Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.41 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.52 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Từ Bi Thủy Sám Pháp

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Thích Trí Quang

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -0Mb
Font chữ:

Lạy Phật Và Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối
Hết thảy chư Phật, vì thương chúng sinh, đã nói tổng quát về pháp Thủy sám, bằng cách đem nước từ bi tam muội rửa sạch tội lỗi. Vì vậy chúng con đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật:
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Đệ tử chúng con trong giờ phút này, thân tâm thanh tịnh, không còn hoa dạng, không còn vướng mắc, đích thị là lúc sinh thiện diệt ác, nên cùng phát thêm bốn thứ quán sát để làm phương tiện diệt trừ tội ác: quán sát nhân duyên, quán sát quả báo, quán sát bản thân, quán sát thân Phật. Quán sát nhân duyên là xét tội lỗi của chúng con đây xuất từ vô minh, từ những tư tưởng không phải hiền lành, từ cái lý do không có sức mạnh của sự chánh quán. Nên đã không thấy tội lỗi của mình, không gần thiện hữu là Phật Bồ tát, chạy theo đường ma, đi vào cái ngõ cong mà lại hiểm. Như cá cắn câu không biết tai họa, như tằm làm kén tự quấn tự buộc, như con thiêu thân nhào vào lửa ngọn tự thiêu tự đốt. Vì lý do đó, không thể siêu thoát.
Quán sát quả báo là xét tất cả hành vi tội ác đều có tác dụng tạo sự luân chuyển, chuyền từ quá khứ nối đến hiện tại, đến cả tương lai, kết thành quả báo thống khổ vô tận, làm cho con người ngập trong bể cả đã không bờ bến, lại suốt đêm dài, bị quỉ phiền não cấu xé nhai nuốt, sinh tử vị lai mênh mang vô bờ. Nên dẫu quả báo được làm luân vương, thống trị toàn bộ bốn châu loài người, phi hành tự do, có đủ tất cả bảy thứ quí báu, nhưng sau khi chết, cũng vẫn không khỏi sa vào đường dữ. Thậm chí kết quả của bốn không định là cái quả báo cao nhất ba cõi, nhưng khi phước hết thì phải đảo lại làm thân con trùng nơi cổ con trâu. Huống chi những kẻ không có phước đức. Vậy mà vẫn nhác, vẫn không nỗ lực sám hối tội lỗi, thì không khác gì đã ôm đá nặng lại ngập nước sâu, khó mong giải thoát. Quán sát bản thân là xét tuy có giác tánh chánh nhân, nhưng hiện đang bị rừng rú âm u của các phiền não che phủ khuất lấp, không có năng lực tuệ giác liễu nhân nên không lộ được. Vì vậy chúng con cần phải phát khởi tâm chí vượt bậc, xé nát vô minh là sự trở ngại nặng mà thác loạn, chặt đứt nghiệp nhân sinh tử luân hồi khổ mà hư ảo, phát hiện tuệ giác sáng nhất của Phật, hoàn thành giải thoát cao nhất của Ngài. Quán sát thân Phật vốn bất sinh diệt, đứng lặng trong sáng, siêu việt tứ cú, tuyệt cả bách phi (23) , muôn đức trọn vẹn, trạm nhiên thường trú. Dẫu cho nhập diệt, cũng là phương tiện thực hiện từ bi tiếp độ vạn loại, chưa có lúc nào tạm bỏ chúng sinh. Phát sinh bốn thứ quán sát như vậy, thật là phương tiện hiệu quả hơn cả trong việc hủy diệt mọi thứ tội lỗi, chính yếu bậc nhất trong sự loại trừ mọi thứ chướng ngại. Nên bây giờ đây chúng con tiếp tục chí thành sám hối.
Sám Hối Sự Chướng Ngại Của Phiền Não
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, nuôi dưỡng phiền não ngày càng sâu nặng, ngày càng lớn mạnh, che mắt tuệ giác không cho thấy gì, hủy diệt điều lành không cho liên tục. Vì lý do đó, nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự được thấy Phật, sự nghe Phật pháp, sự gặp Thánh tăng.
Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự nhận thưc được đường nẻo giải thoát hết thảy hạnh nghiệp trong cả ba thì quá khứ hiện tại cùng với vị lai. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự hưởng thọ được quả báo tôn quí ở trong loài người cũng như loài trời. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự sinh sắc giới, sự sinh không giới (24) hưởng thụ phước lạc của các thiền định. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại thần thông tự tại, ẩn được hiện được, tùy ý phi hành, đến các tịnh độ của các đức Phật khắp cả mười phương mà nghe chánh pháp.
Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu sổ tức quán (25) tu bất tịnh quán (26) và nhân duyên quán (27) . Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu bảy phương tiện, trong đó gồm có bốn thứ da hành (28) .
Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại từ bi hỷ xả và văn tư tu. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học nghĩa lý tam quán: vô tánh, bình đẳng, phối với trung đạo.
Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học bốn thứ niệm xứ, bốn thứ chánh cần, năm căn năm lực, bốn thứ thần túc, trong bâm bảy thứ hỗ trợ tuệ giác. Nổi cái phiền não thuộc loại thị tướng, làm cho chướng ngại công hạnh tu học tám thứ chánh đạo. Nổi cái phiền não thuộc bất thị tướng, làm cho chướng ngại công hạnh tu học bảy thứ giác chi (29) .
Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tám thứ giải thoát, chín thứ không định. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học mười trí, ba thứ tam muội. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học ba minh, sáu thứ thần thông, bốn thứ vô ngại. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học sáu ba la mật, bốn vô lượng tâm. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học cái hạnh hóa độ tất cả của bốn nhiếp pháp. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tâm nguyện đại thừa là bốn hoằng thệ. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học mười minh mười hạnh. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học mười hướng mười nguyện. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác minh giải của địa thứ nhất đến địa thứ tư. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác tri kiến của địa thứ năm đến địa thứ bảy. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác song chiếu của địa thứ tám đến địa thứ mười. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học hàng trăm hàng vạn vô số hạnh nguyện xây dựng Phật quả. Phiền não chướng ngại công hạnh như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, hướng về mười phương Phật đà Phật pháp cùng với Thánh chúng, tàm quí sám hối, nguyện tiêu diệt cả.
Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức sám hối phiền não chướng ngại các hạnh, bất cứ ở đâu, cũng được cái việc tự tại thọ sinh, không bị ác nghiệp cùng với thói quen của ác nghiệp ấy chi phối xoay chuyển (30) . Bằng như ý thông, trong một ý nghĩ, đến khắp mười phương, làm sạch quốc độ, làm nên chúng sinh (31) . Thấu triệt tận cùng cảnh giới sâu xa của các thiền định cùng các tuệ giác. Tâm trí thấu triệt toàn bộ các pháp, cái hạnh vui vẻ diễn giảng pháp ấy cũng không cùng tận, thế nhưng tâm trí không nhiễm không vướng. Tự tại với tâm, tự tại với pháp, lại còn tự tại với các phương tiện, vì vậy làm cho hết thảy thói quen của mọi phiền não, và mọi vô minh, vĩnh viễn hủy diệt một cách tuyệt đối, hết còn liên tục. Tuệ giác thuần túy sáng như mặt nhật.
