Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
* Phần Hai Bàn về " Thiên Long Bát Bộ " hay "Lục Mạch Thần Kiếm" * Thích Chơn thiện |
|
Trong phần tổng luận nầy có bốn điểm được đề cập: - Về ý nghĩa Thiên Long Bát Bộ. - Về các loại võ công thượng thừa. - Về ba nhân vật kết nghĩa: Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự, và nhà Sư áo lam. - Về một số tư tưởng Phật học tiêu biểu. I. Về từ ngữ Thiên Long Bát Bộ Truyện Thiên Long Bát Bộ đề cập đến rất nhiều từ ngữ Phật học như đã được bàn qua năm mươi hồi truyện. Riêng tên truyện là Thiên Long Bát Bộ hẳn là bao hàm tư tưởng trải khắp toàn truyện nói lên ý hướng của tác giả chuyển tải qua các nhân vật thiện, ác, vừa thiện vừa ác. Thiên Long Bát Bộ là từ ngữ trong kinh Phật giáo phát triển, thường được gọi là Đại thừa Phật Giáo, cho độc giả một cảm nhận đầu tiên rằng bộ truyện sẽ đầy màu sắc Phật Giáo. Mở đầu các bản Kinh Đại thừa thường là phần giới thiệu thời điểm, nơi chốn, nhân duyên nói Kinh, và thành phần thính chúng. Trong hội chúng nghe Kinh có hai đối tượng: đối tượng chính là con Người; đối tượng cùng tham dự là thuộc các cảnh giới khác Người, gọi là phi nhân. Đối tượng phi nhân có tám bộ chúng: 1. Chư Thiên (Devà): Đây là các chúng sinh ở các cung trời luôn làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện. 2. Loài rồng (Nàga): Rồng có rồng thiện, rồng ác, sinh từ thai, từ trứng, từ ẩm thấp, và hoá sinh; rồng có thể có các thần thông biến hoá . 3. Dạ xoa (Yakkha): Các Dạ Xoa sống giữa hư không, có Dạ Xoa thiện, có Dạ Xoa ác; có khả năng biến hoá; mắt trần khó thấy. 4. Càn thát bà (Gandhabba): Loài nầy sống ở lõi cây, giác cây, rễ cây, hương và hoa; có Càn thát bà thiện có Càn thát bà ác; có năng lực thần thông; có thể làm các nhạc công cho các cung trời. 5.A tu la (Asurà): Loài nầy sống chung cảnh giới với con Người và Chư Thiên; có A tu la thiện, có A tu la ác; có khả năng thần thông lớn, thường gây chiến với chư Thiên có trận thắng có trận thua; tánh thường sân hận, ganh ghét và đố kỵ. 6. Khẩn na la(Kinara):Vị Trời có biệt tài về âm nhạc. 7. Ca Lâu La(Garuda):Loài chim có cánh lạ, gọi là Kim sí điểu thường đe doạ Rồng, Rắn. 8. Ma hầu la già (Mahoràga): Loài rắn thần, mình dài, bụng lớn; Ma hầu la già có mình rắn mà đầu người là loài rắn chúa. Dẫn đầu tám bộ chúng nầy thường là Trời và Rồng, nên Kinh thường gọi tắt tám bộ chúng phi nhân là Thiên Long Bát Bộ. *
Đối tượng nghe Kinh Đại thừa ở vào ba cấp độ tu tập giải thoát khác nhau: - Cấp độ giải thoát cao nhất: là các Bồ tát, Đại Bồ tát, và Duyên Giác gọi là chúng hộ trì, đến nghe Pháp nhằm cổ động, khích lệ, hỗ trợ cho chúng Thinh văn. - Cấp độ giải thoát bậc trung, là đối tượng chính của thời Pháp, là chúng Tỷ Kheo. - Cấp độ kết duyên : là Cấp độ giải thoát ở bậc thấp, gồm các vua chúa, tướng lãnh, đại thần, các gia chủ, cư sĩ ở mọi giai tầng xã hội và Thiên Long Bát Bộâ (tám bộ chúng phi nhân). Hàng kết duyên nầy thì các hành động thân, miệng, ý vận hành trong phạm trù thiện ác, vừa thiện vừa ác. Giải thoát Tâm và giải thoát Tuệ đối với hạng nầy, chỉ là đối tượng lý tưởng để vươn tới, mà khó tập trung thực hiện hoàn thiện trong đời sống hiện tại. Như thế, Thiên Long Bát Bộ nhấn mạnh phần đạo đức của Phật Giáo thực tiễn, hơn là phần phạm hạnh giải thoát. Chính phần đạo đức nầy là cột sống của một nền văn hóa mà Thiên Long Bát Bộ muốn xiển dương. II. Về các võ công thượng thừa Khô Vinh trưởng lão chùa Thiên Long nước Đại Lý (Vân Nam), và sư áo lam chùa Thiếu Lâm ở Trung Nguyên, xem các Võ Công và các Huyền Công chỉ là pháp phương tiện được sử dụng để hành hoá hộ đời, hộ đạo, mà không phải là Chánh Pháp để giải thoát sinh tử. Dù vậy, Lục Mạch Thần Kiếm, Dịch Cân Kinh, và Thất Thập Nhị Huyền Công của Thiếu Lâm vẫn là các võ công vô địch trong thiên hạ. Để luyện tập thành công các loại võ công nầy, người tập luyện phải tập với tâm vô dục, vô sân và từ bi, nhân ái. Điều nầy nói lên rằng luyện võ công hay việc sử dụng các phương tiện hoằng hóa - cũng là tu tâm; và hệt như việc các võ công thượng thừa dẹp trừ các đại ma đầu, chính tâm lý vô dục, vô sân, từ bi nhân ái là nhân tố tiễu trừ các tâm lý bất thiện, xấu ác đang nhiễu loạn văn hóa và xã hội. III. Về Đoàn Dự, Hư Trúc, Tiêu Phong và Sư áo lam 1. Đoàn Dự Đoàn Dự là Thái tử của nước Đại Lý Phật Giáo. Chàng xuất hiện từ đầu truyện cho đến cuối truyện, kinh qua nhiều cọ xát trên chốn giang hồ. Hình ảnh khép lại Thiên Long Bát Bộ là hình ảnh Đoàn Dự chứng kiến cảnh ngộ Mộ Dung Phục khùng điên đang làm vua nước Đại Yên trong loạn tưởng, trước một đám trẻ con làm quần thần đang tung hô chàng : Vạn tuế!, bất giác Đoàn Dự thấy lòng nhói đau, thầm nghĩ: "Mỗi người đều có duyên nghiệp của mình. Mộ Dung huynh cùng A Bích đã như thế, tuy ta thấy họ đáng thương, nhưng trong lòng họ có chắc là chưa thỏa mãn không? Ta cần gì phải đa sự xen vào ". Đoàn Dự, qua thể nghiệm, đã nói lên sự khác biệt của mọi người trong xã hội là do nghiệp lực từ kiếp trước gây ra, và nghiệp lực trong hiện tại phụ họa, theo đúng tinh thần giáo lý về Nghiệp của nhà Phật. Chàng cũng cùng lúc hiểu rõ, con người bằng nổ lực của tự thân trong hiện tại có thể chuyển hoá Nghiệp, và giải thoát Nghiệp, bằng sự phát triển tâm vị tha, từ bi, ly dục và vô sân mà chàng hằng tin tưởng và thực hiện trong những năm vừa qua. Với đời sống gia đình trong tinh thần nhập thế phục vụ xã hội, thì phần thực hiện đạo đức Phật giáo chỉ giới hạn ở công phu kiểm soát các hành động của thân, miệng, ý xa rời ác giới, đi vào thiện giới và hướng về giải thoát giới. Bằng cái tâm ấy, Đoàn Dự vượt qua được cái khổ nạn, và có duyên lành học được các võ công thượng thừa để hộ đời hộ đạo. Bằng cái tâm ấy, Đoàn Dự xứng đáng được Đoàn Chính Minh truyền ngôi báu nước Đại Lý. Bằng cái tâm ấy, chàng đã kết nghĩa huynh đệ sinh tử với hai anh hùng Tiêu Phong và Hư Trúc, đã thu được tình cảm của Vương Ngữ Yên, Mộc Uyển Thanh..., và nhất là đã làm một trợ duyên lớn giúp sư Cưu Ma Trí đại ngộ... Những tỏa sáng ấy của cuộc đời Đoàn Dự thực sự là sự toả sáng của các nét đặc thù của văn hoá Phật Giáo. 2. Tiêu Phong Tiêu Phong vốn thuộc dòng dõi Khất Đan, nước Đại Liêu, ở phương Bắc, con nhà trâm anh thế phiệt. Năm lên một, chàng mắc nạn ở sự biến Nhạn Môn Quan, làm con đẻ của ông bà Kiều Tam Hoè nghèo khó ở Trung Nguyên. Chàng được đại sư Huyền Khổ gián tiếp nuôi dưỡng, chỉ dạy đạo đức Phật Giáo và võ công Thiếu Lâm. Năm 16 tuổi, chàng làm môn đệ và nghĩa tử của Uông Bang Chủ Cái Bang, được truyền dạy các võ công thượng thừa, Giáng Long Thập Bát Chưởng, Đả Cẩu Bổng Pháp, và được truyền ngôi Bang chủ. Tánh vốn trung chính, nhân hậu và khoáng đạt, Tiêu Phong đã phát triển rạng rỡ Cái Bang. Chỉ vì dòng máu chàng là Khất Đan mà chàng phải hứng chịu nhiều hàm oan, khổ nạn trên giang hồ. Dù vậy, chàng mãi giữ gìn tâm nghĩa hiệp, lòng chung thủy với Cái Bang, Thiếu Lâm và Trung Nguyên ( Đại Tống ), nhất là trung thành với lý tưởng nhân ái, vị tha vì an lạc, hạnh phúc của quần chúng. Cái chết rất bi tráng của chàng do ngăn chặn được cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Đại Liêu và Đại Tống, là nỗi ray rứt muôn thuở của các quan niệm hẹp hòi về nhân sinh của nền văn hoá cũ. Chàng chết, nhưng nhân cách lớn của chàng thì sống mãi, cái nhân cách như là của sự kết tinh các chất liệu của văn hoá Phật Giáo được truyền từ đại sư Huyền Khổ. Đây là chất liệu của Phật Giáo Trung Nguyên có lẫn vào cái dũng khí Khất Đan của phương Bắc. 3. Hư Trúc Hư Trúc đã lớn lên trong khuôn viên chùa Thiếu Lâm từ nhỏ. Chàng ngỡ mình mồ côi cha mẹ, xem chùa là gia đình, quê hương của chàng. Tánh vốn thông sáng, nhân hậu, chân thật, giàu lòng từ, chăm chỉ tu tập và có tinh thần trách nhiệm cao. Chàng vô tâm làm các thiện sự nên nhân duyên đun đẩy chàng giải được thế cờ Trân Lung mà các kỳ thủ trên giang hồ không giải nổi trong suốt ba mươi năm qua. Từ đó, chàng được Vô Nhai Tử, trưởng môn Tiêu Dao truyền 70 năm công lực, nhẫn chưởng môn và chức vị chưởng môn; được Đồng Mỗ, Thu Thuỷ vô tình truyền thêm nội lực siêu đẳng và cử chàng làm Cung Chủ Linh Thứu. Với cái tâm ấy, chàng kết nghĩa sinh tử với Tiêu Phong, Đoàn Dự, và không cầu mà được kén làm Phò mã Tây Hạ. Sự nghiệp của Hư Trúc là nhờ vào cái tâm của chàng được tựu thành từ văn hoá nhà chùa Thiếu Lâm. Cả ba chàng Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự đều được giáo dục từ văn hoá nhà Phật nên đã dễ dàng có cái tâm, cái tình và cái tuệ gặp gỡ, dẫn đến việc kết bái đệ huynh, dù ở độ tuổi khác nhau, dân tộc khác nhau, và vị trí xã hội khác nhau. Cuộc kết bái đã tạo nên một sức mạnh đáng kể trong việc trừ gian, diệt bạo, khử ác trên giang hồ để xây dựng hoà bình và ổn định lâu dài cho một vùng châu lục. Tâm từ bi, trí tuệ vô ngã và ly dục hình thành nền văn hoá nhà Phật vốn hiện hữu trong tâm thức của mọi người ở mọi xứ sở, thời đại, mà không phải của riêng ai. Chùa Thiên Long ở Phương Nam, và chùa Thiếu Lâm ở Trung Nguyên (cận Bắc ) chỉ tự nguyện đóng vai trò giữ gìn di sản văn hoá ấy cho đời. Lục Mạch Thần Kiếm, Dịch Cân Kinh và Thất Thập Nhị Huyền Công chỉ là khí cụ sử dụng để giữ gìn di sản ấy. Thiên Long Bát Bộâ mong muốn đời đến với di sản văn hóa cất giữ ở Tàng Kinh các mà không phải đến với các võ công một vạn lần kém giá trị hơn. Đây là điểm mà ba nghìn trang truyện nhắm đến. 4. Nhà sư áo lam Nhà sư thuộc hàng tăng nhân phục dịch, quét dọn vườn chùa và giữ gìn Tàng Kinh Các. Sư hành đạo và hành công cẩn mật và lặng lẽ; không có ai để ý đến dáng người hao gầy mảnh khảnh ấy. Cũng không có ai biết đến sức sống giải thoát và võ công siêu tuyệt của sư nếu không có sự biến ở chùa Thiếu Lâm để sư xuất đầu lộ diện nhiếp hóa quần hào. Sư nói đạo như lập lại đúng lời dạy của Đức Phật rằng: "Muốn giải thoát thì phải trừ tham, trừ thủ, trừ ái, trừ triền", nghĩa là phải dập tắt dục vọng và ngã tưởng. Sư đã ca ngợi tâm Bồ tát độ sinh như lần ca ngợi Tiêu Phong có tâm Bồ tát ngăn chặn chiến tranh Tiếng nói của sư đến muộn, nhưng vang xa, thực sự là tiếng nói của giải thoát và cứu độ. Thành tựu của sư là danh dự của Thiếu Lâm, vượt lên trên các tiếng nói danh dự khác, làm sống dậy các giá trị sinh động của giáo lý nhà Phật. Sự hiện diện của sư như là vàng thật để bảo chứng trong ngân hàng văn hóa, xác nhận một giá trị rất thật của dòng văn hóa từ bi và trí tuệ. Sư quét chùa để cho Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự và nhiều nhân vật khác hành hiệp. IV. Các tư tưởng Phật học tiêu biểu Phật giáo là con đường sống thực nghiệm tâm lý ( hay tâm linh ) trong hiện tại, mà không phải phó thác sự sống cho một niềm tin mơ hồ vào một năng lực cứu rỗi. Đấy là những gì mà bạn đọc có thể tìm thấy trong Thiên Long Bát Bộ qua các điểm giáo lý tiêu biểu như : 1. Phát triển thiện tâm trừ bỏ ác tâm - Những nhà sư vào hàng chữ Pháp ở Thiên Long Tự và Khô Vinh trưởng lão là những người hành thiện và giải thoát nghiêm túc. Các nhà sư vào hàng chữ Huyền ở Thiếu Lâm Tự cũng thế. Hàng xuấùt gia nhà Phật luôn là những tấm gương, niềm tin và niềm khích lệ để các Phật tử tại gia và các gia chủ hành thiện, hướng thiện, hướng về lý tưởng vong ngã vị tha. Các vị có sứ mệnh tự nguyện giữ gìn và phát huy kho tàng văn hóa Phật giáo cho đời. Đó là di sản của giải thoát mọi phiền não khổ đau. - Những người đời hành thiện như Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần, các đại thần và hộ pháp Đại Lý, Uông Bang chủ Cái Bang, Kiều Phong, nhiều trưởng lão và môn nhân Cái Bang, Vô Nhai Tử, Tô Tinh Hà, nhóm Bát Hữu phái Tiêu Dao và Hư Trúc ( tân bang chủ Tiêu Dao ) ... Họ có tâm trung chính, nhân ái, vị tha, luôn trung chính với ý tưởng hộ đời. - Những người thuộc hành bất thiện như " Tứ đại ác nhân ", Tinh Tú Hải lão quái và nhiều môn đệ của ông ta, Toàn Quán Thanh, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, Khang Mẫn, sư Cưu Ma Trí, Triết La Tinh, Tọa chủ chùa Thanh Lương v.v... họ thường hành xử với tâm lý vị kỷ, tàn độc, sân hận, đố kỵ, ganh ghét, đầy ác dục vọng, kiêu mạn, xảo quyệt, dối trá ... Chính những con người nầy với các tâm lý điên đảo nầy là tác nhân của bất an, sợ hãi, rối loạn, hận thù trên cõi giang hồ. Cơ bản của các tâm lý xấu ác ấy là tham, sân, si ( hay Trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi ) là đối tượng mà giáo lý nhà Phật chủ trương đoạn trừ qua nếp sống Giới, Định, Tuệ và đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Đây là nếp sống của " Từ bỏ mọi điều ác, làm mọi việc lành, và giữ tâm ý thanh tịnh ". Đây là nếp sống đạo đức hướng đến hạnh phúc chân thật của Phật Giáo ! 2. Thế giới là một tương quan trùng trùng duyên khởi Giáo lý Duyên Khởi là giáo lý trọng tâm của Phật giáo. Sự thật vận hành Duyên Khởi của vạn hữu đã được Đức Phật Thích Ca giác ngộ dưới cội bồ đề từ 26 thế kỷ trước. Từ đó Phật giáo ra đời. Sự thật ấy đã được tác giả của Thiên Long Bát Bộ trình bày khái quát tự nhiên qua các mẩu chuyện đời. - Câu chuyện của Mã phó bang chủ phu nhân: Chuyện khởi đầu từ điểùm Khang Mẫn có nhan sắc, đẹp đến độ hầu hết các nhân vật Cái Bang đều ngưỡng mộ, chỉ trừ Kiều bang chủ là lạnh lùng, thản nhiên trước nhan sắc ấy. Khang Mẫn, lòng tự hãnh bị tổn thương, sinh tâm ghét hận Kiều Phong và muốn làm cho Kiều Phong thân bại danh liệt. Từ đó, bà âm mưu kết hợp với Toàn Quán Thanh ( kẻ háo sắc, háo danh, hám lợi ) làm nên các việc gieo họa cho Kiều Phong, rối loạn Cái Bang và lan rộng đến toàn cõi giang hồ Trung Nguyên ... Chỉ một chút ghen ghét, thù oán của Khang Mẫn đã dẫn đến một hậu quả khôn lường Ai dám bảo rằng một chút tâm lý nhỏ nhoi ấy không có mối liên hệ đến an nguy của Trung Nguyên và lan xa hơn nữa đến Đại Liêu, Đại Lý và Tây Hạ ? - Ngân Xuyên, công chúa Tây Hạ kén duyên : Ngỡ rằng chuyện kén duyên của một người con gái, dù là một công chúa, chỉ là chuyện cá nhân và là hỉ sự; không ngờ hỉ sự ấy lại là nơi hội tụ về biết bao tính toán chính trị, ngoại giao, tham vọng, tranh chấp, và cả các tổ chức thanh toán đẫm máu, kinh động cả giang hồ, và có liên hệ đến hòa bình hay chiến tranh của một vùng châu lục; không ngờ ở một tụ điểm tranh chấp ấy lại là một cơ duyên lớn cho sự kiện đại ngộ của Cưu Ma Trí, để rồi sau đó, sư đã để lại cho đời một sự nghiệp phiên dịch và chú giải kinh sách Phật giáo rất giá trị; không ngờ ở trung tâm điểm tranh chấp ấy lại là nhân duyên của niềm vui lớn của hai người anh hùng trẻ tuổi Hư Trúc và Đoàn Dự. Ai có thể dám nghĩ rằng việc thể hiện một ước mơ thầm kín của công chúa Ngân Xuyên lại không có mối liên hệ đến cả toàn lục địa Trung Quốc. - Tình cảm của A Tử : A Tử rất thương quý Tiêu Phong, tỉ phu của nàng, nghĩ rằng phải làm cho chàng mù đôi mắt nàng mới có duyên ở cạnh chàng để săn sóc chàng, nàng liền phun độc kim. Tiêu phong, phản xạ tự nhiên, xuất chưởng đẩy giạt các độc kim khiến A Tử bị trọng thương. Tiêu Phong chạy chữa thuốc men, dẫn đến bộ tộc Nữ Chân; rồi kết nghĩa với Gia Luật Hồng Cơ, vua nước Đại Liêu ... rồi cứu tử nhà vua và triều đình nhà vua ... rồi được phong Nam Viện Đại Vương ... rồi bị ép làm nguyên soái chinh Nam phạt Tống ... rồi Tiêu Phong cưỡng lệnh và bị đánh độc tống giam vào ngục thất, rồi được gỡ tất cả các hàm oan ở Đại Tống ... rồi phải tự vẫn để tròn Trung, Nhân và Nghĩa ... Chỉ khởi đầu từ một ý nghĩ rất trẻ con của A Tử mà lại là một nhân duyên đẩy đưa Tiêu Phong đi thật xa vào nhiều mối tương hệ bất ngờ ... và đưa đến cái chết bất ngờ cho cả hai. Ai có thể dám bảo rằng một hiện hữu không liên hệ đến tất cả ? đây không phải là kia? Ba mẩu chuyện nho nhỏ trên liên hệ đến ba cô gái lại giúp bạn đọc thấy rõ sự thật tương quan trùng trùng các nhân và duyên của mọi hiện hữu mà giáo lý nhà Phật xiển dương, để từ đó có dịp nhìn lại các mối tương hệ trong xã hội hầu điều chỉnh nhận thức và thái độ sống của mình để nhích lại gần với điểm tương hợp với sự thật ấy. Thế giới nầy là một hiện hữu của " tương quan nhân duyên ", không có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, không có nguyên nhân đầu tiên hay một đấng sáng thế nào. Nói khác đi, đấng sáng thế của vũ trụ nầy là sự thật Duyên Khởi. Không có một tự ngã cố định, bất biến nào hiện hữu. Cho rằng có tự ngã bất biến, thường hằng hiện hữu để rối có các lý thuyết, các thái độ sống tương ưng với nhận thức ấy là vô minh, là thiếu Tuệ, là đầu mối của vạn sự rối loạn trên giang hồ. Đây là điểm tư tưởng linh hồn của Thiên Long Bát Bộ. 3. Nhân sinh là kẻ chủ nhân của Nghiệp, và là kẻ thừa tự của Nghiệp - Như ở phần cuối truyện Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự đã nghị : "Mỗi người đều có duyên nghiệp của mình ", và như lời bàn về Đoàn Dự ở mục ( III.1 ), Nghiệp, chính là thai tạng, con người vừa là chủ nhân, vừa là kẻ nhận chịu hậu quả của các hành động chủ ý của thân, miệng, ý; cái gọi là con người thực sự chỉ là sự biểu hiện của tư tưởng và hành động trong quá khứ và trong kiếp hiện sinh. Hệt như một lời kinh Phật chép : " Ta là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy ". (Tăng Chi II ...
1988, tr 77 )
- Trong giáo lý về Nghiệp của
nhà Phật, một hành động có chủ ý mới tạo nên nghiệp.
Thế nên, Đoàn Dự khi ở Vô lượng động đi vào Lan Hoàng
Phúc Địa, thấy trống không các sách võ công mà khởi ý
mừng vì khỏi phải luyện theo yêu cầu của thần tiên tỉ
tỉ. Quan trọng là ở nghiệp ý. Hư Trúc, trong hầm nước
đá ở hoàng cung Tây Hạ, bị Đồng Mỗ bức ép ăn mặn và
chung chăn gối với Mộng Cô, Đồng Mỗ bảøo là chàng đã
phá giới, thì chàng cãi lại :
" Tiểu tăng bị tiền bối bức bách, chứ không phải tự ý mình, không thể gọi là phá giới ". Nhận thức của Hư Trúc về nghiệp phá giới là phù hợp với lời kinh Phật. Kinh Pháp cú ghi : " Ý dẫn đầu các pháp,
- " ... Nếu với ý thanh tịnh (
thiện ),
Thiên Long Bát Bộ đã diễn lại cuộc đời của các nhân vật theo đạo lý Nghiệp ( Karma ) và Nhân - Quả - ( Hetu - Phala ) liên hệ theo dòng thời gian ( quá khứ, hiện tại và vị lai ). Thế nên " tứ đại ác nhân ", Đinh Xuân Thu, Toàn Quán Thanh, Mộ Dung Phục, Khang Mẫn, Vương Phu Nhân v.v... đều lãnh nhận hậu quả bi đát tương ưng với những gì họ đã tạo tác. Huyền Thống, Huyền Nạn, Huyền Tứ, Cưu Ma Trí đều đi vào giải thoát vào thời điểm cuối đời hay gần cuối đời. Đoàn Dự, Hư Trúc, Tiêu Phong đều gặt hái được nhiều thành quả, vinh dự đáng kể ... Qua giáo lý về Nghiệp, quan niệm về giá trị của một hành động của văn hóa cũ cần được xét lại: những gì mà người Trung Nguyên lên án Tiêu Phong là bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, bất trung đầu chỉ là những danh từ, khái niệm trống rỗng khi mà ở thực tế Tiêu Phong rất mực trung chính, nhân ái, đầy đủ trung, hiếu, nhân, nghĩa ... Ngoài các ý nghĩa trên, sự thật về Nghiệp, Nhân Quả, còn giáo dục con người có tinh thần trách nhiệm rất cao đối với tự thân, gia đình và xã hội, bởi vì đó là các việc làm thiện giúp con người hưởng được an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. 4. Quan niệm về một nhà lãnh đạo đất nước Truyền thống các vua Đại Lý và lãnh đạo đất nước theo tinh thần giáo lý nhà Phật, và theo truyền thống của Chuyển Luân Thánh Vương trong kinh Phật, lúc trọng tuổi, nhà vua xuất gia làm tăng lữ ở chùa Thiên Long. Đoàn Chính Minh cũng truyền ngôi cho Đoàn Dự và xuất gia từ ngày Cưu Ma Trí đến gây sự ở Thiên Long Tự, lấy pháp hiệu là Pháp Trần. Một hôm, Đoàn Dự đã bàn với các trưởng lão về truyền thống của Chuyển Luân Thánh Vương trong kinh A Hàm, đặc biệt là chú ý đến phước báo có thất bảo của nhà vua, trong đó có Ngọc nữ báu - Tương tự với các vua nhà Trần ở Việt Nam. Dưới triều đại lý tưởng của một Chuyển Luân Thánh Vương với thất bảo thì sẻ mạnh mẽ, hùng hậu về an ninh quốc phòng, về tài chánh - kinh tế, và về cả đạo đức, văn hóa, giáo dục. Theo Kinh Bổn Sanh I, II, III ( và phần chú giải ) và V, truyền thống giáo lý nhà Phật đề bạt đến mười điều mà một vị vua ( hay nhà lãnh đạo cao cấp ) phải thực hiện gọi là " thập vương tử pháp " như sau: 1. Quảng đại, từ bi. 2. Giữ gìn đức hạnh: Giữ gìn năm giới cấm dành cho Phật tử tại gia. 3. Vì hạnh phúc nhân dân. 4. Liêm chính, thành thật, nghiêm túc làm nhiệm vụ. 5. Dịu dàng, hòa ái. 6. Sống giản dị, không xa hoa. 7. Không ganh ghét, không thù hiềm. 8. Không bạo lực. 9. Vị tha, thông cảm, kiên nhẫn. 10. Hòa hợp với dân. Đấy là nội dung mà hầu như Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh đã thực hiện tốt. 5. Nụ cười của Thiền Sư - Khi đại sư Huyền Thống ngỡ nhóm Bát Hữu ( trừ Diêm Vương Địch thần ) là tánh xấu nên múa đao ngăn họ tiến vào nhà thần y. Một người trong nhóm Bát hữu vừa múa kiếm vừa vịnh thơ: - " Có phế bỏ thất tình, mới mong tròn quả phúc. Tâm thần tán tụ hoài, chưa thóat vòng trần tục " . Và - " Thế sự thành không tưởng, còn vui thú nỗi gì " ? Sư Huyền Thống đáp : " Hỡi ai người đắc pháp, Nhân giả phải tinh vi ". Người kia bèn cười ha hã mà nói : " Đúng rồi, đúng rồi ... Tại hạ khuyên đại sư nên ra khỏi bến mê, quay đầu trở lại, buông đao đồ tể ! Huyền Thống đại sư hốt nhiên đại ngộ, bèn nói : " Phật Pháp vô viên Cho tròn thiện quả ". Rồi mỉm cười mà tịch ! - Phương trượng Huyền Từ suốt một đời nghiêm túc bảo vệ Thiếu Lâm, Chánh Pháp, và phục vụ Trung Nguyên của Đại Tống. Bởi nghịch duyên, Phương Trượng rơi vào hai lỗi lầm lớn khiến người suốt đời bị ray rưc, đó là : - Nghe lời phao thất thiệt, gây ra sự biến Nhạn Môn Quan. - Mất giác tỉnh một lúc thời trẻ, sa vào quyến rũ của nhan sắc Diệp Nhị Nương. Dù vậy, lúc trọng tuổi, Phương Trượng đã giác ngộ vô ngã, vô thường, thản nhiên nhận hình phạt hai trăm trượng, rồi mỉm cười mà hóa Sau khi chết nụ cười còn đọng lại trên môi ... ! - Đại sư quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí sinh tiền ham muón danh vọng và quyền thế mãnh liệt, muón làm Minh chủ võ lâm và cố vấn Vua nước Thổ Phồn để bành trướng lãnh thổ. Nhân duyên đưa đẩy, sư bóp cổ Đoàn Dự, bị Bắc Minh Thần Công của chàng hút hết nội lực khiến trong chốc lát giấc mộng quyền danh tan thành mây khói. Bất giác sư hốt nhiên đại ngộ. Sư mỉm cười: " Từ nay lão nạp tấm thân vô định, tùy ngộ nhi an ". Những nụ cười giải thoát của các thiền sư đã hiện ra đẹp như những chiếc cầu vồng ngũ sắc rạng rì- trên vùng văn hóa nhà Phật ! *
Các lý tưởng đến với đời hẳn là phải vì cuộc đời, vì an lạc, hạnh phúc của con người. Hạnh phúc là khát vọng thiết tha nhất của người đời phải là sứ mệnh của văn hóa. Đạo Phật ra đời, như lời Đức Phật dạy, vì lòng thương tưởng đời, vì an lạc, hạnh phúc của số đông. Giáo lý nhà Phật vì vậy đến với mọi căn cơ và giúp họ tháo gỡ cái ách ràng buộc củaphiền não, khổ đau bằnh các bước đi của trí tuệ: - Rời khỏi các tâm lý xấu ác và các hành động xấu ác vốn là tác nhân gây rối loạn cá nhân và xã hội ( " Chư ác mạc tác " ). - Tích cực dẹp bỏ lòng vị kỷ, phát khởi tâm vị tha từ bi, quên mình vì hạnh phúc của tha nhân và cộng đồng ( " Chúng thiện phụng hành " ). - Tiêu trừ dục vọng và ngã tưởng, sóng với các tâm vô lượng : đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả ( " tự tịnh kỳ ý " ). Hiểu như vậy là rất kinh viện. Thực tế, xã hội đan xen vạn duyên rối rắm, làm thế nào để thấy các bước đi trên giữa vạn duyên đan xe ấy mới là cái thấy thực tại từ thực tại. Đấy là những gì mà Thiên Long Bát Bộ đã giới thiệu qua 3.000 trang truyện sóng động. Ở đây giáo lý nhà Phật hiện ra sống động giúp bạn đọc thấy rõ trực tiếp với sự vật rằng: tư duy thì khác xa thực tại, kiến thức thì khác xa trí tuệ, và hạnh phúc là sự thức tỉnh, sự từ bỏ không dính mắc vào thế giới ý niệm. Giang hồ rồi loạn là do rơi vào tư duy, kiến thức, chấp thủ ( dính mắc ); giải quyết rối loạn là đi ra khỏi sự dính mắc tư duy, kiến thức, và đi vào thực tại và trí tuệ. Đây là điều mà một nhân vật của Thiên Long Bát Bộ đã nói : Giải quyết việc giang hồ mà thiếu mặt Thiếu Lâm thì khó thành. |
|
|
|
|