Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
4. PHẨM CỤ THIỆN CĂN
Ðức Phật bảo Huệ Mạng Phú Lâu Na: "Ðại Bồ Tát phát tâm Ðại thừa thường phải tu tập thân cận bốn pháp thì có thể nhiếp hết tất cả pháp lành cũng có thể đầy đủ cả căn lành. Những gì là bốn pháp?
- Nầy Phú Lâu Na! Thiện nam thiện nữ phát tâm Ðại thừa gần gũi tu tập thật hành pháp nhẫn nhục. Lúc tu hành pháp nhẫn nhục như vậy, do vì như tâm bình đẳng thì được Bình đẳng Ba la mật, cũng được tất cả chúng sanh Bình đẳng Ba la mật. Bồ Tát ấy được tâm Bình đẳng Ba la mật, trí Bình đẳng Ba la mật, hoặc đi hoặc đứng hoặc ngồi hoặc nằm hoặc thức hoặc ngủ, bấy giờ có người mang bình phẩn hoặc bình độc , bình nước sôi, hoặc các thứ rác rưởi, hoặc than lửa tro nóng, hoặc cứt đái đến đổ trút lên đầu lên thân, đối với sự gia hại này, Bồ Tát chẳng nên sân hận mà tâm phải tán loạn, chẳng nên tự nói tôi có tội gì, cũng chẳng dùng ác tâm nhìn họ, chỉ nên nhứt tâm cầu pháp tự lợi, ở nên sự đang tu tập chuyên tâm chẳng bỏ rời. Phải điều phục tâm mình thế này: Người đó cớ chi mang các thứ ấy đổ trút lên đầu lên thân ta, thân ta chẳng vì các vật ấy mà phải đau khổ. Phải quan sát các pháp nhơn duyên như vầy: Ai mang vật đến, vật ấy đổ cho ai, vật gì đổ cho người nào. Suy gẫm như thiệt như vậy chẳng thấy có pháp nào là người mang cho, là người lãnh thọ, cái gì là vật. Chánh niệm quan sát suy gẫm như vậy vì nhận thấy đây kia đều bất khả đắc nên tất cả pháp cũng đều bất khả đắc đều chẳng thấy có được. Vì Bồ Tát chẳng được và chẳng thấy tất cả pháp nên chẳng sanh lòng sân hận.
Nếu lúc suy xét như trên mà vẫn còn có niệm sân hận khởi lên thì Bồ Tát lại phải chánh niệm suy xét thế này: Do chạm xúc gì khiến thân ta đau, các thứ chạm xúc ấy nó chạm xúc chỗ nào, chạm xúc nơi thân hay chạm xúc nơi tâm. Nếu nó chạm xúc nơi thân, thì thân như cỏ cây ngói đá bóng tượng không hay không biết chẳng phải đây chẳng phải kia. Nếu nó chạm xúc nơi tâm, thì tâm không hình sắc niệm niệm sanh diệt chẳng tạm dừng chẳng phải đây chẳng phải kia, chỉ do hư vọng ghi nhớ phân biệt mà nói là khổ là vui là chẳng khổ vui, nay ta chẳng nên sanh khởi ghi nhớ phân biệt hư vọng ấy, nay ta phải quán bình đẳng thiệt tướng, ta phải tu tập việc làm của hiền thánh, chẳng nên theo việc làm của phàm phu. Những gì là việc làm của hiền thánh, đó là xa rời giải thoát đối với các pháp, ta vì xa rời mà học chớ chẳng phải vì hòa hiệp mà học. Lòng ghi nhớ phân biệt hư vọng ấy đều là hòa hiệp. Là ai hòa hiệp, là tham dục sân hận ngu si hòa hiệp. Sao gọi là tham dục sân hận ngu si hòa hiệp, do vì thân si, thân kiến si, vì tham thân kiến nên lúc thân bị khổ thì giận thù người kia đây gọi là sân hận hòa hiệp, có người vì thân kiến si vì tham thân kiến, vì chẳng vừa ý mà sân hận người kia đây gọi là ngu si hòa hiệp. Nếu người bị ba độc trói buộc mà hoặc phát khởi những tội nghiệp như vậy thì chư Phật chẳng cứu được huống là người khác, ta phải khéo quán các pháp nhơn duyên, quán các pháp không.
Bồ Tát tuỳ thuận quán các pháp nhơn duyên như vậy chẳng thấy pháp có, ai hại ai chịu dùng vật gì để hại.
Bấy giờ Bồ Tát nên suy nghĩ rằng: Tất cả các pháp từ nhiều duyên mà sanh vốn không tự tánh quyết định bất khả đắc, tại sao ta lại ở trong pháp hư vọng vô sở đắc mà có được pháp tác nghiệp để sanh sân hận phát khởi hành nghiệp. Nay ta phải sanh lòng không sân hận mà tu hành pháp vô tác vô khởi vô sanh, ta phải quán pháp không, chẳng chìu theo tâm ý chấp kiến. Nay ta phải quán pháp bất tác bất khởi vô sanh, chẳng nên y chỉ pháp tác khởi. Ta phải suy gẫm các pháp đúng như thiệt. Nay ta chẳng nên ở trong hư vọng vô sở hữu này mà cưỡng khởi tác, gì là cưỡng khởi tác, đó là sân hận. Tại sao, vì y chỉ nơi pháp thì có sân hận, nay ở trong các pháp thiệt tướng cứu cánh không, không có pháp bổn thể để có y chỉ được.
Bồ Tát suy gẫm các pháp như vậy thì tâm vắng bặt chẳng khởi sân hận.
Lại nữa, lúc Bồ Tát đi đứng nằm ngồi, hoặc lúc thức lúc ngủ, bấy giờ có người đến mang hương hoa thơm đẹp rải lên thân, hoặc đem những vòng hoa chuỗi ngọc phủ lên thân, hoặc đem y phục mịn đẹp trùm lên thân, hoặc đem phan lọng che lên trên, hoặc đem hương hoa châu báu cõi trời đắp lên thân, hoặc đem dưng các đồ uống ăn ngon ngọt, Bồ Tát đối với các sự cúng dường ấy chẳng nên ưa thích mà sanh lòng tham trước, chẳng vì sự việc ấy mà thân phụ người kia tùy thuận ý họ qua lại thăm viếng, chẳng nên thiên vị mà sanh ái trước. Bồ Tát đối với sự việc ấy nên dùng tâm bình đẳng thông đạt các pháp bình đẳng. Phải suy nghĩ rằng: Ðối với các chúng sanh ta chẳng nên sân hận, chẳng nên thương nhớ, tại sao, vì ghét thương hai thứ đều là phiền não. Nay ở đây ta chẳng nên sanh lòng thương yêu, ta phải khéo thông đạt các pháp đúng thiệt. Ở trong các phiền não, chỗ hòa hiệp của ái duyên là tối trọng, phiền não này sâu đến xương tủy, nghĩa là ở trong pháp hay sanh kiết sử tâm ái nhiễm trước, đối với sự ái trước nếu chẳng vừa ý thì sanh sân hận. Mọi người đều tự có lòng dục nhiễm ái trước thân mình, có ai đến xâm não thì sanh sân hận. Do đây mà biết sân hận là quả của ái nhiễm, còn tham ái là quả của người si. Nay ta phải xa rời tâm ác ái nhiễm, đối với các pháp không hề tham trước.
Ta chẳng vì tham dục mà học, chẳng vì sân hận mà học, chẳng vì ngu si mà học. Ta phải rộng học các pháp chơn thiệt. Ðối với các pháp tướng thì quan sát đúng như thiệt, theo đúng như lời mà tu hành như thiệt. Chỉ nên y chỉ nghiệp báo, đối với các sự bị hại và cúng dường đều phải biết đó là duyên lành của nghiệp nhơn thuở trước, vì thế nên ở trong sự tùy thuận chẳng sanh mừng thích, trong sự trái nghịch chẳng sanh sân hận, chỉ giữ lòng thanh tịnh không hề thương ghét chẳng để tâm mình theo các pháp ác tham sân si.
Bồ Tát thành tựu các pháp ban đầu này thì có thể được đầy đủ tất cả công đức".
Ðức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Phật thường khen trí huệ
Cũng khen người trì giới
Ðề cao tu nhẫn nhục
Cũng luôn ngợi đa văn
Phật khen làm pháp lành
Người từ tâm ái ngữ
Vì lợi ích chúng sanh
Tùy nghi khen công Đức Phật thường quở ngũ dục
Người sân hận ngu si
Ganh ghét kiêu dua vạy
Trược loạn hại chúng sanh
Lòng lười nhác giải đãi
Ngang ngỗ khó cùng nói
Bội ơn không đền đáp
Việc nhỏ giận hờn to
Kẻ tham cầu lợi dưỡng
Muốn mình được tài lợi
Chẳng muốn người khác được
Hạng này Phật chẳng khen
Nơi lợi dưỡng ít trí
Tự muốn ganh người được
Khổ sầu thấy người được
Hạng này Phật chẳng khen
Vì cầu được lợi dưỡng
Chuyển đổi các oai nghi
Cách sống ấy chẳng sạch
Rời rất xa Phật pháp
Người chẳng chuyên hành đạo
Có các lỗi lầm ấy
Những ác nghiệp đạo ấy
Không một việc đáng khen
Chẳng dứt ác ngã kiến
Tâm tham ái thì nhiều
Vì tâm nhiều tham ái
Nên siêng cầu lợi dưỡng
Bồ Tát tự nghĩ rằng
Nhẫn nhục lợi chúng sanh
Xô dẹp tâm cương cường
Mau được thành Phật đạo
Tôi phải tu tâm từ
Nhẫn nhục thương chúng sanh
Mà biết các pháp không
Do duyên sanh vô ngã
Cớ sao có các pháp
Pháp ấy khởi nơi tâm
Vọng tưởng sanh sân hận
Chẳng nhớ nó liền không
Vọng tưởng sanh tam giới
Thân nối nhau chẳng tuyệt
Chẳng vọng tưởng phân biệt
Thì không có lỗi ấy
Thường suy xét các pháp
Biết nó từ duyên sanh
Thường quán các pháp không
Mà hay độ mọi loài
Chúng sanh phá giới khổ
Bị kiêu mạn làm hại
Dạy họ pháp diệt khổ
Có nhiều lợi ích lớn
Nếu có kẻ phương Ðông
Nam Tây Bắc bốn hướng
Tay cầm bình cứt đái
Ðổ trút lên đầu tôi
Tôi chẳng sanh lòng giận
Ai hại ai chịu lấy
Cái gì gọi là ta
Siêng tinh tấn quan sát
Chẳng giận hờn nhìn họ
Tội gì mà hại tôi
Chỉ sanh lòng chánh niệm
Biết là nghiệp thuở trước
Từ tâm thương xót họ
Biết là nghiệp thuở trước
Nay nhận quả báo này
Trả xong chẳng gây nữa
An trụ trong Phật đạo
Người khác không có sự
Khinh hủy làm khổ não
Ðây tất là ác nghiệp
Dầu lâu mà chẳng mất
Chúng sanh tại thế gian
Luôn tạo nghiệp thiện ác
Nay tôi chịu khổ này
Nên biết do nghiệp trước
Nếu giận mắng hại họ
Sau lại thọ quả khổ
Ðâu nên đem khổ hại
Mà hại lại người kia
Phải cầu pháp vô thượng
Cầu rồi dạy lại người
Ðộ thoát tất cả loài
Ra khỏi tất cả khổ
Nếu người đem hương hoa
Châu báu cúng dường tôi
Chẳng nên sanh lòng tham
Phải tập quán bình đẳng
Ghét thương thì trái đạo
Phải thường tu tâm xả
Nên chánh quán các pháp
Ai làm ai chịu lấy
Tất cả pháp đều không
Nội không ngoại cũng không
Không chẳng có làm chịu
Tất cả đều vô ngã
Không chẳng có tham sân
Không chẳng có phiền não
Cũng không có thanh tịnh
Rời cấu tịnh là không
Trong không chẳng phân biệt
Không chẳng có các tánh
Không thường không vô tướng
Ðây là đạo thanh tịnh
Giả sử có người đến
Chặt đứt rời thân tôi
Trọn chẳng sanh lòng giận
Biết do nghiệp thuở trước
Chúng sanh gây thiện ác
Theo nghiệp tự thọ quả
Chắc đời trước tôi ác
Nay phải chịu báo khổ
Nay chịu lấy khổ báo
Quán thân như bóng tượng
Bọt nước ảo hóa mộng
Là không tất cánh không
Nếu có người thành tâm
Giúp đỡ nuôi dưỡng tôi
Phải nhớ báo ơn họ
Mà chẳng sanh lòng mừng
Cúng dường chẳng vui mừng
Mắng hại chẳng giận hờn
Mừng giận đều chướng ngại
Chẳng phải đạo chơn chánh
Phải xa rời tất cả
Lòng tham ái sân hận
Thường phải tu không tịch
Dứt hết các chướng ngại
Nhẫn nhục gốc thập lực
Chư Phật thần thông nguyện
Trí vô ngại đại bi
Ðều do nhẫn làm gốc
Tứ đế niệm chánh cần
Căn lực giác đạo phần
Ðều dùng nhẫn làm gốc
Người trí nên tu nhẫn
Phật tại Ba La Nại
Chuyển pháp luân vô thượng
Cũng lấy nhẫn làm gốc
Chư Phật thường khen nhẫn
Các ông cũng phải tu
Không nhẫn vô sanh diệt
Các pháp tướng thường không
Thì được Phật công đức.
- Lại này Phú Lâu Na! Ðại Bồ Tát có thể rời lìa ngũ dục, thường thích xuất gia tâm thuận xuất gia xu hướng xuất gia chẳng ham ngũ dục. Ðược xuất gia rồi rời chốn ồn ào náo ở xa nơi núi rừng chẳng mất pháp lành. Bồ Tát thành tựu pháp thứ hai này thì hay đầy đủ tất cả công đức".
Ðức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa này mà nói kệ rằng:
Lòng thường thích xuất gia
Mà hay thường xuất gia
Thường thích ở núi rừng
Chỗ tăng ích công đức
Ở tại chỗ rảnh vắng
Thì lìa năm dục lạc
Nơi ấy không ồn náo
Không mất duyên pháp lành
Không phải bận chuyện trò
Ðến lui thăm viếng nhau
Ưa rảnh rang vắng vẻ
Ðược chư Phật khen ngợi
Vì thế chư Bồ Tát
Phải thường ở rảnh vắng
Chớ tham ưa thành thị
Chỗ sanh tâm lợi dưỡng
Nếu được lợi thì mừng
Nếu mất sanh lo buồn
Người này dầu cúng Phật
Chẳng gọi là cúng dường
Muốn trừ các lỗi này
Phải thường lìa lợi dưỡng
Xa lìa ở rảnh vắng
Tu tập các pháp không.
- Lại này Phú Lâu Na! Bồ Tát thường học cầu pháp. Cầu được rồi đọc tụng. Ðó là cầu tịnh giới các pháp đầu đà tế hạnh, chẳng cầu những pháp đa dục không chán đủ. Cầu pháp diệt tham dục, chẳng cầu thêm tham dục. Cầu pháp phá sân chẳng thêm sân. Cầu dứt ngu si chẳng thêm ngu si. Cầu trừ kiêu mạn chẳng thêm kiêu mạn. Cầu phá ngã mạn chẳng thêm ngã mạn. Cầu hết ngã ngã sở chẳng thêm ngã ngã sở. Cầu pháp vô ngã chẳng y chỉ ngã nhơn chúng sanh thọ mạng. Thường cầu pháp hay được trí huệ lớn chẳng cầu pháp thối thất đại trí huệ. Thường cầu pháp để được trí huệ vô thượng chẳng cầu pháp để được trí huệ nhỏ. Cầu pháp được tất cả công đức chẳng cầu pháp chẳng đủ công đức.
Cầu các pháp như vậy, được rồi tư duy cháng quán làm đúng theo lời đem dạy lại người, chẳng cầu thế lợi danh tiếng khen ngợi, siêng dạy các chúng sanh cho họ an trụ trong pháp ấy.
Bồ Tát thành tựu pháp thứ ba này thì có thể được đầy đủ tất cả công đức".
Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Bồ Tát thích xuất gia
Trì giới hạnh đầu đà
Do đó sanh trí huệ
Mưa trí thêm các dòng
Ðược pháp thâm tịnh rồi
Chánh niệm suy ý nghĩa
Ở trong các pháp ấy
Làm được đúng như lời
Thường dùng tâm thanh tịnh
Giảng rộng lại cho người
Lợi ích các chúng sanh
Lòng không chút hy vọng
Ðược mùi vị công đức
Tụ ở trong pháp ấy
Cũng khiến người được ở
Do đây tăng Phật pháp
Nếu trong vô lượng kiếp
Tập họp các công đức
Ðều khiến hiện ra trước
Nhiếp vào Bồ Tát đạo
Nên phải cầu thâm pháp
Ðược chư Phật khen ngợi
Thường nói cho chúng sanh
Do đây sanh công đức.
- Nầy Phú Lâu Na! Ðại Bồ Tát an trụ trong pháp trì giới đầu đà thì có thể đầy đủ thiện căn công đức.
- Nầy Phú Lâu Na! Quá khứ lâu xa vô lượng vô biên số kiếp, có Phật hiệu Di Lâu Kiện Ðà Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác thọ sáu ngàn tuổi, một hội thuyết pháp có tám mươi ức Tỳ Kheo đắc quả A La Hán, sau khi Phật nhập diệt, pháp trụ năm trăm năm. Phật ấy nhập niết bàn rồi, trong bảy ngày, các đại đệ tử cũng đều nhập diệt theo Phật.
- Nầy Phú Lâu Na! Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà xuất thế cũng đủ năm thứ trược như ta hiện nay vậy. Sau khi chư đại A La Hán đệ tử Phật diệt độ, có nhiều chúng sanh nghĩ rằng: Trong pháp Sa Môn an ổn khoái lạc sao ta chẳng cùng xuất gia. Họ nghĩ như vậy rồi đều cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục xuất gia. Sau khi xuất gia họ chỉ làm ba việc: Một là thường qua lại nhà bạch y, hai chỉ tham cầu lợi dưỡng để sinh sống, ba là chuyên lo mập béo mà không tu phước huệ. Họ chỉ làm ba việc ấy mà chẳng tu hạnh gì khác. Sau đó trăm năm, chư đại đệ tử đã diệt độ cả, các Tỳ Kheo ấy phần đông cùng hòa hiệp với người bạch y, đa số phế bỏ các kinh thâm diệu trì giới đầu đà các tế hạnh của Phật dạy, họ chẳng còn đọc tụng nữa. Lúc bấy giờ chúng Tỳ Kheo thích ngũ dục ham ăn uống.
Quốc Vương thuở ấy chỉ có một Thái Tử tên Ðà Ma Thi Lợi rất được vua quí trọng. Lúc ở thanh vắng, Thái Tử nghĩ rằng: Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà đắc pháp gì thành Phật, sao nay các đệ tử đều phóng dật làm giống các bạch y. Lúc suy tư và nghĩ vậy, có Thiên Thần đến ẩn thân mà bảo Thái Tử rằng: Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà đắc pháp thâm diệu thanh tịnh quyết định.
Nghe Thiên Thần nói, Thái Tử liền hỏi: Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà đắc pháp thâm diệu thanh tịnh quyết định, pháp ấy thế nào ?
Thiên Thần đáp: Pháp ấy không sắc, không thọ tưởng hành thức, không ấm giới nhật, không có ngũ dục cũng không có dục tâm. Phật đắc pháp ấy và dạy chúng sanh pháp ấy.
Thái Tử lại hỏi: Tôi có được nghe pháp ấy để được hiểu biết thật hành chăng?
Thiên Thần bảo: Ngài siêng tu tinh tấn thì được đó không khó.
- Nầy Phú Lâu Na! Thái Tử tự nghĩ nay Thiên Thần khai ngộ cho ta, ta nên xuất gia để cầu pháp thâm diệu ấy. Thái tử đến trước cha mẹ cúi lạy thưa xin được xuất gia tu hành trong pháp của Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà.
Cha mẹ bảo: Nay con cần gì bỏ chúng ta mà xuất gia, vì hiện tại các người xuất gia đều không khác gì hàng bạch y cả.
Cha mẹ nói kệ bảo Thái Tử:
Nay các chúng Tỳ Kheo
Phóng dật thọ ngũ dục
Canh tác đi buôn bán
Chẳng khác hàng bạch y
Hạng nghèo cùng khổ não
Chẳng lấy gì để sống
Các hạng người như vậy
Cầu sống nên xuất gia
Nay con sanh nhà vua
Giàu sang đủ ngũ dục
Châu báu có rất nhiều
Cần xuất gia làm gì.
Thái Tử Ðà Ma Thi Lợi nói kệ thưa cha mẹ:
Con chẳng cầu ngôi sang
Nếu được cũng lìa bỏ
Nay con chỉ muốn cầu
Phật pháp giới thanh tịnh
Có Thiên Thần khai ngộ
Khuyên con đi xuất gia
Thâm pháp của Phật dạy
Con mong được nghe biết
Con nghe Thiên Thần dạy
Lòng con rất vui mừng
Phật pháp nay muốn diệt
Con muốn giúp hộ trì.
Cha mẹ nói kệ bảo Thái Tử:
Thâm kinh đã diệt hết
Không có người tụng trì
Nay con sẽ từ đâu
Ðược nghe kinh thâm diệu
Nếu ở trong tứ chúng
Có người tụng thâm kinh
Con trước theo họ học
Rồi sau hãy xuất gia.
Thái Tử nói kệ thưa cha mẹ:
Nay con siêng tinh tấn
Trì giới hạnh đầu đà
Ở xa trong núi rừng
Cầu Phật pháp thâm tịnh.
- Nầy Phú Lâu Na! Nói kệ xong, Thái Tử Ðà Ma Thi Lợi cúi lạy cha mẹ từ biệt đi xuất gia, cha mẹ lăng yên chẳng ngăn cản được.
Thái Tử đến chỗ chư Tỳ Kheo cạo bỏ râu tóc mặc cà sa thọ giới rồi hết lòng cung kính bạch chư Tỳ Kheo cầu được nghe pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà đã truyền dạy để tu hành theo.
Chư Tỳ Kheo bảo rằng: Chúng tôi chẳng nghe pháp của Phật dạy mà chỉ làm theo các ông Hòa Thượng và chư Sư thôi. Nay ông cũng nên làm theo như vậy.
Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi bảo chư Tỳ Kheo rằng: Các Thầy tất từ nghèo hèn mà xuất gia nên chỉ biết quý trọng cơm áo, những việc của các Thầy làm chẳng khác hàng bạch y. Các Thầy nên cùng tôi cầu tìm pháp thâm diệu của Phật.
Chư Tỳ Kheo nói kệ đáp rằng:
Việc làm của chúng tôi
Ðều đã được lợi tốt
Cơm áo rất đầy đủ
Khỏi phải việc vua quan
An ổn rất khoái lạc
Không ai dám khinh mạn
Nay đều không còn có
Khổ não như bạch y
Chính đây là Niết Bàn
Khoái an lạc đệ nhứt
Ngoài công việc này ra
Chúng ta không còn cần
Chúng ta có nhiều y bát
Thuốc men vật dụng nhiều
Thí chủ thường cung cấp
Nhà đàn việt cũng đông.
Nghe lời đáp của chư Tỳ Kheo, Ðà Ma Thi Lợi buồn rầu rơi lệ đến xin các tinh xá khác bạch thưa cũng đều được chư Tăng đáp như trên, liền bỏ chư Tỳ Kheo một mình vào núi sâu, chỗ rừng rậm xa vắng, nhứt tâm chí thành cầu pháp thâm diệu của Phật.
Trước đó, trong hàng đại đệ tử của Phật có một đại A La Hán đủ tam minh lục thông bát giải thoát tên là Kiên Lao, như Ma Ha Ca Diếp hiện nay. Kiên Lao A La Hán ấy ở thâm sơn khắc lời kệ lên vách đá:
Sanh tử chẳng dứt được
Là do nơi tham dục
Nuôi thù vào gò mả
Luống phải chịu đau khổ
Thân thúi như tử thi
Chín lỗ chảy bất tịnh
Ngu si tham luyến thân
Chẳng khác giòi tham phẩn
Nhớ tưởng vọng phân biệt
Là gốc sanh ngũ dục
Người trí chẳng phân biệt
Thì ngũ dục đoạn diệt
Tà niệm sanh tham trước
Tham trước sanh phiền não
Chánh niệm không tham trước
Phiền não khác cũng hết.
Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi vào hang núi thấy bốn bài kệ khắc trên vách đá liền đọc tụng và suy gẫm ý nghĩa, không bao lâu được ngũ thần thông. Sau đó Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi đến chỗ trước kia trà tì Phật Di Lâu Kiện Ðà đảnh lễ hữu nhiễu ba vòng rồi ngồi kiết già phát thệ rằng: Nếu tôi không thấy Phật và chẳng nghe các pháp khác thì chẳng dậy rời khỏi chỗ ngồi này.
- Nầy Phú Lâu Na! Thiên Ðế Thích Ðề Hoàn Nhơn tụng trì kinh Bát Bá Thiên Môn Của Phật Di Lâu Kiện Ðà truyền. Thiên Ðế biết Ðà Ma Thi Lợi rất mến chánh pháp, liền từ trời Ðao Lợi xuống trước Ðà Ma Thi Lợi tuyên đọc kinh Bát Bá Thiên Môn, lại truyền cho các kinh Tứ Ða Văn Bổn Cú, Thất Chủng Trọng Cú, Thập Tứ Môn Cú. Nghe xong, Ðà Ma Thi Lợi tụng trì, ở trong các pháp được trí huệ sáng suốt, tự nhiên thông thuộc các kinh thâm diệu thanh tịnh nghĩa không nghĩa ly của Phật Di Lâu Kiện Ðà. Ðức Phật ấy cũng hiện thân cho Ðà Ma Thi Lợi thấy và hiện chúng Tỳ Kheo cả tinh xá phóng giường đại hội tứ chúng Thiên Long Bát Bộ đều khiến được thấy cả.
Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi ở trong các pháp được trí huệ nhãn, rời chỗ ngồi đi du hành lần về đến bổn quốc, vì cha mẹ và quyến thuộc giảng nói các kinh thâm diệu thanh tịnh nghĩa không nghĩa ly, ca ngợi công đức Tam bảo Phật Pháp Tăng.
Nghe pháp ấy xong, Vương phụ Vương mẫu các cung nhơn các quan thuộc sanh lòng tin cung kính thưa với Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi xin được xuất gia trong pháp Phật Di Lâu Kiện Ðà.
Bấy giờ có đến tám vạn bốn ngàn người đồng xuất gia theo Quốc Vương và Phu Nhơn và đồng lấy hiệu là Ðà Ma Thi Lợi.
Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi làm cho pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà trở lại thạnh hành, rất nhiều chúng sanh được an trụ trong ấy. Ðó là do tâm đại từ bi nguyện hộ Phật pháp từ đời trước của Tỳ Kheo ấy. Ðà Ma Thi Lợi đi khắp nơi, từ tụ lạc này đến tụ lạc khác, từ thành này đến thành khác, từ nước này đến nước khác, tuyên nói giảng giải các kinh pháp thâm diệu thanh tịnh nghĩa không nghĩa ly của Phật Di Lâu Kiện Ðà và xưng dương ca ngợi công đức của Tam bảo Phật Pháp Tăng. Tỳ Kheo ấy rất được mọi người cung kính tôn trọng cúng dường danh tiếng khắp nơi.
Làm lợi ích cho rất nhiều người rồi, Ðà Ma Thi Lợi mạng chung theo bổn nguyện sanh trở lại nhà vương gia cõi này tên là Ðắc Niệm xuất gia trong pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà, bấy giờ cách Ðức Phật ấy diệt độ ba trăm năm. Do bổn nguyện túc mạng trí nên Tỳ Kheo Ðắc Niệm tự nhiên lại được các môn cú các đà la ni cũ. Do sức của đà la ni nên các kinh chưa từng nghe mà có thể tuyên nói giảng rộng cho chúng sanh, chẳng giảng nói các kinh pháp đã được nói nơi tiền thân lúc còn là Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi.
- Nầy Phú Lâu Na! Lúc ấy trong chúng Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi, những người thiện căn sâu dầy trí huệ sáng suốt, nghe kinh pháp của Ðắc Niệm nói đều tùy hỷ tin nhận cung kính cúng dường thủ hộ. Những người ngu tối thiện căn mỏng cạn thì chẳng tin trái nghịch bảo rằng: Các kinh ấy chúng tôi chưa nghe Hòa Thượng các Thầy giảng dạy, cũng chẳng nghe Ðại Sư Ðà Ma Thi Lợi nói.
- Nầy Phú Lâu Na! Các người có trí huệ sâu y chỉ nơi ý nghĩa mà chẳng theo ngữ ngôn. Và y chỉ nơi ý nghĩa nên chẳng trái nghịch. Vì chẳng trái nghịch nên hộ trì pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà và cung kính thủ hộ Tỳ Kheo Ðắc Niệm, số này có đến tám mươi na do tha người gồm đủ tứ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Bấy giờ chia làm hai bộ chúng: Một tên chúng Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi, hai tên chúng Tỳ Kheo Ðắc Niệm.
Tỳ Kheo Ðắc Niệm chẳng nói chính mình là Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi. Tại sao, vì mọi người đều cho Ðà Ma Thi Lợi chứng quả A La Hán chẳng phải Bồ Tát, còn Tỳ Kheo Ðắc Niệm thì mọi người đều gọi là Bồ Tát, nếu tự nói ra sợ mọi người nghi hoặc.
Lợi ích chúng sanh xong, Ðắc Niệm Tỳ Kheo mạng chung theo bổn nguyện sanh lại cõi này nơi nhà Trưởng giả tên là Gia Xá, do bổn nguyện nên nhớ biết túc mạng mới bảy tuổi đã xuất gia tu hành được các đà la ni, bấy giờ là thời kỳ bốn trăm năm sau Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà diệt độ.
- Nầy Phú Lâu Na! Do sức đà la ni nên Gia Xá có thể vì mọi người giảng thuyết các kinh trước chưa từng nghe. Torng chúng Ðà Ma Thi Lợi và chúng Ðắc Niệm, những người thiện căn sâu dày nghe pháp của Gia Xá nói đều rất vui mừng được pháp lạc. Những người này y nghĩa chẳng y lời nghe Gia Xá thuyết pháp thâm diệu hiệp đệ nhứt nghĩa liền tin nhận thọ trì đọc tụng y theo tu hành. Còn những Tỳ Kheo ám độn thiện căn mỏng cạn thì chẳng tin mà bảo rằng: Pháp của Gia Xá nói, chúng tôi chưa từng nghe Hòa Thượng các Thầy nói, cũng chẳng nghe Ðại Sư Ðắc Niệm Bồ Tát dạy.
- Nầy Phú Lâu Na! Các Tỳ Kheo tin thọ theo pháp của Gia Xá đều bị các Tỳ Kheo chẳng tin thọ trong hai chúng Ðà Ma Thi Lợi và Ðắc Niệm ganh ghét xa lánh, họ hủy báng là chẳng phải pháp Phật nói, chẳng phải lời Ðại Sư dạy.
Gia Xá Tỳ Kheo rộng truyền pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà từ một tụ lạc đến một tụ lạc, từ một thành đến một thành, từ một nước đến một nước, sau đó mạng chung theo bổn nguyện lại sanh vào cung vua cõi này, lúc sanh chư Thiên ở hư không xướng rằng: Vương Tử này sẽ lợi ích lớn cho chúng sanh, do theo lời xướng ấy mà đặt tên cho Vương tử mới sanh là Ðạo Sư. Ðến năm mười bốn tuổi Vương Tử Ðạo Sư xuất gia, bấy giờ là thời kỳ năm trăm năm sau Ðức Phật Di Lâu Kiện Ðà diệt độ. Tỳ Kheo Ðạo Sư ấy hiểu biết rộng thông thuộc nhiều kinh sách văn từ thanh biện thuyết pháp rất khéo giỏi. Từ một tụ lạc đến một tụ lạc, từ một thành đến một thành, từ một nước đến một nước, Tỳ Kheo Ðạo Sư lưu truyền pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà đem lợi ích lớn lại cho nhiều chúng sanh.
Lúc ấy các chúng Tỳ Kheo Ðà Ma Thi Lợi, Ðắc Niệm và Gia Xá tụ họp đến chỗ Tỳ Kheo Ðạo Sư để huỷ phá.
Tỳ Kheo Ðạo Sư hỏi chúng Tỳ Kheo rằng Chư Tỳ Kheo các Ngài vấn nạn sự gì, dùng sự gì để hỏi, tại sao mà hỏi?
Chư Tỳ Kheo nghe lời ấy đều ưu sầu chẳng vui nín lặng chẳng đáp được, chẳng làm chướng ngại Ðạo Sư được.
- Nầy Phú Lâu Na! Tùy theo thọ mạng của Bồ Tát Ðạo Sư tại thế thì Phật pháp xí thạnh, nếu mạng chung thì Phật pháp diệt. Ðạo Sư giáo hóa tám trăm vạn người phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề đều được sanh lên các cõi trời.
- Nầy Phú Lâu Na! Tỳ Kheo Ðạo Sư đêm nay mạng chung thì đêm mai pháp diệt. VÌ pháp của Phật Di Lâu Kiện Ðà diệt nên kinh pháp thâm diệu nghĩa không nghĩa ly thanh tịnh đều diệt hết.
- Nầy Phú Lâu Na! Ðại Bồ Tát dùng kinh thâm diệu để thủ hộ Phật pháp có thể tự đầy đủ thiện căn công đức.
Bồ Tát Ðạo Sư sau khi mạng chung liền sanh về Phật độ ở thế giới thứ mười tại thượng phương hiện có Phật hiệu Thiện Nhãn Như Lai Ðẳng Chánh Giác, liền xuất gia, do thiện căn phước đức đời trước nên trí huệ sáng lẹ, biện tài vô tận vô ngại tu Phật pháp suốt tám vạn bốn ngàn năm, sau khi mạng chung lại sanh gặp Ðức Phật thứ hai hiệu Nhựt Tăng Kiên Như Lai Ðẳng Chánh Giác cũng xuất gia tu các thiện căn cầu Vô Thượng Bồ Ðề, sau khi mạng chung sanh trở lại cõi ấy gặp Ðức Phật sau rốt hiệu Bất Không Hành Như Lai Ðẳng Chánh Giác cũng xuất gia lấy tên là Thủ La trong bảy vạn năm siêng tu thiện căn cầu Vô Thượng Bồ Ðề.
Ðức Phật Bất Không Hành thọ ký rằng: Sau khi ta diệt độ, Tỳ Kheo Thủ La đây sẽ làm Phật hiệu Vô Ngại Nhãn Như Lai Ðẳng Chánh Giác.
- Nầy Phú Lâu Na! Bồ Tát thành tựu pháp thứ ba này thì có thể đầy đủ tất cả công đức ".
Ðức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Bồ Tát nghe pháp sâu
Thanh tịnh diệu quyết định
Tự mình hay an trụ
Cũng nói dạy mọi người
Thế gian chẳng thấu đáo
Bồ Tát thường thông suốt
An trụ trong tịnh giới
Rộng lợi ích chúng sanh
Bổn sự và thí dụ
Ðem Phật đạo dạy người
Lời chư Phật nói tuyên
Ðều là pháp quyết định
Bồ Tát hay tư lợi
Cũng lợi ích chúng sanh
Thủ hộ pháp chư Phật
Dạy Bồ Ðề cho người
Việc đúng pháp của người
Bồ Tát vì họ làm
Ðem Phật đạo dạy người
Ðây thì gần chánh giác
Hộ trì đạo chư Phật
Rộng lợi ích chúng sanh
Chư Thiên Long Quỉ Thần
Trời Người đều tôn kính
Thế nên được nghe pháp
Không thâm tịnh thâm diệu
Phải nhứt tâm suy tìm
Thì tăng trưởng trí huệ.
- Lại này Phú Lâu Na! Ðại Bồ Tát đầy đủ công hạnh, do công hạnh đầy đủ nên có thể đầy đủ thiện căn phước đức. Những gì là công hạnh? Ðó là Bồ Tát gần gũi thiện tri thức tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định trí huệ phương tiện. Những ai là thiện tri thức của Bồ Tát? Ðó là chư Phật, chư A La Hán và chư Bồ Tát có thâm tâm cầu Phật đạo mà từ đó Bồ Tát này được nghe các kinh pháp thâm diệu và phương tiện giáo hoá. Các bực ấy đều gọi là thiện tri thức của Bồ Tát.
Bồ Tát thành tựu pháp thứ tư này thì có thể đầy đủ tất cả công đức ".
Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Phật nói chư Bồ Tát
Pháp mà họ phải hành
Bố thí rồi vui mừng
Không hề có hối hận
Vui mừng như thế nào
Là vui khắp cả thân
Thường dùng lòng vui ấy
Mà hành đạo Bồ Tát
Bồ Tát làm bố thí
Hồi hướng đạo Bồ Ðề
Lợi ích các chúng sanh
Tự lợi vô biên lượng
Nếu thấy có người xin
Lòng tưởng họ như Phật
Quan niệm người ấy đến
Ban Phật đạo cho tôi
Tôi nhơn nơi người ấy
Thanh tịnh được Phật độ
Người ấy chỉ bày Phật
Dạy Phật đạo cho tôi
Nay tôi gặp người ấy
Rất được các lợi lớn
Vui mừng khắp toàn thân
Chẳng còn vui gì khác
Nếu có ai đến tôi
Xa thấy tôi chưa hỏi
Ngài có cần dùng gì
Tôi sẽ xin cung cấp
Nếu họ nói không cần
Bồ Tát cũng vui mừng
Vì muốn giáo hoá tôi
Nên họ nói không cần
Người ấy đem sở đắc
Pháp thiểu dục tri túc
Nay đến khai ngộ tôi
Khiến được duyên Bồ Ðề
Nay tôi nhơn người này
Lại được dạy pháp lành
Ngài nói không cần dùng
Lời ấy tốt lắm vậy
Nếu họ nói cần dùng
Vật ấy cấp cho tôi
Nếu Bồ Tát mà có
Vui mừng mang trao cho
Khi đem bố thí rồi
Sau đó không hề hối
Do thường niệm Phật đạo
Nên tâm thường vui mừng
Bố thí rồi hồi hướng
Chúng sanh đều có phần
Khiến đều không chỗ thiếu
Cho họ được tri túc
Nếu hành đạo Bồ Tát
Chúng sanh nghe danh tôi
Tự nhiên biết thôi đủ
Chẳng sanh lòng xan tham
Nay chúng sanh nước tôi
Thuận đạo đều tri túc
Bỏ lìa ham ngũ dục
Ðều thích đi xuất gia
Vô lượng hạnh như vậy
Bố thí mà hồi hướng
Nguyện thường làm bố thí
Chúng sanh bắt chước tôi
Bồ Tát làm bố thí
Dùng từ che chở người
Tất cả các thế gian
Không có vui như vậy
Như Trưởng giả giàu lớn
Nhiều của tiền trân bửu
Mà chỉ có một con
Nhiều năm bỏ đi xa
Trưởng giả nghe con về
Vui mừng khắp toàn thân
Cách xa mà nay về
Cầm bằng sống trở lại
Bồ Tát thấy người xin
Trong lòng rất vui mừng
Còn hơn Trưởng giả mừng
Cả mười sáu lần hơn
Nếu làm được bố thí
Trong lòng rất vui mừng
Tâm từ sanh vui ấy
Vui ấy không gì sánh
Như vua trị người tội
Truyền chặt gãy tay chân
Ðao phủ đem đi giết
Cất dao sắp chặt xuống
Vua tha ban chức cao
Người tội rất mừng vui
Vẫn chẳng bằng Bồ Tát
Bố thí được vui mừng
Lúc Bồ Tát hành đạo
Chẳng mong cầu phước điền
Có ai xin liền cho
Nên được vui vẻ lớn
Bồ Tát nếu gặp Phật
A La Hán Duyên Giác
Cung kính biết khó gặp
Nên đến siêng cúng dường
Bồ Tát có oai đức
Lòng sáng suốt điều thuận
Thích công đức cầu đạo
Cúng dường Phật và chúng
Chẳng đem lòng cung kính
Phụng sự các thiên thần
Chỉ kính cúng chư Phật
Và chư Phật đệ tử
Nếu có Bích Chi Phật
Tự nhiên đắc Niết Bàn
Cũng đến kính cúng dường
Có những công đức ấy
Bồ Tát cũng biết được
Phước điền thiện bất thiện
Những người trí thế gian
Chẳng kính ngoại đạo ác
An trụ giữa giới phẩm
Từ tâm giúp chúng sanh
Tinh tấn không ai bằng
Nhẫn trí đa văn rộng
Làm các công đức ấy
Bực cao tôn thế gian
Hay chứng Phật Bồ Ðề
Chuyển pháp luân vô thượng
Bồ Tát hay tu hành
Ðủ bốn pháp như trên
Tất cả các thiện căn
Thảy đều được đầy đủ
Vô lượng ức số kiếp
Ðã tu các công đức
Ðều nhiếp vào đây cả
Là đạo Bồ Tát tu
Thế nên chư Bồ Tát
Phải thường tu tâm từ
Xuất gia ở núi rừng
Thích ở chỗ rảnh vắng
Thường cầu pháp thanh tịnh
Thậm thâm diệu quyết định
Bồ Tát hạnh đầy đủ
Do đây được tăng trưởng". 5. PHẨM THẦN THÔNG LỰC
Bấy giờ Ðức Thế Tôn dùng sức thần thông, từ mỗi mỗi lỗ lông trên thân đều phóng ra trăm ngàn vạn ức tia sáng, từ mỗi lỗ lông lại đều phát ra ngọn lửa mạnh lớn như núi Tu Di, từ mỗi lỗ lông lại đều xuất hiện hằng sa chư Phật thuyết pháp. Toàn hội đại chúng đều thấy khắp cả thần thông lực rộng lớn ấy.
Hiện thần lực xong, Ðức Thế Tôn nhiếp lại như cũ bảo Huệ Mạng Phú Lâu Na rằng: "Ông có thấy Ðức Như Lai từ các lỗ lông xuất hiện thần lực như vậy chăng?".
- Bạch Ðức Thế Tôn! Ðã được thấy.
- Nầy Phú Lâu Na! Ðức Như Lai thường có thần lực như vậy không lúc nào thôi bỏ. Khiến các đệ tử chỉ thấy biết Ðức Như Lai ở tại đây thuyết pháp. Mà Như Lai thiệt thường làm Phật sự ở hằng sa thế giới mười phương. Không lúc nào thôi bỏ, cùng thường thuyết pháp ở các thế giới mười phương.
- Nầy Phú Lâu Na! Nếu có người nói lời chơn thiệt: Ai là Vô đẳng dẳng là người vô tỷ tròn đủ phước trí là phước điền vô thượng, rất sâu khó lường, công hạnh vô biên, cất một bước chân tất cả chúng sanh chẳng biết được, chẳng suy lường được tâm gì hạnh gì dở chưn hạ chưn? Nên nói chính là Ðức Phật đây vậy.
- Nầy Phú Lâu Na! Tất cả chúng sanh chẳng thể suy lường được Ðức Như Lai do nghĩ gì tâm gì làm gì mà dở chưn hạ chưn.
Ðức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Ðức Phật do nghĩ gì
Làm gì dở hạ chưn
Chúng sanh động bất động
Ðều chẳng thể biết được
Thần thông lực vô lượng
Chỗ làm cũng vô lượng
Vì công đức vô lượng
Nên cao tôn đệ nhứt
Trí huệ lớn vô lượng
Không ai biết hết được
Giả sử tất cả người
Trí huệ thần thông lực
Ðều như Xá Lợi Phất
Và giống Ðại Mục Liên
Cũng chẳng biết được Phật
Dở chưn và hạ chưn
Dầu cho tất cả người
Ðều làm Bích Chi Phật
Chẳng hiểu Phật một bước
Huống là thâm pháp khác
Giả sử vô lượng nhựt
Hiệp làm một mặt nhựt
Sáng chẳng bằng tia sáng
Một lỗ lông của Phật
Giả sử bảy vạn ức
Na do tha thế giới
Mặt nhựt ngang rộng bằng
Chiếu sáng vô lượng cõi
Các mặt nhựt lớn ấy
Số nhiều như hằng sa
Hiệp làm một mặt nhựt
Tia sáng bằng Tu Di
Các mặt nhựt lớn ấy
Thường chiếu mười phương cõi
Ðem sánh ánh sáng Phật
Luốt mất như than đen
Áng sáng các mặt nhựt
Chẳng thấu qua lá cây
Núi sông và vách đá
Ðều có thể chướng ngại
Tia sáng của Như Lai
Tất cả núi Tu Di
Núi Thiết Vi Kim Cương
Chiếu thấu qua không chướng
Quang minh thần thông lực
Oai đức đều vô lượng
Ai thấy chẳng phát tâm
Chỉ trừ kẻ bất tín
Chúng sanh thấy quang minh
Thần thông lực của Phật
Nhiều phát tâm vô thượng
Nguyện tôi cũng sẽ được
Bấy giờ Phật mỉm cười
An Nan liền quỳ thưa
Thế Tôn cớ sao cười
Xin xót thương giải đáp
Ðức Phật bảo An Nan
Nay chúng sanh thấy Phật
Hiện thần thông lực lớn
Phát tâm nguyện làm Phật
Có đến ba vạn người
Nguyện hộ trì Phật pháp
Sau khi Phật diệt độ
Chúng tôi tụng kinh này
Những người ấy đời sau
Ðược nghe kinh pháp này
Thời giữa và thời sau
Nghe rồi làm đúng pháp
Người phát đạo tâm khó
Sâu ưa Phật pháp khó
Ðời sau hay tụng trì
Các kinh này càng khó
Ngàn vạn ức số kiếp
Phật xuất thế rất khó
Trong đời mạt sau này
Nói kinh này khó hơn".
Ðức Phật bảo ngài A Nan: "Phật đem kinh này giao phó cho ông lần nữa. Tại sao, vì trong Diêm Phù Ðề tùy theo chỗ nào có kinh Bồ Tát Tạng như vậy thì chỗ ấy có Phật pháp.
- Nầy A Nan! Vì các kinh thâm diệu như vậy nên pháp như thuyết hành cũng diệt. Vì pháp như thuyết hành diệt nên Phật pháp diệt.
- Nầy A Nan! Nay ông nên đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng lên Phật.
Thế nào là hàng đệ tử đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng lên Phật? Ông chớ cho là những hoa đẹp hương tốt phan lọng chuỗi ngọc y phục kỷ nhạc ca tụng Như Lai là đệ nhứt cúng dường lên Phật.
Nếu có người được nghe kinh pháp thâm diệu như vậy thọ trì đọc tụng làm đúng như lời thì gọi là đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng cung kính tôn trọng ca tụng Ðức Phật.
Tại sao ? Vì chư Phật đều cùng cúng dường cung kính tôn trọng nơi pháp mà chẳng quí đồ cúng dường thế gian.
- Nầy A Nan! Thế nên nay Ðức Phật đem kinh pháp này trịnh trọng ân cần giao phó cho ông.
- Nầy A Nan! Ðức Phật do học các kinh như vậy mà nay được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng.
Chư Phật quá khứ, lúc hành Bồ Tát đạo cũng học các kinh như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng.
Vị lai chư Phật cũng học các kinh như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng
Hiện tại chư Phật ở mười phương thế giới thuở tu Bồ Tát đạo cũng học các kinh pháp như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề hiện nay chuyển pháp luân vô thượng.
- Nầy A Nan! Vì lẽ ấy nên kinh Bồ Tát Tạng này gọi là kinh chuyển pháp luân, phải nên phụng trì.
- Nầy A Nan! Ngày trước ở nước Ba La Nại núi Lê Sư trong Lộc Viên, Phật chuyển pháp luân cho hàng Thanh Văn đệ tử. Nay ở tại Trúc Viên này, Phật chuyển kinh Bồ Tát Tạng pháp luân bất thối chuyển dứt nghi cho tất cả chúng sanh.
- Nầy A Nan! Quá khứ chư Phật cũng đều ở tại địa phận hư không này mà nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Vị lai chư Phật cũng sẽ đều ở tại địa phận hư không này nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Nay Ðức Phật Vô Thượng Bồ Ðề cũng ở tại địa phận hư không này nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Vì thế nên biết chỗ địa phận này là tháp lớn của Phật, là chỗ cúng dường của Trời Người.
- Nầy A Nan! Chỗ địa phận này riêng có công đức bất cộng, đó là quá khứ chư Phật nói kinh thâm diệu tại đây.
- Nầy A Nan! Bao nhiêu chúng sanh tham dục sân hận ngu si khi vào Trúc Viên này thì chẳng phát sanh tham sân si. Ðức Như Lai dâù cũng có ở các tinh xá khác mà những nơi ấy không có công đức như vậy. Tại sao? Này A Nan! Nay các rừng trúc Ca Lan Ðà này, súc sanh nào vào đây thì chẳng phát dâm dục, các chim vào đây chẳng kêu hót phi thời.
Ðại Vương Bình Sa nước Ma Kiệt ngày xưa lúc đăng vị cùng các thể nữ vào trong vườn này để cùng vui, lúc vào rồi nhà vua tự cảm thấy lòng mình không có ý dục chẳng thích các sự vui đùa, chúng thể nữ cũng đều tự cảm thấy không lòng tham dục vui đùa.
Bấy giờ nhà vua vui mừng luôn thầm nguyện rằng: Cầu mong thế gian có Phật xuất thế tại nước tôi, tôi sẽ được thấy, thấy rồi kính tin, tin rồi cúng dường. Tôi sẽ đem vườn trúc này dâng lên Phật. Phật sẽ ở trong đó, tôi sẽ được nghe pháp. Tại sao? Vì chỉ có bực đáng cúng dường mới nên ở tại vườn này, chẳng phải người ngũ dục nên ở.
- Nầy A Nan! Vua Bình Sa vào vườn này phát tâm nguyện lành như vậy đều do quá khứ chư Phật ở trong vườn này nói kinh Bồ Tát Tạng. Vì thế nên công đức của vườn này chẳng cùng hàng với các nơi khác. Vườn này tất cả Trời Người Bát Bộ đều nên lễ kính.
- Nầy A Nan! Vườn này không có ruồi muỗi độc trùng rắn rít đốt cắn. Nếu nó có ở nơi đây thì chẳng còn tâm độc. Ðây cũng là công đức bất cộng của Trúc Viên.
Dầu cả trăm năm, Ðức Phật khen nói công đức của Trúc Viên cũng không hết. Nay Trúc Viên này thành tựu vô lượng công đức, nơi khác không có".
Ngài A Nan bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Tôi vốn chẳng biết Trúc Viên này có công đức như vậy.
Bạch Thế Tôn! Trước kia tôi chẳng muốn làm thị giả Phật, nay tôi sám tạ tội lỗi ấy".
Ðức Phật bảo A Nan: "Lúc ông mới được pháp nhãn thanh tịnh ở các pháp thì đã trừ dứt tội ấy rồi".
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.178.16 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.