Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân PHẦN II : MẠC PHỦ MUROMACHI VÀ EDO |
|
Tiết 1 - Cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo): |
1.1
Sự nghèo túng của giới võ sĩ - Người kẻ chợ chiếm địa
vị trên trước:
Đến đây, chúng ta bước vào giai đoạn Edo hậu kỳ. Trong thời gian này, Shôgun Yoshimune đã bắt đầu cuộc cải cách niên hiệu Kyôhô. Hai người nắm quyền hành chánh là các ông Tanuma Okitsugu (cải cách Kyôhô, 1716-36) và sau đó là Matsudaira Sadanobu (cải cách Kansei, 1789-1801). Sau họ đến lượt một nhân vật thứ ba, Mizuno Tadakuni (cải cách Tenpô, 1831-1845). Như vậy, có thể nói là từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Nhật Bản đã trải qua 3 cuộc cải cách chính trị lớn của mạc phủ. Hình ảnh người chônin Trước tiên, hãy thử đề cập tới cuộc cải cách năm Kyôhô. Dĩ nhiên, nếu mọi việc thực sự êm đẹp thì chẳng ai đi cải cách làm gì. Tình thế đưa đến cuộc cải cách đã diễn ra như sau: Khi Nhật Bản vừa bước vào thế kỷ 18, trong số các phiên trấn, những phiên bị gánh nặng kinh phí của những lần sankin kôtai để lên kinh đô chầu phủ Chúa làm cho kiệt quệ không phải là ít. Đã xảy ra nhiều sự cố như cảnh hanchi (bán tri = bán phân tri hành), nôm na là việc các lãnh chúa vì thiếu tiền phải cắt bớt phân nửa bổng lộc của gia thần. Hoặc tệ hơn nữa, lãnh chúa đành muối mặt đi vay tiền gia thần, số tiền này chính là trích ra từ lương bổng của họ. Chế độ vừa nói mang tên kariage (tá thượng = cho bề trên vay). Đó là chưa kể việc các lãnh chúa phải ngữa tay trước những nhà buôn - cũng là thần dân sống trong trong khu vực kiểm soát của mình - hình thức ấy gọi là daimyôgashi (cho lãnh chúa vay). Tình trạng tài chánh bi đát của các phiên trấn đã được ghi lại trong tác phẩm mang tên Seji kenbunroku (Thế sự kiến văn lục), hay "những điều nghe thấy trên đời". Thế nhưng chuyên lâm vào cảnh túng bấn không chỉ xảy ra riêng cho các daimyô thôi đâu. Cả tầng lớp hatamoto, go-kenin, thủ hạ thân tín của nhà chúa cũng lâm vào cảnh ngộ ấy. Những người này phải vay tiền trước từ các tay fudasashi chuyên môi giới bán gạo (cho họ) hay phải tự mình đi làm thêm chút việc phụ (naishoku) để có đủ phương tiện đắp đổi qua ngày. Có nhà thơ senryuu (xuyên liễu) làm thơ trào phúng "Samurai ga kite wa katte ku takayôji" ý nói "người samurai tuy bụng có đói nhưng lúc nào cũng phải ngâm tăm xỉa răng (yôji) làm bộ thung dung (taka) như thể mình vừa mới ăn uống no nê". Như thế, người thường dân tỏ ra cười cợt cái sĩ diện hão của giới võ sĩ đang suy tàn.Thậm chí có những gia đình con nhà kẻ chợ (chônin) giàu có đã điều đình kết thân dưỡng phụ dưỡng tử với các gia đình go-kenin. Những người sau thì đem tước vị của tổ tiên biến thành cổ phần (kabu) để bán lấy tiền. Ngược lại, trước cảnh sa sút của giai cấp võ sĩ, trong giới con buôn giàu có ở vùng tam đô hay các jôka-machi đã thấy xuất hiện những kẻ đem tiền bạc cho họ vay đánh đổi thực quyền chỉ huy kinh tế trong vùng. Trong khi ấy ở nông thôn, kinh tế hoá tệ đã thẩm thấu, việc chế tạo thương phẩm hoặc làm nghề phụ tại gia để tăng thu nhập cũng đã phát triển. Dần dà, mọi lớp thường dân đều tích tụ được tiền của. Mạc phủ nhất định không thể nào vui được trước sự thay bậc đổi ngôi như thế. Cứ tiếp tục lối sống đó thì thương nhân sẽ mặc sức tung hoành. Nếu nông thôn, nơi quyền cai trị của mạc phủ đặt được nền móng, lại rơi vào trong vòng kinh tế hoá tệ thì vườn ruộng có nguy cơ trở thành hoang phế và nguồn tài nguyên của mạc phủ bị tiêu hao. Vì lo lắng như vậy cho nên vị Shôgun đời thứ 8 là Tokugawa Yoshimune (Đức Xuyên Cát Tông, tại chức 1716-1745, 1684-1751) đã phải làm cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo) để ngăn chặn việc tình huống có thể đi đến chỗ xấu hơn. Thực ra, vào năm 1716 (Kyôhô nguyên niên), Shôgun đời thứ 7 là Ietsugu (Gia Kế, tại chức 1713-1716, 1709-1716) qua đời lúc hãy còn quá trẻ (8 tuổi) và dĩ nhiên không người nối dõi, mạc phủ đã phải đi tìm trong vòng go-sanke ( ngự tam gia) tức 3 chi phụ của dòng họ Tokugawa, xem có một nhân vật nào xứng đáng bổ nhiệm vào chức Shôgun để cứu vãn tình hình không. Lúc đó, phiên chủ vùng Kii là Yoshimune vốn được đánh giá là người chính chắn và từng thành công trong việc cải cách tài chánh nơi mình trấn nhậm, đã được chọn để điền vào chức vụ quan trọng đó. Yoshimune ở ngôi gần 30 năm, với chủ trương phục cổ, đặt mục tiêu đưa nước Nhật trở lại thời cụ tổ mình là Ieyasu, lúc kinh tế còn lành mạnh. Ông đã thi hành cuộc cải cách Kyôhô với mục đích tái thiết nền tài chánh mạc phủ, củng cố uy quyền chức Shôgun và tỏ ra khắt khe với dân chúng hòng phục hồi uy tín cho giới samurai đang trên đà tuột dốc. 1.2 Chính sách của Shôgun Yoshimune nhằm xây dựng lại nền tài chánh: Cải cách của Yoshimune có thể tóm tắt trong một số điểm: Trước tiên, trung tâm của cuộc cải cách là việc xây dựng lại nền tài chánh. Yoshimune đã cho thi hành những phương pháp như sau: 1) Thu gạo tiến cúng (Agemai): Qui định rằng các địa phương, cứ nơi nào có sức sản xuất gạo đánh giá là 1 vạn thạch (hộc, koku) thì lãnh chúa phiên đó phải trích riêng ra 100 thạch nạp cho phủ chúa. Để gia ân cho những lãnh chúa làm nghĩa vụ tiến cúng như thế, nhà chúa giảm phân nửa số thời gian mà ông ta đáng lý ra phải có mặt ở Edo để làm việc cho mạc phủ theo như chính sách sankin kôtai (tham cần giao đại, tham cần giao thế) đã qui định. Mạc phủ tỏ ra rất khổ tâm và nhục nhã khi lên tiếng đòi hỏi lũ thần hạ điều này. Trong bức furegaki tức công văn truyền đạt lệnh, nhà chúa đã dùng chữ "ta không khỏi cảm thấy xấu hổ". Chế độ này bắt đầu từ năm 1722 (Kyôhô 7). Thực ra, vào thời điểm này thì tình hình kinh tế đã xấu đến nổi chẳng còn có chỗ cho sự hổ thẹn. Kho riêng của nhà chúa ở Asakusa không còn đủ thóc để trả các loại ân cấp như fuchimai (phù trì mễ = lương bổng) và kirimai (thiết mễ = lộc đặc biệt trả theo kỳ hạn 3 lần xuân, hạ, đông cho một năm) cho hatamoto và go-kenin là các bộ hạ thân tín. Thế nhưng vừa lên được quỹ đạo thì chính sách này đã bị bãi bỏ vào năm 1731 (Kyôhô 16) và các lãnh chúa phải quay lại thi hành chế độ sankin kôtai như cũ. Gạo tiến (agemai = thượng mễ) tổng số lên đến 18 vạn 7 nghìn thạch, tương đương với trên 10% số gạo tuế cống (thuế) mà mạc phủ nhận được hàng năm. Cũng nên mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là trong các sử liệu Nhật Bản, chữ mễ (mai) như trong agemai chẳng hạn thường được viết bằng chữ "bát mộc" nghĩa là chữ mễ theo phương pháp chiết tự. 2) Bỏ việc mỗi năm mỗi đổi mức tuế cống (Jômenhô): Jômenhô, chữ Hán là "định miễn pháp". Đó là một phương pháp trưng thu tuế cống mới, hơi khác với chế độ Kemihô (kiểm kiến pháp, cũng viết là mao kiến pháp, cùng cách đọc) đã có từ trước. Nếu theo Kemihô thì mỗi năm mạc phủ trước khi thu tuế cống đều xét xem (kemi = kiểm kiến, mao kiến) năm ấy được mùa hay mất mùa rồi mới ấn định mức thu nạp. Trong quá trình ấn định như vậy đã có nhiều hành vi bất chính xảy ra. Do đó, phương pháp mới (jômen = định miễn) thôi không ấn định tùy tiện hàng năm nữa mà cố định hóa mức tuế cống cho một khoảng thời gian nào đó. Mục đích của mạc phủ khi thi hành chính sách này là nhằm ổn định tài chánh. 3) Nâng cao bổng lộc cho đủ tiêu chuẩn (Tashidaka no sei): Chữ Hán viết là "Túccao chế". Đây cũng là một phương pháp mà qua sự tuyển dụng nhân tài để quản lý việc nước, ổn định được tài chánh. Yoshimune muốn tuyển chọn những người có thực tài vào guồng máy của mạc phủ nhưng cho đến lúc đó, việc bổ dụng chỉ dựa trên nguyên tắc gia thế (kakaku = gia cách) và mức bổng lộc (rokudaka =lộc cao) người được đề cử đang có. Tóm lại, nguyên tắc là người nào có lộc tính theo thạch thóc và cũng là mức định tuế cống (kokudaka = thạch, hộc cao) cao thì sẽ được bổ vào chức cao. Thế nhưng Shôgun Yoshimune nghĩ rằng nếu cứ làm như thế thì làm gì tìm được nhân tài, nhất là để đưa vào những chức vụ trọng yếu, cho nên ông đã cho định lại tiêu chuẩn mức bổng lộc khi xét về việc bổ nhiệm người ra làm quan. Những kẻ có bổng lộc thấp nghĩa là dưới mức ấn định của mạc phủ dành cho một chức vụ nào đó thì trong thời gian giữ nhiệm vụ sẽ được tăng bổng lộc cho đủ (túc), xứng đáng với chức danh. Khi phải giã từ chức vụ, đương sự chỉ còn nhận được bổng lộc lúc ở vị trí cũ. Như thế, Yoshimune đã tạo cơ hội cho nhần tài xuất đầu lộ diện mà vẫn không đi ngược lại qui định đã có. Nhờ vậy mà một người chỉ là nanushi (danh chủ) - chức quan nhỏ ở hương thôn - như Tanaka Kyuugu (Điền Trung, Khâu Ngung, còn viết là Hưu Ngu, 1662-1729), tác giả Minkan Seiyou (Dân Gian Tỉnh Yếu, 1721), quyển sách về chế độ điền địa (jikatasho) và cũng là môn sinh của học giả Nho học Ôgyuu Sorai (Địch Sinh, Tồ Lai, 1666-1728), đã được Yoshimune vời ra làm quan. Kyuugu đã đóng góp nhiều cho chính sách quản lý địa phương. Ông phê bình sự khai khẩn ruộng đất một cách vô tổ chức dưới thời đó và cho biết rằng trong đám nông dân cũng có những người đáng gọi là nhân tài. Chính ông đánh giá tốt phép định miễn (jômenhô) ở nông thôn, xem nó như giải pháp ổn định được tình hình tài chánh. Ngoài ra, đám quan lại chỉ xuất thân từ giai cấp hatamoto còn có Ôoka Tadasuke (Đại Cương, Trung Tướng, 1677-1751), một machi-bugyô, trông coi hành chánh đô thị, nổi tiếng là quan cai trị tốt của vùng Edo. Ngược lại, cũng có những người như Kan.o Haruhide (Thần Vĩ, Xuân (U)ơng, 1687-1753) - vốn là một hatamoto hạng thấp - tác giả của câu nói bất hủ "phải vắt sức dân cũng như vắt dầu mè..." - nhưng đã được bổ làm kanjô-bugyô, trông coi tài chánh. Một nhân tài cất nhắc từ hàng hatamoto, nếu lãnh chức daibantô (chỉ huy lực lượng an ninh) sẽ hưởng lộc 5.000 thạch, còn chức ômetsuki (kiểm soát hành vi các lãnh chúa), machi-bugyô (như Ôoka), kanjô-bugyô (như Kan.o) thì được 3.000 thạch, nghĩa là tương đối cao đối với một người chỉ là công chức nhà nước. 4) Khai khẩn ruộng mới (Shinden kaihatsu): Trong thời kỳ này, việc khai khẩn ruộng mới (tân điền khai phát) đã được phát triển nhờ có thêm vốn của người dân thành thị (dân kẻ chợ, chônin) bỏ ra. Chế độ mới này có tên là chônin ukeoi shinden (đinh nhân thỉnh phụ tân điền, ruộng mới do người thành phố tham gia khai thác). Mạc phủ đã công khai bố cáo, kêu gọi sự hiệp lực của các thương nhân giàu có để mở mang vùng Edo Nihonbashi. Nhờ chính sách này mà có thêm nhiều ruộng mới khai khẩn từ đất hoang mà ví dụ rõ ràng nhất là khu vực ruộng mới Musashino shinden (thuộc Saitama bây giờ). 5) Tổ chức lại cơ cấu nha sở quản lý vụ việc (Kanjôsho kikô no saihen): Cho đến lúc đó, trong thành phố Edo, việc quản lý hành chánh, tài chánh, tư pháp được tổ chức theo ty (tsukasa) nhưng đặt chung dưới sự quản lý một sở gọi là Kanjôsho (Khám định sở). Nay Yoshimune cho tổ chức lại. Việc tố tụng sẽ do Kujikata (Công sự phương) đảm đương còn tài chánh thì do Kattekata (Thắng thủ phương) lo liệu, nghĩa là ông tách hai nhiệm vụ ấy ra và trao cho hai cơ quan độc lập. Nhờ đó, mỗi công việc đều được các chuyên gia phụ trách. Những chính sách nói trên làm cho thu hoạch từ ruộng đất do mạc phủ trực tiếp cai quản (bakuryô = mạc lãnh) tăng lên cỡ 10% và tuế cống cũng ở trên chiều hướng gia tăng. Nhờ đó mà tài chánh mạc phủ đỡ hơn xưa. Đến năm 1735 (Kyôhô 20) thì tài chánh đã hết thâm thủng và sang năm 1744 (Enkyô nguyên niên), số tuế cống đạt đến mức chưa từng thấy. 1.3 Các chính sách khác: Ngoài những chính sách nói trên, Shôgun Yoshimune đã khuyến khích dân chúng trồng những loại cây cỏ có giá trị như khoai lang (kansho, cam thự, sweet potato), mía (satokibi), cây hoàng lô (haze, Japanese wax tree) cho thuốc nhuộm vàng, nhân sâm Triều tiên (Chôsen ninjin). Ông cũng nâng đỡ những ngành học có thực dụng trong đời sống, các lãnh vực sản xuất mới. Ông lại nương tay trong việc kiểm soát các sách vở tây phương được dịch ra Hán văn nhập từ nước ngoài vào. Nói về thực học hay ngành học có ích lợi thực tiễn, phải nhắc đến 2 nhân vật: Aoki Konyô (Thanh Mộc, Côn Dương, 1698-1769) và Noro Genjô (Dã Lữ Nguyên Trượng, 1693-1761). Người đầu tiên trồng khoai lang (Satsuma imo) [1]- một món thực phẩm thích hợp cho những năm lúa gạo mất mùa và nguy cơ đói kém xảy ra - chính là Aoki. Ông đã trước tác Hanshokô (Phiên thự khảo = Bàn về khoai lang) [2] vì hansho là một tên khác của Satsuma-imo. Phần Noro Genjô, ông là thầy thuốc. Thời trẻ, Noro đã theo học Inou Jakusui (Đạo Sinh Nhược Thủy, 1655-1715), học giả và y sư đã tập đại thành quyển sách về bản thảo học (honzôgaku = khoa nghiên cứu cây thuốc) nhan đề Shobutsu ruisan (Thứ vật loại toán) phân chia và chỉnh lý 3590 thứ cây thuốc trong sách vở Trung Quốc làm 26 loại (loại toán). Noro được lệnh của Yoshimune nghiên cứu dược học Hà Lan và đã để lại tác phẩm Aranda Honzô wakai (A-lan-đà bản thảo Hòa giải) tức sách "Dược thảo Hà Lan giải thích bằng tiếng Nhật". Ngoài ra, vì nhu cầu nhân sâm Triều tiên nhập khẩu để làm thuốc rất lớn nên vào thời ấy, người Nhật đã cho trồng ở Nikkô để giảm bớt kim ngạch phải xuất ra cho nó trong mậu dịch. Việc Yoshimune tỏ ra chú ý đến cái học thực dụng và y học xảy ra vào giai đoạn cuối của cuộc cải cách Kyôhô nhưng vẫn đem đến kết quả tốt vì nối kết được với những người về sau như Maeno Ryôtaku (Tiền Dã, Lương Trạch, 1723-1803) và Sugita Genpaku (Sam Điền Huyền Bạch, 1733-1817). Hai ông đã dịch cuốn sách thuốc cũ có nhiều bản vẽ giải phẩu của y sư người Đức tên là Johan Adams Kulmus nhan đề Anatomische Tabellen (Bản vẽ các bộ phận cơ thể, 1722) từ bản tiếng Hà Lan là Tafel Anatomia (1734) ra Hán văn (Kanbun). Ngày nay, nó tác phẩm đầu tiên trong loại sách phiên dịch về cơ thể học mà người Nhật ngày nay biết dưới cái tên Kaitai Shinsho (Giải thể tân thư) hay "Sách mới về giải phẩu", trong đó bên cạnh hình vẽ các bộ phận con người được mổ xẻ, còn kèm thêm cả lời giải thích. Nhân đây cũng nói thêm rằng người vẽ các ảnh trong bản dịch là Odano Naotake (Tiểu Điền Dã, Trực Vũ, 1749-1780), từng theo học kỹ thuật hội họa tây phương với nhà phát minh Hiraga Gennai (Bình Hạ Nguyên Nội, 1728-1779). Và như ta cũng có thể biết, Gennai là một bác học đa tài, đã tự làm ra điện bằng cách ứng dụng nguyên tắc năng lượng sinh ra từ vật ma sát và chế được loại vải kakanpu (vải "lông chuột hỏa sơn") khó bốc cháy vì tơ sợi đã nhúng trong thạch cẩm (ishiwata, asbestos), một chất hoá học chống cháy. Còn Odano Naotake một họa sĩ tên tuổi, cũng là tác giả bức Shinobazu Ike no zu (Bất nhẫn trì đồ), vẽ cảnh hồ sen nổi tiếng ở Ueno (Tôkyô). Cái học Tây phương của thời đại Edo thực ra đã dần dần biên thiên cùng với thời đại. Buổi đầu, nó có tên là Bangaku (Man học) hay Nanban gakumon (Nam man học vấn). Nam man là tên người Nhật gọi người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vì tàu thuyền của họ từ phương nam đến. Chỉ đến thời Edo trung kỳ mới xuất hiện cái tên Rangaku (Lan học) vì nó đến từ người Hà Lan, người ngoại quốc duy nhất về phía Âu Tây được Nhật cho thông thương.Vì chánh sách ngoại giao của mạc phủ đã thay đổi như thế nên ảnh hưởng Tây-Bồ phải nhường bước cho ảnh hưởng Hà Lan. Đến cuối thời Edo khi sự có mặt của Pháp và Mỹ cũng như Đức nhiều hơn cả Hà Lan thì Nhật lại gọi cái học Tây phương là Dương học. Chính vì thế, khi nói đến Lan học thì e rằng phải giới hạn nó trong giai đoạn Edo trung kỳ. Sugita Kanpaku đã trình bày những khó khăn mà ông gặp phải khi dịch Kaitai shinsho (Giải phẩu tân thư) trong Rangaku kotohajime (Lan học sự thủy) hay "Truyện về nguồn gốc của học vấn Hà-Lan". Tiếp nối ông là hai học giả Ôtsuki Gentaku (Đại Quy Huyền Trạch, 1757-1827) và Udagawa Genzui (Vũ Điền Xuyên, Huyền Tùy, 1755-1797). Ôtsuki Gentaku theo học Sugita Genpaku và Maeno Ryôtaku cho nên ghép tên hai thầy thành tên mình.Gentaku sau khi đã xuống Nagasaki du học, về lại Edo mở trường tên là Shirandô (Chi lan đường) dạy Lan học. Chi lan cũng có nghĩa là "bạn bè". Ông viết một tập sách nhập môn về Lan học nhan đề Rangaku kaitei (Lan học giai đề) hay "Những bậc thang của Lan học". Udagawa Genzui thì theo học y khoa Hà Lan với một người trong nhóm dịch giả của Kaitai shinsho tên là Katsuragawa Hoshuu (Quế Xuyên Phủ Chu, 1751-1809) và đã phát hành một quyển sách dịch về nội khoa Há Lan tên là Seisetsu naika senyô (Tây thuyết nội khoa soạn yếu). Thế nhưng người đóng góp nhiều nhất cho cái học Hà Lan có lẽ là Inamura Sanpaku (Đạo Thôn, Tam Bá, 1758-1811). Ông là người đầu tiên soạn cuốn từ điển Hà Lan- Nhật Bản Haruma Wage (Halma Hòa giải). (Halma có lẽ là tên của nhà từ điển học Hà Lan Francois Halma, 1653-1722 mà Inamura đã phiên âm ra thành Pháp Nhĩ Mạt = Ha ru ma). Sau đó lại có một học trò của Maeno Ryôtaku tên là Shiba Kôkan (Tư Mã Giang Hán, 1747-1818), một họa sĩ họa phong Tây phương nhưng chuộng khoa học tự nhiên, người đã giới thiệu thuyết địa động (trái đất xoay quanh mặt trời, the Corpenian heliocentric theory) ở Nhật. Trước đây người Nhật chỉ tin một cách sai lầm thiên động thuyết tức thuyết cho rằng trái đất đứng yên và mặt trời xoay quanh nó (the Ptolemaic theory). Như Odano Naotake nhắc đến bên trên, Kônan cũng đã vẽ hồ sen Shinobazu nhưng trên bản khắc bằng đồng.
Mặt khác, để đối phó với trào lưu y học Hà Lan, y học đông phương truyền thống (gọi là Tôyô igaku hay Đông dương y học) ở Nhật lúc đó có phong trào phục cổ gọi là Koihô (Cổ y phương) muốn bỏ cả y lý Nguyên Minh mà trở về với một nền y học còn cổ xưa hơn nữa tức y học đời Hán vốn trọng nguyên tắc lâm sàng và thực chứng.Một người trong phong trào ấy là Yamawaki Tôyô (Sơn Hiếp, Đông Dương, 1705-17629 vào năm 1759 (Hôreki 9) đã quan sát bên trong thi thể một người tù bị tử hình để ghi lại tất cả bằng hình ảnh trong cuốn tranh về cơ thể học đầu tiên của Nhật Bản, nhan đề Zôshi (Tạng chí) "Sao chép về nội tạng con người". Xin nhờ rõ cho là sách đầu tiên về giải phẫu được dịch ra tiếng Nhật là Kaitai shinsho (1774) nhưng sách đầu tiên về giải phẫu do người Nhật viết ra là Zôshi (1759). Theo đó thì Zôshi đã ra đời trước Kaitai Shinsho những 15 năm. Hệ
thống của các học giả Dương học có thể tóm tắt trong
đồ biểu sau đây:
Câu chuyện tiếp thu văn hoá phương Tây hãy còn dài nhưng đến đây, tạm rời Dương học, chúng ta hãy trở lại cuộc cải cách của Shôgun Yoshimune và bắt đầu với kế hoạch chỉnh trang đô thị của ông. Nói về chính sách đô thị của thành phố Edo thì Ôoka Tadasuke lúc ấy làm machi-bugyô như đô trưởng nên đóng vai trò chủ đạo.Thành phố chịu nhiều trận hỏa hoạn lớn và liên tiếp nhưng gây thiệt hại nhiều nhất có lẽ là hỏa tai năm Meireki 3 (Meireki no taika, Minh Lịch đại hỏa, 1657). Do đó nhà nước phải mở những con đường nhỏ thành đường lớn - hirokôji (quảng tiểu lộ) - và lập những cơ sở phòng hỏa. Chế độ chửa lửa cũng được cải thiện. Ngoài Jôbikeshi (Định hỏa tiêu) tức tổ chức cứu hỏa qui định sẳn, những đội chửa lửa dân phòng trong khu phố (Machi-bikeshi = Đinh hỏa tiêu) đã được lập thêm. Trong các khu phố thành Edo có tất cả 47 đội phòng hỏa dân sự như vậy. Họ được sắp theo thứ tự Iroha tức theo bộ chữ cái gồm 47 âm của người Nhật. Ở trước cửa Hyôjôsho (Bình định sở) tức cơ quan tài phán tối cao của mạc phủ, nhà nước đặt hộp thơ dân ý (meyasubako) để thu thập tiếng nói của lớp thường dân muốn dâng ý kiến hữu ích hoặc tố cáo quan lại làm điều quấy. Chế độ trực (tiếp) tố (cáo) qua hộp thư được gọi là hakoso (tương tố, tương = cái hộp) Lại lập ra một cơ quan gọi là Yôjôsho (Dưỡng sinh sở) ở Koishikawa. Không ai được mở hộp thư này ngoài Shôgun Yoshimune. Ngoài ra, ông còn cho thu thập những pháp lệnh và án lệ có từ trước đến nay làm thành Kujikata Osadamegai (Công sự phương ngự định thư) tức một pho sách tham khảo lớn qui định cách thức xử kiện và hình phạt mà các quan án phải tham khảo. Trong thời kỳ này, nhân vì giới samurai càng ngày càng túng quẩn nên đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến việc vay mượn tiền bạc (gọi là kinkuji = kim công sự). Mạc phủ không thẩm tra những chuyện như thế mà bắt các bên tranh cãi phải tự giải quyết. Năm 1719 (Kyôhô 4), mạc phủ nhân đó đã ban hành Aitaisumashi-rei (Tương đối tế lệnh = Lệnh tự giải quyết tranh chấp, tương đối = với nhau) nhưng thực tình, nếu họ không can thiệp là vì trong thâm ý, mạc phủ muốn bênh vực lập trường của giới vũ sĩ một khi những người này bị dính vào kiện tụng. Để các đương sự giải quyết với nhau là vì mạc phủ thừa biết, trong xã hội giai cấp (mibunsei no shakai) thời Edo, thương nhân là kẻ cho vay thuộc giai cấp thấp hơn và sẽ phải chịu lép vế trước con nợ là vũ sĩ. Mặt khác, Yoshimune cũng không quên tưởng lệ Nho học, trụ cột của chính quyền mình. Trong số những người ông thu nạp và cất nhắc có Ogyuu Sorai (Địch Sinh Tồ Lai, 1666-1728), người đã viết và dâng lên Shôgun tác phẩm Seitan (Chính đàm = Bàn về chính trị) cũng như Muro Kyuusô (Thất, Câu Sào, 1658-1734) đã hoàn thành Rikuyuengi Taii (Lục dụ diễn nghĩa đại ý), nội dung nhằm giảng nghĩa Lục Dụ Diễn Nghĩa [4], sách của Trung Quốc có mục đích giáo hóa dân chúng. Các chính sách nói trên của Shôgun Yoshimune sau đó sẽ phải thay đổi theo chiều hướng khác đi một chút khi đại thần Tanuma Okitsugu xuất hiện trên chính trường.. |
Tiết 2 - Chuyển biến của xã hội Tenmei và thời kỳ Tanuma Okitsugu chấp chính. |
2.1
Lý do mạc phủ cất nhắc đại thần Tanuma:
Shôgun Yoshimune (1716-1745, 1684-1751), khổ tâm vì sự biến động của giá gạo trên thị trường nên phải thi hành một số cải cách vào năm Kyôhô. Ông đã nhìn thấy việc làm của mình gặt hái được một số thành quả nhất định. Nhờ đó, ông có hỗn danh Komeshôgun ( Mễ tướng quân). Thế nhưng bước qua hậu bán thế kỷ 18, ta lại thấy tình hình chính trị và xã hội của thể chế mạc phiên đã gặp phải những khúc quanh quan trọng.
Trung tâm của cuộc cải cách để phục hưng tài chánh do Yoshimune chủ trì nằm ở chỗ làm sao để thu cho đươc thật nhiều tuế cống, một hình thức thuế nông nghiệp. Do đó, ông đã làm cho nông dân càng ngày càng nghèo khổ và mệt mõi trong cuộc sống. Chỉ cần thời tiết xấu làm cho mất mùa một chút là họ đã khốn đốn, tuyệt vọng, sẳn sàng bỏ mặc tất cả và chạy theo những cuộc nổi loạn nông dân (hyakushô ikki). Ngược lại, vì có chủ đích thu thêm cho được thật nhiều tuế cống nên khi thành công, nhà nước đã tạo ra một hiện tượng là sự dư thừa gạo. Nó làm giá gạo trụt xuống liên tục. Điều này khiến cho giới võ sĩ và gia đình họ, xưa nay vẫn phải dựa vào số gạo nhà nước cấp như bổng lộc đem bán đi để sống, phải lâm vào cảnh khó khăn. Cũng vào thời này, trong các thôn làng, một số viên chức trong thôn có thế lực đã tự mình tiếp tục việc canh tác và có trong tay một số của. Họ mới nhân đó nhận ruộng đất mà dân nghèo đem tới cầm cố rồi cho người khác mướn để trồng trọt. Từ đó xuất hiện một tầng lớp địa chủ sở hữu ruộng đất trong và ngoài thôn mà những kẻ đem đi cầm để mất trắng vì không đủ sức chuộc lại. Những tay địa chủ mới có kẻ đem ruộng đó cho tá điền (kosakunin) mướn để canh tác và thâu tiền mướn đất từ những người này. Từ từ những tay địa chủ mới sẽ đóng thêm vai trò là kẻ đảm trách việc sản xuất nông phẩm ở thôn quê. Sau một thời gian phát triển trong chiều hướng đó, họ trở thành những phú nông (người Nhật gọi là gônô = hào nông). Ngược lại đán nông dân (hyakushô) mất hết cả ruộng vườn kia, chỉ còn hai cách: một là đi làm tá điền, hai là đi làm thuê cuối những vụ mùa (nenki hôkô) hoặc làm công nhật (hiyôkase), và kết quả là họ đều bị lôi cuốn vào trong vòng kinh tế hóa tệ. Như thế đời sống trong thôn làng đã thay đổi, nông dân không còn sống cuộc đời tự cấp tự túc (tự sản xuất tự tiêu dùng). Giữa những phú nông kiêm cả việc hương lý và lớp nông dân, tá điền, đã nẩy sinh một quan hệ đối lập sâu sắc. Rồi khi đứng trước những hành vi bất chính của hương chức, đám nông dân sẽ đòi hỏi quyền tự mình quản lý một cách dân chủ mọi việc trong thôn. Những cuộc tranh chấp sôi nổi giữa hai bên (murakata sôdô) sẽ phát sinh từ đó. 2.2 Những cuộc khởi nghĩa và bạo động của nông dân: Trước khi Tanuma Okitsugu ( Điền Chiểu, Ý Thứ, 1719-1788) lên nắm chính quyền (1772), xã hội Edo đang ở trong một thời kỳ dao động bất an, dân chúng không ngừng tạo phản (ikki) và bạo động phá hoại trật tự công cộng (uchikowashi). Dân chúng nổi loạn trước tiên là để đấu tranh để đòi quyền lợi trong lãnh địa. Suốt thời Edo, tính ra đã có đến 3.200 vụ như vậy. Đặc biệt vào những giai đoạn đói kém hoành hành thì con số còn cao hơn mức bình thường. Kể từ thời Kôhô (Hưởng Bảo, 1716-36) và sau đó đến các thời Tenmei (Thiên Minh, 1781-89) và Tenpô (Thiên Bảo, 1831-45), trên đất Nhật đã có thêm nhiều cuộc nổi loạn mà đỉnh cao là 3 giai đoạn ấy. Năm 1732 (Kyôhô 17), ở miền Tây Nhật Bản, thời tiết bị xáo trộn, cào cào châu chấu sinh sản mạnh, ăn hết thóc lúa. Trận đói năm Kyôhô đã lan ra khắp toàn quốc trong giai đoạn này. Từ năm 1782 (Tenmei thứ 2 ) đến 1787 (Tenmei 7) đến phiên địa phương Đông Bắc vừa hết bị thời tiết trở lạnh thì chịu thêm cái tai họa núi Asamayama (Nagano-Gunma, 2.568 m) phun lửa rất lớn, lại có thêm nhiều người chết trong trận đói năm Tenmei.Còn như khoảng năm 1830 (Tenpô 4) đến năm 1839 (Tenpô 10) thì khắp toàn quốc đều mất mùa, gây nên trận đói năm Tenpô. Cứ mỗi lần tai họa đến như thế thì cuộc vận động nông dân gọi là ikki lại có dịp bùng lên. Những kẻ phát động ikki thường đòi giảm miễn tuế cống và cởi mở cho lơi bớt hệ thống buôn bán độc quyền. Có khi họ cũng đòi thay những quan triều đình bổ nhậm địa phương (daikan) đã tỏ ra quá hà khắc với dân. Về cách phân loại những cuộc ikki dưới thời này thì ta thấy hình thức daihyô osso ikki (đại biểuviệt tố nhất quỷ) của buổi đầu thời Edo đã khá thông dụng trở lại. Đó là cách dân chúng nông thôn đòi tái thẩm (việt tố) bằng cách nhờ các đại biểu là hương chức trong làng đi khiếu nại với Shôgun. Lối khiếu kiện này không qua thứ tự hành chánh qui định mà đưa người của mình trực tiếp đi gặp Shôgun để thỉnh cầu cho nên được gọi là jikiso (trực tố). Đối với thời Edo, hình thức đấu tranh kiểu nầy bị nghiêm cấm.Nhiều kẻ có hành động ấy đã bị xử hình. Thế nhưng đối với nhân dân thì những người ấy là anh hùng vì đã dám tranh đấu cho dân mình.Những "đại biểu" (daihyô) còn để được tiếng thơm trong dân là Haritsuke Mozaemon (Kiệt, Mậu tả vệ môn) của vùng Kôzuke (Gunma bây giờ) hay Sakura Sôgorô (Tá Thương, Tổng Ngũ Lang) của vùng Shimôza (Chiba bây giờ). Họ được mọi người ca tụng là gimin (nghĩa dân) hay nghĩa sĩ. Kể từ thời Edo trung kỳ sang hậu kỳ, những biến cố huy động một nhân số nông dân lớn gọi là sôhyakushô ikki (tổng bách tính nhất quỹ) đã xảy ra nhiều hơn trước. Khi qui mô mở ra đến một mức độ lớn hơn chút nữa, nó trở thành zenban ikki (toàn phiên nhất quỹ) vì lan ra toàn thể phiên trấn để chống lại chính sách của phiên. Điển hình là năm 1686 (Jôkyô 3), ở phiên Shinano Matsumoto (vùng Nagano bây giờ) đã xảy ra vụ biến loạn Kasuke, năm 1738 (Genbun 3) ở phiên Mutsu Iwakidaira (Aomori) có vụ biến loạn Genbun. Trong hai cuộc biến loạn này, nông dân đã chống lại việc nhà nước tăng thu tuế cống, đồng thời họ cản trở chính phủ đặt thêm thuế mới và đòi bãi bỏ chế độ chỉ cho phép một nhóm người buôn bán độc quyền. Có khi họ cũng phô trương sức mạnh bằng cách đập phá nhà cửa những con buôn hay hương chức đang tỏ ra muốn cộng tác với chính quyền. Những loại hành động như thế này đã xảy ra từ giai đoạn sau cho đến giai đoạn cuối của mạc phủ Edo. Nội vùng Kinai đã có cả đến 1.000 vụ như vậy do thương nhân sở tại (zaigô shônin) chỉ đạo. Những cuộc chống đối giống như thế nhưng ở trên một bình diện còn rộng lớn hơn nữa để phản đối hành vi thương mãi độc quyền của một số người có đặc quyền thì được gọi là kokuso (quốc tố, quốc = nước). Đến cuối đời mạc phủ Edo, người ta để ý có loại khởi nghĩa với mục đích dơn thuần là chấn chỉnh đạo đức xã hội (yonaoshi ikki). Từ khoảng sau của thời cận đại, loại ikki nhằm giải tỏa những cuộc xung đột giữa các mâu thuẫn xã hội này đã liên tiếp xảy ra. Đứng trước cảnh tượng đó, ta hãy thử xem nhà cải cách Tanuma Okitsugu đã xử trí như thế nào? 2.3 Chính trị của đại thần Tanuma: Từ cương vị một cận thần cấp thấp trong gia đình nhà chúa, Tanuma đã lên tới chức Rôjuu ngang với thủ tướng chính phủ. Hoạn lộ của ông bắt đầu với Shôgun đời thứ 8 Yoshimune (Cát Tông), sang đời thứ 9 Ieshige (Gia Trọng) và kết thúc với đời thứ 10 Ieharu (Gia Trị). Không sách vở nào nói rõ về những chặng đường thăng tiến của ông nhưng chỉ cần nhớ rằng, trước khi vào nội các của mạc phủ, ông không làm việc ngay giữa Edo. Thực ra, ông chỉ là một phiên sĩ tức là vũ sĩ gia thần ở một phiên trấn, phiên Kii (tỉnh Wakayama bây giờ).Khi Shôgun đời thứ 8 Yoshimune - gốc chi Kii - lên Edo nhậm chức thì cha ông là Tanuma Okiyuki (Điền Chiểu Ý Hành) có tháp tùng chủ lên cùng. Ông cũng theo cha vào làm việc trong mạc phủ. Xảy đến khi Shôgun đời thứ 9 là Ieshige là người ốm yếu, nói năng không được rõ ràng, ông mới được gọi đến hầu hạ bên mình. Được nhà chúa tín nhiệm nên đến đời Shôgun thứ 10 là Ieharu, ông được cất nhắc lên chức Rôjuu. Do đó, trong khi Yoshimune thi hành cuộc cải cách năm Kyôhô, ông cũng ở bên cạnh và có dịp theo dõi để nghĩ ra những phương án khác . Chẳng hiểu có phải là một sự ngẫu nhiên hay không mà năm 1758 (Hôreki 8), khi Tanuma Okitsugu được phong lãnh chúa cai quản thành Sagara (Tôtomi) thì Takeuchi Shikibu, người học trò đi theo Yamazaki Ansai để học Suika Shintô (Thùy gia thần đạo, thuyết kết hợp Thần đạo với Nho học, xem trọng uy quyền thiên hoàng), đã bị liên lụy trong biến cố năm Hôreki (kết quả là Takeuchi Shikibu bị mạc phủ đàn áp vì chủ trương tôn vương của ông). Đến năm 1767 (Meiwa 4), khi Tanuma trở thành cận thần của Ieshige thì lại xảy ra biến cố năm Meiwa, lúc nhà nghiên cứu binh pháp Yamagata Daini (Sơn Huyện, Đại Nhị) viết sách Ryuushi Shinron (Liễu tử tân luận) bày tỏ lập trường tôn quân, bị kết tội đã phê phán mạc phủ, có ý mưu phản nên lãnh án tử hình. Hai biến cố này xảy ra đúng vào dịp hai lần Tanuma được thăng quan tiến chức là điều chúng ta cần chú ý. Ngoài ra, sở dĩ trong dân chúng, người ta có khuynh hướng đề xướng tư tưởng tôn quân và phê phán mạc phủ, chính là vì họ mong muốn trong nước sẽ có những sửa đổi chính trị so với các đường lối áp dụng từ trước đến nay. Trong giai đoạn
ấy, hãy còn một sự kiện nổi bật khác là sự xuất hiện
của nhìều nhà nghiên cứu kinh tế. Lúc đó kinh tế học
(kinh thế
tế dân) hãy còn mang tên là keiseiron
(kinh thế luận). Điều đó cho thấy trong xã hội đương thời
đã có dấu hiệu của một sự thay đổi lớn. Có thể đưa
ra ví dụ về người thầy thuốc ở Hachinohe (đông nam Aomori)
là Andô Shôeki (An Đằng Xương Ích, 1703-1762). Andô cực lực
phê bình xã hội phong kiến và phủ nhận sự phân biệt giai
cấp. Ông xem một xã hội lý tưởng phải là xã hội "vạn
nhân trực canh" (bannin, banjin chokkô) (ai nấy đều phải trực
tiếp cày cấy, làm việc). Lý tưởng ấy cô đúc từ những
tác phẩm như "Tự nhiên chân doanh đạo" (Shizen shin.eidô, 1753)
và "Thống đạo chân truyền" (Tôdôshinden, 1752) của ông. Chúng
có nội dung bác bỏ các triết học từ Nho đến Phật, cả
chế độ giai cấp (mibun seido) có tính nhân vi (vì người ta
tạo ra nên nó mới có) đương thời. Andô còn đòi hỏi phải
đưa con người trở lại sống theo cái đạo chân thực vốn
vận hành trong cõi tự nhiên. Ở thành phố Ôsaka thì có Tominaga
Nakamoto (Phú Vĩnh Trọng Cơ, 1715-1746), một môn sinh của trường
Kaitokudô (Hoài Đức Đường), đã soạn Shutsujô Gogo (Xuất
định hậu ngữ, Nói sau khi đã ra khỏi thiền định). Từ
quan điểm lịch sử, ông đã phủ định cả đạo Nho và đạo
Phật. Khuynh hướng phê phán xã hội ngày một đi xa. Chẳng
hạn Yamagata Bantô (Sơn Phiến Bàn Đào, 1748-1821) trong Yume no
shiro (Mộng đại, Thay cho mộng) bài xích Nho giáo, Phật giáo
lẫn Quốc học, nhưng lại thuyết về vô thần luận. Cũng
như Kaibo Seiryô (Hải Bảo, Thanh Lăng, 1755-1817), tác giả Keikotan
(Kê cổ đàm, Xét lại việc xưa), hay Honda Toshiaki (Bản Đa,
Lợi Minh, 1743-1820) với Seiiki Monogatari (Tây vực vật ngữ,
Truyện các quốc gia phương Tây) và Keizai hisaku (Kinh thế bí
sách, Sách lược bí mật giúp đời). Cả hai tác phẩm của
Honda đều đưa ra những ý kiến tân kỳ trong lãnh vực tư
tưởng hoặc về kinh doanh mậu dịch.
Cuộc cải cách năm Kyôhô vì chỉ có mục đích làm sao để tăng khả năng thu nhập tuế cống (từ nông nghiệp) nên không thể tiến xa hơn. Chính Tanuma Okitsugu cũng nhận ra điều đó nên ông đã chuyển hướng và lần này, đặt trọng tâm vào thương nghiệp mà ông nghĩ là một nguồn lợi đáng kể. Phải nói ý kiến ấy khá độc đáo. Năm 1772 (An.ei nguyên niên), từ địa vị một gia thần không mấy quan trọng, Tanuma Okitsugu đã nắm được thực quyền chính trị trên toàn quốc khi được nhà chúa cất nhắc lên chức Rôjuu. Mạc phủ không còn dựa vào tài nguyên đến từ tuế cống nữa. Để tái thiết nền tài chánh, họ bắt đầu công nhận một cách rộng rãi các tổ chức ngành nghề gọi là kabu-nakama mà các thành viên của nó tham gia ở dưới dạng cổ đông. Họ có thể là thương nhân cũng như thợ thủ công, sống ở thành thị lẫn nông thôn. Để tăng mức thu nhập cho ngân sách mạc phủ, nhà nước sẽ đánh lên những nhóm người này các món thuế có tên là unjô (vận thượng) mà myôga (minh gia). Nói khác đi, đó là thuế chuyên chở và thuế doanh nghiệp. Tổ chức có tên kabu-nakama nói trên vốn do các nhà buôn sỉ (toiya, tonya) kết hợp lại mà thành. Họ có mục đích kiểm soát quyền buôn bán vào thời điểm của cuộc cải cách năm Kyôhô. Đến khi ông cầm quyền, Tanuma Okitsugu đã biết lợi dụng triệt để chế độ sẳn có. Nếu muốn tìm hiểu chỗ khác nhau trong cách ứng dụng giữa chế độ của thời Yoshimune và thời Tanuma là một việc hơi phức tạp. Có lẽ chúng ta chỉ cần biết nó có liên hệ nào đó với nhau là đã tạm đủ. Ngoài ra, đứng trên quan điểm chủ nghĩa trọng thương, chính phủ đã để sự độc quyền buôn bán (senbai, monopoly) được phát triển mạnh hơn. Họ đã cho phép thành lập các Za (tổ hợp buôn bán) chuyên môn về những mặt hàng khác nhau như Za chuyên về đồng (Dôza = đồng tòa hay đồng tòa), về ngọc trai ( Shinjuza = trân châu tòa), về nhân sâm Triều tiên (Chôsen ninjin-za = Triều Tiên nhân sâm tòa). Thế rồi sau đó, sự giao dịch thương mại với sự hổ trợ của hệ thống hóa tệ được thành lập đã xảy ra một cách trôi chảy. Như một phương sách về hoá tệ, nhà nước đã cho phát hành nanryô nishugin (nam liêu nhị chu ngân). Nó là một loại đơn vị hoá tệ tiêu chuẩn (teiryô keisuu kahei = định lượng kế số hóa tệ), và mỗi miếng dù không cần cân đo cũng xem như có trị giá 2 shu (chu) vàng.Sở dĩ nhà nước qui định như vậy bởi họ cảm thấy loại shôryô kahei ( hoá tệ xứng lượng) quá phiền phức và bất tiện vì phải cân đo. Hành động đó là bước đầu trong việc thống nhất hóa tệ vào thời cận đại.Nhân đây cũng cần giải thích về từ nanryô (nam liêu, liêu = cái xích) nghĩa là "chất lượng". Như thế, nanryô chỉ là một cách nói bóng bẩy để chỉ một loại bạc có chất lượng cao, được dùng như vàng. Nhin trên, ta thấy đặc điểm của đại thần Tanuma Okitsugu đề ra là tập trung vào chính sách thương nghiệp. Thế nhưng, vào thời ông cầm quyền, công việc khai khẩn và mậu dịch quốc tế cũng là những lãnh vực khác mà ông tích cực thúc đẩy. Trước hết việc khai khẩn (dinh điền) được tượng trưng bằng việc xây dựng đê điều, rút nước cho khô và bồi lấp (kantaku = can thác) các vùng ao chuôm (numa) như Inbanuma và Teganuma ở Shimôza (biên giới Chiba-Ibaraki) kiếm thêm đất canh tác. Ông đã gọi vốn của thương nhân Edo và Ôsaka để tiến hành những công trình này. Đáng tiếc là khi những kế hoạch sắp sửa kết thúc thì trận lụt lớn ở địa phương (do sông Tonegawa) đã làm cho nó không hoàn thành được. Mặt khác, trước tình thế các kim loại quí như vàng và bạc bị đưa hết ra nước ngoài trong quan hệ giao thương càng ngày càng bất lợi ở Nagasaki (vì nhập siêu), ý kiến của nhà nước là phải tạo ra những mặt hàng tăng xuất khẩu hòng lật ngược lại cán cân mậu dịch. Người Nhật lúc ấy đã có chủ trương tăng lượng xuất khẩu hàng hấp dẫn khách nước ngoài như (kim loại) đồng và các mặt hàng "đóng thành kiện rơm" (tawaramono, straw bag) [6] ví dụ cá con khô (iriko), bào ngư khô (hoshiawabi) và vi cá mập (fukahire). Nhân vì Ezochi (ở Hokkaidô) là nơi có nhiều hải sản cho các mặt hàng như thế, chính phủ đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh việc khai khẩn khu vực này. Sự quan tâm đến Ezochi càng ngày càng cao. Năm 1783 (Tenmei 3), có người thầy thuốc của phiên Sendai tên Kudô Heisuke (Công Đằng Bình Trợ, 1734-1800) đã dâng lên mạc phủ Aka Ezo Fuusetsukô (Nghiên cứu tin đồn đãi từ đất Aka-ezo, 1781-83. Akaezo hay Xích Hà Di là chữ để gọi người Nga, láng giềng dân Ainu) với mục đích khuyên nhà nước nên mở mang mậu dịch với Nga, một lực lượng đáng kể trên miền bắc. Mạc phủ chuẩn y ý kiến ấy nên vào năm 1785 (Tenmei 5) đã ra lệnh cho nhà thám hiểm Mogami Tokunai (Tối Thượng, Đức Nội, 1755-1836) điều tra vùng quần đảo Chishima (tức Kuriles). Thực ra lúc đó Nga bị hạn chế trong mậu dịch đối với nhà Thanh, đang tìm cách tiền xuống, chọc mũi dùi để tìm thị trường ở phương nam nên Nhật lo lắng, e rằng số hàng buôn lậu (nukeni) sẽ tăng gia. Tanuma Okitsugu xưa nay vẫn để ý đến Ezochi nên đã xem việc mở mang vùng này để đáp ứng nhu cầu mậu dịch với Nga như một chính sách lớn. 2.4 Ngày tàn của chính trị do Tanuma chủ đạo: Như ta đã thấy, chính sách của Tanuma Okitsugu là đặt trọng tâm vào thương mại và dựa trên sức mạnh của giới thương nhân để tích cực cải thiện tài chánh cho mạc phủ. Nhờ đó mà các lãnh vực như văn hoá, học vấn, nghệ thuật trong dân chúng đã phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức. Nhưng mặc khác, ngược lại, trong vòng quan lại thì đầy dẫy hiện tượng tiêu cực như hối lộ và cậy thế cậy thần. Đạo đức người cầm quyền đi đến chỗ suy thoái, không ngừng bị dư luận phê phán. Trận đói năm Tenmei vừa mở màn thì trên toàn quốc, những cuộc nổi dậy của nông dân (ikki) đã liên tiếp xảy ra. Tất cả mọi mũi dùi đều chĩa vào Tanuma, xem ông như trách nhiệm chính về sự hủ bại của guồng máy. Năm 1784 (Tenmei 4), người con trai của Tanuma Okitsugu là Okitomo (Ý Tri) đang giữ chức wakadoshiyori (như thứ trưởng) bị một võ sĩ hatamoto tên Sano Masakoto (Tá Dã Chính Ngôn) ám sát chết trong khuôn viên thành Edo. Sano sau đó đã tự xưng mình là "ông thần chấn chỉnh chính trị cứu đời" (yonaoshi daimyôjin). Kể từ biến cố ấy, ảnh hưởng của Okitsugu xuống cấp thấy rõ. Năm 1786 (Tenmei 6), ông mất chức Rôjuu và nhiều chính sách do ông đề ra trước đó đã bị đình chỉ. Như thế, thời đại Tanuma thực sự cáo chung và chính trị mạc phủ lại bước vào một thời kỳ mới với những nhà lãnh đạo đến từ giai cấp môn phiệt truyền thống như các lãnh chúa fudai (phổ đại), thân cận nhà chúa. |
Tiết 3 - Cuộc cải cách năm Kansei (Khoan Chính): |
3.1
Matsudaira Sadanobu bước lên vũ đài. Bản lĩnh chính trị của
ông:
Chúng ta bước vào phần trình bày về cuộc cải cách năm Kansei (1789-1801, nhưng kỳ thực nó đã bắt đầu từ tháng 6 năm 1787 hay Tenmei 7) dưới sự chỉ đạo của đại thần Matsudaira Sadanobu (Tùng Bình, Định Tín, 1758-1829). Ông con nhà Tayasu, một trong "tam khanh" [7]. Xuất thân là con trai Tayasu Munetake (Điền An Tông Vũ) và là cháu nội Shôgun đời thứ 8 Yoshimune. Nhân vì dinh thự của Munetake là điện Tayasu bên cửa thành cùng tên nên gia đình này lấy đó làm họ. Sadanobu được gửi làm con nuôi lãnh chúa phiên Shirakawa (phía nam Fukushima), sau đó đã thừa kế phiên này nên còn có biệt hiệu là Shirakawa Rakuô (Bạch Hà Lạc Ông). Ông có thiên tự truyện nhan đề Uge no hitogoto (Vũ hạ nhân ngôn = Nói một mình dưới mái nhà, 1793), viết khi đã qui ẩn. Biệt hiệu đó là chiết tự từ 2 chữ Định Tín (bộ vũ + hạ, nhân + ngôn), tên của ông vậy.
Trong đoạn trước, chúng ta nhắc đến trận đói năm Tenmei (từ Tenmei 2 đến 7, 1782-88). Tai họa ấy đã làm cho xã hội càng thêm dao động và người bị coi là có trách nhiệm là Tanuma Okitsugu đã bị hất khỏi cái ghế Rôjuu. Chuyện này xảy ra vào tháng 8 năm 1786 (Tenmei 6). Thế nhưng sau vụ bãi nhiệm này, Matsudaira Sadanobu chưa có thể trở thành Rôjuu ngay. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc đưa Sadanobu lên thế Tanuma Okitsugu đã vấp phải sự chống đối của phe phái ông ta còn ngồi lại trong chính quyền. Chính vì thế mà có một thời kỳ trống vắng chính trị, nước Nhật không có ai đứng ra lèo lái. Trong tình trạng như vậy, ở Edo đã có nhiều vụ bạo dộng đập phá đại qui mô, gây ra một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Để trấn an quần chúng, mạc phủ bắt buộc phải mở những trạm tế bần (tên là osukui-goya) để thi hành nhân chính (jinsei). Ở đấy, họ cung cấp lương thực cho dân nghèo. Họ cũng đặt ra chế độ bán gạo với giá rẻ. Trong khi những giải pháp nói trên hãy còn chưa đủ sức để giải quyết tình hình thì Sadanobu đã nhậm chức Rôjuu để thi hành chính trị của mạc phủ. Trong chế độ của mạc phủ Tokugawa và ở Nhật nói chung, người lên đến chức cao thường được thăng tiến từ trong nội bộ. Kẻ lên đến vai trò Rôjuu theo thông lệ phải từng là wakadoshiyori (như thứ trưởng), Kyôtosho-shidai (đô trưởng Kyôto) hay sôjaban (tấu giả ban, người thay mặt các quan để tâu trình) ...chứ không ngang nhiên ngày một ngày hai từ phiên trấn Shirakawa vùng Tôhoku (Đông Bắc) và về Edo đứng đầu chính phủ. Do đó việc bổ nhiệm nhân sự trong trường hợp của Sadanobu là một ngoại lệ. Như thế thì hẳn là trong việc bổ nhiệm Sadanobu phải có một lý do đặc biệt.Lý do ấy chính là việc vào cuối thời kỳ Tanuma Okitsugu chấp chánh, nạn đói đã hoành hành trên một vùng Tôhoku (Đông Bắc) từ Yonezawa, Akita, Aizu cho đến Shônai (Tsuruoka). Lúc ấy, người ta đói đến nỗi ăn cả rễ cây. Con số người chết nhiều vô kể, đúng là một thảm họa. Thế nhưng lúc ấy ở phiên Shirakawa, nơi Sadanobu làm lãnh chúa, ông đã chỉ đạo người trong phiên thi hành jinsei (nhân chính) tức chính sách tế bần hữu hiệu nên "không có người chết đói". Những ruộng vườn hoang phế đều được tái sử dụng kịp thời. Tiếng đồn tốt về tài cai trị của ông đã khiến cho người bố đẻ của Shôgun đời thứ 11 Tokugawa Ienari (Gia Tề, tại chức 1787-1837, 1773-1841) [8] là Hitotsubashi Harunari (Nhất Kiều, Trị Tế) [9] đề nghị vời ông về làm chức Rôjuu để giúp đỡ Ienari trị nước. Vì vậy, thiên hạ thời ấy vẫn thường kháo nhau về Sadanobu như là "cái ông Rôjuu do những cuộc bạo động phá hoại (uchikowashi) đẻ ra". Nhân đây cũng nhắc thêm là Sugita Genpaku, người dịch cuốn sách về cơ thể học nhan đề Kaitai shinsho (Giải thể tân thư) nổi tiếng kia, đã có lần nhắc đến cuộc bạo động thời đó trong một trước tác khác như sau: "Nếu những cuộc bạo động không xảy ra, e rằng chính sách nhà nước vẫn giữ nguyên như cũ". Chính trị của Sadanobu trên nguyên tắc là đi theo đường lối của ông nội mình tức Shôgun đời thứ 8 Yoshimune trong cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo). Lý tưởng của ông là phục hồi lại quyền uy của nhà chúa. Do đó, không gì quan trọng đối với ông hơn là chấn chỉnh lại nông nghiệp vì nông thôn từng là nguồn huê lợi chính cho tài chánh của mạc phủ. Chính sách của ông như thế đặt trọng tâm vào việc phục hưng nông thôn để ổn định ngân sách. Tuy nhiên, Sadanobu cũng không quên lưu ý đến các chính sách đô thị và chính sách xã hội. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết cụ thể của những chính sách ấy. 3.2 Chính sách phục hưng nông thôn: Trước tiên, hãy bàn về chính sách phục hưng nông thôn. Chính sách trọng nông của Maitsudaira Sadanobu tuy có tương phản với đường lối trọng thương của Tanuma Okitsugu, người tiền nhiệm, nhưng ông đã tỏ ra quyết tâm trong nhận thức xem nông dân (hyakushô) là cơ sở của chế dộ. Trước tiên phải làm sao cho nông dân có cuộc sống ổn định, dù có mất mùa vẫn không lo đói kém. Hơn nữa, tình hình nông thôn ổn định sẽ giúp cho mạc phủ bảo đảm được nguồn thu nhập từ tuế cống và như thế, sẽ tái thiết lại tài chánh của nhà nước. Sadanobu như vậy đã đứng trên quan điểm kinh tế có tính truyền thống mà mạc phủ chủ trương cho đến bấy giờ. Đại biểu cho tư duy ấy là Kyuuri kinôrei (Cựu lý qui nông lệnh) nghĩa là bắt nông dân phải ở lại làng cũ cấy cày.Những vùng như Mutsu (Lục Áo) ở đông bắc đảo Honshuu (Tôhoku) cũng như phía bắc Kantô đã xảy ra sự giảm sút nhân khẩu một cách đáng lo ngại. Lệnh này giới hạn việc dân chúng bỏ quê hương sang vùng khác kiếm ăn.Nhà nước nhắm mục đích khôi phục lại những ruộng vườn bị bỏ hoang. Những ai từ nông thôn lên Edo kiếm ăn mà không có một nghề chính trong tay (chính nghiệp = seigyô) thì được chính phủ cấp tiền và khuyến khích trở về làng cũ. Chính sách kinô (qui nông) lại đi kèm với chính sách kakoimai (hay kakoigome, vi mễ = gạo dự trữ). Chính sách này qui định rằng mỗi khi mùa màng thất bát thì trong vùng phải có sẳn một số gạo dự trữ để tránh việc thiếu thốn lương thực. Lối suy nghĩ này mang tên bikôchokoku (bị hoang trữ cốc) nghĩa là để dành gạo nhỡ khi mất mùa đói kém (cơ hoang). Cho đến thời điểm đó, chính ra cả mạc phủ và các phiên trấn đều có dự trữ gạo hoặc dùng cho việc quân, hoặc để điều chỉnh giá gạo nhưng dưới thời Sadanobu, việc để dành gạo cứu đói đã trở thành một chính sách áp dụng cho cả nước, bất luận nông thôn hay thành thị. Sở dĩ có chế độ kakoimai là vì ở thành phố Kyôto, trước đó người ta đã thực hiện điều này. Nhân lúc Sadanobu đi tuần tra, ông được một học giả nho học là Nakai Chikuzan (Trung Tỉnh, Trúc Sơn), giáo sư của ngôi trường bán công Kaitokudô (Hoài Đức Đường) do dân chúng Ôsaka bỏ vốn thành lập năm 1724, báo cáo cho ông biết. Sadanobu đã tiếp nhận đề án ấy. Đến năm 1790 (Kansei 2), ông hạ lệnh cho các lãnh chúa các phiên trong nước, đến năm 1794 (kansei 6) thì trong vòng 5 năm, cứ mỗi 1 vạn thạch thóc có được phải để dành ra 50 thạch cho chương trình cứu trợ. Các sách vở ở Nhật khi nói về kakoimai, thường không tiết lộ nhưng kỳ thực, dù mang tiếng là gạo (mai, kome) nhưng kakoimai chỉ được dự trữ bằng momi (tức là thóc còn nguyên vỏ, momigome). Để dự trữ thóc đó, các địa phương đã dựng những nhà kho có tên là shasô (xã thương, thương = nhà kho) hay gisô (nghĩa thương). Shasô là nhà kho để trữ lượng thóc mà dân chúng đóng góp, còn gisô là nhà kho chứa thóc mà những người giàu có gửi vào thay cho việc nộp thuế. Ngoài hai lại nhà kho nói trên còn có jôheisô (thường bình thương, kho trữ thóc với mục đích dùng để điều chỉnh giá gạo cho nó được quân bình). Cả ba loại kho họp lại thành sansô hay "tam thương". Nói về kakoimai, xin nhớ rằng nó là sản phẩm của chính sách nông nghiệp năm Kansei, khác với agemai vốn là sản phẩm của chính sách thời Kyôhô. 3.3 Chính sách đô thị - Chính sách xã hội: Tiếp đến xin trình bày về chính sách đô thị và chính sách xã hội của đại thần Sadanobu. Trước tiên, về chính sách phòng đói (bị hoang = bikô) thì có qui chế shichibu kintsumitate (lập quỹ 70% tiền để dành). Nó có nghĩa là lập một cái quĩ gom lại những tiền để dành được từ việc tiết giảm kinh phí vận doanh (chô.nyuuyô) của thành phố Edo. Bảy mươi phần trăm (sichibu) của món tiền ấy phải được Edo machikaisho (Hội đồng hàng phố Edo) cất giữ. Số tiền này được dùng để mua gạo và vàng làm phương tiện cứu giúp người gặp cảnh khốn cùng khi có đói kém hay tai họa gì xảy tới. Cho đến nay thì mỗi lần có đói kém, dân nghèo không ngớt làm mất an ninh công cộng vì hành vi bạo động đập phá của họ. Vì vậy quĩ cứu trợ này có mục đích giúp tiền cho những người nông dân bỏ xứ ra Edo kiếm ăn. Họ chính là những cùng dân hay quậy phá trước ai hết trong các cuộc bạo động (uchikowashi). Tóm lại, quĩ ấy cứu giúp, tạo điều kiện cho họ về quê nhưng cùng lúc, giảm bớt cho Edo một mối lo. Thật vậy, nông dân bỏ ruộng vườn lên Edo đã gây ra một vấn đề nan giải bởi vì họ không có cơ sở kinh tế để có thể sống lâu dài giữa một thành phố lớn. Câu hỏi đặt ra ở đây là phải đối xử với họ thế nào, nhất là giữ cho được trị an. Những người dân nghèo này nhà cửa không mà nghề nghiệp cũng không. Vì thế, năm 1790 (Kansei 2), mạc phủ đã mở một khu vực tập trung họ lại gọi là Ninsoku yoseba (Nhân túc ký trường), khu dừng chân cho kẻ không nhà, trên đảo Ishikawajima thuộc Edo. Sadanobu đã cố gắng xử lý vấn đề bằng cách thực thi chính sách dạy nghề, giúp những người này một chút kỷ thuật để họ có thể đi kiếm ăn. Năm 1789 (Kansei nguyên niên), mạc phủ đã ban Kienrei (Khí quyên lệnh, khí = bỏ, quyên = thu, Debt Moratoriums).Chính sách này nhằm giúp đỡ đám bầy tôi thân tín của mạc phủ tức là những người hatamoto và go-kenin đang gặp khó khăn kinh tế. Những món nợ nào họ ký trước đây thì cho phép thương lượng để thay đổi khế ước, còn các món nợ họ có đối với các tay fudasashi (hay kurayado) tức là những kẻ chuyên làm nghề đem tiền đổi lấy gạo trong kho của mạc phủ, hay cho vay nặng lãi, thì họ được xóa nợ. Trong thành phố Edo, có khoảng 96 con buôn fudasashi kiểu đó. Toàn văn lệnh này có đến 9 điều khoản nhưng quan trọng nhất là điều khoản qui định; "Những món nợ có từ xưa thì hũy bỏ đã đành, nhưng những món nợ cho đến năm Thìn vừa qua (nghĩa là 6 năm trước) thì tất cả cũng coi như bị hũy bỏ". Lệnh này được ban ra vào năm 1789 (Kansei nguyên niên). Năm Thìn tức thời điểm 6 năm về trước là 1784 (Tenmei 4) vậy.Đùng một cái, các tay fudasashi đã mất trắng một món nợ lớn là 118 vạn lạng. Những dòng nói trên liên quan đến chính sách đô thị của Sadanobu. Như thế chúng ta đã thấy chính quyền Tokugawa - qua Sadanobu - đã đánh giá tầm quan trọng của chính sách đối với những dân vô gia cư và người cùng khổ là như thế nào. 3.4 Sự khống chế tự do ngôn luận, tư tưởng, xuất bản, phong tục: Cũng không thể không nhắc đến những chính sách chấn chỉnh kỷ cương phong hóa của xã hội cũng như phục hồi đạo đức của người võ sĩ trong thời gian Sadanobu lãnh chức Rôjuu. Sadanobu là người nổi tiếng thanh liêm trong sạch, đến nỗi bị người đương thời trêu chọc: - Ban đêm ngủ không được vì lời khuyên bảo phải trau dồi văn võ của ngài Sadanobu cứ như tiếng muỗi vo ve bên tai. Tiếng Nhật, văn võ (bunbu) đọc lên nghe như tiếng muỗi rung cánh (buubuu). - Nước trong quá cá sống sao nổi, nước đục như thời trước thì may ra. Sadanobu vốn là lãnh chúa vùng Shirakawa (Bạch Hà, sông nước trong) trong khi người tiền nhiệm Tanuma là Điền Chiểu (ao ruộng, nước đục) Một con người coi trọng phong hóa như vậy thì sẽ đẻ ra một chính sách ngôn luận, xuất bản như thế nào? Chính sách nổi tiếng nhất của Sadanobu có lẽ là qui chế về việc học ban hành vào năm 1790 (Kansei 2). Theo đó, ông ra lệnh cấm tất cả những gì gọi là "dị học". Việc ấy nhằm cổ võ cho Chu tử học (được gọi là Seigaku = Chính học hay cái học đúng đắn) bởi vì nó đề cao "đại nghĩa danh phận", điều mà mạc phủ nghe rất xuôi tai. Ngoài đạo lý của Chu Hi thì tất cả những học phái khác đều bị nhà nước xem như là "dị học" (igaku), không được nghiên cứu hay đem ra giảng ở nhà học chính thức là Yushima seidô (Thang Đảo thánh đường) tức Khổng miếu nằm ở khu Yushima (khu Bunkyô bây giờ) thuộc Edo. Một lý do khiến cho lệnh đó được ban hành là vì vào thời điểm bấy giờ, lòng người chẳng còn lưu tâm đến đạo Nho nữa. Đặc biệt Chu tử học không còn lôi kéo được ai. Hầu như mọi sự quan tâm nếu có thì đã dồn về Dương Minh học và Cổ học cả rồi. Với pháp lệnh này, mạc phủ đã yêu cầu Hayashi Nobutaka (Lâm, Tín Kính), lúc ấy đang làm Daigaku no kami (Đại học đầu) tức chủ tể của trường Quốc tử giám, phải thôi thúc các mạc thần chăm chỉ học tập đạo lý Chu tử. Qua đó, nhà nước muốn triệt để lập lại kỷ cương cho chính trị mạc phủ. Cũng vì lý do trên, họ đã bổ nhiệm những nhà nho nổi tiếng làm nho quan ở Seidô gakumonsho (Thánh đường học vấn sở = Nhà học ở Khổng miếu). Đó là những học giả như Shibano Ritsuzan (Sài Dã, Lật Sơn), Bitô Nishuu (Vĩ Đằng, Nhị Châu), Okada Kansen (Cương Điền, Hàn Tuyền). Sau khi Okada Kansen ra làm quan cai trị thì Koga Seiri (Cổ Hạ, Tinh Lý) điền vào chỗ khuyết ấy. Ba người đầu tiên thường được đời ca tụng là Kansei no sanhakase (Ba vị bác sĩ đời Kansei). Về mặt tư tưởng,
Sadanobu ra lệnh kiểm soát gắt gao việc xuất bản. Những
gì có tính phúng thích hay phê phán chính trị đều bị kềm
kẹp. Phải nói thêm là mạc phủ cũng nhân đó mà chấn chỉnh
phong tục. Đặc biệt, trong cuộc cải cách năm Kansei, như
ta đã đề cập tới, về chính sách đối ngoại, việc tiếp
cận với Nga được xem như là một điều quan trọng và chính
phủ đang phải đối phó với diễn tiến ấy. Thế mà nhằm
lúc đó, Hayashi Shihei (Lâm, Tử Bình, 1738-1793), một nhà kinh
tế, trong khi đi dò la về người ngoại quốc ở Nagasaki, đã
xuất bản sách Sangoku Tsuuran Zusetsu (Tam Quốc Thông Lãm Đồ
Thuyết) và Kaikoku Heidan (Hải Quốc Binh Đàm), nội dung phê
bình mạc phủ thiếu kế sách phòng thủ bờ biển. Nhất là
trong Kaikoku Heitan, Hayashi Shihei viết: "Edo là đất thang mộc
(hizamoto) của mạc phủ thế mà mạc phủ không nghĩ tới việc
phòng thủ cửa biển Edo. Thật là một điều quái lạ. Từ
khu Nihonbashi của Edo trở ra, tất cả chỉ là một con đường
thủy nối đến tận Hà Lan và Trung Quốc chứ có thấy biên
giới nào đâu!". Mạc phủ nổi giận, cho rằng Hayashi đã
mê hoặc lòng người, năm 1792 (Kansei 4) xử ông án cấm cố.
Và để ông khỏi có thể xuất bản thêm một lần thứ hai,
nhà nước đã tịch thu cả bản khắc gỗ (hangi).
Nhà văn Santô Kyôden (Sơn Đông, Kinh Truyền, 1761-1816), viết sharebon tức loại tiểu thuyết diễm tình nói về cuộc sống lầu xanh như tác phẩm Shikakebunko (Chiếc rương quần áo diễn trò) lại bị nhà nước cho là đã làm rối loạn phong hóa. Tình cảnh tác giả loại sách bìa vàng kibyôshi nhan đề Kinkin sensei eiga no yume (Giấc mộng kê vàng của thầy Kinkin) là Koikawa Harumachi (Luyến Xuyên, Xuân Đính, 1744-1789) cũng chẳng khá hơn. Ngày cả người chỉ đóng vai trò chủ nhà xuất bản như Tsutaya Juuzaburô cũng bị đàn áp. Ngoài ra, cải cách Kansei còn cấm cả phong tục onnna kamiyui (phụ nữ hành nghề bới tóc, cạo trán cho đàn ông) [12] hay danjo kon.yoku (đàn ông đàn bà tắm chung). Những qui chế này đã giúp quyền uy mạc phủ củng cố được một thời gian thế nhưng việc cưỡng ép dân chúng phải khắc khổ và kiệm ước đã sinh ra sự bất mãn nơi họ. Những câu vè, câu ca có ý phúng thích về Sadanobu đã nói lên điều đó. Vào thời này, hãy còn có một điều đặc biệt đáng đề cập tới.Đó là mối liên hệ giữa mạc phủ và triều đình. Trước khi Sadanobu giữ chức Rôjuu thì ở Kyôto, Thiên hoàng Kôkaku (Quang Cách), lúc đó mới có 9 tuổi, đã lên ngôi (1779, An.ei 8). Năm 1789 (Kansei nguyên niên), vì muốn phong cho cha đẻ của mình là Kan.in no miya làm Thái thượng thiên hoàng dù ông này chưa một lần làm vua, Thiên hoàng Kôkaku mới hỏi ý mạc phủ. Thực ra Thiên hoàng Kôkaku đã tức vị trong một tình huống đặc biệt. Lúc đó vì hoàng thất không tìm ra người thích hợp để đưa lên ngôi nên mới chọn Sachi no miya (Hựu Cung, tức Thiên hoàng Kôkaku), con thứ 6 của Kan.in no miya và cháu nội Thiên hoàng Higashiyama (Đông Sơn), là người thông minh, cần mẫn. Tuy nhiên điều mong mỏi của Thiên hoàng Kôtaku (xin miếu hiệu cho cha đẻ) tưởng như dễ giải quyết đã bị mạc phủ cho "ngâm" suốt 5 năm trời trước khi bị từ khước. Các công khanh làm nhiệm vụ liên lạc giữa triều đình và mạc phủ (chức gọi là bukedenso = vũ gia truyền tấu) lại cố nài cho được. Họ liền bị Sadanobu hỏi tội (vì ông cho rằng những viên chức ấy đã vượt qua phạm vi người trung gian liên lạc mà đứng về phía triều đình). Sự cố này gọi là Songô ikken (Tôn hiệu nhất kiện), nó làm cho liên hệ giữa mạc phủ và triều đình căng thẳng và trở thành một cái cớ để tư tưởng tôn vương được bùng lên. Cuối cùng, trong
thời gian mạc phủ thi hành những chính sách cải cách thì
ở các phiên trấn có hiện tượng ruộng vườn bị bỏ hoang.
Điều này khiến cho thu nhập tô thuế bị giảm sút rất nhiều
và nền tài chánh lâm nguy. Để khắc phục những sự tiêu
cực như vậy, các địa phương cũng có những cải cách riêng.
Các lãnh chúa nổi tiếng là nhà cai trị giỏi được nhắc
đến tên là Hoshikawa Shigekata (Tế Xuyên, Trọng Hiền) ở Kumamoto,
Uesugi Harunori (Thượng Sam, Trị Hiến) ở Yonezawa, Satake Yoshimasa
(Tá Trúc, Nghĩa Hòa) ở Akita. Họ đã tự đứng ra lèo lái
để lập lại kỷ cương. Họ cũng biết tuyển dụng người
tài. Bằng cớ là trong các phiên cai trị tốt, đã có nhiều
trường học gọi là hankô (phiên hiệu) để giáo dục con
cái các hanshi (phiên sĩ). Có tất cả 250 trường như vậy
nhưng hầu hết chỉ xuất hiện vào thời Edo hậu kỳ. Dưới
đây xin tham khảo tên một số trường hankô và những lãnh
chúa đã chỉ đạo việc thành lập:
Khác
với trường do các phiên thiết lập ra, nhiều nơi trong
nước còn có các nhà Gôgaku (Hương học) mà mục đích là
giáo dục con em xuất thân từ gia đình bình dân. Trong số
đó, Shizutani Gakkô (Nhàn Cốc học hiệu) ở phiên Okayama là
một thí dụ điển hình.
Các phiên trấn nói chung đã đầu tư nhiều vào giáo dục và cũng dành nhiều sức lực để phục hưng nông thôn, cứu vãn nền tài chánh. Họ vừa khuyến khích việc tăng gia sản xuất nông phẩm vừa đẩy mạnh chế độ buôn bán độc quyền dành cho phiên. Về sản phẩm nổi tiếng từng miền thì ta có đồ may dệt của Yonezawa, sắt thép và sâm Triều Tiên của Matsue, giấy của Tsuwano (tỉnh Shimane), gốm sứ của Saga, đường đen của Kagoshima. Ngay đến bây giờ chúng vẫn còn là biểu tượng cho đặc sản từng vùng. Câu chuyện cải cách năm Kansei xin được tạm ngừng ở đây. |
Tiết 4 - Chính sách đối ngoại thời Edo hậu kỳ: |
4.1
Những biến chuyển của tình hình thế giới. Nỗi lo bên trong
và cái họa bên ngoài:
Đến đây, chúng ta bàn đến quan hệ ngoại giao của Nhật Bản trong khoảng thời gian từ hậu bán thế kỷ 18 sang đến tiền bán thế kỷ 19 để xem một mạc phủ Edo trong giai đoạn chính trị có nhiều dao động như thế đã tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài và phản ứng lại như thế nào? Trước tiên, muốn hiểu chính sách ngoại giao của mạc phủ thì điều tiên quyết là phải hiểu về tình hình thế giới đương thời. Xin chỉ nói một cách tóm lược. Lúc đó, ở các nước Âu châu, đang có hai cuộc cách mạng đang song hành: cách mạng tư sản (buốc-gioa) và cách mạng kỹ nghệ. Kết quả chúng đem đến là việc chủ nghĩa tư bản lan rộng và tư trào cận đại hóa, công nghiệp hoá đã tiến triển với một tốc độ cao. Vì thế, liệt cường mà nước Anh là đầu tàu đã bắt đầu chạy đua với nhau trong việc tranh đoạt tài nguyên thiên nhiên và thị trường. Để đạt đến mục tiêu đó, họ mưu đồ tiến về khu vực Á châu. Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã phát minh ra máy móc (machine) và máy nổ (power-driven machinery) và nhờ đó, khi người ta muốn sản xuất một vật gì, đã có thể sử dụng máy móc để chế tạo được hàng loạt. Còn máy nổ thì nó đã giúp cho nhân loại tiến được một bước dài.Xưa kia, lúc sản xuất một vật gì đều phải dùng sức người, sức thú vật và khá phiền phức nhưng nay với máy nổ, mọi việc hầu như giản dị ra. Hơn thế nữa, giá thành lại rẻ, sản phẩm chất lượng và có thể sản xuất một lần nhiều đơn vị. Ở những nước mà cuộc cách mạng kỹ nghệ thành công, để có thể bán sản phẩm của mình chế biến ra, người ta phải vượt biên giới quốc gia để hướng ra bên ngoài tìm kiếm thị trường. Nhờ phương pháp đó, cuộc cách mạng kỹ thuật đã tiến triển rất nhanh. Bắt đầu là Anh quốc với danh xưng "nhà máy sản xuất của thế giới", sau đến các nước đã kinh qua thời cách mạng kỹ nghệ, tất cả đều tìm cách tiến ra hải ngoại. Thế rồi sau một chuỗi sự kiện, cho dù mạc phủ rất khép kín và nghiêm ngặt trong liên hệ ngoại giao, họ cũng đã bị du vào cái thế chẳng đặng đừng. Trong một bối cảnh như thế, phải nói việc tiếp cận ngoại giao với liệt cường đẻ ra thêm một vấn đề bức xúc cho mạc phủ. Cho đến nay, mạc phủ đã gánh chịu biết bao nhiêu vấn đề ở quốc nội, từ giải quyết việc mất mùa và nạn đói, những cuộc nổi loạn (ikki) của nông dân, những cuộc bạo động đập phá (uchikowashi), nay còn phải trả lời liệt cường đang đòi hỏi thông thương. Sự lo lắng của mạc phủ đã được tóm tắt qua bốn chữ "nội ưu ngoại hoạn" (nỗi lo phát ra từ bên trong và cái họa đến từ bên ngoài) từ miệng của một nhân vật tăm tiếng đương thời, lãnh chúa phiên trấn Mito, Tokugawa Nariaki (Đức Xuyên, Tề Chiêu, 1800-1860), một người họ hàng gần gủi của Shôgun. Nhìn lại thời ấy tức thời Edo hậu kỳ thì phiên trấn Mito (tỉnh Ibaraki bây giờ) là cứ điểm của Mitogaku (Thủy Hộ học), một hệ phái tư tưởng chủ trương tôn quân và có lập trường bài xích Tây phương. Những Nho gia như Fujita Yuukoku (Đằng Điền U Cốc, 1774-1826), con ông là Fujita Tôko (Đằng Điền Đông Hồ, 1806-1855) và học trò ông là Aizawa Yasushi (Hội Trạch, An, 1782-1863) tức Aizawa Seishisai (Hội Trạch, Chính Chí Trai) đều là những mưu thần (brain) của Nariaki, đã giúp chủ trong việc đưa ra nhiều chính sách cải cách. Họ đã khuyên ông tiêu pha kiệm ước, cổ võ học tập văn vũ, xem Thần đạo và Nho giáo như hai trụ cột của hệ thống tư tường chỉ đạo đường lối trong phiên. Nariaki chẳng những
đồng ý với lập trường này mà còn muốn nó tác động
lên cả chính trị chung của mạc phủ.Vì thế, năm 1838 (Tenpô
9), ông đã viết một bản điều trần nhan đề Bojutsu Fuuji
(Mậu Tuất phong sự = Tờ trình mật năm Mậu Tuất, phong sự
= thư phong kín), qua năm sau thì đem dâng lên Shôgun đời thứ
12 là Ieyoshi (Gia Khánh, 1793-1853). Bốn chữ "nội ưu ngoại
hoạn" cũng thấy chép trong văn bản này. Trong những đề án
cải cách đưa ra, có việc ông khuyên mạc phủ nên ngăn cấm
không cho cả người Hà Lan buôn bán dù Hà Lan đang là quốc
gia phương Tây duy nhất còn giữ được ân huệ đó. Ông cũng
chủ trương rằng trên thế giới, ngoại trừ Nhật Bản, Thanh
triều, Triều Tiên và Lưu Cầu thì chỉ còn toàn những nước
theo tà giáo (ám chỉ đạo Ki-tô). Nhìn thế, ta thấy tư tưởng
"nhương di" (đánh đuổi bọn man di) nơi ông rất mạnh mẽ.
Cụ thể liệt cường đã tiến qua châu Á như thế nào, có thể xem bản tóm tắt bên trên. Trước tiên, Anh là nước tiên khu trong cuộc cách mạng tư sản (hậu bán thế kỷ 17) cũng như trong cuộc cách mạng kỹ nghệ (hậu bán thế kỷ 18). Chủ nghĩa tư bản cũng phát triển mạnh trên đất nước này và có thể xem như họ là cường quốc số một trong việc tiến ra hải ngoại tìm thuộc địa. Còn như Hoa Kỳ thì sau khi đã trải qua cuộc chiến tranh giành độc lập từ 1775 đến 1776, họ đã trở thành một quốc gia tư bản cận đại. Hoa Kỳ đã xúc tiến việc khai thác miền Viễn Tây, rồi từ phiá bờ Thái Bình Dương, họ ngấp nghé tiến về Á châu. Pháp thì vào giữa thế kỷ 19 dưới thời Napoleon III đã tiến về vùng Đông Nam Á, chiếm Việt Nam và Cam Pu Chia làm thuộc địa. Nga đã khai thác vùng Tây Bá Lợi Á từ hậu bán thế kỷ 16, nhắm nới rộng vùng ảnh hưởng sang phương đông tận bờ biển Thái Bình Dương.Thế rồi vào thế kỷ 18, khởi đi từ các châu duyên hải (Primorskii ) và bán đảo Kamchatka, họ tiến xuống miền nam tới tận bờ Hắc Long Giang của Trung Quốc và vùng đất Ezochi. Bối cảnh liệt cường tiến sang Á châu như thế đã ảnh hưởng đến chính trị của mạc phủ. Thế nhưng chừng ấy thông tin chưa đủ giúp ta thấy rõ cái mà nhà cai trị xem là "nội ưu ngoại hoạn", cách tiếp cận trực tiếp của của liệt cường đối với Nhật Bản và phản ứng của mạc phủ. Điều đó, độc giả phải đợi đến những trang sau. 4.2 Thuyền ngoại quốc ghé bến và cách đối phó của mạc phủ: Vào cuối thế kỷ thứ 18, tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng. Thuyền Nga rồi thuyền Anh lần lượt đến gần bờ biển Nhật Bản làm cho mạc phủ dao động và bắt buộc kiểm thảo lại chính sách ngoại giao. Trước tiên, vào năm 1792 (Kansei 4), Nữ hoàng Ekatherina II của Nga đã gửi sứ thần Adam Erikovich Laxman (có Daikokuya Kôdayu, 1751-1828 [15], một người thuyền bị bão giạt tới Nga, tháp tùng) đến Nemuro trên Ezochi. Laxman nhân chuyến đi mà trả ông ta về bản quán.Lúc ấy, Laxman yêu cầu được thông thương với Nhật nhưng mạc phủ vì vẫn theo qui định ngoại giao rất hạn chế áp dụng từ trước đến nay nên rất khó lòng. Lúc đó Nhật Bản đang ở dưới thời cải cách năm Kansei của đại thần Matsudaira Sadanobu. Khi tin tức về yêu cầu của Laxman từ phiên Matsumae trên miền bắc gửi về đến Edo thì chức Rôjuu (tức Sadanobu) và Sanbugyô (tam phụng hành, 3 quan bugyô chính, xin xem lại mục quan chế mạc phủ) đã nhiều lần họp bộ tham mưu bàn bạc. Hơn nữa, nhân được tin Laxman cho biết sắp tới, mình sẽ còn thân chinh đưa thuyền xuống Edo yêu cầu được thông thương, mạc phủ càng thêm bối rối. Chúng ta còn nhớ Hayashi Shihei, tác giả Kaikoku heitan (Hải quốc binh đàm, 1791), quyển sách phê phán việc phòng thủ hải phận của mạc phủ trước thế lực của người Nga và đã bị hình phạt (giam lỏng tại nhà, tịch thu bản gỗ in sách) cách đó một năm. Thực ra đối sách phòng thủ của mạc phủ chỉ tập trung vào Nagasaki mãi tận miền nam, còn như nơi quan trọng số một đối với họ là Edo thì canh giữ lại quá lỏng lẻo. Có lẽ lúc này mạc phủ mới thấy Hayashi Shibei đã chỉ trích rất đúng chỗ sơ hở của mình. Sadanobu đứng trước một tình thế khó xử. Nếu không cho phép tàu của Laxman cập bến Edo, sẽ sinh ra xung đột với Nga. Thế nhưng trong khi chưa chuẩn bị việc phòng thủ gì cả mà chấp nhận lời yêu cầu của Laxman thì quả là tắc trách. Để tránh cả hai cảnh đó, Sadanobu nghĩ ra một giải pháp trung gian. Viện cớ là chính sách ngoại giao của Nhật Bản hiện đang có hạn chế nhưng đó là cho tất cả mọi nước chứ chẳng trừ ai, ông hạ lệnh trao cho Laxman tín bài (shinbai) tức giấy phép để người Nga có quyền cập bến Nagasaki. Thế nhưng Laxman chẳng xuống Nagasaki, chỉ mang tín bài về nước. Từ đó, mạc phủ mới thấy tầm quan trọng và lưu tâm nhiều hơn về việc phòng thủ bờ biển. Lưu tâm thế nào thì cụ thể là trước hết mạc phủ ra lệnh cho các phiên trấn phải tổ chức phòng thủ Ezochi và củng cố việc bảo vệ hải phận như vùng ngoài khơi Bôsô (Chiba) và ven vịnh Edo. Dĩ nhiên việc phòng thủ này sẽ tạo ra một gánh nặng cho các lãnh chúa liên hệ. Mặt khác, để
việc phòng thủ được hữu hiệu, mạc phủ ra lệnh mở những
cuộc điều tra về tình hình ở Ezochi cũng như các lãnh quốc
khác. Năm 1798 (Kansei 10), Kondô Jôzô (Cận Đằng Trọng Tàng,
1771-1829) [16]
đã đi thám hiểm và điều tra các đảo Chishima (Kuriles). Nhân
đó mà năm sau,vùng Higashi-Ezochi tức vùng phía đông của Ezochi
(nay thuộc phân nửa phía nam Hokkaidô) trở thành đất Nhật
Bản trực tiếp cai quản. (Lằn ranh chạy dài từ Kumanari ở
Matsumae lên đến bán đảo Shiretoko - nay là di sản thiên nhiên
thế giới - chia Ezochi ra làm hai vùng Đông Tây, thế nhưng
Đông có nghĩa là phân nửa nam và Tây là phân nửa bắc đảo
Hokkaidô. Ngoài ra, ngày xưa người Nhật gọi đảo Sakhalin
là Karafutô = Hoa thái đảo hay Kita Ezochi =Bắc Hà Di địa).
Thế rồi năm 1808 (Bunka 5) và bước qua năm sau, một nhà thám
hiểm và chuyên gia đo đạc, Mamiya Rinzô (Gian Cung, Lâm Tàng,
1775-1844) đã thám hiểm và điều tra vùng hạ lưu Hắc Long
Giang (Heilung Jiang), nhân đó mới biết Karafuto (Sakhalin) là
một hòn đảo. Chỗ eo biển ngăn chia vùng ven lục địa với
Karafuto (Sakhalin) ngày nay vì thế mang tên "eo biển Mamiya" để
nhớ đến sự khám phá của ông.
Lại nữa, có người vùng Shimôza Sawara là Inô Tadataka (Y Năng Trung Kính, 1745-1818) nhà địa lý và đo đạc, từng theo học một nhân vật làm ở Sở Thiên Văn của mạc phủ là Takahashi Yoshitoki (Cao Kiều Chí Thì). Ban đầu Inô chỉ đo đạc vùng Ezochi sau nới rộng ra, đi khắp nước đo tại chỗ. Kết quả là các đệ tử của ông đã hoàn thành vào năm 1821 (Bunsei 4) tấm Đại Nhật Bản Duyên Hải Dự Toàn Đồ (Bản đồ toàn thể vùng ven biển và các đảo Nhật Bản). Bức ấy được gọi là Inôzu (Bản đồ của ông Inô) cho gọn nhưng chính ra nó được vẽ theo ba khổ đại, trung, tiểu khác nhau và có kẻ đường ven biển cũng như các kinh tuyến, vĩ tuyến rất chính xác . Sở thiên văn của mạc phủ (Tenmonkata), nơi Inô từng theo học, từ năm 1684 (Jôkyô nguyên niên) khi Shibukawa Shunkai (Sáp Xuyên Xuân Hải, còn đọc là Shibukawa Harumi) làm ra cuốn lịch năm Jôkyô (Trinh Hưởng lịch) thì đã dồn công sức vào việc dịch sách phương Tây trong nhiều lãnh vực kể cả thiên văn và trắc địa (geodesy). Mạc phủ cũng đoạt lấy quyền ban lịch ngày xưa vốn thuộc về triều đình. Năm 1797 (Kansei 9), Takahashi Yoshitoki đã làm ra Kanseireki tức Lịch năm Khoan Chính. Cũng cùng vào thời điểm đó, viên thông dịch ở Nagasaki (Nagasaki tsuuji) tên là Shidzuki Tadao (Chí Trúc, Trung Hùng) vì cũng học được thiên văn, vật lý nên đã soạn ra quyển Rekishô Shinsho (Lịch tượng tân thư), giới thiệu thuyết trọng lực của vạn vật (banyuu inryoku-setsu = theory of universal gravitation) của Newton bàn về sức hút và thuyết địa động (chidôsetsu = Corpenian heliocentric theory) của Copernic chủ trương trái đất quay quanh mặt trời, cho người Nhật. Thế rồi Shidzuki Tadao cũng ra công dịch một quyển sách của một y sĩ ngưòi Đức làm việc tại Thương quán Hà-Lan ở Nagasaki tên là Engelbert Kaempfer (1651-1716), nguời chỉ sống hai năm (1690-92) nhưng hiểu sâu biết rộng về Nhật. Quyển sách dịch ấy tên là Nihonshi (Nhật Bản Chí) đề cập đến lịch sử, địa lý và văn hóa của Nhật và rất nổi tiếng. Cũng vào lúc này, trong những chương sách của Kaempfer nói về chính sách ngoại giao của Nhật Bản mà Shidzuki đã dịch, đã có từ Sakoku (Tỏa quốc). Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ này đã được dùng để nói về chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật (Sakokuron = Tỏa quốc luận) mà cho đến nay qua hai triều Minh Thanh chỉ được người Nhật gọi là "Hải cấm" (giản lược từ Hạ hải thông phiên cấm). Hơn nữa, trong lúc tình hình ngoại giao trở nên căng thẳng như thế, về việc phiên dịch thì vào năm 1811 (Bunka 8) thì theo đề án của Takahashi Kageyasu (Cao Kiều Cảnh Bảo) - người kế tục công việc của Takahashi Yoshitoki - cơ sở tên Mansho wake goyô (Man thư Hỏa giải ngự dụng = Cơ sở nhà nước dịch sách nước ngoài) Nơi đây tụ tập nhiều người có kiến thức về học thuật phương Tây để làm công việc đó. Chúng ta chớ quên cái tên Takahashi Kageyasu vì sau này, ông là nhân vật bị liên lụy vào "Cái án Siebold" và bị xử hình. "Cái án Siebold" như thế nào, chúng ta sẽ trình bày sau. Trở lại câu chuyện sứ thần người Nga A.E. Laxman thay vì xuống Nagasaki thì lại mang tín bài mạc phủ cấp cho mà về nước. Vào năm 1804 (Bunka nguyên niên), Nga lại một đoàn khác, lần này sứ thần là Nicolai Petrovitch Rezanov (1764-1807). Ông ta đem tín bài ấy đến yêu cầu thông thương và cập bến Nagasaki nhưng gặp phải phản ứng lãnh đạm của mạc phủ. Kết cuộc, nhân danh "tỏa quốc là tổ pháp" (luật có từ đời tổ tiên), mạc phủ lại cự tuyệt giao thương với họ. Có lẽ vì lý do đó mà sang năm sau, người Nga đã tấn công các trạm gác và ngư dân ở hai đảo Karafuto (Hoa Thái) và Etorofu (Trạch Tróc) để trả đủa. Việc mạc phủ
lấy cớ tỏa quốc là pháp luật tự đời ông cha để lại
chính ra không thực tâm lắm vì hồi đầu thời Edo, bế quan
tỏa cảng chưa phải là đường lối cơ bản của mạc phủ.
Chỉ vì lúc ấy ngoài Trung Quốc của nhà Thanh, Triều Tiên,
Lưu Cầu, Hà Lan, các nước tìm đến tiếp xúc với Nhật
Bản quá nhiều làm cho chính quyền e sợ nếu tiếp tục liên
hệ với họ. Thành ra mạc phủ cảm thấy cần phải co cụm.Thế
nhưng, sau đó không biết tự lúc nào "tỏa quốc" đã trở
thành một chính sách cơ bản mà họ hành sử một cách có
ý thức[17].
Sau đó đã xảy ra sự cố chiến hạm Phaeton năm 1808 (Bunka 5). Vào đầu thế kỷ 19, khi nước Pháp của Hoàng đế Napoléon chinh phục Hà Lan rồi thì nước Anh để đối kháng lại họ, đã đoạt hết tất cả căn cứ mà người Hà Lan lập ra trên Biển Đông. Trong quá trình diễn tiến, quân hạm Phaeton của Anh, nhân đánh đuổi một thuyền Hà Lan -lúc đó là địch quốc - nên xâm phạm hải cảng Nagasaki. Trong vụ việc này, lính Anh trên chiếc Phaeton đã bắt người trong Thương quán Hà Lan làm con tin, chẳng những thế, đoạt lấy củi và nước, rồi kéo đi mất.Chức bugyô của Nagasaki là Matsudaira Yasuhide (Tùng Bình, Khang Anh) bị hỏi tội nên phải tự sát để lãnh trách nhiệm, còn người có nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Nagasaki là lãnh chúa phiên Saga thì bị mạc phủ xử phạt. Tiếp đến, năm 1811, lại xảy ra vụ Golovnin [18]. Hạm trưởng người Nga của chiếc Diana là Vassilii Mikhailovitch Golovnin (1776-1831) trong lúc đi đo đạc hải vực phía nam đảo Chishima (Kurils), bị tuần cảnh của Nhật bắt được khi ông đổ bộ lên đảo Kunashiri. Ông bị đưa về Hakodate (sau đó là Matsumae) để giam giữ. Nghe tin ấy, người Nga bèn câu lưu nhà buôn Nhật gốc người vùng Awaji (gần Kobe) là Takada Yakahê (Cao Điền, Ốc Gia Binh Vệ) đang khai thác thương mãi trên tuyến đường Etorofu (Trạch Tróc). Sau đó, Takada đã nỗ lực để tranh đấu cho Golovnin được phóng thích. Rốt cuộc đến năm 1813 (Bunka 10) thì cả hai đều được tha về và sự kiện này được giải quyết. Thời gian ở trong đề lao của Nhật, thuyền trưởng Golovnin đã viết cuốn hồi ký, sau này được dịch sang Nhật ngữ dưới nhan đề Nihon Yuushuuki (Nhật Bản u tù ký), trong đó có câu "Người Nhật ưu tú nên nước họ sau này có cơ trở thành một quốc gia hàng đầu". Sách tiếng Nga cũng được dịch sang Anh ngữ và được nhiều người Tây phương tìm đọc và nhờ đó, họ có nhận thức cao hơn về người Nhật. Ngoài những sự cố xảy ra ở vùng biển bắc, trong giai đoạn này, người ta thường thấy bóng tàu Anh, tàu Mỹ lảng vảng cạnh bờ biển Nhật, đòi nước, đòi củi, đòi lương thực, liên tiếp gây nên một tình trạng căng thẳng. Cho nên vào năm 1825 (Bunsei 8), giới chức mạc phủ bèn chuyển hướng 180 độ giải pháp áp dụng cho đến lúc bấy giờ nghĩa là ra lệnh đánh đuổi thuyền ngoại quốc (Ikokusen Uchiharai-rei), còn gọi là lệnh cương quyết đánh đuổi (Muninen uchiharai-rei). Muninen hay "vô nhị niệm" có nghĩa là "không cần nghĩ lại", chứng tỏ quyết tâm cao độ kể cả việc bắn giết nếu có người định đổ bộ. Trong thời gian trên lại có một sự cố khác đáng nói tới. Đó là "vụ Siebold". Từ tiền bán thế kỷ 19, trong Thương quán Hà Lan có một y sĩ người Đức tùng sự, ông tên là Philipp Franz von Siebold (1796-1866). Năm 1828 (Bunsei 11), khi ông về nước, người ta phát hiện ông mang theo trong hành lý một số địa đồ nước Nhật. Ngày nay, mang vài tấm bản đồ thì có sao đâu nhưng trong bối cảnh hạn chế liên lạc ngoại giao cực kỳ nghiêm trọng của thời mạc phủ Edo thì đó là một tội nặng.Họ nghĩ nếu Siebold đem địa đồ về nước sử dụng thì sẽ nguy hiểm cho an ninh cho nên kết cuộc, Siebold bị trục xuất, còn người Nhật trao bản đồ cho ông, Takahashi Kageyasu (Cao Kiều, Cảnh Bảo), nhân viên ở đài thiên văn (làm lịch) của mạc phủ, thì bị xử hình. Điều đáng nói hơn nữa là khi về đến nơi, Siebold đã viết quyển sách nhan đề Nhật Bản, giới thiệu nước Nhật với thế giới và ông đã trở thành nhà nghiên cứu số một về nước Nhật. Hơn nữa, trong lúc Siebold còn làm việc ở Nagasaki, ông có mở ngoài thành phố một ngôi trường dạy về cái học phương Tây (Tây dương học đường) tên gọi Narutakijuku (Minh Lung Thục, Trường thác nước réo). Ngày nay nơi đây vẫn còn lưu trữ những kỷ vật của Siebold sưu tập lúc ông sinh hoạt ở địa phương.
Nhân đây, xin trình bày thêm trên thực tế, Lệnh đánh đuổi tàu ngoại quốc (Ikoku uchiharai-rei) đã được thi hành như thế nào. Điển hình hơn cả có lẽ là sự cố về chiếc thương thuyền Morrison của Mỹ. Thuyền này đã đem trả về Nhật 5 người Nhật bị trôi giạt và cùng lúc, muốn thương lượng để được phép buôn bán. Thế nhưng người Nhật đã đánh đuổi họ đi. Sử gọi là "vụ Morrison". Nơi mà Nhật Bản biểu dương sức mạnh của mình trước tiên là ngoài khơi Uraga (cảng Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa bây giờ). Khi tàu Morrison đổi phương hướng quay xuống miền nam, đến địa phận Kagoshima (nam Kyuushuu) lại bị phiên Satsuma pháo kích ở vùng Yamagawa. Những nạn nhân thuyền đắm người Nhật chính ra được người Anh cứu và chở về Macao, nơi đây họ đã được công ty thương mại Mỹ chuyển qua tàu Morrison để đi trao trả. Khi tin tức này
vụ Morrison bị tiết lộ ra ngoài, có người đã đứng ra
chỉ trích mạc phủ về hành động đó. Số là, một năm
sau sự cố xảy ra, chức karô (gia lão, trọng thần của lãnh
chúa một phiên) của phiên Mikawa Tawara (vùng Aichi) và cũng
là một nhà văn-nhân-họa[19]
được biết đến với bức Takami Senseki-zô ((U)ng Kiến Tuyền
Thạch tượng, tranh vẽ học giả Hà Lan học Takami Senseki)
là Watanabe Kazan (Độ Biên, Hoa Sơn, 1793-1841) đã viết Shinkiron
(Thận cơ luận) tức Bàn về sự thận trọng trước thời
cuộc. Cùng lúc một người thầy thuốc thành thị xuất thân
từ phiên Mutsu Mizusawa (Michinoku ở Tôhoku) tên Takano Chôei (Cao
Dã, Trường Anh, 1804-1850) đã soạn sách Bojutsu Yume Monogatari
( Mậu Tuất mộng vật ngữ, Câu chuyện như mơ năm Mậu Tuất).
Cả hai đều có ý phê bình đường lối đối ngoại của
mạc phủ.
Trước sự chỉ
trích đường lối chính trị của mình, mạc phủ đã ra tay
trừng trị một cách nghiêm khắc. Kazan bị đuổi về bản
quán và sống u bế cho đến cuối đời, trong khi Takano Chôei
bị tống vào ngục với cái án chung thân. Ngoài ra, học hội
mang tên Shôshikai (Thướng xĩ hội) [22]qui
tụ các nhà nghiên cứu Hà Lan học mà hai ông cũng là thành
viên, cũng bị đàn áp luôn. Những nhà học giả Hà Lan khác
đều bị bắt trọn, tạo nên vụ án chính trị mà người
Nhật gọi là Bansha no goku (Man xã ngục). Man xã nghĩa là kết
xã theo đường lối bọn Nam man, xưa kia dùng để chỉ cái
học của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vậy. Tuy nhiên
lần này thì cái học Hà Lan cũng bị nhét vào chung một rọ
và cùng một danh xưng với ý khinh miệt.
|
Tiết 5 - Thời đại Ôgosho (Đại ngự sở). Văn hoá Kasei (Hóa Chính). |
5.1
Lão thần thời Kansei và Ôgosho Ienari (Gia Tề):
Câu chuyện của thời Edo vừa kể đã liên quan đến nhiều giai đoạn (thế kỷ 17 và 18) với thời kỳ văn hóa Genroku (Nguyên Lộc) cũng như 2 cuộc cải cách lớn Kyôhô (Hưởng Bảo) và Kansei (Khoan Chính).Nay chúng ta sẽ nói về giai đoạn tiền bán thế kỷ 19 tức là thời kỳ Bunka-Bunsei ( niên hiệu Văn Hóa, Văn Chính) để rồi sẽ chấm dứt với thời kỳ Tenpô (niên hiệu Thiên Bảo). Về mặt khu phân thời đại thì lúc này, chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa thời cận đại (modern age). (Trước đó là thời tiền cận đại mà sách vở Nhật dùng chữ cận thế = kinsei, ta có lẽ nên dịch ra Anh văn là early modern). Năm 1793 (Kansei 5), sau khi tại chức hơn 6 năm trời, chức Rôjuu là Matsudaira Sadanobu rời khỏi chính trường. Tuy vắng ông, thời kỳ yên ổn của Shôgun đời thứ 11 là Tokugawa Ienari, Đức Xuyên Gia Tề, tại chức 1787-1837, 1773-1841) vẫn được tiếp tục. Từ khi Ienari lên giữ ngôi Shôgun, trải qua hai thời kỳ chính là Bunka-Bunsei, thời gian ông cầm quyền kéo dài những 50 năm. Năm 1837 (Tenpô 8), ngay cả sau khi đã nhường chức cho Ieyoshi (Gia Khánh) rồi, ông vẫn nắm quyền như Ôgosho (Đại ngự sở = Tiền Shôgun), không chịu trao hẳn cho người kế vị. Ienari còn nổi tiếng vì có nhiều vợ (22 người hay hơn nữa), con cái được nhìn nhận đã lên đến con số 50. Đối với một Shogun Nhật Bản như vậy là quá nhiều.Ông trở thành đối tượng của sự phúng thích. Một go-kenin tức gia thần mạc phủ tên là Takaya Ganshirô (Cao Ốc Ngạn Tứ Lang) dưới bút hiệu Ryuutei Tanehiko (Liễu Đình Chủng Ngạn) đã viết tác phẩm Nise Murasaki Inaka Genji (Murasaki giả mạo viết về Genji nhà quê) chê trách cuộc sống của Ienari trong hậu cung (gọi là Ôoku = Đại Áo). Nhân cuộc cải cách năm Tenpô, quyển sách này phạm vào tội bất kính nên bị tuyệt bản. Thời thái bình trong lúc Ienari cai trị còn được mệnh danh là Ôgosho jidai (Đại ngự sở thời đại Đại ngự sở = Phủ của Shôgun đời trước) khi ông rời khỏi cái ghế Shôgun vẫn đứng sau lưng để giật giây chính quyền. Cho dù thời kỳ Shôgun Ienari nắm chính quyền, Nhật Bản được hưởng hòa bình, thế nhưng vẫn phải nói là nó có hai giai đoạn, Nửa phần đầu tương ứng với niên hiệu Bunka (Văn Hóa, 1804-1818) là giai đoạn mà bậc di lão tiền triều là Matsudaira Nobuakira (Tùng Bình, Tín Minh, 1760-1817) còn tiếp tục thi hành chính trị đơn giản kiệm ước, cắt xén ngân sách thời Kasei (Hóa Chính, 1889-1801, gộp hai niên hiệu Văn Hoá và Hóa Chính) sau khi người cùng họ Matsudaira Sadanobu đã thi hành cuộc cải cách mang tên nó. Các cận thần trong giai đoạn này đã cố gắng gìn giữ kỷ luật để mức độ cuộc sống xa xỉ của Ienari còn nằm trong vòng kiểm soát của họ. Thế nhưng đến năm 1817 (Bunka 14) khi Nobuakira chết vì bệnh và Nhật Bản bước vào thời kỳ Bunsei (Văn Chính, 1818-1831) thì đã có một luồng gió mới thổi tới. Đó là phân nửa sau. Lúc ấy, người đứng ra kế tục chức vụ Rôjuu của Nobuakira là Mizuno Tadaakira (Thủy Dã, Trung Thành, 1764-1834). Ông ta nghĩ rằng để cứu vãn thế kẹt về tài chánh đã xảy ra thường xuyên trong nước cho đến lúc đó (số lượng tiền lưu hành bị giảm đi) chí còn cách là đúc thêm tiền mới. Ông mới hạ thấp thêm một lần nữa giá trị của đồng vàng koban Genbun (đúc vào niên hiệu Genbun = Nguyên Văn, 1736-1741) hiện có để đặt nó cùng một giá trị nghĩa là 1 ăn 1 đối với đồng koban Bunsei (niên hiệu Bunsei = Văn Chính, 1818-1831) mới đúc. Công hiệu của nó thật đáng kể vì nhờ lợi ích dựa trên độ chênh lệch thật sự của hai thứ hóa tệ này (đồng Bunsei phẩm chất kém mà được xem như có giá trị ngang với dồng tiền tốt là đồng Genbun) mà nhà chúa kiếm được món hời, chuyển bại thành thắng. Mới phải đối phó với tình trạng thâm thụt hôm nào mà nay mạc phủ đã đưa ngân sách đến mức dư dật, đủ cả cho con gái của Shôgun Ienari có một đám cưới rình rang. Thế nhưng nguyên tắc cơ bản là nhờ mạc phủ ăn tiêu hoang phí cho nên tiền của đã được rót vào lại trong thị trường, làm cho vật giá tăng lên và sức sản xuất mạnh ra. Đó là nguyên nhân lớn nhất để giải thích tại sao lúc ấy, kinh tế của mạc phủ phát triển tốt như vậy. Mặt khác, nhờ
lợi ích họ thu vào, Shôgun Ienari và hậu cung của ông (Đại
Áo = Ôoku) có thể cho phép một cuộc sống xa hoa. Chẳng những
thế, hoạt động của các con buôn nhộn nhịp ra, văn hóa
đô thị mà trung tâm là văn hóa bình dân (shômin bunka) cũng
khai hoa kết trái. Văn hóa ấy, người Nhật mệnh danh là Kasei
bunka (văn hóa thời Hóa Chính hay văn hóa giai đoạn 2 niên
hiệu Văn Hoá và Văn Chính).
5.2 Chính sách đối phó với cảnh hoang phế của vùng nông thôn: Thời kỳ gọi là Kasei (Hóa Chính) này có hai vấn đề nan giải cho nhà nước, đó là khó khăn về mặt ngoại giao và nạn mất mùa. Nạn mất mùa tự động châm ngòi cho những cuộc nổi loạn của nông dân (ikki) và những cảnh tượng bạo động đập phá trong thành phố (uchikowashi). Trong vùng Kantô, ở nông thôn thì giới con buôn và địa chủ càng ngày càng gia tăng thanh thế. Số nông dân bị mất đất tăng nhiều và ruộng vườn không ai canh tác đã bày ra cảnh hoang phế. Những dân vô gia cư và bài bạc đầy dẫy quanh thành phố Edo làm cho trị an xấu đi. Một nơi gọi là thang mộc ấp (hizamoto) của mạc phủ như Edo mà phải chịu cảnh hỗn loạn như vậy thì không thể nào mạc phủ làm ngơ cho được. Năm 1802 (Bunka 2), họ thiết lập mới cơ sở hành chánh mới có tên Kantô Torishimari Shutsuyaku để kiểm soát vùng Kantô. Theo đó, nhà nước tuyển mộ trong đám viên chức hành chánh của quan cai trị (daikan) bắt đầu là một nhóm 8 người, hai người làm một tổ đi đôi với nhau để tuần tra trong 8 châu của vùng Kantô (gọi là Kanhasshuu =Quan bát châu) để lùng những kẻ phạm tội mà không cần phải để ý chỗ đó thuộc lãnh địa của lãnh chúa nào. Hai chữ Shutsuyaku (Xuất dịch) có ý nói đây là một chức kiêm thêm của nhân vật đó, vốn có một nhiệm vụ khác. Sau đó thì chữ dùng này trở thành phổ thông để chỉ viên chức trông coi trị an vùng Kantô. Đây là một đặc điểm của thời Bunka. Đến năm 1827 (Bunsei 10), nhà nước lại lập ra tổ chức cộng đồng bảo vệ trị an tên là Yoseba Kumiai (Ký trường tổ hợp). Tổ chức này cũng có quyền hoạt động trên một địa bàn rộng, không kể ranh giới giữa các lãnh địa mạc phủ trực quản, lãnh địa tư hay lãnh địa của tự viện. Hó có nhiệm vụ chấn chỉnh phong tục và duy trì trật tự nông thôn. 5.3
Văn hoá thời Kasei:
Trong bối cảnh của một thành phố Edo phồn thịnh, nền văn hóa này đã được những người dân sinh hoạt trong hàng phố ra tay đảm nhiệm. Không cần phải nói, Edo cũng chẳng thua kém gì Ôsaka và Kyôto, hai thành phố của vùng Kamigata là đất đế đô. Ở Edo, vào thời toàn thịnh của nó nghĩa là trong thời kỳ Bunka Bunsei, ta có thể thấy tất cả mọi dạng thức tiêu biểu của nền văn hóa đô thị. Ví dụ như lối để tóc bới lên với chỏm tóc hình nhành lá ngân hạnh (ichô) - một trong những nét thẩm mỹ thời thượng của người dân Edo ( Iki de inase) - cũng đã ra đời trong giai đoạn này. Nói về văn hóa tất phải bước qua lãnh vực văn học.Đề tài của văn học Edo hậu kỳ tức giai đoạn chúng ta đang bàn thường lấy đề tài từ những hiện tượng chính trị và xã hội.Nhờ có sự xuất hiện của các nhà xuất bản và tiệm cho mướn sách (kashihon.ya) mà quần chúng đã làm quen được với văn chương và sách vở. Người bình dân thời Edo hậu kỳ ham mê đọc sách, họ dành cho nó rất nhiều thời giờ. Về thể loại tiểu thuyết thì trong thời kỳ này, loại ukiyozôshi (phù thế thảo tử, tiểu thuyết xã hội) đã bị suy thoái. Thay vào đó, loại kusazôhi (thảo song tử) vừa có chữ viết vừa có tranh minh họa dễ đọc hơn và dễ đi vào lòng người hơn nên ăn khách. Cùng lúc, loại sharebon (tửu lạc bản) kể chuyện huê tình ở các xóm lầu xanh với giọng điệu đùa cợt cũng được người đời mến chuộng. Đó là chưa kể hai thứ sách mà tên tuổi được gọi theo màu bìa là kibyôshi (hoàng biểu chỉ) và aobyôshi (thanh biểu chỉ). Đối tượng độc giả của chúng là những người ở tuổi trưởng thành. Vì hàm ý phúng thích lại kèm theo tranh ảnh nên chúng rất được hâm mộ trong thời kỳ đaji thần Tanuma Okitsugu lãnh chức Rôjuu. Thế nhưng các loại sách huê tình sharebon và bìa vàng kibyôshi bị kết án là vi phạm thuần phong mỹ tục nên phải chịu sự đàn áp của chính quyền thời Kansei (Khoan Chính, 1789-1801). Lúc đó là thời điểm nhà nước đang chủ trương chống văn hóa đồi trụy. Tiêu biểu cho sự khắt khe của họ là việc nhà văn Santô Kyôden (Sơn Đông Kinh Truyền, 1761-1816) vì viết Shikake Bunko (Cái hòm áo xống diễn trò) kể lại cuộc đời của người con gái làng chơi xóm yên hoa Fukagawa mà bị mạc phủ xử phạt. Chính vì thế mà sau đó, ông phải đổi qua thể loại khuyến thiện trừng ác với đề tài lịch sử và truyền thuyết để giữ vững cái cần câu cơm. Một nhà văn khác, Koikawa Harumachi (Luyến Xuyên Xuân Đính, 1744-1789) khi viết Ômugaeshi bunbu no futamichi (Anh vũ phản văn võ lưỡng đạo) có ý phúng thích cuộc cải cách của Sadanobu (anh vũ = ômu là con két) nên cũng chịu sự đàn áp. Bên cạnh các loại sách nói trên, vào thời này còn có các tokuhon (độc bản) với đề tài khác nhau. Nhà văn Ueda Akinari (Thượng Điền, Thu Thành, 1734-1809) - người có lần tranh luận với nhà quốc học Motoori Norinaga (Bản Cư, Tuyên Trường, 1730-1801) đã dựa trên tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc và Nhật Bản để viết tập truyện về ma quái nhan đề Ugetsu Monogatari (Vũ nguyệt vật ngữ, Chuyện đêm mưa trăng lu). Takizawa Bakin (Lũng Trạch Mã Cầm, 1767-1848) - cũng có tên là Kyoikutei Bakin (Khúc Đình Mã Cầm) - trong tác phẩm Nansô Satomi Hakkenden (Nam Tổng Lý Kiến Bát Khuyển Truyện) đã dựng nên 8 nhân vậy dòng dõi của một con linh khuyển đã giúp người chủ họ Satomi (Lý Kiến) ở vùng Awa (Nam Tổng, Chiba) tái tạo được cơ nghiệp. Bakin còn lấy đề tài về người anh hùng thời trung cổ Minamoto no Tametomo (Nguyên, Vi Triều, 1139-1170) sau cuộc loạn Hôgen (tháng 7/1156) đã phải lưu lạc xuống miền Izu Ôshima, để sáng tác Chínetsu Yumiharitsuki (Xuân thuyết Cung Trương Nguyệt). Chinsetsu có nghĩa là "truyện mới" nói về Tametomo, người nổi tiếng giỏi về nghề cung tiễn (dương cung như vầng trăng). Nhà văn Takizawa Bakin Ngoài Edo, cũng nên biết về những gì xảy ra ở địa phương. Có một nhà văn người địa phương Echigo (Việt hậu) mà Bakin giao du rất thân thiết, đó là Suzuki Bokushi (Linh Mộc, Mục Chi 1770-1842). Ông là người đã giới thiệu về cuộc sống ở xứ tuyết này trong tác phẩm Hokuetsu Seppu (Bắc Việt tuyết phổ). Còn như Sugae Masumi (Quản Giang, Chân Trừng, 1754-1829) người vùng Mikawa và sống cùng thời với Bokushi thì ông đã đi hết các vùng miền Tôhoku (Đông Bắc) để thu thập tài liệu viết một tác phẩm có giá trị dân tộc học và văn hóa học, đó là cuốn Sugae Masumi yuuranki (Hồi ký du lịch của Sugae Masumi). Bokushi đã đứng trên lập trường của giai cấp trung gian ở địa phương khi viết tác phẩm của mình. Giai cấp trung gian là những kẻ đứng ở giữua kẻ cai trị và kẻ bị trị, nói theo ngôn ngữ hiện đại thì là một giai tầng cao hơn giai cấp trung lưu một chút.Theo ông, giới này là những người có cuộc sống kinh tế an định, sống phong lưu và yêu chuộng sự thanh nhã nên có thể đóng vai trò kết nối văn hóa địa phương với văn hóa đô thị mà tiêu biểu là văn hóa Edo. Đến thời Bunka (1804-1818) thì cùng với trào lưu của thời đại, người ta thấy xuất hiện các tác phẩm có tính hoạt kê, bông đùa, phản ánh qua cuộc sống vui nhộn thường nhật của người bình dân qua những mẩu đối thoại giữa họ. Loại kokkeibon (hoạt kê bản) này thay vào chỗ loại sách sharebon huê tình, nạn nhân của chính sách văn hóa thời Kansei (Khoan Chính, 1789-1801) kiểm soát việc xuất bản. Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này là Shikitei Sanba (Thức Đình Tam Mã, 1776-1822), với Ukiyoburo (Phù thế phong cung, kể chuyện đời sống của khách hàng lui tới các nhà tắm công cộng) và Ukiyodoko (Phù thế sàng, kể chuyện xảy ra ở những tiệm làm dịch vụ bới tóc), cũng như nhà văn Jippensha Ikku (Thập Phản Xá, Nhất Cửu, 1765-1831) với tác phẩm Tôkaidôchuu hizakurige (Đông Hải Đạo trung tất lật mao), kể về cuộc sống rày đây mai đó nhưng đầy chuyện lý thú của hai chàng lãng tử Yaji và Kita trên con đường Đông Hải Đạo nhiều hàng quán và người qua lại. Kể từ đời Bunsei (1818-1831) trở đi, loại tiểu thuyết nịno ôbon (nhân tình bản) tức tiểu thuyết tình cảm nói về luyến ái trong đời sống của người dân Edo thành ra rất được yêu chuộng, đóng được vai trò thay thế cho sharebon huê tình bị nhà nước lên án. Thế nhưng dù chỉ là tiểu thuyết tình cảm, đến năm Tenpô (Thiên Bảo, 1831-1845), chúng cũng bị đàn áp. Những người như Tamenaga Shunsui (Vi Vĩnh, Xuân Thủy, 1790-1843) và đám đệ tử của ông - những tác giả ăn khách được biết đến ở các tiệm cho mượn sách - cũng bị mạc phủ xử phạt. Về mặt thi ca thì trong thể loại thơ haikai, ở Kyôto có nhà thô Yosa Buson ( Dữ Tạ Vu Thôn, 1716-1788). Ông có sáng kiến cải cách lối làm thơ theo thể điệu của các "hội thơ hàng tháng" (tsukinami-chô). Ông chủ trương "trong thi phải có họa" (gahai itchi = họa hài nhất trí) nghĩa là qua những vần thơ, người ta phải có cảm tưởng như đang xem một bức họa.Thí nghiệm này đã đem đến cho thi đàn thời Tenmei (Thiên Minh, 1781-1789) một phong cách haikai mới. Các đệ tử của ông đã biên tập được Buson Shichibushuu (Vu Thôn thất bộ tập). Ngoài tài làm thơ, Buson còn vẽ rất đẹp. Ông đã hợp tác với họa gia Ike no Taiga (Trì, Đại Nhã, 1723-1776) để tạo ra bức tranh Juuben juugizu (Thập tiện thập nghi đồ) nói về 1o điều tiện lợi và 10 điều thích hợp cho con người khi sống ẩn cư ở chốn núi rừng.Đề tài lấy theo ý của nhà soạn kịch đời Thanh sơ là Lý Ngư (tức Lý Lạp Ông, 1611-1680). Đó là một tác phẩm tiêu biểu của phong cách văn nhân họa. . Ngoài ra, khi bước vào thời Kasei, ở vùng Shinano có nhà thơ Kobayashi Issa (Tiểu Lâm Nhất Trà, 1763-1827) - gọi tắt là Issa - đã viết tập thơ có tính cách nhật ký nhan đề Ora ga haru (Mùa xuân của tôi) để tả cảnh sinh hoạt nông thôn nơi quê nhà. Thế rồi lại thêm nhà thơ Karai Senryuu (Bính Tỉnh Xuyên Liễu, 1718-1790) với tập haikai có tính phúng thích tên là Haifuu yanagidaru (Những bài thơ bài báng của Senryuu) nhưng qua cách ví von thơ mình với "những chén rượu bằng gỗ liễu" vì chữ liễu (ryuu) có trong bút hiệu của ông, Loại thơ senryuu có tính chọc phá này rất được người đời tán thưởng. Nhay chữ Haifuu đáng lẽ viết bằng 2 chữ Hán Bài phong tức "phong cách thơ haikai" với chữ "bài bộ nhân đứng" thì lại viết bằng chữ "bài bộ ngôn" với ý bài xích. Bên cạnh Senryuu là hai nhà thơ Ôta Nanbo (Đại Điền Nam Mẫu, 1749-1823) bút hiệu Shokusanjin (Thục Sơn Nhân) và Ishikawa Masamochi (Thạch Xuyên Nhã Vọng, 1753-1830) tức Yadoya no Meshimori (Dã Ốc Phạn Thịnh) là hai bậc đại sư trong ngành kyôka (cuồng ca), một loại thơ hoạt kê hạ cấp nhưng có nguồn gốc lâu đời. Tất cả nhằm phê phán hành động của người cai trị và phúng thích thói hư tật xấu trong xã hội. Ví dụ Ôta Nanbô dưới một biệt hiệu khác là Yomonoakara (Tứ Phương Xích Lương) đã làm những câu thơ kiểu: "Trên đời nếu tửu sắc là kẻ địch. Hãy mau mau kiếm địch mà đụng một trận cho nhanh". Senryuu thì viết "Khi con cái muốn báo hiếu thì cha mẹ làm gì còn đó nữa". Nói chung thì cả xuyên liễu lẫn cuồng ca đều là những loại thơ nói móc, xốc hông như vậy. Sinh hoạt của người
bình dân sống động như thế đã mang lại sinh lực cho bộ
môn tiêu khiển nên tuồng kịch rất phát triển. Vào tiền
bán thế kỷ 18, có nhà soạn kịch tuồng múa rối nhân hình
Jôruri là Takeda Izumo (Trúc Điền, Xuất Vân, 1691-1756), người
đã từng làm việc dưới sự chỉ đạo bậc thầy của soạn
giả lỗi lạc Chikamatsu Monzaemon. Ông đã mở rạp Takemoto (Takemoto-za),
nơi đó cho diễn những tác phẩm của mình như Kanadehon Chuujinkura
(Truyện 47 người samurai trung nghĩa), Kanke denju tenaraikagami
(Tấm gương sáng của gia thần Tể tướng Sugawara no Michizane),
Yoshitsune Senbonsakura (Tướng Yoshitsune thời ở vùng Yoshino có
nghìn cội đào). Mặt khác, môn đệ của Takeda là Chikamatsu
Hanji (Cận Tùng Bán Nhị, 1725-1783) - người cũng là con nuôi
của Monzaemon - đã giúp rạp Takemoto hồi sinh sau một thời
gian Jôruri bị sân khấu Kabuki đè bẹp.
Đến đây, chúng ta hãy rời sân khấu văn hóa nghệ thuật để bước qua sân khấu chính trị để xem lúc bấy giờ mạc phủ đã cải cách chính trị như thế nào |
Tiết 6 - Cải cách năm Tenpô. Các phiên trấn có thế lực lộ diện. |
6.1
Thảm họa đói kém xảy ra trước cuộc cải cách:
Từ nạn đói kém năm Tenmei trở về sau, trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 cho đến thập niên 1820, thời tiết tương đối điều hòa, nông nghiệp phát triển đều đặn.Thế nhưng thời kỳ yên ổn ấy cũng không kéo dài được bao lâu. Từ thập niên 1830, khi thời kỳ Tenpô bắt đầu thì thời tiết từ từ bắt đầu có những chuyển biến theo chiều hướng xấu.Năm 1832 (Tenpô 3) và năm kế tiếp, thu hoạch mùa màng chỉ còn chưa được một phân nửa.Cả nước lâm vào cảnh thiếu gạo. Mùa màng thất thoát đến hơn phân nửa là một con số đáng phải báo động. Thử tưởng tượng hoàn cảnh một người dù xưa hay nay mà mức sinh hoạt chỉ còn ở dưới mức một phân nửa!Dĩ nhiên dân chúng vô cùng khốn đốn. Lúc bấy giờ, vai trò của người làm chính trị đáng ra phải được xét lại. Nhưng khi ấy, Nhật Bản vẫn sống dưới chế độ Ôgosho (Đại ngự sở) của Shôgun Ienari. Ngoài cuộc sinh hoạt hoa mỹ, ăn chơi xa xỉ của nhà chúa còn kèm theo chính trị hối lộ của chức thủ tướng (rôjuu) Mizuno Tadaakira (Thủy Dã, Trung Thành, 1762-1834). Tuy rằng trong vùng Edo, người ta đã nghĩ đến việc lập những cơ sở cứu đói, cung cấp lương thực và vật tư cho kẻ lâm vào bước đường cùng nhưng việc đó chỉ đỡ được nhất thời chứ không sao ngăn nổi cảnh người bệnh và người chết đói xuất hiện nhan nhản trên đường phố. Đặc biệt năm 1833, lúc miền Tôhoku bị lũ lớn, Kantô cũng mưa to nên Nhật Bản lại lâm vào cảnh mất mùa.Từ lúc ấy cho đến năm 1839 (Tenpô 10), đói kém xảy ra liên tục và trãi rộng ra trong phạm vi toàn quốc.Riêng miền Tôhoku là thiệt hại nhiều nhất: ở Tsugari có 10 đã thất thu đến 9, ở Shirakawa có 10 đã mất đến 8, số người chết đói mỗi lúc càng nhiều.Những vùng đô thị và nông thôn khác thì đầy người nghèo khổ và những cuộc bạo động đập phá xảy ra như cơm bữa. Thế rồi đến năm 1836 (Tenpô 7) nạn đói càng trở nên trầm trọng. Địa phương Gunnai thuộc xứ Kai vì nhiều núi không thuận tiện cho việc trồng lúa, chuyên môn nuôi tằm, nay thì tơ bán không ai mua, gạo lại không có, nên khắp chốn bạo động nổi lên. (U)ớc chừng một vạn dân từ khoảng 80 thôn xã đã tham gia vào cuộc nổi loạn nông dân (ikki) đó. Cùng lúc, ở vùng Mikawa (Shizuoka) lại có cuộc nổi loạn gọi là Kamo Ikki (Gia Mậu Nhất Quỹ), số người tham gia lên đến 1 vạn 2 nghìn từ 240 thôn xã. Nạn đói lan đến cả những thành phố lớn như Ôsaka. Người đói theo nhau lăn ra chết. Thế nhưng các tay phú thương thì tích trữ gạo để đợi giá hời, còn các quan hành chánh bugyô lại không đưa ra được một chính sách gì để cứu đói. Ngược ngạo hơn nữa là trong khi Ôsaka khổ vì thiếu gạo như vậy, mạc phủ lại bắt phải chở gạo về Edo cho đúng qui định. Điều này có mục đích nhằm gây quĩ để có tiền mở tiệc mừng tân Shôgun vừa mới nhậm chức. Hành động ấy chính là giọt nước tràn ly và là mồi dẫn hỏa cho cuộc nổi loạn của Ôshio Heihachirô (Đại Diêm Bình Bát Lang, 1793-1837), xảy ra vào năm 1837 (Tenpô 8). Năm đó, một chức tiểu lại cầm đầu dân binh coi trị an (yoriki =dữ lực = quan nhỏ giúp việc cho bugyô) tên là Ôshio Heihachirô đã vận động môn đệ và dân chúng làm một cuộc khởi nghĩa võ trang. Dĩ nhiên, ông xướng lên việc ấy chỉ nhắm mục đích cứu tế những người dân cùng khổ. Chính ra, lúc ấy Heihachirô không còn giữ chức yoriki nữa mà đã lui về ở ẩn. Ông lập một ngôi trường tên Senshindô (Tẩy tâm động = Hang động di dưỡng tính tình) làm nơi rao giảng triết học Vương Dương Minh cho học trò.Nhân được tin trong vùng xảy ra vụ náo loạn, ông cảm thấy nguy cơ đã đến, nên thưa lên mạc phủ xin hãy có kế sách gì để khỏi đưa đến thãm họa nhưng rốt cuộc, ông vô cùng bất mãn với phản ứng tiêu cực của mạc phủ trước tình thế. Nghĩ rằng mình không thể điềm nhiên tọa thị hay bàn suông và để cứu giúp dân chúng, ông đã bán sạch thư viện đầy sách quí của mình, được hơn 660 lạng và đem tất cả để chia sẻ cho dân nghèo.Lúc tiền đã cạn, ông quyết tâm khởi nghĩa. Cuộc nổi loạn của phe ông, mạc phủ chỉ cần có nửa ngày đã trấn áp được. Thế nhưng giữa một thành phố trực quản bởi nhà chúa như Ôsaka, nơi lực lượng hành chánh và quân sự bảo vệ rất là hùng hậu, nhóm người của ông đã dám công nhiên đối chọi lại bằng vũ lực. Điều đó đã để một ấn tượng sâu sắc về sức mạnh của quần chúng cho mạc phủ và lãnh chúa các phiên trấn thấy. Âm hưởng của
cuộc nổi loạn này chẳng bao lâu lan ra toàn quốc. Hô ứng
cho nó là một cuộc nổi dậy khác ở vùng Kashiwazaki thuộc
Echigo do học giả quốc học Ikuta Yorozu (Sinh Điền, Vạn) khởi
xướng. Ông tự xưng là môn đệ của Heihachirô, huy động
mọi người đến tấn công dinh thự quan sở tại. Cùng lúc
đó, vì tình trạng thiếu gạo và lương thực, bầu không
khí bất ổn đe dọa cả vùng Edo. Thế nhưng,nơi đây, mạc
phủ đã cố gắng mở những trạm cứu tế, phát chẩn gạo
tiền cho cùng dân nên đã chặn đứng được những cuộc
đập phá đáng lẽ phải xảy ra.
6.2 Tư tưởng Dương Minh học và Quốc học đứng trước thời cuộc: Sau cuộc nổi dậy của Ôshio Heihachirô và Ikuta Yorozu, mạc phủ bèn thực thi một cuộc cải cách nữa có tên là Cải cách năm Tenpô (Thiên Bảo) dưới sự chỉ đạo của Mizuno Tadakuni (Thủy Dã Trung Bang, 1794-1851).Trước khi bàn về nội dung cuộc cải cách này, thiết tưởng cũng nên mào đầu bằng cách trở lại câu chuyện các cuộc vận động của Dương Minh học và Quốc học, hai trào lưu tư tưởng đã làm bùng lên những cuộc nổi loạn khiến cho mạc phủ phải hoảng sợ. Điểm chung của hai học phái này là thái độ phê phán nghiêm khắc của họ đối với chính trị của mạc phủ.Trước hết, hẵn nói về Dương Minh học. Xin xác nhận một lần nữa đây là cái học chủ xướng bởi Vương Dương Minh, một nhà nho và quan lại đời Minh. Ông Vương chịu ảnh hưởng của đại nho đời Tống là Lục Tượng Sơn (1139-1192) [26]. Người theo Vương đầu tiên ở Nhật là Nakae Tôju (Trung Giang, Đằng Thụ, 1608-1648), sau đó mới đến các tư tưởng gia như Kumazawa Banzan (Hùng Trạch Phiên Sơn, 1619-1691). Đối với Nho học của Chu Hi nhà nước xem là quan học vì coi trọng đại nghĩa danh phận, chứ Dương Minh học, tuy vẫn thuộc đạo Nho, nhưng lại bị nhà nước cho là một thứ tư tưởng dị đoan. Bởi vì theo Dương Minh học, phán đoán một hành vi là chính đáng hay không chỉ vào lúc nó được đem ra thi hành. Họ Vương chủ trương "tri hành hợp nhất" nghĩa là nếu một lời nói hay tư duy không thể hiện bằng việc làm thì không thể nào là nền tảng cho sự đánh giá. Vì thế, trước tình trạng đất nước Nhật Bản thời đó, thái độ của người theo Dương Minh học chỉ có thể là là phê phán nhà đương cục. Dĩ nhiên, đối với những kẻ coi đại nghĩa danh phận trên hết như mạc phủ, thì họ phải ra tay đàn áp những ai đứng trên một lập trường chống đối như thế. Còn như Quốc học
thì nó là một trường phái phát triển từ thời Edo trung
kỳ về sau. Nói cho dễ hiểu một chút thì đó là khuynh hướng
tìm xem trong các tác phẩm cổ điển Nhật Bản đâu là tinh
thần dân tộc vốn có của nước mình.Nó đã phát triển
từ môn học gọi là Wagaku (Hòa học) khởi đầu từ tiền
bán thế kỷ 17. Wagaku đã thực hiện những công trình nghiên
cứu về bản chất Nhật Bản xuyên qua thơ waka và tác phẩm
cổ điển. Đáng lưu ý là các học giả như Shimokobe Chôryuu
hay Nagaru (Hạ Xuyên Biên Trường Lưu, 1627-1686), Kitamura Kigin
(Bắc Thôn Quí Ngâm, 1624-1705) và Toda Mosui (Hạ Điền Mậu
Thụy, 1629-1706). Từ đó nhóm này đi đến chủ trương bài
trừ các hình thức tư duy đến từ bên ngoài, thuyết phục
mọi người tìm về một nước Nhật giống như thời xa xưa.
Hệ luận của chủ trương ấy là tư tưởng tôn vương nhương
di (phò vua, đuổi bọn di địch). Mong muốn phục hồi một
nước Nhật trong quá khứ của họ cũng có nghĩa là sự hoài
nghi trước tình hình hiện tại. Chúng ta có thể vẽ ra hệ
phổ các học giả quốc học theo đồ biểu dưới đây:
Học giả có tên Kada no Azumamaro (Hà Điền Xuân Mãn, 1669-1736) vốn là đệ tử của nhà chú thích và cũng là nhà tư tưởng phục cổ Keichuu (Khế Trùng,1640-1701), một tăng lữ. Azumamaro làm quan giữ đền thần Inari ở Fushimi thuộc Kyôto. Vì ông là người đầu tiên dùng danh từ Kokugaku (Quốc học) nên có thể xem như ông đã khởi xướng phong trào. Đệ tử của ông có Kamo no Mabuchi (Hạ Mậu Chân Uyên, 1697-1769), người viết Kokushikô (Quốc sử khảo), trong đó cũng hô hào phục cổ. Theo ông "quốc ý" mới là tư tưởng thuần túy Nhật Bản từ thời cổ, lúc Nhật Bản chưa tiếp thu văn hóa Nho giáo và Phật giáo. Thế rồi, trong đám đệ tử của Mabuchi có một học giả mù tên Hanawa Hokiichi (Khác, Bảo Kỷ Nhất, ? - 1576), vào niên hiệu Kansei đã nhận được sự yểm trợ của mạc phủ để lập một giảng đường gọi là Wagaku Kôdansho (Hòa học giảng đàm sở) đặt dưới sự giám sát của họ Hayashi (gia thần tin cẩn của nhà chúa về mặt tư tưởng). Nơi đây, các học giả Wagaku có thể giảng dạy và đàm luận về lịch sử nước nhà, đồng thời chấp bút soạn thảo sử liệu. Hanawa Hokiichi đã chủ biên một tác phẩm hết sức quan trọng cho việc nghiên cứu quốc sử. Đó là Gunshoruijuu (Quần thư loại tùng, 1779) vậy. Sách này như một bách khoa toàn thư gồm 665 quyển cho phần chính biên và 1.185 quyển cho phần tục biên, thu thập các tư liệu đời trước từ lịch sử, văn học, quan chế, luật lệnh cho đến y phục, trò tiêu khiển, săn bắn, ẩm thực, âm nhạc và tôn giáo, với ý định không bỏ sót một quyển sách quan trọng nào. Mabuchi còn một môn đệ xuất sắc khác là Motoori Norinaga (Bản Cư Tuyên Trường, 1730-1801). Norinaga xuất thân thầy thuốc vùng Ise Matsuzaka (tỉnh Mie bây giờ, nơi nổi tiếng thịt bò ngon). Ông dùng nhà riêng mở một ngôi trường lấy tên Suzu no ya (Linh Ốc) hay Nhà Chuông, nơi đây ông thu nhận môn đệ theo học Quốc học. Ông đã đại thành phương pháp nghiên cứu tác phẩm cổ điển và hệ thống hóa tư tưởng phục cổ. Trứ tác tiêu biểu của Norinaga là Kojikiden (Cổ Sự Ký Truyện, 1767-1798) tức sách chú thích Kojiki (Cổ Sự Ký, 712), quyển sử đầu tiên của người Nhật. Ngoài ra phải kể đến Hihon Tamakushige (Hòm lược quí bí mật, 1787), 2 quyển, luận về kế sách kinh tế chính trị (đường lối phục cổ) nên theo mà ông đã dâng lên lãnh chúa phiên Kii là Tokugawa Harusada (Đức Xuyên, Trị Trinh), cũng như Tamakatsuma (Ngọc Thắng Gian, Lồng trúc đựng ngọc, 1793), một tùy bút 15 quyển, viết lúc cuối đời.Tuy nhiên ông được biết đến nhiều nhất vì đã chú thích Truyện Genji một cách cặn kẽ và những lời bình luận độc đáo về phạm trù mỹ học Mono no aware (Bi cảm của sự vật). Chịu ảnh hưởng của Norinaga và sáng giá hơn cả có lẽ là Hirata Atsutane (Bình Điền, Đốc Dận, 1776-1843), người tự xưng "đệ tử của Motoori Norinaga sau khi thầy chết" (tử hậu môn nhân).Vào thời của Hirata Atsutane, tư tưởng phục cổ và lập trường quốc túy trong Quốc học càng ngày càng lập được cơ sở vững chắc. Trong dân chúng đã xuất hiện một thứ quốc học bình dân (thảo mãng Quốc học), liên kết với những cuộc vận động đòi cải cách chính trị và tư tưởng phò vua đuổi di địch. Nó đã ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời và góp sức vào việc hoàn thành một thứ Thần đạo phục cổ, được xem như tín ngưỡng cổ xưa và thuần túy của người Nhật trước khi Nho giáo và Phật giáo đặt chân lên quần đảo.Chính ra Ikuta Yorozu, người đã dẫn đầu cuộc khời nghĩa của đám dân cùng khổ đã thuật bên trên cũng là môn sinh của Hirata Atsutane. Lúc nổi dậy, ông xưng là "môn đệ của Ôshio Heihachirô" và tập kích công thự chức daikan ở Kashiwasaki thật đấy nhưng bản chất của hành động ấy chẳng qua nhằm thực hiện tư tưởng truyền thống của Thần đạo phục cổ và Quốc học, nghĩa là làm sao chấn chỉnh cho được chính trị của mạc phủ.
6.3 Mizuno Tadakuni bước lên sân khấu chính trị: Năm 1841 (Tenpô 12), sau một thời gian dài đóng vai trò "thái thượng hoàng" ở Ôgosho, tiền Shôgun Ienari (Gia Tề) mất. Lúc đó, Shôgun đời thứ 12 là Ieyoshi (Gia Khánh, 1793-1853, tại chức 1837-1853) mới nắm được thực quyền, rảnh tay thi hành chính trị mình mong muốn. Ông đã tụ tập nhưng nhân vật thuộc phái cải cách chung quanh chức rôjuu là Mizuno Tadakuni (Thủy Dã, Trung Bang, 1794-1851) và ra lệnh cho họ làm cuộc cải cách năm Tenpô với mục đích củng cố quyền lực của nhà chúa. Khi tiến hành nhiệm vụ này, Mizuno Tadakuni nhắm đạt những mục tiêu của hai cuộc cải cách Kyôhô (Hưởng Bảo) và Kansei (Khoan Chính) xảy ra trước đó. Mizuno bắt chước Yoshimune (thời Kyôhô) và Sadanobu (thời Kansei), lấy việc kiệm ước làm đầu. Do đó mới có câu chuyện là ông chỉ mặc áo dệt bằng vải mà thôi.
Lúc đó, Nhật Bản đã bước vào giữa thế kỷ thứ 19. Thời Kansei đã trôi vào xa xôi (50 năm về trước) mà thời Kyôhô lại còn xưa hơn nữa (100 năm trước). Thế nhưng xem chính trị của hai thời ấy như là lý tưởng để noi theo thì cũng chưa hẳn là một điều hoàn toàn đúng đắn. Trong ý hướng "lui về thời trước", ta chỉ có thể xem việc cải cách Tenpô như thể là một phản ứng có tính "phong kiến phản động" (feudal reactionary) khi nó muốn xoá đi những tiến triển của xã hội đã xảy ra từ hai cuộc cải cách trước. Tuy nhiên, phải xem nội dung của cuộc cải cách Tenpô này như thế nào. Chính sách của Mizuno đại để có thể chia ra làm 3 mục lớn: 1) Trong sinh hoạt dân chúng, phải chấn chỉnh, siết chặt lại phong tục; 2) Kiểm soát được hệ thống kinh tế; 3) Kiểm soát được hệ thống chính trị. Về việc siết chặt những buông thả trong phong tục và sinh hoạt dân chúng, đối tượng của mục thứ nhất, thì Mizuno bắt mọi người phải sống kiệm ước để tránh tiêu pha lãng phí, nguyên nhân chính của cái nạn thiếu hụt tài chánh lúc bấy giờ. Thời Ôgosho với Ienari, hậu cung (Ôoku) của nhà chúa sống rất xa xỉ, cho nên từ đây, Mizuno xem tất cả mọi thứ xa xỉ là kẻ địch. Lệnh kiệm ước của ông rất nghiêm ngặt. Cụ thể là nó đã được áp dụng trong tất cả hoạt động xã hội từ cái ăn, cái mặc, đến lễ lạc, hội hè và mọi thứ tiêu khiển.Ví dụ hoa quả đầu mùa, các thức ăn hiếm hoi cao giá đều bị cấm, ba rạp hát Kabuki lớn (gọi là sanza = tam tòa) phải dời chỗ từ trung tâm thành phố ra ngoại ô. Các ngôi sao (tài tử tuồng kịch nổi tiếng) khi đi dạo phố phải đội nón đan bằng lác (amigasa) che mặt không cho ai thấy. Thế rồi đến việc xuất bản. Vì cho rằng loại tiểu thuyết tình cảm (ninjôbon) vốn được người đời yêu chuộng là dụng cụ tiếp tay cho cuộc sống phóng đãng và hoang phí, mạc phủ đã xử tội còng tay nhà văn Tamenaga Shunsui (Vi Vĩnh Xuân Thủy, 1790-1843). Tội còng tay (tegusari) là một kiểu hình phạt đời Edo, tạm giữ để điều tra thì còng 5 hôm, còn xử phạt thì còng từ 30 đến 100 ngày. Tiểu thuyết ninjôbon của ông có những quyển nổi tiếng như Shunshoku umegoyomi (Cuốn lịch cảnh sắc hoa mơ mùa xuân) có nhiều chi tiết châm biếm thế tình, được xem là sách bán chạy hàng đầu như best seller ngày nay. Sau khi chịu cảnh xử phạt chẳng bao lâu, nhà văn qua đời. Chính sách cơ bản thứ hai của mạc phủ nhằm kiểm soát hệ thống kinh tế. Họ đã phát lệnh Kabunakama kaisanrei (Lệnh giải tán các tổ hợp kinh doanh dưới dạng cổ phần) với mục đích quản lý được trực tiếp các con buôn ở địa phương (zaigô shônin = tại hương thương nhân) và làm cho vật giá tên thị trường phải hạ xuống. Lý do ban lệnh này khá dễ hiểu. Tổ hợp kinh doanh dưới dạng cổ phần tụ họp những thương nhân ngành nghề có tính cách bè đảng (nakama) và độc chiếm thị trường một mặt hàng nào đó. Họ chỉ phải trả hai thứ thuế thuế unjô (vận thượng, thuế lưu thông) và myôga (minh gia tức tiền dưỡng liêm cho công bộc dân). Ngày trước, dưới thời Kyôhô cho đến thời Tanuma Okitsugu thì lại khác. Lúc đó mạc phủ muốn bảo đảm một nguồn thuế mới cho nên tích cực thừa nhận hành vi ấy của các tổ hợp giữa nakama. Còn như hỏi thế chứ sao bây giờ lại phải giải tán họ thì cũng bởi vì các nhà buôn nakama ấy như nhóm Tokumitonya (Mười nhà buôn sĩ) đã hoành hành ở vùng Kamigata gần kinh đô và hè nhau độc chiếm việc phân phối hàng hóa khiến cho vật gia leo thang. Mạc phủ cũng hy vọng nhân việc ban hành lệnh này, các nhóm thương nhân địa phương (zaigô shônin) nghĩa là con buôn độc lập không ở trong tổ hợp, ở vùng phự cận Edo và vùng nông thôn, có cơ hội tự do cạnh tranh với các thành viên cũ trong tổ hợp, và điều đó sẽ làm cho vật giá phải xuống thang. Thế nhưng lý do vật giá đùng đùng leo thang không phải là điều mạc phủ tưởng nhầm. Nguyên nhân thực sự của nó chính ra nằm ở chỗ số lượng sản phẩm từ nông thôn chở lên thị trường kinh kỳ (kamigata) đã bị thất thoát. Bởi vì trước khi chuyển vận chúng từ nơi sản xuất lên tới thị trường tiêu dùng thì chúng đã bị bán ra lẻ tẻ rơi vãi dọc tuyến đường, hoặc ở cảng Shimonoseki hoặc ở vùng biển nội địa Seto naikai.Nói cách khác, sự chuyển vận hàng hóa đã bắt đầu không còn tuân theo qui tắc cơ bản về lộ trình đã ấn định trước. Vì cớ đó, việc giải tán các tổ hợp bạn hàng đã làm cho số hàng hóa đem lên Edo không đủ số. Hy vọng vật giá hạ xuống của mạc phủ cũng không thành, chẳng những thế nó còn đưa tới một hậu quả ngược. Do đó, đến năm 1851 (Kaei 4) tức 10 năm sau, mạc phủ đành cho phép các tổ hợp Kabunakama hoạt động trở lại. Nếu đại thần Mizuno có muốn giải tán các tổ hợp Kabunakama cũng vì ông làm theo lối suy nghĩ đương thời.Một là vào tiền bán thế kỷ 19, tư tưởng tự do kinh tế đã nằm trong trước tác nhan đề Yume no shiro (Thay cho mộng) của học giả người thành phố (chônin gakusha) ở Ôsaka và có tiếng lúc đó, Yamagata Bantô (Sơn Phiến, Bàn Đào, 1748-1821). Trong sách ấy, ông đã đánh giá cao cơ năng giao hoán của thi trường gạo Dôjiima (Sở giao dịch mễ cốc thiết lập tại khu Dôjima theo hình thứ công ty cổ phần, sẽ phát triển qui mô giữa gai đoạn 1876-1939), điều chỉnh được giá gạo theo cán cân cung cầu. Ông cũng đã giải thích một cách chính xác qui luật và cơ cấu kinh tế của nó.Thêm vào đó, phải kể đến những gì nhà kinh tế học Satô Nobuhiro (Tá Đằng, Tín Uyên, 1769-1850) đã trình bày trong Keizai Yôroku (Kinh tế yếu lục). Theo ông, sản phẩm của các vùng đều là của cải trong nước, muốn chấn hưng sự sản xuất, chính phủ cứ việc đứng ra quản lý và buôn bán chúng. Tuy nhìên, có lẽ nên hiểu thâm ý ông là muốn mạc phủ phải xử sự như một thương nhân (thương nhân hoá mạc phủ). Liên quan đến việc tái kiến vùng nông thôn đã trở thành hoang phế vì trận đói năm Tenpô (Tenpô 4 -7), mạc phủ đã siết chặt hệ thống Ninbetsuaratame (Nhân biệt cải, Nhân số cải, tức việc kiểm tra hộ tịch). Luật gọi là Hitogaeshi no hô (Luật trả người đào vong về bản quán) cấm không cho nông dân bỏ xứ đi kiếm ăn và cưỡng chế những bần dân sống bám vào thành phố Edo phải trở về chánh quán.Khổ là khi làm như thế thì dân lang bạt vô gia cư (rônin) tuy bỏ Edo đi nhưng lại vẫn quanh quẩn ở vùng ngoại ô Edo, gây nên nhiều tệ hại, bất lợi cho việc trị an. Chính sách cơ bản thứ 3 của mạc phủ là kiểm soát nội chính. Nó gồm 2 kế hoạch quan trọng. Trước hết, kế hoạch thứ nhất là Sanpôryôchigae (Tam phương lãnh tri thế), một kế hoạch đã bị bãi bỏ vào năm 1840 (Tenpô 11). Kế hoạch này sở dĩ được cho là quan trọng vì đã ... thất bại. Nó vốn nhằm thực hiện một cuộc trao đổi nhiệm sở (sanpôryô = 3 lãnh địa) giữa chủ nhân ba phiên trấn Kawagoe (15 vạn thạch thóc, xứ Musashi), Shônai (14 vạn thạch thóc, xứ Dewa) và Nagaoka (7 vạn thạch thóc, xứ Echigo). Cả 3 đều nằm ở phía bắc Edo. Việc "chuyển phong" (tenbô) giữa những phiên trấn vốn không phải là điều đáng để ai phải ngạc nhiên nhưng khốn nỗi, nó đã vấp phải sức chống đối của nông dân phiên Shônai đến độ phải triệt hồi. Sự việc như thế đã làm mạc phủ khổ tâm không ít. Thế nhưng cớ gì nông dân phiên Shônai (Trang Nội) ấy lại phản đối như vậy ? Lý do là chủ phiên Kawagoe, người nhận nhiệm vụ phòng thủ vùng duyên hải Edo lại là con trai thứ 24 của "thái thượng hoàng" Shôgun tiền nhiệm, Ôgosho Ienari! Ông ta mong mỏi được chuyển phong về Shônai, một nơi ít nhiệm vụ mà lại béo bở vì dân chúng ở đó có sức sản xuất cao. Nông dân phiên Shônai hết sức phản đối sự có mặt của phiên chủ Kawagoe vì ông này nổi tiếng hà khắc trong việc thu đoạt tuế cống. Kết cục, nếu rút lại lệnh đưa cậu ấm đến cai trị miếng đất màu mỡ ấy thì mạc phủ sẽ mất uy tín nên Mizuno Tadakuni định tiếp tục làm liều. Có điều Shôgun Ieyoshi (Gia Khánh) không cực đoan như thế nên đã hạ lệnh bắt ngưng. Dù sao, việc mạc phủ trước ra lệnh "chuyển phong" rồi sau bị áp lực của dân chúng mà phải triệt hồi là một sự kiện chưa từng có. Cho dù không phải là trách nhiệm của Mizuno Tadakuni đi nữa, nó đã chứng minh rằngnhững gì xảy ra ở các phiên từ đây sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành chính trị ở trung ương. Một kế hoạch thứ hai cũng bị thất bại như thế. Đó là lệnh Jôchirei (Agechi-rei, Thượng tri lệnh). Lệnh này nhằm củng cố việc phòng thủ quân sự, an định tài chánh cho hai thành phố lớn và vùng phụ cận của chúng với tư cách một khu vực mạc phủ trực quản vì nó có trị giá những 50 vạn thạch thóc. Thế nhưng dù đã chuẩn bị những miếng đất thay thế (daichi) để đổi lấy chúng, các daimyô và hatamoto đang giữ đất cũ không chịu thực thi kế hoạch khiến cho lệnh "dâng đất cho bề trên" này về sau đành phải ngưng lại. 6.4 Công nghiệp cận đại và việc cải cách chính trị mạc phiên: Cho đến thời này, thể chế sản xuất mạc phiên vẫn còn dựa trên nông nghiệp. Của cải nhà nước đến từ sự trưng thu tuế cống của nông dân. Thế nhưng thể chế ấy đã đi đến chỗ tắc nghẽn và sự ra đời của công nghiệp cận đại có thể xem như một lý do quan trọng để giải thích tình huống ấy. Trước tiên, ta thử xem vào thời Edo, quá trình công nghiệp hoá xã hội Nhật Bản đã xảy ra như thế nào? Sự công nghiệp hoá ấy bắt nguồn tự hồi đầu thế kỷ 17 nhưng công nghiệp -hay đúng hơn thủ công - lúc đó chỉ là một nghề phụ (phó nghiệp = fukugyô) của nhà nông. Nhân vì nguyên tắc sinh hoạt của nông dân là "tự cấp tự cúc", tiêu thụ những gì chính mình làm ra, cho nên ban ngày thì làm việc đồng áng, tối về làm đôi việc thủ công ở nhà. Người ta gọi hình thức này là "công nghiệp tại gia ở nông thôn". Kể từ khi tình trạng này bắt đầu cho đến giữa thế kỷ 18, nhà nông được sự giúp vốn và vật tư từ phiá các nhà buôn sỉ (ton.ya, toiya), một hình thức nhà thầu, hay lảnh lương của họ để chế tạo các thứ hàng hóa. Chế độ này mệnh danh "công nghiệp tại gia với vốn nhà buôn sỉ". Ví dụ, vùng Kawachi (Hà Nội, phiá đông Ôsaka) là nơi nổi tiếng về may dệt, người ta thường thấy cảnh tượng nhà nông ngồi trước hiên nhà để thương thảo với con buôn ton.ya. Hình ảnh ấy được lưu lại trong các tập tranh vẽ cảnh sinh hoạt đương thời như Kawachi meisho zue (Hà Nội danh sở đồ hội) chẳng hạn. Tình trạng ấy kéo đến thế kỷ 19 thì phát triển thêm một bậc. Ở các vùng sản xuất mạnh, một số địa chủ và con buôn xuất vốn đã bắt đầu xây dựng công xưởng riêng, tập họp người làm, phân chia cũng như kết hợp các nghiệp vụ trong mọi ngành nghề thủ công. Ta có thể gọi hình thức sản xuất này là "công nghiệp tại xưởng thợ" (manufactures). Ngành dệt vải chung quanh thành phố Ôsaka hay địa phương Owari (vùng Nagoya), ngành dệt lụa ở khu vực Kiryu và Ashikaga thuộc phiá bắc Kantô...đã bắt đầu từ giai đoạn đó. Thế nhưng khi công nghiệp đã phát triển như thế rồi thì việc duy trì được kinh tế nông nghiệp như xưa không phải là chuyện dễ. Lý do là một số bần nông và người phụ việc bỏ đi kiếm việc mới và trở thành lao động trong các công xưởng. Hiện tượng đó đã xảy ra trong ngành nấu rượu ở Itami, Ikeda và Nada thuộc xứ Settsu (gần Kyôto) và bắt đầu rất sớm, nghĩa là từ thế kỷ 17. Thế rồi khi cấu trúc xã hội và kinh tế đã tiến hoá theo mô hình cận đại, mạc phủ và lãnh chúa các phiên trấn bắt đầu cảm thấy nguy cơ cho chế độ. Để đối phó, nhà nước nghe theo đề án của nhà khuyến nông Ninomiya Sontoku (Nhị Cung Tôn Đức, tức Ninomiya Kinjirô, 1787-1856) mà ban hành Hôtoku shihô (Báo đức sĩ pháp) chủ trương phải coi trọng cần lao và kiệm ước. Phép này đòi hỏi mỗi người chỉ được tiêu dùng trong phạm vi cần thiết và phải để dành ra một phần thu nhập để trong tương lai có thể giúp hay nhượng cho kẻ khác. Phép này còn kêu gọi hồi phục ruộng đất bị bỏ hoang, phục hưng nông thôn, nhưng trên thực chất đó là những phương pháp nhằm tái lập thể chế phong kiến. Khổ cho nhà cầm quyền là lúc ấy Nhật Bản đã quen với việc sản xuất thương phẩm bằng vốn của thương nhân cũng như việc lao động để đổi lấy đồng lương. Họ không thể quay đầu lại được nữa. Không những thế, một số phiên trấn còn tích cực phát triển theo đường lối kinh tế mới này.Họ thiết lập những công xưởng do phiên trấn đứng ra kinh doanh (phiên doanh) và thực thi chế độ độc quyền buôn bán của phiên (chuyên mãi) Những sự thay đổi chính sách như thế này có tên là hansei kaikaku (phiên chính cải cách). Xin tham khảo chính sách của hai phiên trấn tiêu biểu: Satsuma và Chôshuu, nằm trên đảo Kyuushuu và đã đóng vai trò rất lớn trong sự nghiệp cận đại hoá Nhật Bản. Phiên Satsuma (Sát ma) từ lâu đã bị thâm thủng về mặt tài chính và rất khổ sở về điều đó.Lãnh chúa Shimadzu Shigehide (Đảo Tân, Trọng Hào, 1745-1839 mới thu dụng nhân tài để tái kiến tài chánh cho phiên. Nhân tài được bổ dụng tên là Zushô Hirosato (Điều Sở, Quảng Hương, 1776-1848), một samurai cấp thấp. Ông đã làm được cho phiên Satsuma 2 việc tối quan trọng. Trước tiên, ông tăng cường độc quyền buôn đường đen, sản vật của 3 đảo Ôshima, Tokunoshima, Kikaishima thuộc quần đảo Amami (Am Mỹ) trong vùng biển của phiên. Ông cũng tăng cường việc mậu dịch với quần đảo Ryuukyuu (Lưu Cầu). Nhờ thế, ông đã thành công trong nhiệm vụ chấn chỉnh tài chánh cho phiên. Việc thứ hai là cải cách quân sự bằng những việc làm cụ thể như dưới thời lãnh chúa Shimadzu Nariakira (Đảo Tân, Tề Lẫm, 1809-1858), phiên đã xây được lò phản xạ (reverberatory furnace) ở Kagoshima, kiến thiết xưởng đóng tàu và chế thủy tinh. Qua đến đời lãnh chúa Tadayoshi (Trung Nghĩa, 1840-1897), phiên đã mở được một nhà máy dệt làm việc dưới sự chỉ đạo của các kỹ sư người Anh. Cũng trong khoảng thời gian ấy, có những nhà buôn ngoại quốc ở Nagasaki như nhóm các ông Thomas Blake Glover (1838-1911) đã mang nhiều vũ khí phương tây vào. Nhân đó mà phiên đã phát triển được sức mạnh quân sự của mình. Điều đó giải thích tại sao quân đội của phiên Satsuma đã đóng được vai trò chủ chốt trong cục diện chính trị cuối thời mạc phủ.
Riêng về phiên Chôshuu (Trường châu), một "hùng phiên" (yuuhan) tức phiên trấn thế lực khác đã đóng vai trò quyết định trong cuộc Duy Tân Minh Trị, thì đã áp dụng cải cách của Murata Seifuu (Thôn Điền Thanh Phong, còn đọc là Murata Kiyokaze, 1783-1855) để điều chỉnh các khoản nợ, đưa tài chánh của phiên trở lại mức bình thường. Ở Chôshuu, phiên đã giữ độc quyền buôn giấy và sáp, đặt hệ thống chuyển vận hàng hoá vòng qua phía tây ở Shimonoseki gọi là Koshinikata (koshi =chuyển đổi, ni - hàng hóa). Họ thu mua hàng của thuyền buôn các vùng khác đáng lý ra phải chở về cho con buôn sỉ ton.ya ở Ôsaka. Thế rồi họ mới đảm nhận trách nhiệm bán hộ chúng đi (theo lối ủy thác) để có huê lợi, tái kiến được tài chánh của phiên mình. Phiên Hizen, cũng thuộc đảo Kyuushuu đã ban hành chế độ quân điền (kindensei) tức chia ruộng đất đồng đều cho mọi người nhằm tái thiết nông thôn và đem lại sự ổn định tài chánh cho phiên. Lãnh chúa Nabeshima Naomasa (Oa Đảo Trực Chính, 1814-1871) còn cho thi hành việc buôn bán độc quyền đồ sứ làm cho phiên được giàu có. Ông cũng cho lập cơ xưởng đúc những khẩu pháo theo kiểu phương tây để tăng cường sức mạnh của phiên mình. Phiên Tosa (trên đảo Shikoku) cũng được giới cải cách lãnh đạo. Họ đã thực thi chính sách kiệm ước hòng lành mạnh hoá tài chánh. Còn như phiên Mito (phiá bắc Tôkyô bây giờ) thì dù có những nỗ lực của Tokugawa Nariaki (Đức Xuyên Tề Chiêu, 1800-1860), lãnh chúa đời thứ 9, họ đã không thành công trong việc cải cách vì gặp phải sự phản đối của nhóm bảo thủ. Nhìn lại, ta thấy rằng những phương án cải cách năm Tenpô (Thiên Bảo) của mạc phủ đã chuốc lấy thất bại. Không những thế, tình huống dường như còn đi ngược lại những điều nhà nước mong đợi. Những kẻ thành công chỉ là 4 phiên Satchôdohi (Sát Trường Thổ Phì = Satsuma-Chôshuu-Tosa- Hizen) ở địa phương Tây Nam. Họ là những yuuhan hay "hùng phiên", cho đến nay được cai trị bởi những lãnh chúa tozama tức là những người không được nhà chúa tin cậy cho lắm và thường bị tước đoạt quyền ăn nói. Thế nhưng từ đây, mọi sự đã đảo ngược và họ thực sự có quyền phát ngôn. Mặt khác, về phía mạc phủ vào thời kỳ cuối cũng có một số cố gắng. Chức daikan (quan đại diện nhà chúa trông coi lãnh địa trực quản của mạc phủ) là Egawa Tarô Zaemon (Giang Xuyên Thái Lang Tả Vệ Môn, hiệu là Tankan = Đàn Am, 1801-1855) đã xây lò phản xạ để nung kim loại ở vùng Nirayama thuộc Izu. Ông còn mở nhà máy luyện thép ở Yokosuka với sự chỉ đạo của các kỷ sư người Pháp, nhằm đưa công nghiệp kiểu phương tây vào đất Nhật. Vào thời kỳ gọi
là Mạc mạt - Duy tân tức giai đoạn từ giữa đến cuối
thế kỷ 19, sự phát triển của kinh tế thương phẩm cũng
như của văn hóa và khoa học đã là một nhân tố giúp cho
xã hội chuyển động. Nếu chấp nhận tiền đề nói trên
thì việc Nhật Bản tiến lên con đường cận đại hoá thật
ra chẳng có gì để chúng ta phải kinh ngạc nữa.
|
|
[1]
- Khoai lang được gọi là Satsuma imo (khoai Satsuma) tuy gốc gác
Trung Nam Mỹ bởi vì đối với người Nhật, nó đã được
trồng ở Trung Quốc, quần đảo Ryuukyuu và vùng Satsuma trên
đảo Kyuushuu từ tiền bán thế kỷ 17. Khoai tây (không ngọt)
trong tiếng Nhật thì được gọi là jagaimo tức khoai trồng
ở Jacatra (tên cổ của Jakarta) do thuyền Hà Lan đem đến từ
đảo Java..
[2] - Trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản ấn bản 2011, người viết dịch sai là khoai tây. Xin được đính chính ở đây. [3] - Nguồn: The Centre For East Asian Culture Studies (Tôkyô), nhiều tác giả, trong Acceptance of Western Culture in Japan. Nihonshi Zuhô (trang 144). [4] - Lục dụ, sáu lời dụ, nguyên là thánh chỉ của Minh Thái Tổ. Về sau, đến đời Thanh, Thanh Thế Tổ theo đó mà khâm định lại.Còn như Lục dụ diễn nghĩa là do Phạm Hoằng thời Minh mạt viết ra để dạy dỗ dân chúng. Lời văn bình dị dễ hiểu. Sách đã theo đường đảo Lưu Cầu, qua phiên Satsuma ở Kyuushuu để vào Nhật.Tuy nhiên, nó có nhiều dị bản. [5] - Nguồn: Nihon no koten meichô (trang 34-35) [6] - Tawaramono là loại gói bện bằng r(o)m ra để đóng gạo hay các thứ đồ khô.Trong mậu dịch Nagasaki,nó có nghĩa là hải sản khô như bào ngư, vi cá, hải sâm, cá khô đóng thành kiện hàng. [7] - Sankyô (Tam khanh) ám chỉ ba chi Tayasu, Hitotsubashi và Shimizu thuộc gia đình Tokugawa. Sankyô chỉ thua kém Sanke (Tam gia) là Owari, Kii và Mito về mức độ quan trọng họ hàng (gia cách = kakaku) khi phải xét đến việc cung cấp người nối dõi cho nhà chúa. [8] - Ông chỉ là con nuôi của Shôgun đời thứ 10 Ieharu (Gia Trị). [9] - Nhà Hitotsubashi cũng là một trong "tam khanh" (sankyô) như hai nhà Shimizu và Tayasu. Gọi là nhà Hitotsubashi vì dinh thự của họ nằm ở Nhất Kiều Môn trong thành Edo. Người khhởi đầu Hitotsunashike là Tokugawa Munetada, con trai thứ 4 của Shôgun đời thứ 8 Yoshimune. [10] - Nguồn; Nihon no meicho (Kokumin jiyuusha) (trang 32-33) [11] - Theo G.B.Sansom, tuy đàn áp Hayashi vì tôi khi quân phạm thượng (?) nhưng bên trong, Matsudaira Sadanobu đã làm theo ý kiến của ông ở một mức độ nào đó trong cách ứng xử với Laxman và trong việc sức cho quan lại địa phư(o)ng phải củng cố việc bảo vệ hải phận Edo. [12] - Tư(o)ng truyền, sau cuộc loạn Ônin (1467-69), để khí huyết người samurai khỏi bốc lên đầu nên có tục lệ đàn ông cạo một phần tóc trên trán theo hình bán nguyệt cho nó cao h(o)n. Tục lệ gọi là sakayaki này trở thành bằng chứng của một người đàn ông đã thành nhân. Khi cấm đàn bà hành nghề ở các tiệm bới tóc (kamiyuidoko, vì đàn ông Nhật xưa để tóc dài) gồm có cả dịch vụ sakayaki cho khách hàng, có lẽ mạc phủ muốn ngăn chặn nạn mãi dâm trá hình? [13] - Nguồn: Emori Ichirô trong Benkyô jidai no makuage (Heibonsha Sensho (trang 249-250). [14] - Tominaga xem Nho học là cái học của Trung Quốc, Phật học là cái học Ấn Độ, Thần đạo là của Nhật Bản cổ đại. Tất cả đều không hợp với Nhật Bản đư(o)ng thời. Phải lấy chữ Thành làm một cái đạo mới. Lý luận của ôn đã gây nhiều tranh cãi. [15] - Daikoku Kôdayu (Đại Hắc Ốc, Quang Thái Lang, 1751-1828), người Nhật, thuyền trưởng người vùng Ise, bị bão lớn,trôi giạt đến Kamchatka, được Nga cứu thoát, từng đến Điện mùa hè ở St Petersburg bái yết nữ hoàng Ekatherina II. Sau khi theo sứ bộ A.E.Laxman trở lại Nhật, ông bị giam lỏng cho đến cuối đời. Ông có đem nhiều địa đồ về nước và những câu chuyện ông thuật lại đã được Katsuragawa Hoshuu chép thành Hokusa Bunryaku (Bắc tra văn lược, trà = bè, cò lẽ chỉ việc Daikoku bị trôi giạt, văn lược = vài điều nghe được), một tác phẩm về tình hình nước Nga thời đó.Ngoài Katsuragawa, ông cũng quen biết và kiến thức về nước ngoài của ông đã ảnh hưởng tới các học giả khác như Takami Senseki, Watanabe Kazan và Ban Nobutomo. [16] - Kondô Juuzô (1771-1829) là nhà thám hiểm và thư chí học thời Edo hậu kỳ. Thừa lệnh mạc phủ, đã 5 lần thám hiểm vùng Ezochi, quần đảo Chishima (Kuriles).Từng viết Kingin Zuroku (Kim ngân đồ lục), Gaiban tsuusho (Ngoại phiên thông thư), Ezochi Zenzu (Hà Di địa toàn đồ), Ken kyô ruiten (Hiến giáo loại điển). Đặc biệt trong Ngoại phiên thông thư có ghi lại thư trao đổi giữa mạc phủ Tokugawa và các Chúa Nguyễn ở Quảng Nam. [17] - G.B. Samson cho rằng lý do c(o) bản là mạc phủ thiếu tự tin về nội trị nhất là trước thế lực của các phiên trấn tozama ở miền Nam. [18] - Vasalii Mikhailovitch Golovnin, thuyền trưởng chiếc tàu Nga Diana, bị người Nhật bắt được và bỏ ngục khi đang đi điều tra trên đảo Kurils (Chishima) Ông bi6 giam từ 1811 đến 1813 và đã viết lại nhật ký nhan đề Golovnin nhật bản u tù ký (Zapiskio Priklyucheniyakhvplenuu Yapontsev ) xuất bản năm 1816, dịch sang tiếng Anh năm 1818. [19] - Văn nhân họa (Bunjinga) là lối họa mà văn nhân Trung Quốc xem như một thú vui phụ thuộc trong cuộc sống của văn nhân. Chủ trư(o)ng không nặng về kỹ xảo mà chú trọng ở sự thanh nhã.Thời Minh mạt có Đỗng Kỳ Xư(o)ng với lối vẽ thủy mặc rất nổi tiềng. [20] - Nguồn: Nihon no koten meicho (Kokumin jiyusha) (trang 39-40) [21] - Cuộc chiến tranh kéo dài 2 năm giữa Trung Quốc nhà Thanh và nước Anh. Lấy lý do Trung Quốc cấm buôn bán nha phiến tức phư(o)ng hại đến mậu dịch, người Anh đã gây ra cuộc xung đột mà kết quả là Trung Quốc thua trận. Tại Nam Kinh, nhà Thanh đã ký một hiệp ước bất bình đẳng rồi từ đó bị liệt cường xâu xé và trở thành bán thuộc địa. [22] - Chữ phát xuất từ sách Lễ Ký. Xĩ là cái răng, ý nói tuổi tác. Thướng xĩ hội có nghĩa Hội Kính Lão hay hội những người cao niên, gặp nhau ca hát vui ch(o)i. Thường có 7 người, gọi là thất tẩu. Bắt nguồn từ Trung Quốc, hình như bắt đầu với nhà th(o) Bạch Lạc Thiên (845). Nhật Bản cũng có từ năm 877 với chức Dainagon là Minabuchi no Toshina (Nam Uyên Niên Danh). [23] - Nguồn: Tsuda Hideo trong Nihon no rekishi 22: Tenpô Kaikaku (Shôgakukan) và Nagashima Konshirô & Ôta Takeo trong Edojô Ôoku (Shin jinbutsu Ôraisha) (trang 236-237) [24] - Nguồn: Nakazawa Nobuhiro trong Nihon no Bunka (Natsume-sha xuất bản) [25] - Nguồn: Nihon koten meicho (Jiyu kokuminsha) (trang 78-80) [26]
- Người Nhật gọi ông là Rikushôzan. Đại nho thời Nam Tống.
Tên thật là Cửu Uyên, tự Tử Tĩnh, hiệu Tượng S(o)n, Tồn
Trai. Người Kim Khê thuộc Giang Tây. Đã phát triển triết
học của Trình Hiệu (Hạo), chủ trư(o)ng "tâm tức lý", đối
kháng với học thuyết chủ tri của Chu Hi. Thụy hiệu là Văn
An.
|
|
[
trang
trước ] / [ trang sau
]
|