trí vì vào chúng bình đẳng. Niệm xả trí là Bồ Tát trí vì chẳng bỏ tất cả chúng sanh. Niệm giới trí là Bồ Tát trí vì viên mãn tất cả nguyện. Niệm thiên trí là Bồ Tát trí vì lìa tất cả. Chúng sanh căn trí là Bồ Tát trí vì rõ biết vô lượng. Viên mãn trí là Bồ Tát trí vì giới không khuyết. Chúng sanh nghiệp trí là Bồ Tát trí vì như thiệt tương ưng. Xứ phi xứ trí là Bồ Tát trí vì chẳng thấy có xứ. Thập lực trí là Bồ Tát trí vì nhiếp các Thanh Văn Duyên Giác. Tứ vô úy trí là Bồ Tát trí vì biết rõ chướng chẳng chướng. Quá khứ thế vô ngại trí là Bồ Tát trí vì không chỗ chấp trước. Vị lai thế vô ngại trí là Bồ Tát trí vì tất cả pháp không chỗ đến. Hiện tại thế vô ngại trí là Bồ Tát trí vì tất cả pháp vô sở trụ. Tất cả chúng sanh thọ vô lượng thân trí là Bồ Tát trí vì từ ngữ ngôn sanh. Tất cả chúng sanh ngôn âm sai biệt trí là Bồ Tát trí vì từ tâm sanh. Tất cả chúng sanh tâm sở động trí là Bồ Tát trí vì hay biết rõ. Vô quá thất trí là Bồ Tát trí vì biết rõ lỗi lầm của tất cả chúng sanh. Vô sốt bạo trí là Bồ Tát trí vì hay dứt tất cả đấu tranh. Bất thất niệm trí là Bồ Tát trí vì an trụ chúng sanh loạn tâm. Nhiếp chúng sanh trí là Bồ Tát trí vì nhiếp các kẻ giải đãi. Phật bất cộng trí là Bồ Tát trí vì biết ứng hóa. Đại phương tiện trí là Bồ Tát trí vì y Bát nhã vậy.
- Nầy Thiên Tử! Trên đây gọi là trí của chư Bồ Tát. Do trí nầy sẽ được vô ngại đại trí của Như Lai".
Thương Chủ Thiên Tử bạch: "Bạch Văn Thù Sư Lợi Ðại Bồ Tát! Thật hi hữu các Bồ Tát trí ấy tối thù thắng trong ba cõi, chẳng thể dùng ít trang nghiêm mà thành tựu được. Nếu hay phát sanh trí huệ ấy là đại thần biến.
Bồ Tát thế nào ở nơi pháp này có thể trang nghiêm đầy đủ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nầy Thiên Tử! Nếu nghe nói tất cả chúng sanh bổn lai tịch diệt mà chẳng kinh sợ thì gọi là Bồ Tát trang nghiêm đầy đủ".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là Bồ Tát?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu hành Bồ Ðề mà vô sở trụ thì gọi là Bồ Tát".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Ma Ha Tát ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Bồ Tát nói: "Đã qua khỏi các hành viên mãn đại trí là Ma Ha Tát".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào nói là thù thắng chúng sanh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Do trí huệ nên chẳng chấp trước các pháp. Dùng sức phương tiện nhiếp thọ tất cả, nên gọi là thù thắng chúng sanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là thanh tịnh chúng sanh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Vì chẳng cùng ở với phiền não. Vì trừ bịnh phiền não cho chúng sanh mà phát đại tinh tấn nên gọi là thanh tịnh chúng sanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là cực thanh tịnh chúng sanh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu vì độ thoát tất cả chúng sanh mà tịnh tu đạo phẩm thì gọi là cực thanh tịnh chúng sanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào làm Thế Đạo Sư?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu hay an trụ đạo sở hành mà thành thục vô lượng vô biên chúng sanh thì gọi là Thế Đạo Sư".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào an trụ điều phục?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu ỏ nơi chúng sanh đáng được điều phục mà có thể làm cho họ an trụ cứu cánh điều phục thì gọi là điều phục".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào được dũng mãnh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu hay thành thục tất cả chúng sanh dẹp phá ma oán khiến ra khỏi sanh tử thì gọi là dũng mãnh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào là khó ngăn phá được?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu hay thành mãn sở nguyện thuở xưa chẳng cầu đạo chứng của Thanh Văn Duyên Giác thì gọi là Bồ Tát khó ngăn phá được".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào thắng hơn tất cả?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Dùng trí phương tiện hộ trì chánh pháp thành thục chúng sanh được sự chiêm ngưỡng của tất cả Trời Người thì gọi là thắng hơn".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thuyết pháp?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Y lời Phật nói xô phá tất cả tà luận dị luận thì gọi là thuyết pháp".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thuyết luật?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tự an trụ nơi giới luật có thể dứt phiền não ác nghiệp cho chúng sanh thì gọi là thuyết luật".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là đầy đủ lợi ích chúng sanh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Bao nhiêu căn lành được chứa họp đều hồi hướng tất cả thì gọi là đầy đủ lợi ích chúng sanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là trực tâm?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đối với chúng sanh tham sân si siểm khúc mà chẳng ghét giận thì gọi là trực tâm".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là chẳng siểm khúc?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đó là lời nói thành thiệt".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là rời lìa dối phỉnh?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Sau khi suy gẫm kỹ rồi mới nói".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là rời lìa kiêu mạn?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đối với tất cả chúng sanh chẳng cống cao".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là đại thí?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Vô Thượng Bồ Ðề khó được đã chứa họp còn đem bố thí cho chúng sanh huống là những vật thế gian, đây gọi là đại thí".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là đủ giới?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nhẫn đến dầu phải mất mạng cũng chẳng bỏ tâm Bồ Ðề, đây gọi là đủ giới".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là nhẫn?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Hay nhẫn được sự bức bách mà chẳng bức bách người đây gọi là nhẫn".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tinh tấn?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Giản trạch các pháp không có chút pháp khả đắc đây gọi là tinh tấn".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thiền định?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chẳng thấy Dục giới, đây gọi là thiền định".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là trí huệ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Không có phân biệt, đây gọi là trí huệ".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là an trụ nơi từ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Quan sát chúng sanh giới rỗng không không có, đây gọi là an trụ nơi từ".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là an trụ nơi bi?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Biết tất cả pháp không mà chẳng bỏ tinh tấn, đây gọi là an trụ nơi bi".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là là an trụ nơi hỉ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "An trụ đại tịch lạc cầu pháp không chán, đây gọi là an trụ nơi hỉ".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là an trụ nơi xả?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chẳng nhiễm thế pháp hay cứu thế gian, đây gọi là an trụ nơi xả".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thân thanh tịnh?".
442
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tùy ý sanh thân ở nơi tất cả chúng sanh bình đẳng thị hiện đây là thân thanh tịnh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là ngữ thanh tịnh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Phàm chỗ thuyết pháp đều trọn chẳng luống uổng đều có thể làm mãn túc tất cả chúng sanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là ý thanh tịnh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tất cả chúng sanh có bao nhiêu tâm niệm, Bồ Tát trong một tâm đều có thể biết rõ cả".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thiên nhãn ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Hay thấy tất cả sắc tướng quang minh mà không chấp trước".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thiên nhĩ ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Hay nghe tất cả âm thanh mà rời lìa tướng âm thanh".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tha tâm ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Biết rõ các tâm sanh diệt lưu chú".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là túc mạng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chẳng động thiệt tế mà biết rõ tiền tế".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thần thông?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chẳng động ma nghiệp mà dẹp phá các ma".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là điều phục?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Hay điều phục tất cả kẻ khó điều phục".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thủ hộ?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chẳng bị các căn làm nhiễu loạn".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là điều thuận?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tất cả các pháp chẳng dao động được".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tịch tịnh?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Ở trong lửa phiền não mà chẳng bị cháy, độ người phiền não vì họ thuyết pháp".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tịnh tín?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu nghe nói thân Phật là pháp sắc tướng thì trọn chẳng tin nhận chẳng bị nhiễu hoại".
Thiên Tử nói: "Bạch Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thiện xảo phương tiện?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu thấy chúng sanh có phiền não lỗi lầm thì đồng như thấy Vô Thượng Bồ Ðề, đây gọi là Bồ Tát thiện xảo phương tiện".
Lúc nói pháp trên đây có vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
Ðức Thế Tôn khen rằng: "Lành thay lành thay! Văn Thù Sư Lợi khéo có thể diễn thuyết Bồ Tát hạnh, đây là đã nhiếp vô lượng công đức của tất cả Bồ Tát".
Thương Chủ Thiên Tử lại bạch Văn Thù Sư Lợi: "Thuở trước Ngài cung kính cúng dường bao nhiêu Phật Thế Tôn mà được biệt tài ấy?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Ví như ảo nhơn tâm số đã dứt".
Thiên Tử nói: "Tâm tướng của chúng sanh còn bất khả đắc huống là ảo nhơn mà có tâm dứt".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chư Phật Như Lai tánh tướng như vậy, tôi y pháp ấy mà cúng dường Như Lai".
Thiên Tử nói: "Ngài thật hành Đàn Ba la mật đã bao lâu rồi?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Như hóa nhơn do Phật hóa ra, nếu ai có hỏi thật hành Đàn Ba la mật được bao lâu, thì hóa nhơn sẽ đáp thế nào?".
Thiên Tử nói: "Không thể đáp vậy".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tôi cũng như vậy, sao lại hỏi thật hành bao lâu?".
Thiên Tử nói: "Ngài an trụ xan lẫn chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy".
Thiên Tử nói: "Ý Ngài thế nào?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tôi chẳng bỏ Phật pháp chẳng rời chúng sanh nên là xan lẫn".
Thiên Tử nói: "Cứ như ý nghĩa mà ngài đã nói thì Ngài cũng là phá giới chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy. Luận về người phá giới thì bị đọa ác đạo. Tôi vì độ chúng sanh khổ mà vào trong ác đạo nên gọi là phá giới".
Thiên Tử nói: "Ngài phát khởi tâm tổn hại chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy. Luận về tâm tổn hại thì gọi là chẳng yêu mến. Đối với phiền não và Nhị thừa tôi đều chẳng yêu mến nên gọi là tâm tổn hại".
Thiên Tử nói: "Có phải ngài giải đãi chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy. Tôi chẳng phát khởi ba nghiệp thân khẩu ý, không chỗ tiến cầu chẳng lấy chẳng bỏ nên gọi là giải đãi".
Thiên Tử nói: "Có phải Ngài tán loạn chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy. Luận về người tán loạn là chẳng an trụ tâm giải thoát. Vì thành thục tất cả chúng sanh mà tôi chẳng an trụ giải thoát nên gọi là loạn tâm".
Thiên Tử nói: "Có phải Ngài vô trí chăng?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Đúng vậy. Luận về kẻ vô trí đồng với những người ngu lầm chẳng sợ sanh tử. Đối với sanh tử tôi chẳng kinh sợ, vì muốn thành thục các chúng sanh ngu lầm mà đồng sự nghiệp với họ nên gọi là vô trí".
Thiên Tử nói: "Ngài là bực đáng nhận sự cúng dường của thế gian".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tôi đối với tất cả sanh lòng sát hại, tôi sát hại tham sân si cho họ nên là người đáng được thế gian cúng dường".
Thiên Tử nói: "Như lời Ngài đã nói sẽ làm cho thế gian đều phải kinh sợ".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nầy Thiên Tử! Nếu thiệt tế kinh sợ thì thế gian kinh sợ, tại sao, vì tất cả thế gian tức thiệt tế vậy".
Thiên Tử nói: "Nếu có người hủy báng thuyết này thì sẽ đến chỗ nào?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Sẽ đến Niết Bàn. Tại sao, vì trong thánh giải thoát không có văn tự nên phá hủy ngôn thuyết thì được đến Niết Bàn. Do nghĩa ấy nên tất cả pháp bổn lai giải thoát chẳng còn lại giải thoát. Vì đã giải thoát thì chẳng giải thoát lại".
Thiên Tử nói: "Người hủy báng chánh pháp há chẳng đọa địa ngục ư?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nếu đã giải thoát thì rời lìa các hoặc nghiệp sao lại đọa địa ngục!".
Thiên Tử nói: "Như lời Ngài nói, không người tán trợ".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Trong không vô tướng vô nguyện tán trợ chỗ nào".
Thiên Tử nói: "Người tu không hành nên an trụ chỗ nào?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nên an trụ nơi từ, vì chúng sanh như ảo hóa tự tánh vốn không".
Thiên Tử nói: "Thế nào biết rõ chúng sanh giới?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Thấy tất cả chúng sanh từ nhơn duyên khởi chẳng đoạn chẳng thường nên biết khắp chúng sanh giới".