Phát nguyện xong rồi, chúng con chí thành đảnh lễ chư Phật: Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Sám Hối Ác Nghiệp
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Đệ tử chúng con, trước đã chí thành tóm tắt sám hối phiền não chướng rồi, bây giờ tiếp theo sám hối nghiệp chướng.
Giải Tỏa Nghi Hoặc Bằng Cách Phân Loại Về Nghiệp
Nghiệp là năng lực trang bị tất cả nẻo đường luân hồi. Bất cứ ở đâu, nghiệp làm cho ta không còn suy nghĩ, tìm cách giải thoát cho khỏi chỗ ấy. Chính vì lẽ đó, quả báo lục đạo đủ thứ khác nhau, hình thái bất đồng, hết thảy đều do nghiệp lực tạo ra. Cũng vì lẽ đó, trong mười trí lực của đức Như lai, cái trí sâu nhất là biết về nghiệp.
Nhưng kẻ phàm phu, đối với nghiệp ấy, hay sinh nghi ngờ. Tại sao như vậy, vì lẽ hiện thấy trong cuộc đời này, có người làm lành đụng đâu khổ đó, còn kẻ làm ác mọi việc vừa lòng, nên cho cuộc đời thiện ác bất phân. Nhưng cho như vậy, là không hiểu gì về nghiệp lý cả. Bởi lẽ trong kinh nói nghiệp có ba: một là hiện báo, hai là sinh báo, ba là hậu báo.
Hiện báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đời này làm ra thì chính thân này hưởng chịu kết quả. Sinh báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đời này làm ra, tiếp ngay đời sau hưởng chịu kết quả. Hậu báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đã được làm ra từ nhiều đời kiếp trong thì quá khứ, nhưng đến đời này hưởng chịu kết quả, hay nhiều đời kiếp trong thì vị lai mới hưởng mới chịu.
Như vậy nếu thấy có kẻ đời này làm ác mà lại hưởng được việc tốt, là vì thiện nghiệp trong thì quá khứ, thuộc về sinh báo hay thuộc hậu báo, đã có kết quả, nên trong hiện tại hưởng thụ việc tốt, đâu phải hiện tại làm ác mà vui. Đối lại nếu thấy trong thì hiện tại, có kẻ làm lành mà chịu khổ sở, là vì ác nghiệp trong thì quá khứ, thuộc về sinh báo hay thuộc hậu báo, đã có kết quả, năng lực thiện nghiệp trong đời hiện tại lại đang yếu kém, không thể trừ khử, nên phải chịu khổ, đâu phải hiện tại làm lành mà khổ. Đoan chắc như vậy là vì hiện thấy những kẻ làm lành được người ca tụng, được người kính mến, nên biết vị lai chắc chắn đón nhận quả báo an vui.
Nhưng nay chúng con đã có ác nghiệp thuộc thì quá khứ, nên Phật Bồ tát khuyên gần thiện hữu, cùng nhau sám hối. -- Được gần thiện hữu, là lợi toàn diện trong sự đắc đạo. Vì vậy chúng con ngày nay chí thành mà qui y Phật, sám hối ác nghiệp.
Sám Hối Tổng Quát Về Ác Nghiệp
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay "tích chứa ác nghiệp như cát sông Hằng, tạo ra tội lỗi tràn đầy quả đất, vậy mà bỏ thân cũng như thọ thân, không hề tự giác cũng không tìm hiểu": Hoặc làm năm thứ nghịch tội sâu nặng: nghiệp vô gián ngục. Hoặc tạo cái tội của nhất xiển đề: nghiệp triệt thiện căn (32) . Khinh chê lời Phật: nghiệp phá đại thừa. Quấy rối Tam bảo: nghiệp phá chánh pháp.
Không tin tội phước: tạo mười ác nghiệp. Lầm chân phản chánh: nghiệp của ngu si. Bất hiếu cha mẹ: nghiệp của phản bội. Khinh mạn sư trưởng: nghiệp của vô lễ. Không thật với bạn: nghiệp của bất nghĩa.
Phạm vào bốn thứ tám thứ trọng tội: nghiệp hại thánh đạo. Phạm vào ngũ giới và bát quan trai: nghiệp phá trai giới. Không giữ năm thiên cùng với bảy loại của tỷ kheo giới: nghiệp thiếu và phạm quá nhiều giới hạnh. Phá luật tại gia: nghiệp phạm đủ cả nhơ bẩn nặng nhẹ. Phạm bồ tát giới: nghiệp thiếu khả năng thực hành thanh tịnh lời Phật huấn dụ. Làm các phương tiện trước sau sinh lý: nghiệp làm nhơ bẩn phạn hạnh thanh tịnh. Hằng tháng không có sáu ngày ăn chay: nghiệp của biếng nhác. Hằng năm không có ba tháng chay trường: nghiệp không tu hành một cách liên tục (33) . Không giữ toàn bộ ba ngàn oai nghi: nghiệp sống không đúng chánh pháp Phật dạy. Không giữ trọn vẹn tám vạn luật nghi: nghiệp phạm rất nhiều tội lỗi chi tiết. Không giữ giới luật kềm chế thân miệng: nghiệp làm trở ngại tuệ giác của tâm. Bốn mùa tám tiết thiếu sự tự chế: nghiệp lắm tội lỗi (34) . Hành mười sáu nghề: nghiệp của luật ác (35) . Tác hại chúng sinh: nghiệp không từ tâm. Không thương không nghĩ: nghiệp không trắc ẩn. Không nâng không đỡ: nghiệp không cứu giúp. Lòng giữ đố kﺠnghiệp không hóa độ. Phân chia thân thù: nghiệp không bình đẳng.
Đam mê ngũ dục: nghiệp không siêu thoát. Đam mê ăn mặc vườn tược ao hồ: nghiệp ưa hoang đãng. Tuổi trẻ phóng túng: nghiệp thích tạo tội. Làm lành không thuần, lại còn hướng về quả báo ba cõi: nghiệp làm chướng ngại cho sự giải thoát.
Ác nghiệp như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, hướng về mười phương Phật đà Phật pháp, cùng với Thánh chúng, sám hối hết thảy.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức sám hối ác nghiệp đã được phát sinh bởi các phiền não vô minh vân vân, mà ác nghiệp ấy tiêu tan tất cả. Mọi thứ phước đức được phát sinh bởi sự sám hối này, thì nguyện đời đời diệt tội ngũ nghịch, trừ ngu xiển đề. Bao nhiêu ác nghiệp, nặng có nhẹ có, như trên đã nói, từ nay sắp đi đến ngày được ngồi nơi bồ đề tràng, thề không tái phạm. Thực tập liên tục mọi thứ thiện pháp giải thoát thanh tịnh. Nghiêm giữ giới luật, kính giữ oai nghi, không khác những người bơi qua bể cả tiếc giữ chiếc phao. Sáu ba la mật, bốn vô lượng tâm, thì đặt hàng đầu của các diệu hạnh. Giới định tuệ phẩm ngày càng thêm sáng. Mau chóng hoàn thành bâm hai tướng tốt, tám mươi tướng phụ, mười thứ trí lực, bốn thứ vô úy, ba niệm đại bi, bốn đức thường lạc, bốn thứ diệu trí, tám tự tại ngã (36) của đức Như lai. Phát nguyện như vậy, chúng con chí thành, đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật, nguyện xin các Ngài dủ lòng từ bi, hộ niệm chúng con.
