Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
* Phần Hai Bàn về " Thiên Long Bát Bộ " hay "Lục Mạch Thần Kiếm" * Thích Chơn thiện |
|
KHÍ THẾ THIÊN BINH VẠN MÃ |
41.1.
Lược truyện
- Đinh Xuân Thu đem theo một nghìn môn đệ đến Thiếu Lâm, đang bao vây đánh nhóm Mộ Dung Phục ở chân núi Thiếu Thất. Bốn đại ác nhân phi báo tin nầy khiến hầu hết quần hùng đều xuống núi để chứng kiến trận thư hùng. Các đại sư Thiếu Lâm cho năm trăm tu sĩ dàn trận thế La Hán để phòng ngăn cản các môn đệ của Đinh lão quái. - Trang Tụ Hiền, A Tử (bị mù) và nhiều môn nhân Cái Bang đến. Biết có mặt Đinh Xuân Thu, A Tử cho giương cao biểu ngữ "Đoàn Chưởng Môn Phái Tinh Tú" (ám chỉ A Tử là chưởng môn) và giục Trang Tụ Hiền tiêu diệt Lão quái và đoàn quân của ông ta. - Lão quái ném từng tên một các môn nhân Tinh Tú đứng gần ông ta và truyền độc qua người ấy để hại Trang Tụ Hiền. Trang Tụ Hiền làm động tác tương tự, cũng lần lượt ném từng môn nhân Cái Bang để phá chiêu. Lão quái dùng chiêu Quách Sơn Thần Quyền hút bắt A Tử để uy hiếp Trang Tụ Hiền, buộc anh ta nhận ổng làm sư phụ. Trang Tụ hiền chấp thuận, trước lúc Huyền Từ và các Cao Tăng kịp hỗ trợ. - Toàn Quán Thanh mớm lời, và Đinh lãøo quái sai sử, Trang Tụ Hiền đã thách Huyền Từ phương trượng đấu để định ngôi minh chủ võ lâm. Dù đã cạn lời phân trần thị phi, Trang Tụ Hiền vẫn khăng khăng quyết đấu, Huyền Từ bèn tuyên bố sử dụng Đại Kim Cương Quyền của Thiếu Lâm, để đọ với Hàng Long Thập Bát Chưởng của Cái Bang. - Trang Tụ Hiền, không biết võ công Hàng Long, chỉ sử dụng chưởng độc đại âm hàn. Huyền Từ hóa giải được các chiêu đầu, nhưng dư lực còn lại cắt đứt thắt lưng của phương trượng; quần hùng la ó rằng đó không phải là Hàng Long, mà là chiêu thức của Tinh Tú. Vừa lúc ấy, Tiêu Phong (và 18 hảo hán Khất Đan) kịp thấy, liền lên tiếng: "Có Hàng Long Thập Bát Chưởng đây"; chàng xuất chưởng tấn công ngay Đinh lão quái, dồn lão quái vào thế th? động, cứu liền A Tử, giao cho Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc... - Nhiều môn nhân Cái Bang mừng rỡ tham kiến Tiêu Phong. Quần hùng thì vẫn định ý Tiêu Phong là mối hiểm họa của giang hồ, lên tiếng đòi kết liễu Tiêu Phong. Cảm thấy bất bình với quần hùng, Đoàn Dự và Hư Trúc nhảy ra bái kiến đại sư ca Tiêu Phong; cả ba cùng nâng cốc, rồi phân chia ứng chiến: - Hư Trúc quần chiến với Đinh lão quái; Tiêu Phong kịch đấu với Trang Tụ Hiền và Mộ Dung Phục (một đấu hai); 18 hảo hán Khất Đan thì bảo vệ Đoàn Dự. - Hư Trúc thì vững thế thượng phong. Tiêu phong luôn làm chủ trận thế. Sợ kéo dài tình trạng "một chọi hai" sẽ bất lợi, Đoàn Dự bước vào cố làm phân tâm Mộ Dung Phục; chàng bị Mộ Dung Phục khống chế, rất nguy kịch. Đoàn Chính Thuần can thiệp bị trúng chiêu của Mộ Dung Phục, đổ máu; Đoàn Dự tức khí nóng lòng cứu cha khiến thần kiếm Lục Mạch cuồn cuộn tuôn trào; chàng liên miên tấn công áp đảo Mộ Dung Phục, đánh gảy nhiều khí giới của Mộ Dung, ép Mộ Dung vào tử địa... 41.2. Ý kiến - Hồi 41 là hồi kịch chiến của quần hào trong thiên hạ đủ các phái tà, chính: tất cả tụ về Thiếu Lâm tự dồn toàn lực vào một trận chiến quyết định tồn vong ác liệt nhất; tất cả mâu thuẫn, âm mưu đều được đưa ra ánh sáng công lý; tất cả võ công chính, tà đều có dịp thử thách sức mạnh. Hồi truyện này giúp độc giả thấy rõ ưu thế của các quan niệm cũ, mới về giá trị, về chánh, tà biểu hiện qua các nhân vật tiêu biểu. - Mưu mô độc ác phản phúc, chỉ nhằm phục vụ tham vọng cá nhân mà Đinh Xuân Thu, đã sửa soạn cả cuộc đời đã đến hồi sụp đổ đầy bi đát! - Các tâm thức đại tà của Toàn Quán Thanh, Mộ Dung Phục từng hiện rõ bộ mặt thật khiến quần hùng chán ghét. - Các tâm lý cố chấp, cái nhìn thiển cận của một số đông quần hào có dịp cảm thấy ngỡ ngàng xét lại. - Nổi bật nhất là ba huynh đệ kết nghĩa Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự chiến đấu để bảo vệ chính nghĩa, điều thiện, lẽ phải, lòng nhân ái, mà tuyệt nhiên không vì tư dục hay hận thù. Họ vượt qua sự chấp thủ khác biệt về tuổi tác, địa vị xã hội, quốc độ và cả các loại võ công, vì thế mà nội lực của họ ào ạt tuôn trào bất tận đổ vào các chiêu thức mà họ sử dụng, hàng phục các sức mạnh khác của quần hào. Đấy là ba chàng "Ngự Lâm Pháo Thủ" của văn hóa nhà Chùa mà tác giả muốn giới thiệu, phải chăng? |
CÕI THIỀN NẶNG NƠI PHU THÊ |
42.1.
Lược truyện
- Hư Trúc thì đang chế ngự các chiêu thức của Đinh lão quái. - Tiêu Phong đã đánh gãy cặp dò Trang Tụ Hiền (Du Thản Chi) đang nằm lăn dưới đất. Chàng trở qua theo dõi trận chiến của Đoàn Dự. - Đoàn Dự nghe lời chỉ điểm của Tiêu Phong chỉ liên tục sử dụng một chỉ kiếm Thiếu Thương, đã dần dần dồn Mộ Dung Phục tựa lưng vào một gốc cây, mất hẳn sức phòng thủ, mặt trở nên xám xanh. Đoàn Dự chuyển qua xuất Thương Dương Kiếm, kiếm khí vô hình, mau lẹ, đến độ Tiêu Phong nghĩ rằng nếu chàng ở vào chỗ Mộ Dung Phục, chàng cũng đành bó tay chờ chết. Thấy thậm nguy, Vương Ngữ Yên buột miệng cầu xin Đoàn Dự "hạ thủ lưu tình". Đoàn Dự không muốn thấy Vương Ngữ Yên đau khổ, nên vội vàng thu hồi chỉ kiếm. - Lần đầu tiên chịu thất bại quá ê chề, nhục nhã, Mộ Dung Phục không muốn sống nữa, chàng phóng cả người và phán quan bút về phía Đoàn Dự để được kết liễu. Đoàn Dự không nỡ hại, lách mình tránh và bị phán quan bút ghim vào bả vai, máu đổ... Tiêu Phong liền phóng chưởng nhấc bổng Mộ Dung và ném chàng ra xa mấy trượng... Mộ Dung rút bảo đao ra để tự vẫn, thì liền có một luồng sáng bay tới đánh văng đao... rồi có tiếng nói nhắc nhở Mộ Dung Phục về sự nghiệp phục quốc Đại Yên, giúp chàng trấn tỉnh... - Đoàn cung nhân Linh Thứu đến; Cúc Kiếm ném bầu nước lã cho Hư Trúc để phóng "sinh tử phù". Chưởng độc phong của lão quái theo những hạt nước rơi bắn vào Cúc Kiếm khiến nàng ngất lịm... Hư Trúc tung "sinh tử phù" phong tỏa bảy huyệt đạo quan trọng trên người lão quái, khiến ông ta ngứa ngáy, đau đớn không thể chịu nổi, bức cả áo mặc và chòm râu bạc... - Huyền Từ lên tiếng bảo Hư Trúc giải khổ cho lão quái... Hư Trúc cho lão quái giải dược và cứu tỉnh Cúc Kiếm. - Đinh lão quái mất hết kiêu khí, uy phong, người run lẩy bẩy... Các môn nhân thì thiết tha xin gia nhập cung Linh Thứu... - Cưu Ma Trí nhắc Huyền Từ tiếp tục gia hình Hư Trúc. Hư Trúc để mình trần chịu đòn phạt... - Nhìn thấy chín chấm đỏ trên lưng Hư Trúc, Diệp Nhị Nương nhận ra Hư Trúc là con đẻ của bà, bà nhảy vào nói rõ tự sự cho Hư Trúc biết... Hai mẹ con nhìn nhận nhau chi xiết vui mừng! - Vào lúc ấy, Tiêu Viễn Sơn (người áo đen, bố đẻ của Tiêu Phong) lên tiếng nói rõ trước quần hào: Huyền Từ phương trượng, "Thủ lĩnh đại ca", là cha ruột của Hư Trúc. Ông đã bắt cóc Hư Trúc năm lên một, đem để ở vườn rau của chùa Thiếu Lâm, diễn hệt tấn tuồng Huyền Khổ gửi Kiều Tam Hòe nuôi nấng Tiêu Phong. - Huyền Từ nhận lỗi lầm của mình thời trẻ, an ủi Diệp Nhị Nương và Hư Trúc, rồi truyền lệnh y luật gia hình mình hai trăm trượng, không được vị nể... - Các việc làm trong bóng tối của Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đều được phơi bày: + Mộ Dung Bác là thủ phạm tung tin thất thiệt gây ra vụ án Nhạn Môn Quan. + Tiêu Viễn Sơn là người giết Huyền Khổ, ông bà Kiều Tam Hòe, Bạch Thế Kính, Triệu Tiền Tôn ... những người đã tham gia vụ thảm sát Nhạn Môn Quan. - Sau khi chịu hình, Huyền Từ phương trượng, an nhiên "nhắm mắt"... nhiều người đến nghiêng mình bên thi thể phương trượng... - Diệp Nhị Nương tự sát cạnh thi thể Huyền Từ... - Hư Trúc khóc vật vã! 42.2. Ý kiến - Tại hồi 42, dưới chân núi Thiếu Thất, là thời điểm rất quyết định của giang hồ đương thời: hoặc là giang hồ bẻ gãy được một số nhân tố gây sóng gió, hoặc là giang hồ trở nên rối rắm nghiệt ngã hơn. Chiến thắng của Hư Trúc trước Đinh lão quái, của Tiêu Phong trước Trang Tụ Hiền, và của Đoàn Dự trước Mộ Dung Phục là chiến thắng của giang hồ chính phái, và của độc giả đang mải mê theo dõi cục diện: chừng nào sự sống còn có ý nghĩa của khát vọng thanh bình, an lạc, công bằng và hạnh phúc, thì lực lượng ma giáo, tà vạy luôn luôn bị đẩy lùi, như kết quả trận chiến xung đột giữa sáng, tối xảy ra ở Thiếu Lâm. Kết quả ấy hầu như hoàn toàn (hay phần lớn) phụ thuộc vào tư duy và nỗ lực hành động của chính phái, là tác dụng mà giáo lý nhà Phật nhắm đến và nhắc nhở người đời rằng con người hãy làm chủ cái nghiệp của mình. Đây là phần cộng nghiệp (nghiệp chung của tập thể, xã hội). Bên cạnh cộng nghiệp, mỗi hành động của cá nhân còn dẫn đến một hậu quả khác gọi là biệt nghiệp (nghiệp của mỗi người riêng rẽ). Phần hậu quả này có hai mặt mà cá nhân nhận chịu: một để lại trong tâm thức mình vừa làm ray rứt hay gây phấn khởi tâm lý, vừa là chủng tử (hạt giống) để phát sinh ra kết quả ở đời sau; một chịu phản ứng tâm lý và hành động của các cá nhân khác và xã hội trong kiếp hiện sinh. - Bi kịch thì xảy đến ở cả hai cánh chánh, tà. Đấy là cuộc sống. Điểm khác biệt của chánh, tà là: cánh tà luôn hành động vì động cơ dục vọng, tham vọng, sân hận, vị kỷ vô bờ; cánh chánh thì luôn hành động theo đạo lý, theo sự dẫn dắt của tình người, lòng nhân ái, vị tha và vì sự an lành của tập thể, số đông. - Bi kịch đến với Huyền Từ phương trượng Thiếu Lâm thì ngậm ngùi nhất, là sự kiện đáng suy gẩm, nhất là các tư duy về giá trị, đạo đức: cần có tư duy mới về giá trị đạo đức sinh động hơn là tư duy có tính công thức của văn hóa cũ. Cái sai lầm một lần ở thời trai trẻ của Huyền Từ cần được tách khỏi các việc làm đúng và tốt về sau của người, cần được tách khỏi các việc làm của một phương trượng (danh dự của một phương trượng), tách khỏi danh dự của Thiếu Lâm Tự - một việc liên hệ tình cảm với Diệp Nhị Nương; một liên hệ đến sự vụ phục kích ở Nhạn Môn Quan, do Mộ Dung Bác tung tin thất thiệt - và nhất là cần được tách khỏi ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật. Chính quyết định chịu hình phạt đòn đến chết của Huyền Từ là quyết định của một phương trượng, nhưng đấy là những gì chỉ phù hợp với cái nhìn của xã hội đương thời, mà không phải là phù hợp với cái nhìn của giáo lý giải thoát. Chỉ có nụ cười đọng lại trên môi của Huyền Từ khi chết là cái gì ấy của một Thiền sư Phật giáo, rất Phật giáo! Một số quần hùng đến nghiêng mình bên thi thể Huyền Từ là nghiêng mình trước gương mặt và nụ cười thanh thản ấy. Bi kịch tại đây không còn là bi kịch nữa, mà là cái đã làm sáng rực lên nụ cười giải thoát trên môi người. Đây mới thật sự là tư tưởng của tác giả ở ngoài ngôn ngữ của các dòng truyện? |
CÙNG TRỞ VỀ CÁT BỤI |
43.1.
Lược truyện
- Bao Bất Đồng báo cho các trưởng lão Cái Bang biết vụ thảm sát nhiều bang nhân Cái Bang gần đây là do lệnh của Trang Tụ Hiền; Trang Tụ Hiền bảo đó là lệnh của Toàn Quán Thanh. Việc thứ hai thì Bao Bất Đồng cứ nói vòng vo, không nói đích thật sự việc: đó chính là tin Tây Hạ kén Phò mã, chọn anh hùng bốn phương. - Toàn Quán Thanh lại dẽo mồm thuyết phục các đại sư Thiếu Lâm và các trưởng lão Cái Bang cùng đứng ra chủ trì đại cuộc tiêu diệt Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong để trừ bớt họa cho đại Tống, và ông ta đã thành công. - Đoàn cung nhân Linh Thứu, Hư Trúc và đám môn nhân Tính Tú Hải thì bảo vệ an toàn cho 18 hảo hán Khất Đan. Hư Trúc đề nghị để cho Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong ra đi, rồi chàng sẽ bàn bạc sau. Hư Trúc hứa sẽ đứng ngoài, không phản công quần hùng Thiếu Lâm và Cái Bang. Đoàn Dự thì đi theo quần hùng để phòng cần yểm trợ Tiêu Phong lúc nguy biến... - Tất cả đều đổ ra phía sau núi Thiếu Thất, nơi địa thế hiểm trở, thì thấy một vị sư già, áo lam thuộc hàng tu sĩ quét tước phục dịch trong chùa, đang thuyết pháp; trước mặt nhà sư thì có bố con Tiêu Viễn Sơn, bố con Mộ Dung Bác, hai vị Hồ Tăng Triết La Tinh và Ba La Tinh và cả Cưu Ma Trí đứng gần, các Khách Tăng và các sư hàng chữ Huyền đang quỳ gối, cúi đầu, chắp tay, rũ mày nghe Pháp. Lời Pháp vang đến là: "Phật tức thị Tâm; Tâm tức thị Phật; Tâm minh mới thấy Phật, thấy Phật mới minh Tâm" (tr.144, tập IX). Hẳn là trước đó nhà sư áo lam đã thị hiện thần thông về võ thuật và trí tuệ mới thu phục được đám người anh hùng trên. - Vốn Mộ Dung Bác bị Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong rượt đuổi để tiêu diệt; rồi Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí tiếp đến. Hai bên sau khi đấu vài chưởng thì Mộ Dung Bác mới nói rõ tự sự về sự nghiệp phục hưng nước Yên, cầu mong Khất Đan liên kết Tây Hạ, Thổ Phồn đánh Tống để Mộ Dung Phục có dịp phục yên; ông ta sẵn sàng chịu ngồi yên để Tiêu Viễn Sơn đánh chết để rửa hận. Tiêu Phong phản đối, cho rằng việc ấy sẽ làm khổ muôn dân, trăm họ của các nước, chỉ nhất mực đòi trừ khử Mộ Dung Bác. Nhà sư áo lam đứng cạnh cửa sổ nghe rõ tất cả, bèn lên tiếng ca ngợi Tiêu Phong quả là một anh hùng có tâm Bồ tát. - Nhà sư áo lam hiển oai thần võ và nói pháp thức tỉnh Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, hóa giải mộng bá đồ vương và báo phục thê cừu. - Khi Đoàn Dự đi ngang qua chỗ Cưu Ma Trí thì bị Cưu Ma Trí đánh lén ngất đi. Tiêu Phong cứu chàng đưa về ngôi nhà Kiều Tam Hòe để dưỡng thương... 43.2. Ý kiến - Nhà sư áo lam: Một vị sư già, ốm đã sống phục vụ trong Thiếu Lâm Tự hơn 40 năm; hằng ngày chỉ quét lá và lau dọn ở Tàng Kinh Các; chỉ là hàng sư thấp thỏi ở dưới cả hàng chữ Hư; sống lặng lẽ nhưng đã rất thông tuệ, có thiền định sâu, võ công siêu tuyệt không lường; tỏ tường 72 huyền công của Thiếu Lâm; biết rõ từng nhân vật trong hàng lãnh đạo của Thiếu Lâm đã hành đúng, sai thế nào, và đã từng góp ý cho một số lãnh đạo mà không được tiếp thu; biết rõ hành tung của Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Triết La Tinh đã đánh cắp bí pháp như thế nào, ở ẩn luyện công như thế nào, và bị phản tác dụng như thế nào (một hình thức tẩu hỏa); biết rõ Cưu Ma Trí luyện võ phái Tiêu Dao và mạo nhận là 72 huyền công của Thiếu Lâm như thế nào; nhà sư đã chữa trị lành thân bệnh và tâm bệnh cho Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác giúp họ tỉnh ngộ Phật Pháp; nhà sư đã trân trọng ngợi khen Tiêu Phong có tâm lớn của kẻ anh hùng của một Bồ tát ... Thế mà nhà sư vẫn lặng lẽ ở ngoài các trận thư hùng xảy ra ở Thiếu Lâm trong hồi truyện 43 này; chỉ xuất hiện đúng lúc (khế thời), nói đúng pháp (khế lý) chữa trị đúng thân bệnh và tâm bệnh (khế cơ). Danh dự của chùa Thiếu Lâm là ở đây; tỏa sáng giới đức, định đức và tuệ đức của Thiếu Lâm là ở đây; và Phật giáo Trung Nguyên là ở đây; tợ như bí pháp Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công là ở trong Vô Lượng động mà chẳng phải ở ngoài vô lượng phái rộn ràng thị phi - Thật quả là "phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" cái tướng chẳng nói lên được gì bao nhiêu về cái tâm, cái chân. Người đời mãi chạy theo cái tướng để phải rơi vào từ sai lầm này đến sai lầm khác. Hãy lắng nghe tiếng Pháp vọng ra từ nhà sư áo lam lặng lẽ và khiêm tốn ấy: - Khi nghe Tiêu Phong phản đối lời yêu cầu kết hợp giữa Liêu, Hạ và Thổ Phồn để đánh Tống rằng: "... Đại Tống binh nhiều lương đủ, chỉ cần mấy viên đại tướng hết lòng chống cự thì Đại Liêu và Thổ Phồn có hợp lực chiến đấu may ra nếu thắng được, cũng phải máu chảy thành sông, thây chất thành núi, để cho họ Mộ Dung nhà ngươi thừa cơ phục hưng yên quốc. Việc kiến công lập nghiệp cần nhất là phải giữ đất yên dân, ngươi có biết không?" (tr.159, tập IX) Nhà sư áo lam liền khen: "Thiện tai, thiện tai! Tiêu cư sĩ nổi từ tâm, thương xót lê dân thiên hạ, đúng là lòng dạ Bồ tát" (tr.159) - Về Mộ Dung Bác; nhà sư nói: "Mộ Dung cư sĩ vốn thuộc giòng họ Tiên Ty, nhưng ở đất Giang Nam đã mấy đời. Lúc đầu lão tưởng cư sĩ đã hấp thụ được văn hóa Nam triều, ngờ đâu cư sĩ lại lẽn vào Tàng kinh các, đem những lý thuyết về Thiền tông cùng ngữ lục truyền đời của các vị cao tăng mà coi như đồ bỏ, tìm được cuốn Niêm Hoa chỉ Pháp mà tưởng chừng như vớ được đồ chi bảo. Hai vị cư sĩ đều là cao nhân đương thời mà cũng có hành động ngu muội bỏ vật quý lấy vật hèn. Hởi ôi! Hành động ấy làm hại người khác mà lại chẳng ích gì cho mình". (tr. 161, tập IX) Các võ công của Thiếu Lâm, chỉ là pháp phương tiện để luyện tập cơ thể, ngăn ngừa ác nhân hại đời, mà không phải là Chánh Pháp, Phật Pháp, theo lời sư. Nhà sư có lần đã đặt cuốn Kinh Pháp Hoa vào chỗ các huyền công hầu để Tiêu cư sĩ đọc mà tỉnh ngộ, thế mà cư sĩ chỉ chọn sách võ công! Võ công chỉ trừ được thân bệnh và địch nhân tức thời ở ngoài, còn Phật pháp thì trừ được phiền não bên trong, trừ được cái nhân muôn đời của sinh tử, khổ đau. Nắm Chánh Pháp, vì thế, là trí tuệ. Nắm võ công thì quả là mê muội! - Lời sư dạy "Phật tức Tâm, Tâm tức Phật" quả là diệu pháp của Thiền tông Trung Nguyên. Phật ấy là thật pháp Vô ngã pháp. Tâm ấy là chân tâm là thật pháp vô ngã. Thế nên, "Tâm minh mới thấy Phật", "Thấy Phật mới minh Tâm". Thấy Phật, thấy Tâm là thấy rõ sự thật vô ngã tính của thực tại. Đây là linh hồn của Phật pháp, của văn hóa Phật Giáo. Chính linh hồn vô ngã ấy đi vào văn hóa hữu ngã để xóa mờ dần đi các nhân tố gây nên rối loạn và bất an cho cá nhân và xã hội, có tác dụng như thời Pháp của nhà sư quét lá chùa Thiếu Lâm đã thức tỉnh Mộ Dung Bác đi ra khỏi mộng bá đồ vương, và thức tỉnh Tiêu Viễn Sơn đi ra khỏi cái tâm phục báo thê cừu: cả hai người trong 30 năm qua đã giết hại rất nhiều người, và đã gây nên bao khiếp hải, sóng gió trên cõi giang hồ. |
TRĂM NĂM CHẲNG CÓ DUYÊN GÌ VỚI NHAU |
44.1.
Lược truyện
- Đoàn Dự nằm dưỡng thương ở nhà Kiều Tam Hòe - Chung Linh theo dấu Đoàn Dự đến chăm sóc. - A Tử và Du Thản Chi cũng đi vào nhà lão Kiều để nghỉ chân. Đang lời qua tiếng lại, do A Tử đòi móc mắt Chung Linh, thì Tiêu Phong, Hư Trúc và bốn nữ kiếm trở về. - Tiêu Phong dịu giọng giàn hòa với A Tử. - Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác ở lại Thiếu Lâm tự, xuất gia. - Đinh Xuân Thu bị quản cố ở Thiếu Lâm; Hư Trúc sẽ cho lão giải dược "sinh tử phù" hằng năm... - Lan kiếm báo cho mọi người biết Mộ Dung Phục, Vương Ngữ Yên và các anh hùng nhà Mộ Dung lên đường đi Tây Hạ, mà Hư Trúc bảo là dự lễ kén phò mã. - Đoàn Dự, Hư Trúc, Tiêu Phong và các cung nhân, A Tử, Du Thản Chi trở về cung Linh Thứu, trên đường đi Tây Hạ. Đoàn Dự đề nghị đi thăm Tây Hạ một phen... Tiêu Phong tán thành... - Hư Trúc chữa thương cho Du Thản Chi... - Ba Thiên Thạch trao đến Đoàn Dự thư của Đoàn Hoàng gia bảo chàng đi Tây hạ tham dự việc tuyển phò mã để mở rộng bang giao... - Hai cao thủ Thổ Phồn chặn đường các chàng trai trẻ đi Linh Châu, Tây Hạ, gây thương tích nhiều ứng viên... Đoàn Dự, trong lúc tranh cải với cao thủ Thổ Phồn bị hai chàng chụp tay nắm giữ; Đoàn Dự vận Bắc Minh Thần Công thu hết nội lực của hai người, hạ gục đối phương... - Tất cả tiếp tục nhắm hướng hoàng cung Tây Hạ tiến... 44.2. Ý kiến - Cuộc sống là một tương quan nhân duyên, luôn luôn nảy sinh các sự việc mới. Bước qua khỏi cuộc xung trận ở Thiếu Lâm, ba huynh đệ Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự lại lao vào Tây Hạ, nơi kén lương duyên, nhưng lại hội tụ về các tham vọng, mưu đồ chính trị, ngoại giao, kéo theo các tranh chấp lớn ... - Các "vấn đề" đang ở trước mắt mà quần hào sẽ phải đối mặt trong hồi truyện 45: sự việc ở Trung Nguyên và Tây Hạ, Đại Lý, Thổ Phồn, Khất Đan đều ràng buộc chằng chịt nhau; chuyện nơi này cũng có ảnh hưởng đến nơi xa xăm khác... |
CHỐN BÙN LẦY HẸN ƯỚC CHUNG THÂN |
45.1.
Lược truyện
- Thất vọng vì Mộ Dung Phục quyết tranh Phò mã mà xem thường mình, nhất là chàng chỉ lo khôi phục Đại Yên mà không để ý đến tình riêng, Vương Ngữ Yên ở trên mỏm núi gieo mình xuống vực sâu tự vẫn, vừa lúc Đoàn Diên Khánh, Nam Hải Ngạc Thần và Vân Trung Hạc đang dạo bước quanh đó; Vận Trung Hạc phóng đến kịp nắm được tay Ngữ Yên, cả hai sắp rơi xuống vực; Nam Hải Ngạc Thần tiếp cứu, rồi Đoàn Diên Khánh tiếp tay kéo 3 người lên, một mặt phóng gậy sắt mắc vào một cành tùng lớn để giữ lại. Một tay Thổ Phồn lực lưỡng đang xách búa đẵng cây cho bốn người rơi xuống vực... Đoàn Dự, Hư Trúc, Du Thản Chi, Tiêu Phong đến hàng phục tay Thổ Phồn để tiếp cứu. Du Thản Chi ngăn lại, bảo vệ tay Phổ Phồn, ra điều kiện với Đoàn Dự hãy để Du Thản Chi và A Tử đi con đường riêng thì mới chịu cứu... Đoàn Dự đồng ý... Vương Ngữ Yên được cứu, nhưng lòng thì vô cùng sầu muộn. Tất cả vào thành Linh Châu, ổn định chỗ nghỉ cho toàn đoàn ... - Vương Ngữ Yên đang đêm ra ngồi ở bờ hồ thổn thức. Đoàn Dự lo lắng tìm đến, chọn lời an ủi... Vương Ngữ Yên bấy giờ mới chịu giải bày tâm sự. Đoàn Dự rất trân trọng tình cảm của Vương Ngữ Yên, chỉ biểu lộ hết lòng quan tâm đến niềm vui, nổi buồn của nàng. Lần đầu tiên Ngữ Yên nắm tay Đoàn Dự chân thành nói "Đoàn công tử: " Kiếp này Ngữ Yên không thể báo đáp cho công tử được, xin hẹn kiếp sau". Rồi nghẹn ngào... - Đoàn Dự, lại trong đêm, đi ra ngoài xem chừng; chàng bị Mộ Dung Phục chờ sẵn điểm huyệt chàng rồi ném chàng xuống một cái giếng cạn gần đó hầu trừ bớt một địch thủ nguy hiểm có thể cản đường đến phò mã của Mộ Dung... Vương Ngữ Yên nghe có tiếng gọi tên mình liền chạy đến giếng cạn - thật ra nàng đã trông thấy và nghe rõ lời qua tiếng lại giữa Mộ Dung và Đoàn Dự. Nàng trao đổi ít lời với Mộ Dung, thấy rõ thái độ tàn độc và lạnh nhạt của chàng, bất giác nàng kêu khóc Đoàn Dự và nhảy xuống giếng cạn đi theo chàng qua bên kia thế giới... Đáy giếng bỏ hoang nhiều năm chứa toàn bùn và lá khô, nhờ thế Đoàn Dự và Ngữ Yên chỉ ngất một lúc rồi tỉnh, không bị thương tích gì. Hai người ngồi nghỉ dựa lưng vào thành giếng, tâm tình: cả hai đã bộc lộ mối chân tình, sẽ mãi ở cạnh nhau, không để bất cứ nhân duyên gì chia cắt nữa... - Sư Cưu Ma Trí hướng dẫn Thái tử Thổ Phồn đến Tây Hạ quyết đoạt ngôi Phò mã. Sư hành quân rất quy mô để loại bỏ các đối thủ đáng gờm. Từ khi biết rõ Mộ Dung Bác tặng 72 huyền công Thiếu Lâm cho sư là cố ý hại sư, sư đã có cái nhìn khác về nhà Mộ Dung. Sư theo dõi Mộ Dung Phục tối nay, đã nghe và thấy rõ toàn cảnh xử sự ác hại của Mộ Dung, Sư ra mặt buộc Mộ Dung từ bỏ ý định tranh cướp ngôi Phò mã Tây Hạ. Mộ Dung quyết không chịu; Sư liền nhanh tay phong tỏa các huyệt đạo của Mộ Dung, rồi ném chàng xuống đáy giếng, và sai thuộc hạ khiêng đá tảng che bít miệng giếng. - Bất ngờ, tập sách Dịch Cân Kinh rơi theo Mộ Dung, Sư vội vàng nhảy theo để giữ lại. Bây giờ "cơn tẩu hỏa" bộc phát, Sư không vận được nội công, nên cũng bị rơi bịch xuống đáy giếng như Mộ Dung... - Vừa định thần, nghe ra tiếng Đoàn Dự, Sư nhảy đến tóm cổ Đoàn Dự, định bóp chết chàng... Mộ Dung Phục bấm tay vào kẻ gạch để trườn lên miệng giếng, để mặc ba người kia dằn co... 45.2. Ý kiến - Trước cái chết cấp kỳ, người ta chỉ có phản xạ cấp cứu mà không kịp suy nghĩ, và hẳn do không suy nghĩ mà không có thị phi. Hình ảnh Vân Trung Hạc, Nam Hải Ngạc Thần, Đoàn Diên Khánh, rồi Đoàn Dự, Hư Trúc... chỉ hành động cứu nạn cứu khổ mà không còn bận tâm lập luận, tranh cải, thị phi gì, là một bài học về kinh nghiệm tâm thức quý báu. Nếu con người có cái nhìn cấp cứu chính cuộc đời mình, hay cấp cứu tập thể, xã hội, trước cuộc vô thường, khổ đau, thì tâm thức sẽ dễ dàng vượt lên trên các tranh chấp, thị phi, vượt ra khỏi hận tâm và hành động rửa hận. Hình ảnh trên tác giả đã khéo tả, thực sự là hình ảnh rất văn học và rất triết học! Các nhát búa của tay lực sĩ Thổ Phồn chặt vào gốc tùng cho toán bốn người rơi xuống vực thẳm hiện ra như là những nhát búa đang chặt vào tư duy thị phi của con người. - Cưu Ma Trí rủa ngầm nhà sư áo lam rằng: "Thằng trọc già kia nói mình gắng gượng luyện 72 tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, chướng khí tích lại gây ra mầm họa. Sau đó lại luyện môn Dịch Cân Kinh, chân khí trong người đảo lộn và đại họa sắp đến nơi. Chẳng lẽ... chẳng lẽ thằng trọc già đó nói đúng ư?". (tr.289, tập IX) Thực tế, bảy mươi hai Huyền Công là để hàng phục các thế võ nguy hiểm trong thiên hạ, sức mạnh của chúng dễ dàng gây thương tích hay tử vong đối phương. Người sử dụng chúng, luyện tập chúng thì cần tu tập lòng từ, nhân ái, hiệp nghĩa trước thì mới có thể chế ngự ác tâm, sân tâm và hại tâm; nếu không, thì các hận tâm, sân tâm, hại tâm, tánh nóng vội được nuôi dưỡng, phát triển ngày một mạnh hơn. Đây gọi là chướng khí phát tác các bệnh về thân và về tâm. Khi tu tập Dịch Cân Kinh, điều cốt yếu là tâm bình, khí hòa, định tỉnh và đầy lòng từ bi thì mới thành công, vô hại. Với tâm sân, tâm tham, tâm kiêu, tâm hại, người tập luyện sẽ đi vào rối loạn tâm lý, kinh mạch đảo lộn. Do vậy, với tâm chân chính thì luyện võ cũng là cách tu tập tâm. Người tu tập tâm tốt thì võ nghệ sẽ tuyệt luân, điển hình như nhà sư áo lam quét tước giữ Tàng Kinh Các mà tâm giải thoát và tuệ giải thoát rất sâu, võ nghệ thì biến hóa khôn lường. - Truyện ghi: "Người theo Phật Giáo phải quán được thân thể chỉ là một cái túi thối tha, sắc là vô thường, vô thường là khổ, thân không phải là bản ngã, phải biết chán ghét mà rời xa". (tr.305, tập IX) Lời ghi trên của tác giả rất phù hợp với giáo lý nhà Phật. Thấy thân thể xú uế thì lòng tham dục về thân sắc sẽ lặn mất; lòng tham dục lặn, thì tâm lý vị kỷ, chấp ngã sẽ lặn dần theo; tâm lý vị tha, khoan dung phát khởi. Không chỉ nhìn bề trái của thân sắc đẹp, mà cần phải nhìn bề trái của các cảm thọ, các tưởng nghĩ, các tác ý ưa, ghét, các thấy biết từ tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý, thì tâm sẽ rời xa cái dục vọng sẽ từ bi, định tỉnh, tuệ sẽ tỏa sáng. Cái nhìn ấy được gọi là cái nhìn trí tuệ hay nhìn với trí tuệ, có năng lực loại bỏ phiền não cho tự thân, và tích cực hành thiện đem lại an vui, hạnh phúc cho tập thể. Về võ học, cái nhìn trên sẽ tạo nên một tâm lý rất thuận cho công phu tập luyện Dịch Cân Kinh và 72 Huyền Công của Thiếu Lâm, tiêu biểu như trường hợp của Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự. - Giác ngộ dưới đáy giếng bùn lầy: Sư Cưu Ma Trí là vị sư thông minh thông tỏ giáo lý, ý chí tập luyện cao, tham vọng thành tựu lớn, nhưng thiếu cái chân tâm và cái thật tuệ. Tánh kiêu mạn và ham muốn vô độ của sư về võ thuật đã dung dưỡng các ác tâm, hại tâm, sân tâm dẫn đến "chướng khí tẩu hỏa". Sư có được một may mắn từ kiếp trước để lại, bị Bắc Minh Thần Công của Đoàn Dự hóa tán hết nội lực, trở thành người không có võ công. Bắc Minh Thần Công đồng thời làm tiêu chướng khí, tiêu chứng "tẩu hỏa" giúp sư bừng tỉnh, cảm thấy thoải mái như vừa đặt xuống một gánh nặng, mà hồi truyện tiếp theo sẽ diễn rõ... |
|
46.1.
Lược truyện
- Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần, Tiêu Phong và Hư Trúc bàn việc đi tìm Đoàn Dự. Mọi người cứ tưởng rằng Đoàn Dự cùng Vương Ngữ Yên đi ngoạn cảnh quanh vùng. - Mộc Uyển Thanh hóa trang thành Đoàn Dự để đi dự yến do vua Tây Hạ thết đãi. Tất cả tháp tùng Mộc Uyển Thanh. - Trong tiệc rượu, các người của Thái tử Thổ Phồn gây sự với các cận vệ của Thái tử Đại lý một cách sỗ sàng Phía Thái tử Đại lý ứng phó nhẹ nhàng. Đoàn người Nhất Phẩm Đường rất đông, tiến vào đại sảnh và nhiếp yên tất cả. - Sau tiệc rượu, là tiệc trà do Công Chúa thỉnh mời ở một sảnh đường khác: vừa thưởng trà, vừa thưởng thức nhiều danh bút và danh họa. - Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên kịp đến dự tiệc trà, đi vào đoàn của Đại lý. Trước đó, ở đáy giếng, Vương Ngữ Yên hốt hoảng cứu Đoàn Dự, đã cắn vào bả vai của Cưu Ma Trí làm thoát ra ngoài dòng khí phong bế các huyệt đạo, khiến nội lực ông ta bị Bắc Minh Thần Công hút sạch. Sư Cưu Trí mất hết công lực và tiêu luôn bệnh "Tẩu hỏa" thường gây đau đớn. Sư trở nên sáng suốt và hiền hòa, cùng Đoàn Dự và Vương Ngữ yên bám dây ra khỏi giếng. Sư trở thành người nhàn tản, tùy duyên du hành, hoằng dương Phật Pháp. - Vượt qua một ngự hoa viên, đến một tòa lầu giữa một vùng cây cỏ, nơi đây khách dự tiệc có dịp yết kiến Công chúa Ngân Xuyên của Tây Hạ. Sau tiệc trà, thị nữ mời khách dưới 40 tuổi qua một thư phòng rộng để thưởng ngoạn các danh họa và bút thiếp ... - Đằng sau các bức tranh là các đồ họa võ công thượng thừa của phái Tiêu Dao. Một số người tò mò ngắm đồ họa rồi mê mẫn, quay cuồn ... Hư Trúc báo cho Tiêu Phong biết những ai thiếu nội lực hùng hậu xem đồ họa sẽ gặp nguy hiểm. Tiêu Phong báo động ngừng xem đồ họa, rồi quạt tắt hết đèn trong thư phòng, vừa chế ngự người thị nữ của công chúa ... - Một cung nhân lên tiếng: Công chúa sẽ nêu ra ba câu hỏi, quý khách nào có câu trả lời làm vừa lòng công chúa thì sẽ được mời diện kiến. Ba câu hỏi đó là: - Trong đời quý vị, quý vị thấy nơi nào là khoái lạc nhất? - Bình sinh quý vị yêu ai nhất? Người đó tên là gì? - Tướng mạo người mà quý vị yêu ấy ra sao? Các ứng viên lần lượt trả lời và lần lượt được mời qua khách phòng để nhận một bức tranh, hay thư họa làm quà. - Đến lượt cung nữ mời anh hùng Tiêu Phong, sau khi tiếp Mộ Dung Phục; Hư Trúc lên tiếng Tiêu Phong đã đi mất rồi bất đắc dĩ ứng thí. Chàng đáp: - Nơi khoái lạc nhất của đời tôi là ở trong hầm nước đá tối om. - Tại hạ không biết tên vị cô nương đó là gì. - Dung mạo nàng như thế nào, tại hạ cũng không biết nốt ... Nghe ba câu trả lời của Hư Trúc, mọi người đều bật cười vang. Giữa lúc ấy một âm thanh khẽ hỏi Hư Trúc. "Chàng có phải là Mộng Lang chăng?" Hư Trúc run giọng nói: "Nàng ... nàng là Mộng Cô đấy ư? Ta nhớ nàng đến chết được" Hư Trúc bước đến vài bước, đưa tay ra thì có một bàn tay mềm mại nắm tay y và nói với âm thanh rất quen thuộc. "Mộng Lang! ta không tìm thấy chàng, nên phải tìm cách xin phụ hoàng treo bảng văn, để mong chàng trở lại" Thế là Hư Trúc trở thành Phò Mã Tây Hạ! - Hư Trúc gửi một mảnh giấy báo cho Đoàn Dự biết chàng được may mắn ngoài ý muốn ... Rất tiếc là có lỗi với Hoàng gia ... - Mai, Lan Kiếm và Mộc Cô nương báo cho Đoàn Dự biết Đoàn hoàng gia đang gặp cường địch nguy hiểm, phải lên đường gấp để cứu viện ... - Ba Thiên Thạch đến từ giã viên Thượng Thư Tây Hạ, và nhập đoàn về Đại lý tại dịch quán cách xa Linh Châu 30 dặm để bảo toàn ... 46.2. Ý kiến - Giác ngộ của quốc sư Thổ Phồn: Sau khi mất hết công lực, sư Cưu Ma Trí nghĩ thầm: "Như Lai dạy dỗ Phật tử, muốn có hy vọng giải thoát thì đầu tiên phải trừ tham, trừ ái, trừ thủ, trừ triền Thế mà mình chẳng trừ khử được gì, lại còn bị danh lợi buộc chặt vào thân. Hôm nay, võ công mình mất hết, biết đâu đó chẳng phải là Đức Thế Tôn chỉ điểm cho mình cải tà quy chính, để được giải thoát thanh tịnh?" (tr 28 tập X) - Đoàn Dự hỏi: "Bây giờ đại sư có quay về Thổ Phồn không?" Sư đáp: "Lão nạp muốn quay về nơi mà mình đã ra đi, không nhất thiết là Thổ Phồn" (tr 29, tập X) Đoàn Dự lại hỏi: "Vương tử quý quốc đang đến Tây Hạ cầu thân với công chúa, đại sư không đợi kết quả việc này mà đã ra đi ư?" Sư đáp: "Thế ngoại nhàn nhân, sao còn mang những chuyện tục lụy trong lòng? Từ nay lão nạp tấm thân vô định, tùy ngộ nhi an. Nơi mà tâm an lạc, cũng là nơi mà thân an lạc". (tr 29, Tập X) Những lời lẽ của sư bấy giờ đều là những lời lẽ Phật ngữ, nghe đầy an tịnh. Khi mất hết võ công là khi mà các tham vọng danh lợi, cao ngạo, tự ngã sụp đỗ, bấy giờ sư thanh thản không tham, không sân, không si, rời khỏi các nhân tố vô minh: đây là sự hiện diện của minh tuệ cắt đứt sạch các phiền não, khổ đau. Mất võ công và danh vọng trần tục, nhưng sư được cái lớn hơn vạn lần: giải thoát và trí tuệ! Đây là chỗ mà sư nói, "quay về nơi mình đã ra đi". Quê hương của sư bấy giờ là quê hương giải thoát có mặt ở Thổ Phồn và ở khắp nơi. Vì thế sư đã nói, "Từ nay lão nạp tấm thân vô định, tùy ngộ nhi an", tùy duyên mà hành xử giúp đời. - Vương Ngữ Yên kết duyên với Đoàn Dự, Ngân Xuyên Công chúa hòa điệu với Hư Trúc là thuận với tâm lý của độc giả, vừa hợp với đạo lý nghiệp nhân nghiệp quả của nhà Phật. Hai mỹ nhân ấy hiện ra như hai lời ca ngợi muôn thuở cái tâm vị tha của Đoàn Dự và cái tâm vô cầu của Hư Trúc vậy. |
|
47.1.
Lược truyện
- Được thám báo cho biết Đoàn Hoàng gia sẽ từ Trung Nguyên trở về Đại lý, đi qua Thục Nam, Vương phu nhân đứng ra tổ chức thật tốt để bẫy bắt người "bạc tình" đem về "giam giữ" ở Mạn Đà Sơn Trang. - Tình báo cung Linh Thứu báo cho Đoàn hoàng gia tránh cạm bẫy đổi lộ trình chuyển qua hướng khác. Không ngờ "tránh võ dưa lại gặp võ dừa", Hoàng gia lại rơi vào ổ phục kích của Đoàn Diên Khánh và bị tóm gọn. - Đoàn Dự và đoàn người đi theo rơi gọn vào cạm bẫy của Vương Phu nhân tại Thục Nam, bị Túy Nhân Phong và mê dược đánh mê, và bị trói gô chân tay. - Kẻ láo lường cơ hội Mộ Dung Phục bàn kế với Vương phu nhân đem Đoàn Dự làm mồi để bẫy Đoàn hoàng gia (muốn cứu) và Đoàn Diên Khánh (muốn giết)... Mộ Dung công tử bảo: nay một mặt thì bố trí Túy Nhân Phong cùng thuốc mê, một mặt phái người đi dẫn dụ Đoàn Diên Khánh... Vừa dứt câu nói thì Đoàn Diên Khánh xuất hiện nói: "Chỉ cần bố trí Túy Nhân Phong cùng thuốc mê là được". (tr.118, tập X) 47.2. Ý kiến - Đoàn Chính Thuần thân mang trọng trách mà phóng túng trong lãnh vực tình cảm thì rất trở ngại cho các việc lớn của hoàng gia. Một hiện hữu nói chung, một mỹ nữ nói riêng, có mối liên hệ môi sinh và xã hội chằng chịt, vì thế đã đem đến cho Hoàng gia biết bao là rắc rối, rắc rối ở hồi 47 và 48 có lẽ là rắc rối sau cùng mà Hoàng gia để lại cho hậu thế bài học rất đắc giá và rất quý giá rằng: Lòng khát ái thì vui ít khổ nhiều; và sự thật của một hiện hữu không phải là chính nó, mà là các nhân các duyên sinh khởi ra nó. Thấy như vậy để hành xử thích đáng. Đây là cái nhìn và hành xử theo tinh thần Phật giáo được lồng vào cuộc đời tình cảm của một nhân vật. |
ĐỨA CON OAN NGHIỆT BÂY GIỜ LÀ VUA |
48.1.
Lược truyện
- Đoàn Diên Khánh đến. Phong Ba Aùc, Công Dã Càn, Đặng Bách Xuyên, Bao Bất Đồng và Mộ Dung Phục hợp đánh mà vẫn ở thế hạ phong. Chế ngự được Phong Ba Ác , Đoàn Diên Khánh tha chết. Mộ Dung Phục bèn ra hiệu dừng kiếm để trao đổi. Mộ Dung Phục nói rõ đã bắt được Đoàn Dự, mong hai bên hợp tác để sắp đặt Đoàn Diên Khánh lên ngôi vua, còn Mộ Dung Phục về sau sẽ xin viện trợ quân sự để phục hưng nước Đại Yên. - Đoàn Diên Khánh, thuận tình, bảo Nam Hải Ngạc Thần dẫn nhóm người Đoàn Chính Thuần, đã bị điểm huyệt, vào nhà của Vương phu nhân để tiếp tục thương nghị. Nhóm người bị điểm huyệt bao gồm: Đao Bạch Phượng, Cam Bảo Bảo, Nguyễn Tinh Trúc, Tần Hồng Miên, Phạm Hoa, Thôi Bách Tuyền, Quá Ngạn Chi và Đoàn Chính Thuần. - Đoàn Chính Thuần ngạc nhiên thấy mặt Vương phu nhân đang bảo đem Đoàn Dự ra để Đoàn Diên Khánh nhận diện. - Mộ Dung Phục dối trá, vu khống Đoàn Dự đã làm ô uế Vương Ngữ Yên khiến Vương phu nhân nổi khùng đấm đá Đoàn Dự... - Nam Hải Ngạc Thần đến cứu Đoàn Dự, sư phụ của ông, bị Đoàn Diên Khánh đánh chết. Đoàn Diên Khánh đưa gậy lên định giết luôn Đoàn Dự, thì vừa nghe có tiếng nói của Đao Bạch Phượng khéo nhắc lại "hoạt cảnh" giao hợp giữa ông ta và bà (mà ông đinh ninh là Bồ tát áo trắng) hai mươi năm về trước, ông liền ngưng tay nhìn lại gương mặt Đoàn Dự biết là con đẻ của mình, ông sững sốt... - Mộ Dung Phục, ác hiểm hơn, ném Bi Tô Thanh Phong để làm tê liệt Đoàn Diên Khánh và mọi người, và ra điều kiện; Đoàn Chính Thuần phải đăng quang trong vòng hai tháng tới; Đoàn Diên Khánh nhận anh ta làm con nuôi... - Phong Ba Ác phản đối tính toán ấy của Mộ Dung Phục liền bị chàng giết. Ba huynh đệ còn lại ôm xác bạn khóc rồi lặng lẽ ra đi, đi xa... - Đoàn Chính Thuần không chịu nghe theo, Mộ Dung Phục lần lượt giết bà Nguyễn Tinh Trúc, Cam Bảo Bảo, Vương phu nhân. Đến lượt Đao Bạch Phượng, Đoàn Dự thức tỉnh ra khỏi tình cảm tuyệt vọng, nội lực cuồn cuồn tuôn trào, bức được dây trói, phóng Lục Mạch Thần kiếm cứu mẹ. Chàng đánh gãy vụn kiếm của Mộ Dung Phục và đả thương chàng ở bả vai, khá nặng; Mộ Dung Phục khiếp vía chạy trốn... - Hiểu rõ sự tình, Đoàn Chính Thuần vận công lấy kiếm tự vẫn, nằm cạnh các tình nhân, cho trọn tình chung thủy. - Đoàn Dự định phóng chỉ kiếm giết Đoàn Diên Khánh thì bà Đao Bạch Phượng kịp can ngăn, bảo Đoàn Dự đến gần, bà nói rõ câu chuyện, bảo chàng giữ kín, về Đại Lý làm một vị vua tốt, rồi bất giác bà cũng rút kiếm tự vẫn, nằm cạnh phu quân Đoàn Chính Thuần... Đoàn Dự ôm xác bố, mẹ khóc nức nở... Đoàn Diên Khánh lòng cảm thấy phấn khởi, được an ủi và ra đi, đi xa mãi... - Mai kiếm và Lan kiếm đến báo tin Hư Trúc đã chính thức làm phò mã Tây Hạ... - Đoàn Dự và các đại thần Đại lý lo an táng, khâm liệm, và rước linh cửu về hoàng cung... - Giữa đường về, nhóm Ba Thiên Thạch và Vương Ngữ Yên mới hồi tỉnh khỏi ảnh hưởng của Túy Nhân Phong... - Đến nội cung, Đoàn Chính Minh và Đoàn Dự khóc rất đau đớn. Đoàn Dự tâu nhà vua về sự thật chàng là con đẻ của Đoàn Diên Khánh và xin lệnh vua cho chàng rời khỏi hoàng thành. Nhà vua bảo giữ kín chuyện. Vua đã xuất gia, nay truyền ngôi báu cho Đoàn Dự, dặn dò bảo toàn danh dự cho song thân, thương dân và biết nghe các lời can gián... không nên vọng động binh đao... 48.2. Ý kiến - Về một vị vua: Theo truyền thống của giáo lý nhà Phật, qua các kinh liên hệ Chuyển Luân Thánh Vương, nhà vua phải có khả năng, rất đạo đức, trị dân theo chánh đạo, hy sinh vì dân, trọng nhân tài... nếu Đoàn Diên Khánh hiểu biết đạo lý này thì đã không rơi vào từ sai lầm này đến sai lầm khác, và đã không tạo ra nhiều bi kịch cho Hoàng gia. Thái độ của Đoàn Chính Minh và Đoàn Dự là một thái độ nhận thức mới phù hợp với đạo lý nhà Phật, không chấp thủ về huyết thống, tộc hệ, mà chỉ vì an lạc hạnh phúc của toàn dân. Đây là một cái nhìn mới về yêu cầu ở một nhà lãnh đạo mà Thiên Long Bát Bộ giới thiệu. - Về nhân vật Hoàng gia Đoàn Chính Thuần, ông là người đa tài, đa năng và đa tình, là một nhà ngoại giao có tầm nhìn rộng, có nhiều năng lực. Gác lại các nhận định về cuộc đời tình cảm của ông, mà chỉ nhìn về khía cạnh "nhân duyên" ràng buộc các hiện hữu, bạn đọc sẽ thấy rằng: - Nếu không vì an ninh của Đại lý và của Đoàn Hoàng gia, thì Đoàn Chính Thuần sẽ không cưới Đao Bạch Phượng. - Nếu không cưới Đao Bạch Phượng, thì Đoàn Chính Thuần sẽ không bị ràng buộc vào phong tục một vợ một chồng. - Nếu không bị ràng buộc vào tập quán khắt khe ấy, Đoàn Hoàng gia sẽ không gặp rắc rối về các vụ tình duyên, do có thể dễ dàng sắp đặt thuận thảo giữa các bà phu nhân Đại lý hay dị tộc... Đấy là ý nghĩa: "Cái này sanh thì cái kia sanh Cái này diệt thì cái kia diệt" của giáo lý Duyên Khởi của Phật Giáo. - Mộ Dung Phục là một điển hình của "đại tà". Anh ta vận dụng mọi thủ đoạn, và xem tất cả xã hội là công cụ của anh ta để thỏa mãn các tham vọng cá nhân. Đấy là một suy nghĩ rất sai lầm, đi ngược với đạo lý, tình người... Kết quả là, dù rất thông minh tài ba, dù dốc cạn hết năng lực và ý chí để thực hiện ý đồ cá nhân, anh ta vẫn phải chịu khổ thê thảm hơn cái chết: điên loạn. Thiên Long Bát Bộ cho thấy đó là con đường hại mình, hại người, hại xã hội, cần được khóa chặt lại. Qua đó, Thiên Long Bát Bộ còn cho thấy văn hóa Phật giáo không phải chỉ là văn hóa của giải thoát cá nhân, mà còn là văn hóa xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp, ổn định lâu dài, trong mối tương quan rộng rãi khu vực và quốc tế. |
SÁ GÌ PHÚ QUÝ VỚI VINH HOA |
49.1.
Lược truyện
- Ở Đại Lý, Đoàn Chính Minh chính thức truyền ngôi báu cho Đoàn Dự. Cùng lúc, ở Đại Tống cách xa mấy nghìn dặm về phía Bắc, Thái hoàng thái hậu Cao Thị băng hà, Triệu Hú, mới lên 18 tuổi, trực tiếp chấp chính thi hành "biến pháp" của Vương An Thạch, bạc đãi hai vị trọng thần là Tô Thức (Tô Đông Pha) và Tô Triệt (tể tướng), giáng xuống làm quan nhỏ ở Châu, Huyện. - Gia Luật Hồng Cơ, vua Khất Đan, nhân cơ hội cử Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong hưng binh Chinh Nam phạt Tống. Tiêu Phong sợ trăm họ hai nước điêu linh, can gián nhà vua không được, xin treo ấn từ quan (lặng lẽ trốn đi). Hay tin, Gia Luật Hồng Cơ và Mục quý phi đánh độc dược bắt giam ngục Tiêu Phong, tiếp tục điều binh đánh Tống. - Tiêu Phong giục A Tử trốn về Trung Nguyên. Lúc giải Tiêu Phong và A Tử đi qua cầu, A Tử phóng mình xuống dòng sông, lặn mất... rồi về Trung Nguyên cấp báo cho Ngô trưởng lão, Hư Trúc, Đoàn Dự... 49.2. Ý kiến - Gia Luật Hồng Cơ luôn luyện tập quân sĩ, sẵn sàng cho cuộc Nam Chinh, nhòm ngó đến giang sơn trù phú của Đại Tống. Tiêu Phong thì chỉ lo nghĩ bảo vệ biên cương vững chắc, lo cho muôn dân thái bình, hạnh phúc. Liêu, Tống không xâm phạm lẫn nhau. Ở chùa Thiếu Lâm, một lần Tiêu Phong cũng đã phát biểu như thế, và được nhà sư áo lam ca ngợi là Tiêu Phong có tấm lòng của Bồ tát. Đó là cách hành xử đúng đắn và phù hợp với văn hóa Phật giáo. Đoàn Dự và Hư Trúc có cùng cách hành xử như thế. Nếu phóng tầm nhìn ra thế giới, lùi về vài nghìn năm lịch sử trong quá khứ, thì bạn đọc sẽ phát hiện ra một sự thật rằng: các triều đại chủ trương xâm lược đều là các triều đại gắn liền với tôn giáo khác Phật giáo. Đây là điều đáng được thời đại suy ngẫm! |
THÂN TÀN CHƯA TỈNH MỘNG QUÂN VƯƠNG |
50.1.
Lược truyện
- Gia Luật Hồng Cơ hạ lệnh giam Tiêu Phong. Ngự Doanh chỉ huy sứ giam chàng trong chiếc cũi sắt lớn, xích tay chân. Bên ngoài cũi có 100 dũng sĩ với trường thương canh giữ ngày đêm. - Chàng được phục vụ cơm, rượu đầy đủ. Suốt một tháng, ngày nào cũng có thuyết khách đến thuyết phục chàng chấp hành lệnh chinh Nam. Chàng một mực từ khước. - Một hôm A Tử cải dạng làm một lính canh vào báo cho Tiêu Phong biết sẵn sàng đã có cứu viện. Rồi tức thì mở đầu các đợt tấn công: độc xà trận... A Tử nhân lúc quân canh rối loạn, nàng đến chặt đứt dây sắt và song sắt bằng bảo kiếm. - Hoa Hách Cấn đào địa đạo vào và đón Tiêu Phong theo địa đạo ra ngoài. - Đoàn quân Cái Bang, Thiếu Lâm, Linh Thứu và Đại lý hợp sức mở đường ra khỏi thành, đi về Nhạn Môn Quan. Quân của bộ tộc Nữ Chân thiện chiến, anh dũng cũng đến. - Quân giữ thành bị tổn thất nhiều, phía quần hùng cứu viện thì tổn thất ít. - Tướng Tống giữ thành ở Nhạn Môn Quan đóng chặt cửa thành, không cho quần hùng vào lánh. Quân của Gia Luật Hồng Cơ bao vây chặt. Gia Luật Hồng Cơ giáp mặt Tiêu Phong nói những lời mĩa mai. Hư Trúc và Đoàn Dự nhanh như chớp với tuyệt vời võ công phi đến bắt sống liền Gia Luật Hồng Cơ. Tiêu Phong xin nhà vua hạ lệnh lui quân, trọn đời không xâm lấn đất Đại Tống, chàng sẽ bảo đảm an toàn cho nhà vua và các tướng sĩ. Gia Luật Hồng Cơ miễn cưỡng chấp thuận. - Gia Luật Hồng Cơ vừa quay lưng, Tiêu Phong đã tự sát để tỏ lòng trung với Khất Đan, và lòng Nhân đối với Đại Tống. A Tử kéo thi thể Tiêu Phong đến bờ vực, rồi ôm nhảy xuống vực thẳm mà chết... - Hư Trúc, Đoàn Dự quỳ lạy trước vực thẳm rồi vượt núi mà đi. - Tướng giữ ải dâng sớ về triều kể công đã giết được Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong, và xua quân Gia Luật Hồng Cơ về nước. - Đoàn Dự trở về Đại Lý, triều thần và Vương Ngữ Yên ra đến tận biên cương để đón tân vương. Trên đường hồi triều, hai người chứng kiến cảnh ngộ: A Bích đang phân phát kẹo cho lũ trẻ con; Mộ Dung Phục thì ra lệnh cho lũ trẻ tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế... Biết chẳng thể nào thay đổi được gì, Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên lặng lẽ đi, không nén nổi đau lòng. 50.2. Ý kiến Cho đến khi Ngô trưởng lão Cái bang, sau đi được A Tử cấp báo, cho thám báo qua nước Liêu thăm dò biết rõ sự thật Tiêu Phong đang bị giam cầm vì cái tội phản đối cuộc chinh phạt Đại Tống mới dám tin. Lòng sững sốt đầy nỗi ăn năn! Trưởng lão cho Bang chúng truyền tin rất nhanh đi khắp nơi, triệu tập quần hào đi giải cứu. Thiếu lâm chi xiết ngậm ngùi, nhiều đại sư lên đường cứu viện. Đoàn Dự... Hư Trúc với Cung Linh Thứu và quần hào của 36 động, 72 đảo chúa đều vội vã lên đường... Xa rồi những lo âu của Huyền Khổ đại sư, của tiền bang chủ Cái Bang, của Huyền Từ Phương Trượng, của Trí Quang đại Sư, và của nhiều quần hùng! Gia Luật Hồng Cơ giam giữ Tiêu Phong vào ngục đã giúp cho toàn anh hùng Trung Nguyên thức tỉnh, tan hết nghi tâm, làm sống lại trọn vẹn giá trị chân thật anh hùng trong sáng và hào sảng của chàng: hình ảnh Tiêu Phong được phóng lớn vô cùng, còn hình ảnh của quần hùng Trung Nguyên thì thu nhỏ lại, rất bé nhỏ! Tất cả giá trị anh hùng, nghĩa hiệp, trung thực được sống dậy, và tất cả sự hư đối, u ám, tiểu tâm đều nhất thời tan biến: đó là hình ảnh quần hùng Trung Nguyên, Linh Thứu, Đại Lý, Nữ Chân ào ạt đổ vào nước Liêu để giải cứu Tiêu Phong: Thế là Tiêu Phong đã trở thành bất diệt, ở ngoài cái sống và cái chết. Thế nên, sau khi ép Gia Luật Hồng Cơ tuyên bố lui binh và không xâm phạm bờ cõi Đại Tống lâu dài về sau trong triều đại của người, Tiêu Phong đã không còn ngần ngại bóc rõ trái tim Khất Đan của chàng ra cho nhà vua và nhân dân Khất Đan thấy: Chàng sống và chết đều vì nhân dân Khất Đan và Nhân dân Đại Tống, vì lẽ công chính, nhân ái, vì an lạc, hạnh phúc của mọi người. Chỉ là con người, hà tất phải gọi thêm từ ngữ Khất Đan hay Đại Tống. Đấy là trái tim của con người vậy! |
|
|
|
|