Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Ký Sự : Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam đi Ấn-Ðộ và Tích-Lan
Hội-Nghị Phật Giáo Thế-Giới tại COLOMBO - 1950
Hành trình chiêm bái Phật tích tại Ấn Ðộ
Chiêm bái Xá-lợi hai vị Thánh-tăngSau cuộc nói chuyện giữa Phái-đoàn Phật-giáo chúng tôi với Ông Tổng-thư-ký, đến phút cuối cùng, Ông lại cho biết rằng: "Mới rước được xá-lợi của hai vị thánh-tăng là Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên về chùa đây. Vậy 9 giờ sáng hôm nay, chư Tăng với Bản-hội sẽ làm lễ khai xá-lợi, xin mời Thượng-tọa với Phái đoàn lên chiêm bái".
Tôi thấy nói sắp được chiêm bái xá-lợi, phần thưởng thứ nhất của Phật ban cho, gần nửa đời tu-hành chưa bao giờ có tưởng vọng gặp được gặp những khối kim-cương thân ấy. Sáng hôm đó lại có Phái-đoàn Cao-Ly đến chiêm bái. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì có người mời lên dự lễ khai xá-lợi. Lên đến nơi đều quỳ lễ, hướng vào một cái hình tròn tựa như cái mâm đồng con, nhưng chính thực ra đúc bằng vàng. Theo thước ta thông thủy một thước hai, có lan can chạy xung quanh, rồi đến một quãng có hai cái cột trụ để tiêu biểu nơi vào sân tháp; hai cái trụ của lan can kia nối liền với bẩy bực thang để lên bệ tháp. Trong bệ tháp còn có hàng lan can nữa vây lấy bệ tháp thứ hai, từ sân tháp đến bệ tháp thứ hai, theo thước ta độ linh 3 tấc, đem cái chụp vàng đúc theo hình tháp cao bốn tấc ta úp lại sẽ thành cây tháp vàng tròn cao linh bẩy tấc ta. Giữa bệ tháp thứ hai có hai đài sen hình tròn như cái hộp nhỏ đựng thuốc lào. Trên hai đài sen có hai cái trụ đội cho hai cái tựa như mặt lồng kính, Xá-lợi để bên trong vì có kính trông rõ lắm. Tháp và hộp đựng xá-lợi mà ký-giả vừa kể trên đều do Hội Ðại-Bồ-Ðề mới sắm để tôn-nghiêm sau khi người Anh trả xá-lợi về Ấn-Ðộ. Còn đến hình-thức Cổ-chế để đựng xá-lợi và xá-lợi to nhỏ thế nào Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục đã kê-cứu để giúp quý độc-giả sau đây:
Tài liệu về xá-lợi của hai vị đệ-tử Phật
Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-LiênNăm 1939, Hội Phật-giáo Maha Boddhi ở Calcuta (Ấn-Ðộ) có điều-đình với Chính-phủ Anh-cát-lợi để xin rước về Ấn-Ðộ xá-lợi của hai vị A-la-hán Sariputta (Xá-Lợi-Phất) và Moggalanasa (Mục-Kiền-Liên), hồi đó đang trưng bầy ở Viện Bảo-tàng Victoria và Albert ở Luân-Ðôn (kinh-đô của nước Anh-cát-lợi). Sau vì chiến tranh không tiện cho sự chuyên trở, nên việc đó phải hoãn lại. Ðến năm 1945, Hội Maha Boddhi tiếp tục can thiệp lại, và Chính-phủ Anh bằng lòng trao trả xá-lợi đó cho Ấn-Ðộ. Song vì dân chúng đảo Tích-Lan rất mộ Phật, nền xá-lợi của Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Mục-Kiền-Liên được đưa qua đảo Tích-Lan cho dân chúng chiêm-ngưỡng trước khi đưa sang thờ ở New-Delhi (tân kinh-đô Ấn-Ðộ).