Sám Hối Riêng Biệt Về Ác Nghiệp
Đệ tử chúng con đã sám hối xong, một cách tổng quát, về các ác nghiệp. Bây giờ tiếp theo, chúng con nhất nhất sám hối riêng biệt về ác nghiệp ấy. Để ác nghiệp ấy, hoặc chung hoặc riêng, hoặc to hoặc nhỏ, hoặc nặng hoặc nhẹ, hoặc nói hoặc không, theo loại với nhau, nguyện tiêu diệt cả.
Sám hối riêng biệt là trước sám hối ba nghiệp của thân, kế đó sám hối bốn nghiệp của miệng. Những ác nghiệp khác cũng sẽ tuần tự chí thành sám hối.
(Lý Do Sám Hối Sát Sinh Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Này)
Ba nghiệp của thân, sát hại đứng đầu. Trong kinh huấn thị, "tự tha thứ mình cũng đủ ví dụ, để đừng giết hại cũng đừng đánh đập" (37) . Vì lẽ cầm thú tuy khác với ta, nhưng mà bản năng ham sống sợ chết thì vẫn đồng nhất. Nếu xét cho kyՠvề các loài ấy, thì từ vô thỉ, tất cả đã là cha mẹ anh em bà con của ta. Chỉ vì nghiệp lực làm yếu tố chính và yếu tố phụ, mà phải luân hồi khắp cả sáu nẻo, vào chết ra sống, biến đổi thân hình, thay đổi quả báo, cho nên không còn nhận biết được nhau. Vậy mà ngày nay chúng ta sát hại, nhai nuốt thịt họ, thì thật thương tổn đức Từ quá lắm.
Vì vậy Phật dạy, được thực phẩm khác, khi ăn vẫn nên tưởng tượng như ăn chính thịt con mình trong thời đói khát, huống chi ăn nuốt ngay chính cá thịt (38) . Phật còn dạy thêm, nếu vì được lợi mà giết loài vật, hoặc sử dụng tiền bẫy lưới cá thịt, cả hai việc đó đều là ác nghiệp, sau khi chết rồi đọa ngục Gào thét.
Lời này cho thấy, giết cũng như ăn, ác quá sông sâu, tội bằng núi lớn. Nhưng từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con, vì không gặp được thiện hữu tri thức, nên ai cũng phạm tội sát hại ấy. Nên trong khế kinh đã dạy như sau, cái tội sát hại làm cho con người sa vào địa ngục, cùng với ngạ quỉ, chịu đủ thống khổ. Nếu sinh súc sinh, thì làm cọp beo, làm loài lang sói, làm cắt làm diều. Hoặc làm rắn độc, hay làm bò cạp, những thứ cùng loại, tính thường độc dữ; hoặc làm con chương, con hưu con gấu, con bi vân vân, tính thường hãi sợ. Còn sinh loài người thì bị hai báo, một là lắm bịnh, hai là chết yểu. Sát sinh ăn thịt đã có lắm thứ khổ báo như vậy, cho nên chúng con chí thành khẩn cầu, sám hối nghiệp ấy.
Nguyên Nhân Và Phương Tiện Của Ác Nghiệp Sát Sinh
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, tuy có tâm thức mà thường ác độc, không có từ bi: hoặc tham mà giết, hoặc giận hoặc ngu, hoặc vì kiêu ngạo, giết hại chúng sinh; giết bằng phương tiện, bằng sự thề nguyền, rủa nộp thư chú.
Sám Hối Ác Nghiệp Sát Sinh
Hoặc phá ao hồ, hoặc đốt rừng rẫy, săn bắn chài lưới, đón gió phóng hỏa, hoặc phóng chim cắt, hay phóng chó săn, làm hại nhiều loài, tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con xin sám hối cả. Đặt cũi đặt lưới, đặt hầm đặt máy (39) dùng xóc dùng chĩa, dùng cung dùng nỏ, nhất là dùng đạn, để bắt để đâm, để bắn những loài chim bay thú chạy (40) . Dùng lưới dùng chài, dùng rớ dùng câu, mà vơ mà lọc những loài ở nước, như các thứ cá, ba ba giải đà, tôm hến ốc trai, và bao nhiêu giống sinh sống dưới nước. Làm cho hết thảy những loài dưới nước, trên đất trong không, hết chỗ ẩn trốn. Hoặc là nuôi gà, hay nuôi heo con, bò dê chó heo, các loại ngỗng vịt (41) , để tự cung cấp bếp núc của mình, hoặc thuê kẻ khác làm thịt mà bán, khiến chúng chưa tắt tiếng kêu bi thương, lông cánh đã rụng, vảy mai đã rã (42) , thân đầu rời nhau, xương thịt tan tác. Rồi lột rồi xé, rồi mổ rồi cắt, sao đốt nấu nướng, bao nhiêu đau đớn độc địa thảm thiết, đều đem trút vào những loài vô tội một cách ngang trái. Khoái khẩu một chút, mùi vị bao lăm, bất quá cái lưỡi ba tấc mà thôi, nhưng rồi khổ báo lụy đến muôn kiếp. Ác nghiệp như vậy, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện tiêu diệt cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con động binh đánh nhau, giao tranh biên giới, xông đến với nhau bằng hai chiến trận, sát hại lẫn nhau (43) . Đích thân mình giết, bảo kẻ khác giết, nghe giết vui mừng. Làm nghề đồ tể, nghề đao phủ thủ, phanh thây loài vật, chém chặt kẻ khác, làm những ác nghiệp thật quá bất nhẫn. Buông thả cuồng nộ, vung những khí giới có lưỡi sắc bén, múa những khí giới có mũi sắc nhọn (44) mà chém mà đâm. Xô ngã hầm hố, nhận chìm xuống nước, bít hang phá tổ, lấp bằng đất đá, cán bằng ngựa xe, dẫm đạp sinh vật. Ác nghiệp như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con phá thai phá trứng, thuốc độc trùng độc, sát hại chúng sinh. Khẩn đào đất đai, trồng trỉa ruộng vườn, nuôi tằm nấu tơ, giết hại không ít. Đánh đập muỗi mòng, bấm cắn rận rệp, đốt khử dọn quét (45) , mở ngòi tháo kênh, làm hại sinh vật một cách oan uổng. Ăn trái ăn hạt, dùng thóc dùng gạo, dùng rau dùng rễ (46) , làm hại sinh vật một cách vô lý. Đốt các thứ củi, để trần đèn nến, cháy các loài trùng. Lấy tương lấy giấm, không quấy động trước. Đổ dốc nước sôi, tưới giết sâu kiến. Như vậy cho đến đi đứng nằm ngồi, bốn cử động ấy thường làm tổn hại các loài nhỏ nhặt trong không trên đất. Cái biết phàm phu quá ư ngu tối, không hay không rõ. Ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả (47) .
