Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.48 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Từ Bi Thủy Sám Pháp

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Thích Trí Quang

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -0Mb
Font chữ:

Hết thảy chư Phật, vì thương chúng sinh, đã nói tổng quát về pháp Thủy sám, bằng cách đem nước từ bi tam muội rửa sạch tội lỗi. Lý do là vì phiền não con người quả thật quá nặng, ai mà không tội, ai chẳng lỗi lầm? Phàm phu ngu muội, vô minh khuất lấp, thân gần bạn xấu, phiền não loạn tâm, bẩm tính si mê, buông thả tự thị. Không tin Phật đà, không tin Phật pháp, không tin Thánh tăng, không hiếu cha mẹ, họ hàng bà con. Tuổi trẻ phóng túng, tự kiêu tự thị. Đối với tài sản, ca nhạc nữ sắc, lòng sinh đam mê, ý nổi phiền não. Bạn với phàm tục, thân với kẻ ác, không biết đổi bỏ. Hoặc là sát sinh, hoặc là rượu chè, hoặc lại ngu si, đồng đẳng kẻ ác, làm các nghịch tội, phá các tịnh giới. Một cách tổng quát, tội lỗi quá khứ, cũng như ác nghiệp trong đời hiện tại, chúng con ngày nay chí thành sám hối, những điều chưa phạm nguyện không dám làm.
Vì lý do đó, ngày nay chúng con chí thành đảnh lễ hết thảy chư Phật, chư Đại bồ tát, Bích chi La hán, Phạn vương Đế thích. Thiên long bát bộ, hết thảy Thánh chúng khắp cả mười phương, cùng tận không giới, nguyện xin các ngài từ bi chứng giám:
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Căn Bản Sám Hối
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Nhưng muốn sám hối, thì việc trước hết, là phải qui kính ba ngôi vô thượng. Lý do là vì ba ngôi vô thượng là người bạn hiền, và là ruộng phước, của cả chúng sinh. Qui kính ba ngôi vô thượng như vậy, thì diệt trừ được vô lượng tội ác, và tăng trưởng được vô lượng phước thiện, làm cho hành giả thoát ly sinh tử, thực hiện giải thoát. Vì vậy chúng con:
Qui y đảnh lễ hết thảy Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy).
Qui y đảnh lễ hết thảy Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy).
Qui y đảnh lễ hết thảy Thánh tăng khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy).
Những Điều Sám Hối
Chúng con ngày nay sở dĩ sám hối, là vì vô thỉ cho đến hiện tại, ở trong cương vị của kẻ phàm phu, bất luận sang hèn, sắc thái tội lỗi thật là vô lượng. Hoặc do ba nghiệp mà tạo tội ác, hoặc do sáu căn mà sinh lỗi lầm, hoặc vì nội tâm tư duy bất chính, hoặc vì ngoại cảnh làm cho mê hoặc, tội lỗi như vậy tăng lên cho đến mười thứ ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não.
Sắc thái tội lỗi tuy thật vô lượng, đại thể mà nói, không ngoài ba thứ, một là phiền não, hai là ác nghiệp, ba là khổ báo. Cả ba thứ này có thể trở ngại tuệ giác giải thoát của các thánh giả, lại còn trở ngại quả báo tốt đẹp của cả nhân thiên, nên trong khế kinh mệnh danh ba chướng. Và cũng vì vậy, chư Phật Bồ tát dạy cách áp dụng phương pháp sám hối để trừ diệt đi. Diệt được ba chướng thì sáu giác quan, mười thứ ác nghiệp, cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao đều sạch tất cả.
Phương Tiện Sám Hối
Vì lý do đó, đệ tử chúng con hôm nay vận dụng tâm chí vượt bậc, sám hối ba chướng. Nhưng phải vận dụng tâm chí vượt bậc có sắc thái nào, mới mong diệt được cả ba chướng ấy?
Trước khi sám hối, cần phải vận dụng tâm chí vượt bậc có bảy sắc thái để làm phương tiện, thì cả ba chướng mới tận diệt được. Bảy sắc thái ấy, một là hổ thẹn, hai là sợ hãi, ba là chán bỏ, bốn là dũng mãnh phát bồ đề tâm, năm là quan niệm thân thù bình đẳng, sáu là thiết tha nghĩ báo ơn Phật, bảy là quán sát tội tánh vốn không.
Thứ nhất hổ thẹn, là tự nghĩ rằng chúng ta cùng với bổn sư Thế tôn đồng là phàm phu, vậy mà ngày nay Thế tôn thành đạo trải qua kiếp số quá hơn cát bụi, còn chúng ta đây đam mê lục trần, lưu chuyển sinh tử, chưa thấy giải thoát. Điều ấy mới thật đáng xấu hổ nhất.
Thứ hai sợ hãi: đã là phàm phu thì thân miệng ý luôn luôn thích ứng với mọi tội lỗi. Vì lý do đó mà sau khi chết, chúng ta sẽ phải đọa lạc địa ngục, ngạ quỉ súc sinh, chịu khổ vô cùng. Điều ấy mới thật đáng sợ hãi nhất.
Thứ ba chán bỏ: hãy thường quán sát, ở trong phạm vi sinh tử luân hồi, chỉ có vô thường, đau khổ không thật, không có bản ngã, bất tịnh hư ảo, thoạt hiện thoát biến in như bóng nước, quay qua đảo lại y hệt bánh xe. Sinh lão bịnh tử, tám thứ đau khổ thi nhau chưng nấu, liên miên không ngừng. Chúng ta chỉ nhìn thân mình mà thôi, cũng đủ để thấy, từ đầu đến chân, toàn thân thường có ba mươi sáu vật (4) toàn vật bất tịnh, chín lỗ bài tiết, bài tiết dơ bẩn. Vì vậy trong kinh mô tả như sau, thân thể là nơi khổ não tập hợp, toàn bộ chỉ là bất tịnh dơ bẩn, ai người trí tuệ thích được thân ấy? Sinh tử là nơi tập hợp đủ thứ ác pháp như vậy, thật đáng thoát bỏ.
Thứ tư dũng mãnh phát bồ đề tâm: trong kinh khuyến cáo nên thích thân Phật, vì lẽ thân Phật tức là pháp thân, được phát sinh bởi vô lượng phước đức, vô lượng trí tuệ, tức là sáu thứ ba la mật đa, từ bi hỷ xả, ba mươi bảy thứ bồ đề phần pháp, bởi các thành phần của mọi phước đức và mọi trí tuệ lớn lao như vậy, mà phát hiện được pháp thân của Phật. Muốn được thân ấy thì phải chí thành phát bồ đề tâm, cầu nhất thế trí - trí tát bà nhã (5) thường lạc ngã tịnh - làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh, tính mạng tài sản không hề lẫn tiếc. Thứ năm quan niệm thân thù bình đẳng: từ bi thương xót hết thảy chúng sinh, không chia thân thù. Tại sao như vậy? Vì thấy kẻ thù khác với người thân, như vậy tức là có sự phân biệt, có sự phân biệt là có vướng mắc: chính sự vướng mắc phát sinh phiền não, rồi vì phiền não mà tạo ác nghiệp, vì tạo ác nghiệp mà bị khổ báo. Thứ sáu thiết tha nghĩ báo ơn Phật, vì lẽ xưa kia, trong vô lượng kiếp, chính Phật đã bỏ đầu mắt tủy não, chi tiết tay chân, quốc gia thành trì, vợ đẹp con khôn, đã bỏ voi ngựa, bảy thứ quí báu (6) vì thương chúng ta mà đã tu tập vô số khổ hạnh. Ân đức như vậy thật khó báo đáp. Nên trong khế kinh huấn thị như sau, dầu đội trên đầu hay vác hai vai, trải qua nhiều kiếp như cát sông Hằng, cũng chưa thể nào báo đáp ơn Phật. Muốn báo ơn Phật thì ngay đời này, phải cố nỗ lực, dũng mãnh tinh tiến, chịu khổ chịu nhọc, không tiếc thân mạng, hộ trì Tam bảo, truyền bá đại thừa, cảm hóa chúng sinh đồng vào biển giác.
Thứ bảy quán sát tội lỗi vốn không, vì lẽ tội lỗi chỉ do nhân duyên mà được phát sinh, thực chất chỉ có bởi sự thác loạn. Đã do nhân duyên phát sinh tội lỗi, thì tội lỗi ấy cũng do nhân duyên mà bị tiêu diệt. Nhân duyên làm cho tội lỗi phát sinh là gần bạn xấu, hành động thác loạn (7) , nhân duyên làm cho tội lỗi tiêu diệt là chính ngày nay gột rửa tâm trí, chí thành sám hối. Vì lý do này, trong kinh huấn thị, thực thể tội lỗi không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải trung gian, cho nên tội lỗi thực thể vốn không.
Nghĩ Nhớ Tam Bảo Để Sám Hối
Phát khởi tâm chí có bảy sắc thái như đã nói rồi, hãy cố chuyên chú nghĩ tưởng chư Phật, chư vị hiền thánh khắp cả mười phương, đảnh lễ chí thành, bộc bạch khẩn thiết, phơi trải tim gan, tẩy rửa lòng dạ, hổ thẹn đổi bỏ. Sám hối cách đó, tội nào không mất, phước nào không sinh? Nếu không như vậy, mà lại đủng đỉnh chần chờ buông thả, tâm ý xáo động, thì chỉ mệt xác, đâu có ích gì.
Cảnh Giác Vô Thường Và Khổ Báo Để Sám Hối
Huống chi mạng người thực chất vô thường, y như đèn đuốc lung lay trước gió. Một hơi thở ra không trở vào lại, thì thân này đây đã đồng tro đất. Quả báo khốc liệt ở trong tam đồ chính mình chịu lấy, tiền tài châu ngọc cũng không hối lộ mà cầu thoát khỏi. Mịt mù mênh mang, ân xá đâu có, chịu khổ một mình, nào ai thế được.
Cảnh Giác Tội Lỗi Để Sám Hối
Đừng nên tự hào, rằng trong đời này ta không lầm lỗi, như vậy cần chi khẩn thiết sám hối. Vì lẽ trong kinh đã dạy như sau, những kẻ phàm phu động chân cất bước toàn là tội lỗi (8) . Huống chi đời trước đã làm đủ cả vô số ác nghiệp. Nghiệp ấy theo ta như bóng theo hình. Như vậy nếu ta không biết sám hối, thì mọi tội lỗi ngày càng sâu nặng. Vì lý do đó, chúng ta biết rằng, che dấu tội lỗi Phật không chấp nhận, bộc bạch sám hối Bồ tát tán thưởng (9) . Cũng vì lẽ đó, chúng ta lại biết, nguyên nhân làm cho chúng ta chìm mãi trong biển đau khổ, đích xác là vì che dấu tội lỗi.
Vì vậy ngày nay chúng con chí thành phát lộ sám hối, không còn dám có ý tưởng che dấu tội lỗi đã tạo.
Sám Hối Phiền Não
Như trước đã nói, chướng có ba thứ, một là phiền não, hai là ác nghiệp, ba là khổ báo. Ba thứ chướng này lại nhân vì nhau: nhân vì phiền não mới nổi ác nghiệp, nhân vì ác nghiệp mới bị khổ báo. Vì lý do đó, ngày nay chúng con chí thành sám hối. Trước hết chúng con chí thành sám hối về các phiền não.
Sám Hối Căn Bản Của Phiền Não
Nhưng các phiền não đều do ý nghiệp. Lý do là vì ý nghiệp phát động, thì cả thân miệng tùy theo mà động. Ý nghiệp có ba, một là tham lẫn, hai là giận dữ, ba là ngu tối. Chính vì ngu tối mà nổi tà kiến, mà tạo ác nghiệp. Và vì điều này, trong kinh đã nói, nghiệp tham sân si làm cho mọi người sa vào địa ngục, ngạ quỉ súc sinh, chịu đủ thống khổ; nếu được trở lại làm thân con người, thì bị nghèo nàn, cô thế cô độc, hung dữ đần độn, u mê vô trí, cọng với bao nhiêu quả báo khác nữa của các phiền não. Ý nghiệp đã có mọi thứ khổ báo nặng nề như vậy, ngày nay chúng con chí thành qui y, đảnh lễ chư Phật, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Tính Chất Qua Danh Nghĩa Của Phiền Não
Phiền não ý nghiệp, chính các đức Phật, các vị Bồ tát, và các Thánh giả thể nhập chân lý, đã từng trách cứ bằng nhiều từ ngữ. Các ngài đã bảo nó là kẻ thù, vì đã giết chết tính mạng tuệ giác. Nó là giặc cướp, vì đã cướp đoạt hết thảy thiện pháp. Nó là dòng sông nước chảy cuồn cuộn, trôi cuốn mọi người vào trong biển cả sinh tử thống khổ. Nó là xích khóa, xích khóa chúng sinh trong ngục sinh tử, không cho giải thoát. Vì lý do đó, sáu nẻo không cùng, bốn loài bất tận, ác nghiệp miên man, khổ báo mãi hoài, tất cả đều vì phiền não tác hại. Cho nên ngày nay, chúng con vận dụng thiện tâm tăng thượng như trước đã nói, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não (10)
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc ở loài người, hoặc trong loài trời, trong cả lục đạo, chịu đủ quả báo, tuy có tâm thức mà thường ngu muội, một sự ngu muội tràn lòng đầy dạ. Vì lý do đó, hoặc do ba độc mà nổi phiền não, hoặc do ba lậu mà nổi phiền não, hoặc do ba khổ mà nổi phiền não, hoặc do ba đảo mà nổi phiền não, hoặc do ba hữu mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả.
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do bốn trụ mà nổi phiền não, hoặc do bốn lưu mà nổi phiền não, hoặc do bốn thủ mà nổi phiền não, hoặc do bốn chấp mà nổi phiền não, hoặc do bốn duyên mà nổi phiền não, hoặc do bốn đại mà nổi phiền não, hoặc do bốn phược mà nổi phiền não, hoặc do bốn tham mà nổi phiền não, hoặc do bốn sinh mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả.
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do năm trú mà nổi phiền não, hoặc do năm cái mà nổi phiền não, hoặc do năm xan mà nổi phiền não, hoặc do năm kiến mà nổi phiền não, hoặc do năm tâm mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả.
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do sáu căn mà nổi phiền não, hoặc do sáu thức mà nổi phiền não, hoặc do sáu thọ mà nổi phiền não, hoặc do sáu tưởng mà nổi phiền não, hoặc do sáu hành mà nổi phiền não, hoặc do sáu ái mà nổi phiền não, hoặc do sáu nghi mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả.
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do bảy lậu mà nổi phiền não, hoặc do bảy sử mà nổi phiền não (11) , hoặc do tám đảo mà nổi phiền não, hoặc do tám cấu mà nổi phiền não, hoặc do tám khổ mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do chín não mà nổi phiền não, hoặc do chín kiết mà nổi phiền não, hoặc do chín duyên mà nổi phiền não, hoặc mười phiền não gây ra tội lỗi, hoặc do mười triền, mười một biến sử, mười hai thứ nhập, mười sáu tri kiến, mười tám thứ giới, hai mươi lăm ngã, sáu mươi hai kiến, hoặc do kiến hoặc tám mươi tám sử, cọng với mười sử thuộc về tư hoặc, hoặc do một trăm lẻ tám phiền não bùng cháy ngày đêm, mở hết cửa ngõ cho mọi sơ hở (12) mà gây tội lỗi, tác hại hiền thánh, cùng với toàn thể bốn loài chúng sinh. Tràn đầy tam giới, khắp hết lục đạo, không một chỗ nào tránh chúng cho khỏi. Ngày nay chúng con khẩn thiết hướng về mười phương Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, tàm quí phát lộ sám hối tất cả.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não
Nguyện cho chúng con nhờ những công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân ba số, mà đời kiếp nào, ba tuệ cũng sáng, ba minh cũng chói, ba khổ cũng diệt, ba nguyện cũng thành. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân bốn số, mà mọi đời kiếp, phát triển tất cả bốn vô lượng tâm, xây dựng bốn thứ tín tâm kiên cố, diệt sạch bốn chỗ ác đạo thống khổ, hoàn thành bốn thứ không còn sợ hãi. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân năm số, mà mọi đời kiếp, siêu thoát ngũ đạo, xây dựng ngũ căn, lọc sạch ngũ nhãn, hoàn thành ngũ phần. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân sáu số, mà đời kiếp nào, cũng đủ tất cả sáu thứ thần thông, sáu ba la mật, không bị sáu trần làm cho mê hoặc, hoạt động thường trực sáu thứ diệu hạnh. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân bảy số, tám số chín số, cùng với mười số, mà mọi đời kiếp, ngồi trên cái hoa của bảy thanh tịnh, rửa bằng thứ nước của tám giải thoát, đầy đủ cái trí của chín đoạn trừ, hoàn thành cái hạnh của mười địa vị.
Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân mười một, mười hai mười tám, mà mọi đời kiếp, lý giải toàn bộ mười một không tánh, hằng ngày vận dụng cái không tánh ấy, ký thác tâm trí nơi không tánh ấy một cách tự tại, có thể chuyển vận bánh xe chánh pháp mười hai hàng lớp, hoàn thành trọn vẹn mười tám bất cọng, vô lượng công đức đầy đủ hết thảy.
Phát nguyện xong rồi, chúng con chí thành đảnh lễ chư Phật:
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Giá Trị Của Sự Sám Hối
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Sám hối vốn là từ bỏ quá khứ, tu tỉnh tương lai, triệt hạ điều ác, xây dựng điều lành. Con người ở đời ai mà không lỗi? Thánh giả ở trong giai đoạn tu học, nếu hở chánh niệm, còn nổi phiền não, La hán mà vì tập quán phiền não, có lúc còn động thân nghiệp khẩu nghiệp. Huống chi phàm phu mà không tội lỗi? Có điều trí giả thì tự giác trước, nên biết sám hối và chừa bỏ được. Còn kẻ ngu muội thì cố dấu diếm, làm cho tội lỗi ngày càng thêm lên. Vì lý do này, tội lỗi chất chứa liên miên bất tận, còn sự tỉnh ngộ chưa biết lúc nào. Nếu biết hổ thẹn, phát lộ sám hối, thì thật không những hủy diệt tội lỗi, mà còn tăng thêm vô lượng công đức, xây dựng niết bàn mầu nhiệm như Phật.
Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối
Nếu muốn thực hành phương pháp sám hối, trước hết cần phải ngoài thì nghiêm chỉnh thân hình cử động, chiêm bái tôn tượng, trong thì phát khởi ý thức thành kính, chuyên chú quán tưởng, thiết tha thành khẩn đề khởi hai thứ suy tưởng sau đây.
Thứ nhất tự nghĩ thân mạng ta đây thật khó giữ mãi, một mai tan rã, không biết lúc nào mới phục hồi được. Nếu rủi không gặp chư Phật hiền thánh, mà còn gặp phải bạn bè xấu ác, gây mọi tội lỗi, thì lại sa vào hố sâu chỗ hiểm.
Thứ hai tự nghĩ trong đời này đây, tuy đã gặp được Phật pháp tuyệt diệu, nhưng ta không biết sống vì Phật pháp, nối tiếp dòng giống của các vì Thánh, bằng cách rửa sạch thân khẩu ý nghiệp, sống theo thiện pháp, lại còn đích thân lén lút làm ác, rồi cố che đậy, cho không ai thấy, bảo chẳng ai hay, gói lại trong lòng, ngoài mặt nghênh ngang, không biết xấu hổ. Như thế mới thật ngu nhất thiên hạ. Vì lẽ hiện có thập phương chư Phật, đại địa Bồ tát, chư thiên thiện thần, làm sao không thấy ta tạo tội ác bằng mắt thiên nhãn cực kỳ trong suốt?
Lặp Lại Cảnh Giác Để Sám Hối
Lại còn thần linh, khuất mặt đã có, hiển hiện cũng có, ghi chép tội phước mảy may không sai. Nên kẻ tạo tội thì sau khi chết, ngục tốt đầu trâu lục nghiệp thức họ, bắt đến Diêm vương đối chất sự việc (13) . Bấy giờ hết thảy những kẻ oán hận đều hiện làm chứng. Kẻ bảo đời trước ngươi giết thân ta, nướng nấu chưng ram. Kẻ bảo đời trước ngươi đã bóc lột chiếm đoạt của ta, cướp hết tài sản. Kẻ bảo đời trước ngươi làm tan nát thân quyến của ta. Tất cả đều bảo, ngày nay chúng ta mới được cơ hội báo oán nhà ngươi. Chứng nhân hiện diện làm chứng như vậy, người chết làm sao dám chối dám cãi, chỉ còn cam tâm chịu hết oán cũ.
Khế kinh đã nói, ở trong địa ngục không trị tội ai một cách oan uổng. Nếu bình sinh họ tạo ra tội ác mà họ quên đi, thì lúc sắp chết, hết thảy cảnh tượng của chỗ làm ác đều hiện ra cả, hết thảy nạn nhân của tội ác đó đều bảo ngày trước, đối với chúng ta, nhà ngươi đã làm tội ác như vậy, nay chối sao được. Tội nhân lúc ấy hết cách dấu diếm. Diêm vương tức thì nghiến răng quở trách, giao phó địa ngục, trong vô lượng kiếp hết cách cầu thoát.
Việc này đâu xa, đâu dính kẻ khác, mà chính thân ta tự làm tự chịu. Dẫu cho chí thân như tình phụ tử, một khi quả báo phải đến đã đến, cũng không thể nào chịu thay cho được. Chúng ta đã được cái thân con người, cơ thể lại không mọi thứ bịnh tật thì tự mỗi người phải cố nỗ lực, đua với tính mạng. Cái nỗi sợ hãi lớn nhất đời người (14) bất thần ập đến, thì dẫu hối hận cũng không kịp nữa. Vì vậy ngày nay phải tận lòng thành, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Những Phiền Não Nặng Nhất
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, chất chứa vô minh, che tâm bít mắt, tùy theo tính chất của các phiền não, tạo tác đủ thứ tội ác lầm lỗi, suốt cả quá khứ hiện tại vị lai: Đam mê yêu thích: phiền não tham dục. Ôm lòng tác hại: phiền não sân hận. Rối ruột u mê: phiền não ngu si. Ngã mạn tự cao: phiền não kiêu ngạo. Nghi ngờ chánh pháp: phiền não do dự.
Phủ nhận nhân quả: phiền não tà kiến. Không biết nhân duyên chỉ là giả hợp: phiền não chấp ngã. Mù mờ ba đời: phiền não chấp đoạn phiền não chấp thường. Cuồng tín đối với lý thuyết tai hại: phiền não kiến thủ. Cuồng tín đối với những kẻ chủ trương lý thuyết tai hại: phiền não giới thủ (15) . Cho đến bốn chấp: phiền não vọng chấp. Ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, sám hối tất cả.
Sám Hối Những Phiền Não Nặng Và Sâu
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, tiếc giữ cứng chắc: phiền não xan lẫn. Buông thả sáu căn: phiền não phóng dật. Tâm hạnh tồi tệ: phiền não không nhẫn. Biếng nhác trì hoãn: phiền não không siêng. Thắc mắc nghĩ ngợi náo động mông lung: phiền não giác quán (16) . Đối cảnh mê hoặc: phiền não ngu muội. Cuốn theo tám thứ gió lộng của đời: phiền não nhân ngã. Nịnh khen trước mặt: phiền não dối trá. Dữ dằng khó chạm: phiền não không luyện (17) . Dễ giận khó vui: phiền não ngậm hờn. Ganh ghét công kích: phiền não tức giận (18) . Hung bạo hiểm ác: phiền não độc địa.
Chống trái bản thể mà các vì Thánh đã phát giác được: phiền não chấp tướng. Với bốn chân lý thì nổi phiền não gọi là thác loạn. Mười hai nhân duyên cuốn theo sinh tử (19) gọi là phiền não tạo ra luân hồi. Vô minh trú địa phát động phiền não, thì phiền não ấy như cát sông Hằng. Do bốn trú địa phát động phiền não, gọi là phiền não tạo ra khổ báo khắp cả tam giới.
Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại chúng sinh, quấy phá hiền thánh, ngày ngay chúng con chí thành phát lộ, hướng về Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, sám hối hết thảy.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Những Phiền Não Trên
Nguyện cho chúng con, nhờ những công đức chí thành sám hối hết thảy phiền não phát từ ý nghiệp, căn bản trong đó là tham sân si, mà mọi đời kiếp bẻ cờ kiêu ngạo, khô nước ái dục, diệt lửa sân hận, phá tối ngu si, nhổ rễ nghi ngờ, xé lưới vọng kiến. Nhận thức sâu xa ba cõi y như lao ngục khổ nhất, bốn đại giống hệt rắn độc dữ nhất, năm uẩn mới là kẻ thù ác nhất, sáu nhập thực chất chỉ như làng xóm trống rỗng hoang vắng (20) , đặc biệt ái dục đích thị kẻ thù giả bộ thân thiện. Nỗ lực thực tập tám thứ thánh đạo, lấp nguồn vô minh, chính hướng niết bàn một cách liên tục, ba mươi bảy thứ nhân tố tuệ giác thì tâm niệm này nối tâm niệm khác, mười thứ hạnh nguyện ba la mật đa thì được biểu hiện một cách thường trực.
Khẩn thiết sám hối và phát nguyện rồi, chúng con chí tâm qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo.


Chú thích:
(1) Nguyên tác của ai không rõ, chỉ theo nội dung biết viết từ đời Tống. Có 2 bài, nhưng chỉ bài này cần dịch mà thôi.
(2) Có chỗ giải thích là phung hủi.
(3) Cũng gọi là núi Cửu long hay Cửu lũng.
(4) 36 vật, nguyên văn có kê đủ (mà tôi đã lược đi): tóc, lông, móng, răng, ghèn, nước mắt, nước mũi, nước miếng, cáu bẩn, mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện, da ngoài, da trong, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ miếng, mỡ nước, óc, màng, lá lách, quả cật, tim, phổi, gan, mật, ruột, dạ dày, đàm hồng, đàm trắng, sinh tạng, thục tạng.
(5) Sarvajna: nhất thế trí (toàn giác).
(6) Từ ngữ 7 thứ quí báu có 2: 1. thường nói nhất là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. 2. nói trong trường hợp liên hệ Luân vương. Thì 7 thứ quí báu ấy là luân bảo (xe quí) tượng bảo (voi quí) mã bảo (ngựa quí) châu bảo (ngọc quí) nữ bảo (gái quí) chủ tạng thần bảo (đại thần quí chủ về kho tàng) chủ binh thần bảo (đại thần quí chủ về binh bị). Đoạn văn này nói về đức Bổn sư, thì 7 thứ quí báu mà Ngài bỏ là cả 2 loại trên đây (vì nếu Ngài ở đời thì là Luân vương). Nhất là đoạn văn này không những nói về hiện tại của Phật mà còn có ý nói đến sự tu Bồ tát hạnh của Ngài trong nhiều kiếp quá khứ nữa.
(7) Nguyên văn là tạo tác vô đoan. Các bản chú thích nói vô đoan là vô cùng (không đầu mối nào không làm), là bất chính, là vô lối (có một cách hư vọng). Ý sau hết có nhiều nhất.
(8) Nguyên ngữ kinh Địa tạng là sinh tâm động niệm toàn là tội lỗi (cử tâm động niệm vô phi thị tội). - Địa tạng, phẩm 7. Đại kinh (Niết bàn) thì nói động chân cất bước không theo giới luật, làm sao không lỗi... nên thấy người làm lành là thấy chư thiên, còn thấy kẻ làm ác là thấy địa ngục đó. (Vạn 129/150a dẫn).
(9) Đúng nguyên văn thì phải dịch là Tịnh danh (Duy ma cật) ưa chuộng. Tịnh danh là một trong các vị đại bồ tát.
(10) Phiền não, nghĩa đen là nóng bực. Phiền não bao quát tất cả tâm lý tội lỗi và tâm trí sai lầm.
(11) 7 lậu là thuyết của Hoa nghiêm hiệp luận, 7 sử là thuyết của Lăng nghiêm.
(12) Sơ hở, nguyên văn là lậu (rỉ lọt), vốn là một trong những cái tên của phiền não.
(13) Sát nguyên văn thì phải dịch hạch rõ phải trái.
(14) Nỗi sợ hãi ấy là chết.
(15) 2 chữ cuồng tín trong 2 câu này, chữ thứ nhất nguyên văn là bằng hiệp, dịch sát và rõ là cảm tình và phụ họa; chữ thứ hai nguyên văn là tích bẩm, dịch sát và rõ là vâng mệnh một cách bất thông.
(16) Giác quán (biết, xét) tân dịch là tầm tứ (tìm, dò).
(17) Khó chạm là khó đụng chạm đến. Không luyện là không thuần hóa.
(18) Công kích, nguyên văn là kích thích (đánh đâm). Dịch sát ý nhất là châm biếm, nhưng không đủ nghĩa bằng chữ công kích. Còn tức giận thì nguyên văn là ngận lệ (tàn nhẫn, dữ và bướng) dịch tức giận cho thuận nghĩa.
(19) Tức là 12 nhân duyên thuận lưu. Đối lại, nếu 12 nhân duyên nghịch lưu, gọi là 12 nhân duyên ngược dòng sinh tử.
(20) Nghĩa là "không có thành trì bảo vệ, không có lương thiện ở chung, chỉ có trộm lớn cướp nhỏ chiếm cứ đã lâu" (Vạn 129/168b).

« Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Pháp bảo Đàn kinh


Báo đáp công ơn cha mẹ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.154.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập