HomeIndex

Triệu Châu Tòng Thẩm

趙 州 從 諗; C: zhàozhōu cóngshěn; J: jōshū jūshin; 778-897;

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ thượng thủ của Nam Tuyền Phổ Nguyện. Thiền sư Nhật Bản Ðạo Nguyên Hi Huyền – nổi tiếng là khó tính trong việc đánh giá mức giác ngộ của các Thiền sư – cũng công nhận Triệu Châu là »Ðức Phật thân mến.« Sư có 13 truyền nhân nhưng không mấy ai được gần bằng Sư và dòng này thất truyền chỉ sau vài thế hệ.

Cuộc đời Triệu Châu cho thấy điều mà các Thiền sư hay nhấn mạnh rằng, Kiến tính chỉ là bước đầu của việc tu học Thiền. Triệu Châu đã kiến tính từ năm 18 tuổi nhưng sau đó còn học Thiền 40 năm với Nam Tuyền. Sau khi Nam Tuyền qua đời, Sư vân du đọ sức với các Thiền sư khác trong những Pháp chiến. Tương truyền rằng Sư đã tìm gặp khoảng 80 Thiền sư, phần lớn là những môn đệ đắc pháp của Mã Tổ (thầy của Nam Tuyền) để vấn đạo. Ðến năm 80 tuổi Sư mới chịu dừng chân tại viện Quan Âm, Triệu Châu. Nơi đây Sư tùy cơ dạy học trò và thọ đến 120 tuổi.

Sư họ Hác, quê ở làng Hác, thuộc Tào Châu. Sư theo thầy xuất gia khi còn nhỏ. Chưa thụ giới cụ túc, Sư đã đến tham vấn Thiền sư Nam Tuyền. Gặp lúc Nam Tuyền đang nằm nghỉ trong phương trượng, Nam Tuyền hỏi Sư: »Vừa rời chỗ nào đến?« Sư đáp: »Thụy Tượng.« Nam Tuyền hỏi: »Có thấy Thụy Tượng chăng?« Sư đáp: »Chẳng thấy Thụy Tượng, chỉ thấy Như Lai nằm.« Nam Tuyền liền ngồi dậy hỏi: »Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?« Sư đáp: »Sa-di có chủ.« Nam Tuyền hỏi: »Ai là chủ?« Sư khoanh tay đến trước mặt Nam Tuyền thưa: »Giữa mùa đông rất lạnh, kính chúc Hòa thượng tôn thể an lành.« Nam Tuyền thấy lạ, gật đầu thầm nhận.

Một hôm Sư hỏi Nam Tuyền: »Thế nào là đạo?« Nam Tuyền đáp: »Tâm bình thường là đạo« Sư hỏi: »Lại có thể nhằm tiến đến chăng?« Nam Tuyền đáp: »Nghĩ nhằm tiến đến tức trái.« Sư lại hỏi: »Chẳng nghĩ suy đâu biết là đạo?« Nam Tuyền đáp: »Ðạo chẳng thuộc về hiểu biết hay không hiểu biết. Biết là vọng giác, không biết là vô kí. Nếu thật đắc đạo thì chẳng còn nghi ngờ, ví như hư không thênh thang rộng rãi, đâu thể cưỡng nói phải quấy.« Sư nhân đây ngộ đạo, và sau đó đi thụ giới tại Tung Nhạc. Thụ giới xong, Sư lại đến Nam Tuyền và lưu lại đây 40 năm

Sau khi Nam Tuyền viên tịch, Sư mang bát gậy dạo khắp các tùng lâm và thường tự bảo: »Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy va.«

Sư đến thăm Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Hoàng Bá thấy Sư liền đóng cửa phương trượng. Sư cầm lửa đi vào pháp đường la: »Cứu lửa! Cứu lửa!« Hoàng Bá mở cửa nắm đứng Sư hỏi: »Nói! Nói!« Sư bảo: »Giặc qua rồi mới dương cung.«

Ðến Ðạo Ngô Viên Trí, Ðạo Ngô thấy Sư liền nói: »Mũi tên Nam Tuyền đến.« Sư bảo: »Xem tên!« Ðạo Ngô nói: »Trật rồi!« Sư nói: »Trúng!«

Sư thượng đường dạy chúng: »Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong. Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như, Phật tính trọn là y phục đắp vào thân, cũng gọi là phiền não, thật tế lí địa để ở chỗ nào? Một tâm không sinh, muôn pháp không lỗi. Ngươi cứ nghiên cứu lí này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì chặt đầu Lão tăng đi! Nhọc nhằn nắm bắt mộng huyễn không hoa, tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Ðã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống y như con dê gặp vật gì cũng liếm cũng nhai. Lão tăng thấy Hòa thượng Dược Sơn có người hỏi Ngài liền bảo ›Ngậm miệng chó.‹ Lão tăng cũng dạy ›Ngậm miệng chó.‹ Chấp Ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp chỗ nào? Ngàn người muôn người thảy là kẻ tìm Phật, mà ở trong đó tìm một đạo nhân không có. Nếu cùng vua Không làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh khó trị. Khi chưa có thế giới, trước đã có tính này, khi thế giới hoại, tính này chẳng hoại. Một phen được thấy Lão tăng, sau lại chẳng phải người khác, chỉ là chủ nhân này. Cái đó lại hướng ngoài tìm cái gì? Khi ấy chớ xoa đầu moi óc, xoa đầu moi óc liền mất vậy.«

Một vị tăng nghe vậy bước ra hỏi: »Theo lời thầy dạy ›Khi thế giới hoại, tính này chẳng hoại‹, thế nào là tính này?« Sư trả lời: »Tứ đại, Ngũ uẩn.« Tăng lại hỏi: »Các thứ ấy vẫn là hoại, thế nào là tính này?« Sư đáp: »Tứ đại, ngũ uẩn.«

Triệu Châu có một cách dạy học trò rất độc đáo. Thường Sư nói rất nhỏ, rất nhẹ nhàng, trả lời ngắn gọn và đơn giản các câu hỏi của thiền sinh. Tuy thế các câu trả lời đó lại có sức mạnh phi thường, cắt đứt vô minh và chấp trước của người hỏi như một lưỡi kiếm bén. Nhiều Công án Thiền nổi tiếng xuất phát từ những giai thoại của Sư với các đệ tử, như công án thứ nhất trong tập Vô môn quan:

Một vị tăng hỏi Sư: »Con chó có Phật tính chăng?« Sư đáp: »Không!« (; vô)

Kể từ lúc công án trở thành một phương pháp dạy Thiền thì công án »Triệu Châu cẩu tử« nói trên đã giúp vô số thiền sinh kiến tính và vẫn được sử dụng đến ngày nay. Các Thiền sư sau này rất quí trọng những lời nói của Sư. Biểu hiện rõ của việc này là Sư được nhắc lại rất nhiều lần trong trong hai tập công án quan trọng nhất của Thiền tông là Bích nham lục (2, 9, 30, 41, 45, 52, 57, 58, 59, 60, 84, 96) và Vô môn quan (1, 7, 11, 14, 19, 31, 37).

Sư sống rất kham khổ, đơn giản. Tương truyền Sư có một cái giường gãy một chân được ràng ròt lại. Có người muốn thay giường mới nhưng Sư không cho phép. Hai vị vua nước Yên và Triệu đồng ra mắt Sư, Sư vẫn ngồi yên tiếp, không đứng dậy. Vua Yên hỏi: »Nhân vương đáng tôn trọng hay Pháp vương đáng tôn trọng hơn?« Sư đáp: »Nếu ở trong Nhân vương thì Nhân vương trọng, nếu ở trong Pháp vương thì Pháp vương trọng.« Hai vị nghe xong vui vẻ kính phục.

Niên hiệu Càng Ninh năm thứ tư đời Ðường, Sư nằm nghiêng bên mặt an nhiên viên tịch, thọ 120 tuổi. Vua ban hiệu là Chân Tế Ðại Sư.