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con đã dùng roi gậy, gông gỗ khóa sắt, cùm to cùm chân, đè ép bẻ gãy, tra khảo đánh đòn, đánh đập quăng ném, sử dụng tay chân, đá nhào dẫm đạp, bắt trói nhốt buộc, cúp nước cắt cơm, những phương tiện ác đủ thứ như vậy, làm khổ chúng sinh, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, sám hối tất cả.
Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức chí thành sám hối ác nghiệp sát hại, mà mọi đời kiếp được thân kim cang, sống lâu không cùng. Bỏ hẳn tâm lý giận dữ oán ghét, không còn tư tưởng tác hại giết chóc. Đối với chúng sinh, được cái lòng thương coi như con một. Thấy ai nguy khốn, tai nạn cấp bách, không tiếc tính mạng, tìm cách cứu giúp, sau đó còn nói chánh pháp cho họ. Làm cho ai nấy thấy hình thấy bóng đều được an lạc, nghe tiếng nghe danh sợ hãi không còn.
Chúng con chí thành đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật:
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
(Định Nghĩa Trộm Cướp Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Này)
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp, về nghiệp trộm cướp. Trong kinh huấn thị, vật thuộc kẻ khác, kẻ khác gìn giữ, với vật như vậy, dẫu một ngọn cỏ hay một chiếc lá, kẻ ấy không cho thì không được lấy, huống chi lén trộm. Nhưng vì con người chỉ thấy cái lợi ở ngay trước mắt, cho nên đã dùng hết cách mà lấy một cách vô đạo, làm cho tương lai phải chịu khổ báo của ác nghiệp này. Do đó trong kinh đã nói như sau, cái tội trộm cướp làm cho con người sa vào địa ngục cùng với ngạ quỉ, chịu mọi thống khổ. Nếu sinh súc sinh thì làm trâu bò, lừa ngựa lạc đà, những thứ cùng loại (48) , dốc hết sức mình, dốc cả máu thịt mà trả nợ cũ. Nếu sinh loài người, phải làm tôi tớ cho bao kẻ khác, áo không kín thân, cơm không đầy miệng, nghèo nàn khốn đốn, lẽ sống con người cơ hồ mất hết. Ác nghiệp trộm cướp đã có lắm thứ khổ báo như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Ác Nghiệp Trộm Cướp
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, cắp trộm tài sản vàng ngọc của người, bằng cách hoặc dùng khí giới cưỡng đoạt, hoặc dùng sức lực ép buộc mà lấy. Hoặc ỷ công oai, hoặc mượn thế lực, gông lớn cùm to, ép uổng lương thiện, nuốt của hối lộ, bẻ thẳng thành cong - vì lý do này, thân bị pháp luật. Dung túng cấp dưới cai trị bất chính, lãnh của lo lót. Lấn công lợi tư, đoạt tư lợi công. Làm hại kẻ này để lợi kẻ khác, làm hại kẻ khác để lợi kẻ này. Cắt xén của người để tự lợi mình. Miệng tuy nói cho, lòng lại keo lẫn. Trộm thuế nông nghiệp, cắp thuế thương mãi. Vượt ải qua đò, không trả lệ phí. Giấu riêng thuế công, lén giấu công dịch. Ác nghiệp như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con cướp trộm đồ vật của Phật Pháp Tăng. Vật của kinh tượng, vật sửa chùa tháp, vật được hiến cúng cho Tăng thường trú, vật muốn hiến cúng cho Tăng bốn phương, mà lấy lén lút, hay sử dụng lầm, hoặc ỷ thế lực, mượn mà không trả. Hoặc mượn cho mình, hoặc mượn cho người, hoặc lại trao đổi, nhưng rồi không hoàn, hay quên mất đi. Phân phối xử dụng, một cách lẫn lộn, vật của Tam bảo. Lấy vật Tăng chúng, thóc gạo củi đuốc, muối đậu tương giấm, rau củ trái hạt, tiền lụa tre gỗ, tơ thao phan lọng, hương hoa dầu đèn, mặc lòng tùy ý, lấy dùng cho mình, hoặc đem cho người. Hoặc trích hoa quả của người cúng Phật, dùng vật tăng man (49) . Nhân của Tam bảo mà tự lợi riêng. Ác nghiệp như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con đối với những người chu toàn cho mình (50) như bạn như thầy, tăng chúng đồng học, cha mẹ anh em, bà con nội ngoại, sống chung ở chung, mà đồ cần dùng, nhiều cũng như ít, đều lừa dối nhau. Đối với làng xóm gần gũi với nhau, dời rào xê vách, lấn đất nhà người, đổi nêu dời mốc, bắt người cướp của, chiếm đoạt ruộng vườn. Mượn cớ việc công mà mưu lợi riêng, chiếm đoạt dinh thự thương điếm của người, chiếm luôn những chỗ chất chứa đồ vật. Ác nghiệp như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con đánh thành phá nước, đốt làng phá rào, trộm bán lương dân, dụ tôi tớ người. Ép uổng vô tội, khiến họ thân chết, máu vấy gươm đao, hoặc bị đày giam, gia sản thân nhân tan tác tất cả, những kẻ xương thịt sống mà xa nhau, kẻ bắc người nam, sống chết cách tuyệt. Ác nghiệp như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con đi buôn ngồi bán, lãnh giao hàng hóa (51) , lập hàng dựng quán mua bán đổi chác, vậy mà sử dụng cân nhẹ đấu non, cắt bớt thước tấc, gian xảo phân thù, lừa dối khuê cáp (52) , tráo xấu đổi tốt, dùng ngắn đoạt dài, gian trá đủ cách, cầu lợi mảy may. Ác nghiệp như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con xoi tường khoét vách, chận đường cướp của. Cướp giật vốn lời, phụ lòng sai hẹn. Ngoài mặt lừa dối, trong ý mưu toan. Phi lý lấn đoạt vật của quỉ thần, vật của cầm thú, vật của bốn loài (53) . Mượn việc bói tướng chiếm đoạt của người. Như vậy cho đến lấy lợi cầu lợi, cầu mà gian ác, cầu muốn cho nhiều, cầu không biết chán, cũng không biết đủ. Ác nghiệp như vậy vô lượng vô biên, không thể kể hết. Ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, sám hối hết thảy.
Lời Nguyện Vệ Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức sám hối trộm cướp, mà mọi đời kiếp được ngọc như ý, mưa ra bảy thứ trân bảo châu ngọc. Y phục tốt nhất, thực phẩm tốt nhiều, dược phẩm đủ thứ, tùy ý muốn gì là có được ngay. Không ai còn có ý tưởng trộm cướp. Ai cũng ít muốn, ai cũng biết đủ, không hề đam mê, cũng chẳng ô nhiễm. Ưa thích hiến tặng, tu hạnh chu cấp. Đầu mắt tủy não, bỏ dễ như bỏ nước mũi nước miếng. Hồi hướng cầu nguyện hoàn thành thí độ.
(Nỗi Khổ Của Ái Dục Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Dâm Dục)
Đệ tử chúng con lại sám hối tiếp, về nghiệp ái dục. Trong kinh đã nói, chỉ vì ái dục mà bao nhiêu người bị nhốt trong ngục ngu si ám chướng, bị chìm trong biển sinh tử thống khổ, không biết không thể tìm đường thoát khỏi. Chính vì ngũ dục mà từ vô thỉ cho đến ngày nay, hết thảy chúng sinh luân hồi sinh tử. Hết thảy chúng sinh, trong bao đời kiếp, nếu chất xương lại, hơn núi Phú la của thành Vương xá, sữa mẹ đã uống như nước bốn biển, máu đã đổ ra lại còn hơn nhiều, cha mẹ anh em, bà con nội ngoại, than khóc lúc chết, nước mắt đổ ra như nước bốn biển. Vì lý do này, trong kinh đã nói, hễ có ái dục là có sinh tử, ái dục mà hết là hết sinh tử. Vì vậy mà biết, căn bản sinh tử chính là ái dục.
Cũng chính vì vậy, trong kinh đã nói, ác nghiệp dâm dục làm cho con người sa đọa địa ngục cùng với ngạ quỉ, chịu đủ thống khổ. Nếu sinh súc sinh, thì phải làm thân bồ câu chim sẻ, hay chim uyên ương. Sinh trong loài người, vợ con bất chính, bà con bất thuận. Ác nghiệp dâm dục đã có lắm thứ khổ báo như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Ác Nghiệp Dâm Dục
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, trộm cướp vợ chính vợ hầu của người, chiếm đoạt quả phụ con gái kẻ khác, xâm phạm phá hoại trinh tiết của họ. Làm cho dơ bẩn các tỷ kheo ni, phá cho hư hỏng phạn hạnh của người, cưỡng bức hãm hiếp một cách bất lương. Ý nghĩ vẩn đục, mắt nhìn bất chính, lời nói đùa cợt. Làm cho sỉ nhục gia đình của người, vấy cho dơ bẩn tiếng tốt kẻ khác. Làm chuyện dơ bẩn đối với năm loại đàn ông bất thường. Ác nghiệp như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức sám hối dâm dục, mà mọi đời kiếp, tự nhiên hóa sinh, không do thai mẹ. Sạch sẽ tinh khiết, tướng hảo quang minh. Giác quan tinh anh, thông minh lanh lợi. Ý thức ân ái in như gông cùm. Thấu triệt cảnh trần chỉ là ảo thuật. Đối với ngũ dục nhất quyết thoát ly, đến nỗi trong mộng cũng không lòng tà. Yếu tố ở trong, cơ hội ở ngoài, vĩnh viễn không còn lay động được nữa.
Sám hối phát nguyện hoàn tất cả rồi, chúng con nhất tâm đem cả tính mạng qui y đảnh lễ mười phương Tam bảo.
(Khổ Báo Ác Nghiệp Của Miệng)
Đệ tử chúng con sám hối ba thứ của thân nghiệp rồi, bây giờ tuần tự sám hối bốn thứ ác nghiệp của miệng.
Trong kinh huấn thị, ác nghiệp của miệng làm cho con người sa đọa địa ngục, cùng với ngạ quỉ, chịu đủ thống khổ. Nếu sinh súc sinh, phải làm cú mèo, tiếng kêu của nó ai nghe cũng ghét. Sinh trong loài người, thì hơi trong miệng luôn luôn hôi thối, nói ra điều gì cũng không ai tin; thân quyến bất hòa, hay tranh hay cãi.
Ác nghiệp của miệng đã có lắm thứ khổ báo như vậy, ngày nay chúng con chí thành qui y đảnh lễ Tam bảo sám hối hết thảy.
Sám Hối Ác Nghiệp Nói Thô Ác
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, vì nói thô ác, mà với toàn bộ lục đạo tứ sinh, chúng con đã tạo đủ thứ tội lỗi: Nói năng thô dữ, lời tiếng ngang bạo, không kể tôn ti, quen lạ sang hèn. Một chút phật ý, tức thì giận dữ, mắng nhiếc chửi rủa, tạp nhạp nham nhở, dơ bẩn hung ác, không thiếu điều nào. Làm cho đối phương ngậm hờn suốt đời, liên họa kết thù, không bao giờ ngưng. Lại còn oán trách trời đất quỉ thần, chỉ trích hiền thánh, vu khống lương thiện. Ác khẩu như vậy tội lỗi vô lượng, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Nói Dối Trá Nặng
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, vì nói dối trá mà đã gây ra đủ thứ tội lỗi, với cái ý thức hy vọng danh dự, mưu cầu quyền lợi: Cất giấu tình thật, biến trá trăm cách, trong lòng đen tối, ngoài mặt dạn dày. Chỉ có nói không, chỉ không bảo có. Thấy nói không thấy, không thấy nói thấy. Nghe nói không nghe, không nghe nói nghe. Biết nói không biết, không biết nói biết. Làm nói không làm, không làm nói làm. Dối trá hiền thánh, lừa đảo thế nhân. Thậm chí cha con, vua tôi bằng hữu, thân thích quyến thuộc, nói cũng không thật. Làm cho kẻ khác lầm tin đến nỗi tan nhà mất nước.
Sám Hối Ác Nghiệp Nói Dối Trá Lớn
Hoặc mượn yêu thuật mà tự tán mình, rằng đã thành tựu bốn thứ thiền định, bốn thứ không định, phép đếm hơi thở (54) mười sáu hành tướng (55) . Được quả Dự lưu cho đến La hán. Được quả Duyên giác, Bồ tát bất thoái. Trời đến rồng đến, thần đến quỉ đến, gió xoáy đất linh (56) đều đến chỗ ta. Bày điều kỳ dị mê hoặc quần chúng, ý cầu kính trọng, hiến dâng đồ ăn, đồ mặc đồ nằm, cùng với dược phẩm. Vọng ngôn như vậy tội lỗi vô lượng, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Nói Thêu Dệt
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, vì nói thêu dệt mà đã gây ra đủ thứ tội lỗi: Lời tiếng văn hoa, bút mực diễm lệ. Điểm tô điều lỗi, trau chuốt việc trái. Khéo tạo khúc hát say tình nhụt chí. Hình dung yêu kiều, biểu lộ dâm thái. Làm cho những kẻ tâm chí bình thường hay quá thấp kém, phải loạn tâm tư, phải hỏng chí khí, đam mê tửu sắc, hết biết quay lại.
Hoặc không kềm chế thù riêng của mình, mà bỏ mất đi cái việc phê phán một cách công minh. Dẫu cho người ta thật là trung thần, thật là hiếu tử, có kẻ đích xác chí sĩ hiền nhân, mình vẫn viết bài, viết cả sách vở, lợi dụng văn chương vu khống xuyên tạc, hậu thế coi đọc, lầm tưởng là đúng, khiến những người này suối vàng oan ức, không cách biện bạch. Ỷ ngữ như vậy tội lỗi vô lượng, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Nói Hai Lưỡi
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, vì nói hai lưỡi mà đã gây ra đủ thứ tội lỗi: Trước mặt tán dương, sau lưng chỉ trích, xảo trá trăm chiều. Đến với người này nói xấu người kia, đến với người kia nói xấu người này, với cái ý thức chỉ biết lợi mình, bất kể hại ai. Dèm pha cốt ý ly gián vua tôi, vu khống chủ tâm phỉ báng lương thiện. Làm cho vua tôi nghi kị lẫn nhau, cha con bất hòa, vợ chồng cách biệt, thân thích xa nhau, ơn thầy phải hết, nghĩa bạn cũng tuyệt.
Ly gián đến nỗi thổi động hai nước hủy bỏ liên minh, cắt đứt giao hảo, liên kết căm thù, liên minh quân sự, sát hại dân chúng. Lưỡng thiệt như vậy tội lỗi vô lượng, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, phát lộ khẩn cầu sám hối tất cả.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối 4 Ác Nghiệp Của Miệng
Nguyện nhờ công đức sám hối bốn thứ ác nghiệp của miệng, mà mọi đời kiếp, đủ tám âm thanh, được bốn biện tài. Phát ngôn toàn thị lời nói hòa hợp, lời nói lợi ích. Tiếng nói thanh nhã, ai cũng thích nghe. Biết rõ sinh ngữ, thành ngữ tục ngữ của các địa phương. Nói ra điều gì thì cũng thích hợp thời cơ trình độ, làm cho người nghe lý giải tức khắc, vượt khỏi cương vị của kẻ phàm phu, nhập vào hàng ngũ của các thánh giả, mở sáng con mắt tuệ giác thượng đẳng. Sám hối phát nguyện về khẩu nghiệp rồi, chúng con nhất tâm, đem cả tính mạng qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo.
Sám Hối Ác Nghiệp Của 6 Căn
Sám hối thân nghiệp và khẩu nghiệp rồi, bây giờ tiếp theo, chúng con chí thành, tuần tự sám hối về những ác nghiệp đã được phát sinh bởi sáu giác quan.
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, mắt bị màu sắc làm cho mê hoặc: ưa thích đen vàng, hồng xanh đỏ tía (57) , hay đồ thưởng ngoạn, cùng đồ trang sức, quí mà lại đẹp. Hoặc thích hình tướng cao thấp trắng đen của trai của gái, thích những dáng dấp thùy mị kiều diễm, từ đó phát sinh ý tưởng bất chính.
Tai tham tiếng hay, tiếng căn bản nhất, tiếng trong thanh nhất (58) , tiếng của giây đàn, tiếng của ống sáo, tiếng của âm nhạc, tiếng của hát ca. Hoặc thích âm thanh con trai con gái, thích cái giọng điệu nói năng khóc cười, từ đó phát sinh ý tưởng bất chính. Mũi khoái hơi thơm, hơi của danh hương, loại như những thứ trầm hương đàn hương, long hương xạ hương, uất kim tô hạp, từ đó phát sinh ý tưởng bất chính. Lưỡi ham mùi ngon, tươi tốt ngọt béo, máu thịt sinh vật, nuôi dưỡng cơ thể (59) , bồi thêm gốc khổ, từ đó phát sinh ý tưởng bất chính.
Thân ưa lụa hoa, gấm dệt năm màu, gấm thêu năm sắc, lụa giây sa trun, mọi thứ mịn láng, đồ mặc đồ đeo rực rỡ hoa lệ, đủ bảy thứ quí, từ đó phát sinh ý tưởng bất chính.
Ý thì lắm thứ tư tưởng thác loạn, gặp gì cũng nghĩ, trái với chánh pháp. Vì sáu căn này, ác nghiệp tạo ra quả thật vô lượng. Ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật, Phật pháp Thánh chúng, sám hối tất cả.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Này
Nguyện nhờ công đức sám hối về mắt, làm cho mắt ấy thấy được rõ ràng pháp thân thanh tịnh của cả mười phương chư Phật Bồ tát, thấy mà siêu việt ý niệm hai tướng (60) . Nguyện nhờ công đức sám hối về tai, làm cho tai ấy thường nghe chánh pháp mười phương chư Phật hiền thánh tuyên thuyết, nghe mà phụng hành y như pháp ấy. Nguyện nhờ công đức sám hối về mũi, làm cho mũi ấy thường ngửi cái hơi đã nhập pháp tánh của cõi Hương tích, hết cả hôi thối thuộc chốn sinh tử. Nguyện nhờ công đức sám hối về lưỡi, làm cho lưỡi ấy thường nếm mùi vị của sự vui mừng khi ngộ chánh pháp, cùng với mùi vị của sự đẹp ý trong cơn thiền định, không còn ham thích mùi vị máu thịt của các sinh vật.
Nguyện nhờ công đức sám hối về thân, làm cho thân ấy mặc áo Như lai, khoác giáp nhẫn nhục, nằm giường vô úy, ngồi ghế tánh không. Nguyện nhờ công đức sám hối về ý, làm cho ý đó thành tựu thập lực, quán triệt ngũ minh, thâm quán bản thể siêu việt đồng nhất của thế tục đế và thắng nghĩa đế, vận dụng tuệ giác phương tiện độ sinh mà lại nhập vào dòng nước pháp tánh, làm cho tuệ giác tăng sáng hơn lên trong từng tâm niệm, phát hiện tuệ giác "đại vô sinh nhẫn" của đức Như lai.
Phát đại nguyện rồi, chúng con nhất tâm đem cả tính mạng qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo.


Chú thích:
(21) Trích khoa Chẩn tế.
(22) 1. Bản dịch này tham khảo cả bản dịch chưa nhuận sắc của ngài Huyền tráng (Chính 8/851-852) và 2 bản giải của các ngài Khuy cơ, Viên trắc (Chính 33/523-552). 2. Phạn tự của chú này là Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha.
(23) Bất sinh diệt, nguyên văn là vô vi. Đứng lặng trong sáng, nguyên văn là tịch chiếu. Siêu việt tứ cú, tuyệt cả bách phi (xa 4 câu, tuyệt 100 lỗi) là hình dung sự bất tư nghị: không thể nghĩ và bàn bằng những khái niệm đối tỷ của chúng ta.
(24) Không giới: Vô sắc giới.
(25) Sổ tức quán, nguyên văn là An na bát na sổ tức. An na bát na: Anapana: hơi thở ra hay vào. Tức là "trì niệm tức", và lịch trình tu có 6 cách mới viên mãn (Câu xá luận, Chính 29/118). Gọi là sổ tức quán, là có lẽ vì sổ (đếm hơi thở) đứng đầu trong 6 cách. Có điều cần ghi nữa, là do sự khảo chứng, A na bát na rất liên hệ với "Lục tự chương cú đà la ni", tức là liên hệ đến việc niệm ngài Quan âm mà trì chú để trừ độc hại (lục tự: 6 chữ, là vì niệm ngài Quan âm mà trì chú thì thoát khổ 6 đường, được 6 diệu môn và chứng công đức của 6 căn, chứ không phải số chữ của chú có 6),lại còn liên hệ đến việc ngài A nan trì chú để trừ chú của Ma đăng già. Tham chiếu Phật học đại từ điển, trang 637d và 638t/g.
