Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Từ Bi Thuỷ Sám Pháp [慈悲水懺法] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.35 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.45 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Từ Bi Thủy Sám Pháp

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Trí Quang

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -0Mb
Font chữ:

(Lạy Phật Và Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối)
Hết thảy chư Phật, vì thương chúng sinh, đã nói tổng quát về pháp Thủy sám, bằng cách đem nước từ bi tam muội rửa sạch tội lỗi. Vì vậy chúng con đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Từ trước đến đây đã sám hối xong ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, bây giờ rất nên đặc biệt sám hối những thứ ác nghiệp đã được tạo ra đối với Tam bảo.
Trong kinh huấn thị, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Tăng chúng khó gặp, đức tin khó có, giác quan khó đủ, thiện hữu khó gặp. Vậy mà ngày nay chúng ta nhờ có thiện nghiệp đời trước, đã được thân người, đã đủ giác quan, lại gặp thiện hữu, lại nghe Phật pháp. Với may mắn ấy, nếu như chúng ta, không cố dốc hết tất cả tâm lực, tinh tiến chuyên cần, thì e mai sau lại phải chìm mãi trong bể thống khổ đủ cả ngàn vạn, khó mà có ngày thoát ra cho khỏi.
Vì nhận thức đó, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Phật Bảo
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, thường bị vô minh che mất tâm trí, phối hợp phiền não khuất mờ tâm tư, đến nỗi thấy được tôn tượng của Phật mà cũng không biết hết lòng kính ngưỡng; khinh miệt tăng chúng, tác hại thiện hữu; phá tháp phá chùa, đốt kinh đốt tượng, đến nỗi làm cho thân Phật rỉ máu. Lại còn có kẻ thân mình thì ở phòng ốc hoa lệ, còn tượng tôn nghiêm để chỗ thấp xấu, khói xông nắng táp, gió lộng mưa xoang, bụi đóng đất dính, chim phá chuột gặm. Cũng có những kẻ đặt tượng tôn nghiêm ngay trong phòng mình, ở đã ở đó, ngủ cũng ở đó, không biết tôn trọng. Có lúc khỏa thân ngang qua trước tượng, cũng không lưu tâm ăn mặc nghiêm chỉnh. Che đèn ngăn nến, đóng chùa bít điện, làm mất ánh sáng nơi tôn tượng Phật. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Vô Ý
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đối với Phật pháp, đã cầm kinh sách bằng tay dơ bẩn. Đối trước kinh sách, nói phi chánh pháp, nói thô nói tục. Hoặc để kinh sách ngay trên đầu giường, nằm ngồi bất kính. Hoặc để kinh sách trong hòm trong hộp, có lúc mở mãi, có khi đóng hoài, sâu mọt hư rã. Đầu trục rơi rách (61) , bộ pho lẫn lộn. Kéo rút bất cẩn, rơi sót lầm lẫn (62) , giấy mực rách nát. Mình đã không tu theo kinh sách ấy, lại cũng chẳng chịu truyền bá cho ai. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Cố Ý
Có lúc nằm ngang mà nghe kinh pháp, có khi nằm ngữa đọc tụng kinh ấy. Lớn tiếng nói cười, làm loạn tâm người đang nghe kinh pháp. Hiểu sai lời Phật, nói lạc ý Thánh, tà pháp bảo chánh, cháp pháp bảo tà, giữ giới nói phạm, phạm giới nói giữ, tội nhẹ bảo nặng, tội nặng bảo nhẹ. Chép trước đem sau, chép sau đem trước, trước sau để giữa, giữa đưa trước sau. Tự ý trau chuốt văn từ kinh điển, hay chọn văn từ để vào sách mình. Thuyết pháp cho người thì vì lợi lộc, vì được tiếng khen hay được cung kính, không có tâm tốt. Thảo luận chánh pháp thì cố tìm lỗi của người diễn giảng, phi lý kích bác, chớ không cốt ý tăng thêm chánh giải, cầu pháp giải thoát. Coi nhẹ lời Phật, đề cao tà giáo. Phỉ báng đại thừa, ca tụng thanh văn. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Tăng Bảo
Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đối với Tăng chúng, hại cả La hán, phá Tăng hòa hợp, hại người lập chí mong cầu tuệ giác vô thượng bồ đề, làm cho tuyệt tự dòng họ Phật đà, làm cho Phật pháp không được lưu hành. Bóc lột tăng sĩ, hành hạ xuất gia, thậm chí không từ cả sự đánh mắng. Phá hoại tịnh giới, phá hoại oai nghi. Khuyến dụ kẻ khác bỏ bát chánh đạo, công nhận năm pháp (63) . Hoặc giả hình dạng của người xuất gia, dòm ngó dò xét nội bộ Tăng chúng. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Cả Tam Bảo
Đối trước kinh tượng, lõa lồ thân thể, y áo lôi thôi, cử động đường đột. Dày dép dơ bẩn, lại dám bước lên trên điện trên tháp. Vào chốn già lam, vẫn đi guốc bẩn. Hỉ nhổ dơ bẩn đất Phật đất Tăng. Cỡi xe vọt ngựa, xông vào tự viện. Cùng loại như vậy, đối với Tam bảo, tội lỗi đã có, quả thật vô lượng. Ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương Tam bảo, sám hối hết thảy.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Tam Bảo
Nguyện nhờ sám hối những thứ ác nghiệp đối với Phật đà, Phật pháp Tăng chúng, mà mọi đời kiếp thường gặp Tam bảo, tôn kính phụng sự không hề chán mỏi. Gấm vóc châu ngọc, âm nhạc hương hoa, những gì quí nhất đều đem hiến cúng (64) . Nếu gặp vị nào thành tựu Phật quả, thì nguyện trước tiên, được đến cầu Ngài khai mở cửa ngõ của cái chánh pháp mát ngọt như nước cam lộ vi diệu. Nếu Ngài niết bàn, nguyện được cái phước hiến cúng cuối cùng. Ở trong Tăng chúng, tu pháp lục hòa. Được sức tự tại, hưng thịnh Tam bảo. Trên thì hoằng dương chánh pháp của Phật, dưới thì hóa độ muôn loài chúng sinh.
