Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân PHẦN II : MẠC PHỦ MUROMACHI VÀ EDO |
|
Tiết 1 - Thời chính quyền Mạc phủ xác định vị trí: |
1.1
Bước vào giữa thời đại thanh bình:
Thời Edo kéo dài từ năm 1603 (Keichô 8) đến năm 1867 (Keiô 3), tổng cộng chính xác là 264 năm, từ khi Tokugawa Ieyasu khai phủ ở Edo cho đến khi con cháu ông trao trả quyền hành cho vương thất. Khoảng thời gian đó dài gần gấp đôi giai đoạn Thiên hoàng Meiji lên ngôi cho tới ngày nay.Tuy lúc đó, cuộc đổi thay thời đại không theo một vận tốc cực kỳ nhanh như thời chúng ta bây giờ nhưng từ khi Mạc phủ Edo bắt đầu cho đến nó chấm dứt, xã hội thực ra đã có rất nhiều đổi thay. Điều đó cũng có nghĩa là chính trị mạc phủ về cơ bản cũng không hề đứng lại một chỗ. Thế nhưng trong chương này, chúng ta sẽ đặc biệt phân tích tình hình xã hội Nhật Bản thời kỳ Shôgun Ietsuna (Gia Cương, 1641-1680, tại vị 1651-1680), khi chính quyền Tokugawa rời bỏ chính trị võ đoán để bước sang chính trị văn trị. Mạc phủ Edo có 15 đời Shôgun. Cho đến vị Shôgun đời thứ 3 là Iemitsu (Gia Quang, 1604-1651, tại vị 1623-51),chính quyền họ Tokugawa đã thi hành chính trị theo lập trường võ đoán chủ nghĩa (budan shugi). Theo chủ nghĩa này, hể những lãnh chúa nào trị dân không tốt hoặc vi phạm pháp độ võ gia do mạc phủ đặt ra sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chẳng hạn, viên dũng tướng từng lãnh ấn tiên phong và lập đại công trong trận thư hùng ở Sekigahara (1600) là Fukushima Masanori (Phúc Đảo Chính Tắc, 1561-1624) vì sửa sang thành quách không xin phép trước đã bị kaieki (cải dịch) tức tịch biên đất phong và rút bớt lộc, là một giai thoại nổi tiếng[1]. Vào buổi đầu thời Edo, những câu chuyện kiểu vì một lỗi lầm nho nhỏ nào đó, các lãnh chúa có thể bị chuyển phong (tenpô) và giảm phong (genpô) như thế một cách dễ dàng, vẫn xảy ra thường xuyên. Trong số nguyên nhân đưa đến việc đổi hoặc giảm đất phong có cả những sự cố như từ việc vi phạm lệnh cấm nhận con nuôi vào lúc sắp chết (matsugo yôshi no kin). Từ sau chiến dịch đánh thành Ôsaka, con số vi phạm lệnh này có hơi nhiều. Lệnh ấy nhằm cấm những lãnh chúa lúc già yếu hay lâm trọng bệnh gấp rút nhận con nuôi trước khi lâm chung. Lý do lệnh cấm đó là vì mạc phủ cho rằng chi có mình (Shôgun, quân chủ) có thể ban chức tước hoặc đất phong cho các lãnh chúa (daimyô, thần hạ) chứ không thể để cho họ tự chuyên xử lý nội bộ. Nay nếu họ vì sợ lấy đất lại do tuyệt tự, cứ dàn xếp việc thừa kế bằng cách đưa người ngoài vào gia đình để sau đó trao quyền hành và lãnh quốc thì đã đi ngược lại với nguyên tắc của nhà nước. Chính trị vũ (võ) đoán như thế đã đưa đến kết quả như thế nào? Nếu ta cứ xem một lãnh chúa như tổng giám đốc một xí nghiệp thì sẽ thấy trong trường hợp việc thừa kế bị dứt tuyệt (cũng giống như xí nghiệp phá sản) thì những người samurai đang phụng sự cho chủ ấy (giống các nhân viên) sẽ phải trôi nổi, không biết về đâu (như trường hợp thất nghiệp). Thời ấy, các samurai mất chỗ làm thường được gọi là rônin (lao nhân, sau thường viết là lãng nhân). Khi con số rônin nhiều ra thì sẽ đặt vấn đề chính trị và xã hội. Trong số rônin, có những người xem chuyện gây nên chiến tranh sẽ tạo cho mình công ăn việc làm và như thế, do đó, họ không ngừng có những hành động như muốn phá toang những bọc ung nhọt của xã hội bằng cách gây náo loạn trên đường phố hay có những hành vi gây rối phong tục. Người ta gọi họ là kabukimono hay kẻ hành động khác thường. (Xin để ý đến chữ kabuki dùng ở đây). Chữ rônin khi nào phải viết là lãng nhân, khi nào viết là lao nhân? "Lãng nhân" xưa vốn chỉ nhà nông (hyakushô) vì không có miếng ăn hay không đương nổi thuế má, phải từ bỏ làng nước ra đi sống đời nổi trôi phiêu lãng. Đó là những "phù lãng nhân" (furônin), không gia cư cố định. "Lao nhân" là tiếng dùng để gọi những samurai phải rời chủ mình và mất hết bổng lộc.Họ là những "lao lung nhân" (rôrônin) nghĩa là kẻ bị trói buộc trong cảnh khốn cùng, không còn tự do xoay xở. Thế nhưng nếu gọi samurai là "lao nhân" như kẻ bị tù ngục thì quá khinh miệt họ nên người đời sau mới đổi cách viết thành "lãng nhân" là người trôi nổi cho thanh bai hơn. Vào giai đoạn này, kẻ được chỉ định nhậm chức Shôgun đời thứ 4 là một cậu bé 11 tuổi, Ietsuna (Gia Cương, 1641-1680, tại vị 1651-1680). Ông là trưởng nam của Iemitsu (Gia Quang) và kế vị khi cha chết vào năm 1651 (Keian 4). Lúc ấy vì hãy còn quá trẻ và đúng theo di chúc Iemitsu để lại, ông đã được người em cùng cha khác mẹ (đã đi làm dưỡng tử nhà khác, lãnh chúa vùng Aidzu (phiá tây Fukushima bây giờ) là Hoshina Masayuki (Bảo Khoa Chính Chi, 1611-1672) làm phụ chính. Phân nửa sau thời chính quyền Ietsuna thì ông bị chức Tairô (Đại lão) Sakai Tadakiyo (Tửu Tỉnh Trung Thanh, 1624-1681) - người có biệt danh là "Hạ mã tướng quân" (Geba shôgun)[2]- nắm hết thực quyền. Điều đáng chú ý ở đây là suốt thời kỳ Shôgun Ietsuna tại vị, căn bản của chính trị thực thi là sự chuyển hướng từ thể chế vũ (võ) đoán sang văn trị với những biện pháp dề cao đạo đức, lễ giáo Nho học và tôn trọng trật tự. Mục đích của nền chính trị đó nhằm đưa đến sự an định cho xã hội. Kể từ khi có lệnh Genna enbu (Nguyên Hoà yểm vũ), theo đó, trận phá thành Ôsaka năm Genna nguyên niên (1615) được xem như trận đánh chót để mở màn cho một thời đại thanh bình, ngoại trừ cuộc khởi nghĩa nông dân ở Shimabara, cơ cấu mạc phủ hầu như đã được tổ chức hoàn chỉnh, xã hội có một giai đoạn yên ổn khá lâu dài. Nếu phải làm cho to chuyện một vần đề nào đó của giai đoạn này thì có lẽ ta chỉ có thể đề cập đến những đề tài như chính sách của nhà nước đối với các vũ sĩ vô chủ (rônin) và kẻ có hành động khác thường (kabukimono ). Sở dĩ vấn đề này đã được mạc phủ đem ra mổ xẻ để tìm cách đối phó là vì vào tháng 7 năm 1651 (Keian 4), đã xảy ra một biến cố gọi là cuộc loạn năm Khánh An (Keian no ran), cụ thể hơn là Loạn của Yui Shôsetsu (Du Tỉnh Chính Tuyết). Người tên Yui xuất thân vùng Suruga (trung bộ Shizuoka), đến Edo học việc binh. Ông đã âm mưu với các đồ đệ của mình là bọn Marubashi Chuuya (Hoàn Kiều Trung Di) nhất tề nổi dậy ở những vùng Edo, Suruga, Kamikata (tức vùng Kinai quanh Kyôto) nhằm lật đổ mạc phủ. Bối cảnh của cuộc nổi dậy đó là sự bất mãn của tầng lớp rônin (lao nhân, lãng nhân) mà Yui đã biết kết hợp để lợi dụng. Kết quả là âm mưu của họ đã vỡ ngay từ trong trứng nước, Marubashi Chuuya bị bắt ở Edo, Yui Shôsetsu bị bao vây ở Suruga phải tự sát. Tuy vậy, mạc phủ coi đó là một nguy cơ lớn. Để chữa bệnh từ gốc, họ tìm cách loại bỏ nguyên nhân đã đưa đến sự xuất hiện những rônin (lao nhân, lãng nhân), đầu mối của biến cố. Do đó, họ mới tỏ ra mềm dẻo hơn trong việc áp dụng luật "cấm nhận con nuôi lúc sắp chết" ví dụ như đã qui định một ngoại lệ là những lãnh chúa dưới 50 tuổi thì đặc biệt có quyền làm như vậy. Như thế, con số rônin sẽ bớt tăng gia. Cùng lúc, họ quản lý chặt chẽ những rônin sống ở vùng Edo và những kabukimono, kẻ có hành vi khác thường. Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại hai tập tục (có thể xem như hủ tục) còn sót lại của thời Chiến Quốc và ảnh hưởng đến cuộc sống trong xã hội Edo. Hãy gọi chúng theo niên hiệu lúc đó. Hai việc đáng khen (mỹ sự) lớn dưới thời Khoan Văn (Kanbun no nidai bishi) : Việc cấm chết theo chủ (junshi = tuẫn tử) và việc phế bỏ chế độ con tin (hitojichi = nhân chất, chất có nghĩa là cầm đồ để chuộc). Dưới thời Chiến Quốc, tục lệ tuẫn tử rất phổ biến. Tuẫn tử nghĩa là mỗi khi chủ quân chết thì gia thần vì phải bày tỏ lòng trung nghĩa nên cũng tự sát để đi theo. Còn như chế độ con tin (hitojichi = nhân chất, shônin = chứng nhân) thì từ khi có mạc phủ cho đến lúc đó, vẫn được thực hành. Các lãnh chúa để chứng minh sự phục tùng của mình với mạc phủ, không có gì rõ ràng hơn là gửi một người thân thích của mình làm con tin, "người nhân chứng" cho lòng trung thành. Một chính sách khác của thời Shôgun Ietsuna cũng đáng chú ý. Chính sách này cho ta thấy lúc đó quyền hành của chức Shôgun đã bắt rễ một cách vững vàng. Đó là việc vào năm 1664 (Kanbun 4), mạc phủ đã công bố một văn bản gọi là Kanbun Inchi (Khoan Văn ấn tri). Đó là một bố cáo gửi chung đến các lãnh chúa hay ryôchi ategaijô (lãnh tri oản hành trạng). Tên nghe ra có vẻ rắc rối nhưng nó có thể hiểu là một "bức thông tri đến mọi lãnh chúa chứ không phải từng lãnh chúa". Cho đến lúc đó, quan hệ giữa Shôgun với các lãnh chúa được xem như quan hệ cá nhân, có cấp đất phong thì chỉ báo riêng cho người đó. Nay liên hệ ấy đã trỏ thành liên hệ công chúng. Quan hệ chủ tớ có tính cá biệt đã trở thành quan hệ chủ tớ có tính tập đoàn nghĩa là quyền uy của nhà chúa đã được nâng lên một bậc cao hơn, cho thấy tất cả các lãnh chúa - hiện ra như một giai cấp - đều phải phục tùng một người thôi, đó là Shôgun họ Tokugawa. Trong trường hợp cá biệt thì mối liên lạc có thể bị sứt mẻ hay băng hoại vì là liên hệ một đối một, chứ trường hợp tập thể như thế, về mặt luận lý mà nói, thì sự sứt mẻ hay băng hoại khó lòng xảy ra cùng một lượt. Như vậy, ta thấy được vào thời điểm đó, quyền lực nhà chúa đã đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Cũng vào giai đoạn này, nhà chúa đã nhất tề kiểm tra điền địa trên lãnh địa mình trực quản (bakuryô kenchi = mạc lãnh kiểm địa) để tính toán sao cho sự thu nhập tài chánh của mạc phủ được ổn định. Có thể nói những điều vừa kể là điểm then chốt trong chính trị dưới thời Shôgun Ietsuna. Về phần các phiên trấn thì phải nói là nhờ có hòa bình trong một thời gian lâu dài, chư phiên cũng giảm bớt chi phí quân sự để động viên quân lực. Ngay cả nạn đói năm Kan.ei (Kan.ei no kikin, 1641-1642)[3] cũng trở thành cơ hội để cho các phiên lo việc chấn chỉnh lại nội chính và phát triển kinh tế từ bên trong.Các phiên phải kêu gọi những gia thần có năng lực phụ tá vào việc sửa đổi cơ cấu lãnh đạo trong phiên, cho lãnh chúa thêm nhiều quyền lực để quyết đoán, dồn sức vào các hoạt động thủy lợi và khẩn điền, gia tăng sức sản xuất nông nghiệp để ổn định tài chánh (sản thực hưng nghiệp). Cũng vào thời gian
này đã thấy xuất hiện nhiều lãnh chúa đáng gọi là minh
quân. Họ biết sử dụng những cố vấn là hạng "ngự dụng
học giả" có đầu óc tiến bộ. Có thể trưng ra các ví du
sau đây:
Trong nhóm vừa kể, Ikeda Mitsumasa thuộc phiên Okayama đã mở hai trường học: Hanabatake Kyôjô và Shizutani Gakkô. Lãnh chúa Tokugawa Mitsukuni ở Mito thiết lập Shôkoukan (Chương Khảo Quán) ở Edo và bắt đầu cho biên tập bộ Dai Nihonshi (Đại Nhật Bản Sử). Chính quyền mạc phủ an định, các lãnh chúa biết để ý đến việc học như thế, chính trị văn trị đã hội đủ điều kiện để được thi hành. |
Tiết 2 - Thời Genroku: |
2.1
Chính trị của Shôgun Tsunayoshi:
Sau một thời kỳ ổn định và phát triển về mặt kinh tế khá lâu dài với Shôgun thứ 4 Ietsuna (Gia Cương, trị vì 1641-80), hậu bán thế kỷ 17 là thời gian Shôgun thứ 5 là Tsunayoshi (Cương Cát, 1646-1709, tại vị 1680-1709)[5] nắm chính quyền. Nhà viết sử gọi nó là thời Genroku (Nguyên Lộc)[6]. Chính trị của Tsunayoshi có thể chia làm hai thời kỳ. Thời đầu ông được cận thần là Hotta Masatoshi (Quật Điền, Chính Tuấn, 1634-1684) phụ tá. Thời sau, khi Hotta bị ám sát, ông dùng Yanagisawa Yoshiyasu (Liễu Trạch, Cát Bảo, 1658-1714). Vậy sau đây ta hãy thử xem Tsunayoshi đã thực hiện được những gì về mặt chính trị. "Khuyển" tướng quân Tsunayoshi cấm sát sinh và tưởng lệ học vấn Trước tiên, Tsunayoshi cũng như các Shôgun trước, công bố ấn bản mới về pháp độ của giới vũ gia vào năm 1683 (Tenna 3). Pháp độ này còn có tên là Lệnhh năm Tenna (Tiên Hòa lệnh). Điều thứ nhất của văn bàn ấy đã qui định : "Phải tưởng lệ văn, vũ, trung, hiếu, chỉnh đốn lễ nghi". Cho đến lúc đó, bổn phận của người samurai chỉ là theo đòi cái "đạo cung mã" nghĩa là đạo của con nhà võ. Nay thì họ phải giữ lòng trung thành với bậc quân chủ, hiếu kính đối với cha ông, giữ gìn lễ nghi nghĩa là trật tự trên dưới và xem những điều này mới là thiết thân nhất. Đường lối văn trị chủ nghĩa như thế dĩ nhiên dựa trên Nho giáo. Để cụ thể họ việc tôn sùng đạo Nho, Shôgun Tsunayoshi đã cho dựng Yushima seidô (Thang Đảo thánh đường, Yushima là tên đất thuộc nội thành Edo) làm chỗ thờ (điện đường) và dạy đạo Nho. Ông bổ nhiệm học giả Hayashi Nobuatsu (Lâm, Tín Đốc, 1644-1732) hiệu Hôkô (Phượng Cương) làm Daigaku no kami (Đại học đầu) tương đương với chức viện trưởng. Như thế, ông đã cho chuyển Khổng miếu (Tiên thánh điện) là tư thục của nho quan và thị giảng Hayashi Razan (Lâm, La Sơn, 1583-1657, ông nội của Nobuatsu) ở Ueno Shinobu-ga-oka về nơi đó. "Thánh đường học vấn sở" này được đặt dưới quyền chỉ đạo của gia đình họ Hayashi[7], làm nơi dạy dỗ cho tầng lớp võ sĩ. Về phương diện lễ nghi trật tự, cho đến nay, chính sách liên quan đến thiên hoàng và triều đình có thay đổi một chút. Một số nghi thức triều đình được phục hồi, lãnh địa dành riêng cho hoàng gia (gọi là kinri goryô =cấm lý ngự liệu) nay cũng được tăng thêm. Các Shôgun Ieyasu, Hidetada và Tsunayoshi mỗi người đều hiến 1 vạn thạch, tổng cộng tất cả được trên 3 vạn thạch. Tsunayoshi tỏ ra là người sùng đạo Phật, năm 1685 (Jôkyô 2) ông đã ban lệnh Shôrui awaremi no rei nghĩa là Lệnh phải thương xót loài vật (shôrui = sinh loại). Không những cấm giết chó mà thôi, ông cấm tất cả mọi hình thức sát sanh. Lý do là người đáng lẽ nối dõi ông - thế tử Tokumatsu - mới 5 tuổi đã chết yểu. Nhân thế, tăng lữ cố vấn là Ryuukô (Long Quang) mới bàn rằng vì trong kiếp trước Tsunayoshi đã phạm quá nhiều tội sát sanh nên phải nhận quả báo. Nếu muốn có con, ông phải biết xót thương tất cả những sinh vật, nhất là không được giết chúng. Đặc biệt Tsunayoshi sinh vào năm Tuất cho nên đối với chó thì ông cần phải ưu ái hơn nữa. Lệnh đó đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của dân chúng vì lúc nào cũng phải dành ưu tiên cho chó. Tuy nhiên, nhờ vậy mà những kẻ bất mãn xã hội và hay chê trách như bọn kabukimono cũng không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Ngoài cách thức mới trong việc khu xử đối với các lãnh chúa, triều đình lẫn thiên hoàng, thời đại của Tsunayoshi còn được đánh dấu như một khúc quanh về mặt tài chính của mạc phủ. Thu nhập từ các mỏ khoáng sản cũng như lượng vàng bạc từ mỏ Sado trước đây có thể gọi là dồi dào thì nay bắt đầu có triệu chứng suy giảm khiến cho tài chánh của mạc phủ càng ngày càng sa sút.Thêm vào đó, trận hỏa hoạn lớn năm Meireki (Meireki no taika, 1657, Minh Lịch đại hỏa) thiêu rụi thành phố Edo đã đòi hỏi một ngân sách lớn cho việc tái thiết thành quách và các khu phố. Ngoài ra, công sự xây cất đền chùa giai đoạn đó cũng gây nhiều tốn kém. Có thể nói mạc phủ có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Chính vào thời điểm đó chức quan trông coi tài chánh (trước gọi là Kanjô gimmiyaku, sau đổi ra Kanjô bugyô) là Ogiwara Shigehide (Địch Sinh, Trọng Tú) sau khi kiếm đủ cách không xong, đã đề nghị với Tsunayoshi phương án mới là đúc lại hoá tệ. Từ đó Nhật Bản có đồng tiền gọi là Genroku koban, "đồng vàng thời Genroku", một loại tiền hình viên chùy và dẹp, bằng vàng, giá trị tương đương với một lượng. Koban mới này tuy phẩm chất kim loại kém đi so với với koban cũ nhưng số kim loại chiết ra (xuất mục deme) từ nó - nói trắng ra là ăn gian - đó sẽ được dùng vào việc cải thiện tình hình tài chánh của mạc phủ. Đúng là nhờ giải pháp này mà tài chánh mạc phủ khá ra. Thế nhưng nhân bù lại thì số tiền koban mới được tung ra thị trường quá nhiều nên nó đã bị mất đi giá trị. Trong một nền kinh tế tiêu bằng đồng vàng như xã hội Edo thì hiện tượng nói trên đã làm cho vật giá leo thang và cuộc sống của người thường dân thành ra vô cùng chật vật. Đến năm 1707 (Hôei 4), núi Fuji gần Edo lại có trận phun lửa thật lớn, các vùng Suruga, Sagami bị tro hỏa sơn rơi đầy, gây ra nhiều thiệt hại. Để phục hưng những vùng bị ảnh hưởng của núi lửa, nhà chúa ra lệnh thu Shokokutaka yakukin (gọi tắt là Kuniyaku = quốc dịch), một món trưng thu nghĩa vụ trên toàn quốc: hễ nơi nào có khả năng trưng thu thì cứ mỗi 100 thạch thóc huê lợi phải nộp cho nhà chúa 2 lượng.Kết quả là mạc phủ đã thu vào được 49 vạn lượng. Tuy vậy, trong suốt thời gian còn lại của chính quyền Tsunayoshi, hình ảnh một cuộc phá sản tài chánh của nhà nước vẫn cứ lởn vởn không chịu buông tha những người cầm quyền. |
2.2
Văn hoá Genroku:
Cho đến đây, chúng ta đã bàn về tình hình chính trị thời Edo. Hãy tạm rời nó một chút để tìm hiểu văn hoá sử của thời đại này. Genroku, giai đoạn cuối thế kỷ 17 bước qua đầu thế kỷ 18 là một thời kỳ chính trị ổn định, những mục tiêu kinh tế đề ra đều xem như thực hiện được nên tình hình xã hội đủ sung mãn để phát huy được một nền văn hóa nhiều sắc thái, vửa chủ động bởi tầng lớp võ sĩ, sau đến người kẻ chợ lẫn hạng bình dân. Văn hoá đó được mệnh danh là văn hoá Genroku, niên hiệu (1688-1704) cùng tên. Văn hoá Genroku là một nền văn hoá có khuynh hướng hiện thực và thực chứng rất đậm đà. Cuộc đời gọi là "phù thế" (ukiyo) đầy biến dịch và linh động muôn màu muôn vẻ của xã hội người thành thị (chônin shakai) đã được văn học thời ấy mô tả như nó là. Nho học gắn bó với chính trị và được khích lệ. Học vấn cũng phát triển với các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên và cổ điển nặng về thực chứng Văn học có những cây bút tiêu biểu cho vùng Kamigata (Kyôto và phụ cận) như nhà tiểu thuyết Ihara Saikaku, nhà thơ Matsuo Bashô và nhà soạn tuồng Chikamatsu Monzaemon. Xuất thân từ một gia đình thương nhân ở Ôsaka, Ihara Saikaku (Tỉnh Nguyên, Tây Hạc, 1642-1693) bắt đầu cuộc đời văn chương như nhà thơ haikai theo kiểu viết lấy lượng nhờ nhanh trí. Tuy nhiên, ông chính là một tiểu thuyết gia rất ăn khách nên có thể sống bằng ngòi bút, một chuyện chưa từng có trước đó. Tác phẩm của ông trình bày những cảnh đời nghĩa là xã hội như một hiện thực. Ông khai thác chủ đề tình dục và kim tiền, hai thứ mê hoặc lòng người. Ngòi bút của ông sắc sảo tài tình và đã mở một cách cửa mới cho văn học Nhật Bản cận đại. Tác phẩm của ông có thể xếp vào 3 loại: 1- Loại chủ đề tình dục: Kôshoku ichidai otoko (Một đời trai mê sắc dục), Kôshoku gonin no onna (Năm người đàn bà lụy vì tình). 2- Loại chủ đề đời samurai: Budô denraiki (Truyện con nhà võ còn truyền lại), Buke Giri monogatari (Truyện ân oán trong giới võ sĩ); 3- Loại chủ đề người kẻ chợ: Nihon eitaigura (Kho hàng Nhật Bản muôn đời), Seken munezanyô (Những toan tính bụng dạ người đời) |
Vào thời Genroku, về thi ca, Matsuo Bashô (Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), xuất thân ở Ueno Iga (tỉnh Mie) thuộc miền tây, đã góp mặt trên thi đàn và tỏ ra có biệt tài. Khác với những người đi trước như Nishiyama Sôin (Tây Sơn Tông Nhân) của trường phái Danrin (Đàm Lâm) vốn yêu chuộng sự tân kỳ, hào nhoáng (eccentric), Bashô chỉ viết những vần thơ về một thế giới mang màu sắc tịch liêu, rỉ sét (sabi), héo úa tàn tạ ( shiori), nhẹ nhàng, vật vờ, chợt có chợt không (karumi). Ông đã gây dựng nên một phong cách gọi là Shôfuu (Tiêu phong, còn viết là chính phong) dựa lên khái niệm cơ sở là yuugen kanjaku (u huyền nhàn tịch) và để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng với cái nhìn bén nhạy về con người và thiên nhiên. Ông du hành nhiều nơi, đi đến đâu cũng có dịp giao tiếp với nhân sĩ địa phương, nào là võ sĩ, nào là thương nhân hay nông dân địa chủ, lấy những cuộc gặp gỡ đó làm tư liệu để viết những bài văn du ký (kikôbun = kỷ hành văn) giàu chất thơ gọi là haibun (bài văn) như Oku no hosomichi (tùy cách hiểu có thể dịch là Đường mòn miền Oku hay Đường vào sâu thẳm). Trong chuyến đi dài về miền đông bắc đó, học trò là Sora (Tăng Lương) đã tháp tùng ông. Trong lãnh vực sân khấu, không thể quên những đóng góp to tát của soạn giả Chikamatsu Monzaemon (Cận Tùng, Môn Tả Vệ Môn, 1653-1724), người được đời sau đánh giá như là Shakespeare của Nhật Bản.Xuất thân từ một gia đình samurai ở gần Kyôto, thưở nhỏ đã gần gủi với văn chương, ông soạn nhiều vở tuồng về hình thức sân khấu đương thời là jôruuri (tĩnh lưu ly hay sấn khấu múa rối búp bê) và kabuki (ca vũ kỹ), một hình thức tuồng cải lương (nếu ta xem tuồng Nô như hát bộ). Tác phẩm của Chikamatsu có nhiều thể loại (vật = mono): jidaimono (thời đại vật) là những pho tuồng dã sử, sewamono (thế thoại vật) nói về người đời, là những tuồng mang chủ đề luyến ái, tình cảm, chết chung vì tình, truyện hồn ma bóng quế vv...Có thể đưa ra một số ví dụ: 1- Truyện dã sử: Kokusenya gassen (Quốc tính gia hợp chiến) kể lại cuộc chiến đấu của một chàng trai Đài loan mang nửa dòng máu Nhật, chống lại cuộc xâm lăng của thực dân da trắng, bảo vệ xứ sở Đài loan. 2- Truyện người đời: a) Shinjuu Ten no Amijima (Tâm trung Thiên Võng Đảo) hay truyện hai tình nhân trốn nhà ra đi để cùng chết chung vì tình (tự sát) trên đảo Ten no Amijima. b) Sonezaki shinjuu: Một chuyện cùng tự sát ở mũi đất Sonezaki để giải quyết một vấn đề tình cảm oan trái. c) Meito no hikyaku (Minh đồ phi cước): Người giao hàng của cõi u minh, chuyện chung quanh một vụ án mạng. Những tác phẩm của Chikamatsu được người điều khiển con rối Tatsumatsu Hachirôbê (Thìn Tùng Bát Lang Binh Vệ) mang ra diễn với giọng đọc của Takemoto Gidayu (Trúc Bản Nghĩa Thái Phu) được quần chúng tán thưởng. Bài bản do Gidayu đọc kèm theo âm thanh của đàn samisen (ba giây) réo rắt được gọi là Gidayubushi (Nghĩa Thái Phu tiết). Do đó, ngày nay cách nói chuyện của một người nào có cá tính và được quần chúng biết đến cũng được gọi là xxx+bushi như thế. Dayu (Tayu = thái phu) là tiếng tôn xưng người lành nghề trong một lãnh vực nào đó. Thời đó, Kabuki cũng được quần chúng bình dân yêu chuộng như sân khấu múa rối jôruuri. Nó phát triển rất mạnh. Ở vùng Edo hay vùng Kamigata (Kyôto và phụ cận), có những rạp con ngoài trời (shibai koya) được cất lên. Thế nhưng nếu ở Edo, khan giả chuộng những vở tuồng võ hiệp với lối diễn tả mạnh bạo (aragoto = hoang sự) với những anh kép hát đầy nam tính như Ichikawa Danjuurô (Thị Nguyên Đoàn Thập Lang) đời thứ nhất thì người vùng kinh đô lại chuộng tuồng tình cảm (wagoto = hòa sự) với lồi diễn tả tình tứ của chàng Sakata Tôjuurô (Phản Điền Đằng Thập Lang). Một kép hát đóng vai đào (onnagata) nổi tiếng thời ấy là Yoshizawa Ayame (Phương Trạch Ayame). Tuy có nhiều cách diễn âm Hán nhưng một trong những cách viết của ayame là "xương bồ", tên một loài hoa. |
Sau đây, ta hãy bước vào lãnh vực học vấn của thời Genroku. Cùng với sự ổn định chính trị cũa thể chế mạc phiên, Nho giáo với tư cách là môn môn học qui định phận sự của từng cá nhân trong xã hội cũng đã được phổ biến đến mọi tầng lớp người. Đặc biệt Chu tử học - cái học của Chu Hy - đặt nặng vấn đề trật tự trên dưới và lễ tiết - được mạc phủ cũng như các phiên rất hoan nghênh vì nó là vũ khí giúp họ duy trì trật tự nội bộ. Một trường phái của Chu tử học có tên là Nam học (Nangaku) đã được nhà nho Tani Jichuu (Cốc, Thì Trung, 1589/1599-1649) của phiên Tosa (trên đảo Shikoku) thừa kế. Từ cửa ông đã xuất hiện những tài năng như Yamazaki Anzai (Sơn Kỳ Ám Trai, 1618-1682) và Nonaka Kenzan (Dã Trung, Kiêm Sơn, 1615-1663) , cả hai sau này sẽ giúp đỡ đắc lực cho đại thần Hoshina Masayuki. Đặc biệt Anzai là người đã đưa ra thuyết Suika Shintô (Thùy gia Thần đạo) [11] và dùng Nho giáo để giải thích Thần đạo.Một phái khác của Chu tử học là Kinh học (Kyôgaku). Người gây dựng ra phái ấy có tên Fujiwara Seika (Đằng Nguyên Tỉnh Oa, 1561-1619). Trong đám môn nhân của ông có Hayashi Razan (Lâm, La Sơn, 1583-1657) và Ishikawa Jôzan (Thạch Nguyên, Trượng Sơn, 1583-1672), Matsunaga Sekigo (Tùng Vĩnh Xích Ngũ, 1592-1657) Thêm vào đó, những người kế tiếp đường lối của Matsunaga Sekigo là Kinoshita Jun.an (Mộc Hạ, Thuận Am, 1621-1689), Arai Hakuseki (Tân Tỉnh, Bạch Thạch, 1657-1725), Muro Kyuusô (Thất, Câu Sào, 1658-1734) .
Đối đầu với Chu tử học là Dương Minh học. Nakae Tôju (Trung Giang, Đằng Thụ) và môn nhân của ông là Kumazawa Banzan (Hùng Trạch, Phiên Sơn, 1619-1691, hiệu Ryôkai = Liễu Giới) theo Dương Minh học, trường phái do nhà nho Vương Dương Minh đời Minh mở đường, chủ trương phê phán hiện thực và tìm về cái đạo đức tiềm ẩn trong tâm hồn con người để sau đó thể hiện nó qua việc làm. Với lập trường "tri hành hợp nhất" nghĩa là xem "sự hiểu biết phải đi đôi với việc làm", tư tưởng của Vương Dương Minh có tính cách tân vì ông muốn giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội (vẫn thường hành xử kiểu nghĩ một đàng làm một nẽo).Do đó. Banzan bị Mạc phủ dè chừng, và nhân vì ông thường lên tiếng phê phán chính trị của nhà nước nên đã bị đày xuống vùng Shimôsa Koga (Chiba-Ibaraki bây giờ), giam trong thành Koga và mất ở đó.Tác phẩm chủ yếu của ông - Daigaku Wakumon (Đại học hoặc vấn, khoảng 1686 hay 87) - đưa ra 22 điều ngờ vực về kinh tế chính trị hàm ý chỉ trích mạc phủ một cách mạnh mẽ nên bị họ ngâm rất lâu không cho xuất bản. Banzan lại còn nói thêm rằng việc nhai lại những tư tưởng hủ lậu về trật tự đạo đức của Trung Quốc cổ đại là theo học "Tử học" chứ không phải Nho học.
Mặt khác, vẫn có người đi tìm ý nghĩa thâm thúy của Nho học mà họ cho rằng nó nằm bên trong những tác phẩm cổ điển do Khổng tử và Mạnh tử soạn ra. Đó là phái Cổ học do các ông Yamaga Sokô (Sơn Lộc, Tố Hành, 1622-1685) và Itô Jinsai (Y đằng, Nhân Trai, 1627-1705) xây dựng nên. Bên trong phái Cổ học còn có một chi nhánh là phái Cổ văn từ học phái do Ogyuu Sorai (Địch Sinh Tồ Lai, 1666-1728) cầm đằu. Họ tỏ ra quan tâm đến các vấn đề kinh tế, chính trị, chủ trương muốn bảo vệ thể chế mạc phiên thì phải ngăn chận không cho các đô thị được phát triển, còn samurai phải biết sử dụng đất đai để canh tác. Họ cũng đã mở đường cho môn học gọi là "kinh thế luận" tức lý luận "kinh thế tế dân", chủ đích làm thiên hạ được yên ổn và cứu dân lành khỏi đói nghèo. Bản thân Sorai được Shôgun Yoshimune và đại thần đầu triều Yanagisawa Yoshiyasu dùng làm cố vấn chính trị để thi hành cuộc cải cách năm Hưởng Bảo (Kyôhô no kaikaku, 1716-1745). Đệ tử của Sorai, Dazai Shundai (Thái Tể Xuân Đài, 1680-1747) đã phát triển lý luận "kinh thế" ấy. Theo ông, samurai cũng phải tham gia thương mãi và kiếm lợi nhờ chế độ buôn bán độc quyền (senbai seido). 2.3 Sự phát triển của các ngành học thuật: Sự phát triển Nho học là sự phát triển của một lối tư duy hiện thực và hợp lý, nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến những ngành học khác của thời ấy. Ví dụ khoa lịch sử đã có có những nghiên cứu có tính thực chứng dựa trên cổ văn thư. Ngoài Arai Hakuseki, còn thấy xuất hiện một số nhân vật khác cũng triển khai được những phương pháp đánh giá lịch sử độc đáo của riêng họ.
Mặt khác, trong lãnh vực khoa học tự nhiên, đã có nhiều tiến triển về bản thảo học, ngành học xuất phát tự lâu đời ở Trung Quốc[14] và được truyền đến Nhật từ đời Asuka (cuối thế kỷ thứ 6 đến tiền bán thế kỷ thứ 7), cũng như trong các môn có tính thực chứng khác như y học hay nông học. Kaibara Ekiken (Bối Nguyên Ích Hiên, 1630-1714) chẳng hạn, đã viết những tác phẩm như Yamato Honzo (Đại Hòa bản thảo), Miyazaki Yasusada (Cung Kỳ, An Trinh, 1623-1697) viết Nôgyô Zensho (Nông nghiệp toàn thư) vv... Chúng đều được truyền bá rộng rãi. Bản thảo là cây cỏ có vị thuốc cho nên bản thảo học là môn học nghiên cúu dược tính và hiệu quả của thực vật, động vật và khoáng vật.Ngoài ra, nhân vì người ta cần dùng đến phương tiện đo lường và tính toán trong việc buôn bán nên Wasan (Hoà toán) tức môn số học của người Nhật cũng phát triển. Người tên Seki Takakazu (Quan, Hiếu Hòa, 1640? -1708) đã có những nghiên cứu đặc sắc về phương pháp tính toán bằng đại số học theo bút toán (chứ không phải bàn toán), cũng như phép tính liên quan tới viên cầu (hình cầu tròn). Thiên văn và lịch học thì đã có Shibukawa Shunkai (hay Shibukawa Harumi, xưng hiệu Yasui Santetsu, 1639-1715 sử dụng lịch Trung Quốc để điều chỉnh độ chênh lệch giữa nó và lịch được áp dụng đương thời trong nước, để làm ra một thứ lịch mới cho Nhật Bản. Lịch này được gọi là Jôkyôreki (Trinh Hưởng lịch tức lịch làm ra trong niên hiệu Jôkyô, 1684-88). Nhờ công lao ấy mà Shunkai được mạc phủ bổ nhiệm làm Tenmonkata (Thiên văn phương), một chức vụ mới lập ra lần đầu tiên để lo việc làm lịch và đổi lịch. Những công trình nghiên cứu về văn học quốc âm cũng bắt đầu vào thời đại này. Trước tiên phải kể đến Toda Mosui (Hộ Điền Mậu Thụy, 1629-1706) người đã nghiên cứu về những chữ bị cấm dùng trong khi làm thơ waka (chữ gọi là sei no kotoba, sei = chế). Sự cấm đoán đó đã được người ta đặt ra vào thời trung cổ. Theo Mosui, đó là một cấm đoán vô nghĩa. Ông chủ trương nên dùng cả những chữ thông tục (zokugo) trong khi làm thơ. Người nghiên cứu Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập là Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701) - một tăng lữ - đã dùng nhiều ví dụ cụ thể để chứng minh cho thuyết của Mosui mà ông thấy là một phát ngôn chính đáng. Keichuu đã viết Man.yôdaishôki (Vạn Diệp đại tượng ký), phê phán việc xưa nay người ta vẫn dựa vào quan điểm đạo đức để giải thích thơ waka. Kitamura Kigin (Bắc Thôn Quí Ngâm, 1624-1705) bỏ công nghiên cúu Genji Monogatari (Truyện Genji) và Makura no Sôshi (Chẩm thảo tử) với ý định tìm hiểu đâu là điều ngày xưa tác giả của chúng thực sự muốn bày tỏ.Những công trình nghiên cứu cổ văn này muốn ngược dòng thời gian để bắt gặp tâm tình người cổ đại. Ước muốn này, về sau sẽ được những nhà học giả quốc học thừa kế.
Thứ đến, hãy bàn về mỹ thuật. Trong bộ môn hội họa, ngoài phái Kano (Kanoha, phái Thú Dã), còn có phái Tosa (Tosaha) trong hệ thống tranh Nhật truyền thống (Yamato-e) với họa sư Tosa Mitsuoki (Thổ Tá, Quang Khởi, 1617-1691), người được xem như họa sư của triều đình. Sau đó lại có hai cha con Sumiyoshi Jôkei (Trú Cát Như Khánh, 1599-1670), Kukei (Cụ Khánh, 1631-1705) vốn là một nhánh của phái Tosa đã ly khai. Họ xây dựng thành công trường phái Sumiyoshi và được mạc phủ dùng làm họa sư riêng ( ngự dụng họa sư = goyô-eshi). Đó là chưa kể Ogata Kôrin (Vĩ Hình Quang Lâm, 1658-1716) trước làm việc trong ngành may mặc đồ ta (gofuku) ở Kyôto, đã biết đem họa pháp trang trí của Tawaraya Sôtatsu (Tông Đạt, ? -1640, họa gia đời Momoyama và sơ kỳ Edo) - vào trong tác phẩm của mình, tạo cơ sở cho Rinpa (Lâm phái). Mặt khác, ở vùng Awa (nam Chiba bây giờ) có họa sư Hishikawa Moronobu (Lăng Xuyên, Sư Tuyên, ? - 1694) giỏi họa hình mỹ nhân, kép tuồng, đô vật. Ông bắt đầu làm tranh khắc gỗ (hanga = bản họa) với những chủ đề có tính phong tục, xã hội của loại tranh gọi là Ukiyo-e (phù thế hội) nói về trăm vạn cảnh đời diễn ra trước mắt. Ông rất được dân chúng yêu chộng. Lý do cũng vì hanga (woodcut, woodlock print) ngày xưa giống như bích chương (poster) bây giờ, giá rẻ dễ mua. Cảm giác mua hanga có ảnh một kép hát mà mình hâm mộ về treo trong nhà của người thời Edo cũng không khác hành động tương tự của người hiện đại treo hình thần tượng (idol) bao nhiêu. Có điều cần phải chú ý ở đây. Bức tranh tiêu biểu cho sự nghiệp của Moronobu là Mikaeri bijinzu (Tranh vẽ người đẹp ngoái nhìn) nhưng nó không phải là tranh mộc bản (khắc trên gỗ rồi in lại) mà là tranh chính tay ông vẽ bằng bút (nikuhitsu). Về mặt sản phẩm thủ công, phải kể đến Nonomura Ninsei (Dã Dã Thôn Nhân Thanh, không rõ năm sinh và mất) người Kyôto, được xem như là ông tổ của Kyôyaki (Kinh thiêu) tức đồ gốm (thiêu) đặc sắc của vùng Kyôto vì đã biết áp dụng thủ pháp uwaetsuke (gắn tranh lên trên) để vẽ tranh màu (iroe = sắc hội) lên da gốm. Thừa hưởng phong cách đó, Ogata Kenzan (Vĩ Hình, Can Sơn, 1663-1743), người em trai của Kôrin, nghĩ ra cách vẽ tranh trang trí lên trên các loại gốm. Riêng về ngành nhuộm màu (irozome), có bậc đại sư là Miyazaki Yuuzen (Cung Kỳ Hữu Thiền, không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông gốc gác là nhà tu và nghệ sĩ trang trí quạt) đã bắt đầu kỹ thuật nhuộm trên vải lụa sau mang tên mình, Yuuzenzome. Trên mặt xa tanh (rinzu = figured satin) hay kếp ( chirimen = crepe), ông đã biểu hiện được những mẫu hình hoa lệ được người kẻ chợ (chônin) yêu chuộng.
|
Tiết 3 - Chính sách của đại thần Arai Hakuseki: |
3.1
Chỉnh đốn lễ nghi theo phong cách Chu tử học:
Năm 1709 (Hôei 6), Shôgun đời thứ 5 Tsunayoshi chết. Vì ông không có con ruột nối dõi nên mạc phủ phải đem người cháu nội của (Shôgun đời thứ 3) Iemitsu thuộc chi Tokugawa vùng Kai (tỉnh Yamanashi bây giờ) về kế vị. Ông này trở thành Shôgun đời thứ 6 Ienobu (Gia Tuyên). Ông mới lên nhậm chức liền cho ngưng ngay một đạo luật mà người tiền nhiệm đã để di ngôn rằng bằng cách nào cũng không được bỏ: Shôrui.aware hay Luật xót thương các sinh vật. Đó cũng bởi vì nhiều người đã than vãn về sự áp dụng quá triệt để của đạo luật gây khó khăn cho sinh hoạt dân chúng. Ông cũng bắt đại thần đóng vai chính trong mạc phủ giai đoạn sau của đời Tsunayoshi là Yanagisawa Yoshiyasu phải về vườn. Thay vào đó, ông bổ nhiệm nhà nho và học giả Chu tử học tên là Arai Hakuseki (Tân Tỉnh Bạch Thạch, 1657-1725) và người thân cận của mình là Manabe Akifusa (Gian Bộ Thuyên Phòng, 1667-1720) vào hai chức vụ then chốt để giúp ông cải tổ chính trị. Chính trị của Hakuseki kéo dài cho dù Ienobu (Gia Tuyên) chỉ làm Shôgun được hơn 3 năm thì mất. Hakuseki tiếp tục phò tá người con mới lên ba của Ienobu là Shôgun đời thứ 7 Ietsugu (Gia Kế). Chính trị thời ấy được các nhà viết sử gọi theo niên hiệu Shôtoku (1711-1716 của Thiên hoàng thứ 114 Nakamikado) thành ra Shôtoku no seiji (Chính Đức chính trị). Nội dung của nó như sau: Trước tiên, nó nhắm chỉnh đốn lễ nghi, phong tục, quan chức trong nội bộ mạc phủ cho được rõ ràng trên dưới nhằm mục đích nâng cao quyền uy của Shôgun. Ví dụ như đang ở trong điện, chỉ nhìn áo xống một người là đủ biết người ấy chức tước, phẩm vị như thế nào. Lại nữa, Shôgun Ietsugu (Gia Kế, mới lên 3) đã hứa hôn với một công chúa (con gái Thiên hoàng) lúc đó 2 tuổi mà đã được lập ra một chi nhánh gia đình thân vương mới mang tên là Kan.en no miyake (Nhàn viện cung gia) [16]. Như vậy Shôgun trở thành thân thích của Thiên hoàng và uy tín được nâng cao hơn nữa. Ta thấy rõ ràng ở đây Hakuseki đã áp dụng triệt để thuyết chính danh của đạo Nho. Năm 1710 (Hôei 7), hoàng tử thứ 8 của Thiên hoàng Higashiyama là Hidenomiya (Tú cung) cũng sáng lập một chi nhưng vào thời đó, việc lập ra một chi nhánh mới không dễ dàng chút nào mà lý do tài chánh là yếu tố quyết định. Vì vậy, việc công chúa 2 tuổi mà mở nổi phủ riêng có thể xem như một ngoại lệ. Lúc đó, cả triều chỉ có 3 miyake (cung gia) hay shinnôke (thân vương gia): Fushimi, Arisugawa, Kyôgoku. Trừ hoàng thái tử và đích tử các gia đình thân vương, hầu như tất cả các hoàng tử, công chúa đều phải xuất gia, tu hành ở các chùa chiền liên quan đến dòng họ mình (monzeki.jiin). Như thế mới thấy mạc phủ đã chịu tốn kém để tạo ra ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi, tất cả cũng vì nâng cao uy thế của nhà chúa và nhân đó, làm cho triều đình và mạc phủ có cơ hội dung hòa. Mặt khác, trong quan hệ ngoại giao, Hakuseki cải thiện việc tiếp đón sứ bộ Triều Tiên đến thông hiếu (gọi là Triều Tiên thông tín sứ). Việc này xảy ra vào lúc sứ bộ bên đó được gửi sang để mừng Shôgun Ienobu mới lên nhậm chức. Cho đến khi ấy, sứ bộ chỉ được đón tiếp một cách sơ sài đạm bạc. Chính ra, từ khi ngoại giao Nhật Triều được khôi phục dưới đời Ieyasu, mỗi lần có sự thay đổi triều đại các Shôgun, nước Triều Tiên đều có gửi sứ sang mừng nhưng sự đón tiếp không được nồng hậu cho lắm.Theo thông tin của Hakuseki thì tiền thuế thu được vào năm 1709 (Hôei 6) chỉ có 77 vạn lạng mà kinh phí chiêu đãi sứ bộ đã lên quá 100 vạn lạng. Có thể ông tính cả chi phí cung ứng dọc đường cho họ mà riêng các tỉnh thành lớn như Kyôto, Ôsaka, Sunpu, Edo phải phụ đảm. Trong quốc thư Triều Tiên gửi cho Nhật Bản, cho đến lúc đó chỉ đề "Nhật Bản Quốc Đại Quân điện hạ" thì nay được thế bằng xưng hiệu "Nhật Bản Quốc Vương". Ý nghĩa của nó là khi người Triều Tiên gọi "đại quân", họ xem chủ nhân nước Nhật không được thiên tử Trung Quốc sách phong. Hakuseki không bằng lòng, đòi sửa lại. Theo ông, trong tiếng Triều Tiên, chữ "đại quân" chỉ dùng để chỉ kẻ thần hạ, ví dụ như đích tử của quốc vương. Khi đòi hỏi phía Triều Tiên phải thay đổi lối xưng hô như vậy, Hakuseki nhằm hạ họ xuống và nâng cao địa vị của Shôgun. Thế nhưng đến đời Shôgun thứ 8 Yoshimune trở về sau, người Triều Tiên mượn cớ vì "tổ pháp" đã ấn định nên không thể đổi, lại giữ truyền thống gọi Shôgun là "đại quân" như cũ. 3.2 Chính sách kinh tế: Chính sách kinh tế của Hakuseki có thể được mô tả như sau: Trước hết là việc đúc lại tiền. Sau khi Shôgun mới đã lên ngôi, Hakuseki thành công trong việc đẩy Ogiwara Shigehide (Địch Nguyên Trọng Tú, 1658-1713) là người đã hiến kế đúc lại tiền thời Genroku và vẫn còn nắm chức Kanjô bugyô, trông coi chính sách tài chánh và sử dụng ngân sách ngay cả trong chính quyền mới. (Nhân đây cũng nói thêm là Shigehide bị nhiều người cáo buộc tội ăn hối lộ). Hakuseki cho thay đổi tỷ lệ vàng trong hợp kim làm ra đồng koban (thoi tiền vàng hình dầu dục trị giá ngang 1 lạng) Genroku để đúc ra đồng koban Shôtoku có chất lượng cao hơn, không thua kém đồng koban Keichô của đời trước nữa. Ý nghĩa của việc làm này là để hồi phục uy tín của mạc phủ và cũng để chèn ép không cho nạn lạm phát bùng lên. Tuy mục đích tốt như vậy nhưng việc đổi đi đổi lại hoá tệ chỉ làm cho xã hội hỗn loạn.Nhân vì Hakuseki định ra tỷ lệ đổi tiền là một đồng mới (Shôtoku koban) ăn hai đồng cũ (Genroku koban) khi thu hồi tiền đã làm cho lượng hoá tệ lưu hành trong nước tụt xuống chỉ còn phân nửa và đưa vật giá tụt theo, khiến hoạt động kinh tế đình đốn, nói theo tiếng đời nay, sinh ra hiện tượng "giải lạm phát" (deflation). Lại nữa, lúc ấy việc mậu dịch với ngoại quốc ở Nagasaki cũng gây thêm lo lắng vì số vàng bạc bị xuất ra ngoài quá nhiều. Để chặn đứng việc này, vào năm 1715 (Shôtoku 5), Hakuseki đã cho ban hành lệnh hạn chế mậu dịch mang tên Kaihaku goshi shinrei (Hải bạc hổ thị tân lệ [17] = Điều lệ mới về việc giao thương với tàu biển nước ngoài), cũng còn gọi là Nagasaki shinrei (Lệnh mới về Nagasaki) hay Shôtoku shinrei (Lệnh mới năm Chính Đức). Trong thiên hồi ký nhan đề Oritaku shiba no ki (Ghi chép về những nhánh củi chụm) [18] , Hakuseki cho biết kể từ thời Edo cho đến lúc đó, tổng kết lại, Nhật Bản đã để người ngoại quốc thu lượm hết 1/4 số vàng và 3/4 số bạc mình có. Do đó, nhà nước phải nghĩ ra cách thức để khỏi để chảy máu hai thứ quí kim ấy. Kết quả là từ đó về sau, mỗi năm Nhật Bản chỉ cho phép 30 chiếc thuyền của nhà Thanh với hạn định tổng số thương ngạch tương đương 6.000 quan, 2 chiếc thuyền Hà Lan với tổng số 3.000 quan tiền được cập bến. Bằng cách nào cũng không để cho vàng bạc tuôn ra ngoài nhiều như trước nữa. Thế nhưng tại sao trước kia Nhật Bản lại để kim ngân vào tay người nước ngoài nhiều như thế. Lý do là vì Nhật Bản chỉ buôn bán có một chiều (katabôeki, một là chỉ xuất khẩu, hai là chỉ nhập khẩu).Mậu dịch của Nhật Bản là chỉ nhập khẩu, họ mua tơ sống và các đồ tiêu dùng cao cấp và cứ tiếp tục trong bao nhiêu năm đem vàng bạc mình có ra mà trả. Kể từ thời Chiến Quốc (Sengoku) cho đến đời Edo, có thể xem như Nhật Bản là một quốc gia có sức sản xuất vàng bạc hàng đầu. Tiếc rằng họ đã để số kim khí dự trữ ấy bị hao mòn một cách dễ dàng đến độ không còn gì nữa. Do đó, chính sách Hakuseki đề ra nhằm hạn chế mậu dịch và sau đó, giúp cho người trong nước có cơ hội sản xuất những mặt hàng tiêu dùng mà cho đến nay, họ cứ phải nhập khẩu. 3.3 Vai trò học giả của Arai Hakuseki: Cuối cùng, hãy nhìn lại sự nghiệp của Arai Hakuseki học giả để hiểu đầy đủ hơn về ông. Trước tiên, Hakuseki đã chung đúc quan niệm về lịch sử của ông trong tác phẩm Tokushi yoron (Độc sử dư luận = Bàn thêm sau khi đọc sử). Năm 1712 (Shôtoku 2), nhân làm thị giảng cho Shôgun Ienobu, ông đã viết ra quyển sách ấy với một cách nhìn về lịch sử rất độc đáo.Trong sách, ông đã giải thích về những biến chuyển trong chính trị theo niên đại và sự phát triển của chúng kể từ thời các sekkan họ Fujiwara cho đến thời Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản. Một đoạn rất nổi tiếng như sau: "Bản triều đã trải qua 9 lần biến loạn (cửu biến) trước khi chính quyền vũ gia ra đời và lại trải qua 5 lần biến loạn (ngũ biến) kể từ thời vũ gia cho đến ngày nay". Thêm nữa, ông còn viết Koshitsuu (Cổ sử thông) nghiên cứu lịch sử cổ đại và Hankanfu (Phiên hàn phổ) sắp xếp một cách có hệ thống niên phổ hành trạng các lãnh chúa quan trọng.
Không những thế, nhân có nhà truyền giáo hội Jesuit người Ý tên là Giovanni Battista Sidotti (1668-1714) nhập cảnh vùng Yakushima (Ốc Cửu Đảo, gần Kagoshima bây giờ) trái phép, ông bèn thẩm vấn. Tài liệu về địa lý, phong tục phương Tây thu thập được đã giúp ông viết Seiyô kibun (Tây dương kỷ văn, 1715). Đó là một quyển sách được giữ bí mật (hihon = bí bản), chỉ lưu hành nội bộ giữa những người có trách nhiệm trong chính quyền. Ngoài ra ông cũng được lệnh của Shôgun soạn một quyển địa lý thế giới nhan đề Sairan igen (Thái lãm dị ngôn, 1713 và 1725), có tham khảo các bản đồ thế giới (càn khôn địa đồ) từ tài liệu của thương quán trưởng Hà Lan ở Nagasaki, các giáo sĩ như Sidotti và Mateo Ricci (1552-1610) , rồi dâng lên Ienobu. Nếu đọc tập hồi ký "Ghi chép về những nhánh củi chụm", ta thấy rằng qua đó, Hakuseki đã tỏ ra rằng về mặt chính trị cũng như học vấn, ông không bao giờ chịu thỏa hiệp. Trung thành với lý tưởng Nho giáo và những gì mình tin tưởng, ông là người có hành động nhất quán. |
Tiết 4-Tình hình giao thông và công nghiệp thời Edo: |
4.1
Phát triển nông nghiệp thời Edo:
Phần trước, chúng ta đã đặt trọng tâm về chính trị ngoại giao, kể từ trang này, chúng ta sẽ xét về lịch sử xã hội, kinh tế của thời Edo. Trưóc tiên, cần nhấn mạnh rằng, nông nghiệp là lãnh vực đã phát triển nhiều hơn hết. Thật vậy, nông nghiệp là bộ phận sản xuất cơ bản của xã hội tiền cận đại. Đại đa số tầng lớp bị trị là nông dân, ở Nhật họ được gọi là hyakushô (bách tính, trăm họ). Do đó, cả mạc phủ lẫn các lãnh chúa đều đặt trọng tâm đường lối chính trị của họ vào việc chấn hưng nông nghiệp và cai trị nông dân (hyakushô). Sử sách hãy còn ghi chép lại một số quan điểm của các nhà cầm quyền thời đó về vai trò của người nông dân mà họ cai trị, một ví dụ tiêu biểu là Honsaroku (Bản tá lục) do Honda Masanobu (Bản Đa Chính Tín,1538-1616), chức Rôjuu, nguyên trấn thủ vùng Sado và mưu thần của Tokugawa Ieyasu, trứ tác. Trong đó, ông trình bày: "Nông dân (hyakusho) là căn bản của thiên hạ. Cho nên, muốn cai trị được họ, thì phải làm sao để họ không dư dã mà cũng không lâm vào cảnh thiếu thốn. Đó là điều quan trọng số một". Ngoài ra còn thấy trong sách Shôhei yawa (Thăng bình dạ thoại), tác phẩm của Takano Jôdô (Cao Dã Thường Đạo, 1729-1815) của phiên Nagaoka câu nói: " Muốn cai trị nông dân thì đừng để họ chết mà cũng đừng cho họ sống, cứ thế mà thâu tô thuế (niên cống = nengu)". Hoặc như trong sách Seiiki Monogatari (Tây vực vật ngữ, tây vực ở đây ý nói các nước Âu Mỹ) của Honda Toshiaki (Bản Đa Lợi Minh, 1743-1820), tác giả đã trích dẫn câu nói mà chức quan Kanjô bugyô vào giai đoạn sau của cuộc cải cách năm Kyôhô (1716-1736) là Kan.o Haruhide (Thần Vĩ Xuân Ương 1687-1753) đã thốt lên: " Dầu mè và nông dân là hai thứ càng vắt thì càng tiết ra nước". Kiểu ăn nói như thế thật đúng là miệng lưỡi của viên quan Kanjô bugyô trông coi tài chánh từ sau cuộc cải cách năm Kyouhô (Hưởng Bảo) [19], một cuộc cải cách chỉ có dụng ý nengu zôchô (niên cống tăng trưng = trưng thu vượt trội tô thuế) nghĩa là vơ vét cùng kiệt nông dân. Quan niệm về nông dân của người cầm quyền là như thế nhưng họ cũng lo ưu tiên cho việc phát triển nông nghiệp bằng cách đưa ra những biện pháp cụ thể như khai khẩn thêm ruộng đất mới, cải tiến nông cụ và phân bón, trồng trọt những giống cây có giá trị thương mãi cao. Đầu tiên, hãy xem việc khai khẩn đất hoang đã được mạc phủ xúc tiến như thế nào? Vào thời Edo, vì nông nghiệp là trung tâm của hoạt đống kinh tế cho nên tăng thêm diện tích canh tác là điều tối quan trọng. Những cuộc đất khai khẩn là những nơi sơn dã hoang vu ngày trước người ta thường đến kiếm củi hay cây lá mục làm phân bón (phân xanh).Từ thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản) bước qua thời Edo, kỹ thuật khơi thông dòng nước (trị thủy) áp dụng vào việc khai thác các mỏ khoáng sản đã được chuyển qua áp dụng để bảo đảm việc tưới tiêu trong nông nghiệp.Do đó người ta đã có thể biến vùng đồng bằng hoặc vùng ven biển thành những dãi đất đại qui mô dùng cho canh tác.Nếu nói về kỹ thuật trị thủy của thời Sengoku thì không ai có thể quên được việc lãnh chúa Takeda Shingen đã xây con đê phòng lũ co cái tên là "Đê Shingen" (Shingen-dzutsumi). Nhờ vậy mà diện tích nông địa trên toàn quốc đã tăng thêm rất nhiều. Vào đầu thời Edo, tính ra chỉ có 164 vạn chôbu (đinh bộ, đơn vị đo diện tích ruộng đồng ngang với một hectare) đất canh tác, đến đầu thế kỷ 18 (tức khoảng 100 năm sau), con số đó đã lên đến 297 vạn chôbu. Đất mới được khai thác có thể chi ra nhiều loại.Vào thời kỳ đầu của mạc phủ Edo, người ta gọi là Dogô kaihatsu shinden (thổ hào khai thác tân điền) vì loại ruộng nương đó do các thổ hào (nông dân ở địa phương có của và quyền thế) xin phép khai khẩn. Thường thường tên cuộc đất được khai khẩn dính liền với tên người thực sự đứng ra khai khẩn.Ví dụ như Gorobê ở Shinano khai khẩn thì nó sẽ được gọi là "cuộc đất mới của anh Gorobê ở Shinano" (Shinano no Gorobe shinden). Ngày nay cách gọi theo như vậy hãy còn được thấy khi người ta nghiên cứu xuất xứ địa danh các vùng. Thứ đến là loại Daikan mitate shinden (Đại quan kiến lập tân điền). Có là những cuộc đất mà chức Daikan (quan chức đại diện mạc phủ xuống địa phương thu thuế) chỉ đạo và cho thi hành việc khai khẩn. Sau khi khai khẩn xong thì 1/10 tiền thuế (niên cống, tuế cống) sẽ được trích ra làm món tiền thưởng cho viên quan đó. Lối khai khẩn thứ hai này cũng thường thấy vào đầu đời Edo. Thế rồi từ giữa thời Edo, lối khai khẩn thấy nhiều nhất là loại murauke shinden (thôn thỉnh tân điền) do xã thôn đứng ra xin phép khai khẩn hoặc loại chônin ukeoi shinden (đinh nhân thỉnh phụ tân điền) nghĩa là đất được khai thác nhờ có sự viện trợ tài chánh của người thành phố. Lý do là công việc trị thủy cho khu ruộng mới khai khẩn bao giờ cũng đòi hỏi một số vốn đầu tư kết xù. Khu ruộng mới khai khẩn có tên là Shiunji-gatashinden (Tử Vân Tự tả tân điền), - ruộng mới khai khẩn từ bải cạn do chùa Tử Vân Tự vùng Echigo (tỉnh Niigata ngày nay) - có khả năng sản xuất 1 vạn 7 nghìn thạch thóc (1 thạch = 180 lít). Kawaguchi shinden (Xuyên khẩu tân điền) ở Settsuu cũng tự hào có giá trị 1 vạn 5 nghìn thạch. Ngoài ra, con buôn giàu có ức vạn tên là Kônoike, nhờ làm nghề cho vay lấy lãi và vận tải hàng hóa, cũng đủ tài chánh để khai khẩn được Kônoike shinden.Những cuộc khẩn hoang thời Edo trung kỳ thật ra có liên quan rất lớn đến việc chấn chỉnh tài chánh của mạc phủ sau cuộc cải cách chính trị và kinh tế năm Kyôhô (Hưởng Bảo (1716-36) nhưng cùng lúc, nó cũng đưa đến nhiều tệ hại. Một là nó đã đẻ ra một tầng lớp thương nhân kiêm chủ nhân ông của vùng nông thôn có ruộng mới. Hai là nó đưa đến việc khai khẩn quá trớn, không theo kế hoạch nào cả, gây nên sự hỗn loạn trong dân. Những vùng cho đến lúc đó chưa được khai khẩn - như đã nói - là khu vực có tên magusaba (mạt trường, mạt = củi khô), nơi nông dân kiếm củi hay ủ cỏ làm phân bón. Nó nằm ở những nơi sơn dã hoang vu.Nay nều thành đất khai khẩn thì một số người sẽ mất miếng ăn nên việc khẩn hoang không phải là có ít người chống đối.Hơn nữa nếu có thêm đất thì hầu như toàn thể nông dân phải có thêm công việc, ngoài đất đai họ hiện phải lao động. Tuy là khi kiểm địa, quan trên đặc cách cho đất mới khai khẩn được giảm miễn tô thuế từ 3 đến 5 năm tức là quảng thời gian mới bắt đầu làm, chưa có hoa màu (kuwashita nenki = thu hạ niên quý, thu hạ = dưới lưỡicuốc). Tuy nhà nước tỏ ra rộng lượng như thế nhưng có khi họ muốn qui tụ người khai khẩn ruộng mới cũng có khi chẳng ai chịu đến. Vì vậy, từ đầu thời Edo (1603) cho đến khoảng niên hiệu Keian (Khánh An, 1648-52) là lúc mọi người tích cực khai khẩn đất hoang, cũng có giai đoạn, người ta đổi sang lối suy nghĩ là chi bằng nâng cao hiệu suất sản xuất trên diện tích đất đai đã có cái đã. Muốn nâng cao hiệu suất thì phải có những tiến bộ kỹ thuật. Hãy xem sau đây tình hình nông cụ và phân bón dưới thời Edo như thế nào. Việc kinh doanh nông nghiệp dưới thời Edo chỉ có ở mức độ nhỏ (tiểu qui mô) nghĩa là trong vòng gia đình. Vì sự canh tác chỉ dựa trên một diện tích nhỏ và một số ít nhân công lao động, nông dân không thể nào sử dụng sức kéo của bò và ngựa một cách đại qui mô. Họ chỉ còn biết cố gắng cải tiến nông cụ để nâng cao sức sản xuất. Những thứ nông cụ dùng để thâm canh (cày, cuốc sâu) thì có loại cuốc lưỡi dài Bicchuuguwa (kuwa = cuốc, Bicchuu = Bị Trung, tên cũ của tỉnh Okayama), tuốt lúa thì có senbakoki (thiên xỉ tháp, bàn răng lược), tách vỏ trấu khỏi hạt gạo thì có tômi (đường ki, sàng sẩy thóc) và sensekiotoshi (thiên thạch đồ) (?), tưới nước vào ruộng thời dùng fumiguruma (đạp xa, guồng đạp nước)...Chúng khá phổ biến trong dân chúng. Nông cụ với những cái tên phức tạp này may là còn được giới thiệu lại trong tác phẩm Rônô yawa (Lão nông dạ thoại = Lời chuyện trò ban đêm của ông già làm nông) của Nakadai Yoshimasa (Trung Đài, Phương Xương) cũng như Nôgu benriron (Nông cụ tiện lợi luận = Bàn về sự có ích của nông cụ) do nhà nông học Ôkura Nagatsune (Đại Tàng, Vĩnh Thường, 1768- ? ) soạn. Phải nói là kỹ thuật trồng trọt và tri thức về nông cụ được ghi chép lại trong hai quyển sách này là những điều thật cần thiết cho nhà nông. Ngoài hai cuốn sách nói trên, còn phải kể đến Seiryôki (Thanh Lương Ký), tác phẩm về nông nghiệp soạn ra vào đầu thời cận đại. Có thể coi nó như là quyển nông thư (sách dạy nghề nông) tối cổ ở Nhật. Sau đó là Nôgyô zensho (Nông nghiệp toàn thư) do Miyazaki Yasusada (Cung Kỳ An Trinh) viết vào cuối thế kỷ 17. Ôkura Nagatsune còn trình bày phương pháp trồng tỉa 60 loại hoa màu trong Kôeki kokusankô (Quảng ích quốc sản khảo = Bàn về những nông sản đem đến nhiều ích lợi cho nước nhà), qua đó, ông còn muốn chứng minh rằng kỹ thuật canh tác của nhà nông ảnh hưởng đến sự phồn vinh của quốc gia biết chừng nào. Như thế, ta thấy rằng vào thời Edo, đã xuất hiện nhiều sách vở trình bày phương pháp canh tác thích ứng cho tình hình của từng địa phương một. Thật là thời đại toàn thịnh của nông thư vậy. Về phân bón, cũng vào thời ấy, người ta thường ra những cánh đồng không hoặc rừng núi ngoài thôn làng, cắt cỏ và lá làm phân rải lên mặt ruộng cho nên loại phân xanh đó gọi là karishiki (cát phu = cắt và phủ). Vùng chung quanh đô thị, người ta sử dụng phân bắc (shimogoe) tức hai loại chất thải từ thân thể con người. Nhà nông ở ngoại ô đi đến những vùng dân cư đông đúc như joka-machi, lấy rau quả mình làm ra để trao đổi lấy phân ấy. Ngoài ra còn có các loại phân làm bằng xác cá mòi khô (hoshika), bã thực vật có dầu như vừng, lạc, đậu nành (aburakasu) và các thứ nước chắt và hèm rượu (shimekasu). Loại sau này dùng để bón cây công nghiệp như cây bông vải và phải trả bằng tiền. Do đó chúng có tên chung là kinpi (kim phì = phân bón tốn tiền). Đời sống của nông dân thời ấy chủ yếu là tụ túc tự cấp nghĩa là tiêu dùng sản phẩm do mình làm ra. Tuy nhiên, đến khi sức sản xuất nông nghiệp đã cao rồi thì ngoài số gạo phải nộp như tuế cống (thuế) cho nhà nước, họ còn có được trong tay chút đỉnh gạo dư. Mặt khác, cùng với thời gian, xã hội Edo mà trung tâm là khu vực các thành phố đã biến thành một xã hội tiêu thụ. Ảnh hưởng của nó cũng đã lan rộng về nông thôn.Văn hoá mới của vùng thành phố, từ cái ăn đến cái chơi, đã thôi thúc người dân thôn dã bắt chước theo đòi. Số gạo họ kiếm ra và còn dư (dư thừa mễ = yojômai), nông dân đem bán 4 ra ngoài tỉnh như sản phẩm và nhờ đó đã rủng rỉnh trong tay một ít tiền. Ngoài ra, các loại cây công nghệ như dâu, gai, bông vải, hoa cải dầu (rape), cây gió (paper mulberry), ngay cả rau và thuốc lá ... - những sản phẩm do canh tác mà có (shôhin sakumotsu) - đều bị mạc phủ cấm đem bán ngoài thị trường. Thế nhưng trên thực tế, con số nhà nông sản xuất chúng và bán qua bán lại để kiếm tiền sinh lợi càng ngày càng đông đảo. Sản vật do canh tác mà làm ra tiêu biểu nhất là shiboku sansô (tứ mộc tam thảo = bốn thứ cây và ba loại cỏ). Tứ mộc gồm các thứ cây như sơn, trà, gió, dâu, còn tam thảo là (tơ) gai, hoa đỏ (benihana = safflower, một loại cây thân thảo cho dầu hay cho màu đỏ để nhuộm) và cây chàm (ai = indigo plant, cho màu xanh chàm trong công nghệ nhuộm).
Kết quả của hiện tượng này là nhiều làng xóm đã bị cuốn hút vào nền kinh tế hóa tệ xưa nay vốn chỉ diễn ra ở những vùng thành thị. Thực tình mạc phủ chỉ muốn đóng khung nông dân trong một nền kinh tế tự cấp tự túc chứ không muốn cho họ mó máy đến tiền bạc. Chẳng ngờ sự phát triển kinh tế đô thị (vốn không tự mình cung cấp cho mình được) đã kéo cả nông dân như thể đưa họ vào một cơn lốc xoáy của kinh tế hóa tệ. Điều này đi ngược lại những toan tính trước đó của tầng lớp cai trị tức mạc phủ và đảo lộn hoàn toàn quan niện của giới này về nông dân. Tóm lại, thời đại đã thực sự thay đổi và đi ra ngoài ý muốn của họ. Thế rồi, ở mỗi địa phương, nông dân tùy theo khí hậu, đất đai trong vùng mà trồng những loại cây có ích cho cuộc sống và có lợi về mặt giá cả thị trường. Ví dụ như vùng Dewa Murayama (Mogami vùng Đông Bắc) sản xuất loại hoa đỏ (benihana, safflower) để nhuộm màu, hai vùng Suruga (Shizuoka) và Yamashiro Uji (gần Kyôtô) thì chuyên trồng trà, Higo (nay là Kumamoto) sản xuất igusa (cói lác, rush) làm chiếu, Awa (thuộc Tokushima) có lá cây chàm (aidama) cũng dùng trong công nghệ nhuộm, Satsuma (Ryuukyuu) sản xuất đường đen (đường mía), Echizen (trung bộ Fukui) chuyên làm giấy viết thư cổ truyền từ bột cây gió (phụng thư chỉ = hôshogami), vùng Kai trồng nhiều nho (budô), vùng Kii nổi tiếng về cam. 4.2 Các ngành sản xuất khác: Chúng ta có dịp nói nhiều về tình hình phát triển nông nghiệp nhưng cũng không nên quên sự tiến bộ của các ngành sản xuất khác. Mới đây, chúng ta đã đề cập đến việc xác cá mòi khô (hoshika) được dùng làm phân bón. Sở dĩ có được như thế là vì vùng Kujikuri (Cửu thập cửu lý), một bãi biển dài ở Azusa (Thượng Tổng, trung bộ tỉnh Chiba bây giờ), việc đánh cá mòi (iwashi, sardine) bằng lưới rà kéo trên mặt đất (jibikiami =địa duệ võng, duệ là kéo lê) vô cùng phát triển. Lưới kéo kiểu jibikiami là một loại lưới giăng ra rất rộng hai bên tả hữu, phần ở giữa hình vòng cung để cho cá dễ chui lọt. Nếu ngư dân nắm đầu dây hai bên mà rà kéo thì sẽ vây lại và tóm được cá. Xác cá mòi khô là một loại phân bón không thể thiếu được cho người trồng cây bông vải. Ở vùng kamigata (Kyôto và phụ cận), nhà nông rất yêu chuộng loại phân cá này và sau đó, nó đã phổ biến ra khắp nơi. Từ cuối thời trung đại, hình thức đánh cá bằng lưới cố định gọi là teichiami (định trí võng) xưa kia là của ngư dân các vùng Settsu, Izumi và Kii, không xa Kyôto là bao, nay lan rộng khắp nước. Lại nữa, mỗi địa phương lại chuyên đánh một loại cá (và dùng những kỹ thuật) khác nhau. Vùng Hizen Gotô (năm đảo thuộc Saga-Nagasaki) chuyên đánh cá thu (maguro = tuna), Matsumae (nam tây Hokkaidô) trên miền bắc đánh cá mòi (nishin = herring, cũng là một giống cá mòi nhưng khác sardine) [20], vùng biển nội địa trung bộ tức Seto naikai đánh cá mè (tai = sea bream, có nơi gọi là cá điêu, cá hồng), vùng Tosa trên đảo Shikoku đánh cá ngừ (katsuo = bonito). Ngư dân các vùng Kii, Tosa, Hizen, Nagato (tỉnh Yamaguchi) vừa biết dùng lưới lẫn lao (mori = harpon) nên có thể đánh cả cá voi (kujira = whale). Ngoài ra, tuy không phải là đánh cá nhưng người Ezo cũng có một chuyên môn nổi tiếng là trồng loại rong konbu (sea tangle), một thực phẩm đến từ biển và rất được người Nhật yêu chuộng. Nói về sản phẩm của biển cả, không nên bỏ qua muối ăn. Ruộng muối ngăn thủy triều lúc nước ròng và để cho khô đi (agehama enden) của thời trung cổ thì dựa vào một kỹ thuật đắp ruộng khá đơn sơ nhưng ruộng muối dẫn nước biển vào những thửa ruộng muối cố định (irihama enden) thời cận đại đòi hỏi một công trình thổ mộc phức tạp hơn.Vùng ven biển nội địa Nhật Bản là một trung tâm làm muối nổi tiếng từ thời này. Nghề rừng cũng quan trọng bởi vì thời Edo việc kiến trúc các jôka-machi hay phố dưới chân thành là việc cần thiết và gấp rút cho sự vận hành của hệ thống kinh tế cả nước. Nhu cầu về vật dụng xây cất càng cao, ngành khai thác lâm sản càng trở nên quan trọng. Thời Edo trung kỳ, việc khai thác gỗ ở vùng Ezochi trên Hokkaidô đặc biệt phát triển.Những địa phương và loại gỗ quí mà các nơi đó sản xuất là bá hương (hinoki = Japanese cypress) của vùng Kiso (tây nam tỉnh Nagano), trắc bá (sugi = Japanese cedar, còn được dịch là tuyết tùng) của Akita. Trên rừng núi vá các cánh đồng phụ cận Kyôto, có những địa điểm được khoanh ra để chuyên trồng các giống cây nguyên liệu làm giấy hay chè và sơn cũng như các chất đốt như than, củi, mà lượng tiêu dùng mỗi ngày một cao. Xin nói một chút về ngành khai thác khoáng sản. Các mỏ khoáng đều do mạc phủ trực tiếp kinh doanh. Nhờ có kỹ thuật đào bới, hút nước khỏi mỏ, tinh chế khoáng sản cao, kể từ hồi đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã nổi tiếng là một trong những nơi sản xuất nhiều bạc nhất trên thế giới. Thế nhưng, chỉ vì trong mậu dịch quốc tế, họ lại đi mua hàng nhiều hơn là bán hàng nên dần dần số quí kim dự trữ ấy đã di chuyển hết ra nước ngoài. Kể từ hậu bán thế kỷ 17, nhân vì khai thác quá mức, số bạc đào được giảm đi thấy rõ. Thay vào đó, sản lượng đồng tăng gia và đồng được dùng làm mặt hàng xuất khẩu qua cửa ngõ Nagasaki. Thép luyện từ quặng sắt (sa thiết) bằng phương pháp bễ thổi đạp bằng chân (tatara seiren) tại các lò [21] ở vùng Chuugoku (nam Honshuu) và Tôhoku (đông bắc Honshuu). Thép tốt (ngọc cương = tamahagane) có thể dùng cả vào việc chế đao kiếm xuất phát từ các vùng đó đã được thấy ở mọi nơi trong nước. Trong bối cảnh nông dân cần cải thiện nông cụ, kỹ thuật chế thép và nghề rèn đều có nhiều tiến bộ rõ rệt và điều này cũng dễ hiểu thôi. 4.3 Thủ công nghiệp đa dạng hóa: Tuy nông nghiệp là phương tiện sản xuất hàng đầu của thời Edo nhưng không vì thể mà coi nhẹ thủ công nghiệp (shukôgyô) và công nghiệp (kôgyô). Nói về thủ công nghiệp thì nơi cất dụng cụ và nơi làm việc không cần phải có diện tích rộng rãi gì cho lắm nên những người thợ chuyên môn (chức nhân = shokunin) ở thành phố có thể cáng đáng được. Tuy nhiên, ở miền quê, nhà nông lúc rảnh rang việc đồng áng cũng có thể làm một số nghề thủ công đa dạng. Hình thức này gọi là thủ công gia đình nông thôn, tiêu biểu nhất là nghề dệt tơ gai, vải, lụa. Đàn bà nhà nông thường dệt cửi như cách người ta vẫn gọi "onna wa hataori" (canh cửi là việc của các cô các bà). Giường cửi truyền thống họ dùng có khi là loại jibata (còn gọi là izaribata) không chân. Những vùng có tiếng về dệt ở Nhật thời đó là Kawauchi chuyên về vải thường, Ômi chuyên dệt tơ gai (asa) và Nara về vải bố (sarashi). Loại hàng dệt cao cấp thì có gấm được thêu với chỉ vàng (kinran = golden brocade) và hàng láng xa tanh (donsu = satin damask). Gấm Nishijin (Tây trận) ở Kyôto cần kỹ thuật tinh vi nên phải huy động máy dệt kiểu takabata (giường cửi cao hai tầng còn gọi là Yamatobata hoặc Kyôbata tức là giường cửi kiểu Nhật hay kiểu Kyôto), có thể coi như nắm độc quyền trong nghề. Tuy nhiên, bước vào giữa thế kỷ thứ 18 thì ở Kiryu vùng Kôzuke (nay là Gunma), người ta cũng biết sản xuất theo lối này. Nghề làm giấy Nhật (gọi là Washi = Hòa chỉ) với kỷ thuật dùng nguyên liệu là bột cây gió hòa tan trong một dung dịch thực vật có tính dính như keo, sau dó sàng sẩy nhiều lần rồi đem phơi (kỹ thuật nagashisuki), đã phổ cập khắp nơi trong nước. Việc giá giấy nhờ sản xuất nhiều mà thành ra rẻ đã cống hiến rất lớn cho công cuộc phát triển văn hóa. Việc địa phương nào cũng biết chế giấy làm cho nền tài chánh của các phiên trấn dồi dào ra nhờ họ nắm được độc quyền buôn giấy. Về nghề gốm sứ (tôjiki) của vùng Arita thuộc Hizen (Saga-Nagasaki bây giờ) được sự che chở của phiên Saga, sản xuất được đồ gốm chất lượng tốt, xuất khẩu qua thương vụ của cảng Nagasaki. Phiên Owari (Aichi, gần Nagoya bay giờ) độc quyền buôn bán gốm sứ. Nhờ đó mà sức sản xuất của những thành phố trong vùng như Seto của Owari và Tajimi của Mino tăng lên mạnh mẽ. Họ có thể sản xuất cả những loại gốm sứ rẻ tiền để dùng trơng đời sống hằng ngày. Nghề làm men (jôzôgyô = nhưỡng tạo nghiệp) để làm rượu và nước chấm gốc đậu nành (shôyu) cũng phát triển khiến cho các vùng có bản sắc của mình: rượu của Nada và Fushimi (khu vực Ôsaka-Kyôto), nước chấm gốc đậu nành của Noda và Chôshi (nay thuộc Chiba) đều thành những thương hiệu có tiếng. Một khi các ngành thủ công đã phổ biến rộng ra như thế rồi, phương thức sản xuất của nó không dừng lại một chỗ. Đến thế kỷ 19, thợ dệt Owari và Kiryu đã có thể mượn vốn của các nhà buôn sỉ (toiya, tonya) ở thành phố để đầu tư vào sản xuất. Chế độ vay tiền và nguyên liệu đó gọi là "vay vốn nhà buôn để làm thủ công trong nhà" (toiyasei kanai kôgyô). Toiya xuất phát từ danh từ toimaru, những người có kho hàng, chuyên môn vận tải đường biển và bảo quản cho nhà nước các món hàng trưng thu thay cho thuế ở các bến cảng quan trọng vào thời trung cổ, nay trở thành người buôn sỉ, mua hàng với một số lượng lớn và bán lại cho các nhà buôn nhỡ để sau đó đến tay các nhà buôn lẻ. Toi, viết chữ Hán là "vấn" (hỏi) nhưng chỉ là một chữ mượn (ateji) vô nghĩa. Có lẽ toi đã đến từ chữ tai (đệ) trong cái nghĩa là ngôi nhà lớn.Những người gọi là toimaru thời ấy còn phụ trách việc bán hàng hộ, giữ kho và kinh doanh cả nhà trọ. 4.4 Chỉnh đốn hệ thống giao thông: Nguyên tắc giao thông của thời Edo có thể tóm tắt trong mấy chữ "Người đi đường bộ, vật đi đường biển". Thực thế, sau khi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản, ông đã lập được một hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh. Đến khi mạc phủ Edo nối tiếp sự nghiệp của Hideyoshi, họ đã hoàn thành một hệ thống giao thông gồm các trục đường lớn (kaidô = nhai đạo) nối các jôka-machi trong nước với nhau mà trung tâm điểm của nó chính là Edo. Gokaidô hay Ngũ nhai đạo, năm tuyến đường chính: Tôkaidô (Đông hải đạo), Nakasendô (Trung sơn đạo), Kôshuudôchuu (Giáp châu đạo trung), Nikkô dôchuu (Nhật quang đạo trung), Ôshuu dôchuu (Áo châu đạo trung) được đặt dưới quyền quản hạt trực tiếp của mạc phủ. Từ giữa thế kỷ 17, mạc phủ lập ra chức Dôchuu bugyô (Đạo trung phụng hành) để quản lý những tuyến đường ấy. Chức này thường do Kanjô bugyô (chuyên về tài chánh) kiêm nhiệm, có bổn phận xây cầu, đắp đường, đặt nhà trạm, tu sửa các thiết bị và giải quyết các chuyện rắc rối về việc sử dụng dịch trạm. Ngoài 5 tuyến đường chính ấy ra, phải kể thêm những tuyến đường phụ dù vẫn là những con đường quan trọng tức kansen = cán tuyến) gọi là waki kaidô (tuyến đường nách, waki = hiếp, nghĩa là nách, hay phần kém quan trọng hơn một chút) hay waki ôkan (đường nách đi lại) kết nối mọi vùng trong nước. Ở những khu trung tâm buôn bán của jôka-machi và các đô thị nhỏ hơn nơi tuyến đường chạy qua, người ta đặt các nhà trạm (shukueki = túc dịch) làm chỗ nghỉ cho khách đi đường qua đêm và cất giữ hành lý của họ. Những khách quan trọng như lãnh chúa khi đi đường sẽ được sắp đặt để ngủ lại ở khu vực trung tâm gọi là honjin (bản trận) và waki honjin (hiếp bản trận). Hành khách bình thường được ở trong những lữ quán gọi là hatago-ya (lữ lung ốc), chỗ cho người nghĩ ngơi và ngựa ăn cỏ (lung là sọt đựng cỏ cho ngựa ăn). Ở các tuyến đường (kaidô), nhà nước cho trồng cây bá hương (hinoki =Japanese cypress) trên gò cao để đánh dấu những thôi đường. Do đó mới có cái tên ichiridzuka (nhất lý chủng = gò một dặm). Ngoài ra còn xây cất cầu kiều, bến đò (tosenba = độ thuyền trường), trạm gác (quan sở = sekisho) để cho sự giao thông được tiện lợi. Thời Edo, mọi ưu tiên về phương tiện giao thông phải dành cho lãnh chúa, nhất là trong những chuyến sankin kôtai lên hầu việc Shôgun hay đi công vụ. Giao thông đường thủy dành cho hàng hoá rất quan trọng đối với kinh tế thời ấy nếu không nói là hơn hẳn đường bộ (Nhật Bản là một quốc gia nhiều núi và lắm đảo). Hơn nữa, hỏi thử có phương tiện chuyên chở nào nhanh chóng và nhẹ kinh phí cho bằng đường thủy (hồ, sông, biển) nhất là khi hàng hóa cồng kềnh và nặng nề. Đường giao thông trên biển chủ yếu dùng để vận chuyển đồ tuế cống nhất là lúa gạo từ các phiên về Edo. Cũng vì vậy, nhà nước đã thành lập hai cứ điểm làm trung tâm tiếp nhận tại Ôsaka và Edo. Có tất cả ba con đường chính ven theo hai bờ biển đông tây theo trục nam bắc từ Matsumae đến Hirado. Mỗi con đường đều có một công dụng riêng. Trước tiên là Nankairo (Nam hải lộ) nối Ôsaka với Edo. Trên con đường này, từ tiền bán thế kỷ 17 đã có những con thuyền gọi là Higaki- kaisen (đoàn thuyền mang phù hiệu Higaki có đến 260 chiếc) chuyên chở mọi thứ hàng hóa đi chuyến định kỳ, sau đó thì đoàn thuyền Taru-kaisen (Taru là thùng rượu, barrel) chuyên môn chở rượu, nhảy vào vòng chiến. Hai bên cạnh tranh với nhau một thời, kết cuộc vào thế kỷ 19 thì nhóm Taru-kaisen chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cách kinh doanh của hai đoàn đều là hình thức chất hàng đi bán, ưu tiên dành cho việc bù phí tổn chuyên chở (unchindzumi). Đến cuối thời cận đại thì có một thế lực mới đăng đàn, đó là đoàn thuyền Utsumi-bune (còn gọi là Bishuu-kaisen). Chủ trương của nhóm này là xem thị trường cần mặt hàng gì rồi mới chở đến bán (kaitsumi). Họ nắm được tin tức chính xác nên biết rõ nhu cầu của thị trường, chỉ đưa đến những mặt hàng có lợi lớn. Như thế, họ đã lợi dụng thành công sự chênh lệch về giá cả của hàng hóa giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ nên phát triển mau chóng thành một tập đoàn lớn, uy hiếp được hai hãng Higaki-kaisen và Taru-kaisen. Đường vòng phía tây (phiá biển Nhật Bản) có đoàn thuyền Kitamae-sen cũng biết làm ăn theo cùng một phương pháp. Đến hậu bán thế kỷ 17 thì thương nhân và cũng là nhà trị thủy (giỏi nghề thiết kế công sự sông biển) ở Edo tên là Kawamura Zuiken (Hà Thôn, Thụy Hiền, 1618-1699) đã qui hoạch thêm được 2 con đường biển nữa là Higashimawari kaiun kôro (Đường chuyên chở trên biển trên Thái Bình Dương đi từ các địa phương Tôhoku xuống Chôshi gần Edo), Nishimawari kaiun kôro (Đường chuyên chở trên biển Nhật Bản vòng phía tây nối các địa phương Tôhoku với Ôsaka sau khi đã vòng xuống Shimonoseki và quành lên bàng biển nội địa Seto naikai). Mọi người từ đó sử dụng lộ trình ấy. Như thế, mạng giao thông đường biển trên toàn quốc đã được bảo đảm. Thêm vào đấy, hệ thống đường sông (kasen shuu.un = hà xuyên chu vận) đã giúp cho sự vận chuyển hàng hóa bằng thuyền con trong nội địa được thông suốt. Phú thương ở Kyôto là Suminokura Ryôi (Giác Thương Liễu Dĩ) đã khai thông hai con sông Fujikawa và Takasegawa, mở thêm hai con đường mới. |
Tiết 5 - Cơ cấu thương nghiệp dưới thời Edo: |
5.1
Những nhà phú thương buổi đầu:
Hệ thống thương nghiệp dưới thời Edo khá phức tạp, khó có thể trình bày một cách giản lược. Thiết tưởng chỉ nên nắm những điểm chính. Trước tiên, hãy xét về giai đoạn Edo tiền kỳ, trước khi có lệnh Sakoku (Sakokurei = Tỏa quốc lệnh, 1635) hay lệnh bế quan tỏa cảng. Vào buổi đầu ấy, ở những cứ điểm kinh tế như Sakai, Kyôto, Hakata, Nagasaki, Tsuruga vv...có những tập đoàn nhà kinh doanh gọi là hào thương (gôshô) hoạt động. Đây là một danh từ có tính lịch sử và cũng dễ hiểu nên xin cứ gọi theo nguyên văn "hào thương" mà không cần dịch. Họ là những con buôn lớn, được chính phủ cấp giấp phép triện son (shuuin) để thuyền của họ được đi lại buôn bán. Họ kiểm soát được hệ thống cung cấp hàng hoá quốc nội và làm giàu với hoạt động đó. Ta có thể gọi họ là "hào thương buổi đầu", những nhà mậu dịch có thuyền triện son (shuuinsen = châu ấn thuyền) đầu tiên.
Ở vùng Kyôto có Suminokura Ryôi (Giác Thương Liễu Dĩ, 1554-1614) và Chaya Shirôjirô (Trà Gia Tứ Lang Thứ Lang, tên chung cho nhiều thế hệ nhưng đời thứ 3 là Kiyotsugu, 1584-1622, nổi tiếng hơn cả), vùng Settsu Hirano có Sueyoshi Magazaemon (Mạt Cát, Tôn Tả Vệ Môn, 1570-1617), vùng Sakai có Imai Sôkun (Kim Tỉnh, Tông Huân) là những con buôn hạng lớn. Tuy nhiên, mạc phủ dần dần kiểm soát chặt chẽ việc mậu dịch và Nhật Bản bắt đầu bước vào giai đoạn sakoku. Hoạt động của các hào thương này chỉ còn giới hạn ở quốc nội. Thế nhưng như đã trình bày bên trên, ở quốc nội thì bấy giờ giao thông trên bộ, trên sông, trên biển đều đã được mạc phủ và các lãnh chúa ở phiên trấn ra sức mở mang nên mạng toàn quốc có thể nói là đã thành hình. Ai cũng có khả năng đi buôn. Những tay hào thương không còn thể nào vẫy vùng một mình một chợ như thủa xưa và hình ảnh hùng tráng buổi đầu của họ đã trở thành mờ nhạt. 5.2 Hoạt động của thương nhân ba đô thị lớn: Ba đô thị lớn (tam đô) là Edo, Ôsaka và Kyôto. Vào hậu bán thế kỷ thứ 17, với mức độ dân số gia tăng, ba thành phố lớn ấy và các khu đô thị dưới chân thành (jôka-machi) trở thành trung tâm kinh tế cho cả nước. Trong đó, Edo được xem như đất thang mộc của mạc phủ (gọi là Shôgun no hizamoto = dưới đầu gối, cơ sở, của Shôgun). Còn Ôsaka thì từ xưa đã có truyền thống là nơi tụ tập và phân tán hàng hóa (gọi là tenka no daidokoro = nhà bếp của thiên hạ). Có thể nói hai nơi ấy là đầu mối của sự luân lưu tài hóa quốc nội. Tuy những thành phố nói trên, mỗi nơi đều có hoạt động kinh tế riêng lẻ nhưng hãy còn có liên hệ giữa chúng với nhau qua sự lưu thông, giao dịch. Thử tưởng tượng trường hợp một lãnh chúa (daimyô) địa phương nào đó.Trước tiên, ông ta thu thập gạo tuế cống (nengumai) từ nông dân (hyakushô) trưng thu được trong phiên trấn của mình. Một phần gạo sẽ được trích ra dùng vào việc chi tiêu trong phiên nhưng phần lớn phải gửi vào kho hàng lớn (để bảo quản và sau đó đem bán lấy tiền) tên là kurayashiki (thương ốc phu, thương = kho, ốc phu = nhà rộng), đúng ra là những cơ sở cấp bậc nhà nước được thiết lập ở Edo và Ôsaka. Trong khi các lãnh chúa miền tây gửi lên kurayashiki của Ôsaka thì các lãnh chúa miền đông chuyển gạo vào kurayashiki ở Edo.Nơi đó đã có mặt các con buôn tên là kuramoto (tàng nguyên) hay kakeya (quải ốc). Hai loại người này làm công việc môi giới để bán ra ngoài gạo tuế cống do các phiên gửi lên cũng gạo tư nhân sản xuất được. Gạo gửi trong kho kurayashiki được gọi là nayamono (nạp ốc vật). Như thế, khi gạo bán xong thì các lãnh chúa sẽ có tiền, tư nhân bán được gạo cũng thế. Thương phẩm (gạo) thu nạp ở Edo và Ôsaka sẽ đi theo lộ trình đến các người tiêu dùng (shôhisha) vốn là cư dân ở các thành phố lớn qua sự trung gian của các toiya (tonya, nhà buôn sỉ), nakagai (nhà buôn nhỡ) và kouri (nhà buôn lẻ) với phương tiện giao hoán là tiền bạc. Thành phố Ôsaka, sau khi tụ tập tài hoá các nơi, sẽ xuất hàng lên Edo nhờ các nhà buôn sỉ tức toiya. Tùy theo mặt hàng, toiya (vắn ốc, cũng gọi là tonya) sẽ phân tán những hàng mình giữ cho các đồng nghiệp đã tụ họp với nhau thành tổ hợp gọi là nakama. Họ là những người có mua cổ phần (kabu) trong tổ hợp nên còn gọi là kabu-nakama, và nhờ đó mà được độc quyền bán hàng. Khi mạc phủ bảo đảm cho họ độc quyền buôn bán như thế thì những người này cũng phải đóng 2 loại thuế doanh nghiệp đặc biệt gọi là unjô (vận thượng) và myôga (minh gia, myô = minh , u minh). Unjô thì dễ hiểu vì có thể xem nó như là thuế chuyên chở từ Ôsaka lên Edo, còn myôga thì bí hiểm hơn, có thể coi như một món lễ cảm ơn thần thánh phù hộ cho bình yên, nhưng ở đây chỉ có thể là cảm tạ ơn huệ của nhà nước đã giúp cho việc buôn bán được trơn tru. Ở Ôsaka, các toiya (vấn ốc) tất cả họp thành 24 tổ hợp như thế và được gọi chung là Nijuuyokumidoiya (Nhị thập tứ tổ vấn ốc) Hai mươi tư tổ hợp này sẽ cho chất hàng lên các thứ thương thuyền Higaki-kaisen và Taru-kaisen (đã nhắc đến bên trên) để chở đến Edo. Nơi đây đã có sẳn 10 tổ hợp nhận hàng. Mười tổ hợp Edo có tên chung là Tokumidoiya (Thập tổ vấn ốc). Hàng hoá tiếp đến sẽ được những nakama này sẽ được phân tán ra trong các chợ của khu vực tiêu dùng mạnh số một Nhật Bản là thành phố Edo và cũng theo lộ trình toiya (hay tonya, nhà buôn sỉ), nakagai (buôn nhỡ) và kouri (buôn lẻ) đến tay shôhisha (người tiêu thụ) rồi thu tiền vào. Gạo tuế cống mà mạc phủ trưng thu được cũng được họ gửi ở nhà kho riêng gọi là Okura (Ngự tàng) được cất ở Asakusa thuộc nội thành Edo để bán lấy tiền qua trung gian các tay fudasashi (trát sai). Nhân nói về từ fudasashi (trát sai) cũng cần giải thích thêm rằng, gạo tuế cống mạc phủ trưng thu được sẽ dùng vào việc cấp bổng lộc cho những người thân tín mà nhà chúa trực quản là các hatamoto (kỳ bản) và go-kenin (ngự gia nhân). Vì hạng người này không rành buôn bán nên các tay fudasashi sẽ thay họ đi đổi gạo lấy tiền giùm để được hưởng hoa hồng. Fudasashi là nguồn gốc của chữ nafuda (danh trát) cũng hiểu như danh thiếp (danh thích = meishi).Fudasashi sau này sẽ phát triển thành một nghề trung gian buôn gạo và cho vay gạo nữa. |
5.3
Ba loại hóa tệ thời Edo:
Ta vừa đề cập đến cách lưu thông hàng hóa, nay củng nên nói đến việc lưu hành hóa tệ vì hai luồng này thường đi song đôi với nhau. Trước tiên, phải biết thời Edo đã có những loại tiền nào. Vào thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản), các lãnh chúa khắp nơi trong nước thi nhau khai tháng quặng mỏ (vàng, bạc) để có phương tiện trang trải chi phí quân đội.Họ tự đúc cho mình những đồng vàng, đồng bạc riêng biệt. Đến khi Mạc phủ Edo thống nhất chính quyền, hoá tệ trên toàn quốc cũng phải thống nhất. Sau trận Sekigahara, hoá tệ bằng vàng và bạc làm theo qui cách chung đã được Tokugawa Ieyasu cho đúc với một số lượng thật lớn ở các lò đúc tiền gọi là Ginza (Ngân tòa) và Kinza (Kim tòa) vừa mới mở ra.
Dưới thời Tokugawa Ieyau, tiền đồng và tiền vàng mang tên Keichô kingin (Khánh Trường kim ngân). Tiền vàng có miếng lớn (ôban), miếng nhỏ (koban), từa tựa như hình con thoi. Ôban dùng cho việc nghi lễ, được xem như có trị giá danh nghĩa là 10 lạng nhưng trên thực tế chỉ được trên dưới 8 lạng. Còn koban là tiền thông dụng, giá trị ngang 1 lạng vàng. Tuy gọi chung là kim ngân nhưng tiền vàng khác tiền bạc. Trước tiên, nhà nước cho mở Kinza (Kim tòa, chỗ đúc tiền bằng vàng) ở cả Kyôto và Edo nhưng sau thống nhất tại một chỗ là Edo. Nơi đây, Gôtô Shôzaburô (Hậu Đằng Trang tam lang) được giao việc đúc loại hóa tệ gọi là keisuu kahei (kế số hóa tệ) theo đơn vị koban và ichibukin (nhất phân kim = tiền hình chữ nhật bằng vàng, tương đương 1/4 lạng).Theo định nghĩa thì keisuu kahei là tiền dùng để tính toán. Nó được đúc với một phân lượng kim loại thuần chất nào đó, theo một hình dạng nào đó và trên mặt cũng biểu thị một giá cả nào đó. Chủ yếu nó được dùng để tính toán trong giao dịch thương mại. Cũng cùng một hình thức và mục đích, xưa kia bên Trung Quốc có tiền "mã đề ngân", một thỏi bạc lớn hình móng ngựa trị giá 50 lạng (khoảng 1.800g bạc).. Tóm lại, với khái niệm kế số hóa tệ, khi ta có 10 đồng tiền 100 Yen thì ta sẽ có một số tiền tính ra là 1000 Yen. Đơn vị kim hóa tệ là lạng (lượng), phân và chu (châu) (ryô, bu, shu) [22]. Giá trị của chúng được tính theo "tứ tiến pháp" nghĩa là một lượng vàng thì có 4 phân, một phân vàng là 4 chu (châu). Mặt khác, Ginza (Ngân tòa) hay chỗ đúc tiền bằng bạc ban đầu được mở ở Fushimi và Shunpu, sau chuyển đến Kyôto và Edo. Nơi đây, mạc phủ cho đúc các loại Shôryô kahei (Xứng lượng hóa tệ, xứng = cái cân) như chôgin (đinh ngân) và mameitagin (đậu phản ngân). Đinh ngân có thể xem là "đỉnh bạc" nặng trên dưới 43 nhận bạc (mỗi nhận là 3, 75g) , còn mameitagin có hình hạt đậu, có tên là mamegin hay tsubugin, đơn vị lẻ, phụ thuộc chôgin, cũng còn gọi là saigin (toái ngân) hay bạc vụn. Loại "xứng lượng hóa tệ" này khác với "kế số hoá tệ" ở chỗ là mỗi lần trao đổi, người ta phải đặt nó lên bàn cân (xứng) để biết trong lượng (lượng) thực sự, giám định giá trị thực sự của nó trước khi cho dùng. Do đó, đơn vị đo lường của nó là "sức nặng", một quán (kan) bạc tương đương với 1.000 nhận. Để tính toán, người ta thường dùng những đỉnh bạc kéo dài ra nặng từ 42 đến 43 nhận cũng như những mẩu bạc vụn dùng kèm với chúng để điều chỉnh trọng lượng. Về sau nhà nước còn cho đúc hai thứ tiền kin-isshu (kim nhất chu), kin-ichibu (kim nhất phân) dù không phải làm bằng vàng để đóng vai trò "định vị ngân hóa" (teii ginka, đồng tiền bằng bạc dùng làm chuẩn). Đó là các đơn vị tiền tệ mang tên isshugin (nhất chu ngân), ichibugin (nhất phân ngân). Chúng được xem như công cụ của thời đại Tanuma (1781-1789, lúc chức Rôju là Tanuma Okitsugu, Điền Chiểu Ý Thứ, 1720-1788, nắm quyền chính trị). |
|
Năm
Kan.ei (Khoan Vĩnh, 1624-1645), các loại tiền đồng và tiền
sắt (thiết tiền = tessen) đã được đúc ở Sở đúc tiền
(Zeniza = Tiền tòa) nằm ở Edo hay Ômi Sakamoto (gần Kyôto) để
được dùng chung với tiền vàng và tiền bạc. Khi kinh tế
hóa tệ phát triển mạnh và các loại tiền được dùng trong
việc buôn bán hằng ngày rồi thì các Sở đúc tiền mọc
lên khắp nơi trên toàn quốc. Tiền đúc vào năm 1633 (Kan.ei
13) được gọi là Kan.ei tsuuhô (Khoan Vĩnh thông bảo). Tiền
có các đơn vị là kan (quan hay quán), mon (văn). Một nghìn
mon thì ăn một kan. Đến giữa thế kỷ 17 hệ thống hoá tệ
Nhật Bản đã được thành lập vững vàng trên 3 thứ hoá
tệ cơ sở (vàng, bạc, tiền) gọi chung là "tam hóa" (sanka).
Chúng đã đóng vai trò phát triển sự lưu thông tài hóa ở
Nhật.
Đặc biệt vào hậu bán thế kỷ 17, ở những phiên trấn quan trọng, kinh tế địa phương mà trung tâm điểm là các vùng jôka-machi (phố dưới chân thành), đã phát triển mạnh mẽ. Nơi đó ta đã thấy có thông lệ sử dụng hansatsu (phiên trát) như một phương tiện trả tiền do phiên trấn phát hành, thương nhân cũng cũng dùng resatsu (lễ trát) của chính họ. Các loại giấy (trát = satsu) này, giống như chứng thư hay ngân phiếu tư nhân đời nay, đóng vai trò hỗ trợ cho việc thanh toán tiền nợ khi mà tình hình tài chánh của các phiên trấn lâm vào cảnh hao hụt và lượng tiền "tam hoá" không đủ dùng. Dù nói như thế, ta vẫn phải công nhận "tam hoá" như phương tiện giao dịch thương mại phổ biến nhất của thời Edo. Việc trao đổi "tam hoá" đã được mạc phủ qui định theo một hệ thống tương đương ngay vào năm 1609 (Keichô 14). Hối suất công chúng (kôtei kansanritsu = công định hoán toán suất) qui định vào thời đó là 1 lạng vàng = 50 nhận bạc = 4 quan tiền. Năm 1702 (Genroku 15), chế độ này có sự thay đổi. Theo đó, 1 lạng vàng = 60 nhận bạc = 6 quan tiền. Thế nhưng trên thực tế, nó biến hóa tuy theo sự lên xuống của thị trường. Để có một ý niệm về liên hệ giữa tiền bạc và vật giá thời Edo, ta có thể tham khảo con số do Viện Bảo Tàng Ngân Hàng Nhật Bản đưa ra như sau: Một thạch (hộc, koku) gạo: trọng lượng ước chừng 150kg. Thời Genroku giá 1 koku gạo là 1 lạng vàng. Nếu tính theo giá gạo ở Nhật năm 1.988 là 3.767 Yen cho 10 kg thì 1lạng vàng là 56.505 Yen. Nếu tính 1USD là 100 Yen thì một lạng vàng giá 565 USD. 5.4 Edo chuộng tiền, Ôsaka chuộng bạc: Trên thực tế, sự tiêu pha và trao đổi mậu dịch đã xảy ra như thế nào? Có thể mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng giữa Edo và Ôsaka, việc sử dụng hoá tệ giống như giữa hai nước khác nhau. Ở miền đông Nhật Bản mà Edo là thủ phủ, chỉ có một chỗ đúc tiền vàng duy nhất dùng chung cho cả nước gọi là Kinza (Kim tòa).Hầu như mọi việc buôn bán đều dựa trên vàng. Thế nhưng ở miền Tây Nhật Bản nơi thành phố Ôsaka là trung tâm điểm, thương nghiệp đã có truyền thống từ trước, việc dùng bạc làm đơn vị tiền tệ trong buôn bán là phổ biến hơn cả. Vì thế người ta mới có câu: "Edo xài vàng, Ôsaka xài bạc" (Edo no kindzukai, Ôsaka no gindzukai). Sự tồn tại song hành của chúng, phải đợi đến thời Meiji khi hóa tệ được thống nhất mới thực sự chấm dứt. Thế thì hỏi thử khi đem hàng hoá từ Ôsaka lên Edo bán, nhà buôn làm cách nào để đem bạc về Ôsaka? Dĩ nhiên họ phải cần đến những con buôn chuyên môn đổi tiền (ryôgae-shô) rất rành về hệ thống "tam hóa". Trong số những nhà đổi tiền, đã thấy tên tuổi Mitsui Takatoshi (Tam Tỉnh, Cao Lợi, 1653-1737) [23], vừa bán quần áo vừa mở cửa tiệm đổi tiền ở vùng tam đô (tức ba đô thị lớn Kyôto, Edo, Ôsaka) với bảng hiệu Mitsui Ryôgaeten. Ngoài ra, Ôsaka có Tennôji-ya, Hirano-ya, Kônoike, ở Edo có Mitani, Kajima-ya, đều là những cơ sở đổi tiền nổi tiếng. Tuy nhiên ở đây ta chỉ đưa ra một ví dụ liên quan đến nhà buôn quần áo Mitsui mà lối buôn bán "nếu trả tiền mặt thì sẽ được tính cho giá phải chăng" (genkin (gin) kakene nashi) đã giúp họ trở nên giàu có. Khi hàng hoá từ tay nhà buôn sỉ (toiya, tonya) ở Ôsaka qua tay nhà buôn sỉ ở Edo rồi, nhà buôn Edo sẽ đem tiền mình nợ đối tác ở Ôsaka trả gián tiếp qua tiệm đổi tiền Mitsui ở Edo. Việc này được gọi là kawase (vi thế = thế vì). Ví dụ nhà buôn sỉ Edo phải trả 100 lạng vàng tiền mua hàng thì anh ta sẽ đưa món tiền đó cho hãng Mitsui ở Edo, và bù lại, xin phát hành một tấm "ngân phiếu thế vì" cùng với tên tuổi người trả tiền cũng như người sẽ nhận tiền. Thế rồi nhà buôn ở Edo sẽ nhờ một người làm nghề văn thư tốc đạt (gọi với cái tên ngộ nghĩnh là hikyaku = phi cước) đem xuống Ôsaka trao cho nhà buôn dưới ấy. Nhà buôn Ôsaka bèn đem "ngân phiếu thế vì" này đến hãng Mitsui ở Ôsaka đề lãnh số bạc tương đương với 100 lạng vàng kia. Như thế, tiền bạc chỉ lưu động nội trong hai vùng, hoặc Edo hoặc Ôsaka mà thôi. Tấm phiếu thế vì (ngân phiếu, chứng khoán) là phương tiện thanh toán duy nhất mà đôi bên phải dùng. Những con buôn tiền sẽ làm giàu bằng cách thu phí từ những dịch vụ đổi chác như thế. 5.5 Con buôn nhỏ trong các thành phố lớn: Cho
đến đoạn này, chúng ta đã cố gắng đơn giản hoá vấn
đề để có thể hiểu được cơ cấu lưu thông tiền tệ
thời Edo vốn khá phức tạp. Ta mới chỉ nói đến những
doanh nhân cỡ lớn như các nhà buôn sỉ toiya và con buôn cấp
nhỡ nakagai họp thành nakama (tổ hợp ngành nghề). Thực ra,
kẻ tiếp xúc trực tiếp với người tiêu thụ không phải
là hai loại thương nhân nói trên nhưng chính là những con
buôn nhỏ hơn nữa có tên là ko.uri (tiểu mãi). Họ rất đông
đảo và có khi phải buôn bán lắt nhắt vì không có cửa
hàng. Họ còn được gọi là furiuri (chấn mãi) hay boteburi
(bổng thủ chấn, bổng = gậy, gánh, chấn= lắc qua lắc lại),
tương đương với giới "buôn thúng bán bưng", "quang gánh"
của ta. Thế nhưng họ có vai trò rất quan trọng đối với
người dân thành phố và dân các vùng ngoại ô. Tóm lại,
đô thị thời Edo quả là một không gian sinh hoạt chung của
nhiều giai tầng trong xã hội.
|
_________________
[1]- Ông là một mãnh tướng, lập nhiều công to nhưng khi bị "cải dịch", từ đất phong ở Aki, Higo (Hiroshima) với bổng lộc gần 50 vạn thạch chuyển về Shinano thì chỉ còn hưởng đươợc 1/10. [2]- Nhân phủ đệ của Sakai Tadakiyo được dựng lên trước cổng thành Edo nơi có biển "Đến đây phải xuống ngựa" (Hạ mạ trát) nên người ta gọi đùa ông như thế. Hạ mã cũng có nghĩa là "ngựa hạng tồi" (so sánh với thượng mã, trung mã là ngựa hay). Có lẽ sự giễu cợt như thế đến từ những kẻ bất mãn với chính sách kiệm ước và kiểm soát tài chánh gắt gao của ông. [3]- Năm Khoan Vĩnh 18 và 19 (1641, 42) vì hạn hán và trời trở lạnh đột ngột, Nhật Bản bị mất mùa, lại thêm sưu cao thuế nặng, giá gạo lên cao không kiểm soát nổi, nên cả nước lâm vào nạn đói, số người chết lên đến vài vạn. Do đó các phiên đã phải sửa đổi chính sách thu thuế và thi hành cải cách nông nghiệp. [4]- Nho học giả cuối đời Minh (1600-1682).Tên Chi Du, tự Lỗ Dư, hiệu Thuấn Thủy.Người Diêu Dư (Chiết Giang). Trọng thực học, tinh thông về lễ pháp và kiến trúc. Mưu khôi phục nhà Minh nhưng bất thành, đến Nhật năm 1659, phụng sự Tokugawa Mitsukuni của phiên Mito. Ngụ cư ở Edo.Thụy hiệu là Văn Cung tiên sinh. Để lại Chu Thuấn Thủy tiên sinh văn tập vv...Dường như đã ghé Quảng Nam nhưng các chúa Nguyễn vốn chuộng hư văn, không tin dùng. [5]- Con trai thứ 4 của Shôgun đời thứ 3 Iemitsu. Đã đi làm con nuôi dể nối dõi cho một phiên trấn nhưng sau được goi về nối nghiệp anh cả và Shôgun đời thứ 4 là Ietsuna 1641-1680) . [6]- Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704) chữ trong Tống Sử, tương ứng với niên hiệu của Thiên hoàng Higashiyama (Đông Sơn). [7]- Razan (La Sơn) là cha Gahô (Nga Phong, 1618-1680). Gahô lại là cha Hôkô (Phượng Cương) , ba đời đều làm nho quan. [8]- Nguồn: Najkajima Takashi trong Saikaku to Genroku Media (NHK Book) (trang 218-219). [9]- Nguồn: Nishiyama Shônosuke trong Yuujo (Kondô shuppansha) và Kin Ichikyô (Yuujo, karayuki, ianfu no keifu (Yu usankaku shuppan) (trang 242-243). [10]- Nguồn ; Nakazawa Nobuhiro trong Nihon no bunka (Natsume-sha) (trang 230-231) [11]- Thùy gia Thần đạo còn gọi là Nho gia thần đạo [12]- Nguồn Minamoto Ryôen trong Tokugawa shisô shôshi (Chuô shinsho) và Aihara Ryô trong Juugaku undô no keifu (Kôbundô atene shinsho) trang 220. [13]- Nguồn: Nihon no bunka (Natsume-sha xuất bản) (trang 244-245) [14]- Bản thảo học là dược học nhưng nội dung nghiên cứu không ngừng lại ở dược tính của cây cỏ đất đá mà có màu sắc bác vật học nên được coi là có phạm vi rộng rãi hơn. Sách đầu tiên (bản thảo thư) đã ra đời tự đời nhà Hán. Đạo sĩ đời nhà Lương ở Mạt Lăng là Đào Hoằng Cảnh (456-536) đại thành loại này với Thần Nông Bản Thảo Kinh và Thần Nông Bản Thảo Kinh Tập Chú vào khoảng năm 500. Sau đó qua các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh, lúc nào cũng có người tham gia đóng góp mà hoàn bị hơn cả là Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân cuối đời Minh. Bản thảo học đã bắt đầu ở Nhật vào thời Nara (710-784) qua Honzô Wa.myô (Bàn thảo Hòa danh) 2 quyển do Fukane no Sukehito (Thâm Căn Phụ Nhân) soạn. [15]- Nguồn: Nihon no bunka (Natsume-sha xuất bản) (trang 226-229) [16]- Cung gia (Miyake) là một chi nhánh độc lập trong hoàng tộc. Thông thường chỉ có đàn ông mới được lập miyake. Cho phép cô dâu mới lập cung gia nằm nhân uy tín của mạc phủ. Hiện nay (2012) ở Nhật có 5 nhà (Mikasa, Hitachi, Akishino, Katsura và Takamado) và vấn đề một công chúa có quyền lập "cung gia" hay không đang trở lai sôi nổi trong dư luận Nhật Bản khi con số các nhân vật phái nam trong hoàng tộc trở nên quá ít ỏi. [17]- Xưa người Trung Quốc gọi việc buôn bán với các dân tộc phương bắc là hỗ thị (cùng họp chợ) [18]- Là một văn nhân và học giả nên Hakuseki đã lấy nhan đề hồi ký của ông từ một câu thơ waka của Thiên hoàng Go Toba rất thâm thúy. Củi chụm cháy lên sẽ bay thành khói giống như chuyện cũ dần dần mờ nhạt đi trong ký ức. [19]- Ông Kan.o Haruhide này đặc biệt khinh miệt nông dân, loại người mà ông cho là không trung thành và chẳng có tiết tháo (fuchuu futei = bất trung bất trinh). [20]- Cá sardine còn được dịch là cá...xác đin và cá hareng là cá trích như theo một số từ điển. [21]- Cấu tạo của lò Tenbin-tatara (Lò hình cán cân) chẳng hạn: quặng sắt được nung trong lò ở chính giữa, hai bên có đặt bễ thổi (fuigo = xuy tử) đưa không khí vào để làm tăng nhiệt độ đến khi quặng chảy ra. Fuigo do thợ điều khiển bằng cách lấy chân đạp liên hồi. [22]- Một shu (châu) như thế là 1/16 của một lượng (lạng) vàng hay 1/4 của một phân vàng vì một lượng (lạng) có 4 phân. Đó là đơn vị hoá tệ đã được định vào đời Tống bên Trung Quốc, truyền vào Nhật Bản trong niên hiệu Taihô (Đại Bảo, 701-704) trong lệnh năm Đại Bảo (Taihô no ryô, 701). Trong sắc lệnh ấy, chữ chu được viết dưới tự dạng chính tự có bộ kim bên cách chữ chu là đỏ và shu lúc ấy được định nghĩa như 1/24 của lượng (lạng). [23]- Mitsui Takatoshi là ông tổ của tài phiệt Mitsui, sáng lập nhà buôn Mitsukoshi, trước kia làm nghề buôn gạo, chuyên cho các lãnh chúa vay tiền. Sau 17673, đổi qua nghề buôn quần áo, mở tiệm ở Edo và Kyôto. |
|
[
trang
trước ] / [ trang sau
]
|