Thiên Tử nói: "Chúng sanh giới có nghĩa là gì?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Chúng sanh giới tức là pháp giới".
Thiên Tử nói: "Thế nào là pháp giới?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tự tánh không giới gọi là pháp giới".
Thiên Tử nói: "Sao gọi là không giới?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Siêu quá tất cả cảnh giới là hư không giới".
Thiên Tử nói: "Những gì là siêu quá giới?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Là Phật cảnh giới".
Thiên Tử nói: "Sao gọi là Phật cảnh giới?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Nhãn giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải nhãn, vì nhãn sắc là cảnh giới của nhãn thức vậy.
Nhĩ giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải nhĩ, vì nhĩ thanh là cảnh giới của nhĩ thức vậy.
Cho đến ý giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải ý, vì ý pháp là cảnh giới của ý thức vậy.
Sắc giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải sắc cảnh giới.
Cho đến thức giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải thức cảnh giới.
Vô minh giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải vô minh cảnh giới.
Cho đến lão bịnh tử giới là Phật cảnh giới, nhưng Phật cảnh giới chẳng phải lão bịnh tử cảnh giới.
Dục giới là Phật cảnh giới vì không tướng tham vậy.
Sắc giới là Phật cảnh giới vì chẳng phải đối trừ tham vậy.
Vô sắc giới là Phật cảnh giới vì chẳng phải không thấy rõ vậy.
Vô vi giới là Phật cảnh giới vì không hai tướng vậy.
Hữu vi giới là Phật cảnh giới vì không ba tướng vậy.
- Nầy Thiên Tử! Đây gọi là Phật cảnh giới. Cảnh giới như vậy vào tất cả giới hoặc hữu biên hay vô biên đều nhiếp thọ cả.
Vì khéo vào cảnh giới ấy nên Bồ Tát thường đi trong tất cả cảnh giới thế gian siêu quá ma giới. Nơi Phật giới cùng ma giới Bồ Tát biết rõ như thiệt tịch tĩnh bình đẳng nên gọi là đại thần biến.
Lại nữa, Bồ Tát chẳng an trụ bình đẳng, dùng pháp bình đẳng thành thục chúng sanh.
Thế nào là bình đẳng và phi bình đẳng? Tất cả các pháp tự tánh không tịch, biết rõ như vậy gọi là an trụ bình đẳng. Chẳng vào được pháp tánh không tịch thì gọi là phi bình đẳng.
Bồ Tát thành thục chúng sanh phi bình đẳng như vậy mà cũng chẳng an trụ không bình đẳng.
Tất cả các pháp vô tướng bình đẳng, vô nguyện bình đẳng, vô tác bình đẳng, vô sanh bình đẳng, vô diệt bình đẳng, ly nhiễm bình đẳng, tịch tĩnh bình đẳng, vô tánh bình đẳng, diệt bình đẳng, Niết Bàn bình đẳng, chúng sanh ấy chẳng biết pháp bình đẳng như vậy. Bồ Tát thành thục các chúng sanh như vậy mà cũng chẳng an trụ nơi bình đẳng.
Vì thế nên chẳng trụ bình đẳng chẳng ly bình đẳng gọi là Bồ Tát hạnh".
Thương Chủ Thiên Tử bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Xin Ngài vì tôi mà nói những Bồ Tát hạnh".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Bồ Tát hạnh chẳng thể nghĩ bàn được".
Thiên Tử nói: "Thế nào là Bồ Tát hạnh chẳng thể nghĩ bàn?".