(Tàm Quí Để Sám Hối)
Đối với Tam bảo, những tội lỗi nặng, cùng tội lỗi nhẹ, đã sám hối rồi, bây giờ tiếp theo, những ác nghiệp khác, chúng con tuần tự sám hối thêm nữa.
Trong kinh huấn thị, có hai hạng người có sức mạnh nhất, một là tự mình không tạo tội ác, hai là tạo rồi mà biết hối bỏ. Có hai đưc tính trong trắng bậc nhất, có đủ năng lực làm cho con người triệt bỏ tội ác, một gọi là tàm, là chính tự mình không tạo tội ác, hai gọi là quí, là không khuyến dụ kẻ khác làm ác. Có tàm có quí là có tư cách của một con người, nếu không tàm quí thì không khác gì những loài cầm thú. Chính nhận thức này làm cho chúng con ngày nay chí thành qui y nơi Phật, sám hối đúng như giáo huấn của Ngài.
Sám Hối Ác Nghiệp Mê Tín
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con tin theo lý thuyết vừa cong vừa ngược, sát hại sinh vật giải tấu quỉ thần, những loài yêu quái. Là muốn kỳ vọng mạng sống kéo dài, nhưng mà chung cục không thể đạt được. Lại có những kẻ nói dối thấy quỉ, giả xưng lời thần. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Ngạo Ngược
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con nói năng cử động ngạo ngược phách láo, tự cao tự đại. Ỷ thị dòng họ, khinh miệt hết thảy. Ỷ sang khinh hèn, lấy mạnh hiếp yếu. Chè chén đấu loạn, bất kể quen lạ; say sưa suốt ngày, hết biết tôn ti. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Nhậu Nhẹt
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con ham ăn háu uống, không kể giờ giấc, chẳng cần chừng mực. Ăn sống thịt cá (65) , ăn năm vị tân, nồng hôi kinh tượng, nồng ngạt những kẻ chỉ biết chay tịnh. Phóng túng dục vọng, buông thả ước mơ, không biết kềm chế. Xa lánh người tốt, thân gần bạn xấu. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Tự Thị
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con kiêu căng làm bộ, kiêu ngạo tự chuyên. Ương ngạnh xúc phạm, bất kể nhân tình. Tự cho mình phải, bảo ai cũng trái. Mơ ước viễn vông, hành động phiêu lưu. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Buôn Lường
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con hễ thấy của cải là hết nhường nhịn, hết cả liêm sỉ. Bằng nghề thợ thịt, bằng sự buôn rượu, lừa dối mà sống. Cho vay tính lời, tính cả giờ ngày (66) . Gom góp khắc nghiệt, ham hố không nản. Nhận của hiến cúng, không biết hổ thẹn. Giới đức không có, nhận của hiến cúng một cách vô bổ. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Tàn Nhẫn
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con đánh đập tôi tớ, hành hạ thuộc hạ, không hỏi đói khát, chẳng nghĩ nóng lạnh. Phá cầu triệt cống, lấp đường bít ngõ. Tội lỗi như vậy, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Sám Hối Ác Nghiệp Phóng Túng
Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, đệ tử chúng con phóng túng buông thả, đãng tính náo động. Đánh bạc đánh cờ, kết đoàn họp lũ. Uống rượu ăn thịt, quấy nhau tiễn nhau. Đấu hót vô vị, bàn tán chuyện người. Cùng năm suốt tháng, chôn khống thì giờ. Đầu đêm cuối đêm, cũng như giữa đêm, không có lúc nào tu tập các hạnh tụng kinh tham thiền. Nhác cho đến nỗi nằm suốt cả ngày như cái thây chết. Đối với sáu chỗ đặt để tưởng niệm, chưa có lúc nào tâm trí biết đến. Nhìn thấy việc tốt mà người khác có, lòng mình tức thì nổi lên đố kﮠLòng đầy độc địa, dậy đủ phiền não. Đến nỗi làm cho cuồng phong tội lỗi thổi bùng củi lửa của bao ác nghiệp, bùng cháy mãi hoài, không lúc nào tắt. Thiện nghiệp kém cỏi của thân miệng ý cháy tan hết thảy. Thiện nghiệp đã cháy, thành "nhất xiển đề", đọa đại địa ngục, hết mong giải thoát. Vì nhận thức này, ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, hướng về mười phương thường trú Tam bảo, sám hối tất cả.
Sám Hối Tổng Quát Về Các Ác Nghiệp
Từ trước đến đây, bao nhiêu ác nghiệp, hoặc nặng hoặc nhẹ, hoặc to hoặc nhỏ, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc làm bằng cách vui vẻ tán đồng, hoặc làm bằng cách sử dụng thế lực buộc kẻ khác làm, cùng loại như vậy, cho đến ca tụng những kẻ làm ác, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, sám hối tất cả.
Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên
Nguyện nhờ công đức phát lộ sám hối hết thảy ác nghiệp, mà mọi đời kiếp, từ hòa trung hiếu, khiêm tốn nhẫn nhục. Biết liêm biết sỉ, hỏi trước ý người. Hiền lương nghiêm chính, trong sạch trung hậu, nhường nhịn bao dung. Lánh xa kẻ ác, thường gặp duyên lành (67) . Kềm chế sáu căn, phòng vệ ba nghiệp. Nhẫn khổ chịu nhọc, lòng không lùi bước. Lập chí bồ đề, không phụ chúng sinh. Phát thệ nguyện rồi, chúng con nhất tâm đảnh lễ chư Phật :
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
Quả Báo Khó Tránh Nhưng Sám Hối Trừ Được
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Từ trước chúng con đã sám hối xong về phiền não chướng và ác nghiệp chướng. Còn khổ báo chướng thì bây giờ đây, chúng con tuần tự phát lộ sám hối.
Trong kinh huấn thị, khi quả báo đến, không phải trong không, không phải trong bể, không phải trong núi, không phải trong chợ, không một chỗ nào trốn thoát cho được, khỏi bị nhận lấy quả báo của nghiệp (68) . Chỉ duy sức mạnh của sự sám hối mới có khả năng làm cho biến mất.
Tại sao biết được? Thì như Đế thích, khi năm suy tướng hiện ra đủ cả, lòng rất hãi sợ, khuynh tận chí thành qui y Tam bảo, năm suy tướng ấy tức thì biến mất, phước thọ Đế thích được kéo dài ra. Những việc như vậy, kinh điển đã kể, không phải là một. Vì vậy mà biết, quả thực sám hối có cái năng lực triệt hạ khổ báo.
Cảnh Giác Sự Chết Và Khổ Báo
Thế nhưng phàm phu, nếu không gặp được thiện hữu dẫn dắt, thì tội ác nào cũng phạm vào cả. Làm cho đến lúc sinh mạng sắp hết, trong cái thì gian sắp tận cùng này, cảnh tượng ghê rợn quả báo địa ngục hiện ra đủ cả. Bấy giờ trong lòng, hối hận sợ hãi chen nhau kéo đến. Sống không dự bị tu tập thiện nghiệp, đến lúc cùng đường mới phải hối tiếc. Nhưng mà hối tiếc lúc đã quá muộn, làm sao kịp nữa. Quả báo thiện ác thật khác hẳn nhau, đến nỗi có thể dự bị trước đi mà đợi chờ chúng một cách nghiêm trọng (69) . Nên kẻ làm ác sẽ phải đơn độc đến thẳng địa ngục. Chỉ có đi tới, lăn vào vạc lửa, cơ thể rã nát, nghiệp thức thống khổ. Trong lúc như vậy, muốn cầu một lạy, muốn sám một lời, làm sao có được.
Cảnh Giác Vô Thường
Vì vậy chúng ta phải rất thận trọng, đừng ỷ tuổi trẻ, tiền tài thế lực, mà dung thứ mình biếng nhác phóng túng và tự buông thả. Cái chết mà đến, bất kể già trẻ, giàu nghèo sang hèn, đều tiêu tan cả. Vậy mà nó đến lại rất bất thần, không cho ai hay. Sinh mạng vô thường, giống hệt sương mai. Một hơi thở ra tuy đang còn đó, đến hơi thở vào mà không vào được, là đã khó giữ. Tại sao chúng ta xao lãng điều ấy, để rồi không lo nỗ lực sám hối? Hễ năm thiên sứ đã xuất hiện cả, và sự vô thường, con quỉ giết người, bất thần ập đến, thì dẫu tuổi trẻ, dẫu đang khỏe mạnh, cũng khó thoát khỏi (70) . Đến lúc bấy giờ, lầu đẹp nhà sâu đâu liên hệ gì, xe cao ngựa lớn đâu mang theo được, vợ con thân thích không còn của ta, tiền tài bảo vật hóa ra của người (71) . Cho nên quả báo thuộc thế gian này, hết thảy toàn là ảo thuật biến hóa.
Cảnh Giác Luân Hồi Khổ Báo
Ngay như quả báo ở trên loài trời, tuy là vui sướng, nhưng mà chung cục cũng phải tan hoang, sinh mạng kết thúc, nghiệp thức đọa lạc, tam đồ ác đạo, phi đấy thì đâu. Chính Phật từng dạy tôn giả Bạt đà, thầy cũ của ông, ông Uất đầu lam, trình độ lanh lợi, trí tuệ thông suốt, chế ngự phiền não, sinh lên cõi trời Phi phi tưởng xứ, vậy mà chết rồi lại làm cái thân của con phi ly thuộc loài súc sinh, huống chi kẻ khác. Cho nên chưa được thánh quả giải thoát, từ đó trở xuống, ai cũng luân hồi, qua khắp nẻo dữ. Nếu không thận trọng, bất thần một mai chính mình đích thân lãnh chịu việc ấy, sao khỏi hối hận. Ngay hiện đời này nếu bị tội vạ, phải đến cửa quan, thì đã khổ sở, và dẫu chỉ là cái khổ nhỏ nhặt, nhưng trong lòng dạ đã thấy sợ hãi, thân nhân âu lo, cầu cứu đủ cách. Cái khổ địa ngục, so với khổ ấy, dẫu được nhân lên đến ức triệu lần, cũng vẫn không đủ so sánh diễn đạt. Tất cả chúng ta, đời kiếp đã qua nhiều như cát bụi, tội ác đã tạo tất bằng núi cao, làm sao nghe thế mà lại an nhiên, không e không sợ, để rồi một mai nghiệp thức lại chịu nỗi thống khổ ấy, thì thật đau xót. Vì vậy chúng ta phải tận lòng thành, khẩn cầu sám hối.
Sám Hối Khổ Báo Địa Ngục A Tì
Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, những khổ báo chướng nhiều đến vô lượng, nhưng nặng bậc nhất là A tì ngục. Căn cứ kinh điển, ở đây tổng quát nói về ngục ấy.
A tì địa ngục có bảy lớp thành làm toàn bằng sắt, vây bọc chung quanh. Bảy lớp lưới sắt giăng phủ ở trên. Dưới ngục lại có bảy lớp đao sắt, bủa thành rừng rậm. Lại còn vô số lửa ngọn dữ dội, phạm vi dài rộng có đến tám vạn bốn ngàn do tuần. Thân thể tội nhân tràn đầy trong đó, và vì ác nghiệp mà không vướng nhau. Lửa trên thấu dưới, lửa dưới thấu trên, lại còn giao nhau tràn khắp bốn hướng. Y như con cá để vào lò nướng, mỡ dầu khô cả, trong A tì ngục, tội nhân cũng vậy. Thành ngục A tì có bốn cửa ngõ, mỗi cửa có một chó đồng cực lớn, mình chúng dài rộng bốn ngàn do tuần, nanh vút nhọn dài, mắt như điện chớp. Lại còn vô số giống chim mỏ sắt, vỗ cánh bay lên ăn thịt tội nhân.
Ngục tốt đầu trâu hình giống la sát, có chín cái đuôi, đuôi như sắt tõe. Lại có chín đầu, trên mỗi chiếc đầu có mười tám sừng. Mỗi sừng có đến sáu mươi bốn mắt, bất cứ mắt nào cũng tuôn tóe ra những viên sắt nóng, đốt thịt tội nhân. Mỗi khi tức giận, tiếng chúng rống lên in như sấm sét. Trong thành A tì lại còn vô số những bánh xe đao, từ không đổ xuống, đâm vào trên đầu, tuôn ra dưới chân. Tội nhân do đó, đau suốt xương tủy, đau cắt tim gan. Vậy mà phải qua vô số năm tháng, muốn sống không được, muốn chết không xong. Khổ báo như vậy, ngày nay chúng con khẩn thiết tàm quí, sám hối tất cả.
Sám Hối Khổ Báo Các Địa Ngục Khác
Lại nữa chúng con sám hối khổ báo đầu rơi thân rã của trong địa ngục núi đao cây kiếm. Sám hối khổ báo đốt nướng chưng nấu của trong địa ngục vạc sôi lò đỏ. Sám hối khổ báo thiêu đốt tiêu cháy của trong địa ngục giường sắt trụ đồng. Sám hối khổ báo bửa nát nghiền vụn của trong địa ngục bánh đao xe lửa. Sám hối khổ báo thống khổ khốc liệt của trong địa ngục kéo lưỡi trâu cày.
Sám hối khổ báo tạng phủ tiêu rã của trong địa ngục nuốt hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi. Sám hối khổ báo xương thịt nát nhuyễn như tro như bột của trong địa ngục cối xay bằng sắt (72) . Sám hối khổ báo chân tay lóng đốt bị cắt rã rời trong ngục giây đen (73) . Sám hối khổ báo ngột ngạt chết ngất của trong địa ngục sông tro phân sôi. Sám hối khổ báo da bị nứt rã, cả người lột ra và bị đông lạnh, của trong địa ngục nước mặn băng lạnh.
Sám hối khổ báo tàn hại lẫn nhau trong ngục lang sói, chim cắt và chó (74) . Sám hối khổ báo bắt nhau túm nhau mà chặt mà đâm của trong địa ngục đao binh móng vút. Sám hối khổ báo bị thui bị nướng trong ngục hầm lửa (75) . Sám hối khổ báo hình hài dẹp nát trong ngục chọi nhau của hai khối đá. Sám hối khổ báo bị mổ bị xé của trong địa ngục họp chung tai đen (76) .
Sám hối khổ báo bị chém bị chặt của trong địa ngục núi thịt u tối. Sám hối khổ báo bị đứt bị thủng của trong địa ngục cưa xẻ đinh đóng. Sám hối khổ báo bị mổ bị cắt của trong địa ngục bổng sắt treo ngược. Sám hối khổ báo nóng bức oán kêu (77) của trong địa ngục nóng cháy kêu gào.
Sám hối khổ báo trường kỳ mù mịt, không hề thấy được ba thứ ánh sáng, ở trong khoảng giữa núi sắt lớn nhỏ vây quanh địa ngục. Sám hối khổ báo địa ngục ba ba, địa ngục bà bà, địa ngục tra tra, địa ngục la la (78) . Tám thứ cực lạnh, tám thứ cực nóng, các địa ngục này còn có tám vạn bốn ngàn ngục nhỏ, phụ thuộc với chúng.
Khổ báo trong đó toàn là nướng nấu, lột da róc thịt, róc xương nạo tủy, rút ruột bứt phổi, thống khổ vô vàn, nam mô Phật đà, đã không thể nghe, lại không thể tả. Vậy mà ngày nay, những kẻ trong đó, có thể đã là cha mẹ bà con nhiều kiếp của ta. Ngay như ta đây, cùng với bà con hiện thời của ta, sau khi chết rồi, cũng rất có thể lại đọa vào đó. Vì vậy ngày nay phải rửa lòng dạ, khẩn thiết cầu nguyện, chí thành đảnh lễ, hướng về mười phương chư Phật Thế tôn, Đại địa Bồ tát, thiết tha sám hối, cầu nguyện hết thảy khổ báo như vậy tan biến tất cả.
Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Khổ Báo Địa Ngục
Nguyện nhờ công đức chí thành sám hối khổ báo địa ngục, làm cho thành sắt của A tì ngục tức thì sụp đổ, tất cả biến thành thế giới thanh tịnh, cái tên ác đạo cũng không còn nữa. Các địa ngục khác, hết thảy phương tiện làm khổ tội nhân biến thành yếu tố đem lại an lạc. Núi đao cây kiếm biến thành rừng quí, vạc sôi lò đỏ hóa hiện hoa sen. Ngục tốt đầu trâu hết cả tàn bạo, lòng đầy từ bi, không một ác ý. Hết thảy tội nhân ở trong địa ngục đều thoát khổ báo, không còn gây lại cái nhân địa ngục. Ai cũng hưởng được một sự vui vẻ y như cái vui cõi Thiền thứ ba. Tất cả cùng phát đạo tâm vô thượng (79) .
Sám hối xong rồi, chúng con chí thành qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo:
Nam mô Tì lô giá na phật,
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật,
Nam mô A di đà phật,
Nam mô Di lạc phật,
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,
Nam mô Long tự tại vương phật,
Nam mô Bảo thắng phật,
Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật,
Nam mô Ca sa tràng phật,
Nam mô Sư tử hống phật,
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát,
Nam mô Phổ hiền bồ tát,
Nam mô Đại thế chí bồ tát,
Nam mô Địa tạng bồ tát,
Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát,
Nam mô Quan tự tại bồ tát.
(Cảnh Giác Kẻ Chỉ Lo Hiện Tại Mà Không Biết Lo Tương Lai)
Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Đã sám hối xong khổ báo địa ngục, bây giờ tiếp theo, sám hối khổ báo của ba ác đạo.
Trong kinh huấn thị, kẻ ham muốn nhiều, vì nhiều cầu lợi nên khổ cũng nhiều. Người biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui sướng. Không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng không xứng ý. Nhưng người ở đời, thoáng bị cấp nạn, là xả của cải, không kể ít nhiều. Vậy mà không biết thân này đang ở trên bờ vực thẳm của ba ác đạo, chỉ một hơi thở không trở vào lại, là sẽ có thể sa xuống vực ấy. Nếu được thiện hữu khuyên tạo phước đức, để làm lương thực cho đời vị lai, cũng vẫn keo kiệt, không chịu làm theo. Những kẻ như vậy mới thật chí ngu. Vì lẽ trong kinh Phật đã huấn thị, sinh ra đã không mang theo một đồng, chết rồi cũng chẳng cầm theo một chữ. Khổ thân tích chứa, lo lắng vì của, rốt cuộc vô ích cho bản thân mình, mà lại biến thành của cải kẻ khácmột cách vô lối. Không một thiện nghiệp có thể nhờ vả, không một công đức có thể cậy trông, nên sau khi chết, phải sa ác đạo.
Vì nhận thức đó, ngày nay chúng con đem cả tính mạng qui y đảnh lễ Tam bảo vô thượng, chí thành sám hối.
Sám Hối Khổ Báo Súc Sinh
Trước tiên sám hối khổ báo súc sinh: Sám hối khổ báo không có trí thức của loài súc sinh. Sám hối khổ báo chở nặng kéo cày để trả nợ cũ của loài súc sinh. Sám hối khổ báo không chút tự tại, bị chặt bị đâm, bị mổ bị cắt của loài súc sinh. Sám hối khổ báo không chân hai chân, bốn chân nhiều chân của loài súc sinh. Sám hối khổ báo mình nhiều lông vảy, trùng nhỏ xúm ăn (80) của loài súc sinh. Cùng loại như vậy, khổ báo súc sinh vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, sám hối tất cả.
Sám Hối Khổ Báo Ngạ Quỉ
Tiếp theo sám hối khổ báo ngạ quỉ: Sám hối khổ báo trường kỳ đói khát, cái tên nước uống, ngàn vạn năm tháng cũng không được nghe của loài ngạ quỉ. Sám hối khổ báo phải nuốt máu mủ, phải ăn phân dơ của loài ngạ quỉ. Sám hối khổ báo khi thân cử động, tất cả chân tay và các đốt xương bốc lửa mà cháy của loài ngạ quỉ. Sám hối khổ báo bụng lớn cổ nhỏ của loài ngạ quỉ. Cùng loại như vậy, khổ báo ngạ quỉ vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, sám hối tất cả.
Sám Hối Khổ Báo Quỉ Thần
Sau hết sám hối khổ báo quỉ thần trong loài tu la: Sám hối khổ báo dua nịnh kiêu căng, phối hợp xảo trá của loài quỉ thần. Sám hối khổ báo gánh cát vác đá lấp sông trấn bể của loài quỉ thần. Sám hối khổ báo ăn sống nuốt tươi, hình thù quái dị (81) của các ác quỉ, như loài la sát, loài cưu bàn trà trong loài quỉ thần. Cùng loại như vậy, khổ báo quỉ thần cũng không phải ít, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật, Đại địa Bồ tát, khẩn cầu sám hối, nguyện tiêu diệt cả.
Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Khổ Báo Của 3 Ác Đạo
Nguyện nhờ công đức sám hối khổ báo của loài súc sinh, mà mọi đời kiếp, xé màng ngu si (82) , tự biết nghiệp mình, tuệ giác soi sáng, bỏ thân ác đạo. Nguyện nhờ công đức sám hối khổ báo của loài ngạ quỉ, mà mọi đời kiếp, hết hẳn nỗi khổ tham lẫn đói khát, thường hưởng mùi vị giải thoát cam lộ. Nguyện nhờ công đức sám hối khổ báo của loài quỉ thần, mà mọi đời kiếp, chất phác ngay thẳng, không còn dua nịnh, bỏ cái nghiệp nhân mưu sinh bất chính, hết cái khổ báo hình hài thô lậu, đem phước của mình ích lợi cho người, cho cả chư thiên. Chúng con nguyện rằng, từ nay sắp đi, cho đến cái ngày được ngồi ở nơi bồ đề đạo tràng (83) quyết định không còn chịu lại khổ báo của bốn ác đạo, chỉ trừ trường hợp vì lòng đại bi thương xót chúng sinh, thì dùng năng lực chí nguyện thượng đẳng, ở mãi không chán.
(Mọi Sự Trái Ý Đều Là Dư Báo)
Sám hối khổ báo của ác đạo rồi, bây giờ tiếp theo, lại nên sám hối khổ báo thặng dư của trong nhân gian, cũng như cùng loại của trong loài trời.
Chúng ta bẩm thụ sinh mạng Diêm phù, tuy nói trăm tuổi, nhưng có mấy ai sống đủ số đó. Trái ngược số đó, những kẻ tuổi trẻ chết yểu chết oan, mới thật vô số. Huống chi con người chỉ có đủ thứ hình thái khổ đau nung nấu tâm can, đè ép hình hài. Những nỗi buồn phiền, lo lắng kinh sợ, chưa có mấy chốc tách khỏi tâm tư. Khổ báo như thế là vì thiện nghiệp thì quá bạc nhược, còn các ác nghiệp lại quá nảy nở. Đến nỗi đời này, hết thảy hoạt động đều không vừa ý. Và đó chính là những thứ khổ báo vẫn còn thặng dư, của các ác nghiệp đã được tạo ra trong thì quá khứ (84) .
Vì vậy ngày nay, chúng con cần phải sám hối vô số khổ báo thặng dư, của trong nhân gian cũng như loài trời, đã được gây nhân kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, và phải lãnh chịu trong đời hiện tại cùng đời vị lai.
Sám Hối Dư Báo Nhân Gian
Sám hối khổ báo họa thừa oán cũ, tật nguyền đau ốm, giác quan không đủ của trong nhân gian (85) . Sám hối khổ báo ở chỗ mọi rợ, kiến thức lầm lạc, ba ác tám nạn của trong nhân gian. Sám hối khổ báo nhiều bịnh ốm yếu, mạng sống ngắn ngủi, chết yểu chết oan của trong nhân gian. Sám hối khổ báo quyến thuộc thân yêu không thể giữ nhau cho được còn mãi của trong nhân gian. Sám hối khổ báo bạn bè tan tác, ân ái biệt ly của trong nhân gian. Sám hối khổ báo oan gia đối đầu, lo buồn sợ hãi của trong nhân gian. Sám hối khổ báo nước lửa trộm cướp, chiến tranh nguy khốn, khủng khiếp hãi hùng của trong nhân gian. Sám hối khổ báo cô đơn khốn khổ, lưu lạc tán loạn, lạc mất quê hương, xa mất đất nước của trong nhân gian. Sám hối khổ báo lao ngục giam cầm, nhốt tối nhốt xích, nhốt nghiêng nhốt đứng, tra khảo đánh đập của trong nhân gian. Sám hối khổ báo miệng của công quyền, lưỡi của tư nhân, khiến bị tai họa, hay bị vu nhục (86) của trong nhân gian.
Sám hối khổ báo bịnh dữ kéo dài, hết tháng liền năm, chỉ gối và nằm, liệt giường mòn chiếu mà không dậy nổi của trong nhân gian. Sám hối khổ báo các bịnh truyền nhiễm do thời khí xấu, bịnh sốt ác tính và bịnh thương hàn (87) của trong nhân gian. Sám hối khổ báo phong độc thũng đầy, sưng cứng bế tắc của trong nhân gian. Sám hối khổ báo bị quỉ thần ác rình rập cơ hội, gieo tai rắc họa của trong nhân gian. Sám hối khổ báo quái điểu kêu lên, quái quỉ xuất hiện, ngụy tạo yêu dị của trong nhân gian (88) .
Sám hối khổ báo bị cầm thú dữ trên đất dưới nước, loại như cọp sấu (89) , làm hại tính mạng của trong nhân gian. Sám hối khổ báo tự xiết tự đâm, những sự tự tử của trong nhân gian. Sám hối khổ báo nhảy xuống hố sâu, phóng vào lửa dữ, tự trầm tự nhào của trong nhân gian.
Sám hối khổ báo không có uy tín, không có tiếng tăm của trong nhân gian. Sám hối khổ báo y phục thực phẩm, vật dụng để sống (90) không được vừa ý của trong nhân gian. Sám hối khổ báo hết thảy hoạt động, bị người quen xấu tìm cách cản trở của trong nhân gian (91) .
Cùng loại như vậy, ngay trong đời này cũng như đời sau, ở trong nhân gian cũng như loài trời, khổ báo thặng dư có đến vô tận những sự tai họa, những điều ngang trái, những thứ biến cố, những bịnh thời khí, những bịnh truyền nhiễm, những điều ương ách, những sự khốn nạn, những thứ suy tổn, những việc quấy phá. Đệ tử chúng con ngày nay chí thành, hướng về mười phương chư Phật Pháp Tăng, khẩn thiết sám hối, nguyện tiêu diệt cả.
Tổng Kết Hồi Hướng
Từ trước đến đây, đã sám hối xong các phiền não chướng, các ác nghiệp chướng, trong đó bao gồm tội lỗi xuất từ ba nghiệp sáu căn, lại sám hối xong các khổ báo chướng, bao quát tất cả bốn loài sáu nẻo. Bây giờ tuần tự phát nguyện hồi hướng.
Đệ tử chúng con, nguyện đem công đức sám hối ba chướng, hồi hướng tất cả, hiến cho hết thảy mọi loài chúng sinh, cùng nhau sám hối.
Phát Nguyện Đặc Biệt
Cầu nguyện chúng con, cùng với chúng sinh, ngay trong đời này, thân tâm an lạc; ba tai tám nạn, những việc không phải cát tường như ý thì tiêu tan cả; ăn mặc không thiếu, chánh tín Tam bảo. Bỏ thân này rồi thì nguyện vãng sinh thế giới Cực lạc, đích thân bái kiến, lại được hầu hạ đức Phật Di đà, được Ngài thọ ký. Trong thì vị lai thì nguyện thấy được Di lạc Thế tôn, nghe được chánh pháp của Ngài giảng dụ, lại còn y theo sự giảng dụ ấy tinh tiến tu tập (92) .
Lại nguyện chúng con cùng với chúng sinh, tất cả đời kiếp, tất cả nơi chỗ, thường gặp quốc chúa hưng thịnh Tam bảo, không sinh gia đình ngoại đạo tà giáo. Chúng con lại nguyện, tất cả đời kiếp, tất cả nơi chỗ, hoa sen hóa sinh, dòng họ cao thượng, yên ổn vui vẻ, cơm áo tự nhiên. Chúng con lại nguyện, tất cả đời kiếp, tất cả nơi chỗ, nhân từ trung hiếu, đem tâm bình đẳng cứu giúp tất cả, không mống một niệm chống đối tác hại. Chúng con lại nguyện, tất cả đời kiếp, tất cả nơi chỗ, thường được chư Phật từ bi hộ niệm, chế ngự ma oán, cảm hóa ngoại đạo, được cùng Bồ tát sống chung một chỗ, tâm chí bồ đề liên tục không ngừng. Chúng con lại nguyện tất cả đời kiếp, tất cả nơi chỗ, rạng rỡ Phật pháp, hoạt dụng Đại thừa, phân thân vô số hóa độ mọi người, thẳng đến đạo tràng, không còn thoái chuyển.
Phát Nguyện Đồng Nhất
Như các đức Phật, các vị Bồ tát, đã phát thệ nguyện, đã tu phước trí, đã làm hồi hướng, ngày nay chúng con cũng học như vậy, mà phát thệ nguyện, mà tu phước trí, mà làm hồi hướng. Không gian dẫu hết, chúng sinh dẫu hết, hạnh nghiệp dẫu hết, phiền não dẫu hết, sự phát thệ nguyện, sự tu phước trí, sự làm hồi hướng chúng con thực tập, cũng không bao giờ có thể cùng tận.
Phát nguyện hồi hướng hoàn tất cả rồi, chúng con chí thành qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo.


Chú thích:
(61) Đầu trục là vì xưa, kinh viết rồi cuốn lại như bức tranh (nhưng ngắn và viết ngang). Nay đổi ra sách thì đầu trục thay bằng bìa: đầu trục hỏng là bìa hỏng.
(62) Nguyên văn vãn thoát lậu ngộ, nghĩa đen là kéo, rơi, sót, lầm, toàn là nói sự lấy bất cẩn. Nhưng ngài Trí chứng nói thêm, sót và lầm cũng còn có thể viết sót và lầm (Vạn 129/192b).
(63) 5 pháp, có 2 thuyết: 1 của ngài Trí chứng, coi Vạn 129/194a; 1 của ngài Đế nhàn, coi Đn 10/1179.
(64) Đủ và sát thì phải dịch: lụa quí, tơ màu, mọi thứ châu báu, chuỗi ngọc, trăm ngàn nhạc khí và âm nhạc, hương quí, lạ và nổi tiếng, hoa trái tươi tốt, cùng tận thế gian, đồ gì quí nhất thường đem cúng dường.
(65) Ăn sống thịt cá, nguyên văn là sinh cầm. Tự điển thì cầm là nem: sinh cầm là nem sống. Cầm cũng có nghĩa thịt thái nhỏ. Dịch ăn sống thịt cá (ăn gỏi) là theo ngài Đế nhàn.
(66) Sát nguyên văn thì phải dịch xuất ra thu vào đều tính lợi tức, tính giờ tính ngày (chứ không phải chỉ tính tháng, trội ít ngày cũng không kể). Ngài Đế nhàn lại nói cho mượn một buổi tính bằng một ngày.
(67) Duyên lành, (thiện duyên) là những yếu tố tốt. Trong đó, thiện tri thức (hay thiện hữu) là một yếu tố quan trọng, nên có lúc từ ngữ này cũng được dịch là bạn hiền.
(68) Nguyên văn "phi không phi hải trung, phi nhập sơn thạch gian, vô hữu địa phương sở, thoát chi bất thọ báo", có bản đổi chữ thạch ra chữ thị. Nếu chữ thị thì dịch như đã dịch là được. Nhưng ngài Trí chứng nói cả 2 Tạng mà ngài đối chiếu, đều viết thạch (Vạn 129/197b). Đại tạng kinh cũng viết như vậy (Chính 45/976b). Ngài lại còn kê 4 chỗ là không, bể, núi và đất, và nói bài kệ này dẫn kinh Bà là môn tị tử. Tra cứu thì kinh này là số 131 của Đại tạng (Chính 2/854). Kinh này là dị dịch của kinh số 4 phẩm 31 của Tăng nhất a hàm (Chính 2/688) tại đây kê rõ 4 nơi là bay ở trong không gian, vào tận đáy biển cả, vào trong lòng núi lớn (Tu di sơn), xuống tận đáy đất sâu (Kim cang tế), lại còn nói thay vì trốn mà không khỏi cái chết ở 4 nơi ấy, hãy tư duy tu 4 pháp sau đây thì thoát chết: vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn. Nhưng trong kinh Pháp cú có đến 2 chỗ nói về lời này: Chỗ thứ 1 nói"phi không phi hải trung, phi nhập sơn thạch gian, vô hữu địa phương sở, thoát chi bất thọ tử" (Chính 4/559g). Chỗ thứ 2 nói"phi không phi hải trung, phi ẩn sơn thạch gian, mạc năng ư thử xứ, tị miễn túc ác ương" (Chính 4/565t). Pháp cú thí dụ kể trường hợp của 2 lời này. Trường hợp thứ 1 là 4 anh em Phạn chí có thần thông, bàn nhau kẻ vào bể cả, kẻ vào núi tu di, kẻ ẩn mình trong hư không, kẻ lẫn mình trong chợ lớn, để trốn tử thần, nhưng đã không trốn khỏi (Chính 4/567). Trường hợp thứ 2 là ngài Mục liên dùng thần lực cứu người nước Xá di, mong khỏi sự báo thù của Lưu ly vương, mà cũng không khỏi được (Chính 4/590). Có lẽ xuất xứ Pháp cú thí dụ mới là nguyên văn mà Thủy sám trích dẫn, và viết thạch đúng hơn thị, nhưng ý và việc lại thiếu, nên có lẽ chính tác giả Thủy sám đã đổi thạch ra thị. Vì cuối cùng đã đổi tử ra báo (cho ăn với chỗ này nói về khổ báo), lại thêm 1 câu đầu (không phải chỉnh cú) và 2 câu cuối (chỉnh cú, để nói luôn về sức mạnh sám hối, rất thuận văn khí).
(69) Câu này cũng có thể dịch... đã dự bị trước mà chờ đợi ta ...
(70) 5 thiên sưắ, ngài Trí chứng dẫn luận Bà sa mà nói (Vạn 129/198a), đáng chú ý hơn lời giải thích của ngài Đế nhàn. Nhưng thông thường thì 5 thiên sứ là sinh, lão, bịnh, tử và vương pháp (tức luật pháp). 5 thứ này được Diêm vương gọi là thiên sứ, đem hỏi tội nhân mới đọa địa ngục, có mục kích không: đã mục kích mà không cảnh giác tu hành thì phải trị. Bản kinh nói về việc này đề là Diêm la vương ngũ thiên sứ giả, mang số 43 (Chính 1/828). Tăng nhất a hàm, kinh này là số 4, phẩm 32 (Chính 2/674), nhưng rõ nhất là Trung a hàm, số 64 (Chính 1/503). Đoạn văn trên đây, theo ngu ý, nói đến 2 sự vô thường. Vô thường có 2: 1. biến đổi luôn, gọi là sát na vô thường (sinh lão bịnh tử chỉ là biểu lộ rõ rệt của sự vô thường này); 2. biến đổi hẳn, gọi là nhất kỳ vô thường (tức là chết, nghĩa là sinh, nếu còn nghiệp). Quỉ sát nhân vô thường là chết, tức nhất kỳ vô thường, nên vô thường cũng gọi là chết.
(71) Rõ và đúng thì phải dịch "những đồ trang sức quí giá bằng bảy thứ trân bảo,thì thành ra đồ thưởng ngoạn của kẻ khác".
(72) Nguyên văn thiết ma, nghĩa là sắt mài. Những chữ ma một âm là má, là cối xay bằng đá. Thiết ma nên đọc thiết má: cối xay bằng sắt. Đọc thiết ma và dịch sắt mài cũng không trái nghĩa.
(73) Giây đen (hắc thằng) là trước dùng giây đen đo lường các bộ phận của cơ thể rồi chặt cưa (Câu xá luận cuốn 8, coi Phật học đại từ điển trang 1066d). Ngài Trí chứng nói loại như cực hình phân thây của thế gian (Vạn 129/200a).