(26) Đúng ra thì phải để bất tịnh quán trước sổ tức quán, và ở đây chỉ thấy nói 2 thứ này (Câu xá luận, Chính 29/118g).
(27) Cọng với 2 thứ nữa, và thứ tự như sau, gọi là ngũ đình tâm quán: bất tịnh, từ bi, duyên khởi, lục giới, trì tức (Câu xá Quang ký, Phật học đại từ điển trang 555).
(28) 7 phương tiện (hay 7 hiền, 7 da hành). Tôi xin kê thẳng sau đây, theo nguyên văn luận Câu xá (Chính 29/116-121). Muốn đến Kiến đạo vị (giác ngộ tứ đế) trước hết phải giữ giới, rồi văn tư tu chánh pháp thuận với sự kiến đế (kiến đạo). Văn là xét theo văn, tư là xét theo văn và nghĩa, tu là xét theo nghĩa. Đó là giai đoạn 1, tạm gọi là phát tâm muốn được kiến đạo. Qua giai đoạn 2 là thân khí thanh tịnh (sạch sẽ khí cụ kiến đạo là bản thân) gồm có thân tâm đều tách rời, thích đủ và ít muốn, và sống theo 4 giống thánh. Thân tách rời là tách rời sự cư trú hỗn tạp; tâm tách rời là tách rời sự nghĩ bậy. Thích đủ là với đồ dùng đã có không ức vì không tốt không nhiều; ít muốn là với đồ dùng chưa có không mong tốt mong nhiều. Giống thánh là sinh ra các vì Thánh; 4 giống thánh là không ham đồ mặc, đồ ăn và đồ nằm mà lại ham đoạn ác tu thiện (4 thứ này, 3 thứ đầu nhắm bỏ đồ sống thế tục, 1 thứ sau nhắm bỏ sự nghiệp thế tục). Qua giai đoạn tu sửa khí cụ này rồi bước vào giai đoạn tu sửa chính thức, mà 7 phương tiện là phần một, gọi là Da hành vị (còn phần hai gọi là Kiến đạo vị, phần ba gọi là Tu đạo vị). 7 phương tiện là tu bất tịnh quán (nếu tham mạnh) hay trì niệm tức (nếu nghĩ nhiều), 1 trong 2 thứ này thành là thành Xa ma tha (chỉ): đó là một. Rồi để được Tì bát xá na (quán) thì tu tứ niệm xứ bằng 2 cách: Quán riêng 4 thứ thân thọ tâm pháp, là hai. Rồi từ pháp niệm xứ tổng tạp (chung 2 đến 4 niệm xứ mà quán) quán cả 4 thứ đều vô thường, khổ, không, vô ngã (gọi là 4 hành tướng) là ba. Tiếp theo, khởi sự vẫn đặt chân từ pháp niệm xứ, quán tứ đế bằng 16 hành tướng thì tuần tự thành 4 thiện căn "thuận quyết trạch phần" là Noãn (thứ tư) Đảnh (thứ năm) Nhẫn (thứ sáu) và Thế đệ nhất (thứ bảy). Điều cần nói thêm, là trong 4 thứ sau (mà thông thường gọi là 4 Da hành hay 4 thiện căn), đến Noãn và Đảnh thì có thể chuyển chủng tánh Thanh văn thành chủng tánh Bồ tát. Đến Nhẫn thì hết chuyển được, vì Nhẫn không còn thoái đọa ác đạo, mà Bồ tát thì phải vào đó mà lợi tha. Nhưng chủng tánh Độc giác thì cả 3 đều chuyển được. Còn sự đốn ngộ thì chỉ từ đệ tứ thiền, "một ngồi là giác ngộ" (Chính 29/120-121). Xin nhắc lại, muốn rõ hơn những điều lược ghi trên thì đọc xuất xứ trên. Tôi phụ chú điều này hơi nhiều là có nhiều dụng ý, trong đó dụng ý chính là để người sám hối thấy căn bản tu chứng rõ rệt là gì.
(29) Thế nào gọi là thị tướng và bất thị tướng, chưa thấy ai tìm được xuất xứ, do đó cũng chưa thấy ai giải thích thỏa đáng. Nếu tin vào sự cẩn trọng của ngài Trí chứng, thì "theo pháp mà tu, tám tướng rõ ràng, nên gọi là thị tướng", và"tổng quán các pháp không, không pháp sở đắc, nên gọi là bất thị tướng" (Vạn 129/172b). Nhưng nếu theo ý này thì phải dịch: nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tám thứ chánh đạo là pháp thị tướng, nổi cái phiền não ... bảy thứ giác chi là bất thị tướng. Phần tôi chỉ xin tồn nghi.
(30) Thói quen ác nghiệp, nguyên văn dùng chữ kiết tập, là chỉ cho phiền não loại huân tập.
(31) Dịch sát nguyên văn là làm sạch quốc độ, nhiếp hóa chúng sinh. Nhưng câu này xuất từ nguyên ngữ "tịnh Phật quốc độ thành tựu chúng sinh" trong Pháp hoa, nên dịch như vậy và ý nghĩa vẫn một.
(32) Nhất xiển đề: dịch âm chữ Phạn Icchantika (kẻ thích sống trong sinh tử). Tội của kẻ nhất xiển đề là ngoài 5 nghịch tội của vô gián ngục, còn phủ nhận nhân quả và phỉ báng Tam bảo. Nên nhất xiển đề là kẻ "ý nghiệp cực ác, bạn ác phụ họa, tà kiến (kiến thức và chủ thuyết tà ngụy) thượng mạn (kiêu ngạo bậc nhất), không sợ ác đạo (địa ngục vân vân) không tâm trắc ẩn (mất hết lương năng)" (Vạn 129/176a). 5 nghịch tội là hại cha, hại mẹ, hại La hán, phá tăng chúng hòa hợp, làm đổ máu thân Phật. 5 thứ này lại còn 2 loại nữa, là 5 nghịch tội riêng của đại thừa và 5 nghịch tội đồng loại. (Tham chiếu Phật học đại từ điển, trang 539-540).
(33) 6 ngày ăn chay hằng tháng: mồng 8, 23; 14, 29 (hoặc 28); rằm, 30 (hoặc 29). 3 tháng ăn chay hằng năm: giêng, năm, chín.
(34) 8 tiết là lập xuân, xuân phân; lập hạ, hạ chí; lập thu, thu phân; lập đông, đông chí.
(35) Luật ác, nguyên văn là ác luật nghi, đúng nghĩa là giới luật ác, tức nguyện làm ác. Tuân theo kỷ luật ác cũng là loại này. Trái với ác luật nghi là thiện luật nghi, là giới luật Phật chế.
(36) Đoạn này nguyên văn không rõ, giải thích cũng không thấy được vừa ý. Nguyên văn là"thường lạc diệu trí, bát tự tại ngã". Theo ý ngài Trí chứng (Vạn 129/179a) thì cả 2 câu này chỉ nói về 4 đức thường lạc ngã tịnh: Thường lạc là thường và lạc, Diệu trí là tịnh, Bát tự tại là ngã. Đó là ý kiến xứng đáng nhất. Phần tôi, khi dịch"bốn đức thường lạc" là 4 đức thường lạc ngã tịnh,"bốn thứ diệu trí" và"tám tự tại ngã" là tách ra, dịch cho đủ các đức của Phật. Chú thích: 4 diệu trí là thành sở tác, diệu quán sát, bình đẳng tánh, đại viên cảnh. 8 tự tại ngã dễ nhớ và tra.
(37) Xuất xứ: kinh Niết bàn. Trọn lời là "Tất cả đều sợ khí giới gậy gộc, hết thảy các loài đều thích sự sống, tự tha ..." (Vạn 129/179a dẫn). Pháp cú cũng nói như vậy,"Tất cả mọi loài đều sợ chết chóc, ai cũng sợ hãi cái đau gậy gộc, tự tha ..." (Chính 4/565g).
(38) Thực phẩm khác, các bản chú thích đều nói khác là khác với thịt cá, tức rau trái. Văn khí thì cũng vậy. Nhưng thiển ý thấy tuồng như chỉ cái gọi là 3 thứ tịnh nhục. Ăn thịt con trong thời đói là có lúc và có nơi, khi đói, đã đổi con cho nhau mà ăn. Huống chi ăn ngay thịt cá là ăn thịt cá tức ăn người thân của mình.
(39) Đặt máy nguyên văn là bát. Có lẽ là bẫy. Dịch là máy, là theo Vạn 129/180b.
(40) Nhất là dùng đạn, dịch như vậy là theo ý ngài Trí chứng (Vạn 129/180b). Ngài nói rõ đời ngài đạn đã làm bằng đất, đá, chì và sắt. Tôi theo ý ngài, vì đạn là vật mà xưa nay, nhất là nay, là khí giới đi liền với sát sinh nhất. Dẫu rằng, theo nguyên văn, chữ đạn ở đây phải đọc là đàn, đi đôi chữ xạ, chỉ có nghĩa là bắn (bằng cung nỏ). Để bắt để đâm là tôi thêm, tả cho hết cái dụng của những khí giới đã kê.
(41) Bò, gồm có trâu.
(42) Mai, nguyên văn là giáp, nghĩa là vỏ. Nhưng tiếng ta nói vỏ ốc, vỏ trai, còn rùa thì lại nói là mai. Vậy phải hiểu mai là cả vỏ nữa.
(43) Biên giới, nguyên văn là cương dịch (không phải cương trường). Cương là bờ cõi khu lớn. Dịch là bờ cõi khu nhỏ.
(44) Sát thì câu này chỉ dịch vung mác múa giáo là đủ, nhưng đủ nghĩa đen mà không đủ ý nghĩa.
(45) Nguyên văn chữ phẩn, ở đây nghĩa là dọn bỏ đi, không phải nghĩa là phân.
(46) Có chỗ nói rau tươi là thái, rau khô là như (Vạn 129/181b). Nhưng tự điển là rễ. Các thứ củ cũng cùng loại.
(47) Trong đoạn này, ngoài những ác nghiệp sát sinh quá quắt, có một số vô ý hay không thể tránh, khó tránh. Nhưng mà như thế không phải là vô tội. Thế giới chung của ta và loài vật là thế giới nghiệp quả, là kết quả của ác nghiệp, nên làm khổ lẫn nhau, sống cho được mà tránh cho được tội lỗi là điều không dễ. Nhưng chính điều này cho thấy càng không dễ tránh thì càng phải cố mà tránh.
(48) Sát thì phải dịch ngựa, lừa, loa, lạc đà.
(49) Tăng man: dịch âm chữ Phạn. Dịch ý là đối diện thí: hiện tiền đối diện mà cúng dường.
(50) Chu toàn, nguyên văn là châu triền, ngài Trí chứng nói chiều chuộng bảo toàn (Vạn 129/184a) ngài Đế nhàn nói thân thiện vãng lai (Đn 10/1135).
(51) Lãnh giao hàng hóa, nguyên văn là bác hóa, nghĩa đen là thông thương hàng hóa, chỉ cho những cách làm trung gian trong việc thương mãi mậu dịch.
(52) Đấu, khuê, cáp: là đồ đong. Phân và thù là đồng cân.
(53) 4 loài, nguyên văn là tứ sinh. Không rõ tứ sinh ở đây có phải sinh bằng thai, bằng trứng, bằng thấp khí và bằng biến hóa, hay không. Hay chỉ có nghĩa là mọi người mọi vật.
(54) Đúng ra thì phải gọi là trì tức niệm: nghĩ nhớ về hơi thở. Coi chú thích số 25.
(55) Nguyên văn là 16 hành quán. Nhưng gọi 16 hành tướng mới đúng (Chính 29/119). Xuất xứ này cũng kể rõ 16 hành tướng ấy. Lại xin coi chú thích số 28.
(56) Gió xoáy đất linh là tin gió có thần (mới xoáy) và đất có quỉ (mới linh). Ở đây ý nói thần gió thần đất đều đến.
(57) Đen, đúng ra là đen huyền. Xanh, phải nói là xanh lục. Đỏ, đúng ra là son. Tía, có 2: đỏ tía, tía tím.
(58) Tiếng căn bản nhất, nguyên văn là cung. Tiếng trong thanh nhất, nguyên văn là thương. Căn cứ để dịch: Vạn 129/189a. Đó là 2 tiếng đại diện cho tất cả âm thanh của nhạc.
(59) Cơ thể, nguyên văn là tứ đại. Tứ đại là thân. Tứ đại, hay tứ đại chủng, có 2 loại. Loại thế tục (theo sự biết phổ thông, không chính xác) là đất nước gió lửa ta thường nói. Loại thắng nghĩa (nghĩa chính) là kiên (cố thể: thể cứng) thấp (dịch thể: thể lỏng) noãn (nhiệt lực: sức nóng) động (động lực: sức động).
(60) Hai tướng, nguyên văn là nhị tướng. Nhị tướng, nghĩa đen nói hai tướng có lẽ không đúng bằng nói tướng hai. Thông thường cắt nghĩa nhị tướng là có + không, vân vân. Thật ra nhị tướng chính là khái niệm (tướng) mà thực chất là phân biệt đối chiếu (nhị). Tôi nói cái này là ngòi bút, thì cùng lúc đã có nghĩa tất cả cái khác không là ngòi bút ấy: như vậy là nhị tướng. Nói có, có nghĩa không phải có. Nói không cũng vậy. Nói một, có nghĩa không phải một. Nói hai cũng vậy. Hãy nhớ và tìm hiểu đoạn văn "hễ có là Văn thù thì tất có không là Văn thù, trong khi Văn thù thật Văn thù, không phải là và không là" của kinh Lăng nghiêm thì rõ. Do đó, bất nhị tướng là siêu việt khái niệm phân biệt đối chiếu ấy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Phát tâm Bồ-đề


Bhutan có gì lạ


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.42.137 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập