Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
(Chim Việt Vành Nam số 18 ngày 01-01-2005)
Năm 2004 kết thúc với những đợt sóng thần hãi hùng tràn vào hải đảo, vào ven biển các nước vùng Nam Á , san bằng thị thành, làng mạc, cuốn đi hơn 160 000 người.

Sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần bỗng khiến ta bừng tỉnh, thấy cái bé bỏng vô nghĩa của con người trước thiên nhiên. Ta chợt hiểu , hay chợt nhớ, rằng thiên nhiên không phải chỉ là nguồn tài nguyên vô tận cho ta khai thác mà những lúc giận dữ cũng còn là hung thần tàn sát thẳng tay.

Bài học thứ hai cho ta là những khó khăn trong đời sống hàng ngày của mình hay của những người thân cận thật là bé bỏng trước những đau thương của hàng trăm ngàn người thiệt mạng, là dân địa phương sinh sống ven biển hay du khách phương Tây tìm nơi nắng ấm, của hơn 5 triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm thiếu áo.

Bài học thứ ba là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tình đoàn kết tương thân tương trợ đã bao trùm lên toàn thế giới. Những người dân nghèo khổ tại chính những nơi gặp nạn đã không do dự chia cơm xẻ áo với những người vừa thoát khỏi đợt sóng thần. Dân các nước phương Tây , kể cả phạm nhân trong một nhà tù nọ miền Bắc nước Pháp, như thi nhau tìm sáng kiến quyên góp giúp người bị nạn. Tiền bạc, tặng vật từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Con người dường như bỗng ý thức rằng, vượt lên trên mọi biên giới quốc gia, chủng tộc, mọi ý thức hệ, tất cả loài người đều " đồng hội đồng thuyền " trên trái đất nhỏ bé này, một hạt cát trong vũ trụ mênh mông không bờ bến.

Nhưng chỉ trong vài tháng nữa , không biết những điều chợt hiểu ngày hôm nay sẽ còn được ghi nhớ hay chìm dần trong cuộc giành sống hằng ngày, dân xứ nghèo tiếp tục đốn rừng, phá núi mà ăn, dân xứ giàu tiếp tục đốt không khí, thải chất độc , chọc thủng màn Ozon mà hưởng thụ, con người tiếp tục khiêu khích thiên nhiên, khiêu khích nhau chém giết lẫn nhau , ...

Phải chăng đây cũng là mối lo ngại của Giáo sư Lê Văn Tâm, khi cách đây vài năm đã viết bài : " Đạo Phật đối với vấn đề Phát triển lâu bền và Bảo vệ Môi trường " ?

***

Chim Việt Cành Nam xin kính chúc các bạn một năm mới an lành và xin mời dạo chơi Vườn Chim Việt thứ 18.

Vào hậu bán thế kỷ thứ 19, người Pháp tiến vào Việt Nam, khởi đầu là dân giang hồ tứ chiếng nửa buôn nửa cướp, rồi tới quân đội chính quy. Triều đình bối rối không biết sử trí ra sao, nhượng ba tỉnh, sáu tỉnh, rồi từ từ cả nước rơi vào tay người Pháp.

Ngày nay không ít người nghĩ rằng họa mất nước là do lỗi chế độ ta ngày xưa không biết canh tân kịp thời. Nói như vậy chắc cũng không sai, nhưng nếu nhìn lại tình hình chung trên toàn thế giới vào thế kỷ thứ 18,19 thì nước ta không phải là nước duy nhất bị xâm chiếm , các nền văn minh khác nhau như Ấn Độ, Trung Quốc, Hồi giáo, Mỹ châu ... hầu hết đều nằm dưới sự chi phối của đôi ba đế quốc Âu tây.

Không một sự việc nào chỉ có một nguyên nhân duy nhất.

Trước hết, nước ta rơi vào tròng nô lệ vì người Pháp quá hùng mạnh , đây là điều hiển nhiên.

Nguyên nhân thứ hai là vào thời đó hệ thống chính trị, và hệ thống đào tạo nhân sĩ của ta cũng đang gặp khủng khoảng trầm trọng. Mời các bạn cùng Nguyễn Thị Chân Quỳnh xem lại cách đào tạo , chiêu mộ sĩ phu thời đó qua loạt bài " Lối xưa xe ngựa ... " với hai bài đầu " Khoa cử ở Việt Nam , công hay tội ? " và " Phép thi nghiêm mật ".

Nguyên nhân thứ ba là vì có những người Việt, với lý do này hay khác, làm nội ứng cho Tây. Ta bước qua xem bộ ảnh chụp thời 1920 - 1930 do quan ba Peyrin để lại, ngắm những binh lính An-Nam trong quân đội Pháp , ngực đầy huy chương. Vào đầu thế kỷ 20, mỗi huy chương hẳn đã có một quá trình sắt máu qua các chiến dịch bình định, diệt "pirates" .

Bước sang lãnh vực khác, mời bạn xem (cậu học trò) Nguyễn Dư viết luận văn giải quyết các mâu thuẫn vì sao đã "nói có sách mách có chứng " mà lại còn " tận tín thư bất như vô thư "? có một hay hai Đinh Lễ? làm sao Đinh Lễ vừa là con vừa là cha Đinh thế Biểu ? làm sao Đinh Thị Ngọc Kế vừa là em gái vừa là cháu nội Đinh Lễ ?

Bài luận văn chưa viết xong, một đầu bài mới được phát ra : "nhiều con giòn mẹ " nghĩa là gì? giòn là đẹp ? là giỏi ? là mòn ? là dễ gẫy ? ... Để giải mã câu này, xin đừng bao giờ quên là từ bắc chí Nam, tuy dân ta chỉ có một thứ tiếng, nhưng nhiều khi, cùng một chữ mà tùy vùng nghĩa có khác nhau. " Xúi (Nam) nghĩa là xui (Bắc) và xui (Nam) nghĩa là xúi (Bắc)! "

Nón nầy che nắng che mưa , Nón nầy để đội cho vừa đôi ta (Ca dao)

Chiếc nón đã là nguồn cảm hứng của nhiều bài thơ, nhiều câu ca dao, nhưng trước hết chiếc nón vẫn là công cụ che nắng che mưa. Ta cùng Nguyễn Quý Đại lật nhìn mọi bề của " chiếc nón quê hương", nón nên thơ, nón ca dao, nón che mưa che nắng cũng như làm sao có nón ...

Hồ Đắc Duy giới thiệu Chùa Thánh Duyên, một ngôi chùa miền Trung.

Ta ra bắc cùng Đức Bổn lên Hành hương Yên Tử.

Xin giới thiệu cùng các bạn ưa thích ảnh nghệ thuật hai nhiếp ảnh gia đã gặt hái được nhiều huy chương quốc tế : Phí Văn TrungVương Niên.

Các bạn muốn tìm hiểu ảnh nghệ thuật có thể đọc bài của nhiếp ảnh gia lão thành Lại Hữu Đức : Đường nét trong bố cục . Bài này được viết năm 1973. Qua những hình ảnh, thí dụ cụ thể, dễ hiểu, tác giả dẫn dắt ta xây dựng bố cục ảnh cho vững chắc, bước đầu của sáng tác.

Cũng như mọi khi, Vườn thơ Chim Việt cô đọng những tâm tình của người Việt xa quê : Quỳnh Chi , có lẽ thay mặt tất cả các bà mẹ, thú tội quá thương con, cố gắng bao nhiêu cũng không sao sửa đổi. Nguyễn Văn Nghiêm và Phạm Tiến , qua thơ đối đáp, tìm cách trả lời cho câu hỏi : Ta là ai ? Đây cũng là câu kết của tác phẩm "Hiệp Khách Hành" của Kim Dung. Để thưởng thức các bài thơ kế tiếp, có lẽ không nên luôn luôn hiểu " em " chỉ là " em " .

Xin mòi các bạn xem thơ :
. Quỳnh Chi : Lòng mẹ - Tương tư (Lương Ý Nương) / Phố Cổ Hội An - Thương Mãi Ngàn Năm - Ăn Cơm với Cá - Mì Quảng
. Nguyễn Văn Nghiêm - Phạm Tiến : Ta là ai ?
. Vũ Tiến Lập : Của tháng giêng - Chiều cuối năm - Dạ khúc xuân
. Vũ Quyên : Đêm Vô Cùng - Nhớ và Quên - Từ em cổ tích chập chùng liêu trai
. Nguyễn Thế Tài : Bốn mùa với em : Thơ là người hay người là Thơ?
. Anh Vân : Tình khúc cho em - Ta vẫn chờ em

Trong số trước Ái Văn khoe biết 2 trên 3 thứ : trà, rượu và ... cái thứ ba thì cạy răng cũng không dám bàn tới. Rượu đã bàn qua rồi, giờ Ái Văn xin "nói chơi về Trà ".

Tết Tây vừa qua, Tết Ta sắp tới. Qua bài "Kể Chuyện Làng Quê " Hòa Đa nhớ lại những kỷ niệm thuở nhỏ tại một làng miền Trung, vùng Bình Thuận, với tục chơi Bài chòi vào dịp Tết, các chò trơi tai quái của lũ trẻ con, ... Những "Kỷ Niệm Về Tết " tại phố cổ Hội An với tiếng pháo Giao thừa, thức khuya luộc bánh , .... trở về trong ký ức Quỳnh Chi. Nhân dịp Tết Ất Dậu, Nguyễn Quý Đại cống hiến bạn ghé thăm vườn một bài sưu tầm và tản mạn về gà : "Gà Ta Gà Tây " .

Mời bạn dạo qua làng văn học thế giới với Ngô Tằng Giao qua các bài thơ Một Bông Hồng Đỏ (Robert Burns) - "Ví Em Ngày Hạ Được Chăng? " ( William Shakespeare) - Hoa Thủy Tiên (William Wordworth ), văn học Mỹ với chuyện dịch của Miêng : Hai mươi năm sau, và trích đoạn tác phẩm của Cao Hành Kiện , giải Nobel 2000 , do Nguyễn Hồi Thủ dịch : Ông thợ giầy và cô con gái.

Đọc bài của Đinh văn Phước : Akutagawa dựa vào đâu để viết Sợi Tơ Nhện ? (Lạc bước vào rừng hoa văn hóa), ta thấy rằng khẳng định " Đông là Đông, Tây là Tây , Đông và Tây không bao giờ gặp nhau " của Rudyard Kipling rõ hẳn không đúng. Cùng một câu chuyện xuất hiện với nhiều tựa đề khác nhau, tại Nga, tại Mỹ, được dịch qua tiếng Nhật mà lại mang mầu sắc Phật Giáo, ảnh hưởng tương quan qua lại giữa các nền văn hóa, tư tưởng Đông và Tây là hiện thực.

Với tác phẩm "Chiếc mùi-soa" , trong đó, " Akutagawa Ryuunosuke đặt lại vấn đề giá trị đích thực của vũ sĩ đạo ", bối cảnh truyện cũng là một cuộc giao lưu văn hóa Đông và Tây.

Chúng ta tiếp tục thăm vườn văn học xứ Phù Tang với DTTM qua truyện " Hoa Chúc (Funahashi Seiichi) " và Phạm Vũ Thịnh với truyện " Cô Gái Trăm Phần Trăm Trong Một Sáng Đẹp Trời Tháng Tư (Murakami Haruki ) "

Trương Thái Du đặt lại vấn đề đâu là nguồn gốc đích thực của dân tộc Việt qua hai bài : " Việt Nam thời bán sử và những thông điệp nhân văn " và " Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và sự sa lầy của sử học Việt - Trung "

Lê Văn Hảo tiếp tục duyệt lại những tái độ của thế giới đối với Văn Hóa ta ( " Sự quan tâm của người Mỹ với Văn Hóa Việt Nam " và " Sự quan tâm của người Pháp với Văn Hóa Việt Nam " ).

Mời các bạn thích sử vào đọc :

. Trần Trúc Lâm : Người Miêu : Lịch Sử Của Một Dân Tộc Lưu Vong

. Hồ Đắc Duy : Thánh địa Mỹ Sơn : Lịch sử, cấu trúc

Để chấm dứt, ta cùng bác sĩ Nguyễn Lưu Viên : Thưởng thức Cổ Nhạc Miền Nam và Vọng Cổ
 

Chim Việt Cành Nam (*)
Những bài được đưa thêm sau ngày 01-01-2005 :

. Nguyễn Tường Bách : Thiên thần đã mất ?

-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]