Xá lợi hai vị La-hán đó do Ðại tướng Cunningham (người Anh) tìm thấy ở Sanchi xưa tên là Védisagiri, trên một ngọn đồi nhỏ ở gần thành Védisa tại Avanti, nơi quê hương của nhiều tín-đồ nhà Phật, của vua Asoka (A-Dục), của Hoàng-tử Nahinda v.v...
Xá-Lợi để trong hai hòm bằng đá mầu xám, trên có khắc chữ Phạm (Sariputta và Maha Moggalanasa). Hòm hình vuông, mỗi chiều độ 45 phân, nắp dầy độ 15 phân. Trong hòm bằng đá đặt về hướng Nam, lại còn một hòm nữa bằng đá trắng, rộng 15 phân, cao 75 phân. Bề mặt là một cái cóng bằng đất đen, đường kính 2 phân, dầy nửa phân, cái cóng ấy đã bị vỡ.
Bên cạnh hai chiếc hòm có hai miếng gỗ trầm. Trong hòm chỉ có một chiếc xương của vị La-hán Sariputta (Xá-Lợi-Phất) dài độ 25 ly và 7 hạt ngọc trai, 3 viên ngọc và một viên pha-lê. Trong chiếc hòm đặt về phương Bắc, cũng lại có một cái hòm bằng đá nhỏ hơn hòm trước. Khi mới mở bề mặt trắng trông như phấn. Nhưng sau làn phấn đó mất đi và mầu cũng như hòm kia. Ở trong có hai cái xương vị La-hán Moggalanasa (Mục-Kiền-Liên). Phương hướng đặt hai hòm đó cũng không phải là không có ý nghĩa. Nguyên khi Ðức Phật ngồi xoay mặt về phương Ðông, thì phương Nam ở bên phải Ngài mà phương Bắc ở bên trái. SÁ và MA là những đệ-tử gần cận nhất của Ngài. Hai nắp hòm hiện để ở viện Bảo-tàng Sanchi.
Ngoài ra, ở Satadhara, cách Sanchi độ 10 cây số, người ta còn tìm ra nhiều ngôi mộ Phật nữa. Ở đó cũng có hai hòm bằng đá, trên nắp cũng có chữ Sariputta và Maha Moggalanasa.
Ngày 14 tháng 3 năm 1947, dân chúng đảo Tích-Lan đã cửi-hành một lễ rất uy-nghi để đón các xá-lợi đó tới Colombo. Và đến cuối năm 1948, các xá-lợi đó đã được rước về đất Ấn-Ðộ do Bác-sỹ Nerhu, Thủ-tướng Ấn-Ðộ đón rước.
* Có người hỏi: "Xá-lợi của mỗi vị chỉ có thế thôi ư ?"
- Tôi không được biết rõ về phần xá-lợi của hai vị Thánh-tăng đây, nhưng theo tôi chỗ hiểu ở các kinh sách Phật nói về xá-lợi, thì sau khi đàn thiêu đã tắt, số xá-lợi thu được, phần nhiều đem chia đi các nơi để thờ, ít khi để một chỗ. Tôi ngờ rằng đây cũng mới chỉ là phần nào thôi.
[Trở Về ] [Trang sau ] [Trang trước ]
A - Chuẩn bị
1 - Duyên khởi - Từ Bắc vào Nam để vạch rõ nhiệm-vụ
B - Thời gian tại Ấn Ðộ
2 - Hội Phật-giáo Ấn Ðộ đối với Phái-Ðoàn Phật-giáo Việt-Nam
3 - Trao đổi về tình hình Phật giáo tại Ấn-Ðộ và tại Việt Nam
C - Thời gian tại Tích Lan
4 - Lễ Tuyên thệ
5 - Lễ Khai Mạc
6 - Kết quả và tình hình tổng quát của Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới
D - Hành trình chiêm bái Phật tích tại Ấn Ðộ
7 - Chiêm bái Xá Lợi hai vị Thánh Tăng
8 - Chiêm bái Song Lâm - Thứu Lĩnh
(còn tiếp)