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: "Tham hành là Bồ Tát hạnh vì tham chẳng thể nghĩ bàn. Sân hành là Bồ Tát hạnh vì sân chẳng thể nghĩ bàn. Si hành là Bồ Tát hạnh vì si chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng xan lẫn là Bồ Tát hạnh vì không ý tưởng bố thí. Chẳng phá giới là Bồ Tát hạnh vì chẳng lấy giới tướng. Chẳng giận hại là Bồ Tát hạnh vì không tướng nhẫn. Chẳng giải đãi là Bồ Tát hạnh vì rời niệm tinh tấn. Chẳng tán loạn là Bồ Tát hạnh vì chẳng trụ nơi định. Rời ngu si là Bồ Tát hạnh vì chẳng sanh ý tưởng là trí. Không phiền não là Bồ Tát hạnh vì không sở đoạn. Không tham ái là Bồ Tát hạnh vì rời thân tướng. Lòng xót thương là Bồ Tát hạnh vì bỏ lòng thương của nữ nhơn. Không ô nhiễm là Bồ Tát hạnh vì quở trách ngũ dục. Rời phi pháp là Bồ Tát hạnh vì chứa họp căn lành. Không tiếc lẫn là Bồ Tát hạnh vì xả bỏ thân mạng. Dứt các ác là Bồ Tát hạnh vì không nhiệt não. Không sở trước là Bồ Tát hạnh vì rời ái phi ái. Không sở hoại là Bồ Tát hạnh vì chánh quán phiền não. Không bố úy là Bồ Tát hạnh vì vào vô biên sanh tử. Đại tinh tấn là Bồ Tát hạnh vì mang gánh tất cả chúng sanh. Chẳng thối chuyển là Bồ Tát hạnh vì thành mãn nguyện xưa. Các bửu hành là Bồ Tát hạnh vì nhiếp Tam bửu. Tất cả hạnh là Bồ Tát hạnh vì siêng tu pháp trợ đạo. Không chướng ngại là Bồ Tát hạnh vì rời nhị biên. Không lỗi lầm là Bồ Tát hạnh vì được người trí khen. An trụ tâm là Bồ Tát hạnh vì nhớ tất cả chúng sanh. Vô phân biệt là Bồ Tát hạnh vì bình đẳng xem tất cả. Thiện trượng phu là Bồ Tát hạnh vì gánh vác không mỏi. Dũng mãnh là Bồ Tát hạnh vì xô phá tất cả phiền não. Vững chắc là Bồ Tát hạnh vì việc làm chẳng bỏ giữa chừng. Thắng xuất là Bồ Tát hạnh vì tinh tấn chẳng thối lui. Tùy thuận là Bồ Tát hạnh vì đối với đồng lữ chẳng trái nghịch. Hoan hỉ là Bồ Tát hạnh vì làm cho kẻ làm ác hoan hỉ. Tín lạc là Bồ Tát hạnh vì thấy Phật nghe pháp thờ thầy vui mừng. Mão giáp kim cương là Bồ Tát hạnh vì chẳng phá luật nghi. Trang nghiêm Phật độ là Bồ Tát hạnh vì thanh tịnh tâm mình. Siêu quá tất cả là Bồ Tát hạnh vì nhập tối thượng thừa. Biết ơn báo ơn là Bồ Tát hạnh vì chẳng dứt giống Phật.
Trí huệ phương tiện là Bồ Tát hạnh vì nhiếp thọ không dứt vậy".
Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói các Bồ Tát hạnh ấy có năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
Thương Chủ Thiên Tử nói: "Lành thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi khéo nói Bồ Tát hạnh ấy, nếu chư Bồ Tát làm được như vậy tức là đã được Ðức Như Lai thọ ký".
Đức Phật nói: "Đúng như vậy. Nầy Thiên Tử! Thuở xưa lúc ta được Bồ Tát hạnh ấy, Ðức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, lúc ấy ta được vô sanh pháp nhẫn. Đây gọi là Như Lai tối đại thần biến. Người đã lâu thành tựu nghiệp thanh tịnh mới có thể tu tập Bồ Tát hạnh ấy".
Thương Chủ Thiên Tử bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Thế nào gọi là vô sanh? Thế nào sẽ được vô sanh ấy?".
Đức Phật nói: "Nầy Thiên Tử! Vô sanh ấy chẳng phải trước có sanh rồi sau nói vô sanh, chính là bổn tự chẳng sanh nên gọi là vô sanh. Chẳng phải trước có khởi rồi sau nói vô khởi, chính là bổn lai chẳng khởi nên gọi là vô khởi. Chẳng phải trước có tướng rồi sau nói vô tướng, chính là bổn lai không có tướng nên gọi là vô tướng. Chẳng phải trước có tạo tác rồi sau nói vô tác, chính là bổn lai chẳng tạo tác nên gọi là vô tác. Chẳng phải trước có chúng sanh rồi sau nói không, chính là chúng sanh tánh không nên nói là không. Biết rõ vô sanh vô diệt vốn không chỗ nhiễm trước như vậy thì gọi là vô sanh.
Nhẫn khả tất cả chúng sanh tất cả quốc độ bổn lai bất sanh như vậy thì gọi là vô sanh nhẫn.
Nhẫn khả tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật bổn lai chẳng sanh như vậy thì gọi là vô sanh nhẫn.
Nhẫn khả tất cả Bồ Tát tất cả chư Phật bổn lai chẳng sanh như vậy thì gọi là vô sanh nhẫn.
Nhẫn khả tất cả các pháp bổn lai chẳng sanh như vậy thì gọi là vô sanh nhẫn.
- Nầy Thiên Tử! Vì các pháp chẳng sanh nên sát na sát na không. Vì sát na không nên gọi là vô tướng. Vì sát na vô tướng nên sắc sát na không. Vì sắc sát na không nên thọ tưởng hành thức sát na không. Vì thức sát na không nên giới sát na không. Vì giới sát na không nên xứ sát na không. Nếu sát na không thì vô sở hữu. Vì vô sở hữu nên vô sở nhiễm. Vì vô sở nhiễm nên tự tánh ly. Vì tự tánh ly nên gọi các pháp bổn lai tịch tĩnh. Có thể nhẫn khả nhập vào bình đẳng như vậy thì gọi là được vô sanh nhẫn thọ ký Bồ Ðề. Người được vô sanh nhẫn nầy là vô sở đắc.
Thế nào gọi là hữu sở đắc?
Thấy hai tướng ngã ngã sở khả đắc thì gọi là hữu sở đắc. Thấy hai tướng chúng sanh thọ giả dưỡng dục ngã nhơn khả đắc thì gọi là hữu sở đắc.
Thế nào gọi là vô sở đắc?
Thấy tự tánh của ngã và ngã sở biết rõ không có hai thì gọi là vô sở đắc là thành tựu vô sanh nhẫn.
- Nầy Thiên Tử! Trong vô số kiếp Bồ Tát tu hành nhẫn ấy thì gọi là Như Lai tối đại thần biến".
Lúc Ðức Phật nói nhẫn ấy, cả Tam thiên Đại thiên thế giới chấn động sáu cách, quang minh lớn chiếu khắp tất cả thế giới, trăm ngàn âm nhạc chẳng trổi tự kêu, giữa hư không mưa hoa đẹp, có bốn vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, chín vạn Bồ Tát được tùy thuận pháp nhẫn. Do thần lực của Phật làm cho Ta Bà thế giới nầy đồng như lúc Ðức Phật Nhiên Đăng vào thành Liên Hoa.
Bấy giờ Ðức Thế Tôn liền mỉm cười, có vô lượng trăm ngàn tia sáng mầu từ miệng Phật phóng ra chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới lên đến trời Phạm Thế che khuất cả ánh sáng nhựt nguyệt. Ánh sáng ấy trở về nhiễu Phật ba vòng rồi nhập vào đảnh Phật.
Tôn giả A Nan đứng dạy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay cung kính nói kệ bạch Phật:
"Tôi hỏi đấng trang nghiêm
Quang minh không ai bằng
Phá các tối phiền não
Do cớ gì mỉm cười
Tôi hỏi đấng thập lực
Xô phá các ma oán
Hàng phục các ngoại đạo
Do cớ gì mỉm cười
Như Lai sắc thù diệu
Đủ ba mươi hai tướng
Được mười phương tôn kính
Do cớ gì mỉm cườI
Biển trí cây trí huệ
Khai đạo các quần sanh
Công đức lớn vô biên
Do cớ gì mỉm cười
Tiếng tốt khắp ba thuở
Rời cấu được tam minh
Đã độ ba giải thoát
Do cớ gì mỉm cười
Y Vương phá sanh tử
Dưới chưn đủ luân tướng
Thân kim cương bất hoại
Do cớ gì mỉm cười
Ai hay đủ nhẫn ấy
Ai tu tịnh hạnh ấy
Chí cầu Phật công đức
Nên Thế Tôn mỉm cười
Đạo Sư hiện mỉm cười
Tất là có nhơn duyên
Lành thay diễn phạm âm
Khiến đại chúng hoan hỉ".
Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: "Lúc ta nói pháp môn ấy có ba vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, ba vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh nhẫn.
- Nầy A Nan! Ông có thấy Thương Chủ Thiên Tử chăng ?".
-Bạch Ðức Thế Tôn! Tôi đã thấy.
-Nầy A Nan! Thương Chủ Thiên Tử ấy đã từng cúng dường vô số chư Phật, khuyến phát vô lượng chúng sanh an trụ Vô Thượng Bồ Ðề .
Thương Chủ Thiên Tử ấy quá ba trăm a tăng kỳ kiếp sẽ được Vô Thượng Bồ Ðề hiệu Công Đức Vương Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn, quốc độ tên Thanh Tịnh, kiếp tên Vô Cấu. Cõi ấy đều bằng bảy báu, đất bằng phẳng có tám thềm đường, giăng những màn lưới báu nhiều thứ trang nghiêm. Cõi ấy không có tên Thanh Văn Bích Chi Phật và các ngoại đạo, không có ma sự phá chánh pháp, cũng không có tám nạn và các phi pháp cùng tiếng khổ não. Chúng sanh cõi ấy tùy tâm sở nguyện ẩm thực tự nhiên, y phục trân ngoạn đồng như trời Tha Hóa Tự Tại, thân hình kim sắc đủ ba mươi hai tướng đều an trụ Vô Thượng Bồ Ðề, nên gọi là thế giới Thanh Tịnh.
Phật Công Đức Vương Quang Minh thọ bốn mươi tiểu kiếp. Trong Phật pháp ấy có sáu mươi hai câu chi Bồ Tát do nguyện lực nên Niết Bàn theo Phật ấy.
- Nầy A Nan! Nếu có Bồ Tát phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề được vô sanh nhẫn ấy tất cả đều sẽ sanh thế giới Thanh Tịnh được đức Công Đức Vương Quang Minh Như Lai thọ ký Vô Thượng Bồ Ðề".
Bấy giờ trong pháp hội có Thiên Tử tên Quan Sát lấy hoa thiên mạn đà la rải trên Phật mà nói rằng: "Lúc Công Đức Vương Quang Minh Như Lai thành đạo Vô thượng, tôi sẽ sanh thế giới Thanh Tịnh làm Chuyển Luân Vương cúng thờ Phật ấy và chúng Bồ Tát, được kế bổ làm Phật chứng Vô Thượng Bồ Ðề".
Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: "Quan Sát Thiên Tử sẽ ở trong pháp của Công Đức Vương Quang Minh Như Lai làm Chuyển Luân Vương tên Thiện Kiến dùng vô lượng đồ cúng dường cung kính dâng lên Phật ấy, đầy đủ viên mãn pháp trợ Bồ Ðề sẽ thành Phật tại thế giới ấy hiệu Phổ Quang Minh Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác.
- Nầy A Nan! Vua Thiện Kiến lập trưởng tử nối ngôi rồi theo Phật ấy xuất gia tu hành. Lúc sắp Niết Bàn, Ðức Phật ấy thọ ký cho Bồ Tát Thiện Kiến kế sẽ thành Vô Thượng Bồ Ðề".
Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Thương Chủ Thiên Tử: "Đức Như Lai đã thọ ký Bồ Ðề cho ngài".
Thiên Tử nói: "Nầy Tôn giả! Như Đức Phật biến hóa nhơn rồi thọ ký cho, tôi cũng như vậy. Như tánh chơn như chẳng tăng chẳng giảm Thế Tôn thọ ký cũng chẳng tăng giảm".
Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: "Nầy A Nan! Pháp môn như vậy ông phải thọ trì rộng giảng thuyết cho mọi người khiến lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh để nhiếp thọ các Bồ Tát vị lai".
Tôn giả A Nan bạch Phật: "Tôi đã đảnh thọ, sẽ đặt tên gì và thọ trì thế nào?".
Đức Phật nói: "Nầy A Nan! Kinh nầy tên là kinh Nói Đại Thần Biến, cũng tên là Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Mật Ngữ, cũng tên là kinh Thương Chủ Sở Vấn, nên thọ trì như vậy.
- Nầy A Nan! Nếu thiện nam thiện nữ có thể tín thọ đọc tụng rộng nói kinh này thì là đã nhiếp tất cả công đức".
Đức Phật nói kinh này xong, huệ mạng A Nan và chúng Tỳ Kheo, Thương Chủ Thiên Tử và vô lượng vô biên a tăng kỳ na do tha chư Thiên Tử, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và vô lượng vô số chúng Ðại Bồ Tát từ mười phương thế giới đến tập họp cùng tất cả thế gian Trời, Người, A Tu La v.v… nghe lời Phật dạy đều hoan hỉ phụng hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.15.34 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.