Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Ký Sự : Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam đi Ấn-Ðộ và Tích-Lan
Hội-Nghị Phật Giáo Thế-Giới tại COLOMBO - 1950
Kết quả và tình hình tổng quát của
Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới

Hội nghị Phật-giáo thế-giới họp tại Colombo kinh-đô xứ Tích-Lan từ ngày 25/5/1950 đến ngày 8/6/1950 thì bế mạc.

Hội nghị này có Ðại-Biểu Phật-giáo của 26 nước trên hoàn-cầu dự, do Tổng-hội Phật-giáo Tích-Lan chiêu tập. Ấy là một cuộc họp mặt đầu tiên của Phật-tử thế-giới trong lịch-sử Phật-giáo hiện tại.

Mục-đích của Hội-nghị:
Theo lời mời của Ủy-ban chiêu tập thì cuộc Hội-nghị này có mục-đích:
a) Các Hội, các tổ-chức Phật-giáo các nước gập nhau để trao đổi tin tức về Phong-trào Phật-giáo trên thế-giới.
b) Ði đến một tổ-chức Phật-giáo thế-giới có mục-đích thống-nhất các lực-lượng Phật-giáo trên hoàn-cầu.
c) Tìm những phương tiện thiết thực để giúp các Phật-tử thế-giới giải quyết những vấn đề quan-hệ đến nhân-sinh.
d) Ðể các Ðại-Biểu Phật-giáo có dịp đi chiêm ngưỡng Xá-Lợi Ðức Phật Tích-Ca tại tỉnh Kandy và Gandesepura tại Tích-Lan là những nơi đã nổi tiếng trên hoàn-cầu. Vì thế trong chương trình do ban tổ chức thảo ra có các cuộc đi chiêm bái Phật-tích.

Sự đón tiếp. - Ủy-ban chiêu tập Hội-nghị nhận nhiệm-vụ xếp đặt chỗ ăn ở cho các Ðại-biểu thế-giới tại Colombo và các nơi khác ở Thủ-Ðô Tích-Lan, cả đến các nơi cư trú cho các Phái-đoàn Phật-giáo ngoại-quốc đến chiêm bái. Trong suốt thời kỳ hội-nghị họp tại Colombo mỗi phái-đoàn được trú ở một gia-đình Phật-giáo Tích-Lan. Các Ðại-biểu Tăng trú ở các chùa riêng. Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam vì không hiểu tiếng Anh, cần phải có ông Phạm-Chữ là nhân-viên Bộ Ngoại-Giao đi với tôi về nhiệm vụ thông-ngôn ở chung cho tôi tiện việc giao-thiệp. Vì thế Ban tổ chức để Phái-đoàn Việt-Nam cùng trú ở nhà ông Rajehewa là Bộ-trưởng Bộ Thương-Mại trong chính-phủ Tích-Lan, lại là Phó-hội Ðại Bồ-đề Tích-Lan.

May tôi ở nhà này nên đã khảo-sát được nhiều công việc Phật của Hội Maha Bồ-đề Tích-Lan,nhất là giây liên-lạc giữa Hội ta và Hội Maha Bồ-đề Tích-Lan đã được thắt chặt.

Có thể nói sự đón tiếp các Ðại-biểu Phật-giáo ngoại-quốc của Ban chiêu-tập thật là chu-đáo, lòng quý khách của dân Tích-Lan đã nổi tiếng từ xưa, nay chúng tôi đã được trông thấy tận nơi. Từ Thủ-tướng Tích-Lan cho đến người dân nghèo, ai ai cũng tỏ ra nồng hậu đối với các Ðại-biểu Phật-giáo. Những ngày các Phái-đoàn đi chiêm-bái các nơi ở hai tỉnh đường xa có tới 600 cây số một lượt thế mà trên dọc đường nhiều nơi căng không biết bao nhiêu biểu ngữ với rợp đường những Quốc-kỳ Tích-Lan và cờ hiệu Phật-giáo mầu ngũ-sắc. Tình hình hoan-nghênh Hội Phật-giáo thế-giới này và hết sức giúp đỡ các Ðại-biểu về mọi phương-diện.

Buổi lễ tuyên-thệ

Trước ngày khai mạc Hội-nghị Phật-giáo thế-giới, có một lễ tuyên-thệ ở ngôi chùa "Phật Sỉ" tức chùa thờ Răng Ðức Phật Thích-Ca. Chùa này cách với Colombo 150 cây số, sáng sớm ngày 25, tất cả các Phái-đoàn Phật-giáo với hàng vạn giáo-hữu đi ô-tô từ Colombo đến cùng với chư Tăng, thiện-tín toàn tỉnh Kandy cử hành lễ tuyên-thệ. Bằng một quyết-nghị đọc trước Tam-bảo, kế đến các Trưởng phái-đoàn ai nấy đều phải có mấy điều phát-nguyện riêng, cùng đọc trước Tam-bảo và giữa đại-chúng.

Buổi khai mạc đầu tiên 5 giờ 26 phút, tại trụ-sở công cộng to nhất của Thủ-đô Tích-Lan được cử lễ khai mạc. Thủ-tướng Tích-Lan chủ-tọa, Ngài thân đọc diễn-văn đón chào các Ðại-biểu Phật-giáo thế-giới.

Tuy rằng thế, Chính-phủ Tích-Lan hết sức tránh sự can thiệp vào công việc chính của cuộc Hội-nghị này, không bao giờ thấy có một Ðại-biểu ở trong các cuộc bàn cãi. Xem thế đủ biết từ Chính-phủ cho đến dân Tích-Lan đều có cảm tình tốt đẹp đối với các nước có Phật-giáo rất sâu xa.

26 đoàn Ðại-biểu của các nước có Phật-giáo cử đến dự Hội-nghị này, thêm vào số Ðại-biểu chính-thức, còn có các Ðại-biểu bán chính thức, phần nhiều là các nhà vì hâm-mộ Phật-giáo tự xuất tiền đến dự.

Tuy vậy trong các việc tranh luận, chỉ có các Ðại-biểu chính-thức mới có thẩm-quyền. Các Phái-đoàn Phật-giáo đi dự Hội-nghị này, mỗi đoàn trung-bình từ 6 đến 8 người. Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam ít nhất, vì chỉ có 3 người.

Riêng các nước mà Phật-giáo được tôn làm quốc-giáo như Xiêm-La, Diến-Ðiện, Tích-Lan, Bhutan, Tây Tạng, họ rất chú ý đến cuộc Hội-nghị Phật-giáo thế-giới này, cử nhiều nhân-tài đến dự. Cầm đầu Phái-đoàn Phật-giáo Diến-Ðiện là một nhà luật-học trứ-danh, đã dự một phần quan-trọng về việc thảo hiến-pháp Diến-Ðiện. Cầm đầu Phái-đoàn Phật-giáo Xiêm là một Bộ-trưởng Thương-mại, Hoàng-gia Xiêm còn cử thêm một Công-chúa đến thay mặt.

Ðại-biểu Xiêm-La, Tích-Lan, Diến-Ðiện đoàn-kết thành một khối, được coi như có lực-lượng hơn hết ở Hội-nghị. Phái-đoàn Phật-giáo ở các nước Âu-châu hầu như bị yếu thế trong các cuộc bàn cãi.