(74) Câu này không rõ: tội nhân làm thân cầm thú mà hại nhau?
(75) Bị thui, nguyên văn là bào, chính nghĩa là bọc lại mà nướng.
(76) Họp chung (chúng họp) là nhiều hình cụ xúm lại mà hại (Câu xá luận cuốn 8, coi Phật học đại từ điển trang 1066d). Tai đen (hắc nhĩ),"là nhiều hình cụ họp chung, không hở một chút, nên tai mắt đều đen tối", đó là lời giải thích của ngài Trí chứng (Vạn 129/200a).
(77) Nóng bức oán kêu, nguyên văn là phiền oan. Ngài Trí chứng nói phiền là nhiều, oan là ức (Chính 129/200b). Nếu theo ý kiến này thì phải dịch lắm điều oan ức. Nhưng ngài Trí chứng lại nói nóng cháy (tiêu nhiệt) là viêm nhiệt địa ngục, kêu gào (khiếu hoán) là hào khiếu và đại khiếu địa ngục (Chính 129/200ab). Căn cứ vào đó mà tra (Câu xá luận cuốn 8, Phật học đại từ điển trang 1066d) thì viêm nhiệt là lửa theo mình bốc lên, bùng cháy khắp cả, nóng không chịu nổi; hào khiếu là đau quá mà phát ra tiếng thét gào oán kêu (oán, không phải oan). Như vậy, phiền oan (oán?) phải dịch nóng bức oán kêu.
(78) Là 4 trong 8 địa ngục cực lạnh, và là dịch âm của kinh Niết bàn cuốn 11, nhưng thứ tự là a ba ba, a tra tra, a la la, a bà bà. Mới đọc, thấy như tất cả đều hình dung những tiếng phát ra vì lạnh. Nhưng đúng ra thì trong 8 địa ngục cực lạnh, chỉ 3 thứ giữa mới là những cái tên hình dung những tiếng phát ra vì lạnh: thứ 3, a la la: atata; thứ 4, a bà bà: apapa; thứ 5, hầu hầu: hahadhara (dịch âm của ngài La thập, Trí độ luận cuốn 16, coi Phật học đại từ điển trang 1067tg).
(79) Nguyên văn là vô thượng đạo tâm. Đạo: bồ đề (tuệ giác). Đúng thì phải dịch tâm chí mong cầu tuệ giác vô thượng (vô thượng bồ đề: vô thượng đạo).
(80) Rõ thì câu này phải dịch mình có nhiều lông, nhiều lông cánh, nhiều vảy, có mai (hay vỏ), bị các loài trùng nhỏ xúm lại rúc vào rứt rỉa mà ăn. Chữ siệp (đọc tiệp thì nghĩa khác) tả 2 dáng: xúm ăn và rứt ăn.
(81) Rõ thì phải dịch "ăn sống máu thịt, chịu thân xấu xí".
(82) Rõ thì phải dịch "diệt trừ nhơ bẩn của sự ngu si".
(83) Được ngồi bồ đề tràng (đạo tràng) nghĩa là được thành Phật.
(84) Nguyên văn nhiều bản không có chữ sở trí. Đại tạng kinh cũng vậy (Chính45/987t). Có chữ đó thì có nghĩa"nguyên nhân là vì dư báo", không thì có nghĩa "chính đó là dư báo". Nghĩa sau đúnghơn.
(85) Họa thừa oán cũ, nguyên văn là lưu ương túc đối. Dịch như vậy là theo ý ngài Trí chứng (Vạn 129/2036). Ý này đáng theo hơn cả. Và theo ý này thì tai họa và oán thù mà hiện tại tuy không gây nhưng vẫn bị, là dư báo.
(86) Nguyên văn "canh tương la nhiễm, canh tương vu báng". La, nghĩa đen là bị, cũng có nghĩa là lưới, võng. Nhiễm, ở đây nghĩa là lây, hay nhuốm bẩn. Vậy canh tương la nhiễm có thể dịch làm bị họa lây với nhau, cũng có thể dịch bao vây và vấy bẩn lẫn nhau (ý này của ngài Trí chứng, Vạn 129/204a). Còn canh tương vu báng là vu cáo và phỉ báng lẫn nhau. Ấy là dịch cho sát và rõ. Và như thế là tả cái thế giới miệng lưỡi của loài người.
(87) Nguyên văn "đông ôn hạ dịch, độc lệ thương hàn". Ôn dịch là những bịnh truyền nhiễm. Đông, hạ, là nói những bịnh trên đây là do thời khí. Còn lệ thì ngoài nghĩa sốt rét, còn có nghĩa là hủi, lở.
(88) Sát thì phải dịch "chim kêu báo hiệu cả trăm việc kỳ quái, thây chết nhảy đựng, ma quỉ lếu láo, ngụy tạo những trò yêu dị".
(89) Sấu là tôi thêm. Nhưng nguyên văn sau cọp còn nói beo, lang sói.
(90) Sát thì phải dịch "y phục cùng những vật dụng để sống".
(91) Đủ thì phải dịch, "đi lại ra vào, có hoạt động gì thì gặp những người quen xấu tìm cách làm trở ngại".
(92) Lời nguyện này viết hơi tắt. Nói cho rõ thì phải có 2: Một, nguyện đời này chết rồi thì vãng sinh Cực lạc, sau đó trở lại Ta bà, thấy đức Từ tôn để vừa nghe pháp mà tiến tu thêm, vừa giáo hóa chúng sinh mà hoàn thành đại nguyện. Hai, nếu chưa được vãng sinh Cực lạc ngay sau khi chết, thì nguyện ít ra, tương lai sau nữa cũng được nhìn thấy Từ tôn, nghe pháp mà tiến tu. Lời nguyện này để ngoại lệ những người cầu nguyện đời này chết rồi thì vãng sinh Đâu suất tịnh độ, thấy đức Từ tôn, và sau đó cùng Ngài sinh xuống thế giới này.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 3 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Hai Gốc Cây


Giọt mồ hôi thanh thản


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.205.163 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập