Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Năm Tổ Trung Hoa và những vị tôn túc bàng xuất gồm có 25 người.
28. Tổ Bồ đề Đạt ma.
Ba người bàng xuất từ Bồ đề Đạt ma: Thiền sư Đạo Dục, thiền sư Đạo Phó, ni Tổng Trì.
(Ba người trên đây không có cơ duyên ngữ cú, chẳng ghi).
29. Tổ Huệ Khả Đại sư.
Mười bảy người bàng xuất từ Huệ Khả qua bảy đời:
Thiền sư Tăng Na, cư sĩ Hướng, thiền sư Tương Châu Huệ Mãn (ba người trên đây được ghi).
Thiền sư Hiện Sơn Thần Định, thiền sư Bảo Nguyệt, cư sĩ Hoa Nhàn, Hóa Công Đại sĩ, Hòa Công, cư sĩ Liêu.
Đàm Thúy (từ cư sĩ Hoa Nhàn).
Duyên Lăng Huệ Giản, Bành Thành Huệ Thả (hai người này từ Đàm Thúy).
Định Lâm tự Huệ Cương (từ Đàm Thúy).
Lục Hợp Đại Giác (từ Huệ Cương).
Cao Bưu Đàm Ảnh (từ Đại Giác).
Thái Sơn Minh Luyện (từ Đàm Ảnh).
Dương Châu Tĩnh Thái (từ Minh Luyện).
(Mười bốn người trên không có cơ duyên ngữ cú, chẳng ghi).
30. Tổ Tăng Xán Đại sư.
31. Tổ Đạo Tín Đại sư.
(Bàng xuất 76 người, ghi trong quyển IV).
32. Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư.
(Bàng xuất 107 người, ghi trong quyển IV).
Năm Tổ Trung Hoa và các vị tôn túc bàng xuất gồm có 25 người.
Ba người bàng xuất từ Tổ thứ 28 Bồ đề Đạt ma:
1. Thiền sư Đạo Dục, 2. Thiền sư Đạo Phó, 3. Ni Tổng Trì (ba người trên đây không có cơ duyên ngữ cú,chẳng ghi).
Tổ thứ 29 Huệ Khả Đại sư (bàng xuất 17 người qua bảy đời). Ba người được ghi: Thiền sư Tăng Na, cư sĩ Hướng, thiền sư Tương Châu Huệ Mãn.
Thiền sư Hiện Sơn Thần Định, thiền sư Bảo Nguyệt, cư sĩ Hoa Nhàn, Hóa Công Đại sĩ, Hòa Công, cư sĩ Liêu.
Hoa Nhàn lại xuất hiện một người là Đàm Thúy. Đàm Thúy lại xuất hiện ba người: 1. Duyên Lăng Huệ Giản; 2. Bành Thành Huệ Thả; 3. Định Lâm tự Huệ Cương.
Huệ Cương lại xuất hiện một người là Lục Hợp Đại Giác.
Đại Giác lại xuất hiện một người là Cao Bưu Đàm Ảnh.
Đàm Ảnh lại xuất hiện một người là Thái Sơn Minh Luyện.
Minh Luyện lại xuất hiện một người là Dương Châu Tĩnh Thái.
(Mười bốn người trên đây không có cơ duyên ngữ cú, chẳng ghi).
Tổ thứ 30 Tăng Xán Đại sư.
Tổ thứ 31 Đạo Tín Đại sư.
(Bàng xuất 76 người, ghi trong quyển IV).
Tổ thứ 32 Hoằng Nhẫn Đại sư.
(Bàng xuất 107 người, ghi trong quyển V).
28. Tổ Bồ đề Đạt ma.
Ngài là con thứ ba của vua Hương Chí, nước Nam Thiên Trúc, dòng họ Sát đế lợi. Tên ban đầu là Bồ đề Đa-la, sau gặp Tổ thứ 27 Bát nhã Đa-la đến bổn quốc thọ sự cúng dường của phụ vương; nhân cuộc nghiệm vấn giữa Tổ với Sư và hai anh, biện luận về bảo châu vua cha cúng dường Tổ, Tổ biết Sư đã phát minh tâm yếu và là hiện thân của mật ấn.
Sau đó, Tôn giả bảo:
- Đối với các pháp tâm ông đã được rỗng suốt, mà Đạt ma nghĩa là rỗng khắp nên đặt tên là Đạt ma. Nhân đó đổi hiệu là Bồ đề Đạt ma.
Sư bèn thưa với Tôn giả:
- Con đã đắc pháp nên đi nước nào để hành Phật sự? Xin rủ lòng chỉ dạy.
Tôn giả đáp:
- Tuy ông đắc pháp chưa thể đi xa. Hãy cứ ở lại Nam Thiên Trúc, chờ ta nhập diệt rồi 67 năm sau sẽ đi nước Chấn Đán (Trung Hoa), đem đại pháp dược tiếp thẳng bậc thượng căn. Hãy cẩn thận, hễ đi vội sẽ làm suy tổn cho các nước viễn đông.
Sư lại hỏi:
- Nước kia có bậc đại sĩ kham làm pháp khí chăng? Trong khoảng ngàn năm có gây khó dễ gì chăng?
Tôn giả đáp:
- Nơi ông giáo hóa, số người được bồ đề không thể kể xiết. Ta diệt độ trên 60 năm sau, nước kia gặp nạn như vạch lằn trong nước tự nó khéo qua. Ông gặp đúng cơ hội chớ ở phương nam. Người nước kia chỉ ham công nghiệp hữu vi, chẳng thấy lý Phật, ông đến nước kia cũng không thể ở lâu.
Hãy nghe ta nói kệ:
Lộ hành khóa thủy phục phùng dương,
Độc tự thê thê ám độ giang.
Nhật Hạ khả lân song tượng mã,
Nhị chu nộn quế cửu xương xương.
Dịch:
Đường đi vượt biển lại gặp dê,
Đơn thân buồn bã lén qua sông.
Nhật Hạ (36) khá thương đôi tượng mã,
Quế non hai gốc mãi xanh tươi.
Tổ Bát nhã Đa-la lại diễn thuyết tám bài kệ, đều dự sấm sự thạnh suy của Phật giáo (sự tích ghi đủ trong Bảo Lâm Truyện và Thánh Trụ Tập). Sư kính vâng giáo nghĩa, phục vụ siêng năng bên Tổ gần 40 năm chưa từng chểnh mảng, đến khi Tôn giả thuận thế (tịch) mới nói pháp giáo hóa tại bổn quốc.
Bấy giờ có hai thầy: một người tên là Phật Đại Tiên, một người tên là Phật Đại Thắng Đa. Hai người này trước đã cùng Sư học pháp thiền quán tiểu thừa với thầy Phật đà Bạt đà. Phật Đại Tiên đã gặp Tôn giả Bát nhã Đa-la, vượt tiểu hướng đại thừa nên cùng Sư giáo hóa, khi ấy có biệt hiệu là “hai cửa cam lộ”.
Nhưng Phật Đại Thắng Đa lại chia đồ chúng làm sáu tông: Thứ nhất là tông Hữu tướng, thứ hai là
tông Vô tướng, thứ ba là tông Định huệ, thứ tư là tông Giới hạnh, thứ năm là tông Vô đắc, thứ sáu là tông Tịch tĩnh. Mỗi tông bảo thủ kiến giải của mình, triển khai riêng nguồn giáo hóa, đồ chúng anh tài tụ tập rất thạnh.
Đại sư bùi ngùi than:
- Chỉ có một thầy kia mà đã vùi lấp dấu trâu, huống chi lại chi ly đông đúc phân làm sáu tông. Làm sao ta không trừ tà kiến ràng rịt họ mãi được?
Nói xong Sư ngầm hiện thần lực đến chỗ của tông thứ nhất Hữu tướng, hỏi:
- Thế nào gọi là thật tướng của tất cả các pháp?
Trong chúng đó có một tôn trưởng là Tát bà la trả lời:
- Ở trong các tướng mà chẳng liên kết với các tướng, gọi đó là thật tướng.
Sư nói:
- Ở trong tất cả các tướng mà chẳng liên kết với các tướng, nói thật tướng như thế thì làm sao xác định đúng nó ư?
Kia đáp:
- Ở trong các tướng mà thật ra không có cái để xác định, làm thế nào xác định các tướng mà bảo là thật được?
Sư nói:
- Trong các tướng mà bất định (không xác định) mới gọi là thật tướng, nay ông bất định phải làm sao đắc nó?
Kia đáp:
- Tôi nói các tướng bất định bất thuyết, chính là nói về các tướng mà nghĩa nó cũng như thế.
Sư nói:
- Ông nói bất định chính là thật tướng, vì xác định “cái bất định” nên “cái bất định” tức chẳng phải thật tướng.
Kia nói:
- Xác định “cái đã bất định” thì cái bất định tức chẳng phải thật tướng, vì biết “ngã chẳng phải” nên bất định bất biến.
Sư hỏi:
- Nay ông bất biến, gọi gì là thật tướng? (Các tướng) Đã biến đổi đã đi qua, nghĩa kia (thật tướng) cũng như thế ư?
Kia đáp:
- Bất biến đang còn (tại) vì “còn chẳng còn”, cho nên thật tướng biến hóa để xác định nghĩa kia.
Sư hỏi:
- Thật tướng bất biến, biến tức chẳng thật. Trong các pháp hữu vô gọi gì là thật tướng?
Tâm Tát bà la biết đây là thánh sư lý giải không còn vướng mắc, thầm đạt đến chỗ sâu kín, bèn đưa tay chỉ hư không, hỏi:
- Đây là thế gian hữu tướng cũng có thể không (hóa rỗng), chính thân tôi đây được như vậy không?
Sư đáp:
- Muốn hiểu thật tướng tức là thấy phi tướng. Nếu rõ phi tướng thì sắc kia cũng như thế, chính ở trong sắc chẳng mất đi thể của sắc vì trong phi tướng chẳng ngại (tướng) có (không). Nếu hay hiểu như thế, đó gọi là thật tướng.
Chúng kia nghe qua tâm ý sáng suốt, kính lễ tín tâm thọ trì.
*
* *
Giây lát Sư lại biến mất, đến chỗ tông thứ hai Vô tướng. Sư hỏi:
- Các ông nói vô tướng, chính ai chứng đó (vô tướng)?
Trong chúng này, có người trí là Ba-la-đề đáp:
- Tôi tỏ rõ vô tướng vì tâm (vọng) chẳng hiện hành (sanh khởi).
Sư hỏi:
- Tâm ông chẳng hiện hành, chính ai tỏ rõ đó (chẳng hiện)?
Kia đáp:
- Tôi tỏ rõ vô tướng thì tâm không thủ xả, đang lúc tỏ rõ cũng không có ai tỏ rõ.
Sư nói:
- Đối với các tướng hữu vô mà tâm chẳng thủ xả, lại không có ai tỏ rõ chúng vì là không.
Kia nói:
- Nhập tam muội của Phật lại vô sở đắc, huống chi vô tướng mà muốn biết nó.
Sư hỏi:
- Đã chẳng biết tướng thì ai nói là hữu vô? Vả vô sở đắc thì gọi gì là tam muội?
Kia đáp:
- Tôi nói không chứng nghĩa là chứng “cái không chỗ chứng”, vì chẳng phải (phi) tam muội nên tôi nói tam muội.
Sư hỏi:
- Phi tam muội, thì ai đang gọi đó (phi tam muội)? Ông đã chẳng (bất) chứng, chẳng phải (phi) chứng thì chứng cái gì?
Ba-la-đề nghe Sư biện luận giải thích liền ngộ bổn tâm. Lễ tạ Sư và sám hối lỗi lầm trước.
Sư thọ ký:
- Ông sẽ đắc quả, không lâu chứng tam muội. Xứ này có ngoại đạo, chẳng bao lâu ông sẽ hàng phục nó .
*
* *
Nói xong Sư bỗng nhiên biến mất, đến trụ sở của tông thứ ba Định huệ.
Sư hỏi:
- Các ông học định huệ, định huệ là một hay là hai?
Trong chúng này có người tên là Bà lan đà đáp:
- Định huệ của chúng tôi đây, chẳng một chẳng hai.
Sư hỏi:
- Đã chẳng phải một chẳng hai, gọi gì là định là huệ?
Kia đáp:
- Đang định chẳng phải chỗ định, nơi huệ chẳng phải chỗ huệ; một tức chẳng phải một, hai cũng chẳng hai.
Sư nói:
- Đang khi một chẳng một, đang khi hai chẳng hai. Đã chẳng phải định chẳng phải huệ thì đại khái là định, huệ nào?
Kia đáp:
- Định huệ hay biết chẳng một chẳng hai, chẳng phải định chẳng phải huệ cũng lại như vậy.
Sư hỏi:
- Vì huệ chẳng ngồi định, nhưng ai biết đây? Chẳng một chẳng hai thì ai định ai huệ?
Ba lan đà nghe được, tâm nghi cởi mở như băng tan.
*
* *
Sư đến chỗ tông thứ tư Giới hạnh. Sư hỏi:
- Cái gì gọi là giới? Thế nào gọi là hạnh? Đang lúc thực hành giới hạnh thì giới, hạnh là một hay là hai?
Trong chúng này có một hiền giả đáp:
- Một hai hai một đều do kia sanh, y theo giáo mà vô nhiễm đó gọi là giới hạnh.
Sư nói:
- Ông nói “y theo giáo” tức là có nhiễm, một hai đều phá sao nói là y theo giáo? Cái hai đó là sai trái bất cập đối với hạnh, trong ngồi chưa sáng sao gọi là giới?
Kia đáp:
- (Có) Ngã (thì) có nội ngoại, tự kỷ (37) kia biết hết nội ngoại, đã thông đạt kia rồi mới là giới hạnh. Nếu nói là sai trái (hoặc) đều đúng đều sai, mà lời nói theo kịp thanh tịnh thì chính là giới là hạnh.
Sư hỏi:
- (Bảo) Đều đúng đều sai thì nói gì là thanh tịnh? Đã thông đạt rồi thì bàn gì là nội ngoại?
Hiền giả nghe đó liền tự thẹn mà phục Sư.
*
* *
Sư đến chỗ tông thứ năm Vô đắc. Sư hỏi:
- Các ông chủ trương vô đắc, làm sao được vô đắc ư? Đã không có sở đắc mà còn đắc vô đắc.
Trong chúng này có người tên Bảo Tĩnh đáp:
- Tôi nói vô đắc chẳng phải đắc vô đắc, chính là nói “đắc được” cái vô đắc, đó là đắc.
Sư nói:
- Đắc đã là chẳng đắc (bất đắc), mà đắc cũng là chẳng phải đắc (phi đắc), rồi lại nói “đắc được”. Làm sao có thể đắc được (đắc đắc)?
Kia đáp:
- Thấy được thì chẳng phải đắc, chẳng phải đắc là đắc. Nếu thấy không được thì gọi là “đắc được”.
Sư nói:
- Đắc đã chẳng phải đắc, không có đắc “đắc được”, đã không có sở đắc thì chính lúc đó “đắc được” gì?
Bảo Tĩnh nghe qua liền dứt hết lưới nghi.
*
* *
Sư đến chỗ tông thứ sáu Tịch tĩnh. Sư hỏi:
- Thế nào gọi là tịch tĩnh? Ở trong pháp hội này ai tịch ai tĩnh?
Trong đây có Tôn giả đáp:
- Tâm ấy chẳng động gọi là tịch, nơi pháp không nhiễm gọi đó là tĩnh.
Sư hỏi:
- Bổn tâm chẳng tịch nên cần mượn tịch tĩnh, xưa nay vốn tịch thì cần gì tịch tĩnh?
Kia đáp:
- Vì (bổn tâm) không không nên chư pháp vốn rỗng không, do không không đó nên gọi là tịch tĩnh.
Sư nói:
- Không không đã rỗng không, các pháp cũng như thế. Tịch tĩnh vô tướng thì có cái nào tĩnh cái nào tịch?
Tôn giả kia nghe Sư chỉ dạy bỗng nhiên khai ngộ.
Rồi thì sáu chúng đều thệ nguyện quy ngưỡng Sư. Từ đó việc giáo hóa được nức tiếng vùng Nam Thiên Trúc, rồi lan dần khắp Ngũ Ấn (38) . Các học giả gần xa mặc nhiên hâm mộ hưởng ứng theo, trên 60 năm Sư độ chúng vô lượng.
*
* *
Về sau gặp phải vua Dị Kiến (39) khinh chê hủy báng Tam bảo. Có lần vua nói: “Tổ tông ta đều tin Phật đạo mà mắc vào tà kiến nên tuổi thọ chẳng lâu, vận lành cũng ngắn. Vả thân ta là Phật sao còn cầu ở ngồi? Việc báo ứng thiện ác đều bởi con người trí mưu mà hơn”. Kết xằng với lời nói đó, đến nỗi trong nước hàng kì cựu được các tiền vương phụng mệnh từ đó đều bị phế truất.
Sư đã biết, tự than: “Vua kia đức bạc, bằng cách nào để cứu đây?” Lại nhớ đến hai thủ lãnh trong tông Vô tướng: Một là Ba-la-đề sắp chứng quả vị, lại có duyên với vua; hai là Tông Thắng không phải là không biện luận uyên bác, nhưng không có nhân duyên đời trước với vua.
Bấy giờ đồ chúng sáu tông, mỗi người cũng tự nghĩ: “Phật pháp có nạn, các sư tăng làm sao tự an tĩnh được?” Sư biết ý các chúng liền khảy ngón tay đáp ứng với chúng, sáu chúng ở xa nghe biết, nói: “Đây là tín hiệu hưởng ứng của thầy ta Đạt ma, chúng ta nên tốc hành đến để phù tá từ mệnh”. Nói xong họ đến gặp Sư thăm hỏi lễ bái.
Sư hỏi:
- Nay có một cánh hoa hư tàn, ai có thể cắt bỏ?
Tông Thắng đáp:
- Tôi tuy thiển bạc sao dám từ chối việc ấy.
Sư bảo:
- Ông tuy có trí tuệ biện tài nhưng đạo lực chưa đủ.
Tông Thắng tự nghĩ: “Thầy ta sợ ta yết kiến nhà vua làm đại Phật sự, danh dự hiển đạt chiếu át uy quang bậc trên. Dù cho người kia có phước đức trí tuệ làm vua, nhưng ta là sa môn nhận yếu chỉ Phật giáo há ngại đối đầu sao?”. Nói xong lén đi đến gặp vua, quảng thuyết pháp yếu và những vụ việc về thiện ác người trời, khổ vui của thế gian … Ông cùng vua chất vấn qua lại không có gì chẳng thấu lý.
Vua hỏi:
- Nay theo chỗ ông hiểu biết thì pháp ấy ở đâu?
Tông Thắng đáp:
- Như nhà vua cảm hóa người dân, trị nước thăng bình đúng là hợp với đạo ấy, đạo nhà vua sở hữu ở đâu?
Vua đáp:
- Đạo ta sở hữu để trừ tà pháp, pháp ông sở hữu để hàng phục ai?
Sư chẳng rời chỗ ngồi, băn khoăn biết nghĩa lý của Tông Thắng bị hỏng, vội vã bảo Ba-la-đề:
- Tông Thắng chẳng vâng lời ta dạy, lén hóa duyên ở cung vua, chốc lát nữa thua, ông nên cứu gấp.
Ba-la-đề kính vâng mệnh Sư, thưa:
- Xin mượn thần lực.
Nói xong mây hiện dưới chân, đến trước vua lặng lẽ dừng lại. Bây giờ vua đang hỏi Tông Thắng, bỗng thấy Ba-la-đề cỡi mây đến, vua ngạc nghiên quên câu hỏi đáp của mình. Vua hỏi:
- Người từ không trung đến là chánh hay tà?
Ba-la-đề đáp:
- Tôi chẳng phải chánh tà mà tâm vua có tà chánh đến. Nếu tâm vua chánh ngã(40) thì không có chánh tà.
Tuy vua có kinh dị nhưng lòng kiêu mạn vừa rồi bốc lên mạnh, liền lệnh đuổi Tông Thắng ra khỏi nước. Ba-la-đề hỏi:
- Vua đã có đạo sao lại đuổi sa môn? Tôi tuy không hiểu biết, xin vua đặt câu hỏi.
Vua giận nhưng hỏi:
- Ai là Phật?
Đáp:
- Thấy tánh là Phật.
Vua hỏi:
- Sư thấy tánh không?
Đáp:
- Tôi thấy Phật tánh.
Vua hỏi:
- (Phật) tánh ở đâu?
Đáp:
- (Phật) tánh ở tác dụng.
Vua hỏi:
- Đó là tác dụng nào nay ta chưa thấy?
Đáp: - Hiện đang thấy tác dụng, tự nhà vua chẳng thấy.
Vua hỏi:
- Nơi ta có (Phật tánh) không?
Đáp:
- Nếu vua tác dụng thì không có chỗ nào chẳng phải. Nếu vua không tác dụng cũng khó thấy thể (tánh kia).
Vua hỏi:
- Như lúc đang tác dụng có mấy chỗ (tánh) xuất hiện?
Đáp:
- Như lúc xuất hiện phải có tám chỗ.
Vua nói:
- Phải nói cho ta nghe tám chỗ xuất hiện đó.
Ba-la-đề bèn nói kệ:
Tại thai vi thân,
Xử thế danh nhân,
Tại nhãn viết kiến,
Tại nhĩ viết văn,
Tại tỹ biện hương,
Tại khẩu đàm luận,
Tại thủ chấp tróc,
Tại túc vận bôn.
Biến hiện câu cai sa giới,
Thu nhiếp tại nhất vi trần.
Thức giả tri thị Phật tánh,
Bất thức hốn tác tinh hồn.
Dịch:
Ở thai là thân,
Ở đời là người,
Ở mắt là thấy,
Ở tai là nghe,
Ở mũi xét mùi,
Ở miệng đàm luận,
Ở tay cầm bắt,
Ở chân đi chạy.
Hiện khắp bao trùm sa giới,
Thâu lại trong một vi trần.
Biết được, đó là Phật tánh,
Không biết, gọi là tinh hồn.
Vua nghe kệ xong tâm liền khai ngộ, bèn hối hận tạ lỗi trước, rồi hỏi thêm về pháp yếu sớm tối quên mệt cho đến chín tuần.
Lúc đó Tông Thắng đã bị xua đuổi, lui về ẩn nơi chốn thâm sơn, nghĩ rằng:
- Ta nay tám mươi của đời người mà còn lầm, hai mươi năm nữa lại quy về Phật đạo. Tu hành đã đoạn tuyệt dấu vết nhưng còn ngu mê tâm tánh, không phòng được nạn tai, chi bằng chết còn hơn sống.
Nghĩ xong liền tự gieo mình xuống vực, giây lát có thần nhân dùng tay hứng đỡ, đặt trên tảng đá bình an vô hại. Tông Thắng nói:
- Ta tự trách mình làm sa môn nhục nhã, muốn đem chánh pháp chuyển hóa nhà vua mà không kiềm chế hết được sự lầm lẫn của vua, đến nỗi tổn hại đến thân. Thần nhân nào trợ giúp ta đến thế này, xin ban cho một lời giúp ta bảo tồn đời tàn này.
Do đó thần nhân nói kệ:
Sư thọ ư bách tuế,
Bát thập nhi tạo phi.
Vị cận chí tôn cố,
Huân tu nhi nhập đạo.
Tuy cụ thiểu trí tuệ,
Nhi đa hữu bỉ ngã.
Sở kiến chư hiền đẳng,
Vị thường sanh trân kính.
Nhị thập niên công đức,
Kỳ tâm vị điềm tĩnh.
Thông minh khinh mạn cố,
Nhi hoạch chí ư thử.
Đắc vương bất kính giả,
Đương cảm quả như thị.
Tự kim bất sơ đãi,
Bất cửu thành kỳ trí.
Chư thánh tất tồn tâm,
Như Lai diệc phục nhĩ.
Dịch: Thầy thọ đến trăm tuổi,
Tám mươi còn làm quấy.
Nhờ gần đấng chí tôn,
Huân tu và nhập đạo.
Nhưng trí tuệ chưa toàn,
Mà sanh nhiều đây kia.
Gặp những bậc hiền đức,
Chưa hề tỏ kính trọng.
Hai mươi năm công đức,
Tâm ấy chưa điềm tĩnh.
Bởi thông minh khinh mạn,
Mới chịu quả đến thế.
Bị vua bất kính đó,
Sẽ cảm quả như vậy.
Xưa nay không bỏ sót,
Chẳng lâu thành tựu trí.
Chư thánh đều giữ tâm,
Như Lai cũng như thế.
Tông Thắng nghe kệ hân hoan rồi ngồi tịnh nơi hang núi cao. Lúc đó vua Dị Kiến lại hỏi Ba-la-đề:
- Trí tuệ biện luận như nhân giả, ai đáng làm thầy nhân giả đây?
Đáp:
- Tôi xuất gia ở chùa Ta-la, ngài tam tạng Ô-sa-bà là thầy thọ nghiệp. Người thầy xuất thế của tôi chính là Bồ-đề Đạt-ma, chú của đại vương đó.
Vua nghe đến tên Sư kinh sợ hồi lâu, nói:
- Ta hèn mọn, không xứng đáng nối dõi ngôi vua, bội chánh hướng tà mà quên đi người chú cao quý.
Rồi sắc mệnh cận thần đặc biệt tiến hành nghênh thỉnh. Sư tùy theo sứ giả mà đến, cho vua sám hối lỗi lầm trước; vua nghe những quy tắc răn dạy và khóc tạ lỗi với Sư, lại ban chiếu cho Tông Thắng trở lại vương quốc.
Đại thần tâu:
- Sau khi bị đuổi Tông Thắng gieo mình xuống vực, nay đã mất rồi.
Vua nói với Sư:
- Tông Thắng chết đều bởi chính ta, bậc đại từ làm sao giúp ta thốt tội ấy?
Sư nói:
- Tông Thắng hiện đang thiền định trong hang núi, chỉ cần sai sứ mời thì y sẽ đến.
Vua bèn sai sứ vào núi, quả thật thấy Tông Thắng ngồi ngay ngắn thiền tịch. Được triệu hồi Tông Thắng nói:
- Rất hổ thẹn với nhã ý nhà vua, bần đạo thệ nguyện ở chốn lâm tuyền. Vả vương quốc có người hiền đức đông đúc, Đạt ma là chú của vua, làm thầy sáu chúng, Ba-la-đề là hàng long tượng trong pháp hội. Xin vua tôn kính hai vị thánh ấy để làm phước điền cho cơ nghiệp nhà vua.
Sứ giả vâng mệnh trở về chưa tới, Sư hỏi vua:
- Vua biết Tông Thắng có đến không?
Vua đáp:
- Chưa biết.
Sư nói:
- Mời một lần chưa đến, mời lần nữa mới đến.
Hồi lâu sứ giả trở về quả nhiên như lời Sư nói.
Sư bèn từ giả vua, bảo:
- Hãy khéo tu đức, chẳng bao lâu có bệnh. Ta phải đi thôi.
Bảy ngày sau vua mắc bệnh, ngự y đã chẩn trị mà bệnh không đỡ lại tăng. Hàng quí thích và cận thần nhớ lời thọ ký trước, vội vã phát sứ đến báo Sư:
- Vua bệnh nặng kéo dài không bớt, xin Ngài từ bi nghĩ tình ruột thịt chịu khó đến cứu giúp.
Sư đến gặp vua thăm bệnh vấn an. Lúc bấy giờ Tông Thắng vâng theo lời mời lần thứ hai, từ bỏ hang núi trở lại. Ba-la-đề thọ ân vua đã lâu cũng đến thăm bệnh, hỏi:
- Phải làm gì giúp vua thốt khổ?
Sư liền bảo thái tử thay cha thi ân, thả tội nhân và kính thờ tăng bảo. Lại vì nhà vua sám hối “Nguyện tội tiêu diệt”, làm như vậy ba lần. Chẳng bao lâu bệnh vua hết.
Sư nghĩ: “Duyên với nước Chấn Đán (Trung Hoa) đã chín, tới lúc hành hóa ở đó”. Trước tiên Sư lễ từ tháp Tổ, rồi giã từ những đồng học, sau đó đến an ủi và khuyên nhủ nhà vua:
- Nên siêng tu bạch nghiệp (thiện nghiệp), hộ trì tam bảo. Ta đi chẳng lâu, một lần đi chín năm trở lại.
Vua nghe Sư dạy, nước mắt đầm đìa, hỏi:
- Nước nầy mắc tội gì, lãnh thổ kia (Trung Hoa) có phước gì mà hồng thúc hữu duyên, không ở nước ta? Chỉ mong Ngài đừng quên tổ quốc mẹ cha, xong việc sớm về.
Vua bèn cụ bị đồ dùng cùng tiền lộ phí cho thuyền lớn, đích thân đốc suất quan liêu tiễn Sư đến bến cảng. Sư lênh đênh giữa trùng dương, ấm lạnh khoảng ba năm thì đến Nam Hải (Quảng Châu), đó là ngày 21 tháng 9 năm đinh mùi (527 Công nguyên), tức năm Phổ Thông thứ 8 nhà Lương. Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ngang làm chủ lễ tiếp rước trọng thể, dâng biểu trình Vũ đế. Đế xem xét y tấu, sai sứ giả mang chiếu đi nghênh thỉnh Sư về Kim Lăng.
Ngày 1 tháng 10 Sư đến Kim Lăng.
(Thiền sư Tung căn cứ Tục Pháp Ký của tăng Bảo Xướng nhà Lương mà viết Chánh Tông Ký. Chánh Tông Ký ghi: “Đạt ma đến nước này (Lương) vào năm canh tý 520, tức năm Phổ Thông nguyên niên, đời vua Lương Vũ đế”. Năm này là năm Chánh Quang nguyên niên, đời vua Minh đế nhà Hậu Ngụy. Nếu như thế thì niên biểu đều hợp với năm nhập diệt, quật mồ … của Sư về sau.
Nếu bằng cứ trên là đúng thì ngày 21 tháng 9 năm đinh mùi (527), năm Phổ Thông thứ 8 và ngày mùng 1 tháng 10 Sư đến Kim Lăng ắt rất sai. Vì tháng 3 năm Phổ Thông thứ 8 đã cải niên hiệu là Đại Thông nguyên niên, thì tháng 9 đâu còn gọi là năm Phổ Thông thứ 8.
Nam Hải ngày nay là Quảng Châu, cách Kim Lăng cả ngàn dặm, thứ sử tâu vua và Vũ đế ban chiếu nghênh thỉnh, nhưng đâu thể nào mà đến Kim Lăng trong khoảng 10 ngày ư? Hơn nữa chiếu theo Tiêu Ngang Bổn Truyện của Nam sử thì không thấy nói Ngang làm thứ sử Quảng Châu, nhưng phần cuối của Vương Mậu Truyện thì có Tiêu Ngang làm trưởng sử Quảng Châu, nhưng không biết ngang tại nhiệm năm nào. Nay chỉ có thể nói: “Sư đến Nam Hải đúng năm Phổ Thông nguyên niên, thứ sử Quảng Châu làm chủ lễ tiếp rước trọng thể, dâng biểu trình Vũ đế. Đế xem biểu tấu, sai sứ giả mang chiếu nghênh thỉnh. Ngày mùng 1 tháng 10 đến Kim Lăng”).
Đế hỏi:
- Từ lúc trẫm lên ngôi tới nay, tạo chùa in kinh độ tăng không thể ghi chép hết, có công đức gì không?
Sư đáp:
- Đều không công đức.
Đế hỏi:
- Tại sao không công đức?
Sư đáp:
- Đó chỉ là nhân hữu lậu của tiểu quả nhân thiên, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.
Đế hỏi:
- Thế nào là công đức chơn thật?
Đáp:
- Trí thanh tịnh và thể diệu viên vốn không tịch(41). Công đức như thế không thể đem việc thế gian mà cầu được.
Đế lại hỏi:
- Thế nào là đệ nhất nghĩa thánh đế?
Sư đáp:
- Rỗng không không có thánh.
Đế hỏi:
- Đối diện trẫm là ai?
Sư đáp:
- Chẳng biết (bất thức)!
Lương Vũ đế không lãnh ngộ. Sư biết cơ duyên không khế hợp, ngày 19 tháng đó (tháng 10) Sư lén rút lui (chữ hồi , Quảng Đăng chép là chữ quá) qua Giang Bắc. Ngày 23 tháng 11 Sư đến Lạc Dương nhằm năm Thái Hòa thứ 10, đời vua Hiếu Minh nhà Bắc Ngụy. (Đúng ra là năm Chánh Quang nguyên niên 520, đời vua Hiếu Minh nhà Hậu (Bắc) Ngụy. Nếu cho là năm Thái Hòa thứ 10 thì là đời Văn đế nhà Hậu Ngụy, năm này tức là năm bính dần 486, năm Vĩnh Minh thứ 4 đời vua Vũ đế nhà Nam Tề). Sư ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, suốt ngày lặng thinh ngồi xoay mặt vào vách, không ai lường được và thời nhân gọi Sư là Bích quán Bà-la-môn.
Khi đó có vị tăng tên Thần Quang, bậc tu học tâm đã khống đạt (thông suốt mênh mông), ngụ ở Y Lạc đã lâu, xem rộng biết nhiều sách nên giỏi đàm luận huyền lý. Quang thường than: “Khổng
Lão dạy lễ ký, phương thuật, phong thủy, pháp quy; các sách Trang tử, kinh Dịch nói chưa tột diệu lý. Mới đây có nghe Đạt ma Đại sĩ đến ở chùa Thiếu Lâm, đang tạo cảnh giới sâu mầu, bậc chí nhân chẳng xa”. Bèn đến đó sớm hôm vâng hầu. Sư luôn ngồi kiết già xoay mặt vào vách, không ai nghe Sư dạy bảo gì. Quang tự tư duy: “Người xưa cầu đạo đập xương lấy tủy, chích máu cứu đói, trải tóc che bùn, gieo mình xuống vực cho hổ đói ăn thịt. Xưa mà như thế, còn ta là người nào?”.
Ngày mùng 9 tháng 12 năm đó (520), tuyết rơi đầy suốt đêm, Quang đứng vững bất động, trời sáng muộn tuyết phủ quá đầu gối. Sư thấy thương cảm, quay ra hỏi:
- Ông đứng chờ lâu ngồi tuyết, muốn cầu việc gì?
Quang bi lệ đáp:
- Chỉ mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, quảng độ chúng sanh.
Sư đáp:
- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, phải nhiều kiếp tinh cần, làm được việc khó làm nhẫn được việc khó nhẫn, hàng thiểu đức thiểu trí lòng còn rẻ
rúng ngã mạn há cầu được sao? Muốn được chơn thừa phải nhọc công cần khổ.
Quang nghe Sư khuyên bảo, lén lấy dao bén tự chặt cánh tay trái rồi dâng lên trước mặt Sư. Sư biết đây là pháp khí, bèn bảo:
- Lúc ban sơ cầu đạo chư Phật vì pháp quên thân, ông nay chặt cánh tay trước mặt ta, tâm cầu đạo cũng khá đấy!
Rồi nhân đó ban cho tên Huệ Khả. Quang thưa:
- Pháp ấn chư Phật con có thể nghe được chăng?
Sư đáp:
- Pháp ấn chư Phật không thể được từ người khác.
Quang nói:
- Tâm con chưa an, xin thầy an cho.
Sư bảo:
- Đem tâm ra đây, ta an cho ông.
Thưa:
- Con tìm tâm trọn không thể được.
Sư nói:
- Ta an tâm cho ông rồi.
*
* *
Về sau vua Hậu Ngụy Hiếu Minh đế nghe Sư kỳ đặc, sai sứ mang chiếu đến mời Sư trước sau ba lần. Sư không rời Thiếu Lâm, đế càng thêm kính mến lại ban ca sa ma nạp hai bộ, bát bằng vàng bình nước bằng bạc, lụa dày … Sư cố từ nhượng ba phen, ý vua càng cương quyết, Sư mới nhận. Từ đó chúng tăng và tại gia cư sĩ tin tưởng và quy hướng gia tăng bội phần.
Sư ở Thiếu Lâm đến chín năm, muốn trở về Tây, nước Thiên Trúc, bèn gọi môn nhân đến, bảo:
- Thời sắp đến rồi, các ông sao chẳng nói lên sở đắc mỗi người đi?
Bấy giờ môn nhân Đạo Phó bước ra thưa:
- Theo chỗ con thấy, chẳng chấp văn tự chẳng lìa văn tự, đó là tác dụng của đạo.
Sư nói:
- Ông được phần da của ta.
Ni Tổng Trì (42) thưa:
- Chỗ con hiểu hiện nay cũng như Ngài Khánh Hỉ (A-nan) thấy cõi Phật A-súc (43), chỉ thấy một lần không còn thấy nữa.
Sư nói:
- Ngươi được phần thịt của ta.
Đạo Dục thưa:
- Tứ đại vốn rỗng không, ngũ ấm (uẩn) chẳng phải có, và chỗ thấy của con không một pháp có thể được.
Sư nói:
- Ông được phần xương của ta.
Cuối cùng Huệ Khả bước ra lễ bái rồi trở lại đứng chỗ cũ. Sư nói:
- Ông được phần tủy của ta.
Rồi Sư nhìn Huệ Khả và bảo:
- Xưa Đức Như Lai đem chánh pháp nhãn trao cho Ca diếp Đại sĩ, lần lượt trao liên tục đến ta, nay ta trao ông, ông nên giữ gìn. Và trao cho ông ca sa
để làm pháp tín, ông nên biết mỗi thứ tiêu biểu cho mỗi việc.
Khả thưa:
- Xin thầy chỉ cho mọi việc.
Sư nói:
- Bên trong truyền pháp ấn để khế hợp với tâm chứng, ngồi trao ca sa để xác định tông chỉ. Về sau lòng người sanh khinh bạc, nghĩ suy ngờ vực và tranh giành, họ nói “Ta là người Tây Thiên, ông là người Trung Hoa, căn cứ vào đâu mà đắc pháp, lấy gì để minh chứng?”. Nay ông nhận y pháp này, sau gặp nạn chỉ cần trình y và kệ truyền pháp của ta để minh chứng thì sự giáo hóa không trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta nhập diệt, không truyền y nữa vì Phật pháp thạnh hành khắp nơi, lúc đó người biết đạo thì nhiều người hành đạo lại ít, người nói lý thì nhiều người thông lý lại ít, nhưng những người thầm hợp mật chứng có hơn ngàn vạn. Ông đảm đang việc xiển dương chớ xem thường người chưa ngộ, trong một niệm hồi tâm liền đồng người được trước. Hãy nghe ta nói kệ:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Dịch:
Ta vốn đến xứ này,
Truyền pháp cứu người mê.
Một hoa nở năm (44) cánh,
Kết quả tự nhiên thành.
Sư lại bảo:
- Ta có bốn quyển kinh Lăng Già cũng để trao ông (Đây y cứ theo Bảo Lâm Truyện mà nói. Căn cứ Tục Cao Tăng Truyện của Luật sư Tuyên, Khả Đại Sư Truyện thì “Ban đầu Đạt-ma đem kinh Lăng Già trao cho Huệ Khả, nói: Ta xem đất Hán chỉ có Kinh này, hạng nhân giả y theo đó mà hành sẽ tự độ độ người”. Theo như truyện trên chép, khi Nhị Tổ chưa đắc pháp, Đạt-ma trao kinh Lăng Già cho Nhị Tổ xem. Nay Truyền Đăng nói sau khi đã phó pháp truyền y rồi, Sư lại nói “Ta có bốn quyển kinh Lăng Già cũng để trao ông”, chỉ sợ hiểu lầm mới nói “ta có”, tợ như thế gian chưa có. Chỗ này chỉ nên y cứ lời Mã Tổ nói “Lại dẫn văn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh” thì không hại cho lý vậy) chính là yếu môn dẫn vào tâm địa Như Lai, khiến chúng sanh khai thị ngộ nhập. Từ khi đến xứ này, ta đã bị năm phen đầu độc, ta thường tự mửa ra mà thử nó, chạm đá đá tan; duyên ta vốn rời Nam Ấn để đến Đông độ đây vì thấy Xích Huyện Thần Châu (tên nước Trung Hoa thời xưa) có khí tượng đại thừa, bèn vượt biển qua sa mạc tìm người truyền pháp, gặp vận chưa thông phải như câm như dại. Nay được ông để truyền trao, ý ta đã mãn.
(Biệt Ký chép: Ban đầu Sư ở chùa Thiếu Lâm chín năm vì Nhị Tổ thuyết pháp, chỉ dạy rằng “Ngồi ngưng các duyên, trong theo hơi thở, tâm như tường vách, có thể vào đạo”. Huệ Khả trình Sư đủ thứ lý về tâm tánh vẫn chưa khế hợp đạo, Sư chỉ ngừa lỗi đó mà không thuyết cho Huệ Khả nghe về tâm thể vô niệm. Huệ Khả nói “Con đã ngưng hết các duyên”. Sư hỏi “Hẳn là thành đoạn diệt rồi chăng?” Khả đáp “Chẳng thành đoạn diệt”. Sư hỏi: “Lấy gì nghiệm xét đó mà bảo chẳng đoạn diệt?” Khả đáp “Rõ ràng thường biết, nói không thể đến được”. Sư nói “Đó là tâm thể chư Phật truyền trao, chớ có hồ nghi”).
Nói xong Sư cùng đồ chúng đến chùa Thiên Thánh ở Vũ Môn dừng lại ba ngày. Thành ấy có quan thái thú Dương Huyễn Chi sớm mến mộ Phật thừa, hỏi Sư:
- Ở Tây Thiên Ngũ Ấn (năm miền Ấn độ Tây Thiên) Thầy được kế thừa làm Tổ, đạo ấy như thế nào?
Sư đáp:
- Rõ được tâm tông của Phật, hạnh và giải hợp nhau, đó gọi là Tổ.
Lại hỏi:
- Ngồi lý này thì thế nào?
Sư đáp:
- Nên rõ tâm kia biết suốt xưa nay, chẳng chán có không, nơi pháp không chấp, chẳng trí chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế cũng gọi là Tổ.
Lại hỏi:
- Đệ tử hồi tâm tam bảo cũng lâu rồi mà trí tuệ ngu tối còn mê mờ chơn lý. Vừa nghe thầy nói không lãnh hội và thực hành được, mong thầy từ bi khai thị tông chỉ.
Sư biết tâm tha thiết, mới nói kệ:
Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm,
Diệc bất quán thiện nhi cần thố,
Diệc bất xả trí nhi cận ngu,
Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ.
Đạt đại đạo hề quá lượng,
Thông Phật tâm hề xuất độ,
Bất dữ phàm thánh đồng triền,
Siêu nhiên danh chi viết Tổ.
Dịch:
Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê,
Cũng đừng thấy lành mà siêng làm,
Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu,
Cũng đừng quẳng mê mà lấy ngộ.
Đạt đạo lớn chừ quá lượng,
Thông tâm Phật chừ vượt mức,
Chẳng cùng phàm thánh chung bước,
Vượt hết, gọi đó là Tổ.
Huyễn Chi nghe kệ vui buồn lẫn lộn, thưa:
- Xin thầy trụ thế gian dài lâu, hóa đạo quần sanh.
Sư nói:
- Ta sắp đi không nên ở lâu. Người đời căn tánh muôn sai khác, gặp nhiều hoạn nạn.
Huyễn Chi thưa:
- Chưa biết ai hại thầy, đệ tử sẽ giải trừ cho thầy.
Sư nói:
- Ta vì truyền sự bí mật của Phật, đem lợi ích cho những người lầm lạc. Hại họ để an thân nhất định không có lý đó.
Huyễn Chi nói:
- Nếu thầy không nói, sao biểu hiện thần lực quán chiếu biến hóa thông suốt được?
Sư bất đắc dĩ nói bài sấm:
Giang tra phân ngọc lãng,
Quản cự khai kim tỏa.
Ngũ khẩu tương cộng hành,
Cửu thập vô bỉ ngã.
Dịch:
Bè sông rẽ sóng ngọc,
Dụng đuốc mở khóa vàng.
Năm miệng cùng nhau đi,
Chín mười không ta người.
Huyễn Chi nghe lời sấm, không xét suy ra manh mối, thầm ghi nhớ trong lòng rồi làm lễ từ tạ. Ý bài sấm Sư nói tuy lúc đó không lường được nhưng về sau đều linh nghiệm.
Bấy giờ nhà Ngụy kính trọng Sư và bậc thiền tuấn của Phật rất đông. Các ngài Luật sư Quang Thống, Tam tạng Lưu Chi là những vị tăng vào hàng loan phụng, thấy Sư nói đạo chỉ tâm bài tướng, mỗi vị cùng Sư luận nghĩa phải trái quyết liệt. Sư chấn chỉnh huyền phong tới cùng, phổ thí pháp vũ, và các ngài xét thấy cuộc tranh luận lệch về phía Sư, không thể đương đầu được, cùng nhau muốn hại Sư, thường cho thuốc độc vào thức ăn. Đến lần thứ sáu, vì có người truyền pháp việc hóa duyên đã xong, Sư ngồi ngay ngắn tịch không cho cứu chữa nữa.
Nhằm ngày mùng 5 tháng 10 năm bính thìn (536), tức năm Thái Hòa thứ 19 đời vua Hiếu Minh
đế nhà Hậu Ngụy (45). (Theo Tục Pháp Ký thì là ngày 5 tháng 10 năm Vĩnh An nguyên niên đời vua Hiếu Trang đế 528, nhằm năm Đại Thông thứ hai nhà Lương, năm mậu thân. Năm này tức là năm Vũ Thái nguyên niên đời vua Minh đế, tháng hai Minh đế băng tháng tư Trang đế tức vị đổi niên hiệu là Kiến Nghĩa, đến tháng chín lại đổi là Vĩnh An. Về sau chép: (Sư nói) “Chủ ông đã chán đời”, nghĩa là năm này 528 Minh đế băng.
Theo Truyền Đăng chép: Năm bính thìn 536 tức là năm Đại Thống thứ hai vua Văn đế nhà Tây Ngụy, là năm Thiên Bình thứ ba vua Tĩnh đế nhà Đông Ngụy, là năm Đại Đồng thư ùhai nhà Lương. Nếu như thế thì thuyết “Chán đời” hồn tồn trái ngược, hơn nữa năm Thái Hòa thứ 19 là năm ất hợi 495, đời Văn đế nhà Hậu Ngụy, cũng là năm Kiến Vũ thứ hai đời vua Minh đế nhà Nam Tề. Cách nhau quá xa!). Ngày 28 tháng 12 năm đó, an táng và xây tháp thờ ở chùa Định Lâm núi Hùng Nhĩ.
Ba năm sau Tống Vân của Hậu Ngụy phụng sứ đi Tây vực trở về, gặp Sư ở Thông Lãnh, thấy tay xách một chiếc giày bay vùn vụt về Tây.
Tống Vân hỏi:
- Thầy đi đâu?
Sư đáp:
- Về Tây Thiên.
Lại bảo Vân:
- Chủ ông đã chán đời rồi.
Vân nghe qua sững sờ, từ giã Sư đi về Đông. Đến khi phục mệnh thì vua Minh đế đã băng rồi và Hiếu Trang đế lên ngôi. Vân tâu đầy đủ việc gặp Sư, vua ra lệnh cho quật mồ, chỉ thấy một chiếc giày da trong quan tài trống không.
(Nếu y theo Tục Pháp Ký thì ba năm sau là năm canh tuất 530 tức là năm Vĩnh An thứ ba vua Trang đế, nhằm năm Trung Đại Thông thứ hai vua Vũ đế nhà Lương. Năm này tháng 12 Trang đế mới băng, lúc phụng sứ trở về thì Trang đế còn.
Nếu căn cứ theo Truyền Đăng thì ba năm sau lại là năm Kỷ Mùi 539, tức là năm Đại Thống thứ năm vua Văn đế nhà Tây Ngụy, nhằm năm Hưng Hòa nguyên niên vua Tĩnh đế nhà Đông Ngụy, nhằm năm Đại Đồng thứ năm vua Vũ đế nhà Lương. Như vậy thì sao lại có Hiếu Trang đế ư? Lại bảo Tống
Vân gặp Sư ở Thông Lãnh thì càng lầm, vì lúc Tống Vân đi sứ Tây vực trở về vào năm Chánh Quang thì vua Hiếu Minh đế nhà Hậu Ngụy hãy còn!
Vậy thì người gặp Sư ở Thông Lãnh, có thể là cuối nhà Ngụy có sứ giả khác đi Tây vực trở về gặp Sư chăng? Chỉ nên nói: Ba năm sau có sứ giả của Ngụy từ Tây vực trở về, gặp Sư ở Thông Lãnh, thấy tay xách một chiếc giày bay vùn vụt về Tây. Hỏi Sư đi đâu? Đáp: Về Tây Thiên. Sư lại bảo sứ: Chủ ông đã chán đời rồi. Sứ nghe qua sững sờ từ giả Sư đi về Đông. Đến khi phục mệnh thì vua Minh đế đã băng và Hiếu Trang lên ngôi, phụng sứ tâu đầy đủ việc gặp Sư. Vua ra lệnh quật mồ, chỉ còn thấy một chiếc giày da trong quan tài trống không).
Cả triều đình đều kinh sợ và cảm phục về việc đó, vâng chiếu đem chiếc giày còn lại cúng dường ở chùa Thiếu Lâm. Đến năm đinh mão, năm Khai Nguyên thứ 15 nhà Đường (727) bị một người học đạo tin Sư lấy trộm giày đem thờ trong chùa Hoa Nghiêm ở Ngũ Đài. Nay (1004) không biết chiếc giày thất lạc về đâu.
Ban đầu Lương Vũ đế gặp Sư nhân duyên chưa khế hợp, đến khi nghe Sư hóa duyên ở nước Ngụy thì muốn tự soạn bia tỏ lòng với Sư, nhưng bận việc mãi. Sau đó khi nghe chuyện Tống Vân gặp Sư mới hồn thành bia.
Vua Đại Tông nhà Đường ban Sư hiệu Viên Giác Đại Sư, tháp hiệu Không Quán.
Từ năm bính thìn 536 Sư báo tịch ở Ngụy, đến năm giáp thìn Cảnh Đức nguyên niên 1004, niên hiệu của Tống Chơn Tông có 467 năm.
(Đúng ra là từ năm canh tý 520 (46) báo tịch ở Ngụy, đến năm giáp thìn Cảnh Đức nguyên niên, đời vua Tống Chơn Tông, có 475 năm. Phàm có sai về niên đại này là do sự sai sót của Bảo Lâm Truyện và Dương Văn công* không khảo cứu lại).
29. Tổ Huệ Khả Đại sư.
Người ở Vũ Lao, họ Cơ. Cha là Tịch, lúc chưa có con thường tự nghĩ: “Nhà ta chuộng việc thiện, cầu con đã lâu tại sao không có con tốt?”. Một đêm nọ cảm nhận ánh sáng lạ chiếu nhà, từ đó mẹ Sư có mang. Đến lớn vì điềm lành ánh sáng chiếu nhà mới đặt tên Ngài là Quang.
Từ nhỏ chí khí Ngài khác người, lịch thiệp khắp thi thư lại thêm tinh thông huyền lý và chẳng màng đến gia sản mà thích chơi chỗ núi sông. Về sau xem kinh Phật tự được siêu nhiên, rồi đến núi Hương Sơn, chùa Long Môn ở Lạc Dương nương theo thiền sư Bão Tĩnh xuất gia, sau thọ giới cụ túc ở giảng đường Phù Du chùa Vĩnh Mục. Sư học khắp giáo nghĩa tiểu thừa và đại thừa.
Năm 32 tuổi lại trở về Hương Sơn. Ở đây suốt ngày ngồi yên, trải qua tám năm trong lúc nhập vào thiền tĩnh lặng (tịch mặc), chợt thấy một thần nhân bảo “Muốn được đạo quả sao còn trì trệ ở đây? Đại đạo không xa, ông hãy đi về phương Nam”. Quang biết thần trợ giúp mình, nhân đó đổi tên là Thần Quang. Hôm sau cảm thấy đầu đau như kim châm, thầy Quang muốn tìm thầy thuốc chữa trị, bỗng nghe trong không trung có tiếng nói “Đây là đổi xương, chẳng phải bệnh thường”. Quang bèn đem chuyện thấy thần nhân mà bạch với thầy, thầy xem thấy xương đỉnh đầu Quang nổi lên đẹp như năm ngọn núi, bèn nói:
- Tướng ngươi có điềm lành ắt sẽ đắc đạo. Thần lại bảo ngươi đi về Nam, thế thì Đạt ma Đại sĩ ở Thiếu Lâm chắc là thầy ngươi.
Quang đến Thiếu Thất thọ giáo, về sự tích đắc pháp truyền y có chép đủ trong chương Đạt ma. Từ Thiếu Lâm Đạt ma phó thác việc giáo hóa cho Sư, rồi về Tây.
*
* *
Đại sư tiếp nối xiển dương huyền phong, khắp tìm người nối pháp. Sư đến Bắc Tề nhằm năm Thiên Bình thứ hai 535 (Đúng ra là năm Thiên Bảo thư ùhai, năm tân mùi 551. Năm Thiên Bình thứ hai, niên hiệu nhà Đông Ngụy, nhằm năm ất mão 535), gặp một cư sĩ tuổi trên bốn mươi. Cư sĩ không cho biết tên họ, đến làm lễ và hỏi Sư:
- Đệ tử thân mắc bệnh phong, xin Hòa thượng sám hối tội lỗi cho con.
Sư bảo:
- Đem tội ra ta sám hối cho.
Cư sĩ yên lăng hồi lâu, thưa:
- Con tìm tội không thể được.
Sư nói:
- Ta đã sám hối cho ông rồi. Ông nên nương theo Phật pháp tăng.
Cư sĩ hỏi:
- Nay gặp Hòa thượng con đã biết tăng, nhưng chưa biết thế nào gọi là Phật và pháp?
Sư đáp:
- Tâm ấy là Phật, tâm ấy là pháp. Phật và pháp không hai, tăng bảo cũng vậy.
Cư sĩ nói:
- Hôm nay mới biết tánh của tội lỗi chẳng trong, chẳng ngồi, chẳng ở giữa. Phật và pháp không hai, tâm ấy cũng như vậy.
Đại sư rất thừa nhận cư sĩ là hàng pháp khí, thế phát cho xuất gia, và nói “Là đồ báu của ta” nên đặt tên là Tăng Xán. Năm đó (551) ngày 18 tháng 3, Tăng Xán thọ giới cụ túc ở chùa Quang Phước. Từ đó bệnh giảm dần. Sau hai năm làm thị giả, Đại sư bảo:
- Bồ đề Đạt ma (Cựu bản chép là Đạt ma Bồ đề) từ nước Nam Thiên Trúc xa xôi đến đây, đem chánh pháp nhãn tạng riêng truyền cho ta, nay ta trao lại ngươi cùng với tín y của Đạt ma, ngươi nên giữ gìn chớ để đứt mất. Hãy nghe ta nói kệ:
Bổn lai duyên hữu địa,
Nhân địa chủng hoa sanh.
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệc bất tằng sanh.
Dịch:
Xưa nay do có đất,
Nhờ đất giống hoa sanh.
Xưa nay không có giống,
Hoa cũng chưa từng sanh.
Đại sư trao y và pháp xong, lại nói:
- Ông nhận ta dạy thì nên ẩn trong núi sâu, không nên đi giáo hóa, trong nước sẽ có nạn.
Xán thưa:
- Thầy đã biết trước, xin từ bi chỉ dạy.
Sư nói:
- Chẳng phải ta biết, đó là Đạt ma thuật lại lời huyền ký của Bát nhã Đa la rằng “Trong tâm tuy kiết bên ngồi hung”. Ta nghiệm xét niên đại đúng vào lúc này, ông nên xét kỹ lời người xưa chớ để mắc nạn đời. Nhưng ta cũng có việc phiền phức do đời trước, nay cần phải trả. Ông khéo xa lánh và khéo hành hóa, chờ thời truyền trao người sau.
Đại sư giao phó dặn dò xong, rồi đến Nghiệp Đô tùy nghi thuyết pháp. Nhất âm diễn sướng bốn chúng quy y, ba mươi bốn năm với thành tích như thế. Rồi Đại sư thay đổi tướng uy nghi hòa quang đồng trần, khi thì vào những quán rượu, khi thì ở chốn đồ tể, khi thì hay đàm luận ngồi đường, khi thì theo bọn đốn củi chăn ngựa, có người thấy vậy hỏi Sư:
- Thầy là đạo nhân tại sao lại như thế?
Sư đáp:
- Ta tự điều phục tâm ta, can hệ gì tới việc ngươi?
*
* *
Lại ở dưới cửa tam môn chùa Khuông Cứu huyện Quản thành, Sư đàm luận đạo vô thượng, thính giả tụ hội rất đông. Lúc đó có pháp sư Biện Hòa đang giảng Kinh Niết Bàn trong chùa, một số học chúng rủ nhau bỏ, đi ra nghe Sư xiển pháp. Biện Hòa không kiềm chế được sự phẫn nộ, sanh lòng gièm pha với quan huyện Địch Trọng Khản, Trọng Khản lầm nghe theo tà thuyết ấy, buộc tội Sư làm
việc phi pháp, Sư vui vẻ chấp nhận. Người hiểu biết luật nhân quả cho đó là “trả nợ xưa”.
Bấy giờ Đại sư 107 tuổi, nhằm Khai Hồng thứ 13 đời Tùy Văn đế, ngày 16 tháng 3 năm quí sửu 593 (Ngài cung phụng Hạo Nguyệt hỏi Hòa thượng Trường Sa Sầm: “Cổ đức nói: Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu thường túc trái(47). Như Tôn giả Sư Tử, Nhị Tổ Đại sư nhờ cái gì trả hết được nợ?”. Trường Sa nói: “Đại đức chẳng biết cái bổn lai không”. Kia hỏi: “Thế nào là cái bổn lai không?”. Trường Sa đáp: “Nghiệp chướng đó”. Lại hỏi: “Thế nào là nghiệp chướng?”. Trường Sa đáp: “Bổn lai không đó”. Người kia lặng thinh, Trường Sa bèn dạy bằng một bài kệ:
Giả hữu nguyên phi hữu,
Giả diệt diệc phi vô.
Niết bàn thường trái nghĩa,
Nhất tánh cánh vô thù.
Dịch:
Mượn có vốn chẳng có,
Mượn diệt cũng chẳng không.
Niết bàn, nghĩa đền nợ,
Nhất tánh hằng không khác.)
Về sau táng Sư khoảng 70 dặm về phía đông bắc huyện Phũ Dương, Từ Châu. Đường Đức Tông ban thụy hiệu là Đại Tổ Thiền Sư.
Từ khi Sư giáo hóa đến năm giáp thìn, năm Cảnh Đức nguyên niên đời vua Tống Chơn Tông (1004), được 413 (đúng ra là 412 năm).
*
* *
29.1. Thiền Sư Tăng Na.
Sư họ Mã, còn nhỏ mà tài trí hơn người, nghiên cứu thông hiểu các sách cổ. Năm 21 tuổi Ngài giảng kinh Lễ, kinh Dịch ở Đông Hải, thính giả đông như nhóm chợ.
Ngài đi về Nam rồi đến Tương Bộ, học chúng theo đến. Gặp Nhị Tổ thuyết pháp, Ngài cùng mười bạn đồng chí đầu tổ xuất gia, từ đó tay chẳng cầm bút, bỏ hết sách thế tục, chỉ còn một y một bát một tọa cụ và ngày ăn một bữa theo hạnh đầu đà.
Sau khi theo hầu Nhị Tổ đã lâu, Sư mới nói với môn nhân Huệ Mãn:
- Tâm ấn của Tổ sư chẳng phải chuyên theo khổ hạnh, khổ hạnh chỉ là pháp trợ đạo thôi. Nếu khế hợp bổn tâm mà tùy ý phát ra cái diệu dụng của chơn quang thì khổ hạnh giống như nắm đất thành vàng; nếu chỉ chuyên về khổ hạnh mà chẳng sáng bổn tâm, sẽ bị ưa ghét trói buộc thì khổ hạnh như bước đi qua đường hiểm trong đêm trăng tối.
Các ông muốn sáng bổn tâm, cần phải quán xét tìm xem lúc đối đãi với sắc tướng âm thanh mà chưa khởi ý thức phân biệt thì tâm đi đâu? Là không ư? Là có ư? Đã chẳng rơi vào chỗ có không thì tâm châu riêng sáng, hằng chiếu thế gian mà không có mảy trần nào gián cách nó được, cũng chưa từng có một khoảnh sát na thời gian nào cắt đứt được tướng thuần nhất ấy. Thế nên Sơ Tổ ta trao pháp kèm theo bốn quyển kinh Lăng Già và nói với Nhị Tổ thầy ta rằng: “Ta xem nước Chấn Đán (Trung Hoa) chỉ có Kinh này có thể dùng ấn tâm, nhân giả y theo đó mà hành thì tự độ được đời”.
Hơn nữa Nhị Tổ phàm là thuyết pháp xong, rồi nói: “Sau bốn đời kinh này biến thành danh tướng, đáng thương xót thay. Nay ta trao ông, ông nên khéo
giữ gìn, cẩn thận chớ truyền nó cho người chẳng đáng”.
Trao và dặn dò xong Sư bèn du phương, chẳng ai biết được cuối đời Sư.
*
* *
29.2. Cư sĩ Hướng.
Ngài thích ở rừng hay miền quê vắng vẻ, ăn rau uống nước suối. Ban đầu niên hiệu Thiên Bảo (551) nhà Bắc Tề, nghe Nhị Tổ giáo hóa thạnh hành, Ngài bèn biên thư bày tỏ.
Thư viết:
<
Thế nên biết mê ngộ một đường, trí ngu chẳng khác. Vốn không tên mà đặt tên, do tên đó mà sanh ra thị phi; vốn không có lý lẽ mà tạo ra lý lẽ, do lý lẽ đó mà khởi tranh luận vậy. Vốn huyễn hóa chẳng phải chơn thì ai phải, ai quấy đây? Hư vọng không thật thì cái gì có, cái gì không đây?
Muốn đem cái biết “đắc không sở đắc, thất không sở thất” trình với thầy. Vì chưa kịp ra mắt, nay viết thư tạm bày tỏ ý này.
Kính mong thầy đáp cho.>>
(Lộng ảnh đúng ra là khí ảnh (bỏ bóng), e rằng lúc chép viết sai. Vì trong quyển 30, Hồng thái tử hỏi về tâm yếu, Trấn Quốc Đại sư đáp “Nếu bỏ vọng mà cầu chơn thì cũng như bỏ bóng tìm hình”. Nếu thể hội thì vọng tức là chơn, cũng như ở trong mát mà quên bóng, đây là thuyết Trang Tử dùng.
Lao hình, nghĩa là bỏ và tránh bóng).
Nhị Tổ Đại sư sai chép thư hồi đáp, dạy:
Bị quán lai ý giai như thật,
Chơn u chi lý cánh bất thù.
Bổn mê ma ni vị ngõa lịch,
Hốt nhiên tự giác thị chơn châu.
Vô minh trí tuệ đẳng vô dị,
Đương tri vạn pháp tức giai như.
Mẫn thử nhị kiến chi đồ bối,
Thân từ thố bút tác tư thư.
Quán thân dữ Phật bất sai biệt,
Hà tu cánh mịch bỉ vô dư?
Dịch:
Xem hết ý ông đều đúng cả,
Đối lý chơn u có khác gì.
Châu báu, vốn mê là ngói gạch,
Rỗng rang tự giác ấy chơn châu.
Vô minh trí tuệ đồng không khác,
Liễu tri muôn pháp tức đều như.
Thương bọn chấp không và chấp có,
Đem lời mượn bút viết thư này.
Quán thân với Phật không sai khác,
Cần gì tìm kiếm niết bàn kia?
Cư Sĩ Hướng được thư, mở xem bài kệ Tổ đáp, rồi cởi mở đến Tổ làm lễ và riêng thọ nhận ấn ký.
*
* *
29.3. Thiền Sư Huệ Mãn.
Sư ở chùa Long Hóa, Tương Châu. Sư người Huỳnh Dương, họ Trương.
Ban đầu ở bổn tự gặp thiền sư Tăng Na khai thị. Ý chí còn tiết kiệm chỉ giữ hai cây kim khâu, đông thì vá y hạ thì không dùng đến. Tự nhủ một đời tâm không khiếp sợ, thân không có chí rận, lúc ngủ không mộng mị. Thường đi khất thực, nghỉ một chỗ không tới hai đêm, đến chốn già lam chẻ củi, làm giày.
Năm Trinh Quán thứ 16 (642, Đường Thái Tông), Sư đến Lạc Dương ở bên cạnh chùa Hội Thiện, gặp đại tuyết đêm tá túc trong cổ mộ. Sáng sớm vào chùa gặp pháp sư Đàm Khống, Khống ngạc nhiên không biết đêm qua Sư ở đâu. Sư hỏi:
- Pháp có đến chăng?
Khống sai người tìm chỗ đến, thấy cổ mộ bốn bề tuyết phủ khoảng năm thước(49). Khống nói “Không lường nổi”.
Chư tăng bỏ trốn, lại nghe có lục sự Quát. Sư mang bát đi khắp thôn xóm không chỗ nào trở ngại, tùy được tùy mất hồn tồn vô sự.
Có người mời Sư độ trai ở qua đêm, Sư nói: “(Nếu) Thiên hạ không có tăng (ta) mới nhận sự thỉnh mời đó”.
Sư thường dạy người: “Chư Phật nói tâm để người biết tâm mình, biết tướng là hư vọng. Nay thì lại có thêm tướng của tâm, trái xa ý Phật; lại thêm luận bàn làm rất sai lệch lý của đại đạo. Thế nên thường mang theo bốn quyển Kinh Lăng Già để làm tâm yếu (ấn tâm), y như Kinh mà hành. Sao chẳng tuân theo di chúc của các đời truyền thừa trước?”.
Về sau Sư không bệnh, ngồi trong lò gốm mà thiên hóa. Thọ khoảng 70 tuổi.
30. Tổ Tăng Xán Đại sư.
Không biết Sư là người ở đâu. Ban đầu còn cư sĩ Sư đến yết kiến Nhị Tổ được độ và truyền pháp, sau ẩn cư ở chùa Sơn Cốc núi Hồn Công thuộc Thư Châu.
Gặp lúc vua Võ đế nhà Hậu Chu phá diệt Phật pháp 574, Sư qua lại núi Tư Không huyện Thái Hồ,
hơn mười năm chỗ ở bất định, người đương thời không ai biết được.
Đến năm Khai Hồng thứ 12 nhà Tùy, nhằm năm nhâm tý 592, có sa di Đạo Tín mới 14 tuổi đến lễ Sư và hỏi:
- Mong Hòa thường từ bi, xin ban cho con pháp môn giải thốt.
Sư hỏi:
- Ai trói ngươi?
Đáp:
- Không có ai trói.
Sư nói:
- Sao còn cầu giải thốt ư?
Tín ngay lời nói đại ngộ, phục vụ Sư chín năm. Sau khi thọ giới ở Kiết Châu, làm thị giả càng cẩn trọng. Sư bao phen đem pháp huyền vi xét nghiệm, biết Tín tâm thuần bèn trao y pháp.
Kệ rằng:
Hoa chủng tuy nhân địa,
Tòng địa chủng hoa sanh.
Nhược vô nhân hạ chủng,
Hoa địa tận vô sanh.
Dịch:
Giống hoa tuy nhờ đất,
Từ đất giống hoa sanh.
Nếu không người gieo giống,
Hoa, đất đều không sanh.
Sư lại bảo:
- Trước đây Huệ Khả Đại sư truyền pháp cho ta, rồi đi Nghiệp Đô hành hóa 30 năm mới viên tịch, nay có ông rồi, ta còn mắc mớ gì ở đây?
Rồi Sư đến núi La Phù nhàn rỗi hai năm. Sư lại trở về chỗ cũ (chùa Sơn Cốc) hơn một tháng, sĩ dân** nghe tin vội đến lập đàn trai lớn cúng dường. Sư quảng tuyên tâm yếu cho bốn chúng nghe, thuyết xong Sư đứng chắp tay dưới gốc đại thọ nơi pháp hội mà thị tịch.
Nhằm năm Đại Nghiệp thứ hai đời Tùy Dạng đế, ngày 15 tháng 10 năm bính dần 606. Vua Đường Huyền Tông ban thụy hiệu Giám Trí Thiền Sư và tháp hiệu Giác Tịch. Tính đến năm giáp thìn 1004, Tống Cảnh Đức nguyên niên, gồm khoảng 400 năm.
*
* *
Thời Sơ Đường (618-712), Lý Thường làm quan dỗn Hà Nam, vốn dĩ ngưỡng mộ Tổ phong và thâm đắc huyền chỉ. Vào năm ất dậu 745 niên hiệu Thiên Bảo, Lý gặp Hà Trạch Thần Hội, hỏi:
- Tam Tổ Đại sư táng ở chỗ nào? Có người nghe Sư vào La Phù không trở lại, có người nói Sư nhập diệt ở Sơn Cốc, chưa biết ai đúng?
Hội đáp:
- Tăng Xán Đại sư từ La Phù trở về Sơn Cốc, được hơn một tháng mới thị hiện nhập diệt. Nay mộ Tam Tổ hiện có ở Thư Châu.
Thường chưa thể tin được việc đó. Sau gặp lúc bị đày làm quan biệt giá ở Thư Châu, nhân đó hỏi thăm chúng tăng ở chùa Sơn Cốc:
- Nghe nói sau chùa có mộ Tam Tổ phải không?
Lúc đó thượng tọa Huệ Quán đáp:
- Có việc đó.
Thường hân hoan cùng các liêu thuộc đến chiêm lễ, rồi quật mồ đem chơn nghi hỏa thiêu. Thu được 300 viên xá lợi ngũ sắc, lấy 100 viên xuất tiền lương mình xây tháp thờ tại đó, 100 viên gởi tặng Hà Trạch Thần Hội để xác chứng lời trước của Hội, 100 viên mang theo mình.
Về sau ở Lạc Trung, Tư Đệ thiết trai để chúc mừng, trong hội bấy giờ có nhóm tam tạng Kiền Na ở Tây vực.
Thường hỏi Tam Tạng:
- Trong thiền môn Thiên Trúc có bao nhiều Tổ Sư?
Kiền Na đáp:
- Từ Ca diếp đến Bát-nhã Đa-la có 27 Tổ sư. Nếu theo trình tự, tính thêm bốn đời từ Đạt-ma-đạt, bàng xuất từ Sư Tử Tôn giả gồm 22 người, hết thảy có 49 Tổ sư. Nếu từ thất Phật đến Tăng Xán Đại sư đây, chẳng kể những chi nhánh phụ, gồm khoảng 37 đời.
Thường lại hỏi thêm, trong hội có kỳ đức đáp:
- Từng xem qua Tổ đồ, có cái dẫn ra trên 50 Tổ, cho đến những chi phái, tông tộc sai khác thì không định được số lượng, hoặc giả chỉ có hư danh lấy gì chứng nghiệm.
Lúc đó có thiền sư Trí Bổn là môn nhân Lục Tổ, đáp:
- Mới bắt đầu nhà Hậu Ngụy, Phật pháp suy dần, có sa môn Đàm Diệu trong tình thế lộn xộn dùng lụa sống một mình ghi lại được danh tự chư Tổ, có lẽ quên mất thứ tự. Ngài giấu y, lánh đời trong hang núi ở Lãnh Trung trải 35 năm, đến Văn Thành đế lên ngôi pháp môn mới trung hưng, sự nghiệp và tiếng tăm Đàm Diệu đều được tôn trọng. Rồi giữ chức tăng thống, tập hợp những sa môn bàn luận thêm và kết tập điều mục, làm thành Phó Pháp Tạng Truyện, trong đó có ít phần so le với nhau là do Đàm Diệu sợ hãi trong khi sao chép.
Và mười ba năm nữa, vua sai quan bác sĩ Quốc tử giám là Hồng Nguyên Chơn cùng các Ngài Tam tạng Bắc Thiên Trúc là Phật-đà Phiến-đa, Cát-phất-yên vv… nghiên cứu lại Phạn văn, xét duyệt chọn lựa đúng sự truyền thừa các Tổ sư theo tông chỉ và thứ tự, mới không còn sai nữa.
31. Tổ Đạo Tín Đại sư.
Ở thế họ Tư Mã, người Hà Nội, sau dời chỗ ở đến huyện Quảng Tế thuộc Kì Châu. Sư mới sanh mà siêu việt khác thường tình, còn nhỏ đã mến mộ không tông và các pháp môn giải thốt, dường như vốn quen đã từng kế thừa Tổ phong rồi. Sư nhiếp tâm không để ngủ say, hông không bén chiếu gần 60 năm.
Năm Đại Nghiệp thứ 13 nhà Tùy 617, Sư lãnh đồ chúng đến Kiết Châu, gặp bọn cướp vây thành bảy tuần (70 ngày) không giải cứu được. Muôn dân kinh sợ, Sư xót thương dạy họ niệm Ma-ha Bát-nhã. Lúc đó chúng giặc ngó lên những bức tường thấp trên mặt thành thấy dường như có thần binh, bèn bảo nhau:
- Trong thành ắt có dị nhân, không nên công phá. Rồi từ từ họ rút lui.
Năm Giáp Thân, niên hiệu Vũ Đức nhà Đường 624, Sư lại trở về Kì Xuân, trụ ở núi Phá Đầu.Học lữ đến đông đúc.
Một hôm Sư đến huyện Hồng Mai, gặp một chú bé ngồi đường, hình tướng rất đẹp khác với trẻ con bình thường. Sư hỏi:
- Ông họ gì?
Đáp:
- Họ thì có mà chẳng phải họ đời thường.
Sư hỏi:
- Là họ gì?
Đáp:
- Là tánh Phật(50).
Sư hỏi:
- Ông không có tánh chăng?
Đáp:
- Vì tánh rỗng không.
Sư mặc nhiên biết đây là pháp khí, liền sai thị giả đến nhà chú bé xin cha mẹ cho xuất gia. Vì có túc duyên nên cha mẹ đặc biệt thuận cho không hề do dự, rồi xuất gia làm đệ tử Sư với tên Hoằng Nhẫn cho (Cựu bản không có bốn chữ “danh viết Hoằng Nhẫn – tên là Hoằng Nhẫn”. Nay thêm vào đây, nếu chẳng có tên gọi, thậm chí trao pháp truyền y cho thì người đó là ai đây? Vả về sau có hai chữ
“Nhẫn viết – Nhẫn nói”, cũng tự nhiên không rõ ràng vậy) đến trao pháp truyền y. Kệ rằng:
Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhân địa hoa sanh sanh.
Đại duyên dữ tín hợp,
Đương sanh sanh bất sanh.
Dịch:
Giống hoa có tánh sanh,
Nhân đất hoa sanh sanh.
Duyên lớn cùng tin hợp,
Đương sanh, sanh bất sanh.
Rồi đem học đồ ủy nhiệm cho Hoằng Nhẫn.
Một hôm Sư bảo chúng:
- Trong đời Vũ Đức (618-626, Đường Cao Tổ), ta có viếng Lô Sơn, lên đỉnh cao trông về núi Phá Đầu, thấy vầng mây tía như cái lọng, dưới có vùng hơi trắng rẽ ngang thành sáu đường. Các ông biết điềm gì không?
Chúng đều yên lặng. Nhẫn thưa:
- Có lẽ sau này Hòa thượng sanh thêm một nhánh Phật pháp chăng?
Sư khen: “Phải”
Sau đó, vào niên hiệu Trinh Quán (627-649, Đường Thái Tông) năm quý mão 643, vua Thái Tông hưởng ứng đạo vị của Sư, muốn chiêm ngưỡng phong thái, ban chiếu thỉnh Sư về Kinh sư. Sư dâng biểu trước sau ba lần khiêm tốn từ tạ, cuối cùng phải thác bệnh tật. Lần thứ tư vua sai sứ đi thỉnh, vua nói:
- Nếu như không nhận lời thì đem đầu Sư về.
Sứ giả đến núi trình Sư tờ chỉ dụ của vua, Sư liền đưa cổ ra chịu chém với thần sắc thản nhiên. Sứ rất ngạc nhiên trở về kinh, dâng trạng tấu trình vua, vua càng khen ngợi và mến mộ hơn, rồi ban cho lụa quí và để Sư toại nguyện chí mình.
Đến đời Cao Tông, niên hiệu Vĩnh Huy (650-656), ngày mùng 4 tháng 9 năm nhuần tân hợi 651, Sư chợt rủ lòng từ bi răn dạy môn nhân:
- Tất cả pháp đều là pháp giải thốt, các ông mỗi người tự giữ gìn ghi nhớ, lưu hành giáo hóa hậu lai.
Nói xong Sư ngồi yên mà tịch, thọ 72 tuổi. Tháp xây tại núi nhà (Phá Đầu Sơn). Năm sau 652, ngày mùng 8 tháng 4 cửa tháp vô cớ tự mở, nghi tướng Sư như còn sống, sau đó môn nhân không dám đóng cửa tháp lại.
Vua Đường Đại Tông (763-779) ban Sư thụy hiệu Đại Y Thiền Sư, tháp hiệu Từ Vân.
Từ khi Sư viên tịch đến năm Cảnh Đức nguyên niên vua Tống Chơn Tông, năm giáp thìn 1004, gồm khoảng 356 năm (Đúng ra là 354 năm).
32. Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư.
Người huyện Hồng Mai, Kì Châu. Họ Chu, còn bé thơ mà có chí khí cao vút khác người, lúc nhỏ đi chơi gặp một trí giả khen:
- Chú bé này còn kém Đức Như Lai bảy thứ tướng.
Về sau gặp Đạo Tín Đại sư được nối pháp giáo hóa. Trong niên hiệu Hàm Hanh (670-673, Đường Cao Tông), có một cư sĩ ở núi Phá Đầu, họ Lư tên Huệ Năng từ Tân (Cựu bản ghi lầm là chữ Kì) Châu đến tham yết Sư.
Sư hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Đáp:
- Lãnh Nam.
Sư hỏi:
- Muốn cầu việc gì?
Đáp:
- Chỉ cầu làm Phật.
Sư nói:
- Người Lãnh Nam không có Phật tánh, làm sao làm Phật được?
Đáp:
- Người thì có nam bắc, Phật tánh há như vậy sao?
Sư biết người này là dị nhân, bèn quở bảo:
- Xuống nhà sau đi!
Huệ Năng làm lễ rồi lui xuống, vào nhóm đạp cối nhọc nhằn phục vụ ở gian nhà giã gạo, ngày đêm không ngớt trải qua tám tháng.
Sư biết đến lúc truyền trao pháp, bèn bảo chúng:
- Chánh pháp khó hiểu, không nên ghi nhớ suông lời ta nói, rồi nắm giữ cho là nhiệm vụ của mình. Các ông mỗi người tùy ý thuật một bài kệ, nếu lời ý thầm phù hợp ta sẽ truyền y và pháp cho.
Khi đó trong hội chúng có hơn 700 tăng, thượng tọa Thần Tú là người học thông cả nội điển và ngoại điển, lại được chúng tôn trọng và ngưỡng mộ.
Mọi người đều suy tôn Thần Tú:
- Nếu phi thầy Tú còn ai dám đảm đang việc đó?
Thần Tú thầm nghe chúng khen mình, không phải suy nghĩ nữa, bèn viết một bài kệ trên vách hành lang. Kệ rằng:
Thân thị bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài.
Thời thời cần phất thức,
Mạc khiển hữu trần ai.
Dịch:
Thân là cây bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường khi siêng lau chùi,
Chớ cho có bụi trần.
Nhân lúc Sư đi qua hành lang, chợt thấy bài kệ đó, biết là của Thần Tú làm, khen rằng:
- Người đời sau y theo bài kệ này tu hành cũng được thắng quả.
Chỗ vách đó vốn để nhờ xử sĩ Lư Trân đến vẽ đồ họa “Lăng Già Biến Tướng”, khi kệ được ghi trên vách đó, bèn ngưng thôi vẽ để cho mỗi người tụng niệm. Huệ Năng đang giã gạo ở nhà trù, chợt nghe đồng học tụng bài kệ, bèn hỏi:
- Đó là bài kệ nào?
Đồng học đáp:
- Ngươi biết chăng, Hòa thượng tìm người nối pháp, bảo mỗi người tự làm bài kệ về tâm. Đó là bài do Thượng tọa Tú làm, Hòa thượng rất khen ngợi, ắt sẽ trao pháp truyền y cho.
Năng hỏi:
- Kệ đó ra sao?
Đồng học đọc lên cho nghe. Yên lặng một hồi, Huệ Năng nói:
- Hay thì hay đấy! Liễu thì chưa liễu.
Đồng học nổi giận mắng:
- Đồ tầm thường biết gì? Không nên phát biểu ngông cuồng.
Huệ Năng nói:
- Thầy chẳng tin ư? Xin hứa làm một bài kệ họa lại.
Các đồng học nhìn nhau không nói mà cười. Đêm khuya Năng thầm bảo một đồng tử dẫn đến dưới vách, Năng tự cầm nến nhờ đồng tử viết một bài kệ bên cạnh bài của Tú.
Kệ rằng:
Bồ đề bổn phi thọ,
Tâm cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà giả phất trần ai?
Dịch:
Bồ đề vốn chẳng cây (51),
Gương tâm cũng chẳng đài (16).
Xưa nay không một vật,
Cần chi phủi bụi trần?
Sau đó, Đại sư thấy bài kệ này, nói:
- Ai làm bài kệ này cũng chưa kiến tánh.
Chúng nghe Sư nói vậy, không còn quan tâm đến kệ nữa. Đến khuya Đại sư thầm sai người đến nhà trù gọi hành giả Huệ Năng vào thất.
Đại sư dạy:
- Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, tùy căn cơ chúng sanh có tiểu đại mà dẫn đường. Vì thế mới có nhiều tông chỉ như thập địa, tam thừa, đốn tiệm vv… để làm phương tiện giáo hóa. Nhưng Như Lai đem chánh pháp nhãn tạng, pháp vô thượng vi diệu bí mật viên minh chơn thật, trao cho hàng thượng thủ là Đại Ca diếp Tôn giả, lần lượt truyền trao 28 đời. Khi Đạt ma đến xứ này, có Huệ Khả Đại sư tiếp nối rồi đến ta, nay ta đem pháp bảo và ca sa được truyền để trao lại cho ông, ông khéo tự giữ gìn đừng để đứt mất.
Hãy nghe ta nói kệ:
Hữu tình lai hạ chủng,
Nhân địa quả hồn sanh.
Vô tình ký vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.
Dịch:
Hữu tình hãy gieo giống,
Nhân đất quả lại sanh.
Vô tình đã không giống,
Vô tánh cũng không sanh (52)
Cư sĩ Huệ Năng quỳ xuống nhận y và pháp, thưa rằng:
- Pháp thì đã truyền rồi, còn y sẽ trao cho ai?
Sư dạy:
- Xưa Đạt ma mới đến, người ở đây chưa biết chưa tin, thế nên truyền y để minh chứng là đắc pháp. Nay lòng tin đã thuần thục mà y là đầu mối tranh giành, đến ông thì dừng lại không nên truyền nữa. Hơn nữa, ông phải đi xa ẩn dấu và chờ thời
hành hóa, nghĩa là tánh mạng người nhận y như chỉ mành treo.
Huệ Năng thưa:
- Con phải ẩn ở đâu?
Sư đáp:
- Gặp Hồi thì ở, gặp Hội tạm ẩn.
Huệ Năng lễ lạy xong, bưng y bước ra, đêm đó đi xa về Nam, đại chúng không ai hay biết. Từ đó Nhẫn Đại sư đến ba ngày không thượng đường nữa, đại chúng thấy lạ sanh nghi đến hỏi.
Tổ nói:
- Đạo của ta đã dời đi rồi, còn hỏi gì nữa?
Lại hỏi:
- Ai được y, pháp ư?
Sư đáp:
- Ai có khả Năng thì được
Do đó chúng bàn luận Lư hành giả tên Năng, tìm hỏi thì Năng không còn, sớm biết Năng kia được y pháp, liền cùng nhau vội vã đuổi theo. Nhẫn Đại sư đã truyền y pháp rồi, lại trải thêm bốn năm, đến năm Thượng Nguyên thứ hai 675 (Năm ất hợi 675,
đời Đường Cao Tông (674-676); đến đời Túc Tông lại có niên hiệu Thượng Nguyên (760-762), năm thứ hai niên hiệu này là năm tân sửu 761), Đại sư bỗng bảo chúng:
- Phận sự ta nay đã xong, đến lúc nên đi vậy.
Rồi vào thất ngồi yên mà tịch, thọ 74 tuổi. Tháp xây ở núi Đông Sơn thuộc huyện Hồng Mai. Hồng đế Đại Tông ban thụy hiệu là Đại Mãn Thiền Sư, tháp tên Pháp Vũ.
Từ lúc Đại sư diệt độ đến Cảnh Đức nguyên niên đời Tống Chơn Tông năm giáp thìn 1004, có khoảng 330 năm.
HẾT QUYỂN III Chú thích:
(36) Nhật Hạ: Chỉ những nước ở xa về phía Đông đối với nước Ấn Độ như Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật, Việt Nam …
(37) Tích bản y cứ Quảng Đăng, chữ kỷ ghi là dĩ ; Thiệu bản y cứ Bảo Lâm ghi là chữ vô; Hồng Cựu bản ghi là chữ dĩ ; Chánh Tông Ký ghi là chữ dĩ . Chưa biết ai đúng.
(38) Ngũ Ấn: Khắp nước Ấn độ. Thời Trung cổ, Ấn độ chia làm năm vùng: Đông, Tây, Nam. Bắc và Trung.
(39) Dị Kiến: Thái tử nối ngôi vua Nguyệt Tịnh, cháu ruột gọi Bồ đề Đạt ma là chú.
(40) Chánh ngã: Không lầm chấp bản ngã, như ngã kiến ngã ái ngã mạn ngã si, dẫn tới phiền não sanh ác kiến.
(41) Diệu: Vi diệu, mầu nhiệm. Viên: Viên mãn, tròn đầy khắp nơi. Không: Rỗng không, vô tướng. Tịch: Không có tướng hữu vi, không một vật.
Thể chơn thật tuyệt đối vốn không một vật mà hằng linh tri, không thể nghĩ bàn, cũng gọi là đệ nhất nghĩa thánh đế.
42 Theo truyền thuyết, ni Tổng Trì là con gái vua Lương Vũ đế.
43 A-súc Phật, Phạn aksobhya, dịch âm Hán Việt, nghĩa là Bất động Phật.
44 Một hoa: Một dòng thiền của Tổ Đạt-ma truyền sang Trung Hoa; năm cánh: gồm năm Tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn.
45 Năm Thái Hòa thứ 19 vua Hiếu Minh đế nhà Hậu Ngụy nhằm năm ất hợi 495 (!), không phải năm bính thìn 536.
46 Năm canh tý 520, Bồ đề Đạt ma đến Trung Hoa. Năm kỷ dậu 529, Tổ Bồ đề Đạt ma báo tịch: 1004 – 529 là 475 năm.
* Dương Văn công là Dương Ức, được vua Tống giao cho trách nhiệm đọc và sửa lại bộ sách này.
47 Liễu thì nghiệp chướng xưa nay rỗng,
Chưa liễu nên đền món nợ xưa.
Liễu, ngộ và nhập được tánh Phật nơi mình. Hai câu này trong Chứng Đạo Ca của Huyền Giác.
(48) Nguyên là “lao hình”, chúng tôi nghĩ dịch là “tìm hình” hợp lý hơn, thay vì “tránh bóng” như Cảnh Đức chú phía sau.
(49) Thước: Dịch từ chữ xích, thước Tàu, khoảng 1/3 mét.
** Sĩ dân: Người dân có học thức.
50 Trong chữ Hoa, hai chữ tánh ở đây đồng âm dị nghĩa. Một chữ nghĩa là họ; chữ kia nghĩalà tánh chất,Phật tánh.
(51) Nguyên là chữ “phi”, nghĩa là “chẳng phải”, đây tạm dịch là “chẳng”. Chữ “phi” ở đây không có nghĩa phủ định; mà nghĩa giống chữ “tức”, “bất nhị”, “bất nhất bất dị”. Cũng vậy, chơn như không phải (bất nhất) là tướng hữu vi nhưng không ngồi, không khác (bất dị) tướng hữu vi.
(52) Hữu tình: Có duyên, sẵn có chủng tử vô lậu của Phật thừa. Địa: đất, dụ cho tâm, vì tâm hay sanh muôn pháp cũng như đất sanh muôn lồi cỏ cây.
Vô tình trái nghĩa của hữu tình. Vô tánh: không có chủng tử vô lậu của ba thừa. Vô sanh: không thành tựu quả vị của ba thừa.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.171.43 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.