Một điều nữa cần nhắc đến, sáng 27 bắt đầu khai mạc Hội-nghị chính-thức tại trụ-sở Thanh-niên Phật-giáo. Ban Tổ-chức tự cử lấy Chủ-tịch, Thư-ký buổi họp chứ không do Hội-nghị cử, mà Hội nghị cũng yên lặng không ai phản đối. Không những thế, các Ðại-biểu cứ thi nhau tường trình về tình hình Phật-giáo của xứ sở mình cho công chúng biết. Kỳ thực có ai được cử ra để phán đoán các tờ trình ấy đâu? Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam thấy Hội nghị thiếu tổ chức, đã hai lần sẽ lời yêu cầu ban Tổ-chức sửa lại chương-trình nghị sự, nhưng không công hiệu. Ban Tổ-chức có cho tôi biết rằng : "Phần nhiều các Phái-đoàn muốn nói cả". Ban Tổ-chức cũng có vài lần mời Phái-đoàn Việt-Nam tường trình. Tôi trả lời: "Chủ-tịch Hội-nghị không do chúng tôi công cử ra thì chúng tôi tường trình với ai ? Vả lại có một trăm Ðại-biểu đến dự mà mỗi Ðại-biểu tường trình hết độ một giờ thì còn thời giờ đâu mà bàn cãi vào mục-đích chính. Chúng tôi đã phải cùng các Ðại-biểu phát thệ trước đấng Từ-bi cao cả để phụng-sự tôn-chỉ, để lập Hội Phật-giáo thế-giới. Huống hồ còn một vấn-đề quan-trọng nữa, là những phương-tiện thực-tế giúp đỡ cho các Phật-tử thế-giới và để giải-quyết vấn-đề quan-hệ của nhân-sinh, nó là một điều then chốt của cuộc Hội-nghị này. Chúng tôi từ mấy ngàn dậm đến đây để chơi ư ? Dân Việt-Nam chúng tôi đương lầm-than đau-khổ, chúng tôi không được phép đi chơi, thật ra lòng vì Phật-giáo thế-giới của ban Chiêu-tập các Ngài quý báu không kể xiết được, chỉ vì thiếu kinh-nghiệm nên các Ngài đã vô tình đưa Hội-nghị đi vào con đường úng-tắc, không có tổ chức. Ðáng lẽ ra, trước khi khai mạc Hội-nghị lần đầu tiên, ban Tổ-chức các Ngài sẽ tuyên bố chỉ giữ thường-vụ để ứng tiếp các Phái-đoàn, các Phật-tử, còn phải để Ðại-hội-nghị cử lấy Chủ-tịch, Thư-ký ra điều-khiển, sẽ cùng định chương-trình nghị-sự. Kế đến bầu các tiểu-ban chuyên-môn để nghiên-cứu các vấn-đề rồi mới đến các Phái-đoàn tường trình xong thì các tiểu-ban nghiên-cứu cũng xong, sẽ đem ra Ðại-hội-nghị bàn cãi để duyệt-y. Ðằng này ban Tổ-chức các Ngài không thế, các Ngài tự cử người ra điều khiển Hội-nghị, để các Trưởng Phái-đoàn trình bầy đã đến hai ngày rồi mà tường trình chưa hết, các tiểu-ban chưa bầu. Ngày mai 28-5 chủ nhật nghỉ, lại kế luôn đến bốn ngày đi chiêm-bái, khi về còn hai ngày nữa, sao kịp?

Các báo Tích-Lan đem câu hỏi tôi nói đó công-bố, thành ra dư luận sôi nổi. Lại được thêm các Ðại-biểu Hội Ðại Bồ-đề Ấn-Ðộ, Anh, Mỹ, Pháp, Tích-Lan ủng-hộ nhiệt-liệt, ban Tổ-chức và cả Hội-nghị đều đổi thái-độ, về cuối buổi họp chiều là bầu luôn 5 tiểu-ban. Ðại-hội-nghị còn vừa đi chiêm bái vừa hiệp nhau từng ban một nghiên-cứu sẵn sàng, để đem về Hội-nghị bàn cãi và duyệt-y. Năm tiểu-ban nghiên-cứu được thành lập:
1/ Tiểu-ban dự thảo Hiến-chương và Ðiều-lệ Hội Phật-giáo thế-giới.
2/ Tiểu ban "Thống-nhất" và "Ðoàn-kết" có nhiệm-vụ nghiên-cứu những phương-pháp để thực hiện sự đoàn-kết giữa các Phật-tử thế-giới.
3/ Tiểu-ban báo chí tuyên-truyền có nhiệm-vụ nghiên-cứu những phương-pháp tuyên-truyền đạo Phật.
4/ Tiểu-ban "Xã-hội" có nhiệm-vụ nghiên-cứu về Phật-giáo tham dự các công việc xã-hội.
5/ Tiểu-ban "Truyền-giáo" nghiên-cứu cách tổ-chức các Phật-tử thế-giới đi truyền-bá đạo Phật trên khắp hoàn cầu.

Tiểu-ban thảo Hiến-chương cho Hội Phật-giáo thế-giới

Tiểu-ban này do vị Trưởng Phái-đoàn Phật-giáo Diến-Ðiện làm chủ-tịch cùng với Phái-đoàn Việt-Nam, Ông Phạm-Chữ được tôi ủy-nhiệm với các điều đại cương về "Nguyên-tắc" và "Hệ-thống" tôi đã thảo sẵn để đem ra cùng ban này khởi thảo Hiến-chương. Hiến-chương thảo xong, đem ra trình Hội-nghị bàn cãi và sửa đổi trong ba buổi họp.

Nhưng những điều chính trong Hiến-chương do tiểu-ban thảo ra đã được toàn thể Hội-nghị duyệt-y.

Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam có thể tự hào rằng: Ðã đứng đầu phản-đối Ban tổ-chức lẫn Hội-Nghị đi sai nguyên tắc, trái lại vẫn được Hội-Nghị mời vào dự Ban thảo Hiến-chương và Ðiều-lệ, tức là dự một phần quan-trọng trong việc thảo Hiến chương này. Còn các Ban dự thảo của bốn Tiểu-ban kể trên cũng được đưa bàn cãi và duyệt-y. Khi in xong đều gửi đến các nước có Ðại-biểu đến họp.

Việc bầu đại-biểu Phật-giáo thế-giới

Theo như trong Hiến-chương, một Ðại Hội-đồng Phật-giáo Thế-giới trong đó mỗi nước có một Ðại-biểu, sẽ có quyền tối cao trong các công việc của Hội Phật-giáo thế-giới ủy nhiệm thi hành trong Phật-giáo xứ sở mình và Ðại Hội-đồng bầu ngay một Chủ-tịch, một Tổng thư ký, năm Phó thư-ký và một Thủ-quỹ, để bắt tay vào làm việc Hội Phật-giáo Thế-giới ở ngay nơi thành lập.

Ðây là một đề-nghị riêng của tôi về việc đặt Trụ-sở và bầu Ban Tổng Trị-sự với cử Ðại-biểu.

Ðặt Trụ-sở . - Vì xứ Tích-Lan có một bầu không khí quang đãng, êm đềm rất thuận tiện cho Phật-giáo Thế-giới, vì Phật-giáo chính thức làm quốc-giáo của Tích-Lan. Vậy thì Trụ-sở của Hội Phật-giáo Thế-giới tạm thời hãy đặt ở Tích-Lan.

Bầu Ban Tổng Trị-sự .- Vì các Phật-tử Tích-Lan đã có công lớn trong việc chiêu-tập hội-nghị Phật-giáo Thế-giới, vậy thì ba chức quan trọng như Chủ-tịch, Tổng thư-ký và Thủ-quỹ, khóa đầu đều phải để người Tích-Lan đảm nhận, có thế mới liên lạc mật thiết được với nhau trong mọi công việc.

Cử Ðại-biểu .- Mỗi Phái-đoàn Phật-giáo chính-thức được cử đến dự Hội-nghị, sẽ cử lấy một vị làm Ðại-biểu trong Ðại Hội-đồng Phật-giáo Thế-giới. Sau khi cử xong, sẽ đệ trình danh sách lên ban Tổng-Trị-Sự.

Ðề-nghị này của tôi được phần đông các Phái-đoàn Phật-giáo Thế-giới tán thành và Hội-nghị đã áp dụng thi hành. Cho nên đến khi bầu ba nhân-vật của Phật-giáo Tích-Lan làm Chủ Tịch, Tổng thư-ký và Thủ-quỹ ra đảm nhiệm công việc của Hội Phật-giáo Thế-giới, đều được toàn thể hội-nghị hoan-hô chuẩn nhận.

Lại còn phải nhắc đến thành phần của Việt, Mên, Lào cử Ðại-biểu vào dự Ðại Hội-đồng Phật-giáo Thế-giới.

Theo Hiến-chương mỗi nước Phật-giáo chỉ được cử một Ðại-biểu vào Ðại Hội-đồng Phật-giáo Thế-giới. Vì thế mà Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới họp tại Colombo, Ấn-độ có đến 4 Phái-đoàn, Trung-Hoa cũng có 3 Phái-đoàn, cũng được cử có một Ðại-biểu.

Tiểu ban "thống-nhất" đề nghị Việt, Mên, Lào cũng chỉ được có một Ðại-biểu, để đại diện cho Phật-giáo Liên-Bang Ðông-Dương. Ðề-nghị ấy được Ðại Hội-nghị chuẩn y. Hai Phái-đoàn Mên, Lào yên lặng.

Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam do tôi ủy ông Phạm-Chữ, lên tiếng rằng: Mỗi nước có Phật-giáo được cử một Ðại-biểu là phải. Việt-Nam là một nước độc-lập, không phải là nước Liên-Bang Ðông-Dương, Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam theo Hiến-chương có quyền cử một Ðại-biểu đại-diện cho Phật-giáo Việt-Nam vào Ðại Hội-đồng Phật-giáo Thế-giới.

Lời yêu cầu của Việt-Nam cũng đã được một số Trưởng Phái-đoàn hưởng ứng nhưng vẫn bị thiểu số, những lời bàn đi tán lại cũng đã sôi nổi, mà vẫn chưa giải quyết xong. Ông Phạm-Chữ theo ý tôi ra ra trả lời quyết liệt rằng: Quốc Gia Việt Nam đã được độc-lập, vậy thì Phật-giáo Việt-Nam phải được cử riêng một Ðại-biểu, nếu không được như lời yêu cầu, Phái-đoàn chúng tôi xin rút lui, vì rằng 18 triệu dân Việt-Nam theo Phật - Giáo không bao giờ chịu liệt Việt-Nam vào Liên-Bang Ðông-Dương.

Mấy câu cương quyết đó, đã chuyển được Ðại Hội-nghị đều tán thành, để Phái-đoàn Việt-Nam được cử riêng một Ðại-biểu vào Ðại Hội-Ðồng Phật-Giáo Thế-Giới. Tôi nhân danh Trưởng Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam ra đảm nhiệm Ðại-biểu Phật-giáo Việt-Nam trong Ðại Hội-Ðồng Phật-Giáo Thế-Giới.

Nhưng tôi còn ngỏ ý nếu sau này Phật-Giáo Việt-Nam cử được Ðại-biểu xứng đáng hơn tôi, thì tôi xin nhường, Ðại Hội-nghị chuẩn-y.

Những nỗi khó khăn mà Phái-đoàn Phật-giáo của chúng tôi đã vượt qua

1/ Hội-nghị bàn cãi bằng tiếng Anh, mà tôi không biết một tiếng Anh nào.
2/ Phái-đoàn ít người quá, ngoài ông Phạm-Chữ ra, trong Phái-đoàn không còn ai giúp tôi.
3/ Phải thảo Hiến-chương và Ðiều-lệ cho tổ-chức Phật-giáo thế-giới mà qua không có sẵn một tài-liệu nào cả.
4/ Phải đối phó với nhiều vấn-đề gay go như bị liệt vào Liên-bang Ðông-Dương.
5/ Ðưa Hội-nghị ra khỏi con đường úng-tắc.

Những phương-châm giải-thoát các nỗi khó khăn

1/ Tôi đã đặt đường gây thiện-cảm sang Tích-Lan, từ ngót một tháng trước bằng cách nhờ ông Thư-ký Hội Ðại Bồ-đề Ấn gởi bản đề-nghị với Phật-giáo thế-giới, cho ban Tổ-chức xem trước và có cả thư của Hội Ðại Bồ-đề Ấn-Ðộ giới-thiệu với các cơ-quan Phật-giáo Tích-Lan nữa. Vì thế cho nên khi chúng tôi đến Tích-Lan, được ưu-đãi đặc biệt, và khi phản đối ban Tổ-chức mà ban Tổ-chức vẫn thân mật.

2/ Ý hiệp tâm đầu với nhiều Ðại-biểu, nhưng mật-thiết nhất là Phái-đoàn Hội Ðại Bồ-đề Ấn-Ðộ, Hội Bồ-đề Tích-Lan, Phái-đoàn Pháp và Diến-Ðiện.

3/ Tôi còn nhờ có chút kinh-nghiệm, nên giữ vững được lập-trường chắc chắn, cũng như thái-độ cương-quyết.

4/ Ông Phạm-Chữ là tông-ngôn của phái-đoàn, mặc dầu còn ít tuổi, nhưng ông đã tỏ ra rất thông-thạo tiếng Anh, lại linh-hoạt về ngoại-giao, nên gây được nhiều cảm-tình với người ngoại-quốc, nhất là ông lại tâm đầu ý hiệp với tôi trong nhiều công việc.

5/ Ðược Ông Rajahewavitarne là Phó Hội Bồ-đề Tích-Lan làm Cố-vấn cho tôi, nhất là lại được Bà Rajahewavitarne hết sức săn-sóc đến sự ăn uống của tôi để giữ sức khoẻ.

Hội-nghị đã vượt qua những nỗi khó khăn và sau lại đạt được những kết-quả là vì :

a) Bên ngoài có báo chí Tích-Lan đem các lời phản đối Hội-nghị của Phái-đoàn Việt-Nam và Hawai gây dư luận.

b) Bên trong ban Tổ-chức cũng như các Phái-đoàn đọc báo biết dư-luận không hay, liền thay đổi thái-độ. Lại có thêm lực-lượng của Phái-đoàn Ấn-Ðộ, Tích-Lan, Anh, Mỹ, Pháp đề nghị, Phái-đoàn Việt-Nam lại lên tiếng yêu cầu đổi chương trình buổi họp.

c) Trưởng Phái-đoàn Diến-Ðiện với tôi, tuy không bàn định gì với nhau trước, nhưng vì đều quan-tâm về vấn-đề giải cứu Ðại Hội-nghị ra khỏi con đường úng-tắc sẽ lại tiến đến kết-quả, nên hai chúng tôi đều đã thảo sẵn các điều đại-cương về Hiến-chương và Ðiều-lệ, cho nên đến khi hai chúng tôi với Ðại-biểu Ấn-Ðộ được cử vào Tiểu-ban dự thảo Hiến-chương và Ðiều-lệ chỉ phải họp nhau để trao đổi ý-kiến có một vài buổi là đã có Hiến-chương với đại-cương của Ðiều-lệ mang ra cho Ðại hội-nghị bàn cãi. Mặc dầu đã có tới ba buổi bàn cãi sửa đổi, nhưng cũng chỉ sửa đổi về chi-tiết là được duyệt-y; cả đến bốn Tiểu-ban khác cũng cố gắng làm việc cả những ngày đi chiêm bái, nên các vấn-đề then chốt đều được giải quyết xong cả.

Hội-nghị Phật-giáo thế-giới họp tại Colombo đã thu được những kết-quả tốt đẹp :

1/  Các Trưởng Phái-đoàn của 26 nước đã cùng nhau làm lễ tuyên-thệ với bản quyết-nghị đọc trước Tam-bảo để cầu Ðức Từ-bi chứng-minh và biểu-dương tinh-thần thống-nhất với lực-lượng đoàn-kết.

2/ Ðại Hội-nghị đã duyệt-y bản Hiến-chương và các đại-cương cho Ðiều-lệ, tức là đã đặt nền móng chắc chắn cho Hội Phật-giáo thành lập.

3/ Hội Phật-giáo thế-giới đã có một ban Tổng Trị-sự với 26 Ðại-biểu của các nước Phật-giáo trên khắp hoàn-cầu, đều phải phụng-sự chung một tôn-chỉ, thực hiện tinh-thần Phật-giáo trên khắp thế-giới, giải quyết vấn-đề quan-trọng của nhân-sinh.
 



[Trở Về ]                               [Trang sau ]                             [Trang trước ]
 
 
A - Chuẩn bị
1 - Duyên khởi - Từ Bắc vào Nam để vạch rõ nhiệm-vụ
B - Thời gian tại Ấn Ðộ
2 - Hội Phật-giáo Ấn Ðộ đối với Phái-Ðoàn Phật-giáo Việt-Nam
3 - Trao đổi về tình hình Phật giáo tại Ấn-Ðộ và tại Việt Nam
C - Thời gian tại Tích Lan
4 - Lễ Tuyên thệ
5 - Lễ Khai Mạc 
6 - Kết quả và tình hình tổng quát của Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới
D - Hành trình chiêm bái Phật tích tại Ấn Ðộ
7 - Chiêm bái Xá Lợi hai vị Thánh Tăng
8 - Chiêm bái Song Lâm - Thứu Lĩnh 
(còn tiếp)