Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
(Chim Việt Vành Nam số 19 ngày 03-04-2005)
Ngày 27-1-1945, khi tiến vào giải phóng trại tập trung Auschwitz , Hồng quân Nga đã khám phá ra một cảnh tượng ghê rợn: một trung tâm giết người tập thể, với các phòng hơi ngạt, lò thiêu xác, nhà chứa di vật của các nạn nhân, v.v.

Gần triệu rưởi người đã bị giết hại tại đây, một triệu người vì là gốc Do Thái.

60 năm sau, cùng ngày tháng ấy, đại diện 45 nước họp nhau lại làm lễ tưởng niệm những nạn nhân bị tàn sát và cũng để khẳng định rằng không bao giờ tạo cơ hội cho những tư tưởng điên cuồng kỳ thị chủng tộc như thế có thể nảy sinh.

Ngày nay, thế giới đã nhất trí lên án các hành động có xu hướng kỳ thị chủng tộc, diệt chủng ... Những ai có hành động đó bị xem là phạm trọng tội đối với nhân loại (crime contre l'humanité), có thể bị đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế.

Tại Pháp, những ai có lời lẽ hay hành động có tính cách kỳ thị xúc phạm đến một dân tộc hay một tôn giáo bị xem là phạm pháp, có thể bị truy tố tước tòa án.

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Khinh thị , xúc phạm đến một nền văn hóa, một dân tộc là có tội. Vậy phải nghĩ sao , có thái độ ra sao khi đọc trên sách báo , ta gặp những kẻ buông lời lẽ khinh miệt văn hóa của chính mình, xúc phạm đến chính dân tộc mình ? Có lẽ không tòa án nào đem ra xét sử những kẻ có đầu óc nô lệ khinh thường văn hóa mình, tổ tiên mình, nhưng ánh sáng của lương tri chắc không thể nào tha thứ. Lại thêm một câu hỏi được đặt ra, những kẻ như thế còn lương tri hay không ?

***

Sau những bài giới thiệu cái nhìn của người Nhật, người Mỹ, người Pháp về văn hóa Việt Nam, lần này Lê Văn Hảo bàn tới Sự quan tâm của người Bỉ và người Áo đối với văn hóa Việt Nam.

Mùa xuân về, ta cùng nhau ôn lại các Lễ hội cổ truyền, Từ Tết Nguyên Đán, qua Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Nguyên, Tết Hạ Nguyên, Lễ hội Chùa Hương ...

Nguyễn Dư qua bài Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, luận bàn về những nghề đã từng bao đời gây sóng gió tại xứ ta, mà thực ra cũng chẳng phải chỉ riêng tại xứ ta mà thôi, như nghề làm quan, nghề ăn cắp, nghề đào mỏ, nghề của các chị em buôn hương bán phấn, ...

"Ngày xưa thân ái " của Hòa Đa là những ngày sống tại Lục tỉnh , giữa tâm tư phong tục của người dân Nam Bộ. Theo lời mời của Việt Hải ta ghé thăm Tây Ninh, rồi vượt dải Trường Sơn lên tận vùng núi rừng Việt Bắc, thăm chợ phiên Bắc Hà với những cô gái H'Mong áo quần rực rỡ, với chợ bán Trâu, heo, chó, gà, ... mà có lẽ những người dân thành thị miệt suôi ít gặp, và những người sống xa quê càng không thể nào thấy.

Ta cũng có thể vẫn ở trên núi đồi Nam hay Bắc, nhưng ngược dòng thời gian, theo bộ tranh của Peyrin về thăm các sắc tộc thiểu số cùng các bản làng .

Bước vào lãnh vực Ảnh Nghệ Thuật, mời các bạn đọc bài " Những cái nhìn " của Nhiếp ảnh gia Lại Hữu Đức để thấy sự khác biệt giữa lối nhìn của Nghệ thuật ảnh và lối nhìn thông thường.

*

Vườn tao đàn vẫn là nơi gặp mặt của các nhà thơ quen thuộc

Quỳnh Chi : Yukibotaru - Mẹ - Mưa lành đêm xuân (dịch thơ Đỗ Phủ ) - Đêm trăng trên sông xuân (dịch thơ Trương Nhược Hư ) - Khúc Giang ( dịch thơ Đỗ Phủ ) - Hoa anh đào trong tập cổ thi Manyoshu

. Trần Thế Phong : Một Chút lòng xuân

. Tâm Minh Ngô Tằng Giao : Mưa xuân (Sara Teasdale) - Tơ vương (Amy LowelL)

. Vũ Quyên : Cây bàng trước ngõ - Đưa con về quê hương - Dư âm

. Vũ Tiến Lập : Nụ xuân - Chốn Cũ - Hoa Nguyệt quế

Lần này, Chim Việt xin đặc biệt giới thiệu Thu Nguyệt, một nhà thơ xứ Đồng Tháp, với các tác phẩm : Sao đổi ngôi - Thiền... thử - Hát về con mương nhỏ - Với núi - Hát với con

*

Tết Tây, Tết Ta, Tiệc Cưới, hay buổi tiếp khách quý, không phải chỉ riêng Âu Tây , ngày nay nhiều người Việt cũng thường đãi Champagne. Nhưng người biết thưởng thức Champagne đã chắc gì có kiến thức về Champagne, và ngược lại cũng vậy. Đọc bài của Ái Văn, Em Champagne Má đỏ môi mềm, rõ ràng tác giả quả là người vừa biết thưởng thức , vừa có kiến thức về thứ rượu nổi tiếng này.

Tháng 3 - 4 , mùa xuân , mùa Lễ Phục Sinh, Nguyễn Quý Đại giải thích biểu tượng, nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Phục Sinh, rồi ngay sau đó, bước ra khỏi không gian của tôn giáo-phong tục, đi vào thế giới của kỹ thuật và thị trường , với những Chim sắt khổng lồ đầu thế kỷ 21 , với cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Airbus và Boeing ...

Ta thử phác họa lại vài nét về nhà thơ Hàn Mặc Tử , qua bài " Tiếng Lòng Hàn Mạc Tử " của Việt Hải và "Vài nét chân dung Hàn Mặc Tử, Nhà thơ thiên tài của Việt Nam " của Vĩnh Hồ.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao nhắc lại vài tác phẩm của nhà thơ Chu Văn An.

*

Akutagawa Ryunosuke trở lại với chúng ta qua tác phẩm Mộng Mị (Yume), bản dịch và lời giới thiệu của Đinh Văn Phước : Tác phẩm này được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Phụ Nữ Fujin Koron, vào tháng 11 năm 1926, tám tháng trước khi Akutagawa uống thuốc ngủ tự kết liễu cuộc đời mình. (...) Trong tác phẩm này ông đã viết những chữ "chết cũng được" và "thuốc ngủ". Có thể xem đây là dấu tích báo hiệu sự lựa chọn cái chết của chính ông trong năm sau.

Trong chúng ta, ai là người không biết truyện Tây Du Ký ?

" Tây Du Ký tiêu biểu cho tiểu thuyết chương hồi bình dân Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt xã hội các dân tộc Á Châu. Không những nó đã có mặt từ lâu trong khu vực văn hóa chữ Hán (Trung, Đài, Hàn, Việt, Nhật) mà từ cuối thế kỷ 19, qua các bản tuồng các gánh hát lưu diễn và văn dịch, Tây Du Ký (TDK) đã theo ngọn gió mùa và quang thúng Hoa Kiều đến Thái, Mã Lai, In-đô-nê-xia và các nơi khác trên thế giới. Âu Mỹ cũng đánh giá cao TDK, (...)

" Do đó, ta không lạ gì khi thấy trong số học giả Nhật có người như Nakano Miyoko bỏ gần cả cuộc đời để nghiên cứu Tây Du Ký. (...)

Nguyễn Nam Trân , qua bài " Quá trình xây dựng nhân vật Tôn Ngô Không " hay "Tiểu thuyết Tây Du Ký dưới cái nhìn dân thoại học " : " ... trình bày một số thông tin trích từ hai tác phẩm của bà là Tôn Ngộ Không chào đời (Son-Go-Ku no tanjô, 292 trang, bản năm 2002), và Bí mật bên trong Tây Du Ký (Saiyuki no himitsu, 368 trang, bản 2003), đều do Iwanami Shoten tái bản với khổ bỏ túi. Tựa đề và tiết đều do người biên dịch tạm đặt."

Nguyễn Nam Trân giới thiệu Nakajima Atsushi qua tác phẩm Gào Trăng Trong Núi :

Gào Trăng Trong Núi (Sangetsuki, Sơn Nguyệt Ký) mượn tích Nhân Hổ Truyện, một thiên truyền kỳ đời Đường do Lý Cảnh Lượng soạn, trích từ tác phẩm Cựu Tiểu Thuyết Ngô Tăng Kỳ biên. Tuy nhiên, chắc chắn thể nghiệm thân xác bị suyển hành hạ của Nakajima Atsushi cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tác phẩm. Qua nó, chúng ta thấy bóng dáng Hoá Thân (Metamorphose) (người biến thành sâu) của văn hào Tiệp gốc Do Thái Frank Kafka và những truyền thuyết về người hóa sói ở Âu Châu nhưng diễn ra trên một bình diện và mang một ý nghĩa khác.

Phạm Vũ Thịnh dịch truyện " Nàng Ipanema Năm 1963 / 1982 " của Murakami Haruki.

Người ta thường nói Trà đạo, Võ Sĩ đạo, Nhu đạo, ... nhưng Quỳnh Chi lại nói tới " Cà phê đạo " vậy Cà phê đạo là gì ?

*

Tiếp tục trên con đưòng tìm hiểu Lịch sử Việt Nam từ thời Mê Linh liệt nữ trở về trước , Trương Thái Du lần này tự cho mình một thách đố : " Thử viết lại cổ sử Việt Nam"

CVCN số trước đã giới thiệu Hát bài chòi của miền Trung, lần này xin mời bạn tìm hiểu nghệ thuật Hát Chèo truyền thống.

Trần Xuân An chuyển tới chúng ta những suy nghĩ về " Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi (05 tháng 7.1885) "

*

"Người ta thường nói đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ.

Đối với nhiều người Phật tử, từ bi là quan trọng hơn cả, và nếu không có từ bi thì không có đạo Phật. Đạo Phật là con đường diệt khổ, vậy thì từ là đem vui, bi là cứu khổ, còn gì đúng hơn nữa khi nói đạo Phật là đạo của từ bi ?"

Tuy nhiên, qua bài " Trí tuệ trong đạo Phật " , Nguyên Phước nghĩ rằng " trí tuệ mới chính thực là đặc điểm, là nền tảng, là cốt tủy của đạo Phật."

Nguyễn Thị Chân Quỳnh tiếp tục tìm hiểu chế độ đào tạo, chiêu mộ sĩ phu ngày xưa , cũng như tìm cách giải đáp một vài câu hỏi được nêu ra trong văn học sử : - Ai là chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1907) : Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục ? - Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không ?

Chim Việt Cành Nam số 19 mới chỉ có bấy nhiêu, còn một số bài sẽ được đưa thêm trong những tuần tới... Khi rảnh rỗi mời bạn ghé qua.

***

Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]